Thứ Năm
28 Mar 2024
10:40 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » GIAI THOẠI » BÙI GIÁNG (NHÂN SĨ)
BÙI GIÁNG
atoanmt Date: Chủ Nhật, 01 Apr 2012, 11:47 AM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Bút Ký Irina (tập I)-BÙI GIÁNG

(16/12/2009 — Lê Thy post)

BỪI GIÁNG



Bữa nay ruộng nhớ lưng trời
Thông ngàn lũng tạ núi ngồi chiêm bao
Ra đi mang hận hội nào
Cổng xô còn vọng điệu chào bay ngang


Thơ Bùi Giáng


Người ta thường nói có hai lý do để con người khóc, tức là có hai loại nước mắt: một là khóc vì đồng cảm, hai là khóc để thư giãn sau cơn căng thẳng thần kinh. Tôi cũng đồng ý với nhận định đó, và thường thường có khóc thì cũng chỉ vì một trong hai lý do đó thôi. Song có một lần tôi khóc với “loại nước mắt thứ ba”. Và chỉ có một lần: tôi được gặp Bùi Giáng.

Tôi từng rất thích thơ của cụ, và khi biết rằng tâm hồn của cụ có những uẩn khúc mà ngay bạn bè cũng không hiểu rõ, thì tôi càng muốn gặp.
Cuộc gặp gỡ diễn ra ở nhà riêng, hình như cụ ở đó một mình, và cả căn phòng cũng trống không. Tôi không hiểu cụ ở đâu, nằm trên cái gì, có những đồ dùng gì không … Một điều lạ, tôi không thể nói với cụ dù là một lời nào, xã giao cũng như tâm đắc, nhưng cụ chẳng lấy làm lạ trước điều đó, cụ nhìn tôi rất bình tĩnh, không một chút tò mò mà tôi thường thấy ở người lạ khi mới gặp nhau. Cái nhìn của cụ như xuyên thấu vào tâm hồn tôi, và tôi đã khóc. Cụ vẫn bình tĩnh trước dòng nước mắt mỗi phút một cuộn chảy kia. Phải chăng vì chính cụ đã từng cảm thông với những “Diogène thắp đuốc đi kiếm một cái gì giữa ban ngày” như trong cuốn Hy Lạp phương của cụ?

Còn tôi, lúc đó tôi cảm thấy cái gì ? Đầu tiên là cảm giác trước một sự thanh cao kỳ diệu. Tự nhiên tôi cảm thấy rất rõ tính nhỏ nhặt trong những mối lo hàng ngày của chúng ta, thấy rõ sự đối lập giữa cái thiêng liêng và cái tầm thường. Và còn rất nhiều hình ảnh tương tự nữa, làm tôi cuống lên. Và cũng rất bất ngờ, như vậy tôi lại cảm thấy bình tĩnh và yên lòng tuyệt đối: với một sự cân bằng hài hòa lạ thường trong tâm hồn.

Cả quá trình này diễn ra như trong tình trạng thôi miên, không chậm, không lẹ, rất đều đặn và … cũng không có lời nào hết. Có lẽ cụ không hiểu ràng tôi biết tiếng Việt, và cụ không nói với tôi câu nào.
Sau đó, tôi nghe kể rằng cụ có một hành vi lạ: ra đường phố ngồi cầm tờ báo – nhưng không đọc mà chỉ để trước mắt … ở thế ngược! Nghe vậy tôi không muốn cười theo người kể. Tôi thừa hiểu: trước cái nhìn hài hòa của cụ, chính thế giới của chúng ta là một điều ngược tuyệt đối.

Irina


(Bùi Giáng là một thi sĩ lừng danh. Tự nhận mình là “Trung niên thi sĩ” dám bỏ cả cuộc đời để làm chàng tuổi trẻ trên chiếc đu bay của thi ca và hành động. Ông nổi danh về sự tài hoa làm thơ “xiêu đình đổ quán” trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ngoài ra ông còn dịch nhiều tác phẩm lớn của văn chương thế giới sang tiếng Việt. Cuộc đời của ông đầy ly kỳ và huyền thoại. Phải chăng đây là một Don Quichotte của thế kỷ XX? Và phải chăng sau Hàn Mặc Tử, nền thi ca VN hiện đại chỉ có Bùi Giáng mới xứng đáng được gọi là thi sĩ?)
(Nguồn:
http://thaithuyvy.wordpress.com/2009....i-giang )



AToanMT
 
LSK Date: Thứ Sáu, 13 Apr 2012, 6:46 AM | Message # 2
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Thầy

Em có nghe nói, cụ Bùi Giáng ẩn sau bề ngoài là một thi sĩ chính tông, là một cư sĩ Mật Tông thâm sâu đắc ngộ.
 
tieuthu_soma Date: Thứ Tư, 09 May 2012, 9:47 AM | Message # 3
Colonel
Group: Users
Messages: 197
Status: Tạm vắng
Tình sử Bùi Giáng & Kim Cương



Cõi đời một kiếp yêu em
Dẫu là bỏ cuộc, mộng tìm dáng xưa

Kỳ nữ Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, trong tâm hồn và trong sáng tác của Bùi Giáng. Trong tâm hồn ông, Kim Cương là “đệ nhất mỹ nhân“ trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế gian. Chỉ có thể nói đó là một tình yêu bất tử. Đã có rất nhiều giai thoại xung quanh mối tình kỳ bí này.

Đối với Kim Cương, tuy là mối tình đơn phương từ phía Bùi Giáng, nhưng nữ nghệ sĩ đã rất trân trọng tình yêu của ông, một sự trân trọng vô cùng cảm động và hiếm thấy. Nhiều năm qua, nghệ sĩ Kim Cương có những lý do riêng nên đã không lên tiếng một cách chính thức. Lần đầu tiên, bà tiết lộ với Báo Thanh Niên một số sự thật về thiên tình sử này, vì đã đến lúc bà không còn lý do để tiếp tục im lặng... Chúng tôi tạm gác những phần cuối của loạt bài Bùi Giáng - thi sĩ kỳ dị để giới thiệu riêng cùng bạn đọc những tiết lộ của Kim Cương. Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn nghệ sĩ Kim Cương. Những tiết lộ này sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ hơn con người và sự nghiệp của một thi sĩ độc đáo vào bậc nhất của đất nước.

Có lẽ trong cuộc đời của thi sĩ Bùi Giáng, ngoài chuyện văn chương ra thì chuyện tình đơn phương của ông với NSƯT Kim Cương là nổi bật nhất, kỳ lạ nhất, và cũng cảm động nhất. Kim Cương còn giữ rất nhiều bài thơ của ông viết tặng riêng bà, cả hình ảnh nữa, nhưng từ lâu bà từ chối mọi lời yêu cầu của các tờ báo, nhà xuất bản xin được phát hành, đặc biệt sau khi Bùi Giáng vừa qua đời nhiều đơn vị còn đặt vấn đề “mua“ những tấm ảnh, tập thơ đó. Bà nói: “Tôi không muốn đem tình cảm của Bùi Giáng ra đánh bóng tên tuổi của mình hoặc làm gì đó có dấu ấn kinh doanh. Dù tôi không yêu ông, nhưng tôi trân trọng tình yêu của ông. Tuy nhiên, bây giờ sau loạt bài của Báo Thanh Niên, tôi thấy đây không còn là chuyện riêng tư nữa, mà Bùi Giáng là một sự kiện văn học chung của đất nước, cần có thêm nhiều thông tin về ông. Và vì không lên tiếng nên có những thêu dệt không đẹp cho Bùi Giáng, vì vậy tôi chỉ muốn nói rõ một vài sự thật để người ta hiểu đúng ông hơn“.

Kim Cương biết Bùi Giáng lúc bà khoảng 19 tuổi, còn theo đoàn cải lương của má Bảy Nam nhưng đã được mệnh danh là “kỳ nữ“. Thật ra, ông chú ý đến bà trong một đám cưới của đôi bạn Hạnh - Thùy. Sau đám cưới, một hôm Thùy bảo Kim Cương: “Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị“. Kim Cương trả lời: “Ừ, thì mời ổng tới“. Hóa ra là Bùi Giáng, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có “điên điên“ như sau này. Bùi Giáng lui tới, mời Kim Cương lên xe đạp ông chở đi chơi, rồi cả cầu hôn, nhưng bà đều né tránh. Bởi sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó “kỳ kỳ“, bất bình thường, nên bà sợ. Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn Kim Cương mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi“. Kim Cương ngần ngừ: “Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính...“. Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới. Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới... 8 tuổi. Kim Cương hết hồn, thôi rồi ổng đúng là không bình thường!

Từ đó, mỗi năm Bùi Giáng mỗi bệnh nặng hơn. Ông không có vợ con, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, hò hét, rồi cứ địa chỉ nhà Kim Cương mà tới. Thằng bé Toro con của Kim Cương lúc ấy khoảng 5 tuổi, thường trố mắt ra nhìn ông, và hỏi: “Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá?“. Tư duy trẻ con thật ngộ nghĩnh, nhưng lại rất chính xác. Thì trên người Bùi Giáng có đủ thứ: nào hộp lon treo lủng lẳng, nào lá cờ giắt sau lưng, nào nhánh cây, vòng hoa trên đầu... cả một nải chuối đeo thường xuyên trên cổ. Không mở cửa cho ông vào là ông la hét, đập cửa, chửi um sùm, ném đá nữa, khiến hàng xóm náo động. Nhưng riết rồi quen, mỗi lần ông tới nhà Kim Cương ai nấy đều cười. Má Bảy Nam ở trên lầu chỉ cần nghe la rùm beng, đập cửa ầm ầm, là hỏi: “Bùi Giáng phải không?“. Nhiều lần ông say khướt, nằm ịch xuống gốc cây trước nhà Kim Cương, mọi người phải khiêng vào. Bà lắc đầu: “Sợ ổng chết. Tướng tá vầy có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng khiêng vô rồi cũng sợ rủi ổng chết trong nhà mình. Mà điều, không nỡ bỏ ổng lăn lóc ngoài đường, thấy tội quá“.

Nhưng điều hay nhất là mỗi khi vô nhà Kim Cương ông lại sáng tác thơ để tặng bà. Tiện tay xé bất cứ tờ giấy, tờ lịch nào là ông viết ào vô đó. Nguồn thơ yêu cứ tuôn trào như suối, không vơi cạn theo năm tháng. Về sau, khi ông “quậy“ quá thì Kim Cương nghĩ ra cách, không mở cửa, mà lòn một cuốn sổ ra khe cửa cho ông viết thơ. Ông hí hoáy một hồi, rồi vui vẻ bước đi. Suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng “nương tử Kim Cương“. Bà trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm lạ kỳ.

- Kính thưa nương tử Kim Cương
Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên

- Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ sử lịch xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em

Lang thang vạn dặm độc hành
Cẫm nang bỏ cuôc đời miǹh trao em

Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương :
“Quyền lực“ của Kim Cương

Phải nói là Kim Cương có “quyền lực“ rất lớn đối với Bùi Giáng. Cứ nghe tên bà là ông trở lại ngoan ngoãn như một đứa trẻ con. Một lần, ông làm “chim bay cò bay“ giữa phố, gây ách tắc giao thông, công an tới lôi ông vào cũng không được.

Tình cờ có ông bạn Đoàn Thạch Hãn trông thấy, thế là anh ta rỉ tai ông: “Kim Cương nhắn ông tới nhà kìa!“. Lập tức ông riu ríu đi theo Đoàn Thạch Hãn.

Ông còn “ái mộ“ bà theo kiểu “kinh khủng“ của ông. Người ta ái mộ thì xin chữ ký, xin hình, còn ông thì xin... quần. Ông tới nhà nằng nặc đòi bà cho ông cái quần. Bà lấy quần của cậu Toro nay đã lớn cỡ ông mặc vừa. Ông giãy nảy không chịu, đòi cái quần của Kim Cương mới được. Bà bực quá, đưa thiệt. Lập tức ông mặc vô và rồi không chịu thay ra. Tắm xong, mặc lại. Tỉnh bơ.

Và sau này khi ông ở nhờ nhà anh Hoài - cháu gọi ông bằng bác họ - tại Gò Vấp, thì cũng chỉ Kim Cương là người phụ nữ duy nhất được ông cho phép bước vào nhà. Nhiều lần, các bạn thơ nữ có ghé thăm ông, nhưng vừa mới nghe cháu vô báo tin là ông đã la hét om sòm, đuổi họ như đuổi tà: “Chỉ có tiên nữ Kim Cương mới được bước tới đây. Đi ra! Đi ra hết!“.

Nghệ sĩ Kim Cương nói: “Tôi rất trân trọng tài năng của ông, nhưng phải nói thật là ông điên nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc“. Thỉnh thoảng, khi ông hơi tỉnh thì Kim Cương cũng ngồi bàn chuyện thơ văn với ông cho ông vui. Những lúc ấy, ông gọi bà bằng “cô“ đàng hoàng chứ không “nương tử“, không “Hằng Nga“ gì hết. Nhưng có một lần, ông làm bà hết hồn. Hai người bàn luận đến Kiều, bà đọc mấy câu lỡ có sai một chút, ông liền đập bàn, la hét, nhảy dựng lên: “Tại sao Kiều mà cô nói sai như vậy? Câu vậy mà cô nói là của Kiều hả?“. Thấy ông trợn mắt giận dữ, bà cứ ngỡ ông sắp bóp cổ mình tới nơi. Bà quên mất rằng ông cũng yêu Kiều say đắm như yêu bà.

Có một chuyện nhỏ, nhưng cảm động. Kim Cương nói rằng Bùi Giáng có đóng phim gì nữa đó, chắc đóng vai phụ nho nhỏ thôi. Kim Cương nhớ khi ông lãnh tiền thù lao, liền mua hai trái xoài đem tới cho bà. Rất dễ thương.

Kim Cương bùi ngùi nhớ lại: “Suốt 40 năm, ông đối với tôi như một người yêu đơn phương, thì ngược lại, tôi đối với ông như chỗ dựa tinh thần, bất cứ lúc nào nghe ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt“. Bởi đơn giản, trong đầu Bùi Giáng chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất, đó là địa chỉ và số điện thoại của Kim Cương. Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay la hét, làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: “Thân mẫu tôi là Kim Cương, ở số... Hoàng Diệu, điện thoại 844...“. Thế là công an réo gọi Kim Cương. Bà đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông bị té, bị thương, người ta chở vô bệnh viện, ông cũng chỉ “khai báo“ y như vậy. Bệnh viện lại réo bà. Bà lại đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, bị người ta đánh, bà lại đến đưa ông về. Có lần, ông xuất hiện trước nhà bà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh, bà hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu. Ông không chịu: “Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi“. Ừ, thì đi. Kim Cương gọi chiếc xích lô chở ông, vừa ngồi xe ông vừa nói vung vít, mặc cho Kim Cương chịu trận.

Và như thường lệ, trong cơn điên điên tỉnh tỉnh, ông lại tiếp tục làm thơ yêu qua cuốn sổ nhỏ nhét vào khe cửa nhà bà:

- Yêu nhau từ bấy tới nay
Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên

- Đầu tiên tiên nữ Kim Cương
Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim
Cúi đầu bái tạ tình em
Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau

- Làm thơ tiếp tục yêu em
Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ
...
Hư vô và vĩnh viễn

Cũng vô lý như lần kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh
Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành
Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó giữa tháng ngày lỡ dở
Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình
Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
Cồn sương đi vào sương lạnh miên man
Bờ bến cũ ngậm ngùi sông nước dạo
Đêm tàn canh khắc ngợi nguyệt gương ngàn
Một lần đứng lên mấy lần ngồi xuống
Ngón trên tay và tóc xõa trên đầu
Tình đếm lại muôn vàn thôi đã uổng
Để bây giờ em có biết nơi đâu
Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không

Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương:
Ba lời cảm tạ của Kim Cương

Bùi Giáng về ở nhà của anh Hoài vào khoảng năm 1978, thì đến khoảng 1992 đã hơi tỉnh tỉnh. Nhà thơ Trụ Vũ thường ghé chơi với ông. Một lần Trụ Vũ bảo: “Kim Cương hẹn ngày mai lên thăm anh“. Thế là suốt đêm ông không ngủ. Sáng dậy, ông đi tới đi lui, đứng ngồi không yên, và càu nhàu: “Cái thằng Trụ Vũ, chừng nào lên thì lên, nhắn nhe làm chi cho người ta sốt ruột“.

Anh Hoài còn tiết lộ ông phải giả vờ uống một tí rượu để đóng vai “say“, như thế khi Kim Cương lên thăm ông mới có cớ đi ngả nghiêng cho Kim Cương dìu đỡ. Nhưng có lần uống mãi, uống mãi, rồi say thật lúc nào chả biết, khi Kim Cương đến nơi thì ông đã... ngủ khò.

Một bữa, Kim Cương đến nhà, tặng ông đóa hoa hồng. Ông sung sướng quá. Kim Cương về rồi, ông hỏi anh Hoài: “Làm sao giữ được hoa tươi mãi hè?“. “Ba ngày là nó héo thôi bác ơi!“. “Trời ơi, của Kim Cương tặng tao, phải giữ hoài chớ bây!“. “Con có cách. Đem hoa trút ngược xuống thì sẽ giữ giùm bác được vài tháng“. Đúng là giữ được vài tháng, đến khi hoa đã khô nát ông mới đành lòng chia tay.

Gần 60 tuổi, ông tới nhà bà với đôi mắt nheo nheo không nhìn thấy rõ. Bà dắt ông đi mua cặp kính lão. Nhưng chỉ một tháng sau, ông xuất hiện với một bên tròng kính bị bể vì người ta đánh. Bà dỗ ngọt: “Tôi mua cho anh kính mới nghen“. Ông lắc đầu: “Thôi cô, nhìn đời bằng một con mắt đủ rồi“.

Bốn, năm năm cuối đời, ông gần như tỉnh hẳn, và cứ sáng mùng 1 Tết là ông xông đất nhà Kim Cương. Riết rồi biết ý, đêm giao thừa Kim Cương tự xông đất trước cho mình, để tảng sáng mở cửa đón ông vào. Ông vô nhà, ngồi bệt xuống nền, không bao giờ chịu ngồi trên ghế. Rồi ông lì xì cho Kim Cương, khi 5.000đ, khi 10.000đ. Bà xẻ dưa hấu đãi ông ăn. Ông hớn hở trong sự nâng niu của bà.

Kể ra, đâu chỉ có Bùi Giáng kiên nhẫn và thủy chung với kỳ nữ Kim Cương, mà chính Kim Cương cũng đã đáp lại mối tình đơn phương của Bùi Giáng một cách chân thành và kiên nhẫn, thủy chung suốt 40 năm, gần giống một người chị, một người mẹ. Cho nên, có người nói với bà: “Chắc kiếp trước Bùi Giáng mắc nợ bà!“. Bà đáp vui trở lại: “Hổng biết ổng mắc nợ tui hay tui mắc nợ ổng!“. Những lúc tỉnh táo, ông nói: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!“. Nhân đó bạn bè hỏi: “Kim Cương có cái gì mà anh thương dữ vậy?“. Ông đáp: “Lúc tôi gặp cô trong đám cưới của Hạnh - Thùy, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang tỏa tỏa ra, tới bây giờ vẫn còn tỏa“.

15 ngày trước khi chết, Bùi Giáng đến nhà Kim Cương để lại mấy câu thơ như báo trước điềm chia ly:

- Thương yêu có lẽ như là
Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương

- Ông đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu

Rồi ông té, chấn thương sọ não, chở vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đầu tiên gia đình gọi đến là Kim Cương. Kim Cương nói: “Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng sạch sẽ. Đầu cạo sạch, không còn mớ tóc bù xù nữa. Và quần áo bệnh viện thì trắng bong. Cho nên tôi nhìn ổng không ra, cứ chạy đôn chạy đáo khắp các phòng tìm ổng“. Những đứa cháu xin bà cho ý kiến. Bà đồng ý để bác sĩ phẫu thuật cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng.

Nhưng rồi Bùi Giáng đã ra đi. Trước mộ ông trước giờ hạ huyệt, Kim Cương nhẹ nhàng thủ thỉ:

“ Thưa Bùi Giáng !
Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông. Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống“.

Nhưng chắc gì Bùi Giáng đã chịu xa lìa Kim Cương. Ông còn một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà Kim Cương:

“Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương“.

Và:

Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.


Message edited by LongTracAn - Thứ Tư, 09 May 2012, 4:57 PM
 
LongTracAn Date: Thứ Tư, 09 May 2012, 5:10 PM | Message # 4
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Đại Bi Chú
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Bảy, 10 Nov 2012, 4:19 PM | Message # 5
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Bùi Giáng - Đại lão Cái Bang

Bước vào năm Bính Tý (1996), Bùi Giáng vừa tròn tuổi thất thập. Với cuộc sống lang bạt kỳ hồ, túi vải, chân đất, lang thang giữa chợ đời, gầm cầu, hè phố, dầm sương dãi nắng, bữa đói bữa no gần 4 thập niên, qua bao thăng trầm bệnh tật, vẫn còn sáng tác ở tuổi cổ lai hy, đó là một hiện tượng.

Trong sinh hoạt Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, Bùi Giáng để lại cho đời biết bao giai thoại, đó là một hiện tượng. Ngôn ngữ thi ca của Bùi Giáng là một hiện tượng. Hiện tượng Bùi Giáng.

Bùi Giáng, nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà phê bình văn học, triết học nhưng đó chỉ là quán bên đường, người bạn tri kỷ tri bỉ: thi ca.


NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Bùi Giáng sinh ngày 17.12.1926 tại Vĩnh Trinh, Quảng Nam. Lúc nhỏ theo học Trung, Tiểu học ở Hội An, Quảng Nam rồi sau đó tiếp tục học Trung học ở Thuận Hóa, Huế. Năm 1945 đậu bằng Thành chung (Trung học), ông ở trong vùng kháng chiến thuộc Liên Khu V (Nam Ngãi bình Phú), năm 1950 ông đỗ Tú Tài II Văn chương. Ông ra Liên Khu IV (Thanh Nghệ Bình Trị Thiên) theo học Ðại học nhưng khi nghe Viện trưởng Ðại học đọc diễn văn, ông bỏ ý định theo học và theo đường núi Trường Sơn trở lại cố hương.

Theo lời người bào đệ, ông Bùi Vịnh, trong ngày Hội Thi Văn & Tư Tưởng Bùi Giáng ngày 21.10.95 tại Majestic, Huntington Beach, CA, Bùi Giáng "Có vợ vào lúc còn rất trẻ, sau năm 1945. Nhưng vì đi tản cư ở vào những nơi rừng thiêng nước độc, người vợ trẻ đã qua đời sau cơn bạo bệnh". Ông chung tình chung nghĩa với "mộng ban đầu", suốt nửa thế kỷ ôm vọng tưởng, điên loạn bởi "hồn nguyên tiêu" bao nhiêu hình ảnh mang dáng dấp của người tình muôn thuở vào cõi thiên thu, ngôn ngữ Bùi Giáng trở thành kỳ bí.

Theo lời người em là Bùi Vịnh: "Vào tháng Năm 1957, ông quyết định bỏ vùng Việt Minh trốn qua vùng Quốc gia. Và tại Huế, ông thi lại bằng Tú Tài tương đương, rồi vào Sài Gòn, ghi danh vào Ðại học Văn Khoa. Cả lần nầy nữa, sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy, ông đã quyết định chấm dứt việc học ở trường của mình tại đây . Ông bắt đầu viết khảo luận, sáng tác và đi dạy học ở các trường Trung học tư thục ..." .

Ông tinh tường về Anh, Ðức, Pháp & Hán văn, không biết ông theo học tiếng Ðức & tiếng Anh lúc nào nhưng khi nghiên cứu triết học Ðức, thơ văn Anh Mỹ, ông dịch và viết rất tài tình. Ông có trí nhớ kỳ lạ và "trí quên" rất độc đáo. Quên của ông cũng là hiện tượng và có lúc không biết gì cả, cùng với cử chỉ, hành động kỳ quái, người điên thời đại.

GS Vũ Ký, thầy dạy của ông, trong bài "Nhớ Về Ba Người Em Lỗi Lạc" trong Giai phẩm Quảng Ðà 94 "Từ năm 1943 ấy, Bùi Giáng thôi học ở Hội An, rồi lui về cố hương làm Tô Vũ mục dương ở Trung Phước, miền rừng núi xứ Quảng. Theo nhiều người cho biết, Giáng nghêu ngao làm thơ, ca hát, điên khùng suốt năm tháng. Lúc tôi gặp lại ở Sài gòn thì Bùi Giáng đã nghỉ dạy học tư để cầm cọ bôi mực loay hoay vẽ tranh trong căn nhà lụp xụp ỏ ngõ hẻm Trương Minh Giảng và Giáng cũng vừa mới in xong mấy cuốn sách giáo khoa".

"Với Tất Cả Bùi Giáng" của Trần Phong Giao, Bùi Giáng "Lập gia đình năm 18 tuổi, nhưng không được hưởng hạnh phúc bao lâu vì chiến tranh và nạn lụt đã cướp mất vợ và hai đứa con thơ của ông".

Ðó là mốc thời gian tuổi niên thiếu của ông được đề cập qua ba người có liên quan với ông nhưng đã khác nhau. Theo sự ghi lại của "người thầy cũ và cũng là người anh" thiếu chính xác dấu ấn quan trọng trong giai đoạn 9 năm "kháng chiến" đã ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời Bùi Giáng. Ông tham gia "kháng chiến", theo Việt Minh nhưng khi đụng chạm thực tế, ông ngán ngẫm, gặp bất hạnh trong tình yêu, tâm hồn điên loạn...

Sau 3 năm "chia cắt" đất nước, phân ranh Quốc/Cộng, ông mới chọn lựa quyết định ranh giới giữa 2 miền. Bài thơ "Nỗi lòng Tô Vũ" của ông đã ghi "Kỷ niệm một đoạn đường mười năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt".

Không bao giờ muốn và để ai đề cập "tiểu sử", theo ông "Thi sĩ sinh ra như mọi người giữa cỏ cây ly kỳ, và chết đi giữa cỏ cây ly kỳ, gay cấn". Tuy nhiên, công việc của nhà nghiên cứu Văn học cần phải tìm hiểu chính xác, nhìn lại Văn học Việt Nam, ông là khuôn mặt đặc biệt. Hy vọng, một ngày nào đó, có được "tiểu sử" của ông từ tuổi thơ đến thời điểm "tam thập nhi lập".

Trước năm 1975, nhiều cây bút viết về tư tưởng, thơ văn Bùi Giáng nhưng không đề cập về "tiểu sử" nên có nhiều nghi vấn cùng với giai thoại quanh ông. Tháng 5.1973, Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng của tờ Văn thực hiện "Số báo đặc biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng", 10 câu hỏi của Nguyễn Xuân Hoàng về Bùi Giáng có tính cách khác lại và cả hai cùng hỏi và nói "Chuyện rong chơi". Nhận định thơ văn của ông với Thanh Tâm Tuyền, Nam Chữ, Trần Tuấn Kiệt, Tuệ Sĩ.

Có nhiều tác phẩm đã đề cập đến ông, điển hình như Cao Thế Dung: Văn Học Hiện Ðại, Thi Ca & Thi Nhân, Du Tử Lê: Năm sắc Diện, Năm Ðịnh Mệnh, Tạ Tỵ: Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, Trần Tuấn Kiệt: Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại...

Gần 2 thập niên, tác phẩm của ông với số lượng đáng kể:

Sách Giáo khoa, Luận đề (1957 - 1959) : - Bà Huyện Thanh Quan, - Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm & Quan Âm Thị Kính, - Truyện Kiều & Truyện Phan Trần, - Cung Oán Ngâm khúc, - Nguyễn Công Trứ, - Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, - Phan Bội Châu, - Chu Mạnh Trinh, - Tôn Thọ Tường & Phan văn trị.
Sách dịch: - Cõi Người Ta của Saint-Exxupéry, _ Trăng Tỳ Hải của Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger, - Khung Cửa Hẹp của A. Gide, - Hoa Ngõ Hạnh của Shakespeare, - Bạo Chúa Caligula của Albert Camus, - Ngộ Nhận của A. Camus, - Con Người Phản Kháng của A. Camus , - Mùa Hè Sa Mạc của A. Camus , - Kẻ Vô Luân của A. Gide, Orphélia Hamlet của Shakespeare , - Hòa Âm Ðiền Dã của A. Gide, - Hoàng Tử Bé của Saint-Exupery , - Mùi Hương Xuân sắc của Gerald de Narval, - Sương Bình Nguyên của các tác giả Âu Mỹ , - Kim Kiếm Ðiêu Linh của Ngọa Long Sinh...


Sáng tác:

-Thơ: Mưa Nguồn, - Lá Hoa Cồn, - Ngàn Thu Rớt Hột, - Màu Hoa Trên Ngàn, - Bài Ca Quần Ðảo, - Sa Mạc Trường Ca...

-Biên khảo, Tạp văn, Tùy bút: - Tư Tưởng Hiện Ðại, 3 quyển, - Martin Heidegger & Tư Tưởng Hiện Ðại, 2 quyển - Sao Là Không Có Triết Học Heidegger?, - Ði Vào Cõi Thơ, - Thi Ca Tư Tưởng, - Sa Mạc Phát Tiết, - Sương Bình Nguyên, - Trăng Châu Thổ, - Mùa Xuân Trong Thi Ca, - Mùa Thu trong Thi Ca, - Thúy Vân, Tam Hợp Ðạo Cô, - Biển Ðông Xe Cát, - Ngày Tháng Ngao Du, - Ðường Ði Trong Rừng, - Lời Cố Quận, - Lễ Hội Tháng Ba, - Con Ðường Ngã Ba...


Tại hải ngoại, có 3 tuyển tập về thơ Bùi Giáng sáng tác vào sau năm 1975:

- Thơ Bùi Giáng, năm 1990, nhóm Việt Thường ở Canada thực hiện, gần 200 bài thơ.
- Thơ Bùi Giáng, Thế kỷ 1994, Phạm Xuân Ðài thực hiện, gồm 106 bài thơ.
- Thơ Bùi Giáng, California 1995, Bùi Vịnh & thân hữu thực hiện, gồm 81 bài thơ, tranh bìa "Thiếu nữ" do Bùi Giáng vẽ.


Sau khi Bùi Giáng qua đời , có rất nhiều tác phẩm của ông được ấn hành tại hải ngoại

Suốt 4 thập niên, Bùi Giáng đã cống hiến cho đời, cho nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam thật nhiều tác phẩm gồm đủ mọi thể loại. Một con người không có nơi nương tựa ổn định, thể chất gầy gò, bệnh tật, tâm tính lúc bình thường khi điên loạn mà tạo dựng "kho tàng quý báu" cho Văn học Việt Nam, điều rất lạ, không thể hiểu được.


NGÔN NGỮ & CUỘC SỐNG

Gần gủi, tiếp xúc với Bùi Giáng, mỗi lần, có thể nói giai thoại về ông, thương mến, cảm quý con người tài hoa nhưng sống đầy khổ hạnh.

Viết về Bùi Giáng, với Mai Thảo: " Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương... Sự hình thành một tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn còn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn nụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó... Bùi Giáng đã đem lại cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận". Thế mà, chân dung & đời sống của nhà thơ "Mái tóc ông đỗi màu. Mấy chiếc răng của bị gẫy, nụ cười vừa trẻ thơ vừa móm mém. Cặp mắt sâu hoắm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế... Ông ấy chỉ còn da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy... Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuổi toàn giày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ chỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại ô thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói". "Bùi Giáng cũng tạo được một cái lạ mà theo tôi là một cái ngang...

"Trần gian lắm kẻ không cơm áo
Mà con thờ thẩn cứ nhìn trăng."


Bùi Giáng có cái giọng bạt đó và cái giọng bạt đã ảnh hưởng vào âm vận của thơ Giáng" (Uyên Thao - Thơ Việt Hiện Ðại).

Sau năm 1975, thảm họa chung của đất nước, Bùi Giáng cũng bị nhốt 3 tháng ở trại giam Gia Ðịnh. Ông bất chấp tất cả. Ông gọi mầy tao khi bị hỏi cung, thản nhiên với thức ăn "cặn bả" của con người mà không bị nhiễm trùng. Thế rồi, tháng ngày sau đó, theo Phạm Xuân Ðài "Cuộc sống của anh tại Sài gòn hiện nay là của một cuồng sĩ, khi thì thu mình trong túp lều của anh tạ một khu vườn bên Gia Ðịnh, khi thì lang thang vô định trong cơn điên...Ði lang thang hàng chục cây số bất kể nắng mưa, múa may la hét suốt mấy ngày liền, kẻ lực sĩ chưa chắc đã làm được". Thế nhưng "Bùi Giáng như một ngọn lửa cháy liên tục mấy mươi năm nay trong thế giới thơ ca - của anh và của chúng ta. Ngọn lửa có khi thu lại thành một đám nhỏ, có khi bùng lên dữ dội, có khi bị gió bão lắt lay, nhưng vẫn là nguyên một ngọn lửa ấy từ đầu cho đến bây giờ".

Vũ Ký viết nhiều giai thoại về Bùi Giáng, một Bùi Giáng thông minh, tài hoa, điên khùng, lang bạt... một Bùi Giáng với tình yêu ảo tưởng trong thơ văn và một Bùi Giáng lãng mạn với bóng hồng ở tuổi 60. Không hiểu vì cơn gió nào, bỗng nhiên có hai cô, một cô là Ð.N.L.H ( giáo viên cấp ba, người Huế ) và một cô là H.H.T.V, cháu của nhà văn Cung Giũ Nguyên xách đồ đạc đến nhà Thùy ở luôn 2 tháng. Thùy là bạn học, đồng hương với Bùi Giáng, thường gặp gỡ nhau. Thế rồi cô L.H "lại rất mến trọng Giáng, thường la cà với Giáng tại nhiều quán cà phê, nhiều lúc tình tứ khiến mọi khách trong quán rất ngạc nhiên". Ðó cũng là một hiện tượng, thử tưởng tượng hình ảnh Ðại lão Cái bang ăn mặc rách rưới kỳ dị lại song bước cùng bóng hồng tuổi còn đôi mươi, tâm tình với nhau.

Ngày nay, ở trong nước đã có vài bài viết về ông với hình ảnh con người điên loạn sống bên lề cuộc đời nhưng thi văn của ông vẫn giữ thế đứng trong nền văn học. Văn chương, Nghệ thuật của ông như một cõi trời bao la, khác xa với tư tưởng của người cầm bút theo giáo điều chủ trương "hiện thực xã hội"!

Dẫn chứng vài cây bút tượng trưng viết về ông ở trên cho thấy con người của ông nửa tỉnh nửa động, đời sống của ông bất định, nay đây mai đó, ngôn ngữ của ông có lúc thật huyễn hoặc, kỳ bí, lúc thật bình dị, nhẹ nhàng, lúc thanh lúc tục. Quan niệm sáng tác của ông "chơi mà thôi", chẳng có gì bận tâm, chẳng có gì để bàn. Cuộc đời của ông ở giữa trần thế chỉ là Ngày Tháng Ngao Du, rong chơi, ung dung tự tại.

Trước kia, Thượng Tọa Thích Minh Châu dành cho ông căn phòng ở Ðại học Vạn Hạnh, ông chỉ để sách vở rồi rong chơi đầu đường xó chợ, gặp đâu ngũ đó bất kể nắng mưa, đêm ngày. Sau nầy, thân nhân lo cho ông túp lều trong vườn ở Gia Ðịnh, căn phòng nhỏ trên lầu ở đường Trần Quang Diệu Sài gòn, ông để đó, rong chơi dưới gầm cầu Công lý, vĩa hè.

Với ông, tư tưởng triết học Ðức của M. Heidegger, Nietzsche, thi ca của Holderlin, Walt Witman, Emily Dickinson...Văn chương Pháp của A. Gide, St Exupery, A. Camus, văn chương Anh của Shakespeara. Ông chọn lựa và chuyển ngữ rất tài tình. Cuộc đời của ông điên, tỉnh, ông đã đề cập trong tác phẩm, tình yêu huyễn hoặc thấy bàng bạc trong thơ văn. Tư tưởng triết học, tư tưởng cao siêu của con người, theo ông, đều có đề cập trong Kiều của Nguyễn Du.

Sức sáng tạo của ông rất kỳ diệu. Như một tay võ công tuyệt luân khi xuất chiêu liên tục bất tận. Trong một đêm, ông viết cả trăm trang cho một tác phẩm. Gặp ông, hỏi thơ để đăng, ông sáng tác ngay tại chỗ, viết như đã nhập tâm từ trước.

Ông có năng khiếu về ngoại ngữ và cách học của ông, chọn tác phẩm để học, đọc, tra cứu. Biết hết chữ nghĩa của tác phẩm là biết được ngôn ngữ nước đó. Vì vậy, khi tìm hiểu M. Heidegger, ông học tiếng Ðức mới hiểu được tư tưởng. Văn chương Pháp, Anh, ông chuyển dịch từ nguyên tác. Ông dịch Kim Kiếm Ðiêu Linh để học thêm chữ Hán. Chuyển ngữ lại từ tác phẩm "chuyển ngữ" thì không còn thoát được cái ý của nó. Chẳng hạn Ngàn Thu Rớt Hột nghe rất văn chương bóng bẩy, đó là "hình ảnh cứt" dê bao năm ông gần gủi với nó trên núi rừng. Làm sao chuyển ngữ thoát được cái âm điệu, hình ảnh bóng bẩy đó được.

Có lần Huy Tưởng gặp và hỏi chơi với ông chuyện chăn dê có thi phẩm "rớt hột", nghe nói ông có chăn bò ở quê đúng không? -đúng! đúng? đúng với cái đầu của họ. Rồi cười thoải mái, xem như hỏi chơi, nghĩ chơi, đáp chơi rồi thôi.

Nguồn thơ của ông dạt dào, bất tận, ông viết nhiều về hình ảnh ở quê hương, ở núi rừng Trung Việt. Ðiều bắt gặp trong thơ của ông với chữ Kim ở đầu. "Người tình trong thơ" Kim Novak, Kim Cương. Ngài ra với vài hình bóng Kim thấp thoáng:

"Ôi phương cảo Ôi Kim Liên
Cảo thơm Kim Thúy diện tiền Kim Hoa!
Ôi Kim Ngọc Ôi Kim Nga
Chắc gì mai hậu mà ra phụ lòng".
(Ra Hoa)


"Tuy nhiên hồn mộng chan hòa
Ðầu tiên Kim Thúy Kim Hoa thập thành
Cuối cùng thừa thượng Kim Thanh
Ði về vô tận tập thành Kim Liên
Kim Nga Kim Ngọc diện tiền
Ðầu sương cuối tuyết thần tiên bấy chầy".
(Cuối Ngày Em Ði)


Ông lang thang suốt 4 thập niên, thời gian quá dài cho một đời người, xem cuộc sống nhẹ như tơ hồng, xem cuộc đời ảo thật, thật hư, thế nhưng đôi lúc tìm trong thơ ông mới cảm nhận được nỗi thống khổ thiết tha cho mối tình đầu đời đã hoài công tìm lại:

"Chắp tay tôi lạy ông trời
Tìm người yêu giúp giùm tôi một lần"
(Tìm Em)


"Em nhớ hay không hồn hòa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa"
(Nỗi Lòng Tô Vũ )


Hình ảnh người vợ, người tình ban đầu, yêu thương say đắm, đã vĩnh viễn ra đi để lại cho ông "điên" với tình, với thủy chung hình bóng cũ:

"Em chết bên bờ lúa
Ðể lại trên đường mòn...
...Ðêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió...
...Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang"


Bất hạnh trong tình trường, ông rong ruỗi trong nỗi bất hạnh đó qua ngôn ngữ bằng thơ, văn, bằng trái tim rướm máu, bằng tài hoa lỗi lạc của Bùi Giáng và có lẽ duy nhất với cái tên Bùi Giáng.

"Văn Thơ cùng Tư tưởng của Bùi Giáng đi vào lịch sử văn học đất nước, đánh dấu một giai đoạn của văn chương Việt Nam", phải hiểu con người Bùi Giáng mới cảm nhận được ý thơ, văn và tư tưởng của ông, ông sáng tạo lúc tĩnh, ngao du lúc động để mãi mãi đi tìm hình ảnh xa thẳm, mịt mù! Hồn thơ luôn luôn chất chứa trong Bùi Giáng, bất luận ngày đêm, gặp đối tượng khơi động, dòng thơ tuôn trào. Tâm hồn Bùi Giáng chu du, mộng mị khắp bốn phương trời để "thơ và giai nhân" kết tinh thành "thiên cổ lụy" ngất ngây, nồng nàn, say đắm hòa cùng điên dại trong ngôn ngữ thi ca.

Một hình bóng, suốt cả cuộc đời trôi nỗi với hệ lụy khổ đau, một nhân tài không bao giờ có được mùa xuân nhưng với tâm hồn thanh thoát.


___o0o__°**0**°__o0o__


Vương Trùng Dương

Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không?
(1926-1998 )


Bùi Giáng, tuổi Bính Dần, sinh năm 1926 tại Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Con thứ của ông bà Bùi Thuyên và Huỳnh Thị Kiều. Năm Mậu Dần ông được tròn 6 giáp, 72 tuổi. Ông được văn giới, không phân biệt không gian thời gian, yêu mến trọng vọng. Những tác phẩm đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, như Một vài Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm ... Nhưng tiếng tăm ông nổi bật từ tập thơ "Lá Hoa Cồn" (1963). Ông là một nguời tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới.

Những cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, Bùi Giáng đã là một tên tuổi quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Ông thường tự nhận là "trung niên thi sĩ" cùng hàng loạt biệt danh trào lộng : thi sĩ Đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ...

Ông được xem như một "ngôi sao" trên vòm trời văn hóa văn nghệ miền Nam trước đây, được không ít độc giả xưng tụng là "thiên tài", là "bậc thượng trí", là "đáng tiêu biểu hơn cả về thi ca bây giờ và có lẽ... vạn đại" và tôn ông làm "thần tượng". Gần đây, một số tác phẩm, dịch phẩm của Bùi Giáng được tái bản rộng rãi.Ông đã dịch nhiều sách Pháp, Anh, Hán văn như Hamlet của Shakespeare, Hoàng tử bé của Saint'Exupéry, Ngộ nhận của Albert Camus, Khung cửa hẹp,và Hòa âm điền dã của André Gide, Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh...

Ông đã biên soạn các tiểu luận triết học và văn học như Tư tưởng hiện đại,Thi ca tư tưởng, Lễ hội tháng ba, Con đường ngã ba, Con đường phản kháng, Đi vào cõi thợ.. Đặc biêt, gây nhiều tranh luận sôi nổi nhất là những tập thơ của ông, từ Mưa nguồn, Lá hoa cồn... đến Trăng châu thổ, Sương bình nguyên, Bài ca quần đảo, Rong rêu...Ai đã từng tiếp xúc Bùi Giáng trong trang sách lẫn ngoài cuộc đời, hầu như chưa thể bình luận gì về ông. Biết bình với luận thế nào khi kẻ khen thì tâng hết lời mà người chê thì lại đả tới số. Riêng vấn đề họ Bùi có điên chăng cũng đã làm tốn hao bao giấy mực. Người bảo ông điên. Người cho rằng ông giả vờ điên. Người lại quả quyết Bùi Giáng không điên. Sự thật ra sao, nếu nhìn từ góc độ khoa học ?

Về tài dịch, thì cuốn "Terre des hommes" đã được ông dịch và đặt tên là "Cõi Người Ta" thì quả thật không còn gì thần tình hơn.


Tin tức trích từ báo SaigonUSA, 9/10/98

SAIGÒN ' Thi sĩ Bùi Giáng đã qua đời lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Tư 7 Tháng Mười (tức 11 giờ đêm ngày 6'10'1998 tại California) trong lúc đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫỵ Ông Bùi Giáng, 73 tuổi, là một thi sĩ có tiếng thơ độc đáo, cũng là tác giả nhiều tác phẩm văn suôi về triết học, văn học, và ngay khi còn sống đã trở thành một huyền thoại trong làng văn nghệ Việt Nam vì nếp sống ngang tàng, không màng danh lợi của ông, dưới bất cứ chế độ nàọ

Thi hài thi sĩ Bùi Giáng sẽ được nhập quan vào sáng ngày 8 Tháng Mười và quàn tại Nhà Tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn. Gia đình thi sĩ tại Sài Gòn cho biết sẽ an táng ông tại Nghĩa Trang Gò Dưa, Thủ Đức. Bào đệ của ông là ông Bùi Văn Vịnh sẽ tổ chức lễ phát tang, và các văn nghệ sĩ và độc giả yêu thơ sẽ làm lễ tư ởng niệm ông tại vùng Tiểu Sài Gòn, miền Nam California.

Người Việt đã loan tin khi thi sĩ Bùi Giáng được đưa vào bệnh viện ngày 23 Tháng Chín vì bị té, đứt mạch máu nãọ Theo tin của ông Bùi Văn Nam Sơn, một người bà con ở Đức về thăm thì thi sĩ Bùi Giáng té ngã khi đứng lên thắp đèn, sau khi ông đã uống nhiều rượụ Ông đã được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy, đươ .c mổ đêm 25 Tháng Chín, nhưng quá yếu nên rất ít hy vọng phục hồi.

Giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn rất xúc động khi nghe tin Bùi Giáng vào bệnh viện, kéo nhau đến thăm ông. Tin ông vào bệnh viện được báo chí khắp nơi loan báo, ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Thi sĩ Bùi Giáng sinh năm 1925 tại Quảng Nam, thủa nhỏ đã học ở Quảng Nam và 4 năm ở Huế. Khi trưởng thành ông sống ở Sài Gòn, nổi tiếng với hành trạng và văn chương phóng túng, ngang tàng. Những tập thơ nổi tiếng của ông là Mưa Nguồn, Lá hoa cồn, Mùa thu bi ca, Ngày Tháng ngao du, v.v. Ông viết các sách triết học như Tư tưởng hiện đại, Thế nào là siêu thực, Heidegger và Husserl, Hình ảnh Jean Paul Sarte, Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại, Khô ?ng Tử, Lão tử, Gandhi, v.v. Ông cũng dịch các tác phẩm của Albert Camus (L'homme révolté), André Gide, St'Exupéry, René Char, v.v. Về văn học Việt Nam, ông đã viết các khảo luận về truyện Kiều, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, v.v.

Nhưng khi nghe tin thi sĩ Bùi giáng qua đời, các độc giả trước hết sẽ nhớ đến các vần thơ trác tuyệt, mênh mông lãng đãng như các lời nhắn nhủ của ông sau đây:

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù


Và người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ nỗi ngậm ngùi khi đọc Bùi Giáng:

Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu Quê nhà.


Lễ động quan Bùi Giáng được cử hành vào lúc 7 giờ sáng chủ nhật 11.10.1998, có đông đủ thân nhân và Bùi Tộc Vĩnh Trinh, tiễn đưa Bùi Giáng từ Chùa Vĩnh Nghiêm về chôn cất tại Thủ Đức. Họ Bùi nguyên gốc ở Nghệ An, sau dời đến Quảng Nam lập nghiệp kể từ đời Hậu Lê, qui tụ bao quanh các làng Vĩnh Trinh, Lệ Trạch, Cù Bàn, An Lâm, Cổ Tháp và Thành Châụ Tổ đình của họ Bùi đặt tại Thủ Đức. Trước ngày động quan Bùi Giáng, Hội Nhà Văn muốn biểu lộ sự kính trọng đối với một ngòi bút lớn đã qua đời, bằng cách đề nghị đuợc an táng Bùi Giáng tại Nghĩa Trang Thành Phố nhưng người em trai của Bùi Giáng là Bùi Văn Luân không chấp thuận. Sau đó Hội Nhà Văn đề nghị hiến tặng hai mảnh đất hợp với hai mảnh đất của Bùi Tộc Vĩnh Trinh cho được rộng rãị Tối thứ Bảy, số người mến mộ thi văn Bùi Giáng, đa số là các học sinh, sinh viên, giới trẻ, đô ? tới nhà quàn Vĩnh Nghiêm tiễn biệt một thiên tài đã vĩnh viễn ra đi kéo dài tới 2 giờ khuya khiến không còn một chỗ trống để chứa ngườị Sổ tang ghi tên nhiều nguời, dày tới hàng trăm trang. Đám tang có tới hàng ngàn người tham dự, được đánh giá là một trong những đám tang có đông người dự kể tư ` sau năm 1975... Trước khi hạ huyệt, nữ nghệ sĩ Kim Cương - một người từng được Bùi Giáng lúc sinh thời nói tới nhiều bên cạnh những nhân vật có thật của đương thời như Phùng Khánh, Marylin Monroe, Brigitte Bardot, Kim Novak, John Keats... - được mời đọc điếu văn. Tiếp tới nhà văn Sơn Nam, Huy Tuởng tiếp tục ngỏ đôi lời trước mộ người quá cố


Trích từ Văn Bút Ngày nay ( USA )


Message edited by phapsudatinh - Thứ Bảy, 10 Nov 2012, 4:44 PM
 
cafesnt Date: Thứ Bảy, 10 Nov 2012, 5:24 PM | Message # 6
Major general
Group: Moderators
Messages: 357
Status: Tạm vắng
Thơ cho người vợ trẻ



Bắt đầu từ năm 1952, sau thời gian chăn dê trên núi rừng, Bùi Giáng mới thật sự rời bỏ quê nhà ra đi. Theo những gì mà tôi đã ghi nhận được từ chuyến điền dã về ba huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn để tìm theo dấu chân xưa của Bùi Giáng, ông chỉ chăn dê chứ không chăn bò hay chăn trâu. Đó là lời của những ông già bà cả kể lại. Trong thơ, ông có thể viết một cách lãng mạn “Anh lùa bò về đồi sim trái chín/ Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim” nhưng ông chưa bao giờ chăn bò! Những bài của ai viết về Bùi Giáng, nói chuyện Bùi Giáng đi chăn bò là sai lầm, võ đoán. Ấy bởi vì con bò khác hẳn con dê.

Những năm rời bỏ nhà cửa, lên núi đồi một mình chăn dê hình thành tâm thức cô đơn trong con người Bùi Giáng. Người xưa đi ở ẩn là tìm đến với thiên nhiên hoang sơ. Bùi Giáng cũng vậy. Đối diện với rừng núi, truông đèo và sông suối, con người càng cảm thấy mình nhỏ bé hơn, càng muốn co cụm lại với chính mình. Thời gian phiêu lãng đó cũng là nguồn cảm hứng bất tuyệt cho ông làm thơ sau này. Thời gian ấy quyết định gần như toàn bộ thi tứ và nội dung trong thơ Bùi Giáng. Không phải tự nhiên mà những nhan đề của các tập thơ ông đều mang theo những hình ảnh của núi rừng như Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn...

Năm 1962, Mưa nguồn – tập thơ đầu tiên của Bùi Giáng mới ra đời tại Sài Gòn. “Mưa nguồn” hay “Chớp biển” là những từ thông dụng trong ngôn ngữ nói của người Quảng Nam. Do địa hình cấu tạo khá đặc biệt, nguồn (miền núi) và biển (đồng bằng) ở Quảng Nam không cách xa là mấy. Riêng với huyện Duy Xuyên, nguồn và biển chỉ cách nhau khoảng hai mươi lăm cây số đường chim bay. Những cơn mưa rào mùa hè và đầu mùa thu trên đất Quảng Nam thường bắt đầu với dấu hiệu sấm chớp ở phía biển rồi sau đó, mưa mới đổ xuống trên vùng nguồn. Nhà tôi ở hạ du sông Thu, giòng sông xanh biêng biếc quanh năm. Hôm nào có mưa nguồn thì ngày sau đó, nước tuôn về hạ du rất đục. Nhìn màu nước đục, tôi biết hôm qua có mưa nguồn.

Ca dao Quảng Nam có câu:

Chiều chiều, chớp biển mưa nguồn,

Sáo treo bốn bức, bậu buồn quá đi!


Sáo treo bốn bức là để cho mưa khỏi tạt vào nhà. Cô em bậu nhỏ không dám ra ngoài trời mưa, cứ ngồi trong nhà nghe tiếng mưa nên buồn là phải. Cho nên, bạn nghe một người Quảng Nam nói chuyện chớp biển hay mưa nguồn là bạn phải hiểu rằng người ấy đang nhớ quê nhà của mình.

Thơ Bùi Giáng có đủ hai tập Chớp biển và Mưa nguồn. Đặt nhan đề cho hai tập thơ như vậy có nghĩa là ông đang nhớ về quê nhà – cố quận của ông. Đọc thơ của Bùi Giáng, người ta thấy hai từ “cố quận” xuất hiện nhiều lần. Bùi Giáng làm thơ là để thỏa giấc mơ về cố quận.

Hán–Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh giải thích: “Quận: Một đơn vị chánh quyền. Ngày xưa, người ta gọi phủ là quận”. Theo cách giải thích đó, cố quận trong thơ Bùi Giáng là quê nhà Quảng Nam của ông; là huyện Duy Xuyên nơi ông đã trưởng thành; là làng Thanh Châu nơi ông được sinh ra; là thung lũng Trung Phước nơi ông sống với người vợ thân yêu đầu đời. Cố quận còn có thể hiểu là những nơi mà gót chân du mục của Bùi Giáng đã đi qua trên núi rừng Quảng Nam – từ Trung Phước của huyện Nông Sơn đến đèo Le của huyện Quế Sơn.

Nhưng tại sao Bùi Giáng lại nhắc nhiều đến cố quận như vậy? Ấy là vì từ lúc ra đi, ông đi biền biệt, không trở về quê nhà yêu dấu ấy nữa. Ông chỉ trở về quê nhà một lần duy nhất sau năm 1975. Ông ở phương Nam, nhớ quê nhà tha thiết nhưng không muốn trở về, không dám trở về. Ấy bởi vì ông muốn tránh nỗi đau tình dành cho người vợ trẻ ngày xưa, không dám động chạm đến nỗi đau ấy trong chính trái tim của mình. Bùi Giáng chỉ dùng ký ức để phục hiện những hình ảnh thân yêu của cố quận. Chữ “cố” – xưa, để chỉ một tâm trạng luyến tiếc. Với một khối óc thông minh, cố quận hiện ra không sót một lá cây, ngọn cỏ, cành hoa, con bướm trong thi ca của ông.

Cũng như bao lứa đôi khác, Bùi Giáng đã từng có những ngày tháng hạnh phúc bên người vợ trẻ trung, xinh đẹp, nết na ở đất Quảng Nam. Bạn biết đấy, người Quảng Nam không yêu thì thôi; nếu đã yêu rồi, thì họ yêu cho đến chết; nếu đã say đắm, họ say đắm đến cùng! Cũng bình thường như bao lứa đôi khác, thỉnh thoảng tình cảm của Bùi Giáng và vợ cũng có những va chạm rất trẻ con. Họ lấy nhau khi còn quá trẻ; ông vừa mười chín và bà vừa mười tám tuổi. Ông Bùi Luân, em Bùi Giáng, nhớ lại:

“Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số.

Trên chiếc đò bé nhỏ, chàng trai nói với người vợ trẻ:

- Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ thì tôi sẽ... nhảy ra khỏi đò!

Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức anh đem mình gieo xuống giữa giòng sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo giòng nước hết chỗ mấy chục cây số đó, tới tận bến nhà.

Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi:

- Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá mua thịt...”


“Chuyện cũ” ấy là chuyện gì? Thì ra, Bùi Giáng đã... đi trước thời đại. Ông hiểu một cách tuyệt đối thế nào đó về ẩm thực dưỡng sinh, nên chỉ thuận cho vợ ăn... rau cải, củ quả mà không cho phép bà ăn thịt gà, thịt bò – hai món thịt ngon nhất của vùng Trung Phước. Tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng không có nơi nào trên đất nước Việt Nam có món thịt gà ngon như thịt gà đèo Le. Con gà làm xong, chỉ còn nặng khoảng bốn trăm gram. Thịt gà ấy xé phay hay nướng ăn muối ớt đều tuyệt. Thế nhưng, Bùi Giáng không cho vợ ăn thịt gà! Người vợ mới mười tám tuổi đã không kham nổi tính khí kỳ lạ ấy của chồng, cũng không thể ăn chay một cách đơn điệu như vậy được, phải về méc với mẹ chồng! Bà ngồi đò dọc xuôi sông Thu trong khi ông... bơi theo giòng nước chứ không thèm ngồi đò!

Bùi Giáng yêu vợ mình nhưng những cái rắc rối nho nhỏ như vậy lại khiến một anh đàn ông lãng mạn và liều mạng như ông muốn... bỏ nhà đi chơi. Cũng bình thường như bao nhiêu người đàn ông Quảng Nam lãng mạn khi đi xa vợ, Bùi Giáng có thể gặp gỡ với những người phụ nữ khác và nhận ra họ vượt trội vợ ông về một vài phương diện nào đó. Thế nhưng, tình yêu của ông dành cho người vợ khổ ở quê nhà thì rất đỗi mặn mà, vô cùng tha thiết.

Mình ơi, ta gọi bằng nhà.

Nhà ơi, ta gọi vợ ta bằng mình.


Mười năm sau cái chết của người vợ trẻ, ông phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Đó là những dấu tích của người vợ để lại – những dấu tích đáng yêu, khiến bài thơ có một không khí rất đỗi bi ai, tràn đầy hoài cảm:

Em chết bên bờ lúa.

Để lại trên lối mòn.

Một dấu chân bước của

Một bàn chân bé con!

Anh qua trời cao nguyên

Nhìn mây buồn bữa nọ.

Gió cuồng mưa khóc điên.

Trăng cuồng khuya trốn gió.

Mười năm sau xuống ruộng

Đếm lại lúa bờ liền.

Máu trong mình mòn ruỗng.

Xương trong mình rả riêng.

Anh đi về đô hội,

Ngắm phố thị mơ màng.

Anh vùi thân trong tội lỗi.

Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang.


Ở đời, có được bao nhiêu nhà thơ làm thơ tặng vợ? Nhà thơ vốn lãng mạn nên căn bản họ chỉ làm thơ tặng cho người tình, người yêu. Thơ tặng vợ rất hiếm.

Tay chơi Tú Xương vốn bán trời không văn tự; đĩ bợm, cờ bạc, rượu chè nhất xứ Hà Nam cũng có lúc quay về với chân bản ngã. Ông có một bài tặng vợ có thể xem là hết sức trung thực:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi nổi năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng.

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận.

Năm nắng mười mưa dám quản công...


Nhà thơ Vũ Hữu Định cũng có một bài tặng vợ khi vợ sinh con mà anh không có mặt bên cạnh để chăm sóc:

Lần nào em sanh nở,

Anh cũng không có nhà.

Lần này em sinh nở,

Anh đang trên đường xa...


So trong những bài thơ trên, bài thơ của Bùi Giáng viết cho vợ thi tứ thật thống thiết, tình ý tràn đầy nỗi đau xót. Ta hiểu, đó là thái độ hối lỗi với người vợ thân yêu bởi khi bà trút hơi thở sau cùng thì ông đang vân du đâu đó. Nhưng động cơ nào khiến ông để người vợ trẻ ở lại quê nhà một mình để ngao du thì không ai rõ. Điều may mắn là ông cũng kịp trở về quê nhà vĩnh biệt vợ. Thơ ông viết cho bà đột nhiên trang trọng và đầy nước mắt:

Đất hoa khóc vĩnh biệt người.

Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu.


Sau khi an táng vợ xong, Bùi Giáng bỏ cố quận ra đi. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ cố quận, nhớ đến thê thiết não nùng. Nhớ nhưng ông không dám trở về bởi nơi nào ở cố quận cũng nhắc nhở ông nghĩ đến tình yêu người vợ khổ của ông. Ta hình dung sự mâu thuẫn nội tâm đó đã thật sự giằng xé một cách khốc liệt và ma quái trái tim Bùi Giáng.

Ông gọi bà với nhiều tên gọi khác nhau. Đầu tiên, bà được gọi là “gái trần gian”. Những giọt nước mắt của ông khóc vợ - công khai trong đời hay âm thầm trong thơ, đều là giọt hồng lệ. Hồng lệ có nghĩa là giọt nước mắt có pha máu. Ông có thể gặp gỡ, cười đùa, tán tỉnh cả trăm người phụ nữ khác nhưng lòng ông chỉ yêu và chỉ nhớ mỗi một mình bà, đặc biệt là những khi ông còn lại một mình, đối mặt với chính tâm thức cô đơn của mình. Không có ai trên đời này bằng “gái trần gian” của ông cả. Có thể nói toàn bộ tâm trạng của Bùi Giáng trong Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột là nỗi đau tình dành cho người vợ thân yêu.

Đùa với Tuyết, giỡn với Vân.

Một mình nhớ mãi gái trần gian xa.

Sương buổi sớm, nắng chiều tà.

Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?


Thứ hai, ông gọi bà là “con mọi nhỏ”. Tôi lấy làm tiếc khi có một vài người nghiên cứu văn học hiểu nhầm chữ “mọi” trong thơ Bùi Giáng, cho rằng gọi ai là “con mọi” là có ý khinh khi người đó, là kỳ thị dân tộc. Không phải. Trong ngôn ngữ nói thông dụng, người Quảng Nam thương yêu người nào nho nhỏ, xinh xinh thì gọi kẻ ấy là con mọi, thằng mọi. Chữ mọi không hề hàm ý khinh bỉ, không mang màu sắc khinh thị như chữ “man” trong khái niệm man di của Hán văn mà ra. Mẹ tôi vẫn thường mắng yêu tôi là “Thằng mọi ăn trộm bánh”. Thơ Bùi Giáng gọi vợ mình “con mọi nhỏ” là thể hiện tình yêu thương đậm đà, thân mật đối với vợ vậy.

Bùi Giáng giải thích khái niệm “mọi” trong thơ mình. Bà là con người trong sáng, tinh khiết như giọt sương mùa xuân, giọt sương ban đầu khai sáng tình yêu lứa đôi trong lòng ông:

Mọi em là mọi sương xuân,

Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh.


Thơ ông viết cho “con mọi nhỏ” của mình tràn đầy nỗi thương xót và tình yêu dấu:

Rồi rốt cuộc, em vui cười như thể,

Những tình yêu thương nhớ đã phục hồi.

Tờ giấy mỏng anh tô bồi hồng lệ

Gởi cho em tình mộng đất xa trời.

Giờ ly biệt, ta xin em đừng khóc.

Nào phải không? Lệ chảy có vui gì?

Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc.

Nước xuôi giòng, ngàn thu hận ra đi.


Mỗi khi Bùi Giáng nhắc đến cố quận là ông nhớ đến người vợ thân yêu. Thơ viết cho người vợ thân yêu – con mọi nhỏ giữa núi rừng Trung Việt, càng lúc càng đậm đà niềm thương yêu trìu mến. Sống trên một miền đất mang nặng dấu ấn của văn minh lúa nước Ấn Độ giáo, người Quảng Nam tôn thờ, ca ngợi Huyền tẫn –nguyên lý Mẹ của triết học phương Đông. Người Quảng Nam đặt tên cho giòng sông lớn nhất của tỉnh mình là sông Thu Bồn. Thu Bồn – tiếng Chămpa, là tên một cô gái bản địa mới mười lăm tuổi, đã có tấm lòng hy sinh, bảo bọc, chở che người dân sống hai bên giòng sông. Dù cô gái đó chết đi khi còn đồng trinh, người Quảng Nam vẫn xưng tụng là Bà Thu Bồn – người mẹ của xứ sở. Sông Thu Bồn có nghĩa là Sông Mẹ. Lễ hội phụng thị Bà Thu Bồn diễn ra vào mùa xuân hằng năm trên đất Duy Xuyên cho ta biết người Quảng Nam tôn trọng nguyên lý Huyền tẫn đến chừng nào.

Văn minh lúa nước phương Đông ấy đã đi sâu vào trong tâm thức Bùi Giáng. Cũng dễ hiểu tôi, quê nhà ông ở kế cận khu đền tháp Mỹ Sơn – biểu trưng của văn hóa Ấn Độ giáo, của văn minh lúa nước phương Đông. Ông lớn lên là đã thấy cả ngàn Apsara xinh đẹp nhảy múa trên tháp cổ; thấy Linga và Yoni được tạc bằng sa thạch giao phối. Ông lớn lên bên giòng sông Thu, uống nước sông Thu, tắm nước sông Thu. Cho nên nguyên lý Huyền tẫn thấm vào máu thịt của ông. Ông phong tặng người vợ của mình – con mọi nhỏ, lên thành mẹ của giang san:

Em thành Mẹ của giang san,

Em là thần nữ đoạn trường chở che.


Thơ ông càng lúc càng trang trọng khi viết về người vợ, viết cho người vợ. Tất cả cái mẫu tính dịu dàng, hồn nhiên, tươi đẹp, đôn hậu toát lên từ con người của bà Bùi Giáng khiến ông cảm phục vợ. Từ một con người cụ thể, mảnh mai, bà qua đời và vụt trở thành hình tượng cao quí nhất trong lòng ông, trong thơ ông:

Em thuyền quyên ban mưa móc xum xuê.

Em rắc gieo khắp xứ sở bốn bề.

Suốt địa hạt tình quê hương ba ngõ.

Anh quỳ xuống gọi em: Em mọi nhỏ.


Ở lại giữa quê nhà, có được những tháng ngày lang thang giữ dê đọc sách là một hạnh phúc. Thế nhưng trong khung cảnh ấy, ông nhìn nơi đâu cũng có bóng dáng, hình ảnh của “em mọi nhỏ” hiện ra. Hình ảnh ấy càng hiện ra thì trái tim Bùi Giáng còn phải hứng chịu nỗi đau tình khôn tả. Chính vì vậy, ông chọn sự ra đi:

Sẽ đi cùng bước chân mùa.

Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh.

Hào hoa bỏ lại bên mình.

Lá thiên thu đẹp làm thinh bên đường.


Thế nhưng, ra đi không phải là quên được. Cái vang bóng về cố quận, về hình tượng người vợ cứ còn mãi đó trong lòng ông. Tập Mưa nguồn có thể xem là tập thơ viết về cố quận, viết cho vợ. Tập thơ thể hiện gần như trọn vẹn tài hoa thi ca của Bùi Giáng – lúc này mới ngoài ba mươi tuổi, vẫn còn là anh niên Bùi thi sĩ. Thơ ông thật tuyệt vời; thi ảnh lung linh, thi tứ tràn trề niềm cảm xúc, dịu dàng và lãng mạn bay bổng như khúc Roman trong âm nhạc piano cổ điển:

Em về mấy thế kỷ sau,

Nhìn trăng có nhớ nguyên màu ấy không?

Ta đi, gởi lại đôi dòng,

Lá rơi có dội vào trong sương mù?


Lắm khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Trí tưởng tượng phong phú đưa ông trở về với cố quận, đối thoại với bà về cuộc sống đoàn viên, ước mơ hạnh phúc. Thế nhưng, còn gì nữa đâu giữa nguồn xưa hư vô. Thơ Bùi Giáng đau cái nỗi đau nát ngọc tan vàng:

Anh cứ ngỡ đùa vui trong tí chút,

Đâu có ngờ đùa mãi đến điêu linh.


Mà đời ông, sau cái chết của bà, trở thành điêu linh thật. Tôi đọc Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung, thấy ông tả tướng mạo của chưởng môn phái Hành Sơn Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh “tướng mạo vô cùng điêu linh cổ quái”. Ngày sau, gặp Bùi Giáng lần đầu, tôi cứ nghĩ ông là hiện thân của Mạc Đại tiên sinh; cũng “Cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm” – trong cây đàn giấu thanh kiếm, kiếm múa lên lại phát ra tiếng đàn.

Bờ mây trắng dựng cuối trời bóng dáng,

Của ban sơ hoài vọng giữa nhân gian.

Lòng vạn vật mơ màng chiều qua sáng.

Em về nhanh cho mây trắng buông màn.

...Đời xiêu đổ, nguồn xưa anh trở lại.

Giữa hư vô, em giữ nhé, ngần này.


Tội nghiệp, qua mấy mươi năm, hình ảnh người vợ trẻ, hiền ngoan ấy vẫn sống trong lòng ông. Ông uống trà giữa Sài Gòn mà hình ảnh của bà ngày xưa ở Quảng Nam như hiển hiện ra trước mắt.

Trung niên thi sĩ uống trà,

Thưa em mọi nhỏ, em đà uống chưa?

Bỗng dưng trận nhớ về trưa

Nhớ chiều sương núi chớm vừa trở cơn.

Sắt se giết chết cung đờn,

Nhận chìm cung bậc vang hồn thưa em.


Một nửa cuộc đời ông, một nửa trái tim ông dành để nhớ bà. Đáng yêu thay hình tượng người phụ nữ Quảng Nam trong thơ Bùi Giáng:

Bây giờ, đối diện riêng tôi.

Còn hai con mắt, khóc người một con.


Bùi Giáng thật đa tình nhưng cũng thật chung thủy.

Bài viết của :Vũ Đức Sao Biển

____


 
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 10 Nov 2012, 8:36 PM | Message # 7
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Đại Bi Chú
 
thanhlongphapsu Date: Chủ Nhật, 11 Nov 2012, 8:58 AM | Message # 8
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Nỗi Lòng Tô Vũ


(Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê ở núi đồi
Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú )


Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh


Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút giòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be


Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng
Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba qua rú rậm luống rùng mình


Những bận nào Quế Sơn Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ xuống phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng



Em nhớ hay không? hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa


Nhưng từ nay Giáp Nam anh đóng trại
Cố định rồi - em khỏi ngại ngày đêm
Dưới nắng mưa tha phương du mục mãi
Cay đắng từng, bùi ngọt mặn mà thêm



Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện
Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi
Khoanh mấy vòng tay anh thoăn thoắt bện
Vòng cho em từng chiếc sắp xong rồi



Chiều đã xuống em đà no nê chắc
Huýt tù và! em xúm xít lại anh đeo cho
Mỗi chúng em mỗi vòng mây mỗi sắc
Lại mau đây! to nhỏ cổ anh so


Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này em Hoa Cà (1) hỡi! chiếc nâu



Ngẩng đầu lên! dê ơi anh thong thả
Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên


Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi (2)


Vòng em xong, vòng anh dành riêng chiếc
Dành riêng mình - Dê hỡi hiểu vì sao ?
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao


Nhìn anh đây các em Vàng Đen Trắng
Tía Hoa Cà lổ đổ thấu lòng chưa ?
Từ từ đưa chiếc vòng lên thủng thẳng
Anh từ từ đưa xuống cổ đong đưa


Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha


Và giờ đây hoàng hôn mờ trĩu nặng
Bốn bề tràn lan bóng mịt mùng sa
Xếp hàng ngay nhanh lên hàng ngũ thẳng
Rập ràng về bế hế rập ràng ca


(1) Dê Hoa Cà có lông lổ đổ tía hồng xem như hoa cà vậỵ Đẹp vô cùng. Nhất là những buổi chiều, sắc
lông óng ả dưới nắng vàng - xa xa hình bóng dê rực rỡ nổi bật trên triền núi xanh lợ Dê Hoa Cà còn gọi là Dê Sao (vì lông lổ đổ sáng như sao).

(2) Ý nói cái lần đầu, thuở hai mươi tuổi, trao cái
vòng ngọc cho vị hôn thê mà không cảm động bằng lần đầu đeo vòng cho dê vậỵ


Bùi Giáng
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 11 Nov 2012, 2:22 PM | Message # 9
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Chủ Nhật, 11 Nov 2012, 3:24 PM | Message # 10
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng


Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Một năng lực phi thường của kẻ suốt ngày rong chơi


Con người rong chơi suốt ngày này đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đáng kinh ngạc. Tổng số sách Bùi Giáng viết hoặc dịch đã được in lên tới trên dưới 70 cuốn. Làm sao ông có thể tạo ra một khối lượng tác phẩm đồ sộ như vậy trong khi không ai thấy ông làm việc cả? Do Bùi Giáng viết với tốc độ quá nhanh chăng? Quả là như vậy thật. Câu chuyện do một nhà văn gần gũi với Bùi Giáng trước năm 1975 kể sau đây quả là kỳ lạ.

Nhà văn này cho biết, khi một tạp chí văn học thực hiện số chuyên đề về Bùi Giáng vào năm 1973, ông được phân công giới thiệu những bài thơ mới nhất mà Bùi Giáng sáng tác. Những bài vở khác của số tạp chí đó đã được những người khác thực hiện xong, chỉ còn chờ đợi những bài thơ của Bùi Giáng thôi. Nhưng Bùi Giáng sống rày đây mai đó, không có một địa chỉ nào cố định, biết ông ở nơi đâu mà tìm. Thật là nan giải. Đang loay hoay chưa biết kiếm tìm ở đâu thì thi sĩ bất ngờ ghé vào tòa soạn. Trước mắt mọi người là một bộ da bọc xương trong quần áo rộng thùng thình, một mái tóc dài đạo sĩ rối như tổ quạ, một cái túi vải cộng với một cây gậy. Nhà văn mỉm cười kéo Bùi Giáng ra trước tòa soạn chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm rồi mới hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Bùi Giáng gật đầu đồng ý liền.

Tưởng rằng Bùi Giáng sẽ lấy những bài thơ đã chép sẵn ở túi vải ra hoặc nếu không có sẵn thì ông nói để chờ ông về nhà lấy đem tới liền hoặc là ông sẽ khất hôm sau đem thơ đến. Nhưng tất cả mọi dự đoán đều không đúng. Bùi Giáng chỉ hỏi mượn tòa soạn một cây bút, xin một xấp giấy và một... chai bia. Xong rồi ông bắt đầu ngồi xuống bàn. Và ông viết. Không phải là ông ngồi nhớ để chép lại những bài thơ làm từ hôm qua hôm kia hoặc tuần trước, mà là ông ngồi để sáng tác thơ ngay tại chỗ.

Bấy giờ mọi người mới kinh ngạc nhìn nét bút, trong tay ông "thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả", và những câu thơ lần lượt hiện ra trên giấy mà theo lời nhà văn trên là "như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, xa quá, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút, từ đầu ngón tay thôi". Chai bia còn sủi bọt thì Bùi Giáng còn ngồi viết không ngừng. Thơ cũng tuôn ra không ngừng trên những trang giấy. Nét chữ cũng nắn nót chỉnh chử, chứ không phải gạch đi xóa lại. Sau khi chứng kiến "gã phù thủy" Bùi Giáng sáng tác thơ ngay tại chỗ, nhiều người trong tòa soạn bấy giờ mới hiểu được một phần bí ẩn của con người ông. Một người khác chứng kiến chuyện này tâm sự: "Lần đó, tôi đã thấy, đã hiểu tại sao Bùi Giáng cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Đúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ".

Sau khi sáng tác đủ đơn đặt hàng của tòa soạn, Bùi Giáng uống cạn chai bia, cười và lặp lại ba tiếng cửa miệng "vui thôi mà", rồi đứng lên đi thẳng. Bùi Giáng ra khỏi tòa soạn mà mọi người vẫn còn ngồi ngẩn ra đó, ai nấy đều chưa hết bàng hoàng kinh ngạc.

Quá trình tư duy và lao động sáng tạo trong con người Bùi Giáng như thế nào? Ông đã hình thành những tứ thơ ra sao? Vì sao ông có thể tuôn ra được những câu thơ mà không cần suy nghĩ? Đó là những câu hỏi mà rất nhiều người tò mò muốn biết nhưng có lẽ không ai tìm hiểu được. Ông Huỳnh Ngọc Chiến, một người quen biết với Bùi Giáng kể, một lần nọ có mấy người bạn Quảng Nam cùng ngồi uống cà phê với Bùi Giáng, một người rất ái mộ Bùi Giáng tò mò hỏi ông thường làm thơ như thế nào, thì Bùi Giáng cười và nói: "Qua làm thơ cũng giống như em là kỹ sư mà làm toán lớp ba rứa thôi". Theo ông Huỳnh Ngọc Chiến thì lúc đó Bùi Giáng trả lời rất thành thật, chẳng có một chút biểu hiện cao ngạo nào cả. Vì thế có thể tin lời Bùi Giáng rằng với ông, làm thơ là một công việc dễ dàng, đơn giản như ta làm toán cộng toán trừ, đặt bút vào là làm chứ không cần phải suy nghĩ.

Chính nhờ khả năng viết nhanh đó mà Bùi Giáng đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ như trên. Giai đoạn ra sách nhiều nhất của Bùi Giáng là khoảng từ năm 1964 đến năm 1970. Riêng năm 1969 Bùi Giáng cho ra đời đến mười cuốn sách. Cũng trong những năm này có những người đứng ra thành lập nhà xuất bản với mục đích chủ yếu để in tác phẩm của Bùi Giáng.


Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Bùi Giáng có phải là một người điên không?


Từ trước đến nay có rất nhiều người đặt câu hỏi: Bùi Giáng có phải là một người bị mắc bệnh điên hay không? Cũng đã có rất nhiều bài viết về Bùi Giáng đề cập đến vấn đề này, trong đó một số tác giả khẳng định Bùi Giáng là người điên trong khi một số khác lại nói ngược lại.

Trong một bài viết, tác giả Trần Đới khẳng định: "Một sự thực là Bùi Giáng chưa bao giờ điên. Cũng như anh chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tỉnh lại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả lẽ chân thiện mỹ của nghệ thuật thi ca từ nhiều đời nhiều kiếp đều dồn về lúc đó... Bây giờ người thi sĩ này chỉ còn một cách duy nhất để sáng tác nguồn cảm hứng kia là sống".

Một người khác, ông Nhất Thanh, thì viết như thế này: "Ồ, chẳng có ngôn từ nào thích hợp với Bùi Giáng cả. Ông chỉ là một ông già bình thường nhất, dễ thương nhất. Nếu có điên chăng, có lẽ là tất cả chúng ta".

Bùi Giáng hiển nhiên cũng biết việc nhiều người tranh cãi nhau rằng ông có điên hay là không điên. Ông đã tự viết về mình như sau: "Nó điên? Vâng nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy".

Đọc đoạn đó của ông người ta thấy hơi bối rối. Vậy thì Bùi Giáng là người như thế nào? Ông là một người điên hay là một người bình thường? Nhưng có một sự thật không thể chối cãi: Bùi Giáng đã từng là bệnh nhân của bệnh viện tâm thần hẳn hoi. Năm 1969 là năm ông in được nhiều tác phẩm nhất nhưng cũng là năm mà ông vấp phải cú sốc lớn thứ hai trong đời. Bùi Giáng bị hỏa hoạn thiêu cháy hết toàn bộ sách vở quý hiếm, một số tranh và đặc biệt nhiều bản thảo hoàn chỉnh mà ông rất tâm đắc. Con người hồn nhiên của Bùi Giáng có lẽ không bị sốc vì chuyện này, nhưng sau đó người thân của ông phải đưa ông vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa để chữa trị.

Cung Tích Biền kể: "Khoảng đầu thập niên 70 có lẽ người ta đưa ông vào nhà thương điên Biên Hòa chữa cái bệnh đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy ". Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh. Bèn hỏi một câu thường tình: "Nhà thương Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay nhỉ!". Ông trả lời tỉnh queo: "Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên".

Nghe Bùi Giáng nói như thế, hẳn người ta cảm thấy ngờ ngợ rằng những việc làm không giống ai của ông là do ông muốn thế chứ chẳng phải do bệnh tật gì gây ra. Nhà văn Đào Hiếu viết: "Cũng có thể hiểu Bùi Giáng như thế này: Ông coi đời là hữu hạn, là phi lý, là chốn lưu đày, là cõi phù du là cái mớ bòng bong vớ vẩn...".

Chung quanh vấn đề Bùi Giáng, có hai điều cần nêu ra sau đây. Một là, không phải chỉ có mình Bùi Giáng vừa có những biểu hiện tâm thần vừa làm thơ viết văn. Có rất nhiều bệnh nhân của các bệnh viện tâm thần là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ... Họ có thể vẽ tranh, sáng tác văn thơ ngay trong thời gian điều trị bệnh. Có điều họ không có sẵn cái gốc tài năng xuất chúng như Bùi Giáng nên không trở thành hiện tượng đặc biệt mà thôi.

Hai là, những hành vi khác người của Bùi Giáng đã được các nhà chuyên môn xác định có nguyên nhân bệnh lý hẳn hoi chứ không phải là vấn đề tư tưởng hay nhân sinh quan gì cả. Có điều, vì ta thấy cái điên của ông cũng hơi khác người nên cảm thấy ngờ ngợ. Nhưng dần dần ta sẽ được rõ hơn khi xem xét đến các vấn đề khác. Cần biết rằng, không riêng gì Bùi Giáng mà nhiều bệnh nhân tâm thần khác, tiếp xúc với họ đôi khi ta cũng dễ nhầm lẫn vì thấy họ có vẻ thật thật giả giả, nửa điên nửa tỉnh. Cho nên chúng ta không thể kết luận được về tình trạng của họ mà phải là các nhà chuyên môn.

Không ai biết Bùi Giáng, đọc Bùi Giáng mà không yêu mến ông. Đó là sự thật. Gọi ông là người tỉnh cũng được, điên cũng được, dù là tỉnh hay điên ông cũng đã để lại cho đời những vần thơ mênh mang trác tuyệt. Ông mở ra một thế giới thi ca cao vời, ảo diệu. Nói như một người từng gần gũi với ông: "Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có được thêm ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta còn được lạ lùng được kỳ ảo biết bao nhiêu". Quả đúng như vậy !


Trần Đình Thu


Message edited by phapsudatinh - Chủ Nhật, 11 Nov 2012, 4:25 PM
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 11 Nov 2012, 7:14 PM | Message # 11
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


Một Vài Kỷ Niệm Với Bùi Giáng

Mai Thảo


LTS:

Thuở sinh tiền, khi nói đến thơ, nhà văn Mai Thảo thường nhắc nhiều đến Vũ Hoàng Chương và Bùi Giáng. Mỗi người một phong cách, nhưng theo Mai Thảo, đó là những “ngôi sao Bắc Ðẩu trên vòm trời thơ ca của ta”.

Chúng tôi cho đăng lại bài viết này (Văn, số 26 tháng 8/1984, USA) như một hình thức tưởng nhớ đến một người yêu thơ rất mực: nhà văn Mai Thảo, và một người làm thơ tài hoa cũng rất mực: thi sĩ Bùi Giáng.

Cả hai đã ra đi.

Bên kia thế giới, có lẽ nhà văn Mai Thảo lại có dịp mời thi sĩ Bùi giáng một chai bia lớn, và lại sẽ được nghe ông nói, bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt: “vui thôi mà”, như độc giả sẽ thấy, trong bài viết dưới đây.

HỢP LƯU

---o0o---


Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho), tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ. Mỗi họp mặt vớiù Thanh Tuệ, hồi đi là giám đốc của nhà xuất bản An Tiêm và còn là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.

Những họp mặt vì sách và do sách đó thường có tôi, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, đôi khi Nguyễn Ðình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, và đương nhiên nhân vật chủ chốt là tác giả sách là Bùi Giáng. Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản trưóc mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bền không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng ông cũng vậy.

Bùi gíang chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương. Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà Thanh Tuệ chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi trước đó, tươi cười, ung dung, trong cái phong thái của một người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nào của một người viết đang gió táp mưa rơi trên ngàn ngàn trang sách.

Có như Bùi Giáng trước sau vẫn đang chập chờn với đời như một cánh bướm, lững thững với đời như một áng mây. Có như Bùi Giáng, cái áo vải cũ, râu tóc để mặc, điếu thuốc trên tay, chén trà trước mặt, vẫn chỉ ngồi chơi thảnh thơi ngày ngày với An Tiêm như thế. Sau này, sống với Bùi Giáng nhiều hơn, tôi cũng chỉ thấy Bùi Giáng như hồi đầu thấy ở An Tiêm.

Trong một phiêu hốt, một ung dung chưa từng thấy. Có như, trọn một đời cái đầu của thi sĩ không một chút nào dành cho suy nghĩ, bàn tay thi sĩ không một phút nào dành cho cây bút. Có như trang giấy trắng, mặt bàn viết là những vật thể xa lạ chẳng bao giờø ông biết tới.

Vắn tắt là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bông, hoàn toàn rong chơi.

Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng và thấy Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi.

Một lần, tôi đem cái điều khó hiểu này ra hỏi một người cũng làm thơ thật nhiều, cũng làm thơ rất đều tay là Thanh Tâm Tuyền. Tác giả Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy lắc đầu cười: “Chịu không giải thích được. Chỉ biết Bùi Giáng khác. Với tôi. Với hết thẩy. Là cái chỉ có một. Với tôi là từng bài thơ. Nói đến từng bài thơ Bùi Giáng, bài thơ này bài thơ kia của Bùi Giáng lại là chuyện tức cười lắm lắm. Bùi Giáng là cái hiện tượng dị thường của một suối thơ ăm ắp không ngừng. Ðọc thơ Bùi Giáng cũng phải đọc như thế. Ðứng trên đơn vị từng bài. Bùi Giáng đặït tựa cho từng bài là ngắt thơ ra, ngắt chơi ra vậy thôi. Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ ra thơ, làm thơ. Ta cứ tạm hiểu cái trạng thái thơ kỳ lạ khác thường ở Bùi Giáng là như vậy.”

Sự ngược nghịch giữa cái rong chơi một đời của Bùi Giáng với cái lực thơ, cái số thơ, cái lượng thơ khủng khiếp làm ra, tôi đem hỏi thêm nhà xuất bản hằng ngày sống cùng Bùi Giáng, rồi đến chính thi sĩ, cũng không được sáng tỏ gì hơn ngoài suy diễn có tính chất phỏng đoán của Thanh Tâm Tuyền. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười. “Tôi cũng lấy làm kỳ”, Thanh Tuệ nói.

“Anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc.

Ðiều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.”


Nhà An Tiêm suốt mấy mùa sách, hầu như không thở được nữa trước cái viết tràn bờ của Bùi Giáng, điều này ai cũng biết.


Rồi tôi rủ Bùi Giáng tới quán. Ðãi ông uống rượu. Vặn hỏi chính thi sĩ. Ðể cũng chỉ được Bùi Giáng cười cười thích thú trước tìm hiểu có vẻ ngớ ngẩn của tôi. Ông không chịu giải thích, chừng như ông không có gì giải thích, sự thành hình tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Cười cười, ông đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu: “Vui thôi mà”.

Ừ vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông, cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện tượng thân của mênh mông nghìn ngã trăm phưong ấy.

Bùi Giáng nói vui thôi mà. Quả vậy, thơ ông vui cực kỳ. Con châu chấu, con chuồn chuồn. Cơn chuồn chuồn, con châu chấu. Rừng Marylyn. Biển Brigitte Bardot. Ngành Novak. Ðóa John Keats. Ngành Mật niệm. Ðóa U Linh. Hồng Lĩnh Hạc Lâm. Quỳnh Lai Thị Xứ. Thơ đốt pháo bông, ngôn ngữ triệu triệu, như chữ thần diệu:

Người nằm ngủ thấy gì
Thấy rất nhiều nắng lạ


Giấc ngủ đầy nắng, đầy nắng lạ. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Thơ ông vui thật. Từ cánh tay áo rộng, thơ bay. Từ trí tuệ gió lộng, thơ phất. Nghìn thu cổ lục. Ngày Hy Nga. Ðêm bé chị. Mọi trên ngàn. Sóng Hồng Hoang. Thềm dục vọng. Thơ ghé thăm đá, thăm bàn ghế, thăm bún bò, thăm lá.

Ghé thăm trái mận ban đầu
Bình minh bắt gặp nguyên màu ban mai


Tiếng thơ sáng rỡ, chói lọi, kỳ ảo, cánh rừng ngôn ngữ ấy suối reo, chim hót, hoa nở, cây ào ào sóng vỗ, sóng từng từng xanh cây, beo gấu rởn nghịch, con chuồn chuồn hóa thân, con châu chấu suy tưởng, những môi nhỏ hằng ngày, gì cũng là thơ, thảy đều biến dạng.

Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui. Hãy đọc thơ ấy, như cùng ông đi vào một trận vui lồng lộng. Ðừng cần tìm hiểu. Ðừng cần giải thích. Hãy đọc lại Mưa Nguồn, Bài Ca Quần Ðảo:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau


Sẽ thấy cái vẫy tay chào lấp lánh của thi sĩ. Cái sự “vui thôi mà” trước sau ông chỉ nói vậy, ba chữ này tôi ao ước được thấy khắc vào mộ chí ông khi ông mất đi, ông và giữa con đường vui, không dưới không trên, không đầu không cuối gì hết. Giữa và mùa xuân phía trước, miên trường phía sau.

Thơ là người. Ngoài đời Bùi Giáng cũng thật vui. Thời kỳ Thanh Tuệ chấm dứt, nhà xuất bản An Tiêm tạm ngừng hoạt động, Bùi Giáng gặp lại Thanh Nam, viên Linh, Vũ Khắc Khoan và tôi ở toà soạn tuần báo Nghệ Thuật và những kỷ niệm chúng tôi có với thi sĩ thời gian này vẫn là những kỷ niệm vui. Lúc này, thần thái ông ấy không còn được rạng rỡ như mấy năm về trước.

Cuộc phiêu bồng qua đời sống của ông kỳ dị và tận cùng hơn. Mái tóc ông đổi màu. Mấy chiếc răng cửa bị gãy, nụ cười trẻ thơ vừa móm mém. Cặp ma-sát sâu hóm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế. Những con đường trên đó ông đi, cái túi vải thơ nào, những ngã tư ông ngừng lại, tách thoát với nhân thế, tất cả ở Bùi Giáng phơi hiện dần dần một hủy hoại khô khốc, ấy là tôi chỉ biết nhìn thấy ông một cách “hình hài” như vậy, nhưng “vui thôi mà” thì vẫn là rất vui.

Ông vào tòa soạn, ngồi xuống ghế, nhìn mọi người, cười trẻ thơ, thường nói khát quá và xin một chai bia uống. Ông uống từng ngụm nhỏ, nói thích chai bia lớn vì uống được nhiều hơn, châm thuốc hút, những ngón tay vụng về lóng ngóng. Uống cạn chai bia, cái túi vải đeo lên và bỏ đi. Ðó là cái đến cái đi êm ả của Bùi Giáng. Nhiều lần không thế. Ông ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn, thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo. Một lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn viết kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy. Những lần đó, ông ngồi im lặng, bất động, thầm thì “vui thôi mà” rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống.

Chính là trong cái tình trạng suy nhược đã trầm trọng quá chừng và tiều tụy quà thể này của Bùi Giáng mà chúng tôi bắt đầu cảm thấy quan tâm thực sự đến thi sĩ. Ðến sức khỏe ông, ngày mỗi cạn kiệt. Ðến cách sống ông ngày mỗi tiều tụy. Ðến tâm thức ông, ngày càng bất định. Cuộc vui của ông Bùi Giáng tuyệt vời nhưng chẳng thể phiêu bồng mãi mãi. Phải làm một cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại. Về thế nào là cái tiếng thơ trác tuyệt của Bùi Giáng, cõi ngôn ngữõ đạt tới hoang đường kỳ ảo của Bùi Giáng. Trong khi còn gần ông. Trước khi ông chẳng gần, chẳng chịu sống cùng ai nữa.

Số biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng phải chờ đến hơn một năm sau, tờ Nghệ Thuật đình bản, tôi sang trông coi tờ Văn chung với Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện được. Cũng nhờ số Văn này mà tôi mới nhìn thấy và hiểu được sự không hiểu của tôi nói ở trên là sự ngược nghịch giữa Bùi Giáng tháng ngày rong chơi với Bùi Giáng một tuần lễ cả ngàn câu thơ, cả ngàn trang sách. Số Văn ấy, phần nhận định nhờ Thanh Tâm Tuyền, Ninh Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt... viết. Bài phỏng phấn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện. Phần giới thiệu những bài thơ mới nhất là tôi. Chưa biết kiếm tìm Bùi Giáng ở đâu, thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy.


Kéo ông ra trước báo quán chụp chung tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật.
Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ.

Ông không chép lại thơ đã làm. Ông làm thơ tại chỗ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón thôi. Làm thơ ứng khẩu, làm thơ tại chỗ, nhiều người cũng làm được. Nhưng là thơ thù tạc, và chỉ năm bảy câu một bài thôi. Bùi Giáng khác. Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắm nót chỉnh đốn, chỉ một lúc thôi đã xong hơn hai mươi bài thơ, chúng tôi cầm lên coi, thấy bài thơ nào cũng khác lạ, cũng thật hay, cũng đích thực là từng hạt ngọc của cái thơ thượng thừa Bùi Giáng.


Lần đó, tôi đã hiểu tại sao Bùi Giáng cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Ðúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp.
Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “vui thôi mà”
rồi đứng lên từ biệt.


Mấy tháng cuối cùng trước biến cố 1975, tôi không thấy Bùi Giáng trong đời sống tôi nữa. Chỉ tỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu, dưới trời sao, ở một gầm cầu, dưới một mái hiên. Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuỗi toàn dày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ trỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại vi thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói.

Ở trình trạng này, anh em chúng tôi, những bạn bè một thời thân thiết với Bùi Giáng, từng đã chén thù chén tạc với Bùi Giáng bao lần trên căn gác đường Lý Thái Tổ của nhà xuất bản An Tiêm, nhận sách tặng của Bùi Giáng, ở với ông và trời thơ trác tuyệt của ông, chúng tôi biết chúng tôi chẳng làm gì cho Bùi Giáng được nữa. Chẳng phải bỏ ông. Ông cũng không bỏ. Chỉ là ông đã đi khỏi, đi xa, vào một trời đất khác.

Hai câu thơ hay tuyệt hay vào tập cho tập Mưa Nguồn:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau


Ðã mang một ý nghĩa khác. Lời chào như một xa cách vĩnh viễn. Một bỏ đi. Một vĩnh viễn. Cái kho tàng chữ nghĩa phong phú vô tận ở đó Bùi Giáng vừa tạo dựng nên cái thế giới ảo huyền của mình vừa phá hủy tan tành cái thế giới ấy, kho tàng ấy thi sĩ không thèm sử dụng nữa, và chúng tôi chẳng còn con đường nào tới được với ông.

(.....)

Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận. Ðọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Ðảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng.

Vui thôi mà. Ðúng vậy, vui thôi, có khác gì đâu.
Mất Bùi Giáng , thơ ta lại trở về với cái hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta văn học ta còn được lạ lùng được kỳ ảo biết bao nhiêu.

MAI THẢO

---------
Đặc San Hợp Lưu ( số 44, tháng 12/1998 tháng 1/1999)


AToanMT
 
LongTracAn Date: Chủ Nhật, 11 Nov 2012, 10:17 PM | Message # 12
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Đại Bi Chú
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 12 Nov 2012, 7:30 AM | Message # 13
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Cây Cỏ dậy Thì


Em đi cây cỏ dậy thì
Ngày xuân vô lượng cùng đi lên đường
Trùng lại giây phút phố phường
Niềm vui quá khứ phi thường hồi sinh


Chào Em


Chào em? có lẽ chẳng nên
Nói gì nữa cả? giữa đêm tối mò!
Chào em tính mệnh so đo?
Chào em tính thể tò mò tuyết vân?
Ấy xa xuôi? ấy gũi gần?
Từ từ tự hỏi, tần ngần em sẽ thấy ra
Đi về trong cõi người ta
Người là người lạ ta là quá quen?
Anh từ thể dục dưỡng điên
Thành thân thơ mộng thiên nhiên một giờ


Chuyện chiêm bao (1)


Mông mông trời nước tán thành
Mưa thu cây cối cúi nhìn hoàng hoa
Hoàng hoa Khuê Nữ đậm đà
Sơ khai đậu khấu mặn mà tái sinh
Đi qua tuổi trẻ một mình
Giữa mùa hoa cúc thình lình rét run
Lá cồn khe khẽ nỗi buồn
Trần gian tưởng niệm cỗi nguồn tương lai
Ngồi bên bến, tựa gốc cây
Ngó chuồn chuồn lượn đầu ngày đầu hôm
Sầu Riêng Măng Cụt hội đàm
Lái Thiêu hương mật chảy tràn môi nhau
Nhe răng thánh thót càu nhàu:
Anh đừng bóc lột mận đào hớ hênh
Cằn nhằn từ dưới tới trên
Từ sau tới trước ghi tên tuổi vàng
Tuổi vàng tên ngọc ngửa ngang
Trầm phù hạnh phúc chứa chan lệ ngà
Yêu đào từ mọc cành thoa
Ngần sương Thúy Đạm vừa sa dấu bèo


Chuyện Chiêm Bao (2)


Đêm đêm anh ngủ màn trời
Nằm trên chiếu đất dịch dời tủy xương
Tủy xương dời dịch tuyết sương
Trùng quan thu tóm về vườn giá băng
Mồ hôi sa mạc hằng hằng
Đổ ra thánh thót cản ngăn bốn mùa
Nắng mưa dù thiệt dù thua
Thiệt thua thù thắng thượng thừa thành thân
Bấy nay kẻ Việt người Tần
Bấy nay dưới nguyệt đếm gần đếm xa
Đếm lui đếm tới đời ta
Đếm từ mạt thế đổi ra thịnh triều
Bất ngờ dừng sững đến điều
Hồng hoang thái thậm hoang liêu dại khờ
Đầy vai địa lý chép tờ
Thơ về quá muộn tóc tơ điêu tàn
Trời màn đất chiếu hỗn mang
Sầu đi hỗn độn quá quan điệu chào


Chuyện Chiêm Bao (ba)


Bất khả tâm giao bất khả nghì
Hỡi ôi thần phách thất uy nghi
Màn trời chiếu đất đêm ngày ngủ
Đường đất thôn làng năm tháng đi
Cố gắng trăm năm tìm kiếm mãi
Mỏi mòn nghìn mối thể thân ly
Đoạn trường từ đó thành số dzách
Ngao ngán bất ngờ ngọt một cây


Chuyện Chiêm Bao (4)


Bấy nay dưới nguyệt tưởng gần xa
Tượng thể chan hòa quỷ ghẹo ma
Thao thức bây chầy thơ dội mãi
Tuyệt vời từ đó mộng tuôn ra
Thịnh triều cơ sở tầm vô mịch
Chiến trận trường kỳ cứu thất tra
Những tưởng tầm sưu sương sái diện
Nào ngờ khai thác tuyết khuynh hoa
Ôi thôi mộng mỵ thần ly thánh
Bào háo vô năng tái lập tòa


Chuyện Chiêm Bao (5)


Tôi nằm khóc lóc bấy nhiêu bao
Bao bấy mà ra chẳng giọt nào
Lệ thắm u tồn sương tuế nguyệt
Xuân hồng trường tại tuyết ly tao
Mãn khai trực diện lan như huệ
Trào trướng quai nhai vũ tợ mao
Bước một mình đi riêng một bước
Bóng người ở cuối cõi tiêu tao


Chuyện Chiêm Bao (6)


Chút đau đớn đứng chút đìu hiu
Tùy thuận phồn hoa bước giấn liều
Mộng ảo liên tồn vô mịch xứ
Phù du liêu lạc khởi năng kiêu
Tầm sưu túy điệu buồn khôn tả
Trừ Khước Vu Sơn uổng quá nhiều
Em tưởng ở đời chẳng thấy thú
Tiền đường phó thác lạc linh phiêu


Chuyện chiêm bao (7)


Sương xuân về với nguyệt nguyên tiêu
Trúc thạch u trầm tỏa hắt hiu
Thảng sử thần ly kiêm phách lạc
Cầm bằng sự đổ dữ tâm xiêu
Chịu chơi gường gạo đỡ buồn chút
Gay cấn trầm phù trướng tịnh liêu
Số dzách đoạn trường là nhứt thể
Một cây phức tạp ấy muôn điều
Đười ươi giũ áo tình phong nhã
Khỉ đột trút quần tưởng Việt siêu
Thôi nhé từ đây tới đâu đó
Thanh lâu phồn thịnh ngọc tiên tiêu


Chuyện Chiêm Bao (8)


Nhứt chi nhứt nhật há Bồng Doanh
Thiên cổ phù trầm khởi phục sinh
Ngọc định xuy lai tồn lưu khúc
Kim đồng hóa tác tục phàm thanh
Phiêu bồng tâm sự phồn hoa tán
Lưu thủy phong sương thịnh tuyết thành
Mộng tưởng thiên niên tầm để sự
Hoa tàn thánh tức bất kham thinh
Nhứt thời thanh quyết giang đông mãn
Kỷ xứ phục hoài yến dự oanh


Chuyện chiêm bao (9)


Đêm nằm thao thức tới bình minh
Nửa khóc nửa cười quỷ hóa tinh
Ú ớ liên tồn vi diệu ngữ
Ầm ừ tục tiếp quái quỷ thanh
U căn ẩn đế vô tâm xứ
Đảo phụng điên hoàng hữu xưng danh
Tồn lý lao đao tiền diện khuếch
Mãn sàng nhiệt huyết khả kham thinh


Chuyện Chiêm Bao (10)


Chết đi sống lại là như thế
Bước lỡ đi lầm há chẳng nhe
Vạn kiếp khôn nguôi sầu lữ thứ
Nghìn thu khó hiểu chuyện tình quê
Em nghèo em khổ trăm năm lụy
Bữa đói bữa no vạn thuở què
Tê cóng tứ chi tim phổi cháy
Đổi thân thay thể ối ê chề


Bùi Giáng


Message edited by phapsudatinh - Thứ Hai, 12 Nov 2012, 7:42 AM
 
bichnhi89 Date: Thứ Hai, 31 Dec 2012, 5:46 AM | Message # 14
Private
Group: Users
Messages: 14
Status: Tạm vắng
Thích câu nói của Kim Cương "...giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống“.
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » GIAI THOẠI » BÙI GIÁNG (NHÂN SĨ)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO