Thứ Tư
24 Apr 2024
11:16 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » VẺ VANG DÂN VIỆT » Dịch giả Nguyên Phong - Giáo Sư John Vũ (Nguyễn Văn Phước)
Dịch giả Nguyên Phong - Giáo Sư John Vũ
saigoneses Date: Thứ Ba, 20 Aug 2019, 2:23 AM | Message # 1
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng

Chân dung vị giáo sư gốc Việt từng đứng trong top 10 những người sáng tạo nhất thế giới cùng Bill Gates, Steve Jobs



Cuộc điện thoại lúc 2h sáng

Cách đây đã khá lâu, vào một buổi tối trong lúc gặp nhiều khó khăn về tinh thần cuộc sống, tôi tình cờ được đọc cuốn sách đặc biệt Hành Trình về Phương Đông của dịch giả Nguyên Phong (bản in cũ sờn gáy từ rất lâu rồi mượn được của người bạn). Tôi chọn một nơi yên tĩnh để đọc cuốn sách này - hay đúng hơn là cầm cuốn sách để dỗ giấc ngủ, vì tên cuốn sách cũng gợi một điều gì đó rộng mở cần khám phá - và nhất là biết rõ tên cuốn sách cũ sẽ chẳng hề liên quan gì đến những vấn đề đang nặng nề trong tâm trí mà tôi đang muốn thoát ra. Nhưng thật lạ lùng, cuốn sách như hút lấy tâm trí tôi với những bí ẩn vô hình trong thế giới chúng ta đang sống từng bước được giải mã, sáng tỏ. Tôi đọc một mạch xong cuốn sách và quay lại các phần đọc lại để ráp nối các khám phá kỳ thú đến kinh ngạc được sắp xếp kết nối với nhau một cách thật logic, khoa học - đến khi trời gần sáng mà không hề thấy mệt. Đọc xong cuốn sách tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng, bừng sáng, như đã giải quyết xong mọi vấn đề lo nghĩ bận tâm của mình trước giờ.



Cuộc thám hiểm khám phá những điều huyền bí từ những đạo sĩ bí ẩn Ấn Độ của những nhà khoa học Anh Quốc thời xưa trong câu chuyện cũng là ước mong khám phá của chính mình. Cuốn sách đã làm tôi sáng tỏ hầu như những thắc mắc lúc bấy giờ về nhân quả, tâm linh, luân hồi, tôn giáo, về Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo... và các loại đạo khác trên thế giới. Sau này tôi tìm hiểu mới biết cuốn này cùng với những cuốn Nguyên Phong chọn dịch là những cuốn sách được người Việt Nam đọc nhiều nhất, ngang với Đắc Nhân Tâm, Quẳng Gánh Lo Đi, Hạt Giống Tâm Hồn... dù không được giới thiệu quảng bá gì, chủ yếu do truyền miệng vì những cuốn sách này thực sự hay và giúp ích được cho nhiều người - vì người Việt Nam từ trong tiềm thức, bản năng rất muốn, rất thích khám phá, muốn có những trải nghiệm về tâm linh, nhân quả và hiểu về cách sống thuận với những qui luật vô hình của đất trời, vũ trụ.


Bộ sách của GS John Vũ


Gấp cuốn sách lại, tôi rất xúc động, và tự nhiên có một ý tưởng, ước mong thật sự là được chính thức xuất bản cuốn sách quí giá này. Vì trước giờ First News luôn đi tìm kiếm những cuốn sách hay của các tác giả nổi tiếng trên thế giới về giới thiệu với bạn đọc Việt Nam thì First News rất nên có cuốn sách giá trị do một người Việt Nam dịch, viết này, để bạn đọc có thêm một đầu sách hay cũng như hy vọng có thể giúp được những ai đó trong hoàn cảnh như tôi đã từng tình cờ đọc được.

Nhưng suốt một thời gian dài, tôi cùng các cộng sự First News tìm cách liên hệ với dịch giả Nguyên Phong bằng mọi hình thức, dù được biết dịch giả đã rời Việt Nam từ trước 1975. Nhiều người kể rằng, rất khó có ai tiếp cận được với ông khi để cập về việc xuất bản sách, rất nhiều người từng đến gặp, liên hệ với ông về các tác phẩm của ông trong hàng chục năm nhưng đều không được hồi đáp.

Không nản lòng, trong nhiều năm, tôi đã kiên trì tìm nhiều cách tìm kiếm, liên lạc với ông, và sau cùng, ơn đất trời, ông đã nghe cuộc điện thoại tôi gọi từ Việt Nam đến văn phòng ông ở Đại Học Carnegie Mellon ở Mỹ lúc 2h sáng giờ Việt Nam, cuộc nói chuyện kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Rất mừng vui, sau đó Trí Việt - First News được dịch giả Nguyên Phong - giờ là Giáo sư John Vu, từng là Vice President của Boeing, đang là Viện Trưởng Viện Công Nghệ Sinh Học Đại Học Carnegie Mellon, một trong 10 người sáng tạo nhất nước Mỹ đứng sau Bill Gates và Steve Job - gửi văn bản ký tên xác nhận đồng ý cho First News - Trí Việt in, xuất bản tất cả các tác phẩm do Giáo sư dịch, phóng tác, viết từ trước tới giờ.

Tôi và tất cả anh em Trí Việt đều quá đỗi mừng vì ước mơ đã thành sự thật. Riêng tôi đến giờ còn rất ngạc nhiên, không hiểu sao, cho đến ngay cả lúc này, tôi chưa từng có dịp được gặp Giáo Sư, dù trước đó rất nhiều người, không chỉ ở Việt Nam, Mỹ và Canada... tìm gặp mà không thành - Giáo Sư đã tin tưởng giao cho tôi và Trí Việt xuất bản tất cả những tác phẩm tâm huyết của Giáo sư cùng những hướng dẫn rất tận tình, ân cần, chu đáo. Mãi sau này, sau nhiều lần trò chuyện điện thoại với Giáo sư, tôi mới xúc động cảm nhận đc một phần lý do, và xin được chia sẻ trong phần 2.

Biết ơn tấm chân tình của GS John Vũ, tôi và các bạn Trí Việt trong nhiều năm đã chuyển, trao tặng cuốn sách này cùng các sách khác của GS John Vũ - Nguyên Phong đến các nhà tù trại giam để tặng cho các phạm nhân, các trung tâm cai nghiện ma tuý, các thư viện vùng sâu vùng xa...

NXB Mỹ xin phép GS. John Vũ dịch cuốn sách sang tiếng Anh

Một điều vô cùng ngạc nhiên, là trên cuốn sách cũ đó, ghi là dịch giả Nguyên Phong dịch từ Journey To The East, nhưng chúng tôi truy tìm trên internet, và liên hệ truy tìm tất cả các Nhà Xuất Bản của Ấn Độ, Anh, Pháp, Mỹ... lúc bấy giờ, kể cả những NXB đã đóng cửa, mà vẫn không tìm được phiên bản gốc, dù là dạng file hay bản in sách cổ.

Mãi sau này, tới năm 2009, cuốn sách kỳ bí này mới "tái xuất" trở lại trên thế giới bằng tiếng Anh, sau khi bản tiếng Việt ra mắt ở Việt Nam gần bốn thập kỷ. Cụ thể NXB Booksurge Mỹ đã tìm mọi cách liên lạc với dịch giả Nguyên Phong suốt một thời gian dài mua bản quyền để xin phép được chuyển ngữ cuốn sách tiếng Việt này ra tiếng Anh với tựa đề ‘Journey To The East’ - Author: Nguyên Phong - phát hành trên Amazon và các bookstores trên thế giới. Và độc giả Mỹ, Phương Tây rất yêu thích, say mê tác phẩm này.

Một cuốn sách có số phận kỳ lạ

Không chỉ là một trong những cuốn sách xuất sắc về nội dung, "Hành trình về Phương Đông" còn có một số phận kỳ lạ. Và không chỉ bây giờ mà suốt vài chục năm qua rất nhiều diễn đàn trong và ngoài nước đã tranh luận rất nhiều về nguồn gốc, xuất xứ cuốn sách này. Mà người đã tạo ra nó lại im lặng như không hề có liên quan.

Theo nhiều người nói trước đó, cuốn sách là một phần trong bộ hồi ký nổi tiếng của giáo sư Baird T. Spalding (1857 – 1953), "Life and Teaching of the Masters of the Far East" (xuất bản năm 1953) ghi nhận đầy đủ về cuộc hành trình gay go nhưng kỳ thú, tràn đầy sự huyền bí ở Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa và Ba Tư. Nhưng sự thật sau cùng lại dường như không phải như vậy: Cuốn sách ‘Hành Trình về Phương Đông’ này có thể là một cuốn độc lập, nội dung khác hoàn toàn - chỉ liên quan đến cái tên Baird T. Spalding mà thôi.

Dịch giả Nguyên Phong - một ẩn số

"Hành trình về Phương Đông" còn khiến nhiều người tò mò không kém là vì dịch giả của cuốn sách là Nguyên Phong, một người nổi tiếng và đầy bí ẩn.
Không xuất hiện trên truyền thông, mà chỉ sống ẩn danh nên có rất nhiều người không biết về dịch giả Nguyên Phong.


Dịch giả Nguyên Phong- GiáoSư John Vũ


Nguyên Phong chính là bút danh của Giáo sư John Vũ (tên thật là Vũ Văn Du). Ông là một tác giả, dịch giả nổi tiếng của các tác phẩm về Văn học, Tâm linh phương Đông, Giáo dục và Công nghệ.

Sinh năm 1950 tại Hà Nội, ông Vũ Văn Du rời Việt Nam du học ở Mỹ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán.

Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Carnergie Mellon và Đại học Seattle. Hơn nữa, ông còn giảng dạy tại một số trường đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp... về khởi nghiệp, giáo dục và lĩnh vực công nghệ phần mềm.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách có số phận khá ly kỳ. Trong phần tái bản mới có ghi: "Xuất bản lần đầu ở Ấn Độ năm 1924, "Hành trình về phương Đông" đã gây tranh cãi không chỉ ở nước Anh mà ngay cả ở Châu Âu và Mỹ. Sau đó, vì tự ái và sĩ diện, Chính phủ Anh cấm phát hành cuốn sách này ở Anh Quốc, rồi Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra, cuốn sách không còn được tái bản nữa và thất lạc".

Có người cho rằng, rất có thể, chính Nguyên Phong là tác giả của cuốn sách, đã viết phóng tác theo sự trải nghiệm tiềm thức của mình. Vì một lý do nào đó - ông đã không thừa nhận điều này - rất có thể khi phóng tác còn khá trẻ, mới 24 tuổi, bản chất khiêm nhường, không muốn để tên mình là tác giả mà mượn tên GS Baird T. Spalding và để mình là người dịch.

Thế nên mới có sự "biến mất" bí ẩn của tác giả, NXB (đóng cửa) và ngay cả nguyên tác cũng không lưu lại ở bất cứ thư viện lớn nào trên thế giới. (Tôi hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ với Giáo sư nếu điều lý giải này là đúng - vì trước đây, khi còn trẻ, khi dịch, biên tập sách, tôi thỉnh thoảng có đưa vào một số câu châm ngôn mình nghĩ ra khá độc đáo, hợp ngữ cảnh nhưng không dám để tên mà đều ghi: "- Khuyết danh", xin bạn đọc lượng thứ).

Vậy, Nguyên Phong là ai mà độc giả hâm mộ đến như vậy ?

Một con người cực kỳ khiêm tốn, một học giả của nhiều đầu sách dịch giá trị, nhưng đặc biệt - cái tên Nguyên Phong chỉ là bút danh.

Ông là giáo sư John Vũ (tên thật là Vũ Văn Du). Các tác phẩm do ông dịch đã được First News - Trí Việt xuất bản ở VN gồm: "Ngọc sáng trong hoa sen", "Bên rặng Tuyết Sơn", "Hoa trôi trên sóng nước", "Minh triết trong đời sống", "Đường mây qua xứ tuyết", "Trở về từ xứ tuyết", "Khởi Hành", Kết Nối, Dấu Chân Trên Cát, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt, ‘Huyền thuật và các Đạo sĩ Tây tạng’...và chuẩn bị ra mắt cuốn "Destination - Bước ra Thế giới".

Khi bức màn bí mật về nhân vật Nguyên Phong được vén lên, thật bất ngờ, đó là một con người kiệt xuất. GS John Vũ - Nguyên Phong là một trong những nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ. Hiện nay, Giáo sư kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu phần mềm của ĐH Carnegie Mellon và là nghiên cứu viên kĩ thuật và kĩ sư trưởng Công nghệ thông tin tại Boeing. Trong 15 năm làm việc ở Boeing, ông từng tham gia vào chương trình phần mềm hỗ trợ cho máy bay Boeing 777 và là nhà vô địch về cải tiến qui trình ở Boeing...

Ông từng giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Boeing. Ông đã từ chối nhận nhiều giải thưởng uy tín của Mỹ và từ chối các cuộc phỏng vấn của các hãng thông tấn lớn. Ông nhận lời thỉnh giảng và nói chuyện với sinh viên nhiều trường đại học lớn trên thế giới - và dự định, rất mong một ngày gần đây, GS. John Vu sẽ về quê hương để chia sẻ với bạn đọc, hướng dẫn các bạn trẻ, thanh niên và sinh viên Việt Nam.

Giáo sư John Vũ là người rất đau đáu đến tương lai đất nước và quan tâm đến hướng đi của thế hệ trẻ Việt Nam. Mấy năm trước GS mỗi ngày đều đặn viết trên Facebook cá nhân chia sẻ những hướng dẫn, kinh nghiệm học tập, khởi nghiệp và các vấn đề về công nghệ, giáo dục cho các bạn trẻ Việt Nam. Lượng sinh viên Việt Nam theo dõi trên Facebook GS lên đến vài trăm ngàn followers.

Nhưng giữa năm 2016 Giáo sư đột ngột dừng viết Facebook không một lời giải thích, làm tất cả mọi người rất ngạc nhiên và cảm giác bị hụt hẫng. Lý do thực sự khiến Giáo sư buộc phải dừng viết Facebook hướng dẫn lớp trẻ Việt Nam là một câu chuyện bi hài chưa từng có tiền lệ liên quan đến Việt Nam mà có thể tôi sẽ chia sẻ trong Phần 2.

Giáo Sư John Vũ đã lý giải tại sao các cuốn sách được ông dịch lại hay hơn và được yêu thích hơn nhiều so với bản gốc. Đồng thời, ông cũng chia sẻ những quan điểm của mình về triết học và các triết gia.


"Hành trình về phương Đông" kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, diện kiến nhiều pháp thuật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo…của nhiều pháp sư, đạo sĩ…họ được tiếp xúc với những vị chân tu thông thái sống ẩn dật ở thị trấn hay trên rặng Tuyết Sơn. Nhờ thế, họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như yoga, thiền định, thuật chiêm tinh, các phép dưỡng sinh và chữa bệnh, những kiến thức về nhân duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết…
Chúng tôi xin đăng tải bài viết của ông Nguyễn Văn Phước – nhà sáng lập First News về hành trình xuất bản cuốn sách nổi tiếng này cũng như bí ẩn về tác giả cuốn sách.


Nhân duyên và những bí ẩn bất ngờ

Sau nhiều năm có nhân duyên được kết nối trò chuyện với GS John Vũ, tôi đã từng được chia sẻ tâm sự hàng trăm giờ điện thoại với GS, thường là sau quá nửa đêm về sáng, giờ Việt Nam - khi đó là khoảng giữa giờ sáng nhưng lại là đầu giờ chiều tại Đại học Carnegie Mellon ở Mỹ, nơi GS đang là Viện Trưởng Viện Công Nghệ Sinh Học.

Tôi đã được nghe GS chia sẻ về rất nhiều chuyện mà có lẽ chưa từng kể với ai, vì GS nói rất ít khi nói chuyện chia sẻ với người Việt từ rất nhiều năm qua, từ sự thật nhân duyên khi viết phóng tác tác phẩm nổi tiếng "Hành Trình về Phương Đông" - tác phẩm gối đầu giường đang được yêu thích nhất về khoa học tâm linh của hầu hết độc giả và người Việt Nam khắp nơi trên thế giới nhiều thập kỷ nay.

GS đã viết phóng tác tác phẩm này ngay từ khi 24 tuổi, năm 1974, khi GS tình cờ ghé một tiệm sách cũ nhặt lên một cuốn, đọc như bị thôi miên và về thức đêm viết lại theo ký ức tiềm thức kỳ lạ của mình. GS kể về ngọn nguồn rõ từng cuốn đã dịch viết, dù đã trải qua thời gian rất lâu "Ngọc sáng trong hoa sen", "Bên rặng Tuyết Sơn", "Hoa trôi trên sóng nước", "Minh triết trong đời sống", "Đường mây qua xứ tuyết", "Trở về từ xứ tuyết", "Dấu Chân Trên Cát", "Huyền thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng"....

Giáo sự đã chia sẻ nhiều về bí mật huyền thoại và lời nguyền tâm linh từ ngôi mộ Tần Thuỷ Hoàng, về bài học Tam Quốc Diễn Nghĩa, từ đập thuỷ điện Cảnh Hồng, Vân Nam Trung Quốc dẫn đến nguyên nhân hạn hán, ngập mặn ở các tỉnh miền Tây Đồng Bằng Sông Cửu Long; Vì sao nguồn sống nông nghiệp của ba nước Đông Dương lại phụ thuộc quá lớn vào thượng lưu của hai con sông bắt nguồn từ Trung Quốc; Từ ước mơ trăn trở của GS đối với sự rèn luyện khởi nghiệp của giới trẻ, sinh viên Việt Nam đến mong muốn hướng đi của quê hương đau đáu Việt Nam; So sánh nền giáo dục và triết học trong giáo dục của các quốc gia, phân tích tình hình thế giới từ Phi Châu đến Trung Đông; Sự tiên đoán suy thoái kinh tế sẽ xảy ra ở Châu Âu; Sự trúng cử định mệnh và động lực tầm nhìn khoa học xuyên suốt kỳ lạ của Tổng Thống Donald Trump khi muốn đưa nước Mỹ giữ vững vị trí số 1 thế giới đúng như lời hứa "Make America Great Again", đến lời cảnh báo cuộc tháo chạy của các nhà máy lớn, công xưởng của công ty hàng đầu nước Mỹ ra khỏi Trung Quốc vài năm trước khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... Và cả bí mật nguyên nhân vì sao Gíáo Sư dừng không viết FaceBook tiếng Việt trên mạng xã hội dù hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam vẫn đang mong chờ...

Trong tất cả các cuộc trao đổi qua điện thoại và email, GS luôn vô cùng nhẹ nhàng và khiêm tốn, trong từng câu từng chữ, dù tôi nhỏ tuổi hơn GS rất nhiều nhưng GS luôn gọi bằng ‘anh’. Các chủ đề nói chuyện thường là khi tôi hỏi, lúc thì GS kể, có những cuộc điện thoại kéo dài nhiều tiếng đồng hồ kết thúc khi gần sáng.
Tôi đã thật xúc động vì không thể nghĩ người đang nói chuyện rất cởi mở, chân tình với mình lại là một nhà khoa học lừng danh thế giới đứng Top 10 nước Mỹ, từng là Phó Chủ tịch tập đoàn máy bay Boeing hàng đầu của Mỹ và hiện đang là Viện Trưởng Viện Công Nghệ Sinh Học của một trường đại học danh tiếng uy tín thứ tư nước Mỹ.

Tin nhắn bất ngờ khuya tối thứ bảy

Vào một tối Thứ Bảy yên tĩnh sau ngày cuối bận rộn, bất ngờ vào lúc hơn 11h đêm, tôi nhận được tin nhắn - lần đầu tiên tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại của GS từ Đại học Carnegie Mellon:

- “Anh Phước. Tôi đang ở trường thu dọn vật dụng sách vở, cuối tháng này là ngày cuối cùng ở Carnegie Mellon. Tôi sẽ rời xa và tìm một nơi cách biệt để tĩnh lặng thiền.”

GS chưa từng dùng điện thoại nhắn tin, mà thường dùng email trao đổi trong nhiều năm và trò chuyện trực tiếp khi tôi canh giờ gọi. Linh cảm trực giác báo cho tôi biết hôm nay là một ngày rất đặc biệt - nên tôi liền chọn một chỗ yên tĩnh và gọi cho GS, và dùng một điện thoại khác để ghi lại lời GS vì sợ rằng mình sẽ quên, điều mà trước nay tôi chưa từng làm, vì vẫn luôn tin còn nhiều dịp được nói chuyện với GS nữa - còn lần này linh tính tôi sực nhớ tôi đã nghe GS trong một vài lần trò chuyện đã đề cập đến ngày được ‘rời xa trần thế’ để thiền định cho hành trình sắp tới này rồi...

Hai năm về trước lần đầu khi nghe GS nói về điều này tôi đã hỏi cùng với câu hỏi về cách dịch sách rất đặc biệt và hiếm có của Giáo sư:

- Vì sao anh lại muốn trở về? Khi anh đã làm được rất nhiều việc đủ mọi lĩnh vực mà trên đời rất hiếm người làm được ?.

-“Chúng ta có hai thế giới cần khám phá và trải nghiệm, một là ở thế giới này cần làm tất cả những điều cần làm - hai là một thế giới nội tâm bên trong chúng ta...”

- Vì sao các bản dịch của anh mang bút danh Nguyên Phong lại được bạn đọc rất yêu thích - nhiều người đã đọc bản gốc và nhận xét bản gốc không hay và thú vị bằng bản dịch ?

-“Tôi thường chọn một cuốn sách để dịch rất kỹ. Như một nhân duyên - cuốn sách như chọn tôi hơn là tôi chọn cuốn sách. Tôi đọc bản tiếng Anh một cuốn sách trước khi dịch nhiều lần, sau đó đọc thêm các cuốn khác có các đề tài liên quan đến cuốn đó. Sau khi nắm và hiểu hết tất cả, tôi bắt đầu dịch, và viết lại theo hành văn của mình, và bổ sung những chi tiết sâu hơn bản gốc từ những kiến thức tôi có được. Để dịch một cuốn sách tôi đầu tư thời gian và công sức khá nhiều, và biên tập rất kỹ, từng từ, từng câu, từng dòng. Và cuốn sách sẽ hoàn chỉnh và sâu hơn rất nhiều bản gốc.”

3 lần từ chối gặp Tổng thống Obama

- Em có nghe nói anh đã 3 lần từ chối gặp Tổng thống Obama, có phải vậy không ạ ?

- “Tổng thống Obama đã đến trường Carnegie Mellon 3 lần cả thảy, thường là đến gặp trò chuyện với một vài giáo sư do trường đề cử, đọc một bài diễn văn trước các giáo sư, sinh viên toàn trường và có thể muốn tuyên bố một vấn đề gì thông qua buổi nói chuyện này. Trong số danh sách các giáo sư gặp tổng thống lần nào cũng có tên tôi - nhưng tôi luôn nhường cho các giáo sư khác và tránh không gặp. Chỉ là tính tôi không thích đám đông, chụp ảnh với những người quan trọng. Một số vị giáo sư khác lại thích đứng bên cạnh tổng thống, thích bắt tay, chụp ảnh với tổng thống trước các máy quay, truyền hình để kỷ niệm hay để khoe bạn bè - còn tôi lại thường không thích, và thường tránh ngay từ đầu - chứ cũng không hề có chuyện gì không bằng lòng hay bất mãn với tổng thống cả.

Lần cuối cùng khi TT Obama đến trường lúc sắp hết nhiệm kỳ, đích thân President - Hiệu trưởng trường gặp tôi và nói tại sao những lần trước anh không đi gặp tổng thống, anh nên gặp những người quan trọng đó vì sau này thế này thế nọ sẽ tốt cho anh, và tôi trả lời thẳng tính tôi là không thích những vấn đề đó. Tôi không để ý đến vấn đề chính trị hay những vấn đề cá nhân của ông tổng thống nào hết, quan trọng là họ có giúp cho quốc gia, cho người dân không thôi. Triết lý sống và ứng xử, hành đạo và có thực sự quan tâm đến người dân của một vị nguyên thủ quốc gia làm tôi quan tâm hơn cả.



Giáo sư John Vũ, triết học, các triết gia và Krishnamurti

- Anh là một nhà hiền triết thông thái hiếm có trên thế giới đương đại mà em từng được gặp. Triết gia nào trên thế giới mà anh đánh giá cao và thích nhất ?

-“Các bạn trẻ Việt Nam dường như ít quan tâm đến triết học, mà thường quan tâm đến những việc trước mắt. Ở các quốc gia khác, mục đích, ý nghĩa cuộc sống và triết học rất quan trọng và được đưa ra trao đổi nhiều trong các trường đại học. Tôi thấy công ty Trí Việt của anh có xuất bản những cuốn triết học của triết gia Krishnamurti đó. Tôi thì tôi rất thích Krishnamurti, tôi ít thích dự các buổi nói chuyện nhưng đã đi dự các buổi nói chuyện của Krishnamurti rất nhiều lần, khi còn là học sinh, sinh viên ở Việt Nam tôi đã đọc sách của ông ấy rất nhiều. Đó là một người mà tôi hết sức kính trọng.”

- Anh có thích Osho không ạ ?

-“Osho là một trường hợp khá đặc biệt với nhưng tư tưởng rất lạ - nhưng tôi vẫn thích Krishnamurti hơn nhiều, dù bên Mỹ và trên thế giới rất nhiều người thích Osho, bởi đằng sau Osho là một bộ máy truyền thông rất mạnh. Nhưng triết gia Krishnamurti giữa tư tưởng, triết lý sống và cách sống ngoài đời của rất tương đồng và trùng khớp, đồng nhất với nhau, và triết lý của ông ấy nếu áp dụng đúng sẽ làm con người thành công và hạnh phúc.

Tôi vốn không thích những ai giữa nói và làm, giữa giảng dạy và hành đạo có sự khác biệt. Một người triết gia có thể nói hay đưa ra các vấn đề về triết học nghe qua về lý thuyết thì rất hay, nhưng khi áp dụng, thì chính bản thân họ, cuộc sống của họ lại không hề hoàn toàn đi theo đến tận cùng những lý thuyết, triết lý họ giảng dạy đó. Và thực tế là mọi người đi theo như một phong trào, và cảm nhận từng giai đoạn, nhưng tận cùng kết quả thì lại không hề giống lý thuyết của triết lý đó một cái gì hết - đôi khi lại đi ngược lại hoàn toàn.

Tôi thấy có những triết gia trên thế giới đưa ra những lý thuyết triết học, triết lý sống trong các cuốn sách thì rất hay, nhưng cuộc sống đời thực của họ thì lại rất bê bối, ứng xử thì tệ hại. Nên tôi hoàn toàn không thích. Krishnamurti lại là một trường hợp khác hẳn, khi 15, 16 tuổi tôi đã đọc say mê các sách của ông ấy, và khi qua Mỹ tôi đã trực tiếp đi nghe ông ấy nói chuyện, tôi rất hay quan sát và có những buổi tối ngồi cách ông ấy rất gần - và tôi nhìn rõ, nhận ra ông ấy thực sự là một con người rất phi thường.”

Điểm nổi bật nhất gì khiến anh yêu thích và kính trọng triết gia Krishnamurti ?

-“Krishnamurti luôn nói thật và nói thẳng, ông ấy không hề vòng vo gì hết. Nếu anh đọc kỹ sách của Krishnamurti thì ông ấy không hề khuyên bảo dạy hay trả lời gì hết - mà bắt anh phải tư duy suy nghĩ chiêm nghiệm để tự tìm ra câu trả lời. Nếu trong buổi nói chuyện, anh hỏi ông ấy một câu, thì ông ấy lập tức xoay vấn đề lại và hỏi ngược lại anh, để anh phải suy luận để tự tìm ra lời giải. Cái đó tôi phải nói là một nghệ thuật cực kỳ cao của một thiền sư. Cái hay của triết gia Krishnamurti là bắt độc giả phải suy nghĩ cao độ khi đọc sách của ông - và thường là khi đọc xong cuốn sách, họ đã cảm nhận và thay đổi rất nhiều - bởi vì trong khi đọc họ đã phải vận động suy nghĩ để tự lý giải chiêm nghiệm các vấn đề trong sách của ông ấy.

- Thế anh nghĩ gì về Jack Canfield ?

-“Tôi đã gặp nói chuyện với Jack Canfield nhiều lần, từ khi Jack Canfield còn là sinh viên đã rất chịu khó, tư duy và khả năng nói chuyện của Jack Canfield cũng rất thú vị vì tôi sau đó đã dự nhiều lần. Và những cuốn sách, bộ sách của ông ấy (Chicken Soup for The Soul) không chỉ ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ bên Mỹ và trên thế giới rất nhiều mà còn ở người lớn đã trưởng thành.”

Đây là lần nói chuyện điện thoại lâu nhất, khá nhiều chủ đề, khi điện thoại hết pin, giáo sư chờ tôi gọi lại. Cảm xúc trong tôi lúc đó rất lạ - như sắp chia tay với một ân nhân, một tri kỷ lớn - tôi lặng một hồi rồi xúc động hỏi giáo sư:

- Anh John Vũ ơi, từ nay anh lên núi không dùng điện thoại nữa, thì sao em có thể liên lạc với anh được ? Và các bạn trẻ ở Việt Nam cũng rất mong tin từ anh kể từ ngày anh đóng cửa Facebook ? Có cách nào không anh ?

-“Tôi sẽ không dùng điện thoại nữa, trừ những trường hợp khẩn cấp bằng tin nhắn, và sẽ dùng email. Anh có thể đăng lá thư tôi viết gửi các trẻ Việt Nam in trên cuốn ‘Kiến Tạo Thế Hệ Việt Nam Ưu Việt’ lên trang tin Hatgiongtamhon.vn từ tuần sau như một lá thư chia tay tạm biệt các bạn giúp tôi. Và khi nào có thể, tôi sẽ viết thêm và gửi anh để đăng lên chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam. Anh có thể chuyển tất cả những bài đã viết của tôi trên blog cá nhân mà anh Ngô Trung Việt đã dịch lên trang web để các bạn sinh viên có thể truy cập tìm đọc.”

- Thế anh ơi! Còn dự định về quê hương Việt Nam chia sẻ với mọi người, với các bạn trẻ thì sao anh ?

(Còn tiếp)

Nguồn
Nguồn
 
atoanmt Date: Thứ Tư, 21 Aug 2019, 7:19 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
ngothuonghoang Date: Thứ Năm, 22 Aug 2019, 8:15 AM | Message # 3
Private
Group: Users
Messages: 16
Status: Tạm vắng
 
FORUM » VIỆT NAM - QUÊ HƯƠNG TA » VẺ VANG DÂN VIỆT » Dịch giả Nguyên Phong - Giáo Sư John Vũ (Nguyễn Văn Phước)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO