Thứ Ba
23 Apr 2024
7:02 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » PHÚC THỌ SONG TOÀN (Hương Đức)
PHÚC THỌ SONG TOÀN
saigoneses Date: Thứ Sáu, 01 Aug 2014, 8:55 PM | Message # 1
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng


PHÚC THỌ SONG TOÀN


Cách đây hơn mười năm...

Một buổi sáng, khi đang bước chân lên thềm nhà ông Hai Nam, một thân chủ và cũng là người họ hàng xa của tôi, tôi hơi giật mình vì thình lình nghe tiếng roi gõ côm cốp và có tiếng gọi lớn, "Thằng Hai đi vô, đừng dang nắng nữa, sao má nói hoài mà con không nghe vậy?".

Nhìn vào, tôi thấy bà Năm Giây, mẹ của ông Hai Nam, đang đứng cạnh cửa nhà sau, tay cẩm chiếc roi nhỏ nhịp nhịp vào cánh cửa, mắt thì nhìn ra ngoài sân, nơi ông Hai Nam, con trai trưởng của bà, đang lui cui trở mấy trái bắp vàng tươi phơi dưới mặt đất lát xi-măng. Có lẽ bà cụ bực lắm vì gọi mấy lần mà có vẻ người con vẫn tỉnh bơ, chẳng trả lời, trả vốn gì cả.

Thấy cảnh đó, tôi hết sức thích thú. Đâu phải ai cũng có may mắn như tôi, được chứng kiến một bà mẹ đã 103 tuổi vẫn còn khỏe mạnh, tỉnh táo cầm roi đe người con mới có... tám mươi mấy tuổi? Ngẫm nghĩ, cái câu "thất thập cổ lai hy" thời này tuy thấy đã lạc hậu vì với đà tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, cuộc sống được nâng cao mọi mặt trong đó có lãnh vực y tế nên tuổi thọ con người cũng được nâng lên khá nhiều, tuy nhiên, vượt qua hàng tám, chín mươi để đến hàng trăm như bà cụ nhà này, quả thật hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay.

Tôi khẽ hắng giọng, bà Năm Giây quay lại, vui vẻ chào hỏi và than phiền chuyện người con lỳ lợm, cứ ra ngoài dang nắng, rồi sẽ nhức đầu, sổ mũi cho coi. Bà cụ ca cẩm, "Thằng này ngày càng hư, cậu thấy đó, tôi kêu hoài mà nó có thèm vô đâu?". Tôi không dám cười mà chỉ nói, "Nắng sáng mà, không sao đâu cụ. Vả lại, chú Hai bị lãng tai, cụ kêu như vậy, chú không nghe đâu". Bà cụ hơi ngớ người, lãng tai à, thường tui kêu nó dạ ran mà lãng gì. Tôi cười, không đáp.

Đợi người cháu nội gái đi chợ về, tôi hỏi thăm diễn tiến sức khỏe của bà cụ xong mới bắt đầu thăm khám. Bữa đó, huyết áp bình thường và tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp đã giảm nhiều. Như thông lệ, tôi phân thuốc, ghi rõ ngày giờ, cách dùng cụ thể, giao cho người cháu gái, căn dặn kỹ càng. Bà Năm Giây im lặng nhìn, một lát sau bà nhắc cháu, nhớ cho kỹ nghe con, vô họng rồi móc không ra đâu! Nghe bà cụ nói, tôi bật cười. Thiệt là đáng nể, bà lão đã ngoài trăm tuổi mà về chuyện thuốc men vẫn giữ nguyên tắc bất di, bất dịch là đến bệnh viện thì uống thuốc bệnh viện cho, ở nhà bệnh thì uống thuốc của bác sĩ trực tiếp khám đưa, còn thuốc người nhà mua ở tiệm thuốc tây hoặc ở đâu mang về, bà dứt khoát không chịu uống. Mặc ai nói gì thì nói...

Trong hơn ba mươi năm hành nghề y, có lẽ bà Năm Giây là người bệnh đặc biệt mà tôi nhớ rất nhiều, do bà cụ là người bệnh cao tuổi nhất mà tôi được chăm sóc; lại nữa, tuy ngoài trăm tuổi nhưng bà cụ hết sức tỉnh táo, lịch sự lại có cách sống, cách cư xử rất đáng nể phục của người Phật tử thuần thành; mặt khác, sự hiếu thảo của con cháu bà cụ cũng rất đáng kính phục; họ không nề hà vất vả, tốn kém để bảo vệ sức khỏe cho ông bà, cha mẹ khiến tôi cảm động. Cái câu "nuôi cha mẹ, tính ngày, tính tháng", ở đâu đó đúng, chứ đối với dòng họ, gia đình này dường như rất xa lạ...

Bà Năm Giây là người địa phương, cha mẹ, dòng họ đều sinh sống ở đây bao đời; bà có chồng người Hoa, gốc Triều Châu di cư tới đây từ nhỏ. Lúc sinh thời, ngoài nghề làm bánh, chồng bà còn lãnh nhiệm vụ làm ông từ, trông coi, chăm sóc một ngôi miễu do hội người Hoa trong địa phương dựng nên; ngôi miễu này dân trong vùng chúng tôi thường gọi là chùa Bà, có lẽ do thờ bà Chúa Xứ như những ngôi miếu khác. Tuy có chồng là một ông từ phục vụ miếu mạo, nhưng vốn là Phật tử đã quy y từ nhỏ, bà Năm Giây luôn giữ tròn Tam quy Ngũ giới, siêng năng thực hành lời Phật dạy và hết lòng hỗ trợ sự phát triển của Phật giáo địa phương.

Vào thời chiến tranh, do con đông, người con trai sống với bà phải chật vật làm đủ thứ nghề để tìm miếng cơm, manh áo cho gia đình, kinh tế thuộc dạng khó khăn. Sau có người rủ ông hùn hạp, thu mua heo về giết mổ và chuyển lên Sài Gòn bán kiếm lời. Việc làm ăn này rất thuận lợi, chẳng bao lâu gia đình ông đã có của ăn, của để. Nhưng bà Năm Giây vốn biết rõ luật nhân quả, ngay từ đầu đã phản đối việc làm ăn buôn bán của con. Bà kiên trì, giải thích cho con mình hiểu, việc dùng sanh mạng của loài vật, đặc biệt là loài vật lớn như trâu, bò, heo để làm phương tiện kiếm sống, dù trước mắt có thể có nhiều tiền nhưng rồi cũng thường mang lại hậu quả xấu cho hiện đời và nhiều kiếp sau. Mưa dầm thấm sâu, kết hợp lời dạy dỗ của bà và những chuyện không may liên tục xảy ra với gia đình mình nên người con trai trưởng của bà đã bỏ nghề có lợi nhuận cao này, trở về nghề làm bánh trái. Cuộc sống dù tiếp tục bị khó khăn nhưng ông ấy rất vui vẻ vì đã hiếu thảo nghe lời mẹ dạy và tâm thanh thản, không sợ quả báo xấu do nghề nghiệp mang lại.

Nhà bà Năm Giây nằm đối diện với ngôi chùa cổ duy nhất trong làng. Từ thời còn trẻ cho tới lúc tuổi già, với tư cách là Phật tử, bà đã có rất nhiều đóng góp cho ngôi chùa này. Ngoài việc cúng dường vào rằm hàng tháng, quyên góp vào những đợt tu bổ chùa, dù bận bịu việc mưu sinh, bà vẫn tranh thủ bỏ công sức, huy động con cháu trực tiếp tham gia phục vụ cho việc xây dựng những công trình mới của chùa. Lúc còn khỏe, chính bà cùng con cháu đi cạy đất ruộng nhà, đi xin lá dừa khô trong làng đẩy xe về để độn chiếc ao rất to trước cửa chùa (ao này do chánh quyền đào lấy đất đắp xây chợ làng vào thời Pháp thuộc), nhờ vậy, ngôi chùa bây giờ mới có được cái sân rộng rãi, trồng hoa, cây cảnh xinh đẹp cho khách thập phương ngắm nhìn lúc đến chùa lễ Phật.

Ngoài tư cách là thầy thuốc gia đình, do có họ hàng xa, nên những sinh hoạt như lễ lộc cúng quảy ở gia đình ông Hai Nam, tôi thường được mời đến tham dự. Những ngày lễ lớn trong năm như ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ Vu-lan, con cháu bà dù xa xôi, bận bịu mấy cũng cố gắng thu xếp về để chúc sức khỏe bà cùng cha mẹ và nghe những lời dạy dỗ của bà về đạo và đời. Tôi có mặt như một chứng nhân quan sát, ghi nhận một nề nếp đáng quý và hiếm hoi của một dòng họ, luôn lấy chữ hiếu thuận làm đầu. Và với tư cách là người con Phật, người đứng đầu của dòng họ này đã hướng dẫn thành công con cháu của mình đến với Phật pháp bằng một tâm chí tín, chí thành.

Khi đã bước vào hàng chín mươi, sức khỏe của bà Năm Giây bắt đẩu yếu đi, việc chăm sóc y tế cần nhiều hơn; tôi phải thường xuyên đến khám bệnh và nhắc nhở về cách ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bà cụ. Mọi việc bà cụ đều nhất nhất nghe theo, từ chuyện bỏ thói quen ăn trầu đã mấy chục năm, đến những việc nhỏ nhặt như bỏ không dùng dép Lào vì loại dép này không bám dính mặt đất có thể gây sợ té ngã, không ăn mặn quá, giảm ăn nhiều chất ngọt, chất béo...

Nhưng có một điều bà cụ cương quyết không nghe, dù ai góp ý cũng mặc, kể cả tôi, đó là việc khuyên không ăn chay vào các ngày rằm và ba ngày Tết Nguyên đán; vì lẽ cứ sau một, hai ngày ăn chay bà cụ lại phát bệnh; khi thì huyết áp tăng cao, đau khớp, lúc lại sốt, ho do suy giảm miễn dịch. Có người nói với bà, mua thịt cá làm sẵn ngoài chợ làm đồ ăn, bà đâu phạm tội sát sinh, như vậy vừa giữ được giới cấm vừa giữ được sức khỏe; bà cụ gạt ngang liền, "Ngày xưa tui ăn chay kỳ, còn sau này do sức khỏe kém chỉ còn ăn mấy ngày rằm mà không giữ được thì thẹn với Phật lắm, có bệnh tui cũng ráng chịu, đừng xúi tui ăn mặn vào mấy ngày rằm nữa". Ai nấy đành chịu thua. Bà cụ chỉ chịu nghe lời khuyên là không ăn chao vì có độc tính cao, dễ gây bệnh cho người có sức khỏe kém. Thế là tôi cứ sau ngày rằm, mùng một, ngày tết thì lại chuẩn bị đi khám bệnh cho bà cụ. Bà đã duy trì việc ăn chay như thế đến ngày mất đi.

Điều tôi thán phục nhất ở người đàn bà ngoài trăm tuổi này là sự minh mẫn đến kỳ lạ của bà cụ. Cụ có thể đọc vanh vách toàn bộ Thập chú không sai một chữ, kể cả bài chú Lăng Nghiêm, bài chú dài nhất trong Thập chú. Bà cụ dễ dàng đọc một mạch tới câu thứ ba trăm mới ngừng; bà bảo bà chỉ thuộc tới đây vì khi phát tâm học thuộc bài chú này, bà đã cố gắng rất nhiều, nhưng không thể nhớ thêm nổi nữa. Bà kể, lúc bà buồn và thất vọng vì sự giới hạn của đầu óc của mình thì một đêm, bà nằm mơ thấy có một nhà sư đến bảo rằng chỉ cẩn học thuộc mười câu chót của bài chú là đủ rồi, thế là từ đó bà chỉ học thuộc và tụng mười câu cuối cùng của chú Lăng Nghiêm, còn ba trăm câu trước bà vẫn nhớ dù không tụng đọc thường xuyên. Lần đầu tiên nghe bà đọc ba trăm câu chú Lăng Nghiêm, tôi phải lắc đầu, phục bà sát đất.

Cho đến khi bà đã 103 tuổi, hàng đêm bà vẫn thực hành công phu đều đặn, thắp hương, lạy Phật, tụng kinh, trì chú; chỉ khi nào bệnh nhiều bà mới chịu gián đoạn việc tu tập. Phân tích nguồn gốc minh mẫn của bà, tôi thấy có một sự tương quan rất lớn đến việc siêng năng thực hành công phu hàng đêm của bà, nhờ bộ não được hoạt động liên tục nên nó ít bị thoái hóa như những người già không thường xuyên hoạt động trí não...

Đến năm bà được 104 tuổi, vào đầu thángTư, một hôm, tôi ngủ và nằm mơ, thấy bà quỳ trước tượng Phật A-di-đà, pho tượng phát hào quang sáng rực cả một vùng, sau đó lại thấy một người bạn đồng nghiệp đưa cho tôi một tấm phim X quang, chụp hình phổi của bà, người ấy vừa đưa vừa lắc đầu; đúng lúc đó, tôi giật mình thức giấc. Tỉnh dậy, lòng tỏi thầm lo, chắc có chuyện lớn với sức khỏe của bà rồi. Không ngờ, lo lắng đó trở thành hiện thực. Hôm sau, người nhà nhờ tôi đến khám bệnh cho bà, bà đã bị nhiễm khuẩn đường hô hấp rất nặng. Sau khi khám xong, tôi yêu cầu cho bà đi nhập viện, lúc đưa bà ra xe cấp cứu, tôi thấy lo lắng nhiều, kinh nghiệm nghề nghiệp và linh tính báo cho tôi biết bà khó mà vượt qua đợt bệnh này.

Một tuần sau, do biết mình không thể sống nổi nữa, bà kiên quyết yêu cầu con cháu đem bà về nhà, mong được chết ở nơi quen thuộc đã sống bấy lâu. Ngày bà trở về, tôi đến thăm, nhìn toàn thân bà bị sưng phù, nằm kê đầu trên gối cao cho bớt khó thở, lòng tôi thấy xót xa vô cùng; đúng là quy luật sanh tử vô thường không chừa ai cả. Thấy tôi, bà nhìn, tỏ ý chào hỏi rồi quay mặt chăm chăm nhìn vào ảnh tượng Phật A-di-đà treo trên tường, miệng lẩm rầm niệm Phật. Chín giờ sáng hôm sau, bà nhẹ nhàng tắt hơi, về cõi vĩnh hằng.



Lễ tang của bà được tổ chức trang nghiêm nhưng đơn giản và có một điều đặc biệt trong lễ tang là việc cúng quảy, chiêu đãi chỉ toàn bằng thức ăn chay, một việc chưa từng có tiền lệ ở quê tôi. Con cháu của bà đã cương quyết thực hiện việc đó theo di nguyện của bà, bất kể lời bàn ra tán vào của người ngoài, một quyết định rất đáng nể phục.

Hai năm sau đó, ông Hai Nam và vợ ông ấy lần lượt qua đời ở độ tuổi tám mươi ngoài. Ba cái tang trong ba năm liên tiếp khiến ai cũng thấy xót xa giùm cho con cháu của bà Năm Giây. Dù đau đớn do liên tục mất người thân yêu, nhưng con cháu bà luôn lo toan chu toàn lễ nghĩa. Có lẽ do học Phật pháp bấy lâu, họ đã nắm được lẽ vô thường nên trong đám tang, rất ít tiếng khóc, chỉ có những vệt nước mắt lau vội và tiếng rì rầm tụng kinh, niệm Phật A-di-đà để hộ niệm cho người đã khuất. Việc cúng quảy và chiêu đãi trong hai đám tang của ông Hai Nam và vợ ông cũng hoàn toàn bằng đồ chay lạt - một việc làm khởi đầu từ một dòng họ, về sau đã trở thành hiện tượng lan truyền nhanh chóng trong quê tôi khi dân trong làng có việc tang chế.

Sau đám tang, cuộc sống dần trở lại bình thường, con cháu bà Năm Giây tiếp tục sống theo đường hướng tốt đẹp mà bà đã vạch ra. Họ càng ngày càng tin tưởng, gắn bó với Phật pháp, sống hòa thuận, thực hành theo lời Phật dạy trong đạo, ngoài đời...

Bây giờ, hàng năm, đến ngày Người cao tuổi, xem trên đài truyền hình tỉnh, tôi không còn được thấy cảnh cụ Năm Giây tỉnh táo, lịch sự chào hỏi các viên chức chính quyền tỉnh, địa phương và đại diện Hội Người cao tuổi đến thăm, lòng tôi lại thấy nao nao tiếc nhớ, tiếc một người đã vượt được tuổi ngoài trăm mà gia đình của người đó đã cố công gìn giữ với chút phần đóng góp nhỏ bé của tôi, nhớ một người cả đời có một cách sống tốt đẹp của người Phật tử - cách sống tốt đời, đẹp đạo.

Ôi, mấy ai có được cả phúc và thọ như bà cụ ấy!

Hương Đức
1/8/2014

Tạp Chí VHPG - Số 206


Message edited by saigoneses - Thứ Bảy, 02 Aug 2014, 10:38 AM
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Bảy, 02 Aug 2014, 9:35 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
 
atoanmt Date: Thứ Ba, 05 Aug 2014, 3:47 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » PHÚC THỌ SONG TOÀN (Hương Đức)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO