Thứ Sáu
29 Mar 2024
6:34 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » Thắp Lửa Tâm Linh (Tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Thắp Lửa Tâm Linh
Christiannguyen Date: Thứ Hai, 08 Apr 2019, 4:10 AM | Message # 1
Lieutenant
Group: Users
Messages: 48
Status: Tạm vắng


Cuộc Đời Và Hành Trạng Của Ngài Hộ Tông
Sơ Tổ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam


THỜI TẠI GIA
(1893-1940)

CHỈ LÀ MỘT CON NGƯỜI BÌNH THƯỜNG


Tại vùng đồng ruộng trù phú, xanh tươi, bạt ngàn sông nước thuộc làng Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, miền Nam, Nam Việt (1), có một gia đình khá giả là ông Lê Văn Nhu và bà Đinh Thị Giêng đã xuất sinh được một người con trai, mà sau này, vị ấy trở thành khai tổ của Phật giáo Theravāda Việt Nam.
Đấy là ông Lê Văn Giảng, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1893, là con trưởng trong gia đình có sáu người con, gồm ba anh em trai(2)và ba chị em gái.

Cũng giống như các gia đình thuộc giai cấp trung lưu thời ấy, ấu thơ, ông được học Hán văn và Việt ngữ tại trường tiểu học ở quê nhà. Năm 1913, lúc hai mươi tuổi, sau khi lấy xong bằng Primaire(3), ông phải theo gia đình sang sinh sống tại Nam Vang; vì thân phụ của ông, lúc ấy, làm chủ một chiếc ghe thương hồ hằng bán buôn xuôi ngược giữa Biển Hồ (Tonlé Sap) và Nam Kỳ, cảm thấy đời sống Việt kiều ở Phnôm-Pênh dễ chịu hơn. Tại đây, ông được thân phụ gởi cho học tại trường trung học Sisavatt (Collège Sisavatt).

Cũng trong năm này, ông bị mẹ bắt ép lập gia đình vì bà muốn thấy con trai trưởng có đôi, có lứa. Nghe lời mẹ, ông lập gia thất với cô Võ Thị Nhung. Cô Nhung sinh ngày 5 tháng 10 năm 1898, tại Chrui Changvar, nghĩa là lúc ấy cô mới mười lăm tuổi. Cha cô là Võ Thành Hảo, làm Lý trưởng một làng của cộng đồng người Việt ở đó; mẹ cô là bà Nguyễn Thị Hậu, làm nghề buôn bán. Có bạn đời rồi nhưng sự học của ông vẫn không bị ảnh hưởng. Đang vừa hết năm thứ hai thì ông đã có con trai đầu lòng. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và trách nhiệm của người cha, ông xin làm giáo viên tập sự tại trường Tiểu học Doudart de Lagrée để có đồng lương đỡ đần cho vợ, cho con.

Năm sau, được thuyên chuyển đến một ngôi trường ở thành phố Kompong Cham để thay thế thầy giáo Ung Pok. Không được bao lâu, nghĩ đến đồng lương giáo viên tập sự bọt bèo, ông âm thầm làm đơn thi vào ngạch thư ký. Thế là vào ngày 18 tháng 01 năm 1915, ông được trúng tuyển hạng 6 kỳ thi này, bèn làm đơn xin nghỉ việc giáo viên và được chấp thuận bằng nghị định số 211 ngày 17 tháng 2 năm 1915 của Sở Giáo Huấn.

Trở lại Phnôm-Pênh, ngày 4 tháng 10 năm 1915, ông gởi đơn lên tòa Khâm Sứ tối cao xin làm thư ký trong ngành hành chánh. Tại đây, với ngạch thư ký phù động hạng Ba, ông làm việc tại Pursat được ba năm, rồi lại xin nghỉ việc nữa. Vào ngày 10 tháng 10 năm 1918, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Thú y Đông Dương tại Hà Nội. Năm 1922, sau bốn năm học hành, tốt nghiệp, ông trở lại Phnôm-Pênh, bắt đầu sống bằng nghề mới của mình vào ngày 21 tháng 8 năm đó(4) thuộc ngạch y sĩ thú y tập sự.

Chỉ hơn một tháng sau, do làm việc tận tâm, mẫn cán và trung thực, như nhận xét của cấp trên, ông được thăng trật, sau đó, vào ngày 01 tháng 10 năm 1922, ông đi nhậm chức tại tỉnh Siêm-Riệp với ngạch y sĩ thú y phù động hạng Năm.Chỉ hơn một năm, vào ngày 26 tháng 9 năm 1923, ông lại được thăng ngạch trật lên hạng Tư rồi đổi đi làm việc ở tỉnh Svay- Riêng, giáp ranh biên giới Nam Việt.

Đến lúc này, năm 1923, ba mươi tuổi, ông đã có đủ địa vị, tài sản, có chức có phận, có nhà cửa, có xe và có tài xế riêng; cuộc sống gia đình dư dả, ổn định. Tại Phnôm-Pênh, ông tậu thêm một sở nhà rồi mời ông bà thân đến ở, thuê người phục dịch để ông có dịp cưu mang, phụng dưỡng mẹ cha. Tuy nhiên, ông muốn để cho hai thân được tự do, lúc ông bà muốn yên tịnh thì ở một mình hoặc sang sống chung với con cháu thì họ cứ tùy nghi.

Làm việc tại tỉnh Svay-Riêng được ba năm, ông gặp lại một người bạn Pháp, sếp của sở Kinh lý; mỗi chiều thứ bảy, ông sếp Tây này rủ ông về Sài Gòn chơi. Nể tình, và cũng ngại mất lòng bạn, ông nhận lời. Thế rồi, như bao trai thanh niên có tiền có bạc khác, ông theo bạn đi vào con đường vui chơi hưởng thụ. Tuy nhiên, được cái, ông Tây là người trí thức, thanh lịch mà ông cũng là người đàng hoàng, mô phạm. Họ ăn ở tại khách sạn sang trọng; và chỉ mời ca-ve, vũ nữ đến ca hát, nhảy múa, ăn uống vui giỡn no say rồi trả các cô về.

TIẾNG GỌI TỪ QUÁ KHỨ: TU THÔI! TU THÔI!

Ham vui như thế được bốn kỳ. Đêm kia, đang ngủ trên giường thì ông mơ màng nghe tiếng vọng bên tai như khuyên răn, dạy bảo, nhắc nhở: “Người say mê ngũ dục thì không sao tránh khỏi sa đọa vào bốn đường ác! Hãy nhớ như vậy!” Tỉnh dậy, ông toát mồ hôi, tim đập thình thịch… Và lời nói kia như còn văng vẳng bên tai rồi chìm mất giữa không gian. Xem đồng hồ lúc ấy là bốn giờ sáng! Thế rồi, ông ngồi lặng lẽ, trầm ngâm, nội tâm bắt đầu bất an, xao xuyến… tự nhủ rằng: “Ừ, mình bậy quá! Có vợ có con rồi mà còn ăn chơi nhảm nhí, hư thân mất nết! Bậy quá, mình bậy quá!” Tự thán, tự trách một hồi, ông đi tìm tài xế, lay tỉnh, rồi bảo tức khắc lái xe trở về Svay-Riêng, lúc ấy chỉ mới bốn giờ rưỡi sáng.

– Sớm quá, bác sĩ ạ! Sáng hẵng hay!

– Không! Đi ngay! Tui(1) sẽ pourboire(2) xứng đáng cho ông!

Thế rồi, trên đường đi, ông cứ bị ám ảnh mãi câu nhắc nhở của vị thiên thần nào đó mà thấy thẹn trong lòng. Rồi ông suy nghĩ: “Ngũ dục thì ta mang máng hiểu, chắc trong đó có sự say đắm sắc dục! Còn bốn đường ác là bốn con đường nào ha? Thiệt là bậy quá! Đây là cái tội không chịu đọc kinh, đọc sách! Cứ thỉnh kinh sách về đầy một tủ, rồi quăng đó, có bao giờ đọc đâu! Bây giờ biết làm thế nào? Vậy chắc là phải tu thôi! Nhưng tu như thế nào? Tu cách nào? Hóa ra ta chưa biết gì về điều này cả! Thiệt là tệ quá! Thiệt là bậy quá!”

Nghĩ thời gian còn mấy ngày lễ, ông bảo tài xế chạy thẳng về Nam Vang. Nội tâm của ông lúc này lao xao, bất an, ông muốn làm cái gì đó ngay tức khắc. Thế là, vừa về đến nhà, ông liền bước vào tủ kinh sách. Đa phần là sách chữ Pháp, một số chữ Hán, một ít chữ Việt và cũng khá nhiều chữ Miên do cả ông thân và ông sưu tập. Ông để ý một quyển sách chữ Việt, có tựa đề là “Hồi dương nhân quả”. Ông đọc ngay! Đọc xong, ông cảm giác mơ hồ là có cái gì đó phảng phất hơi hướng tín ngưỡng dân gian chứ chưa phải là chánh đạo thứ thiệt! Ông tiếc không biết chữ Miên, nếu không, kinh Phật chữ Miên thì nhiều lắm! Tuy nhiên, biết sao hơn! Cuối sách, có dạy rằng, ai có tâm tu học, muốn theo hạnh Phật A Di Đà thì chờ đến ngày 17 tháng 11 Âm lịch (là ngày vía Di Đà), đúng hai mươi giờ, tắm rửa sạch sẽ, sắm hương hoa quả phẩm thiết lễ rồi phát nguyện tu hành.
Lẩm nhẩm ghi khắc vào lòng, ông bước xuống nhà. Ông thân hỏi:
– Sao vừa về lại vội đi ngay?
– Con có việc gấp quá!

Bà Nhung cũng hỏi:
– Ở đó đời sống có đỡ không?
– Tốt quá đi chớ! Tui có cả một cơ ngơi như biệt thự dzậy(3)đó!

Ông thân nói:
– Vậy thì cho tao đi với?
Bà Nhung nói:
– Tui cũng đi nữa!
Đứa con nhỏ cũng nói:
– Con cũng xin đi!

Chẳng đặng đừng, thế là ông và mọi người cũng trở lại Svay-Riêng.
Tính tháng đếm ngày, thấy gần đến ngày“tu”,ông nhắm chỗ trân trọng nhất trong nhà, sắm chiếc bàn mới, đặt tượng A Di Đà, lư hương, hoa, quả phẩm…
Bà Nhung thấy ông lăng xăng mà khuôn mặt có vẻ thành kính, ngạc nhiên hỏi:
– Ông làm cái gì đó?
– Tui tu!

Rồi ông không giải thích thêm. Bà hỏi:
– Tu làm sao? Tu ra sao ha?
– Đơn giản thôi! Sau khi phát nguyện, từ đó tụng kinh Di Đà, Niệm Phật Di Đà, lạy Phật Di Đà và ăn chay mỗi tháng mấy kỳ đó!
– Dzậy thì cho tui tu với nghen(4)!
– Tốt, dzậy thì bà cứ tu với tui!

Ông thân sinh nghe đứa con trai trưởng nói chuyện tu, ông mừng lắm:
– Tao theo bạn bè nơi chùa Sùng Phước, ăn chay trường, Niệm Phật Di Đà, thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng lắm!
– Con bây giờ mỗi tháng chỉ mới phát nguyện có sáu kỳ (lục trai) mà thôi!
– Ban đầu thì dzậy, từ từ thôi, nôn nóng gì con!

Chợt ông Giảng hỏi:
– Chùa Sùng Phước ở đâu dzậy ba?
– Ở đường Verdun, ấp Trường Đua, thuộc khu Năm của Phnôm-Pênh đó. Chùa của người Việt mình.
– Có cả tu sĩ và cư sĩ chớ?
– Có đầy đủ, đông lắm! Nhưng tu lung tung lang tang không biết theo tông phái nào, hệ phái nào…
– Hổm nào về Nam Vang, con sẽ đến tìm hiểu. Con cũng chưa biết nên tu kiểu nào, nên tu cách gì cho trúng đây!

TU VẬY CŨNG CHƯA PHẢI!

Vì công tác đột xuất ông trở về kinh đô Nam Vang một tháng để liên hệ một số công việc chuyên ngành. Ở đây, ông gặp lại người bạn cũ, Pháp lai Việt, đang làm chủ một hãng rượu lớn. Trong lúc nói chuyện qua lại, ông kể cho bạn nghe sự hối hận, ray rứt không yên trong mấy lần vui chơi nhảm nhí ở Sài Gòn, và bây giờ chỉ muốn tu thôi! Hiện mỗi tháng đã ăn chay được sáu ngày.

– Tốt! Nhưng bạn thua tôi rồi! Ông bạn Pháp lai Việt mỉm cười – Tôi cũng tu, cũng ăn chay, nhưng mỗi ngày chỉ một bữa ngọ trai thôi, buổi chiều không ăn, buổi sáng không ăn!
Nghĩ mình tu mà thua bạn, không được, ông bắt chước tu theo bạn, mỗi ngày chỉ ăn một bữa chay!

Lần sau gặp lại, ông phấn chấn nói cho bạn nghe rằng mình cũng tu được như thế. Lần này, ông bạn lại cười ha ha:
– Bạn vẫn thua tôi mà thôi!
– Tại sao ha?
– Bạn ngọ trai, chay tịnh, nhưng mà phải có cơm hoặc bắp đậu gì đó, phải chăng? Tôi bây giờ bước lên một tiến bộ khác, là chỉ dùng rau trái, củ quả như khỉ vậy, không đụng đến ngũ cốc!

Trở lại nhiệm sở tại tỉnh Svay-Riêng Ở đây, ông tức mình, nghĩ rằng, tu mà cũng không bằng người, nên bắt đầu chỉ ăn rau trái, củ quả trong các buổi ngọ trai. Một tháng rưỡi sau, do ít đạm, thiếu tinh bột, không có muối, người ông cứ yếu lả dần đi. Hôm kia, ông bị bệnh trầm trọng, phải chở về bệnh viện trung ương ở Nam Vang để điều trị. Lành bệnh xong, ông thân sinh đến thăm, tìm cách khuyên lơn:
– Tu là tu cả đời đó con! Không có chi phải gấp gáp, nóng nảy cả. Vả lại, đức Phật, ngài đã từng bỏ lối tu ép xác, khổ hạnh cực đoan vô ích, vô lối đó. Con còn phải làm việc, con còn phải nuôi cả gia đình, vợ con nữa mà!

Nghe lời khuyên bảo ấy, trở lại Svay-Riêng, ông dùng chay bình thường, nhưng là chay trường. Hễ rảnh là tụng kinh, nhất tâm tụng kinh. Ông thân sinh đã trang bị cho ông tương đối đầy đủ các bản kinh chữ Việt hoặc chữ Hán như Phổ Môn, Di Đà, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Lương Hoàng Sám, Địa Tạng… Ông còn chí thú, tín thành, chịu khó, kiên nhẫn, lạy hồng danh một trăm lẻ tám lạy mỗi đêm nữa…

Thấy ông tu “kinh khiếp” quá, tiếng lành đồn xa. Ai cũng bảo rằng, ông là tại gia cư sĩ mà giữ giới trong sạch, công phu chí thành, chắc là sẽ có oai lực, công năng hơn cả những vị thầy tu xuất gia kia đấy!
Thời gian ấy, vùng ông ở bị nắng hạn, đại hạn, mùa màng khô cháy; có ngôi chùa kia các thầy tu tụ họp lại, tụng kinh đảo võ (cầu mưa) mà không linh nghiệm. Mọi người sực nghĩ đến ông, mời ông đến tụng kinh, mong nhờ oai lực của ông để cho thiên hạ được nhờ. Thấy mọi người thành khẩn quá, ông nhận lời; nhưng cũng không tự tin lắm, nghĩ rằng: “Mình tu hành có bao nhiêu, có hạnh có đức gì đâu mà oai với lực! Nhưng thôi, thiết nghĩ là mình cứ có tâm chí thành là được, biết đâu đất trời có cảm ứng?”

Thế rồi, nhất tâm kính thành, ông hết lòng hết dạ tụng kinh, cổ khô, giọng khản. Ngày thứ nhất, bầu trời có hiện tượng âm u, mây bắt đầu kéo về. Ngày thứ hai, mây nhiều hơn, có gió nhẹ và trời lắc rắc mưa. Ngày thứ ba, mưa gió, sấm chớp rầm rầm; mưa thật to tràn ngập phố phường, ao hồ, đồng nội. Mọi người sung sướng cảm tạ trời đất, vái tạ thần linh và không quên cảm tạ và tri ân ông thầy tụng kinh có pháp lực nhiệm mầu! Riêng ông, thì ông cũng không tự tin lắm: “Hay là đã có một sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ diệu nào đó chăng?”

Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ hôm ấy, dường như con đường tu hành của ông cứ thế mà mát mái tay chèo, tâm trở nên an ổn, được mọi người kính trọng, nể phục! Nhưng mà không, một tiếng gọi kêu nào đó mơ hồ trong vô thức cứ réo gọi ông từng đêm. “Được rồi! Tốt rồi! Nhưng mà không phải vậy! Tụng kinh đảo võ linh nghiệm được mưa là ghê gớm lắm chắc? Được mọi người tán dương, nể phục là oai lắm chắc? Hãy thử lắng nghe đi! Tâm của ông đã thật sự yên bình chưa đó? Trí của ông đã thật sự sáng tỏ chưa nào?”

Lại giật mình, lại như một lần xưa trước, ông toát mồ hôi lạnh, tim đập thình thịch. Ông bắt đầu bỏ nhiều thì giờ hơn cho việc nghiên cứu kinh sách. Có một số sách tiếng Pháp, ông mới tìm được đã bổ sung cho sự thiếu sót này. Nhờ vậy, ông biết về cuộc đời đức Phật và một số căn bản về giáo pháp nhân quả nghiệp báo phổ thông, ví dụ như trồng dưa được dưa, gieo đậu được đậu! Tri kiến ông đã bắt đầu có một vài thay đổi nho nhỏ, nhưng chưa thấm vào đâu cả.

MANH NHA HỘI PHẬT HỌC

Vào ngày 01 tháng 3 năm 1928, do làm việc tốt, gương mẫu, ông lại được thăng ngạch y sĩ hạng Ba rồi được đổi về làm việc tại thủ đô Phnôm-Pênh.

Hôm kia, nhằm ngày chủ nhật rảnh rỗi, ông đến khu Năm gần Trường Đua tìm chùa Sùng Phước (1). Đây là ngôi chùa cũ của Bắc phái, sửa sang lại. Tại đây, ông gặp rất nhiều người quen trong cộng đồng người Việt, trong đó có một số người nhập quốc tịch Pháp hoặc lai Pháp như ông Charles Clairet – còn đa phần đều là trí thức Việt như các ông Phạm Văn Tông(2), Đoàn Văn Hộ, bác sĩ Dương Văn Phát, Francois Nguyễn, Lê Minh Học, Sáu Hoa, Ba Lý, Sáu Diên, Phán Long, Văn Công Hương, Ngô Bảo Hộ, Hồ Văn Viên, Phán Nghiêm, Phán Lai, Phán Ngọt, Phán Huê, Tô Kim Phước, Lý Văn Ngữ, Trương Phong Vĩnh…

Đặc biệt, có bốn sư người Việt là sư Thạnh (Cả Thạnh), sư Tuệ Báu, sư Lê Khanh và sư Nguyễn Phát Phước ở chùa Kim Chuông cũng thỉnh thoảng đến sinh hoạt. Với một lực lượng trí thức hùng hậu như thế, họ muốn cải tổ, chấn hưng Phật giáo làm thế nào để không lạc hậu trước thời đại văn minh khoa học, để bước ra khỏi lớp sương mù của mê tín dị đoan. Do ảnh hưởng của phong trào canh tân Phật giáo đang dấy lên ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… những đại biểu trí thức trong cộng đồng trên năm mươi ngàn cư dân người Việt ở đây đã khởi xướng thành lập nhóm tín đồ Phật giáo nòng cốt đầu tiên như là một “hội Phật học” hợp pháp để đệ trình lên chính phủ bảo hộ.

Tuy nhiên, khi ông Giảng đến đây thì chương trình hoạch định một nội dung sinh hoạt như thế nào thì chưa đâu vào đâu cả. Họ đang còn thảo luận đề cương. Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng nhất mà họ bỏ quên, đã đành là hội Phật họcnhưng mà Phật học nào? Là các phái như Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông hay là Phật giáo Tiểu thừa(3) như Campuchia bổn xứ? Và chính ông Giảng vào thời điểm này cũng đang còn “ù ù cạc cạc” chưa biết đâu đúng, đâu sai, đâu nên theo và đâu không nên theo! Nói tóm lại là ông Giảng vẫn chưa có chính kiến nên suốt buổi họp tham dự, ông chỉ im lặng lắng nghe mà thôi.

Bạn bè hỏi lý do, ông đáp:
– Tui chưa biết gì cả, về mọi lãnh vực! Tui sợ tui phát biểu không trúng, xin các bạn thông cảm. Để tui suy nghĩ đã!

Sau buổi làm quen ban đầu ấy, ông Giảng thường tới lui thăm viếng các bạn, đôi khi đi cùng với ông thân. Bởi có thắc mắc từ trước nên trong một buổi nói chuyện có mặt Ba Lý, Văn Công Hương, Sáu Hoa, Ba Diên, ông Giảng nói:
– Các bạn muốn thành lập hội, điều ấy rất đúng với xu thế hiện nay của Phật giáo thế giới cũng như trong khu vực. Trước nền văn minh khoa học vật chất của Tây phương, bà con trong cộng đồng người Việt của chúng ta ở đây cần có một đời sống tinh thần để nương tựa hầu bảo vệ các giá trị đức lý cổ truyền, nếu không sẽ bị tha hóa. Viễn tượng ấy thật là tốt đẹp làm sao! Tuy nhiên, các bạn chưa cho tui rõ là trong tất cả giáo phái hiện nay, ta nên tu theo phái nào để có thể thấy rõ là làm yên lặng được tất cả các nỗi khổ? Các bạn cũng chưa cho tui rõ là các bạn đang hành trì, tu tập như thế nào? Nếu chưa xác định được điều ấy thì giống như đi đêm mà không có ngọn đèn, hoặc giống như chiếc thuyền ra khơi mà không có la bàn vậy!

– Là làm việc tốt, việc lành – Văn Công Hương nói – Phật giáo nào cũng dzậy thôi!

Ba Lý nói:
– Bố thí, giữ giới – giáo phái nào cũng dzậy mà!
Ông Giảng nghĩ thầm trong tâm: “Họ nói dzậy, chứng tỏ họ chỉ biết cái Phật giáo chung chung; và ngay sự hành trì tu tập, họ cũng chưa biết gì! Nếu có công phu tu tập và tư duy có chiều sâu, đúng sai biết liền hà! Nói ra thì sẽ đụng chạm cái bản ngã của mấy ông trí thức này, thôi thì ta nên giữ im lặng là thượng sách”.

Một hôm khác, cũng nội dung câu chuyện tương tợ, Sư Cả Thạnh lại than phiền:
– Những ông Giáo, ông Phán, ông Thông, mấy ông Kỹ sư… ông nào cũng mang cái kiến thức cổ truyền đã mọc rễ đâu đó từ Việt Nam sang! Cái kiểu như, xưa tu sao, nay tu vậy! Bác sĩ xem! Chùa Sùng Phước vốn là chùa của Bắc phái, thờ tự lung tung, họ vẫn giữ nguyên, sợ Phật, Bồ Tát, thánh thần trách phạt… Có người miệng họ nói tu theo Theravāda, nhưng lại niệm Phật A Di Đà, ăn chay tháng mấy kỳ đó! Bác sĩ thấy thế nào?

Sư Phước cũng rầu rầu:
– Có người nói tu giáo phái nào thì tu chớ không tu theo Phật giáo Campuchia Tiểu thừa này!

Ông Giảng thở dài rồi nói:
– Thưa quý sư, con cũng chưa biết gì cả! Con cũng có tu nhưng mà cũng chưa được gì cả! Con chưa dám có ý kiến đâu!
– Tôi thì không đủ sức – Sư Cả Thạnh nói – Bác sĩ
chịu khó đi tìm gặp các vị cao Tăng, họ sẽ chỉ cho
những kiến thức cần thiết, quý báu!
– Thưa dzâng!
Nói thì nói vậy nhưng suốt một năm trường, bận rộng công việc, ông vẫn chưa đủ duyên.

BÀ THÂN MẤT, ÔNG THÂN ĐI TU NĂNG LỰC ĐỊNH THIỀN

Khoảng năm 1930, ba mươi bảy tuổi, gia đình ông đã sung túc, có của dư, của để. Ngoài đồng lương rất lớn, gấp mười công chức bình thường, ông được mọi người mến mộ, quý trọng; lúc nào lộc cũng cứ phát sanh mãi, không nhận không được; nhưng ông có nguyện trong tâm rằng:“Thôi được rồi! Thôi được rồi! Rồi ta sẽ làm phước, ta sẽ hùn góp công đức vào chỗ này, chỗ kia”. Bấy giờ, ông hiện có hai ngôi phố lầu khang trang, hiện đại, theo mẫu mã kiến trúc Pháp. Một cái để ở, một cái cho thuê. Con cái đều được học hành ở các trường có chất lượng, uy tín.

Ông thân có đời sống vui vẻ, ổn định; thường hay đi chùa Sùng Phước, biết ăn chay, giữ giới, niệm Phật; vậy là quý rồi! Chẳng có gì phải lo về người thân và đời sống vật chất, áo cơm nữa. Công việc ở sở làm cũng đã nhẹ nhàng. Những nhân viên phụ tá tay nghề đã cao, họ có thể cáng đáng, lo liệu được hết; ông chỉ quản lý có tính cách hành chánh và giải quyết một số công việc liên hệ chuyên môn cao. Do vậy, bây giờ ông có nhiều thì giờ hơn cho việc nghiên cứu và tu hành của mình.
Cũng trong năm này, 1930, bà thân của ông mất. Mọi việc tang lễ, kinh tụng, hỏa thiêu, do bạn bè giới thiệu, Sư Cả chùa Mahāmontrey lo liệu hết. Hài cốt sau khi hỏa thiêu, được an trí tại nghĩa trang Phật giáo của cộng đồng người Việt tại Toul-Svay-Prey do ông Charles Clairet (lai Pháp) bảo quản.
Trong thời gian tang lễ, ông Giảng có dịp quen biết với Sư Cả, ông thấy Sư Cả hồn hậu, chất phác, có cái gì đó đúng đắn và thân thiện rất dễ gần gũi.
Sau khi bà Giêng mất, ông Như cảm thấy cửa nhà trống trải, đi tới cũng kỷ niệm, đi lui cũng kỷ niệm, nên ông muốn trả cửa nhà lại cho con trai trưởng rồi đến tu ở chùa Mahāmontrey. Ông thân bèn nói ý ấy với ông.
– Ba đi tu thì con vui mừng rồi, con ủng hộ ba – Ông Giảng nói – Nhưng tại sao ba không chọn những ngôi chùa người Việt? Chùa của Sư Cả chỉ có hai vị sư người Việt còn tất thảy đều là người Miên!
– Tao biết! Ông Như nói – Tại Phnôm-Pênh có chừng mươi ngôi chùa lớn và mấy chục ngôi chùa nhỏ của người Việt(1), mấy ông bạn thân của ba cho biết như thế. Nhưng tao cảm giác Sư Cả là người có đạo đức, có tấm lòng độ lượng, hỷ xả…

Chiều ý ông cụ, thế rồi, ông Giảng đến gặp Sư Cả trình bày sở nguyện của ông thân. Sư Cả nói:
– Cụ nhà năm nay tuổi đã trên sáu mươi(2), có thể để ông thọ bát quan trai giới, được tự do một chút ở trong chùa, không như các giới tử học tu khác. Vậy, bác sĩ có thể làm một cái thất sàn bằng gỗ cho ông cụ ở để hành đạo.
– Cảm ân Sư Cả.

Vậy là tại chùa Mahāmontrey, ông Giảng làm một cái cốc cho ông cụ tương đối đẹp, tiện nghi, vững chắc. Thấy vườn chùa cây cao bóng mát, không khí trong lành, ông Giảng xin Sư Cả để làm thêm một cái cốc sơ sài cho mình, để lúc nào rảnh đến đây tu, nhân tiện chăm sóc sức khỏe cho ông cụ.
Thấy gần bên cạnh còn có bốn cốc lá, hỏi của ai thì hóa ra đấy là bốn ông Phán, bạn cũ của ông, vừa mới gặp ở buổi thảo luận hội Phật học năm trước tại chùa Sùng Phước. Đấy là Phán Nghiêm, Phán Lai, Phán Ngọt, Phán Huê. Hôm gặp gỡ, trao đổi chuyện, bốn ông Phán đều nói:
– Chúng tôi tự nguyện, bắt tay nhau, thề với nhau – là làm sao tu thiền để diệt dục! Bạn có dám khởi tâm đồng hội, đồng thuyền chăng?

Ông thận trọng đáp:
– Diệt dục được hay không tui không dám chắc,
nhưng các bạn tu đến đâu thì tui ráng tu theo đến đó, không bỏ cuộc nửa chừng đâu nghen!

Thế rồi, tại nơi những chiếc cốc lá giữa vườn rừng hoang vắng này, đêm đêm có những người thi gan “hành thiền diệt dục”! Nhưng, hai tháng sau, hai ông Phán bỏ cuộc. Bốn tháng sau, ông Phán thứ ba bỏ cuộc. Tám tháng sau, ông Phán thứ tư bị vợ đến lôi về, không thể diệt dục nổi với bà! Hóa ra chỉ có ông là còn lại, mà ông đâu có tu diệt dục, ông chỉ đi sâu vào định mà thôi.

Có một hôm trời đang chuyển mưa, gió ào ào, mây giăng mù mịt. Tự dưng, ông khởi lên ý nghĩ:
“Đọc kinh sách thấy năng lực định thiền thật bất khả tư nghị. Người định thiền thâm sâu thì không có cái gì như gió bão, nước lửa xâm hại được, cho chí các vật dụng xung quanh cũng bất khả bị xâm phạm như thế! Vậy mình hãy kiên trú định thâm sâu xem thử mưa gió này nó làm gì nào!?”

Thế rồi, lúc ấy khoảng hai mươi giờ tối, ông ngồi thiền trong cái cốc lá chỉ gá vách sơ sài. Ông phát nguyện với tâm kính thành và trọn vẹn lòng tin tưởng: “Tôi xin trú định suốt đêm và mọi vật xung quanh tôi cũng đều được bất động như thế!” Trời bắt đầu sấm chớp đì đùng, rồi lát sau, mưa như trút, gió như bão. Ông trú tâm, chỉ chừng vài phút là ông không còn biết gì nữa cả.

Sáng ngày, xả thiền thì trời đã sáng bạch. Nghe tiếng xôn xao bên ngoài, ông bước ra. Trời ơi! Xung quanh, tất cả đều tan hoang! Tất cả mọi tấm lợp dù tôle hay lá, tường vách dù nứa hay gỗ đều bị quăng quật, xé rách tả tơi! Chỉ có cái cốc sơ sài của ông là yên ổn. Mọi người trong chùa xôn xao bàn tán, chỉ chỏ. Vị Sư Cả và ông cụ thân sinh của ông từ đâu đó bước lại.
Vị Sư Cả chỉ cái cốc nguyên vẹn của ông rồi cười cười nói:
– Chính ông đã xác định cho tôi thấy, cái khó tin nhất, có vẻ huyền bí nhất – lại được chứng minh rõ ràng, cụ thể nhất!

Ông cụ thân sinh thì cười hỉ hả:
– Tuyệt! Pháp Phật quả là nhiệm mầu! Ông con tu cũng ghê quá đó chớ!

Vị Sư Cả tâm sự:
– Tôi sống lâu ra lão làng, tu lâu thì thành Sư Cả. Do thất học từ nhỏ, chữ nghĩa có được mấy hơi, tu hành thì chỉ có được cái tụng kinh, lễ Phật, hành Tăng sự, biết vài ba chữ Pāḷi, Luật; lo những lễ này lễ kia cho Phật tử, chứ tọa thiền, tu tập như ông cư sĩ đây, nói ra thì tôi rất hổ thẹn! Hãy cố gắng thêm nữa ông cư sĩ nghe! Cái góc vườn này nhờ quý ông mà nó có được sự xán lạn và vinh quang đó!

Ông nhũn nhặn, nói thực cảm nhận của mình:
-Sư Cả cứ khiêm tốn mãi! Cái đức nhiếp chúng của Sư Cả, mấy chục vị tỳ-khưu được yên ổn tu tập; hai hàng tại gia cư sĩ kính trọng, tín mộ ngày ngày đến hương đăng lễ bái, đâu có phải là dễ dàng gì!

Sư Cả cũng cười vui:
– Không dám đâu nghe!

Sau khi cốc liêu được sửa sang lại, các ông Phán hay tin, thỉnh thoảng cũng xin bà nhà được lên hành thiền một đôi hôm, không phải là diệt dục nữa, mà cố gắng đạt cho kỳ được năng lực siêu phàm như ông bạn bác sĩ của mình!

Nơi cái cốc lá sơ sài của ông, như vậy, hằng đêm, dường như đêm nào cũng có chuyện lạ, ai cũng chăm chăm nhìn. Có đêm, dường như bên đó tỏa ra cái khí gì mà rất mát mẻ. Có đêm, thì ánh sáng tỏa ra, sáng rực cả cốc. Ông cụ và các ông Phán, đôi khi cứ xem mê mải quên cả việc hành thiền của mình.

 
atoanmt Date: Thứ Hai, 08 Apr 2019, 7:00 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
Christiannguyen Date: Thứ Ba, 09 Apr 2019, 2:29 AM | Message # 3
Lieutenant
Group: Users
Messages: 48
Status: Tạm vắng
BỊ DỤ DỖ SAI ĐƯỜNG!

Việc hành thiền được ông tiến hành đều đặn. Thường ngày ông vẫn đi làm việc. Sớm, điểm tâm rồi đến công sở, trưa, dùng cơm tại nhà. Chiều bãi sở về, có sữa, có nước trái cây gì dùng qua quýt, sau đó lên cốc, hành thiền cho đến tận sáng.

Có một thầy Bắc tông nghe tiếng tìm đến thăm, sau đó gợi chuyện:
– Ông cư sĩ hành thiền có năng lực, tôi rất ngưỡng mộ. Nhưng nếu bây giờ chỉ ăn chay đúng ngọ, ăn cơm lạt với nước sôi tinh khiết thì năng lực kia sẽ vượt trội hơn nữa!

Không biết có phải là người cả tin hay không, nhưng ông lại thực hành thử theo cách ăn mới, là chỉ dùng cơm lạt với nước sôi! Được mấy tháng, không thấy năng lực định thiền khá hơn mà người lại yếu nhược đi. Tuy chỉ là y sĩ thú y, nhưng ông cũng biết rằng, nếu không có muối thì thời gian sau ắt sẽ bị bệnh thủng, nên ông bỏ. Khi ăn uống bình thường, định thiền trở lại như cũ.

Lại có một cư sĩ Bắc tông tìm đến, tỏ vẻ chê phương pháp của vị thầy kia, nói rằng:
– Không phải vậy đâu! Các năng lực huyền bí chỉ phát sanh nơi những người ăn cơm trộn với giấm kìa! Bên Mật tông người ta dạy như vậy. Ông hãy thử xem, ít tháng là có hiệu quả ngay!

Có lẽ do nghiệp hành – nghiệp đến trả quả – nên ông cũng tin. Ăn cơm trộn với giấm, được mấy tháng thì có một ông bạn bác sĩ tới thăm, cười chê không hết lời:
– Ông bạn quên rồi sao? Mọi kiến thức y khoa quăng vất đâu cả rồi? Ông đã bắt đầu xanh xao đó mà không thấy sao? Giấm – chính nó là nhân tố thủ phạm, sẽ hủy hoại tất cả mọi hồng huyết cầu, ông sẽ khô máu mà chết đó!

Sợ hãi, ông bèn bỏ cơm trộn giấm, ăn chay bình thường, người khỏe và hồng hào trở lại.
Trong một buổi ngoạn du cùng bạn hữu đồng đạo, nghe nói trên núi Xà-Tớn tại Châu Đốc có một thầy người Việt tu thiền hay, ông cùng mọi người đến cúng dường, thăm viếng và học hỏi.
Ông thầy Việt bảo:
– Phải quy y rồi tôi mới dạy thiền cho!

Ông đồng ý nhưng nói:
– Nếu quy y rồi nhưng thấy pháp thầy dạy chẳng có chi hay hoặc thực hành không có hiệu quả, con có quyền không thọ giáo nữa, được chăng?
– Được, không sao cả!

Quy y rồi, ông thầy dạy cách tu. Hóa ra là chỉ lạy và niệm Phật: Lạy một lạy, niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, đầy đủ cả lục tự (sáu chữ)!
Đêm đó về lạy và niệm. Tự dưng ở đâu đó trong vô thức hoặc đâu đó giữa hư không, có tiếng nói: “Trật, trật rồi! Lại trật nữa rồi!”. Giật mình, ông tự nghĩ: “Mình lạy 108 lạy rồi niệm hồng danh 108 vị Phật và Bồ Tát mà cũng không ăn thua, huống chi đây chỉ lạy và niệm mỗi một vị Phật, uy lực ở đâu kia chớ? Lại nữa, mình tu tập định, mình đã an trú định và đã có năng lực định phát sanh cho nên mình biết rõ về định.

Ông thầy Việt này dạy thiền mà niệm đến sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, tâm ta phân tán đến sáu nơi, lại không phải là đối tượng cụ thể có thật thì làm sao Qui tụ được vào nhất điểm mà gọi rằng định. May mắn lắm mới ‘gần định’ thôi! Trật là đúng rồi!”

Một lát, ông nghĩ tiếp: “Mình sao cả tin đến vậy? Từ rày, không bao giờ tin bậy tin bạ nữa, nghe người ta nói gì, hãy suy nghĩ cho chín chắn, cho thấu đáo trước khi thực hành!”

Rồi từ đó, ông không đi đâu nữa, không hỏi ai nữa, chiều tối là lên cốc, lặng lẽ thiền định ngày này sang ngày khác. Cương quyết cắt đứt tất thảy mọi vọng tưởng, không cho tâm đi tìm kiếm lang thang nơi nào khác, không cho mong ngóng vào bất cứ đâu nữa.
Dường như: “Mục đích có sẵn rồi! Nào phải vọng xa xôi. Lộ trình thong dong bước. Hoa trắng nở ven đồi (1)!
Hy vọng là vậy! Nhưng cũng chưa chắc!

Mãn xuân rồi mãn hạ.
Thời gian cứ thế thấm thoắt trôi đi…

ÔI! VIỆC GIA ĐÌNH MUÔN THUỞ!

Vào năm 1933, được bốn mươi tuổi, mặc dầu tâm đã đi sâu vào pháp, nhưng ông vẫn chưa biết rõ pháp ấy đúng hay sai.
Hôm kia, vào một buổi sáng đầu Xuân, ngồi trên bộ ván ngựa trước nhà, thấy bà đi ra trước cửa mua đồ, ông chợt thấy cái bụng của bà đã “lùm lùm”, dường như có thai đã vài ba tháng. Ông chột dạ, nghĩ thầm:
“Mang thai như vậy, mẹ nó khổ đã đành mà đứa con trong bụng cũng khổ! Cái này đức Phật gọi là khổ sinh đây! Cái khổ của họ là tại ta, là do ta mà ra cả! Vì dục lạc mà ta đã làm cho người khác khổ theo, thiệt là bậy quá!”

Sau hôm đó, chẳng tuyên bố lý do gì hết, ông âm thầm thu xếp cuộc sống “ly thân” với bà vợ, nhưng nói chuyện với cả nhà một cách tự nhiên rằng:
– Từ rày, tui với ba đứa con trai ở lầu trển; bà với hai cô con gái ở tầng dưới. Hai bên tạm thời phân chia lãnh thổ, ai có chỗ nấy, đừng xâm phạm nhau đó nghen không!

Thoáng nghe câu nói, bà biết liền. Nữ giới rất sắc bén và rất nhạy cảm trong việc đánh mùi tâm lý! Chỉ thoáng một câu nói, một cái nhìn, một thái độ cư xử là họ biết ngay cường độ, tín hiệu tình cảm của “đối phương”! Bà buồn, nhưng bà cũng lặng lẽ không nói gì, chỉ đi đánh tứ sắc để giải khuây mà thôi!

Một hôm, ông thân sinh vận đồ nâu đà, từ chùa Mahāmontrey qua thăm, trông thấy hai cháu chơi giữa đường suýt nữa bị xe cán. Vừa đi làm việc về, ông bị ông cụ la rầy, không biết dạy dỗ, trông nom con cái cho đàng hoàng. Ông nhận lỗi, không thấy bà đâu liền bươn bả đi tìm. Gặp bà đang đánh tứ sắc tại nhà em gái bà, ông nói:

– Hai trẻ suýt bị xe cán! Ông thân tui trách bà ở nhà mà không biết chăm lo cho con cái đó!

Mắt vẫn không rời quân bài, bà cất giọng thủng thỉnh, từng gióng một:
– Cái gì là con? Cái gì là cái? Con dzới cái chi? Tui có là dzợ của ai đâu mà nói chuyện con cái dzới tui!

Nghe vậy, ông lặng thinh, chịu đựng, ra về.
Ông có cô em gái làm dâu nhà người. Hôm kia, cô ôm bọc áo quần, trở về nhà khóc tức tưởi. Hỏi ra mới biết là bị chồng đuổi.
Ông cụ lại rầy la ông:

– Sao con không tìm cách nói chuyện phải trái với em rể, để lâu lâu nó lại đánh đuổi em con ra khỏi nhà như dzậy?

Ông chẳng biết biện hộ sao, chỉ nói rõ sự thực:
– Vì em con quá hỗn láo, mắng chưởi chồng nó nhiều lần quá, con làm sao trách lỗi em rể con được!

Nghe trả lời thế, ông cụ nổi xung lên:
– Với vợ, con tìm cách ly thân, không thèm gần gũi. Với con, suýt bị xe cán, con tỉnh bơ. Với em gái, con lạnh lùng, dửng dưng chẳng bênh vực cho nó được một tiếng! Đó là thứ tình cảm gì? Có còn là tình cảm con người, có còn là tình cảm gia đình, huyết thống nữa hay không?

Ông nhận chịu sự trách mắng, thấy ông cụ nói chẳng có lời nào sai trong tình cảm đời thường, trong cái lý thường tình, nhưng mà quả thật không phải dzậy, không phải dzậy! Sự thực như thế nào ở trong tâm ông biết, trong tâm ông hay, không thể nào nói cho người khác hiểu được.

Thế là, sau cơn giận ấy, ông cụ đùng đùng bỏ về chùa. Bà sang chùa xin nhận lỗi, bị ông cụ đuổi về, thế là bà cứ cằn nhằn, cằn nhằn ông mãi. Mỗi lần như thế, để chiến đấu với mọi khó chịu, phiền não; ông nhắm mắt tham thiền, đa phần là chú tâm vào hơi thở, đôi khi niệm danh hiệu Buddho, Arahaṃ…, đôi khi là đề mục đất, đề mục ánh sáng…
một số sách do người Pháp soạn dịch hoặc biên khảo mà bây giờ kiến thức Phật học của ông đã có chất lượng đáng kể. Ông cũng đã tập tành tu định tâm từ. Thế rồi, hằng đêm, thay vì tụng kinh, ông hành thiền, khi đề mục này, lúc đề mục khác… đến sáng mà ông chẳng hay. Có điều là ông không mất sức khỏe, trái lại nội tâm càng ngày càng an lạc, thanh tịnh.

Thấy ông cụ giận quá lâu, ông nghĩ, có lẽ tâm từ chuyển hóa được. Nên hằng đêm, tại cốc liêu ở vườn chùa, ông trú tâm vào định tâm từ rồi rải tâm từ ấy đến nơi chỗ ông cụ, tưởng tượng năng lượng ấy bao phủ cả ông cụ, bao quanh ông cụ… cho đến lúc năng lượng ấy phát sáng.
Được chừng mươi hôm, để thử hiệu quả của tâm từ, ông đích thân đến ông cụ, lạy tạ xin lỗi. Lạ lùng sao, ông cụ tha lỗi dễ dàng và còn vui vẻ nữa mới kỳ chớ! Từ đấy, ông cụ thỉnh thoảng về thăm nhà, sum họp với con cháu, đầm ấm như xưa! Trong câu chuyện, ông nói chuyện chi, bàn chuyện chi, ông thân sinh một mực nghe theo.

Sau vài thành công nho nhỏ ấy, ông hoan hỷ tự nghĩ:
“Pháp Phật vô biên, mình mới tu được chút ít mà đã lắng dịu phiền não, an lạc được như thế này; vậy thì phải cố gắng, tinh cần đi xa, đi sâu hơn nữa!”

CHUYỆN ĐỜI!

Hôm kia, bà nói chuyện với ông:
– Ông tu chi mà tu hoài dzậy?
– Tui tu để diệt khổ, bà nó ạ!

Bà nhìn ông, chậm rãi:
– Tui thấy ông cứ bận rộn, lăng xăng tu cái cách này, tu cái kiểu kia hoài. Coi bộ ông càng tu, càng khổ thì có!

– Không đâu, tui tu khá lắm, ai cũng khen. Sư cả chùa Mahāmontrey cũng khen tui đó!

Bà cất giọng buồn buồn:
– Trước đây ông có nói với tui là sẽ tu ba năm, bây giờ đã qua cái hẹn đó lâu rồi, ông có nhớ không hen?

Ông thẫn thờ:
– Quả có dzậy! Quả tui có nói như dzậy thiệt. Nhưng hồi đó tui đâu có biết chi về con đường tu hành! Bây giờ biết rồi thì không phải đơn giản như dzậy. Tu cả đời, tu nhiều đời, nhiều kiếp chưa chắc đã diệt hết xan tham, sân si, phiền não đâu bà nó ơi!

Giọng bà đã bắt đầu có vẻ gắt gỏng:
– Ông tu cả đời, rõ rồi! Và tui cũng đã thấy rõ cái quyết tâm ấy của ông. Thế là ông bỏ tui! Ông cưới tui về rồi ông quăng vất giữa chừng? Nửa đường đứt gánh! Ông nói cho tui nghe thử coi, hen?

– Thôi mà bà! Tui van xin bà! Chúng ta dù sao cũng tình nghĩa vợ chồng, ăn ở với nhau đã có sáu mặt con, ít ỏi gì? Bà nói nho nhỏ kẻo con cái nó nghe!

Bà vùng vằng:
– Tui cứ nói, không nhỏ, không to gì hết! Sự thực đúng dzậy mà! Ông đã đành đoạn bỏ tui! Ông chẳng thèm ngó ngàng gì đến tui nữa.

– Không phải dzậy đâu! Ông dỗ dành – Chúng ta đâu còn “trẻ mỏ xuân thì” gì nữa? Sáu đứa con là quá đủ rồi! Chúng ta phải biết chỗ nào là đủ để dừng lại chớ? Cái tình thì không thể nồng nàn như thuở mới cưới, nhưng chúng ta cũng còn cái nghĩa phu thê mà!

– Thôi đi! Đừng lấy cái nghĩa phu thê ra mà vuốt ve, mà ỡm ờ tui nữa. Tui không phải là con nít. Tui không còn là con gái nhà quê khăn rằn vắt vai, tóc kẹp đuôi gà như hồi xửa hồi xưa, đừng có mà phỉnh phờ tui nữa! Nếu ông tu trọn đời thì phải viết giấy ly hôn để tui còn rộng đường mà tái giá…

Ông nín nhịn, nuốt nhẫn vào lòng:
– Bà nói gì những lời đau xót! Tui đi tu chớ có hoang đàng, chơi bời hoặc chạy theo hình dong bóng sắc của một ai đâu? Thương nhau thì phải biết thông cảm cho nhau chớ?

Thấy bà cứ khăng khăng, có vẻ như không còn lọt vào tai những lời nói phải nữa, ông xuống giọng:
– Thôi, thế bà ưng chi tui chấp thuận nấy. Nhà cửa, gia sản, con cái, tui giao cho bà hết đó!

– Không cần! Bà lắc đầu – Tui không cần ham hố dzậy đâu! Ông hãy lấy giấy rồi viết lời cam kết như thế nầy:
“Tôi nguyện tu trọn đời. Nếu vợ tôi ở như dzậy được để vì chồng, vì con thì tốt; bằng không, bà có quyền tái giá. Nhà cửa chia đôi, đồng lương chia đôi; và bà muốn mang đứa con nào đi theo thì tùy ý. Nếu tôi không thực hiện được lời cam kết này, bà có thể kiện tôi ra tòa!”

Bà nói sao thì ông làm vậy. Viết xong, ông giao giấy cho bà. Bà chỉ liếc chứ không xem, rồi cầm tờ giấy mà gục khóc nức nở.
Việc vậy rồi thôi, một thời gian được trời yên biển lặng; nhưng ông biết, bên trong, sóng ngầm vẫn còn réo sôi, dao động ầm ì dữ lắm.
Trưa ấy, dùng cơm theo lệ thường, các con đi vắng cả. Ông lặng lẽ ăn, không nhìn bà, không nhìn qua nhìn lại; thật ra, ông đang ăn mà tâm vẫn dính đề mục thiền. Bà thấy bực, lấy tay xô ông một cái. Ông vẫn tự nhiên không hề có phản ứng gì. Bà tức giận hầm hầm, nói to:
– Cứ ăn, cứ ăn mà không nói chuyện gì hết!

Lát sau, bà nói nữa:
– Cái con người sao mà trông giống cục đất, cục đá dzậy không biết!

Ông vẫn làm thinh. Bà đứng lên, xô ông một cái nữa rồi quăng đũa, quăng chén bỏ đi. Ông vẫn ngồi một cục, một đống: Tham thiền!

Một chiều nọ, trời mưa lâm thâm, làm việc về, ông liền thay đồ để đi lên cốc. Vừa bước ra ngưỡng cửa, bà chận lại, rồi chỉ vào cái ghế dài bên tường:
– Ông ngồi đó!
Ông ngồi xuống.
Bà ngồi xích gần một bên. Thế thôi!
Lát sau, bà nói:
– Thôi đi đi, đi tu đi!

Nghe lời, ông đứng dậy; bà liền nắm quần kéo giật xuống nghe một cái “roạt”, rách cả cái túi quần, buộc lòng ông phải ngồi xuống trở lại.
Bà lại ngồi gần bên một chút xíu nữa.
Lâu sau, bà lại nói:
– Thôi đi đi, đi tu đi!
Nghe lời, ông đứng lên, bà lại kéo giật áo làm rách toạc một đường ở đâu đó nữa. Lại phải ngồi xuống trở lại nhưng ông cũng không nói gì, vì lúc ấy, ông đang rải tâm từ đến cho bà. Cuối cùng, biết chẳng làm gì được “ông Phật” ấy, bà nói:
– Thôi! Thử ông chút xíu thôi! Hãy đi đi! Tui không thèm cản nữa đâu!

Như được lệnh đại ân xá, ông ra lấy áo mưa, chạy xe máy lên cốc. Ông cảm thấy sao mà sung sướng quá, ví như chim thoát khỏi lồng. Gởi xe tại chùa, xắn quần lội bộ đến cốc, chùi sạch chân, leo lên tọa cụ ngồi thiền, ông thấy sao mà hạnh phúc và an lạc quá trời trời!
Trưa hôm kia, đi làm về thì có ông chú ruột – em ông thân sinh – đến thăm.
Ông mời ngồi, mời nước.
Ông chú nói:
– Cháu mạnh giỏi?
– Dzà dzâng!

Ông chỉ có nói một tiếng như vậy chứ không biết nói gì nữa. Hỏi thăm sức khỏe thì có vẻ khách sáo! Nói chuyện đạo thì chắc ông chú không thèm nghe! Nói chuyện đời thì biết chuyện chi mà nói, mà có nói thì để mà làm chi, vô ích và phù phiếm quá. Do nghĩ vậy nên ông lặng thinh.
Ông chú ngồi một hồi, thấy cháu mình không niềm nở, buồn, nên ông kiếu:
– Thôi, tao về!
– Dzà dzâng!

Thế đấy! Quả thật, khi người ta tu đã có thân, khẩu, ý chân thực rồi thì không biết nói gì cả. Ông tiếp khách mà chỉ có hai tiếng, trước dzà dzâng, sau dzà dzâng!
Một bữa khác, có người em ruột đến nhà, báo tin:
– Anh ơi! Con tôi đau nặng quá!
– Dzậy ha!
Ông nói – Có thân thì có bệnh, có đau chớ có gì lạ đâu chú!
Rồi ông cũng không biết nói gì nữa.
Người em ngồi một hồi, buồn, cũng đứng dậy bước chân ra về.
Mấy bữa sau, ông em đến nữa, báo tin:
– Con tôi nó chết rồi, anh ơi!

Ông đáp:
– Đó là định luật tự nhiên mà chú! Có sống thì tất là phải có chết chớ!

Rồi ông lại lặng thinh, không biết nói gì nữa, không biết khuyên lơn, an ủi như thế nào! Sau đó, ông cũng đến thăm, chia buồn, nhưng lại tự nghĩ:
“Mình đâu phải cục đất, cục đá, không có tình cảm, nhưng không biết tại sao mình thấy nói chi cũng có vẻ xã giao, đầu môi chót lưỡi quá, không thực!”.

Hôm nọ, ông lâm bệnh, bà hốt thuốc, sắc cho ông uống. Khi uống cạn chén thuốc thấy lộ ra lá bùa, ông bèn hỏi:
– Cái gì trong đáy chén dzậy bà?

Bà lật đật nói “có gì đâu, có gì đâu” rồi tìm cách giấu đi. Ông nói:
– Tui biết rồi! Nếu cần, bà hãy cho mời tất cả các ông thầy bùa lại đây, ngồi xung quanh tui đây, cứ cùng tha hồ mà ếm bùa tui một lượt thử xem! Một lần cho dứt khoát! Chớ đừng hôm nay ông thầy nầy, hôm mai ông thầy khác, vừa mất thì giờ vừa hao tốn bạc tiền vô ích!

Sau này, vô tình ông mới biết rõ, lá bùa hôm ấy chính là lá “bùa yêu”, bà muốn ông trở lại cùng yêu thương chăn gối với bà!
Bữa nọ, công việc ở sở bề bộn, ông về nhà đã khuya, ngó bộ không lên cốc được, đành nói với bà:

– Đêm nay, tui xin được ngủ nhờ ở nhà một đêm nghen, bà nó nghen!

Bà nghe vậy, mừng quýnh, tưởng là lá “bùa yêu” đã phát huy tác dụng nên hăm hở quét dọn, sửa sang giường, mùng, gối, nệm đâu ra đó, sạch sẽ, thơm phức. Biết vậy, ông vẫn làm thinh. Đến giờ, ông đem chiếu trải vào một góc lầu, giăng chiếc mùng nhỏ, ngồi thiền. Đến nửa đêm, nghe động, ông thấy bà lẻn vào mùng. Ông giật mình, vì ngay lúc ấy, do tâm thiền, ông thấy người bà đỏ rực và ngọn lửa ấy sắp táp vào thân ông.
Ông bình tĩnh bảo:
– Hãy đem ngọn lửa ấy đi ra ngoài đi bà nó ơi! Tôi dzan xin bà đó!

Bà đi ra, tủi hổ, khóc tấm tức… Và ông cũng không vào định nữa, ông ngồi quán tưởng, quán tưởng cái “ngọn lửa ái dục thiên thu” ấy nó đốt cháy thế gian không bao giờ ngưng nghỉ, không bao giờ dập tắt được. Nhưng ông phải dập tắt nó!

Bữa kia, bà nhạc tới thăm, thấy con gái tiều tụy, gầy mòn, biết rõ cớ sự, bà ân cần nói:
– Thôi con! Về ở với má đi con! Có mấy mẹ con mà ở gì căn phố lầu rộng rinh như dzậy nè! Về ở với má! Căn lầu trên, chồng con và mấy đứa, ở đủ rồi! Còn căn lầu dưới này hãy cho thuê, có thêm được một khoản tiền hằng tháng…

Ông phụ họa theo:
– Má nói phải lắm đó! Nghe lời má đi! Tiền thuê nhà được bao nhiêu bà hãy cất mà chi dùng…

Ông nói chưa dứt câu thì bất đồ, đã thấy tối tăm mặt mũi, hằng trăm ngôi sao nhảy múa trước mắt. Hóa ra, bà đã lẻn qua bên, đánh ông một bạt tai tóe lửa. Thấy đứa con nhỏ ở gần bên khóc ré lên, ông cúi xuống ẵm bồng lên tay, à ơi, à ơi… dỗ nín rồi nói với con rằng:
– Má con dại, lỡ tay đó thôi chứ không có ác ý gì đâu con!

Bà chưa đã giận, xỉa xói ông:
– Tui biết mà! Tui biết ông muốn đuổi tui ra khỏi nhà cho rảnh, cho khuất mắt! Tại sao dzậy? Tại sao cưới tui rồi bây giờ lại muốn đuổi tui dzậy chớ?

Bà nhạc nhìn con gái, dằn từng tiếng một:
– Dữ! Dữ quá! Hung dữ quá hen! Thiệt không ai còn chịu nổi! Cả gan dám đánh chồng! Mà chồng cô là ai chớ? Hiền khô à! Là ông Phật thiệt đó! Dám đánh cả ông Phật! Thôi! Từ nay về sau, tui không còn dám bước vào nhà “có cái con quỷ cái dữ dằn” này nữa đâu!

Nói xong, hầm hầm, bà nhạc quày quả cắp nón ra về tức khắc!
Sáng ngày, bà biết lỗi, đến xin sám hối với ông. Ông vui mừng lắm, dịu dàng nói với bà:
– Biết lỗi là quý lắm! Tui không để bụng đâu! Người xưa nói, nhi nữ thường tình mà! Người nữ cái tình nó nặng lắm. Tuithông cảm với bà, nhưng từ nay, bà cũng phải thông cảm cho tui mới được chớ! Rồi bên nào cũng yên cả, cũng đẹp cả! Khỏi phải xin lỗi tui. Xin lỗi là phải đi lạy má mà xin lỗi kìa! Bà thường giận hung và giận lâu lắm đó!
Bà nghe lời, cắp nón ra đi, còn nói:
– Kẻo má nhiếc tui là con quỷ cái!
Ông bấm bụng, không dám nói cười chi, sợ bả giận thì nguy to!
Chuyện thì có vẻ qua đi, nhưng ông biết, chưa thật sự yên được với bà đâu! Chuyện đời mà!

LẠI KIẾM TÌM NỮA

Thời gian sau, có người bạn đạo mách bảo là có vị Sư Cả chùa Tamdette nổi danh dạy thiền định, khuyên ông tìm tới học thử, nếu không hay thì về, chẳng trở ngại gì cả. Ông chần chừ, lần lữa do đã vấp váp những kinh nghiệm thuở trước. Sau, vì bạn nói quá, lại thấy có được mấy ngày nghỉ thưởng – ông cũng muốn đi cho vui!

Vị Sư Cả sau khi nói sơ về các đề mục thiền định, dạy ông nên chọn đề mục “nước”. Ông nghe lời, rút vào cốc vắng do chùa chỉ định, đặt bát nước trước mặt, chăm chú nhìn. Chỉ một lát thôi, ông đã bỏ bát nước bên ngoài, chú mục vào bát nước trong tâm. Cũng thoáng lát thôi, bát nước hiện ra rõ ràng, trong xanh màu lục bảo. Chưa dừng lại, bát nước ấy còn lớn nhỏ tùy ý, càng lúc càng sáng hơn, trong hơn. Những giờ thiền định sau, ông không cần bát nước nữa, hễ chú tâm, chú tưởng, bát nước liền hiện ra; rồi từ cái quang sáng như bích ngọc ấy, nắm tướng bất động, ông đi vào định hai tiếng, ba tiếng…

Giờ trình pháp, cứ sao ông nói vậy. Vị sư cả nhìn ông một hồi rồi thốt lên:
– Lạ quá! Lạ quá! Có người cả năm năm, bảy năm chưa được dzậy! Còn ông thì sao nào, chưa được một đêm, một ngày đã mấp mé cái định sơ thiền!

Vị sư cả bảo ông thử đi vào đề mục “đất”. Và chỉ một đêm, ông trình pháp, là vào định được lâu hơn.
Vị sư cả bảo ông thử trú đề mục “màu đỏ”. Cũng vậy, chỉ một đêm, định lâu và sâu hơn một chút nữa.
Sớm hôm kia, vị sư cả nói:
– Ông đã từng quen định mà là định sâu là khác nữa. Định sâu thì tưởng mạnh! Bây giờ như thế này, trên cõi trời Đao Lợi hiện có thờ Xá Lợi Tóc và Xá Lợi Răng của đức Thế Tôn. Vậy ông thử dùng tưởng định lên trên đó, xem thử hai loại Xá Lợi ấy được chư thiên thờ tự như thế nào?

Nghe lời, hôm ấy, ông dùng tưởng định xem thử. Một lát, tầng trời Đao Lợi hiện ra, xung quanh là những đám mây nhiều màu rất đẹp. Rồi hai bảo tháp cũng hiện ra, thật là cực kỳ, không thể diễn tả được. Rồi ông thấy rõ Xá Lợi Tóc, Xá Lợi Răng đều nằm trong cái hộp bảy báu, lấp lánh, chói sáng ngời ngời!
Xả thiền, ông kể lại cho vị sư cả nghe.
– Tôi hoan hỷ cả từng kẽ tóc, từng lỗ chân lông. Thật vĩ đại thay là tưởng định của người cư sĩ.

Kế tiếp, vị sư cả nói ông cũng nên dùng tưởng định đi xuống xem vài tầng địa ngục thử coi.
Lần này ông từ chối, nói rằng:
– Nếu kể về định thì con đã từng đi vào định sâu hơn dzậy, hơn cả nước, đất và màu đỏ mấy ngày hôm nay; không chỉ hai ba tiếng mà thường là suốt đêm. Con còn cả đề mục ánh sáng và định tâm từ nữa, cũng đã quen. Hôm qua sư bảo con lên cõi trời, con đã lên xem. Hôm nay sư bảo con đi thử địa ngục, con không đi xuống dưới đó nữa đâu!
– Tại sao dzậy?

Ông giải thích:
– Đi tìm chân lý, giác ngộ, giải thoát không phải như dzậy. Dù có định thâm sâu, dẫu có đi lên, đi xuống thiên đường, địa ngục một cách tự tại vô ngại, nhưng mà xan tham, sân si, phiền não vẫn cứ còn nguyên ở đó thì có ích gì? Phải có cách tu gì khác kìa; mọi phương pháp ở đây, con biết, đều không trúng cách của tuệ giác!

Vị Sư Cả chịu, vì chính ông cũng chưa hề tu quán, tu tuệ, chỉ có sở đắc chút chút về định thôi mà ngó bộ còn thua cả người học trò mới học có mấy ngày!

PHANH LẦN RA CON ĐƯỜNG

Từ đấy, ông trở về cốc cũ tại chùa Mahāmontrey. Ngoài thì giờ tu thiền định như lệ thường, ông để tâm tìm hiểu tu cách chi cho diệt hết các khổ, những phiền não ngủ ngầm trong tâm. Hôm kia, vớ được quyển kinh Kim Cang Bát Nhã, đọc thử, thấy hay; vì ở đây có nói đến tánh không rốt ráo, giải thoát rốt ráo! Nhưng mà chỉ có nói mà thôi, nói gỡ tất cả mọi danh từ chữ nghĩa, gỡ tất cả mọi dính mắc, mọi thấy biết, mọi kiến chấp! Tuyệt! Nhưng ông thử đọc đi đọc lại xem có chỗ nào chỉ dạy cách tu, phương pháp tu từ cạn vào sâu, từ thấp lên cao như thế nào thì không hề thấy!
Ông tự nghĩ:

– Nói cho hay mà làm gì? Có người nói hay lắm nhưng ngũ giới cũng không giữ được, ích gì!

Rồi ông bỏ, không xem nữa.

Đêm kia, trước giờ hành thiền, niệm Phật xong, Buddho! Buddho! chừng mươi phút, ông chấp tay lên trán, nguyện rằng: “Nếu con không có duyên với Phật Pháp thì hãy để con chết quách cho xong; bằng có duyên tu hành từ kiếp trước, hãy cho con gặp được chánh pháp, có lộ trình tu tập đàng hoàng, có bản đồ chỉ đường không có sai lạc; trước để diệt xan tham, sân si trăm mối khổ cho mình, sau nữa để giúp mọi người cùng tu theo, cùng thoát khổ theo!”.

Nguyện xong thấy lặng ngắt, trong ngoài đều lặng lẽ; và hốt nhiên, kỳ diệu thay, trong đầu thoáng hiện ra ba chữ Bát chánh đạo! Bàng hoàng quá mà cũng vui mừng quá, ngồi xếp bằng trở lại, ông suy nghĩ, suy nghĩ…! Chẳng biết cái gì cả! Thế ra chỉ nhớ có cái tên, còn ý nghĩa của ba chữ đó nó như thế nào thì ông hoàn toàn mù tịt! Tuy nhiên, lạ lùng làm sao, chỉ nhớ được ba cái chữ ấy thôi mà sao cả người đều thơ thới, mát mẻ và an vui như có làn gió thanh lương rười rượi thổi khắp cả lục phủ ngũ tạng!
Ông quyết chắc rằng:
“Đây đúng là chơn lý như thật rồi! Chư thần linh linh thiêng, do thấy mình có lòng thành, đã mách bảo cho mình đây! Bây giờ, hãy từ ba chữ này mà phanh lần ra, không trật đi đâu được!”.

Trời rạng đông, thức dậy rửa mặt, mặc y phục, không kịp ăn điểm tâm sáng, ông tìm đến gặp đại đức trụ trì chùa phó vua Sãi (1), vị này hiện là hiệu trưởng trường Cao đẳng Pāḷi. Tại thất riêng, ông quỳ bạch, trình bày lý do đột ngột đến thăm, chỉ cần xin hỏi ý nghĩa đầy đủ, rõ ràng về Bát chánh đạo.

Vị đại đức chăm chăm nhìn ông, một lát rồi dồn dập những câu hỏi:
– Ông là ai? Ở đâu? Có phải là cư sĩ Phật tử không? Đã tu chưa? Tu bao lâu? Tu với ai? Pháp môn nào? Đề mục gì? Lý do tại làm sao mà chỉ hỏi có mỗi một Bát chánh đạo thôi?!

Ông quỳ bạch, xin lỗi. Rồi sau đó ông tuần tự kể lại lai lịch xuất thân, sinh quán, sở học, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, sự thao thức, trăn trở con đường tu tập; và đã từng tu tập như thế nào… Mỗi mỗi đều được kể lại, tuy tóm tắt nhưng khá đầy đủ cho vị đại đức nghe!

Vị đại đức thốt lên:
– Hiếm có, hiếm có! Và cũng thật là kỳ lạ và phi thường! Có lẽ ông là người đầu tiên mà tôi gặp được ở trong đời, lại có lộ trình tu tập gian lao, đã dày công, đã tự lần dò khổ ải đến như vậy!

Nghỉ một lát, vị đại đức tiếp:
– Tất cả mọi định ấy đều không sai, chỉ là nó còn thiếu. Định, phải có tuệ mới thoát tất cả khổ được! Ông có duyên lành với Phật Pháp. Và đúng, chư Phật xưa cũng nhờ tìm ra Bát chánh đạo mới diệt tận vô minh, phiền não được đó!

– Dzậy xin đại đức từ bi giảng giải cặn kẽ cho con nghe về Bát chánh đạo!

– Ờ, tôi giảng cũng được, nhưng thì giờ tôi không có nhiều. Tôi lại sắp lên trường. Ông là người có trình độ, vậy tiện cho việc nghiên cứu sâu rộng, tôi giới thiệu ông đến Pháp bảo viện của đức vua , ở đấy là cả một thư viện Phật học!

– Tiếng Miên con nói được nhưng chữ Miên thì con không đọc được!

– Không sao! Vị sư cười xòa – Kinh sách chữ Miên, chữ Hán, chữ Pháp gì ở đó cũng có cả! Chữ Pháp thì người Tây đã dịch được một số kinh sách từ tạng Pāḷi. Ông rành rõi tiếng Pháp nên có thể đọc tất cả mọi loại kinh sách tiếng Pháp. Tôi nhớ không lầm thì ở đó có một quyển sách nhỏ nói về Tứ diệu đế, bản Pháp ngữ, người ta đã soạn dịch khá chuẩn xác. Bát chánh đạo nó nằm nơi chỗ Đạo đế!

Ông ngần ngại:
– Chắc chắn có một số thuật ngữ Phật học, con sẽ va vấp, không nắm được, không hiểu được.

– Không sao, ông cứ ghi chú tất cả lên sổ tay, hôm nào có dịp, tôi sẽ giải thích cho! Ồ không, ông là bậc trí thức lại tu tập tốt quá, vậy phải nói là chúng ta sẽ đàm đạo!

– Dạ, đàm đạo thì con không dám!

Trước khi ra về, vị đại đức khuyên:
– Hãy học thêm tiếng Miên, tiếng Pāḷi để tiện cho việc đi sâu vào giáo điển. Sau này, ông bạn sẽ hữu ích cho rất nhiều người, biết đâu ông sẽ truyền bá được giáo pháp chân truyền sang đất nước ViệtNam! Phải không?

Cúi đầu, đảnh lễ, ông cảm ơn rối rít, có cảm giác như gặp được một người bạn đạo hoặc là một bậc thầy đã lâu xa đâu từ kiếp trước!

Không chần chờ phút giây nào, ông tìm đến Pháp bảo viện. Ông trình bày ước nguyện với vị quản thủ thư viện, rồi vị này vui vẻ tìm kiếm quyển Tứ diệu đế cho ông. Hóa ra chỉ là một tập sách nhỏ, bản Pháp ngữ. Thế rồi, ông ngồi đọc, đọc suốt cho đến mười bốn giờ rưỡi, quên cả ăn, cả uống. Nhắm mắt lại, hồi tưởng những ý nghĩa bên trong, rồi dường như thỏa thích, hỷ lạc quên cả thời gian. Mở mắt ra, ông đọc nữa, đọc cho đến tối, và cũng có cảm giác hỷ lạc đầy ắp cả người như thế.

Quyển sách đã đọc xong, nhưng ông còn muốn đọc đi đọc lại nhiều lần nữa nên ký mượn, mang về. Từ đó, quyển Tứ diệu đế là sách gối đầu giường, đi đâu ông cũng mang theo, giữ gìn rất trân quý! Tuy nhiên, có nhiều điều ông chưa hiểu. Có một số thuật ngữ vẫn chưa nuốt trôi. Biết hỏi ai?

Sư Cả chùa Mahāmontrey thì ngài đã nói là ngài không có bao lăm chữ nghĩa. Lên chùa phó vua Sãi mấy lần đều không gặp vị đại đức kia. Tối về hành thiền, ông cứ lấn cấn không biết niệm gì trong chánh niệm? Chánh niệm này có chắc là người Pháp diễn nghĩa đúng không? Rồi suốt mấy ngày, ông đi lang thang thăm hỏi các ngôi chùa lớn mong gặp các vị A-xà-lê uyên thâm Phật pháp sẽ giảng giải thắc mắc cho ông. Riết rồi cũng gặp được một vị khách Tăng ngay tại chùa của Sư Cả. Biết ông là người hiếu học, vị sư lắng nghe rất chăm chú.

Sau khi kể lại lịch trình tu tập của mình, rồi kể lại câu chuyện Bát chánh đạo cho vị sư nghe, mong muốn học hỏi về giáo pháp để tu tập cho đúng đắn. Ngài đại đức này còn trẻ nhưng đã học thuộc nằm lòng một tạng kinh nên đã vừa đọc, vừa giảng rồi còn cẩn thận bảo ông ghi chép cho thật đầy đủ những đoạn kinh nói về Bát chánh đạo(2).

Xong, vị sư ấy nhấn mạnh:
– Ông hãy nghe cho kỹ đây. Chữ sammādiṭṭhi – thì sammā là chánh, chơn, đúng, chính xác, trọn vẹn, chơn thực, toàn diện…; còn diṭṭhi là quan điểm, là kiến thức, là giáo lý, học thuyết, là nhận thức, là kiến, là thấy. Vậy sammādiṭṭhi là thấy biết chơn chánh, như thực, toàn diện… không nghiêng lệch, xiêng tà. Rồi từ cái thấy biết chơn chánh, như thực, toàn diện ấy mà suy nghĩ, chọn lựa, phân tích, xác định này nọ thì gọi là sammāsaṅkappa là tư duy đúng đắn, suy nghĩ như chơn, như thực, toàn diện…

Hai cái sammā đầu tiên trong Bát chánh đạo này thuộc về trí, về tuệ nên nó còn một nghĩa thứ hai thuộc về tu tập, thực hành đó là: Sammādiṭṭhi là thấy rõ Tứ đế, Tam tướng, Ngũ uẩn, Thập nhị duyên khởi; sammāsaṅkappa là không suy nghĩ, không khởi tâm sân hận, ác độc, não hại, tham dục, ái dục… để hại mình, hại người. Tôi nói thế ông có nắm vững được không?

– Thưa, chỉ mới nghe vậy, ghi nhớ, ghi nhận vậy chứ chưa nắm vững…

– Tốt! Vị sư cười – Đầu tiên, ai cũng phải thế! Ngoài da trước, võ não trước; đến giai đoạn tư duy, chiêm nghiệm nó mới thấm dần vào bên trong; sau đó gia công, trì chí, tinh cần tu tập mới là lộ trình đích thực và trọn vẹn.

– Thưa vâng!

Rồi tiếp theo vị sư trẻ nói về chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là sao? Chúng thuộc về thu thúc, ngăn giữ thân khẩu cho tốt lành, trong sạch, thánh hạnh như thế nào! Kế nữa là tấn, niệm, định. Đến chỗ niệm, định, vị ấy nhấn mạnh:
– Niệm cũng đó, định cũng đó mà tuệ cũng đó. Chưa nói đến những đề mục thiền định khác, chỉ nói về hơi thở thôi.
Niệm hơi thở, chú mục vào hơi thở, an trú vào hơi thở; nếu hơi thở nhẹ nhàng, lắng dứt, nhất điểm, sáng trong thì ông sẽ đi vào định. Cũng như vậy, an trú vào hơi thở mà quan sát, lắng nghe những tác động nơi sắc thân, nơi cảm giác, nơi tri giác, nơi tâm hành, nơi ý thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) sẽ phát sanh tuệ.

Nói cách khác, sammāsati, chánh niệm, không phải có một “cái chánh” để niệm, để nắm bắt, ghi nhận. Mà cái gì xảy đến, đối tượng nào đi qua thân tâm chúng ta, chúng như thế nào thì nắm bắt cho thật trung thực, khách quan. Có bốn chỗ niệm như thế đó là thân, thọ, tâm và pháp. Cuối cùng, chỉ phát sanh tuệ khi thấy rõ được vô thường, khổ và vô ngã của pháp. Ông hãy nhớ rõ như vậy!

Nghe xong, ông rùng mình, có cảm giác rất thân quen lời dạy này. Dẫu chưa hiểu sâu nhưng ông cũng mang máng hiểu; và ông biết, ông sẽ thực hành được.
Tối đó, về lại cốc, ông tự tin đi vào niệm hơi thở. Từ mười chín giờ tối đến mười hai giờ khuya mà ông thấy sao mau quá. Xả thiền, đi tiểu, ông chợt nghe tiếng rên từ cốc của ông thân sinh. Bước qua thăm hỏi. Ông thân đáp:
– Ba đau bụng kiết! Thuốc ống có sẵn, ba để trong tủ (ông chỉ chỗ) con về lấy tiêm cho ba!

Ông liền vào chùa lấy xe máy chạy về nhà, trên xe, ông cũng chú tâm vào đề mục hơi thở. Vì quá chú tâm vào hơi thở nên khi qua đường rầy xe lửa, xe bị trượt, ông bị văng ra khỏi xe một khoảng khá xa mà chẳng thấy có cảm giác gì! Đứng dậy, phủi sơ sơ trên người, lên xe, đi tiếp. Vào nhà, lấy thuốc xong, về chùa tiêm thuốc cho ông thân. Xong xuôi, ông trở lại cốc, ngồi thiền cho đến sáng!

Trời rạng, chừng hơn năm giờ, xả thiền, ông thấy hai ống quyển hơi đau, cúi xuống xem thì thấy hai ống quần máu thấm đỏ lòm, vải dính vào da. Hóa ra ông bị thương, xương chưa dập, chưa gãy nhưng đau rát lắm. Có cái gì lóe sáng, ông bình tĩnh cứ để yên vậy, tự nghĩ: “Đau chỉ là đau thôi, chẳng ai thọ đau ở đó cả! Tuyệt! Ta đã thấy bóng dáng của vô ngã rồi! Theo đó, cái đau kia cũng theo định luật vô thường cả thôi! Ôi! Cái thân đau, kệ nó chớ – làm sao nó có khả năng làm tâm ta khổ theo được!”
Ông tủm tỉm cười, cảm thấy hạnh phúc quá! Cái hạnh phúc này quả là kỳ diệu! Đau mà bảo là hạnh phúc thì ai tin?

Hân hoan, thư thái, ông nhờ người chở đến bệnh viện băng bó vết thương mà thấy nhẹ nhàng như không có chuyện gì xẩy ra.
Rồi cứ thế, bắt đầu từ hôm đó, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, đi đứng nằm ngồi gì, trên xe máy hoặc tại công sở, ông cũng niệm hơi thở, không lơ là, không dứt đoạn; chẳng có phiền não, xan tham, sân si gì gì len vào tâm ông được. Cũng nhờ vậy mà thân khẩu ý của ông đều thanh tịnh, không lầm lỗi. Cũng nhờ vậy mà tâm ông lắng trong, trí ông sáng suốt. Từ chánh niệm, chánh định ông hiểu rõ hơn nữa về chánh kiến, chánh tư duy; còn chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thì không có gì khúc mắt! Hóa ra, trọn vẹn Bát chánh đạo nó nằm nơi Giới, Định và Tuệ! Và sự tu tập, hóa ra nó nằm nơi Tứ niệm xứ!

Và cũng từ đây, do chăm chăm chú chú ở nơi tâm, ông không còn nói chuyện chi với ai được nữa!
 
atoanmt Date: Thứ Ba, 09 Apr 2019, 9:40 AM | Message # 4
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
Christiannguyen Date: Thứ Tư, 10 Apr 2019, 8:10 AM | Message # 5
Lieutenant
Group: Users
Messages: 48
Status: Tạm vắng
MIỆNG LƯỠI THẾ GIAN

Thế rồi, bất cứ lúc nào ông cũng nhiếp tâm vào đề mục hơi thở. Nhiều người quen biết, gặp ông ở chỗ này chỗ kia, đôi khi giở nón chào, đôi khi đưa tay vẫy, đôi khi mở miệng cười, đôi khi mấy lời chào hỏi… nhưng thấy ông dường như không hay, không biết gì cả, họ rất khó chịu, bực mình. Một số người thân quen, cảm thấy bất bình vì ông “bất cận nhân tình”, chẳng lịch sự một chút nào cả. Họ phản ảnh với bà, với mẹ cô Diệu:
– Bà ơi! Mấy lần chào hỏi ông bác sĩ, ông chẳng ừ hử, ì à gì hết, cư dông xe đi tuốt! Tâm ông cứ để đâu đâu, coi chừng có ngày bị xe cán; coi tuồng như ông nhà nhà ta đang dở tỉnh, dở điên đó!

Về nhà chưa kịp thay áo quần, bà đã nói:
– Nè! Người ta nói ông điên đó!
Ông cười cười:
– Ai nói?
– Mấy người quen gặp ông giữa đường đó!
– Thì ít ra bà cũng cho tui biết đầu đuôi họ nói tui ra làm sao đã chớ?
– Họ nói, ông ra đường mà cái bản mặt cứ “gầm gầm”. Ai chào, ai hỏi gì ông cũng chẳng ừ hử!
– Dzậy đó ha! Ông mỉm cười – Ai đi giữa đường mà không nói chi cả, đều là người điên hay sao? Họ chào hỏi nhưng tuikhông thấy, không biết thì làm sao tui trả lời? Trách tui sao được!
– Tu, mà cứ hằm hằm mà tu, cũng là đồ điên đó!

Ông trầm tĩnh, chậm rãi giải thích:
– Lẽ thường, người điên có những triệu chứng như nói lầm bầm trong miệng, nói bá vơ, cười khóc thất thường; còn tôi đi ngay, đứng thẳng, không xẹo, không xiêng, tâm ý chính đính, không dòm ngó ai, dzậy mà người ta bảo tui điên thì thế gian này điên đảo thiệt rồi!

Bà liếc xéo, ngún nguẩy:
– Tui không lý sự với ông! Người ta bảo ông điên thì tui chỉ nói lại là ông điên mà thôi!
Chuyện cũng qua, nhưng tự nhiên ông thấy thấm thía bài học, tự nghĩ thầm:“Cuộc đời này ta cảm biết bắt đầu khó sống rồi! Thật là miệng lưỡi thế gian. Với những người xung quanh ta mà như dzậy đó, thì ta biết nói chuyện gì? Mà không giống họ, ta tỉnh hơn họ thì họ bảo ta điên! Ối, trời đất!”
Có một buổi tối, mấy bà bạn của bà đến thăm. Thấy bà buồn rầu, than thở ỉ ôi, họ khuyên bà trang điểm cho đẹp, mặc áo quần cho gợi cảm, cho mát mẻ, xức nước hoa cho thơm tho vào rồi lên tận cốc, phải nói những lời thiết tha, để quyến dụ ông nối lại tình xưa nghĩa cũ!

Bà thiệt thà nói:
– Tui biết nói lời gì?
Các bà xôn xao:
– Lời ong, lời bướm đó…
– Là những lời thuở trước trong phòng the đó, để ổng nhớ lại…
Lâu lắm, bà thở ra:
– Ổng đàng hoàng lắm, lúc nào cũng nghiêm nghiêm cẩn cẩn; nói ba cái lời khó nghe đó, ngó bộ ổng càng ghét thêm…
– Mèn ơi! Không thể đâu, không thể nào như dzậy đâu! Cái giống“đàn ông đàn ang” thì thường là “một giuộc” như nhau cả thôi! Ông nào mà không muốn nghe lời thủ thỉ thù thì mê ly bên gối…! Chính bà đã không biết nói lời dụ dỗ phong tình nên sổng mất ổng đó nghen!
Họ xúm vào nói một hồi bà nghe cũng xuôi tai. Rồi họ còn cẩn thận dặn lui, dặn tới là phải nói những câu như thế nầy, như thế kia nữa…
Bà gật đầu, nghe theo.
Đêm đó, đã khuya, nơi cái thất yên tĩnh tại vườn chùa, đang quán niệm hơi thở, ông chợt nghe có tiếng động nhẹ.
– Ai đó?
Hỏi hai ba tiếng vẫn không nghe trả lời. Lát sau,
bà cất giọng nhỏ nhẹ, dịu dàng, tha thiết:
– Tui đây ông ơi! Thương nhớ ông quá, tui lên thăm ông đây! Tội nghiệp tui mà!
-“ Chà!” Ông nghĩ “Khó lòng rồi đây!”
Bà tiếp tục thỏ thẻ:
– Tui “cắn cỏ ngậm vành” lạy ông! Đêm khuya canh vắng, vò võ một mình! Hãy thương lấy tui đơn chiếc! Nhớ ông quá mà! Nhớ vòng tay cứng cáp của ông! Nhớ hơi thở của ông! Nhớ mùi mồ hôi của ông! “Cây mà không liền cành, chim mà không liền cánh” thì tui thà chết đi, chứ đời tui không thể thiếu ông được! Ông ơi! Tui chết mất!

Trong liêu cốc, ông cũng la thầm trong bụng: “Chết rồi! Kiểu này, tình cảm mà sít-sìn-sịt như dzậy thì không còn nói chuyện phải trái gì được nữa cả! Muốn bảo vệ sự an toàn, ba mươi sáu chước,“tẩu vi thượng sách!”(1) Thế rồi, ông vội mở nhanh cánh cửa, phóng tuốt đến chùa, bất kể gai góc, lùm bụi; gõ dồn dập liêu thất của Sư Cả, xin được vào “tỵ nạn”.

Vị Sư Cả hỏi tự sự đầu đuôi. Khi rõ chuyện, ông sư già cười ha hả:
– Hiếm có! Hiếm có! Tu như vậy mà không đắc đạo thì thế gian này, ai đắc đạo? Cứ ở đó, để tôi đi khuyên bảo cho! Ông có giác ngộ, giải thoát mới cứu độ bà nhà được chớ ? Vô lẽ cứ rủ rê nhau chui mãi vào trong cái vòng lưới ái ân duyên nghiệt ấy? Sáu đứa con rồi mà chưa biết đủ hay sao?

Vị Sư Cả cầm đèn đi một lúc, trở về, bảo là bà chắc đã về nhà rồi, không thấy ở đó! Chợt dưng, bây giờ tỉnh táo lại, ông nghĩ đến một chuyện: “Lạ! Suốt đời, bà không bao giờ nói những lời bậy bạ đó! Khi bà giận thì bà nói cộc lốc, một cục, một hòn kia; không thế thì bà im lặng, im lặng hoặc “chưởi chó mắng mèo”, hoặc “quăng thúng đụng nia” kìa! Nếu không tại mình cắt gánh “nửa chừng xuân” thì bà thuộc loại đoan trang, hiền thục! Vậy, đích thị là bà bị ma vương mớm ý, mớm lời để dụ dỗ ta thật sự rồi!”
Ông liền kể lại điều ông vừa nghĩ trong bụng cho Sư Cả nghe. Ngài Sư Cả gật gù:
– Có thế chớ! Dẫu sao, tôi thấy bà nhà cũng thuộc loại đoan chính đó! Chắc là ma vương thật sự rồi! Đức Phật mà nó cũng còn cả gan dụ dỗ nữa, huống hồ là ông! Vậy thì hãy tinh tấn mà viễn ly thêm nữa! Gia đình là cái ổ phiền não muôn đời mà!
Ông lạy tạ và cảm ơn Sư Cả đã có lời động viên, sách tấn; sau đó, trở về cốc, không nghĩ gì nữa, ông lại hành thiền tiếp!

LÊN RỪNG TU, ĐÚNG CHÁNH PHÁP RỒI!

Thời gian sau, do như cầu công việc, ông thường đi công cán các quận huyện. Hôm kia, tại một thị trấn miền núi, nhìn núi rừng xanh mát, tĩnh lặng, êm đềm, lòng ông mềm lại, ước ao có được tháng ngày thảnh thơi, rỗi việc để vào các khu rừng như thế này mà hành thiền thì hạnh phúc biết mấy! Không cưỡng được ước muốn của mình, ông viết đơn xin nghỉ phép nửa tháng, giao công việc cho hai người phụ tá sành sỏi, bảo lái xe chở ông về sở ngay. Ngồi trên xe, ông thầm van vái chư thiên, đại ý rằng: “Tui chỉ muốn tu thiền thôi chớ không có ý gì khác. Vậy xin chư thiên, các ngài hãy thương tui, hộ trì cho tui để cho ông Chánh sở Thú y chấp thuận đơn nghỉ phép mười lăm ngày của tui. Có được chút ít công phu, phước báu gì đó, tui kính cẩn hồi hướng đến cho các ngài hết!”.
Vậy mà linh nghiệm thật. Vào đến sở, gặp ngài Chánh sở, đưa lá đơn ra, chưa kịp chào hỏi gì cả; ông ta liếc đọc sơ rồi ký thuận một cái rụp!

Mừng không kể xiết, về nhà, không báo với ai, ông “cụ bị” một ít áo quần, vài thứ vật dụng lặt vặt, nhờ lái xe chở trở lại khu rừng. Tại đây, tình cờ gặp một vị đại đức, dường như đang chờ xe quá giang. Ông dừng lại thăm hỏi và nói ước nguyện của mình muốn lên một khu rừng yên tĩnh để hành thiền.

– Vậy là hay quá rồi! Chùa tôi ở trên một huyện miền núi, khá xa ở đây, đi sâu vào trong là một khu rừng nguyên sinh hùng vĩ, mát mẻ, trong lành. Tôi sẵn sàng làm người hướng dẫn cho cư sĩ!
Ông cảm nghe mát mẻ trong ruột, tự nghĩ: “Quả thật duyên lành thì gặp duyên lành! Càng sống, càng chiêm nghiệm thì ta càng thâm tín ân đức Tam Bảo! Lá đơn nghỉ phép, ký ngay, không hỏi lý do! Xe dừng ở đây thì gặp vị đại đức sẵn sàng hướng dẫn lên núi! Thật là kỳ lạ! Ai dám bảo thời này không có điều huyền diệu?”.
Khi ngồi trên xe, xe chạy suốt đêm; và cũng suốt đêm ông trú niệm hơi thở. Trời sáng bạch thì tới nơi. Cả hai cùng xuống xe. Vị đại đức nói:
– Vị quan Phủ trị nhậm ở đây là người Miên. Ông ta rất mộ Phật. Tôi cũng có quen thân. Tới địa phương của người ta, dẫu là lên trên núi tu, cũng nên trình báo với ông một tiếng.
– Đúng dzậy! Ông gật đầu – Dzậy mới phải lẽ. Không nói chuyện lịch sự, mà đức Phật cũng có dạy là phải biết tuân thủ, chấp hành pháp luật ở địa phương nơi mình cư trú. Lại nữa, bây giờ ở đâu cũng cảm giác bất an ninh(1).

Tới phủ đường, khách được dẫn vào gặp quan lớn. Cả hai được tiếp đón niềm nở. Không những được chấp thuận dễ dàng, mà quan phủ còn bảo, nếu cần ông sẽ cho lính hộ vệ lên tận núi để bảo đảm sự an toàn.
Ông có vẻ không hiểu cái câu “bảo vệ an toàn”! Vị đại đức phải giải thích:
– Vùng này nổi tiếng nhiều voi dữ, nhiều cọp beo – nên ngài quan phủ muốn bảo vệ chúng ta đó.
– Còn các lực lượng vũ trang vệ quốc của nhân dân, không có sao?
Vị đại đức mỉm cười:
– Các quan phủ người Tây đến tri nhậm ở đây, lần lượt đều bị nhân dân giết chết, hoảng quá, họ bèn kiếm một vị quan người Miên. Vị này là Phật tử, được dân thương và ông cũng rất thương dân. Lúc nộp thuế cho chính phủ bảo hộ, ông đã khôn khéo len lách thế nào đó để cho dân khỏi đói!
– Thật quả đáng kính trọng!
Cả hai đồng cảm ơn vị quan phủ khả kính, bảo là sợ phiền đến lính tráng. Họ tự đi được, có lẽ không đến nỗi nào.
Lát sau, vị đại đức dẫn ông đến nhà một cư sĩ quen thân, kiếm chút thức ăn lót dạ, thay đổi y phục nâu sồng có sẵn trong đãy mang theo. Một số đồ dùng lỉnh kỉnh không cần thiết như dù nón, mũ, giày gì cũng gởi lại nhà người cư sĩ; ông chỉ có một bộ mặc trên người, một bộ mang theo, không mũ nón rồi đi bằng chân không, lên đường. Vị đại đức ngạc nhiên:
– Sao lại phải đi chân không? Không ngại sạn sỏi, gai nè sao?
– Không phải là không sợ! Ông nói – Tui chỉ muốn tập như các vị tỳ-khưu thời đức Phật thử xem ra sao đó thôi!
– Chà, hay lắm! Vị đại đức khen – Thân chưa xuất gia mà tâm đã xuất gia rồi!
– Dzà, không dám!

Lần đầu tiên trong đời, ông cảm giác sao mà nhẹ nhàng, thơ thới đến vậy. Quả thật là đầu đội trời, chân đạp đất! Quả thật là không còn một dính mắc gì trên trần thế này nữa! Ôi! Nghe từng viên sỏi lạo xạo dưới chân cũng an lạc! Ôi! Nghe một tiếng chim kêu ở đâu đó cũng an lạc! Ôi! An lạc cả từng làn gió nhẹ thổi qua! An lạc cả từng bụi cỏ bên đường! An lạc cả từng giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, nơi lưng, nơi cổ! Rồi ông tự nghĩ: “Không biết bao giờ mình mới được rảnh rang vô sự, được tự do mà đi tìm chỗ hành đạo như thế nầy! Rồi có lúc sẽ được thôi! Thứ nhất là phải khởi quyết tâm liên tục, không gián đoạn. Thứ hai là phải tích cực sống hạnh viễn ly. Thứ ba là phải thu xếp ổn thỏa việc gia đình!”. Đến ngang đây, ông tự xét, vì sung sướng quá nên tư tưởng ta đã nghĩ ngợi và đã chạy nhảy lung tung rồi. Và ông lại trú niệm, xế trưa thì đến tận chùa, khoảng xa chừng ba bốn cây số đường núi.

Vị đại đức hóa ra là người trụ trì ở đây. Chư Tăng ra chào hỏi. Ông được đãi đằng cơm nước đâu đó rồi lại cho ở nơi một cái cốc vắng, yên tĩnh, sạch sẽ sát vách đá.
Vị đại đức nói:
– Ông cư sĩ trí thức hãy an tâm nghỉ ngơi, tịnh dưỡng như nhà của mình, đường xa chắc đã thấm mệt! Sáng mai, chúng ta sẽ đi lên núi, vào rừng!
– Thưa, còn khoảng bao xa?
– Chừng ba bốn cây số như vậy nữa. Nơi ấy rất lý tưởng. Các vị trưởng lão, các bậc ẩn tu trước đây cũng thường chọn địa điểm đó. Hiện tại, vẫn còn dấu tích của các ngài nơi các hang đá.
– Chắc có nhiều vị đạt đạo, thưa đại đức?
– Cũng khó biết! Vị đại đức có vẻ thận trọng – Mà cũng có thể như vậy! Nhưng các ngài thường lặng lẽ như đá, như cây; nếu có đến đi thì cũng nhẹ nhàng, khoảng khoát như như gió, như mây trời; họ có vướng bận chi đâu, và họ có nói với ai về sự chứng đắc của mình bao giờ? Tiết lộ “pháp thượng nhân” là phạm vào trọng giới “bất cộng trụ”, bị trục xuất khỏi Tăng đoàn đó!
Ông thắc mắc:
– “Pháp thượng nhân” là gì? “Bất cộng trụ” là gì mà ghê gớm dzậy?
– Pháp thượng nhân là các tầng thiền định, các thắng trí, các thần thông, phép lạ, các tầng thánh quả. Một vị tỳ-khưu trong giáo pháp Phật, nếu tiết lộ cho pháp hữu của mình nghe, bạn đạo của mình nghe, hoặc cho thiện nam tín nữ của mình hay biết rằng, là mình đã đắc cái gì đó, đã chứng cái gì đó mà mình chưa chứng; cho dẫu chỉ nói xa, nói gần cũng bị đuổi khỏi Tăng đoàn, không cho sống chung với Tăng nữa nên gọi là “bất cộng trụ”! Và còn nhiều nữa, nhiều cái khác nữa…

– Hay thay! Thiệt là bây giờ con mới biết! Mà nghiêm túc như dzậy mới tốt, không thể lơ là giới luật được! Có nhiều điều, quả thật con chưa biết, thưa đại đức!
Vị đại đức cười cười, thả giọng bí hiểm:
– Còn nhiều, còn nhiều cái mà ngài trí thức đây chưa hiểu, chưa biết nữa đó!

Vị đại đức xuống chùa rồi, ông tự gẫm: “Đây có thể là một trong nhiều lý do mà bao năm qua đi tìm chánh pháp mà ta cứ phanh ngoài nhánh, ngoài ngọn; cứ mãi gặp người ngoài biên, ngoài rìa! Các vị chân tu thật sự, họ ở đâu cũng chẳng ai biết ai hay! Dẫu ở nơi đô hội kinh kỳ, ở nơi non cao động vắng hoặc ở nơi phố chợ ồn ào… ta dễ gì mà biết đến họ? Vì họ thường im lặng như cái tịnh bình; họ không rao hàng, quảng cáo; họ không khoa trương, cổ vũ; họ không đao to búa lớn, nghĩa là không giương danh mình lên thì ta làm sao biết chỗ mà kiếm, mà tìm? Hóa ra, có một đạo Phật chân chính, có những bậc tu hành chân chính, đã lặn sâu, đã chìm sâu như khối lượng đáy của các tảng băng nổi! Ôi! Cái đất Phật, đất Miên này, dưới lòng nó, còn có cả một đại dương, chỉ trách ta duyên lành chưa đầy đủ mà thôi!”.

Đêm, do khá mỏi mệt, ông ngủ một giấc cho đẫy. Chừng hai giờ sáng, ông mới ngồi dậy hành thiền.
Trời vừa chớm bình minh, ông được chùa cho ăn sáng. Lát sau, vị đại đức dẫn đến cả một đoàn người. Đếm thử, có bốn vị sư, mười bốn cư sĩ, thêm vị đại đức và ông nữa là vừa chẵn hai mươi! Trên người họ mang xách đầy đủ vật thực, mùng, chiếu; và riêng ông, đặc biệt có một tấm “đăng” mỗi bề chừng hai thước. Ông cảm động quá:
– Như dzậy thì con làm sao trả ân cho nổi?
Vị đại đức cười xòa, cất giọng bã lã:
– Ân với nghĩa gì! Thầy trò cùng nhau lên núi hành thiền, cùng nhau tu tập mà! Ở đây, lâu lâu, chúng tôi cũng thường làm vậy, quen rồi! Đây, đúng như lời đức Phật dạy: “Hạnh phúc thay, tứ chúng đồng tu!” Có phải vậy không, thưa ngài cư sĩ trí thức?
Ông cười, trong tâm cảm thấy rất kính trọng vị đại đức vô danh này:
– Con thiệt không còn dám nói thêm một lời nào! Đừng nhạo báng con là bậc trí thức nữa! Đại đức là cả một ngọn núi đó!

Sau đấy, cả đoàn người đồng lên đường. Càng đi thì càng cheo leo hiểm trở hơn nhưng mà lại thâm u và tĩnh lặng hơn. Ông chợt nghĩ, người xưa nói, người có đức trí thì thích biển, người có đức nhân thì thích rừng. Ông chợt cười, câu đó chắc không đúng đâu, đức Phật của mình ở rừng không, mà vô lượng cái trí đức của Khổng Nho kia ngài cũng thành tựu, và còn hơn thế nữa! Còn tuệ vô ngã và giác ngộ giải thoát thì thế gian này, thì chỉ có một ngài! Mà thôi, không nghĩ bậy nữa.

Rừng nguyên sinh bắt đầu hiện ra sau chừng vài giờ đi bộ. Con đường mòn bắt đầu bỏ triền đất để men theo con suối đá. Nước trong vắt. Lát sau, một con thác bạc hiện ra sau lùm cây, tuôn chảy ầm ào.
Vị đại đức dừng chân, nói:
– Ai muốn tắm, cứ tắm. Tắm theo thời nguyên thủy cũng được. Chỗ này chỉ lác đác vài người đi tìm măng giang, nấm mèo, mật ong… mà thôi.
Ông nở nụ cười rạng rỡ, trông hồn nhiên vui sướng như trẻ thơ:
– Giải thoát cả người, sướng quá thưa đại đức!
– Rừng không bon chen, không tranh giành, không hơn thua với ai điều gì cả.
– Dạ! Đúng dzậy! Lên đây, chẳng cần tu tập chi, cứ việc thở không khí trong lành và học vài đức tính của rừng cũng đã khỏi uổng phí một kiếp làm người!
Họ lại lên đường, men theo khoảng cách rộng rãi giữa các gốc cây đại thụ. Xế trưa thì tới nơi. Xung quanh có khá nhiều hang đá, có suối và có khá nhiều kỳ hoa dị thảo. Nắng ở trên cao dọi xuống các tán lá không đủ xua tan khí rừng mát lạnh.

Độ ngọ tạm thời bởi một số vật thực mang theo, rồi sau đó, mỗi người tự tìm nơi vừa ý cho mình để tọa thiền.
Ông kiếm được một chiếc hang, có lùm cây thấp, có một tấm đá bằng có thể ngồi được. Ông vặt cây bên cạnh túm lại làm chổi, quét dọn xung quanh, có cảm giác như mình là một vị tỳ-khưu ở rừng như thuở đức Phật còn tại thế.

Trước khi vào thiền, ông niệm tưởng ân đức Tam Bảo, cầu xin chư thiên, thọ thần, sơn thần hoan hỷ hộ trì cho ông tu hành được tốt, không có trở ngại chi. Rồi ông khởi quyết tâm, trong thời gian vắng lặng ở ngôi rừng này, phải thấy cho bằng được giáo pháp nhiệm mầu! Ông an trú vào hơi thở và quán sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Một lát lại bị trở ngại, do ruồi, muỗi và có cả con vắt. Ông kiên gan chịu đựng, lát rồi cũng yên.

Xả thiền thì trời đã chạng vạng. Ông ra suối vốc nước uống, tìm nơi góc vắng đi vệ sinh rồi trở lại chỗ cũ. Thấy mọi người đang cùng nhau treo mùng, cái nọ nối cái kia, thành một dãy dài dưới hàng cây cổ thụ. Ngạc nhiên ông hỏi một vị sư đứng cạnh:
– Mỗi người một nơi xa không tốt hơn sao?
– Ai cũng sợ voi và cọp. Nhất là cọp, ở đây nổi tiếng là cọp rất nhiều!
Vị đại đức từ xa bước lại, giải thích:
– Kinh nghiệm cho thấy, mùng treo liền lạc như thế, đông người cùng tọa thiền yên tĩnh, cọp nó sẽ không đụng đến.
– Dzậy mùng đại đức treo ở đâu?
– Tôi chưa treo.
– Dzậy đại đức và con có dám treo mùng ở nơi xa nhau chăng?
Vị đại đức cười vui:
– Cũng dám lắm! Thôi thì cứ thử một lần cho biết.
Thế rồi, ông và đại đức trụ trì đi tìm chỗ treo, mỗi người cách xa nhau và tách biệt đám đông.

Hóa ra, đêm đó do sợ cọp mà ông ngồi không yên. Một lát lại mở mắt nhìn ra bên ngoài, trăng sáng mờ mờ mà cứ tưởng ông cọp ngồi ở đâu đó. Không ngồi được thì ông nằm xuống nghỉ, muốn ngủ một giấc cũng không ngủ được. Cái sợ đã xâm nhập tâm trí, đã trở thành một ám ảnh. Khuya, mắc tiểu, ông cũng không dám ra ngoài. Lúc đã không còn nhịn nổi, ông bạo gan vén mùng và chỉ đi tiểu cách đó vài bước. Ngồi thiền trở lại, ông quyết trú vào hơi thở để đánh tan cái sợ nhưng thất bại. Đêm, vì thế, đã trôi qua rất chậm chạp.
Sáng ngày, vị đại đức nói:
– Đêm qua, sợ cọp quá nên tôi hành không được.
– Con cũng dzậy! Không hành thiền được, không ngủ được nên mệt phờ cả người.
– Ông cư sĩ kiếm chỗ nào đó để nghỉ một chút đi. Tôi cũng phải làm vậy.
Buổi sáng trôi qua, nhờ có nhắm mắt được một lát nên ông thấy người khỏe lại. Buổi trưa, nhóm cư sĩ dâng vật thực cho ngài đại đức và bốn vị sư. Ông cũng có một phần, nhưng ông chỉ dùng một lửng cơm và nước tương (hồi này ông còn ăn chay). Buổi chiều, ở trong mùng, lót tấm đăng, đậy đằng xung quanh để tránh ruồi, muỗi và vắt nên ông ngồi thiền khá tốt. Thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, có cái gì khởi lên là ông biết liền. Vậy là thời gian trôi qua đi rất nhanh.

Mặt trời sắp lặn, khí núi mù mù, lành lạnh. Không gian yên lặng, thanh bình, chỉ có tiếng chim reo và gió thổi xạc xào lay động cành cây, khóm lá. Mỉm cười an lạc, ông xả thiền, tìm nước uống, rửa mặt mũi, tay chân rồi đi kinh hành thư giãn cơ bắp.
Ông tự hỏi, tự đáp:
“- Đêm nay mày có sợ cọp không ha?
– Chắc có sợ hen!
– Sợ nhiều hay sợ ít?
– Khi đó, gặp, biết liền!
– Vậy, còn việc cương quyết hành trì cho ‘thấy pháp’ thì mày phải làm sao ha?
– Sẽ cố gắng, cố gắng hết mình!
– Ừ, được, một chút giải đãi cũng không nên nghe mậy! Đời người ngắn lắm, mà sự rảnh rang như thế này cũng không có nhiều đâu nghen!
– Ừ, biết rồi mà! Nói mãi!”
Rồi đêm đó cái sợ lại đến, tuy nó ít hơn. Ông quyết chống lại nó, bằng cách trực tiếp quán tưởng sự chết. Chết thì thôi! Chết khi đang hành đạo cũng lên được cõi trời kia mà! Thế là ông không sợ nữa nên hành thiền được cho đến sáng. Đêm nay, ông thành tựu thêm một bước nữa, là thấy được cái vô thường của từng tâm niệm, thoáng lát là nó mất ngay. Rồi cái vừa sinh, ông cũng thấy, nhưng còn chậm.
Nội tâm mát mẻ, hỷ lạc, phơi phới nơi khuôn mặt làm cho vị đại đức cũng nhìn thấy:
– Ông cư sĩ hành thiền tốt quá, cả cái hỷ lạc mà nó cũng tỏa ra bên ngoài.
– Cảm ơn đại đức! Quả thật đêm rồi con thấy mình khá tốt!

Ngày hôm sau, đêm hôm sau nữa, khi tọa thiền, ông không còn sợ hãi; nhờ vậy ông cảm giác tiến bộ được một bậc nữa. Tuy không biết đã tới đâu, nhưng rõ ràng ông đạt được sự tĩnh lặng thâm sâu, đồng thời tâm trí ông trong vắt, như một khối pha lê. Cảm giác không còn thấy, tri giác không còn thấy nhưng ông biết cái hạnh phúc kỳ lạ khi thân tâm trở thành một khối thuần nhất, không chia biệt. Gần sáng, trở lại cận hành, soi chiếu, minh sát nội tâm, ông biết rõ các thiền chi là vậy, ngũ uẩn vô ngã là vậy, kiến, tư duy, Niệm, định, hỷ xả là vậy… Tất cả, ông đều tự biết, tự thấy theo với từng hơi thở khắng khít, miên mật… Xả thiền, ông hồi hướng phước báu cho chư thiên, thọ thần, sơn thần…
Ngày thứ tư, có vị Lý trưởng đi lên với bốn người lính có súng ống. Ông Lý trưởng nói lý do:
– Tôi ra phủ đường, ngài quan Phủ có nói là ông cư sĩ người Việt và đại đức trụ trì lên núi tọa thiền có xin phép đàng hoàng; vậy cố mà bảo vệ cho người ta. Tôi đi kiểm tra xóm dưới chùa mới biết, còn có bốn vị sư và mười bốn cư sĩ cùng lên tu thiền ở rừng này mà không hề xin phép.
Vị đại đức nói:
– Hóa ra, lên núi hành đạo mà cũng bị cấm nữa sao, thưa ông Lý trưởng?
– Dạ, con không dám! Con chỉ sợ trách nhiệm mà thôi! Xin đại đức thông cảm cho con!
Mấy cư sĩ người Miên thay nhau nói từng câu:
– Chúng tôi không về đâu, ông Lý trưởng!
– Lâu lâu tranh thủ tập thiền ít ngày thôi mà, thưa ông quan!
– Chúng tôi tu hành thuần túy, chẳng có hoạt động “chính chị, chính em, quân sự, quân siết” gì ở đây cả. Hãy nhìn đi, ông quan lớn!
Ông Lý trưởng ôn tồn:
– Chúng tôi không dám đâu. Lệnh ngài quan phủ chỉ cho có lệ; chúng tôi lên đây cũng cho có lệ. Bảo vệ an toàn cho nhân dân là chính!
Hóa ra họ cũng hiền, nói về không được thì thôi; ông Lý trưởng lại còn nói trước khi từ giã:
– Quý sư và bà con để ý cọp beo, rắn rít! Tôi sợ ở đông, cọp đánh hơi nó tìm đến phiền phức mà thôi! Phiền, khổ cho tôi nữa đó!
Mọi người cười xòa. Bây giờ vị đại đức mới cười:
– Nói cho biết vậy thôi! Chúng tôi sẽ tuân hành pháp luật! Lại nữa, bốn vị sư chùa của tôi và mười bốn vị cư sĩ này cũng đã hết lương thực, nên họ sẽ cùng về với ông Lý trưởng ngay bây giờ đây!
Khi họ về hết, chừng trưa thì có ba cư sĩ người Miên, tay mang khí giới từ dưới xóm chùa lên. Họ mang thực phẩm dâng ngài đại đức và rồi ông cũng có một phần.
Buổi chiều, lúc tắm dưới suối lên, thấy ba cư sĩ người Miên đi kinh hành lui tới. Ông hỏi:
– Hóa ra các vị chưa về sao?
Một người đáp:
– Chúng tôi định mời ngài đại đức và ông cư sĩ cùng về luôn thể!
– Tại sao?
– Chúng tôi sợ thú dữ. Nếu ở lại thì không có cái ăn, và sợ. Nếu về thì hôm sau chúng tôi cũng không dám lên, vì sợ. Nếu chúng tôi về mà không lên thì vô lẽ bỏ đói ông cư sĩ và đại đức của chúng tôi hay sao? Đằng nào cũng không ổn cả, nên thật khó xử!
Thấy họ khổ tâm vì mình, ông nói:
– Thì quý ông hãy mời ngài đại đức về đi, tui ở một mình được.
Vị đại đức trong mùng bước ra:
– Ông cư sĩ không về thì tôi cũng không về đâu.
Thấy họ có mang theo một bọc cốm dẹp nên ông nói:
– Đại đức hãy về đi, còn số cốm dẹp kia, con có thể dùng một tuần được mà! Một tuần nữa, con sẽ về!
Vị đại đức vẫn khăng khăng:
– Tôi cũng không thể để ông cư sĩ một mình!
Vậy là chịu, vị đại đức và ông không về thì ba cư sĩ người Miên cũng không nỡ bỏ về.
Thấy trời sắp chiều tối, vị đại đức chợt đưa ý kiến:
– Cách chùa tôi áng chừng một cây số có một khu rừng đẹp, yên tĩnh. Hay là ta về dưới đó. Hành thiền ở đấy cũng tốt mà tiếp tế lương thực cũng tiện. Ông cư sĩ thấy như vậy có được không?
Thấy ý kiến hay, tiện cả đôi bề. Ông tự vấn:“Khi lên núi, mình có nguyện là ‘phải thấy giáo pháp nhiệm mầu’ mới về; nay tuy bị trở ngại nửa chừng, nhưng dù sao mình cũng đã thấy pháp được chút ít rồi. Mình tuy về sớm hơn dự định nhưng lời nguyện kia cũng không phá bỏ”.
Nghĩ vậy, ông đồng ý ra về.
Trời chưa tối, họ tới nơi khu rừng dự định.
Vị đại đức nói:
– Ông cư sĩ cứ giăng mùng hành thiền tại đây. Tối, tôi và mười tám người kia sẽ trở lại, chúng tôi không thể bỏ cuộc giữa chừng được!
Và quả đúng như thế, chừng mười chín, hai mươi giờ tối, vị đại đức đã giữ đúng lời hứa, dẫn bốn vị sư và mười bốn cư sĩ kia trở lại. Ông thầm kính trọng cái quyết tâm của họ.

Đêm đó, họ giăng mùng kề cạnh nhau. Mù sương xuống nhiều nên rất lạnh, càng về khuya thì khí lạnh càng Tăng. Ông chỉ ngồi thiền được chút ít rồi run cầm cập. Có lẽ những người bạn bên kia cũng cùng chung cảnh ngộ như ông, chẳng ai hành thiền được cả. Trong mùng, ông lập cập, run run ngồi đánh bò cạp và thoáng nghe tiếng chân thú đi đạp cây khô kêu rôm rốp. Có lẽ là cọp thật rồi! Nhưng ông không sợ nữa, kệ nó. Có sợ thật à! Chỉ là cái sợ hay ai sợ? Có người sợ không? Không có! Còn lạnh? Cũng vậy. Ông nhìn ngắm cái lạnh, lạnh, lạnh; mày lạnh hay ai lạnh, hay chỉ là cái lạnh thôi? Lát sau, trở về với hơi thở trong lặng, liên tục như vậy, ông không còn biết sợ và biết lạnh là gì nữa cả.

Như thế là ông định thiền cho đến sáng, không dùng tuệ để quán sát như giấc canh ba đêm hôm qua.
Sáng ngày, vị đại đức hỏi chuyện:
– Đêm vừa rồi, ông cư sĩ có thấy cọp không?
– Có, có nghe nó đạp cây khô nghe rôm rốp; nhưng con đã quán sự sanh diệt, vô ngã của cái sợ nên không có người sợ nữa. Thế là con hành thiền được tốt cho đến sáng luôn.
– Tuyệt! Còn tôi thì tệ! Ai đời tôi thấy con cọp nó rình tôi từ ngoài mùng. Cái bóng nó to lừng lững! Tôi sợ quá! Gần sáng nó mới đi nên tôi chỉ vừa chợp mắt được một lát, có thiền gì được đâu!
Sau đó, họ đàm đạo một lát. Vị sư nói:
– Cho tôi thăm hỏi về pháp hành của ông cư sĩ một chút, được không ha?
– Dạ được, con sẵn lòng; và vì con cũng muốn học hỏi thêm.
– Không dám, tôi thấy ông cư sĩ đã đi vào định rất thâm sâu!
– Con không quyết chắc có thâm sâu được không, nhưng quả thật là con ngồi được, đôi khi cả đêm.
– Vậy thì lúc ấy, hơi thở ông thế nào; rồi các hiện tượng pīti, sukha, upācāra… (2) đó nó như thế nào?
– Hơi thở, con nói được; các cảm giác hoặc vắng lặng các cảm giác thì con cũng nói được nhưng con không biết nghĩa các chữ Phạn ấy.
Vị đại đức ngạc nhiên nhìn ông một hồi.
– Vậy thì ông cư sĩ hãy kể tất thảy cái gì ông kinh nghiệm được trong lúc định thiền cho tôi nghe thử coi.
– Dzâng!
Rồi ông kể. Kể tất cả, không bỏ sót một chi tiết nào, rất trung thực.
Vị đại đức gật gù, sau đó, phát biểu khá thận trọng:
– Tôi không phải thiền sư, nhưng tôi có hành thiền; và nhất là tôi đã đọc khá nhiều kinh sách về lãnh vực ấy. Tôi chỉ nói theo giáo điển, chứ không phải kinh nghiệm của tôi. Là về thiền định, ông đã bắt đầu bước qua đệ tam thiền rồi đó! Ngưng một lát, vị đại đức tiếp – Ông còn sukha, tức là an lạc, mà an lạc ấy càng ngày càng nhẹ, ấy là triệu chứng tốt. Đừng đắm vào đó thì ông còn đi sâu được nữa!
Ông hỏi:
– Bỏ cả lạc?
– Phải!
– Chỉ còn dòng tâm trôi chảy trong lặng?
– Giáo điển bảo là chỉ còn upekkhā và ekaggatā! (3) mà thôi!
Ông không hiểu. Vị đại đức lại giảng.
Ông mừng húm, nổi cả da gà:
– Thưa dzâng, cảm ơn đại đức!
– Vậy, tuệ quán thì sao? Ý tôi muốn hỏi đến cách tu tập vipassanā (4) đó!
– Tiếng Phạn ấy con cũng không biết!
– Là cái cách dùng tuệ mà quán sát danh sắc, quán sát thân, thọ, tâm, pháp, ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên dzậy mà!
– Cả cái gì danh sắc đó con cũng không biết, nhưng cảm giác và tư tưởng thì con có nhìn nó, nó sinh diệt rất nhanh…
Vị đại đức tấm tắc:
– Kỳ lạ! Kỳ lạ! Tu định nhưng không biết cả các thiền chi, thế mà lại đi sâu vào định được. Bây giờ, không biết vipassanā, không biết cả danh sắc là gì mà ông cư sĩ đã thực hành thì đúng là vipassanā! Là quán danh sắc đó!
Ông mừng rỡ quá, quỳ sụp xuống lạy vị đại đức:
– Cảm ơn đại đức! Lời xác nhận vừa rồi của đại đức, đại đức có biết là con hạnh phúc biết chừng nào chăng?
Vị đại đức cảm động, trìu mến nắm tay ông kéo đứng dậy:
– Tôi cũng vậy! Tôi cũng hạnh phúc lắm! Ông cư sĩ là người Việt, lại tự lần dò con đường mà đi, lại đúng với chánh pháp! Đời này hiếm lắm, ông biết không! Gặp được một thiện trí thức, một bậc chân tu, không là hạnh phúc trên cuộc đời này hay sao?
Ông cảm động đến rơi nước mắt.
Đến ngang đây thì có một vị sư từ dưới chùa lên, thông báo với ngài đại đức, là có một thiền sư nổi danh, ghé ngang vùng nầy, nghe nói có một trí thức người Việt hành thiền trên núi, ngài muốn thăm hỏi một vài.
Vậy là sau đó mọi người cùng về chùa.
Trông vị thiền sư có hình dong khô gầy nhưng rắn rỏi, quắc thước, đôi mắt sáng quắc như hai ngọn đèn. Ông đoán chắc là thiền sư thứ thiệt. Ông đến đảnh lễ năm vóc sát đất như cách thức của người Miên.
Cuộc phỏng vấn bắt đầu.
– Lộ trình thiền tâm của ông thế nào, nói thử nghe coi, ông cận sự nam?
Ông lắc đầu, không hiểu.
– Vậy, khi ông vào định lâu thì những cái như vitakka, vicāra(5), pīti, sukha, ekaggatā như thế nào, ông cận sự nam thân mến?
Ông vẫn lắc đầu, không hiểu.
– Thế thì những cái gì ông quán mà ông gọi là nāma (danh); những cái gì ông quán mà ông gọi là rūpa (sắc), nói thử nghe coi, này ông cận sự nam?
Ông cũng lắc đầu nữa. Vị thiền sư nói tiếng Miên, những câu hỏi lại chuyên môn quá, lại còn đệm Pāḷi nữa thì ông làm sao hiểu được!
Vị đại đức đỡ lời cho ông:

– Ông cư sĩ đây không có thầy, lại chưa hề học của ai về thiền định hay thiền quán cả. Các thuật ngữ chuyên môn ông ấy không biết. Pāḷi lại càng không. Thế mà kỳ lạ làm sao, ông ta đã đi đúng đường. Và tuệ, định gì ông ta cũng vào sâu được cả, thưa ngài trưởng lão!
Nói thế rồi, vị đại đức nói chuyện với ngài thiền sư. Họ dùng tiếng Miên thì ít mà Pāḷi lại nhiều hơn. Dường như vị đại đức đang cố gắng diễn tả lại những gì nghe được do ông đã kể lại. Vị thiền sư gật đầu liên tục. Họ nói chuyện khá lâu. Ông tự hổ thẹn cho bản thân khi nghe về giáo pháp mà mình không hiểu gì. Ông thầm nguyện rồi sẽ học, sẽ học, sẽ học.
Câu chuyện của họ đã chấm dứt. Vị thiền sư nói với ông, giọng điềm đạm, trân trọng:
– Ông thiện nam có duyên thâm hậu với Phật Pháp. Là một nhân cách lớn, một cái tâm lớn, một cái trí lớn! Sau này, nếu chịu khó đi sâu thêm vào giáo điển, Tam Tạng Pāḷi, cả Tam Tạng Miên thì ông cư sĩ có thể hoằng truyền giáo pháp về ViệtNam sẽ là rất tốt cho bao người ở đó!
Sung sướng quá, ông run cả người, nghẹn ngào không nói gì được cả.
Độ ngọ xong, vị thiền sư từ giã, ân cần nói với ông rằng:
– Không thể tu hành lang thang mãi như thế được. Lúc nào trở lại Nam Vang, tìm gặp tôi, tôi sẽ giới thiệu cho những bậc chân tu, uyên thâm cả ba Tạng, tha hồ mà học…
Nói thế xong, trao cho địa chỉ rồi ngài nở nụ cười hiền lành:
– Hồi sáng, tôi xin lỗi đã hỏi khó mấy câu làm ông cận sự nam lúng túng. Quả thật, ông tu được như vậy mà một vài chữ ngoài da về giáo pháp cũng không hiểu! Thiệt là lạ đời!
Vị đại đức chêm một câu:
– Ổng ta đã tu từ nhiều kiếp về trước rồi mà, thưa thiền sư!
– Có lẽ đúng là vậy!
Không có hạnh phúc nào to lớn, tối thượng hơn là hạnh phúc gặp được chánh pháp; tu tập, hành trì đúng chánh pháp nên tối hôm đó ông phỉ lạc trọn đêm, người nhẹ nhàng không trọng lượng như trôi bồng bềnh, thơ thới giữa ngàn mây.
Mấy ngày nghỉ phép còn lại, ông hành thiền tại chùa, các người đệ tử của vị đại đức trụ trì đáng kính chu cấp cho ông đầy đủ nào đạm, nào tinh bột, nào đường, nào chất béo không thiếu thứ chi. Ông vô cùng cảm kích. Nghĩ cuộc đời cũng lạ, nhân duyên cũng lạ. Suốt bao nhiêu năm trường rẽ rừng vạch lối tu học, ăn lạt, ăn rau củ, ăn giấm, khổ hạnh chi cũng cố thử, cho đến bây giờ mới biết rõ là vô ích, tầm phào. Con đường chân chính đức Phật đã vạch ra, đã vén mở từ ngàn xưa là có giới mới có định, có định mới có tuệ. Mà mình thì cứ cả tin. Ăn có được cái chi chi! Có giới có định thì mới có cái chi chi chớ? Ông mỉm cười trong đêm.

Sau đó, tự nghĩ, bắt đầu từ nay phải học chữ Miên, chữ Pāḷi để nghiên cứu chuyên sâu vào Tam Tạng giáo điển như lời ngài thiền sư khuyến bảo.
Thế rồi, trở lại ăn uống bình thường, không khổ hạnh, không kiêng khem, ông chỉ giữ tròn ngũ giới và thọ bát quan trai giới tháng tám kỳ.

TRƯỜNG PĀḶI NÀO KHÁC VƯỜN ĐÀO (1)

Trở lại Nam Vang, ông như thoát xác thành con người mới, lúc nào cũng rạng rỡ, vui tươi như trong tâm luôn có một nụ cười. Lúc tại công sở, lúc đi đường hay lúc về nhà, ai cũng có cảm giác khác lạ là có “một làn thanh khí hoặc một năng lượng trong lành” từ nơi con người ông tỏa ra. Ông bước tới đâu thì như đem đến sự an lành và mát mẻ tới đấy.
Nơi cốc liêu thanh vắng hằng đêm tại ngôi chùa cũ, ông thường để dành thì giờ để học chút ít chữ Miên và chữ Pāḷi nơi vị Sư Cả. Kinh điển, chữ nghĩa của vị Sư Cả chỉ đủ cho ông nắm bắt cái sơ cơ bước đầu, nhưng ông vẫn học, không dám khinh thường.
Hôm kia, Sư Cả chợt nói:
– Sao bác sĩ không ghi danh vào học trường Trung, Cao đẳng Pāḷi?
Ông nhíu mày:
– Con lớn tuổi rồi, còn học trường lớp sao được?
– Được chớ! Ở đó có cả lớp học không thường xuyên, lại còn có lớp học hàm thụ! Rất nhiều trí thức người Việt cũng theo học ở đó!
– Thế ha! Thế mà con không biết!
Vậy là khi đến trường Cao đẳng Pāḷi, ông được gặp sư Hiệu trưởng mà ông đã từng được tiếp xúc một lần. Và ngạc nhiên làm sao, phần đông trí thức người Việt hôm gặp ở chùa Sùng Phước cũng đang học Pāḷi ở đây. Như cá gặp nước, bắt đầu từ nay, ông ghi danh theo học với niềm hạnh phúc vô bờ.

Cũng chính tại ngôi trường này mà nhiều cuộc thảo luận về giáo pháp với bạn bè, ông đã làm cho một số trí thức như Phạm Văn Tông, Văn Công Hương, Đoàn Văn Hộ, Ba Lý, Sáu Hoa, Ba Diên, Ngô Bảo Hộ, Hồ Văn Viên… có được cái tri kiến đúng đắn về Phật giáo Theravāda.
Ông Ngô Bảo Hộ nói:
– Anh Giảng có nghiên cứu sâu rộng, và quan trọng nhất là anh ấy có thực hành, có tu tập thật sự, điều ấy mới thuyết phục. Các bạn đừng tranh cãi nữa. Tôi theo anh Giảng.
Ông Phạm Văn Tông thủng thỉnh nói:
– Tôi học tiếng Pháp, biết về nước Pháp và văn chương Pháp; học tiếng Anh, mầy mò lịch sử, địa lý, phong tục tập quán và và văn chương Anh. Cái nào cũng không tới nơi tới chốn. Đời người bấp bênh, chiến tranh loạn lạc. Nước mạnh hiếp nước yếu. Nước mạnh có vũ khí, đạn dược và tham vọng. Nước yếu đói nghèo vì bị bóc lột nên cầm gươm giáo đấu tranh. Đâu cũng bất công, bạo tàn và chết chóc. Nếu không biết tu Phật, tâm luôn luôn bất an thì làm sao sống, làm sao tồn tại? Anh Giảng đã cặn kẽ giảng giải đường lối tu tập rất logic, rõ ràng. Về phương diện nầy, tôi đồng ý với anh Hộ.

Ba Lý nói:
– Anh Giảng học phổ thông chưa tới nơi tới chốn đã phải đi làm việc để nuôi gia đình. Ở đây chúng ta nhiều người có cái “bac un”,“bac deux” (2) ; ngó bộ thì oai lắm, trí thức lắm, nhưng nếu tu Phật thì mù tịt. Tôi đồng ý suy tôn anh Giảng làm “đại ca”!
Văn Công Hương quắc mắt, nạt bạn:
– Nói “ ba xí ba tú” (3), tầm bậy tầm bạ! Tu hành mà nói đại ca như phường đao búa. Nói là huynh trưởng! Tôi xin theo huynh trưởng!
Mọi người cười vui.
Rồi cả bốn ông Phán chứng kiến năng lực định thiền của ông tại chùa Mahāmontrey, đã kể lại cho bạn bè nghe, họ lại càng khẩu phục, tâm phục. Và cũng từ đây, học theo giáo pháp Theravāda, do ông Giảng nhẫn nại hướng dẫn từ từ, con thuyền của họ đã có bánh lái, không còn lông bông, lang bang nữa.

Hôm kia, Ba Lý tâm sự với ông Giảng:
– Không biết tôi có về ViệtNamđược không, nhưng Văn Công Hương thì đang chuẩn bị. Tôi có người bạn tên là Hiểu, trước ở đây, năm 1925 đã trở về ViệtNamtrước rồi. Ước gì ở Sài Gòn, sau này, chúng ta cũng thành lập được một nhóm học Phật Theravāda như thế này!
– Được chớ! Ông Giảng nói – Nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực!

Văn Công Hương góp ý:
– Trước mắt, chúng ta nên để ý đến cộng đồng người Việt ở đây, họ đang còn mê tín dị đoan nhiều quá. Chúng ta phải giúp họ. Rồi thời gian sau, khi nào chúng ta vững vàng rồi mới tính chuyện nơi khác.
Ông Giảng nói:
– Ý của các bạn đều đúng cả. Tui xin ghi khắc điều ấy vào lòng. Nhưng theo tui, có hai điều quan trọng nhất: Một là phải thực tu, thực học, thứ hai là phải có người trong chúng ta phát tâm xuất gia mới mong nói đến việc lập nhóm Phật học Theravāda để truyền bá ở Sài Gòn được.
Mọi người gật đầu khen phải.
Ông Phạm Văn Tông(4) đăm chiêu một chút rồi phát biểu:
– Có lẽ vậy! Xuất gia ta không còn lo việc gia đình, không còn bận bịu sinh kế, nghề nghiệp; nuôi mạng thì đã có tam y nhất bát. Nhờ vậy, thân tâm rảnh rang, để hết tâm trí cho sự tu tập. Nếu được, tôi sẽ xuất gia, nhưng chưa dám nói là sẽ giúp được cho ai!
Ông Hồ Văn Viên(5) phụ họa:
– Tôi cũng nuôi dưỡng tâm nguyện ấy từ lâu nhưng chưa dám nói! Tôi chỉ sợ “nói trước bước không rời”!

Ông Ngô Bảo Hộ(6) cười ruồi:
– Các bạn nói rồi cả đó! Tôi chưa nói…
– Nghĩa là sao?
– Nghĩa là cứ để cho “thỏ chạy trước, rùa bò sau”!
– Là sao ha? Cái ông này luôn luôn có cái cách nói bí hiểm bắt người ta phải suy nghĩ. Thỏ chạy trước thì “ ăn đứt đuôi rắn” rồi!
Phạm Văn Tông lại thủng thỉnh:
– Chưa chắc! Ý anh Hộ nói là chưa biết ai xuất gia trước, ai xuất gia sau đó nghen! Xuất gia trước, đi trước, chưa chắc đã trước, xuất gia sau, đi sau, chưa chắc đã sau!
– Ăn nói rắc rối!
Ông Giảng rất hoan hỷ:
– Tuyệt vời thay là các ông bạn vàng của tui! Người xưa có nói đến tri âm, tri kỷ, không biết chúng ta như thế này đã thành tri âm tri kỷ chưa?
– Tôi là người Tàu, nhưng chúng ta thanh cao và siêu thoát hơn bọn Tàu nhiều! Văn Công Hương tủm tỉm nói – Chúng nó còn cần cái ngón đàn hay và cái lỗ tai nghe như Bá Nha và Tử Kỳ đó; còn cần rượu, mắt trắng, mắt xanh như Lưu Linh và Nguyễn Tịch đó. Còn chúng ta không cần gì cả, chỉ có một cái tâm với “đạo lớn” thôi!

Ba Lý nói:
– Cái “đạo lớn”! Chà! Sướng cái lỗ tai quá hen!
– Chí lý lắm! Ngô Bảo Hộ nói – Tôi cũng là người Tàu, và tôi cũng có nhận xét như ông bạn Hương. Đàn và rượu đều là của bọn phàm phu tục tử, kiêu căng, ngông nghênh và coi trời bằng vung cả! Biết vậy nên cái ngón độc huyền cầm tâm đắc một đời, cái thân võ công“giang hồ oanh liệt” một thời, tôi cũng đã từ bỏ không thương tiếc, không nhớ nhung, không quyến luyến một tí tẹo nào!

Mọi người vỗ tay tán dương, thật tình khâm phục ông bạn Hộ của mình.
Mải vui câu chuyện, lát sau, ông Giảng thăm hỏi các bạn về việc thành lập hội đã đi đến đâu rồi. Ai cũng lắc đầu bảo là chưa đến đâu cả.
Ba Lý nói:
– Xem chừng không có anh Giảng là không xong rồi! Bạn phải thật sự có mặt trong hội mới may ra chuyển hóa được mấy cái ông cư sĩ trí thức ngã mạn và cứng đầu ấy!
– Tui không dám đâu!
– Vậy, bạn đồng ý vào hội với chúng tôi chớ?
Ông Giảng cười:
– Cùng học Pāḷi như thế này, cùng một tri kiến về Phật giáo Theravāda như thế này thì đã không cùng một hội rồi sao? Ai cũng vui.

Chợt ông Giảng hỏi:
– Hồi nãy, bạn Ba Lý có nhắc đến ông Hiểu, có phải là Nguyễn Văn Hiểu, kỹ sư công chánh, người quê ở Cần Thơ không?
Văn Công Hương nói thêm:
– Cái ông trung niên trăng trắng, nho nhã, ăn nói điềm đạm, lịch thiệp, mang kính trắng có vẻ trí thức, xử sự có vẻ như phong độ của một quân tử Nho phải không?
– Đúng vậy! Ba Lý gật đầu – Hoàn toàn chính xác là Hiểu ấy!
Văn Công Hương “ồ” một tiếng:
– Hóa ra là bạn bè cả!
Ba Lý nói:
– Ai cũng có tâm tu hành và đều muốn truyền bá Phật giáo Theravāda cả. Như ông Hiểu ấy, đận trước, về Sài Gòn, thấy ông ta có một cái tịnh thất ở vườn xoài, đận sau lại cất thêm mấy cái tịnh thất ở gần Tân Sơn Nhất để cùng bạn hữu tu thiền với nhau. Tu thôi! Tu thôi! Là câu nói cửa miệng của bạn ấy!

Cuộc họp mặt lịch sử này, khi từ giã, mọi người cũng cười vui và hay lặp lại câu nói của ông Hiểu:
“- Tu thôi! Tu thôi!”
 
Christiannguyen Date: Thứ Năm, 11 Apr 2019, 9:01 AM | Message # 6
Lieutenant
Group: Users
Messages: 48
Status: Tạm vắng
LÀM THƠ, HỌC, HỌC VÀ HỌC…

Đêm ấy, tại thất liêu ở chùa Mahāmontrey, ông Giảng ăm ắp niềm vui vì tình bạn đạo vừa mới trao đổi; họ là những người cùng một tâm, một chí hướng nên ông không hành thiền, không học được mà nội tâm lại máy động chuyện văn chương. Muốn ghi lại kỷ niệm đặc biệt những ngày thấy đạo mà ông cứ loay hoay mãi không biết viết cái chi. Chợt ký ức một thời học chữ Hán, đọc Đường thi và văn chương Việt lại hiện ra.
“- Hay là ta làm thơ? Ông nghĩ! Đức Phật cũng hay nói kệ khi ngài cảm hứng, gọi là cảm hứng ngữ. Kệ là thể thơ đó mà! Các ngài trưởng lão, Tăng và Ni dường như vị nào trong giây phút chứng ngộ đều có thốt lên kệ thơ cả. Ta không dám nói là chứng đạo nhưng con đường ta đi thì rõ ràng đã thông suốt, sáng tỏ rồi! Vậy thì cứ viết ra cái đó thành thơ, nói lên điều đó, cảm nghĩ trung thực ngay chính trong lòng mình, lúc này đây!”.
Ông lại nghĩ tiếp:
“- Phải làm thơ luật Đường thất ngôn bát cú, nó ít chữ mà lại cô đọng. Cái đó thì dễ rồi, mình làm được ngay; nhưng mà phải công phu hơn một tí nữa kìa vì đây sẽ là bài thơ, chẳng dám dạy ai, để đời cho ai, nhưng mà nó để đời cho ta, một cái cột mốc quan trọng trên lộ trình tu tập của chính mình”.
Thế rồi, sau mấy đêm, hai bài thơ công phu được hình thành. Nó như sau:

“Đường thế mịt mù, trăm năm đầy tội!
Cửa thiền thanh tịnh, muôn kiếp nên duyên!”

Đường đời lắm nỗi, cuộc bi ai
Thế sự khác gì chốn góc gai
Mịt mịt hơi sầu vòng các tía
Mù mù gió thổi chốn cân đai
Trăm lo, ngàn liệu gây oan trái
Năm mỏi, tháng mòn vướng nghiệp tai
Đầy đủ phước hồng rồi cũng bỏ
Tội trường oan báo khổ liền tay!

Cửa Phật tháng ngày chẳng thảm ai
Thiền môn nào phải chốn chông gai
Thanh sơn đâu quản, khanh cùng tướng
Tịnh thất nào hay, mão với đai
Muôn thuở an vui, hành bát chánh
Kiếp trần thong thả, lánh tam tai (1)
Nên chăng hỡi khách công hầu gẫm
Duyên kết Niết Bàn được rảnh tay!


Hai bài thơ này, mỗi bài là một bài thất ngôn bát cú có niêm vần đối luật nghiêm túc. Nhưng nối mười sáu chữ ở đầu câu thì thành một cặp đối cũng tương đối hoàn chỉnh; nên lấy cặp đối ấy làm đề tựa cho hai bài thơ, dẫu nó có hơi dài: “Đường thế mịt mù trăm năm đầy tội. Cửa thiền thanh tịnh, muôn kiếp nên duyên!” Như vậy, tuy ông luôn luôn khiêm tốn nói rằng chẳng biết chi văn chương chữ nghĩa; nhưng chỉ nội hai bài thơ với dụng tâm, dụng kỹ thuật công phu như thế thì kẻ sành sõi làm thơ luật Đường cũng phải ngả mũ chào thua!
Bài thơ này, ban đầu, do thích thú quá nên ông hay ngâm ư ử trong cổ họng để tự mình nghe, tự mình thưởng thức thôi, nhưng sau do bạn bè tò mò xin nghe, vài người tò mò xin chép nên không mấy chốc lan truyền đi trong nhóm trí thức cộng đồng người Việt. Ai cũng thích!

Bạn bè bàn tán:
– Chà, anh Giảng mình cũng là nhà thơ nữa đó!
– Không biết trong bụng ông ta còn cái gì ở trỏng!
– Trong cái “hồ lô” của ổng chắc còn giấu nhiều thứ lắm đó nghen!
– Thơ hay quá đi chớ! Tống, Đường đó!
– Học thuộc, ngâm nga ư ử để tự răn mình nghen!
Hôm kia, ông đến Pháp bảo viện của hoàng cung trả lại cuốn Tứ diệu đế mượn đã lâu, đồng thời, nhờ ông quản thủ hướng dẫn chỉ cho một số sách chữ Miên và chữ Pāḷi dễ đọc nhất.
Người quản thủ nói:
– Chẳng có sách nào là dễ đọc cả!
– Vì tui vừa mới học được chút ít.
– Thế thì tôi chỉ cho ông một số sách để tự học, tự nghiên cứu thêm thì được.
Thế rồi, ông mang số sách ấy về hỏi Sư Cả, ngài gật đầu vui vẻ nói:
– Được! Có chí như vậy mới nên!
Ông kể lại chuyện hành thiền trên núi, gặp vị thiền sư, sau khi “kiểm tra” pháp hành của ông như thế nào, có lời khuyên như thế nào, rồi tâm sự:

– Sự học bây giờ không còn phụ thuộc hoặc tích lũy cho cá nhân của con nữa, mà đã trở thành “ước nguyện” chung, sau này giúp ích cho phần đông. Và con cũng canh cánh bên lòng, mong sao cho đất nước con, người Việt thân yêu của con, có được giáo pháp chân chánh mà tu học thì quý biết bao nhiêu. Con cũng chưa nghiên cứu, chưa đi đây đi đó, chưa hiểu biết gì nhiều, nhưng chắc ở ViệtNam chưa có giáo pháp như thế nầy!

– Chà! Là nguyện lớn đó! Là tâm Bồ Tát đó!
– Dzà, con hổng dám đâu!
Thế rồi, bắt đầu từ hôm ấy, ngoài công việc ở sở, thì giờ hành thiền của ông phải cắt xén bớt cho việc học. Ông cũng định đi thăm vị thiền sư có cho địa chỉ sẵn, nhưng ông nghĩ chưa cần, vì ít ra, muốn đi vào giáo điển thì phải học cho kha khá chữ Miên và chữ Pāḷi đã. Mình mới học Pāḷi chưa được năm. Ăn một món ăn mà không biết cách cầm muỗng, cầm đũa thì làm sao ăn, dù người ta đã soạn sẵn!
Với sự chí thú miệt mài hơn một năm nữa thì ông thấy mình đã có chút vốn liến. Ông bắt đầu bỏ thì giờ đến thư viện nhiều hơn. Và rồi ông đã tìm được những quyển kinh và những quyển sách cần thiết bằng tiếng Miên nhưng có trích dẫn các câu chữ Pāḷi. Đó là các cuốn “Bổn phận của người cư sĩ tại gia”, “Đời sống và giới luật của người cư sĩ”, “Con đường nhân đạo và thiên đạo”, “Đức tin của người cư sĩ”, “Giới luật Sa-di”, “Giới luật tỳ-khưu”, “Giới, định, tuệ giản lược”, “Nhân quả nghiệp báo giản lược”, “Abhidhamma giản lược”, “Kinh tụng Tam Bảo tóm tắt”, “40 đề mục thiền định”. “Vipassanā, ngọn đèn trí tuệ”… Ông mừng quá khi thấy mình đã bắt đầu đọc được. Và chính nó sẽ bổ túc kiến thức giáo pháp đang còn quá non yếu ở nơi ông. Chỗ nào không hiểu thì chỉ cần hỏi vị Sư Cả là ông cũng có thể thu hái được một số điều lợi ích. Đôi khi ngồi nói chuyện với ông quản thủ thư viện mới biết rằng kiến thức về Phật học của ông này cũng rất uyên bác; và chỗ nào, chữ nghĩa còn mù mờ, ông cũng sẵn lòng giải thích cho.

Vị quản thủ còn nói:
– Có một số sách về sử học, về các ngả đường truyền giáo, sự hình thành và phát triển của các hệ phái Phật giáo do người Pháp, người Đức biên khảo rất công phu, có trí thức đạo đức, khách quan và trung thực… ông cũng nên tìm đọc, sẽ lợi ích cho việc so sánh, tỷ giảo chỗ đồng, chỗ dị của những tư tưởng chính thống và những tư tưởng phát triển…

Nhờ các duyên lành này mà ông tiến bộ rất nhanh, cả nội điển và ngoại điển, tuy ông biết là biển học quả là bao la, mênh mông! Tuy nhiên, ông đã mỉm cười, nghĩ thầm:

“- Chà! Kỳ trước, vị thiền sư hỏi mình những điều quá dễ, mình cũng không trả lời được; hèn gì ngài đã dí dỏm bảo là chữ nghĩa ngoài da mà cũng không biết! Kiến thức của mình về giáo điển, về những thuật ngữ, so với độ đó, dẫu chưa bao nhiêu nhưng cũng đã cách một trời, một vực! Còn ngoại điển, những kiến thức bề rộng mình đang tích lũy dần dần ấy, thật là lợi ích cho việc truyền bá giáo pháp nguyên thủy khi đối thoại với nhiều hệ phái, nhiều căn cơ, nhiều trình độ khác nhau, sau này”.

TÙY DUYÊN HƯỚNG DẪN ĐỒNG ĐẠO

Vào khoảng tháng 5 năm 1933, ông được thăng ngạch hạng Hai, lại do nhu cầu công việc của sở, ông đổi đi nhận nhiệm vụ tại tỉnh Prey-Veng(1); ở đây có khá đông cư dân người Việt.
Ông tự nghĩ:
“- Biết đâu đây là nhân duyên tốt cho mình hướng dẫn họ tu tập; và biết đâu, đây là dấu hiệu đầu tiên để sau này giáo pháp chơn truyền được truyền bá về Việt Nam?”
Đinh ninh về ý nghĩ chơn chánh ấy, đêm đó, sau thời hành thiền, ông chấp tay lên đỉnh đầu, phát lời đại nguyện:
“- Xin đức Sakyā Gotama chứng minh! Xin chư thiên hộ trì! Nếu đất nước Việt Nam của chúng con có được phúc lành tu theo chánh pháp, thì các ngài hãy tạo duyên tốt, thuận lợi cho một số chư Tăng trí thức Việt Nam lần lượt xuất hiện ở nơi này và ở nơi kia để cùng nhau tu học! Và sau khi có được pháp học, pháp hành đầy đủ, chúng con sẽ là những sứ giả đầu tiên mang giáo pháp về Việt Nam. Nếu ước nguyện ấy mà thành tựu thì ai bảo con nhảy vào đống lửa, con cũng sẵn lòng!”.

Nguyện xong, ông cảm giác tinh thần phơi phới, mắt trái nháy nháy liên tục, ông vui sướng biết là giữa cõi hư không linh thiêng, lời thỉnh cầu của ông đã được chấp thuận! Điều này tự ông biết chứ không thể giải thích được!

Cách tỉnh thành Prey-Veng chừng một cây số, một số trí thức người Việt có lập một cái “trại” bằng tranh tre cây lá khá rộng rãi làm nơi tụ họp mọi người để tu tập. Nó như là một đạo tràng của cư sĩ. Nó tọa lạc trước một ngôi chùa cổ đã đổ nát có tha ma mộ địa khá hiu quạnh, rất thuận lợi cho việc hành thiền. Ông tìm đến đấy để làm quen rồi sau đó khôn khéo, tế nhị tìm cách hướng dẫn mọi người tu tập. Chưa bao lâu, do nghe tiếng ông mà người ta tìm đến khá đông, chừng ba bốn chục người, gồm cả người Miên và người Việt.
Ban đầu, ông phải hướng dẫn mọi người cùng tìm đến một ngôi chùa để quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới trước một vị tỳ-khưu. Nhân một ngày giới, ông thỉnh một vị sư đến đạo tràng cho họ thọ trì bát quan trai giới, rồi sau đó, hành thiền và kinh hành. Thời gian sau nữa, do giảng pháp, ông hướng dẫn các cư sĩ thọ bát quan trai giới tháng bốn ngày, rồi sáu ngày, rồi tám ngày! Lúc này, trình độ Phật học và khả năng ngôn ngữ của ông đã có thể “vô ngại” giảng nói trước hội chúng cư sĩ nầy. Lợi ích của sự tu tập, con đường hạnh phúc của hiện tại và tương lai như thế nào ông đã giảng giải rất chi ly, cặn kẽ, thông suốt.

Do“hữu xạ tự nhiên hương”, người ta lại tìm đến nữa, có cả những cư sĩ trí thức người Miên, người Việt. Một số trí thức người Miên họ hỏi pháp rất mắc mỏ, nhiều câu rất khó đáp. Nhưng lạ lùng làm sao, ông chỉ cần nhắm mắt một lát, ngó vào tâm là ông trả lời được ngay, các vị này rất hoan hỷ. Có một số trí thức người Việt thì họ đọc kinh Bắc tông, tu theo Tịnh độ tông, Thiền tông hoặc Mật tông họ hỏi pháp lại càng khó hơn nữa. Có vị còn đọc cả đoạn kinh chữ Hán trong Kim Cang, Thủ Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Viên Giác… rồi bắt ông giải thích như kiểu đánh đố, làm khó nhau chơi! Nhưng lạy Phật, nhờ có học chữ Hán một thời, kinh sách Bắc tông ông cũng đã có đọc được một số – nên không nổi bị “bí”. Có chỗ, quả tình ông chưa hiểu tới, nhưng ông có đủ sáng trí, khôn ngoan và thông minh mà nói với họ như thế này:

– Thôi, quý vị hãy tạm thời bỏ đoạn kinh đó qua một bên; quý vị hãy chịu khó nghe tui trình bày, cũng cùng một ý nghĩa giáo pháp tương tự, theo giáo điển của Theravāda xem thử như thế nào?
Và thế là họ nghe, họ thấm. Họ lại còn phát biểu, đại lược là những lời ý như sau:

– Bên này giản dị, dễ hiểu và sát với thực tế hơn, thực tế với tham sân si phiền não như vậy thì tu tập như vậy, như vậy… Và ai cũng có thể tu được, cũng hành được. Rất cảm ơn A-cha Giảng! (2)
– Thiền tông cũng thế, nói rõ ra là thiền Huệ Năng, Lâm Tế hay Tào Động… đều có các ngữ lục mà trong đó, nhiều thiền thoại, công án khó hiểu quá, như đi trong khói, trong sương! Nhưng thiền samādhi hay vipassanā, cái lộ trình của nó, cái đường đi nước bước của nó ta có thể tìm cách mà lần dò, dọ dẫm theo được! Xin A-cha Giảng hãy hoan hỷ hướng dẫn cho chúng tôi!

“-Vậy đó! Ông Giảng nghĩ – Hóa ra giảng nói giáo pháp cũng là một hạnh phúc hiếm có! Hướng dẫn người ta tin theo để cùng tu tập cũng là một hạnh phúc không dễ gì! Thật là không thể nói hết hồng ân của Tam Bảo! Mình có được nhân lành nào từ kiếp trước mà bây giờ lại có được những hạnh phúc cực kỳ như vậy chớ!”.
Cái trại bằng tranh tre nứa lá, gần một năm sau đã được sửa sang, xây dựng lại trông cũng tạm được, lấy tên chùa là Ruong-Damrey, là trung tâm dạy thiền khá nổi tiếng tại tỉnh Prey-Veng biên địa xa xôi này.

Hôm kia, ông lại suy nghĩ:
“- Đức Phật dạy rằng, con đường tu tập của chư Tăng là hành theo Giới, Định và Tuệ; con đường tu tập của cư sĩ tại gia là Bố thí, Trì giới và Tham thiền! Mấy lúc này, ta chỉ mới hướng dẫn họ Trì giới và Tham thiền nhưng Bố thí thì chưa! Âu cũng là một thiếu sót lớn!”
Thế là trong một buổi giảng có chừng trăm người nghe, ông nói ra ý tưởng ấy. Hóa ra ai cũng hoan hỷ.
Mọi người xôn xao thảo luận:
– Bố thí cái gì là cao quý nhất?
– Bố thí đến ai là cao thượng nhất?
– Cái tâm của người bố thí như thế nào mới có phước báu thù thắng nhất?
Thế là ông phải giải thích. Ông giảng rất nhiều. Thế nào là bố thí bậc hạ, bậc trung và bậc thượng. Thế nào là pháp thí, thế nào là tài thí… Rồi cuối cùng ông kết luận mà như là những lời tâm sự:
– Tỉnh thành của chúng ta đây thuộc diện nghèo khó nhất. Đời sống của chư Tăng theo đó, cũng khó khăn. Hôm tôi đến gặp vị sư trưởng phụ trách giáo dục Tăng chúng tỉnh nhà để hỏi một số bài dịch phức tạp do văn phạm Pāḷi mắc mỏ. Trong câu chuyện, vị ấy ao ước có một ngôi trường để dạy Pāḷi cho Tăng chúng. Nếu các sa-di lớn lên mà không có trường Sơ cấp, Trung cấp Pāḷi thì làm sao về Nam Vang để theo đuổi các lớp Cao đẳng? Đấy, vậy tôi đề nghị mình hùn góp nhau lại để xây dựng ngôi trường này.

Một cư sĩ có vẻ giàu có, phát biểu:
– Tôi tán thành, tôi ủng hộ! Làm trường học chính là bố thí pháp, cho chư sa-di có chỗ, có cơ hội học Pāḷi là cao thượng đệ nhất rồi. Vậy, xin A-cha Giảng phác họa tổng quát qui mô và dự trù ngân khoản để chúng tôi liệu tính mà cùng đóng góp.
Cuộc vận động ấy thành công ngoài ước muốn. Không những xây được một trường mà xây được cả hai trường! Cả Sơ cấp và cả Trung cấp.

Tại tỉnh thành Prey-Veng này ông còn làm đại thí chủ Dâng Y Kaṭhina đến bảy ngôi chùa; mỗi chùa có từ ba mươi, năm mươi, chùa đông nhất là một trăm năm mươi vị mà ai cũng đầy đủ y và tứ vật dụng cả!

Một việc quan trọng, có ý nghĩa dự báo và tiên tri nữa, đi theo với đại nguyện của mình, là trong thời gian ở đây, ông đã soạn dịch gần xong quyển “Luật xuất gia” cố ý dành sẵn cho chư Tăng Việt Nam sau này, tuy còn quá sơ lược. Tiếp theo là cuốn “Nhựt hành của người cư sĩ” cũng chưa đầy đủ, để dành sẵn cho thiện nam tín nữ ở quê nhà!
Như vậy, mới chỉ là cư sĩ, một mình ông với cái tâm lớn, với cái trí lớn – như vị thiền sư nhận xét – đã làm biết bao nhiêu là việc lợi lạc cho Phật Pháp, cho chúng sanh! Thật là bất khả tư nghì vậy.

THỬ MANG ĐẠO TRÀNG VỀ NHÀ

Hôm kia, cầm được cái giấy nghỉ phép nửa tháng, trở lại Nam Vang, ông theo chương trình cũ, nhưng thì giờ dành cho mình thì ít mà dành cho mọi người thì nhiều hơn.
Bà thì vẫn với tính cáu gắt cũ, cứ “băng hăng bó hó” rất khó chịu, nhưng ông nhẫn xả quen rồi, chỉ coi như gió thoảng đầu hiên.
Hôm kia, ông khởi lên ý nghĩ:
“ – Đức Phật sau hai năm thành đạo, trở về quê nhà hóa độ cha mẹ, anh em, dòng tộc! Còn mình thì sao? Thật không dám so với đức Phật nhưng ít ra là ‘bà xã’ cũng phải được ảnh hưởng chút nào chớ? Hay là cứ rủ cư sĩ đến nhà mình thọ trì bát quan trai giới, tọa thiền, kinh hành suốt ngày cho bà thấy, rồi từ từ bà sẽ thấm chăng?”
Nghĩ là làm liền. Ông bèn tìm gặp vị Sư Cả chùa Mahāmontrey, nhân một ngày bát quan, trình bày ý tưởng ấy, Sư Cả đồng thuận ngay. Rồi Sư Cả còn hứa tìm chừng mười cư sĩ khá nhất, vững vàng nhất để tạo “năng lực” cho đạo tràng.

Thế là hôm ấy, tại tư gia, buổi sớm, vị Sư Cả đến cho giới rồi về. Mười người cư sĩ nam nữ cùng ông, cứ hành thiền một tiếng là kinh hành mười lăm, hai mươi phút. Trưa, ai cũng có mang cơm nước sẵn, mời ông cùng ăn trong chánh niệm, tỉnh giác. Buổi chiều cũng vậy, lặng lẽ đi theo chương trình. Yên ổn, thanh tịnh cỡ khoảng mười sáu giờ, bất thình lình bà xuất hiện với con dao bàn to ở trên tay. Bà hét lên:
– Nếu mấy người không giải tán thì tôi chém! Tôi sẽ chém ngay!
Mọi người sợ hãi dạt ra. Chỉ có mình ông là cứ ngồi yên. Ông thủng thỉnh nói:
– Ờ, bà ưng thì bà cứ chém! Tui ngồi đây, đang nhắm mắt đây, đang yên lặng đây! Bà cứ chém đi, tui không bỏ chạy đâu!
Nghe nói như thế, bà quăng dao, ôm mặt khóc, tất tả bỏ xuống lầu. Cô con gái lớn, cô Diệu, đi học về, khuyên lơn bà một hồi bà mới chịu nín. Mọi người sợ hãi, lần lượt bỏ về hết, không dám ở tu nữa.
Thế là kế hoạch đem “đạo tràng về nhà” của ông mới chưa được một ngày đã thất bại. Ông suy nghĩ:

“-Lẽ thường, người nữ, bản năng tình yêu rất mạnh, tuy nhiên, từ ‘yêu’ mà biến thành ‘hận’ chỉ cách một sợi tóc; và thế là dễ rơi vào nghiệt chướng, oan trái. Vậy chỉ có cách là nhờ Diệu khuyên bảo ngày đêm. Con bé ấy có tâm đạo, lý trí vững vàng nó sẽ làm được việc ấy. Còn mình, khi bà ‘căng’ thì mình ‘giùn’, khi bà ‘cứng’ thì mình ‘mềm’. Phải rút bớt củi thì lửa mới dần dần tàn rụi. Cuối cùng, là phải rải tâm từ hằng đêm cho bà, nếu không, đến lúc nào đó đã quá muộn, sinh ra hối tiếc cũng không còn kịp nữa! Bà còn là người tốt đấy! Giận quá mất khôn mà thôi!”

Thế rồi, theo phương kế của ông chỉ dạy, cô Diệu khôn khéo dẫn bà đi chơi chỗ này chỗ kia cho khuây khỏa; thỉnh thoảng kể cho bà nghe những tích truyện hay, về người hiền, người lành, người tốt nhưng không đề cập đến Phật, Bồ Tát, đến chuyện tu hành gì cả. Chỉ như kể chuyện đời. Còn ông thì đêm đêm tưởng hình bóng bà trước mặt rồi trú định tâm từ, xuống cận hành, ban rải năng lượng tâm từ cho bà.

Quả thật, sau một thời gian kết hợp cả hai phương cách như thế thì bà yên, chỉ còn phảng phất cái nét buồn buồn mà thôi! Ông lại còn cố gắng dành thời gian ở nhà thêm một ít, buổi sáng, sau bữa ăn trưa; buổi chiều cũng không vội vã lên thất như trước nữa. Nói chuyện với bà và con cái về chuyện này chuyện kia hoặc thăm hỏi việc học hành của đứa này đứa nọ. Ông tâm niệm, trước sau rồi mình cũng phải đi xuất gia, khi ấy thì để hết thời gian và tâm trí cho giáo pháp, cho mọi người. Còn bây giờ, gia đình có yên thì mình mới yên được. Phải biết nhẫn xả và chờ đợi. Con đường mà đã thấy ánh sáng rồi thì chẳng cần hấp tấp, vội vã nữa, cứ trung đạo mà đi!
Sớm hôm kia, ông ở nhà, thanh thản hít thở và nhìn ngắm mọi vật, mọi sự ở xung quanh. Tất cả nội tâm và ngoại cảnh đều vắng lặng, yên bình…

Có một gia nhân giúp việc từ ngoài cửa đi vào. Tự dưng, ông khởi lên một ý nghĩ vui:
“- Lâu quá mình không dùng khả năng của định lực, bây giờ hãy sử dụng nó, xem thử mình tiến bộ hay là thụt lùi!”.
Thế rồi, ông nhiếp tâm, trú vào một ý nghĩ duy nhất để chỉ huy tư tưởng của người ấy:
“- Hãy đi vào nhà và bước từ từ đến gần chân cầu thang!”
Người gia nhân liền đi vào nhà và đi đến chỗ cầu thang ngay!
“- Bây giờ, hãy đi ra, và trở lại ngoài cửa!”.
Và người kia đã làm đúng như ý nghĩ của ông! Lúc ấy, có đứa con gái út đang nhảy rầm rầm ở phía trong, ông quay lại, khỏi lên ý nghĩ:
“- Nó sẽ không làm ồn nữa, mà nó sẽ đi ra đây, nhè nhẹ bước ra đây rồi cũng nhè nhẹ ngồi trên bắp vế của mình!”.
Quả thật, sau đó, sự việc xẩy ra đúng như vậy. Ông thầm vui trong lòng vì phát giác ra một kinh nghiệm mới. Là không cần trú định lâu, chỉ cần miên tục niệm hơi thở – định có tuệ chiếu soi – thì năng lực định không những không suy giảm mà lại càng tiến bộ! Nhờ thử năng lực định sớm hôm đó nên khi nào, ông thấy bà bắt đầu có dấu hiệu không tốt, là ông lại trú tâm, hướng đến bà, khởi lên ý nghĩ:
“- Thôi mà bà, xả đi, xả đi, thư giãn đi nào, buông xả đi nào!?”
Thế là lập tức ông thấy có hiệu quả ngay! Tìm ra phương pháp đối trị ấy, ông rất hạnh phúc, biết là rồi nhà cửa sẽ yên ấm, bà không thể “quậy” ông được nữa đâu; và rồi chí hướng của mình sẽ thuận chèo, mát mái, sẽ thành tựu tốt đẹp thôi. Hiện tại, cái trái cây nhân duyên kia đang còn xanh, phải đợi thời gian nó mới chín muồi được! Phải biết chờ đợi cũng là thái độ của bậc trí.

HỘI NGHỊ SƠ BỘ

Mấy ngày còn lại trước khi hết phép, ông đến chùa Sùng Phước. Vì không phải ngày chủ nhật nên cư sĩ đến công quả, tu tập chỉ chừng mươi người, trong đó có Ba Diên, Sáu Hoa, Ba Lý, Văn Công Hương, Phạm Văn Tông, Hồ Văn Viên…
Ông Giảng đưa mắt nhìn quanh, hỏi:
– Ông Hộ đâu sao không thấy?
Ông Tông thủng thỉnh nói:
– Anh Giảng có nhớ năm kia, ông Hộ đưa ra cái ví von “thỏ chạy trước, rùa bò sau” không?
– Có nhớ chớ!
– Vậy đó, cái câu ấy bây giờ tôi mới giải mã được.
– Nghĩa là sao ha?
– Nghĩa là ông ta nói sau, chậm, là rùa. Tôi và ông Viên nói trước, nhanh là thỏ. Bây giờ con rùa ấy, ông Hộ ấy xuất gia trước rồi đó!
– Chà, các bạn có cái lý luận xuôi ngược, thỏ rùa trước sau, sau trước vui quá hen!
Ba Lý tiếp:
– Anh Hộ đã xuất gia sa-di tại chùa Prek-Reng rồi, với pháp danh là Vinayakusala (Thiện Luật) còn dẫn thêm cháu Đạt đến ở đấy nữa.
– Vậy là tốt. Ta có được một cán bộ rồi đó!
Thấy đây là lực lượng nòng cốt nên nhân cơ hội ấy, họ vầy một cuộc hội nghị bàn tròn!
Văn Công Hương trình bày trước:
– Bạn bè tôi, tu sĩ có, cư sĩ có, từ Nam Kỳ sang, cho biết là Phật giáo ở nơi này đã chấn hưng, có khá nhiều tổ chức Phật giáo ra đời, đó là “Thiên Thai thiền giáo tông lương hữu hội” – tiếng Pháp gọi là Société d’étude du bouddhisme et de secours mutuels; “Nam kỳ Phật học cứu tế hội” – tiếng Pháp là L’association d’études bouddhiques et d’assi stance de Cochinchine; “Tịnh Độ cư sĩ Phật học hội” – tiếng Pháp là L’association du bouddhisme de la Terre Pure… Họ đang lập thủ tục hồ sơ trình chính phủ bảo hộ để được hoạt động hợp pháp.

Ba Lý tiếp lời:
– Tôi biết. Họ thường đều đặn lui tới Campuchia, muốn giúp đỡ, san sẻ với cộng đồng người Việt ở đây! Họ có lòng tốt, nhưng họ lại muốn ta theo họ, việc ấy có nên không?
Ông Giảng dè dặt nói:
– Các bạn hãy để ý, coi chừng! Chúng ta không biết rõ đằng sau các tổ chức ấy là cái gì! Lưu ý những tổ chức cổ súy rầm rộ, dùng ngôn lời đao to búa lớn, với những nhân danh vô cùng tôn quý và cao đẹp! Người nhẹ dạ, chưa có trình độ giáo pháp căn bản, chưa có công phu tu tập thường rất dễ bị mắc lừa! Thận trọng là tốt hơn, các bạn!
– Phải! Ông Viên gật đầu – Các tổ chức nhuốm màu thế tục, đôi khi là chính trị, thường xen vào các cơ sở tôn giáo để giật dây, lợi dụng. Nói như anh Giảng là đúng. Phải thận trọng!
Ông Tông nói:
– Tôi có đi thăm các tu sĩ người Việt theo Bắc phái thuộc Thiền tông, Mật tông đang ẩn tu tại vùng núi Bokor ở Kampot, Phnôm-Basset, núi Nhì Hoàng ở Kompong-Cham, Phnôm-Bakheng ở Siêm-Riệp… Các tu sĩ và cư sĩ Nam Kỳ cũng thường đến đây. Ở Nam Kỳ có tổ chức nào thì ở đấy cũng làm y hệt.
Ông Ba Lý nói:
– Vừa rồi tôi có về thăm quê, thấy phong trào chấn hưng Phật giáo bộc phát khá mạnh mẽ. Đầu tiên là sự khởi xướng của một vài tu sĩ ở Gia Định và Mỹ Tho, sau đó lan xuống Trà Vinh, Vĩnh Long, Rạch Giá, rồi ra Trung, ra Bắc. Họ có rất nhiều hội, nhưng nổi tiếng nhất là hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học…(1)
Sáu Hoa gật đầu nói:
– Tôi và anh Ba Diên có ghé vùng núi Thất Sơn ở Châu Đốc… ở đây có hằng chục chùa quán cũng có thành lập những hội tương tợ. Không biết là họ tu theo cái đạo gì mà họ thờ tự lung tung, như thờ Ngọc Hoàng, Bắc Đế, Ông Hổ, Ông Tà(2), Vishnu, Quan Thánh, Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ, Cửu Thiên Huyền Nữ… Đặc biệt có đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương; là Phật Thầy Tây An, Phật Trùm, Sư Vải Bán Khoai… thậm chi là lạ lùng!
Ông Tông thở dài nói:
– Đạo Phật cả đó! Nhưng chúng đã biến dị một cách quái gở; có lẽ chẳng còn đâu là giới định tuệ, chẳng còn đâu là giác ngộ, giải thoát nữa.
Rồi mỗi người một câu:
– Trong phong trào chấn hưng, không biết ai đã tuyên bố một câu xanh dờn: Từ bi là sát sanh để cứu độ chúng sanh(3). Khiếp!
– Sát sanh là tội đứng đầu trong hai trăm hai bảy giới. Từ bi phải là không hận, không sân. Ai đời giết người lại gọi là từ bi? Thật là loạn ngôn, nghịch nhĩ!
– Là “khế lý, khế cơ” đấy!
– Lập trường của chúng ta là tu tập theo một đạo Phật chơn chánh, không khen ai mà cũng không chê ai! Kệ họ! Thứ nhất, họ lợi dụng Phật giáo để mưu đồ những mục đích thế tục, cái đó chúng ta đừng sa chân vào! Thứ hai, đa phần chỉ còn là tín ngưỡng dân gian, không phải là đạo Phật đâu! Ta để tâm đến chúng làm gì cho mệt!
– Hãy bàn đến việc của mình thôi!
– Phải!
Thế rồi, vì thấy Phật giáo ở đâu cũng đang trong cao trào chấn hưng, các vị trí thức cư sĩ người Việt ở Phnôm-Pênh lẽ nào lại nhắm mắt làm ngơ, nên cuộc thảo luận sơ bộ này đưa đến thống nhất ý kiến:
– Thành lập một hội có tên là “An Nam Phật Giáo Hội” tại Campuchia. Sơ thảo nội dung, điều lệ để đệ trình chính quyền bảo hộ (Ba Lý, Ba Diên và Sáu Hoa phụ trách).
– Thành lập một thư viện để lưu trữ kinh sách bằng Pāḷi, Pāḷi-Miên, Anh, Pháp, Quốc ngữ, Hán văn (Ngô Bảo Hộ, Hồ Văn Viên, Phạm Văn Tông đảm nhiệm – liên hệ viện Phật học Phnôm-Pênh nhờ giúp đỡ).
Trong sự phân công trách nhiệm này, vì Văn Công Hương đang thu xếp để về định cư tại Sài Gòn nên không ghi tên. Còn ông Lê Văn Giảng do đa đoan đời sống công chức, được mọi người tin cậy, nên giao cho việc tu tập, nghiên cứu và soạn dịch những kinh sách cần thiết để truyền bá trong cộng đồng người Việt tại Campuchia hoặc về Việt Nam, sau này!
Không ngờ, “An Nam Phật Học Hội tại Campuchia”(Association bouddhique annamite au Cambodge) được chính quyền bảo hộ phê chuẩn, duyệt y ngày 05 tháng 7 năm 1935, đặt cơ sở tại chùa Sùng Phước(4).
Ai cũng thở phào nhẹ nhõm do đã đạt được cơ sở nền tảng để duy trì và phát triển Phật giáo Theravāda trong mai hậu.

NHỮNG NGƯỜI CÙNG CHÍ HƯỚNG

Đâu chừng khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1935 lần đầu tiên trong nghề công chức, ông Giảng giao công việc cho đàn em, bỏ nhiệm sở trở về Nam Vang, dự tính rủ Ba Lý và Văn Công Hương về Nam Kỳ.
Đến chùa Prek-Reng thăm đại đức Thiện Luật rồi sau đó họ cùng đến chùa Sùng Phước. Tại đây, Ba Lý cho biết là Hội đã làm thêm được mấy việc:
– Nhờ viện Phật học tại chùa Unalom, nhờ thư viện Hoàng gia, nhờ trường Viễn Đông bác cổ, và nhất là nhờ công đức của viên tiến sĩ khảo cổ lai Pháp là Suzanne Karpelès nên chúng ta hình thành được thư viện. Được ngài hiệu trưởng trường Cao đẳng Pāḷi đánh giá là tốt.
– Bắt đầu từ đây, chùa Sùng Phước phải là trung tâm hoạt động tích cực trong việc canh tân Phật giáo, nơi đào tạo sư sãi, nơi lưu giữ, bảo quản và nghiên cứu kinh Phật bằng Pāḷi, Pāḷi-Miên cùng kinh sách Anh, Pháp, Hán, Việt, Miên…
– Cử hành các nghi lễ Phật giáo và tổ chức các buổi thuyết pháp cho cộng đồng cư dân người Việt.
– Các nhà sư như sư Cả Thạnh, sư Tuệ Báu, sư Lê Khanh và Nguyễn Phát Phước được giao phụ trách cầu an, cầu siêu, quan hôn tang tế…
– Những công chức nhập quốc tịch Pháp hoặc lai Pháp như Charles Clairet phụ trách hành chánh quản trị, bảo trì nghĩa trang Phật giáo. Họ còn có phận sự duy trì quan hệ tốt đẹp với tòa Công Sứ tối cao Campuchia, với bộ Nội vụ và Nghi lễ Campuchia.
Thấy thành quả rất đáng hoan hỷ, ông Giảng khuyến khích các bạn nên chịu khó trau dồi thêm tiếng Pāḷi; và góp ý là nên hình thành một tạp chí Phật giáo làm tiếng nói chung của Hội.
Mọi người ghi nhận ý kiến ấy.
Ngày hôm sau, ông Giảng, ông Hương và Ba Lý về Sài Gòn. Họ tìm đến tịnh thất của ông Hiểu gần Tân Sơn Nhất thì gặp luôn ông Quyến, ông Cầm, ông Núi, ông Nhất – cũng là bạn cũ của nhau – thuộc loại tâm đầu ý hợp. Hóa ra là họ đã có những tịnh thất tiện nghi để cùng tu tập với nhau.
Ông Hiểu tâm sự:
– Gia đình tôi theo Nho học, nhưng lại hâm mộ Phật giáo truyền thống, một loại Phật giáo chỉ còn là hình thức thờ tự như tín ngưỡng dân gian… với đủ mọi loại cúng kiến, chú sớ, cầu khẩn, van xin… nó không phù hợp với cái “tạng” của tôi. Lớn lên thì tôi học Tây(1) nhưng lại tu lung tung từ Cao đài, sang Công giáo, sang Tin lành! Duyên may, năm 1930, tôi đọc được một quyển sách của người Đức, lại viết bằng tiếng Pháp. Đó là quyển “La Sagesse du Buddha – Tuệ giác của đức Phật”. Vị học giả này có giới thiệu, rằng là muốn nghiên cứu một đạo Phật chính thống, gần với Nguyên thủy thì nên đi sâu vào giáo điển Tam Tạng Pāḷi mà các nước Tích Lan, Xiêm, Miến, Miên, Lào… thuộc hệ Nam truyền, chính xác là Theravāda – đang gìn giữ, bảo lưu, tu tập và phụng hành, như là quốc giáo của họ.
Thuở trước, làm kỹ sư công chánh ở Phnôm-Pênh nhưng tiếc là tôi không tìm hiểu Phật giáo ở đấy, vì trong con mắt truyền thống đầy khinh thị và ngạo mạn, tôi xem họ là Tiểu thừa. Năm 1925 về lại Sài Gòn, bận công việc ở sở Hỏa xa, mãi đến năm 1930, sau khi đọc được quyển sách ấy, tôi đến thư viện tìm kiếm thêm những quyển sách được dịch hoặc soạn dịch từ Tam Tạng Pāḷi văn, tôi mới thấy, đây đúng là giáo pháp mà mình đang tìm kiếm, thao thức, trăn trở bấy lâu.
Ôi! Cảm ơn trời Phật! Ai ngờ duyên may hy hữu, các bạn đều là bạn cũ, lại là cùng có một chánh tri, chánh kiến như nhau!
Như gặp bạn tri âm, ông Giảng kể lại cho ông Hiểu, ông Quyến, ông Núi, ông Cầm, ông Nhất… nghe việc tầm đạo gian nan, vất vả của mình như thế nào, trải qua mười mấy năm dọ dẫm, sục sạo kiếm tìm khó khăn như thế nào, cuối cùng, ông đã có được chỗ trú tâm trong giáo pháp chân truyền…
Rồi ông Giảng, Ba Lý, Văn Công Hương thay nhau kể về việc thành lập hội, nội qui, điều lệ của hội cùng những thành quả khiêm tốn bước đầu như thế thế nào, nhất nhất thuật lại cho các bạn nghe.
Ông Hiểu vô cùng mừng rỡ, dồn dập hỏi:
– Thế các bạn có dự định sẽ mang giáo pháp ấy về Việt Nam không? Đã có kế hoạch gì chưa? Bạn bè đồng chí hướng đã có những ai rồi? Đã có ai xuất gia chưa hay chỉ là cư sĩ?
Ông Hương nói:
– Bên đó, tôi thấy đa phần là Bắc tông, tu sĩ Nam tông mình quá ít. Nhưng muốn đi truyền bá giáo pháp đâu phải dễ, phải hội đủ 3 điều kiện: Có tu chứng, có phát nguyện ba-la-mật, có kiến thức sâu rộng cả nội điển lẫn ngoại điển!
Ông Giảng trình bày nguyện ước của mình là cũng như thế, sau đó tâm sự:
– Tui là công chức nhà nước, đi đây đi đó luôn; ngay cả Nam Vang mà tui đi cũng chưa hết. Tui cũng chưa biết trong chư Tăng người Việt thuộc Theravāda mình ai có khả năng hoằng pháp? Mới chỉ có ông Ngô Bảo Hộ(2) xuất gia sa-di thì chỉ là dấu hiệu tốt ban đầu thôi, còn khiêm tốn quá!
Ông Ba Lý nói:
– Tuy chỉ mới manh nha nhưng ông ta là người trí thức, có thể cáng đáng công việc được.
Ông Hương nói:
– Điều đáng mừng là ở trong hội Phật giáo của chúng ta, có khá nhiều người muốn xuất gia, như ông Viên (3), ông Tông (4), Sáu Hoa, Ba Diên… Các vị ấy đều là bậc trí thức, học rộng, hiểu nhiều cả…
Ba Lý lắc đầu:
– Chưa mừng được! Nói ra thì sợ mất lòng. Tuy họ là bậc trí thức nhưng về giáo pháp thì còn lung tung lắm, chưa phân định được rõ ràng đâu là Theravāda (Thượng tọa bộ), đâu là Mahāsaṅghika (Đại chúng bộ), đâu là Mahāyana (Đại thừa)… Hôm nào phải nhờ sự chỉ bày, giảng nói cặn kẽ của anh Giảng mà thôi! Không những là một lần, hai lần mà phải rất nhiều lần, như cái kiểu mưa lâu thì nó mới thấm!
Ông nhũn nhặn:
– Tui chưa dám đâu nghen!
Nói thì nói thế, nhưng sau đó, ông tiết lộ cho các bạn nghe, rằng mình đã soạn dịch xong quyển “Luật xuất gia” dành sẵn cho chư Tăng Việt Nam sau này; và quyển “Nhựt hành của người cư sĩ” cũng để chuẩn bị cho bà con ở quê nhà!
Ông Hiểu cảm động đến rưng rưng nước mắt:
– Thiệt là quý hóa! Thế thì các bạn đã lo liệu đâu vào đấy cả rồi! Dzậy thì ước mơ của chúng ta đến lúc nào đó sẽ trở thành hiện thực!
Ông Quyến, ông Núi, ông Cầm, ông Nhất – bạn của ông Hiểu ở đây, đồng phát biểu một ý:
– Ở Sài Gòn, nói chung là Nam Kỳ, có một vài hội Phật giáo với tờ báo của họ nghe ra là có mùi chơn chánh, còn đa phần có vẻ thế tục, ma quỷ thế nào không! Ước gì anh Giảng và các bạn bên đó mang được giáo pháp chơn truyền về đây; dầu chỉ còn một hơi thở, một chút tài lực, chúng tôi cũng quyết làm một người hộ pháp cỏn con!
Ba Lý cũng sung sướng nói:
– Về phương diện dịch thuật, thế là anh Giảng đã làm con chim đầu đàn. Tôi có chút ít văn chương chữ nghĩa, sau này, sẽ xin phụ tá với anh Giảng một tay!
Ông Hiểu cất giọng hồ hởi:
– Dzậy thì trở lại Nam Vang, các bạn làm sao tìm cho ra chư Tăng Việt Nam đã xuất gia hoặc sẽ xuất gia làm lực lượng nhân sự nòng cốt; thứ nữa là nghiên cứu cho tới nơi tới chốn Tam Tạng Pāḷi, sau đó thành lập một ban dịch thuật ra Việt ngữ. Công việc trọng đại ấy các bạn phải khởi quyết tâm ba-la-mật làm cho bằng được. Còn tại đất Sài Gòn, Gia Định nầy, anh em chúng tôi sẽ đi tìm kiếm đất, xây chùa để đợi phái đoàn hoằng pháp trở về, được chăng?
Ông Giảng nói:
– Quả là nặng nề! Nhưng cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng ta, cho cả nguyện ước của chúng ta nữa.
Cả tám người nắm tay nhau siết chặt với tình cảm thanh khiết, vắng lặng nhưng mỗi người tự biết là đang đảm nhận một nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng…
Và nhiệm mầu thay, cũng từ cuộc hội kiến hy hữu của những con người đồng chí hướng này, bánh xe chuyển pháp về Việt Nam đã bắt đầu khởi động…

 
Christiannguyen Date: Chủ Nhật, 14 Apr 2019, 7:55 AM | Message # 7
Lieutenant
Group: Users
Messages: 48
Status: Tạm vắng
NGÔI CHÙA THERAVĀDA – VIỆT KIỀU ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT CAMPUCHIA

Cũng tháng 7, tháng 8 năm 1935, tại tỉnh Prey-Veng xẩy ra nạn dịch trâu bò, trong thời gian ấy, ông Giảng bận quá nhiều về Phật sự nên hoạt động nghề nghiệp chuyên môn thường giao cho các y sĩ dưới quyền nên việc chẩn trị thiếu hiệu quả. Viên Chánh chủ sở thú y bị quan Công Sứ khiển trách. Qua điều tra, biết ông Giảng lúc này hay về Phnôm-Pênh say sưa hoạt động tôn giáo nên ông thảo công văn đệ trình tòa Công Sứ với nội dung như sau:
“- Viên bác sĩ thú y người Việt, ông Lê Văn Giảng, trước đây là một cán bộ mẫu mực, tận tụy, mẫn cán, nhưng từ khi tham gia hoạt động tôn giáo thì nghề nghiệp chuyên môn bị giảm sút. Kính đề nghị tòa Công Sứ cho thuyên chuyển ông ta đến tỉnh biên giới Stung-Treng để cách ly hoạt động tôn giáo của y!”
Tòa Công Sứ điện công văn xuống với nội dung:
“- Tòa chấp thuận. Hãy thăng trật cho ông ta trước khi thuyên chuyển. Tỉnh Stung-Treng cũng đang bị nạn dịch súc vật. Hãy xem thử sự phục vụ của ông ta còn được như trước nữa không! Nếu tình trạng này không cứu vãn được thì sẽ dẫn đến việc ‘xin nghỉ việc’ để hoạt động tôn giáo, đúng như sở nguyện của đương sự đấy!”
Công văn lui tới đã lâu mà mãi cho đến ngày 01 tháng 3 năm 1936, ông Giảng mới nhận được sự vụ lệnh, được thăng ngạch bác sĩ thú y hạng nhất rồi thuyên chuyển đến tỉnh Stung-Treng.
Trở lại Nam Vang, cầm sự vụ lệnh trong tay nhưng ông chưa vội đến nhiệm sở mà đi thẳng đến chùa Sùng Phước.
Đến nơi, thật may là ngày chủ nhật nên gặp mọi người rất đông. Bên bàn nước, rất nhiều chuyện được họ thảo luận; như đạo tràng tu học, tu là tu như thế nào, thờ tự như thế nào… Tuy nhiên, ông nhận thấy rằng, họ có trí thức, nhiệt huyết nhưng kiến thức về giáo pháp thì họ còn mơ hồ, chưa nắm vững cho lắm.
Nhìn lên chánh điện, ông thấy Ba Lý, nhất là các sư Cả Thạnh, Tuệ Báu trước đây đã phản ánh rất đúng: Thuở trước người ta thờ tự nhiều Phật, Bồ Tát quá; hai bên tả hữu cũng vậy, trông như đa thần giáo. Ông không vội vàng điều chỉnh, và đã phải cẩn trọng, từ từ giảng giải cho họ hiểu. Ông đã để suốt nhiều giờ trình bày đâu là giáo pháp gần với nguyên thủy, đâu là tư tưởng của các bộ phái phát triển. Chỗ nào bị ảnh hưởng Bà-la-môn, chỗ nào bị ảnh hưởng Khổng, Lão cùng những tín ngưỡng dân gian. Nhờ lập luận vững chắc, kiến thức khá quảng bác và nhất là có năng lực của công phu hành trì, tu tập, ông đã tạo được niềm tin và thuyết phục được hội chúng.
Khi thấy mọi người hoàn toàn tin tưởng, ông đề nghị chính giữa chỉ nên thờ tự Phật Thích Ca, còn các pho tượng Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, mười tám vị La-Hán, Quan Công, ông Táo, ông Địa, ông Tiên, ông Thiện, ông Ác gì gì… thì xin thỉnh ra hậu tổ hết. Thế là gần như suốt ngày hôm ấy, ông phải ở lại đây, cùng xắn tay với mọi người, sắp xếp, quét dọn, chỉnh trang nơi thờ tự cho tôn nghiêm, dị giản, thanh tịnh.
Khi chia tay, ông Viên(1) nói:
– Tôi đã quyết định rồi, tôi sẽ xuất gia!
Ông Tông(2) cất giọng thủng thỉnh, lại ví dụ cái chuyện con thỏ:
– Có hai con thỏ chạy sau, một con đã chạy rồi, con kia cũng ráng mà chạy theo thôi!
Ông Giảng nghe, biết ý, vô cùng mừng rỡ. Ngắm nhìn khuôn mặt hiền từ, vóc dáng cao lớn của ông Viên; rồi nhìn qua vầng trán cao rộng, khuôn mặt sáng sủa thư sinh của ông Tông, tự biết họ đều là những nhân cách lỗi lạc, ông nắm chặt tay của cả hai người:
– Các bạn hãy đi trước! Cứ hẹn nhau như dzậy! Rồi ông cũng nói vui với các bạn – Tôi đúng là con rùa, nhưng con rùa này chạy chậm thật sự đó nghen!
Ông Ba Lý đưa tay chỉ Sáu Hoa và Ba Diên:
– Hai ông Phán và ông Thông này sẽ nằm trong ban dịch thuật của chúng ta đây.
Ông Hương mỉm cười:
– Thế thì các bạn dịch kinh sách được bao nhiêu thì tôi là người chịu trách nhiệm in ấn bấy nhiêu!
Cuộc gặp mặt này hóa ra là tạo cho duyên kỳ ngộ được bền chặt; như thêm phân, thêm nước cho cái cây hoằng pháp sớm đơm hoa kết trái.
Mấy ngày sau ông mới đến được nơi trấn nhậm. Đây là một tỉnh biên thùy, giáp ranh Lào, cách Nam Vang chừng bốn trăm cây số ngàn. Được biết ở đây có khá đông cư dân người Việt và người Lào.
Nhà nước giao cho ông một tòa nhà khá to lớn, rộng rãi có bốn phòng khá tiện nghi, đầy đủ điện, nước, nhà bếp, nhà vệ sinh đàng hoàng, sạch sẽ. Ông ngủ một phòng, một phòng làm việc, một phòng dành tiếp khách. Người ta cũng đã cho sẵn một chàng trai Lào khoảng mười bốn tuổi làm người giúp việc tay chân, ông cho ở một phòng. Sớm sớm có tài xế mang xe chở đến sở làm. Ông ăn cơm tại nhà có chú giúp việc lo chợ búa, nấu ăn khá chu đáo.
Thuở ấy, bác sĩ thú y như ông, thuộc vào hàng quan lớn có lương bổng rất cao. Nơi nào công chức người Pháp ở đông thì nghề chăm sóc dịch bệnh súc vật, khám thịt đã trở thành quan trọng đối với họ, vì họ ăn ở rất vệ sinh, lúc nào cũng sợ những căn bệnh lây nhiễm từ heo, bò, gà, vịt… Ông là quan lớn, là bác sĩ thú y hạng nhất, làm việc lâu năm nên dạy, hướng dẫn cán bộ, nhân viên là chính; lúc cần, ông đến tận hiện trường, chỉ bày cặn kẽ cho nhân viên. Do công việc nhàn hạ nên ông thu xếp chương trình để đọc thêm kinh sách, học thêm tiếng Miên và tiếng Pāḷi. Nhưng đọc, nghiên cứu và soạn dịch thì nhiều hơn.
Chừng nửa tháng sau, ông nhận được điện tín có nội dung như sau:
“- Chua đinh to chuc le ket gioi sima ong hay ve sung phuoc huong dan anh em – ba ly” (Chùa định tổ chức lễ kết giới Sīmā. Ông hãy về Sùng Phước hướng dẫn anh em! Ba Lý!).
Biết vậy, ông rất mừng, bèn điện trả lời:
“- Hay nho cac su huong dan tui ban cong viec nha nuoc tiec la khong ve duoc chuc moi dieu tot lanh! giang!” (Hãy nhờ các sư hướng dẫn. Tui bận công việc nhà nước, tiếc là không về được. Chúc mọi điều tốt lành! Giảng!)
Hơn nửa tháng sau nữa, ông nhận được điện tín khác, với mấy dòng:
“- Cuoc le thanh cong tot dep ong than sang du le bi dau nang hien nam tai sung phuoc – ba ly!” (Cuộc lễ thành công tốt đẹp. Ông thân sang dự lễ, bị đau nặng, hiện nằm tại Sùng Phước – Ba Lý!)
Đọc nội dung điện tín, ông bán tín, bán nghi, bèn vào phòng, ngồi thiền, hướng tâm xem thử. Hình ảnh ông thân hiện ra, mạnh khỏe, hồng hào không có triệu chứng ốm đau gì cả. Nên vào sở, ông không xin phép. Chiều, nhận thêm một điện tín nội dung như cũ, lại có thêm mấy chữ “Về Sùng Phước gấp”! Ông nghĩ, hay là hồi sáng, mình hướng tâm không kỹ; thôi để tối, lúc hành thiền nhìn xem một lần nữa coi! Tối, quả thật, cũng như ban sáng. Đêm ấy, ông còn biết hai việc. Thứ nhất, là nhóm cư sĩ ở Sùng Phước có mời hai mươi mốt vị tỳ-khưu đến chùa làm lễ kết giới Sīmā. Lễ xong, Phật tử trong vùng tìm đến rất đông. Có một số cư sĩ Bắc tông hỏi đạo, hỏi pháp rất “cay nghiệt” nên họ cầu viện ông đến đấy! Do không biết cách chi mời ông nên họ giả mạo cái điện tín.
Ông tự nghĩ:
“- Các bạn ta cần thì ta phải đến ngay tức khắc. Họ đều có Nho học và Tây học nhưng đụng đến kiến thức các hệ phái phát triển, nếu chưa nghiên cứu thấu đáo, e cũng phải bó tay. Mình cũng chỉ mới nghiên cứu chút ít, chưa đâu vào đâu, nhưng mình tự tin là có thể trả lời được. Nhưng là công chức của nhà nước, ta đâu có thể đi là đi được sao, trong lúc vừa mới chân ướt chân ráo đến làm việc, mà cái gì họ cũng đặc biệt ưu tiên cho mình cả! Việc thứ hai, mình sẽ đi, vì chỉ một tuần nữa là ông thân sẽ đích thân lên thăm mình ở đây mà!”.
Và quả thật như thế, một tuần sau thì ông thân lên chơi. Và ông thân cũng vui vẻ tường thuật câu chuyện y như vậy; họ đã xin lỗi ông thân trước khi thảo cái điện tín ấy.
Mấy ngày sau, thu xếp công việc, ông cùng với ông thân trở lại Sùng Phước, tổ chức cho bạn hữu tu tập ba ngày. Và những câu hỏi đạo “cay nghiệt” mấy hôm trước đã được ông giải đáp thỏa đáng. Hầu hết họ đã bỏ cách tu tập theo Bắc tông truyền thống là tụng kinh, ăn chay, niệm Phật Di Đà và xu hướng theo cách tu tập do ông hướng dẫn: Tam quy, Ngũ giới, Bát quan trai giới, tham thiền, kinh hành. Ai cũng hoan hỷ.
Ngôi chùa Sùng Phước và hội Phật học An Nam, từ đây được biến thành tu viện Theravāda với sự chấp nhận của chính quyền bảo hộ và gia nhập vào giáo hội Phật giáo Campuchia.
Cũng từ thời điểm này, quyển sách “Nhựt hành của người cư sĩ” của ông Giảng đã được ông Hương cho in ấn để phát cho Phật tử tu tập. Đồng thời, ban dịch thuật và ban biên tập tờ tạp chí “Ánh sáng Phật pháp” được phụ trách bởi một lực lượng hùng hậu: Đó là ông Giảng làm chủ nhiệm; ông Tông, ông Viên làm trưởng, phó ban biên tập; Ba Lý, Sáu Hoa trông coi quản trị, điều hành; Ba Diên, Phán Nghiêm thường trực ban trị sự và thủ quỹ… với những cây bút như Phán Lai, Phán Ngọt, Phán Huê, Tô Kim Phước, Lý Văn Ngữ, Trương Phong Vĩnh, Dương Văn Phát, Francois Nguyễn, Lê Minh Học…
Riêng ông Văn Công Hương không nhận nhiệm vụ vì ông chuẩn bị đâu đó về định cư ở Sài Gòn rồi.
Cũng lần đầu tiên ở đây, các sư Khờ Me và Việt thay nhau thuyết pháp bằng ba thứ tiếng, lần lượt là Pāḷi, Khờ Me và Việt, nên không bao lâu đã có chân đứng vững vàng trong lòng cư dân người Việt, đã trở nên nổi danh bởi sự tu học nghiêm túc và chơn chánh. Chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ cũng như ở tại Campuchia khuyến khích sự hợp pháp của các tổ chức Phật giáo để dễ bề quản lý, nên hội An Nam Phật học tại Campuchia của số cư sĩ nòng cốt này được họ khuyến khích, bảo trợ nhưng luôn có mật thám theo dõi chặt chẽ.
Có một sự kiện đặc biệt xẩy ra trong năm này, là đại đức Nārada, một vị sư uyên bác người Srī Laṅkā, nhân chuyến ghé thăm Sài Gòn, tặng cây Bồ Đề tại chùa Linh Sơn, lưu lại đây một thời gian, sau đó sang Phnôm-Pênh, đến đảnh lễ đức vua Sãi, phó vua Sãi, sau đó ghé chùa Sùng Phước để trao đổi một số Phật sự trong tương lai.
Do ngài Nārada nói được cả Pāḷi, Anh, Pháp nên sự giao lưu ban đầu này đã thắt chặt mối thân hữu, đạo tình cho các sư du học tại Tích Lan sau này; còn là cầu nối mai hậu cho Phật giáo Theravāda phát triển tại Sài Gòn, Gia Định nữa vậy.

TIẾP TỤC HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TU HỌC

Trở lại tỉnh Stung-Treng, ông quan sát thấy buổi sớm chư Tăng Lào đi bát nơi này và nơi kia mà có lẽ vật thực cũng khó khăn. Hôm kia, ông tìm đến một ngôi chùa Lào có khá đông Tăng chúng, gặp vị Sư Cả, đảnh lễ rồi xin từ nay, thỉnh mười vị sư đặt bát tại nhà. Ông nói tiếng Miên, và may thay, chư Tăng Lào ở tỉnh này thường nói được cả tiếng Miên. Qua câu chuyện, Sư Cả thăm hỏi nguồn gốc, quê quán, cả sở học và duyên tu. Ông trình bày lại. Vị Sư Cả rất hoan hỷ. Trước khi ra về, tự dưng ông khởi lên ý nghĩ là phải học tiếng Lào, biết đâu, sau này, lúc nghiên cứu, giáo điển Miên và giáo điển Lào có chỗ đồng, chỗ dị? Không biết vị sư cả có đọc được ý nghĩ của ông không, mà ngài mỉm cười rồi nói: “Nếu muốn học tiếng Lào, cũng không khó lắm đâu!”
Hôm đó, ra về, ông còn cảm giác lạnh cả người, tự nghĩ rằng:
“- Hóa ra, đất Phật là nơi long đàm, hổ huyệt, đâu đâu cũng có thể gặp bậc chân tu; và họ còn có cả khả năng thắng trí – nơi một vị sư già trông rất xuề xòa, rất bình thường này!”
Thế là từ đó, cứ mỗi buổi sáng, ông đánh thức chú bé Lào dậy sớm nấu ăn qua quýt, đưa tiền cho chú đi chợ mua rau, bún, nấm các loại rau, đồ nêm nấu, gia vị… rồi về nhà nấu sẵn mười phần cơm, đợi ông về. Vào sở, sau khi chỉ bày công việc cho nhân viên, đích thân ông đi mua thêm một ít thức ăn mặn và các thứ khác, khoảng tám giờ là ông đã có mặt tại nhà. Rồi tự tay ông nấu nướng, chiên xào các món ăn. Lối chín giờ là ông đã sẵn sàng đặt bát cho mười vị sư, và bao giờ ông cũng gởi thêm một phần để nhờ dâng cho vị Sư Cả. Còn mình thì ông cũng mang theo một phần để vào sở ăn trưa. Trong thời gian này, ông tìm cách học tiếng Lào với chú bé Lào; và ông nghiêm khắc ra lệnh cho phép mình chỉ nói tiếng Lào với chú bé chứ không được nói tiếng Miên nữa. Chỉ tháng đầu còn bập bẹ, ngượng ngập, riết rồi cũng quen, cũng sành sõi như ai!
Nhờ công việc diễn tiến đều đặn, không có những việc đột xuất nên ông đặt bát cúng dường như thế liên tục được sáu tháng dài.
Đây là vùng đất heo hút, xa vùng ven vài cây số là những trận giao tranh, bom rơi, đạn lạc, ruộng đồng xơ xác, dân chúng đói nghèo! Ông cảm thấy xót xa nhưng bất lực. Tại tỉnh lỵ, không có bất kỳ một thú vui giải trí nào nên dân chúng hễ rảnh là tụ nhau đánh bạc, uống rượu. Tại các công sở cũng vậy. Tại dinh của quan Huyện, người Miên, ông ta cũng chứa chấp đánh bạc. Nhận thấy đây là một tệ nạn, ông quyết tâm lần hồi cảm hóa. Đầu tiên, ông mời một số công chức người Việt đến nhà chơi, ăn cơm, đàm đạo. Rồi một vài công chức người Pháp, người Miên, người Lào đến nhà ăn cơm, đàm đạo. Ban đầu là những đạo lý sống ở đời rồi sau đó từ từ đi vào Phật Pháp. Sau đó, có một vài người tu theo ông và ông đã biến cái phòng khách của mình thành một đạo tràng nho nhỏ. Chú bé người Lào phụ trợ hóa ra lại được việc. Cứ hễ có cơ hội là chú kể cho khách nghe việc ông chủ ngồi thiền suốt đêm, ánh sáng tỏa ra xung quanh như một vị Phật sống! Thế là một người, hai người xin học thiền; rồi cứ vậy nó lan ra. Tiếng tăm ông vang dậy trong giới tu học. Vị Sư Cả nghe tiếng cũng tìm đến thăm ông. Rồi chư sư, rồi thiện nam tín nữ bản địa cũng đến thăm ông nữa.
Hôm kia, đúng ngày bát quan trai giới, ông mang vật thực và tứ sự đến chùa cúng dường. Ông thấy thiện nam tín nữ rất đông, ngồi đầy cả chánh điện, họ tụng kinh, lạy Phật mà không thấy thọ bát quan trai giới. Ngạc nhiên, ông hỏi mấy người bên cạnh; họ đáp, chúng tôi chỉ thọ một tháng bốn kỳ mà thôi.
Nghe vậy, ông đứng dậy, nói lớn:
– Xin bà con cô bác yên lặng để cho tui nói vài câu, được chăng?
Mọi người ở đây, có số đã biết mặt ông, có số đã nghe tiếng ông, nên họ đồng lắng tai nghe.
Ông cất giọng dõng dạc:
– Thuở đức Phật còn tại tiền, chư thiện nam tín nữ đến chùa đều xin thọ trì bát quan trai giới mỗi tháng sáu ngày. Sau khi đức Phật nhập diệt ba tháng, đại hội kết tập Tam Tạng lần thứ nhứt, có năm trăm vị Thánh Tăng A La Hán tham dự, quý ngài đã cùng nhất trí tăng thêm hai kỳ nữa, tức là tháng tám kỳ! Dzậy, tất cả chúng ta đều có duyên may gặp được chánh pháp, sao không cố gắng, hãy cùng chúng tôi tu bát quan trai giới mỗi tháng tám kỳ để khỏi uổng phí một kiếp làm người? Bà con có thấy đó là một phúc lành cao thượng hay chăng?
Không ngờ, sau lời phát biểu của ông, cả chánh điện vang rân lời “Sādhu, sādhu – lành thay!” làm cho ông vô cùng hạnh phúc. Không bỏ lỡ cơ hội, ông tức khắc đi ngay đến liêu thất của Sư Cả, thỉnh ngài đến chánh điện cho giới bát quan đến thiện nam tín nữ.
Vị Sư Cả nhướng mắt:
– Ông nói cái gì? Cho tất cả mọi người sao?
– Dzà phải! Con và tất cả mọi người.
Nói thế xong, ông kể lại việc vừa rồi ở trong chánh điện cho Sư Cả nghe.
Sư Cả tán thán:
– Giỏi! Giỏi! Tôi làm Sư Cả chùa này hơn hai mươi năm mà tôi đã cố nhắc nhở họ thêm hai kỳ nữa thôi, cũng không được! Còn ông, chỉ nói một câu, đúng là một câu thôi, họ lại theo rần rần mới lạ! Lại cả tám kỳ nữa chớ!
Khi bước ra chánh điện, vị Sư Cả vỗ nhẹ vai ông:
– Cầu Phật gia hộ, với hiện tượng này thì ông sẽ mang được giáo pháp về Việt Nam. Chư thiên đang ở bên ông đó. Hãy luôn hồi hướng đến họ.
Ông vô cùng cảm kích, cúi đầu, lắp bắp: “Thưa dzâng, thưa dzâng!”.
Chuyện như thế thôi mà truyền lan cả tỉnh. Các viên công chức tìm đến ông, xin được học thiền, bỏ đánh bạc, uống rượu. Dân chúng nơi này nơi kia cũng bỏ bớt cờ bạc, rượu chè tìm đến ông hoặc đến chùa nghe pháp.
Hôm kia, Sư Cả nói với ông:
– Tôi là người Lào, nếu có giảng pháp thì chỉ có người Lào, một ít người Miên, người Việt nghe mà thôi. Còn ông là người Việt, có uy tín với người Pháp, với người Việt, cả với người Miên, Lào; nếu mà ông giúp tôi giảng pháp, mỗi tháng một kỳ cũng được, thì thật là lợi ích cho mọi người lắm lắm!
Ông sợ hãi:
– Con không dám, con không có đức độ!
Rồi Sư Cả tâm sự như để thuyết phục:
– Thời buổi nhiễu nhương, mạng sống của con người như cỏ rác, sớm còn tối mất. Nếu an trú cho ai đó có qui, có giới, nếu súng đạn vô tình hay hữu ý mà cướp đi sinh mạng của họ thì ta cũng mãn nguyện làm được một việc phước đức. Ông là cư sĩ nhưng ông có giới, có định, có tuệ đấy. Thân là cư sĩ nhưng tâm ông có khác nào là bậc xuất gia? Hãy mạnh dạn lên. Tôi mà cho phép thì ở tỉnh này không ai dám nói gì đâu!
Vậy là tuân lời Sư Cả. Mỗi tháng ông chọn ngày cuối tháng để thuyết pháp, bằng tiếng Miên. Ông không dám ngồi trên tòa Pháp Sư, mà ông ngồi giữa chánh điện cùng với thiện nam tín nữ xung quanh. Lúc này, trình độ giáo pháp của ông đã khá vững vàng. Sau thời pháp, một số người đặt câu hỏi. Có hai ông Tây tò mò đến nghe, dẫu không hiểu thời pháp nhưng cũng hỏi. Ông trả lời lưu loát bằng tiếng Pháp. Một số người Việt hỏi, ông trả lời bằng tiếng Việt; và tương tự như thế là với cả người Lào. Dường như mọi người đều thỏa mãn, hoan hỷ.
Vị Sư Cả vui sướng, tươi rạng cả khuôn mặt, ân cần nói nhỏ với ông:
– Phật giáo là của cả thế giới, cho cả nhân loại. Chư thiên xúi ông đến đây là để giúp tôi một tay đó!
Còn ông quan huyện, người Miên, hôm kia đến gặp ông, nói rằng:
– A-cha Giảng lên đây giảng pháp, nói đạo làm cho nhà tôi không còn chứa bạc được nữa. Thôi! Từ nay tôi cũng cùng xin tu với A-cha Giảng luôn! Cuộc đời buồn quá, A-cha Giảng ơi!
Nghe vậy, trong lòng ông rất sung sướng, cố lắng tai nghe:
– Thực dân Pháp bóc lột, vơ vét của dân đen. Các ông quan Pháp có vũ khí trong tay, bắn dân không biết lúc nào. Tôi làm quan là muốn gánh bớt cho dân đỡ khổ nhưng rồi lại bị các phong trào vệ quốc yêu nước chưởi rủa. Bên này hiểu lầm, bên kia nghi kỵ, tôi mua vui trong chén rượu, canh bạc đỏ đen để qua ngày, qua tháng. Nay A-cha Giảng đã mở mắt cho tôi, hóa ra tu hành cũng có niềm vui đó!
Ông cảm động, nói chuyện với ông quan huyện một hồi nữa về biệt nghiệp và cộng nghiệp để cho ông hiểu rõ thêm cái khổ, cái vui của mỗi cá nhân nó còn nằm trong cái khổ, cái vui chung của cộng đồng, xã hội là như thế nào.
Thấy cư dân xứ sở này hiền lành, bắt đầu nghe theo ông để tu tập nên hôm kia, ông khởi tâm bỏ tiền ra để làm một cuộc trai Tăng lớn, gồm một trăm vị sư mời thỉnh trong bảy chùa. Do cuộc lễ tương đối lớn lao, so với tỉnh nhỏ nầy, nên sau khi mời quan huyện, ông mời luôn cả quan Chánh và Phó chủ tỉnh người Pháp cùng đến tham dự.
Vị Sư Cả ngần ngại:
– Có được không? Họ đâu có tin Phật?
Ông giải thích:
– Người Tây họ khác mình. Hai ông chủ tỉnh nầy có trình độ giáo dục, văn hóa rất cao! Ngài cứ tin con đi, chỉ vì lịch sự thôi, họ cũng phải đến dự lễ rồi, huống chi đây là địa phận do họ quản nhậm, họ phải biết con dân của họ làm cái gì chớ?
Muốn cho cuộc lễ quy mô, trọng thể một chút, ngoài việc đặt bát một trăm vị sư, ông mời thêm chừng năm trăm thiện nam tín nữ cùng đến, cùng dùng trưa, cùng hành thiền, kinh hành… Ông nhờ khoảng ba mươi cô người Việt lo việc nấu ăn, hào soạn, có hai mươi cô người Lào cùng giúp một tay. Ông trao các cô mười sáu đồng(1), bảo nếu thiếu, ông sẽ đưa thêm.
Quan Chánh và Phó chủ tỉnh đến, mỉm cười, nói với ông rằng:
– Ông triệu tập dân của tôi ở đâu mà đông vậy? Kiểu này, nếu ông mà lãnh đạo quân dân kháng chiến, ông chỉ hô một tiếng là chúng tôi nguy to!
Ông cười xòa, thành thật giải thích:
– Rồi ngài sẽ thấy! Ai kháng chiến thì họ vào rừng vào rú cả rồi; còn những người già cả, chân yếu tay mềm này, họ chỉ biết tu thôi đó! Chúng tôi cũng dzậy! Kiếp người là kiếp phù du, chúng tôi chỉ lo hạnh phúc cho nhiều đời.
Chứng kiến cuộc lễ trọn từ đầu đến cuối, quan Chánh và Phó chủ tỉnh từ chối dùng trưa, dẫu được mời; nhưng trước khi ra về, ông Chánh chủ tỉnh phát biểu ý kiến:
– Đạo Phật giúp cho con người hiền lành, thuần hậu. Họ dẫu đói nghèo nhưng rất vui tươi, rất an lạc. Rồi ông cũng giúp tôi cách đặt bát cúng dường cho chư sư chớ?
Vậy là cuộc lễ thành công. Gặp các cô lo việc bếp núc để tính toán chi phí. Các cô trả lại ông mười sáu đồng, nói rằng:
– Thiện nam tín nữ họ không chịu. Họ đã cùng hùn tay được hai mươi đồng để lo cho toàn bộ chi phí ngày hôm nay. Họ còn bảo, A-cha Giảng có phước nhiều rồi, hãy cho họ được kiếm chút ít phước báu!
Nói thế là ông đành chịu. Hóa ra không tốn đồng nào cả mà tổ chức được buổi lễ rất lớn, vang động cả tỉnh thành. Riêng ông thì ông không quan tâm việc nổi danh mà ông mừng ở chỗ là tín tâm, đạo tâm của Phật tử như được tăng lên một bực; kể cả hai ông Chánh và Phó chủ tỉnh cũng đã thay đổi cách nhìn, lại còn muốn đặt bát nữa chớ!
Xong việc, về nhà, gần tối thì có một ông Phán người Việt tìm đến, nói rằng:
– Hồi sáng, tham dự lễ, được đặt bát cúng dường, tôi hoan hỷ quá, kể lại cho vợ con nghe. Ai cũng thích. Vợ con tôi muốn mời thỉnh mười vị sư để trai Tăng tại nhà hầu hồi hướng phước báu đến cho ông bà cha mẹ nhiều đời mà tôi lại không biết cách! A-cha Giảng hướng dẫn cho tôi với nghe!
– Ông Phán ở đây rất lâu mà! Chắc phải rành rõi hơn tui chớ?
– Không đâu! Mời thỉnh chư sư tôi không biết cách, và ngay cả người nấu nướng cho mười vị một lúc, tôi cũng không biết nhờ ai! Rồi còn cách thức lễ nghi, đọc kinh gì đó, tôi đâu có biết!
Thế là ông phải giúp. Viết giấy đến Sư Cả để thỉnh mười vị, và nhờ ngài cho ba cô người Việt đến hướng dẫn cùng phụ giúp nấu ăn.

PHÁT NGUYỆN CHÁNH ĐẲNG GIÁC Ở TRONG TÂM

Khi rời Nam Vang đến đây, ông đã mang theo cả va-ly kinh sách mượn của thư viện để đọc, nghiên cứu, học và dịch thuật. Hiện ông đang soạn dịch một lúc bốn chương kinh quan trọng, và đang vấp một số câu Pāḷi không thể chuyển sang Việt ngữ nổi. Muốn đối chiếu bản tiếng Miên thì ở đây không có. Tìm đến hỏi Sư Cả thì ngài cũng chịu.
Ông đăm chiêu suy nghĩ:
“- Ở đây thì mình có thể giúp được chút ít cho nhiều người nhưng sự học sẽ không thăng tiến được! Đúng là người sinh vùng biên địa thường thiếu phước báu. Muốn lợi lạc cho nhiều người thì mình phải trở lại Nam Vang, có nhiều thuận lợi cho việc tra cứu hơn. Nhưng trước nhứt là mình thử xin phép nghỉ một tháng cái đã.”
Trước khi mang đơn đi xin phép, ông vừa van vái chư thiên vừa gởi tư tưởng “chấp thuận” đến ông Chánh chủ tỉnh. Quả nhiên, vừa xem qua, ông mỉm cười, nói dịu dàng:
– Hết phép thì trở lại liền nghe. Tôi mới tập đặt bát cho chư sư, chưa sành lắm đâu, phải nhờ ông chỉ bày thêm cho nó có phước!
Khi ông xuống tàu về lại Nam Vang, không biết có linh tính gì mà thiện nam tín nữ Việt, Miên, Lào đưa tiễn rất đông. Kẻ bịn rịn thương tiếc. Kẻ mắt đỏ sụt sùi. Ông chia tay, nói mấy lời có ý nghĩa chung chung, rằng là chúng ta là con Phật, cứ tu hành cho tốt là sau này sẽ gặp nhau lại, lo chi! Nói thì nói vậy nhưng ông có cảm giác là không trở lại được với bà con ở vùng heo hút này nữa.
Về lại tư gia, ông cảm nghe trong không gian có cái gì đó thanh bình hơn xưa. Ông mừng lắm, kể chuyện xảy ra ở tỉnh biên thùy cho cả nhà nghe. Ông còn khoe là ông học được tiếng Lào, nó cũng gần gần tiếng Miên, không khó lắm.
Ngay ngày hôm sau, lục tìm địa chỉ, ông đến thăm viếng, đảnh lễ vị thiền sư thuở trước ở trên núi. Nhưng ngài đi vắng. Ông trở lại Pháp bảo viện, sau khi trình bày sự khó khăn lúc phiên dịch, ông quản thủ thư viện giới thiệu qua Sư Cả chùa Phước Sơn. Đến Phước Sơn, vừa nghe đến tên chùa(1), ông tưởng là sẽ gặp người Việt, hóa ra không phải. Vị sư sáng lập ngôi chùa này là người Việt, miền Nam, thị tịch đã lâu rồi, bây giờ tất cả chư Tăng ở đây đều là người Miên cả.
Được sự hỗ trợ của Sư Cả Phước Sơn, sự dịch thuật đã tạm thời xuôi lọt; và ngài cũng giúp ông lần hồi, chập chững đi vào Tạng Miên. Cũng tại đây mà ông học được thêm một ít từ tạng Abhidhamma. Nhưng chính khi gặp ngài Hiệu trưởng trường Cao đẳng Pāḷi, với sự chỉ bày cặn kẽ của ngài, nhờ có căn bản Pāḷi đã học, ông mới nắm vững văn phạm, ngữ pháp; chỉ còn chịu khó học thêm danh từ, động từ và một số thuật ngữ Phật học nữa thôi là có thể soạn dịch kinh pháp được.
Khi gần hết phép, do làm việc nhiều quá mà ông lâm bệnh, phải vào nằm viện, phải đánh điện tín về tỉnh Sung-Treng cho quan Chánh chủ tỉnh và quan Chánh chủ sở Thú y hay. Ít hôm sau, một lúc đến bệnh viện cả hai điện tín. Một là của ông Chánh chủ tỉnh gởi cho ông, hỏi thăm tình trạng sức khỏe. Hai là của quan Chánh chủ sở gởi bác sĩ trưởng bệnh viện, hỏi là chừng nào thì ông có khả năng xuất viện?
Chẳng rõ ai xui, ai khiến, hay là do chư thiên xúi bẫy hộ trì ông mà bác sĩ trưởng bệnh viện, người Pháp, ông Kirsche đã đánh liền hai điện tín trả lời, đại ý như sau: “Cơ thể, khí huyết của bệnh nhân không hợp với khí hậu, thời tiết, thung thổ khắc nghiệt ở Sung-Treng; lại nữa, chính ở đây mới có đầy đủ thuốc men để chẩn trị. Đề nghị các quan lớn ưu ái cho đương sự được trở lại nhiệm sở ở kinh đô Nam Vang như cũ mới bảo đảm được sức khỏe phục vụ lâu dài!”
Dĩ nhiên, vì là quan lớn Pháp với nhau nên yêu cầu ấy đã được điện về, chấp thuận. Quả là nhiệm mầu!
Bác sĩ Kirsche gặp ông, mỉm cười kể lại việc ấy rồi nói rằng:
– Không biết tại sao mà tôi lại nghĩ, phải giúp ông điều đó, không giúp không được!
Khi ra viện, ông trịnh trọng mang quà cáp đến để tri ân tấm lòng của bác sĩ, nhưng bác sĩ không nhận, lại còn cười nói:
– Ông mang về đi! Không có ân nghĩa gì ở đây hết! Lần đầu tiên trong đời, làm bác sĩ trưởng mà tôi đã báo cáo bệnh án dối nhưng sao trong lòng cứ vui mãi mới kỳ!
Riêng ông, ông biết, đây là cảm ứng giữa cõi linh thiêng, là bất khả tư nghì nữa vậy.
Do nhu cầu học hỏi, lúc này ông hay tìm đến chùa Phước Sơn hoặc chùa Unalom, nơi ở của đức phó vua Sãi, thỉnh thoảng lại được gặp các vị giáo sư, được đàm đạo ít nhiều về giáo pháp, ông cảm thấy rất lợi lạc cho mình.
Biết trình độ tu tập của ông, hôm nọ, có mặt cả các vị giáo sư, Sư Cả Phước Sơn nói với ông:
– Ông ráng tu cho đắc quả Thanh Văn cũng được. Đời này mà thấy được Tứ Thánh, chư thiên và nhân loại đã hoan hỷ lắm rồi, giáo pháp, theo đó sẽ được phát triển, hưng thịnh. Còn quả vị Chánh Đẳng Giác lâu lắm đấy nghe!
Ông ghi nhớ câu nói đó trong lòng.
Tối đến, trong lúc hành thiền, ông quán sát tâm mình và tự hỏi:
“- Trong quá khứ, không biết tui đã có tu tập như thế nào, và các ba-la-mật như thế nào, do quá khứ che lấp, không được thấy, không được biết. Vậy xin sức mạnh của các công năng đã từng hành trì ba-la-mật từ quá khứ cho đến hôm nay, cho tui được thấy dấu hiệu, hiện tượng gì đó, để tui có thể lựa chọn nên phát đại nguyện thành tựu Thanh Văn hay Chánh Đẳng Giác?”
Rồi ông chú tâm, nhất cảnh. Lát sau, trong tâm ông chợt hiện ra một biển lớn, sóng bủa dữ dội, cả triệu triệu người lặn hụp, chìm nổi, nhấp nhô, chấp chới kêu gào đầy vẻ thảm não, tuyệt vọng… mà chẳng có ai cứu vớt. Một chiếc thuyền cũng không! Một chiếc phao cũng không! Xả thiền, ông rươm rướm nước mắt, cảm thương cho chúng sanh quá. Rồi từ đấy cho đến sáng, cứ ngồi thiền một lát thì hình ảnh ấy lại hiện ra, thế là cả ba lần cùng thấy một cảnh giống nhau.
Ông tự kết luận:
“- Vậy là trong quá khứ, dưới chân một đức Chánh Đẳng Giác nào đó, mình đã có phát nguyện hành trì ba mươi ba-la-mật để thành tựu quả vị Phật rồi, không sai!”
Ghé chùa Sùng Phước, thấy cơ ngơi chùa viện khang trang hơn trước; hội Phật học sinh hoạt đều đặn, thư viện đầy ắp kinh sách, nườm nượp cư dân Phật tử người Việt, Khờ Me vào ra; tòa soạn tạp chí “Ánh sáng Phật pháp” đều đặn ra mắt mọi người, mỗi tháng hai kỳ. Ông vô cùng hoan hỷ.
Vì không đúng kỳ bát quan trai, cũng không đúng ngày chủ nhật nên chỉ gặp được ông Miên, ông Sanh, và sư Cả Thạnh; họ là những người Việt gốc Miên đang được phân nhiệm trông coi chùa. Sư Cả Thạnh cho biết là sa-di Thiện Luật đã xuất gia tỳ-khưu(2) rồi; và ông Hồ Văn Viên cũng đã xuất gia tỳ-khưu(3), có pháp danh là Huệ Nghiêm (Thītapañño)! Họ có đến đây thăm chùa, và ai cũng muốn gặp bác sĩ…
Mừng quá, ông nói:
– Tốt quá! Thật tốt quá!
Sư Cả Thạnh nói tiếp:
– Các bạn, nhất là ông Ba Lý cũng thường khuyến khích mọi người ai xuất gia được thì xuất gia. Nên mới đây, ông Phán Long cho hai cô con gái đi tu, một là Tín Bạch, hai là Tín Thanh, hiện đang ở đây.
Nghe vậy, ông quá vui mừng đến rơm rớm nước mắt. Cũng trong ngày hôm ấy, gặp lại Ba Lý, Ba Diên, Sáu Hoa, ông cùng với họ hàn huyên nhiều chuyện. Sau đó, ông gởi thêm một số bài viết cho Ba Lý rồi nói:
– Tui mang danh chủ nhiệm mà không làm được gì, chỉ gởi có mấy bài viết. Cái chức ấy, anh Ba Lý đảm nhiệm mới đúng!
Ba Lý cười:
– Anh nên nhớ, các bài viết của anh bao giờ cũng là bài sườn, không những nói lên cái tinh yếu của giáo pháp mà còn có cả kinh nghiệm tu chứng nữa đấy! Hay là khi nào rảnh, anh viết cho một loạt bài hướng dẫn thiền samādhi và vispassanā được chăng?
– Tui sẽ cố gắng!
Sáu Hoa cười:
– Cái cách nói khiêm tốn của anh chẳng ra dáng ông chủ nhiệm một chút nào cả!
– Nó không hợp với tui! Ông nói – Từ rày, các bạn chăm lo giúp vậy nhé. Tui muốn tu thôi!
Rời các bạn với tâm trạng nhẹ nhàng, dễ chịu – ông đến tỉnh Battambang, lên núi để hành thiền.
Đến chân núi thấy có một ngôi chùa lớn, ông vào đảnh lễ Phật, đảnh lễ vị Sư Cả đã được một số cư sĩ quen giới thiệu, ngài tên là Boddhiveal. Trong lúc hầu chuyện, vị Sư Cả lặng lẽ nhìn ông và quan sát ông một hồi rồi nói:
– Ông thiện nam người Việt tu tập mà định tuệ gì cũng tốt cả; lại còn giỏi tiếng Pháp, Pāḷi, Miên, Lào nữa. Ông chưa tới mà cái danh thơm A-cha Giảng của ông đã đến đây rồi đó!
Ông cúi đầu nhũn nhặn:
– Chỉ có được chút ít, người ta đồn hơi quá đó thôi, thưa Sư Cả!
Sư Cả mỉm cười rồi bảo một sa-di dẫn ông lên lầu, nói rằng:
– Xá Lợi Tóc và Xá Lợi Răng của đức Phật, nghe đâu, ông đã từng thấy ở cung trời Đao Lợi? Bây giờ, ông hãy lên đó mà chiêm bái Xá Lợi Phật và Xá Lợi chư vị thánh Tăng tại nhân gian một lần đi!
Trước những tháp thờ Xá Lợi tôn nghiêm, nạm bạc vàng, châu ngọc lóng lánh; hai tay chấp lại, ông đứng lặng rất lâu, nói thầm trong tâm rằng:
“- Đệ tử xin hết lòng duy trì chánh pháp, nguyện đi theo gót chân của chư Phật quá khứ, thành tựu các công hạnh ba-la-mật, dẫu cho thịt nát, xương tan, máu huyết khô cạn đệ tử cũng sẽ không rời mục đích tối thượng của mình!”
Rồi ông chìm ngập nhất như trong miền tâm cảnh ấy. Không biết thời gian trải qua bao lâu, ông giật mình, tự nghĩ:
“- Mình lên đây để chiêm bái Xá Lợi mà!”
Thế rồi, ông chiêm bái Xá Lợi một lúc lâu rồi đi trở xuống.
Tối hôm đó có rất đông thiện nam tín nữa đến thăm ông, có lẽ do Sư Cả Boddhiveal báo tin. Ngài để ông được tự do nói chuyện với mọi người tại bảo điện, có giới thiệu sơ cho ông biết rằng:
– Chùa này lâu lâu có mở một khóa thiền, một lần mười ngày hoặc nửa tháng, có một thiền sư đến dạy. Số cư sĩ này đều có theo học cả đó.
Vì là sơ giao nên ông không dám nói chuyện gì với họ nhiều, chỉ nói rõ mục đích của mình:
– Tui là công chức của nhà nước. Trong thời gian được nghỉ phép, muốn tìm lên núi vắng để tập thiền dzậy thôi!
Một cư sĩ nam đã đứng tuổi, nói rằng:
– A-cha Giảng không cần thiết phải khiêm tốn như dzậy. Sư Cả có kể chuyện A-cha Giảng với chúng tôi. Mà bạn bè của tôi ở Nam Vang, ở Stung-Treng cũng có kể về A-cha Giảng. Vậy, mấy khi A-cha Giảng đến đây, hãy hướng dẫn cho chúng tôi hành thiền.
– Thưa, có Sư Cả ở đây, tui đâu dám!
– Sư Cả không có dạy thiền. Hạnh của ngài là lo cho Tăng chúng, xây chùa và mọi nhu cầu về đức tin, tín ngưỡng cho thiện nam tín nữ trong vùng.
– Thế thì đã có vị thiền sư hay đến dạy những khóa thiền rồi, tui cũng không dám qua mặt.
Một người khác nói:
– Chính vì ngài thiền sư ấy mà chúng tôi phát sanh sự nghi ngờ đó!
– Chuyện sao dzậy?
– Trong khóa thiền vừa rồi có một cô tu nữ người Miên hành thiền, sau khi trình pháp, vị thiền sư tuyên bố cô ấy đã đắc định sơ thiền! Hiện tại, cô ấy còn ở tu trên núi.
– Dzậy thì có chuyện chi xẩy ra? Người ta tu định thì cũng có thể đắc sơ thiền lắm chớ?
– Nhưng thấy cô ta cũng thường thường thôi mà! Định sơ thiền đâu phải đơn giản!
Ông gật đầu:
– Quả dzậy, cũng không phải là dễ dàng gì!
– Vậy nên chúng tôi mới phải nhờ A-cha Giảng khảo sát!
Ông lắc đầu:
– Việc ấy tui không làm được!
Thấy họ yêu cầu quá, ông từ chối cách khác:
– Có lẽ tâm định của cô tu nữ cao hơn tui, tui làm sao dám khảo sát!
Biết là họ không chịu nhưng ông nghĩ mình không có tư cách gì xen vào việc tế nhị ấy.
Sáng hôm sau, ông kiếm xe đi vào núi một mình. Cách chùa chừng mười bốn, mười lăm cấy số ngàn, gặp một thung lũng có suối, có cây cỏ, thác đá rất đẹp, rất thanh bình. Lúc lần bước theo con đường vào rừng thì thấy hai chiếc xe cam-nhông (camionette)(4)đổ khách xuống, chừng năm mươi người. Hóa ra là thiện nam tín nữ dưới chùa, họ đi tìm ông. Ông nói:
– Quý vị theo tui làm gì?
Có một vị cười:
– Chúng tôi tranh thủ đi chơi “dã ngoại”(5) và cũng đi tập thiền luôn thể.
Ông đáp:
– Tui rảnh phép được nửa tháng, tìm nơi thanh vắng để tu tỉnh một chút. Bây giờ mà đông người như thế này…
– A-cha Giảng cứ lên rừng, cứ tu ở trển, chúng tôi ở ngoài bìa rừng, phía dưới này, không tạo trở ngại, huyên náo, ồn ào chi cho A-cha Giảng cả.
Người khác nói:
– Chúng tôi cũng sẽ dựng lều trại loanh quanh đây để cùng tu tập cho vui mà! Tu hành phải có bạn, phải không bác sĩ quý kính?
Người khác nữa:
– Tu thiền trên núi, nhưng A-cha cũng phải ăn, phải vậy không nào? Vậy đến giờ ăn, A-cha hãy vui chân xuống đây, lúc nào cũng có phần ăn cho A-cha cả. Đặc biệt, chúng tôi hân hạnh được thỉnh mời đó!
Hóa ra họ đều là những con người hào sảng, chân tình cả. Ông đành phải nhận lời. Khi mang xách, rời chân lên núi thì có hai ông cư sĩ tuổi khoảng trung niên, trông sắc mặc, trang phục có vẻ phú gia, mang theo mỗi người một cái đãy, tình nguyện cùng ông lên núi hành thiền.
Rừng sầm uất, tĩnh lặng. Càng đi sâu vào thì thấy có nhiều hang đá. Ông lựa chọn quanh quất rồi tìm được cho mình một cái hang cạn, vì sâu quá thì sợ ẩm ướt và rắn rít. Một ông cư sĩ dòm xem rồi phát biểu:
– Trông nhỏ nhít như hang chuột thế này thì ăn ở sao tiện?
Ông tủm tỉm:
– Chuột! Nhưng chuột thì nhất định phải hơn gà rồi, phải không?!
Ông cư sĩ kia lanh trí, biết ý của ông nên nói với bạn mình:
– Đã nghe rõ chưa! Gà bao giờ cũng có sẵn lúa ăn, được chủ nuôi cho mập; rồi đến lúc, họ cắt cổ, lấy tiết, vặt lông, trụng trong nồi nước sôi, xé phay tiêu muối, rau răm để ăn nhậu. Chuột chẳng có lúa gạo, chẳng ai nuôi, tự tìm lấy cái ăn, chẳng sợ ai giết thịt, lại được tự do tự tại. Thân phận của chúng ta là gà phố thị, gà đồng nội, còn A-cha Giảng của chúng ta là chuột núi, chuột rừng đó!
Câu ví von so sánh dí dỏm ấy làm ai cũng phải phì cười.
Hai người tìm được một hang đá rộng rãi, họ ở với nhau. Còn ông, ban đầu tưởng chọn cái hang cạn, có ánh sáng, nhưng đi vào sâu ba thước lại có một cái ngách, bên trong có cả tấm thạch bàn, có chỗ đặt tượng Phật, chỗ thắp nhang; lại được treo sẵn một bộ xương người; chắc đây là “cơ ngơi” của ai, trước đã từng tu tập, quán “đề mục tử thi” chọn chỗ tạm cư!
Sau khi quét dọn chỗ ở, ông đặt lên tượng Phật, đốt đèn cầy, thắp nhang, tụng kinh Tam Bảo, hồi hướng đến chư thiên, thọ thần, sơn thần như thường lệ. Trưa, ông nhịn, chỉ uống nước ngoài suối rồi hành thiền suốt cả buổi chiều, lặng lẽ đi vào định không trở ngại gì, không cần ra ngoài kinh hành. Tối, ông tập đi vào đi ra các định đề mục đất, đề mục nước, đề mục ánh sáng, đề mục tâm từ, thấy vẫn nhẹ nhàng, thông suốt, thuần thục không trở ngại gì.
Lúc gần sáng, ông niệm hơi thở, trở lại tuệ quán, chấp tay khấn giữa hư không:
“- Đệ tử phát nguyện tu hành bất thối cho đến khi chứng quả Phật để giáo hóa chúng sanh thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi!”
Lời nguyện vừa dứt, trước ngực ông hiện ra một vầng hào quang, sáng như ngọn đèn măng-sông, tròn, to, rõ rệt. Trong vầng hào quang đó, hiện ra nào núi, nào sông, nào trăng, nào sao, nào người, nào vật, nào cỏ cây, hoa lá và muông cầm điểu thú các loại… Phỉ lạc trào dâng… rần rần, bay bổng… ông cảm giác chưa có một hạnh phúc nào trên trần gian có thể bằng “một phần mười sáu” như hạnh phúc mà ông chứng nghiệm hôm nay.
 
Christiannguyen Date: Thứ Tư, 17 Apr 2019, 4:15 AM | Message # 8
Lieutenant
Group: Users
Messages: 48
Status: Tạm vắng
TIẾNG HỐNG CỦA TIỂU SƯ TỬ

Sáng ngày, ông thảnh thơi, nhẹ nhàng như bước trên đầu cỏ, đến rủ hai ông cư sĩ xuống thăm thiện nam tín nữ.
Nhìn sắc mặt ngời ngời của ông, họ thốt lên:
– Sắc mặt A-cha Giảng như có hào quang!
Có người thực tế hơn:
– Thế là trưa hôm qua A-cha Giảng nhịn ăn, hôm nay phải ăn bù đấy nhớ!
– Phải vậy! Người khác nói – Kẻo xuống Nam Vang, người ta bảo là chúng ta đã bỏ đói A-cha, có mang tiếng oan uổng không chớ?
Thế là họ dọn cơm cho ông ăn. Mỗi người mỗi món, thật không thiếu thứ gì.
Ông cười vui:
– Bà con cho ăn hậu hĩ, thịnh soạn quá dzậy! Cứ xem cái chất lượng những món ăn này, ba ngày tới chắc tui không cần ăn mà vẫn còn đầy đủ năng lượng.
Do bị ép quá nên ông cứ ăn thêm một miếng, thêm một miếng mãi, nên khá no. Phải đi kinh hành non một tiếng để tiêu hóa.
Buổi chiều, họ chưa cho ông lên rừng, nói là còn dài ngày, phải nói đạo, nói thiền cho họ nghe đã. Thấy họ tha thiết và chân tình quá, ông đành phải ngồi lại.
Vậy là dưới các tàn cây mát mẻ, ngay tại bìa rừng lại hình thành một pháp hội, trông hồn nhiên, vui vẻ mà cũng đạo vị vô cùng.
Ông mở đầu, lời rất từ tốn:
– Tui không dám khoe pháp bậc cao nhân, cũng không dám nói quanh với bà con cô bác, là tu định thiền cũng như tuệ quán, bây giờ, đối với tui, nó như hơi thở, như cơm ăn, nước uống; nó cần thiết cho sự sống tâm linh của tui vô cùng. Lâu ngày nó quen thôi, chẳng tài giỏi chi cả. Bây giờ, bà con bắt bí tui, bắt tui nói đạo, nói thiền, tui biết nói cái gì, vì trình độ tui chỉ có hạn….
Họ lại lao nhao:
– A-cha Giảng lại khiêm tốn nữa rồi!
– A-cha Giảng ăn nói sao mà lại nhún nhường, dễ thương đến vậy!
Ông tiếp tục:
– Bây giờ bà con cô bác thử nói mình tu, mình niệm như thế nào; tâm trú vào đâu, trú như thế nào, bao lâu? Rồi nói tiếp nữa cho tui nghe xem, nơi thân xảy ra cái gì… như tê, ngứa, đau, nhức, rần rần, nhẹ lâng lâng, chớp ánh sáng hay là mát mẻ cả người như thế nào? Cứ kể hết đi, cứ nói hết đi! Bạn đạo với nhau dễ ăn, dễ nói? Rồi có ai lên cao được chút nữa, vào sâu được chút nữa thì có an lạc không? An lạc được bao lâu? Có ai ngồi an lạc hoặc trú tâm được hai ba tiếng không? Cứ nói đi, tui biết chừng nào thì tui nói chừng nấy; tui muốn hỏi về thiền định của bà con cô bác đó!
Rồi tuần tự người này kể rồi kẻ khác kể. Ông thấy rõ là chưa đâu vào đâu cả, chưa ai có cái gì cả, chỉ có được vài ba cái phỉ (pīti) chung chung.
Thế là ông phải giảng cái lộ trình thiền định, rất cặn kẽ, rất chi tiết cho hội chúng cư sĩ nghe. Để khuyến khích mọi người, ông kể cái hạnh phúc khi an trú được hai tiếng, ba tiếng, đôi khi cả đêm. Chưa nói đến những phước báu vi diệu của thiền định, chỉ cái lợi ích trước mắt của nó là tham lam, nóng nảy nó bớt đi; và lúc nào mình cũng trầm tĩnh, ổn định để đối nhân xử thế, xử lý mọi công việc làm ăn mà ít lầm lỗi hoặc không lầm lỗi như thế nào!
Giảng xong, ông chợt giật mình:
“- Có khoe pháp bậc cao nhân không đó? Có ngã mạn không? Có tự tin quá không? Có đúng chức năng của mình không?”
Khi tự xét là do mình có tâm với bà con mà thôi chớ không khởi tâm nào khác nên ông thở phào, nhẹ nhõm.
Mọi người có vẻ hoan hỷ. Số đông chia tay ra về, chừng mười người tình nguyện ở lại tu tập nhờ ông hướng dẫn. Thế là chiều tối, ông lên núi, vào hang, đến trưa hôm sau xuống bìa rừng ăn cơm với họ, ở lại ngồi thiền cùng họ, trực tiếp hướng dẫn cho họ.
Thoáng đã gần hết phép, ông và mười cư sĩ trở về chùa. Thiện nam tín nữ vây quanh lại, một lần nữa, họ yêu cầu ông khảo sát giùm cô tu nữ nói là đã đắc sơ thiền. Ngại ngùng, ông hỏi ý Sư Cả, ngài nói:
– Việc ấy cũng không sao, tôi cho phép. Vả lại, tu Phật, đức tính quan trọng nhất là sự chân thật.
Ông nói:
– Việc này quan trọng đây. Dzậy nhờ sư cả chủ trì. Nhờ ngài mời cho bằng được bốn vị cao Tăng, trưởng lão có thẩm quyền về thiền định, giáo điển, Pāḷi, cả vị thiền sư và cô tu nữ. Rồi trước hội chúng, có mặt tất cả chư thiện nam, tín nữ, con sẽ phỏng vấn từng câu một. Việc này nên công khai tại bảo điện, có Tam Bảo chứng minh!
Tối hôm ấy, khoảng hai mươi giờ tối, cuộc “khảo sát” được tiến hành như dự định. Vị sư cả cùng bốn vị trưởng lão đồng chủ trì, bên cạnh là vị thiền sư, nhỏ hạ hơn. Cô tu nữ người Miên chừng ba mươi sáu tuổi cũng đã có mặt và khoảng vài trăm thiện nam tín nữ tham dự.
Sau vài lời giáo từ của sư cả, ông đảnh lễ chư vị trưởng lão rồi bắt đầu công việc của mình. Ông hướng đến cô tu nữ, mở lời:
– Đây là do yêu cầu của bà con cô bác, bất đắc dĩ tui mới mạn phép hỏi cô vài lời, mong cô bỏ lỗi cho tui. Dzậy chúng ta hỏi hay đáp đều phải được y cứ trên sự thật, vì đạo Phật là đạo như thật.
Mọi người “Sādhu, lành thay!”.
Ông tiếp tục:
– Hôm nay có mặt vị thiền sư, dzậy có phải ngài thiền sư đây đã có tuyên bố cô đắc định sơ thiền? Cô hãy nói sự thật đi! Sự thật như thế nào cô hãy nói như dzậy, không ngại ngùng chi cả.
Cô tu nữ im lặng. Hỏi ba lần một câu mà cô vẫn không trả lời.
Vị thiền sư đỡ lời:
– Có lẽ trước quá đông người nên cô sợ hãi, không dám nói chăng?
Ông tự nghĩ:
“- Vị thiền sư này nói trật rồi! Vậy thì đây là chân lý, là sự thật, lợi ích cho nhiều người, ta sẽ không cả nể, không nhân nhượng nữa!”
Ông cứng rắn đáp:
– Chư vị trưởng lão hãy chứng minh sự thật cho! Con sẽ lần lượt đọc ra đây ba đoạn kinh Pāḷi, một đoạn nói về năm quả báo cho người bố thí, năm quả báo cho người trì giới, năm quả báo cho người thiền định…
Rồi ông đọc ba đoạn kinh Pāḷi.
Một vị trưởng lão lắng nghe kỹ rồi gật đầu, xác nhận:
– Tôi hiểu. Ông đọc Pāḷi ba đoạn kinh ấy, phát âm chưa chuẩn xác lắm nhưng mà tôi nghe được. Theo đó, đại khái là đức Phật có dạy rằng, người bố thí có năm quả báu, mà quả báo thứ ba là không rụt rè, sợ hãi trước bất cứ đám đông, hội chúng nào. Người trì giới cũng có năm quả báo, mà quả báo thứ ba cũng y như vậy. Còn người có thiền, có định có quả báo nhiều hơn vậy nữa thì không lý gì lại rụt rè, sợ hãi trước đám đông người.
Một vị trưởng lão mỉm cười nhẹ:
– Ngài thiền sư của chúng ta nói sai rồi!
Một vị trưởng lão khác nhìn ông bằng tia mắt ấm áp:
– Ông cư sĩ hoàn toàn nói đúng rồi! Hãy tiếp tục!
Cả hội trường lại vang rân lên “sādhu, lành thay”,“Đúng rồi! Đúng rồi!”
Thấy cô tu nữ im lặng, ông quay qua vị thiền sư:
– Thưa ngài, con không có cách chi để cô tu nữ phải mở miệng được, dzậy thì phải phiền đến ngài thôi, xin ngài từ bi hỷ xả tha lỗi cho. Câu hỏi của con như thế này: Tại sao ngài nhìn nhận cô tu nữ đắc định sơ thiền?
Vị thiền sư đáp:
– Vì cô trình pháp với tôi.
– Cô đã trình như thế nào, thưa ngài?
– Cô nói cô đắc định sơ thiền.
– Vậy là ngài tin.
– Vâng, tôi tin.
– Thế ngài không hỏi kỹ càng, nhập sơ thiền là nhập như thế nào chăng?
– Tôi không hỏi.
– Kể cả trạng thái tâm, cảnh như thế nào, ngài cũng không hỏi chăng?
– Tôi cũng không hỏi.
Ông cất giọng lớn:
– Ngài thiền sư của chúng ta lại sai một lần nữa rồi. Ví như ngài hỏi một đệ tử rằng: “Con đến chợ Battambamg chưa?Người đệ tử đáp: “Dạ, con đến rồi”. Thế là ngài tin, lần sau, ngài lại bảo: “Con đến ngôi chợ đó, tìm mua cho ta mấy chục thước vải vàng rồi về ngay nghen!”. Người đệ tử lúng túng, vì có đến chợ nhưng chưa biết bên trong chợ, cái hàng vải nằm chỗ nào! Tại sao dzậy? Đến rồi là khác. Đến rồi mà có vào trong chợ không lại khác nữa. Vào trong chợ rồi nhưng hàng rau cải chỗ này, hàng tạp hóa chỗ kia, hàng vải vóc chỗ nọ lại càng khác hơn thế nữa. Cũng tương tợ như dzậy, nhập thiền mà không hỏi trong thiền đó như thế nào để tin chắc thật sự là có nhập thiền chớ? Ngài sao cả tin quá dzậy!
Vị thiền sư ngồi nín thinh.
Ông cũng chưa chịu buông tha:
– Đi vào cụ thể một chút nữa, là kinh nghiệm của ngài: Định sơ thiền thì có những thiền chi nào phát sanh; rồi thiền chi nào đối trị với triền cái nào?
Vị thiền sư trả lời bằng Pāḷi, năm thiền chi đối trị năm triền cái rất rõ ràng(1).
Ông đáp:
– Ngài thiền sư trả lời đúng, xin chư vị trưởng lão hãy xác nhận cho.
Các ngài gật đầu xác nhận sự thật.
Ông hỏi tiếp:
– Lúc sukha (an lạc) phát sanh, ta còn biết các đối tượng bên ngoài chăng?
– Sukha nhẹ thì còn biết rõ. Sukha mạnh thì biết mơ hồ.
Ông nói:
– Ngài thiền sư lại đúng nữa, xin chư trưởng lão xác nhận sự thật cho.
Các ngài gật đầu, xác nhận.
Ông hỏi tiếp:
– Khi nhập định, tâm ta như thế nào, còn biết đối tượng bên ngoài chăng?
– Cận hành thì còn biết, vào an chỉ định thì không còn biết gì bên ngoài nữa.
– Ngài thiền sư trả lời đúng, xin chư vị trưởng lão xác nhận cho một lần nữa.
Các ngài lại gật đầu, xác nhận.
Ông hỏi tiếp nữa:
– Nhập định là tâm trú vào một cảnh giới, vậy cảnh giới ấy là ở chỗ nào trong thân, hay ở ngoài thân(2), thưa ngài thiền sư?
Thiền sư lại im lặng. Im lặng khá lâu và khuôn mặt có vẻ lúng túng.
Đến đây, ông dõng dạc kết luận:
– Câu hỏi cuối là câu hỏi tối hậu, ai có kinh nghiệm định sơ thiền là vị ấy trả lời được ngay, không ngập ngừng, không do dự. Con xin mạn phép thưa chư vị trưởng lão để xác quyết sự thật này, có Tam Bảo chứng minh: Là cô tu nữ của chúng ta chưa đắc định sơ thiền, mà thầy của cô, ngài thiền sư, cũng chỉ mới đạt sukha (an lạc) trong định sơ thiền mà thôi, chưa vào “an chỉ” của định sơ thiền được!
Chư vị trưởng lão gật đầu. Một vị mỉm cười nhẹ, nói nhỏ vừa đủ cho ông Giảng nghe:
– Ông hỏi câu khó! Hoặc câu hỏi ấy sai! Nếu suy nghĩ một hồi rồi mới trả lời là chưa đắc. Nếu kẻ đã đắc rồi, thấy rồi – thì câu hỏi kia chỉ là trò cười!
Ông Giảng hoảng sợ:
– Đệ tử từ rày không dám thế nữa!
Cả hội chúng tán thán, hoan nghênh ông không hết lời. Trong lúc đó thì ông lặng lẽ quỳ xuống, đảnh lễ chư vị trưởng lão, rồi quay qua đảnh lễ ngài thiền sư rồi nói rằng:
– Dẫu đấy là sự thật, nhưng xin ngài hãy xá tội cho con!
Tiếng “sādhu, lành thay” của hội chúng lại cất lên hoài không dứt.
Khuya đến, ông tự vấn:
“- Mình có làm cái chi quá đáng không?”
Một hồi rồi ông tự trả lời:
“- Sự thật thì nên làm dzậy để lợi ích thật sự cho nhiều người!”
Sau đó, ông mỉm cười:
“- Hóa ra, trình bày, kiến giải hoặc tranh luận giáo pháp cũng là một hạnh phúc”.
Rồi ông tự cho phép mình được“giải đãi” ngủ một giấc để ngày mai rời Battambang.

NẰM BỆNH VÀ NGÔI CHÙA Ở GÒ DƯA

Trở lại Nam Vang làm việc như cũ, chương trình của ông là thường đến chùa Sùng Phước để giảng pháp và hướng dẫn thiền định cũng như thiền quán cho đạo tràng. Được hơn nửa năm thì hôm kia, ông thấy mình đau ruột dữ dội, quan sát một lát biết là đau ruột thừa. Dùng định lực trấn giữ cơn đau, ông ghé sở một lát rồi đến ngay bệnh viện Phnôm-Pênh.
Khám xong, bác sĩ nói:
– Khúc ruột dư này phải mổ thôi!
Ông gật đầu:
– Đúng dzậy!
– Ông có ngần ngại gì không?
– Không! Dư ruột là phần việc của cơ thể. Mổ cắt khúc ruột ấy là phần việc của bác sĩ. Được hay không được, sống hay chết là phần việc của nghiệp. Tui có can dự chi vào đó được.
Bác sĩ chăm chăm nhìn ông:
– Lần đầu tiên tôi nghe một bệnh nhân phát biểu một câu y hệt một hiền triết Hy Lạp!
Ông cười tủm tỉm:
– Vô ngã của Phật đó mà!
Vào phòng mổ, trước khi bị gây mê ông niệm “Arahaṃ, Arahaṃ”… rồi sau đó không còn biết gì nữa cả.
Mổ xong, họ mang ông sang phòng dưỡng, đến khoảng mười lăm giờ chiều ông mới tỉnh, mới tỉnh với hơi thở ra, đi liền với câu niệm “Arahaṃ”! Tuy nhiên, mắt ông thấy lờ mờ mà tai thì nghe mơ hồ. Lát sau, ông thấy sáng dần dần rồi thấp thoáng hai ba bóng người cùng lời hỏi đáp:
– Thôi, ông tỉnh rồi đó.
– Ổng nói cái chi vậy?
– Ổng nói Arahaṃ, Arahaṃ gì đó!
– Ờ, ổng niệm Phật!
Rồi họ đi ra.
Mắt và tai ông, lát sau, thấy khá hơn một tí. Ông thấy lờ mờ hai người y tá, một cô và một thầy, quan sát ông rồi một người nói:
– Thôi, không có sao đâu, an toàn, mạnh khỏe rồi!
Lát sau, cô Diệu dẫn bà bước vào. Bà khóc và than trách ông đủ điều:
– Sao đi mổ mà không cho tui hay? Cũng chẳng thèm báo với ai trong nhà một tiếng nữa! Người chi mà vô tâm, vô tình, người chi mà coi cái mạng sống như trò chơi!
Ông phì cười, cất giọng khàn khàn:
– Cái đau mình không làm chủ được, cái mạng sống mình lại càng không làm chủ được, bà không biết sao ha?
Bà lại nói lẫy:
– Tui không biết. Tui không biết chi ba cái cao siêu cao siết đó hết!
Ông cười nhẹ, dàn hòa:
– Dzậy là bà biết rồi đó nghen! Biết mà làm giả bộ không biết!
Cô Diệu nói:
– Thôi, ba nghỉ đi, nghỉ cho khỏe!
Thấy bớt bớt được mấy hôm, sau đó người phát sinh nóng lạnh. Bác sĩ vào khám, cho biết là vết thương bị làm mủ. Bác sĩ hỏi ý kiến ông:
– Mổ lại thì nguy hiểm. Nếu không mổ lại thì phải kiếm thuốc tốt, khá đắt tiền, có thể uống tiêu mủ được. Ông quyết định đi!
Bạn bè tới thăm, họ hứa kiếm thuốc tốt nhờ quen biết các quan lớn Tây. Bà thân cô Diệu lại khóc lóc, nói bán cả gia tài cũng phải chữa trị cho ông.
Tuần sau nữa thì vết thương lành mủ. Ai cũng bảo là ông có phước báu hộ trì, vì cùng mổ với ông có ba người mà họ đều chết cả.
Nửa tháng sau, ông ngồi dậy, nhúc nhích đi lại nhưng dòm ra ngoài cửa sổ thấy mờ mờ. Ông tưởng mắt bị ghèn hoặc bị bụi, lấy khăn ướt lau nhưng vẫn thấy lờ mờ như cũ.
Ông bạn bác sĩ quen nói:
– Kỹ thuật gây mê của các y tá đang còn yếu; ông bị mờ mắt là do lạm thuốc mê đó, nghĩa là thuốc mê quá liều lượng!
Ông cười:
– Cũng không thể trách y tá được! Cái này chúng ta chỉ nên trách “nghiệp” thôi! Nghiệp đưa ta đến sống ở nơi này, làm việc ở nơi này, cùng chánh báo, y báo(1) với mọi tương quan trùng trùng với xã hội, với con người. Cái bên ngoài ấy không thể thay đổi được. Có thay đổi là thay đổi cách nhìn của mình, thay đổi tâm niệm và tư tưởng của mình thôi.
Ông bạn gật đầu:
– Đạo Phật đã cho ông một thái độ sống lạc quan – từ một hoàn cảnh được xem như bi quan nhất.
Ông muốn gieo cấy cho ông bạn một hạt giống giáo pháp nên mỉm cười:
– Lạc quan thì ở bên này, bi quan thì ở bên kia – nếu nói chính xác, đạo Phật cho tui một cái nhìn như thật, không rơi bên này, không rơi bên kia, tạm gọi là trung đạo dzậy, thưa ông bạn quý mến!
Ông bạn nhăn mày. Cũng nhờ vậy mà sau này, ông bạn đã tìm cách học hỏi, nghiên cứu về đạo Phật một cách nghiêm túc, kỹ càng!
Tháng sau nữa, ông vẫn còn nằm viện vì bác sĩ cần theo dõi liên tục. Ông cảm nhận rõ ràng rằng, mắt không chỉ mờ mà còn kéo theo cả giảm trí nhớ nữa. Đọc sách trở ngại đã đành mà hành thiền cũng bị ảnh hưởng không tốt. Tuy nhiên, không nản chí, ông vẫn tiếp tục duy trì các thời hành thiền; cuối cùng, dẫu có tiến bộ nhưng vẫn không khắng khít và đi vào sâu như trước.
Ra viện, ông được phép ở nhà ba tháng để dưỡng bệnh. Các bạn hữu đạo tràng trong Hội Phật học đến thăm ông liên tục từ ngày này sang ngày khác. Đặc biệt, hôm nọ, hai vị tỳ-khưu Thiện Luật và Huệ Nghiêm đồng đến một lúc. Trông Tăng tướng y bát trang nghiêm, đẹp, sáng rỡ của cả hai vị, ông định ngồi dậy đảnh lễ nhưng họ ngăn lại:
– A-cha Giảng cứ nằm nghỉ! Chúng tôi xuất gia trước nhưng vẫn là đàn em của A-cha Giảng đó thôi!
Ông chấp tay lên:
– Quý sư đừng nói dzậy mà tui mang tội!
Đại đức Thiện Luật nói ví von cho vui:
– Con rùa trước, sa-di ba năm mới tu tỳ-khưu! Con thỏ sau, giới tử mới mấy tháng đã tu sa-di và tỳ-khưu một lượt. Hóa ra, sau trước trước sau đang cùng đến gặp A-cha Giảng một lần đây!
Sau đó, cả hai vị tỳ-khưu tâm sự là đang cố gắng học và tu tập cho tốt để sau này phụ giúp với ông một tay trong việc mang giáo pháp về Việt Nam.
Ông lại chấp tay lên lần nữa:
– Sādhu, lành thay!
Thế là sau đó, ông lại biên thư cho ông Hiểu. Cỡ tháng sau thì nhận được thư hồi âm, ông Hiểu bảo là ông đã rất sung sướng khi nghe những dấu hiệu tốt ban đầu. Ông cũng thông báo là ông đã tìm mua được đất, đã gầy dựng được một ngôi chùa tranh tre nứa lá tại một khu rừng rất đẹp, có những gốc cổ thụ tàn lá im mát suốt ngày, rất thuận lợi cho sinh hoạt đạo tràng… Cuối thư, ông Hiểu nói là có vị tỳ-khưu nào có thể về trước để tiếp nhận chùa chưa? Ở đây rất cần hình bóng của vị sư Nam tông, tam y nhất bát trì bình khất thực!
Thấy nhiệt tình chính đáng của bạn, ông đích thân đi tìm đại đức Thiện Luật, trình bày nguyện vọng ở quê nhà, mong sư hoan hỷ hồi hương tiếp nhận ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Nguyên thủy Việt Nam.
Đại đức Thiện Luật ngần ngại:
– Về luật thì tôi kha khá, nhưng về trình độ kinh giáo thì tôi đang cần phải học hỏi nhiều!
– Không sao! Ông nói – Vừa tu vừa học cũng được; cái cần nhất là hình bóng khất thực thanh tịnh ở quê nhà. Dù sao, sư xuất gia cũng đã bốn năm, được một hạ tỳ-khưu rồi! Trông đã chững chạc rồi! Đại đức Huệ Nghiêm thì vừa mới xuất gia, chưa tiện. Dần dà, tui sẽ kiếm thêm người về giúp sức!
Thế là sau đó, đại đức Thiện Luật nghe xuôi tai, đồng ý về Sài Gòn tiếp nhận chùa ở Gò Dưa, Thủ Đức. Năm ấy là năm 1938, đã trở thành thời điểm đánh dấu, hứa hẹn Phật giáo Theravāda từ Campuchia du nhập miền Nam-Việt Nam.

DUYÊN CỚ XUẤT GIA

Trong thời gian nghỉ dưỡng, cứ đến cuối tháng là ông vào sở nhận lương. Bắt đầu nhận đồng lương tháng thứ ba là ông đã cảm thấy bất an, khó chịu. Ông bèn nói với ông Chánh chủ sở rằng:
– Không làm gì cả mà cứ đều đều nhận lương như thế này, tâm tui nó không yên.
Ông Chánh chủ sở đáp:
– Bộ ông tưởng rằng tiền ấy là tiền của tôi chắc? Cứ ở nhà đi, mạnh khỏe rồi hãy đi làm. Là công chức của nhà nước tiến bộ, được hưởng theo quy định chế độ nghỉ dưỡng đàng hoàng, ông áy náy mà làm gì!
Đúng là vậy nhưng ông cứ thấy mình không thoải mái, cảm giác như lấy không tiền của nhà nước. Đêm đó, ông viết một lá đơn xin nghỉ việc gởi qua Chánh chủ sở, nhờ ông ta đệ trình lên quan Công Sứ, với lý do mắt mờ, tai kém, thiếu năng lực làm việc. Sáng ngày, cầm lá đơn trên tay, ông đến văn phòng sở.
Các bạn đồng liêu và thuộc hạ cùng hỏi:
– Ông đang nghỉ dưỡng mà, vào đây làm chi?
Ông trình bày lý do rồi kết luận:
– Bởi dzậy, tui định gởi đơn xin nghỉ việc đây.
Họ can, mỗi người nói một câu khác nhau.
– Mình nghỉ theo chế độ mà, mình có ăn cắp tiền của ai đâu.
– Không nên! Đừng quyết định quá vội vã. Một công việc ổn định, đồng lương lại cao, khi nào hết phép hẵng hay.
– Xem nào, lương của một công nhân trung bình được nhận từ hai mươi đến ba mươi đồng; còn lương của ông những ba trăm đồng, chưa kể các kỳ thưởng lễ, tết – nghỉ thì tiếc quá đó nghe!
– Cho dẫu tai kém, mắt mờ đi, nhưng ông đến sở làm việc có trở ngại chi? Nhân viên phụ tá và thuộc hạ của ông đã có khả năng cáng đáng mọi việc, ông chỉ ngồi chơi và thỉnh thoàng ký giấy tờ thôi mà!
Thấy anh em nói có lý, ông cầm đơn ra về.
An tâm chỉ được ít hôm, ông cứ đi vào, đi ra, nằm xuống liền ngồi dậy, hành thiền chút ít rồi lại xả – một ý nghĩ khởi sanh trong ông:
“- Hay cái chuyện bệnh tật này lại là sứ giả báo hiệu cho ta nghỉ việc để từ đó xuất gia tu học? Tất cả mọi nhân, mọi duyên trên đời này chúng đều xảy ra theo một trình tự hợp lý, chẳng nên nói cái này là tốt, cái kia là xấu. Có cái lại từ tốt ra xấu. Có cái lại từ xấu ra tốt. Nhận đồng lương lớn là tốt chăng? Và thế là vì cái tốt ấy mà ta sẽ làm công chức suốt đời không xuất gia tu học được. Mắt mờ, tai kém là xấu chăng? Và biết đâu, nhờ cái xấu này mà ta xin nghỉ việc, lại được xuất gia tu học? Bạn bè của ta đã mấy người đi trước ta rồi!”
Rồi ông tiếp tục suy nghĩ:
“- Suốt mười mấy năm trường, ta đã canh cánh bên lòng việc xuất gia, rồi để trọn tâm huyết đời mình cho giáo pháp, cho những người hữu duyên. Việc mang giáo pháp về Việt Nam thì mình và bạn bè cũng đã phân công, phân nhiệm rồi! Mới đây lại đã phát đại nguyện Chánh Đẳng Giác nữa. Đúng vậy, ta đã giải quyết được bài toán tốt, xấu rồi!”
Hôm sau, ông đến bệnh viện xin khám lại mắt và tai. Ông tìm một bác sĩ bạn thân rồi tâm sự ước mơ đời mình cho ông bạn nghe rồi cất giọng khẩn thiết:
– Dzậy tui cậy nhờ ông, sau khi khám xong, ghi vào hồ sơ bệnh lý cho rằng: Do thuốc mê quá liều lượng nên bệnh nhân bị ảnh hưởng tai và mắt, ảnh hưởng luôn cả tâm trí, không còn có khả năng làm việc được nữa.. Hãy cố gắng giúp tui với!
Người bạn thể theo nguyện vọng, xác nhận đúng như vậy. Về nhà, ông viết một lá đơn khác, đính kèm hồ sơ bệnh án, không nói với ai, đi thẳng đến sở. Lần này, ông không ghé văn phòng mà đi thẳng lên ông Chánh chủ sở.
Ông Chủ sở xem đơn xong, cất giọng bùi ngùi:
– Tôi biết tính ông. Tôi biết cả sự tu hành chân chính của ông nữa! Tôi còn biết vì lương tâm của ông quá trong sạch nên ông mới làm việc này, là sắp xếp chu đáo cái lý do qua hồ sơ bệnh án! Quả thật, nhân viên có tài của tôi, kể ra cũng còn nhiều, nhưng chỉ tiếc là từ nay, ở đây thiếu vắng một người bạn lành…
Nói xong, ông lắc đầu mấy cái rồi mới ký, rồi còn cẩn thận ghi thêm: Đề đạt nguyện vọng chánh đáng của đương sự lên quan Công Sứ sau khi đã xem xét kỹ hồ sơ bệnh án! Xong, ông nói:
– Thỏa nguyện vọng rồi đó! Bao giờ thì xuất gia đây? Nhớ mời tôi tham dự với nghe!
Xiết bao cảm động, ông mở lời trân trọng cảm ơn ông Chánh chủ sở rồi từ giã, không quên ghé văn phòng thăm anh em.
Lá đơn được trao cho đứa bé chạy thư, mang đến phủ công sứ, ngay trong ngày, không chậm trễ.
Về nhà, tâm hồn ông lâng lâng, cảm giác như đã thoát được nợ trần gian. Ông giấu niềm vui trong lòng đợi khi đầy đủ mọi người trong nhà, bên mâm cơm, ông mới nói:
– Tui đã xin được nghỉ việc rồi đó. Từ nay, tui không còn có khả năng làm ra tiền ra bạc nữa. Mọi người hãy ủng hộ cho tui xuất gia. Nhất là bà, bà hãy cho phép tui xuất gia, bà nó nghen!
Cô con gái, tức là cô Diệu, tán thành:
– Ba làm việc cả đời rồi cũng nên để ba nghỉ ngơi! Vả lại, xuất gia tu học cũng là một ước mơ khôn nguôi của ba đó! Con ủng hộ nguyện vọng chánh đáng của ba!
Bà không chịu:
– Chánh đáng gì mà chánh đáng? Không còn làm ra tiền ra bạc nữa không phải là lý do chánh đáng! Tui không cần tiền bạc của ông, vì tui nguyện sẽ nuôi ông suốt đời! Cái tui cần là bóng dáng của ông trong ngồi nhà này. Tui hứa để ông tự do, tự do đi lại, tự do lên thất, tự do tu bát quan trai, tui không dám cản, nhưng nhất quyết ông phải ở nhà!
Thấy bà “phán” như đinh đóng cột, ông lẳng lặng không nói gì nữa; biện pháp của ông là từ từ, vì ông là người biết chờ đợi.
Thời gian thảnh thơi ở nhà, ông không còn tu hành “kịch liệt” như trước do bệnh một phần, một phần là vì cánh cửa chánh pháp đã được mở rồi, đã thấy rồi, chỉ còn bước vào nữa thôi, gấp gáp gì! Lúc rảnh, ông chơi đùa một chút với hai đứa con nhỏ nhất, bởi ông quyến luyến chúng nhất, nhưng mà ông tự nghĩ:
“- Cái sợi dây quyến niệm này, nó có thật đó, nhưng mà chúng mong manh làm sao, chỉ như là một sợi chỉ mành bằng tơ nhện vậy!”
Tối hôm kia, nằm chiêm bao, ông thấy tay mình bốc phẩn ăn, trông lại thì thấy mặt hai đứa con nhỏ, bèn nghĩ trong giấc mơ rằng:
“- Ủa! Đây là phẩn của hai đứa nhỏ mà, mình ăn làm gì?”
Bèn quăng vất đi rồi rửa tay sạch sẽ.
Sáng ngày, nghĩ lại, ông suy gẫm, giật mình:
“- Khiếp chưa! Hai đứa trẻ mà ta thương yêu nhất, quyến luyến nhất, điềm triệu báo cho ta điều gì, tốt hay xấu mà ta lại thò tay bốc phẩn của chúng, muốn ăn, sau lại quăng vất đi?”
Bị ám ảnh bởi giấc mộng kỳ lạ đó, ông đi tìm gặp Sư Cả chùa Phước Sơn, kể lại cho ngài nghe.
Ngài cười nói:
– Tốt đó! Vậy là chí nguyện xuất gia của ông sẽ thành sự thật.
– Xin ngài giảng cho nghe?
– Sự yêu thương, quyến luyến chính là phẩn – chính là phẩn có từ hai đứa trẻ mà ông yêu thương, quyến luyến ấy. Nếu ông ăn là “bất đắc”(1) không xuất gia được! Nếu ông quăng vất thì “khả đắc”(2) nghĩa là xuất gia được! Thế thôi!
Bất giác, ông rùng mình một lượt nữa:
“- Như vậy, chí nguyện xuất gia của ta nó đã ăn sâu trong tiềm thức nên trong giấc mộng mà ta còn biết quăng vất phẩn của hai đứa trẻ! May thay!”
Các buổi đạo đàm sau đó, có ngài cả Phước Sơn, mấy vị trưởng lão và có cả các vị giáo sư, ông ký thác tâm sự:
– Thưa quý ngài! Vấn đề xuất gia mà còn dụ dự, chờ đợi giải quyết việc này, việc kia cho xong thì tốt hơn, nên hơn; hay không bằng cứ xuất gia tức khắc, mọi việc khác, hẳn bàn sau?
Một vị trưởng lão đã giải thích cho ông:
– Cái tâm của con người, như ông biết đó, nó cứ thay đổi hoài, biến đổi hoài, lúc thế này, mai thế khác, vì vô thường là bản chất của tâm! Vậy, khi một thiện tâm “muốn xuất gia” khởi sanh thì phải biết nuôi dưỡng nó, làm cho cái thiện tâm ấy được trưởng dưỡng, lớn mạnh, trở thành tăng thượng tâm! Và tốt nhất là nên xuất gia ngay. Nếu không, đến lúc các duyên bên ngoài xen vào, giả dụ như do ngũ dục chi phối quá mạnh thì thiện tâm xuất gia kia đã trở nên yếu nhược, thua cuộc, khi ấy dẫu muốn xuất gia cũng không còn đủ sức nữa!
Nghe lời chỉ giáo quý báu ấy, trở về, ông nói ngay với cả nhà:
– Xuất gia, chí tui đã quyết rồi đó! Ở trong nhà này, không ai còn cản tui được nữa đâu!
Bà dường như biết ý chí của ông nên chỉ khóc lóc chứ không làm dữ, lát sau, bà nói xuôi:
– Thôi! Xuất gia cũng được nhưng nên đợi vài năm nữa cho mấy đứa nhỏ chúng lớn khôn một tí nữa, không được hay sao?
Ông nhìn mấy đứa nhỏ lại thấy mình mềm lòng, nhưng ông thắng lướt được ngay:
– Không! Không đợi chờ thêm năm tháng nào nữa cả. Tui sẽ xuất gia tại Sùng Phước, ngôi chùa đã kiết giới Sīmā, có rất đông cư sĩ quen của tui ở đó! Sư cả Phước Sơn và các vị trưởng lão đã thu xếp xong xuôi cho tui rồi!
Bà lại xuống giọng năn nỉ:
– Đồng ý, tui đồng ý cho ông xuất gia nhưng ông xem, bốn đứa con lớn thì chưa nên đôi nên đũa, hai đứa nhỏ còn quá bé dại, ông hay chơi giỡn, bế bồng, không có ông thì chúng sẽ ra sao?
Khi bà nói, tâm trí ông tỉnh táo, mắt ông chỉ kém một chút thôi, nhưng ông thấy rõ ràng, linh ảnh hay ảo giác ông cũng không biết nữa, là lửa đâu đó từ những kẽ nứt của nền nhà nó cháy vọt lên, nó táp lên người ông, làm cho ông phải thụt lùi mấy bước. Sau đó không thấy nữa.
Ông nghĩ:
“- Kinh khiếp chưa! Đó là lửa của ngũ dục, từ địa ngục mà nó bốc cháy lên làm cho mắt tai mũi lưỡi thân ý của chúng sanh sẽ bị bốc cháy theo! Rồi sắc thanh hương vị xúc pháp gì cũng bốc cháy cả. Cả thế gian đều bốc cháy! Không thể ở mãi, do dự mãi trong căn nhà ngũ dục thế gian này nữa!”
Ông đứng trân như thế một lúc lâu, nghe tiếng bà khóc nức nở, ông quay lại thì lửa lại từ những kẽ nứt nơi nền nhà phọt lên một lần nữa…
Ông biết, thế là không thể chần chừ được nữa rồi, phải cắt đứt tất thảy mọi quyến niệm!
 
atoanmt Date: Thứ Tư, 17 Apr 2019, 3:54 PM | Message # 9
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
saigoneses Date: Thứ Sáu, 19 Apr 2019, 8:35 AM | Message # 10
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng

Có lẽ bạn christiannguyen là người duy nhất cảm nhận và thấy ra con đường Chánh Pháp khi SGN gửi đường link để bạn đọc 27 trang trích trong "Thắp Lửa Tâm Linh" trên trang web Huyền Không Sơn Thượng. Còn đa phần, những ai tu Phật giáo Bắc Tông cũng "im ru bà rù" sau khi SGN giới thiệu đường link để họ xem qua.

Sau đó bạn còn cảm hứng lặn lội tới chùa Huyền Không Sơn Thượng ở Huế. Không biết bạn có diện kiến được với Sư trụ trì Giới Đức, còn có bút hiệu là Minh Đức Triều Tâm Ảnh hay không ?

Ở trang nhà nơi đây, SGN nghĩ bạn post giai đoạn tu tại gia của Sư Hộ Tông là ý nghĩa nhất, thú vị nhất ! Còn giai đoạn khi Ngài đã xuất gia và tìm cách đưa Phật Giáo Nguyên Thủy hay còn gọi là Phật Giáo Nam Tông vào Việt Nam vào năm 1940 thì ai có hứng thú nghiên cứu tìm hiểu thì nên tìm đọc cuốn sách Thắp Lửa Tâm Linh thì tiện hơn vì sách dày hơn... 781 trang mà bạn vừa post được 145 trang !

 
Christiannguyen Date: Thứ Bảy, 20 Apr 2019, 5:27 PM | Message # 11
Lieutenant
Group: Users
Messages: 48
Status: Tạm vắng



Cám ơn anh Saigoneses đã Hoan Hỷ hướng dẫn em tu tập. Khi ra thăm chùa Huyền Không Sơn Thượng thì em không gặp được Sư Giới Đức. Nhưng được tận mắt nhìn thấy và cảm nhận không gian Tu tập của một ngôi chùa Nam Tông nằm hoàn toàn trong rừng thì quả là một trải nghiệm vô cùng quý báu.

Em cũng gửi thêm đường link về web Huyền Không Sơn Thượng và Youtube nói về Cuộc đời và Hành Trang của Ngài Hộ Tông, để những ai Hữu Duyên thì tìm hiểu thêm.
- Web: http://huyenkhongsonthuong.com
- Video Ngài Hộ Tông 1: https://www.youtube.com/watch?v=s7PTvH0FFgw&t=10531s
- Video Ngài Hộ Tông 2: https://www.youtube.com/watch?v=WHuklYmx74U&t=14190s
 
Christiannguyen Date: Thứ Hai, 22 Apr 2019, 4:08 AM | Message # 12
Lieutenant
Group: Users
Messages: 48
Status: Tạm vắng
LÁ THƯ OAN NGHIỆT

Ước vọng xuất gia cứ nung nóng trong trái tim ông, tuy nhiên, đợi hoài cũng không thấy công văn chuẩn y của quan Công Sứ? Lẽ nào, ông Chánh chủ sở đã quan tâm, ưu ái đề bạt nguyện vọng với lời lẽ rất chính đáng mà cấp trên lại bác đơn xin thôi việc?
Nghĩ hoài không ra, ông đích thân đi gặp quan Chánh chủ sở để hỏi cho rõ lý do tại sao!
Ông Chánh chủ sở ái ngại nhìn ông một lát, rồi tiết lộ cho biết:
– Chính bà Nhung, phu nhân của ông đã biên một lá thư rất khẩn thiết, cầu cứu đến tòa Công Sứ, xin đừng chấp đơn nghỉ việc của ông. Nội dung chi tiết của lá thư như thế nào thì tôi không nắm rõ, nhưng đây, nội dung công văn tòa Công Sứ gởi cho tôi thì như thế này…
Nói xong, ông Chánh chủ sở lật tìm trong cặp công văn một hồi, rút ra một tờ giấy, rồi đưa cho ông đọc:
“- Lưu nhiệm đương sự, bác sĩ thú y Lê Văn Giảng ở lại nhiệm sở hai năm, do đơn thư khẩn thiết của bà Võ Thị Nhung, phu nhân của ông ta, cầu cứu đến tòa Công Sứ với lý do hoàn cảnh khó khăn nếu ông ta nghỉ việc!”
Vỡ lẽ lý do, ông Giảng thở dài. Ông không ngờ tình cảm của người đàn bà phức tạp đến vậy. Về nhà, ông giấu kín việc ấy trong lòng, không hé lộ cho ai biết hết. Tuy nhiên, nhờ có tu tập, có tâm từ, tâm xả, ông dễ đàng thắng lướt nỗi buồn, đến chùa giảng pháp, dạy đạo, dạy thiền như thường lệ.
Hôm kia, tại văn phòng tạp chí “Ánh sáng Phật pháp”, gặp ông Charles Clairet, nghe nói là rất thân với quan Công Sứ, chợt dưng ông Giảng khởi tâm muốn biết toàn bộ nội dung lá thư của bà Nhung nên kể chuyện lại cho Charles Clairet nghe, sau đó, nhờ ông lai Pháp này tìm cách sao chép giúp.
– Tui hoàn toàn không trách cứ gì bà ta hết! Ông nói – Tui chỉ muốn biết những lý do mà bà nêu ra trong thư để tiện việc đối xử mà thôi.
Ông Charles Clairet gật đầu vui lòng hứa giúp. Mấy hôm sau, ông mang đến nguyên văn lá thư bằng tiếng Việt, nguyên văn như sau:
“- Phnôm-Pênh, ngày 15 tháng 7 năm 1938
Kính thưa ngài Công Sứ Tối Cao,
Tôi tên là Võ Thị Nhung, vợ của y sĩ thú y Đông Dương Lê Văn Giảng, làm việc ở Phnôm-Pênh, mẹ của sáu đứa con nhỏ, có vinh dự được đến để trân trọng xin ngài vui lòng xem xét khả năng không chấp thuận đơn xin thôi việc do chồng tôi, Lê Văn Giảng đệ trình.
Hiện nay, ông ấy mải mê cả tâm hồn lẫn thể xác vào đạo Phật. Khi trở thành một tín đồ nhiệt thành, ông ấy đã không màng đến cuộc đời và lo tính chuẩn bị cho cuộc sống sung sướng hơn ở cõi Niết Bàn.
Như thế, để thực hiện kế hoạch được trù tính kỹ lưỡng của mình, chồng tôi đã xin thôi việc để lánh mình vào sự cô độc, tránh xa những xáo động của cuộc đời.

Kính thưa ngài Công Sứ tối cao,

Tôi kính xin ngài lưu ý là một khi đã trở thành nhà sư, như giáo luật của các tôn giáo quy định, ông ấy sẽ bỏ phế gia đình.
Trong trường hợp việc xin thôi việc được chấp thuận, ông ấy sẽ bỏ cho tôi gánh vác việc nuôi con, tất cả đều còn nhỏ; chúng tất sẽ phải chịu nghèo đói, thiếu thốn, không được học hành.
Vì thế, tôi kính xin ngài Công Sứ thương xót chúng tôi, bằng cách như không có đơn xin thôi việc của chồng tôi; và sử dụng quyền tối cao của ngài để buộc ông ấy ở lại nhiệm vụ hiện tại cho đến khi về hưu, vì tình hình gia đình của ông ấy hiện vô cùng nguy kịch. Tôi và các con tôi sẽ vô cùng biết ơn ngài.

Trong khi chờ đợi, xin ngài Công Sứ vui lòng nhận nơi đây những tình cảm tôn kính và hết lòng của tôi!
Nay kính đơn,
Võ Thị Nhung” (1)
Trả lại lá thư cho ông bạn lai Pháp, ông Giảng trú tâm vào hơi thở của mình. Một lát, sau khi đã hoàn toàn làm chủ tâm, lắng dịu mọi cảm xúc, bất giác ông nở nụ cười. Ông tự nói với lòng:
“- Chúng sanh vì tham ái, sân hận và si mê, chúng không thấy gì, không biết gì. Bây giờ, càng tu tập chừng nào, càng thấy pháp chừng nào, ta mới biết ra, tại sao, đối với cuộc đời, đức Phật dạy, cần phải tu tập tứ vô lượng tâm!”

Những ngày sau đó, ông hoàn toàn không để tâm đến lá thư ấy nữa mà chỉ tu tập cho sâu hơn về định tâm từ, tâm bi. Đối với ai khác, lá đơn ấy oan trái, oan nghiệt thật đấy, nhưng đối với ông thì lại là cơ hội cho ông tắm mình trong làn khí mát mẻ của tâm không hận, không sân!

NHỮNG CƯ SĨ TUYỆT VỜI

Năm 1938, lúc đại đức Thiện Luật về Việt Nam, tiếp nhận ngôi chùa mới tại Gò Dưa, Thủ Đức thì trước đó, nơi đây đang còn hoang sơ, cả một rừng cổ thụ xen lẫn với cây tạp, lùm bụi, cỏ gai um tùm.
Biết bao nhiêu tiền bạc, công sức và mồ hôi, những người cư sĩ ban đầu như ông Hiểu, ông Cầm, ông Núi, ông Nhất, ông Quyến, ông Hương (đã về định cư ở Sài Gòn cuối năm 1937) đã gầy dựng nên một cơ sở hoằng pháp ban đầu cho Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Địa điểm này không quá gần xóm làng, cách xa thành phố, lại ở vùng thôn quê thanh vắng rất thích hợp cho việc hành đạo.
Khi vừa được người quen chỉ chỗ, tới nơi, nhìn ngắm một hồi, ông Hiểu nói:
– Đất này ở nơi xa ngái, chắc cũng không đắt lắm, ta tìm gặp chủ đất xem thử thế nào? Lúc xưa, ông Cấp Cô Độc lót vàng đổi đất, chẳng lẽ chúng ta không thể noi gương được chút ít?
– Vâng! Vâng! Ông Hương gật đầu – Đắt rẻ thế nào không biết, tôi xin đóng góp một phần ba.
– Lành thay! Ông Quyến tán thán rồi chợt cười chúm chím – Tôi lực bất tòng tâm, không đủ sức như các thầy, nhưng quý vị đóng góp chừng nào thì tôi cũng xin ráng được như vậy.
Các bạn khác cũng đồng ý hùn góp công đức.
Ông Hiểu cười với khuôn mặt tươi rạng:

– Chúng ta đoàn kết như thế này thì đứng vững chắc như cái thạch trụ, gió không thể lay, bão không thể chuyển, mưa gió thì cũng chẳng có hề hấn chi! Đầu xuôi thì đuôi lọt, chúng ta cứ thế mà hùn công góp của hen!
Họ cùng tìm đến chủ đất là Chánh tổng(1) Bùi Ngươn Hứa và bà Cả, là phu nhân của ông.

Sau khi lắng nghe ông Hiểu trình bày nguyện vọng tha thiết được xây dựng một kiểng chùa trên khoảnh đất chừng hai mẫu Tây, ông Chánh tổng ngắm nhìn cả ba người một hồi rồi chậm rãi cất tiếng hỏi:
– Đất có thể bán, chùa có thể xây nhưng tôi xin được thưa hỏi với các thầy Thông, thầy Ký, thầy Phán vài điều được chăng?
– Xin vâng! Ông Hiểu đáp.
– Xung quanh vùng này, chùa quán cũng khá nhiều, lại còn nhiều nơi thiếu vắng Sư Sãi. Sao các thầy lại không tìm đến đấy để lễ bái, cầu Phật lại làm thêm chùa cho tốn kém?
Ông Hiểu từ tốn nói:
– Tôi biết! Và chúng tôi cũng đã đi lùng khắp Sề Gòn, kể cả Chợ Lớn mà không có đám đất nào vừa ý. Chỉ có nơi này mới thích hợp cho cho các sư thuộc hệ phái Theravāda tu tập và hành đạo. Xin nói rõ với ngài Chánh tổng, là cái đạo này khác hẳn với mấy cái đạo trong các chùa, quán kia!
– Nó khác ra sao ha? Không phải là tất cả các chùa cùng thờ một ông Phật hay sao?
Ông Hiểu đáp, rồi do cảm hứng, ông giải thích, thuyết giảng thao thao:
– Vâng, cùng một đức Phật tổ Gotama! Nhưng bên kia họ còn thờ tự thêm nhiều Phật và nhiều Bồ Tát nữa, trông như đa thần giáo; ngoài ra, họ tu hành mà quá nghiêng nặng về lễ bái, cầu nguyện, về van vái, xin xăm, về bói quẻ, chú sớ… Còn bên này, không có tụng kinh chuông mõ, không lạy hồng danh, không trai đàn, chẩn tế, không nhờ ai cứu khổ, cứu nạn, không có van vái cầu xin thần linh điều này điều nọ, mà mỗi người phải tự cải sửa, tu tập như “Tự mình thắp đuốc mà đi”, như “Tự mình là hòn đảo của chính mình” để bỏ bớt cái xấu ác, làm thêm điều lành tốt; có nghĩa là tu sao cho lắng bớt, dứt bớt cái khổ đi cho tâm nó được thanh bình, an lạc đúng như lời dạy của đức Phật: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo”; có nghĩa là: Không làm điều ác. Làm các hạnh lành. Giữ tâm trong sạch. Là lời Phật dạy!
– Hay! Hay lắm! Bà cả chen lời – Cái đạo này chắc hợp với “cái tạng” của ông rồi đó, nghen ông!

Ông Chánh tổng cười bày cả cái răng rụng:
– Bà mày thiệt! Ờ, ờ! Nhưng nói thế mà đúng! Rồi ông tâm sự – Tôi làm Chánh tổng trông coi mấy làng, mặc dầu chỉ là chức quan nhỏ thuộc chính quyền bảo hộ Pháp, tôi cũng yêu dân, thương dân, luôn luôn khuyến khích họ làm ăn chuyên cần và chơn chính cho cuộc sống được khá hơn. Sống phải biết thương yêu nhau, đùm bọc nhau. Phải có đạo đức vàtình thương, đồng thời chân phải lội bùn, tay phải cầm cuốc… Chứ ai đời, cứ đốt nhang cho thật nhiều, khấn vái cho thật nhiều để buôn may bán đắt, cầu lộc, cầu tài, cầu công danh, cầu quý tử… Nói đến ngang đây, ông dí dỏm – Chắc các ông thần, ông thánh ấy cũng nhức đầu với họ lắm, vì ngày nào cũng có người đến xin xỏ, hối lộ!

Mọi người cùng cười vui nên tạo ra không khí thân mật. Ông Chánh tổng chợt nói lớn:
– Các thầy đây, trông diện mạo đôn hậu, tỏa ra nghiêm tướng, cốt cách cao sang, rõ không phải là hạng công chức, trí thức tầm thường. Các thầy đã theo cái đạo ấy thì chắc chắn là nó phải chơn, phải chính rồi! Bà nó à! Tôi phát tâm hiến cúng đất đai, còn cồng bà thì sao đó ha?

Bà Cả cười nhỏn nhoẻn:
– Cồng bà không bằng lệnh ông(2) xin nghe lời ông Chánh! Rồi bà cũng tâm sự – Chúng tôi già rồi, các thầy ạ! Con cháu thì đứa nào cũng có đôi, có cặp, có của nả gia sản riêng. Bây giờ, dẫu có tích cóp một đời, khi xuôi tay nhắm mắt cũng không mang theo được gì. Các thầy đã có tấm lòng với cái đạo mà mỗi người phải tự mình tu cho tốt thì vợ chồng tôi cũng xin ủng hộ hai mẫu tây, khoanh vùng nào cũng được cả, không lấy một xu một cắc nào hết.
Duyên lành về mảnh đất như vậy đó.

Không bao lâu sau, ông Hiểu cùng các bạn hùn nhau tiền bạc, thuê người phát quang, dọn dẹp khu đất dự định làm kiểng chùa.
Ông Hương từng tu tập tại chùa Sùng Phước ở Nam Vang nên góp ý:
– Chùa, cái quan trọng là thông thoáng, giản dị và vững chắc các bạn ạ! Chẳng nên rồng, phượng, lân, rùa gì ráo! Cái đó không thích hợp với kiến trúc Nam truyền. Ban đầu, chúng ta nên bắt chước như ở Miên để xây dựng một nơi để thờ Phật, tụng kinh, lễ bái… Sau đó, rải rác đây đó nên thiết kế dăm ba cái cốc sàn để tránh rắn rít, là nơi cho các sư ở để tu tập, hành đạo.

Ông Quyến cười cười:
– Nếu chưa có đủ sư, chúng ta có thể tạm ở để hành thiền, được chớ?
Ông Hiểu gật đầu:
– Hoàn toàn đồng ý tinh thần ấy với các bạn! Cứ thế mà làm liền nghen!

CHUYẾN ĐI NAM KỲ

Sau khi nắm rõ tình hình là mình sẽ còn bị lưu nhiệm hai năm, lại nữa, thời gian nghỉ dưỡng bệnh còn dài, người cũng tạm khỏe, ông đến chùa Sùng Phước bàn với ông Tông, Ba Lý, Sáu Hoa… là muốn đi Nam Kỳ một chuyến…
Ý kiến ấy được ông Tông và Ba Lý tán đồng. Việc cần phải làm trước khi đi là chuẩn bị bài vở cho ba, bốn số báo tiếp theo. Nếu ông Tông và Ba Lý muốn cùng đi chơi thì việc Hội, việc chùa, tạp chí bàn giao cho Sáu Hoa, Ba Diên và anh em còn lại.

Thế là đầu tháng 4 năm 1939, ông Giảng, ông Tông, Ba Lý lên đường về Sài Gòn. Đầu tiên, họ ghé Gò Dưa, Thủ Đức thăm ngôi chùa mới và thăm đại đức Thiện Luật.

Chỉ mới mấy ngày là ông Hiểu đã có mặt cùng với những thân hữu. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, thấy ai nấy vẫn còn khang kiện, ông Giảng cười cười với các bạn cũ:
– Những cỗ xe này đang còn tốt, hãy thêm xăng thêm nhớt cho trơn máy, chúng ta phải chuẩn bị cho sức kéo đường xa đó nghen!
Ai cũng hớn hở vui mừng.

Nhìn cơ ngơi ban đầu, ông Giảng nói tiếp:
– Thế là tạm ổn cho giai đoạn đầu. Sau này, nếu có cơ duyên, chư Tăng và Phật tử đông đúc thì chúng ta phải cơi nới chánh điện cho lớn hơn, phải có sức chứa trên một trăm người để vừa tụng kinh, lễ bái, vừa thuyết pháp, nói đạo, đôi khi còn có chỗ để hành thiền tập thể nữa.

Ông Hiểu có vẻ rất quan tâm về điều đó nên đã phát biểu:
– Ban đầu chúng tôi chỉ làm tạm cho có chỗ tụng kinh, lễ bái đã! Chúng tôi không rành về một quy mô tổng thể, vậy xin các bạn hãy phác họa khái lược tất tần tật cho chúng tôi nghe xem thử nào?
Ông Giảng ngần ngại:
– Hay là chúng ta hãy để sau?
– Tại sao ha?
– Mới ban đầu, chưa phát triển được gì mà có được cái cơ ngơi như thế này là quý hóa lắm rồi!

Tuy không nói, nhưng ông Hiểu đã có dự tính tạo dựng cơ sở vật chất đầy đủ, sẽ đáp ứng yêu cầu đúng như ông Giảng đã tế nhị chưa muốn nói ra.

Hôm đó, ông Chánh tổng và bà Cả ghé thăm, nhân duyên ấy, ông Giảng tán thán công đức hiến cúng đất đai. Ông cũng kể lại câu chuyện “lót vàng đổi đất” của trưởng giả Cấp Cô Độc, câu chuyện “mua lại chiếc áo khoác trị giá chín triệu đồng tiền vàng bị bỏ quên, lấy tiền ấy để xây chùa” của đại tín nữ Visākhā thời đức Phật cho hai ông bà nghe. Họ lắng nghe rất chăm chú và rất kính thành. Ông cũng giảng sơ về thế nào là lành tốt, là xấu ác theo quan điểm của Phật giáo. Và tu thì phải tu như thế nào mới có lợi ích thiết thực trong đời sống hiện tại. Cư sĩ phải tu như thế nào và bậc xuất gia phải tu như thế nào. Mỗi mỗi, ông giảng giải rất cặn kẽ, rất chi tiết với giọng lời vô cùng giản dị, bình dân, dễ hiểu cùng những ví dụ sống động, những đoản ngôn đi sâu vào lòng người…

Sau thời pháp gieo duyên, không ngờ, hai ông bà đều muốn quy y.
– Xin cho hai vợ chồng tôi đồng được quy y, làm người cận sự nam và cận sự nữ như thời đức Phật ấy!

Ông Hiểu biết được chuyện ấy, rất mừng. Thế là một buổi cho quy y tập thể được tổ chức tại ngôi chùa đầu tiên tại Gò Dưa, Thủ Đức. Những người cư sĩ ấy là ông Hiểu, ông Quyến, ông Hương (xin quy y lại), thân quyến cùng bạn hữu của các cụ; vợ chồng ông Chánh tổng cùng thân quyến và bạn hữu tất thảy ước chừng ba mươi người. Thầy cho thọ giới là đại đức Thiện Luật.

Nhờ sự thành công bất ngờ ấy, ông Giảng nói chuyện với đại đức Thiện Luật:
– Thế gian họ có tai để nghe đó! Do sư quá khiêm tốn không thuyết pháp, nói đạo nên không thể nào phát triển được.
– Tôi hiểu! Đại đức Thiện Luật nói – Vì tôi không có tài ăn nói, lại nữa, kiến thức về kinh pháp, Phật ngôn, truyện tích gì tôi cũng không bằng A-cha Giảng. Nhưng tôi chăm sóc về giới luật cho tỳ-khưu và sa-di trong chùa thì có lẽ tốt lắm chớ! Thích hợp với tôi hơn!
– Đúng dzậy! Ông Giảng gật đầu – Thôi được rồi! Dzậy, từ rày, hai ta cứ thế mà làm nghe!

Mấy ngày ở đây, anh em bạn cũ tương hội với tình đạo trong lành, mát mẻ làm cho cây lá vườn rừng cũng ửng màu xanh biếc. Ngôi chùa bằng tranh tre nứa lá giản dị giữa rừng cổ thụ toát ra sự cao khiết và u nhã. Ai cũng thích.

Thấy đại đức Thiện Luật tuy gầy ốm nhưng rắn chắc, khỏe khoắn, ông Giảng nói:
– Đời sa-môn được dzậy là quý rồi, xin chúc mừng nhà sư!
Đại đức Thiện Luật khiêm tốn:
– Nói cho đúng, thì tất cả sự an bình hiện nay của tôi đều nhờ A-cha Giảng đã cặn kẽ chỉ bày cho từ mấy năm trước, đem ra áp dụng, tu tập thì tôi có thể cảm nghiệm được sự tĩnh lắng trong từng hơi thở một đó nghen!

– Lành thay! Ông Giảng tán thán rồi nói vui – Nhưng mà ai ăn nấy no, ai tu nấy hưởng, cái đó có liên hệ gì đến tui ha?
Lát sau, ông Tông nói:
– Sư có nhớ Phnôm-Pênh không?
Ba Lý nói:
– Chắc nhớ cháu Hộ Giác!
Đại đức Thiện Luật cười:
– Nói không nhớ là nói dối. Nhưng nếu nói nhớ thì cũng không thật! Cả có và không ấy, hai phạm trù ấy đều không đúng với trường hợp tôi!
Ông Giảng tủm tỉm cười:
– Đã nghe luật sư nói chuyện chưa? Anh Tông và anh Ba Lý hãy đối thoại thử xem nào?
Họ cười vui, thoải mái.

Ngày hôm sau, đúng ngày chủ nhật nên ông Hiểu, ông Hương, ông Quyến và các bạn đến chùa rất đông. Họ lại gặp nhau, rồi sau đó không biết bao nhiêu là chuyện cứ trào ra không ngớt.
Nội dung các buổi nói chuyện này, tập trung vào ba vấn đề chính:
– Thứ nhất, làm thế nào để ngôi chùa đầu tiên này phải được ổn định để phát triển vững chắc. Ý ông Giảng là phải có một cuộc lễ lớn, mời thỉnh cho bằng được đức phó vua Sãi chứng minh và có chừng hai mươi mốt vị tỳ-khưu để làm lễ kết giới Sīmā.

– Thứ hai là phải có thêm các vị tỳ-khưu người Việt đứng tuổi, có pháp học, pháp hành khi ấy mới nói đến việc hoằng pháp xa và rộng hơn.
– Các cơ sở Phật học phải khu biệt thành ba sinh hoạt khác nhau: Cơ sở hoằng pháp phải ở nội đô hoặc ở nơi có cư dân đông đúc. Cơ sở hành đạo, tu tập phải xa vắng xóm làng, nếu kiếm được nơi nào gần biển hoặc nơi núi cao mát mẻ lại càng tốt. Cơ sở giáo dục để đào tạo sa-di hoặc tỳ-khưu phải tương đối đầy đủ tiện nghi phòng ốc, điện nước và ở nơi thanh vắng, biệt lập nhưng không quá xa làng xóm, thành phố.

Nhận thấy đây là ba vấn đề quan trọng, tuy khái quát, nhưng gom đủ nội dung truyền giáo cả hiện tại và tương lai. Nó còn là bản sơ thảo có tầm mức chiến lược đã được hoạch định bởi một hội đồng có tâm, có trí và có tầm!

Văn Công Hương nói:
– Vấn đề thứ nhất, cho tôi được góp ý, chúng ta sẽ thực hiện lúc nào thấy thuận lợi nhất. Ngoài đại đức Thiện Luật và chúng tôi ở đây, tại Phnôm-Pênh thì đã có A-cha Giảng và các bạn, việc ấy sẽ thành công. Hay là chúng ta cứ tạm ấn định một ngày nào đó, vào khoảng thời điểm như thế này, sang năm, sẽ hội ý trở lại, được chăng?

– Được! Ba Lý gật đầu rồi quay qua ông Giảng – A-cha Giảng thấy sao? Ông thầy hãy ấn định cái ngày luôn đi?
– Hãy cứ lấy cái ngày nào dễ nhớ, ví dụ ngày 15 tháng 4 Tây lịch đi – Ông Giảng nói – Trước ngày lễ Vesak thì dễ mời thỉnh hơn!
Mọi người đồng ý.

– Vấn đề thứ hai – Văn Công Hương nói tiếp – Chư Tăng đứng tuổi có pháp học, pháp hành, chỉ mới có được đại đức Thiện Luật và đại đức Huệ Nghiêm thì không đủ thấm vào đâu cả. Đợi A-cha Giảng xuất gia thì chúng ta có thêm cả một cái cội Bồ Đề!

Ông Giảng cười:
– Các bạn đừng khen tui quá làm tui hư đó nghen!
Ông Hiểu nói:
– Nếu bác sĩ Giảng xuất gia được thì sớm chừng nào sẽ tốt chừng ấy!
Nhân vì câu nói ấy, ông Giảng kể lại cho các bạn nghe, là mình đã thu xếp mọi sự, đã sẵn sàng xuất gia rồi, đơn xin nghỉ việc cũng đã được Chánh chủ sở chuẩn y rồi, nhưng tòa công sứ lại lưu nhiệm thêm hai năm nữa! Ông không nhắc đến lá thư của bà Nhung nên chỉ kết luận:
– Đành vậy chớ biết sao! Mưu sự tại nhân, thành sự tại… nhân duyên! Có nhiều việc trên cuộc đời, đôi khi cưỡng cầu cũng không được đâu! Ráng đợi hơn một năm nữa!
Cuối cùng, vấn đề thứ ba cũng đã thông qua, nhưng nó thuộc tương lai. Cũng trong chuyến đi này, ông Giảng ghé Tân An, Tân Châu thăm bà con quyến thuộc mấy ngày; sau đó, họ rủ nhau đi Di Linh, Bảo Lộc, ở lại thăm thú hai nơi này mấy ngày; sau đó lên Đà Lạt để xem thử thời tiết khí hậu như thế nào. Nhờ ông Hiểu có bạn là viên kỹ sư công chánh người Pháp có một biệt thự riêng ở đồi mimosa, nên việc ăn ở, lui tới thăm viếng chỗ này chỗ kia cũng khá dễ dàng.
Đà Lạt quá đẹp nhưng đêm xuống quá lạnh, ai cũng co ro, thu rút trong tấm áo mỏng không đủ ấm. Lò sưởi được đốt bằng gỗ thông, thơm ngào ngạt. Bên hơi ấm của ngọn lửa cao nguyên, câu chuyện của họ xoay quanh vấn đề thiết lập cơ sở tĩnh tu sau này.

Ba Lý nói:
– Đà Lạt lạnh quá, sợ không thích hợp đâu.
– Di Linh cũng còn lạnh – Ông Hương nói – May ra Bảo Lộc thì được. Bảo Lộc không lạnh quá, không nóng quá. Núi đồi, thung lũng, khe suối nó dàn trải khá đều đặn và xem ra âm dương cũng đều hòa!
Ông Quyến góp lời:
– Đất Đà Lạt thơ mộng quá nên chỉ thích hợp với tâm tánh nghệ sĩ. Lên đây thiền tu thì mơ mộng và vọng tưởng sẽ xao động tâm của hành giả. Không tu được đâu! Lên nghỉ mát thì được!./.
 
atoanmt Date: Thứ Hai, 13 May 2019, 3:05 PM | Message # 13
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » Thắp Lửa Tâm Linh (Tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO