Thứ Hai
15 Apr 2024
9:56 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 3
  • 1
  • 2
  • 3
  • »
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » PHẬT GIÁO CHO NGƯỜI BẮT ĐẦU (Thích Nhật Từ)
PHẬT GIÁO CHO NGƯỜI BẮT ĐẦU
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:01 AM | Message # 1
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
THÁI ĐỘ HỌC PHẬT


1 .Các Nguyên Tắc Đạo Đức của Phật Tử Tại Gia.

(sách) Thích Nhật Từ

Lời Giới Thiệu

Là người mới bắt đầu học Phật, tôi nhận thấy quyển sách nhỏ này thể hiện tốt tinh thần vừa giáo dục vừa khai sáng. Mặc dù đạo Phật có bề dày lịch sử phong phú, đầy những giá trị, điều cần thiết đối với người học Phật ngày nay vẫn là làm thế nào để ứng dụng lời đức Phật dạy vào đời sống hàng ngày. Quyển Các Nguyên Tắc Đạo Đức của Phật Tử Tại Gia này giúp tôi hiểu tầm ảnh hưởng của đạo Phật đối với cuộc sống thường nhật của con người. Nó có thể được xem như quyển sổ tay hướng dẫn chúng ta sống cuộc đời theo chánh pháp.

Các nguyên tắc này được trình bày giản dị, dễ hiểu, nhưng cống hiến những kiến thức cần thiết không chỉ để đọc mà còn để ứng dụng. Việc thực hiện đúng vai trò của Phật tử ngày nay là một thách thức lớn đối với mọi người, và quyển sách này như là bước đường đáp ứng thách thức đó. Bằng giáo pháp, đạo Phật sẽ dìu dắt bạn trong cuộc hành trình tìm ra chánh đạo. Đó là điểm vĩ đại của giáo pháp đức Phật. Giáo pháp đó vẫn luôn phù hợp với mọi thời đại.

Chính vì thế, bất cứ khi nào bạn có nghi vấn (đức Phật khuyến khích bạn đặt câu hỏi), quyển sách này giúp bạn bước đầu trên con đường tìm ra câu giải đáp.

Gleg Kleven

7-1994

Lời Đầu Sách

Niềm tin là một trong những con đường đi vào Đạo, là chất xúc tác hữu hiệu của khoa học thực nghiệm, phát minh, và còn là nền tảng của mọi lãnh vực tiến triển xã hội. Đối với đạo Phật, để niềm tin phát huy khả năng chủ đạo đặc biệt này, người có niềm tin phải có một thái độ tư duy khách quan, khoa học, như đoạn kinh dưới đây mô tả:

Này các thiện nam, tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quan sát, suy tư và thể nghiệm. Chỉ khi nào, sau khi thể nghiệm, quý vị thực sự thấy lời dạy này là tốt, lành mạnh, đạo đức, có khả năng hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán; nếu sống và thực hiện theo lời dạy này sẽ đem đến hạnh phúc, an lạc thực sự ngay hiện tại và về lâu về dài, thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo. (Kinh Bộ Tăng Chi, A. I. 188)

Do đó, để trở thành một người Phật tử, các bạn cần phải có một thời gian nhất định để tìm hiểu đạo Phật. Sự tìm hiểu giáo pháp của đức Phật là điều cần thiết và tất yếu. Đây là động cơ tốt thúc đẩy người Phật tử ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống thường nhật của mình, để đem lại an lạc và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Phát xuất từ suy nghĩ căn bản đó, chúng tôi biên soạn Các Nguyên Tắc Đạo Đức của Phật Tử Tại Gia này, trước là đáp ứng nhu cầu tìm hiểu vừa nêu, và sau là mong rằng tập sách nhỏ này như là người bạn, là hành trang, là chỉ nam giúp người Phật tử tại gia hoàn thiện nhân cách bản thân, đem lại sự đầm ấm hạnh phúc gia đình và để góp phần xây dựng một xã hội thái bình, an lạc trong chánh pháp của đức Phật.

Về nội dung, chúng tôi chủ yếu đúc kết tinh thần các lời dạy quý báu của đức Phật qua hai truyền thống kinh điển Nam tông và Bắc tông và thể hiện chúng dưới hình thức các nguyên tắc và điều lệ để quý Phật tử dễ nhớ và áp dụng.

Với 18 chương, gồm 100 điều lệ, tập sách nhỏ này sẽ giới thiệu với quý Phật tử các nội dung đạo đức căn bản theo tinh thần Phật dạy. Có chương cho biết các yêu cầu cần và đủ của một người Phật tử. Có chương giới thiệu nội dung của Ba Ngôi Báu. Có chương đề cập năm điều đạo đức. Có chương hướng dẫn cách thờ phượng Phật, Bồ-tát và thánh tăng. Có chương đưa ra chương trình học Phật ngắn gọn. Có chương trình bày cách thức sinh hoạt hữu hiệu. Có chương mô tả về những trách nhiệm thiêng liêng của các bậc cha mẹ. Có chương dạy về cách sống hiếu thảo, đền ơn cha mẹ ngay hiện tại và tương lai. Có chương hướng dẫn đời sống hôn nhân và cách thức tổ chức lễ cưới. Có chương dạy về cách bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Có chương nói về bổn phận thiêng liêng của thầy trò. Có chương dạy cách tương giao bạn bè. Có chương qui định về khế ước lao động giữa người chủ là người làm việc. Có chương gợi nhớ tình quê hương, làng xóm. Có chương trình bày thái độ ứng xử và giao tế. Có chương hướng dẫn cách tổ chức lễ tang đúng chánh pháp. Có chương giới thiệu cách tu trì và có chương đưa ra 10 điều tâm niệm làm phương châm tu học hiệu quả. Nhìn chung, các điều lệ này nhằm hướng đến một đời sống nhân bản toàn thiện.

Trước khi trở về sống nương tựa Ba Ngôi Báu và phát nguyện vâng giữ năm điều đạo đức, các bạn nên có thời gian vài ba tháng về chùa tìm hiểu giáo lý, nghe giảng pháp tại các trung tâm truyền bá Phật giáo, tự nghiên cứu lời Phật qua các phương tiện truyền thông đại chúng của Phật giáo, và tìm hiểu kỹ các nguyên tắc đạo đức này. Có như vậy, sự trở về đạo Phật của quý vị mới bền và nhất là mới có thể đem lại lợi ích cho chính bạn, gia đình bạn, ngay hiện tại cũng như trong tương lai.

Chúng tôi chân thành cảm ơn quý đại đức Thiện Hữu, Thiện Quý, Trung Đạo, Phong Nhã, Sư Trí Quảng, sư Giác Hoàng, thầy Hồng Sơn, thầy Thanh Trúc đã cho nhiều nhiều ý kiến hay khi chúng tôi biên soạn tập sách này. Đặc biệt, chúng tôi xin chân thành cảm ơn đại đức Nguyên Tạng, đã hoan hỷ chuyển bản dịch tiếng Anh đến GS. Greg Kleven, người đã tận tâm chữa chánh tả cho bản dịch. Nhân đây, chúng tôi cũng xin cảm ơn ông bà giáo sư Lý Phúc Điền đã phát tâm chuyển dịch tập sách nhỏ này ra tiếng Hoa, để nó có thể phục vụ cho nhiều người hơn. Chúng tôi cũng xin chân thành tán thán Sư cô Như Phước và Phật tử chùa Giác Ngộ đã ấn tống tập sách này.

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng chắc rằng tập sách còn nhiều thiếu sót và cần phải được bổ sung. Kính mong chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni, Phật tử và các bậc thức giả chỉ giáo để tập sách này thật sự là người bạn tin cậy của người Phật tử tại gia.

Mong rằng tập sách nhỏ này sẽ giúp quý Phật tử nói riêng và tất cả mọi người nói chung sống an lành, phúc lạc trong cuộc sống bằng chất liệu chánh pháp của đức Phật.

Viết tại chùa Giác Ngộ

Mùa hạ năm 1994

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

Kính ghi

CÁC NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC CỦA PHẬT TỬ TẠI GIA


-- Để đảm bảo đời sống đạo đức, văn hóa, trí huệ, hạnh phúc, an lạc, giải thoát của người Phật tử;

-- Để thực hành và phát huy tinh thần khế lý, khế cơ, ứng thế độ sanh, thắp sáng mãi thông điệp từ bi cứu khổ của đức Phật;

-- Căn cứ tinh thần ứng dụng giáo lý qua tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhằm xây dựng một tịnh độ cho tự thân, gia đình và xã hội;

Luật này qui định các nguyên tắc đạo đức của Phật tử tại gia như sau:

CHƯƠNG I: QUI ĐỊNH TỔNG QUÁT


Điều 1: Trước khi đi theo đạo Phật, bạn cần phải tìm hiểu, suy tư lời Phật dạy và luật tắc đạo đức này. Chỉ khi nào bạn nhận thấy rằng đạo Phật là lý tưởng, là chân lý, là sự sống, là sự trưởng thành đạo đức và trí tuệ, bạn hãy phát nguyện trở về sống với gia đình của đạo Phật.

Điều 2: Người Phật tử nên đến với đạo Phật bằng thái độ chánh kiến, chánh tư duy; vâng giữ và thực hành lời vàng Phật dạy, phù hợp với nếp sống chánh pháp, góp phần làm trong sạch và an lạc xã hội.

Điều 3: Người Phật tử là người sống phù hợp và trung thành với lý tưởng chánh pháp, thể hiện đạo đức, văn hóa, trí tuệ, hạnh phúc, an lạc và giải thoát của bản thân, gia đình và xã hội ngay hiện tại và về sau.

CHƯƠNG II: NƯƠNG TỰA BA NGÔI BÁU


Điều 4: Người Phật tử nương tựa đức Phật, bậc đạo sư của trời người, từ nay cho đến trọn đời không nương tựa Trời, Thần, Tiên, Quỷ, vật v. v. . .

Điều 5: Người Phật tử nương tựa chánh pháp của đức Phật, chân lý tối thượng, từ nay cho đến trọn đời không nương theo các học thuyết của các tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, và các chủ nghĩa khác.

Điều 6: Người Phật tử nương tựa cộng đồng Tăng, những bậc chân tu, người kế thừa và truyền bá chánh pháp của đức Phật, từ nay cho đến trọn đời không nương theo thầy tà, bạn xấu và người không thuộc đạo Phật.

Điều 7: Người Phật tử nên có lòng bao dung, phóng khoáng; không kỳ thị chủng tộc, giới tính, màu da, tôn giáo và ý thức hệ v.v. . . Trái lại, người Phật tử nên có tinh thần và thái độ cởi mở, thân thiện, tôn trọng, tìm hiểu, giúp đỡ mọi người để họ có thể nhận ra và sống theo lời Phật dạy dưới tất cả các hình thức.

CHƯƠNG III: VÂNG GIỮ NĂM ĐIỀU ĐẠO ĐỨC


Điều 8: Người Phật tử ý thức và phát nguyện không sát hại sự sống của con người, động vật và thiên nhiên. Phải thể hiện tình thương, tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài.

Điều 9: Người Phật tử ý thức và phát nguyện không lấy của không cho, của phi nghĩa, không lường gạt, dối trá, tham nhũng, đút lót, cờ bạc, chứa đồ gian, vay không trả. Phải thể hiện lòng tôn trọng sở hữu tài sản của người khác, sống bằng nghề lương thiện và chân chánh.

Điều 10: Người Phật tử ý thức và phát nguyện không sống ngoại tình, không lang chạ với vợ hay chồng của người khác. Phải tôn trọng hạnh phúc gia đình người khác như của gia đình mình; sống chung thủy một vợ một chồng.

Điều 11: Người Phật tử ý thức và phát nguyện không nói sai sự thật, không nói lời vô ích, không nói lời tục tĩu, không nói lời chia rẽ, gây hận thù. Phải tôn trọng sự thật, giữ gìn chữ tín. Khi nói thì nói đúng với chánh pháp, khi không thể nói thì phải im lặng như sự im lặng của bậc thánh.

Điều 12: Người Phật tử ý thức và phát nguyện không uống rượu và không sử dụng các chất kích thích tố có tác dụng hủy hoại sức khỏe, tinh thần, trí lực và nhân cách như á phiện, ma túy và các độc tố khác. Phải tự trọng, bảo vệ sức khỏe và giữ gìn nhân cách.

CHƯƠNG IV: THỜ PHƯỢNG


Điều 13: Người Phật tử chỉ thờ phượng ảnh tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán và Thánh Tăng để chiêm bái, học hỏi hạnh nguyện cao cả của quý ngài, để làm chỗ dựa tinh thần và hộ trì đạo đức cho bản thân và gia đình.

Điều 14: Người Phật tử không thờ một thần hay nhiều thần của các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Không thờ Thượng đế, Phạm thiên, Chúa Trời, đấng Allah, đấng Jahovah v.v. . . Không thờ Thần Tài, Thổ Địa, Táo Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẹ Sanh Mẹ Độ, bà Chúa Xứ, Quan Thánh v. v. . . Không lễ Miếu, Đình, Đồng cốt. Không bói quẻ, xin xăm. Không tín ngưỡng những nơi được đồn là linh thiêng. Người Phật tử nên hiểu không có cội nguồn ban phước giáng họa. Chỉ tin vào chân lý nhân quả và cố gắng hoàn thiện nhân cách của chính mình.

Điều 15: Người Phật tử nên thờ Phật ở nơi thoáng cao, trang nghiêm, sạch sẽ, dễ thấy, thuận tiện cho việc dâng cúng hoa quả và lễ bái.

Điều 16: Người Phật tử nên thường xuyên quét dọn nơi thờ Phật, thắp nhang đèn, cúng hoa quả, lễ bái. Trước khi cúng hay lễ Phật phải tắm gội, ăn mặc tươm tất, sạch sẽ; thân và tâm phải thanh thản và thuần khiết.

Điều 17: Người Phật tử nên để chuông mõ ở trang hay bàn Phật. Không để kinh sách, chuỗi niệm Phật, áo tràng một cách tùy tiện hay ở nơi thiếu tôn nghiêm, thanh tịnh.

CHƯƠNG V: HỌC PHẬT


Điều 18: Người Phật tử nên chuyên cần học hỏi và thực hành lời Phật dạy. Xem kinh, luật, luận là sự sống tinh thần và nền tảng cho sự hướng thượng của bản thân.

Điều 19: Người Phật tử nên khắc phục hoàn cảnh, siêng học chánh pháp của Phật ở các trung tâm văn hóa Phật giáo, từ các phương tiện truyền thông Phật pháp, từ các lớp giáo lý phổ thông ở các chùa, các khóa huấn đức, tu thân, các buổi thuyết pháp vào ngày sám-hối, ngày vía Phật, Bồ-tát và các mùa an cư kiết hạ của quý Thầy Cô.

Điều 20: Người Phật tử nên có bổn phận, trách nhiệm hướng dẫn, khích lệ vợ/chồng mình, con cái, cha mẹ, thân quyến và bạn bè mình tìm hiểu, học hỏi và thực hành chánh pháp của đức Phật.

Điều 21: Người Phật tử nên siêng năng ứng dụng, thể nghiệm, tiêu hóa và biến chánh pháp của đức Phật thành thức ăn và máu huyết cho sự sống của bản thân, gia đình và xã hội.

Điều 22: Người Phật tử không được chỉ trích, chống đối những người tu tập theo các pháp môn và tông phái của Phật giáo. Phải tôn trọng, tìm hiểu pháp môn Phật giáo khác với truyền thống tu tập của mình, để hoàn thiện lẫn nhau, để cho chánh pháp của đức Phật tỏa sáng khắp nơi bằng nhiều cách.

CHƯƠNG VI: SINH HOẠT


Điều 23: Người Phật tử nên phát huy đời sống chánh nghiệp, chánh mạng. Không sống phi pháp, phi nghĩa dưới mọi hình thức.

Điều 24: Người Phật tử nên sinh sống và tạo ra của cải, tài sản bằng công sức của bàn tay và trí khôn của khối óc, đúng với chánh pháp và phù hợp với luật pháp xã hội. Không nên cho vay nặng lãi, bắt chẹt người khác trong hoàn cảnh túng quẫn, khó khăn.

Điều 25: Người Phật tử nên sống căn bản, điều độ, ít muốn, biết đủ, tương thân và tương trợ. Không quá chuộng hay lệ thuộc hình thức.

Điều 26: Người Phật tử nên nâng cao đời sống tinh thần, phát huy cảm thọ hạnh phúc cao thượng để cuộc sống thật sự có ý nghĩa và giá trị.

Điều 27: Người Phật tử nên tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử vào các ngày chủ nhật cũng như các sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa Phật giáo.

Điều 28: Người Phật tử nên làm chủ nhận thức, sinh hoạt và làm chủ cuộc sống. Sống theo, sống đúng và sống phù hợp với chánh pháp của đức Phật.

CHƯƠNG VII: CHA MẸ


Điều 29: Người Phật tử làm cha mẹ phải có bổn phận thương yêu, nuôi nấng, giáo dục con cái trưởng thành về thể chất, thể trí, nhân cách, đạo đức; tạo dựng nghề nghiệp và khả năng tự lập cho con cái.

Điều 30: Người Phật tử nên giáo dục con cái khi còn trong thai bằng đức hạnh và chánh niệm của mình. Truyền thụ cho con cái nét đẹp văn hóa, đạo đức của Phật giáo, của truyền thống dân tộc và của gia đình.

Điều 31: Khi con được một tuổi, người Phật tử nên đem con đến chùa làm lễ khai tâm và ghi vào sổ bộ của bổn tự. Khi con được năm tuổi, người Phật tử nên dẫn con đến chùa học giáo lý, song song với chương trình thế học. Khi con lên sáu tuổi nên hướng dẫn con làm lễ quy y Ba Ngôi Báu, để con cái chính thức trở thành Phật tử.

Điều 32: Người Phật tử nên truyền chất Phật cho con qua các lễ thôi nôi, khai tâm, lễ quy y và qua cuộc sống thường nhật. Dạy con ý thức học giáo lý, đi chùa, lạy Phật, đọc tụng kinh Phật, ăn chay kỳ, làm phước và tu đức.

Điều 33: Người Phật tử làm cha mẹ không nên cản trở con cái nếu chúng có ý thức và muốn xuất gia, làm tu sĩ. Trái lại, cha mẹ nên tạo thuận duyên cho con cái mình thành đạt chí nguyện xuất trần.

CHƯƠNG VIII: CON CÁI


Điều 34:
Người Phật tử làm con phải hãnh diện, thương kính và tận tình phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còn sống.

Điều 35: Người Phật tử nên hiếu thảo, vâng lời cha mẹ dạy. Không chơi bời, hút sách, xa xí. Phải cố gắng học hành và lập nghiệp chân chánh để phụ giúp và đền ân cha mẹ.

Điều 36: Người Phật tử nên hết lòng chăm sóc, điều trị, sớm thăm tối viếng cha mẹ khi cha mẹ già yếu và đau ốm, để cha mẹ an vui mà chóng khỏi bệnh.

Điều 37: Người Phật tử nên có ý thức trách nhiệm trong việc duy trì, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức của Phật giáo, dân tộc và gia đình.

Điều 38: Nếu cha mẹ không có chánh kiến, chánh tín, chánh nghiệp . . . Người Phật tử nên kiên trì, khôn khéo can gián để cha mẹ trở về sống với chánh pháp.

Điều 39: Khi cha mẹ qua đời, người Phật tử nên tổ chức lễ tang đơn giản, đúng chánh pháp, để tạo hành trang tái sanh tốt cho cha mẹ.

Điều 40: Người Phật tử nên tổ chức các lễ tưởng niệm cha mẹ vào dịp các tuần thất, một trăm ngày, giỗ hằng năm . . . tại chùa. Trong trường hợp tổ chức tại nhà, người Phật tử nên mời quý Thầy Cô và ban hộ niệm về nhà tụng kinh. Phẩm vật dâng cúng nên thuần chay. Người Phật tử cũng nên tu phước, bố thí, cúng dường Ba Ngôi Báu, để hồi hướng công đức cho cha mẹ.

CHƯƠNG IX: HÔN NHÂN


Điều 41: Người Phật tử trước khi tiến đến hôn nhân, phải có ý thức và ổn định nghề nghiệp và khả năng tự lập vững, để đời sống gia thất về sau không phải gặp khó khăn và trở ngại.

Điều 42: Người Phật tử nên có thời gian tìm hiểu nhau chín chắn về ba phương diện: tính tình, lý tưởng và hạnh nguyện trước khi đính hôn, để đời sống hôn nhân cũng như đời sống của con cái sau này có được hạnh phúc thật sự và lâu dài.

Điều 43: Để người bạn đời phù hợp tính tình, lý tưởng và hạnh nguyện với mình, người Phật tử nên chọn người theo đạo Phật. Nếu người bạn sắp cưới không có đạo hoặc theo tôn giáo hay tín ngưỡng khác thì nên thuyết phục người ấy cùng trở về quy y và nương tựa Ba Ngôi Báu, để đôi giai ngẫu cùng nhìn, cùng sống và cùng hưởng một chân lý.

Điều 44: Trước ngày lễ cưới, người Phật tử nên đến chùa thưa thỉnh thầy bổn sư về việc tổ chức lễ cưới và thân mời huynh đệ Phật tử khác cùng tham dự.

Điều 45: Trong ngày lễ cưới, hai đàng trai gái phải đến chùa làm lễ chứng hôn trước Ba Ngôi Báu và Phật tử để nghe giáo huấn quý báu về cách giữ gìn, bảo vệ và phát triển hạnh phúc lứa đôi và cho hạnh phúc của con cái.

CHƯƠNG X: VỢ CHỒNG


Điều 46: Vợ chồng phải sống tôn trọng, thương yêu, hiểu biết và chia xẻ niềm vui, nỗi buồn cũng như thuận lợi và khó khăn cho nhau, để đời sống hai người trở nên khối thủy chung duy nhất, không gì chia cách được.

Điều 47: Vợ chồng phải biết thương kính, nhường nhịn nhau, rộng lượng, tha thứ và bỏ qua lỗi lầm của nhau mỗi khi ai vi phạm sai lầm, sơ suất. Vợ chồng phải sống vì hạnh phúc cho cả hai và cho con cái.

Điều 48: Chồng phải thương yêu vợ hết lòng, giúp vợ làm tốt việc nội gia và sắm sửa trang sức cần thiết cho vợ tùy theo khả năng tài chánh.

Điều 49: Vợ phải thể hiện tốt bổn phận của mình; khéo tiếp đãi giao tế; cùng chồng giáo dục con cái cũng như tạo ra tài sản và làm lớn mạnh tài chánh gia đình.

Điều 50: Vợ chồng phải sống tiết hạnh, ít muốn, biết đủ; giúp đỡ nhau thăng tiến trên đường đời cũng như đường đạo.

CHƯƠNG XI: THẦY TRÒ


Điều 51: Thầy giáo phải gánh vác trách nhiệm thiêng liêng trong việc đào tạo cho gia đình, quốc gia và xã hội những mẫu người hoàn thiện về tri thức, nhân cách và phẩm chất “uống nước nhớ nguồn” ở học trò.

Điều 52: Thầy giáo phải truyền trao cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa, đạo đức của Phật giáo, của dân tộc và của loài người; khơi dậy những phẩm chất cao quý và khả năng sáng tạo của thế hệ trẻ, để góp phần làm giàu mạnh đất nước và an lạc xã hội.

Điều 53: Thầy giáo phải kích thích tính ham hiểu biết, học hỏi, nghiên cứu của học trò; dạy học trò bằng tất cả bầu nhiệt huyết; tận tâm, kiên nhẫn và không giấu giếm bất cứ kiến thức gì mình có được.

Điều 54: Thầy giáo phải là người chói sáng về gương hạnh đạo đức; là người mẫu mực của học trò về những gì mình đã học, đã biết và đã dạy; không ngừng rèn luyện tri thức và phẩm cách đạo đức của mình.

Điều 55: Học trò phải lễ độ, kính trọng và biết ơn dạy dỗ của thầy giáo. Học trò phải học hành chăm chỉ, cần cù với tinh thần khoa học, khách quan để khám phá và đi vào thế giới vô tận của tri thức và nhân cách.

Điều 56: Học trò phải học tập không mệt mỏi, để trở về cội nguồn dân tộc, dòng giống, tổ tiên và đạo Phật, và sống sao cho xứng đáng với các cội nguồn đó.

Điều 57: Học trò phải học tập nhằm tu dưỡng bản thân, đền ơn giáo dưỡng của thầy và báo đáp công ơn sanh thành, nuối nấng của cha mẹ, và góp phần làm giàu mạnh gia đình, đất nước và xã hội.

CHƯƠNG XII: BẠN BÈ


Điều 58: Bạn bè đến với nhau bằng sự tìm hiểu, cảm thông, tôn trọng, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, để cùng tiến tiến bộ, lớn mạnh và cảm nhận phúc lạc trong cuộc sống.

Điều 59: Người Phật tử nên đến người bạn tốt để học hỏi; đến người bạn xấu để chuyển hóa; tìm người trí đức để giao du; tìm người thua kém để giúp đỡ.

Điều 60: Bạn bè phải thành tín, không tính chuyện hơn thua, xây dựng và hoàn thiện nhân cách, đạo đức và trí huệ cho nhau; thủy chung nhau trong chí hướng và lý tưởng.

Điều 61: Người Phật tử nên can gián, ngăn chặn khi bạn làm điều xấu; sẵn lòng tùy hỷ khi bạn làm điều hay; quan tâm giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn; rộng lượng, tha thứ khi bạn vấp phải sai lầm.

CHƯƠNG XIII: CHỦ THỢ


Điều 62: Chủ phải tôn trọng sức lao động, chất xám, nhân cách đạo đức của thợ. Giao việc cho thợ phù hợp với khả năng và sở trường.

Điều 63: Chủ phải trả tiền lương, chế độ thù lao và nghỉ ngơi hợp lý. Không được cưỡng bức, bắt chẹt, bóc lột sức lao động của thợ.

Điều 64: Chủ phải thương yêu, săn sóc và chữa trị khi thợ mắc bệnh; chia xẻ thức ăn, tặng quà vật vào những dịp cần thiết.

Điều 65: Thợ phải nhiệt thành, say mê công việc; làm việc bằng tất cả sức lực, trí tuệ và lòng yêu nghề của mình.

Điều 66: Thợ phải thể hiện nhân cách, phẩm chất đạo đức của mình, làm tốt hợp đồng; biết ơn và hài lòng với những gì chủ tặng cho; làm việc với tâm nguyện đem lại lợi nhuận và danh tiếng cho chủ như cho chính mình.

CHƯƠNG XIV: LÀNG XÓM-QUÊ HƯƠNG


Điều 67: Người Phật tử nên thương yêu, nhường nhịn, đùm bọc lẫn nhau. Đối xử nhau bằng tấm lòng nhân hậu. Sống vì lợi ích và an lạc cho mọi người.

Điều 68: Người Phật tử nên xem láng giềng như họ hàng; xem mọi người như người thân; lấy trí nhân thay hung bạo; đem đạo nghĩa thắng hung tàn.

Điều 69: Người Phật tử mang ơn ai thì nhớ trả; làm ơn ai thì không để lòng; thương người như thể thương thân; giúp người như tự giúp. Người Phật tử nên quan niệm rằng tất cả là quyến thuộc, do đó, sống đoàn kết, hòa hợp như một đại gia đình.

Điều 70: Người Phật tử nên xem quê hương là cội nguồn sự sống, là nơi chôn nhau cắt rốn, và trưởng dưỡng của mỗi người. Người Phật tử thành kính biết ơn, trả ơn và trung thành với quê hương và dân tộc.

Điều 71: Người Phật tử dù ở nơi đâu cũng phải nhớ đến quê hương, hướng về quê hương. Sống, làm việc vì lợi ích, vì sự trưởng thành, vì sự lớn mạnh của quê hương. Duy trì và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc. Làm lớn mạnh tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc. Xóa bỏ óc bảo thủ, định kiến, nô lệ văn hóa. Bất khuất trước các thế lực đồng hóa, xâm lăng. Thể hiện tính dân tộc ở mọi nơi, ở mọi khía cạnh của cuộc sống.

CHƯƠNG XV: GIAO TẾ


Điều 72: Khi ứng xử và giao tế với đời, người Phật tử nên quan niệm Ba Ngôi Báu là tối thượng; năm điều đạo đức là phương châm của một đời sống an lạc; từ, bi, hỷ, xả là chỉ nam soi đường; nhiệt thành, kiên trì và hỗ trợ mọi người là nếp sống thực tế.

Điều 73: Người Phật tử đổi oán thù thành bè bạn; chuyển ganh ghét thành thương yêu; nhẫn nhịn, hòa thuận, bình đẳng, không kỳ thị, phân biệt; khoan dung và độ lượng.

Điều 74: Người Phật tử luôn sống trong tôn trọng, hiểu biết, cảm thông những nét sai biệt của người khác; sẵn lòng hợp tác, giúp đỡ và tùy hỷ việc làm tốt của mọi người.

Điều 75: Người Phật tử nên đề cao đức tính bi, trí, dũng và nhân nghĩa. Phải sống tinh thần vô úy, bất khuất trước mọi thế lực gian ác. Sống trung thành và hy sinh cho chân lý, cho sự an lạc, giải thoát của bản thân và tha nhân.

Điều 76: Người Phật tử nên gần gũi người kém hơn để giúp đỡ; gần gũi kẻ xấu để chuyển hóa; từ bỏ điều xấu, phát triển điều tốt; thương yêu, bổ sung nhau, dìu dắt nhau trên đường đạo và đường đời.

Điều 77: Người Phật tử khi gặp quý Thầy, quý Sư cô và các đạo hữu nên chấp tay trước ngực xá chào, để cho nét đẹp văn hóa tỉnh thức này được phổ biến và tỏa sáng.

Điều 78: Người Phật tử không nên kêu quý Thầy bằng anh, chú hay bác; không nên kêu quý Sư cô bằng chị hay gì. Tự xưng mình bằng con đối với quý Thầy Cô bằng tuổi mình trở lên. Tự xưng bằng pháp danh đối với quý Thầy Cô nhỏ tuổi hơn mình. Nói năng từ tốn và lễ độ.

CHƯƠNG XVI: TANG CHẾ


Điều 79: Người Phật tử khi lâm trọng bệnh và sắp sửa mệnh chung nên chánh niệm, tỉnh giác, hướng về Ba Ngôi Báu; giữ tinh thần thản nhiên, không lo sợ cái chết; xả bỏ tất cả ý niệm về bản ngã, sở hữu tài sản, để có thể ra đi một cách nhẹ nhàng.

Điều 80: Khi người thân quyến gần mạng chung, người Phật tử nên thành kính hướng về Ba Ngôi Báu, mời quý Thầy Cô tụng kinh trợ niệm và tiếp dẫn để người bệnh khi mãn phần được sanh về cảnh giới chư Phật hay cảnh giới tốt. Nếu nhà quá xa chùa, không tiện thỉnh mời quý Thầy Cô, người Phật tử nên mở băng tụng kinh và nhắc nhở người thân của mình về nguyên lý vô thường, vô ngã, để người sắp mạng chung có thể ra đi dễ dàng.

Điều 81: Ngay lúc tắt thở và trong suốt thời gian tang lễ, con cháu, vợ/chồng và thân quyến không nên khóc lóc, kể lể, để không làm động tâm người vãng sanh. Trái lại nên thành tâm, bình tĩnh, đồng niệm Phật thật rõ ràng để trợ tiến người ra đi.

Điều 82: Gia đình người quá cố nên thay mặt người quá cố làm các việc phước báu, bố thí, cúng dường, từ thiện xã hội, để hồi hướng công đức cho người mạng chung.

Điều 83: Tang lễ nên tổ chức theo tinh thần Phật giáo. Không phô trương hay chú trọng hình thức, đãi cúng mặn, tế thần. Không cúng tam sên (sinh), đốt giấy vàng mã, mở cửa mã. Chỉ nên cúng đồ chay, tụng kinh, quán tưởng để duy trì thuần phong mỹ tục của đạo Phật.

Điều 84: Lễ nhạc thì tùy nghi, nhưng nên đơn giản. Tốt nhất là bãi miễn. Đặc biệt, trong lúc qúy Thầy Cô tụng kinh, không nên trỗi nhạc và ngưng tất cả việc đãi đằng, để tạo trang nghiêm cho khóa lễ.

Điều 85: Sau khi tống táng, người Phật tử nên tiếp tục cúng bảy tuần thất và giỗ hằng năm để tưởng nhớ. Các lễ cúng nên tổ chức tại chùa.

CHƯƠNG XVII: TU TRÌ


Điều 86: Người Phật tử nên siêng năng đọc tụng và thực hành lời Phật dạy vào cuộc sống thường nhật; biến giáo pháp thành sự sống của bản thân và tha nhân.

Điều 87: Người Phật tử nên khắc phục khó khăn; nhẫn nại, kiên trì thực hành và trung thành với chân lý của đức Phật. Không kích bác, phỉ báng người theo pháp môn khác.

Điều 88: Người Phật tử nên đến chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp, ít nhất một lần trong tuần; nên tham dự đầy đủ các buổi sám-hối, lễ tưởng niệm Phật, Bồ-tát, A-la-hán và Thánh tăng, và nên ăn chay ít nhất một ngày trong tháng.

Điều 89: Người Phật tử muốn tu trì miên mật thi nên đi chùa tụng kinh, ngồi thiền mỗi ngày, tu tập tám điều đạo đức (bát quan trai giới), vâng giữ mười điều lành, thọ lãnh đạo đức Bồ-tát (Bồ-tát giới); tu hạnh xuất gia.

Điều 90: Khi dự các khóa lễ, người Phật tử nên mặc áo tràng. Tâm nên chí thành, tỉnh thức, không loạn niệm, tạp tưởng, để khóa lễ thật sự có ý nghĩa, lợi ích, đem lại phước báu, an lạc thân tâm.


CHƯƠNG XVIII: MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM


Điều 91: Người Phật tử luôn quan niệm rằng mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này luôn vận động, chuyển biến, đổi thay, không có thực thể, không có bản ngã, và thường dẫn đế sự không thỏa mãn. Quán chiếu như vậy để từ bỏ thái độ chấp ngã và ngã sở hữu.

Điều 92: Người Phật tử luôn quan niệm rằng không có một đấng sáng tạo nào tạo dựng nên thế giới, con người và vạn vật. Thế giới được hình thành bằng nguyên lý duyên khởi, tương thuộc, không có khởi thủy, không có chấm dứt.

Điều 93: Người Phật tử luôn quan niệm rằng sự thiên sai vạn biệt trong vũ trụ là do các hành vi có chủ ý (nghiệp) của từng cá nhân. Chúng sanh là chủ nhân của đau khổ và hạnh phúc. Không ai có thể ban phước giáng họa, ngoài hành vi thiện hay ác của chính chúng ta.

Điều 94: Người Phật tử luôn quan niệm rằng thế giới hiện tượng này thường có mặt của đau khổ và an vui. Người Phật tử nên có ý thức chấm dứt đau khổ, hướng đến an lạc. Nguyên nhân của các đau khổ này là các tâm lý xấu xa như khát ái, tham, sân, si, v.v. . . Sự chấm dứt toàn bộ đau khổ và nguyên nhân của nó là niết-bàn, niềm an lạc tuyệt đối. Con đường dẫn đến sự an lạc của niết-bàn này là con đường trung đạo gồm tám yếu tố, đó là: quan niệm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, tỉnh thức chân chánh và thiền định chân chánh.

Điều 95: Người Phật tử luôn quan niệm rằng con đường trung đạo là con đường xa lìa sự tham đắm dục lạc và khổ hạnh ép xác, và các cực đoan cũng như nhị biên. Đây là con đường duy nhất hướng đến giải thoát, niết-bàn.

Điều 96: Người Phật tử ý thức rõ ràng rằng con đường tu học trải qua nhiều gian nan và thử thách, do đó, không hoài vọng về tương lai cũng như không truy ức về quá khứ; trái lại, an trụ thân tâm vào từng phút giây tỉnh thức và chánh niệm của hiện tại.

Điều 97: Người Phật tử nên ý thức rõ ràng rằng sự sống của con người tồn tại trong khoảnh khắc của thời gian, do đó, cố gắng tu tập và gột bỏ các bợn nhơ của tâm ngay bây giờ và tại mọi nơi, chứ không đợi đến lúc tuổi già mới tu tập.

Điều 98: Người Phật tử nên duy trì chánh niệm, tỉnh thức trong từng hành vi và cử chỉ; không để cho các tâm niệm tham, sân, si và các tâm lý bất thiện khống chế và ngự trị thân tâm mình.

Điều 99: Người Phật tử nên ý thức và dang rộng đôi tay giúp đỡ mọi người với tinh thần vô ngã và vị tha. Hãy mạnh dạn "nói với nhau" thay vì "nói về nhau" để tháo gỡ mọi hiểu lầm, rút ngắn khoảng cách phân chia, tìm đến sự hiểu biết, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau. Hãy từ bỏ thái độ tiếc rẻ. Hãy đối diện với thực tại, nhận chân và vượt qua mọi trở ngại. Hãy dụng tâm vào việc tu học, để không phải hối hận về sau.

Điều 100: Người Phật tử nên xem bệnh khổ như thuốc trị tham dục, xem khó khăn và hoạn nạn như lò luyện ý chí, xem nghịch duyên như nguồn thử lửa, xem ma quân như bạn đạo, xem kẻ ác độc và người chống đối như thiện tri thức, xem sự xả bỏ như vinh hoa, xem trí tuệ và đạo đức là tài sản quý nhất và xem đạo Phật là con đường giải thoát cứu cánh.

PHỤ LỤC

CÁC NGÀY ĂN CHAY

Hai ngày: 1 và 15.
Bốn ngày: 1, 14, 15 và 30.
Sáu ngày: 8, 14, 15, 23, 29 và 39.
Tám ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24 và 30.
Mười ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30.
Một tháng: tháng giêng hay tháng 4 hay tháng 7 hay tháng 10.
Ba tháng: tháng giêng, tháng 7 và tháng 10.
Bốn tháng: tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10.
Trường chay: quanh năm suốt tháng.
Người ăn chay phải giữ tâm trong sạch, tránh điều tội ác, làm việc nhân từ, thương người mến vật, tu tập công đức, để ánh sáng từ bi và trí tuệ của đạo Phật tỏa sáng khắp nhân loại và chúng sanh.


Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Sáu, 18 Jul 2014, 5:40 AM
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:02 AM | Message # 2
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
2...Thái độ cần có khi đọc kinh Phật

HT. Thích Thiện Siêu
.

Sự phân chia bộ phái Ðại Tiểu thừa nếu có lợi về mặt phát huy đạo lý đến chỗ có hệ thống tinh vi thì cũng đã gây ra không ít sự câu nệ sai lầm làm trở ngại, thiệt thòi cho một số người tham học toàn bộ kinh giáo Phật đà. Thật vậy, có những người chỉ quan tâm đọc kinh này mà lơ là với kinh kia vì cho là Tiểu thừa, hay có người chỉ quan tâm đọc kinh kia mà hờ hững với kinh này vì cho là Ðại thừa. Nhưng sự thật nếu đứng ra ngoài thiên kiến đã gây nên bởi căn tính, địa phương, thời đại, tập truyền đó, thì ai cũng nhận thái độ trên là thái độ chấp nê không lưu hoạt, tưởng làm như thế là hiểu đúng Phật pháp, nắm được ý Phật, không ngờ làm như thế sẽ không hiểu trọn Phật pháp, không nắm được ý Phật, vì như chúng ta đã hiểu Phật pháp là Phật pháp, Phật pháp không có đại tiểu. Phật pháp nhất vị.

Trong thiên kinh vạn quyển ở đâu lại thiếu những nguyên lý Vô thường, Vô ngã, Giải thoát, Niết-bàn, ở đâu lại thiếu Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo...? Nếu gạt bỏ những nguyên lý ấy để chỉ chấp nhận một điều là kinh này kinh kia có lịch sử kết tập chứng minh hay không thì tưởng cũng là một việc làm sai lệch và ép uổng! Nhất là ở những thời đại xưa, người tu hành chú trọng đến giáo lý, đến sự tu chứng hơn là chú trọng lịch sử. Vì quan niệm lịch sử là lịch sử, lịch sử chỉ là xác chết mà giáo lý mới là phần linh hoạt, là tinh thần sống động biến hóa nẩy nở luôn. Giáo lý mới giúp cho con người giác ngộ.

Sau khi nghe tụng kinh Kim cang, ngài Lục tổ Huệ Năng đã chứng ngộ và nói một câu rất siêu việt: "con người có nam bắc, chứ Phật tánh không bắc nam", như thế là giác ngộ, nhờ giáo lý. Với câu nói đó nếu được đem áp dụng vào việc nghiên cứu kinh điển thì tự nhiên chúng ta biết rõ điều gì đáng thủ, điều gì đáng xả, để đi sâu vào tinh thần chung của Phật giáo mà cái quan niệm Ðại thừa Tiểu thừa không làm cách ngại được.

Cái tinh thần chung của Phật ấy là gì? Là tinh thần dắt dẫn, khuyến hóa chúng sanh biến đổi điều dữ ra điều lành, mê ra ngộ, khổ ra vui trong cảnh giải thoát Niết-bàn. Vậy bất cứ là kinh nào trong Tam tạng, dù mỗi kinh với mỗi sự trình bày khác nhau, nhưng nếu nhận có tinh thần giải thoát, có mục đích Niết-bàn trong đó tức chúng ta phải đem hết tinh thần khoáng đạt mà cố công tham cứu và học hỏi, không vì cớ kinh này nói Niết-bàn với các tính đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, còn kinh kia nói Niết-bàn mà không kèm theo các đức tính đó rồi phê phán kinh này là đại, kinh kia là tiểu. Không, Niết-bàn tự nó đã là cứu đích giải thoát an lạc, vô ngại tuyệt đối, dù có cắt nghĩa Niết-bàn theo mặt tiêu cực hay tích cực Niết-bàn cũng không vì đó mà giảm giá trị không còn là mục đích của đạo Phật, của người tu Phật, và đức Phật đã không khuyên chúng ta phải tinh tiến để đạt Niết-bàn.

Cái tinh thần khoáng đạt cần thiết trên sẽ giúp cho chúng ta tham học kinh điển được nhiều lợi ích, chúng ta sẽ đọc từ kinh này đến kinh khác mà không có gì là vướng ngại, thắc mắc.

Bây giờ đến lượt chúng ta đọc kinh A Hàm. Ðây là bộ kinh được xem phổ cập sớm nhất trong lịch sử truyền giáo của Ấn Ðộ và hiện nay vẫn thịnh hành tại các nước Phật giáo mà Tăng già sống theo thể chế khất thực. Ở các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam v.v... thường gọi là các nước theo Phật giáo Ðại thừa, thì kinh này ít được phổ cập, nhưng những ai muốn hiểu trọn tinh thần Phật giáo đã không quên những giáo lý thâm trầm được gói ghép trong các lời lẽ giản dị mà A Hàm là kinh trọng yếu nhất có tính cách đó.

Nếu không chỉ vì tìm hiểu triết lý siêu huyền, lý luận xa xôi, thì đọc A Hàm ai mà không cảm kích trước những lời dạy nồng hậu thuần khiết và cách thức giáo hóa của Phật đối với đương thời. Ðây, chúng ta thử đọc một đoạn Phật thuật lại đại nguyện độ sanh của Ngài:

"Này các Tỷ-kheo! Ta nhớ xưa kia đã không biết bao nhiêu lần, Ta thường qua lại, nói năng với hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, cư sĩ, chư thiên... Nhờ định lực và tiên tiến mà nơi nào ta hiện đến, họ có sắc đẹp thì sắc Ta đẹp hơn, họ có tiếng hay thì tiếng Ta hay hơn, họ từ bỏ Ta mà lui, Ta không từ bỏ họ, điều họ nói được Ta cũng nói được, điều họ không thể nói được, Ta cũng nói được. Sau khi đã thuyết pháp dạy điều ích lợi, vui mừng cho họ, Ta ẩn đi chỗ khác, mà họ chẳng biết Ta là trời hay là người".

Xem đó thì Phật đã hóa độ chúng sanh trong nhiều kiếp trước và kiếp sau, chớ không phải chỉ một đời của đức Thích Ca tại cõi Ta bà này. Và biết đâu chúng ta đã không một lần nhờ duyên lành nghe Ngài thuyết pháp mà vì u mê không nhận ra Ngài là ai, để rồi ngày nay cứ mãi tìm Phật.

Tiếp đến đoạn này lại thấy phảng phất một đạo lý khác, đạo lý: "Hết thảy chúng sanh đều có tính Phật" mà chúng ta thường gặp ở các kinh:

"Ta dùng Phật nhãn xem thấy thế giới chúng sanh, có kẻ nghiệp chướng sâu dầy, có kẻ nghiệp chướng cạn mỏng, có kẻ căn tánh lanh lợi, có kẻ căn tính chậm lụt, có kẻ dễ khai hóa, có kẻ khó khai hóa. Kẻ dễ khái hóa vì biết sợ tội lỗi kiếp sau nên gắng lo bỏ điều ác làm điều lành. Họ như các hoa sen xanh vàng đỏ trắng, có cái lên khỏi bùn mà chưa đến mặt nước, có cái lên ngang mặt nước mà chưa nở, nhưng cái nào cũng không bị nước dính bẩn và đều nở ra được cả. Các loại chúng sanh cũng như thế".

Thật là một lời dạy đầy khích lệ tinh thần tiến giác, nâng cao giá trị con người biết bao. Nếu càng đọc nhiều, chúng ta càng nhận thấy qua lời dạy bình dị như thế, cái tinh thần từ bi, bình đẳng, thực tế, bất mê tín... được bộc lộ đầy đủ, cũng như lối ứng cơ thuyết pháp rất khéo léo của Phật. đối với căn cơ tu tại gia thì chỉ dạy pháp tại gia, đối với căn cơ tu xuất gia mới dạy pháp xuất gia. Không mang thuốc này trị cho bệnh kia để phải gây thiệt thòi cho người bệnh.

Ðể ý thức đầy đủ sự ích lợi khi đọc kinh A Hàm, ở đây tôi nhắc lại mấy điểm của nhà học giả Lương Khải Siêu đã ghi:

1. A Hàm là bộ kinh được thành lập sớm nhất với hình thức kiết tập công cộng (khác với những kinh kiết tập ở địa phương), do đó, tuy không dám nói nó ghi chưa trọn lời Phật dạy nhưng chắc chắn nó là bộ phận trọng yếu đã ghi lời Phật dạy.

2. Ðại bộ phận kinh Phật là tác phẩm văn học. A Hàm tuy không thể sánh kịp các kinh khác về mặt này song chắc chắn nó gần với lý thuyết chân thật hơn. Do đó, không dám nói mỗi câu mỗi chữ trong A Hàm toàn đúng hẳn lời Phật dạy lúc tại thế, (bút tích ngôn giáo nào khỏi nạn tam sao thất bổn) nhưng hẳn nó hàm chứa được đa phần lời Phật dạy hơn.

3. A Hàm hẳn có cái thể tài của một tập sách "Ngôn-hạnh-lực", tính chất giống như sách luận ngữ của Khổng giáo. Nên nếu ai muốn thể nghiệm nhân cách cao thượng của đức Thích Tôn mà không đọc A Hàm thì không làm sao đạt được.

4. Các giáo lý căn bản của Phật giáo như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Ngũ uẩn giai không, Nghiệp cảm luân hồi, Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo v.v... đều có thuyết minh ở A Hàm. Nếu đối những giáo lý này không có trước một quan niệm minh xác thì rất dễ lạc lối trong khi nghiên cứu kinh luận Ðại thừa. Ðọc A Hàm chúng ta càng hiểu thêm những giáo lý này Phật đã dạy trong các trường hợp nào nữa.

5. A Hàm chẳng những không xung đột với kinh Ðại thừa, trái lại còn chứa nhiều ý nghĩa căn bản của Ðại thừa.

6. A Hàm thuật đến tình hình xã hội Ấn Ðộ thời bấy giờ rất nhiều. Có đọc nó chúng ta mới cảm thông nỗi khổ tâm ứng cơ khai hóa của Phật trong một hoàn cảnh khó khăn biết chừng nào!

Tuy nhiên, bên bao nhiêu cái hay, cái quí đó không khỏi kèm theo điều đáng tiếc, đã làm cho kinh A Hàm không phổ cập sâu rộng ở các nước theo Phật giáo Ðại thừa, không được nhiều người ham đọc! Và đây lại mấy lý do khác chúng ta phải đồng ý với ông Lương Khải Siêu:

1. Quyển điệt quá nhiều. Nói kinh A Hàm tức là nói 4 bộ A Hàm là Tăng Nhất A Hàm, Trung A Hàm, Trường A Hàm và Tạp A Hàm (Anguttara Agama, Majjhima Agama, Digha Agama, Samyutta Agama), theo tạng Pali là Tăng chi bộ kinh, Trung bộ kinh, Trường bộ kinh, Tương ưng bộ kinh và Tiểu bộ kinh. Mỗi bộ A Hàm ấy có tính cách là một tòng thư góp nhiều kinh (bài thuyết pháp) lại tạo thành, trong đó kinh trước kinh sau không liên lạc chặt chẽ như ở các bộ khác. Có bộ gồm 30 kinh như Trường A Hàm, gồm 222 kinh như Trung A Hàm, gồm 72 kinh như Tăng nhất A Hàm, lại có bộ gồm tới 1.200, 1.300 kinh như Tạp A Hàm.

2. Chương thiên trùng lặp. Có những kinh ở bộ này có ở 3 bộ kia cũng có. Hoặc một kinh mà có tới 3, 4 lần trùng trong một bộ, tuy văn cú hơi khác đôi chút.

3. Từ ngữ trùng lặp. Nhiều khi chỉ một chuyện, một câu nói mà nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ khi mới suy nghĩ, rồi phát ra ở miệng người hỏi, nhắc lại ở miệng người trả lời... thật là phiền phức! Như tuồng ngữ pháp Ấn Ðộ thời xưa là thế? Nên hễ đọc sơ ý một chút là khó nhận ra câu nào chính, câu nào phụ.

4. Văn dịch chữ Hán do các cao tăng Ấn Ðộ, Tây Vức dịch quá xưa, lủng củng, các thuật ngữ dùng không xác đáng thành rất khó lãnh hội cho những ai không kiên chí.

Tuy nhiên ở một phương diện khác, chúng ta hiểu rằng Phật khai hóa cho chúng sanh tỉnh thức giác ngộ chứ không cốt văn chương, nên một câu nói được nói đi lặp lại nhiều lần, nhắc đi nhắc lại nhiều nơi, để cho chúng sanh nghe, nhớ, thấm vào lòng, hầu chuyển cái mê thành cái ngộ mới thôi.

Bấy nhiêu ý kiến thô sơ, tôi xin nêu ra để hiến quí vị sẵn có lòng hoan hỷ muốn học hỏi, nghiên cứu toàn diện giáo lý Phật đà mà không bỏ qua các kinh sách chính yếu và tiên khởi


Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Tư, 16 Jul 2014, 4:53 PM
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:04 AM | Message # 3
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
3.

Học Phật bằng cách nào ?

HT. Thích Thanh Từ


Hỏi học Phật bằng cách nào, tức là hỏi đến phương pháp học Phật. Ở thế gian môn học nào cũng có phương pháp riêng của nó. Ví như môn toán học, người học trò trước phải biết số, kế học thuộc cửu chương, học cách cộng trừ nhơn chia, lên nữa phải học công thức, phương trình v.v... Môn văn chương, trước phải biết chữ cái, học ráp vần, viết chánh tả, học văn phạm, tập cách làm văn v.v... Phương chi Phật pháp là môn học giác ngộ, mà không có phương pháp riêng của nó hay sao ?

Phương pháp học Phật tức là ba môn Huệ học : Văn huệ, Tư huệ, và Tu huệ. Bởi vì muốn vào cửa giác ngộ, không phải anh tướng trí huệ thì không sao vào được. Phật pháp là chân lý là những sự thật, nếu không có ngọn đuốc trí huệ soi sáng, làm sao chúng ta thấy mọi sự vật ở chung quanh, không cần trí huệ, chỉ dùng lòng tin đến với đạo Phật, để học Phật pháp, thật là sai lầm lớn lao. Đây là chứng bệnh trầm trọng của Phật tử hiện thời. Cần chữa lành bệnh này. Chúng ta phải ứng dụng triệt để ba môn Huệ học vào công trình tu học Phật pháp.

THẾ NÀO LÀ VĂN HUỆ ?


Văn là nghe, do nghe giáo lý của Phật pháp, trí huệ mở sáng, gọi là Văn huệ. Chúng ta nghe Phật pháp qua lời giảng dạy của chư tăng, của thiện hữu tri thức đã tu học trước ta. Những lời giảng dạy ấy xuất phát từ kinh điển của Phật, trong đó chứa toàn lời lẽ chơn chánh, chỉ bày mọi sự vật cho chúng sinh. Càng nghe trí huệ chúng ta càng sáng. Hoặc chúng ta trực tiếp đọc kinh sách Phật, khiến mở mang trí huệ cũng thuộc Văn huệ. Chịu khó nghe giảng dạy, chịu khó nghiên cứu kinh sách Phật, đó là người biết từ cửa Văn huệ tiến thẳng vào ngôi nhà Phật pháp.

THẾ NÀO LÀ TƯ HUỆ ?


Tư là suy xét phán đoán, do suy xét phán đoán những lời dạy trong Phật pháp, trí huệ càng tăng trưởng. Chúng ta được nghe lời chỉ dạy của thầy bạn, dẫn từ trong kinh Phật ra, song nghe rồi tin liền là chưa đủ tư cách học Phật. Buộc chúng ta phải dùng trí phán đoán xem đúng hay sai, nếu quả thật đúng, từ đó chúng ta mới tin. Có thể, mới thực hành đúng câu "các người phải tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp", trong kinh Pháp Cú. Chúng ta muốn mở mang trí huệ, song tự mình làm sao mở được, phải mồi ngọn đuốc trí huệ của mình với ngọn đuốc chánh pháp của Phật, trí huệ mới phát sáng.


MỒI BẰNG CÁCH NÀO ?


Ví như chúng ta nghe vị Sư giảng rằng : "Tất cả thế gian đều là vô thường". Sau đó phải dùng trí huệ của mình phán đoán xem đúng hay không. Chúng ta tự đặt câu hỏi : tất cả thế gian đều là vô thường, có sự vật nào thoát ngoài luật lệ ấy chăng ? Nếu có, câu nói này chưa phải là chân lý. Bằng không, mới thật đúng chân lý, chúng ta sẽ hoàn toàn tin. Thế rồi, ta tự khảo sát :

Con người có phải vô thường không ? Từ ông bà đến cha mẹ chúng ta đều sanh ra, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu, rồi chết. Kể luôn cả ta, khi nào còn nhỏ bé, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu, rồi cũng sẽ chết. Trong gia đình thân tộc chúng ta đã thế, ngoài xã hội cũng thế, cả nhơn loại trên thế giới cũng thế; ngàn xưa là thế, mãi sau này cũng thế. Quả là con người vô thường.

Đến những sự vật, nào nhà cửa, bàn ghết, xe cộ v.v... có bị vô thường không ? Chính cái nhà của mình, khi mới cất thì tốt đẹp lành lặn, qua vài ba năm thấy cũ dần, đến năm mười năm thì hư sập. Cái bàn viết cũng thế, khi mới đóng xem bóng loáng tốt đẹp, dùng mấy năm thấy đã cũ, tróc sơn khờn mặt, rồi đây sẽ mục nát hư hoại. Chiếc xe đạp khi mới mua đem về mới toanh, chạy được một năm võ đã rách, cổ lỏng, các con ốc lờn... vài năm nữa sẽ hư. Thế là, nhà cửa, bàn ghế, xe cộ... những vật cần dùng bên cạnh chúng ta thảy bị vô thường chi phối. Cho đến trăm ngàn vật khác, nếu khảo sát đều thấy đồng một số phận như nhau.

Chúng ta có thể kết luận rằng : "Tất cả thế gian là vô thường", quả thực là chân lý. Ta tin chắc lẽ này, dù có ai nói khác đi, cũng không làm lay động được lòng tin của ta. Bởi lòng tin này đã được gạn lọc qua sàng lý trí, nên nó vững chắc không dễ gì lung lay.

Lại một thí dụ, chúng ta nghe vị Sư giảng lý luân hồi, bảo rằng : "Muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi". Ta tự đặt câu hỏi : Tại sao muôn vật đều luân hồi ? Có vật nào không luân hồi chăng ? Chúng ta bắt đầu xét từ thực vật :

Cây cối thành hình bắt nguồn từ hạt, hạt nẩy mầm tăng trưởng thành cây, nở hoa, kết trái; trái sanh hạt, hạt lại nẩy mầm... lộn đi đảo lại không cùng. Song đó là sự lộn đi đảo lại từ cây này sang cây khác, ngay bản thân cây ấy có đảo lộn vậy không ? Cũng lộn đi đảo lại như thế. Thân cây hiện sống đây, do châm rễ hút đất nước... nuôi dưỡng mới được sinh trưởng, dần dần thành đại thọ. Rễ hút đất nước nuôi dưỡng thân cành lá, lá rụng biến thành phân đất, càng gãy mục cũng thành phân đất, thân cây ngã gục cũng trở về đất nước. Thân cây nhờ đất nước sinh trưởng, khi ngã mục lại trở về đất nước.

Nước do ánh nắng bốc thành hơi, hơi lên cao gặp khí lạnh đọng lại, rơi xuống thành nước, nước lại bốc hơi... mãi mãi không cùng.

To như quả địa cầu vẫn quay tròn quanh cái trục, sáng rồi tối, tối lại sáng. Căn cứ vào sự quay tròn của nó, người ta chia ra ngày, giờ, tháng năm, thời tiết xuân hạ thu đông, xoay vần thế mãi không cùng.

Do sự khảo sát trên, chúng ta khẳng định rằng "muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi" là sự thật không còn gì phải nghi ngờ.

Trên đây tạm cử vài ví dụ làm căn bản cho công cuộc suy xét phán đoán Phật pháp. Căn cứ vào đây, chúng ta phán xét những lời Phật dạy, hoặc chư Tăng dạy trong những trường hợp khác. Có thể, mới phân biệt được chánh tà và mới đúng tinh thần người học Phật.

THẾ NÀO LÀ TU HUỆ ?


Sau khi phán xét lời Phật dạy là đúng, chúng ta đem áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của mình, khiến chánh lý càng bày hiện sáng tỏ, là tu huệ. Ví như, biết rõ "Tất cả thế gian là vô thường", chúng ta ứng dụng sự vô thường vào đời sống mình, trong những trường hợp như sau :

Đã biết rõ thế gian là vô thường, khi gặp vô thường đến với bản thân, với gia đình ta, ta vẫn giữ bình tỉnh không hốt hoảng sợ hãi. Vì biết chắc điều đó ở thế gian không ai tránh khỏi, sợ hãi kinh hoàng chỉ làm rối thêm vô ích. Bởi không sợ nên tâm ta bình tỉnh sáng suốt, giải quyết mọi việc một cách tốt đẹp. Chúng ta vẫn đủ sáng suốt để khuyên giải cho những người đồng cảnh ngộ bớt đau khổ.

Biết rõ thế gian là vô thường, mọi sự tranh giành danh lợi, tài sắc... lòng ta nguôi lạnh. Tranh giành những thứ bạm bợ ấy làm gì, để rồi chuốc khổ về mình, gây đau khổ cho người, rốt cuộc chỉ thành việc mò trăng bắt bóng. Lòng tham lam giành giật dục lạc thế gian, do đây dứt sạch.

Do thấy rõ lẽ vô thường, chúng ta không thể ngồi yên chờ chết. Phải cố gắng làm mọi việc lành, nếu cơn vô thường đến, chúng ta có muốn làm cũng không sao làm được. Lại biết quý tiếc thời giờ, một ngày qua rồi không tìm lại được, phải cấp bách nỗ lực làm lợi mình lợi người, không thể chần chờ.

Đó là ba trường hợp do biết "thế gian vô thường", chúng ta khéo ứng dụng tu hành trong cuộc sống hiện tại của mình. Bao nhiêu sự lợi ích tốt đẹp sẽ theo đó mà tăng trưởng. Sự tu hành ấy, đi đôi với tâm trí tỉnh táo sáng suốt, nên gọi là "Tu huệ".

Ví dụ khác, chúng ta nhận rõ "muôn vật luân hồi", liền ứng dụng lý luân hồi vào cuộc sống của mình. Nếu phải luân hồi, chúng ta chọn cái luân hồi nào tốt đẹp, an ổn hơn. Ví như, biết các loài thảo mộc từ hạt, nẩy mầm, sinh trưởng thành cây, đơm hoa, kết quả; hạt lại nẩy mầm... chúng ta nên chọn lựa hạt tốt giống ngon đem ương. Để sau này kết quả ngon, cho ta và mọi người được tthưởng thức vị ngon. Cũng thế, trong vòng luân hồi bản thân ta cũng không thoát khỏi, ta cần tạo những nhơn tốt, nhơn an vui, để mai kia có lăn lộn cũng lăn lộn trong chỗ tốt, chỗ an vui.

Đã biết muôn vật luân hồi, chúng ta phải tìm xem nguyên nhân nào lôi cuốn vào trong ấy. Biết rõ nguyên nhân rồi, phải tìm cách thoát ra ngoài vòng luân hồi. Không đầu hàng khuất phục, để chịu lăn mãi trong luân hồi. Như các nhà khoa học nghiên cứu biết sức hút của quả đất, sau đó tìm cách chế phi thuyền đủ sức mạnh vượt ra ngoài vòng hút của quả đất, đi thẳng vào quỹ đạo v.v... Biết luân hồi để tìm cách thoát ra, chính là tinh thần "Tu huệ".

Văn huệ, Tư huệ rất cần thiết, song tu huệ lại càng quan trọng hơn. Nếu có văn huệ, tư huệ mà thiếu tu huệ thì chỉ là huệ rỗng, không lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Nhờ tu huệ mới thẩm định được giá trị văn, tư ở trên và giúp cho văn, tư được kết quả viên mãn.

Vì thế, Đức Phật dạy hàng Phật tử đi chùa là cốt gặp Sư tăng, Sư ni, gặp Tăng ni rồi cần phải thưa hỏi Phật pháp, thưa hỏi xong phải ghi nhớ, ghi nhớ rồi cần phải phán xét, phán xét rồi phải tiến tu. Được vậy mới đúng tinh thần Phật tử (Phỏng theo bài kinh Ma Ha Nam trong Tạp An Hàm). Bồ Tát Quán Thế Âm cũng trình với Phật, thuở quá khứ lâu xa Ngài gặp Phật dạy tu phương pháp văn, tư, tu được vào chánh định và cho hiệu là Quán Thế Âm (Kinh Lăng Nghiêm). Chính trong giới Bồ Tát, Phật cũng dạy "dù ở xa trăm ngàn dặm, nghe có người nói kinh luật, người mới thọ giới Bồ Tát cũng phải mang kinh luật đến đó học (Kinh Phạm Võng). Quả nhiên Đức Phật không chấp nhận đệ tử tu hành tối dốt, phải đầy đủ ba môn Huệ học, mới xứng là đệ tử của Ngài.

Ba môn Huệ học này hoàn toàn thích hợp với tinh thần khoa học hiện nay. Bất luận môn học nào, trước tiên học lý thuyết, kế phê bình lý thuyết, sau thí nghiệm hay thực hành lý thuyết. Lý thuyết tức là văn huệ; phê bình tức là tư huệ, thí nghiệm tức là tu huệ. Có như vậy môn học mới tiến bộ và phát minh những điều mới lạ.

Tuy nhiên về mục tiêu chính yếu Phật học vẫn khác khoa học. Khoa học cốt phát minh mọi sự thật của ngoại giới, chinh phục giành quyền làm chủ thiên nhiên, bắt thiên nhiên làm theo ý muốn con người, để tạo vật chất dồi dào sung túc cho nhơn loại. Phật học xoay lại ngự trị bản thân mình, gạn lọc đào thải những tâm thức nhơ xấu, kiến tạo một tâm hồn trong sáng an vui tự tại. Bởi khoa học gây tạo điều kiện vật chất dồi dào, nên con người dễ tranh đua giành giật kình chống lẫn nhau, Phật học cốt xây dựng tâm hồn trong sáng, nên người biết tu theo, lòng sẽ mở rộng thương yêu bảo học lẫn nhau.

Vì thế, ba môn Huệ học đều đặt căn cứ trên nguyên tắc "xem lại chính mình". Nắm vững nguyên tắc này, đọc kinh sách Phật, chúng ta nhận định phán xét không bị sai lầm.


Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Tư, 16 Jul 2014, 4:56 PM
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:05 AM | Message # 4
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
4....Phải có con mắt trạc ( ? )Khi dịch xong kinh Trường A-hàm năm 1962 tôi cảm thấy có một vài thắc mắc tuy thông thường nhưng sẽ không tránh khỏi xuất hiện một cách mau lẹ đến ít nhiều quý vị đọc kinh này. Ðể giải thích phần nào những thắc mắc đó hầu tránh khỏi cái nạn vì nghẹn bỏ ăn, ở đây xin nêu vài ý kiến theo trường hợp này:

1. Thuyết pháp độ sanh là bản hoài của Phật, vậy tại sao khi Thành Ðạo rồi Ngài lại không muốn thuyết pháp, đợi đến khi Phạm vương thưa thỉnh, Ngài mới thuyết?

- Xin thưa: Như kinh đã nói đến, không phải Phật nhất định không muốn thuyết pháp, song Ngài còn ngần ngại giữa một bên là giáo lý giác ngộ quá cao siêu, một bên căn tính chúng sanh quá thấp kém, sợ đem giáo pháp ấy nói cho chúng sanh ấy có hại hơn có lợi. Trong lúc Phật đang quán xét phải thuyết pháp cách nào mới đưa đến nhiều lợi ích, thì Phạm vương đến thưa thỉnh. Như vậy việc thưa thỉnh này chỉ đáng xem là một việc làm đúng lúc chớ không phải một quyết định tối hậu, mở đầu cuộc thuyết pháp của Phật. Vả lại, thời bấy giờ dân Ấn Ðộ tin thờ Phạm thiên vương là chúa tể. Nay thấy Phạm thiên vương thỉnh Phật thuyết pháp như vậy thì họ sẽ tôn kính Phật mà lắng tai nghe, trừ bỏ lòng tự tôn vào giáo pháp của Bà-la-môn xưa nay. (Muốn hiểu rộng hơn xin xem Luận Ðại Trí Ðộ quyển 7).

2. A Nan không thỉnh Phật ở đời lâu thêm vì tâm trí bị Ma vương ám. Nhưng sau đó Ngài nhận lời Ma vương nhập Niết-bàn, như thế phải chăng Phật thiên vị Ma vương?

- Xin thưa: Phàm ở đời việc gì đến nó phải đến. Khi cơ duyên hóa độ đã mãn tất nhiên Phật vào Niết-bàn, dù khi đó có hay không có Ma vương thưa thỉnh. Trái lại, khi cơ duyên hóa độ chưa mãn, lúc Ngài ở bên sông Ni-liên-thuyền, lúc Ngài vừa Thành Ðạo, dù Ma vương có đến thỉnh Phật vẫn không vào Niết-bàn. Vậy việc Phật nói với Ma vương sau ba tháng sẽ vào Niết-bàn chỉ là một dịp Phật thổ lộ ý định của mình mà thôi.

3. Phật là bậc tự tại tự chủ, sao Ngài không duy trì xác thân ở đời mãi mãi để làm lợi ích cho chúng sanh? Nếu Phật còn phải chịu sự sống chết như mọi người, thì sao gọi Phật là tự tại tự chủ?

- Xin thưa: Chân lý muôn đời của vũ trụ là hễ có sinh thì có diệt, có hiệp thì có ly, không một ai có thể làm cho khác đi được. Nhưng chúng sanh vì vô minh thường có tham vọng đi ngược lại chân lý nên phải đau khổ đời đời. Trái lại chư Phật Bồ -tát giác ngộ, thể nhập chân lý nên thường được tự tại như chân lý, một sự tự tại siêu tuyệt: Ở nơi sinh mà bất sinh, ở nơi diệt mà bất diệt; bất sinh bất diệt tức giải thoát tự tại ngoài vòng chi phối của bất cứ điều gì, dù là sinh là tử. Cho nên cùng một hình thức sinh tử, ta thấy về xác thân mà ở nơi chúng sanh thì là luân hồi đau khổ, ở nơi Phật thì lại tự tại giải thoát.

Còn sự lợi sự hại theo Phật thì chúng sanh lắm lúc không đồng nhau. Cùng một chuyện chúng sanh thấy lợi, Phật thấy không lợi, chúng sanh thấy hại, Phật thấy không hại. Do đó, dù Phật diệt độ mà Ngài vẫn thấy chúng sanh còn được nhờ giáo pháp Phật để lại, để nổ lực tu hành mà không sanh tâm ỷ lại vào sự tế độ của Phật. Mỗi người phải lo tự giác ngộ chứ không ai giác ngộ thế cho ai được. Hễ ai giác ngộ được, người đó hết đau khổ, dù Phật còn ở đời, mà chúng sanh không chịu tự lo giác ngộ theo phương pháp Phật chỉ dạy cũng không ích gì.

Một câu chuyện tương tự dưới đây, tuy đơn giản nhưng có thể làm một tiêu chuẩn cho ta suy nghiệm đến đường lối cứu đời của Phật khác xa thường tình nghĩ tưởng: Lúc Phật còn tại thế, có một người đàn bà không may phải làm dâu trong một gia đình ác độc, bà ta bị hất hủi, bạc đãi đủ điều, nên chỉ còn biết đặt hy vọng vào đứa con độc nhất của mình. Nhưng cũng rủi luôn cho bà, đứa con ấy vừa lên ba thì mệnh yểu. Bà đau khổ điên cuồng ôm thây con đến mấy vị bác sĩ, nhờ cứu chữa. Bác sĩ, lương y nào cũng lắc đầu bó tay. Cuối cùng có người vẽ cho bà tìm đến đức Thế Tôn, may ra Ngài có thể cứu được con bà. Một tia hy vọng cuối cùng lại vụt sáng giữa lúc tâm thần đang bối rối đau khổ, bà ôm xác con chạy gấp đến chỗ Phật, sau khi vái chào, bà liền cầu xin Phật cho đứa con bà sống lại, Phật dạy: Ðược, Bà hãy đi kiếm cho Ta một nắm hạt cải ở nhà nào từ xưa nay không có người chết, đem về đây Ta sẽ cứu cho". Bà mừng rỡ lật đật chạy đi kiếm. Khi bà đến nhà thứ nhất, được người đem cho nắm hạt cải. Bà liền hỏi chủ nhà: "Nhà này xưa nay có ai chết không?" Chủ nhà trả lời: "đã có mấy người chết". Bà ta nói đức Thế Tôn dặn kiếm thứ hạt cải ở nhà nào xưa nay không có người chết, nên bà ta đem trả lại nắm hạt cải. Bà ta cũng hỏi và cũng không nhận như nhà trước. Cứ như thế bà ta đi từ nhà nọ đến nhà kia khắp vùng mà vẫn không kiếm ra một nắm hạt cải đúng như lời Phật dặn. Bỗng nhiên một giây phút tỉnh ngộ, lý vô thường bật sáng trong tâm bà, phá tan bao điều sầu khổ, u ám, bà lặng lẽ đem con đi chôn rồi trở lại tinh xá bạch Thế Tôn: "Việc Ngài dạy con đã làm xong". Rồi bà đảnh lễ Phật xin quy y làm đệ tử.

Khi đọc chuyện này, không khéo lại có người đặt lời phê phán: "Thế Phật có hơn gì mấy ông bác sĩ, lương y? Phật còn không bằng các đạo sĩ, giáo chủ khác dùng phép lạ cứu người chết rồi sống lại? Tình thương của Phật như thế tỏ ra một tình thương quá lạt lẽo đến phũ phàng, một tình thương không thực tế! "Nhưng không, nếu cứ ôn tồn suy nghĩ chắc người ta sẽ không phê phán một cách quá nông nổi và sai lầm đối với lòng từ bi quá thâm thúy và thiết thực như trên của Phật. Ðối với Phật, Ngài đã thấy rõ, sở dĩ chúng sanh đau khổ chỉ vì không giác ngộ được chân lý thực tại vô thường, lại muốn bám chặt vào những mảnh vô thường và nhận chắc đó là ta và của ta, vì vậy tình thương của Ngài là cốt làm thế nào phá trừ vô minh đưa chúng sanh đến nơi giác ngộ tức hết đau khổ, nếu không như vậy, dù có làm cách nào, cũng chỉ là cách cứu chữa tạm thời, đôi khi còn vì nó gây thêm đậm nét đau khổ là khác. Ví dụ như ông thầy thuốc không chịu tìm chữa từ bịnh căn, chỉ nghe con bịnh nói đau mắt, đau đầu bừa, không tìm nguyên nhân thì không bao giờ hết bịnh, vì bịnh căn là mầm mống chưa trừ. Như vậy đến đây, ta hiểu được rằng tại sao Phật không dùng phép lạ cứu sống đứa con người đàn bà kia. Chúng ta cũng biết rõ rằng dù Phật có cứu sống đứa nhỏ bằng phép lạ đi nữa rồi một ngày kia nó cũng vẫn già, vẫn bịnh, vẫn chết và người đàn bà mẹ nó, cũng vẫn đau khổ như từ bao giờ không hơn không kém, nếu bà không một lần tỉnh ngộ như trong khi đi xin hạt cải: chết sống không phải là khổ mà khổ vì không giác ngộ lẽ chết sống.

4. Chúng sanh đau khổ nhưng kém hèn không tự cứu lấy mình được mới chạy đến Phật cầu cứu. Thay vì phải soi sáng, cứu độ cho họ, Phật lại dạy: "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi". Như thế nghĩa là sao? Nếu chúng sanh tự thắp đuốc lên mà đi được thì phỏng có lợi ích gì mà họ phải chạy đến Phật?

- Xin thưa: Phật dạy mỗi người phải tự giác ngộ lấy mình chớ không ai giác ngộ thế cho được, đó là lời dạy chí lý hiển nhiên đúng thật không thể chối cãi được, và câu "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi" đã nằm trong ý nghĩa tự giác ngộ đó. Tuy nhiên, nếu suốt một đời giáo hóa của Phật, thỉ chung Ngài chỉ dạy có một câu ấy bất cứ đối với ai và bất cứ lúc nào, thì cũng đáng cho ta sự thắc mắc trên, bởi nếu như vậy, chúng ta sẽ không hiểu gì là cái đuốc. Tại sao phải tự thắp, làm thế nào để thắp và đi về đâu. Nhưng đằng này khác hẳn, sau giáo pháp Phật đã dạy, giáo pháp đó không ích lợi gì cả nếu chúng sanh không chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực hành, nương giáo pháp để tự tạo lấy sự giác ngộ chính trong lòng mình. Phật vì thương chúng sanh cho nên Ngài lại phải nhắc nhở chúng sanh lo thực hành với lời dạy trên.

Giáo pháp như ngón tay chỉ, chân lý ví như mặt trăng, Phật truyền dạy giáo pháp khác nào như Phật đã đưa tay chỉ mặt trăng (đây là Phật khai hóa cứu độ cho chúng sanh), người muốn thấy mặt trăng, tất phải định thần mở mắt nhìn theo hướng tay chỉ, không phải chờ ai nhìn thế mà cho thấy được. Nếu Phật có nhìn thấy hay người khác có nhìn thấy, cũng chỉ là Phật thấy, mấy người kia thấy, chớ không phải mình thấy. Giáo pháp lại có thể ví như những điều kiện bên ngoài để tạo ra hạnh phúc chân thật bên trong; khi một người có đủ các điều kiện ấy mà vẫn thấy mình chưa đủ hạnh phúc thì họ phải lo tự tạo lấy hạnh phúc cho họ, chớ không ai bên ngoài xen vào hay mang lại một hạnh phúc chân thật trong lòng họ được.

Ðể hiểu rõ hơn, ta cần xác nhận thời gian tính lời dạy trên trong quá trình thuyết giáo của Phật. Theo như trong kinh này thì câu "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi" đã được Phật dạy vào lúc sắp nhập Niết-bàn và lúc nhiều giáo pháp đã được Phật nói ra. Như thế có theo Phật ta mới hiểu rõ đường lối tu hành, mới thoát khỏi các ý nghĩ ỷ lại sai lầm rằng ta có thể nhờ người khác đem lại giác ngộ và hạnh phúc chân thật cho ta, và mới hiểu tại sao phải tự thắp đuốc lên mà đi và thắp bằng cách nào để khỏi bị ở mãi trong chốn tối tăm đau khổ.

5. Ðạo Phật chủ trương lý trí, chú trọng thực tiễn, tại sao trong kinh còn có những chỗ nói đến các vị thần, như thiên thần, lâm thần, thọ thần v.v... Như thế Phật giáo cũng tin có quỷ thần, mơ hồ? Phật giáo cũng là một đa thần giáo?

- Xin thưa: Phật giáo không hề lấy việc tin quỷ thần, cầu khấn, thầm làm phương châm giải khổ, nhưng Phật giáo quan niệm giữa vũ trụ có vô lượng thế giới và vô số chúng sanh xuất hiện dưới vô số hình thức sai khác, lớn có, bé có, ở hư không có, ở dưới biển có, hữu hình có, vô hình có, tùy theo căn thức và nghiệp cảm. Mỗi chúng sanh cũng chỉ là mỗi chúng sanh, không chúng sanh nào có thể sáng tạo và cai quản chúng sanh nào, ngoại trừ tánh cách tương quan hổ thành theo luật nhân duyên nhân quả. Do đó, Phật không bao giờ khuyên dạy người ta cầu xin phúc họa nơi quỷ thần, mà dạy người ta lo cầu xin họa phúc ngay nơi mình. Khác với đa số người thế gian và đa thần giáo xem quỷ thần như những vị sáng tạo và có quyền phép ban phước giáng họa và người ta cần đến đó cầu xin hoặc sợ sệt kính lễ, trong khi Phật giáo dù nói đến thần này thần kia chỉ có nghĩa tại chỗ kia chỗ nọ mà thôi, có với không có nó không là việc bận rộn đến tinh thần của những Phật tử chân chánh.

6. Người ta nói "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách", một thường dân còn có bổn phận đối với quốc gia xứ sở, huống những người cầm quyền trị vì, thế nhưng trong kinh có đoạn kể chuyện vua tôi nước nọ đều xuất gia cả. Xuất gia như thế có hại cho quốc gia không? Có thụ động, trốn trách nhiệm không?

- Xin thưa: giá trị của sự xuất gia ở chỗ khác đã có nói nhiều, ở đây xin tóm tắt rằng sự xuất gia chân chính bao gồm một ý nghĩa từ bỏ dục vọng, tham lam, ngã chấp, để khuôn mình trong lối sống đạo đức với chí hướng cầu chân thiện mỹ và ban phát chân thiện mỹ. Xuất gia như thế đâu phải là một hành vi thụ động, trốn đời, hại đời? Và đâu dễ có mấy người xuất gia, khiến đến nỗi quốc gia phải suy yếu vì họ? Vả chăng việc nước là việc chung, không người này còn người khác, một số rất nhỏ người xuất gia có thấm vào đâu với đại đa số dân chúng. Một điều mà thiết tưởng ai cũng thấy rõ, nước mạnh không nhất thiết phải dân đông nhưng cốt phải muôn dân nhất trí, và muốn cho muôn dân nhất trí là phải có đạo đức, hy sinh, công chính. Mọi người dân trong khi cố công kiến thiết, họ cũng phải cố công xây dựng ở họ, ở người khác một sức mạnh đạo đức, biết hy sinh, không ích kỷ, không cố vị tham quyền mới duy trì được nền an lạc chung. Như thế suy đến chuyện xuất gia của vua tôi nước nọ, thay vì nói đó là yếm thế, trốn trách nhiệm, ta hãy nói đó là một cử chỉ cao thượng hiếm có, đã nêu một gương sáng không tham cố quyền lợi, không cố thủ địa vị là điều xưa nay thật khó tìm thấy ở trong bao nhiêu người có địa vị trong tay. Tuy vậy, thật ra việc xuất gia như trên rất hiếm có trong lịch sử và giả sử có ta cũng thấy rõ đâu có làm hại cho quốc gia, xã hội bằng những con người bất nhân vô đạo, cố vị tham quyền kết tụ lại trong quốc gia hay thế giới, mà xưa nay đâu đâu cũng có. Cứ xem nhân loại ngày nay ta cũng đủ thấy là hiện đang đau khổ vì dục vọng hay những lời dạy ly dục và sự xuất gia như trên?

Tóm lại, trong khi xem kinh, nên có con mắt trạch pháp để nhận định những lời nào Phật quyền thuyết, những lời nào Phật thật thuyết, những lời nào là chính yếu, những lời nào là phụ yếu, và suy nghiệm lối thuyết pháp tất đàn của Phật mới mong học được những chỗ đáng học, nắm được chỗ chính yếu của giáo lý để khỏi kẹt vào những thắc mắc không trọng hệ nhưng lắm lúc làm trở ngại những giáo lý trọng hệ cần được chú tâm suy tầm tu niệm nhiều hơn.h pháp khi nghe Kinh.

HT. Thích Thiện Siêu


Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Sáu, 18 Jul 2014, 6:21 AM
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:08 AM | Message # 5
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
5..Người Tại gia tu Phật.

HT. Thích Thiện Siêu


Tu có nghĩa là sửa. Tu rất khó, khó nhất là tu tại gia, cho nên có câu : Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. ở chùa có nhiều thiện duyên nên tương đối dễ tu. ở chợ lại khó tu hơn một chút vì phải giữ lòng ngay thẳng, không gian manh lường cân tráo đấu; ở nhà lại khó hơn nữa vì bạn ác rủ rê làm ta dễ bị sa đọa.

Quy y Tam Bảo


Muốn tu tại gia trước tiên ta phải quy y ‘Tam Bảo’, và khi ta quy y Tam Bảo thì vấn đề lễ bái đối với ta rất quan trọng. điều thứ nhất trong hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ tát là: ’Nhất giả lễ kính chư Phật’.

Có một lần ở thành Vương xá, đức Thế Tôn thấy con gia chủ là Thi-Ca- la-việt (Thiện Sanh) sáng nào cũng hướng 6 phương để đảnh lễ trong lúc đầu tóc áo quần đang còn ướt sũng. đức Thế Tôn hỏi Thi-Ca-la-việt lễ lạy như thế để làm gì? Thì y thưa rằng lễ lạy như vậy là chỉ để làm theo lời cha dặn trước lúc lâm chung.

Chúng ta đôi khi cũng lễ lạy như vậy, lễ lạy theo thói quen khi bước chân vào chùa, lễ lạy khi nghe tiếng chuông, nhưng chúng ta cũng không ý thức lễ lạy để làm gì, và vì sao phải phải lễ lạy? Hoặc giả chúng ta lễ lạy để cầu xin mua may bán đắt, cầu xin cho con cái thi đậu, cầu xin sức khỏe khi có người thân lâm bệnh. Chúng ta thường chỉ biết lễ lạy với tâm nguyện cầu như thế. Chúng ta đã quên mục đích cao cả khi chúng ta đã ’quy y Tam Bảo’là chúng ta phải học đạo của đức Phật, hành đạo như đức Phật, mục đích là xoay đời sống hung ác của ta thành đời sống từ bi, xoay xấu xa trở thành tốt đẹp. Chúng ta thường hay bạ đâu tính đó, ham kinh doanh, ham làm tiền, ham danh vọng, nên đời sống của chúng ta do đó không an lạc, chúng ta không được giải thoát. Khi một đệ tử đến cầu xin đức Phật giải thoát cho y khỏi bao đau khổ, phiền não, thì đức Phật hỏi y: Ai ràng buộc ngươi? Ai không cho ngươi được giải thoát?

Quy y Tam Bảo là nương theo Tam Bảo để làm như đức Phật, để tu như đức Phật cho đến khi được chánh đẳng chánh giác. Cho nên, khi chúng ta đã quy y Tam Bảo thì chúng ta không lạy gốc cây, không lạy bờ sông, không cúng ông Táo. Nếu chúng ta vẫn làm như vậy tức là chúng ta đã quên rằng chúng ta đã quy y Tam Bảo. Như vậy, chẳng khác nào anh làm ruộng gieo giống ngoài đồng rồi bỏ đó, không chăm sóc, không tưới bón, không vun quén, nếu chúng ta quy y Tam Bảo mà chúng ta không tu, không học đạo, không làm theo đạo Phật. Nếu chúng ta nhận định sai thì một ngày kia chúng ta phải thối tâm và sa đọa.

Đức Phật dạy một bài học cho chúng ta là: của cải không đem lại chân hạnh phúc. đức Phật một hôm ngồi trên một đám cỏ ướt mà không lạnh, không thấy khổ, vì nguyên nhân gây khổ đức Phật đã dứt từ lâu, nên đức Phật vẫn an nhiên tự tại, đức Phật bảo rằng: nằm trong nệm ấm chăn êm mà lòng tham, sân, si không dứt, luôn luôn lo sợ mất của thì vẫn đau khổ như thường.

Chúng ta đôi khi quên mục đích quy y và lễ bái Tam Bảo của chúng ta, và nếu chúng ta chỉ lễ bái với mục đích thỏa mãn lòng ham muốn tầm thường bất chính, thì chúng ta không bao giờ đạt được mục đích cao cả kia. Ngày xưa có một anh thờ vị Thần Lã tổ và trú dạ lục thời anh ấy đều hương hoa lễ bái kính cẩn, chí thành. Ông Thần thấy anh kia tâm thành như vậy, rất cảm động, bèn hỏi anh ấy muốn cầu xin điều gì, thì y đáp là muốn xin Thần cho một chén vàng vì nhà y nghèo quá. ông Thần liền đưa ngón tay hóa phép và một chén vàng hiện ra cho y. Anh ta mừng quá! Vài hôm sau anh ta lại tiếp tục hương hoa lễ bái thành khẩn như trước. ông Thần lại hiện lên và lại hỏi anh ta muốn cầu điều gì? Anh ta liền thưa chén vàng nhỏ quá, không đủ để chi dùng, xin thần cho y một bình vàng. ông Thần lại đưa ngón tay ra chỉ và một bình vàng đầy ắp hiện ra. Anh ta mừng quýnh. Nhưng chẳng bao lâu anh ta nghĩ rằng mình muốn nhiều thứ hơn nữa, mà mỗi lần cầu xin thì chỉ được một thứ mất công lễ bái. Lần nầy anh ta sắm nhiều hương hoa, lễ bái nhiều hơn trước và thành khẩn hơn trước. ông Thần thắc mắc quá, chẳng biết anh ta còn muốn gì ? ông hỏi, con còn muốn cầu xin điều gì nữa ? Có phải con muốn đạo không ? Hỏi năm ba lần anh ta mới thưa rằng ‘Chỉ muốn xin ngón tay làm phép của Thần thôi’, ông Thần nổi giận đưa ngón tay chỉ một cái, tức thì nhà cửa, xe cộ, của cải gì của anh ta cũng sụp đổ tan tành. Thế mới hay nếu chúng ta lễ bái với mục đích cầu lợi lạc thì không bao giờ được thỏa nguyện, bởi lòng tham của chúng ta vô bờ.

Lễ bái đúng đắn


Nếu chúng ta không rõ ý nghĩa của lễ bái thì việc lễ bái trở thành vô ích. Vì sợ sệt mà lễ, vì lợi lộc mà lễ thì lễ Phật cũng như lễ gốc cây, bụi bờ không khác. đằng này chúng ta lễ Phật vì kính trọng đức hạnh cao cả, vì phục sát đất tâm lượng đại từ đại bi của đức Phật, trí huệ rộng lớn bao la của đức Phật. Chúng ta đã quy y theo Phật thì tâm lượng ta cũng phải rộng rãi bao la, chúng ta cũng phải có trí tuệ sáng suốt, như đức Phật, chúng ta cố gắng bỏ tánh tham lam bỏn xẻn nhỏ mọn hẹp hòi. Biết rằng đồng tiền không đem lại hạnh phúc tuyệt đối, nó là ‘một đầy tớ trung thành và đồng thời cũng là một người chủ khắc nghiệt’(ngạn ngữ Tây phương). Nếu chúng ta không để cho đồng tiền làm chủ thì đồng tiền mới đem lại hạnh phúc cho ta. (Xem câu chuyện anh chàng nghèo khổ nhưng đã phát tâm cúng dường tấm áo choàng duy nhất, rồi vừa la vừa chạy ‘được rồi, được rồi’ ; gặp lúc vua ngự ngang qua, cho đòi lại hỏi cớ sự. Sau khi biết chuyện, vua khen ngợi tấm lòng quảng đại của anh ấy và thưởng cho nhiều của cải).

Chúng ta lễ Phật là để cảm ân đức Phật đã giáo hóa chúng ta, đã bày chế ra bao nhiêu pháp môn phương tiện hầu dẫn dắt chúng ta đến Niết bàn, đến giải thoát. Phá trừ ngã chấp là giáo lý cao quý nhất mà đức Phật dạy cho chúng ta. Có người tu lâu năm, đạt được thần thông, bèn lên Thiên đường gõ cửa Thượng đế. Thượng đế hỏi ‘Ai đó ?’. Người kia đáp : ‘Tôi đây’. Thượng đế hỏi : Tôi là ai ? Người kia đáp : Tôi là tôi. Thượng đế bảo : Nếu tôi là tôi và ông là ông thì ở đây không có chỗ cho hai người cùng ở, hãy về đi. Người kia trở về tu nữa. Lần sau, khi gõ cửa Thiên đường và Thượng đế hỏi : Ai đó ?- Tôi. Tôi là ai ? thì người kia đáp : Tôi là Ngài. Thượng đế mới bảo : ‘hãy vào’. Cho nên khi chúng ta không phân biệt tôi, anh, khi chúng ta không chấp cái ‘ta’thì bao nhiêu người cũng như một, đều sống chung với nhau, hòa thuận vui vẻ.

Đứa bé mới ra đời chưa biết gì. đến một tuổi cha mẹ mới đặt cho một cái tên, có khi một cái tên rất xấu xa, và dần dần nó chấp chặc cái tên đó là mình, một khi có ai gọi cái tên ấy mà tán thán, khen ngợi thì nó lại thấy sung sướng, phấn khởi. Sau này khi lớn lên, khi nghe người khác xưng hô với mình thiếu lịch sự thì lại phiền muộn. Vì một cái tên bông lông, không đâu mà mình cứ đau khổ, sống chết luân hồi triền miên với nó ? Nếu tin hiểu được lời Phật dạy : ‘Vạn pháp đều như hóa như huyễn’thì ta không bao giờ đau khổ nữa, không phiền muộn nữa. Cái danh xưng là giả tạm, cái thân là giả hợp, nếu chúng ta hiểu được như vậy, tất chúng ta an lạc, giải thoát (danh xưng như huyễn vô ngã).

Khi lễ Phật, chúng ta nguyện gì ? Nguyện tiêu tam chướng, trừ phiền não, nguyện trí huệ viên mãn, nghiệp chướng tiêu trừ, nguyện thường hành Bồ tát đạo. đó là đem lại an lạc cho mình, cho nhân loại, cho chúng sanh. Cái an lạc này là an lạc từ trong tâm mà ra, từ trong lòng mình phát ra. đức Phật dạy chỉ cái an lạc phát ra từ trong lòng mình mới là cái an lạc chân thật, còn cái an lạc từ ngoài mà có thì cái an lạc ấy là giả tạo.

Ta lễ bái 10 phương để làm gì ? và ta lễ ai ? Tức là ta lễ tất cả biến pháp giới : Nhất nhất biến lễ sát trần Phật. Tức ta cầu tất cả các đức Phật hộ trì để ta : a) diệt trừ được bốn nghiệp phiền não (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối), b) diệt trừ bốn lý do làm ác (tham lam, sân hận, ngã mạn, ngu si), c) trừ bỏ sáu nguyên nhân phung phí tài sản (cờ bạc, rượu chè, giao du đường phố phi thời, la cà đình đám hí viện, giao du ác hữu, quen thói lười biếng). Như vậy vấn đề lễ bái mới chính đáng.

Kinh đức Phật dạy cho người tại gia. Nếu ai học được đúng đắn sẽ trở thành người tốt nhất. Ngài dạy rằng người tu tại gia cần biết tích lũy tài sản như con ong, như đụn mối. Tiền của chia thành 4 phần: một để tiêu pha, hai phần làm vốn, một phần để dành khi gặp tai biến, khó khăn, làm việc từ thiện cúng dường. Chúng ta đã có nhiều công phu học Phật pháp nhưng ít khi nghe được một pháp vừa như ly sữa ngon ngọt cho trẻ thơ, như bữa ăn ngon cho người lớn, như bữa ăn bổ dưỡng cho người già cả. Ngài dạy dỗ chúng sinh không phân biệt, lời dạy chung, không bỏ ai, không chọn lựa ai; ai cố gắng nghe, thì hành trì được giải thoát trọn vẹn. Mọi căn cơ đều có pháp môn thích hợp.

Sáu nguyên nhân phung phí tài sản


Nhân một buổi sáng đức Phật đi khất thực, thấy chàng Thiện Sanh, con gia chủ, hướng sáu phương lễ bái, đức Phật liền dạy muốn cho việc lễ bái có ý nghĩa, trước tiên không làm 4 hạnh ác là tham, sân, si, mê; sau đó tránh xa 6 nguyên nhân phung phí tài sản mà ở đời ít ai tránh khỏi. đó là:

1. Đam mê rượu: có sáu điều bất lợi là tài sản bị hao tổn, ưa đấu tranh, tật bệnh dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ thân tàng, trí huệ thương tổn, tâm trí không bình tỉnh (Câu chuyện một vị ưu bà tắc vô tình uống lầm rượu mà phạm mọi giới: ăn cắp gà, sát sanh, tà dâm, nói dối);

2. Du hành đường phố phi thời: không ai che chở cho mình, không ai hộ trì gia đình, tài sản không ai trông nom, bị tình nghi tác giả các ác sự, nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não;

3. La cà đình đám hí viện: tâm mơ tưởng vui chơi, bỏ bê vợ con,xao lãng công ăn việc làm, hao tổn tiền bạc;

4. Đam mê cờ bạc: nếu thắng thì gây thù oán, nếu thua thì tâm sanh phiền muộn, tài sản bị hao thất, gây ra tranh chấp đánh lộn, tại hội trường lời nói không ai tin, bạn hữu khinh khi, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm;

5. Thân cận ác hữu: đó là những bạn cờ bạc, bạn loạn hành, người nghiện rượu, kẻ bạo động, người lừa gạt;

6. Quen thói lười biếng: luôn luôn kiếm cớ để từ chối làm việc (quá nóng, quá lạnh, quá trễ, quá đói, quá no).

Chọn bạn lành mà chơi


Đức Phật dạy phải chọn bạn như thế nào? Chọn thiện hữu tri thức mà giao du, nghĩa là người bạn lành. Có nhiều loại bạn: bạn rượu, bạn cờ bạc, bạn cơ hội, bạn mồm. Bạn giúp mình lúc hữu sự mới đúng là bạn tốt. Ác hữu là bạn cờ bạc đam mê héo mòn như trăng khuyết, nợ nần như chìm trong bồn nước. Làm bạn thế nào cho xứng đáng mới đúng là tự giác giác tha.

Có bốn hạng người không phải là bạn: đụng vật gì cũng lấy, chỉ biết nói giỏi, khéo nịnh hót, tiêu pha xa xỉ, sợ thế lực, cho ít xin nhiều. Bạn vì mưu lợi, tỏ lộ thân tình trong việc đã qua, hoặc việc chưa đến, mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có công việc tự tỏ bất lực; đồng ý các việc ác, không đồng ý các việc thiện; trước mặt thì tán thán, sau lưng lại chỉ trích. Tiêu pha xa xỉ, cờ bạc rượu chè, vui chơi bê tha, đình đám, du hành đường phố phi thời: người trí sẽ tránh.

Bạn nên có: người bạn giúp đỡ mình khi hữu sự, khuyên điều lợi ích, người bạn chung thủy, có lòng thương tưởng tới mình. Mình muốn làm bạn với ai mình cũng cần 4 điều tốt ấy: khuyên nhủ bạn khi bạn vô ý phóng dật, che chở cho bạn, làm chỗ nương tựa cho bạn khi bạn có điều sợ hãi, giúp thành hai lần khi bạn thiếu thốn (câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ). Người bạn trong nạn khổ cũng như lúc vui, thổ lộ tâm tình, giữ gìn những điều bí mật của bạn hoặc tốt hoặc xấu, không bỏ ban khi bạn gặp khó khăn, dám hy sinh thân mạng vì bạn. Có câu‘Bần cư náo thị vô nhân vấn, Phú tại thâm sơn hữu viễn thân’: có nghĩa là khi nghèo nếu ở ngoài chợ cũng không ai hỏi, lúc giàu nếu có ở núi sâu cũng lắm kẻ tìm đến. đó cũng không phải là bạn.

Đức Phật là người bạn không mời: Ngài không chấp chứa tiền của, Ngài đã diệt trừ lòng kiêu mạn, đi làm bạn với tất cả mọi người. Trong sự không nói, Ngài nói rất nhiều. Ngài đã diệt trừ lòng tham, chỉ ăn một bữa ngọ; khất thực buổi sáng (Ngài không khất thực buổi chiều), bình đẳng không lựa chọn. Có người chỉ trích Ngài chỉ đi khất thực, không làm lấy mà sống, Ngài đáp lại rằng Ngài cũng đang gieo trồng đây: Trong việc khất thực Ngài gieo hột giống từ bi; Ngài cũng cày bừa: cái cày là tinh tấn, cái bừa là nhẫn nhục, con trâu là thiền định; Ngài cho bạn nghe những điều chưa được nghe, chỉ cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên.

Bạn tốt là người không hoan hỉ khi bạn mình gặp nạn, hoan hỉ khi bạn mình gặp may mắn, cản ngăn khi nghe người khác nói xấu bạn mình. Bạn như hoa, bạn như cân: không phải là bạn. Bạn như hoa là bạn vì danh vọng, vì giàu có, vì lợi lộc. Bạn như cân là bạn luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng cả hai bên, cân qua cân lại, giúp qua giúp lại, mới làm bạn. Bạn như đất, mới đúng là bạn tốt: tâm thành thiết tha, giúp cho bạn mình được lợi ích, không ganh tị, mà hoan hỉ (như đám đất). Ngược lại, khi bạn sa cơ, nghèo khổ, mình vẫn như như, không bỏ bạn, đó là bạn chắc thật. Không nên gần gũi những người mà mình không coi như bạn thiết, để khỏi bị dẫn dắt vào đường hư hỏng, biếng nhác. Mình làm bạn với ai cũng vậy, thiệt tâm giúp đỡ bạn. Khi bạn bị thất sủng, mình không bỏ. đó là bắt đầu cơ bản để đi đến việc lễ bái sáu phương có ý nghĩa như sau đây.

Sáu phương lễ bái


Đó là: Phương đông chỉ cha mẹ, phương nam chỉ sư trưởng, phương Tây chỉ vợ chồng, phương Trên chỉ tôn sư (Sa môn, Bà la môn), phương Bắc chỉ bạn bè và phương Dưới chỉ người giúp việc.

Chúng ta phải liên quan với sáu mặt mới sống được, sáu phương đó tương quan mật thiết với chúng ta. Nếu cắt đứt với sáu tương quan này thì chúng ta không thể sống được. Mình sống đây là sống tương quan với sáu hạng người, vậy ta cư xử thế nào cho đúng, theo lẽ phải, theo luật pháp?

1. Phương đông: Làm con phải phụng dưỡng cha mẹ, có bổn phận hầu hạ sớm tối, bảo vệ tài sản của cha mẹ, lo lễ tang khi cha mẹ qua đời. Cha mẹ nuôi con với tình thương, con cũng phải phụng dưỡng cha mẹ với tình thương, sớm tối viếng thăm, cung kính giữ gìn truyền thống gia đình. Ngược lại, cha mẹ cũng có 5 bổn phận đối với con cái: cưới vợ gả chồng, lo nghề nghiệp cho con, ngăn ngừa không cho con giao du với bạn xấu, con hư là cha mẹ có một phần trách nhiệm, trao của cải sự nghiệp cho con khi đúng thời. Lòng thương không sáng suốt làm cho con hư hỏng. Chọn nơi xứng đáng làm vợ làm chồng cho con. Ngày xưa các bậc cha mẹ chọn nơi môn đăng hộ đối, để lại lời than trách của các con, xui con vào đường tì thiếp. Không nên vì tham lam mà đưa đẩy con vào đường xấu xa. Ân và oán là do trong gia đình mà ra, khéo tu là hạnh phúc, không tu là dây oan. Như vậy là phương đông được che chở, không có chi sợ hãi.

2. Phương Nam: Ta phải phụng sự Sư trưởng như phụng sự cha mẹ ‘Tiên học lễ, hậu học văn’, chào hỏi thăm viếng ân cần, hầu hạ Sư trưởng, hăng hái học tập. Ngược lại Sư trưởng có bổn phận huấn luyện đệ tử như mình đã được huấn luyện, thương đệ tử, khen đệ tử khi đệ tử học giỏi, đảm bảo nghề nghiệp cho đệ tử. Như vậy, phương Nam được che chở, không có chi sợ hãi.

3. Phương Tây: đối với vợ, người chồng phải kính trọng, không bất kính, thủy chung, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ, khuyên răn giáo dục vợ khi vợ hổn hào, như chuyện sau đây: Có một chàng kia gặp chị vợ hỗn hào quá, luôn luôn chửi mắng chồng, nguyền rủa chồng khi có điều gì không vừa ý. Chàng ta mới đi mua về một cái hòm để trong nhà. Chị vợ hỏi: Mua hòm để làm gì? Chàng ta đáp là mua về để chôn anh khi anh chết, vì có thể anh chết thình lình chưa biết khi nào. Và mỗi lần chị vợ chửi rủa chồng thì anh đánh thình thịch trên quan tài và khóc rống lên: Chàng ơi, sao chàng chết đi, chàng nỡ bỏ thiếp bơ vơ một mình, không ai giúp đỡ, không ai trông nom, bảo vệ thiếp? Và chàng cứ khóc hoài thảm thiết cho đến khi chị vợ ngưng mắng mỏ, chàng mới thôi khóc. Và vài ba lần như vậy, chị vợ suy nghĩ lại, thấy mình hỗn hào với chồng thật là không nên, và từ đó, không bao giờ chị ta mắng mỏ chồng nữa. đó là một cách giáo dục vợ, đem lại kết quả tốt đẹp. NgườI vợ đối với chồng cũng phải làm hết bổn phận: khéo đón tiếp bà con chồng, trung thành với chồng, giữ gìn của cải, khéo léo làm mọi việc trong gia đình. Như vậy, phương Tây được an ổn, che chở, không chi sợ hãi.

4. Phương Bắc: Không lường gạt thì được bạn bè thương tưởng; che chở bạn, bảo vệ tài sản cho bạn, trở thành chỗ nương tựa cho bạn; không tránh xa khi bạn gặp khó khăn; kính trọng gia đình bạn. Như vậy, phương Bắc được che chở lẫn nhau, không ai sợ ai.

5. Phương Dưới: đối với người giúp việc, lo lắng ăn uống và tiền lương đầy đủ. Bắt làm việc nhiều mà trả lương ít coi như mắc nợ người ta vậy; điều trị người giúp việc khi có bệnh hoạn, ốm đau; có miếng ăn ngon chia xẻ cho người giúp việc; thỉnh thoảng cho nghỉ phép. Như thế người giúp việc sẽ trờ thành bạn với mình;nếu không đối xử đúng đắn, người giúp việc sẽ trở thành người thù đối với mình. Ngược lại, đối với chủ, người giúp việc phải thức khuya dậy sớm, thức trước khi chủ thức dậy và đi ngủ sau chủ, tự bằng lòng với các vật chủ cho, khéo đảm đang công việc, không phải làm cho lấy có; đem danh tiếng tốt về cho chủ. Như vậy, chủ xứng đáng mà tớ cũng xứng đáng, và phương Dưới được che chở, không có chi phải sợ hãi.

6. Phương Trên: đối với Sa môn, Bà la môn, chúng ta phải có lòng từ, hành động tốt về thân, khẩu và ý; mở rộng cửa để đón Sa môn và Bà la môn, cúng dường các vật dụng cần thiết. Sa môn và Bà la môn đối với chúng ta thì có lòng thương tưởng chúng ta, ngăn không cho làm điều ác, cảnh giác khuyên răn, khuyến khích làm điều thiện, làm cho thanh tịnh những điều đã nghe; thương xót chúng sanh với tâm từ bi; là thiện tri thức của chúng ta, dạy chúng ta những điều chưa nghe, chưa biết, làm cho rõ ràng để thực hiện cho được, đó là pháp thanh tịnh, làm cho chúng ta hoàn thành đạo Nhân thừa. Như vậy, phương Trên che chở, hai bên trở thành nơi nương tựa cho nhau, che chở cho nhau.

Trên đây là pháp Lễ bái đầy đủ sáu phương theo kinh Thiện Sanh và để kết luận, đức Phật nói bài kệ:

Cha mẹ là phương đông
Sư trưởng là phương Nam
Vợ chồng là phương Tây
Bạn bè là phương Bắc
Nô bộc là phương Dưới
Sa môn, Bà la môn
Có nghĩa là phương Trên
Cư sĩ và gia đình
đảnh lễ phương hướng ấy
Kẻ trí giữ giới luật
Từ tốn và biện tài
Khiêm nhường và nhu thuận
Nhờ vậy được danh xưng.
Dậy sớm không biếng nhác
Bất động giữa hiểm nguy
Người hiền không phạm giới
Nhờ vậy được danh xưng.
Nhiếp chúng tạo nên bạn
Từ ái tâm bao dung
Dẫn đạo khuyến hóa đạo
Nhờ vậy được danh xưng.
Bố thí và ái ngữ
Lợi hành bất cứ ai
Đồng sự trong mọi việc
Theo trường hợp xử sự
Chính những nhiếp sự này
Khiến thế gian xây quanh
Như bánh xe quay lăn
Vòng theo trục xe chính Nhiếp
sự này vắng mặt
Không có mẹ hưởng thọ
Hay không cha hưởng thọ
Sự hiếu kính của con
Do vậy bậc có trí
Đối với nhiếp pháp này
Như quan sát chấp trì
Nhờ vậy thành vĩ đại
Được tán thán danh xưng.

Tròn bổn phận đối với sáu phương hướng tức là lễ bái sáu phương, hợp với giáo lý đức Phật là từ tốn và biện tài.

Đức tính từ tốn là không tranh thắng với ai, không vội vã. Biện tài là muốn lợi ích cho mình và cho người khác thì tìm lời nói năng khéo léo, dùng tài hùng biện để thuyết phục người, lời nói đủ ý nghĩa, trúng căn cơ để chuyển tâm người.

Căn bổn tâm chúng sanh là: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Mạn có bảy thứ: 1.Mạn: cứ đem tâm so sánh hơn thua trong ý nghĩ mình hơn người; 2. Ngã mạn: vì ỷ mình mà lấn lướt người; 3. Quá mạn: mình bằng người mà cho là hơn, người hơn mình mà cho là bằng; 4. Mạn quá mạn: người hơn mình nhiều, mà cho mình là hơn người; 5. Tăng thượng mạn: chưa chứng Thánh quả mà cho mình đã chứng; 6. Ty liệt mạn: mình thua người nhiều mà nói rằng thua ít; 7. Tà mạn: người tu về tà đạo được chút ít thần thông, hoặc hiểu biết đôi chút việc quá khứ vị lai, rồi khinh lướt người.

Do đó, muốn chuyển tâm phàm của chúng sanh thành Tâm thánh thì người ta phải tu học đức tính từ tốn và biện tài của đức Phật. Ta còn phải học tính ‘bất động trước hiểm nguy’ của đức Phật nữa. Nếu ta phá được ngã chấp và ngã sở thì ta mới bất động trước hiểm nguy, và nếu còn chấp ngã và ngã sở thì cái khổ càng dày vì cứ sợ thiệt hại, mất mát. Vì sao nhà ta cháy ta đau đớn khổ sở, còn nhà người khác cháy ta vẫn an nhiên như không xãy ra việc gì?

Khi ta chấp một cái danh hư huyễn làm cái ta, thì ta cứ đau khổ liên miên khi cái danh xưng ấy bị gièm xiểm. Xưa có một vị Thiền sư đang tụng kinh thì có tên trộm lẻn vào gí dao vào lưng, hỏi: - Tiền để đâu? Thiền sư: đừng có lấy hết, hãy để lại một ít để đóng thuế. Tên trộm được tiền ra về. Thiền sư gọi giật lại, hỏi sao không cám ơn khi người ta cho mình tiền của? Tên trộm liền cảm ơn...Vài hôm sau tên trộm bị bắt giải lên huyện; ông Huyện cho mời Thiền sư đến và hỏi Thiền sư bị mất trộm bao nhiêu? Thiền sư bảo không bị mất trộm. ông Huyện bảo Thiền sư: Sao đã tu hành mà còn nói dối, vì tên trộm cung khai là đã lấy tiền của Thiền sư. Thiền sư đáp: Tên trộm đã được tôi cho tiền và y đã cảm ơn, chớ không lấy trộm... Do đó, tên trộm đã được tha về. Cho hay đối với của cải mà mình đã xả rồi thì mình không còn sợ hiểm nguy. Mình dùng cái ngã của mình để tu hành, nên gặp nguy hiểm mình không sợ; còn coi nặng cái ngã và ngã sở thì còn mang nhiều đau khổ. Việc này rất cao siêu và khó học tập, nhưng nếu ta cố gắng tinh tấn học tập thì thế nào cũng đạt được kết quả mong muốn.

Người giúp việc vấp té, lỡ tay làm bể bát cổ. Bà chủ hỏi: Con té có đau không? Như vậy là bà có đức độ bao dung, biết thương người mà không tiết của. Xưa có một vị Lang y giỏi nổi tiếng, có một người kia có mẹ già bệnh nặng, cứ chầu chực mấy ngày liền mà không rước được thầy lang. Y bèn quỳ giữa đường và đón xe thầy ngang qua. Thầy lang buộc lòng phải đến chữa bệnh cho mẹ y. Thầy cho hai thang thuốc và bảo y ngày hôm sau cho thầy biết kết quả. Hôm sau y đến thưa rằng mẹ y đã bớt bệnh nhiều, nhưng chắc chết. Thầy ngạc nhiên hỏi: Sao bớt bệnh mà lại chắc chết, thuốc thầy chưa bao giờ làm cho ai chết cả. Y thưa: Mẹ y không phải chết vì bệnh mà chết vì mất của, tiếc của. Nguyên mẹ y đã để dưới gối một lượng vàng, mà nay không còn nữa. Nếu tìm lượng vàng không ra thì mẹ y chắc chết. Thầy lang liền mở tủ, lấy một lượng vàng, bảo y cầm về đưa cho mẹ. Hôm sau mẹ y lành bệnh rũ chiếu giường, thì tìm thấy lượng vàng, biết mẹ con y đã nghi oan cho thầy lang, liền đem vàng đến trả và lạy tạ, xin sám hối tội lỗi. Như thế, thầy lang đã có đức đại lượng bao dung, chịu mang danh ăn cắp, chịu mất một lượng vàng, chỉ muốn cứu sống một mạng người. Cho nên muốn dẫn đạo, để khuyến hóa đạo, ta phải có lòng đại độ bao dung và muốn nhiếp phục chúng sanh quay về với Phật pháp, ta cần thực hành theo Tứ nhiếp pháp.

Tứ nhiếp pháp


Tứ nhiếp pháp là những gì ? ấy là : bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

1. Bố thí nhiếp :
Có ba cách bố thí : tài thí, pháp thí, vô úy thí.

a. Tài thí :có nội tài (bố thí chính ngay thân mạng mình- cho máu để tiếp người bệnh nhân) và ngoại tài (cho tiền bạc của cải). Tài thí có nhiều cách : định kỳ thí, cấp thời bố thí (một miếng khi đói bằng một gói khi no), hợp lực bố thí (kêu gọi hợp lực cùng nhau làm, vì một mình không đủ phương tiện), kính cẩn bố thí (kính cẩn đối với người mình bố thí).

Bố thí thì cần xét đến : tâm bố thí, của đem bố thí và người mình bố thí. Tâm phải là tâm thanh tịnh nghĩa là trong sạch, không phải cầu danh, hoan hỉ khi đang bố thí và mừng rỡ sau khi bố thí. Của bố thí phải là của thanh tịnh, nếu là của không trong sạch (ví dụ của ăn cướp) thì không phước đức. Xứng cảnh trí tức là người mình nên bố thí, cúng dường giống như ba thứ ruộng phước : kinh điền (người đáng tôn trọng), ân điền (người có ân với mình như cha mẹ, sư trưởng) và bi điền (người đáng thương xót).

Khó có người giàu có như ông Cấp cô độc đem vàng trải ở Kỳ viên, nhưng người nghèo cũng có thể bố thí được. Như anh kia thấy người ta cúng dường trai tăng, anh chỉ kiếm ra được một ít đậu, bèn đứng vào một xó. Lúc người ta đang tác bạch, thì thấy đậu trãi đầy bàn ăn, mọi người đang tìm hiểu, thì đức Phật trông thấy y đang đứng trong góc phòng, đức Phật gọi anh ta là ‘đại thí chủ’. Mọi người liền mời y ra cùng dự chung. Anh ta chỉ bố thí với tâm thành khẩn, không kể mình thấp kém.

Có chị ở giúp việc cho người ta, rất muốn cúng dường đức Phật. Chị nghèo quá, chỉ kiếm được một miếng bột, bèn gói trong lá, đem nướng đi, và ước ao cúng dường đức Phật, chỉ sợ đức Phật không nhận. Không ngờ đức Phật nhận và bóc bánh ra, ăn liền trước mặt chị. Chị ta sung sướng hết sức.

b. Pháp thí : Trong khi tài thí giúp đỡ sắc thân thì pháp thí có công năng giúp đỡ cho pháp thân, huệ mạng. Nếu không có pháp nuôi dưỡng thì pháp thân heo mòn, trái lại thì pháp thân tăng trưởng. Việc pháp thí rất khó vì nếu ta không biết pháp, không học pháp thì lấy đâu để pháp thí ? Cho nên đức Phật thường bảo đệ tử đem giáo lý của đức Phật phổ biến cùng khắp.

Đối với người đau khổ về tinh thần thì cần pháp thí. Có một chị đi lấy chồng, lâu lắm mới có một đứa con. Khi con mới lên ba thì chồng qua đời, và sau đó ít lâu, đứa con bỗng chốc bị trúng gió, chết mất. Chị ta đau đớn vô cùng và không tin là con mình đã chết. Chị bồng con đi xin thuốc chữa. Với tâm sầu khổ, chị đến gặp đức Phật và xin đức Phật cứu sống con chị. đức Phật bảo chị đi xin hột cải tại nhà nào chưa có người thân chết đem về để đức Phật cứu cho. Chị đến từng nhà xin hột cải, nhưng khi chị hỏi trong nhà đã có ai chết chưa, thì người nào cũng đáp là nhà đã có người chết. Và cuối cùng chị đến một nhà vừa có con nhỏ chết. Chị ta liền giác ngộ, bèn đem con về chôn cất. Hôm sau chị đến bạch Phật rằng việc Ngài dạy con đã làm xong, và xin đức Phật chứng minh cho.

Như vậy Ngài đã dạy pháp để chị ta tự tu, tự chứng ; nếu lúc bấy giờ giảng lý thì không hợp, trong lúc chị ta đang đau khổ. Trong khi đi xin hột cải thì chị ta đã trực tiếp chứng được lý vô thường của vạn vật. Chúng ta học đạo là để chất chứa Phật pháp ngõ hầu khi gặp lại tai biến mà tiêu dùng, như chất chứa tiền của vậy.

Vô úy thí : Là đem cái không sợ ra thí cho chúng sanh. Ta không giết hại vật thì vật gần mình không sợ hãi, ta không trộm cắp thì người khác không sợ mình lấy cắp của người. Vả lại còn biết hy sinh giúp người cứu vật trong lúc hoạn nạn tai biến.

2. Ái ngữ nhiếp : Tùy theo căn tánh chúng sanh mà khôn khéo nói năng, an ủi khuyên lơn nhân thế khiến cho họ sanh lòng thân mến, rồi từ đó họ mới theo ta mà học đạo ; lời nói khéo léo, ôn tồn, nhẹ nhàng đem lại an lạc cho tâm ta và mọi người.

Có anh kia đi cày, ngủ trưa, quên cột trâu. Một con hổ từ trên xuống núi đi xuống. Trâu đến đánh thức chủ dậy để báo động. Mất ngủ, anh kia bèn đánh đuổi trâu. Trâu kia sợ hổ ăn thịt chủ, bèn chồm lên mình chủ để đỡ cho chủ. Anh đi cày giận quá, cho là trâu trở chứng, liền bỏ buổi cày, dẫn trâu về. Dọc đường gặp đức Phật, trâu khóc. đức Phật vỗ về trâu, lấy lời dịu ngọt dỗ dành khiến trâu hết đau khổ và làm cho anh cày giác ngộ. ái ngữ, trong ái ngữ nhiếp không phải là lấy lời dịu ngọt để nịnh hót cốt làm lợi cho mình. ái ngữ ở đây cốt lợi cho người khác.

3. Lợi hành nhiếp: Làm những việc có lợi cho người khác. Bất cứ việc nhỏ hay lớn, nếu biết làm thì mới có giá trị lớn. Kinh Lăng nghiêm có đoạn kể Ngài Trì địa Bồ tát chuyên đi sửa đường, sửa cầu, gánh đồ giùm cho mọi người. Có một vị hòa thượng kể câu chuyện đã có lần cùng với quý thầy đi ngang qua một cánh đồng. Nắng gắt và khác nước, mọi người dừng lại nghỉ chân ăn uống. Nhân ăn xoài, quý thầy ương những hột xoài tại chỗ. Mấy năm sau có việc, hòa thượng cùng quý thầy lại đi qua chỗ cũ, thấy mấy cây xoài đã bắt đầu có quả ăn. đó cũng là một việc lợi hành mà ít ai để ý làm.

4. Đồng sự nhiếp: Cùng làm một việc với người khác. Tùy theo mỗi người làm một việc nhưng cùng nhắm một mục đích (ví dụ: xây dựng gia đình, cùng nhau đẩy một chiếc xe lên dốc, nếu không cùng đẩy là không cùng sự). Có đồng sự thì nói gì người ta cũng nghe mình.

Có bốn sự nhiếp này thì thế giới hòa bình, gia đình an lạc. Bốn sự nhiếp này vắng mặt thì con cái không hiếu kính cha mẹ, anh em không sống hòa hiệp với nhau. Làm được bốn nhiếp sự này thì được danh xưng, mọi người tán thán.


Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Sáu, 18 Jul 2014, 6:20 AM
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:10 AM | Message # 6
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
6- ĐỨC PHẬT: NGÀI LÀ AI ?


ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

HT. Thích Thiện Hoa
(Trích từ Phật Học Phổ Thông)


A. MỞ ĐỀ

ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA LÀ MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG


Bắt nguồn một tôn giáo nào, vị giáo chủ bao giờ cũng là một tấm gương sáng cho tín đồ soi chung để tiến bước. Nhưng trong các vị giáo chủ của các tôn giáo hiện có trên thế giới này, không có một vị* nào đầy đủ ý nghĩa cao đẹp, một đời sống sâu xa bằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi im lặng của Ngài đều là những bài học quý báu cho chúng ta. Nếu chúng ta học giáo lý của Ngài mà không hiểu rõ đời sống của Ngài, thì sự học hỏi của chúng ta còn phiến diện, thiếu sót. Đời Ngài chính là những biểu hiện giáo lý của Ngài. Ngài nói và Ngài thực hành ngay những lời Ngài đã nói. Đời Ngài là một bằng chứng hiển nhiên để người đời nhận thấy rằng giáo lý của Ngài có thể thực hiện được, chứ không phải là những lời nói suông, những không tưởng, những lâu đài xây dựng trên mây, trên khói.

Vậy cho nên khi chúng ta học hỏi đời Ngài, chúng ta không nên có cái quan niệm học cho biết để thỏa mãn tánh hiếu kỳ, mà chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa thâm túy của đời sống ấy để đem áp dụng cho đời sống của chúng ta.

Làm được như thế mới khỏi phụ ý nguyện lớn lao của đức Phật khi giáng sanh xuống cõi Ta Bà này và đã cam chịu bao nỗi đau khổ, gian lao trong kiếp sống như mỗi người chúng ta.

B. CHÁNH ĐỀ

ĐỊNH NGHĨA HAI CHỮ "GIÁNG SANH"


Thường trong danh từ nhà Phật, khi nói đến sự hiện diện của đức Phật Thích Ca trong cõi đời này, người ta thường dùng chữ đản sanh (nghĩa là một sự ra đời vui vẻ, làm hân hoan, xán lạn cho cõi đời); hay thị hiện (nghĩa là hiện ra bằng xương bằng thịt, cho con mắt trần của chúng ta thấy được); hay giáng sanh (nghĩa là từ một chỗ cao mà xuống một chỗ thấp để sanh ra).

Ba chữ ấy đều có 3 ý nghĩa khác nhau: Chữ đản sanh dùng để ca tụng một bậc tôn quí ra đời; chữ thị hiện hàm cái ý Phật bao giời cũng có cả, nhưng vì mắt người không thấy được, phải hiện rõ ràng ra mới thấy; chữ giáng sanh hàm cái ý đức Phật ở một cảnh giới cao hơn, tốt đẹp hơn mà hạ xuống cảnh giới phàm trần này. Ba chữ ấy mặc dù khác nhau, nhưng đều có thể dùng để chỉ sự ra đời của đức Phật. Trái lại, khi một nguời phàm ra đời thì gọi là "đầu thai". Đầu thai có nghĩa là bị nghiệp báo hoặc thiện hay ác bắt buộc phải luân hồi để chịu quả báo lành hay dữ. Còn giáng sinh hay thị hiện thì không hàm cái nghĩa bị nghiệp nhân câu thúc, mà do nơi lòng từ bi, muốn lợi ích cho chúng sanh, nên tự nguyện ứng thân xuất hiện ra đời trong một thời gian để cứu độ chúng sanh; xong xuôi thì thâu thần tịch diệt, tự tại vô ngại ra ngoài sống chết.

HOÀN CẢNH VÀ DÒNG DÕI CỦA ĐỨC THÍCH CA

Đức Phật giáng sinh ở xứ trung Ấn Độ, bây giờ là nước Népal, một nước ở ven sườn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, là một dãy núi cao nhất thế giới. Phong cảnh ở đấy rất đẹp; đến mùa xuân cả nước đơm bông nảy lá như một vườn hoa vĩ đại. Dân cư ở xứ ấy rất là thuần lương. Vị vua trị vì là Tịnh Phạn, một vị vua thuộc dòng Thích Ca, là một dòng họ lớn đã mấy mươi đời nối nghiệp trị vì đất nước này. Bà Hoàng Hậu Ma Da, cũng là một người thuộc dòng vua chúa đã lâu đời. cả hai ông bà vua Tịnh Phạn đều là người đã nhiều kiếp tu hành, có đức hạnh lớn, xứng đáng làm cha mẹ muôn dân.

Một hôm, trong thành Ca Tỳ La Vệ, là kinh đô của vua Tịnh Phạn, có lễ vía tinh tú, vua tôi cùng nhau mở hội ăn chơi. Hoàng Hậu Ma Da, sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện rồi, ra ngọ môn bố thí thức ăn, đồ mặc cho dân bần cùng. Khi trở về cung an giấc, Bà nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên hữu của Bà mà chun vào. Bà đem điềm chiêm bao ấy thuật lại cho vua Tịnh Phạn nghe. Vua ra lịnh mời các thầy đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng: "Hoàng hậu sẽ sanh một quý tử tài đức song toàn". Vua Tịnh Phạn rất mừng rỡ, vì ngôi báu từ đây sẽ có người truyền nối.

Đến sáng ngày mồng tám tháng tư âm lịch (trước Tây lịch 624 năm), tại vườn Lâm Tỳ Ni, cách thành Ca Tỳ La Vệ 15 cây số, Hoàng hậu Ma Da đang ngoạn cảnh, trông thấy cành hoa Vô Ưu mới nở, thơm ngát, bà đưa tay phải với hái, thì Thái Tử cũng vừa xuất hiện ngay đấy.

Ngày đản sanh Thái Tử, trong thành Ca Tỳ La Vệ, cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đều đơm hoa trổ trái; sông, ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; trên hư không chim chóc và hào quang chiếu sáng cả mười phương.

Vua Tịnh Phạn vui mừng khôn xiết mời các vị tiên tri đến xem tướng Thái Tử. Trong số ấy, có đạo sĩ tên A Tư Đà tu ở núi Hy Mã Lạp, tiên đoán rằng: Thái Tử vì có 32 tướng tốt xuất hiện, nên sẽ trở thành một vị Thánh. Nhưng vua Tịnh Phạn lại chỉ muốn con mình làm một vị vua để nối dõi tông đường mà thôi. Vì thế, Tịnh Phạn Vương muốn đổi số mệnh con mình, nên đặt tên cho Thái Tử là Tất Đạt Đa *(Siddartha) theo tiếng Phạn, nghĩa là: "Kẻ sẽ giữ chức vị mà mình phải giữ". Chức vị mà Tịnh Phạn Vương muốn ám chỉ đây tức là ngôi Vua. Ngài không ngờ rằng chính thật chức vị của Ngài là chức vị Phật.

Hoàng hậu Ma Da sau khi sanh Thái Tử được bảy ngày, vui thú quá vì thấy mình đã làm tròn nhiệm vụ cao quý, và đã rửa sạch nghiệp báo nên Bà trút được xác phàm và sanh về cõi trời Đao Lợi. Vua Tịnh Phạn giao Thái Tử cho em gái Hoàng hậu là Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi dưỡng.

TÀI NĂNG VÀ ĐỨC HẠNH CỦA THÁI TỬ

Thái Tử mỗi năm mỗi lớn, thì diện mạo càng thêm khôi ngôi, tài năng càng phát lộ gấp bội. Ngài có một sức khỏe hơn người, một trí thông minh xuất chúng. Từ nghề văn cho đến nghiệp võ, Thái Tử học với ông nào thì trong ít hôm sau, vị giáo sư ấy phải xin cáo thối, vì không còn đủ sức để dạy nữa. Cho đến ông thầy danh tiếng đệ nhất thời bấy giờ là Sằn Đề Đề Bà cũng chịu khuất phục Ngài luôn.

Nhưng, mặc dù tài sức hơn người, thông minh xuất chúng lại ở trong địa vị cao sang quyền quý tột bậc, Thái Tử không bao giờ tỏ vẻ ngạo mạn, khinh người. Ngài có một thái độ rất hòa nhã ôn hòa, vô tư, bình đẳng. Lòng thương người, thương vật của Ngài không ai sánh kịp, hễ có dịp giúp đỡ, thì dù khó khăn bao nhiêu Ngài cũng không từ nan. Bởi thế, Ngài được trên Vua cha yêu quý, dưới thần dân kính trọng, nể vì.

NHỮNG RÀNG BUỘC CỦA TỊNH PHẠN VƯƠNG ĐỂ NGĂN CHÍ XUẤT GIA CỦA THÁI TỬ

Càng thương yêu, quý trọng con Tịnh Phạn Vương lại càng lo sợ con mình sẽ không ở lại với mình, mà sẽ xuất gia tìm Đạo để thành một vị Thánh, như lời tiên đoán của đạo sĩ A Tư Đà. Nhất là khi nhận thấy càng lớn, Thái Tử lại càng có vẻ suy nghĩ xa xăm, và nét mặt Thái Tử lại không được vui tươi như thời thơ ấu, Vua Tịnh Phạn lại càng lo sợ rằng lời tiên tri xưa sẽ *thực hiện. Bởi thế, Vua cùng triều thần ngấm ngầm sắp đặt mọi kế hoạch để ràng buộc Thái Tử ở lại ngôi báo. Ngài truyền xây dựng ba tòa lâu đài nguy nga tráng lệ để Thái Tử thay đổi nơi ăn chốn ở cho hợp thời tiết quanh năm, và chọn từng trăm cung phi mỹ nữ có tài đàn ca hay, múa giỏi để giải khuây cho Thái Tử. Nhưng chừng ấy cũng chưa đủ Ngài còn làm lễ thành hôn cho Thái Tử với một Công chúa con vua Thiện Giác là Da Du Đa La, một Công chúa tuyệt đẹp và đức hạnh vô cùng.

Thái Tử bị bắt buộc phải lập gia thất và có một con là La Hầu La.

Nhưng, mặc dù sống một cuộc đời quá đầy đủ: nào chức tước danh vọng, nào lâu đài cung điện, nào đàn ca múa hát, nào vợ đẹp con ngoan, Thái Tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài cho cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật, mà là giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn.

NHẬN RÕ 4 TƯỚNG KHỔ Ở ĐỜI

Một hôm, nhân ngày lễ hạ điền, Thái Tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cày cấy. Cảnh xuân, mới nhìn qua, thật là đẹp mắt, nào hoa lá tốt tươi, muôn chim đua hót; nào bầu trời quang đãng, gió xuân phơi phới. Cảnh tượng có vẻ thái bình, an lạc lắm. Nhưng tâm hồn Thái Tử không phải là một tâm hồn hời hợt, xét đoán một cách nông nỗi. Trái lại, Ngài nhìn sâu vào trong cảnh vật và đau đớn nhận thấy rằng cõi đời không đẹp đẽ an vui như khi mới nhìn qua. Ngài thấy người nông phu và trâu bò làm việc một cách cực nhọc dưới ánh nắng thiêu đốt, để đổi lấy bát cơm, nắm cỏ. Chim chóc tranh nhau ăn tươi nuốt sống côn trùng đang giãy giụa* trên những luống đất mới cày. Cũng trong lúc ấy, trong bụi rậm người thợ săn đang nhắm bắn những con chim kia, và trong khu rừng gần đấy, bọn hổ báo đang rình bắt người thợ săn. Thật là một cảnh tương tàn tương sát, không phút giây nào ngừng ! Chỉ vì miếng ăn để sống mà người và vật dùng đủ mọi phương kế để giết hại lẫn nhau không biết gớm. Ngài nhận thức rõ ràng sự sanh sống là khổ.

Một hôm khác, Ngài xin phép Vua cha đi dạo ngoài bốn cửa thành để được tiếp xúc với thần dân. Ra đến cửa Đông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt lờ, tai điếc, lưng còng, nương gậy lần từng bước ngập ngừng như sắp ngã.

Đến cửa Nam, Thái Tử thấy một người đau nằm trên cỏ, đang khóc than rên siết, đau đớn vô cùng.

Đến cửa Tây, Ngài trông thấy một cái thây chết nằm giữa đường, ruồi lằng bu bám, và sình lên, trông rất ghê tởm.

Ba cảnh khổ già, đau, chết, cộng thêm vào cái ấn tượng tương tàn trong cuộc sống mà Thái Tử đã nhận thấy khi đi xem lễ cày ruộng, làm cho Ngài đau buồn, thương xót chúng sanh vô cùng.

Một hôm khác nữa, Ngài ra cửa Bắc, gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tỉnh thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Thái tử thấy trong lòng nẩy sinh một cảm mến đối với vị tu sĩ. Ngài vội vã đến chào mừng và hỏi về ích lợi của sự tu hành. Vị Sa môn đáp rằng: "Tôi tu hành là quyết bỏ dứt mọi sự ràng buộc của cõi đời, *về cầu cho mình khỏi khổ và thành chánh giác để phổ độ chúng sanh đều được giải thoát như mình"

Lời giải đáp trúng với hoài bão mà Thái Tử đang ấp ủ bấy lâu, nên Ngài khôn siết vui mừng. Ngài liền trở về cung xin vua cha cho mình xuất gia. Vua Tịnh Phạn không nhận lời. Thái Tử yêu cầu vua cha 4 điều nếu vua giải quyết được thì Ngài hoãn viêđi tu, để trở lại lo chăn dân, trị nước. Bốn diều này là:

1. Làm sao cho con trẻ maic không già

2. Làm sao cho con mạnh mãi không đau

3. Làm sao cho con sống hoài không chết

4. Làm sao cho mọi người hết khổ

Bốn điều này làm cho vua cha bối rối, không giải quyết được điều nào cả.

SỰ XUẤT GIA TÌM ĐẠO

Tịnh Phạn Vương, khi biết được ý định xuất gia của Thái Tử, lại càng lo sợ, lại tìm hết cách để ngăn cản, ràng buộc Ngài trong "cung vui". Nhưng một khi Thái Tử đã quyết thì không có sức mạnh gì ngăn trở được Ngài.

Một đêm khuya thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ say ngủ sau một tiệc linh đình, Thái Tử lén trổi dậy, *khi nhìn vợ con lần cuối, rồi đánh thức tên giữ ngựa Xa Nặc dậy, thắng yên cương, rồi hai thầy trò trốn ra khỏi thành. Lúc bấy giờ nhằm đêm mồng tám tháng h ai, và Ngài được 19 tuổi.

Sau khi vứt bỏ khỏi cuộc đời vương giả, Thái Tử đi vào vùng rừng sâu tìm Đạo.

Ban đầu Ngài đến ở tu với các vị tu khổ hạnh. Nhưng hạng người này sống một cách kham khổ, nhịn ăn nhịn uống, dãi nắng, dầm sương, hành thân hoại thể một cách ghê rợn. Thấy cách tu hành như thế không hiệu quả, Ngài khuyên các vị đó nên bỏ phương pháp tu hành ấy, nhưng họ không nghe. Ngài lấy làm thương họ, nên tìm đi nơi khác để tu hành. Ngài đi hết chổ này đến chổ khác, ở đâu nghe có một vị tu hành đắc đạo thì Ngài tìm đến học; nhưng đến đâu thì Ngài thấy đạo của họ vẫn còn hẹp hòi, thấp thỏi, không thể giải thoát cho con người hết được. Từ đấy Ngài * chốn tu tập một mình, đêm ngày nghiền ngẫm đến đạo giải thoát, quên ăn bỏ ngủ thân hình mỗi ngày mỗi tiều tụy. Một hôm Ngài kiệt sức, nằm ngã liệt trên cỏ, và được một người chăn cỏ đến đổ sủa cho Ngài tỉnh lại. Từ đó Ngài nhận thấy nếu muốn có kết quả, cần phải bổ dưỡng thân thể cho được mạnh khỏe, chứ không bỏ quên nó đi được.

Khi thấy mình đủ sức khỏe để chiến đấu trong trận cuối cùng với bóng tối si mê và dục vọng, và đem lại ánh sáng giác ngộ, Ngài đến ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Đề và thề rằng: "nếu ta không thành đạo thì thịt nát sương tan, ta cũng quyết không rời chổ này."

THÀNH ĐẠO

Đức Thích Ca đã ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới gốc Bồ Đề. Trong 49 ngày ấy Ngài đã chiến đấu với bọn giặc phiền não ở nội tâm như tham, sân, si, nghi, mạn...và chiến đấu với giặc Thiên Ma do Ma Vương Ba Tuần chỉ huy.

Sau khi thắng cả giặc ở nội tâm cả ngoại cảnh, tâm trí được khai thông, Ngài hốt nhiên đại ngộ.

Trong đêm thứ 49, vào canh hai, Ngài chứng được quả "Túc Mệnh Minh", thấy rõ được tất cả quá khứ của mình trong tam giới. Đến nữa đêm, Ngài chứng được quả "Thiên Nhãn Minh", thấy được tất cả bản thể của vũ trụ và Ngài *nguyên nhân cấu tạo của nó. Đến canh tư, Ngài chứng được *quả của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi tư *pháp luân hồi.

Từ ngày ấy, Ngài được Đạo vô thượng, thành bậc "Chánh Đẳng Chánh Giác", hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngày thành đạo của Ngài tính theo âm lịch là ngày mồng 8 tháng 12, vào lúc sao mai mọc. Lúc ấy Ngài được 30 tuổi.

. Ý NGHĨA CAO CẢ TRONG SỰ XUẤT GIA TÌM ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT


Những chiến sĩ chiến thắng quân địch ở ngoài chiến trường, thường được ca tụng là anh hùng. Càng chiến thắng được nhiều quân địch càng được hoan hô là anh hùng cái thế. Nhưng những kẻ anh hùng cái thế ấy, như Nã Phá Luân, Thành Cát Tư Hãn, Xê Đa (*Céar), chính mình? cho nên thắng người đã khó mà thắng mình lại khó hơn. Đức Phật đã thắng cả ngoại cảnh lẫn nội tâm, đã thắng được giặc Ma Vương * Dục Vọng. Đức Phật thật xứng đáng với danh hiệu Đại Hùng Đại Lực.

Ngài không phải * quyền lời riêng mình mà chiến đấu. Ngài chiến đấu vì tình thương. Mà tình thương ở đây cũng không phải chỉ nhằm tình thương trong phạm * hẹp hòi của gia đình: thương cha mẹ, vợ con, bạn bè. Tình thương ở đây là tình thương chúng sanh, tất cả cõi đời. Tình thương ấy nó rộng sâu như trời bể, thiết tha như tình mẹ thương con. Đức Phật thật xứng đáng với danh hiệu Đai Từ Đại Bi.

Lại tình thương ấy*, Ngài đã hoan hỷ lìa bỏ ngôi báu cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, đàn hay múa đẹp, mùi ngon vị lạ để sống một đời kham khổ, đạm bạc, thiếu thốn, giữa rừng thiêng nước độc. Một khi mà rời bỏ thứ mà người đời cho là qúy báu nói trên, Ngài không một phút giây nào hối tiếc, muốn quay về để hưởng thụ lại. Bằng cớ là Ma Vương đã sai con gái mình giả làm nàng Gia Du đến kêu gọi van xin Ngài trở về cung, mà Ngài không một chút bận tâm thối chuyển. Ngài xứng đáng với danh hiệu là Đại Hỷ Đại Xả.

Cho nên ngày nay, mỗi khi xưng tán danh hiệu Ngài, chúng sanh không thể không suy gẫm cái ý nghĩa sâu sắc và đúng đắn mà người đời từ xưa đến nay đã tôn xưng Ngài là Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả.

C. KẾT LUẬN: CHÚNG TA NÊN PHÁT TÂM RỘNG LỚN VÀ MẠNH MẼ


Chúng ta đã được biết qua đời sống của Đức Phật từ khi sơ sanh cho đến thành đạo. Bài học của đời Ngài dạy cho chúng ta nhiều ý nghĩa, nhiều phương diện quý báu.

Nhưng điều quý báu nhất đối với kẻ sơ cơ như chúng ta là phải phát tâm Bồ Đề rộng lớn, nguyện vì đời, vì đồng bào, đồng loại mà tu hành, chứ không phải *là ích lợi riêng cho chúng ta.

Chúng ta lại phải phát tâm dõng mãnh, tích cực trong sự tu hành; một khi vào đường đạo, thì dù gặp nguy nan, hiểm trở khó khăn cũng nhất thiết không thối lui quay gót. Chúng ta phải tập cho được cái đức kiên trí như Đức Phật khi ngồi thiền định dưới gốc Bồ Đề.

Được như vậy mới xứng đáng là "chân chánh Phật tử".

Phần II: Từ Thành Đạo đến nhập Niết Bàn


MỞ ĐỀ:

Trong bài trước, chúng ta đã thấy đức Phật Thích Ca vì một đại nguyện lớn lao, vì một lòng từ bi vô bờ bến mà xuất gia tìm đạo. Đại nguyện và lòng từ bi lớn lao ấy là: "cầu thành Phật quả để trên đền đáp bốn ơn sâu, dưới cứu vớt ba đường khổ". Cho nên sau khi giác ngộ, Ngài không vội nhập Niết Bàn, mà nghỉ ngay đến sứ mạng của Ngài là: thay thế chư Phật đời trước, tiếp tục chuyển* khai mê cho tất cả mọi người.

Sứ mạng ấy Ngài biết không phải dễ dàng, vì cái Đạo của Ngài thì cao thâm huyền diệu, mà chúng sanh căn cơ lại không đều, mà từ muôn kiếp đã lặn hụp trong si mê lầm lạc, khó có thể nhận hiểu ngay được ý nghĩa cao thâm của giáo lý Ngài. chúng sanh từ lâu đời lâu kiếp quen sống trong bóng tối của si mê, ngày nay chắc không phải chóa mắt hoảng sợ khi tiếp xúc với ánh sáng bừng chói của trí tuệ.

Nhưng Ngài xét thấy dù sống trong tâm tối, nhưng mỗi chúng sanh đều có mầm Phật tánh, như hoa sen, mặc dù sống trong bùn tanh hôi như vẫn tỏa nhụy vàng thơm ngát. Ngài cương quyết thực hiện sứ mạng của mình.

CHÁNH ĐỀ:

SỰ HÓA ĐỘ RỘNG LỚN VÀ CÙNG KHẮP CỦA ĐỨC PHẬT


Sứ mạng hóa độ của đức Phật, như chúng ta đã biết, thật nặng nề và khó khăn. nhưng nhờ trí tuệ sáng suốt, nhờ lòng từ bi rộng sâu, nhờ tinh thần bình đẳng triệt để và nhờ ý chí dõng mãnh không thối chuyển mà Đức Phật đã hoàn thành sứ mạng của mình một cách viên mãn. Trong khi hóa, Ngài đã dựa theo ba nguyên tắc sau đây:

1. Hóa độ theo lớp căn cơ

Khi bắt đầu đi truyền đạo, ý nghĩ trước tiên của Ngài là đi vườn Lộc Uyển tìm thấy* người bạn đồng tu với Ngài trước kia để thuyết pháp. Các người bạn ấy là các ông: *Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thấp Lực, Ma Ha Nam và Bạc Đề. Bài thuyết pháp đầu tiên ấy làTứ Diệu Đế. Năm vị này điều được khai ngộ và trở thành năm đệ tử đầu tiên của Ngài. Kế đó, Ngài thuyết pháp trong 3 tháng cho 55 *người này đều xin quy y theo Ngài và họp với 5 người trong nhóm ông Kiều Trần Như thành 60 đệ tử. Sáu mươi đệ tử này, sau khi giữ đúng giới luật, được Ngài thọ ký cho đi truyền đạo khắp nơi.

Ngài rời Lộc Uyển đi về phía nam đến xứ Ưu Lầu Tần Loa và hàng phục một vị tổ sư rất có uy tín của đạo Thờ Lửa là ông Ma Ha Ca Diếp và hai em ông.

Ông Ca Diếp mang tất cả đệ tử của mình gồm 2250 vị xin quy y theo Phật.

Nhớ lại lời hẹn xưa với vua Tần Bà Xa La, Ngài đi đến xứ Ma Kiệt Đà vào thành Vương Xá để độ cho vua. Vua Tần Bà Xa La gặp lại Ngài vui mừng khôn xiết, truyền xây tịnh xá Trúc lâm để thỉnh Phật và chúng Tăng ở lại thuyết pháp độ sanh.

Trong lúc Phật ở tại tịnh xá Trúc Lâm, thì vua Tịnh Phạn nghe tin Ngài đã thành Phật, truyền sứ giả đi thỉnh Ngài về thành Ca Tỳ La Vệ. Nhưng chín lần chín sứ giả ra đi đều biệt tăm, không trở lại. Thì ra những người này khi đến Trúc Lâm nghe Ngài thuyết pháp, đã say mê quên sứ mạng của mình và xin thọ giới xuất gia.

Lần thứ mười, Tịnh Phạn Vương sai một cận thần thân tín là Ưu Đà Di, mới thỉnh được Phật về. Trên đường từ thành Vương Xá trở về Ca Tỳ La Vệ, đức Phật đã thuyết pháp độ cho không biết bao nhiêu người. Về thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài ở lại 7 ngày. Mặc dù chỉ trong vòng thời gian ngắn ngủi ấy, Ngài cũng cảm hóa tất cả dòng họ Thích và tất cả những người trong dòng họ này đều xin xuất gia theo Phật, như các ông: Nan Đà, A Nan Đà, A Nâu Lâu Đà, La Hầu La...

Sau khi trở về thăm gia đình và quê hương, đức Phật cùng các đệ tử lại tiếp tục đi truyền đạo. Ngài đi đến thành Xá Vệ là kinh đô nước Kiều Tát La, thuộc quyền thống trị của vua Ba Tư Nặc. Ở thành này, có một đại thần tên là Tu Đạt Đa, giàu lòng bố thí cho kẻ bần cùng côi cút, nên được gọi danh hiệu là Cấp Cô Độc Trưởng Giả. Ông rất ngưỡng mộ đức Phật nên đã trút tất cả tiền của vàng bạc trong kho ra mua khu vườn rộng lớn của Thái Tử Kỳ Đà để làm tịnh xá cho Phật và đệ tử của Ngài ở, thuyết pháp độ sanh.

Được ít lâu, nghe vua Tịnh Phạn đau nặng, sắp thăng hà, đức Phật vội vã trở về thăm cha lần cuối cùng. Thấy phụ thân buồn rầu trên giường bệnh, Phật thuyết về "Lẽ vô thường, khổ, không, vô ngã" cho vua nghe. Nghe xong, vua liền dứt hết phiền não, gương mặt vui tươi, cất tiếng niệm Phật, rồi băng hà một cách êm ái.

Sau khi Tịnh phạn Vương mất, bà mẹ nuôi của Phật là Ma Ha Ba Xà Ba Đề và bà Da Du Đà La cùng nhiều người bên nữ giới họ Thích xin được phép xuất gia. Từ đó trong đạo Phật, lần đầu tiên có hàng Tỳ Kheo Ni.

Đức Phật cũng các đệ tử lại tiếp tục đi truyền Đạo. Đi đến đâu Ngài cũng được sùng mộ, tin theo và nhiều người noi theo gương của ông Cấp Cô Độc lập tịnh xá, cất giảng đường để Ngài thuyết pháp độ sanh.

Như thế, chúng ta thấy đức Phật đã tuần tự hóa độ và kết nạp đệ tử, từ những hạng người đủ căn trí dễ hiểu thấu giáo lý của Ngài rồi mới rộng ra những người khác; lập Tỳ Kheo trước, rồi Tỳ Kheo Ni sau.

2. Hóa độ tùy phương tiện:

Trong suốt thời kỳ thuyết pháp độ sanh, lắm khi Ngài cũng gặp nhiều cảnh gay go trái ngược do lòng đố kỵ của ngoại đạo, tà giáo, hay lòng ganh ghét của nội thân quyến thuộc gây ra. Nhưng lúc nào Ngài cũng tùy phương tiện để cảm hóa họ và đưa họ về đường ngay lẽ phải. Chẳng hạn, khi thì Ngài bị cô gái con của ngoại đạo độn bụng giả có chửa đến giữa đạo tràng để vu oan cho Ngài; khi thì Ngài bị anh chàng Vô Não đuổi theo quyết giết Ngài để lấy ngón tay góp thêm cho đủ số 1000 ngón mà nó đã giết người để lấy, vì theo thuyết tà đạo, nó tin rằng có làm được như thế mới chứng quả; khi thì Ngài bị Đề Bà Đạt Đa, người anh em họ hung ác, âm mưu hãm hại Ngài bằng cách thả bầy voi say cho chạy đến chà đạp Ngài, hay lăn đá to từ trên núi cao xuống đè Ngài.

Nhưng tất cả những âm mưu ấy đều vô hiệu quả, vì oai đức uy danh và trí tuệ của Ngài bảo bọc Ngài, không một hành động xấu xa nào có thể thắng Ngài được. Ngài có đủ phương tiện khôn ngoan khéo léo, xoay chiều đổi hướng dễ dàng, hoán cải được tất cả những nghịch cảnh trở thành thuận lợi. Và cuối cùng, kẻ khinh ghét Ngài trở lại kính mến Ngài; người chống Ngài trở lại phục Ngài; kẻ ngoại đạo trở thành Phật tử. Bằng chứng là: Đề Bà Đạt Đa cũng được Ngài thọ ký, anh chàng Vô Não cũng được quy y, bầy voi say cũng được sám hối, vua A Xà Thế cũng hối cải và quay về đường ngay.

Nói tóm lại, đức Phật có đủ muôn ngàn phương tiện thích ứng với mọi người, mọi vật, mọi hoàn cảnh để hóa độ tất cả những ai mà Ngài đã gặp trên đường truyền đạo của Ngài. Không phải chỉ ngoài đời, mà ngay trong Giáo Hội của Ngài, Ngài cũng tùy theo căn cơ; tâm lý của mỗi đệ tử mà áp dụng phương pháp thích hợp. Chẳng hạn như đối với ông Nan Đà, mặc dù thân đã xuất gia mà tâm vẫn muốn ngao du, luyến ái bạn bè, Ngài dùng thần thông để đưa ông lên cõi trời xem những cảnh sống tốt đẹp, vui thú khác thường, rồi đưa ông xuống địa ngục mục kích những hình phạt đau đớn rùng rợn, hãi hùng để ông so sánh hai cảnh đời trái ngược mà tự chọn lựa lấy một đường.

Còn đối với ông A Nan, người học rộng nghe nhiều, nhưng vì nghiệp duyên còn nặng, nên mắc nạn "Ma Đăng Già覱uot;, thì Phật lại đem giáo lý thâm sâu là kinh Lăng Nghiêm ra giảng dạy để cho ông A Nan thấy rõ được cái quý giá của chân tâm mà lo tu luyện, chứ không giong ruổi theo giả cảnh nữa.

Xem như thế thì *đức Phật đã dùng phương tiện để tùy duyên hóa độ, như ông lương y giỏi tùy bệnh cho thuốc, chứ không nhứt thiết phải theo một đường lối cố định nào cả. Đối với kẻ thân, người thù, đối với kẻ thông minh hay người ngu độn, đối với kẻ giàu, người nghèo, Ngài đều có đủ pháp môn cho họ khai ngộ và quy y theo Ngài.

3. Hóa độheo tinh thần bình đẳng:


Tinh thần triệt để bình đẳng là một điểm son quý giá nhất trong giáo lý của đức Phật, cũng như trong tâm hồn của Ngài. Ngay từ khi còn ấu thơ, tinh thần ấy đã được bô lộ trong những cử chỉ cứu giúp những kẻ bần cùng, những con vật lâm nạn, như chúng ta đã thấy trong bài trước.

Khi thành đạo, tinh thần bình đẳng ấy lại bộc lộ rõ ràng hơn nữa. Ngài đã có những câu nói bất hủ, khiến cho ngày nay, người ta vẫn đem ra làm khuôn vàng thước ngọc. Như khi Ngài xin nước của một người thuộc giai cấp hạ tiện nhất Ấn Độ, người này sợ làm lây ô uế cho Ngài, thì Ngài phán bảo: "Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn. Mỗi người sanh ra đều có Phật tánh và có thể thành Phật".

Trong Giáo hội của Ngài, Ngài nhận cả những người thuộc giai cấp hạ tiện. Như ông Ưu Ba Ly một đệ tử có tiếng tăm của Ngài về phương diện giới luật, là một người thuộc giai cấp hạ tiện Chiên Đà La, làm nghề gánh phân.

Sự thâu nhận ấy đã làm cho các vị vua chúa bất mãn. Chính vua Ba Tư Nặc đã bạch Phật: "Đấng Chí Tôn thâu nhận kẻ hèn hạ vào hàng Tăng đồ như vậy, không ngại rằng đá sỏi lẫn lộn với châu ngọc, làm mất giá trị của chúng Tăng sao?".

Phật dạy rằng:

"Người hèn hạ mà biết phát tâm Bồ Đề, xuất gia tu hành, chứng được quả Thánh, thì quý báu vô cùng, chẳng khác gì hoa sen mọc ở bùn lầy nhơ bẩn mà vẫn tinh khiết thơm tho".

"Một người sinh ra không phải liền thành Bà La Môn (giai cấp trên hết) hay Chiên Đà La (giai cấp thấp nhất), mà chính vì sở hành của người ấy, tạo thành Chiên Đà La hay Bà La Môn".

Ngài xâu giùm kim cho người mù, hoan hỷ nhận hòn đất sét mà đứa bé đã nắn để dâng Ngài, thọ lãnh bữa cơm cuối cùng do một người đốt than nghèo nàn dâng cúng.

Chính vì sự hóa độ bình đẳng như thế, mà kinh Đại Niết Bàn đã tán thán:

"Đức Như Lai không chỉ thuyết pháp cho các hạng người quyền quý như vua Bạt Đề Ca, mà cũng thuyết pháp cho hạng người bần cùng như ông Ưu Ba Ly; không riêng thọ lãnh sự cúng dường của những người giàu có như ông Tu Đạt Đa, mà cũng thọ lãnh sự cúng dường của các hạng nghèo khổ như ông Thuần Đà; không riêng cho phép xuất gia các hạng không có tánh tham như Ngài Ca Diếp, mà cũng cho phép xuất gia những người có nhiều tánh tham như ông Nan Đà; không những thuyết pháp cho hạng người an tịnh không dự việc đời, mà cũng thuyết pháp cho vua Tần Bà Ta La trong lúc đang bận rộn việc nước; không những thuyết pháp cho hạng thanh niên trẻ tuổi, mà cũng thuyết pháp cho bà Hoàng hậu Mạt Ly, *mà thuyết pháp cho dâm nữ Liên Hoa".

NĂM THỜI NÓI KINH:

Tóm lại, trong một đời của đức Phật, tùy theo trình độ của mọi người mà thuyết pháp giáo hóa, mãi đến khi Ngài nhập diệt, cộng lại là * 49 năm. Những Kinh Pháp của Ngài nói ra, về sau các đệ tử kiết tập chia ra làm năm thời:

1. Thời thứ nhất Phật nói kinh Hoa Nghiêm:

Khi Phật mới thành đạo, ở tại cội Bồ Đề, nói kinh Hoa Nghiêm 21 ngày, vạch rõ chân tánh, chỉ bày chỗ cao sâu mầu nhiệm của đạo Phật. Chủ đích có hai điều:

a) Dắt dẫn các bậc Bồ Tát lên địa vị Đẳng Giác và Diệu Giác.

b) Nêu bày giáo pháp rốt ráo của Như Lai, chỉ có Phật với Phật mới rõ mà thôi; ngoài ra hàng Nhị thừa ngồi nghe như đuôi, như điếc, huống chi ngoại đạo tà giáo làm sao hiểu nổi! Đức Phật trình bày giáo pháp siêu việt tuyệt vời ấy, là muốn cho đại chúng phải tu theo Đại Thừa Phật Giáo mới được hoàn toàn rốt ráo.

2. Thời thứ hai Phật nói Kinh A Hàm:

Biết rằng: "Muốn đi xa phải do nơi gần, muốn lên cao phải từ nơi thấp", đức Thích Ca y theo chư Phật mà nói pháp Tam Thừa. Vì vậy thời thứ hai, Ngài nói kinh A Hàm trọn 12 năm, dùng thí dụ thật tế, chỉ rõ chân lý cho hàng Tiểu Thừa dễ thừa nhận, mà lo bề tự tu và tự độ.

3. Thời thứ ba Phật nói Kinh Phương Đẳng:

Đạo Phật chẳng những dạy pháp giác ngộ phần mình mà Ngài còn chỉ bày phương pháp giác tha nữa, tức là khuyến khích từ cái giác ngộ tiêu cực nhỏ hẹp của Tiểu Thừa (A La Hán) để tiến lên cái giác ngộ tích cực bao la của Đại Thừa Phật Giáo. Ấy là thời nói kinh Phương Đẳng trọn 8 năm, dẫn Tiểu Thừa qua Đại Thừa.

4. Thời thứ tư Phật nói Kinh Bát Nhã:

Đến khi đức Phật xem căn cơ của chúng sanh có thể tiến lên một tầng cao nữa là hấp thụ được hoàn toàn giáo pháp Đại Thừa, nên Ngài chỉ bày đạo lý chân không của vũ trụ, thuyết minh cái thật tướng vô tướng của các pháp. Ấy là thời nói Kinh Bát Nhã trọn 22 năm.

5. Thời thứ năm Phật nói Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn:

Sự hóa độ một thời* của Phật gần viên mãn, thêm thấy căn cơ chúng sanh đã thuần thục, có thể gánh vác Đại Thừa chánh pháp của Như Lai, nên Ngài bèn nói rõ bản hoài của Ngài thị hiện ra đời là vì một nguyên nhân lớn: "Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến". Ngài phú chúc, thọ ký cho các hàng đệ tử, tương lai sẽ thành Phật. Ấy là thời nói Pháp Hoa và Niết Bàn trọn 8 năm. Đến đây nhiệm vụ thuyết pháp độ sanh của đời Ngài đã viên mãn.

Tóm lại 5 thời thuyết pháp, Cổ nhơn có làm bài kệ như sau:

Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhựt
A Hàm thập nhị Phương Đẳng bát
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm
Pháp Hoa Niết Bàn cộng bát niên

DỊCH NGHĨA

Trước nói Hoa Nghiêm hăm mốt ngày
A Hàm mười hai, Phương Đẳng tám
Hai mươi hai năm nói Bát Nhã
Pháp Hoa Niết Bàn cộng tám năm

SỰ HÓA ĐỘ VIÊN MÃN:

Từ khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề cho đến ngày nhập diệt, trải qua một thời gian 49 năm, đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, hết nước này đến nước khác. Hễ chỗ nào có chân Ngài giẫm đến là ánh Đạo vàng bừng tỏa huy hoàng.

Mỗi ngày, Ngài theo một thời dụng biểu, một chương trình nhất định, không bao giờ xao lãng, giải đãi, từ khi trẻ cho đến già, từ mùa mưa cho đến mùa nắng. Mỗi ngày, khi trời chưa sáng, Ngài đã lìa khỏi giường đi tắm rửa, thay đổi y phục rồi vào phòng quán cơ *cho đến lúc mặt trời xuất hiện. Sau đó Ngài thuyết pháp cho chúng Tăng đến lúc trưa mới nghỉ để thụ trai.

Buổi chiều, Ngài thuyết pháp cho tín đồ ở các vùng lân cận đến nghe; rồi lại giảng giải những nghi vấn của các chúng Tăng về những vấn đề mà Ngài đã thuyết pháp buổi sáng.

Mỗi năm, Ngài đi chu du để thuyết pháp độ sanh trong chín tháng nắng ráo còn ba tháng về mùa hạ có mưa lớn (theo thời tiết Ấn Độ), thì Ngài lại ở luôn trong các tịnh xá để an cư kiết hạ.

Ròng rã 49 năm như thế, hạt giống từ bi được Ngài tinh tấn gieo khắp các xứ ở Ấn Độ. Từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ rừng núi đến đồng bằng, không nơi nào là Ngài không đặt chân đến, hay truyền đệ tử đến thay Ngài để hóa độ chúng sanh. Và ở đâu Ngài và các đệ tử cũng được nhân dân, từ vua đến dân, từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, từ phái nam đến phái nữ, đổ xô ra đón tiếp Ngài, vui thú được tắm gội trong ánh sáng Trí Tuệ và nước Từ Bi do Ngài tưới xuống. Ở đâu có ánh Đạo vàng đến, thì tà giáo và ngoại giáo lui xa dần, tan biến như những làn mây, như những bóng tối, tan biến trước bình minh đang lên. Giọng thuyết pháp của Ngài có cái oai lực như tiếng sư tử rống, làm cho cầm thú phải khiếp phục, như tiếng hải triều lên, lấn át tất cả bao nhiêu tiếng tỉ tê của côn trùng, *chom chóc.

Đạo Bồ Đề từ đấy đã ăn sâu gốc rễ trên bán đảo Ấn Độ bao la, và trở thành một tôn giáo chính của các nước lớn, nhỏ thời bấy giờ tại Ấn Độ. Đức Phật sau khi tự giác, đã giác tha và đến đây giác hạnh của Ngài đã viên mãn.

TRƯỚC KHI NHẬP NIẾT BÀN:

1. Phật báo tin sắp lìa cõi đời

Khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại chừng 129 dặm.

Một hôm, Ngài gọi ông A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Ngài đến và phán bảo:

- "A Nan ! Đạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ 4 hạng đệ tử: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe Pháp, và Đạo cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các người mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở Pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm gì trong cái thân tiều tụy này nữa? A Nan ! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết Bàn".

Tin đức Phật sắp vào Niết Bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối.

Trong thời gian ba tháng cuối cùng của Ngài, đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo.

Một hôm, Ngài đi thuyết pháp ngang qua một khu rừng, gặp một người làm nghề đốt than, ông Thuần Đà, thỉnh Ngài về nhà để thọ trai. Ngài im lặng cùng các đệ tử đi theo ông. Đến nhà, ông Thuần Đà dọn ra cúng dường Ngài một bát cháo nấm, thường gọi là nấm heo rừng, vì thứ nấm này rất được giống heo rừng ưa thích.

Thụ trai xong, Phật cùng các đệ tử lại từ giã ông Thuần Đà ra đi. Được một khoảng đường, Ngài giao bình bát cho ông A Nan và truyền treo võng lên trong rừng cây Ta La (Tàu dịch là Song Thọ: cây có hai cành lớn chia ra như cái nạn) để Ngài nằm nghỉ. Ngài nằm xuống võng giữa hai cây Ta La, đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xây về phía mặt trời lặn, hai chân tréo vào nhau.

Nghe tin Ngài sắp nhập Niết Bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoài tám mươi tuổi, tên Tu Bạt Đà La đến xin xuất gia thọ giới Sa Di với Ngài. Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử chót trong đời Ngài.

2. Phật nói Kinh Di Giáo và những lời phú chúc:

Lúc bấy giờ các đệ tử Ngài đều có mặt đông dủ, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa, chưa kịp về. Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài và dặn dò một lần cuối. Ngài phú chúc như sau:

a) Y, bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp.

b) Các đệ tử phải lấy giới luật làm thầy.

c) Ở đầu các Kinh, phải nêu lên 5 chữ: "Như thị ngã văn".

d) Xá lợi của Ngài sẽ chia làm 3 phần:

Một phần cho thiên cung,
Một phần cho long cung,
Một phần chia cho tám vị Quốc vương ở Ấn Độ.

Sau đây là lời vàng ngọc của Ngài đã để lại trong giờ phút cuối cùng.

"Này ! Các người phải tự thắp đuốc lên mà đi ! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát ! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người !...".
"Này ! Các người đừng dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có đạo ta là quý báu. Chỉ có Chân lý của đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta !".
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết Bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng hai âm lịch (theo giáo sử Trung Hoa).

Rừng cây Ta La tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, trời đất u ám, cây cỏ héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót, vạn vật như chìm lặng trong những giây phút nặng nề của sự chia ly.

Các đệ tử tẩn liệm xác Ngài vào kim quan và bảy ngày sau, đưa kim quan Ngài vào thành Câu Thi để tại chùa Thiện Quang và làm lễ trà tỳ (lễ hỏa thiêu).

Tám vị Quốc Vương lớn ở Ấn Độ kéo binh hùng tướng dũng đến toan tranh giành Xá Lợi. Nhưng ông Hương Tích y theo di chúc của Phật, đứng ra điều đình, và nhờ thể sự phân chia xá lợi đều được ổn thỏa.

KẾT LUẬN

Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn chiếu sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt một đời, trong 80 năm trời, không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ. Khi còn tại gia, Ngài là người ở trong địa vị có diễm phúc nhất, cao nhất của người đời, thế mà Ngài vẫn không màng* tưởng đến; khi vào trong đạo, Ngài là người ở trong địa vị cao chót vót của Đạo, thế mà Ngài vẫn không chịu ở yên trong địa vị ấy, lại vất vả duỗi rong trên mọi nẻo đường bụi bặm, gai góc để đưa dắt chúng sanh lên con đường hạnh phúc an vui và giải thoát hoàn toàn. Lòng thương của Phật thật là vô lượng, ân đức của Phật thật vô biên.

1. Người đời nên noi gương sáng của Phật

Sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dũng mãnh của Ngài không những là bao nhiêu gương sáng cho riêng hàng Phật tử, mà còn cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một vĩ nhân, thì đó là một vĩ nhân trên hết các vĩ nhân của nhân loại từ xưa đến nay. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là bậc siêu nhân, thì đó là một siêu nhân cao hơn bao nhiêu bậc siêu nhân khác. Nếu chúng quan niệm đời Ngài là một sự thị hiện của Phật, thì đó là sự thị hiện đẹp đẽ nhất và đầy đủ ý nghĩa hơn hết trong các sự thị hiện.

Cho nên không những đối với tín đồ Phật Giáo, mà đối với toàn thể mọi người, đức Phật đáng được kính cẩn tôn sùng và chiêm ngưỡng.

2. Tín đồ nên ghi nhớ những lời di chúc của Phật

Chúng ta, những Phật tử, ai cũng biết đời đức Phật là đẹp đẽ, cao cả; bài học của đời Ngài là quý báu, sâu xa. Nhưng nếu chúng ta không cố gắng học tập, thì bài học dù hay ho quý báu bao nhiêu cũng vô ích. Đức Phật, trước khi nhập diệt, đã dặn chúng ta một câu cuối cùng:

" Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có Đạo ta là quý báu. Chỉ có Chân lý của Đạo ta là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát !".
Vậy thì điều kiện trọng yếu nhất để giải thoát là sự tinh tấn. Chúng ta đừng bao giờ quên điều kiện ấy trong sự tu hành.

NIÊN LỊCH CỦA PHẬT THÍCH CA
(Theo Kinh Điển Đại Thừa)
PHẬT GIÁNG SANH NGÀY MÙNG 8 THÁNG 4
(Trước Chúa giáng sanh 624 năm. Nếu tính năm Phật Nhập Diệt thì trước Chúa giáng sinh 544 năm).

19 TUỔI XUẤT GIA, NHẰM NGÀY MÙNG THÁNG 2
5 NĂM TẦM HỌC CÁC ĐẠO
6 NĂM TU KHỔ HẠNH
49 NGÀY NHẬP ĐỊNH
30 TUỔI THÀNH ĐẠO, NHẰM NGÀY MÙNG 8 THÁNG CHẠP
49 NĂM THUYẾT PHÁP ĐỘ ĐỜI
80 TUỔI NHẬP NIẾT BÀN, NHẰM NGÀY RẰM THÁNG 2.


Message edited by thanhlongphapsu - Thứ Sáu, 18 Jul 2014, 6:31 AM
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:21 AM | Message # 7
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
7.Lịch sử Đức Phật Thích Ca. HT. Thích Minh Châu
Lịch sử Đức Phật Thích Ca
Tỳ kheo Thích Minh Châu
1. Thái tử Tất Đạt Đa ra đời

Vào ngày rằm tháng 4, năm 623 trước công nguyên tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) gần thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ), một nơi hiện nay là vùng biên giới giữa Nêpan và Ấn Độ, Đức Phật Thích Ca đã giáng sinh, làm Hoàng tử con vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hoàng hậu Maha Maya (Ma Da). Vua Suddhodana trị vì một vương quốc nhỏ của bộ tộc Sakya (Thích Ca).

Vì Hoàng hậu Maha Maya qua đời bảy ngày sau khi Thái tử sinh ra, cho nên Thái tử được bà dì Maha Pajapati Gotami (Maha Ba xà ba đề), trực tiếp nuôi nấng, dạy dỗ, còn người con trai của Bà dì là Nanda thì được giao cho các bảo mẫu nuôi dưỡng.

Tên riêng của vị Phật tương lai là Si Đác Ta (Tất Đạt Đa), tên giòng họ Ngài là Gotama (Cồ Đàm). Vì giòng họ nầy thuộc bộ lạc Sakya (Thích Ca), cho nên sau nầy có danh hiệu Sakya Muni (Thích Ca Mâu Ni). Muni là bậc Thánh, Sakya Muni là bậc thánh thuộc bộ lạc Thích Ca.

2. Đạo sĩ A Tư Đà và Thái tử

Ngày Thái Tử Si Đác Ta đản sanh là ngày hội vui lớn của toàn vương quốc. Dân chúng xa gần kéo về kinh đô Kapilavastu ăn mừng. Một vị Đạo sư già tên là Asita (A Tư Đà) cũng từ nơi ông tu hành trên núi Himalaya (Hy mã lạp sơn) đến cung vua để chào mừng và xem tướng Thái tử. Gặp Thái tử, đạo sĩ Asita bỗng nhiên chắp tay vái chào với thái độ hết sức cung kính. Đạo sĩ tuy cuời mà vẻ mặt thoáng buồn. Được hỏi vì cớ sao, Đạo sĩ Asita trả lời là ông mừng vì Thái tử tương lai sẽ thành Phật, bậc giác ngộ và thượng, nhưng ông buồn vì ông tuổi đã quá cao, ắt phải qua đời mà không được vị Phật tương lai trực tiếp giáo huấn, giác ngộ.

Trong kinh Sutta-Nipata (Kinh Tập, 101), có kể truyện đạo sĩ Asita đang tu trên núi Tuyết sơn, được chư Thiên mách bảo, bèn xuống núi, đến thành Kapilavastu xem tướng cho Thái tử.

"Thấy Thái tử chói sáng
Rực rỡ như vàng chói,
Trong lò đúc nấu vàng,
Được thợ khéo luyện thành
Bừng sáng và rực rỡ,
Với dung sắc tuyệt mỹ...
Sau khi thấy Thái tử,
Chói sáng như lửa ngọn,
Thanh tịnh như sao Ngưu,
Vận hành giữa hư không,
Chói sáng như mặt trời,
Giữa trời thu mây tạnh.
Ấn sĩ tâm hân hoan
Được hỷ lạc rộng lớn".
Và đạo sĩ Asita nói là Thái tử tương lai sẽ tu chứng Phật quả, vì lòng từ thương xót chúng sanh mà truyền bá chánh pháp trên thế gian nầy.

"Thái tử này sẽ chứng,
Tối thượng quả Bồ đề
Sẽ chuyển bánh xe Pháp,
Thấy thanh tịnh tối thẳng
Vì lòng từ thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống phạm hạnh,
Được truyền bá rộng rãi".
Nhưng vì nghĩ mình đã già, không còn sống được bao lâu nữa, để có thể trực tiếp nghe Đức Phật thuyết pháp, cho nên đạo sĩ buồn và nói:

"Thọ mạng ta ở đời,
Còn lại không bao nhiêu,
Đến giữa đời sống Ngài
Ta sẽ bị mệnh chung.
Ta sẽ không nghe Pháp,
Bậc tinh cần vô tỷ,
Do vậy ta sầu não,
Bất hạnh và khổ đau..." (Kinh Tập, 103)
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:23 AM | Message # 8
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
3. Cuộc sống của Thái tử trong thời niên thiếu

Thái Tử Si Đác Ta được nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục một cách toàn diện về hai mặt: văn chương và võ nghệ.

Khi Thái tử lên bảy tuổi, những thầy giáo giỏi nhất trong xứ được mời đến hoàng cung dạy cho Thái tử các môn học thế gian như Thanh minh (ngôn ngữ học và văn học), Công xảo minh (Công kỹ nghệ học), Y phương minh (môn học chữa bịnh), Nhân minh (Luận lý học), và Nội minh (Đạo học). Về Đạo học, Thái tử được dạy về 4 sách Thánh Veda, là các sách Thánh của Bà la môn giáo. Sách kể rằng: chỉ trong khoảng thời gian từ 7 đến 12 tuổi, Thái tử đã học thông thạo 5 môn học trên và 4 sách Thánh Veda. Đến năm 13 tuổi, Thái tử học võ thuật, theo truyền thống giòng giõi đẳng cấp võ tướng (Ksatryas, Sát đế lỵ). Nhờ có sức khỏe phi thường, Thái tử học môn võ gì cũng giỏi; về môn bắn cung, sách kể rằng, trong một cuộc hội thi, Thái tử đã bắn một mũi tên xuyên 7 lớp trống đồng, trong khi người giỏi nhất tại cuộc thi chỉ bắn xuyên được ba lớp trống đồng.

Vào tuổi 16, Thái tử cưới công chúa Yasodhara (Da du đà la), đồng lứa tuổi với Thái tử. Và trong gần 13 năm, sau ngày cưới, Thái tử sống một cuộc đời hạnh phúc trong nhung lụa, vô tư, không biết gì tới mọi nỗi khổ và bất hạnh ở đời. Về quãng đời ấy của Ngài, Đức Phật kể lại như sau với các Tỷ kheo, đệ tử của Ngài:

"Này các Tỷ kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, quá mức tế nhị. Trong cung của Phụ vương Ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả đều phục vụ cho Ta. Không một hương chiên đàn nào Ta dùng, này các Tỳ kheo, là không từ Kasi đến. Bằng vải Kasi là khăn của Ta, này các Tỳ kheo, bằng vải Kasi là áo cánh, bằng vải Kasi là áo lót, bằng vải Kasi là áo khoác ngoài. Đêm và ngày, một lọng trắng được che trên đầu Ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay sương. Này các Tỳ kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỳ kheo, tại lâu đài mùa mưa, Ta được các vũ nhạc công đờn, múa hát xung quanh Ta..." (Tăng Chi 1, 161 - 162).

4. Quyết tâm xuất gia tầm đạo

Thế nhưng, với thời gian, do năng khiếu suy tư sâu sắc và lòng thương người bẩm sanh, Thái tử không thể nào cam tâm một mình sống mãi trong nhung lụa, giữa một xã hội bất công, một thế giới đau khổ. Thái tử sớm giác ngộ về tính tạm thời, tầm thường của hạnh phúc vật chất thế gian và có ý chí xuất gia cầu đạo giải thoát, tìm ra con đường cứu vớt chúng sanh ra khỏi già, đau, chết và mọi nỗi bất hạnh khác của đời người.

Một ngày nọ, Thái tử đi ra ngoài thành dạo chơi và lần đầu tiên trong đời được tiếp xúc với những sự thật đen tối và đáng sợ: Thái tử lần lượt gặp một người già yếu, một người bệnh tật, một xác chết và cuối cùng là một vị tu sĩ với dung sắc giải thoát, khoan thai đi trên đường. Thái tử nghiệm thấy mình dù là Thái tử con vua, cũng không thể thoát khỏi cảnh già, đau, và chết; những hình ảnh siêu thoát của vị Tu sĩ đã giúp Thái tử sớm thấy được con đường dẫn đến giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của đời người, con đường dẫn tới cõi Niết bàn bất tử.

Từ đó, Thái tử nuôi dưỡng quyết tâm từ bỏ gia đình, xuất gia cầu đạo. Nhưng, một tin đến, khiến Thái tử không vui: công chúa Yasodhara mới hạ sinh một con trai. Thái tử nói: "Một trở ngại (ràhu) đã được sanh, một ràng buộc đã xãy ra". Nhân đó, ông nội, vua cha Suddhodana đặt tên cháu là Ràhula (La hầu la).

5. Sự từ bỏ vĩ đại

Lâu đài, cung điện không còn là nơi ở thích hợp nữa cho Thái tử, lòng nặng chĩu tình thương chúng sanh chìm đắm trong bể khổ và Thái tử càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, tìm con đường cứu khổ cho muôn loài. Thế rồi vào một đêm Thái tử ra lệnh cho người nô bộc trong thành là Channa (Xa nặc) thắt con ngựa Kantaka (Kiền trắc). Trước khi xuất phát, Thái tử đi dọc theo hành lang nội cung, đến trước phòng công chúa Yasodhara (Da du đà la) và người con trai đang ngủ thiếp. Thái tử hé cửa nhìn vào, Thái tử rất yêu thương người vợ và con trai của mình, nhưng đối với nhân loại đau khổ bất hạnh, lòng thương xót của Thái tử lại còn da diết hơn. Sau đó, Thái tử một mình lên ngựa ra đi, vượt khỏi hoàng thành, theo sau, chỉ có người nô bộc trung thành Channa.

Ra đi, Thái tử từ bỏ tất cả, phụ vương, ngai vàng, vợ và con, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của một hoàng tử. Không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, đau ốm, một người nghèo, bệnh tật, ngán ngẫm cuộc đời, mà là sự hy sinh từ bỏ của một vị hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang. Quả thật đó là một sự từ bỏ, hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài người.

Năm ấy, Thái tử tròn 29 tuổi. Khi tới bờ sông Anomà, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Channa, lệnh cho Channa trở về. Còn Thái tử một mình ra đi, với bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, từ nay cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Ngài không nơi ở cố định. Khi thì ngồi dưới bóng cây, khi thì nằm nghỉ qua đêm trong một hang đá. Chân không và đầu để trần, Ngài đi bình thản giữa nắng nóng cũng như trong sương đêm lạnh, tất cả mọi năng lực và ý chí của Ngài đều hướng tới lý tưởng cao cả tìm ra sự thật tối hậu, lý lẽ của sống và chết, ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc đời, con đường dẫn tới giải thoát, cõi Niết bàn bất tử.

6. Đến học hai đạo sĩ Alara Kalama và Uddaka Ramaputta

Thời bấy giờ, tình hình chính trị tại các xứ ở Ấn Độ khá ổn định, nhiều nhà tri thức lỗi lạc, xuất gia tu đạo, trở thành đạo sư tâm linh với nhiều đệ tử theo học. Thái tử Si Đác Ta, trên đường đi tầm đạo, đã tới thụ giáo với hai đạo sư danh tiếng nhất thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai người đều tu theo phép Du già và đều chứng được những cấp thiền định cao nhất thời bấy giờ. Alara Kalama chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ, còn Uddaka Ramaputta thì chứng được cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là hai cấp thiền thuộc Vô sắc giới, hai cấp thiền cao nhất mà tu sĩ Du già thời bấy giờ chứng đạt được.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn tu học, Thái tử cũng dễ dàng đạt được hai cấp thiền nói trên, và được hai đạo sư mời ở lại, cùng với họ lãnh đạo chúng đệ tử. Thái tử biết rõ, các cấp thiền mà Ngài chứng được chưa phải là chân lý tối hậu, Niết bàn, sự chấm dứt sanh tử và mọi khổ đau. Cho nên, Ngài từ chối lịch sự, rồi lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình cầu đạo của mình. Qua thực nghiệm, Ngài thấy chân lý tối hậu, Niết Bàn, chấm dứt mọi đau khổ của sinh tử luân hồi, không thể cầu được ở bên ngoài, ở bất kỳ một bậc Đạo sư nào. Chân lý tối hậu đó phải chính do Ngài tự tìm lấy, tự chứng ngộ lấy ở bên trong nội tâm của Ngài, không thể dựa vào một tha lực nào khác.

7. Tu khổ hạnh sáu năm

Thái tử đến một nơi gọi là Uruvela, thị trấn của Senàni. Ngài tìm được một khoảnh đất đẹp và mát, có con sông nhỏ chạy qua giữa bờ cát trắng. Gần đây, lại có làng nhỏ, có thể đi khất thực hàng ngày. Đúng là một nơi yên tĩnh, đẹp đẽ, rất thích hợp với trầm tư mặc tưởng và tu tập thiền định. Cùng đến nơi đây tu tập với Thái tử còn có các tu sĩ Kondana (Kiều Trần Như), Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji. Kondanna vốn là vị đạo sĩ trẻ tuổi nhất, trong số các đạo sĩ được vua Suddhodana mời tới kinh đô để xem tướng Thái tử, lúc Ngài mới đản sanh.

Thời bấy giờ, ở Ấn Độ có tập tục và niềm tin rằng, người nào cầu đạo giải thoát, đều phải kiên trì tu khổ hạnh, ép xác. Cũng theo truyền thống đó, Thái tử cùng với 5 người bạn đồng tu trong 6 năm ròng rã, kiên trì khổ hạnh ép xác tới mức con người Thái tử gầy khô như bộ xương, đôi mắt sâu hoẵm xuống, sức khỏe giảm sút đến nỗi Ngài không còn đi vững được nữa. Ngài nghiệm thấy, càng kiên trì khổ hạnh, chân lý tối hậu như càng lùi ra xa, tâm trí càng mê mờ, thân thể càng suy yếu. Ngài thấy rõ, khổ hạnh, ép xác không phải là con đường thoát khổ và cứu khổ.

Thái tử quyết định ăn uống bình thường trở lại. Năm người bạn đồng tu, vốn đặt niềm tin và hy vọng tuyệt đối vào Thái tử, tưởng rằng Thái tử đã thoái chí, bèn rời bỏ Thái tử, đến vườn Nai ở Isipatana gần thành phố Banares để tiếp tục tu hành. Họ nói rằng, Thái tử Si Đác Ta đã trở về với cuộc sống tiện nghi và dục lạc vật chất..

8. Chứng Bốn Chân Lý Tối Hậu

Ở lại một mình, Thái tử quyết tâm tự mình phấn đấu để chứng ngộ chân lý tối hậu. Ngài lấy lại sức, nhờ uống bát sữa, do một thôn nữ tên là Sujata cúng dường, sau đó, Ngài tắm ở sông Neranjara (Ni Liên Thuyền). Tối đến, Ngài đến ngồi dưới gốc cây Pippala, sau này được đổi tên là cây Bồ đề, để đánh dấu sự kiện thành đạo vĩ đại của Ngài.

Với tâm định tỉnh, nhu nhuyến, trong sáng như gương, Ngài suy tư về lẽ sống chết, về những nguyên nhân tích tập dẫn tới luân hồi sanh tử và con đường giải thoát, dẫn tới Niết bàn, Ngài nhớ lại, thấy rõ các kiếp sống trước đây của mình, một kiếp, hai kiếp cho tới hàng trăm ngàn kiếp. Ngài nhớ lại, thấy rõ các chu kỳ thành hoại của một thế giới, nhiều thế giới. Ngài thấy rõ các chúng sanh, tùy theo nghiệp nặng nhẹ, thiện ác so mình tạo ra, luân hồi như thế nào trong các cõi sống, từ thời vô thủy cho tới ngày nay. Ngài thấy rõ, biết rõ tự bản thân Ngài đã đoạn trừ hết mọi tham ái, lậu hoặc, vô minh, đã được giải thoát và giác ngộ, và thành tựu đạo Vô thượng. Ngài đã thành Phật.

Sau này, Đức Phật đã kể lại cho các đệ tử Tỳ kheo nghe về cảnh giới chứng ngộ của mình như sau: "Nầy các Tỳ kheo! Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn, và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ nguy hại của cái bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Niết bàn và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn... Tri và Kiến khởi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị giao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa". (Kinh Thánh Cầu, Kinh Trung Bộ I, 268).

Như vậy, sau 6 năm gian khổ, kiên trì, không mệt mỏi, vào năm 35 tuổi. Thái Tử Si Đác Ta đã chứng ngộ chân lý cứu kinh vô thượng và trở thành Đức Phật, bậc Toàn giác mà sự xuất hiện là chuyện hy hữu nhất trên đời này.

Từ nay, thế gian tôn xưng Ngài là Đức Phật Gotama hay là Đức Phật Thích Ca Cồ Đàm. Từ Pali, "Buddha" (Phật Đà) có chữ gốc "Buddh" là hiểu biết, giác ngộ chân lý tối hậu, cứu kinh. Sách Pali gọi Ngài là Sammà Sambuddha, với nghĩa là bậc Toàn giác, không gì không biết, không thấy; bậc Thánh, không những giác ngộ đầy đủ cho bản thân mình, mà còn giác ngộ đầy đủ cho tất cả mọi người khác, cho tất cả mọi chúng sanh.
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:24 AM | Message # 9
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
9. Đức Phật do dự trước khi chuyển bánh xe Pháp

Chuyển Pháp Luân là chuyển bánh xe Pháp, tức là truyền bá cho thế gian biết về đạo Pháp mà Phật đã chứng ngộ. Ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ đề, sau khi đã chứng quả giác ngộ vô thượng, Đức Phật có suy nghĩ như sau:

"Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng nầy thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý 'duyên khởi ra các pháp' (Paticcasamuppada): sự kiện nầy thật khó thấy, tức là sự tịnh chỉ tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp thì các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta" (Trung Bộ I, 268 - 269).

Nhưng rồi Đức Phật nhìn quanh một lượt khắp thế gian với con mắt trí tuệ và suy nghĩ rằng:

"... Có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sinh ở thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hay hồ sen trắng, sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nưóc thấm ướt. Cũng vậy, nầy các Tỳ kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh ở thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Và nầy các Tỳ kheo, Ta nói lên bài kệ sau đây:

"Cửa bất tử rộng mở

Cho những ai chịu nghe

Hãy từ bỏ tin tâm

Không chính xác của mình.." (Trung Bộ I, 271)

Rồi Đức Phật quyết định sẽ gióng lên tiếng trống của Pháp, sẽ chuyển bánh xe Pháp, sẽ tuyên bố với thế gian, với loài người và loài Trời, con đường đạo cứu khổ và diệt khổ, con đường đạo dẫn tới cõi bất tử, cõi Niết Bàn. Thế là bánh xe Pháp bắt đầu chuyển.

10. Đức Phật giảng Pháp đầu tiên tại Vườn Nai, gần thành Ba La Nại (Benares)

Như đã nói trên, năm tu sĩ, bạn đồng tu của Thái tử, ở Uruvela, nay vẫn tiếp tục tu khổ hạnh ở vườn Nai gần thành phố Benares. Họ rời bỏ Thái tử, vì họ tưởng rằng Thái tử đã thoái chí, giữa đường bỏ cuộc. Nhưng thực ra, sau 6 năm tu khổ hạnh, Thái Tử đã thực nghiệm và thấy rõ tất cả sự vô ích và vô lý của lối tu khổ hạnh, ép xác chỉ làm con người suy yếu về thân xác, mệt mỏi về tinh thần. Và Thái tử ở lại một mình, kiên trì, phấn đấu và cuối cùng đã giác ngộ, thành Phật dưới gốc cây Bồ đề.

Sau khi đã quyết định truyền bá đạo lý cứu khổ cho thế gian, vì lòng thương xót loài người và loài trời, Đức Phật nghĩ ngay tới 2 vị thầy cũ của mình là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta, nhưng cả 2 ông này đều đã qua đời cách đây không lâu. Với Phật nhãn, Đức Phật thấy năm người bạn đồng tu xưa kia của mình đang ở tại vườn Nai gần Benarès và quyết định họ sẽ là những người đầu tiên được nghe giáo pháp của Ngài.

Rồi Đức Phật lên đường đi Benarès. Tại đây, ở vườn Nai gần Benarès, Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho 5 người bạn đồng tu ngày trước của mình. Sự kiện đáng ghi nhớ này diễn ra vào một ngày trăng rằm, đúng hai tháng sau Đức Phật thành đạo. Sau nầy, nó được biểu trưng một cái bánh xe, có 2 con nai nâng đỡ hai bên.

Hai con nai biểu trưng cho địa điểm thuyết pháp, Vườn Nai, cũng gọi là Lộc Uyển. Bánh xe - Dhammacakka - tức là bánh xe Pháp, sách Hán dịch là Pháp luân. Cả đầu đề bài kinh là Dhammacakkappavattana, có nghĩa là "chuyển bánh xe Pháp".

11. Nội dung Kinh Chuyển Bánh Xe Pháp

Trong bài kinh này, Đức Phật mở đầu bằng lời khuyên các tu sĩ không nên mắc vào hai cực đoan: một cực đoan là đam mê thú vui nhục dục thế gian, thực ra chỉ là những cái tầm thường, nhất thời, ngăn cản mọi tiến bộ tâm lính. Một cực đoan thứ hai là khổ hạnh, ép xác vì nó làm mệt mỏi tinh thần, mê mờ trí tuệ, do đó cũng có hại, vô ích. Đức Phật khuyến cáo nên rời bỏ hai cực đoan trên, và theo con đường Trung Đạo dẫn tới cuộc sống thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt và giải thoát tối hậu. Đó là con đường đạo tám nhánh nổi tiếng, sách Hán thường dịch là Bát Chánh Đạo:

Chánh tri kiến: Thấy biết chân chánh.

Chánh tư duy: Suy nghĩ chân chánh, ý chí chân chánh.

Chánh ngữ: Nói năng chân chánh, tức là không nói dối, không nói ác, không nói chia rẽ, không nói lời vô nghĩa.

Chánh nghiệp: Hành động chân chánh, tức là không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không rượu chè.

Chánh mạng: Sinh sống bằng nghề chân chánh, không phải bằng nghề bất lương, như buôn bán lừa đảo, buôn vũ khí và thuốc độc, buôn bán nô tỳ...

Chánh tinh tấn: Siêng năng chân chánh, diệt bỏ điều bất thiện, làm mọi điều tốt lành.

Chánh niệm: Nghĩ nhớ chân chánh, không nghĩ nhờ điều tà vạy, ác xấu, mê lầm.

Chánh định: Tập trung tư tưởng chân chánh, không để tư tưởng tán loạn, chạy theo dục vọng.

Con đường tám nhánh là con đường đạo chân chánh, dẫn tới chấm dứt mọi đau khổ, phát khởi trí tuệ, đưa đến Niết bàn, là sự giải thoát vĩnh viễn khỏi vòng sống chết luân hồi, là sự thanh tịnh tuyệt đối và an lạc tuyệt đối.

Trong bài thuyết pháp đầu tiên này, Đức Phật giảng về bốn chân lý cao cả, cũng gọi là bốn chân lý Thánh, bởi vì chúng được phát hiện và tuyên thuyết bởi bậc thánh vĩ đại nhất là Đức Phật. Đó là chân lý về sự khổ (sách Hán gọi là Khổ đế), chân lý về nguyên nhân của khổ (Tập đế), chân lý về diệt khổ (Diệt đế), chân lý về con đường đạo diệt khổ (Đạo đế).

Nghe xong bài thuyết pháp này, và một bài thứ hai có đầu đề "Anttalakkhana sutta", bàn về thuyết vô ngã (không có cái Ta), năm vị tu sĩ ở vườn Lộc Uyển được giác ngộ và không bao lâu trở thành A la hán.

12. Đức Phật giác ngộ cho Yasa và những người bạn

Gần Benares, có con trai người triệu phú tên là Yasa, tuy sống cuộc đời đầy đủ xa hoa, nhưng lại sớm chán cảnh sốngv thế gian tầm thường vô vị. Yasa tìm đến Đức phật, bộc lộ với Đức Phật tâm trạng chán chường của mình, và được Đức Phật thuyết pháp về hạnh bố thí, về nếp sống đạo đức, về các cõi Trời, về nguy hại của dục lạc thế gian, về hạnh phúc của nếp sống Thánh, hỷ xả, không tham trước. Và sau đó, Đức Phật giảng cho Yasa vế bốn chân lý cao cả: sự khổ, nguyên nhân của khổ, cảnh giới Niết bàn an lạc và con đường đạo tám nhánh dẫn tới Niết bàn.

Cha của Yasa, trên đường đi tìm con trai, cũng đến Vườn Nai và được nghe Phật thuyết pháp, ông xin Phật cho quy y và trở thành người đệ tử tại gia đầu tiên của Phật. Còn Yasa thì xin Phật cho xuất gia và không bao lâu chứng quả A la hán. Khi Đức Phật đến thăm nhà cha của Yasa theo lời thỉnh cầu của ông này, thì cả người mẹ và người vợ cũ của Yasa cũng xin quy y làm đệ tử tại gia của Đức Phật. Bốn người bạn của Yasa là Vimala, Subaha, Tunnaji và Barampati, noi gương Yasa cũng xin xuất gia, và không bao lâu đều chứng quả A la hán.

Ngoài ra, hơn năm mươi người bạn khác của Yasa, từ các gia đình và địa phương khác nhau, nghe tin Yasa chứng được Thánh quả, cũng đều tụ tập về đây xin xuất gia theo Đức Phật, và sau một thời gian, tất cả đều chứng quả A la hán.

13. Đoàn Tăng sĩ thuyết pháp đầu tiên

Bấy giờ, Đức Phật có sáu mươi đệ tử đều là A la hán. Ngày quyết định phái họ đi khắp nơi để truyền bá chánh pháp. Trước khi họ lên đường, Đức Phật đã động viên họ với lời lẽ như sau:

"Hỡi các Tỳ kheo, Ta đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và xuất gian".

"Các ngươi cũng vậy, hỡi các Tỳ kheo, cũng đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian".

"Hãy đi! Hỡi các Tỳ kheo, vì lợi lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của loài Trời và loài người. Các người hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng. Hãy truyền bá đạo pháp, hỡi các Tỳ kheo. Đạo pháp toàn thiện, ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn, hãy tuyên bố về cuộc sống Thánh, toàn thiện và thanh tịnh..." (Mahavagga 19).

Tỳ kheo, dịch âm từ chữ Pali "Bhikkhu", nghĩa là "Người khất thực". Đức Phật, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, với 60 người học trò đã chứng quả A la hán, tổ chức thành một tăng đoàn những tu sĩ khất thực, không có nhà ở cố định, không có của cải vật chất nào khác ngoài tấm áo vàng che thân và bình bát để xin ăn... Thuyết giảng về đạo lý cứu khổ và cuộc sống thánh hạnh, tự mình nêu gương sáng về cuộc sống Thánh hạnh và giải thoát, đó là sự nghiệp, là nội dung công tác chủ yếu của Tăng đoàn đầu tiên, do Đức Phật đích thân thành lập và chỉ đạo.

14. Giác ngộ cho ba mươi thanh niên

Sau khi Đức Phật phái các đệ tử mỗi người đi một ngã để truyền bá chánh pháp, Ngài cũng lên đường đến Uruvela. Dọc đường, Ngài ngồi nghỉ ở một gốc cây, trong một khu rừng nhỏ. Lúc bấy giờ, có ba muơi thanh niên nhà giàu, đem vợ theo đến vui chơi giải trí trong chính khu rừng đó. Trong số này, có một thanh niên chưa vợ. đem theo một kỹ nữ. Trong khi họ đang vui đùa, thì người kỹ nữ lẫn trốn với nhiều của cải và đồ trang sức của họ. Các thanh niên lùng bắt người kỷ nữ trong khu rừng, gặp Đức Phật và hỏi Ngài có thấy người phụ nữ trẻ qua đây không?

Đức Phật hỏi: "Hỡi các thanh niên, tìm người kỹ nữ tốt, hay là tìm thấy bản thân mình tốt hơn?"

Họ đều trả lời là tìm thấy bản thân mình tốt hơn.

Đức Phật nói: "Thế thì được! Các bạn trẻ, hãy ngồi lại đây, Ta sẽ thuyết pháp cho".

Các thanh niên kính lễ Phật với thái độ trân trọng rồi ngồi xuống nghe Phật giảng pháp. Nhờ nghe pháp, họ được giác ngộ và xin phật cho xuất gia làm Tỳ kheo.

15. Ba anh em ông Kassapa (Ca Diếp) được giác ngộ

Gần Uruvela, có ba tu sĩ khổ hạnh là ba anh em ông Kassapa: Uruvela Kassapa, Nadi Kassapa, và Gaya Kassapa. Người anh lớn, Uruvela Kassapa có 500 đệ tử, hai người em có 300 và 200 đệ tử. Ba anh em ông Kassapa đều là những đạo sĩ có danh vọng lớn ở xứ Magadha, đặc biệt là người anh cả Uruvela Kassapa, ông này thờ thần lửa, và tự cho mình đã chứng quả A la hán. Đức Phật lại gặp ông đầu tiên và xin được phép ngủ qua đêm tại phòng riêng của ông này, ở đây có thờ một con rắn thiên rất độc. Ông Kassapa tưởng rằng Đức Phật thế nào cũng bị con rắn thiêng cắn chết, nào ngờ chính con rắn bị Đức Phật hàng phục bằng sức thần thông của Ngài. Cả ba anh em với số học trò đông đảo đều xin xuất gia theo Đức Phật.

Sau đó, cả đoàn người cùng đi với Đức Phật đến một nơi gọi là Gaya Sisa, không cách xa Uruvela mấy. Ở đây, Phật giảng kinh Adittapariyaya Sutta. Nghe xong kinh này, tất cả các Tỳ kheo có mặt đều chứng quả A la hán.

16. Sariputta (Xá Lợi Phất) và Moggalana (Mục Kiền Liên) trở thành hai đệ tử hàng đầu của Đức Phật

Gần thành Vương Xá (Rajagaha), tại làng Upatissa, có một thanh niên rất thông minh tên là Sariputla. Gia đình ông thuộc loại giàu có và danh tiếng nhất làng, cho nên o6ng cũng có tên là Upatissa. Tuy sống trong cảng giàu sang quyền quí, nhưng ông sớm cảm thấy tính trống rỗng, vô vị của cuộc sống thế tục. Ông cùng với người bạn thân là Moggalana, ở Kokita thường xuyên khi khắp nơi, tìm thầy học đạo.

Đấy cũng là thời điểm, Đức Phật phái các đệ tử đi truyền giáo. Sariputta được gặp A la hán Assaji đang đi khất thực trong thàng Vương Xá và xúc động mạnh mẽ trước dung mạo trang nghiêm và khí sắc giải thoát của vị A la hán trẻ tuổi này. Sariputta đến gần và hỏi:

"Thưa Ngài tôn kính! Các căn của Ngài thật an tịnh, màu da của Ngài thật trong sáng. Được sự chỉ đạo của bậc đạo sư nào mà Ngài xuất gia? Bậc đạo sư của Ngài là ai? Ngài theo giáo lý nào?"

A la hán Assaji trả lời với thái độ khiêm tốn:

"Tôi còn rất trẻ trong Tăng đoàn, thưa Ngài, và tôi không có khả năng thuyết pháp được nhiều cho Ngài".

Nhưng vì Tôn giả Xá Lợi Phất khẩn khoản yêu cầu, cho nên A la hán Assaji đọc câu kệ:

"Sự vật bắt nguồn từ nhân duyên

Đức Như Lai nói rõ nhân duyên đó

Và bậc đạo sư cũng nói rõ

Sự vật đó tiêu diệt như thế nào".

Ngài Sariputta rất thông minh, chỉ mới nghe 2 câu kệ đầu đã chứng ngay Sơ quả. Sau đó, Ngài về baó tin cho người bạn thân Moggalana, và cả hai người cùng đến yết kiến Đức Phật ở tu viện Veluvana. Đức Phật thâu nhận hai ông vào Tăng chúng với câu nói đơn giản: "Etha Bhikkhave!" (Hãy đến đây! Các Tỳ kheo).

Mười lăm ngày sau đó, Sariputta chứng quả A la hán, khi nghe Đức Phật giảng kinh Vedana Pariggha cho du sĩ ngoại đạo Dighanakha, còn Mục Kiền Liên thì chứng quả A la hán trước đó một tuần. Ngay chiều hôm Ngài Sariputta chứng quả A la hán, Đức Phật triệu tập Tăng chúng lại và tuyên bố hai Ngài là hai vị thượng thủ của Tăng đoàn.

17. Đức Phật về thăm gia đình

Thân phụ Đức Phật, vua Suddhodana bây giờ đã già yếu, nghe tin Đức Phật thành đạo và đang thuyết pháp ở thành Rajagaha (Vương Xá), vua rất nóng lòng được gặp lại con. Vua liền phái sứ giả đến Rajagaha (Vương xá), thỉnh cầu Đức Phật trở về thăm cố đô và gia đình. Nhưng các sứ giả của Vua, đến Vương xá, đuợc nghe Phật thuyết pháp, đều xin xuất gia làm Tỳ kheo và chứng quả A la hán.

Vị sứ giả thứ mười là Kaludayi, vốn là người bạn thân cũ của Đức Phật, lúc Ngài cón là Thái tử. Ông này đến Vương xá, nghe Phật nói pháp, cũng xin xuất gia và không bao lâu chứng quả A la hán như chín vị sứ giả trước, Kaludayi không quên chuyển tới Đức Phật lời phụ vương mời Đức Phật về thăm gia đình. Đức Phật nhận lời, lên đường cùng với đông đảo đệ tử.

18. Đức Phật và Phụ vương Suddhodana

Đức Phật và các đệ tử của Ngài được vua Suddhodana, quần thần và dân chúng đón tiếp rất long trọng. Được nghe Đức Phật thuyết pháp, vua chứng ngay Sơ quả (Tư đà hoàn). Khi nghe bài thuyết pháp thứ hai, nhà vua chứng quả Thánh thứ hai, Sakkadagami (Tư đà hàm), còn bà dì Pajapati Gotami thì chứng Sơ quả (Sotapana - Tu đà hoàn). Lần thứ ba, Đức Phật giảng kinh Dhammapala Jàtaka cho vua cha, và vua cha chứng quả Thánh thứ ba (Anagami - A na hàm). Sách kể rằng, sau nầy, trên giừơng bệnh, vua cha lại được Đức Phật về thăm và giảng pháp. Lần nghe pháp cuối cùng này, vua chứng quả A la hán. Và sau bảy ngày tận hưởng lạc thú giải thoát, vua qua đời vào năm Đức Phật tròn 40 tuổi.

19. Đức Phật và Công chúa Yasodhara (Da Du Đà La)

Công chúa Yasodhara (Da Du Đà La) vốn là con gái vua Suppahuddha (Thiện Giác), đứng đầu dòng họ Koliya. Sau khi Thái tử rời bỏ hoàng cung, xuất gia cầu đạo, công chúa cũng bỏ hết đồ trang sức, mặc áo vàng của người nữ tu sĩ, và tận tình nuôi người con trai là La Hầu La đến tuổi khôn lớn.

Ngày thứ hai Đức Phật đến thành Kapilavastu, Đức Phật cùng với đông đảo đệ tử đến dùng bữa ăn trưa tại hoàng cung, theo lời mời của vua cha. Sau bữa tiệc, Đức Phật cùng với vua cha và hai người đệ tử thân cận, Sariputta và Moggalana đến phòng công chúa. Sau khi Đức Phật vào phòng và ngồi vào chỗ xếp sẵn, công chúa đảnh lễ Phật với thái độ vô cùng cung kính. Đức Phật giảng truyện bổn sanh Candakinnara và nói: "Thưa phụ vương, không phải chỉ trong kiếp này, mà trong một kiếp sống trước, công chúa cũng đã từng bảo vệ tôi và thủy chung với tôi". Sau khi nhắc lại chuyện kiếp trước, Đức Phật an ủi công chúa và từ giã hoàng cung.

Sau khi vua Suddhodana qua đời, bà dì là Pajapati xuất gia làm Tỳ kheo ni. Công chúa cũng xuất gia và không bao lâu chứng quả A la hán. Trong số các Tỳ kheo ni, công chúa là người giỏi phép thần thông nhất. Năm 78 tuổi, công chúa nhập Niết bàn.
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:24 AM | Message # 10
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
20. Đức Phật và Rahula (La Hầu La)

Rahula (Hán dịch âm: La Hầu La) là người con trai độc nhất của Đức Phật, khi Đức Phật còn là thái tử. Lần đầu tiên Đức Phật trở về thăm cố đô và gia đình, sau ngày thành đạo, Rahula lên 7 tuổi, được bà dì là Maha Pajapati Gotami trực tiếp nuôi dưỡng, săn sóc. Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng Rahula vẫn được chấp nhận vào Tăng đoàn, và được Đức Phật giao cho Ngài Sariputta trực tiếp dạy dỗ.

Một trong những bài kinh nổi tiếng Đức Phật đích thân giảng cho Rahula sau khi Rahula xuất gia, là kinh Ambalatthika Rahulovada sutta, trong đó Đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của tánh trung thực, của sự phản tỉnh để trừ diệt mọi ý niệm, lời nói và hành vi bất thiện, bất chánh.

Nhờ luỵện tập phép tu thiền niệm hơi thở, theo lời chỉ dẫn của Đức Phật, và sau khi nghe giảng kinh Cula Rahulovada, Ngài Rahula chứng quả A la hán. Ngài qua đời trước Đức Phật và Ngài Sariputta.

Trong "Trưởng Lão Tăng Kệ", có hai bài kệ như sau, của Rahula, sau khi Ngài chứng quả A la hán:

"Nhờ ta được đầy đủ

Hai đức tánh tốt đẹp

Được bạn có trí gọi:

'Rahula may mắn'

Ta lại được pháp nhãn,

Các lậu hoặc đoạn tận,

Không còn có tái sanh

Ba minh ta đạt được

Thấy được giới 'bất tử'"

21. Đức Phật và bà dì mẫu Pajapati Gotami (Ma Ha Ba Xà Ba Đề)

Bà dì Gotami là em hoàng hậu Maya, và là vợ thứ của vua Suddhodana. Sau khi hoàng hậu Maya qua đời, bà lãnh trách nhiệm săn sóc, nuôi nấng Thái tử Siđacta.

Lần đầu tiên Đức Phật về thăm thành Kapilavastu, sau ngày Ngài thành đạo, bà dì có trực tiếp xin Đức Phật cho xuất gia làm Tỳ kheo ni, nhưng Phật không chấp nhận, mà cũng không nói rõ lý do. Bà Gotami ba lần xin, Đức Phật đều từ chối. Sau khi rời Kapilavastu, Đức Phật cùng với số đệ tử đông đảo đến thành phố Vesali, ngụ tại tịnh xá Kutagara.

Bà Gotami cùng với nhiều bà khác thuộc giòng họ Sakya, đầu cạo tóc, thân đắp y vàng, kéo nhau đến Vesali và đứng chờ ngoài cửa tịnh xá, nơi Đức Phật an nghỉ. Từ Kapilavastu đến Vesali, con đường dài 150 dặm. Bà Gotami và các bà giòng họ Sakya, chân sưng phồng, quần áo đầy bụi, vẻ mặt buồn bã nhưng kiên quyết, yêu cầu Ngài Ananda cho được gặp Đức Phật. Ngài Ananda động lòng thương xót, vào xin Đức Phật cho phép các bà được xuất gia làm Tỳ kheo ni. Ngài Ananda hai ba lần nài xin, Đức Phật đều không chấp nhận. Ngài bèn thưa với Phật rằng:

"Nếu phụ nữ được xuất gia và tu học theo pháp và luật của đức Thế Tôn thì họ có thể chứng quả Thánh thứ nhất, quả Thánh thứ hai, quả Thánh thứ ba và cuối cùng có chứng được quả A la hán không?"

Đức Phật trả lời là họ có khả năng chứng các quả Thánh nói trên. Ngài Ananda bạch tiếp: "Nếu họ có thể chứng được các quả Thánh thì cớ sao bà dì Gotami lại không được xuất gia theo Pháp và Luật của Đức Thế Tôn, vì bà dì đã trực tiếp nuôi nấng săn sóc Thế Tôn, từ ngày Đức Thế Tôn còn tấm bé".

Đức Phật nói: "Nếu bà Gotami chấp nhận thực hành tám điều quy định nghiêm khắc sau đây, thì Ta cho phép Bà và các phụ nữ xuất gia, tu học dưới pháp và luật của Ta". Rồi Đức Phật nói ra tám điều qui định nghiêm khắc mọi quan hệ giữa Tỳ kheo và Tỳ kheo ni (xem luật Tỳ kheo ni). Ông Ananda đem 8 điều luật Phật nói thưa lại với bà dì Gotami và các bà khác. Các bà đều hoan hỷ nhận lời.

Cho phép bà dì Gotami xuất gia và thành lập đoàn Tỳ kheo ni, Đức Phật đã thấy trước hậu quả của quyết định của mình. Ngài nói với đại đức Ananda rằng: "Này Ananda, nếu phụ nữ không được phép xuất gia và sống trong Pháp và Luật của Ta, thì cuộc sống Thánh hạnh của các đệ tử của Ta có thể giữ vững dài lâu, Chánh pháp cao cả của Ta có thể duy trì một ngàn năm, nhưng vì phụ nữ được phép xuất gia, cuộc sống Thánh của các đệ tử Ta sẽ không duy trì dài lâu, và từ nay Chánh pháp cao cả của Ta chỉ còn tồn tại 500 năm nữa mà thôi".

"Cũng như, này Ananda, có những ngôi nhà có nhiều phụ nữ và ít đàn ông, những ngôi nhà đó rất dễ bị mất trộm. Nếu để phụ nữ xuất gia, sống trong Pháp và Luật của Như Lai, cuộc sống Thánh của các đệ tử sẽ khó mà duy trì dài lâu. Cũng như một người đắp một con đê để ngăn một bể nước lớn, không để cho nước tràn qua. Ta cũng vậy, Ta chế định ra 8 giới điều nghiêm khắc trên là để ngăn ngừa không để cho Tỳ kheo ni vi phạm".

Những lời Phật dạy, tuy có thể không được thuận tai đối với phụ nữ, nhưng cũng phải nhận rằng, Đức Phật đã sớm thấy rõ, đối với phụ nữ nói chung, bản tánh mềm yếu và dễ cảm xúc, cuộc sống xuất gia không phải dễ dàng. Quan hệ giữa nam và nữ tu sĩ trong Tăng đoàn cũng dễ xãy ra nhiều chuyện rắc rối.

Mặc dù vậy, Đức Phật là vị giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cho thành lập một Ni đoàn với đầy đủ giới luật và uy nghi. Bà la môn giáo, và các tôn giáo khác đương thời ở Ấn Độ đều không có đoàn thể phụ nữ tu hành như vậy. Hơn nữa, trong thời Đức Phật còn tại thế và sau nầy, nhiều Tỳ kheo ni đã chứng quả A la hán và trở thành nổi danh trong hành tu sĩ, như chúng ta có thể đọc thấy trong cuốn "Trưởng lão ni kệ" thuộc Tiểu Bộ Kinh.

22. Đức Phật và Tôn giả Ananda

Ananda là anh em cô cậu với Đức Phật và là con của Amitodana, em vua Suddhodana, thân phụ của Đức Phật. Vì ngày ông sinh ra đem lại niềm hoan hỷ cho mọi người trong gia tộc, cho nên Tôn giả được đặt tên Ananda (Khánh Hỷ).

Tôn giả Ananda xuất gia theo Phật, cùng với các thanh niên khác dòng họ Sakya, là Anuruddha, Bhadya, Bhaga, Kimbila, và Devadatta. Năm Đức Phật 55 tuổi, tôn giả Ananda được cử làm thị giả của Đức Phật. Trong suốt 25 năm trời, từ ngày ấy cho đến lúc Đức Phật nhập Niết bàn, Tôn giả Ananda luôn luôn ở bên cạnh Đức Phật, hầu hạ săn sóc Đức Phật, trong mọi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Ông Ananda có một trí nhớ lạ lùng, ông ghi nhớ không bỏ sót tất cả các bài thuyết pháp của Đức Phật cũng như của một số đệ tử lớn của Đức Phật.

Khi một Bà La Môn hỏi Tôn giả nhớ được bao nhiêu bài kinh, Tôn giả trả lời là có 82.000 bài của Đức Phật thuyết và 2.000 bài của các Tỳ kheo, đệ tử của Đức Phật thuyết. Đúng là có tổng số 84.000 bài kinh tất cả.

Đức Phật tán thán năm đức hạnh của Tôn giả Ananda là: học uyên bác, trí nhớ tốt, kiên định, săn sóc chu đáo, ứng xử tốt.

Mãi sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Tôn giả Ananda mới chứng quả A la hán. Đấy là do khi Đức Phật còn tại thế, tôn giả bận làm công việc thị giả, cũng như bận ghi nhớ các bài giảng của Đức Phật, như một đệ tử bác học đa văn. Tôn giả Ananda nhập Niết bàn, năm ông 120 tuổi.

23. Đức Phật và Devadatta (Đề Bà Đạt Đa)

Devadatta là con vua Suppabuddha và hoàng hậu Pamita, Pamita là một bà cô của Đức Phật, Devadatta xuất gia theo Phật, cùng một lượt với ông Ananda và các thanh niên quý tộc khác, thuộc giòng họ Sakya. Devadatta không chứng được quả nào, nhưng lại giỏi một số pháp thần thông, và được vua Ajattasattu (A Xa Thế) xứ Magadha ủng hộ. Mặc dù lối sống hư hỏng, và tà kiến, tà hạnh, Devadatta vẫn được một số khá đông người tán thành và phục tùng. Khi Đức Phật về già, Devadatta yêu cầu Phật trao cho mình quyền lãnh đạo Tăng già, nhưng Đức Phật kiên quyết không chấp nhận.

Devadatta hết sức tức giận, và cùng với vua Ajattasattu âm mưu hại Phật. Nhưng các xạ thủ được Ajattasattu thuê giết Phật, đều bị Đức Phật thuyết giáo và trở thành đệ tử của Phật. Devadatta thấy tự mình phải hạ thủ sát hại Phật mới được. Một lần Đức Phật đang đi dọc bờ núi Gijjhakuta (Linh Thứu), thì Devadatta từ trên đỉnh núi đẩy xuống một tảng đá lớn. May mà tảng đá nầy lăn đụng phải một tảng đá khác và bị vỡ. Đức Phật chỉ xây xát và chảy máu ở chân.

Một lần khác, Devadatta cho một con voi điên uống rượu, rồi xua voi húc Phật. Con voi chạy đến gần Phật thì bỗng nhiên đứng lại, bị thuần phục và được Phật xoa đầu. Sau lần âm mưu thất bại này, vua Ajatasattu sợ quá, không dám tiếp tục che chở cho Devadatta nữa.

Devadatta bèn nuôi một âm mưu khác, xảo quyệt hơn: với một số Tỳ kheo xấu như Kokàlika, Devadatta muốn phá hoà hợp tăng, chia rẽ nội bộ Tăng già, Devaddata kiến nghị Đức Phật ban hành 5 điều luật mới như sau:

Tăng sĩ phải sống suốt đời ở trong rừng.

Chỉ được khất thực để ăn.
Chỉ được mặc áo làm bằng giẻ rách lượm ở nghĩa địa.
Chỉ được sống dưới gốc cây.
Suốt đời không được ăn cá thịt.
Đức Phật chỉ trả lời là các đệ tử có thể tùy ý sống theo hay không theo 5 giới điều ấy, nhưng Ngài không ép buộc họ. Devadatta lợi dụng sự từ chối của Đức Phật, lôi kéo được một số tăng sĩ trẻ, thiếu học thức và không có căn bản vững vàng, đi theo mình đến Gayasisa. Nhưng hai đệ tử lớn của Phật là Sariputta và Moggalana, theo chỉ thị của Đức Phật cũng đến Gayasisa, thuyết pháp cho họ nghe, và dẫn họ về trở lại với chánh pháp.

Từ đó, tai nạn liên tiếp đến với Devadatta. Mắc bệnh nan y, trước khi chết, Devadatta ăn năn hối lỗi và tỏ ý muốn được gặp Đức Phật. Nhưng vì nghiệp ác quá nặng cho nên Devadatta chết mà không gặp Phật, và phải đọa địa ngục, chịu khổ trong nhiều kiếp.

Về việc Devadatta, Đức Phật răn các Tỳ kheo rằng, vì Devadatta bị chinh phục bởi các ác pháp, cho nên phải đọa địa ngục, tức là bị chinh phục bởi lợi dưỡng, danh vọng, cung kính, dục vọng xấu, tà kiến. (Xem Tăng Chi III, 20)

24. Đức Phật và Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anàthapindika)

Nhà triệu phú, trưởng giả Anathapindika là vị thí chủ lớn nhất ủng hộ Đức Phật và tăng chúng, thời Đức Phật còn tại thế. Ông vốn tên là Sudatta, nhưng vì ông hay bố thí cho kẻ nghèo và người mồ côi, mồ cút cho nên người ta tôn gọi ông là Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika). Ông sinh ra ở Savatthi.

Một lần đến thành Rajagaha (Vương Xá) có công việc, ông được biết là Đức Phật đang ngụ ở rừng Sitavana, ngoài thành Rajagaha. Ông vui mừng khôn xiết và sáng sớm hôm sau, trải qua một đêm dài mất ngủ vì quá sung sướng bồn chồn, ông lên đường đi đến rừng Sitavana. Tại đây, Đức Phật đang đi kinh hành ngoài trời và biết trước ông đến, gọi ông bằng tên riêng Sudatta và thân mật bảo ông lại gần Ngài.

Ông vấn an Phật, hỏi thăm Đức Phật có an lạc không, Đức Phật trả lời:

"Tất nhiên, bao giờ cũng sống an lạc
Bậc A la hán trong lòng mọi ngọn lửa đã dập tắt.
Không còn đeo đuổi theo dục lạc vật chất nữa.
Cõi lòng mát lạnh, mọi sanh y đoạn tận.
Mọi trở ngại đều loại trừ, đã khéo chế ngự,
Mọi đau khổ trong tâm
Bậc A la hán sống an lạc, hạnh phúc
Vì trong lòng được an tịnh". (Tương Ưng I, 273)
a) Tinh xá Jatavana

Nghe lời Phật giảng, ông Anathapindika chứng được Sơ quả (Sotapanna), và ông thỉnh cầu Đức Phật sống qua mùa mưa ở Savatthi. Đức Phật nhận lời. Ông Anathapindika, trở về Savatthi, mua một khu vườn của Thái tử Jeta (Kỳ Đà), và xây ở đây tu viện Jetavana nổi tiếng.

Sách kể rằng, ông mua khu vườn bằng số tiền đồng vàng lát đầy diện tích vườn, theo sự đòi hỏi của Thái tử Jeta. Nhưng Thái tử không chịu bán cây ở trong vườn, và tự mình đem tất cả những cây đó cúng dường Đức Phật. Từ đó, công viên có tên gọi trong các kinh Phật (Hán dịch) là "Cấp cô độc viên Kỳ đà thụ". Đức Phật đã giảng nhiều kinh, và trải qua 19 mùa mưa ở Tịnh Xá nầy.

Các bài nói chuyện của Đức Phật với ông Anathapindika đều có ý nghĩa lớn đối với người Phật tử tại gia. Trong một bài thuyết pháp về hạnh bố thí, Đức Phật nói là "sự cúng dường cho Phật và chư Tăng là công đức rất lớn, nhưng có công đức hơn nữa là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, có công đức hơn 3 quy y là tự mình giữ 5 giới, có công đức hơn giữ 5 giới là quán về lòng từ trong giây phút; nhưng có công đức hơn cả là phát triển tầm nhìn trí tuệ thấy được sự vật như thật và hiểu được tánh vô thường của sự vật" (Tăng Chi IV, 264 - 265)

Qua đoạn kinh trên, có thể thấy điều Đức Phật coi trọng hơn cả đối với người xuất gia hay tại gia là phát triển trí tuệ, để nhìn thấy sự vật như thật, đúng bản chất của chúng là vô thường, vô ngã. Tuy bố thí, cúng dường cũng là điều quan trọng, đối với người tại gia, nhưng tự mình tu tập, thực hành nếp sống đạo đức theo 5 giới, nuôi dưỡng lòng từ lại càng quan trọng hơn, nhưng quan trọng hơn cả là phát triển trí tuệ, để nhìn được sự vật như thật, nhờ đó mà không còn bị tham đắm, nội tâm được giải thoát, tự tại, trí tuệ được trong sáng.

b) Bốn niềm vui của Phật tử tại gia

Đức Phật nói tới bốn niềm vui chính đáng của người Phật tử tại gia, niềm vui có của cải, niềm vui được giàu có, niềm vui không có nợ nần, và niềm vui không có gì bị chê trách.

"Thế nào là niềm vui có của cải? Ở đây, gia chủ có của cải nhờ phấn đấu tích cực, góp gom được bằng sức của bàn tay, bằng mồ hôi, đúng pháp, và tích lũy được một cách đúng pháp, và có ý nghĩ: 'Của cải này là của tôi, có được nhờ phấn đấu tích cực tích lũy đúng pháp', cho nên niềm vui và thỏa mãn đến với ông ta. Đó là niềm vui có của cải".

"Thế nào là niềm vui được giàu có? Ở đây, vị gia chủ được giàu có nhờ phấn đấu tích cực, vui vẻ nhờ giàu có và làm nhiều việc lành. Vì có ý nghĩ 'Nhờ giàu có mà có thể hưởng thụ sự giàu có và làm các việc lành', cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với ông ta. Đó là niềm vui được giàu có".

"Thế nào là niềm vui không có nợ nần? Ở đây, vị gia chủ không có nợ nần, lớn hay nhỏ đối với bất cứ một ai. Vì có ý nghĩ 'Tôi không có nợ nần, dù lớn hay nhỏ đối với bất cứ một ai', cho nên niềm vui và thỏa mãn đến với ông ta. Đó là niềm vui không có nợ nần".

"Thế nào là niềm vui không bị chê trách? Ở đây, Vị Thánh đệ tử có niềm vui vì các hành động của thân, miệng và ý đều không có gì là đáng chê trách. Với ý nghĩ 'Tôi không có gì đáng chê trách ở thân, miệng và ý', niềm vui và thỏa mãn đến với ông ta". (Tăng Chi III, 77 - 78)

Tiếp đó, Đức Phật nói trong ba niềm vui trên đây của người tại gia, niềm vui không có gì đáng bị chê trách nơi hành động, lời nói và ý nghĩ là ưu việt hơn cả.

c) Bảy loại người vợ

Một lần, Đức Phật đến thăm nhà ông Anathapindika, nghe có tiếng ồn ào thất thường trong nhà, bèn hỏi nguyên nhân, ông Anathapindika thưa:

"Bạch Thế Tôn, đó là Suyata, con dâu tôi đang ở với chúng tôi. Nó giàu có và đến đây từ một gia đình giàu có, nó không săn sóc gì tới mẹ chồng, bố chồng và cả chồng nó nữa. Nó cũng không kính trọng, tôn quý và đảnh lễ Đức Thế Tôn". Đức Phật cho gọi Suyata lại và giảng cho nghe về bảy loại người vợ:

1. Người vợ có tâm địa ác, có ý xấu, không có lòng thương, bỏ rơi chồng mình, yêu những người đàn ông khác, một dâm nữ, chỉ muốn làm phiền lòng người. Đó là loại vợ sát nhân.

2. Người vợ hay hoang phí của cải tài vật, dù là ít do chồng làm ăn kiếm được, nhờ cày ruộng, buôn bán hay lao động khéo tay, đó là loại vợ ăn trộm.

3. Người vợ lười biếng, không muốn làm gì hết, lại tham ăn, ác độc, thô bạo, thích nói lời ác, lấn át người chồng siêng năn cần mẫn. Đó là loại vợ kiêu xa.

4. Người vợ trìu mến, thân ái bảo vệ chồng như mẹ bảo vệ con, giữ gìn tài sản của chồng, đó là loại vợ như mẹ.

5. Người vợ kính trọng chồng, như em gái đối với anh cả, khiêm tốn, sống chiều đúng theo ý chồng. Đó là loại vợ như em út.

6. Người vợ sung sướng khi thấy chồng, như gặp người bạn cũ sau bao năm xa cách, thuộc giòng quý tộc, có đạo đức, sống thanh tịnh. Đó là loại vợ như bạn bè.

7. Người vợ dù là bị đối đãi không tốt, nhưng không giận hờn, vẫn bình tĩnh, chịu đựng mọi hành vi của chồng với lòng từ mẫn, tâm không biết giận, sống chiều đúng theo ý chồng. Đó là loại vợ như người phục vụ.

Đức Phật sau khi mô tả bảy loại người vợ nói trên, nói rằng: loại vợ sát nhân, loại vợ ăn trộm, loại vợ kiêu xa đều là không tốt, còn loại vợ như mẹ, như em út, như bạn bè, như người phục vụ là những người vợ tốt, đáng tán thán, và Đức Phật hỏi đó là bảy loại vợ mà một người đàn ông có được, và Suyata muốn là loại người vợ nào?

Suyata trả lời: "Xin đức Thế Tôn từ nay trở đi nghĩ về cháu là loại vợ như người phục vụ".

d) Cây bồ đề Ananda

Ông Anathapindika thường hay đến thăm Đức Phật hàng ngày và thấy các Phật tử tỏ ra thất vọng mỗi khi đến mà không được gặp Phật vì Phật đi thuyết pháp ở một nơi khác, cho nên hỏi Đại Đức Ananda xem có cách gì để cho Phật tử có thể cúng dường Phật, dù Ngài vắng mặt. Đại Đức Ananda bạch Phật về chuyện này và hỏi Phật về các vật đáng được cúng dường, đảnh lễ. Đức Phật trả lời là có ba loại. Loại đồ vật thuộc về thân Đức Phật, loại đồ vật Đức Phật thường dùng, và loại đồ vật nhắc nhủ nhớ tới Đức Phật.

Đại Đức Ananda hỏi: "Xây một tháp thờ khi đức Thế Tôn còn sống có thích hợp chăng?"

"Không, một vật nhắc nhủ nhớ tới Đức Phật không có cơ sở vật chất, chỉ có ý nghĩa thuần túy tinh thần. Như cây Bồ Đề, được Đức Phật sử dụng, là một vật đáng cúng dường, dù khi Đức Phật còn sống hay là khi Đức Phật đã diệt độ rồi."

Đại Đức Ananda nói: "Khi đức Thế Tôn đi thuyết pháp ở nơi khác, tu viện lớn Jetavana nầy không có nơi để quần chúng quy ngưỡng và cúng dường. Con có thể lấy hạt cây Bồ Đề lớn ở Bodhi Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) và gieo nó ở cửa Tinh Xá Jetavana được không?"

Đức Phật trả lời: "Rất tốt, hãy trồng cây Bồ Đề ở đây. Như thế khác nào bao giờ Ta cũng có mặt ở Tinh Xá Jetavana nầy".

Đại Đức Ananda nói ý kiến của Đức Phật với Phật tử tại gia như ông Anathapindika, nữ gia chủ Visakha và vua Pasenadi xứ Kosala. Đại Đức Ananda nhờ Tôn giả Moggalana (Mục Kiền Liên) tìm cho một quả Bồ Đề trên cây Bồ Đề lớn ở Bodhi Gaya. Đại Đức Ananda đem trồng ở cửa Tinh Xá Jetavana. Cây Bồ Đề ấy hiện nay vẫn còn, và được gọi là cây Bồ Đề Ananda.
 
phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:25 AM | Message # 11
Major general
Group: Disciples
Messages: 410
Status: Tạm vắng
e) Ông Anathapindika qua đời và sinh lên cõi trời Đâu Suất

Khi ông Anathapindika lâm bệnh nặng, ông mời Tôn giả Sariputta đến giảng kinh tại nhà. Cả Ngài Sariputta và Ngài Ananda cũng đến vấn an ông. Tôn giả Sariputta giảng cho ông nghe một bài kinh sâu sắc. Nghe bài kinh gần xong, hai mắt ông trào đầy lệ vì quá cảm động. Ông Ananda hỏi vì sao, thì ông trả lời là ông chưa từng được nghe một bài thuyết pháp sâu sắc đến thế. Ngài Sariputta trả lời, đây vốn là một bài thuyết pháp chỉ giảng cho những Tăng sĩ có trình độ tu học cao.

Ít lâu, sau khi hai Ngài Sariputta và Ananda ra đi, ông Anathapindika qua đời và sanh lên cõi Trời Tushita (Đâu Suất).

Đến tối, thiên chủ Anathapindika, với thân hình sáng chói cả khu vườn Jetavana, đến chào Đức Phật, tán thán công đức của Tôn giả Xá Lợi Phất, và bày tỏ niềm vui sướng của mình được thấy Đức Phật và chư Tăng ngụ tại Tu Viện Jetavana. Thiên chủ Anathapindika nói:

"Ý lành và trí tuệ, tâm được tu tập đúng pháp, lối sống tối cao cả, dựa trên đạo đức chân chính. Chính điều ấy làm con người thanh tịnh, chứ không phải danh lợi thế gian".

25. An cư kiết hạ

Sự nghiệp giáo hóa và thuyết pháp của Đức Phật kéo dài 45 năm, từ năm Đức Phật thành đạo lúc 35 tuổi cho đến năm tuổi 80, Đức Phật nhập Niết bàn. Năm này qua năm khác, Đức Phật đi nơi này nơi kia, khi thì đi một mình, khi thì có đông đảo đệ tử đi theo, thuyết pháp độ sanh, giáo hóa quần chúng bằng gương sáng cao cả của bản thân, và bằng lời lẽ đầy trí tuệ. Chỉ vào mùa mưa, ở Ấn Độ, thông thường giữa tháng 7 và tháng 11, Đức Phật nghỉ lại trong các tu viện và thuyết pháp tại chỗ, không đi ra ngoài. Tục lệ này gọi là An cư kiết hạ, được Tăng ni Phật tử duy trì liên tục cho đến ngày nay, ở khắp các nước có Phật giáo. Vào mùa an cư kiết hạ, quần chúng là tín đồ hay không tín đồ, hàng ngày kéo đến đông đảo tại tu viện hay công viên, nơi có Đức Phật và Chư Tăng trú ngụ, để được nghe thuyết pháp, cúng dường Phật và Chư Tăng.

26. Đức Phật và vua Pasenadi xứ Kosala

Như đã nói trên, trong 45 năm giáo hóa và thuyết pháp độ sanh, Đức Phật hoặc một mình, hoặc cùng với đông đảo học trò đi lại nhiều nơi ở vùng trung châu sông Hằng. Nhưng thời gian dài nhất, Đức Phật ở tại Savatthi, kinh đô của vương quốc Kosala.

Cũng như Trưởng giả Anathapindika, vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) xứ Kosala là một thí chủ lớn của Đức Phật và Chư Tăng. Ở Savatthi, ngoài Tinh Xá Jetavana của ông Anathapindika cúng dường Đức Phật, còn có tu viện Rajakarama do vua Pasenadi xây cất, để cúng dường Phật và Chư Tăng.

Hoàng hậu Malika, vợ vua cũng là một tín đồ thuần thành của Đức Phật và khéo hướng dẫn giúp đỡ vua một cách tốt đẹp trong các vấn đề tôn giáo. Có lần, vua nằm thấy liên tiếp 16 cơn mộng bất thường, các đạo sĩ Ba la môn ở trong triều nói đó là điềm gở và khuyên vua phải tổ chức tế đàn lớn, giết nhiều sinh vật để cúng tế thì mới tai qua nạn khỏi. Vua cũng nghe theo và chuẩn bị tổ chức tế đàn.

Khi Hoàng hậu Malika biết tin, bà khuyên vua, thay vì tổ chức tế đàn, hãy yết kiến Phật và hỏi Ngài về ý nghĩa của 16 cơn mộng. Và vua được yên tâm, sau khi nghe Phật giải thích đầy đủ về 16 cơn mộng bất thường của vua. Vua bèn thôi không tổ chức tế đàn nữa.

Một niềm hạnh phúc lớn của vua Pasenadi là được nghe Đức Phật thuyết pháp nhiều lần. Tương Ưng Bộ Kinh có một chương đặc biệt, có đầu đề "Tương Ưng Kosala" ghi lại phần lớn các bài thuyết pháp của Đức Phật cho vua Pasenadi. Sau đây xin trích giới thiệu nội dung vài đoạn trong chương Kosala Tương Ưng:

a) Đánh giá một người là thế nào không phải là chuyện đơn giản.

Một lần, vua Pasenadi ngồi bên cạnh Phật, tại lâu đài Migaramatu, thì thấy có một số du sĩ ngoại đạo đi ngang gần đấy. Người thì bện tóc, người thì lõa thể, người thì chỉ mặc một y. Vua hỏi Đức Phật là trong số các du sĩ đó, ai là người đã chứng quả A la hán, ai là người đang trên đường tiến tới chứng quả A la hán. Đức Phật trả lời là đối với nhà vua đang sống trong vòng dục lạc, dùng các loại hương chiên đàn từ xứ Kasi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, dùng nhiều vàng bạc, thì thật là khó biết trong số các du sĩ vừa đi qua, ai là A La Hán và ai đang trên con đường tiến tới chứng quả A La Hán. Hơn nữa phải cùng sống lâu với một người, lại phải biết chú ý, xem xét và phải có trí tuệ, thì mới có thể biết được người đó có giới hạnh hay không, phải cùng chung một nghề, mới biết được một người có thanh tịnh hay không, phải qua sự thử thách của một thời gian bất hạnh mới biết được một người có trung kiên hay không, phải qua đàm đạo với một người mới biết được người đó có trí tuệ hay không. Hơn nữa, phải trải qua một thời gian dài có chú ý, xem xét và phải có trí tuệ thì mới có thể đánh giá một con người là thế nào,... Và cuối cùng Đức Phật khuyên vua xem xét người, không nên chỉ nhìn bộ mặt bề ngoài, có thể là giả dối che đậy.

b) Đức Phật khuyên coi trọng phụ nữ, ngang hàng với nam giới.

Một lần, vua Pasenadi, được tin Hoàng hậu Malika hạ sanh con gái, tỏ vẻ không vui. Đức Phật, biết tâm trạng đó của vua, bèn đọc bài kệ:

"Này nhân chủ ở đời
Có một số thiếu nữ
Có thể tốt đẹp hơn
So sánh với con trai
Có trí tuệ giới đức
Khiến nhạc mẫu thánh phục
Rồi sanh được con trai
Là anh hùng, quốc chủ
Người con trai như vậy,
Của người mẹ hiền đức
Thật xứng là đạo sư
Giáo giới cho toàn quốc". (Tương Ưng I, 104)
c) Không nên coi thường Tỳ kheo trẻ.

Có lần vua Pasenadi hỏi vì sao, Đức Phật tuổi còn trẻ và xuất gia chưa bao lâu, mà chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng giác, là quả Thánh cao nhất mà nhiều vị giáo chủ khác, tuy tuổi đời và đạo đều cao hơn Đức Phật, nhưng thừa nhận rằng mình chưa đạt tới được. Đức Phật trả lời, có bốn cái trẻ không thể coi thường. Thứ nhất là Sát đế lỵ trẻ (võ tướng trẻ thuộc đẳng cấp Sát đế lỵ), thứ hai là con rắn trẻ, thứ ba là ngọn lửa trẻ (mới nhen nhúm lên), và thứ tư là Tỳ kheo trẻ.

Ý từ Đức Phật là vị võ tướng trẻ có thể chiếm thiên hạ, rắn trẻ có thể cắn chết người, ngọn lửa trẻ có thể đốt cháy cánh đồng lớn, Tỳ kheo trẻ - nếu tinh tấn tu hành - có thể chứng quả Thánh.

d) Chiến thắng nuôi dưỡng hận thù.

Pasenadi, làm vua xứ Kosala hùng mạnh không tránh khỏi chiến tranh với các nước láng giềng, đặc biệt là với chính cháu mình là Ajatasattu, vua xứ Magadha. Có khi vua Pasenadi bại trận, có khi vua Pasenadi chiến thắng, thậm chí có lần bắt sống được vua Ajatasattu. Vì vua Pasenadi là người có tâm địa tốt, sùng kính Phật, cho nên khi bắt sống được vua Ajatasattu, vua chỉ tịch thu toàn bộ binh mã, còn thì tha cho vua Ajatasattu trở về.

Khi các Tỳ kheo thuật lại chuyện này với Đức Phật. Ngài nói lên hai bài kệ. Bài đầu, khi vua Pasenadi thất trận:

"Thắng trận sinh thù oán
Bại trận nếm khổ đau
Ai bỏ thắng bỏ bại,
Tịch tịnh hưởng an lạc". (Tương Ưng I, 102)
Bài kệ thứ hai, Đức Phật nói lên khi nghe các Tỳ kheo thuật chuyện vua Pasenadi thắng trận và bắt sống được vua Ajatasattu:

"Vì nghĩ đến tư lợi,
Nên mới cướp hại người
Khi người khác cướp lại,
Bị hại lại hại người
Người ngu nghĩ như vậy,
Khi ác chưa chín muồi
Người ngu chịu khổ đau,
Sát người, bị người sát
Thắng người, bị người thắng
Mắng người, người mắng lại.
Não người, người não lại
Do nghiệp được diễn tiến
Bị hại, lại hại người". (Tương Ưng I, 103)
27. Đức Phật và nữ thí chủ Visakha

Cũng tại Savathi, Đức Phật còn có thêm một tinh xá thứ ba nữa, do nữ thí chủ Visakha xây. Tinh xá gọi là Pubbarama. Đức Phật và Tăng chúng đã trải qua sáu mùa kiết hạ tại Tinh xá này của bà Visakha. Bà là con gái nhà triệu phú Dhananjaya, mẹ là Sumanà Devi và ông nội của bà cũng là một nhà triệu phú tên là Mendaka.

Ngay từ năm bà lên 7 tuổi, bà được may mắn gặp Đức Phật, khi Đức Phật đến Bhaddiya, nơi sinh quán của Bà, tại vương quốc Anga. Do có trí thông minh và đạo đức bẩm sinh, sau khi nghe Phật giảng pháp, mặc dù tuổi còn nhỏ, bà cũng chứng Sơ quả (Sotapanna).

Bà có một người chồng giàu có, Punnavadhana, con trai nhà triệu phú Migàra. Bố chồng vốn là một tín đồ thuần thành của Nigantha Nataputta, vị giáo chủ của đạo Jain. Bà đã khéo léo xin được phép mời Đức Phật đến nhà chồng thụ trai và sau đó, thuyết pháp cho cả gia đình nghe. Bố chồng cũng nghe nhưng ngồi sau một bức màn. Vào cuối bài thuyết pháp của Đức Phật, bố chồng giác ngộ, chứng ngay Sơ quả. Cả gia đình chồng trở thành một gia đình Phật tử hạnh phúc và thuần thành.

Bà yêu cầu Đức Phật đồng ý cho bà được làm tám việc đối với Tăng chúng như sau:

Tặng áo cà sa cho Tăng chúng vào mùa kiết hạ, từ nay cho đến ngày bà qua đời.
Cúng dường cho tất cả Tỳ kheo đến Savathi.
Cúng dường cho tất cả Tỳ kheo ra khỏi Savathi.
Cúng dường thức ăn cho Tỳ kheo ốm.
Cúng dường thức ăn cho những ai săn sóc người ốm.
Cúng dường thuốc men cho Tý kheo ốm.
Cúng dường cháo cho Tỳ kheo.
Cúng dường áo tắm cho Tỳ kheo ni.
Đức Phật vui vẻ nhận lời, Đức Phật nhiều lần thuyết pháp cho bà Visakha. Trong một bài thuyết pháp, Đức Phật có nói tới tám giới cho Phật tử tại gia nên theo trong những ngày Bố Tát (Uposatha). Hiện nay, tám giới này vẫn được Phật tử theo, trong các ngày Bố Tát ở các nước có đạo Phật.

Bà Visakha là nữ thí chủ lớn nhất của Đức Phật và Tăng chúng, cũng như ông Anathapindika là nam thí chủ lớn nhất.

28. Đức Phật và vua Bimbisara

Bimbisara (Tần Ba Sa La) là vua xứ Magadha, có kinh đô ở thành Rajagaha (Vương Xá). Vua từng gặp Đức Phật khi Phật mới xuất gia, và yêu cầu Đức Phật trở lại thăm vương quốc của vua, sau ngày thành đạo. Giữ đúng lời hứa cũ, Đức Phật cùng với đông đảo các vị A la hán đệ tử, đi từ Gaya đến thủ đô Rajagaha, và nghỉ tại đền Suppatittha trong một rừng cây cọ dừa. Đươc tin, vua Bimbirasa cùng với quần thần đông đảo đến chào Đức Phật và Tăng chúng.

Vì trong số đệ tử đi theo hầu Đức Phật, có Tôn giả Kassapa vốn có uy tín lớn trong quần chúng ở đây, cho nên nhiều người phân vân không rõ ai là bậc Đạo Sư, Đức Phật hay là Tôn giả Kassapa. Đức Phật biết rõ mối phân vân đó của quần chúng, bèn hỏi ông Kassapa vì nguyên nhân gì ông bỏ tập tục tế thần lửa. Ông Kassapa thưa rằng, ông bỏ tập tục tế thần lửa, vì ông nhận thấy cảnh giới Niết bàn an tịnh, cao quý hơn nhiều so với dục lạc thế gian. Nói xong ông đảnh lễ Phật và nói: "Đức Thế Tôn là bậc Đạo Sư, con là đệ tử của Ngài".

Đức Phật bèn giảng kinh bổn sanh của ông Kassapa cho mọi người nghe, kể rằng trong một kiếp trước, Đức Phật cũng đã từng độ cho ông Kassapa ở xứ Narada. Được nghe Phật thuyết pháp, vua Bimbisara chứng ngay Sơ quả. Hôm sau, vua thết trai tăng ở hoàng cung, mời Phật và Tăng chúng tham dự. Sau đó, vua tặng Đức Phật và Tăng chúng công viên Trúc Lâm, trong đó có đền Con Sóc và Tinh Xá Veluvanaràma, nơi đây Đức Phật trải qua 6 mùa an cư kiết hạ.

Bà Khema, vợ thứ của vua, sau này xuất gi và cùng với bà Gotami, lãnh đạo Ni chúng. Còn Hoàng hậu chánh thất của vua là bà Kosala Devi, con gái vua Pasenadi xứ Kosala. Con bà Kosala Devi là Ajatasattu (A Xà Thế), sau này cướp ngôi và giết vua cha, đó là do nghiệp quá khứ của vua Bimbisara quá nặng nề. Nhưng vì vua đã chứng Sơ quả, cho nên cái chết của vua cũng nhẹ nhàng, đỡ phần bi thảm và sau khi qua đời, vua lập tức sanh lên cõi trời Lummaharajika với cái tên thiên chủ Janavasabba.

Ajatasattu sau khi cùng với Devadatta âm mưu giết hại Phật không thành, biết ăn năn hối lỗi, xin Phật cho quy y và trở thành một Phật tử tại gia hàng đầu của Đức Phật. Do nghiệp quá khứ nặng nề, cho nên đến lượt ông, ông cũng bị con ông giết và cướp ngôi.



29. Đức Phật và tướng cướp Angulimala

Một sự kiện đáng ghi nhớ, đánh dấu năm thứ 20 ngày thành đạo là Đức Phật giác ngộ cho Angulimala, tên tướng cướp khét tiếng hung ác của xứ Kosala. Tên thật của Angulimala là Ahimsaka (Kẻ vô tội). Cha ông vốn là một quan chức trong triều vua xứ Kosala. Thời niên thiếu, ông theo học ở Taxila, là trung tâm học vấn nổi tiếng đương thời ở Bắc Ấn Độ. Ông học rất giỏi và được thầy yêu thương nhất trong số các học sinh. Điều không may là các bạn đồng học ghen tỵ ông, vu cáo ông với thầy giáo và ông thầy giáo cả tin đâm ra căm thù ông, và muốn giết ông bằng cách bắt ông trả học phí bằng 1000 ngón tay phải của con người. Angulimala phải vâng lời thầy, mặc dù rất khổ tâm. Ông bèn rút lui vào rừng Jalini ở Kosala và bắt đầu giết người để có đủ số ngón tay cần thiết.

Ban đầu, ông treo các ngón tay người trên cây, nhưng vì các ngón tay bị quạ mổ ăn, cho nên ông xâu ngón tay người lại thành vòng để đeo nơi cổ; do đó ông có tên Angulimala (vòng ngón tay). Sách kể rằng, khi ông đã thu thập được 999 ngón tay, thời Đức Phật xuất hiện. Angulimala rất mừng vì sắp có đủ số ngón tay cần thiết để nộp cho ông thầy giáo ác độc, Angulimala rút gươm, chạy đuổi theo Phật.

Vì Đức Phật dùng phép thần thông, nên Angulimala càng đuổi nhanh, càng không bắt kịp được Phật, mặc dù Phật vẫn đi khoan thai từ từ. Cuối cùng, thở hỗn hển và ướt đẫm mồ hôi, Angulimala đứng lại và gọi: "Này Tu sĩ, hãy dừng chân". Đức Phật nói bằng giọng từ tốn: "Mặc dù ta đang đi, nhưng ta đã dừng chân. Còn nhà ngươi đã dừng chân hay chưa?"

Angulimala không hiểu ý tứ câu nói của Đức Phật như thế nào? Bởi vì Đức Phật đang đi, lại nói là đã dừng chân. Còn Angulimala đã dừng chân rồi, thì Phật lại bảo "Hãy dừng chân!" Angulimala hỏi Phật và được Phật giải thích như sau:

"Đúng là ta đã dừng mãi mãi, này Angulimala,

Không bao giờ dùng bạo lực với chúng sanh.

Còn nhà ngươi, hãy dừng tay chớ có giết hại đồng loại

Vì vậy mà Ta nói rằng, Ta đã dừng,

Và bảo ngươi cũng hãy dừng tay!"

Nghiệp thiện ngày xưa của Angulimala tác động vào tư tưởng của ông, và ông biết rằng, ông đang đứng trước mặt Đức Phật Thích Ca, Ngài đã vì lòng thương xót ông mà đến cứu ông ra khỏi vòng tội lõi. Ông vứt gươm xuống đất, xin Đức Phật cho ông được xuất gia làm Tăng. Đức Phật chỉ nói một câu đơn giản: "Ehi Bikkhu" (Hãy đến ! Tỳ kheo).

Thế nhưng, mặc dù xuất gia, tinh thần của Tỳ kheo Angulimala vẫn không được yên ổn. Thường xuyên, ông bị ám ảnh bởi tiếng kêu khóc của những người ông đã sát hại. Một hôm, đi khất thực, ông bị quần chúng đuổi đánh, ném đá, ông trở về tu viện, lỗ đầu, chảy máu. Đức Phật giải thích cho Angulimala biết, đó là Angulimala trả nợ nghiệp ác cũ của mình.

Một ngày, Angulimala đi khất thực, gặp một người đàn bà trở dạ, khó sanh và đang vô cùng đau đớn. Không biết làm sao được, Angulimala trở về hỏi Đức Phật. Đức Phật bày cho Angulimala đem lời sau đây nói với người đàn bà:

"Này bà chị, từ khi tôi sanh trở lại trong hàng Thánh chúng, tôi không có giết hại bất cứ một loại hữu tinh nào. Cầu mong lời nói thật này giúp cho bà chị được khỏi đau đớn, con của bà chị được sanh nở an toàn".

Angulimala học thuộc lời Đức Phật, và đến nói với người đàn bà đau đớn, khó sanh. Lập tức, người đàn bà hết đau, và hạ sanh đứa con dễ dàng. Lời nầy của Đức Phật được gọi là Angulimala Paritta. Ngày nay, ở các xứ Phật giáo Nam phương, người ta vẫn có tập tục đọc lời Angulimala Paritta để làm dịu cơn đau đẻ của phụ nữ.

Sau này, Angulimala chứng quả A la hán.

30. Đức Phật và kỹ nữ Ambapali

Ambapali là người kỹ nữ nổi danh tài sắc của thành phố Vesali. Trên đường đi Kusinara, để nhập Niết bàn, Đức Phật dừng lại Vesali, và nghỉ ở vườn xoài của Ambapali. Được tin, Ambapali đến chào Đức Phật, và trân trọng mời Đức Phật và chúng Tăng đến dùng tiệc trai ngày mai tại nhà bà. Đức Phật nhận lời, và từ chối lời mời của hàng quý tộc Liechavi. Họ hứa trả bà Ambapali một số tiền rất lớn, để bà nhường lại cho quý tộc Liechavi đặc ân được thiết cơm Phật và chúng Tăng nhưng bà từ chối và hôm sau, y lời hẹn, Đức Phật và chúng Tăng đến với nhà bà Ambapali dùng tiệc trai. Sau bữa tiệc, Ambapali kính tặng Đức Phật và chúng Tăng vườn xoài to lớn của bà để làm Tinh xá. Sau này, Ambapali cũng xuất gia và chứng quả A la hán.

Hai sự kiện Angulimala và Ambapali cho thấy, cửa Đạo Từ Bi mở rộng cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu sang, nghèo hèn và đẳng cấp xã hội. Một tướng cướp như Angulimala, một dâm nữ như Ambapali, nếu thành tâm hối lỗi, cũng có thể xuất gia, tinh tấn tu học và chứng Thánh quả cao nhất. Một lòng tin thuần thành, và một nỗ lực lớn nhất: đó là điều kiện cơ bản để đi vào đạo Thánh và trở thành bậc Thánh trên thế giới này. Đạo Phật không đòi hỏi một điều kiện nào khác.

31. Đức Phật tuyên bố sẽ nhập Niết Bàn

Đức Phật năm nay tròn 80 tuổi. Ngài nhận định sự nghiệp thuyết pháp, giáo hóa độ sanh của Ngài đã hoàn thành. Thời điểm đã đến để Ngài nhập Niết bàn. Trên đường đi Kusinara, khi Đức Phật dừng chân tại Vaisali, ở Tinh Xá Capala, Ngài đã tuyên bố với tôn giả Ananda là ba tháng nữa, Ngài sẽ nhập Niết bàn. Ngài không chấp nhận lời yêu cầu của Ananda, xin Ngài sống thêm một kiếp nữa, vì hạnh phúc, vì an lạc của chúng sanh. Đức Phật giảng cho ông Ananda về tính vô thường của mọi sự vật trên thế gian này, và bảo ông Ananda tập hợp chúng Tỳ kheo ở Vaisali lại ở Tinh Xá Mahavana, để nghe Phật thuyết pháp.

Rồi Đức Phật nói với chúng Tỳ kheo những lời lẽ như sau: "Này các Tỳ kheo! Mọi pháp đều vô thường. Hãy siêng năng phấn đấu. Như Lai sắp nhập Niết bàn. Từ nay trong vòng 3 tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết bàn. Tuổi Ta đã già, cuộc sống con người ngắn ngủi. Ta sẽ vĩnh biệt các người. Hãy tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác và sống đạo đức. Người nào sống không phóng dật trong giới luật, người đó sẽ được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi và chấm dứt mọi đau khổ".

Và một lần cuối cùng, nhìn thành phố Vaisali, Đức Phật nói chúng Tỳ kheo:

"Giới, định, và tuệ, giải thoát tối hậu. Đó là những điều Như Lai thực hiện".

32. Buổi ăn cuối cùng của Đức Phật

Từ Vaisali, Đức Phật cùng với tôn giả Ananda và chúng Tỳ kheo lên đường đi Kusinara. Dọc đường, Đức Phật cùng chúng Tăng dừng lại ở nhiều nơi, tiếp xúc với dân chúng, thuyết pháp độ sanh.

Ở Pava, người thợ rèn Cunda (Thuần Đà) thết tiệc trai Đức Phật và chúng Tăng. Cunda chuẩn bị riêng cho Đức Phật một món ăn đặc biệt, gọi là sùkaramaddava. Đức Phật khuyên Cunda dành riêng dĩa thức ăn đó cho Đức Phật, và phần còn lại của dĩa phải đem chôn đi. Và nói: "Chỉ có Như Lai mới ăn và tiêu hóa được thức ăn này mà thôi".

Ăn xong, Đức Phật bị kiết lỵ nặng. Ngài tuy mệt nhưng vẫn giữ tinh thần bình thản và quyết định lại lên đường đi Kusinara, cách Pava khoảng 6 dặm. Đức Phật tắm lần cuối cùng ở sông Kakutthi, và sau khi nghỉ một lát, Ngài nói với Đại đức Ananda: "Có thể có người trách Cunda về bữa cơm cuối cùng dọn cho Ta, vì sau bữa ăn đó Ta sẽ nhập Niết bàn, và Cunda có thể ăn năn hối hận. Nhà ngươi cần nói cho Cunda biết rằng, có hai bữa ăn cúng dường cho Như Lai, đem lại công đức lớn nhất cho người cúng dường. Đó là bữa ăn cúng dường Như Lai trước giờ Như Lai thành đạo và bữa ăn cúng dường Như Lai trước giờ Như Lai nhập Niết bàn. Hãy nói cho Cunda biết rằng, nhờ đã cúng dường Như Lai bữa ăn cuối cùng trước khi Như Lai nhập Niết bàn, Cunda được phúc đức lớn, quả báo lớn, nhờ đó mà Cunda được thọ mạng lâu dài, tái sanh ở cõi lành, giàu có, tiếng tăm, được sanh lên cõi trời và có quyền lực lớn. Này Ananda, ngươi hãy nói như vậy để loại bỏ mọi nỗi ân hận của Cunda, nếu có".

Nói xong, Đức Phật đến vườn cây Sala ở Kusinara, nơi có bộ tộc Mallas ở, và bảo Đại đức Ananda chuẩn bị chỗ nằm, để Đức Phật yên nghỉ, đầu hướng Bắc, nằm nghiêng mình, chân phải để trên chân trái, bình thản, tỉnh táo.

33. Cách tốt đẹp nhất để tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai

Thấy các cây Sala trổ hoa trái mùa, và các biểu hiện khác của niềm tin tưởng, quý mến, tôn trọng Như Lai, Đức Phật bèn nói với các Tỳ kheo có mặt như sau:

"Này Ananda, không nên tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai theo kiểu như vậy. Nhưng bất cứ Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni nào, Ưu bà tắc hay Ưu bà di nào mà sống đúng với Chánh pháp, tự mình ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chánh, thì chính người đó tôn trọng, đảnh lễ, tán thán và quý mến Như Lai một cách tốt đẹp nhất. Do đó, này Ananda, các người phải tu tập như vậy. Mọi người hãy sống đúng với chánh pháp, tự mình ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chánh".

34. Bốn địa điểm chiêm bái

Rồi Đức Phật nói tới bốn địa điểm có liên hệ tới Đức Phật, mà Phật tử có thể đến chiêm bái. Đó là:

Nơi Đức Phật giáng sinh, ở vườn Lumbini (Lâm tỳ ni) tại vùng biên giới Ấn Độ - Nepan.

Nơi Đức Phật thành đạo ở Bodhi Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng).

Nơi Đức Phật bắt đầu chuyển thành bánh xe Pháp (Sarnàth) tức là Vườn Nai gần Benarès.

Nơi Đức Phật nhập Niết bàn ở Kusinàra (nay là Kasia, cách 32 dặm nhà ga Gorakbpur).

Đức Phật dạy rằng: "Những người nào qua đời trong quá trình đi chiêm bái, với lòng có đức tin, thì sẽ được sanh lên các cõi trời".

35. Đức Phật hóa độ cho người cuối cùng: du sĩ Subhadda

Bấy giờ có du sĩ Subhadda, đang sống ở Kusinara, biết tin Đức Phật sẽ nhập Niết bàn vào canh cuối cùng của đêm nay ở Kusinara. Du sĩ có suy nghĩ như sau: "Các đạo sư lớn tuổi, các du sĩ thường nói với ta rằng sự kiện Như Lai, bậc toàn giác xuất hiện ở đời là hiếm có, rất hiếm có. Vào canh cuối cùng đêm nay, Đức Phật Thích Ca, bậc Toàn giác sẽ nhập diệt. Ở đây ta có lòng tin Đức Phật, có thể là Ngài sẽ thuyết pháp cho ta để ta được giác ngộ".

Rồi du sĩ Subhadda đi đến rừng cây Sala, và xin Đại đức Ananda cho được gặp Đức Phật. Nhưng ông Ananda nói là Đức Phật đang mệt, không thể tiếp được. Subhadda ba lần thỉnh cầu, Đại đức Ananda đều không chấp nhận. Nhưng Đức Phật nghe câu chuyện giữa Đại đức Ananda và du sĩ Subhadda, bèn nói với Đại đức Ananda rằng: "Hãy để cho Subhadda vào. Ông ta đến đây để mong được nghe pháp, được giác ngộ, chứ không phải để làm phiền Ta, và những lời Ta nói, Subhadda sẽ có thể hiểu được".

Đức Phật nói cho Subhadda nghe về con đường đạo tám nhánh, và chỉ có những người tu học theo pháp và luật của Như Lai, mới thực hành con đường đạo tám nhánh và mới có thể trở thành đệ nhất Sa môn, đệ nhị Sa môn, đệ tam Sa môn, đệ tứ Sa môn. Subhadda vô cùng hoan hỷ và xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Đồng thời xin được xuất gia làm Tăng, ngay bây giờ trước mặt Đức Phật. Tuy rằng theo luật, đáng lý, Subhadda vốn là du sĩ ngoại đạo, phải trải qua 4 tháng thử thách và sau đó, nếu Tăng chúng chấp nhận, mới được thọ giới Tỳ kheo. Nhưng vì trường hợp rất đặc biệt, Đức Phật đặc cách cho Subhadda miễn trải qua 4 tháng thử thách và bảo Tôn giả Ananda truyền thụ giới Tỳ kheo cho Subhadda. Subhadda sau một thời gian tu học tinh tấn, trở thành một A la hán. Ông là người được Phật hóa độ cuối cùng.

36. Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật

Đức Phật thấy Đại đức Ananda buồn khóc, bèn thân mật an ủi, tán thán đức hạnh của Đại đức Ananda như là một thị giả, một đệ tử kiểu mẫu, và khích lệ Đại đức phấn đấu tinh tấn để sớm được giải thoát, trở thành A la hán. Sau đó, Đức Phật nói với Đại đức Ananda đi báo cho dân chúng Mallas biết là Như Lai sắp nhập Niết bàn vào canh cuối đêm nay tại rừng cây Sala.

Được tin đông đảo dân chúng Mallas, đàn ông, đàn bà, người già, thanh niên, trẻ con tấp nập kéo đến rừng cây Sala bày tỏ lòng tôn kính, thương tiếc và vĩnh biệt Đức Phật lần cuối cùng. Sau đây là những lời dặn của Đức Phật với chúng đệ tử, trước khi ngài nhập Niết bàn.

"Này Ananda, có thể các ngươi nghĩ rằng: Chỉ còn lại giáo phái cao cả mà không còn bậc Đạo sư, chúng ta không còn có bậc Đạo sư nữa. Không! Ananda, các ngươi không được nghĩ như vậy, Pháp và Luật mà ta đã dạy, tuyên bố sẽ là đạo sư của các ngươi, sau khi Ta nhập Niết bàn."

"Này Ananda, Tăng chúng nếu muốn, có thể bỏ các giới luật phụ và nhỏ, sau khi Ta nhập Niết bàn".

"Này các đệ tử của Ta, nếu các ngươi còn có nghi ngờ gì về Phật, Pháp, Tăng hay về con đường đạo, về phương pháp thì hãy hỏi Ta, đừng để sau này hối tiếc, nghĩ rằng, đối diện với Như Lai mà không hỏi được Như Lai câu nào!"

Đức Phật nói xong, chúng đệ tử đều im lặng, Đức Phật hỏi tới ba lần, chúng đệ tử đều im lặng.

Đức Phật nói: "Có thể vì các ngươi tôn trọng bậc đạo sư mà không đặt câu hỏi chăng? Thì hãy để một người nói thay vậy". Một lần nữa, chúng đệ tử vẫn im lặng.

Đại đức Ananda bạch Phật rằng: "Tuyệt vời thay! Hy hữu thay! Thưa đức Thế Tôn. Trong hàng đệ tử chúng con ở đây, không có một người nào nghi ngờ và thắc mắc gì đối với Phật, Pháp, Tăng, con đường đạo và phương pháp".

Đức Phật nói: "Này Ananda, nhà ngươi nói vì niềm tin đối với Như Lai, Như Lai biết rõ là, trong chúng đệ tử có mặt tại đây, không có người nào còn nghi ngờ thắc mắc đối với Pháp, Tăng, con đường đạo và phương pháp. Trong số năm trăm đệ tử này, này Ananda, người kém nhất cũng đã chứng quả Dự Lưu, không còn thoái chuyển nữa, cuối cùng chắc chắn sẽ được giác ngộ".

Câu nói cuối cùng của Đức Phật là: "Hỡi các đệ tử, Ta khích lệ các người, mọi pháp hữu vi đều biến hoại. Hãy tích cực phấn đấu!". Thế rồi đức Thế Tôn im lặng. Ngài lặng lẽ nhập định, tuần tự trải qua các cấp thiền từ thấp tới cao, rồi cuối cùng chủ động nhập Niết bàn.

37. Lễ Trà tỳ và sự phân chia xá lợi của Phật

Thi hài Đức Phật được dân chúng Mallas trân trọng đưa tới Makutabandhana, và để ở đó bảy ngày trước khi tổ chức lễ trà tỳ chính thức (hỏa táng). Tôn giả Maha Kassapa cũng về đây để đảnh lễ vĩnh biệt Đức Phật lần cuối cùng và chủ trì lễ hỏa táng. Sau lễ trà tỳ, dân chúng Mallas thu thập xá lợi để cúng dường. Các nước lân cận và nhất là vua Ajatasattu cũng đòi một phần Xá lợi. Vì ban đầu dân chúng Mallas không chịu, cho nên có nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh xung quanh việc phân chia xá lợi. Nhưng cuối cùng, các bên cũng thỏa thuận được với nhau là xá lợi Phật chia làm tám phần, phân phối cho dân chúng Mallas, vua Ajatasattu xứ Magadha, bộ tộc Liechavi ở Vaisali, bộ tộc Sakya ở Kapitavastu, bộ tộc Bulaka ở Calakalna, bộ tộc Krandya ở Ramagrama, những người Bà la môn ở Visudvipa, những người Mallas ở Pava.

Bà la môn Dona, người tổ chức thành công việc phân chia Xá lợi, dành lấy cho mình cái bình đựng Xá Lợi. Những người Maurya ở Pipphalirana, vì đến chậm, chỉ nhận được tro còn lại của giàn hỏa. Các bên được phân chia Xá Lợi, đều xây tháp ở quốc gia mình để cúng dường. Như vậy, có tất cả 10 tháp: tám tháp đựng Xá Lợi của Phật, một tháp xây trên bình chứa Xá Lợi, và một tháp thờ tro của giàn hỏa.

Kết luận

Trên đây là sơ lược tiểu sử Phật Thích Ca, căn cứ vào các nguồn tư liệu chính thống của kinh sách Đạo Phật. Trong tiểu sử đó, phần nào là sự thật lịch sử, phần nào là huyền thoại và thần thoại, do các thế hệ đệ tử và tín đồ sùng kính Phật thêm vào về sau này, đó là điều chúng ta không thể xác định được. Thế nhưng, dựa vào các tài liệu rải rác và được hệ thống hóa lại, chúng ta có thể có mấy nhận định sau đây về nhân vật Thích Ca, khác với các giáo chủ các tôn giáo khác như thế nào.

1. Phật không phải là Thượng đế tạo thế và cứu thế. Phật, theo đúng nghĩa của từ Phật, là bậc giác ngộ, và ai giác ngộ được như Phật đều gọi là Phật. Vì vậy, theo Phật giáo thì đã có nhiều Phật trước Phật Thích Ca và sau Phật Thích Ca, cũng sẽ có nhiều Phật ra đời nữa. Đạo Phật thủy chung bác bỏ quan niệm siêu hình về một cái nhân ban đầu, từ con số không mà sinh ra được thế giới, vạn vật, v.v. Chủ thuyết của Đạo Phật là mọi sự đều do nhiều nhân, nhiều duyên sinh ra, gọi là thuyết nhân duyên sinh. Phật cũng không phải là một đấng cứu thế, vì Phật "Chỉ dạy về con đường và nếu các người đi theo con đường này, mọi đau khổ sẽ đoạn tận". (Pháp Cú, kệ 275).

Phật luôn luôn nhắc nhở đệ tử là tự mình làm cho mình trở nên trong sạch. Và cũng tự mình làm cho mình dơ bẩn. Chứ không ai làm cho ai được trong sạch hay dơ bẩn cả.

"Tự mình điều ác làm,

Tự mình làm nhiễm ô.

Tự mình ác không làm

Tự mình làm thanh tịnh

Tịnh không tịnh tự mình

Không ai thanh tịnh ai". (Pháp Cú, kệ 165).

Chính vì những lý lẽ trên mà nhiều đạo giáo khác cho rằng đạo Phật là vô thần, theo nghĩa đạo Phật không công nhận có Thượng đế tạo thế và cứu thế. Nhưng ít có tôn giáo nào đề cao con người và tình thương con người như đạo Phật.

Thậm chí, có người nói đạo Phật không phải là tôn giáo, bởi vì đã là tôn giáo thì phải công nhận thế giới do Thượng đế sáng tạo và người phải có linh hồn. Nhưng đạo Phật đồng thời bác bỏ cả thuyết Thượng đế và thuyết linh hồn.

Nhưng đạo Phật vẫn là một tôn giáo, ở chỗ, thứ nhất, nó có một Giáo chủ, một đức Bổn sử là Phật Thích Ca, mặc dù đã nhập diệt cách đây hơn 2500 năm, nhưng vẫn là đối tượng quy ngưỡng của hàng triệu triệu tín đồ Phật tử hiện nay trên khắp thế giới. Thứ hai, nó có một hệ thống giáo lý được ghi lại trong ba tạng kinh điển có nguyên tắc bằng hai cổ ngữ chính là Pali và Sanskrit, và hiện nay đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới. Thứ ba, nó có một giáo đoàn tăng sĩ, chấp nhận và thực hành mọi quy tắc được Phật chế định ngay lúc khi Ngài còn tại thế, và được ghi lại trong giới bổn Patimokkha.

2. Phật luôn luôn khuyến cáo đệ tử là phải tin ở sức mình, ở khả năng của mình thành tựu đích giác ngộ và giải thoát tối hậu. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Phật nói với tôn giả Ananda, người đệ tử thân cận của mình như sau: "Hãy dựa vào bản thân mình, như là ngọn đèn sáng cho chính mình. Hãy dựa vào sức của bản thân mình là chính. Hãy dựa vững vàng vào Chánh Pháp. Đừng có tìm một chỗ dựa nào khác ngoài bản thân mình".

Có thể nói, đặc sắc của Phật Thích Ca như là một giáo chủ, là không áp đặt một quyền lực nào hết lên trên con người. Phật không bao giờ cường điệu tính yếu hèn, tính tội lỗi nơi con người, trái lại, Phật luôn luôn nhấn mạnh con người có đầy đủ bản chất hướng thiện, đồng thời có đầy đủ khả năng tự hoàn thiện mình. Tự mình cố gắng và phấn đấu, thì mình sẽ được giác ngộ và giải thoát. Đó là lời khuyên thường được nhắc đi, nhắc lại của Phật Thích Ca.

3. Phật Thích Ca không phải là một nhà cách mạng và hoạt động xã hội theo ý nghĩa hiện đại của từ đó, nhưng quan điểm xã hội của Phật rất rõ ràng. Phật không tán thành chế độ đẳng cấp xã hội ở Ấn Độ. Giáo hội Tăng già do Phật sáng lập không phân biệt đẳng cấp xã hội. Phật nói: "Hỡi các Tỳ kheo, cũng như các con sông lớn, sông Hằng Hà, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu, sông Mahi, khi chúng đổ vào biển thì chúng mất tên gọi trước đây của chúng, và được gọi cùng một tên là biển cả mà thôi, cũng như vậy, bốn đẳng cấp Sát đế lợi, Bà la môn, Vệ xá, và Thủ đà la, một khi họ đã đến với Pháp và Luật do Như Lai giảng thuyết, từ cuộc sống gia đình đến cuộc sống không nhà thì họ cũng đều mất tên gọi trước đây của họ, bộ lạc cũ của họ, và được gọi cùng một tên là tu sĩ".

Trong hàng ngũ đệ tử của Phật khi Phật còn tại thế, xuất gia cũng như tại gia, đều có đủ các hạng người thuộc đủ mọi đẳng cấp, từ các vua chúa lớn nhất của các vương quốc hùng mạnh tại Ấn Độ thời bấy giờ như vua Bimbisara, vua Ajatassattu, vua Pasenadi v.v.. cho đến các giáo sĩ Bà La Môn nổi danh là thông minh, cao đạo như anh em Kassapa, hai ông Sariputta và Moggalana cho đến anh thợ cạo thuộc bộ tộc Sakya là Upali, ngưòi dâm nữ nổi danh tài sắc thành Vaisali là Ambapali, tên cướp khét tiếng tàn ác là Angulimala ở Kosala.

Tất cả mọi người, không kể trí, ngu, sang, hèn, nếu thành tâm cầu đạo, ăn năn lỗi trước, đều có thể tu đạo, và chứng đạo, trở thành bậc Thánh giữa chúng sanh, chứng ngay Niết Bàn trên cõi thế. Phật luôn luôn nhấn mạnh tính bình đẳng giữa người và người với nhau. Phật nói về những người thuộc đẳng cấp Bà La Môn, vốn thường tự xem mình là tầng lớp xã hội thượng đẳng: "Là Bà La Môn hay là tiện dân không phải là do sinh đẻ mà là do hành động của bản thân mình. Người Bà La Môn hay là tiện dân không phải là do sinh đẻ mà là do hành động của bản thân mình. Người Bà La Môn không phải sinh ra từ lửa, nhờ có hai thanh gỗ ma xát nhau, cũng không phải từ trên trời rơi xuống hay là từ gió bay ra, cũng không phải từ dưới đất chui lên. Những người Bà La Môn cũng sinh ra từ bụng mẹ hoàn toàn giống nhau như người Thủ Đà la vậy. Mọi người đều có quan năng trong cơ thể tương tự nhau, không có gì khác nhau cả. Sao lại có thể có những người tự cho mình thuộc loại hay giống như người đặc biệt?".

Phật không có thành kiến về giới tính, tuy rằng Phật cho rằng bản chất người phụ nữ là yếu đuối, và Phật đã tỏ ra dè dặt khi cho thiết lập đoàn thể nữ tu sĩ đầu tiên. Nhưng sau khi xuất gia, nhiều nữ tu sĩ đã trở thành nổi danh về đạo đức cao khiết và học lực uyên thâm. Cũng như hai ông Sariputta và Moggalana là Thượng thủ của Tăng chúng thời Phật, hai bà Khema và Gotami cũng được tôn là Thượng thủ của Ni chúng. Hai bà cũng đều chứng quả A la hán.

Giáo hội Tăng già do Phật Thích Ca sáng lập ra là một đoàn thể thật sự dân chủ. Giáo hội đó không biết đến giáo quyền. Giáo hội đó dựa trên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, gọi là lục hòa (sáu điều hòa hợp).

4. Phật Thích Ca là một giáo chủ rất rộng lượng và khiêm tốn, Phật thường ví Phật Pháp như cái bè qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng hay là con đường dẫn tới Chân lý, chứ bản thân Phật pháp không phải là chân lý tối hậu. Đã là cái bè qua sông thì có thể có nhiều thuyền, nhiều bè khác nhau cùng qua sông; đã là ngón tay chỉ mặt trăng thì có thể có nhiều ngón tay cùng một lúc chỉ mặt trăng; đã là con đường dẫn tới chân lý thì có thể có nhiều con đường khác nhau dẫn tới đích là Chân lý tối hậu.

Hai nữa, giác ngộ và giải thoát là một thực nghiệm cá nhân, nghĩa là không ai có thể giác ngộ hay giải thoát thay cho ai được cả. Có những điều mình làm được nhưng người khác không làm được, mình làm dễ nhưng người khác làm khó, trong hoàn cảnh này làm được, nhưng trong hoàn cảnh khác lại không. Một tôn giáo tầm cỡ thế giới như đạo Phật không thể cứng nhắc hay hẹp hòi được. Đấy là một lý do vì sao trong đạo Phật, có lắm tôn nhiều phái, và giữa các phái với nhau, trong quá khứ cũng như hiện nay, tuyệt đối không bao giờ có sự lấn áp trên thế mạnh dù rằng có nhiều lúc Phật giáo có ưu thế hơn, được chính quyền trọng đãi như quốc giáo (như trong hai triều đại Lý, Trần ở Việt Nam).

Những Tăng Ni Phật giáo, nếu sống đúng theo giới luật nhà Phật, là những người vô sản hoàn toán. Họ không có quyền lực, cũng không có tiền bạc. Họ chỉ có hai điều: lòng Từ bi và Trí tuệ. Nhưng với hai vũ khí đó, đạo Phật trong một thời, đã từng chinh phục trái tim và khối óc của đại bộ phận nhân dân thế giới cổ đại và phong kiến
  • , và hiện nay nó vẫn là một tôn giáo thế giới với hàng trăm triệu tín đồ.

  • Toàn bộ thời kỳ từ nửa thế kỷ IV đến cuối thế kỷ VIII sau Công nguyên có thể được gọi là kỷ nguyên Phật giáo của lịch sử Trung Hoa. Trên thực tế, có thể gọi đó là kỷ nguyên Phật giáo cuả lịch sử châu Á. Và có thể nói, của cả thế giới, bởi lẽ vào thời kỳ đó, khoảng hơn một nửa dân số thế giới là tín đồ đạo Phật. Đạo Phật trải rộng trên toàn khắp châu Á, trừ hai vùng Siberi và Cận Đông, tạo thành cho cả châu lục này một sự thống nhất về văn hóa chưa từng có. (East Asia-The Great Tradition, - Đông Á - Truyền thống vĩ đại, tr. 147-148, Edwin O Reischauer and John K. Faichanks, Harvard University)

    Trên đây là 4 đặc điểm về nhân cách của Phật Thích Ca, như là một giáo chủ. Các Tăng sĩ, tu sĩ Phật giáo của bất cứ một nước nào, trước đây cũng như hiện nay đều phải lấy đó làm gương. Không thể tưởng tượong được một Tăng sĩ Phật giáo, dù cao niên, dù bác học đến đâu mà có thái độ và giọng nói giáo quyền, sống không giản dị, không thiểu dục, trí túc, lại kích động, chống đối và bạo loạn, vì những mục đích danh lợi cá nhân, bày trò dị đoan để lôi kéo quần chúng, trong khi Phật Thích Ca tuyệt đối ngăn cấm không được làm như vậy, cho rằng đó là một việc làm xấu hổ, không nên làm.

    Tăng sĩ phải là gương sáng của đạo đức và trí tuệ, là người thầy dạy giáo pháp và đạo đức và giới luật. Nhà chùa phải là trung tâm của trí tuệ và đạo đức, chứ không phải là nơi chỉ có cúng kiến và lễ bái. Kinh sách Phật phải được giảng diễn cho người đời hiểu và làm theo, chứ không phải để riêng cho giới tu sĩ đọc tụng. Đó là hướng tiến tới của đạo Phật chân chính sẽ còn tồn tại lâu dài trong lòng người Việt Nam, trong cuộc sống của người Việt Nam, trên đất nước Việt Nam chúng ta.

    Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
    Tỳ kheo Thích Minh Châu
  •  
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:26 AM | Message # 12
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    8..Lịch sử đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Gia Tuệ

    Lịch sử đức Phật Thích-ca-mâu-ni
    Gia Tuệ
    Phần I: Từ Đản sanh đến Thành đạo
    A/- Dẫn nhập

    Một tôn giáo, không luận là cao siêu hay thâm thúy đến đâu, cũng vẫn là sản phẩm của xã hội. Là sản phẩm của xã hội, tất nhiên tôn giáo ảnh hưởng đến xã hội và đồng thời chịu ảnh hưởng ngược lại. Đó là điều không thể tránh khỏi.

    Đời sống quốc gia dân tộc với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu, thiên nhiên, đã tạo dựng cho Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là sự cố đặc biệt của xứ Ấn Độ xưa và nay, nơi có những rừng núi thâm u, tục gọi là Lục địa xanh (Pays blues), đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm được xuất hiện. Thật vậy, bất cứ tôn giáo, học thuyết, chủ nghĩa nào, khi sinh khởi, đều là phản ảnh (không nhiều thì ít) của hoàn cảnh, khí hậu, địa dư, xã hội, chủng tộc mà tạo dựng nên cả. Nếu xét nó ngoài hoàn cảnh thực tại, lẽ dĩ nhiên không thể thấu hiểu nổi. Văn hóa đạo Phật cũng do nhân duyên hội ngộ như thế mà nảy mầm và thúc đẩy tiến hóa...

    Phật giáo có một lịch sử trên hai ngàn năm, Đông-Tây truyền bá, gieo rắc ảnh hưởng khắp cả các châu lục. Trong quá trình truyền bá ấy, qua mỗi thời đại, Phật giáo lại tùy theo tình trạng xã hội của mỗi phương sở mà có ít nhiều biến thiên về bản sắc. Vì thế, muốn nói đến điểm xuất phát của đạo Phật, không thể không đi sâu vào bối cảnh lịch sử của đất nước Ấn Độ đương thời. Đây là một đề tài rất rộng lớn, mà khi đi vào, ta phải trải qua những bước tìm hiểu như về nền chính trị, xã hội Ấn Độ trước khi Đức Phật ra đời; tư tưởng tôn giáo và triết học trước thời kỳ Đức Thế Tôn xuất thế v.v... Từ đây, ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa thiêng liêng cao quý trong sự Đản sanh của Đức Mâu Ni.

    Nhưng chương trình học hàm thụ hẳn có ý nghĩa sắp xếp để đề tài to lớn này được trình bày trong một dịp thuận lợi hơn về cả không gian lẫn thời gian. Vì lý do đó, xin được thông qua phần bối cảnh lịch sử chi tiết; chỉ nêu lên ở đây vài đoạn đóng vai trò chuyển tiếp và đi thẳng vào lược sử của Đức Thích Ca Mâu Ni, một bậc thầy vĩ đại muôn thuở của nhân loại.

    Trước thời Đức Thế Tôn ra đời, về tư tưởng tôn giáo, triết học cũng như về mặt chính trị, kinh tế và xã hội thật vô cùng phức tạp. Với pháp điển Manoa (Mànu) hỗn hợp cả chính trị lẫn tôn giáo đã ấn định nhiều sinh hoạt đầy bất công trong xã hội và góp phần đưa hai giai cấp thống trị Brahmana (tăng lữ Bà La Môn) cùng Ksatriya (Sát Đế Lỵ - vua quan) lên ngồi vững chắc trên hai giai cấp thuộc hàng tiện dân, bị xã hội khinh miệt, không được luật pháp bảo hộ, không được dự chung phần tín ngưỡng và tán tụng kinh điển Veda (Phệ Đà), đó là hai giai cấp Vaisya (Phệ Xá) và tệ hơn nữa là Sùdra (Thủ Đà La).

    Tư tưởng Ấn Độ thời bấy giờ gần giống như tư tưởng đời Chiến Quốc ở Trung Hoa xưa. Xét về mặt xã hội thì trước Đức Phật giáng sinh gần 100 năm, trước Tây lịch độ 7 thế kỷ, đạo Bà La Môn thịnh hành đến cực điểm. Nhưng cũng do sự độc quyền của tăng lữ mà đạo đức tôn giáo thời đó chỉ có nghi thức phô trương bề ngoài. Do chế độ giai cấp nên cuộc sống xã hội không công bằng, nhân dân không được tự do, mà tư tưởng yếm thế nảy sinh, nạn mê tín hoành hành trong xã hội. Số đông tu theo pháp môn khổ hạnh với quan niệm cho rằng gần sự khổ mới quen với cái khổ, và sẽ xem thường và không còn thấy khổ. Có người lại tin tu khổ hạnh sẽ được sanh lên cõi trời hưởng các điều vui. Ở một phương diện khác, xã hội đã phát sinh tư tưởng hoài nghi, phủ nhận tất cả những giá trị tôn giáo, nhân quả và đạo đức. Nương theo quan niệm ấy, họ cổ xúy tư tưởng phản kháng. Ngoài những giáo phái thuận theo hệ thống Veda, các chủ nghĩa khác như: Khoái lạc, Ngụy biện, Khổ hạnh, Hoài nghi... tiếp tục nổi lên.

    Giáo lý Veda (Phệ Đà) diễn biến trong ba giai đoạn, thường được gọi là ba thời đại: Phệ Đà Thiên Thư (Veda 2500-1000 BC), Phạm Thư (Brahmana 1000-800 BC), Áo Nghĩa Thư (Upanishad 800-600 BC), đó là tạm lược chia tình trạng biến đổi về tư tưởng tôn giáo của dân tộc Ấn Độ từ đa thần giáo sang nhất thần, và từ nhất thần sang lãnh vực triết học theo ba giai đoạn trên. Song song với diễn biến của 3 tư trào này, đã có những phái chịu ảnh hưởng của hệ thống Veda, căn cứ vào đó mở mang thêm cho giáo lý của mình có hệ thống hơn. Cũng có nhiều học giả thoát ly ra ngoài tư tưởng Veda, chủ trương tự do khảo cứu rồi thành lập phái triết học tự nhiên. Các phong trào tư tưởng đó, hoặc dung hòa hoặc xung đột lẫn nhau, làm cho nền học thuyết của Ấn Độ lâm vào một tình trạng rất rối ren. Tuy nhiên, nếu kiểm điểm lại, ta có thể chia các tư trào lúc bấy giờ thành hai hệ thống: hệ thống Veda và hệ thống phản Veda. Hệ thống trước tuy nhiều, nhưng đáng kể chỉ có lục đại học phái. Hệ thống phản lại thì có lục sư ngoại đạo.

    Sống dưới một xã hội có thể chế giai cấp đầy bất công; tư tưởng tôn giáo lại rối ren như thế, con người không còn biết tin tưởng, bám víu vào đâu. Giữa hoàn cảnh bế tắc ấy, Đức Phật xuất hiện như một mặt trời sáng ấm buổi ban mai, làm tan đi bóng tối của đêm đen dày đặc đã từ lâu che phủ cuộc đời. Ngài không chỉ là cứu tinh cho xứ Ấn Độ thời bấy giờ, mà còn là người vạch ra hướng đi mới của nhân loại. Đức Phật là người đầu tiên xướng lên thuyết Nhân bản, lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết mọi vấn đề bế tắc của thời đại. Cuộc đời Ngài là cả một bài thánh ca trác tuyệt, là một sự biểu hiện của biển lớn Trí tuệ và Từ bi, là ánh sáng, là con thuyền, là niềm tin cho mọi người, mọi xã hội, dù ở bất cứ thời gian và không gian nào.

    Dù không phải là người Phật tử, cũng cần tìm hiểu ý nghĩa thâm thúy đời sống của bậc Thánh cao cả ấy để rọi soi vào cuộc sống của chính mỗi con người. Và ở đây, chúng ta tìm hiểu về những nét chính về cuộc đời của Đức Mâu Ni.

    B/- Nội dung
    I- Niên đại và thân thế
    Đức Phật giáng sinh vào ngày 15 tháng 4 năm 623 BC tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), cách thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) khoảng 15 cây số, nay là xứ Ruminidhehi, thuộc quản hạt Aouth, phía Tây Nam xứ Népal và phía Đông Rapti. Song thân Ngài là Quốc vương Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hoàng hậu Màyà (Ma Da). Thuộc dòng dõi Sakya (Thích Ca), Vua Suddhodana trị vì một vương quốc nằm ở ven sườn dãy núi cao ngất trời - Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) - nằm phía Đông-Bắc Ấn Độ, thủ phủ là Kapilavastu, nay là Népal. Địa điểm thủ phủ này nay được nhận ra là Bhulya trong quận Basti, cách Bengal 3 cây số nằm vào hướng Tây-Bắc nhà ga xe lửa Babuan.

    Một hôm, trong thành Kapilavastu có lễ hội Tinh Tú, vua tôi cùng nhau cúng bái. Hoàng hậu Màyà sau khi dâng hương hoa trong nội điện và ra khỏi ngọ môn bố thí thức ăn, đồ mặc cho dân chúng, bà trở về cung an giấc, mộng thấy một tượng vương trắng 6 ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên hữu mà chui vào. Các bốc sư đều cho rằng Hoàng hậu sẽ hạ sanh một quý tử tài đức song toàn. Nghe điều này, Vua Suddhodana rất vui mừng, vì từ nay ngôi báu đã có người truyền nối.

    Đến thời khai hoa nở nhụy, theo tục lệ thời bấy giờ, Hoàng hậu phải trở về quê cha là trưởng giả Anjana ở nước Koly (Câu Ly) để an dưỡng, chờ ngày lâm bồn. Trên quãng đường đi, Hoàng hậu Màyà vào vườn Lumbini thưởng ngoạn mùa hoa đang đua nở. Bên tàng cây asoka (vô ưu) che rợp mát, sắc màu tươi sáng, hương thoảng nhẹ bay, Hoàng hậu đã hạ sanh Thái tử. Tin lành Thái tử chào đời nhanh chóng được loan truyền trong dân chúng. Tất cả thần dân trong vương quốc đều vui mừng không xiết kể.

    Ngày Đản sanh Thái tử, khắp Kapilavastu cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, sông ngòi mương giếng trong đầy, chim chóc reo vang, hào quang tỏa khắp. Đó là ngày hội của toàn vương quốc. Dân chúng khắp nơi tổ chức ăn mừng và kéo về kinh đô Kapilavastu để vui với hoàng gia. Lẫn trong đám đông, có nhiều đạo sĩ tu hành trên núi cao, cũng đi về dự lễ và xem tướng cho Thái tử. Đạo sĩ già tên Asita (A Tư Đà) (1), ẩn tu trên Himalaya - người được kính nể nhất vì đạo hạnh - đã chào Thái tử với thái độ rất mực cung kính, rồi cười và lại khóc. Được hỏi, đạo sĩ trả lời: ông cười mừng là vì Thái tử có 32 tướng tốt, nhất định tương lai sẽ tu chứng Phật quả, và với lòng từ thương xót chúng sanh mà truyền bá chánh pháp trên thế gian này.

    "... Thái tử này sẽ chứng
    Tối thượng quả Bồ đề
    Sẽ chuyển bánh xe pháp
    Thấy thanh tịnh tối thắng
    Vì lòng từ thương xót
    Vì hạnh phúc nhiều người
    Và đời sống phạm hạnh
    Được truyền bá rộng rãi..."

    (Sutta-Nipata, Kinh tập, 101)

    Và ông khóc là vì tuổi đã quá cao, không còn sống được bao lâu nữa để trực tiếp được giáo hóa bởi Đức Thế Tôn tương lai này.

    "... Thọ mạng ta ở đờ
    Còn lại không bao nhiêu
    Đến giữa đời sống Ngài
    Ta sẽ bị mệnh chung
    Ta không được nghe pháp
    Bậc tinh cần vô tỉ
    Do vậy ta sầu não
    Bất hạnh và khổ đau" (Kinh tập, 103)

    Lời tiên đoán làm Vua Suddhodana lặng lẽ không vui. Trong lễ đặt tên, vua đặt tên con là Siddhattha (Sĩ Đạt Đa-Tất Đạt Đa), họ là Gotama (Cồ Đàm), với hàm ý là kẻ phải giữ chức vụ mà mình phảãi giữ; còn có nghĩa là người được toại nguyện, mọi việc đều thành tựu. Ý nhà vua là muốn gởi gắm tất cả vương quyền của mình vào đứa con yêu quý này.

    Hoàng hậu Màyà qua đời sau 7 ngày hạ sanh Thái tử; vì thế, sự nuôi dưỡng đều được chăm sóc trực tiếp bởi dì Maha Pajàpati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề), em ruột của Hoàng hậu Màyà.

    II- Đời sống của Thái tử trước khi xuất gia

    1)- Đời sống và giáo dục của Thái tử: Thái tử Siddhattha được nuôi nấng và dạy dỗ một cách toàn diện cả hai lãnh vực văn chương và võ thuật; những thầy giáo giỏi nhất trong nước được mời đến hoàng cung để dạy cho Thái tử các môn học đương đại như Thanh minh (ngôn ngữ, văn học), Công xảo minh (công kỹ nghệ học), Y phương minh (y học), Nhân minh (luận lý học) và Nội minh (đạo học); lúc ấy, Ngài vừa tròn 7 tuổi. Về đạo học, Thái tử đã được học 4 thánh điển Veda. Kinh ghi lại rằng, chỉ trong khoảng thời gian từ 7 đến 12 tuổi, Thái tử đã học thông thạo 5 môn học trên. Với một tư chất đặc biệt, Thái tử đã làm cho hai danh sư nổi tiếng về võ là Ksantidiva (Sằn Đề Đề Bà) và về văn là Visvàmistra (Tỳ Sa Mật Đa La) phải cúi đầu thán phục. Ngoài sự thông minh dĩnh ngộ, Thái tử được mọi người quý kính về đức hạnh bao la của Ngài.

    Trong một buổi lễ Hạ điền, giữa lúc mọi người mải mê xem lễ hội, Thái tử lúc ấy tuy còn nhỏ, đã lặng lẽ đến bên cội cây gioi (rose-apple) xếp bằng tĩnh tọa. Thấy con với dáng dấp trầm tư, tĩnh lặng, Vua Suddhodana đã phải kinh ngạc thốt lên: "Ôi, con thân yêu! Đây là lần thứ hai, cha nghiêng mình trước con!" (lần trước, khi thấy đạo sĩ Asita cúi đầu trước Thái tử, vua bất giác cũng nghiêng mình theo).

    Càng yêu thương quý trọng con, Vua Suddhodana lại càng lo sợ Thái tử sẽ không nối nghiệp ngai vàng, mà sẽ xuất gia tìm đạo như lời tiên đoán của đạo sĩ Asita. Càng lớn lên, Thái tử càng lộ vẻ trầm tư về cuộc sống. Bởi thế, vua cùng triều thần sắp đặt nhiều kế hoạch để giữ Thái tử ở lại với ngai vàng. Vua Suddhodana đã cho xây 3 cung điện nguy nga, tráng lệ cho Thái tử thay đổi nơi ở hợp với thời tiết quanh năm của Ấn Độ. Hàng trăm cung phi mỹ nữ giỏi đàn ca hát múa được tuyển chọn để túc trực hầu hạ Thái tử. Đức Phật đã đề cập đến quãng đời này trong kinh Tăng Chi I như sau: "... Này các Tỳ kheo, ta được nuôi dưỡng tế nhị, quá mức tế nhị; các hồ nước được xây lên, một hồ trồng hoa sen xanh, một hồ sen đỏ và một hồ sen trắng... Đêm và ngày, lọng trắng được che trên đầu ta, để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ, sương. Này các Tỳ kheo, 3 lâu đài được xây dựng cho ta, một cái cho mùa Đông, một cái cho mùa Hạ và một cái cho mùa mưa... Các vũ công đàn hát múa xung quanh ta...". Nhưng những hạnh phúc trần gian không làm khuây khỏa được ưu tư của người có ý chí xuất trần.

    Muốn ngăn chặn tất cả những hình ảnh của cuộc sống trầm thống khổ đau mà kiếp người phải đeo mang không lọt vào mắt, vào tai Thái tử, để đứa con yêu không có thời gian mà nghĩ đến ngày xích lại với quyết định xuất gia; khi Thái tử vừa tròn 16 tuổi, Vua Suddhodana vội tiến hành lễ thành hôn cho Thái tử với Công chúa một nước láng giềng - Yosodhara (Da Du Đà Là) - con Vua Suppabuddha (Thiện Giác), một trang quốc sắc thiên hương, với hy vọng hương ấm tình yêu thương đôi lứa sẽ buộc chặt đôi chân của Thái tử ở lại với ngai vàng.

    2)- Tiếp xúc khổ đau nhân thế: Nhưng được một thời gian, do năng khiếu suy tư sâu sắc và lòng thương người vô hạn vô biên, Thái tử lại rơi vào tình trạng trầm tư lo lắng, luôn cảm thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn thắc mắc. Được phép vua cha, Thái tử lần đầu tiên được ra khỏi cung vàng điện ngọc và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong phạm vi giới hạn của cấm thành, Ngài chỉ được thấy những gì tươi đẹp của đời sống; và phần còn lại, phần nhiều hơn, phần tương phản với những gì Ngài hiểu biết, giờ đây nó đang sờ sờ trước đôi mắt ngỡ ngàng và xót xa của Thái tử Siddhattha.

    Lần lượt ra bốn cửa thành của hoàng cung, Ngài chứng kiến những sự thật đen tối và đáng sợ! Một cụ già chân mỏi, gối dùn; một người bệnh hoạn quằn quại; một thây ma hôi thối và một đạo sĩ ly dục nghiêm trang, tất cả đã làm cho tâm tư Thái tử dao động đến cực độ. Ngài càng nhận chân rằng tất cả những lạc thú, hạnh phúc mà mình đang thọ hưởng đều mang tính giả tạm vô thường. Cộng với lần tiếp chuyện cùng vị đạo sĩ ung dung, mà thoáng hiện đằng sau con người này một con đường giải thoát, Thái tử Siddhattha quyết định thoát khỏi ngục vàng, tìm ra một lối thoát, một cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn; một con đường dẫn tới giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của đời người và hướng đến an lạc.

    Giữa lúc ấy, một tin đưa đến khiến Ngài không vui: Công chúa Yosodhara vừa hạ sanh một hoàng nam. Thái tử đã thốt lên rằng: "Một trở ngại (ràhu) đã được sanh, một ràng buộc đã xảy ra". Nhân câu nói này mà Quốc vương Suddhodana đã đặt tên cháu là Ràhula (La Hầu La).
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:27 AM | Message # 13
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    III/- Sự từ bỏ vĩ đại

    Và rồi, với cõi lòng nặng trĩu vì thương chúng sanh chìm đắm trong bể khổ; một đêm, sau khi đến trước phòng nhìn lần chót người vợ và hài nhi yêu dấu đang say nồng trong giấc ngủ, Ngài cùng nô bộc Channa (Xa Nặc) (2) dắt con tuấn mã Kantaka (Kiền Trắc) (3) vượt thành ra đi.

    Ánh sao khuya dẫn lối đưa đường, làn gió lạnh đẩy lùi tất cả lại sau lưng. Tình yêu thương phụ hoàng, di mẫu, vợ đẹp, con ngoan rất nồng nàn, nhưng trong Thái tử, lòng xót thương nhân loại đang chịu mọi nỗi bất hạnh lại còn da diết vượt trội hơn nhiều.

    Ra đi, Ngài từ bỏ tất cả những người thân yêu, ngôi báu, vương quyền, cả cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh phúc. Đây không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, người đau ốm, người nghèo, người tật bệnh, người bất đắc chí, người ngán ngẩm cuộc đời, người mang căm hờn oán giận... mà là sự hy sinh từ bỏ của một hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang, chứa chan hạnh phúc. Quả đó là một sự từ bỏ hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài người. Một sự ra đi không tiền khoáng hậu. Năm ấy, Thái tử vừa tròn 19 tuổi (theo Nam truyền Phật giáo, Thái tử xuất gia năm 29 tuổi).

    IV/- Quãng đường tu hành - tầm đạo

    Khi tới bên kia bờ sông Anoma, Thái tử dưâng lại, cạo bỏ râu tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Channa; và bảo người nô bộc trung thành ra về tạ lỗi cùng phụ hoàng. Còn lại một mình, Thái tử ra đi với bộ áo màu vàng giản dị của người tu sĩ, sống cuộc sống không nhà của người xuất gia, ly dục ly trần, không nơi cố định.

    Một cây cao bóng mát hoặc một hang đá vắng vẻ, một cánh rừng u tịch, một làng mạc đìu hiu đều có thể là nơi che mưa đỡ nắng, nghỉ qua đêm của Ngài. Đi trong nắng cháy, đi trong sương gió lạnh lùng, xiêm y từ tốn chỉ là những mảnh vụn ráp lại, tài sản duy nhất chỉ là một bình bát để khất thực độ nhật; Thái tử Siddhattha dành hết thời gian cho sự tầm cầu thiền định hầu tìm ra sự thật tối hậu.

    Lúc bấy giờ, có nhiều trí thức lỗi lạc xuất gia trở thành những đạo sư tâm linh danh tiếng, quy phục được nhiều đồ đệ. Thái tử Siddhattha trên đường đi tầm đạo cũng đã tới thụ giáo với hai vị đạo sư được tôn kính nhất thời ấy là A- la-ra Ka-la-ma và Uất Đầu Lam Phất, và chỉ trong một thời gian ngắn, ngộ Vô sở hữu xứ định mà Alara Kalama đã chứng và đạt định Phi phi tưởng xứ mà Uddaka Ràmaputta đã đạt. Biết rằng đây vẫn còn trong vòng sanh tử, Ngài lại ra đi, bỏ lại sau lưng lời yêu cầu ở lại cùng giáo hóa đồ đệ của hai vị đạo sĩ danh tiếng trên. Và thế là không còn ai để Ngài theo học đạo nữa.

    V/- Sáu năm khổ hạnh

    Thời ấy, Ấn Độ còn có truyền thống và niềm tin rằng, người nào cầu đạo giải thoát đều phải nỗ lực và kiên trì tu khổ hạnh; Thái tử liền đi đến Uruvela, một thị trấn của Senàni và cùng với năm anh em ông Kodanna (Kiều Trần Như) (4) , Bhadhya (Bạt Đề) , Vappa (Đề Bà) , Mahanama (Ma Ha Nam) và Asaji (Ác Bệ) , bắt đầu một cuộc tu khổ hạnh kéo dài đến 6 năm và dẫn đến kết quả là thân thể Ngài gầy đi như một bộ xương khô, đôi mắt sâu hoắm, không còn đi đứng được nữa.

    Ngài đã trải qua những cảm giác nhức nhối, đau đớn tột cùng của thân thể, và Ngài đã kể lại trong kinh Majjihima Nikàya (Trung Bộ kinh) với những hình ảnh thật đáng sợ: Ngài như bị ai khoan vào sọ với lưỡi khoan thật bén; như bị một lực sĩ dùng dây siết chặt đầu; bị tên đồ tể dùng dao rạch bụng; như bị nắm và quăng lên giàn hỏa thiêu sống. Nhưng những cảm giác đau đớn ấy không hề ảnh hưởng và làm tổn thương đến tâm thức của Ngài.

    Ở đây, qua thực nghiệm, Ngài thấy rằng chân lý tối hậu giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể cầu được ở bên ngoài, ở bất kỳ một bậc đạo sư nào, cũng không phải qua pháp môn hành xác; mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi người và không thể dựa vào một tha lực nào khác.

    Ngài lấy lại sức nhờ uống bát sữa do một thôn nữ tên là Sujata (Su Dà Ta) dâng cúng, sau đó xuống tắm ở dòng sông Neranjara (Ni Liên Thuyền). Năm người bạn đồng tu cho rằng Ngài đã thối chí, quay về cuộc sống dục lạc tiện nghi, họ bèn rời bỏ Ngài và đi đến Isipatana gần thành phố Benares (Ba La Nại).

    VI/- Thành đạo

    Còn lại một mình, Ngài đến ngồi dưới gốc cây pippala (tất bát la, sau này gọi là cây bodhi - bồ đề); và với tâm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, ly dục, đi vào sơ thiền (thời niên thiếu, trong buổi lễ Hạ điền, Ngài cũng đã một lần vào thiền này), nhị thiền, tam thiền và lần lượt nhập lên tứ thiền, sau đó hướng tâm đến tam minh.

    Với trực giác, Ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ đau. Chính sự tập khởi của 12 nhân duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn. Ở canh một, Ngài chứng Túc mệnh minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình. Sang canh hai, Ngài chứng Thiên nhãn minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sanh. Qua canh ba, Ngài như thật quán chiếu thấy khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận của khổ đau, và con đường đưa đến đoạn tận khổ đau, và đã chứng Lậu tận minh. Sau cùng, Ngài chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là vị Phật đầu tiên trong hiện kiếp, lúc ấy sao Mai vừa mọc; và danh hiệu Đức Phật Gotama, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ đấy.

    C/- Kết luận

    Nhìn qua lịch sử xưa nay, những anh hùng cái thế lập nhiều chiến công hiển hách trên những đấu trường, thắng ngàn quân, trăm trận nhiều vô số kể, nhưng thử hỏi có ai thắng được dục vọng của chính mình ? Thắng người đã là một việc khó, thắng được chính mình lại là một việc làm khó hơn. Đức Phật đã thắng cả ngoại ma lẫn nội ma, vượt qua tất cả dục vọng thấp hèn, Ngài thật xứng với danh xưng Đại Hùng, Đại Lực.

    Ngài không vì quyền lợi riêng mà chiến đấu, cũng không vì tình thương yêu hạn hẹp ở cha mẹ, vợ con, bè bạn, quốc gia, lãnh thổ; mà vì lòng từ vô lượng đối với tất cả chúng sanh mà đi tìm con đường giải thoát cho mọi loài. Ngài xứng với danh hiệu Đại Từ, Đại Bi.

    Vì tình thương yêu rộng lớn, không bỉ thử, không thân sơ, nhân ngã ấy, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, uy quyền, lạc thú trần gian, cam chịu một cuộc đời sống trong kham khổ, đạm bạc thiếu thốn, giáo hóa đó đây, Ngài xứng với danh xưng Đại Hỷ, Đại Xả.

    Đọc vài trang sử tóm gọn về cuộc đời của một đạo sư, một bậc thầy cao cả đáng tôn đáng kính của nhân loại, để hiểu về Ngài có khác nào con muỗi hút nước ở đại dương. Nhưng từ những nét đại cương, khái lược về cuộc đời của Đức Phật cũng đủ làm cho chúng ta suy gẫm ý nghĩa sâu sắc và đúng đắn mà nhân loại đã tôn xưng Ngài là bậc Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả.

    Sự xuất hiện của Đức Thích Ca Mâu Ni trong trần thế là cả một vinh hiển lớn cho con người và xã hội. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa Bi, Trí, Dũng; là hiện thân của chân lý giải thoát, là điềm lành cho hết thảy chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới. Nếu cuộc đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã không xuất hiện ở đời. Ngài ra đời vì một mục đích trọng đại là chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình. Hay nói khác hơn, "vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người" mà Đức Thế Tôn xuất hiện ở thế gian.

    Cuộc đời của Đức Phật là cả một bài thuyết pháp hùng hồn trác tuyệt, dù cho có dùng hàng vạn ngôn từ mỹ dụ cũng không thể nào diễn đạt cho hết ý nghĩa thiêng liêng. Đời sống của Ngài là một biểu hiện sống động cho giáo lý của Ngài. Ngài nói và thực hành với kết quả mỹ mãn, tương ứng với những gì Ngài thuyết giảng. Đời sống Đức Điều Ngự là cả một bằng chứng hiển nhiên cho giáo pháp khả thi, khả hành, khả chứng, vượt thời gian, không gian, hiện tại lạc trú của Ngài. Đó không phải là những tín điều mặc khải, càng không phải là những lời dạy suông, những ý niệm hoang tưởng, những lý thuyết xây dựng trên mây, trên khói.

    Lịch sử của Đức Phật là lịch sử của một con người, nhờ tu tập bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian. "Con người vĩ đại nhất sinh ra ở đời này", như lời Tagore đã nói.

    Bằng cuộc đời của Ngài, bằng những lời dạy của Ngài được kết tập lại trong ba tạng kinh điển, Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng, bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên đỉnh cao của giác ngộ và giải thoát. Có thể nói, không một tôn giáo nào, không một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của đạo Phật chính là chỗ đó.

    Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gột rửa nội tâm để trở thành một bậc thánh, một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ, mỗi con người chúng ta đều có khả năng và bổn phận thực hành bức thông điệp đó, bức thông điệp bất hủ mà Đức Phật đã trao cho loài người, cho mỗi chúng ta./.

    Chú thích

    (1) Asita (A Tư Đà): vị đạo sĩ ẩn tu trên đỉnh Hymalaya, người được kính nể nhất vì đạo hạnh và đức độ tại Ấn lúc bấy giờ.

    (2) Channa (Xa Nặc): người hầu cận tâm phúc bên cạnh Thái tử.

    (3) Kantaka (Kiền Trắc): Theo truyền thuyết, con ngựa Kantaka rất hung dữ, không ai điều phục được ngoài Thái tử Siddhatta.

    (4) Năm anh em Tôn giả Kodanna: Kondanna, Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji.

    (5) Bodhi: Tên một loại cây tại Ấn Độ, Hán dịch là cây bồ đề. Bodhi còn có nghĩa là trí tuệ.

    Sách tham khảo

    1. Thích ThiệnSiêu, Tỏa ánh từ quang, BTS tỉnh Thừa Thiên-Huế, Huế, 1992.

    2. Thích Thiện Siêu, Phật tử, VNCPHVN, TP HCM, 1997.

    3. H.W.Schumann, Trần Phương Lan dịch, Đức Phật lịch sử, Viện NCPHVN, TP HCM, 1997.

    -oOo-

    Phần II: Từ Thành đạo đến nhập Niết bàn

    A/- Dẫn nhập

    Đức Thích Ca Mâu Ni đã vì một đại nguyện lớn lao, một lòng từ vô hạn mà khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy, tiện nghi vật chất để cầu đạo giải thoát. Và cũng với đại tâm đại nguyện ấy, sau khi chứng được đạo quả Vô thượng Bồ đề, Ngài đã dâng hết thời gian cho công cuộc hoằng hóa độ sanh. Đức Thế Tôn đã chu du khắp đất nước Ấn Độ thời xa xưa ấy, từ cực Bắc dưới chân núi Himalaya (núi Hy Mã Lạp) đến cực Nam bên ven sông Gange (sông Hằng).

    B/- Nội dung

    Đức Thế Tôn đã dành những tuần lễỵ đầu tiên để chiêm nghiệm đến giáo pháp thậm thâm vi diệu mà Ngài đã chứng đắc, và thọ hưởng pháp lạc mà quả phúc giải thoát mang đến. Pháp Cú kinh số 153, 154 đã ghi lại một trong những Phật ngôn đầu tiên mà Ngài đã thốt lên trong thời gian này:

    Lang thang bao kiếp sống
    Ta tìm nhưng không gặp
    Người xây dựng nhà này
    Khổ thay, phải tái sanh
    Ôi! Người làm nhà kia
    Nay ta đã thấy ngươi
    Ngươi không làm nhà nữa
    Đòn tay ngươi bị gãy
    Kèo cột ngươi bị tan
    Tâm ta được tịch diệt
    Tham ái thảy tiêu vong.

    (Bản dịch của HT Thích Minh Châu)

    Câu kinh như một lời ca khải hoàn, mô tả sự chiến thắng vẻ vang rực rỡ sau cuộc chiến đấu nội tâm thầm lặng gian nan. Anh thợ tượng trưng cho ái dục, vô minh, phiền não luôn ẩn sâu kín trong mỗi con người, nay đã bị phát hiện.

    Đức Phật cũng đã để lại cho thế gian một bài học luân lý đạo đức đẹp đẽ, đó là sự tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây bồ đề che nắng che mưa cho Ngài trong suốt thời gian tầm đạo. Đức Thế Tôn đã đứng cách một khoảng xa để chiêm bái đại thọ suốt trong một tuần. Sau này, nơi đây Vua Asoka (A Dục) dựng lên một tháp kỷ niệm gọi là Animisalocana Cetiya, nay vẫn còn.

    Đức Thế Tôn đã suy nghĩ đến giáo lý giải thoát sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh cao thượng, siêu lý luận, ly dục, vô ngã mà Ngài đã chứng đắc; còn chúng sanh thì luôn chìm sâu vào ái dục, định kiến, chấp ngã, với nhiều thủ trước... làm thế nào để con người dễ dàng chấp nhận giáo lý ấy. Và rồi, với trí tuệ của bậc giác ngộ, Đức Thế Tôn đã quan sát thế gian và thấy rằng: "Có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng độn căn, lợi căn; có hạng thiện tánh, ác tánh; có hạng dễ giáo hóa, khó giáo hóa... Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có loại sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước thấm ướt..." (Trung Bộ I). Và như vậy, với hình ảnh những cành sen vươn ra khỏi mặt nước, những cành ở lưng chừng, những cành ở sâu trong lòng nước v.v..., đã gợi lên trong Thế Tôn về căn cơ bất đồng của mọi người. Có những căn cơ thấp như cánh sen ở đáy hồ, có những căn cơ trung bình như những cánh sen ở lưng chừng nước, cũng có những căn cơ cao có thể tiếp thu trọn vẹn giáo pháp của Ngài như những cành sen đã nhô ra khỏi mặt nước.

    Dù sống trong nghiệp quả bất đồng, mỗi chúng sanh đều có hạt giống giác ngộ, như hoa sen dù sống trong bùn tanh hôi, vẫn tỏa hương thơm ngát.

    Với ba lần thỉnh cầu và phát khởi thiện nguyện hộ trì giáo pháp của Phạm Thiên, Đức Thế Tôn quyết định gióng lên tiếng trống pháp và bắt đầu thực hiện sứ mạng của mình. Ngài tuyên bố với thế gian, với loài người, với cõi trời và với tất cả, con đường đạo cứu khổ và diệt khổ, con đường dẫn tới cõi bất sanh bất diệt, cõi Niết bàn đã được khai mở: "Cửa bất tử rộng mở, Cho những ai chịu nghe..." (Trung Bộ I). Và bánh xe pháp đã bắt đầu chuyển vận.

    I/- Bài pháp đầu tiên - ngôi Tam bảo được hình thành - sự khởi đầu của Giáo hội Phật giáo

    Sau khi quyết định truyền bá đạo lý cứu khổ cho muôn loài, Đức Phật dùng tuệ nhãn quan sát thế gian xem ai là người có cơ duyên để hóa độ trước, và Ngài nghĩ ngay đến hai vị thầy cũ của mình là Alara Kàlama (A-la-ra Ka-la-ma) và Uddaka Ramaputta (Uất Đầu Lam Phất) , nhưng cả hai đã qua đời cách đó không lâu. Đức Thế Tôn nghĩ đến năm người bạn đồng tu khổ hạnh đã rời bỏ Ngài trước kia, đang ở tại vườn Nai (Lộc Uyển) - Benares (Ba La Nại) và lên đường đi đến đó.

    1)- Bài pháp đầu tiên: Tại đây, bài pháp đầu tiên, bài giảng về Tứ diệu đế (Tứ thánh đế) được Đức Thế Tôn chỉ bày rõ ràng. Nghe xong, Tôn giả Kodanna (Kiều Trần Như) chứng quả Tu Đà Hoàn.

    Đức Thế Tôn đã thu nhận năm Tôn giả làm các đệ tử xuất gia đầu tiên - và thế là ngôi Tam bảo đã được hình thành.

    Để đánh dấu sự kiện đáng ghi nhớ này, về sau người ta đã biểu trưng nó với hình ảnh bánh xe với 2 con nai hai bên. Hai con nai biểu tượng cho địa điểm thuyết pháp (Lộc Uyển) và bánh xe Dhamma Cakka tức là bánh xe pháp (Pháp luân). Cả đầu đề bài kinh được giảng là: Dhamma Cakkappavattana, có nghĩa là Chuyển Pháp Luân (chuyển bánh xe pháp).

    2)- Nội dung kinh Chuyển Pháp Luân: Đức Thế Tôn mở đầu bằng lời khuyên các tu sĩ không nên mắc vào hai cực đoan: một là đam mê thú vui dục lạc thế gian, vì nó giả tạm, nhất thời, tầm thường, ngăn cản mọi tiến bộ tâm linh; cực đoan thứ hai là khổ hạnh ép xác, nó làm mỏi mệt tinh thần, mê mờ trí tuệ. Và Ngài khuyến tấn họ nên theo con đường trung đạo dẫn tới một cuộc sống thanh tịnh, trí tuệ, sáng suốt, giải thoát tối hậu. Đó là con đường đạo tám nhánh - Bát chánh đạo: 1- Chánh tri kiến: thấy biết chân chánh. 2- Chánh tư duy: suy nghĩ chân chánh. 3- Chánh ngữ: nói năng chân chánh. 4- Chánh nghiệp: hành động chân chánh. 5- Chánh mạng: sinh sống chân chánh. 6- Chánh tinh tiến: siêng năng chân chánh. 7- Chánh niệm: nhớ nghĩ chân chánh. 8- Chánh định: tập trung tư tưởng chân chánh.

    Và Bốn thánh đế được Đức Phật giảng tiếp theo, đó là chân lý về sự Khổ (Khổ đế), chân lý về nguyên nhân của sự Khổ (Tập đế), chân lý về sự diệt Khổ (Diệt đế) và chân lý về con đường diệt Khổ (Đạo đế).

    Sau khi nghe Đức Thế Tôn giảng bài pháp thứ hai có đầu đề Anttalakkhana Sutta bàn về thuyết Vô ngã (không có cái ta), rằng năm uẩn là vô thường, nếu ai thoát khỏi tham ái thì ra khỏi tái sanh, được giải thoát; năm Tôn giả Kodanna (Kiều Trần Như), Bhadhya (Bạt Đề) , Vappa (Đề Bà) , Mahanama (Ma Ha Nam) và Asaji (Ác Bệ) lần lượt chứng quả A La Hán.

    Bấy giờ là tháng Vesàkha (giữa tháng 4 và 5 dương lịch), đầu mùa kiết hạ, Giáo hội của Đức Thế Tôn an cư mùa mưa đầu tiên tại đây.

    3)- Giáo hóa Yasa (Da Xá): Gần Benarès, có con trai của một người triệu phú tên là Yasa. Chán cuộc đời xa hoa phú quý tầm thường vô vị của thế gian, chàng tìm đến Đức Phật; sau khi nghe pháp đã xin xuất gia và chẳng bao lâu chứng quả vị A La Hán. Cha của Yasa trên đường đi tìm con cũng đến vườn Nai thính pháp và xin quy y. Ông trở thành đệ tử tại gia đầu tiên của Đức Phật. Tại nhà của Yasa, mẹ và vợ của chàng cũng quy y Tam bảo. Bốn người bạn thân của Yasa là Vimàla (Tỳ Ma La), Subhàhu (Tu Bà Hầu), Punnaji (Phú Lan Ca Na) và Gavàmpati (Già Bà Bạt Đế) cũng như hơn 50 bạn khác từ các gia đình và địa phương gần xa nghe tin Yasa xuất gia, cũng lạy cha mẹ, từ giã gia đình xin theo chân Đức Phật, và sau một thời gian đều đắc Thánh quả.

    4)- Đoàn Tăng sĩ thuyết pháp đầu tiên: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đã có 60 người đệ tử đều là A La Hán. Ngài quyết định đưa họ đi khắp nơi để truyền bá chánh pháp. Trước khi họ lên đường, Ngài đã động viên, kêu gọi các đệ tử rằng: "Hỡi các Tỳ kheo! Như Lai đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian, các ông cũng vậy... Này các Tỳ kheo, hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp. Này các Tỳ kheo, chánh pháp toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn. Hãy tuyên bố về cuộc sống toàn thiện và thanh tịnh... Chính Như Lai cũng đi, Như lai sẽ đi về hướng Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) ở Sanànigàma để hoằng dương giáo pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ" (Mahavagga - Đại Phẩm 19, 20).

    Đức Phật không khuyên tất cả mọi người nên rời bỏ đời sống gia đình để xuất gia, trở thành người sống không nhà cửa, không tài sản, sự nghiệp. Một người cư sĩ cũng có thể sống đời cao đẹp thích ứng với giáo pháp và đắc quả Thánh. Cha mẹ và vợ của Yasa là những người tu tại gia đầu tiên bước theo dấu chân của Đức Phật, tất cả đều tiến triển đầy đủ về tinh thần và thành tựu đạo quả Tu Đà Hoàn.

    Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Đức Phật và 60 người học trò chứng quả A La Hán tổ chức thành một Tăng đoàn những tu sĩ khất thực, không có trụ xứ nhất định, không có của cải vật chất nào khác ngoài tấm áo vàng che thân và một bình bát để khất thực nuôi thân. Trong mưa nắng, trong sương gió, làng mạc hay phố thị, rừng núi hay đồng hoang đều có dấu chân của những con người thuyết giảng về đạo lý cứu khổ và đời sống thánh hạnh, và tự mình nêu gương sáng về cuộc sống thanh tịnh và giải thoát. Đó là sự nghiệp, là nội dung chủ yếu của Tăng đoàn đầu tiên do Đức Thế Tôn đích thân thành lập và chỉ đạo. Có thể nói, đây là sự khởi đầu của Giáo hội Phật giáo.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:36 AM | Message # 14
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    II/- Hóa độ rộng lớn và cùng khắp

    Sứ mạng hóa độ - con đường giáo hóa của Đức Thế Tôn thật vô cùng nặng nề và khó khăn, nhưng với lòng bi mẫn rộng sâu, tinh thần bình đẳng triệt để và một ý chí dũng mãnh vô song, Đức Thế Tôn đã tùy theo căn cơ của mọi người mà dùng nhiều phương tiện thiện xảo giáo hóa, như một bậc y vương đã tùy bệnh mà cho thuốc, đã hoàn thành sứ mạng thiêng liêng một cách viên mãn và đã đề ra một con đường giáo dục thật mới lạ trong lịch sử nhân loại.

    1)- Cảm hóa ba anh em ông Kassapa (Ca Diếp) - giáo chủ thần lửa: Sau khi 60 vị Tỳ kheo mỗi người đi về một hướng, Đức Thế Tôn cũng đi về hướng Uruvela. Dọc đường, trong một khu rừng nhỏ, Đức Phật đãả hóa độ cho 30 thanh niên đang vi đùa cùng vợ của họ và một kỹ nữ ở trong rừng.

    Gần Uruvela có ba anh em Kassapa: Uruvela Kassapa (Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp) , Nadi Kassapa (Na Đề Ca Diếp) và Gaya Kassapa (Già Da Ca Diếp). Ba anh em ông là những người có danh vọng lớn ở Magadha, đặc biệt là người anh cả Uruvela Kassapa, ông này thờ thần lửa và tự cho mình đã chứng quả A La Hán. Trọ qua đêm và bị cố ý thu xếp cho ở căn phòng thờ thần lửa có một con rắn chúa rất độc và dữ tợn, Đức Phật đã hàng phục con rắn thiêng này, ngoài suy nghĩ của ông Uruvela Kassapa. Tin rằng chính Đức Phật là người đã chứng quả Thánh, chứ không phải là mình, ba anh em ông Kassapa và 1.000 đệ tử đều xin xuất gia theo Phật.

    Sau đó, Đức Phật đã đến Gàya Sirà (rừng Thệ Đa) cách Uruvela không xa lắm. Chính nơi đây, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng kinh Adittapariyàya Sutta (bài kinh với chủ đề: Thế gian là tòa nhà cháy rực bằng ngọn lửa tham, sân, si, sanh, già, bệnh, chết, sầu bi, khổ não và thất vọng). Các Tỳ kheo có mặt đều đắc quả A La Hán.

    Khi vừa thoát ly gia đình để tầm đạo, Đức Phật có lúc đã ngụ tại Pàndavapabbata. Vua Bimbisàra (Tần Bà Sa La - Bình Sa Vương) lấy làm cảm kích trước tướng mạo oai nghi và tư cách trang nghiêm, sang trọng, khiêm tốn, đã cho người dò hỏi lai lịch. Sau khi biết được chí nguyện của vị Thái tử đầy hùng tâm này, đức Vua xin Ngài hãy trở lại viếng thăm vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà) do vua cai trị, khi chứng đạo quả.

    Nhớ lời hứa xưa, Đức Thế Tôn cùng trên 1.000 đệ tử A La Hán từ Gàya đến Ràjagaha (Vương Xá) , thủ phủ của vương quốc Magadha giàu mạnh. Và tại đây, Vua Bimbisàra hiểu được giáo pháp cao diệu liền chứng Sơ quả và xin quy y Tam bảo, cùng dâng cúng tinh xá rộng lớn có tên là Veluvanàràma (Trúc Lâm tinh xá) gần thành Ràjagaha. Có thể coi đây là tự viện đầu tiên ra đời, và Vua Bimbisàra là vị thí chủ đầu tiên trong hàng vua chúa. Tại tinh xá yên tĩnh này, Đức Phật và đại chúng đã nhập hạ một lần 3 năm liên tiếp và 3 hạ khác, xa cách nhau.

    2)- Thâu nhận Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallàna (Mục Kiền Liên): Gần Ràjagaha có một làng tên Upatissa, còn có tên là Nàlaka, Sàriputta - một chàng trai thông minh - là người ở làng này. Vì xuất thân ở một gia đình quyền quý nhất làng, nên chàng còn được gọi là Upatissa.

    Cùng với người bạn thân ở làng Kolita tên gọi Moggallàna, có chung một nhận thức rằng tất cả những thú vui vật chất đều tạm bợ, trống rỗng và vô vị. Hai chàng trai quyết định từ bỏ gia đình, lang thang đi tìm chân lý và thọ giáo với đạo sĩ Sàsajaya, người có rất nhiều đồ đệ. Nhưng do không thỏa mãn với giáo lý của vị thầy hữu danh này và sau đó là nhiều đạo sĩ khác, cả hai chia tay nhau và thề hẹn rằng: Nếu ai tìm ra con đường đạo giải thoát trước, sẽ cho người kia hay.

    Trong một dịp bất ngờ, ngài Sàriputta đã xúc động mạnh trước phong thái giải thoát, trầm tĩnh, siêu phàm đang đi trì bình một cách thong dong để giáo hóa mọi người ở thành Ràjagaha của ngài Assaji (Ác Bệ hay Mã Thắng hoặc Thuyết Thị). Cho rằng đây hẳn là bậc A La Hán, hay cũng là người đang trên con đường dẫn đến đạo giác ngộ, Sàriputta đã đợi cơ hội và liền đảnh lễ, thưa hỏi: "Kính bạch Tôn giả! Các căn của Ngài thật bình thản, an tịnh. Màu da của Ngài thật trong sáng. Vì sao Ngài thoát ly thế tục? Ai là đạo sư của Ngài? Giáo lý của Ngài là gì?".

    Trước những câu hỏi chân thật, khiêm tốn và sự khẩn khoản yêu cầu của Sàriputta, ngài Assaji đã đọc tóm tắt giáo lý mà Ngài đã học ở Đức Thế Tôn bằng bài kệ: "Các pháp do nhân duyên sanh, Duyên ấy Như Lai đã chỉ rõ, Và dạy phương tiện để chấm dứt, Đó là giáo pháp của bậc Đại Sa môn".

    Là người thông tuệ và trí óc đã thuần thục để thấu triệt chơn lý sâu xa, dù nó chỉ được gợi ra một cách vắn tắt, Sàriputta đã chứng Sơ quả (Sotàpayti - Tu Đà Hoàn) khi vừa nghe hai câu đầu.

    Theo lời giao hẹn, Sàriputta liền thông tin cho bạn thân. Moggallàna cũng đã chứng Sơ quả. Do lời tha thiết yêu cầu của cả hai, Đức Phật đã nhận hai ông vào Tăng đoàn tại tinh xá Veluvana với câu nói đơn giản: "Etha, Bhikkhave! (Hãy đến đây, các Tỳ kheo!). Nửa tháng sau, Sàriputta chứng quả A La Hán, nhân nghe bài kinh Vedanà Pariggha mà Đức Phật giảng cho đạo sĩ Dìghnakha (Trường Trảo). Ngài Moggallàna đã chứng quả ấy trước đó một tuần.

    Với cơ duyên lớn, Đức Phật đã triệu tập Tăng chúng và tuyên bố hai vị là Thượng thủ trong Tăng đoàn.

    Từ đấy, hai Ngài thường thay mặt Thế Tôn để hướng dẫn Tăng chúng. Đây là thời điểm đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo, dưới sự lãnh đạo của Đức Thế Tôn.

    III/- Đức Phật và thân quyến

    1)- Vua Suddhodana (Tịnh Phạn Vương): Hay tin người con yêu dấu trí tuệ đã thành đạo và đang thuyết pháp giáo hóa nổi danh tại Ràjagaha, đức Vua Suddhodana nóng lòng gặp mặt, liền tức tốc sai nhiều sứ giả đến thỉnh Đức Phật về Kapilavatthu. Nhưng chín lần ra đi là chín lần sứ giả đều ở xin xuất gia với Đức Phật. Vị sứ giả thứ mười là Kàludàyi (Ca Lưu Đà Di), vốn là bạn thân của Đức Phật khi còn là Thái tử, đến nơi nghe pháp cũng xin xuất gia và cũng chứng Thánh quả như những vị sứ giả trước, nhưng ông Kàludàyi đã chuyển đến Đức Phật lời yêu cầu được gặp mặt của vị vua già yếu.

    Sau hai tháng, Đức Thế Tôn và đại chúng đã về đến Kapilavatthu. Trước đạo phong của Đức Phật, Vua Suddhodana đã cúi đầu kính lễ lần thứ ba. Và sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp lần thứ nhất, đức Vua đã chứng Sơ quả, và đạt quả thứ hai (Sakkadagami - Tư Đà Hàm) khi nghe bài pháp kế tiếp. Lần thứ ba, khi nghe bài pháp có tên Dhammapala Jàtaka (Trì Pháp Túc Sanh truyện, số 447), đức Vua đắc quả Anagami (A Na Hàm). Với bài pháp này, di mẫu Pajapati Gotami đã chứng Sơ quả.

    Sau này trên giường bệnh, Vua Suddhodana lại được Đức Phật về thăm và giảng pháp cho nghe. Đức Vua sau 7 ngày tận hưởng pháp lạc do đắc quả A La Hán, đã băng hà trong định tĩnh. Năm ấy, Đức Phật ở tuổi 40 và đang an cư lần thứ năm. Cũng trong hạ thứ năm này, Giáo hội Ni được thành lập. Và ở hạ thứ bảy, Đức Phật đã lên cung trời Tusita (Đao Lợi) thuyết pháp độ chư Thiên và Hoàng hậu Maya.

    2)- Yasodhara(Da Du Đà La): Sau khi Thái tử rời bỏ cung vàng, Công chúa Yasodhara cũng bỏ hết đồ trang sức, mặc y vàng của người tu sĩ, và trong khoảng 6 năm trường, đã thủy chung, tận tình nuôi dạy đứa con độc nhất Ràhula đến tuổi lớn khôn.

    Nghe vua cha tán dương đức hạnh của nàng dâu, Đức Thế Tôn đã giảng kinh Candakinnara Jàtaka và nói thêm rằng: "Không phải chỉ kiếp cuối cùng này, mà trong những tiền kiếp, Công chúa cũng đã từng bảo vệ, kính mộ và thủy chung với Như Lai".

    Sau khi Vua Suddhodana qua đời, di mẫu Pajapati xuất gia làm Tỳ kheo ni, Công chúa cũng được xuất gia và đắc quả A La Hán sau đó. Trong hàng Ni chúng, Công chúa là người có thần thông bậc nhất. Bà nhập Niết bàn năm 78 tuổi. Trong kinh Apadana còn ghi lại những câu kệ do bà giảng thuyết.

    2)- Ràhula (La Hầu La): Ràhula sinh ra đúng ngày mà Thái tử quyết định thoát ly thế tục. Cậu bé trưởng thành trong cảnh không cha, được ông nội và mẹ nuôi dưỡng. Khi lên bảy tuổi, cũng đúng vào ngày thứ 7 Đức Thế Tôn lưu lại quê nhà, Ràhula luôn luôn quấn quýt bên chân Đức Phật, nũng nịu đòi gia tài như lời mẹ dặn. Đức Phật quyết định giao "Thất thánh tài" (1) cho cậu bé bằng cách nhận cậu vào Tăng đoàn và giao cho ngài Sariputta dạy dỗ.

    Thật khó tưởng tượng một cậu bé lên bảy có thể sống đời sống cao thượng của bậc xuất trần thượng sĩ. Nhưng Sa di Ràhula vừa thông minh đặc biệt, vừa biết vâng lời chuyên cần tu học. Kinh ghi rằng mỗi sáng, vị Sa di trẻ này dậy thật sớm, bốc một nắm cát tung lên và nguyện: "Mong rằng ngày hôm nay ta học được nhiều như bao nhiêu cát đây...".

    Một trong những bài kinh nổi tiếng mà Đức Phật đích thân dạy cho Ràhula là bài Ambalatthika Rahulovada Sutta (kinh Giáo Giới La Hầu La), nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự chân thật, phương pháp phản tỉnh để diệt trừ mọi ý niệm, lời nói, hành động bất thiện.

    Năm lên 18 tuổi, một lần cùng Đức Phật đi khất thực, phong độ và oai nghi quý phái của hai vị tu sĩ xem tựa như thớt ngự tượng dõng dạc cùng đi với tượng con ngoan hiền, như thiên nga của vua dắt con lội trên mặt hồ trong ngự uyển, như hổ chúa oai phong cùng hùm con lẫm liệt. Cả hai Ngài đều có thân hình vô cùng đẹp đẽ, cả hai đều thuộc dòng dõi quý tộc từ khước ngai vàng cất bước ra đi. Trong lúc chiêm ngưỡng Thế Tôn, Ràhula nảy lên ý niệm nghĩ về thân hình đẹp đẽ của mình và Đức Phật. Biết được ý tưởng đó, Đức Thế Tôn đã nói bài kệ bất hủ "N’etam mama (cái này không phải của ta); N’eso’ham’asmi (cái này không phải là ta); Na me so attà (cái này không phải tự ngã của ta)" - xem Anattalakkhana Sutta, bài II.

    Và sau khi nghe kinh Cùla Ràhulovàda Sutta, Ràhula chứng quả A La Hán. Ngài nhập diệt trước cả Đức Phật và ngài Sàriputta. Ngài nổi tiếng là người tôn trọng kỷ luật. Bạn bè thân gọi Ngài " Ràhula may mắn", vì đời Ngài có được hai diễm phúc: là con của Đức Phật và chứng ngộ được chơn lý; như trong kinh Theragàthà (Trưởng Lão Tăng Kệ), Ngài đã đề cập đến điều ấy.

    4)- Ananda (A Nan): Con của Hoàng thân Amitodana, em trai Vua Suddhodana, Ananda là anh em chú bác với Đức Phật. Ông sanh ra mang lại niềm hoan hỷ cho hoàng tộc, nên được đặt tên là Ananda (Khánh Hỷ). Hai năm sau khi Phật thành đạo, ông xuất gia cùng với các thanh niên của dòng họ Sakya là Anurudha (A Nâu Lâu Đà), Baddhiya (Ba Đề), Bhagu (Ba Gu), Kimbala (Kim Tỳ La) và Devadatta (Đề Bà Đạt Đa). Không bao lâu, ông chứng Sơ quả khi nghe bài pháp của Đại đức Puna Mantàniputta (Phú Lâu Na Mãn Từ Tử). Năm Đức Thế Tôn 55 tuổi, với 8 điều thỉnh cầu mà ông đưa ra là: 1- Đức Phật không ban cho Ngài những bộ y mà thiện tín dâng cho Đức Phật; 2- Không ban cho Ngài những vật thực mà thiện tín dâng cho Đức Phật; 3- Cho phép không ở chung tịnh thất với Đức Phật; 4- Không cho phép Ngài đi theo đến nơi thí chủ chỉ thỉnh Đức Phật; 5- Đức Phật hoan hỷ đến nơi mà thí chủ chỉ thỉnh Ngài đến; 6- Hoan hỷ cho phép Ngài tiếp dẫn những người từ phương xa đến ra mắt Phật; 7- Hoan hỷ cho Ngài thưa hỏi mỗi khi có điều hoài nghi; 8- Hoan hỷ giảng lại bài pháp mà Đức Phật giảng khi Ngài không có mặt.

    Được Đức Phật chấp thuận với ý nghĩa của nó, và giữa đại chúng, ông được cử làm thị giả Đức Thế Tôn suốt 25 năm trường sau đó. Ông làm công việc của mình thật tận tụy. Kinh ghi rằng, đêm đêm Đại đức Ananda tay cầm gậy, tay cầm đuốc đi chung quanh tịnh thất của Đức Phật 9 lần, để Ngài khỏi bị quấy rầy.

    Tôn giả Ananda có một trí nhớ tốt lạ lùng: ông ghi nhớ không bỏ sót tất cả các bài pháp của Đức Phật, cũng như của một số các đệ tử lớn của Ngài, mà ông được nghe qua. Khi có một Bà La Môn hỏi Tôn giả nhớ được bao nhiêu bài kinh, Tôn giả trả lời là được 82.000 bài của Đức Phật và 2.000 bài của các Tôn giả khác thuyết.

    Đức Phật đã tán thán 5 đức hạnh của Tôn giả Ananda là học uyên bác, trí nhớ tuyệt hảo, kiên định, săn sóc chu đáo và ứng xử tốt.

    Mãi sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, Tôn giả Ananda mới chứng quả A La Hán, trước một ngày Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất xảy ra, trong khi nghiêng mình nằm xuống. Kinh sách ghi rằng, Ngài là vị A La Hán độc nhất đắc quả ngoài lúc đi, đứng, nằm, ngồi. Tôn giả mất năm 120 tuổi.

    IV/- Di mẫu Maha Majàpati Gotami xuất gia:
    Giáo hội Ni giới ra đời
    Được gọi là Maha Pajàpati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề) bởi vì các nhà tiên tri thời bấy giờ cho rằng về sau bà sẽ cầm đầu một đám đông người. Con trai bà là Nandà (Nan Đà), em một cha khác mẹ với Thái tử Siddhattha, cũng được Đức Thế Tôn độ cho xuất gia khi chàng trai này đang tổ chức 3 đại lễ quan trọng: kết hôn, phong tước và khánh thành cung điện mới.

    Tuy công bố rằng nữ giới cũng có thể chứng 4 Thánh quả (bà Maha Pajàpati đã chứng Sơ quả, như đã nói ở trước), nhưng con đường tu hành sống không gia đình, khép mình vào khuôn khổ của giáo pháp và giới luật, cũng như sứ mạng hoằng hóa độ sanh thật lắm gian nan, khó nhọc. Với bản tánh mềm yếu và dễ cảm xúc, phụ nữ khó đảm đương nổi trách nhiệm thiêng liêng, cao cả lẫn nặng nề của một sứ giả Như Lai. Vì thế mà sau khi Vua Suddhodana băng hà, di mẫu dù ba lần bạch xin xuất gia, Đức Thế Tôn vẫn từ chối không nêu lý do.

    Mãi đến khi bà cùng nhiều mệnh phụ phu nhân của dòng Sakya (Thích Ca) xuống tóc, đắp y vàng, đi bộ từ Kapilavatthu đến Vesàli (Tỳ Xá Ly), đoạn đường gian khổ dài khoảng 200 cây số, đôi chân sưng phồng, thân thể lấm lem cát bụi, đến bên tinh xá Đức Phật khóc than. Và chính nhờ Tôn giả Ananda thay mặt họ vào cầu thỉnh Đức Thế Tôn đến lần thứ tư, Ngài mới chấp thuận cho di mẫu cùng các bà được sống đời sống xuất gia, với điều kiện phải chấp hành 8 điều quy định cho một người nữ trong Tăng đoàn. Khi nghe Ananda thuật lại 8 điều ấy, bà Maha Pajàpati cùng các vị trong đoàn đều hoan hỷ đồng ý, và thế là Giáo hội Ni giới được thành lập.

    Khi ưng thuận cho Ni giới được gia nhập vào Giáo hội, Đức Phật cũng đã lưu ý đại chúng nhiều vấn đề. Ngài dạy rằng: "Này Ananda, trong ngôi nhà nào nhiều nữ giới và ít đàn ông thì ăn trộm dễ lọt vào. Cũng dường như thế, nếu hàng phụ nữ sống trong pháp và luật của Như Lai thì giáo pháp thiêng liêng khó duy trì lâu. Cũng như người đắp đê bên một hồ nước rộng lớn cho nước không tràn qua, ta cũng vậy, chế ra Bát kỉnh pháp cho các Tỳ kheo ni để họ tuân thủ trọn đời".

    Trong một tổ chức xã hội quy mô nào, ta cũng thấy vì tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của một giới, một đối tượng cá biệt nào đó, mà ở trong những nguyên tắc sống, làm việc luôn có những khoản ưu tiên dành riêng cho họ.

    Đức Phật đã không làm giảm suy giá trị của hàng phụ nữ, mà còn là vị giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã thành lập một đoàn thể, một tổ chức, một giáo hội cho nữ giới với đầy đủ pháp và giới luật. Ấn Độ đương thời với nhiều tôn giáo, nhưng không có một đoàn thể nữ giới nào được sinh hoạt như vậy.

    Ít lâu sau, bà Tỳ kheo ni Maha Pajàpati đắc A La Hán. Kinh Therigàthà (Trưởng lão Ni kệ) còn ghi rất nhiều tên và các bài kệ do các Tỳ kheo ni chứng Thánh quả sáng tác.

    V/- Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) - những người chống đối

    Mặc dầu gia công kiến tạo hạnh phúc giải thoát cho mọi người với một chủ ý tuyệt đối tinh khiết và hoàn toàn bất vụ lợi, cũng như không có một sự phân biệt nào giữa giàu nghèo, quyền quý, mạt hạng, trí thức hay u mê, Đức Phật luôn phải đương đầu với nhiều sự đối nghịch mãnh liệt trên con đường chu du hoằng hóa. Ngài bị chỉ trích nghiêm khắc, bị đối xử tàn tệ, chửi mắng và tấn công một cách tàn bạo. Kẻ đối nghịch là những người theo các hệ thống tôn giáo chủ trương những nghi thức dị đoan, tạo ra phong tục vô ích, có hại đến xã hội và ngăn chặn sự tiến bộ của tinh thần, hoặc là những kẻ có tham vọng thấp hèn, vị kỷ. Trong ấy, Devadatta là một điển hình lớn nhất.

    Ông là con Vua Suppabuddha và Hoàng hậu Pamità, một người cô của Đức Phật; Công chúa Yasodharà là chị ông. Ông xuất gia cùng một lượt với Đại đức Ananda và các thanh niên hoàng tộc Sakya, tuy không chứng quả Thánh nào, nhưng lại giỏi thần thông và được Vua Ajàtasattu (A Xà Thế) ủng hộ tối đa về mọi mặt. Thời gian đầu xuất gia, ông có nếp sống gương mẫu, cao thượng đến độ ngài Sàriputta đã ca ngợi tài đức của ông khắp Pajàgaha. Về sau, danh lợi trần thế đã làm ông thối chuyển, trở nên người sống đồi trụy, tà hạnh, tà kiến; dù vậy, ông có rất đông người ủng hộ. Khi niên thọ Đức Phật đã cao, ông yêu cầu Ngài giao quyền lãnh đạo Tăng già, nhưng Đức Phật đã từ chối. Ông tìm cách xúi giục Thái tử Ajàtasattu giết vua cha là Bimbisàra để nắm toàn quyền bính và cùng âm mưu hãm hại Đức Phật. Sau đó, các xạ thủ được thuê để giết Đức Phật đều được cảm hóa thành đệ tử. Devadatta tự thân ra tay, bằng cách đẩy một tảng đá lớn từ trên sườn núi Gijjhakuta (Linh Thứu) xuống ngay Đức Phật khi Ngài đi ngang qua. May thay, tảng đá ấy va vào một tảng đá khác, vỡ ra nhiều mảnh và chỉ một mảnh vụn làm chân Ngài rỉ máu, và lương y Jìvaka (nhà giải phẫu đại tài của thành Rajàgaha) đã có mặt liền sau đó. Mưu đồ bất thành, Devadatta lại chuốc rượu mạnh cho voi dữ Nàlàgin và xua nó chạy thẳng đến ngay Đức Phật, nhưng voi cũng bị đức từ bi của Thế Tôn cảm hóa.

    Dần dần mất hết uy tín, dư luận lên tiếng mạnh mẽ, Vua Ajàtasattu bỏ rơi, Devadatta chuyển qua một mưu toan có vẻ hòa bình hơn. Ông nêu ra 5 yêu cầu đối với sự sinh hoạt của Tăng đoàn, với nội dung rằng: Tỳ kheo phải sống trọn đời trong rừng, phải sống dưới gốc cây, mặc vải vụn lượm ở nghĩa địa, sống bằng khất thực và ăn chay trọn đời. Đức Phật đã đưa ra câu trả lời rất tự do dân chủ, không bắt buộc một cá nhân nào phải tuân theo điều ấy.

    Cuối đời không còn một ai ủng hộ, Devadatta rơi vào những ngày đen tối. Lâm bệnh trầm kha, với lòng ăn năn vô hạn, ông mong muốn được gặp Đức Thế Tôn lần cuối cùng, nhưng không còn kịp nữa, chỉ thốt ra câu quy y Phật và trút hơi thở sau cùng.

    Tuy có một người đệ tử, một người con như vậy, nhưng Đức Phật chỉ khuyên can mà không bao giờ chỉ trích ông. Ngài còn thọ ký rằng, với đạo hạnh ban đầu, với lòng ăn năn khi hấp hối, Devadatta sẽ trở thành một vị Độc Giác Phật với danh hiệu Atthissara, ở một tương lai xa xôi.

    VI/- Những đại hộ pháp

    1)- Anathapindika (Cấp Cô Độc): Vị thí chủ quan trọng nhất thời Đức Phật tại tiền phải kể đến là ông Sudatta (Tu Đạt), người Savatthi (Xá Vệ). Chuyên làm từ thiện xã hội, nuôi dưỡng chu cấp cho những người quan quả cô đơn, nên ông lại được mọi người tặng cho danh hiệu Trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc - giúp đỡ, trợ cấp cho những người cô đơn, hiu quạnh). Một lần có việc, ông đến thành Ràjagaha, nghe anh rể đang chuẩn bị hôm sau đón Đức Phật quang lâm. Danh từ Phật - Buddha (người tỉnh giác) khiến ông cảm thấy có một sự thay đổi lạ lùng trong lòng. "Văn kỳ thinh" đã lâu, nay lại sắp được "kiến kỳ hình", nhưng không thể chờ đợi đến ngày mai; như có một chuyện gì thôi thúc, ngay đêm khuya, ông băng rừng đến nơi Sìtavara ra mắt Đức Phật và được cảm độ từ ấy.

    Với lời thách thức nửa đùa nửa thiệt của Thái tử Jeta (Kỳ Đà), ông đã đem những đồng tiền vàng lót đầy mặt đất trong khu vườn của Jeta. Lòng tín thành của ông đã gây được lòng ngưỡng mộ của Thái tử Jeta đối với Đức Phật. Sau đó, hiệp với những tàng cây do Jeta cúng, ông xây dựng tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) dâng lên Đức Phật. Chính nơi đây, Đức Thế Tôn trải qua 19 lần an cư kiết hạ. Phần lớn những bài pháp cũng được hình thành ở ngôi tinh xá nằm ở Savatthi này, và nó được nhận biết nhờ qua câu kinh "Xá Vệ, Kỳ thọ, Cấp Cô Độc viên..." (nước Savatthi, cây của Jeta và vườn ông Anathapindika). Các bài pháp liên quan đến hàng cư sĩ đều do công của ông thưa hỏi. Trong một bài pháp nói về hạnh bố thí, Đức Phật đã dạy rằng, cúng dường chỗ ăn, chỗ ở của chư Tăng là tạo nhiều công đức; nhưng quy y Tam bảo có công đức hơn, và cao hơn là nghiêm trì ngũ giới. Công đức cao hơn giữ giới là thiền quán và từ bi tâm. Nhưng công đức tối thượng phải là phát triển tuệ giác, thể nhập chơn như, thấy được thật tướng của các pháp - Vipassanà (Minh sát tuệ), Tăng Chi IV.

    Cũng từ gia đình ông trưởng giả này, Đức Phật đã giảng bài pháp phân chia 7 loại vợ trong cuộc sống kiến tạo hạnh phúc gia đình lứa đôi. Một bài pháp rất tinh tế, thiết thực; một bài học giáo dục đầy tâm lý cho cả xã hội ngày nay và mai sau.

    2)- Visàkhà: Vị nữ thí chủ lớn nhất phải đề cập đến đầu tiên là bà Visàkhà, con gái triệu phú Dhananjaya và bà Summanà Devi; ông nội bà cũng là triệu phú tên Mendaka. Bà xây cúng tinh xá Pubbasama, cũng ở Savatthi (6 mùa an cư đã diễn ra ở đây). Là người phụ nữ được 5 điều diễm phúc: tóc, da, xương, vóc dáng và sức khỏe tuyệt hảo, bà còn là người công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn, sáng suốt trong công việc thế gian cũng như trong phạm vi tinh thần đạo đức. Bà Visàkhà đóng một phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến sinh hoạt Tăng đoàn. Có lần Phật dạy bà đi hòa giải những mối bất đồng giữa các Tỳ kheo ni. Đôi lúc bà thỉnh cầu Đức Phật khai chế một vài giới cấm cho Tăng Ni.

    Cha chồng bà là triệu phú Migàra, vốn là tín đồ thuần thành của Nigantha Nataputta (Ni Kiền Tử Nhã Đề Tử), giáo chủ đạo Jain - đạo Lõa thể. Bà đã khuyến dụ cả gia đình bên chồng quy y Tam bảo và nhiều người đã chứng quả. Bà qua đời khi đã thọ 120 tuổi.

    3)- Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc): Ngài đại vương Bimbisàra như đã nói đến ở phần trước, và người con kế vị là Vua Ajàtasattu, sau khi cải ác tùng thiện đã trở nên một vị đại hộ pháp, một thiện tín lỗi lạc, có công hỗ trợ mọi mặt cho cuộc kết tập Tam tạng lần I. Một đại thí chủ nữa trong hàng vua chúa phải kể đến là Vua Pasenadi, trị vì xứ Kosala (Kiều Tát La), có thủ phủ là Savatthi (Xá Vệ). Tu viện Rajakamara là do vua cho xây cúng lên Đức Phật và đại tăng. Hoàng hậu Malika, vợ của vua, là người khéo hướng dẫn phu quân của mình trên con đường đạo đức, quy y Tam bảo. Bà đã khuyên vua nên tham vấn với Đức Phật để hiểu ý nghĩa 16 cơn mộng hơn là giết hại nhiều sinh mạng để tế lễ cầu an theo lời các đạo sĩ Bà La Môn.

    Samyutta Nikaya (kinh Tương Ưng) có trọn một chương mang tựa là Kosala Samyutta, là chương Đức Phật giảng cho vua nghe. Trong những bài pháp ấy, có những ý được nhấn mạnh như: 1- Đánh giá một người không phải là chuyện đơn giản; 2- Nên coi trọng phụ nữ như coi trọng nam giới - Itthì hi’pi ekacciyà seyyà (Trong hàng phụ nữ, có người còn tốt hơn nam giới). Với xã hội Ấn Độ thời ấy, phụ nữ không bao giờ được kính nể xứng đáng, lời nói cao quý của Đức Phật thật là một khích lệ lớn lao cho nữ giới; 3- Không nên coi thường giới trẻ (như Thái tử còn trẻ, con rắn còn bé, ngọn lửa nhỏ và Tỳ kheo trẻ); tất cả đều có thể trở thành quan trọng, ý nghĩa sau này; 4- Chiến thắng nuôi dưỡng hận thù:

    Thắng trận sanh thù oán
    Bại trận niệm khổ đau
    Ai bỏ thắng bỏ bại
    Tịch tĩnh hưởng an lạc (Tương Ưng VII)

    VII/- Độ những người cùng đinh, mạt hạng

    Đạo từ bi giải thoát mở rộng cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu sang và đẳng cấp xã hội. Một sát nhân như Angulimàla, một dâm nữ như Ambapali, nếu quay về với con đường đạo cũng có thể chứng Thánh quả, như kinh đã ghi lại như sau:

    1)- Angulimàla (Vô Não): Có tên là Ahimsaka (người vô tội), con của một quốc sư xứ Kosala, và là một đệ tử lỗi lạc, thân tín của một danh sư ở Trung tâm Giáo dục Taxila nổi tiếng, nhưng do vì lòng ganh tỵ của đồng môn khiến thầy dạy đã hiểu lầm ông và buộc ông phải dâng lên 1.000 ngón tay út để làm lễ cầu pháp.

    Ông trở nên là một hiểm họa, một bóng đen thần chết bao trùm lên đất nước Kosala. Sợ quạ ăn những ngón tay kiếm được, ông đành đeo vào cổ nên có hỗn danh là Angulimàla (vòng hoa bằng ngón tay). Đức Phật là người thứ 1.000 mà ông định sát hại để tròn đủ vòng hoa mà ông thầy yêu cầu. Ông như bừng cơn mơ sát nhân hãi hùng khi nghe người ông đang cố sức rượt đuổi mà không sao đến gần được, thốt lên rằng: "Này Angulimàla, chính ngươi mới phải dừng lại, còn Như Lai đã dừng lại lâu rồi". Ông quăng dao tội lỗi và được xuất gia bởi nhân duyên đó. Bởi tội ác gây ra, ông trở thành một Tỳ kheo luôn bị chửi bới, đánh đập, ném đá ở mọi nơi. Với ông, chuyện đầu cổ tay chân mang nhiều thương tích, máu chảy đầy mình là chuyện cơm bữa. Với tâm ăn năn sám hối cùng với sự nỗ lực tinh tấn thiền định, ông đắc quả A La Hán sau đó.

    2)- Ambapàli (Liên Hoa Sắc): Trường hợp kỹ nữ Ambapàli nổi danh tài sắc của thành Vesali là một điển hình khác của sự hóa độ vô phân biệt mà Đức Thế Tôn đang làm.

    Trên đường đi Kusinara (Câu Thi Na) để nhập Niết bàn, Đức Phật dừng chân ở vườn xoài của cô gái giang hồ này. Nghe tin, cô liền đến thỉnh Đức Phật và đại chúng về nhà để được cúng dường, dù các nhà quý tộc Licchavi (Lê Xa) đề nghị đền bù cho cô một số tiền rất lớn để họ có đặc ân làm điều này. Cô phát tâm cúng vườn xoài cho đại tăng, xin xuất gia; và sau sự gia công chuyên cần, cô đạt Thánh quả.

    "Như cơn gió lốc thổi dồn các thứ lá lại một chỗ, Đức Cù Đàm giáo hóa tất cả. Trí thức-ngu si, vương giả-bần cùng, nghèo hèn-giàu sang, già cả-niên thiếu, đàn bà-đàn ông, kẻ ác-người thiện, tất cả và hết thảy, Đức Cù Đàm đều mang vào giáo pháp và xem như nhau. Đạo của Đức Cù Đàm là đạo bình đẳng, không phân biệt vậy" (kinh Đại Báo Ân).

    Thật không có lời tán dương nào nói hết được sự vô biên của lòng từ bi, sự bình đẳng trong con đường giáo hóa của Đức Bổn Sư.

    VIII/- Đức Phật tuyên bố nhập Niết bàn

    Đức Phật là một nhân vật phi thường, tuy nhiên còn mang thân ngũ uẩn là còn chịu sự hoại diệt của định luật vô thường.

    Khi 80 tuổi, thấy niên cao sức yếu, con đường giáo hóa đã viên mãn, Đức Thế Tôn quyết định nhập Niết bàn tại một làng mạc xa xôi, hẻo lánh là Kusinàrà (cách Patna, thủ phủ tiểu bang Bihar ngày nay 180 dặm - khoảng 300 cây số - về hướng Bắc), mà không phải ở những đô thị lớn như Savatthi hay Ràjagaha.

    Trong thời gian cuối cùng còn lưu lại Magadha, Đức Phật đã giảng cho đại thần của Ajàtavattu nghe 7 điều kiện thịnh suy của một quốc gia, khi ông này tham vấn Thế Tôn về việc chinh phục nước Cộng hòa Vajjian (Bạt Kỳ). Nhân đó, Đức Phật cũng giảng 7 yếu tố thịnh suy của Giáo hội.

    Rời Ràjagaha, Đức Phật đi về Ambalatthika, và đến Nàlandà, rồi qua Pàtaligàma; nhân Đức Phật đến viếng nơi này, dân chúng đặt tên cổng thành là Gotama. Từ đó, Đức Phật vượt sông Hằng và hướng về Kotigàma đến làng Nàdika và sau đó đi về Vesàli, nhập Niết bàn cuối cùng tại đây.

    Mỗi nơi chốn Ngài đi qua đều có dấu ấn của sự tế độ mọi người.

    Trong năm này, Đức Phật đã tuyên bố giữa đại tăng: "Này Ananda, Giáo hội các đệ tử còn mong mỏi gì nữa ở Như Lai ? Như Lai đã truyền dạy giáo pháp không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền. Về chơn lý, Như Lai không bao giờ có bàn tay nắm lại của một ông thầy...". Và Ngài đã dạy rằng không nên nghĩ là có một ai phải lãnh đạo Giáo hội và Giáo hội phải tùy thuộc một ai; mà mỗi cá nhân phải là một Giáo hội, một hiện thân của giáo pháp chân chánh.

    Ngài tiếp lời: "... Như Lai đã già yếu, gần đến ngày lìa trần. Như Lai đã 80 tuổi, không khác nào cỗ xe quá cũ kỹ phải cần có những sợi dây để cột lại các bộ phận, giữ nó khỏi rời ra...". Và Ngài lại kêu gọi sự nỗ lực tinh tấn, giác tỉnh chánh niệm, khước từ mọi tham ái thế gian, quán niệm Bốn niệm xứ (2)... của các Tỳ kheo. Ngài nói thêm rằng: "Các ông hãy xem chính mình là hải đảo của mình, chính mình là nơi nương tựa của mình, không nên nương tựa bên ngoài. Hãy xem giáo pháp là hải đảo của các ông, giáo pháp như chỗ nương tựa, không nên nương tựa bên ngoài". Ngài lại đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực cá nhân.

    Mặc dầu tuổi cao sức yếu, Đức Phật luôn vận dụng mọi cơ hội để khuyên dạy các Tỳ kheo bằng nhiều phương thức khác nhau.

    Ở Càpalà, Đức Thế Tôn tuyên bố 3 tháng sau nhập Niết bàn.

    Trước đây, Đức Thế Tôn đã tạo cơ hội cho Ananda thỉnh cầu sự trụ thế lâu dài hơn nữa của Ngài, nhưng Ananda đã vô tình bỏ qua; giờ nghe Đức Phật tuyên bố như vậy, Ngài liền khẩn cầu nhưng bị từ chối.

    Trước khi cùng Ananda đi về Mahàvana, Đức Phật đã giảng cho đại chúng nghe về tính cách vô thường của cuộc sống khi thấy họ quá ư sầu não.

    Triệu tập Tăng chúng quanh thành Vesàli, Đức Phật nói lời cuối cùng và đưa mắt nhìn thành phố này lần chót và đi về Kusinara. Trên đường đi, Ngài dừng lại nhiều nơi để hóa độ kẻ hữu duyên. Ở Pava, người thợ rèn Cunda (Thuần Đà) cúng dường cho Đức Phật món sùkasamaddhara (nấm rừng), Ngài hoan hỷ nhận lãnh và dặn kỹ nên chôn phần còn lại. Sau bữa cơm này, Đức Phật bị kiết lỵ rất nặng. Với tinh thần bình thản, Ngài nói những lời chúc phúc để trấn an và thanh minh cho Cunda và từ giã đi về Kusinara cách Pava 6 dặm (khoảng 9 cây số), nơi có dòng tiểu vương của bộ tộc Malla ở.

    Đến nơi, giữa hai tàng cây sala, Ngài nằm tĩnh lặng, nghiêng mình về hông mặt, chân trái để trên chân phải duỗi thẳng, đầu quay về hướng Bắc.

    Cây sala trổ bông trái mùa như để cúng dường cho ngày đại tang. Mọi người mọi cách biểu hiện sự kính lễ. Đức Phật lại dạy cách tỏ lòng kính ngưỡng và tôn sùng Đức Thế Tôn là hãy tuân thủ giáo pháp, tinh tấn tu hành, phẩm hạnh trang nghiêm.

    Kế đó, Ngài đề cập đến 4 Thánh tích (nơi Đản sanh, Thành đạo, Chuyển pháp luân lần đầu tiên và nơi Nhập diệt) liên quan đến đời sống của một Đức Phật, nếu với lòng thành kính chiêm bái sẽ được nhiều lợi lạc.

    Sau khi độ cho tu sĩ ngoại đạo Subhadda và đây là người đệ tử sau cùng, Đức Thế Tôn bảo Ananda báo cho dân chúng Malla biết rằng Ngài sẽ nhập Niết bàn vào canh cuối đêm nay, cũng như căn dặn Ananda không nên bận tâm với việc phải làm vẻ vang long trọng đối với nhục thể của Như Lai, mà hãy tận lực tinh tấn để chu toàn hạnh phúc cho chính mình.

    Được tin qua hàng nước mắt ràn rụa của Tôn giả Ananda, dân chúng Malla thành Kusinara tấp nập kéo về quây quần quỳ bên Đức Phật, cùng rừng cây sala chứng kiến giây phút thiêng liêng duy nhất trong đời và nghe những lời dạy sau rốt của Đức Bổn Sư: "Này Ananda, đừng nghĩ rằng chỉ còn lại giáo pháp cao cả mà không còn bậc Đạo sư nữa. Pháp và luật mà ta đã dạy bảo, đó là Đạo sư của các ông. Này Ananda, Tăng chúng nếu muốn, có thể bỏ các giới luật phụ và nhỏ, sau khi Như Lai nhập diệt. Có một nghi ngờ, thắc mắc, phân vân gì liên quan đến Phật Pháp Tăng, đến đạo, đến phương pháp, hãy hỏi đi, đừng để sau này hối tiếc". Đức Thế Tôn nói như vậy ba lần, nhưng cả đại chúng đều im lặng.

    Và, Đức Đạo Sư đã khuyến tấn các đệ tử câu cuối cùng: "Hỡi các đệ tử, Như Lai khuyên các con, các pháp hữu vi đều vô thường, hãy tận lực, liên tục chuyên cần". Đó là di huấn tối hậu của Đức Thế Tôn.

    Thế rồi Đức Bổn Sư yên lặng nhập và xuất Sơ thiền. Lần lượt Nhị thiền v.v... đến nhập và xuất Diệt thọ tưởng định. Ngài lại nhập và xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ định và lần lượt ngược trở lại đến nhập và xuất Sơ thiền. Và khi nhập và xuất lần thứ hai ra khỏi Tứ thiền, Đức Thế Tôn đã nhập Vô dư Niết bàn.

    Kim thân của Đức Phật được đưa đến Makutabandhana để cho mọi người chiêm bái, và sau 7 ngày được cử hành lễ trà tỳ dưới sự tổ chức của ngài Maha Kassapa. Xá lợi được chia làm 8 phần theo thỏa thuận của cuộc họp do ngài Maha Kassapa, đại vương Ajàtasattu và ông Dona đứng chủ trì và phân phối cho 8 quốc gia lớn nhỏ cùng dân tộc Malla, xây tháp tôn thờ. Ông Dona xin được thờ phụng cái bình đựng xá lợi khi vừa thiêu xong. Những người Maurya ở Pipphalirana vì đến chậm, xin được lấy tro tàn của giàn hỏa để dựng tháp mà lễ bái.

    Hình dáng của Như Lai khuất dạng từ đây. Con đường hoằng pháp lợi sanh của Đức Phật kéo dài hơn 45 năm. Từ lúc thành đạo cho đến lúc nhập Niết bàn, Ngài không ngừng phục vụ chúng sanh bằng hai lối đời sống của chính bản thân và những lời dạy. Suốt cả con đường, đôi lúc đi một mình, lắm khi cùng đại chúng, từ làng mạc, rừng núi đến thung lũng đồi cao, ở xã thôn nghèo khổ đến phố tứ phồn hoa, Ngài đều có mặt và đưa tất cả trở về với giáo pháp chơn như, giáo pháp của từ bi, tự do, dân chủ, bình đẳng, giải thoát.

    C/- Kết luận

    Với sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn và một ý chí độ sanh dũng mãnh của Đức Phật, ta có thể tán dương hay quan niệm Ngài là vĩ nhân trên tất cả những vĩ nhân, siêu nhân đứng trên mọi siêu nhân. Nhưng lời tán dương, việc làm tôn vinh, kính ngưỡng Đức Phật đúng đắn nhất, ý nghĩa nhất phải là như lời dặn dò của Bổn Sư trước lúc Ngài ly trần: "Này Ananda, không nên tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai theo cách như vậy. Bất cứ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di nào sống đúng với chánh pháp, tự mình ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chánh, thì chính người đó, tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai một cách tốt đẹp nhất"./.

    Chú thích

    (1) Thất thánh tài: Gia tài của bậc Thánh, gồm có: 1- Tín (đức tin, lòng chánh tín); 2- Giới (giới luật); 3- Tàm (lòng tự hổ thẹn); 4- Quí (biết xấu hổ với người); 5- Đa văn (nghe nhiều, biết rộng); 6- Trí tuệ; 7- Xả ly (sự từ bỏ tham, sân, si).

    (2) Tứ niệm xứ: 4 đối tượng thiền quán, gồm: 1- Thân thể; 2- Cảm thọ; 3- Tâm thức; 4- Pháp.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:39 AM | Message # 15
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    9.....Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm. Maha Thongkham Medhivongs

    Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm
    Maha Thongkham Medhivongs
    MỤC LỤC

    Lời tựa

    Thiên Thứ Nhứt: Chuyển Pháp Luân.
    Thiên Thứ Nhì: Ðộ Yassakulaputta.
    Thiên Thứ Ba: Ðộ Ba Vị Ðạo Sĩ Tên Uruvelakassapa ở Uruvelapadesa.
    Thiên Thứ Tư: Ðộ Hai Vị Ðại Ðệ Tử.
    Thiên Thứ Năm: Về Thành Ca Tỳ La Vệ.
    Thiên Thứ Sáu: Ðộ Bà Gia Du Ðà La
    Thiên Thứ Bảy: Dòng Thích Ca Xuất Gia (a, b)
    Thiên Thứ Tám: Thọ Ký Ðức Phật Tổ Vị Lai Ðức Di Lặc.
    Thiên Thứ Chín: Ðộ Ðức Tịnh Phạn Vương Ðắc A-La-Hán Quả Và Ngài Nhập Diệt
    Thiên Thứ Mười: Dùng Thần Thông Thắng Ngoại Ðạo
    Thiên Thứ Mười Một: Thuyết Pháp Ðộ Phật Mẫu Ở Cõi Trời Ðao Lợi.
    Thiên Thứ Mười Hai: Ðức Thế Tôn Ngự Trở Về Cõi Thế Gian.
    Thiên Thứ Mười Ba a, b, c: Những Chuyện Lạ Xảy Ra Trong Bốn Mươi Lăm Năm Truyền Ðạo Của Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm
    Thiên Thứ Mười Bốn: Hai Vị Ðại Ðệ Tử Nhập Niết Bàn.
    Thiên Thứ Mười Lăm: Ðức Thế Tôn Nhập Niết Bàn.
    Thiên Thứ Mười Sáu: Chia Xá Lợi.-ooOoo-

    Lời Tựa

    Với quyển kinh chừng nầy trang mà đề tựa là "LỊCH SỬ ÐỨC PHẬT TỔ CỒ ÐÀM" thật là không thích đáng. Nhưng tôi không thấy phải chọn lấy một tựa nào hơn. Vì trong phạm vi quyển nầy tôi trích những chuyện lạ xảy ra trong vòng bốn mươi lăm năm truyền đạo của đức Phật Tổ, nghĩa là bắt đầu từ Chuyển pháp luân đến nhập diệt. Chẳng hạn như chuyện Ngài dùng thần thông để hóa độ ba vị đạo sĩ tên Kassapa (Ca Diếp).

    Sự thật trong vòng bốn mươi lăm năm truyền đạo chuyện gì đã xảy ra cũng là chuyện lạ. Nhưng nơi đây tôi chỉ lược thuật chuyện mà đức Thế Tôn phải nhọc công nhiều như phải dùng thần thông để hóa độ; hay phải mất thời giờ, để hóa độ người hữu duyên. Dầu tôi cố công tìm sưu tầm nhưng với phạm vi của quyển sách thời giờ hiếm hoi của người tại gia cư sĩ thì chắc chắn rằng: Chưa đủ vào đâu hết. Vì vậy, tôi cầu xin chư Ðại Ðức và chư Thiện trí thức thông cảm tha lỗi.

    Cầu xin Quí Ngài đã xem quyển kinh nầy đắc được những pháp mà chư Thánh nhơn đã đắc.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:40 AM | Message # 16
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _
    THIÊN THỨ NHỨT

    CHUYỂN PHÁP LUÂN

    -ooOoo-

    Sáng ngày mười bốn tháng sáu Âm lịch năm Dậu, đức Thế Tôn ngự đi khất thực về thọ thực xong. Ngài mới ngự đi vườn Lộc Giã để thuyết pháp độ năm vị Kiều Trần Như. Ngài phải ngự đi bộ mười tám do tuần. Chư Phật lúc quá khứ, khi ngự đi thuyết pháp lần đầu tiên đều dùng thần thông bay đi, chỉ có đức Thế Tôn của chúng ta hiện tại ngự đi bộ; vì Ngài trông thấy duyên lành của một người ngoại đạo tên Upakàjivaka nên Ngài nghĩ rằng: Nếu Như Lai dùng thần thông bay thì người ngoại đạo nầy sẽ không được gặp Như Lai; để tìm hiểu giáo pháp của Như Lai, thì sau nầy sẽ không có duyên lành để xuất gia đúng theo Chánh pháp; thôi ta cần gì phải bay đi, đi bộ cũng được. Ta mà thực hành Ba la mật cũng vì thương hại chúng sanh.

    Khi ấy Ngài đang ngự đi với hào quang sáu màu sáng tỏ. Người ngoại đạo tên Upakà trông thấy tướng mạo và hào quang của đức Thế Tôn lấy làm lạ, phân vân không biết chư Thiên hay Phạm Thiên hoặc chi chi, nên kính cẩn đến gần, lễ phép hỏi: "Nầy thầy, lục căn của thầy thanh tịnh, trong người của thầy có hào quang sáu màu chiếu sáng. Thầy tên chi? Xuất gia với ai? Ai là Thầy của thầy?"

    - Nầy Upakàjivakha , tâm của Như Lai không còn ham mê trong trần cảnh, dứt bỏ tất cả các ác pháp, không còn ái dục và chấp ngũ uẩn. Ta là người cao cả hơn tất cả chúng sanh trong Tam giới, tự ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không có ai làm thầy Như Lai. Như Lai là đấng có mười hồng danh của Chư Thiên và Phạm Thiên ca tụng. Nay Như Lai ngự đến vườn Lộc Giã Chuyển pháp luân, đánh trống pháp cho chúng sanh thức tỉnh trong giấc mộng vô minh để thấy rõ các pháp.

    Khi Upakà nghe vậy mới nghĩ rằng: Thầy Sa môn nầy nói giọng rất thanh tao, thân hình thật đẹp. Thầy mới phát tâm trong sạch nói rằng: "Thật thầy là người có nhiều công đức tự mình giác ngộ. Vậy thầy là người đáng được tên là ANANTAJINA (có nghĩa là thắng hóa đến nơi cùng tột). Thầy là bậc cao cả hơn tất cả chúng sanh.

    Ðức Thế Tôn muốn cho thầy vun trồng thêm niềm tin nên Ngài mới dạy thêm rằng: Nầy Upakàjivaka , những người hết phiền não trong thế gian nầy là người thắng hóa trong mọi nơi. Không còn một nhân vật nào bằng Như Lai. Vì vậy Như Lai cũng đáng có tên là ANANTAJINA như ngươi đã tặng.



    Thầy ngoại đạo ấy nghe thế liền tán thưởng và nói: "Thật đúng như vậy, thật đúng như vậy". Rồi bỏ đi.

    Chiều ngày rằm tháng sáu Âm lịch năm Dậu.

    Năm thầy Kiều Trần Như tắm xong ngồi đàm đạo với nhau. Khi ấy lại nhớ đến đức Thế Tôn mới nói với nhau rằng: "Nầy các bạn, sau khi chúng ta bỏ đi, không biết thầy Sa môn Cồ Ðàm ở nơi nào, giờ đây đang ngồi ở đâu và làm gì, không biết Ngài có nghĩ nhớ đến chúng ta chăng?

    Nói vừa dứt lời thì đức Thế Tôn cũng vừa ngự đến với hào quang sáng ngời. Năm thầy trông thấy hào quang sáng ngời rực rỡ lấy làm lạ và kinh sợ. Mỗi ông ngó một hướng coi ánh sáng ấy từ đâu đến. Có một ông thấy trước nên mới gọi các vị kia rằng: Các bạn ơi, thầy Sa môn Cồ Ðàm đi tìm ta. Ngài đã bỏ sự hành đạo tinh tấn, đi khất thực ăn, khác thường nhiều lắm thì làm sao đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được? Chắc ông ở một mình buồn nên tìm đến chúng ta, vậy chúng ta đừng tiếp rước ông. Nếu ông ta thích nơi nào thì ngồi nơi ấy".



    Tuy cả năm vị đồng ý với nhau. Nhưng khi đức Thế Tôn ngự đến thì các ông không thể ngồi yên được vì oai đức của đức Thế Tôn và các ông lăng xăng, ông thì tiếp bát, ông thì múc nước rửa chân. Khi đức Thế Tôn an vị xong, năm thầy mới hỏi: "Nầy thầy Cồ Ðàm, thầy mạnh giỏi chớ? Ði khất thực cũng được đầy đủ chứ?".

    Khi nghe các vị ấy gọi tên tộc của Ngài như vậy, Ngài mới dạy rằng: "Nầy các thầy, các thầy không nên gọi Như Lai như vậy, vì Như Lai đã đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi. Vậy các thầy hãy nghiêng tai thính pháp. Như Lai sẽ giải sự vô sanh bất diệt là Niết bàn, các thầy hành theo lời của Như Lai thì sẽ được hưởng hương vị của quả vô sanh bất diệt là Ðại Niết Bàn".



    Mặc dầu đức Thế Tôn dạy như thế; các thầy cũng vẫn gọi tộc của Ngài. Ðức Thế Tôn mới dạy rằng:

    Nầy các thầy, các thầy hãy nhớ lại coi, từ trước tới nay, Như Lai từng nói với các thầy như thế nầy bao giờ chưa? Vậy các thầy hãy lắng tai nghe thính pháp.

    Khi ấy các thầy không dám gọi ngay tộc của Ngài nữa. Nên Ngài mới bắt đầu thuyết bài pháp đầu tiên là Chuyển Pháp Luân.



    Nơi đây tôi xin nhắc sơ lược bài kinh Chuyển Pháp Luân. Quí vị muốn xem rõ xin xem trong quyển kinh tụng của Ðại Ðức Hộ Tông dịch nguyên văn.

    Trong bài chuyển pháp luân tóm lại đức Phật dạy: Không nên hành theo hai điều thái hóa. Nên hành theo Trung Ðạo. Sau ấy là pháp Tứ Diệu Ðế. Nhân tiện đây, tôi xin cống hiến quí vị pháp Tứ Diệu Ðế theo chú giải và Phật ngôn hầu quí vị tiện bề nghiên cứu. Tôi có ý định giải pháp nầy từ lâu nhưng chưa có dịp.

    Ðức Thế Tôn được gọi là bực Chánh đẳng Chánh giác là nhờ nơi Ngài giác ngộ được Tứ Diệu Ðế. Và Tứ Diệu Ðế là pháp mà ngoài ra đức Ðại Giác ngộ không ai hiểu thấu.

    ARIYA SACCA là Phạn ngữ ta dịch là Tứ Diệu Ðế. Trước hết ta nên hiểu qua tiếng nói ARIYA SACCA. ARIYA có nghĩa là Cao quí hay Thánh. SACCA có nghĩa là Thật.

    ARIYASACCA có nghĩa là Thật Cao quí. Hay Sự cao quí của bậc Thánh nhơn, vì phàm nhơn mà thông hiểu và thấu đáo các pháp ấy tức nhiên không còn luân hồi nữa. Trở thành Thánh.

    Tiếng nói ARIYASACCA , Sự Thật Cao Quí ấy có hai ý nghĩa là:

    1. ARIYASACCA. Thật cao quí mầu nhiệm. Ý nói sự thật của bốn pháp ấy thật là cao sâu mầu nhiệm người còn phiền não không bao giờ nhận định được.

    2. ARIYASACCA. Thật cao quí mầu nhiệm. Ý nói khi người thông đạt được ý nghĩa cao sâu mầu nhiệm của bốn pháp ấy thì người ấy trở nên bậc vĩ nhân cao quí tuyệt đối trong cõi sa bà nầy.

    Xin giải thêm ý của câu thứ nhất. Tứ Diệu Ðế là sự thật cao quí ý nói pháp ấy có đầy đủ nguyên nhân cao quí mầu nhiệm ví như kim cương có sự quí riêng của nó là phẩm chất đẹp quí có giá trị thật cao ai ai cũng ưa chuộng. Nó không phải là vật mà có ngày kia phải thay đổi màu sắc hay phẩm của nó. Thời gian và không gian không bao giờ làm giảm giá của nó. Không phải như những vật khác vì thời gian mà làm giảm mất giá của nó vì cũ.

    Câu thứ nhì: Câu nầy có một ít làm cho ta phân vân hoài nghi vì nó làm cho người trở nên cao quí. Vì vậy tôi (soạn giả) xin đặt ra câu hỏi và trả lời để làm rõ lý ra cho quí vị dễ hiểu hơn.

    Vấn: Tại sao Tứ Diệu Ðế làm cho người trở nên cao quí?

    Ðáp: Ý câu nầy nói rằng: Khi nào người hiểu và thật hành triệt để theo pháp Tứ Diệu Ðế, tâm của người ấy sẽ thay đổi từ chỗ còn ham mê thích thú trong Tam giới trở nên người không còn mến tiếc ham muốn gì trong Tam giới mặc dầu là Ngũ uẩn nầy.

    Vấn: Ta chỉ biết rằng: Ðây Khổ, Tập, Diệt, Ðạo như thế ta cũng trở thành cao quí sao?

    Ðáp: Người hiểu đây Khổ Tập Diệt Ðạo như ông nói nhưng không thật hành theo thì không có ích chi hết. Cũng như con két biết nói tiếng người nhưng chính nó không biết rõ nghĩa, nếu có biết chăng chỉ biết sơ như vậy thôi. Vì vậy không làm cho người ấy trở nên cao quí.

    Sở dĩ nói rằng: Làm cho người cao quí là vì khi người ấy học hiểu xong pháp Tứ Diệu Ðế rồi lại sáng triệt để thật hành theo bước đầu tiên là làm cho người tuần tự dứt bỏ phiền não cho đến khi hoàn toàn trong sạch phiền não không còn khổ, Trí tuệ thấy thật sự khổ, nhân sanh khổ, diệt được khổ, và pháp hành diệt khổ, hay là con đường đi đến nơi không còn khổ nữa.

    Người hiểu thấu rõ rệt như thế nghĩa là người thấy bằng Tuệ nhãn hay cũng gọi là Pháp nhãn. Người ấy trở nên người cao thượng vì người ấy không còn làm tội lỗi và còn trở lại luân hồi nữa.

    Sự hiểu Tứ Diệu Ðế có định nghĩa rõ rệt, người hiểu và thực hành đúng theo mới đắc được và mới gọi là cao quí.

    Hiểu như chúng ta không khác nào cái hiểu của trẻ còn bé chỉ biết vâng lời chớ không hiểu giá trị của vàng và không biết dùng vàng để làm gì cho có ích.



    Dưới đây là định luật của người mà gọi là hiểu rõ Tứ Diệu Ðế.

    Khổ, Tập, Diệt, Ðạo mỗi điều chia làm ba giai đoạn khác nhau mà người cần phải hiểu ba giai đoạn nầy gọi là Ba Luân. Ba Luân nhân cho bốn điều Khổ, Tập, Diệt, Ðạo ra mười hai điều gọi là mười hai Thể. Ðây là định luật mà người hiểu Diệu Ðế thật sự đều hiểu rõ rệt.

    Người hiểu Khổ có Ba Luân là:

    1. Sự khổ có thật.
    2. Nên biết rõ khổ.
    3. Khổ mà người ấy đã thấy rõ rồi.

    Người hiểu Tập có Ba Luân như vầy.

    1/ Ái dục là nhân làm cho sanh khổ thật.
    2/ Nên hiểu rõ mặt của ái dục.
    3/ Ái dục là người đã thấy rõ rồi,

    Người hiểu Diệt có Ba Luân là:

    1) Diệt có thật.
    2) Nên hiểu rõ Diệt.
    3) Diệt mà người đã hiểu rõ rồi.

    Người hiểu rõ Ðạo có Ba Luân là:

    1/ Ðạo có thật.
    2/ Nên hiểu rõ Ðạo.
    3/ Ðạo mà người để hiểu rõ, đầy đủ rồi.

    Ðiều nên chú ý là:

    Sự hiểu rõ pháp Tứ Diệu Ðế có khác hơn sự hiểu thường. Vì cái hiểu của pháp Tứ Diệu Ðế còn cần phải hành theo chín chắn là diệt trừ phiền não, và biết rõ rằng: Trong tâm không còn tí phiền não nào cả.

    Ví như người bịnh biết chính mình đang thọ bịnh và biết:

    1) Ðây là thuốc.
    2) Ðây là thuốc chữa bịnh của ta đang bịnh.
    3) Ðã uống thuốc ấy và nhờ thuốc ấy mà bịnh tình cũng đang thuyên giảm từ từ, và chắc rằng: Sẽ đến nơi lành mạnh.



    Người bịnh nầy ví như chúng sanh đầy phiền não đang bị đau khổ trong biển luân hồi, người nầy lại học được pháp Tứ Ðế, hành theo pháp ấy, và cũng nhờ vậy mà từ từ diệt được phiền não như người uống thuốc bịnh thuyên giảm lần lần, rồi mạnh hẳn, nghĩa là giải thoát hẳn.



    KHỔ

    Trong pháp Tứ Diệu Ðế pháp mà đức Ðại Giác đặt trước nhất là Khổ. Khi vừa nghe qua tiếng Khổ thì không ai lấy làm lạ. Vì ai ai cũng đều có nếm qua mùi vị của khổ không ít thì nhiều. Người sanh ra trong đời không ai không khổ mặc dầu là vị Trưởng giả hay nhà vua. Nếu ta hỏi lại ai ai cũng biết đời là khổ thậm chí có người bảo: Khi đứa bé sơ sanh khóc ra tiếng là Khổ a, Khổ a. Nhưng người ấy hiểu như thế nào có đắc được đạo quả gì. Vì người ấy chỉ hiểu cái vỏ bên ngoài của khổ, hay biết khổ mà không thật hành để diệt trừ khổ. Người hiểu khổ như thế khác hơn cái hiểu bằng trí tuệ của đức Giác Ngộ một trời một vực cái hiểu của con người là hiểu bằng thức tánh. Còn cái hiểu của các bực Thánh nhơn bằng tuệ. Chúng sanh biết khổ nhưng chưa biết phương pháp tránh khổ hay diệt khổ. Trái lại càng làm nhiều khổ. Cũng như người cầm ngọn đuốc chạy ngược gió bị lửa táp vào mặt nóng la khóc than van nhưng lại không bỏ ngọn đuốc ấy vì sợ mất ánh sáng tai hại ấy. Ánh sáng của ngọn đuốc ấy tôi xin ví như Tài, Sắc, Lợi, Danh, hay là thất tình lục dục.

    Còn các bực Thánh nhơn nhứt là đấng Giác Ngộ biết Khổ, biết nguyên nhân sanh Khổ, và biết nguyên nhân diệt Khổ.

    Ví như hai nhân vật người bịnh và vị bác sĩ. Người bịnh chỉ biết rằng: Ta đang bị bệnh hành hạ nhứt khổ; nhưng không biết làm sao hết bệnh. Còn vị bác sĩ biết nguyên nhân phát sanh bệnh. Biết cách ngăn ngừa bịnh ấy và hơn nữa có thuốc và biết cách trị dứt bịnh ấy nữa. Vì hai sự hiểu biết khác nhau như thế ấy nên vị bác sĩ và người bịnh khác nhau. Người bịnh khi lâm bịnh chỉ còn chờ chết và chưa chết phải chịu khổ ví chứng bịnh ấy. Ðây chính là chúng sanh tuy biết khổ nhưng không có phương pháp nào làm sao để giải thoát khỏi khổ.

    Ðoạn trên nhắc cho quí vị thấy rằng: Sự hiểu biết của chúng sanh và của Thánh nhơn khác nhau chỗ biết bằng trí tuệ, và biết bằng sự nhận thức của thức tánh. Vì chúng sanh biết khổ bằng thức tánh nên không giải thoát được, Các bực Thánh nhơn hiểu biết bằng tuệ giác nên có phương pháp giải thoát được. Nhưng ví dụ tôi đem lại đoạn trên để quí ngài hiểu rõ thêm sự hiểu biết khổ hay hiểu khổ có khác hơn sự Giác Ngộ khổ.

    Bài pháp đầu tiên của đức Ðại Giác là bài DHAMMACAKKAPPA VATTANASUTTA nghĩa là CHUYỂN PHÁP LUÂN. Trong ấy đại khái như đã nói trên. Nơi đây tôi xin giải pháp Tứ Diệu Ðế.

    Trong Tứ Diệu Ðế pháp thứ nhất gọi là KHỔ. Trong cái khổ này có thể chia ra làm hai phần là:

    1) SABHÀVADUKKHA. Khổ có từ khi có ta và cái khổ nầy là khổ theo dính bên ta không bao giờ xa ta. Mà hiện nay các bực trí thức hay chánh phủ đang diệt khổ ấy, nhưng chắc chắn là không được. Khổ ấy trong bài Chuyển pháp luân đức Thế Tôn có dạy rằng: Idam kho pana bhikkhave dukkham ariyasaccam. Nầy các thầy Tỳ khưu, đây là khổ thật sự là:

    1/ JATIPI DUKKHÀ. Sanh khổ.
    2/ JARÀPI DUKKHÀ. Lão khổ.
    3/ MARANAMPI DUKKHAM. Tử khổ.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:40 AM | Message # 17
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    2) Ðiều thứ nhì gọi là PAKINNAKADUKKHA. Khổ phụ thuộc hay có thể gọi là Khổ đến sau. Là:

    1/ SOKA. Buồn rầu, thất vọng.
    2/ PARIDEVA. Than van.
    3/ DUKKHA. Khổ khổ.
    4/ DOMANASSA. Uất ức, phiền phức.
    5/ UPÀYÀSÀPI DUKKHÀ. Tâm nóng nảy xốn xang.
    6/ AYAMPI SAMPAYOGO DUKKHO. Gặp những sự việc mà mình không ưa thích là khổ.
    7/ PIYEHE VIPPAYOGO DUKKHO. Bị xa lìa những nhân vật thương yêu mến tiếc.
    8/ YAMPICCHAM NA LAPATI TAMPI DUKKHAM. Sự yêu mến mà không được gần là khổ.

    Khổ tóm lại có một là:

    SANKHITENA PANCUPÀDÀNAK-KHANDHÀ DUKKHÀ Nói tóm lại sự chấp lấy Ngũ uẩn nầy là khổ.

    Theo bài kinh Chuyển Pháp Luân cho ta thấy rằng: Ðức Thế Tôn chia khổ ra làm hai phần là khổ thật sự và khổ mới đến sau nầy. Sau khi dạy xong hai khổ ấy, Ngài lại còn tóm lại một lần nữa cho chúng ta thấy rõ phiền não làm cho khổ nên Ngài dạy rằng: Chung qui là vì người còn chấp lấy Ngũ uẩn nên khổ.

    Nếu tôi giải tỉ mỉ của khổ tôi tin rằng chỉ chiếm lấy giấy và làm cho quí vị chán coi thôi, vì vậy tôi nên nói tóm lại là khổ là nền tảng của đời sống là cái khổ thật sự. Còn những cái khổ tới sau là những cái khổ khi mà người đã có thân nầy rồi.



    Khổ đến sau có chỗ Phật gọi là Agantukadukkha Khổ khách quan. Khổ này quí vị đã hiểu nhiều xin miễn giải.

    Khổ thật sự nghĩa là khổ ấy theo dính liền với ta bắt đầu từ khi ta thọ sanh vào lòng mẹ. Theo lời dạy trong bài kinh Chuyển Pháp Luân thì khổ này có ba là:

    1. JÀTI DUKKA. Sanh khổ.
    2. JARÀ DUKKHA. Già khổ.
    3. MARANA DUKKHA. Tử khổ.

    Theo chúng ta thường nghe và biết rằng: Sanh, Lão, Bịnh, Tử là bốn cái khổ thật sự. Nhưng trong Phạn ngữ không kể khổ đau vì khổ đau là khổ đến khi sanh, hay khi trong lòng mẹ, nhưng khi đau phải do một lý do nào chớ không phải như già và chết, vì già từng giờ từng phút của thời gian qua. Còn đau lâu lâu mới đến một lần chứ không phải từng giờ từng phút như già. Sau nầy chú giải mới nói thêm đau vào và vì quen miệng nên nói già đau chết. Chớ thật sự trong bài Chuyển Pháp Luân thì không nói đến đau là khổ thật sự.



    Giải ba cái khổ thật sự:

    JÀTI : SANH



    Sanh đây ý nói bắt đầu sanh vào lòng mẹ. Xin nhắc lại quí vị là khổ Sanh đây chỉ là người sanh vào lòng mẹ chớ không nói cái khổ của bà mẹ sanh.

    Sanh khổ ấy chia là ba thời kỳ là:

    1) Khổ khi còn trong bụng mẹ.
    2) Khổ khi sanh ra.
    3) Khổ do nơi Sanh, nghĩa là khi sanh có thân nầy là có già đau chết và những cái khổ đến sau nữa.

    Vạn vật trong vũ trụ nầy kể cả thân hình ta đều do nơi sự phối hợp của tứ đại. Nhưng những đồ vật dùng lâu người ta gọi là cũ. Nhưng thân hình ta không gọi là cũ mà gọi là già mặc dầu là hai tiếng phát âm khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa là tới chỗ hư hoại.

    Vạn vật trong vũ trụ có khác nhau về hình thức màu sắc v.v... nhưng cùng một thể là già, cũ rồi tiêu hoại.

    Nên trong chú giải có câu hỏi: Thân hình ta đây bắt đầu già từ bao giờ?

    Ðáp: Theo lời Phật dạy và người đời hiểu cái già có hai lối khác nhau là:



    1) Người đời thường hiểu cái già là khi bắt đầu vào 60, 70 hay 80 tuổi mới gọi là già. Vì người đời khi ấy mới thấy rõ sự thay đổi của hình dáng bên ngoài.



    2) Về phương diện đạo đức thì trái lại là thân nầy thay đổi từng sát na, nghĩa là một sát na qua thì thân nầy đã già rồi và vạn vật trong đời và người đều thay đổi mà chính bản thân của người cũng không biết sự thay đổi ấy, nên chi không biết mình đã già. Chỉ có khác là cái già không thực hiện và cái già thực hiện rõ rệt thôi.

    Ðức Thế Tôn có dạy già ấy có thể chia làm ba phần là:

    1) APPATICCHANNAJARÀ. Già không hiện rõ. Nghĩa là người đời trông thấy đứa bé càng ngày càng lớn thân hình tráng kiện đó là do nơi sự thay đổi mọi vật trong châu thân chính là già nhưng đời thường cho đó là sự lớn của con người, nhưng người có biết đâu khi qua mỗi sát na là người đã già vì cái già nầy không hiện ra rõ rệt để người ngó thấy, nên ai ai cũng ưa thích và hãnh diện trong buổi nầy. Và đây cũng là một lý do chỉ cho ta thấy rằng người chưa thấy được pháp Tứ Diệu Ðế.



    Nếu quí vị để ý và muốn biết thì hỏi các nhà nghiên cứu về vi trùng học thì quí ngài ấy sẽ cho quí vị biết rằng những vi trùng và những hạt máu trong châu thân ta đều thay đổi từ sát na m?t. Còn đức Phật thì dạy các tế bào của ta thay đổi và chết đi rồi những cái khác thay vào.

    2) PARIJINA. Già làm cho thân nầy có phần thay đổi người có thể nhận thấy được. Ý nói khi được bốn hay năm hoặc sáu mươi tuổi người thấy có thay đổi một vài bộ phận rõ rệt làm cho ta thấy cái thay đổi ấy, chừng đó mới chịu gọi là già. Có lắm người còn muốn giấu cái già bằng cách nhuộm tóc lại v.v..

    3) PARIPAKKA. Già khú ý nói già đến đổi không làm gì được. Chính bản thân mình cũng không kiểm soát được mình, như tay run, chân không nhấc nổi để đi v.v..

    Người đời khi thấy người già khú ấy mới nhận thức là già khổ. Vì người già tới độ ấy chỉ còn đợi tử thần đến đem đi thôi chớ không làm gì được nữa.



    Hiện giờ nếu nói đến già thật là khó hiểu nổi, chỉ còn có hỏi các cụ thì mới biết cái già khổ như thế nào. Riêng tôi mới năm mươi tuổi, chỉ thấy tóc bạc, ngoài ra chưa thấy gì hơn, vì mắt cận thị từ lâu. Nhưng tôi thấy ngày kia không xa tôi không còn dùng thân tứ đại nầy vào đâu được, nên chi hiện thời tôi cố tiện tặn từng giờ phút một để làm việc lợi ích cho mình ngày vị lai.

    Già còn có thể chia ra làm hai phần là:

    1) Già làm giảm sức mạnh của cơ thể. Ý nói chúng ta ai cũng có phận sự rất nặng trên vai, mà càng lớn phận sự ấy càng chồng chất nặng thêm lên mãi mãi. Như khi ta còn nhỏ học lớp nhỏ không khó lắm, càng lớn càng học cao thì cái khó chồng thêm mãi. Ðến khi lớn lên phải sanh sống không thể nhờ nơi cha mẹ, gia đình mãi được, thì phận sự càng nặng. Ta có những cái khổ nhứt mà không thể tránh khỏi là già, đau, chết, khi có vợ, vợ ta cũng có cái già đau chết như ta, đã một thân mà còn nặng trĩu phương chi lại thêm một thân nữa như ta, mà có lẽ còn nặng hơn nữa là nếu gặp bà vợ đòi thêm son, phấn, quần áo đẹp, hay hột xoàn, vàng vòng v.v.. Thì quí vị nghĩ nó nặng tới đ? nào. Khi có thêm một đứa con thì cái lo thêm nữa, đến hai, ba, bốn đứa thì cái nặng càng gấp bội. Nhưng khổ nỗi khi gánh càng nặng tuổi thọ lại càng nhiều nghĩa là đã già và cộng thêm vào bịnh hoạn thường đến với tuổi già. Già giảm sức nơi đây ta có thể ví dụ như một chiếc xe hơi. Khi còn mới ít hư và đẹp, chạy mạnh mau. Nhưng khi dùng nhiều ngày chở quá nặng chạy đi xa, thì nó lại mau hư, khi đã cũ rồi lại càng hư liền liền, như thân nầy khi càng già càng bịnh thường hơn.

    2) Già đem sự bệnh hoạn lại. Ý nói rằng: Khi cái già đã đến thì không bao giờ có hạnh phúc, cái mà nó đưa đến là sự bệnh hoạn, như mắt lờ, tai điếc, răng rụng, tóc bạc, tay chân run rẩy v.v..

    Nếu có ai hỏi: Cái gì đem bịnh hoạn đến cho ta? Tôi tin rằng: Quí ngài sẽ không ngần ngại đáp rằng: Già đem bệnh hoạn đến cho ta.

    MARANA (CHẾT)

    Chết là gì?

    Chết là sự bỏ xác thân nầy lại, và không đem những gì theo mặc dù là vật thương yêu nhất đời. Sau khi tâm thức xa rời khỏi thân nầy thì thân nầy từ từ thay đổi như sình lên và hôi thúi, đến cùng là tan rã ra còn lại một đống xương trắng.



    Người đã chết thì không còn hành động gì được, và không dùng vào đâu được với cái xác thân hôi thúi ấy. Ðời người không khác nào cây đèn có đủ dầu, tim, khi có lửa châm vào bắt cháy đến khi hết dầu thì lại tắt. Tuổi thọ con người ví như dầu trong đèn, ngày nào đó dầu phải cạn và tắt. Người sống đây thọ yểu không khác nào đèn có dầu nhiều ít vậy thôi, chớ nó có một điểm giống nhau là tắt. Khi người hết tuổi thọ không thể sống thêm được dầu một phút, cũng như đèn hết dầu không thể cháy thêm được một giây nào. Khi ngọn đèn tắt ta không tìm thấy ngọn lửa đã mất cũng như ta không thể tìm được cái sống của người đã chết. Sự khổ của chết không thể dùng lời mà tả cho được vì mọi người chúng ta đều còn sống, phải chăng chỉ có người sắp chết và đã chết mới nhận thấy cái khổ ấy.

    Khổ chết ta có thể kết luận vắn tắt là: Làm mất cả sự an lạc của đời người. Sự an lạc ấy là nhà cửa, của cải, thân quyến. Nhứt là mất cái xác thân nầy.



    Phận sự của Khổ Ðế.

    Khổ diệu đế thứ nhất nầy đức Thế Tôn dạy phải biết rõ khổ một cách vi tế ví như vị bác sĩ hiểu rõ căn bịnh, nguyên nhân sanh bịnh và phương pháp trị tuyệt bịnh.

    Phật ngôn:

    DUKKHAM ARIYASACCAM PARIANNYYA. Nghĩa là khổ diệu đế người nên nhận thức rõ ràng.



    DIỆU ÐẾ THỨ NHÌ

    Diệu đế thứ nhứt đức Phật dạy về khổ mà Ngài đã giác ngộ xin ví như đức Thế Tôn dạy: "hổ rất hung dữ hằng ăn thịt người", Ngài sợ chúng sanh không biết hình dáng hổ ra sao nên Ngài mới bắt về và nhốt trong chuồng cho chúng sanh xem cho biết hình dáng sức mạnh và tiếng gầm của nó. Ý nói rằng: Ngài dạy rất rõ về khổ để chúng sanh dễ nhận thức và kinh sợ khổ thật chớ không phải sợ sơ sơ như chúng ta hằng ngày.



    Diệu đế thứ nhì là Phương pháp diệt khổ, hay nói cho đúng là phương pháp chống lại hay giết hổ dữ. Vì vậy xin quí vị cố suy nghĩ bằng trí tuệ cho kỹ để hiểu rõ những gì mà Ngài đã dạy. Ngài dạy rằng Diệu đế là Tập đế nầy Ngài đã cố tâm tìm kiếm hằng hai mươi A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp mới gặp dưới cội Bồ đề sau sáu năm khổ hạnh.

    Diệu đế nầy là Tập Diệu Ðế.



    Tập khổ Diệu đế nghĩa là nguyên nhân phát sanh ra khổ. Ý nói nó là nguyên nhân làm cho chúng sanh phải bị trầm luân trong biển khổ phải bị khổ đủ mọi phương diện.

    Tóm sơ lược lời Phật trong bài Chuyển Pháp Luân: IDAM KHO PANA BHIKKHAVE DUKKHA-SAMUDAYO ARIYASACCAM YÀ YAMTANHÀ PONOBBHAVIKÀ v.v.. Nghĩa là: Nầy các thầy Tỳ khưu, đây là nhân sanh khổ thật sự là ái dục. Ái dục là nhân làm cho chúng sanh phải sanh vào cảnh giới mới, khi ấy lại phải lẫn lộn với sự ham muốn trong các đề mục (Sự việc bên ngoài) là:

    1) Sự ưa muốn sanh trong cõi Dục.
    2) Sự ưa thích sanh vào cõi Sắc.
    3) Sự ưa thích sanh vào cõi Vô sắc.

    Theo lời Phật dạy trên cho chúng ta thấy rõ có ba giai đoạn là:

    1) Nguyên nhân sanh khổ là do nơi Ái dục.
    2) Giải rõ cho thấy Ái dục là sự ưa thích sanh vào ba cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới.
    3) Phân giải tỉ mỉ về Ái dục.



    Tôi (Soạn giả) xin gom lại giải ba điều là:

    1) Nguyên nhân sanh Khổ.
    2) Sự hành động của Ái dục.
    3) Và Ái dục.



    Nguyên nhân sanh KHỔ.

    Nói về khổ thì các vị giáo chủ khi xưa hay đồng thời với đức Phật giải thích một cách mù mờ. Nhưng có thể tóm lại là, các vị ấy dạy rằng: Phước tội do nơi một đấng thiêng liêng ban cho và trừng phạt. Vậy người muốn các ngài không trừng phạt và ban cho hạnh phúc thì phải thừa hành theo lề lối của vị thiêng liêng tối cao ấy. Chung qui đều thuộc về Thần giáo nghĩa là dạy trong những sự tin tưởng Thần linh hộ trì giúp đỡ.

    Sở dĩ mà đức Thế Tôn được người thời ấy bỏ đạo của họ theo Ngài là vì đức Thế Tôn giác ngộ được Chánh pháp là Nhân sanh Khổ và Ngài giải rõ Nhân sanh khổ, và Nhân diệt khổ. Không có một đấng thiêng liêng nào cho phước và hành tội chúng sanh, mà chính tự chúng sanh làm cho mình khổ. Hiện nay là thời kỳ nguyên tử rất có nhiều vật mà từ xưa chưa hề khám phá ra được mà các nhà Bác học khám phá ra được, nhưng những lời Phật dạy vẫn còn là phương pháp duy nhứt bất dịch mà trái lại các nhà Bác học vẫn hành theo.

    Nhân sanh khổ mà đức Thế Tôn dạy là pháp mới không đề cử và ngoài vị Chánh đẳng Chánh giác không ai hiểu thấu nổi. Nên khi Ngài thuyết Tứ Diệu Ðế gọi là Chuyển pháp luân, tôi xin nói là khi Ngài thuyết xong thời pháp ấy chính Ngài thay đổi tất cả vạn vật, nghĩa là Ngài lật rõ bộ mặt thật của vạn vật mà Ma vương cố che đậy từ vô lượng kiếp tới ngày ấy. Nên bài kinh ấy gọi là xoay bánh xe pháp (Chuyển Pháp Luân). Thuyết nhân sanh khổ là Ái dục là thuyết không ai cãi được làm cho người thời xưa chí thời nay ai ai cũng phải nhìn nhận và vâng giữ hành theo. Và cũng nhờ ấy mà Phật giáo truyền bá rất sâu rộng và rất nhanh.

    Tứ Diệu Ðế là bốn pháp thật là quí báu, mầu nhiệm và chân chánh, là pháp chứng minh rằng: Phật giáo không phải là một tà thuyết, không phải là Nhứt thần giáo hay Ða thần giáo mà là một đạo giải thoát thật sự là nhờ biết rõ khổ, nhân sanh khổ, và phương pháp diệt khổ và Niết bàn là nơi không còn khổ.

    Nguyên nhân sanh khổ có rất nhiều nhưng đức Thế Tôn không dạy những cái khổ đến sau, hay những cái khổ không đầy đủ lý do để chứng minh rõ rệt, như nói khổ ấy do nơi một đấng thiêng liêng hành phạt. Trái lại Ngài dạy rằng: Khổ nào sanh lên cũng đều do nơi ta.

    Ðây tôi xin đem lại một ví dụ nhỏ để quí vị dễ chứng minh.

    Anh A gây với vợ vì đi chơi bỏ phế việc gia đình. Anh B bị mất sở vì làm việc không chu đáo.

    Anh C bị tù vì tội trộm cắp. Trong ba anh nầy bị khổ khác nhau nhưng chung qui cũng vì Ái dục mà ra. Nếu những người ấy không làm quấy thì đâu bị tai nạn như trên.



    Người đời khổ vì sự thương, muốn mà ra cả; vì vậy đức Giác Ngộ dạy khổ sanh ra vì Ái dục.

     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:42 AM | Message # 18
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Sự hành động của Ái dục

    Ái dục ngụ ý chỉ sự thương yêu, mong muốn, ấy là nền tảng của tâm người thế tục, ngoại trừ các bực Thánh nhơn.

    Vì Ái dục là sự thương yêu mến tiếc, nên trong chú giải có để câu hỏi rằng: Ai cũng có ái dục xấu xa hết chăng? Ðức Phật muốn thuyết pháp độ đời vì thương chúng sanh. Vậy đức Phật cũng còn ái dục chăng?

    Khi quí vị bị hỏi như thế nầy, nên nhớ đến một đoạn trong bài kinh Chuyển Pháp Luân đức Phật có dạy. Ái dục có ba trạng thái cho ta thấy nó là phiền não để trả lời câu hỏi ấy.



    Ba trạng thái của Ái dục là:

    1) PONOBBHAVIKÀ. Nghĩa là tạo ra cảnh giới mới cho kiếp lai sinh cho mình.
    2) NANDIRÀGASAHAGATÀ. Lẫn lộn với tham ái.
    3) TATRATHÀBHINANDINÌ. Vui thích trong các đề mục của tham ái. Ba điều trên là trạng thái của Ái dục.

    Ðức Thế Tôn thuyết pháp độ đời vì lòng từ bi dạy chúng sanh bỏ ba trạng thái nói trên của ái dục để đi tới nơi yên lặng và hoàn toàn giải thoát. Nên chi sự hành động của Ngài không gọi là ái dục mà gọi là giải thoát.

    Pháp của Ngài không khác nào chiếc thuyền có đầy đủ tiện nghi ở giữa bể trầm luân. Chúng sanh là người đang bị trầm luân trong bể khổ. Khi trông thấy chiếc thuyền như người được nghe được gặp Pháp bảo; khi biết rằng chiếc thuyền ấy có đủ tiện nghi và dành để cho ai người muốn vượt qua khỏi bể trầm luân thì cứ lên rồi lái vào bờ là nơi giải thoát.

    Theo thí dụ trên thì sự muốn cho chúng sanh khỏi luân hồi không gọi là lòng ái dục được.



    Ba điều Ái dục là:

    1) KÀMATANHÀ. Ái dục trong cõi Dục.
    2) BHAVATANHÀ. Ái dục trong cõi Sắc.
    3) VIBHAVATANHÀ. Ái dục trong cõi Vô Sắc.

    Ái dục trong cõi Dục nghĩa là người còn ưa thích ham muốn sanh vào cõi dục là cõi còn có ngũ trần là Sắc, thinh, hương, vị, xúc. Và tài, tình, danh lợi.

    Ái dục trong cõi Sắc ý nói người còn muốn sanh vào cõi có Sắc thân nầy nhưng không ham mê ngũ trần, không có tài, tình, danh lợi.

    Ái dục cõi Vô Sắc ý nói hạng nầy không còn có Sắc nhưng thọ, tưởng hành, thức vẫn còn, và không ham mê gì cõi Dục hay Sắc. Nhưng lại còn ham muốn có cái Vô Sắc ấy, đây thật là phiền não rất là vi tế. Nếu không phải là vị Ðại Giác thì không bao giờ tầm cho ra nguyên nhân để giải thoát khỏi luân hồi được.

    Chung qui là khi còn ham muốn hay ưa thích một điều gì là còn phiền não, còn luân hồi.

    Phận sự của Tập Diệu Ðế là:

    Ðức Thế Tôn dạy phương pháp diệt bỏ nghĩa là phải càng ngày càng bớt Ái dục dần dần xuống cho đến mức độ chót là không còn một tí nào, có nghĩa là khô cạn. Sự dứt bỏ Ái dục Phạn ngữ gọi PAHÀNA nghĩa là Diệt trừ, cũng có khi gọi là PAHÀNAKICCA nghĩa là Phận sự phải diệt trừ.



    Nếu nói về khổ đế người cần biết rõ khổ là được. Nhưng nếu nói đến tập đế cần có sự hành nghĩa là làm thế nào dứt bỏ đư?c khổ.



    Vấn đề quan trọng là: Phương pháp hành để dứt bỏ được bằng cách nào? Xin quí vị hãy coi Ðạo Diệu Ðế đó là phương pháp diệt trừ khổ.

    Phật ngôn dạy:

    DUKKHASSA MUDAYO ARIYASACCAM PAHÀTABBAM. Diệu đế là Tập đế cần phải diệt trừ.



    DIỆT ÐẾ.

    Diệt đế là diệt tắt KHỔ. Theo đây là Phật ngôn dạy trong bài kinh Chuyển Pháp Luân.

    IDAM KHO PANA BHIKKHAVE DUKKHANIRODHO ARIYASACCAMYO TASSÀ YEVA TANHÀYA ASESAVIRÀGANIRODHO CÀGO PATI- NISSAGGO MUTTI ANÀLAYO .



    Nầy các thầy Tỳ khưu đây là sự diệt tắt khổ thật sự đó là diệt tắt hẳn ái dục, dứt bỏ, không luyến tiếc, giải thoát, không mến thương.



    Căn cứ theo Phật ngôn ta có thể nhận định rõ rệt là sự diệt trừ ái dục có nhiều tiếng tương tự nhau như dứt bỏ, không luyến tiếc v.v.. Ðể chứng minh rõ rệt là phải Dục tắt thật sự có ý nói những gì đã dục tắt xong rồi không còn tái phát nữa.

    NIRODHA nghĩa là Diệt, ý nói rằng tắt hẳn, nghĩa là hoàn toàn tắt hẳn không có một nguyên nhân hay một cơ hội nào làm cho tái phát lại được, vì những bổi là ái dục làm cho cháy không còn có nữa. Ðây chỉ rõ là Niết Bàn, vì vậy, thiết tưởng quí vị cần hiểu qua Niết bàn để dễ hiểu hơn.

    Theo lời Phật dạy, có một phần vô hình ngự trong thân nầy để nhận định sự vật bên ngoài, phần vô hình ấy gọi là Tâm. Tâm nầy lại là vật hay vọng động và nhơ đục vì phiền não ngự trị, mà cũng vì Tâm nhơ đục ấy làm cho chúng ta phải trầm luân trong biển luân hồi để chịu khổ. Trong khi đang trầm luân chúng ta không lo diệt tắt những phiền não như là dầu trong cây đèn, trái lại chúng ta lại châm thêm dầu càng ngày càng nhiều hơn. Ý tôi muốn nói chúng ta không lo tu hành để diệt lần phiền não trái lại chúng ta lại tạo thêm nhiều nghiệp chướng mà cũng vì vậy càng ngày càng đi xa bờ giải thoát hơn.

    Phật ngôn là phương pháp dục tắt lửa trên ngọn đèn, mà cũng là phương pháp đập bể bình đèn luôn. Ngọn lửa của cây đèn ấy là ái dục còn cái bình đèn ấy không khác nào Tam giới, khi người chỉ dục tắt ngọn lửa thôi không đập bể bình đèn thì có ngày nào đó đủ phương tiện nó lại cháy lại. Nên đã dục tắt xong còn phải diệt trừ tận không cho nó dư sót chút nào nữa.

    Khi người thừa hành chín chắn theo lời Phật dạy là người ấy có thể dục tắt và đập bể được cây đèn tai hại ấy; khi lửa tắt đèn bể thì người ấy trong thấy Niết bàn hay đến Niết bàn vậy.

    Chỗ hay tiếng gọi Niết bàn chủ ý chỉ một nơi rất là hoàn toàn trong sạch. Theo Phật dạy Niết bàn là một nơi thật hoàn toàn trong sạch của tâm.

    Xin ví như các nhà bác học về nguyên tử phân chất ra đi từng giai đoạn từ thô thiển tới vi tế cho đến khi không còn phân chất ra được nữa đó là nguyên tử. Chẳng những chất này rất vi tế mà lại không có chất nào cấu tạo ra nó được.

    Ðức Phật có thể tạm ví như một nhà bác học không cần máy móc phòng thí nghiệm mà cũng chẳng cần phải tốn kém của tiền để phân chất nầy chất nọ, mà tự Ngài phân chất được một vật mà đến nay các nhà bác học trứ danh cũng chưa phân chất được vật ấy là Tâm. Ðức Phật tìm thấy rằng: Tâm ta bị cấu tạo do nhiều chất như Ái dục, Tham ái, Tam độc v.v.. Sau khi Ngài phân chất ra được từng phần, Ngài đã bỏ cả những phiền não đến một độ không còn có một tí phiền não nào trong Tâm, và không còn có gì cấu tạo Tâm được nữa, vì Tâm ấy không còn nhơ bẩn. Vì Tâm nhơ bẩn nên còn bị luân hồi. Tâm còn luân hồi Phạn ngữ gọi là ASANKHÀTADHÀTU nghĩa là chất cấu tạo ấy gọi là ASANKHÀTADHÀTU nghĩa là không còn bị các vật khác cấu tạo cho luân hồi.

    ASANKHÀTADHÀTU là chất không bị các pháp khác cấu tạo cho luân hồi, là chất không còn phân tách ra được nữa, chất ấy ra ngoài phạm vi của sự hiểu biết của con người, người không còn dùng tiếng gì để nói được cái chất ấy. ASANKHÀTADHÀTU nghĩa là không còn bị các vật khác cấu tạo cho luân hồi.

    ASANKHÀTADHÀTU là chất không bị các pháp khác cấu tạo cho luân hồi, là chất không còn phân tách ra được nữa, chất ấy ra ngoài phạm vi của sự hiểu biết của con người, người không còn dùng tiếng gì để nói được cái chất ấy.

    ASANKHÀTADHÀTU là chất mà người không thể dùng lời diễn tả được hình thức sự hành động v.v.. Nó thuộc về vật cần thấy bằng trí tuệ vì vậy nên chỉ có các bực Thánh nhơn mới nhận thức được vì Ngài tự đắc được do nơi trí tuệ của Ngài.

    Người nằm mơ mới thấy cảnh mình thấy thôi, người ngoài ra không thể thấy được, cũng như người đã đắc được Thánh pháp tự mình thấy chớ không thể làm cho người khác và biết được những gì mà mình đã thấy. Vậy xin ví dụ thêm như người bị bịnh nặng, sau khi hết bịnh thì chính người ấy biết trong mình của họ dễ chịu như thế nào chúng ta thì không hiểu biết gì được về cái an vui của sự hết bịnh của người ấy. Người bịnh ấy ví như chúng ta cái bịnh hành hạ ta ví như phiền não. Khi ta biết bịnh phải uống thuốc ấy chính là Pháp bảo, khi uống thuốc ấy là lúc đang hành đạo. Khi hành đến nơi cùng tột thì sẽ đắc đạo quả. Khi ta đắc đến bậc nào thì ta biết ta đắc đến bậc ấy, như người bịnh biết khi uống thuốc thấy trong mình bớt từ từ, sự dễ chịu từ từ đến với người ấy cho đến khi mạnh hẳn. Khi mạnh người bịnh biết rằng ta mạnh; cũng như người hết phiền não tâm trong sạch thì tự biết là an vui và hạnh phúc như thế nào trong tâm của họ.

    Trong bộ UDÀNA đoạn PATALIGÀMIVAGGA có dạy rằng: Niết bàn không phải là đất, nước, gió, lửa v.v.. Không phải cõi nầy, cũng không phải cõi khác, không phải trên mặt nhựt hay mặt nguyệt. Nầy các Tỳ khưu, mà vật ấy (Niết bàn) lại là vật có thật sự.

    Nói về Niết bàn thiết tưởng cũng nên nói đến hai điều đặc biệt khác nhau là:



    I) Nói về đặc ân của Niết bàn.
    II) Trạng thái của Niết bàn.

    Ðặc ân của Niết bàn là:

    1/ MADANIMMADANO. Không còn say đắm (trần cảnh).
    2/ PIPASAVINAYO. Không còn khao khát (tất cả mọi việc).
    3/ ALAYASAMUGGHATO. Không còn lưu luyến (Tam giới).
    4/ VATTÙPACHETO. Cắt đứt hết những gì còn luân hồi.
    5/ TANHAKKHAYO. Khô hết ái dục.
    6/ VIRAGO. Không còn tham ái.
    7/ NIRODHO. Diệt, hay diệt tắt (hẳn mọi việc).
    8/ NIBBANAM. Diệt tắt hay gọi là Niết bàn.

    Trạng thái của Niết bàn là:
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:42 AM | Message # 19
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    KHÔNG CÒN BỊ PHÁP HÀNH CẤU TẠO.

    Niết bàn còn có tên khác nữa theo lời Phật dạy là: NIBBANAM PARAMAN SUKHAM. Niết bàn thật trống không, nghĩa là không còn có một nhơ bợn nào của phiền não. NIBBANAM PARAMAN SUKKHAM. Niết bàn là nơi an vui tuyệt đối.

    Theo Phật dạy người sanh ra là mang theo một phận sự rất nặng nề là khổ vì vậy trong bài kinh Bhàra có dạy: Ngũ uẩn thật là nặng chúng sanh là người hằng mang đi trong luân hồi dài vô tận, xa vô biên. Khi nhận thấy ngũ uẩn là khổ và biết phương pháp để ngũ uẩn ấy xuống được rồi thật là an vui, không còn nặng nề khổ sở đó là Niết bàn.

    Theo câu Phật dạy trên để cho chúng ta thấy rằng: Khi sanh ra làm người hay con vật là chúng ta mang theo một vật nặng nề vô hạng là khổ, khi có thân nầy thì bận rộn không ngừng nghỉ theo dính bên ta. Hiện nay người thường hay tìm sự vắng lặng để nghỉ ngơi như mỗi năm đi nghỉ mát nơi nào, cốt ý là để cho tâm nghỉ lo âu, bớt làm việc, để cho tâm hồn lắng xuống, hay ta có thể nói là người nhận thấy mang lấy thân nầy phải khổ muốn tạm để xuống nghỉ trong ít ngày. Tuy nhiên làm thế nhưng người cũng không được hoàn toàn nghỉ hoặc để tạm ngũ uẩn nầy xuống được. Có lắm người cả đời cũng không có dịp may để tạm để phận sự ấy nghỉ ít ngày. Quí vị nghĩ coi ta chỉ tạm để xuống nghỉ tạm thời trong ít ngày mà còn an vui thay phương chi ta lại để h?n cái ngũ uẩn nầy xuống thì an vui tới chừng nào.



    Tôi ví dụ nầy để quí vị nhận thấy cái an vui của Niết bàn như thế nào. Chắc quí vị đã nhận định thấy rõ cái khổ của sự mang lấy thân nầy và cái để cái thân nặng nề nầy xuống.

    Ðến đây xin nhắc lại quí vị rằng: Niết bàn không phải là một đô thị có đầy điều vui tươi sung sướng, hay đủ tiện nghi cho quí vị vui chơi. Nhưng trái lại Niết bàn là nơi dục tắt hết những gì mà quí vị thấy của người có và của quí vị đang có.



    Diệt khổ đế là một của riêng của Phật giáo. Ý tôi muốn nói rằng: Chỉ có đức Chánh đẳng Chánh giác mới tìm thấy Diệt Khổ đế.

    Chắc quí vị muốn hỏi: Vậy các tôn giáo khác không có một tôn giáo nào có phương pháp diệt khổ hay sao?

    Ðáp: Tông chỉ của các tôn giáo trong vũ trụ nầy chung qui là diệt khổ, nhưng có phương pháp khác nhau. Chỉ có Phật giáo có một phương pháp hoàn toàn hơn hết mà từ ngàn xưa đến hiện tại và đến vị lai ngoài ra vị Chánh đẳng Chánh giác như Ngài thì không ai tìm ra và hiểu rõ phương pháp diệt khổ hoàn toàn như Ngài là Tứ Diệu Ðế.

    Ðể minh chứng cách diệt khổ của Phật giáo và các tôn giáo khác, tôi xin so sánh cho quí vị nhận thức dễ dàng.




    PHẬT GIÁO

    TÔN GIÁO KHÁC

    NHÂN SANH KHỔ

    Khổ sanh do ái dục nghĩa là sự ưa muốn Ngũ trần Lục dục. Sự ưa muốn sanh lại có sắc thân (Sắc giới). Sự ưa muốn sanh lại nhưng không muốn có sắc thân.

    Khổ sanh đến chúng sanh vì do nơi sự trừng phạt của đấng thiêng liêng tối cao vì người làm tội ác.

    PHƯƠNG PHÁP GIẢI THOÁT KHỔ

    Phật dạy: Diệt tận phiền não là Ái dục thì sẽ không còn khổ.

    Dạy phải cầu đấng thiêng liêng có uy quyền tối cao tha lỗi hay hành phạt; hoặc ban bố an vui hạnh phúc.

    TRẠNG THÁI CỦA SỰ GIẢI THOÁT THẬT SỰ

    1) Không có sự ưa thích gì trong tâm dầu rất vi tế.

    2) Dứt bỏ các sự cố chấp.

    3) Không luyến ái trong các cảnh giới.

    4) Thoát khỏi sự vui của tam giới.

    5) Không cần ai đến giải thoát cho mình, mà tự mình giải thoát.

    1) Muốn được đấng thiêng liêng cứu khổ.

    2) Cố tin có đấng thiêng liêng tối cao của mình.

    3) Xin sanh vào cõi Thiên đàng.

    4) Còn muốn được hưởng sự an vui của cõi Thiên đàng.

    5) Cần có đấng thiêng liêng đến tiếp độ cho linh hồn được ở bên Ngài mãi.



    Phận sự của Diệt khổ đế.

    Phận sự của Diệt khổ đế Phạn ngữ gọi là SACCHIKARANA nghĩa là phải làm cho phân minh rõ rệt; ý nói tự mình hành động cho đến nơi giải thoát, tự mình dục tắt hết dục vọng ở lòng mình và tự mình biết rõ rằng mình đã giải thoát.



    PHẬT NGÔN

    DUKKHANIRODHO ARIYASACCAMSACCA-CHIKÀTABBAM. Diệu đế gọi là Diệt khổ diệu đế người cần phải hành cho phân minh, nhận định thấy rõ rệt bằng tuệ.



    ÐẠO DIỆU ÐẾ

    Ðạo diệu đế có nghĩa là hành đến nơi Diệt khổ. Ðây là tiếng thường dùng trong Phật giáo nhưng nếu dùng tiếng thông thường cho dễ nghe dễ hiểu hơn có những tiếng thay thế là:



    1) MAJIHIMAPATIPADA - Trung đạo.

    2) ATTHAGI KAMAGGA - Bát chánh đạo.

    3) ARIYAMAGGA - Thánh đạo.

    Trước khi giải rõ xin quí vị học qua câu Phật dạy. IDAM KHO PANA BHIKKHAVE DUKKHANIRODHAGAMINÌ PATIPADA ARIYASACCAM AYAMEVA ARIYO ATTHANGIKOMAGGO SEYYATHÌDAM - Nầy các thầy Tỳ khưu, đây là sự hành để diệt tắt khổ thật sự là đạo có tám chi. Tám chi ấy là gì? Tám chi ấy là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

    Theo lời Phật dạy trên thì chúng ta nhận thấy rằng: Diệu đế thứ tư là sự hành đúng theo con đường đi đến nơi, giải thoát có đầy đủ tám chi.

    Diệu Ðế thứ tư nầy Phật dạy hành theo chánh đạo có tám chi. Tôi (soạn giả) xin rút bài kinh khác giải rõ Bát chánh đạo lại trình bày nơi đây hầu quí vị, vì trong bài Chuyển Pháp Luân chỉ đếm đủ tám chi thôi.

    Ðây là Phật ngôn trong bài kinh MAGGAVIBHANGA dạy rằng:

    SAMMÀDITTHI (Chánh Kiến):

    KATTAMÀ CA BHIKKHAVE SAMMÀDITTHI YAM KHO BHIKKHAVE DUKKHENÀNAM.

    Nầy các thầy Tỳ khưu; Chánh kiến là gì? Chánh kiến là: 1) Sự biết rõ khổ. 2) Sự biết rõ nhân sanh khổ. 3) Sự biết rõ sự dục tắt tận khổ. 4) Sự biết phương pháp hành cho đến nơi dục tắt khổ. Nầy các thầy Tỳ khưu; sự hiểu biết như thế gọi là Chánh kiến.

    SAMÀSANKAPPA (Chánh tư duy):

    KATAMÀ CA BHIKKHAVE SAMÀSAN-KAPPO YÀKHO BHIKKHAVE NEKKAMMA-SANKAPPO. ABHYÀPÀDASANKAPPO AVI- HIMSÀSANKAPPO AYAM VUCCATI BHIK-KHAVE SAMMÀSAÍKAPPO.

    Nầy các thầy Tỳ khưu, Chánh tư duy là thế nào? Chánh tư duy là: 1) Sự suy nghĩ thoát trần (xuất gia). 2) Sự suy nghĩ không cột oan trái. 3) Sự suy nghĩ không làm hại người. Nầy các thầy Tỳ khưu, hành như thế nầy gọi là Chánh tư duy (suy nghĩ chân chánh).

    SAMMÀVACA (Chánh ngữ):

    KATAMÀ CA BHIKKHAVE SAMMAVACA YA KHO BHIKKHAVE MUSAVADA VERAMANÌ PISUNAVACA VERAMANÌ PHARUSAYA VACAYA VERAMANÌ. SAMPHAPPALAPA VERA-MANÌ AYAM VUCCATI BHIKKHAVE SAMAVACA.

    Nầy các thầy Tỳ khưu, Chánh ngữ là thế nào? Chánh ngữ là: 1) Tác ý lánh xa sự nói dối. 2) Tác ý lánh xa sự nói lời đâm thọc. 3) Tác ý lánh xa sự nói lời đê tiện. 4) Tác ý lánh xa sự nói lời vô ích. Nầy các thầy Tỳ khưu, sự nói như thế gọi là Chánh ngữ (Lời nói chân chánh).

    SAMMAKAMMANTÀ (Chánh nghiệp):

    KATAMÀ CA BHIKKHAVE v.v..

    Nầy các thầy Tỳ khưu, Chánh nghiệp là thế nào? Chánh nghiệp là: 1) Tác ý lánh xa sự sát sanh. 2) Tác ý lánh xa sự trộm cắp. 3) Tác ý tránh xa sự tà dâm. Nầy các thầy Tỳ khưu hành như thế nầy gọi là Chánh nghiệp (Sự làm chân chánh).

    SAMÀ AJIVO (Chánh mạng):

    KATAMÀ CA BHIKKHAVE v.v..
    Nầy các thầy Tỳ khưu Chánh mạng là thế nào? Chánh mạng là các Tỳ khưu bực đệ tử thuộc hàng Thánh nhân trong Phật giáo. 1) Nuôi mạng chân chánh. 2) Không nuôi mạng sái với đạo lý. 3) Nuôi mạng theo lẽ phải. Nầy các thầy Tỳ khưu, nuôi mạng như thế gọi là Chánh mạng.

    Riêng về người tại gia cư sĩ nuôi mạng chân chánh là không lường gạt lấy kẻ khác, giết thú ăn, biết là của bất nghĩa không nên lấy về dùng mặc dầu của ấy là của rơi rớt vô chủ.

    SAMMÀVÀYÀMA (Chánh tinh tấn):

    KATTAMÀ CA BHIKKHAVE v.v..

    Nầy các thầy Tỳ khưu, thế nào gọi là Chánh tinh tấn? Chánh tinh tấn là các thầy Tỳ khưu trong Phật giáo.



    1) Vun trồng sự thỏa thích trong sự tinh tấn không để cho tội lỗi phát sanh lên, không để cho tội lỗi chua phát sanh lên lại sanh lên trong tâm, cố gắng hết sức để giữ tâm cho vững chắc.



    2) Vun trồng sự thỏa thích tinh tấn diệt trừ ác pháp đã sanh trong tâm rồi cho tiêu diệt và giữ tâm cho trong sạch.

    3) Vun trồng sự thỏa thích tinh tấn làm thiện pháp chưa sanh trong tâm làm cho phát sanh và giữ tâm cho vững chắc trong thiện pháp.

    4) Vun trồng sự thỏa thích tinh tấn làm cho các thiện pháp đã có trong tâm cho hằng nảy nở tiến hóa thêm lên mãi mãi và làm cho tâm càng vững chắc trong thiện pháp.

    SAMMÀSATI (Chánh niệm):

    KATTAMÀ CA BHKKIHAVE v.v..

    Nầy các thầy Tỳ khưu, thế nào gọi là Chánh niệm? Chánh niệm là các thầy Tỳ khưu trong Phật giáo hằng suy nghĩ thấy thân trong thân, có sự tinh tấn thiêu đốt phiền não, tự mình biết lấy mình có sự nhớ được mọi việc làm và sự hành động của mình trong mọi sát na, diệt sự ưa muốn và ghét bỏ. Nhận thấy thọ trong thọ v.v.. trong thấy tâm trong tâm v.v.. Suy nghĩ thấy pháp trong pháp v.v..

    SAMMÀSAMÀDHI (Chánh định):

    KATTAMÀ CA BHIKKHAVE v.v..

    Nầy các thầy Tỳ khưu, thế nào gọi là Chánh định? Chánh định là thầy Tỳ khưu trong Phật giáo.

    1). Tâm vắng lặng những sự việc bên ngoài.

    2). Vắng lặng dục tình.

    3). Vắng lặng các Ác pháp, nhập Sơ thiền có Tầm, Sát, Hỉ lạc, An và Ðịnh.

    Vì Diệt được Tầm và Sát nên nhập Nhị thiền là nhân làm cho tâm càng thêm trong sạch xa lánh trần nhiều hơn, Ðây là nhân làm cho tâm càng trong sạch, làm cho định càng dũng mãnh thêm trong sạch hơn nhiều. Hỉ lạc, An được thêm sự trong sạch vì oai lực của định.

    Hơn ấy nữa, vì không cần Hỉ lạc bởi tâm đã bình tịnh có đủ trí nhớ và biết mình (chỉnh tâm) và tâm đang hưởng sự An lạc do nơi oai lực của tâm xả. Trí nhớ và biết mình là nhân mà các bực Thánh thần hằng ngợi khen, người có tâm xả là người có trí nhớ điều chỉnh tâm và hưởng an vui nên gọi là Tam thiền.



    Khi đã diệt được khổ và lạc, nhưng sự vui buồn đã có từ xưa đều bị dục tắt được do nơi Tứ thiền. Không còn vui mà cũng không có khổ chỉ còn có trí nhớ ở trong xả.



    Nầy các thầy Tỳ khưu sự để tâm như thế gọi là Chánh định.

    Trên đây tôi dịch sát nghĩa theo Phật ngôn chắc quí vị đã hiểu rõ rồi xin khỏi giải thêm.



    Luận giải TRUNG ÐẠO

    Phàm đã là đệ tử Phật thì không ai không hiểu Trung đạo vì Trung đạo là con đường đi tới nơi giải thoát của chư Phật, người muốn giải thoát ngoại trừ ra đường Trung đạo thì không còn con đường nào khác hơn. Vì chỉ có một đường duy nhứt đi đến Niết bàn thôi.

    Tại sao gọi là Trung đạo?

    Tưởng nên nhắc lại rằng: Trước khi có Phật giáo tại Trung Ấn Ðộ hay gọi là cõi Diêm Phù Ðề có rất nhiều tôn giáo khác nhau, phần nhiều các giáo phái ấy đều dạy người hạnh khổ hạnh. Vì người thời ấy tin rằng: Hành khổ hạnh một là làm cho các đấng thần linh hay đấng thiêng liêng cảm động ban ơn huệ, hai là khi hành khổ hạnh như thế mới diệt được phiền não trong tâm.



    Theo lời đức Phật dạy gọi hạnh ấy là thái quá có chia ra hai điều thái quá là:

    1) KAMASUKHALLIKANUYOGA. Nghĩa là người hành đạo nhưng còn lẫn với sự an lạc trong ngũ trần lục dục, gọi là hành đạo quá dùng.

    2) ATTAKILAMATHÀNUYOGA. Hành làm cho thân nầy quá khổ cực gọi là thái quá hay cũng gọi khổ hạnh.

    Hai phương pháp kể trên, khi chưa thành đạo, đức Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta phải bỏ ra sáu năm để hành. Nhưng không đem lại được một kết quả nào xứng đáng theo ý muốn của Ngài. Nên Ngài lại hành theo Trung đạo.

    Sau khi thành đạo bài pháp đầu tiên là Chuyển Pháp Luân, Ngài dạy rằng: DVEME BHIKKHAVE ANTÀPABBAJITENA NA SEVITABBÀ - Nầy các thầy Tỳ khưu, hai pháp thái quá mà các bực xuất gia không nên xu hướng theo, không nên hành theo.

    Hai pháp Thái quá ấy là gì?

    Một là pháp làm cho tâm quyến luyến theo tình dục pháp hèn hạ, pháp của kẻ thế gian, pháp của phàm nhân chẳng lợi ích chi.

    Hai là pháp khổ hạnh làm cho thân hình tiều tụy cực khổ chẳng phải là pháp của bực cao nhơn; cũng chẳng có lợi ích chi.

    Nầy các thầy Tỳ khưu, sự tu hành theo Trung đạo không nên thiên theo hai điều thái quá ấy.

    Bát Chánh Ðạo có thể tóm lại là:



    TAM HỌC

    1) Chánh kiến; 2) Chánh tư duy: thuộc về TUỆ

    3) Chánh ngữ; 4) Chánh nghiệp; 5) Chánh mạng: thuộc về GIỚI



    6) Chánh tinh tấn; 7) Chánh niệm; 8) Chánh định: thuộc về Ð?NH



    Phận sự của Tứ Diệu Ðế.

    Phận sự của Tứ Diệu Ðế là sự cố gắng hành đúng theo Bát Chánh Ðạo. Người hành phải hành một lúc đúng theo tám chi của đạo và cũng phải trong sạch bằng nhau trong một lúc, không thể thiếu sót một chi nào trong một của tám điều ấy. Nghĩa là không dư không thiếu.

    Tôi xin ví dụ, như trong một thang thuốc có tám vị, phải dùng đúng theo phân lượng và khi sắc thuốc cũng phải còn là bao nhiêu không thể nhiều hơn hay ít hơn được. Ðây cũng như sự hành đạo phải hành đúng theo Bát chánh đạo có tám chi không thể thiếu sót mặc dầu một chi của một điều nào trong Bát chánh đạo.

    Ðây là Phật ngôn dạy.

    DUKKHANIRODHAGÀMINÌ PATIPADÀ ARIYASACCAM BHÀVETABBAM. - Diệu đế là Ðạo đế nghĩa là sự hành theo đạo cho đến diệt tận phiền não và khổ, hành giả nên hành theo.

    Có nhiều người hỏi tôi (Soạn giả): Thời kỳ nầy còn có Ðạo quả chăng? Có người đắc Ðạo quả và đến Niết bàn không? Và ta làm cách nào mới đắc được Niết bàn?

    Ðáp: Phật dạy phương pháp hành để đắc Niết bàn là Bát chánh đạo. Nếu Bát chánh đạo còn là Ðạo quả vẫn còn. Còn nếu người còn hành đúng theo Bát chánh đạo là còn có người đắc được Ðạo quả và Niết bàn. Nếu người ai ai muốn giải thoát đến Niết bàn thì cứ hành đúng theo Bát chánh đạo. Vì đó là con đường đi ngay đúng vào Niết bàn.

    Sở dĩ mà thời pháp đầu tiên thuyết tại vườn Lộc Giã được tên là Chuyển Pháp Luân có nghĩa là xoay bánh xe pháp. Ý nói thời pháp ấy dạy Ba luân và mười hai Thể của Tứ Diệu Ðế. Khi người nhận định thấy rõ Ba luân và mười hai Thể ấy rõ rệt thì người ấy là người giải thoát khỏi luân hồi.

    Ba luân và mười hai Thể ấy là gì?



    Như quí vị đã biết Tứ Diệu Ðế là bốn điều Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Hành giả phải hiểu rõ mỗi Ðế có ba diệu gọi là Ba luân nhân cho bốn Ðế là ra mười hai Thể (Ba luân x bốn Ðế = mười hai Thể).

    Câu chót của bài kinh Chuyển Pháp Luân đức Thế Tôn dạy: Khi mà Ngài chưa tìm thấy rõ Ba luân và mười hai Thể trong Tứ Diệu Ðế là chưa đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác. Sau khi Ngài đắc được ba Luân mười hai Thể nên Ngài mới đắc được quả Cao thượng ấy.

    Ba luân ấy là:

    1) Tuệ thấy rõ khổ.
    2) Tuệ suy nghĩ thấy và hiểu rõ khổ.
    3) Tuệ thấy và biết rõ là hoàn toàn giải thoát khỏi Khổ, Tập, Diệt và Ðạo đều có ba Luân như thế nên gọi là mười hai Thể.



    Sau khi thuyết dứt thời pháp đức Thế Tôn biết rằng: Trong năm vị có một vị già nhứt đắc Tu-đà-hườn quả. Nên ngài mới dạy rằng: ANNASI VATA BHO KONDANNO. Nghĩa là Kondanna (Kiều Trần Như) đã thấy rõ thánh pháp rồi. Vì vậy từ ấy Ngài Kiều Trần Như có tên là A Nhã Kiều Trần Như.

    Xin nói thêm về ATTHA (ý nghĩa) của Tứ đế.



    Khổ đế có bốn ATTHA (ý nghĩa).

    1) PÌLANATTHO. Có nghĩa là làm hại.
    2) SANKHATATTHO. Có nghĩa là hội họp các nguyên nhân.
    3) SANTÀPATTHO. Có nghĩa là làm cho nóng nảy.
    4) VIPARINÀMATTHO. Có nghĩa là thay đổi.



    Tập đế có bốn Attha (ý nghĩa).

    1) ÀYUHANATTHO. Có nghĩa là làm cho khổ phát sanh.
    2) NIDÀNATTHO. Có nghĩa là nhân làm cho khổ sanh.
    3) SÀYOGATTHO. Có nghĩa là hội họp tất cả các điều khổ.
    4) PALIBOLATTHO. Có nghĩa là làm cho bận lòng vì khổ.



    Diệt đế có bốn Attha (ý nghĩa).

    1) NISSARANATTHO. Có nghĩa là đem mình ra khỏi luân hồi.
    2) APALIBODDHATTHO. Có nghĩa là không còn bận rộn vì khổ.
    3) ALANKATATTHO. Có nghĩa là nguyên nhân cấu tạo không thể hội họp lại để cấu tạo được.
    4) AMATATTHO. Có nghĩa là bất tự.

    Ðạo đế có bốn Attha (ý nghĩa).

    1) NIYYÀNATTHO. Có nghĩa là đi khỏi vòng luân hồi.
    2) HETAVATTHO. Có nghĩa là nhân diệt khổ.
    3) DASSANATTHO. Có nghĩa là thấy rõ Niết bàn.
    4) ADHIPATAYATTHO. Có nghĩa là chủ nhân. (Ý nói không còn dưới quyền của phiền não).



    Sau khi đắc được Tu-đà-hườn quả, Ngài Kiều Trần Như không còn hoài nghi Phật bảo với Pháp bảo nên bạch với Phật rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, đệ tử xin xuất gia với đức Ðại Giác.

    Ðức Thế Tôn dạy: EHI BHIKKHU ! Thầy hãy trở nên vị Tỳ khưu hành theo Thánh đạo và phạm hạnh đúng theo luật của Như Lai đã dạy hầu diệt tận phiền não.

    Khi dạy dứt lời thì râu tóc của Ngài Kiều Trần Như đều rụng trên mình có đắp bộ cà sa vàng. Sau ấy bốn vị kia mới xin xuất gia.

    Ngày mười sáu Âm lịch, Ngài thuyết pháp độ vị thứ nhì đắc Tu-đà-hườn quả vị ấy là Ðại Ðức Vappa. Còn bốn vị kia mới đi khất thực.

    Ngày mười bảy Âm lịch, đức Phật thuyết pháp độ được Ðại Ðức Bhaddiya đắc Tu-đà-hườn quả.

    Ngày mười tám Âm lịch, đức Phật thuyết pháp độ được Ðại Ðức Mahànàma đắc Tu-đà-hườn quả.

    Ngày mười chín Âm lịch, đức Phật thuyết pháp độ được Ðại Ðức Assaji đắc Tu-đà-hườn quả.

    Ðến ngày ba mươi Âm lịch, đức Phật hội năm vị lại và thuyết bài Anattalakka Sutta, Vô Ngã Tướng Kinh. (Quí vị muốn xem nguyên văn xin xem quyển Kinh Tụng của Ðại Ðức Hộ Tông đã xuất bản). Nơi đây tôi xin lược thuật để quí vị để hiểu thôi.

    Ðức Thế Tôn dạy: RUPAM BHIKKHA VE ANATTÀ. Nầy các thầy Tỳ khưu, thân nầy không phải của ta, vì vậy hằng bị các bịnh hoạn. Không thể ngăn cản rằng: Thân ta nên trẻ đẹp và trang điểm rất đẹp ví như cây cột bằng vàng chạm trổ rất tinh vi, trông coi rất đẹp mắt. Mặc dầu lo trang điểm cho đẹp như thế, nhưng nó vẫn thay đổi vì bịnh hoạn tàn phá, không thể tồn tại như lời ta bảo. Ngoài ra Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng chẳng phải của ta. Những pháp ấy cũng không chịu dưới quyền sai bảo và cấm đoán của ta.

    Rồi Ngài vấn chư Tăng rằng:

    - Nầy các thầy Tỳ khưu, các thầy nghĩ sao?



    Chư Tăng đáp:

    - Bạch Ngài, thật sắc nầy vô thường.

    - Nếu sắc nầy vô thường vậy khổ hay vui?

    - Bạch Ngài, là khổ.

    - Nếu sắc thân nầy khổ, vậy các thầy suy tưởng thấy có phải của ta hay không?

    - Bạch Ngài, thật sắc thân nầy không phải ta, mà cũng không phải là của ta.

    Rồi đức Thế Tôn hỏi Thọ, Tướng, Hành, Thức như trên và chư Tăng cũng trả lời như trên.

    Ðức Thế Tôn mới dạy ngũ uẩn ở quá khứ cũng như ở hiện tại và vị lai mặc dầu là của ta hay của người, đẹp hay xấu, thô hay vi tế, nếu có là ngũ uẩn hay có sắc thì hằng ở dưới ba tướng là Vô thường, Khổ não và Vô ngã. Các thầy nên lấy đó mà quán tưởng cho thấy rõ rệt là Vô thường, Khổ não và Vô ngã. Do nhờ sự quán tưởng như thế nên chư Thinh Văn đệ tử Phật chán nản với Ngũ uẩn; không ưa mến Ngũ uẩn nên được giải thoát, nghĩa là đắc được A-la-hán quả tuệ; thì tức nhiên tự mình thấy rằng: Ta đã diệt trừ tận phiền não, phạm hạnh của Phật giáo ta đã hành xong.

    Sau khi thuyết dứt bài Vô Ngã Tướng Kinh. Cả năm vị đều giải thoát nghĩa là đắc được quả A-la-hán.

    Trong ngày ấy 30 tháng 6 Âm lịch trong tam giới có được sáu vị Thánh nhơn. Một đức Chánh đẳng Chánh giác và năm vị A-la-hán.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:43 AM | Message # 20
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ NHÌ

    ÐỘ YASSAKULAPUTTA

    -ooOoo-

    Trong khi đức Thế Tôn ngự tại vườn Lộc Giã. Trong thành Bàrànasì có một ông Trưởng giả có một người con tên là YASSA. Ông xây cho con ông ba tòa lầu cao để ở trong ba mùa; trong các tòa lầu đều có đủ thú vui của Trưởng giả, sự hưởng hạnh phúc của cõi đời nầy Yassa không thiếu một chi, sánh như đức Thái tử Sĩ Ðạt Ta khi còn tại vì.

    Ðêm nọ ông Yassa cảm thấy mệt không còn hứng thú trong việc vui chơi, nên ông cho mỹ nữ được ngủ sớm. Trong phòng ông chưng bày ngọc ngà châu báu, màu sáng của đèn làm cho chiếu hào quang xinh đẹp. Thật là cảnh thần tiên trong đời nầy vậy.



    Sau khi nghỉ được một lúc ông liền tỉnh lại trong giữa đêm trường tĩnh mịch. Ông liền nhìn quanh phòng, trông thấy những mỹ nữ nằm ngủ quanh ấy như những tử thi sình, mùi hôi thối bốc ra lấy làm khó chịu, những cái xinh đẹp không còn có ở những mỹ nữ ấy nữa, càng nhìn càng ghê tởm; nhìn qua bàn ghế mền mùng châu ngọc cũng trở thành những vật không đẹp, ông cảm thấy tự mình đang lạc lõng ở trong bãi tha ma, nghe tiếng ngáy của mỹ nữ không khác nào tiếng những con thú rừng đang giành ăn những tử thi sình. Ông thấy chán nản với sự giàu sang và kinh sợ cảnh cô đơn giữa rừng thanh vắng hoang vu, càng ngắm càng sợ những tử thi kia. Ông chán nản với cảnh ấy bằng cảm tưởng thật là kinh khủng và ghê tởm. Ông mới có cảm tưởng rằng: Lẽ cố nhiên người còn trong vòng tại gia cư sĩ là người còn gần vòng tai hại đủ điều. Khi ấy ông mới xuống lầu ra đi. Nhưng ông cũng không biết đi đâu. Khi ấy chư Thiên trong gia đình ông mới mở cửa cho ông ra đi một cách êm đềm không ai hay biết rằng ông đã ra đi. Chư Thiên có ý hộ trì ông đi xuất gia được dễ dàng.

    Ðồng thời ấy, đức Thế Tôn đang đi kinh hành trông thấy ông Yassa từ xa đi đến, nên Ngài lại đến ngự trên pháp tọa.

    Còn ông Yassa lần lần đi đến nhưng ông vẫn lẩm bẩm nói rằng: Nơi đây thật là nơi bẩn chật.

    Ðức Thế Tôn mới bảo rằng: Nầy Yassa , nơi đây là nơi không có sự bẩn chật, tai hại, ngươi hãy đến và ngồi nơi đây, Như Lai sẽ thuyết pháp cho người nghe.



    Ông Yassa nghe qua lời của đức Phật như thức tỉnh trong cơn mê. Tiếng nói của đức Thế Tôn đã êm dịu nhẹ nhàng mà đầy từ ái không khác nào tiếng mẹ ru con. Ông đã được nghe rất nhiều tiếng thanh tao êm dịu, nhưng không từng có một tiếng nào làm ông rung động cảm mến như tiếng của đức Thế Tôn. Ông lật đật cởi đôi giày bằng vàng ra bỏ nơi ấy và đi ngay vào nơi Phật ngự, đảnh lễ đức Thế Tôn xong ngồi nơi nên ngồi.

    Ðức Thế Tôn mới thuyết pháp gọi là ANUPUBBIKATHÀ nghĩa là pháp đi theo tuần tự có năm điều là:

    1) DÀNAKATHA. Dạy về sự bố thí.

    2) SÌLA LAKATHA. Dạy về sự trì giới.

    3) SAGGAKATHA. Nói về sự an vui trong cõi thiên đàng.

    4) KAMADINAVAKATHA. Nói về tội của ngũ uẩn. Là dạy cho thấy ngũ trần là nhân đem sự khổ đến chúng sanh, và cũng vì ngũ trần ấy nên chúng sanh bị luân hồi mãi.



    5) NEKKHAMASAMSAKATHA. Dạy về quả báo của sự thoát ly gia đình. Nghĩa là nói đến quả báo của người không có gia đình chỉ biết lo tu hành mau giải thoát.

    Sau bài nầy đức Thế Tôn mới dạy pháp Tứ Diệu Ðế. Ông Yassa đắc được Pháp nhãn nghĩa là trông thấy rõ các pháp hay là đã vào hàng Dự lưu nghĩa là đắc Tu-đà-hườn quả.



    Nói về mẹ ông Yassa thường thường đến lầu ông mỗi buổi sáng để thăm con, khi bà đến thấy cửa lầu mở mà không thấy con, bà lấy làm kinh sợ chạy đi cho chồng hay. Ông liền cho người nhà chia nhau đi tìm ông Yassa , còn ông thì ông đi thẳng đến vườn Lộc Giã. Khi đến nơi ông trông thấy đôi giày làm bằng vàng của con ông, ông liền đi thẳng vào nơi Phật ngự.

    Ðức Thế Tôn thấy cha ông Yassa đi đến, mới nghĩ rằng: Như Lai phải dùng thần thông không cho ông Trưởng giả thấy con đang ngồi kế bên ta. Ngài liền dùng thần không cho ông Trưởng giả thấy con chỉ thấy có một mình đức Thế Tôn thôi. Khi ấy ông mới đến gần đức Phật và hỏi đức Phật có trông thấy một người thanh niên đi qua ngang đây không?

    Ðức Thế Tôn dạy rằng: Nầy ông Trưởng giả, ông hãy ngồi xuống đây, rồi ông sẽ gặp lại con ông. Ông Trưởng giả nghe thế làm mừng và ngồi xuống hầu Phật.

    Ðức Thế Tôn thuyết bài Pháp như Ngài đã thuyết cho ông Yassa nghe. Ông Trưởng giả đắc Tu-đà-hườn quả, ông mới bạch Phật rằng: Bạch đức Thế tôn tôi xin qui y Phật, qui y Pháp và qui y Tăng. Xin đức Thế Tôn nhận biết cho tôi là người thiện nam. Từ đây tôi nguyện xin làm đệ tử Tam bảo cho đến trọn đời. Ðây là vị thiện nam thọ Tam qui đầu tiên trong Phật giáo.

    Riêng đức Yassa cũng nghe pháp như cha ông, ông lại đắc được A-la-hán quả tuệ. Ðức Thế Tôn biết rằng: Ông Yassa đã đắc A-la-hán quả rồi, tâm không còn rung động về pháp thế gian nữa, ngũ trần đối với ông như nước bọt đã nhổ ra không hề liếm lại được. Khi ấy đức Thế Tôn thâu thần thông lại để ông Trưởng giả trông thấy con ông. Khi ông Trưởng giả thấy Yassa, ông liền bảo rằng: Con ơi, hiện giờ mẹ con đang nóng lòng chờ đợi con và đang than khóc, con hãy đem lại cho mẹ con đời sống (ý nói nếu con không về thì mẹ con tức mà chết).

    Ðức Thế Tôn mới dạy rằng: Nầy ông Trưởng giả, ông nghĩ sao khi mà Yassa đã đắc được A-la-hán quả rồi, trở nên người diệt tận phiền não, là bực không còn luyến tiếc trần tục. Vậy người như thế còn trở lại cuộc đời thế tục không?



    - Bạch đức Thế Tôn, Thánh quả là vật tối cao tuyệt mà con của đệ tử đã đắc được thật cao quí vô cùng. Vậy đệ tử xin thỉnh đức Thế Tôn đến thọ thực ở nhà đệ tử có Yassa và chư Tăng theo hầu, hầu đem lại hạnh phúc lâu dài cho chúng đệ tử.

    Ðức Thế Tôn nhận lời bằng cách lặng thinh, ông Trưởng giả biết nên đảnh lễ đức Thế Tôn xong rồi ra về. Sau khi ông Trưởng giả ra về, ông Yassa xin Phật xuất gia. Ðức Thế Tôn cho xuất gia bằng cách EHI BHIKKHU ngươi hãy trở nên vị Tỳ khưu. Râu tóc của ông rụng và đồ mặc trong mình trở nên bộ cà sa vàng và bát. Phương pháp nầy chỉ có vị Ðại Ðức nào xuất gia với Phật và đã đắc quả Thánh. Sau nầy chúng sanh ít duyên lành nên xuất gia với chư Tăng có thầy Tế độ và thầy Tiếp dẫn có hai mươi vị Tỳ khưu chứng minh và phải có tuyên ngôn bốn lần.



    Sau khi xuất gia xong, đức Thế Tôn dẫn Ngài Yassa. Mẹ và bà vợ hai của ông Yassa ra hầu. Ðức Thế Tôn thuyết pháp cho hai người nghe, cả hai đều đắc quả Tu-đà-hườn, cũng xin thọ Tam qui và ngũ giới.

    Trong khi ấy, trong thế gian nầy có một Thiện nam thọ Tam qui trước nhất là cha Ngài Yassa, còn hai người Tín nữ thọ Tam qui đầu tiên là mẹ và vợ ông Yassa. Thiện nam và Tín nữ nầy đều là hàng Dự lưu nghĩa là Tu-đà-hườn quả. Vì cha và mẹ ông Yassa đã đắc quả Thánh rồi nên rất bằng lòng thấy ngài Yassa là bực Tỳ khưu.

    Trong khi ấy có bốn người bạn của ngài Yassa cũng là con của Trưởng giả tên là: 1) VIMALA. 2) SUBAHU. 3) PUNNASI. 4) GAVAMPATI được tin rằng: Ngài Yassa đã xuất gia mới rủ nhau đến hầu và thăm. Ngài Yassa mới dẫn bốn ông ấy đến hầu đức Thế Tôn và yêu cầu đức Thế Tôn tiếp độ bốn người bạn.

    Ðức Thế Tôn mới thuyết pháp cho bốn vị ấy nghe như Ngài đã thuyết cho Ngài Yassa nghe. Bốn vị ấy đều đắc quả Tu-đà-hườn cùng một lúc, rồi xin xuất gia. Sau lại đức Thế Tôn Tôn thuyết bài kinh gọi là OVÀDÀNUSÀSANA cả bốn vị đều đắc A-la-hán quả.

    Trong khi ấy trong thế gian nầy có mười một vị Thánh nhơn. Một vị Chánh đẳng Chánh giác là mười vị A-la-hán là năm vị Kiều Tr?n Như và Ngài Yassa cùng bốn người bạn.



    Khi ấy có năm mươi người bạn của Ngài Yassa cũng con của các vị Trưởng giả ở ngoại ô, nghe tin rằng: Yassa xuất gia nên rủ nhau đến hầu Ngài. Ngài Yassa liền dẫn năm mươi người bạn đến hầu Phật. Sau khi nghe pháp xong xin xuất gia luôn. Sau năm mươi vị cũng đắc A-la-hán quả. Khi ấy trong thế gian nầy có được sáu mươi mốt vị Thánh nhơn.

    Ðức Thế Tôn ngự tại vườn Lộc Giã đến rằm tháng mười, Ngài gọi sáu mươi vị đại A-la-hán đến và dạy rằng: Nầy chư Tăng, nay các vị đã đắc Tuệ giác, có Tứ chánh cần và giải thoát hoàn toàn; các Thánh pháp mà chư Thánh nhơn trong lúc quá khứ và vị lai nhứt là đức Chánh đẳng Chánh giác đã đắc và sẽ đắc đối với quí vị đã đắc rồi.

    Liền trong khi ấy Ma vương hiện ra trước mặt Phật và ngâm bài kệ như vầy. BHANDHOSI SABBAPÀSEHI v.v.. Nghĩa là: Thưa ông đại Sa môn; ông đã sa vào cạm bẫy của tôi, những cạm bẫy ấy làm bằng pháp mầu của Thiên vương, và cũng làm bằng tất cả các phương pháp của người trần gian, nhưng Ngài đã phá hỏng những cạm bẫy ấy mà giải thoát khỏi uy quyền của tôi.

    Ðức Thế Tôn liền đáp bằng lời kệ rằng: MUTTOHAM SABBAPÀSEHI v.v.. Nghĩa là: Hỡi nầy Ma vương hung ác, tất cả cạm bẫy của ngươi bằng pháp mầu cũng như bằng các phương pháp nào trong thế gian nầy, Như Lai đã hoàn toàn giải thoát rồi.



    Ma vương lại nói câu kệ: ANTALIKKHE CAROPOSO. Người đi trong hư không hay đi trong thế gian nầy, những chỗ ấy đều ở trong cạm bẫy của tôi. Vì vậy ông Sa môn còn ở trong thế gian nầy cũng chưa chắc thoát khỏi tôi.

    Ðức Thế Tôn liền dạy rằng: RÙPÀ SADDÀ GANGHA RASÀ v.v.. Ngũ trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc là vật mà chúng sanh ưa chuộng mến yêu. Như Lai không còn luyến tiếc nữa. Như Lai đã hoàn toàn giải thoát khỏi những cạm bẫy của người. Nầy Ma vương tâm đầy tội ác, ngươi hãy rời khỏi nơi đây cho mau.

    Ma vương biết rằng: Không thế nào thắng hay ít nhứt là làm cho đức Thế Tôn rung động. Nên buồn rầu thất vọng bỏ ra đi.

    Ngày mười sáu tháng mười AÂm lịch đức Thế Tôn cho nhóm sáu mươi vị Thánh Tăng, và Ngài truyền cho mỗi vị đi mỗi nơi nào thích hợp với ý mình để truyền đạo.

    PHẬT NGÔN

    Naham samissami pamocanàya
    Kathamkathim dhotaka Kinci loke
    Dhammanca settham abhajànamàno
    Evam tvam oghamiman tareti.

    Nầy Dhotaka, Như Lai không thể cứu độ người có sự nghi ngờ trong thế gian cho giải thoát được. Nhưng các vị thông thấu các pháp cao quí mới giải thoát được. (Tạng kinh bộ Khuddakanikaya, đoạn Mahàniddesa ).
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:44 AM | Message # 21
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ BA

    ÐỘ BA VỊ ÐẠO SĨ TÊN URUVELAKASSAPA
    Ở URUVELAPADESA

    -ooOoo-

    Riêng đức Thế Tôn mang y bát đi đến Uruvekapadesa một mình, khi Ngài ngự đến gần rẫy trồng bông vải, Ngài mới ngự dưới cội cây to bên vệ đường.

    Ðồng thời có ba chục vị Thái tử con vua Mahakosala trị vì tại xứ Savatthi (Thất La Phiệt), ba mươi vị nầy cùng một cha khác mẹ với đức vua Ba Tư Nặc. Ba chục vị nầy thường gọi tên chung là BHADDAVAGGIYA (vì ba chục vị đều thật đẹp trai và ăn mặc lịch sự).

    Ngày ấy ba mươi vị cùng dẫn vợ con đi chơi trong rừng, nhưng trong ba chục vị ấy có một vị không có vợ nên ông mới vào thành chọn một cô kỹ nữ thật đẹp đem theo cho có bạn. Thừa dịp đang vui chơi, cô ấy trộm lấy đồ trang điểm của vị Thái tử và trốn đi mất. Sau khi cuộc chơi ấy tan, ba mươi vị Thái tử trở lại mới biết đồ trang sức của vị Thái tử ấy mất.

    Cả ba mươi vị đồng cùng nhau chia ra đi kiếm cô ấy, vị Thái tử bị mất đồ lại đi ngay đến nơi Phật ngự và hỏi rằng: Thưa Ngài, Ngài có trông thấy một cô gái đi ngang qua đây không?

    Ðức Phật đáp: Tại sao ông tìm một người phụ nữ, vậy người phụ nữ ấy có giá trị cao quí hơn bản thân ông chăng? Tại sao chính ông không tìm thấy bản thân của ông?

    Vị Thái tử ấy nghe qua lấy làm lạ và hình như ông đang mới tỉnh lại giấc mộng dài. Ông liền nói rằng:

    - Bạch Ngài, nếu có thể tìm thấy cái gì cao quí trong thân nầy, tôi xin tìm lấy vật ấy.

    - Nầy Thái tử người hãy ngồi xuống đây, Như Lai sẽ thuyết pháp độ người.

    Khi ấy hai mươi chín vị kia cũng vừa đến và đồng cùng nhau ngồi xuống để nghe pháp.

    Ðức Thế Tôn thuyết năm pháp tuần tự như thuyết cho ngài Yassa nghe và thuyết thêm Tứ Diệu Ðế. Ba mươi vị ấy đều đắc được Pháp nhãn. Vị lớn nhứt đắc quả A na hàm quả, vị nhỏ nhứt đắc Tu-đà-hườn quả còn những vị ở khoảng giữa đắc Tư đà hàm quả. Cả ba mươi vị đồng xin xuất gia theo chánh pháp. Ðức Thế Tôn cho xuất gia và cả ba mươi vị đều đắc A-la-hán quả sau khi xuất gia xong. Xong đức Thế Tôn cho các Ngài đi thuyết pháp độ đời. Ba mươi vị ấy đi đến xứ Pàvàya là một xứ nhỏ như thuộc địa của Sàvatthì là xứ của Phụ vương quí ngài. Vì vậy nên ba mươi vị ấy gọi là Tỳ Khưu PAVÀYA .

    Còn đức Thế Tôn thì ngự đi đến Uruvela thuộc về đất của vua Bình Sa Vương xứ Ràjagaha (Vương Xá). Trong khi ấy có ba anh em họ KASSAPA xuất gia theo lối đạo sĩ Phạm Ngã gọi là Jatila , người anh cả ở tại rừng Uruvela nên có tên là Uruvelakassapa. Còn người em thứ nhì ở theo sông Nàdì nên gọi là Nàdìkassapa. Còn người em út ở theo sông Gayà nên có tên là Gàyàkassapa. Người anh cả có năm trăm đệ tử, người em thứ nhì có ba trăm đệ tử, người em út có hai trăm đệ tử.

    Ðức Thế Tôn ngự đến gần tịnh thất của ông đạo sĩ Uruvelakassapa và nói với ông rằng: Nầy ông đạo sĩ Kassapa nếu không phải là điều làm phiền ông, Như Lai xin ông cho Như Lai tạm ở trong đền thờ thần Lửa mà ông đang bỏ không ấy một đêm có được không?

    - Thầy đại Sa môn, với tôi thì không có chi trở ngại về việc tạm ở của ông chỉ trong một đêm, nhưng đều đáng lo ngại cho ông là có một con Long vương rất hung ác khác thường cũng ở trong ấy. Xin ông đừng để Long vương ấy làm hại ông là được.

    - Long vương ấy không làm gì được Như Lai đâu ông an lòng, miễn là ông vui lòng cho Như Lai tạm ở thôi. Ðức Thế Tôn lặp đi lặp lại câu nầy hai ba lần.



    Ông Uruvelakassapa mới nói rằng: Vậy xin cầu chúc ông được bình an trong đêm nay.

    Khi đức Thế Tôn ngự vào đến đền thần Lửa liền trải tọa cụ ra ngồi tham thiền. Long vương trông thấy lấy làm tức giận nó mới hóa khói và lửa mịt mù để thiêu đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn nghĩ: Cũng nên dùng chút thần thông để độ Long vương hung hăng này, ta nên làm khói lửa ấy trở lại đốt Long vương cho nó kinh sợ.

    Long vương thấy khói lửa của mình trở lại nên lấy làm tức giận càng làm cho khói lửa tăng gia bội phần, khói lửa của Long vuơng gặp thần thông của Phật càng làm cho cháy sáng rực cả một góc trời. Các vị đạo sĩ thấy lửa cháy rất mạnh lật đật lấy đồ múc nước đến chữa lửa, nhưng không dám đến gần, mới bảo nhau rằng: Các bạn ơi, ông đại Sa Môn ấy thật là đẹp người, tốt tướng nhưng thật đáng tiếc là ông ấy lại bị chết dưới oai lực của Long vương hung ác nầy.

    Cũng trong đêm ấy đức Thế Tôn thâu phục được Long vương biến thành con rồng nhỏ nằm khoanh trong bát của đức Thế Tôn. Sáng ngày, Ngài ngự đi khất thực: Các ông đạo sĩ đến vấn an Ngài, Ngài liền giở nắp bát đưa ra cho các ông đạo sĩ coi và bảo rằng: Long vương đã phục tòng Như Lai rồi.

    Ông đạo sĩ Uruvelakassapa mới nghĩ rằng: Ông đại Sa môn nầy thật là người có thần thông cao thượng, chinh phục được Long vương hung ác phi thường. Dầu vậy cũng chưa đắc đươc A-la-hán quả như ta. Mặc dầu, nghĩ thế nhưng ông vẫn trong sạch với đức Phật và nói với Phật rằng: Tôi xin thỉnh ông đại Sa môn đến tư thất tôi và tôi xin cúng dường cho ông vật thực hằng ngày.

    Ðức Thế Tôn nhận lời ở một nơi trong rừng ấy gần tư thất của ông đạo sĩ Uruvelakassapa. Ðến đêm lại Tứ Ðại Thiên Vương đến hầu đức Thế Tôn để thỉnh pháp, bốn vị đứng bốn phía hào quang của quí vị làm cho sáng ngời rực rỡ, vị đạo sĩ nào cũng thấy. Sáng ngày, ông Uruvelakassapa mới đến hỏi đức Thế Tôn rằng: Xin mời ông đại Sa môn đến thọ thực, tôi đã sửa soạn xong rồi. Ðêm hôm nầy tôi trông thấy hào quang sáng ngời cả khu rừng. Ai đến hầu Ngài mà cho bốn phương sáng ngời như thế.

    - Nầy thầy Kassapa , bốn vị ấy là Tứ Ðại Thiên Vương hằng đến hầu Như Lai như vậy.

    Ông đạo sĩ mới nghĩ rằng: Thật ông đại Sa môn nầy là người có oai đức lớn thần thông cao đến đổi Tứ Ðại Thiên Vương còn phải đến hầu ông ấy. Mặc dầu vậy nhưng cũng chưa cao thượng bằng ta.

    Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn ngự về chỗ cư ngự. Ðêm lại đức Thiên Vương Ðế Thích vào hầu đức Thế Tôn, làm lễ đức Thế Tôn xong đứng hầu nơi phải lẽ, hào quang của đức Ðế Thích còn sáng hơn cả Tứ Ðại Thiên Vương bội phần nên làm cho sáng ngời một góc trời. Ðến sáng ngày, ông đạo sĩ Uruvelakassapa đến nơi cư ngụ của đức Thế Tôn mời thọ thực và hỏi rằng: Ðêm hôm nầy ai đến hầu Ngài làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ cả đêm vậy?

    Ðức Thế Tôn đáp: Người đến hầu Như Lai đêm nay là Thiên Vương Ðế Thích.

    Ông đạo sĩ Uruvelakassapa cũng nghĩ như trước. Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn mới trở về nơi cư ngụ. Ðêm hôm ấy có vị Phạm Thiên tên Sahampati vào hầu Ngài đảnh lễ xong ngồi nơi phải lẽ. Hào quang của một vị Phạm Thiên sáng vô lượng vô biên, sánh với hai đêm qua như đom đóm với mặt trăng.

    Sáng ngày, vị đạo sĩ cũng đến thỉnh đức Thế Tôn thọ thực và cũng hỏi như trước, đức Thế Tôn đáp: Ðó là vị đại Phạm Thiên tên Sahampati. Ông Uruvelakassapa mới nghĩ như trước. Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn ngự về nơi cư ngụ của Ngài.

    Sáng ngày hôm sau là ngày lễ cúng dường Thần Lửa rất trọng thể của các vị đạo sĩ. Ông Uruvelakassapa mới nghĩ rằng: Sáng mai nầy là ngày lễ quan trọng của chúng ta, tín đồ sẽ đem cúng dường trọng thể đến cúng dường cho chúng ta. Nếu ông đại Sa môn nầy dùng thần thông làm cho tín đồ đem lễ vật cúng cho ông ta, thì ta bị mất hết lợi lộc. Vậy ta phải làm sao ngăn không để cho ông đại Sa môn ấy đến đây?

    Ðức Thế Tôn hiểu sự toan tính của thầy đạo sĩ ấy bằng Tha tâm thông. Sáng ngày, đức Thế Tôn ngự đi khất thực ở Bắc Cu Lư châu, đây là một châu khác ngoài vũ trụ nầy. Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn ngự nghỉ trưa tại ao Anotà đến xế chiều mới về chỗ cư ngụ.

    Sáng ngày sau ông đạo sĩ Uruvelakassapa đến thỉnh đức Thế Tôn đi thọ thực và hỏi rằng: Hôm qua thầy đi khất thực ở đâu, không thấy đến thọ thực ở tư thất của tôi? Tôi đợi thầy rất lâu.

    Ðức Thế Tôn mới bảo cho ông ta biết rằng: Ý của ông ta không muốn cho đức Thế Tôn đến vì sợ đức Thế Tôn dùng thần thông thâu phục tính đồ đến dâng cúng cho Ngài.



    Ông đạo sĩ nghe đức Thế Tôn nói như thế lấy làm kinh sợ vì những đều chỉ nghĩ thoáng qua trong tâm mình thôi mà đức Phật biết rõ rệt như thấy trước mắt. Nên ông nghĩ rằng: Thật ông đại Sa môn nầy là người có thần thông quảng đại; nhưng cũng chưa bằng ta đã đắc A-la-hán quả.

    Khi ấy đức Thế Tôn lại đi luợm vải gói tử thi của một người tớ gái tên Punna ở bãi tha ma về làm y. Khi xưa người chết thường gói vải rồi đem bỏ trong rừng già thanh vắng; chớ ít khi hỏa táng như thời bấy giờ, vì vậy đức Thế Tôn mới đi lượm vải ấy đem về làm y bận. Quí vị nên biết thêm rằng vải gói tử thi đem bỏ là thứ vải rất là rẻ tiền mà người chết nầy lại là một cô đầy tớ thì vải ấy chắc chắn rằng: Thật là rẻ tiền. Nhưng đức Thế Tôn vẫn lượm lấy làm y mặc. Ðời đức Phật chỉ có một lần nầy thôi. Ðức Phật không biết giặt miếng vải hôi thúi ấy ở nơi nào. Khi ấy đức Ðế Thích biết đức Thế Tôn đang tìm một chỗ giặt miếng vải hôi thúi ấy. Ngài đến và biến ra một cái ao rồi thỉnh đức Thế Tôn giặt vải ấy ở ao đó. Sau khi giặt xong, Ngài mới nghĩ làm sao cho hết mùi hôi thúi nầy. Ðức Ðế Thích lại dùng một tảng đá màu xanh trong như ngọc thật đẹp thành một cái chậu có nước thơm và thỉnh Ngài xả lại một lần nữa, khi xả xong hết mùi.

    Ðức Thế Tôn lại nghĩ: Bây giờ phơi đâu đây? Chư Thọ Thần lấy làm hoan hỉ và được dịp cúng dường quí báu, nên bao nhiêu cây trong rừng đều hình như biết ý Ngài những nhánh dưới thấp đều từ từ hạ xuống thấp để Ngài phơi tấm vải ấy.



    Trong khi đức Thế Tôn lượm và giặt phơi tấm vải ấy quả địa cầu rung chuyển ba lần là do nơi oai đức của đức Thế Tôn.

    Ngày hôm sau ông đạo si Uruvelakassapa đến thỉnh đức Thế Tôn đi thọ thực tại tư thất của ông, ông mới hỏi: Tại sao hôm qua quả cầu lại rung động đến ba lần. Ðức Thế Tôn dạy tự sự. Ông lấy làm kinh sợ oai đức của đức Phật, nhưng cũng vẫn đinh ninh là ông cao thượng hơn vì ông đã đắc A-la-hán quả.

    Sáng ngày hôm sau, ông đạo sĩ lại đến thỉnh đức Thế Tôn đến tư thất ông thọ thực. Ðức Thế Tôn dạy rằng: "Thầy hãy về trước đi Như Lai sẽ đến". Sau khi Ngài đưa vị đạo sĩ ấy ra khỏi tư thất, Ngày mang bát dùng thần thông bay đi khất thực, Ngày ngự lên trên núi Hy Mã Lạp Sơn lượm lấy những trái trâm to lớn trên núi Tuyết Lãnh, rồi Ngài lại đến chỗ thờ thần Lửa trước khi ông Uruvelakassapa về tới.

    Ông Uruvelakassapa lấy làm lạ mới hỏi: Thưa ông đại Sa môn ông đi ngã nào lại đến trước tôi như vậy?

    Ngài mới nói tự sự và nói rằng: Nầy ông Uruvelakassapa , đây là trái trâm quý trên Tuyết Lãnh sơn, vị nó rất ngon ngọt, và rất hiếm có ở các nơi, nếu thầy có muốn dùng thì cầm lấy mà dùng Như Lai cho thầy đây.



    Vị đạo sĩ ấy càng kinh sợ hơn, nhưng chứng nào tật ấy. Ông cũng tự cho mình cao thượng hơn và đã đắc A-la-hán quả rồi. Nói về thần thông mà đức Phật dùng một lúc đến bốn điều là: Ðưa vị đạo sĩ ấy ra về. Sau lại lượm lấy trái trâm trên Tuyết Lãnh. Trở lên khất thực ở cõi trời Ðạo Lợi, và lượm lấy một trái cây trên cõi trời, rồi trở về tư thất của của ông đạo sĩ mà còn trước ông ấy nữa.

    Ngày nọ, các thấy đạo sĩ muốn đốt lửa lên để tế thần Lửa. Nhưng các ông không làm thế nào chẻ củi được các ông ấy mới nghĩ rằng: Nguyên nhân chẻ củi không bể đây ch?c chắn là do oai lực của vị đại Sa môn nầy.



    Khi ấy đức Thế Tôn mới ngự đến hỏi làm gì? Các ông đáp chẻ củi nhưng chẻ không bể. Ðức Thế Tôn cho phép chẻ nên củi ấy bể ra rất lẹ và dễ. Ðến ngày hôm sau nhóm lửa lên để đốt đặng cúng dường thần Lửa, nhưng không thế nào đốt cháy. Các ông cũng nghĩ như trước. Ðức Thế Tôn lại ngự đến cho phép nhóm lửa thì lửa lại cháy.

    Ðến mùa lạnh tuyết đã rơi, mà các thầy đạo sĩ phải trầm mình trong sông Neranjarà (Ni Liên), đức Thế Tôn thấy thế lấy làm thương hại vì sự khổ hạnh của các thầy. Ngài mới dùng thần thông hóa ra năm trăm lò đầy than hồng cháy rực. Sau khi trầm mình trong nước xong lên có lửa cho mỗi thầy một lò để sưởi cho ấm. Năm trăm vị đạo sĩ nghĩ rằng: Ðây là cũng do oai lực của vị đại Sa môn ấy.

    Ngày nọ trời mưa thật to cả ngày đêm làm cho khu rừng Uruvela bị ngập hết. Lẽ cố nhiên vị Chánh đẳng Chánh giác ngự nơi nào dầu cho nước lụt hay lửa cháy; chỗ cư ngụ của Ngài vẫn an nhiên vô sự. Khi ấy đức Thế Tôn mới nghĩ rằng: Ta phải dùng thần thông làm cho nước bao quanh chỗ ở của ta cao lên như một vách tường cao, ở giữa lại có một con đường để ta đi kinh hành. Xong Ngài liền dùng thần thông hiện ra như vậy.



    Ông đạo sĩ Uruvelakassapa mới nghĩ bụng rằng: Không biết vị đại Sa môn ấy có bị nước lụt ngập không? Hay ông đã đi ở nơi khác rồi. Ông dạy chư đệ tử đem ghe lại và đồng đi đến nơi của Phật ngự. Khi đến nơi ông thấy nước bao quanh chỗ đức Thế Tôn ngự như một tấm vách thành kiên cố, còn đức Thế Tôn thì đi kinh hành trên một con đường khô ráo như không có mưa gió gì hết. Ông lấy làm cảm phục nhưng cũng vẫn đinh ninh rằng: Ta cao quí hơn vì ta đắc được quả cao thượng là A-la-hán. Ông liền hỏi đức Thế Tôn rằng: Ông đại Sa môn ông vẫn còn ở đây sao?

    Ðức Thế Tôn đáp: Như Lai vẫn ở đây. Rồi Ngài bay lên hư không rồi đáp xuống ghe của các thầy đạo sĩ. Tất cả các vị đạo sĩ có mặt tại đó nghĩ rằng: Thật thầy đại Sa môn nầy có thần thông quảng đại, oai đức rộng vô lượng vô biên.



    Thật ra từ khi đức Thế Tôn ra khỏi vườn Lộc Giã là ngày mười sáu tháng mười Âm lịch đến ngụ nơi rừng Uruvela hai tháng nghĩa là đến rằm tháng chạp. Ngài dùng thần thông đến Ba ngàn năm trăm lần. Nhưng vị đạo sĩ Uruvelakassapa vẫn ngã mạn cứng đầu không chịu phục thiện vẫn cho rằng: Ta đã đắc quả A-la-hán cao thượng hơn.

    Ðức Thế Tôn nghĩ rằng: Như Lai phải làm cho tâm vị đạo sĩ nầy kinh khủng mới hòng phục thiện được. Nên Ngài mới dạy vị đạo sĩ ấy rằng: Nầy thầy đạo sĩ, ngươi chưa phải là vị A-la-hán đâu, hơn nữa người cũng không biết phương pháp hành đạo cho đắc được A-la-hán quả nữa... Tại sao ngươi lại chấp rằng: Ngươi là vị A-la-hán?



    Khi nghe đức Thế Tôn dạy thế, ông đạo sĩ Uruvelakassapa liền quì xuống đảnh lễ và bạch rằng: Bạch đức Ðại Giác, tôi xin xuất gia hành theo giáo pháp của Ngài.

    - Ngươi là một giáo chủ có đến năm trăm đệ tử, trước hết ngươi nên bảo cho đệ tử ngươi biết trước đã, Như Lai mới cho ngươi xuất gia.



    Ông đạo sĩ đảnh lễ Ngài xong trở về tư thất triệu tập hết năm trăm vị đệ tử lại bảo cho biết rằng: Ông sẽ xuất gia theo giáo lý của đức Phật. Các đệ tử ai ai cũng bằng lòng xuất gia theo Phật giáo.



    Các vị đạo sĩ tự cạo đầu bỏ tất cả đồ dùng và y phục của đạo sĩ theo dòng sông rồi đến hầu Phật xin xuất gia, đức Thế Tôn cho xuất gia theo như chư vị Ðại Ðức khác.



    Nói về đạo sĩ thứ nhì là em của ông ở phía dưới dòng sông, khi thấy đồ dụng cụ của vị đạo sĩ trôi đến. Ông mới nghĩ rằng: Chắc có tai nạn gì đã xảy ra đến anh ta rồi.

    Ông liền cho một đệ tử đến chỗ anh của ông coi và hỏi vì sao lại thả đồ dụng cụ của đạo sĩ trôi theo dòng sông vậy? Vị đạo sĩ đệ tử về bảo cho ông đạo sĩ em là Nàdìkassapa biết rằng: Ông Uruvelakassapa đã xuất gia theo Phật giáo. Ông liền dẫn ba trăm đệ tử đến hầu Phật và cũng xin xuất gia theo Phật. Ðức Thế Tôn nhận lời cho xuất gia.

    Nói về người em thứ ba là Gàyàkassapa thấy đồ dùng của hai người anh từ dòng sông trên trôi đến, ông lấy làm lo sợ tai nạn gì đã đến cho hai anh mình, ông liền dẫn hai trăm đệ tử đến chỗ hai anh, khi thấy hai anh đã xuất gia theo Phật, ông cũng xin xuất gia theo. Thế là ba anh em của ba vị đạo sĩ họ Kassapa đều xuất gia, đức Thế Tôn lại được thêm một ngàn lẻ ba vị Tỳ khưu.



    Sau khi chư vị đạo sĩ xuất gia xong đức Thế Tôn mới thuyết bài pháp gọi là ADITTAPARIYÀYA, bài kinh nầy dạy về lửa. Tất cả quí vị ấy đều đắc A-la-hán quả.

    Nơi đây tôi xin nhắc lại Túc Sanh Truyện của ba anh em Ngài URUVELAKASSAPA.

    Hai mươi chín Ðại kiếp trước Ðại kiếp hiện tại nầy có hai vị Chánh đẳng Chánh giác sanh trong kiếp ấy là vị thứ nhứt có Hồng danh là TISSA vị thứ nhì là PUSSA.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:45 AM | Message # 22
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Nơi đây xin nói về thời kỳ của đức Thế Tôn PUSSA. Sau khi đạt quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài độ đời lần lần về độ Phụ vương Ngài tên là Seyyasena. Ðức vua hay tin đức Phật ngự về gần đến thành cho quan đại thần ra thỉnh vào thành cúng dường trọng thể. Ðức vua có đức tin rất mạnh nên Ngài dành phần cúng dường cho chư Tăng và Phật hằng ngày, dân chúng không có dịp cúng dường cho chư Tăng và đức Phật. Thậm chí đức vua cho làm hai tấm vách thành từ tư thất của Phật chạy đến hoàng cung, Ngài không cho ai được cúng dường, trên đường ngài trải hoa rưới nước thơm, treo phướn cờ v.v.. cho đẹp mắt.

    Ðức vua Seyyasena có ba vị Thái tử, ngài cho đi trấn nhậm những nơi trọng yếu. Trong khi ấy có loạn ở nơi biên cương, đức vua mới đưa chiếu chỉ gọi cả ba vị Thái tử về và truyền chỉ phải đi dẹp loạn.

    Ba vị Thái tử vâng lời đem binh đi dẹp loạn. Người anh cả có năm trăm tùy tướng thân yêu, người thứ nhì có ba trăm tùy tướng thân yêu, người thứ ba có hai trăm tùy tướng thân yêu. Ngoài ra mỗi vị còn có nhiều quan quân của vua cha giao phó cho đem đi dẹp loạn. Khi đến nơi ba vị Thái tử dẹp trừ được trong thời gian không lâu. Khi ban sư về đức vua hay tin lấy làm hài lòng, cho ba vị vào chầu và hứa cho hạnh phúc nào mà ba vị mong ước.

    Ba vị lui ra và cùng nhau hội lại định coi xin những gì, cả ba vị và ngàn quan hầu thân tính mới đồng lòng bảo nhau rằng: Trong thế gian nầy cái gì chúng ta cũng có thể tìm được khi mà ta chưa chết, mà những vật ấy không quí báu, vì chúng ta không thể đem những vật ấy về vị lai được, chỉ có phước báu là quí nhất mà chúng ta không thể tìm ra được, mà khi chết ta còn có thể đem theo về vị lai được. Vậy chúng ta nên xin đức vua cho phép chúng ta cúng dường đến đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng. Tất cả ai ai cũng vui lòng và cho rằng: Ðiều kiện ấy là đúng hơn hết. Nên cùng nhau vào hầu vua cha.

    Ðức vua dạy: Phụ vương lấy làm hài lòng việc làm của các con, vậy các con muốn được hạnh phúc gì phụ vương cũng vui lòng ban thưởng cho các con.

    Các vị Thái tử cùng tâu: Tâu phụ vương, chúng con nghĩ kỹ không muốn gì hết, chúng con chỉ yêu cầu phụ vương ban cho chúng con ân huệ là được trai Tăng có đức Phật làm chủ tọa và chư Thánh Tăng.

    - Ðiều nầy phụ vương không thể làm hài lòng các con được, sao các con không xin chuyện nào ngoài trai Tăng.



    - Tâu phụ vương, tuổi thọ của con người hiện tại đây đến chín muôn tuổi, mặc dầu phụ vương cho chúng con cúng dường đến đức Phật và chư Tăng vĩnh viễn, cũng xin cho chúng con mỗi đứa bảy hạ thôi.

    - Không được bảy hạ lâu lắm.

    - Vậy thì sáu hạ.

    - Cũng vẫn còn lâu lắm.

    Ðức vua và ba vị Thái tử lại bàn nhau sụt xuống còn mỗi vị Hoàng tử có quyền trai Tăng một tháng thôi, nghĩa là cả ba vị được có một hạ là ba tháng.

    Ba vị Thái tử mới thỉnh Phật và chư Tăng về nơi cai trị của mình làm lễ. Ba ngài làm chỗ Trai đường thật lớn, và cất chùa để đức Thế Tôn và chư Tăng cư ngụ. Ba vị Thái tử mới chọn một người coi về công khố còn một người coi sổ bộ phân phát tiền chợ. Các Ngài nói với hai ông ấy rằng: Chúng tôi phải dẹp hết công chuyện thế gian nầy vào chùa lo trì giới tham thiền nên không rảnh để coi việc trai Tăng, vậy chúng tôi xin giao trách nhiệm này lại hai ông, mong rằng hai ông không phụ lòng phó thác của chúng tôi đã giao phó. Thật là một trách nhiệm nặng nề, vì hai ông phải trông xem tới tám muôn bốn ngàn người coi lo việc nấu ăn, và hai muôn người lo cúng dường cho đức Thế Tôn và chư Tăng. Chúng tôi tin chắc rằng hai ông sẽ hoàn thành công tác nầy cho chúng tôi.

    Ba vị Thái tử bỏ cả việc thế gian vào chùa lo trì giới tham thiền với một ngàn tùy tướng thân yêu.



    Nói về con cháu của những người phụ trách về nấu ăn, thấy vật thực như bánh v.v.. Ngọt ngon nên thèm đòi ăn khóc lóc om sòm. Cha mẹ chúng chịu không được bực mình nên cho chúng ăn cũng có, hay thương con nên lén lấy cho chúng ăn cũng có. Vì những người ấy không hiểu rằng: Những của cải của ba vị Thái tử để ra đây tác ý là làm để cúng dường đến chư Thánh nhơn nhứt là đức Phật. Nên khi ăn những của ấy không khác nào ăn của chư Thánh nhơn. Nên sau khi chết phải đọa vào địa ngục, sau sanh làm quỉ đói gọi là Ngạ quỉ phải chịu đói khổ không biết là bao nhiêu triệu tỉ năm. Ðến đại kiếp nầy có năm vị Phật, vị thứ nhất là KUKKUSANDHO, vị thứ nhì là KONÀGAMANO, vị thứ ba là KASSAPO. Bọn Ngạ quỉ ấy đến hầu hỏi đức Phật thứ nhất, Ngài dạy hỏi đức Phật thứ nhì, hỏi đức Phật thứ nhì Ngài dạy hỏi đức Phật thứ ba, hỏi đức Phật thứ ba rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, đến bao giờ chúng tôi mới được thoát khỏi cảnh đói khổ nầy?

    Ðức Phật KASSAPO (Ca Diếp) dạy rằng: Ðến khi hết giáo pháp của Như Lai hiện tại, lâu không thể đếm năm được, nhưng có thể nói rằng: Khi mặt địa cầu nầy đất mọc cao thêm lên được một do tuần nữa (mười sáu cây số ngàn). Chừng ấy có một đức Chánh đẳng Chánh giác sanh lên, vị ấy có hồng danh là Phật Cồ Ðàm, quyến thuộc của người sẽ là vua Bình Sa Vương, Ngài sẽ dâng cúng vật thực đến đức Phật và chư Thánh Tăng chừng ấy Ngài sẽ hồi hướng phước báu cho các người, các người sẽ được thọ thực và thoát khổ nầy.

    Mặc dù phải chịu đói thêm một đời của vị Phật lâu không đếm năm được, nhưng những Ngạ quỉ ấy thấy rất vui vì biết rằng: Ta sẽ được ăn, như chúng ta đói mà biết người sắp dọn cơm cho ăn vậy.

    Ðến đời của đức Th? Tôn chúng ta hiện tại. Vị quan coi sổ chi tiêu trong thời kỳ ấy sanh làm vua tại Vương Xá thành tên là Bình Sa Vương; và mười hai ngàn người lo phụ trách việc dọn vật thực cúng dường kia sanh làm người trong thành Vương Xá mà toàn là người giàu sang và con nhà quí phái thường đến hầu vua. Còn ba vị Thái tử sanh làm ba anh em ruột họ Kassapa xuất gia làm đạo sĩ cùng với một ngàn vị tùy tướng thân yêu.



    Sau khi độ được một ngàn lẻ ba vị đạo sĩ, đức Thế Tôn dẫn cả thảy vào Vương Xá thành. Ðức Phật định đi độ đức vua Bình Sa Vương. Ðức Phật ngự vào vườn thượng uyển, người giữ vườn lật đật vào cho đức vua hay. Ðức vua được tin ấy lấy làm hoan hỉ lập tức dẫn mười hai ngàn người bạn đến vườn thượng uyển hầu Phật.



    Khi đến nơi Phật ngự đảnh lễ Phật xong ngồi vào nơi phải lẽ. Mười hai muôn người theo đức vua Bình Sa Vương là hạng quí phái Trưởng giả, Bà la môn thấy đức vua đảnh lễ Phật cũng đảnh lễ. Có người ngồi yên, có người hỏi thăm sức khỏe của Phật theo phép xã giao. Có người lại nghĩ rằng: Ông đại Sa môn nầy là thầy của ông Uruvelakassapa hay ông Uruvelakassapa là thầy của ông đại Sa môn? Vậy ai là thầy, ai là trò?

    Ðức Thế Tôn biết sự suy nghĩ của các người ấy bằng Tha tâm thông, nên Ngài mới phán hỏi ông Uruvelakassapa rằng: KIMEVA DISVA URUVELASI v.v.. Nầy Uruvelakassapa , ông suy nghĩ thấy gì nên ông bỏ sự cúng dường thần Lửa. Và Như Lai hỏi do nguyên nhân nào mà ông bỏ sự thờ cúng ấy?

    Ông Uruvelakassapa đáp rằng: RÙPE CA SADDE CA ATTHORASO CA v.v.. Lẽ cố nhiên tiếng gọi là tế ấy có nghĩa là mong ước muốn được Ngũ trần Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc. Nay đệ tử hiểu rõ rằng: Những điều ấy toàn là phiền não; và cũng đã tìm thấy con đường đến Niết bàn là nơi không còn luân hồi, nên không còn tầm kiếm Ngũ trần, không còn sanh trong Dục giới, không còn ưa mến Ngũ trần, tâm không còn ưa thích tất cả các sự việc bên ngoài. Vì lẽ ấy nên đệ tử bỏ sự tế thần Lửa mà khi xưa kia đệ tử đã hành.

    Sau khi nói xong câu ấy Ngài liền cúi đầu lạy sát bên chân của đức Thế Tôn để cho những người có mặt tại nơi ấy biết rằng: Ngài là đệ tử của đức Phật. Rồi Ngài lại nói thêm rằng: Ðức Ðại Giác chính Ngài là Tôn sư của đệ tử. Tôi là đệ tử của Ngài.

    Nói xong Ngài dùng thần thông bay lên hư không cao độ một cây thốt nốt rồi trở xuống quì lạy y chỗ cũ, lại bay lên cao hơn lần trước một cây thốt nốt rồi đáp xuống nơi cũ và cũng cúi lạy lần thứ nhì, làm như thế bảy lần mỗi lần đều cao hơn một cây thốt nốt. (Mỗi cây thốt nốt cao độ mười hai thước).



    Tất cả những người có mặt nơi ấy đều nghĩ rằng: Ðức Ðại Giác là thầy của ba đạo sĩ họ KASSAPA .

    Ðại đức Uruvelakassapa bạch Phật: Khi xưa đệ tử cho rằng: Mình là bực A-la-hán, sau nầy nhờ ơn đức Thế Tôn giáo hóa nên mới diệt được tà kiến.

    - Không phải Như Lai mới độ được người trong kiếp nầy. Lúc quá khứ Như Lai cũng đã độ người khỏi độc vật là tà kiến rồi.

    Ðức Thế Tôn thuyết pháp Tứ Diệu Ðế. Sau khi dứt thời pháp hai muôn người theo đức Bình Sa Vương đắc Tu-đà-hườn quả, và một muôn người kia được thọ Tam qui làm thiện nam trong Phật giáo.

    Ðức Bình Sa Vương mới bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn trong khi tôi còn là một vị hoàng tử có phát nguyện năm điều là:

    1) Muốn được phong vương trị vì thiên hạ thay phụ vương.

    2) Khi có vị Chánh đẳng Chánh giác trong cõi Diêm Phù nầy, xin hãy ngự đến xứ của trẫm trước nhứt.

    3) Xin cho tôi được vào hầu Phật.

    4) Xin đức Chánh đẳng Chánh giác thuyết pháp độ tôi.

    5) Xin cho tôi đắc được Thánh quả.

    Hiện nay năm điều nguyện vọng của trẫm đã đoạt thành. Trẫm rất hài lòng đối với đời sống nầy rồi, trẫm cũng chẳng thấy có gì cao cả hơn Pháp bảo. Kể từ vô thủy đến nay trẫm ví như cái chén úp, hôm nay người đến lật ngửa lên; hoặc cũng ví như một vật gì khác che đậy kín, nay có người đến đem vật che ấy ra; hay ví như người đi lạc đường có được người khác đến chỉ đường cho ra được, hoặc giả như người ở nơi tăm tối lại có người đem đèn đến đốt cho sáng, hay như người mù được vị lương y chữa cho được sáng mắt. Tôi xin qui y Tam bảo, xin đức Thế Tôn nhận biết rõ rằng: Trẫm là người Thiện nam trong Phật giáo kể từ giờ phút nầy. Trẫm xin kính thỉnh đức Thế Tôn và chư Tăng đến thọ thực nơi hoàng cung để trẫm được vun trồng thêm phước thiện.

    Ý nói của đức Bình Sa Vương là Ngài là người mù, là cái chén úp v.v.. mà đức Thế Tôn là người đến chữa cho và lật chén lên.

    Ðức Thế Tôn nhận lời bằng cách lặng thinh. Ðức vua biết rõ ý của đức Thế Tôn nên đảnh lễ xong ra về.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:46 AM | Message # 23
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ TƯ

    ÐỘ HAI VỊ ÐẠI ÐỆ TỬ

    -ooOoo-

    Sáng ngày, người trong Vương Xá thành trông thấy được đức Chánh đẳng Chánh giác có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi tướng phụ, hào quang sáu màu sáng rỡ; tiếng đồn cả thành, những người không thấy đều muốn thấy để chiêm ngưỡng tướng hảo quang minh của Ngài. Người người giành và chen lấn nhau, kẻ thì đi đến vườn thượng uyển, kẻ đứng theo hai bên vệ đường, dài cả ba dặm đường. Vì người chen lấn chật cả đường lối nên đức Thế Tôn không thể chen vào thành khất thực được. Trong khi ấy, đã gần trưa mà đức Thế Tôn không thể vào thành được nên khiến cho nóng đến Ðế Thích. Ngài mới lấy làm lạ, Ngài mới để ý coi tại sao? Khi ấy Ngài biết dân chúng đang đón chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, nên đức Thế Tôn không thể ngự vào thành khất thực được.

    Thiên Vương Ðế Thích liền hiện ra một người thanh niên trẻ và thật đẹp, đứng trước mặt đức Thế Tôn, ca một bài ca thật hay, tiếng hát thật là êm dịu âm điệu du dương hấp dẫn tất cả quần chúng đang tụ tập nơi ấy làm cho đức Thế Tôn không có ngõ đi vào thành. Ý nghĩa của bài hát ấy là ca tụng công đức Phật bảo như vầy: MOTTO MATTEHI SAHA PURANAJATILEHI. Ðức Thế Tôn thân có sáu màu hào quang tươi đẹp, Ngài có công đức cao cả nhứt trong tam giới, Ngài giải thoát cho các vị đạo sĩ đã tự mình cho mình là bực Thánh nhơn khỏi luân hồi. Ðức Phật là đấng có Thập Lực; có Trí tuệ hiểu thông các pháp nhứt là pháp của chư A-la-hán, Ngài có một ngàn vị Thánh Tăng theo hầu và đang ngự đi vào Vương Xá thành. Theo đây tôi xin giải Thập Lực tóm tắc:

    DASABALANÀNA - THẬP LỰC

    1) THÀNÀTHANANÀNA. Tuệ hiểu rằng: Ðây là nhân hay không phải nhân.

    2) VIPÀKANÀNA. Tuệ hiểu rõ rằng: Ðây là quả của nghiệp.

    3) SABBATTHAGÀMIMAGGÀNÀNA. Tuệ hiểu rõ những con đường đi trong mọi nơi.

    4) NÀNÀDHÀTUNNA. Tuệ hiểu rõ thế gian nầy cấu tạo bởi nhiều chất khác nhau.

    5) NÀNÀDHIMUTTINÀNA. Tuệ hiểu rõ rằng: Chúng sanh có tính nết khác nhau.

    6) INDRIYAPAROPRIYATTINÀNA. Trí tuệ biết rõ chúng sanh có duyên lành nhiều ít khác nhau.

    7) JHÀNÀDINÀNA. Trí tuệ hiểu rõ sự nhơ đục hay trong sạch của thiền định, và sự xuất thiền.

    8) PUBBENIVÀSANÀNA. Trí tuệ hiểu rõ tiền kiếp của chúng sanh.

    9) CUTÙPATANÀNA. Tuệ hiểu rõ cảnh giới đi sanh của chúng sanh.

    10) ASAVAKKHAYANÀNA. Tuệ hiểu rõ phương pháp hành để tận diệt phiền não.

    Khi đức Ðế Thích ca tụng xong công đức của Phật bảo như thế, Ngài liền từ từ đi trước Phật. Vì hiện thân của Ngài một người rất đẹp, nên những người gần ấy bị hấp dẫn bởi tiếng hát và câu văn cùng tướng đẹp nên họ từ từ dang ra nhường đường cho đức Ðế Thích đi; đức Phật lại đi theo sau.

    Những người có mặt tại nơi ấy đều nghĩ rằng: Người thanh niên nầy đẹp trai làm sao? Lời lẽ thanh tao làm sao? Người như thế nầy chúng ta chưa bao giờ gặp.

    Những người ấy liền hỏi nhau rằng: Người thanh niên nầy từ đâu đến? Con của ai?

    Khi đức Ðế Thích nghe vậy biết rằng: Người người đều chú tâm đến Ngài đây là dịp may để Ngài ca tụng công đức của Phật bảo. Ngài liền hát rằng: Ðức Chánh đẳng Chánh giác nào là bực Ðại trí thức, có thể dạy được thân, và diệt tận phiền não (trong tâm), Ngài là đấng đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường. Ngài ngự đến nơi cao quí an lạc là Niết Bàn, không còn một ai sánh bằng Ngài, tôi là người theo hầu hạ Ngài.

    Quần chúng vì lo bu quanh đức Ðế Thích để hỏi chuyện nên đức Thế Tôn không bị người bu quanh, Ngài cùng chư Tăng vào thành Vương Xá thọ thực nơi hoàng cung.

    Ðức Bình Sa Vương bạch với Phật rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, nếu trẫm không có nơi nương nhờ là Tam bảo thì trẫm cảm thấy đời trẫm thật là vô vị. Tâm trẫm không hề nghĩ gì ngoài ra Tam bảo. Mặc dầu trong đêm khuya khoắc mà trẫm nhớ đến đức Thế Tôn trẫm cũng ngự đi đến thăm liền. Vì vậy nên vườn thượng uyển đối với trẫm thì thật quá xa trong đêm thanh vắng. Còn Trúc Lâm là nơi gần hoàng cung hơn, trẫm có thể ngự đến bất cứ giờ nào. Vậy xin Ðức Thế Tôn vui lòng thâu nhận Trúc Lâm làm nơi Phật ngự.

    Nói xong đức vua liền lấy bình đựng nước bằng vàng chế xuống trên tay Phật, ý Ngài tỏ ra đã dâng cúng Trúc Lâm đến Phật rồi.

    Khi đức Thế Tôn lãnh Trúc Lâm xong, quả địa cầu rung động, dường như quả địa cầu muốn nói rằng: Rễ của Phật giáo đã mọc và ăn sâu vào quả địa cầu rồi. Ðây là tịnh xá đầu tiên chính đức Phật làm tọa chủ thọ lãnh. Từ đây gọi là Trúc Lâm tịnh xá.

    Nói về Ngạ quỉ mà tôi đã nói đoạn trước ở gần bên đức vua nhưng Ngài đâu hay biết gì. Bọn nầy không được Ngài hồi hướng cho mới nghĩ rằng: Kỳ làm phước nầy, đức vua không hồi hướng phước cho chúng ta, vậy chúng ta còn vị quyến thuộc nào trong đời nầy ngoài ra Ngài chăng?

    Các Ngạ quỉ thấy không còn có ai nữa nên rất buồn rầu than khóc thương hại cho phận mình. Ðến đêm lại bọn Ngạ quỉ lại vào hoàng cung la to lên như vầy: MAYAMASSU DUKKHITA PETA. Chúng ta là quỉ đói bị thọ khổ trong cảnh âm u. Không hề được ăn uống vật chi hết, bị đói khát hành hạ khổ sở, thân tâm bị khổ không phút nào thảnh thơi.

    Ðức vua nghe câu ấy mới hỏi: Các người là gì?

    Bọn Ngạ quỉ hiện thân rõ cho đức vua thấy, những thân hình chỉ còn một lớp da mỏng bao bộ xương khô, đen như cột nhà bị cháy; tóc dài, thấy đáng thương hại và kinh sợ, thân cao bằng cây thốt nốt, đầu to như trái bầu non bị khô, mắt sâu vào trong. Thật là một hình hài đáng ghê sợ. Ðây cũng vì tội tham ăn mà ra.



    Ngạ quỉ mới nói cho đức vua biết sự khổ cực của Ngạ quỉ không có con số nào để nói cho hết năm bị đày đọa như vầy. Ðức vua lấy làm thương hại. Sáng ngày, vào hầu Phật tại Trúc Lâm tịnh xá, bạch qua những điều tai nghe mắt thấy đêm hôm.

    Ðức Thế Tôn dạy: Hôm qua Ðại vương làm phước nhưng không hồi hướng phước báu cho Ngạ quỉ là quyến thuộc của Ngài trong kiếp quá khứ. Vì vậy chúng đến than khóc cầu xin phước.

    - Bạch Ðức Thế Tôn, hôm nay có thể cúng dường nữa được hay không?

    - Tâu Ðại Vương, được.



    - Vậy đệ tử xin thỉnh đức Thế Tôn và chư Tăng vào hoàng cung thọ thực trong buổi sáng hôm nay.

    Ðức Thế Tôn nhậm lời bằng sự lặng thinh. Ðức vua lật đật về hoàng cung lo sắp đặt cuộc trai Tăng. Và đức Thế Tôn cùng chư Thánh Tăng đến thọ thực.

    Trong khi ấy Ngạ quỉ lấy làm vui mừng và bảo nhau rằng: Chúng ta sẽ được hưởng phước trong ngày hôm nay. Bọn Ngạ quỉ ấy chen nhau đ?ng bên vách, gần cửa v.v... Ðể đợi thọ lãnh phước hồi hướng.

    Sau khi cúng dường vật thực xong: Ðức vua mới hồi hướng rằng: Xin cho quả của sự bố thí nầy hãy thấu đáo đến quyến thuộc tôi.

    Liền trong khi ấy bọn Ngạ quỉ cảm thấy no; thân hình trở nên tốt đẹp không còn tiều tụy như xưa nữa. Nhưng không có y phục che thân. Ðêm đến, Ngạ quỉ lại vào hoàng cung kêu xin y phục.

    Ðức vua lại vào hầu Phật và bạch hỏi như trước.

    Ðức Phật dạy bố thí y cho chư Tăng và hồi hướng phước báu cho Ngạ quỉ. Ngạ quỉ được y phục đẹp và phước khi xưa đến trả quả nên Ngạ quỉ ấy được thành chư Thiên.



    Sau khi lễ cúng dường đức Thế Tôn thuyết mười hai câu kệ bài kinh ấy gọi TIROKUTASUTTA. Bài kinh nầy Ngài Ðại Ðức Hộ Tông đã ấn tống trong quyển Kinh Tụng.

    Ðức vua trai Tăng luôn bảy ngày và đức Thế Tôn cũng thuyết bài kinh ấy luôn bảy ngày. Chúng sanh nghe bài kinh ấy kinh sợ tội lỗi lo tu hành và làm phước bố thí đến chư Tăng. Và đắc quả Tu-đà-hườn không ít.

    Trong khi ấy hai vị đệ tử chánh thức là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên còn là hai người ngoại đạo, cùng ở gần Vương Xá thành.

    Thiên nầy quan trọng chỉ về độ hai vị Ðại đệ tử chánh thức nên nơi đây xin nhắc đến sự tìm đạo của hai vị ấy.

    Trong khi đức Phật chưa thành đạo, ông Xá Lợi Phất (đệ tử tay mặt) sanh vào lòng của bà Bà la môn quí phái sang giàu tên bà là SÀRÌ (Tàu âm: Xá Lợi), ở làng UPATISA gần Vương Xá thành. Cũng trong đêm mà đức Xá Lợi Phất sanh vào lòng mẹ. Tại làng Kolita có một bà Bà la môn cũng quí phái sang giàu nhứt vùng tên là Mogalli (Tàu âm là Mục Kiền Liên) cũng thọ thai. Hai gia đình nầy là bạn chí thân với nhau cả bảy đời.

    Ðúng mười tháng, hai bà cùng sanh một lượt. Và cũng chọn sáu mươi sáu người vú nuôi con như nhau.

    Lấy tên chỗ ở đặt tên con, nên bà Sàrì đặt tên con là UPATISSA; và cũng gọi là SARIPUTTA (Tàu âm là Xá Lợi Phất) có nghĩa là con bà Xá Lợi (Tàu âm là Xá Lợi Tử).

    Còn con bà Mục Kiền Liên đặt tên là KOLITA, mà cũng gọi là Mục Kiền Liên, có nghĩa là con bà Mục Kiền Liên. Sau này thường gọi là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

    Khi lớn lên Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là đôi bạn chí thân cùng học một trường, cùng chơi với nhau một cách, nghĩa là giống nhau từ cách ăn mặc và hợp nhau tính tình đi chơi nơi nào cũng có nhau như hình với bóng.

    Ngày nọ, cả hai đang xem lễ, nhưng hai ông cũng đồng cảm tưởng như nhau. Vì duyên lành của hai ông đã đến nên khiến cả hai đồng nghĩ rằng: Có lợi ích gì với sự xem cuộc lễ nầy, tuổi thọ của ta không đến trăm tuổi. Vậy tốt nhứt ta nên tìm phương giải thoát.



    Rồi cả hai đồng thanh hỏi nhau, và cùng đồng một tư tưởng như nhau, không thấy còn thích thú trong những cuộc vui.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:46 AM | Message # 24
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Ông Xá Lợi Phất nói rằng: Hai chúng ta cũng đồng nghĩ đến việc giải thoát. Vậy việc đáng thật hành trước nhất là chúng ta nên xuất gia tầm đạo.

    Cả hai đồng tình xuất gia.

    Thời kỳ ấy rất có nhiều tôn giáo, nhưng tôn giáo mà có tên tuổi và có nhiều người sùng bái nhứt tại Vương Xá thành là đạo ông Sanjaya. Vì vậy nên hai ông Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên chọn ông Sanjaya làm thầy và xuất gia theo giáo lý của ông ấy.

    Sau khi xuất gia theo giáo phái của ông Sanjaya, hai ông học qua triết lý của ông ấy chỉ trong vòng vài ngày đã thuộc và hiểu biết. Vào hỏi còn những gì nữa, ông thầy bảo là hết rồi. Hai ông thấy vậy biết rằng: Ðây không phải là đạo giải thoát. Vậy nên hai ông bảo nhau rằng: Phạm hạnh của ông Sanjaya không đáng kể, không phải là đường giải thoát. Cõi Diêm Phù nầy to rộng làm sao cũng có một vị Ðại giác, vậy chúng ta chia nhau đi tìm thế nào cũng gặp; vị cao nhơn ấy sẽ chỉ pháp hành đến nơi giải thoát cho chúng ta.

    Kể từ ngày hai ông theo đạo của ông Sanjaya thì lợi lộc đến cho đạo nầy không ít.

    Khi hai ông đồng tình nghĩ như thế, lại bảo nhau rằng: Nếu ai tìm ra được pháp bất diệt trước thì hãy cho người kia hay để đi theo. Từ ngày ấy đi nếu hai ông nghe nơi nào có bực cao Tăng đạo đức thì tìm đến để học đ?o.

    Trong khi hai ông đang tầm đạo thì đồng thời đức Thế Tôn đang Chuyển pháp luân tại vườn Lộc Giã độ năm vị Kiều Trần Như và lại độ sáu mươi vị A-la-hán rồi, cho quí Ngài ra đi mọi nơi để truyền đạo. Và cũng trong khi ấy đức Thế Tôn cũng đang ngự tại Trúc Lâm tịnh xá.

    Ngài đại A-la-hán là đức Assaji là một trong năm vị Kiều Trần Như đang đi vào thành khất thực.

    Ðồng thời là đức Xá Lợi Phất cũng đang về chùa của ông Sanjaya. Khi ông Xá Lợi Phất trông thấy Ngài Ðại Ðức có lục căn thanh tịnh tướng rất cai nghiêm vẻ mặt vui tươi và đầy từ ái, ông phát tâm tín thành trong sạch với hạnh kiểm của Ngài Ðại Ðức. Ông mới nghĩ rằng: Ta chưa bao giờ được thấy được gặp một vị xuất gia, hay đạo sĩ nào như thế nầy, và cũng chưa bao giờ gặp được vị nào đắc A-la-hán quả trong thế gian nầy, và cũng chưa hề gặp được vị nào hành đạo để giải thoát khỏi bể luân hồi nầy, vị xuất gia nầy chắc thuộc vào một trong những hạng ta chưa bao giờ gặp. Vật ta phải vào hầu Ngài để hỏi Ngài pháp giải thoát. Ông lại nghĩ: Vị xuất gia nầy chắc đi khất thực từng nhà, vậy ta không thể hỏi Ngài được, ta phải theo sau Ngài rồi thừa dịp để hỏi đạo Ngài. Ta không nên hỏi theo đường như vậy.

    Vì nghĩ vậy nên ông từ từ theo sau Ðại Ðức, đến khi Ngài khất thực vừa đủ ăn, Ngài lại đi đến nơi thanh vắng mát mẻ chọn một nơi để ngồi xuống thọ thực. Ông Xá Lợi Phất thấy vậy liền lấy tọa cụ của mình trải ra, lấy bình đựng nước của mình đem đến dâng cúng, đi múc nước rửa tay cho Ngài Ðại Ðức.

    Sau khi thọ thực xong, ông Xá Lợi Phất mới hỏi: Thưa Ngài, Ngài có mặt mày tươi tắn tỏ ra người thoát tục, vậy Ngài xuất gia với ai? Ai là Sa môn của Ngài? Ngài học những pháp gì?

    Ngài Ðại Ðức Assaji đáp: Nầy ông, vị đại Sa môn giòng Thích Ca bỏ ngai vàng xuất gia Ngài là Tôn sư bần đạo, và bần đạo là người học giáo pháp của Ngài.

    - Vị Tôn sư của Ngài dạy Ngài những pháp nào?

    Ðại Ðức Assaji nghĩ rằng: Thường thường những người ngoại đạo hằng là người chống đối với Phật giáo. Vậy ta nên dạy pháp thật cao siêu huyền diệu. Khi ấy Ngài mới dạy rằng. Nầy ông, vì bần đạo xuất gia không bao lâu, nên không thể nào giảng giải kinh luật rất huyền diệu của đấng Giác Ngộ được chu đáo cho ông hiểu được.

    - Bạch Ngài Sa môn, tôi tên là Upatissa mà cũng gọi là Xá Lợi Phất, Ngài cứ dạy pháp mà Ngài đã đắc, mặc dầu ít hay nhiều cũng được, tôi sẽ cố hiểu pháp ấy rất vi tế.

    Ngài Ðại Ðức mới dạy câu kệ rằng:

    YE DHAMMÀ HETU PPABHAVÀ v.v...

    Chư pháp tùng duyên sanh.
    Diệt phục tùng duyên diệt.
    Ngã Phật đại Sa môn.
    Thường tác như thị thuyết.

    Nghĩa là:

    Các pháp nào sanh lại cũng đều do nhân cả, khi nhân ấy diệt rồi, thì các pháp kia cũng diệt. Ngài đại Sa môn dạy như vậy.



    Sự thật câu kệ nầy đức Thế Tôn dạy rất ngắn nhưng lại thâu gọn ba pháp của Tứ Diệu Ðế là Khổ, Tập, Diệt. Ta có thể hiểu câu kệ ấy rằng sanh là do nơi phiền não và diệt là không còn phiền não.

    Chỉ nghe qua bài kệ chỉ có bốn câu, mỗi câu tám tiếng thôi, vậy mà ông Xá Lợi Phất đắc Tu-đà-hườn quả nên ông nói rằng: Ngài Ðại Ðức, xin Ngài khỏi nhọc lòng thuyết thêm nữa. Bạch Ngài vậy đức Ðại Giác ngự nơi nào?



    - Nầy ông, đức Ðại Giác đang ngự Trúc Lâm tịnh xá.

    - Bạch Ðại Ðức xin Ngài về trước, tôi còn một người bạn, chúng tôi có hứa với nhau rằng: Nếu ai đắc được pháp bất diệt trước phải về báo tin. Vì vậy tôi phải trở lại để giải quyết vấn đề đã ước định từ trước, tôi sẽ dẫn bạn tôi vào hầu đức Bổn Sư.

    Nói xong ông liền quì xuống đảnh lễ Ngài rất cung kính và đi quanh Ngài ba vòng rồi mới ra đi. Ðây là phong tục của người thuở ấy tỏ lòng kính trọng người mà mình lễ bái và kiếu từ ra đi.

    Ngài Ðại Ðức thì trở về Trúc Lâm tịnh xá còn ông Xá Lợi Phất thì trở về chùa ngoại đạo.

    Khi ông Mục Kiền Liên ở chùa trông thấy ông Xá Lợi Phất từ xa về mới nghĩ rằng: Hôm nay sắc mặt bạn ta quang minh vui vẻ, trạng thái khác thường, chắc bạn ta đã tìm ra pháp bất diệt. Khi ông Xá Lợi Phất đến gần mới hỏi: Ông Xá Lợi Phất thuật lại mọi việc đã biết và nhắc lại câu kệ của Ðại Ðức Assaji cho ông Mục Kiền Liên nghe. Ông Mục Kiền Liên cũng đắc Tu-đà-hườn quả nên mới bảo rằng: Thôi chúng ta hãy đến nơi cư ngụ của đức Ðại Giác.



    Ông Xá Lợi Phất nói: Nầy bạn, nay chúng ta đã đắc được pháp bất diệt rất cao quí, chúng ta nên cho ông Sanjaya biết, dầu sao ông ấy cũng là thầy cũ của chúng ta, nếu ông có nhiều duyên lành ông cũng có thể giác ngộ pháp cao thượng, và ông sẽ đi đến hầu đức Chánh giác để thính pháp.

    Hai ông bàn tính nhau xong, đến nơi thầy cũ và bảo rằng: Hiện giờ đã có đấng Giác Ngộ trong cõi đời nầy rồi, Pháp bảo của đấng Giác Ngộ đã dạy thật là chu đáo cao thượng, Tăng là các đấng thừa hành theo lời Phật dạy là Thánh Pháp cũng đã có. Chúng ta nên đến nơi cư ngụ của Ngài để hầu Ngài.



    Ông Sanjaya nghe nói vậy mới bảo rằng: Nầy hai con, vậy hai con nghe chuyện ấy ở đâu? Chúng ta có nhiều lợi lộc và tiếng tăm rất lớn, dại gì làm đệ tử của kẻ khác. Ông nói rất nhiều nhưng hai ông ấy không nghe. Ông biết rằng: Không còn phương pháp nào ngăn được nên ông mới bảo rằng: Vậy hai con hãy đi đi, ta đã già rồi, không thể làm đệ tử ai được nữa.

    - Thưa thầy, thầy không nên nghĩ như vậy.

    - Nầy hai con, người trí thức trong thế gian nầy nhiều hay người ngu dốt nhiều?

    - Người dốt nhiều.

    - Nếu vậy thì xin cho các bực trí thức theo thầy Sa môn Cồ Ðàm, còn người ngu dốt hãy đến với ta. Vậy hai con hãy đi đi.

    Hai ông dùng hết tài biện luận để khuyên nhủ ông Sanjaya nhưng không được, nên đành ra đi. Trong nhóm người ngoại đạo tu theo ông Sanjaya ấy theo hai ông hết hai trăm năm mươi vị nghĩa là đi hết phân nữa, vì vậy ông Sanjaya tức giận mửa máu ra mà chết.



    Trong khi hai ông đi đến Trúc Lâm tịnh xá nhằm lúc đức Thế Tôn đang thuyết pháp giữa hàng tín đồ. Ngài trông thấy hai ông ấy đi đến. Ðức Thế Tôn bảo chư Tăng rằng: Nầy chư Tăng, hai người ngoại đạo là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai người bạn thân đang đến với Như Lai, và hai người ấy là hai vị đại đệ tử chánh thức của Như Lai.



    Hai ông liền dẫn hai trăm năm mươi vị kia vào ngồi nghe pháp. Sau khi dứt thời pháp hai trăm năm mươi vị ấy đều đắc A-la-hán quả, chỉ có hai ông không đắc chi hết. Sau khi ấy tất cả các vị ấy đều xin xuất gia theo Phật giáo. Ðức Thế Tôn liền đưa tay ra bảo rằng: EHI BHIKKHU v.v... Râu tóc các vị ấy biến mất và trên mình hiện ra một bộ cà sa vàng. Thế là hai trăm năm mươi vị ấy đã thành Tỳ khưu. Từ ngày ấy trở đi đức Thế Tôn cho gọi tên hai vị ấy là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Vì vậy nên chúng ta ít nghe kêu tên thật của hai Ngài.



    Trong Chú giải có câu hỏi: Tại sao hai vị đại đệ tử Phật lại không thể đắc được ba quả cao hơn?

    Ðáp: Vì hai vị ấy có trí tuệ rất cao rộng nên không đắc mau lẹ được. Phàm người có trí tuệ không thể nghe bướng tin càn phải suy nghĩ nên tâm không được hoàn toàn an tịnh nên không đoạt được quả vị cao hơn.

    Sau khi xuất gia được bảy ngày, đến ngày thứ bảy, Ngài Mục Kiền Liên ở trong rừng vắng gần làng Kallavàla cũng gần thành Vương Xá, Ngài rán hành đạo rất tinh tấn, nhưng Ngài lại bị phiền não là hôn trầm. Ðức Thế Tôn ở xa nhưng biết rõ căn bịnh và duyên lành của vị đại đệ tử nầy nên Ngài ngự đến thuyết pháp phương pháp trừ hôn trầm và cách tham thiền về thể chất. Sau khi dứt thời pháp thì Ngài đắc A-la-hán quả;

    Ðức Xá Lợi Phất sau khi xuất gia được mười lăm ngày, ngày thứ mười lăm được đi theo hầu Phật đến cái hang tên SUKARALENA gần thành Vương Xá được nghe đức Thế Tôn thuyết thời pháp độ cháu bà con của Ðại Ðức (Xá Lợi Phất) tên là Dighanakha , thời pháp ấy gọi là VEDANÀPARIGGAHA (Học về Thọ). Người ấy đắc được Tu-đà-hườn quả. Còn Ngài đắc A-la-hán quả. Khi ấy đức Thế Tôn mới bay về Vương Xá thành có đủ mặt hai vị đại đệ tử. Ngài Xá Lợi Phất là đệ tử tay phải. Còn đức Mục Kiền Liên là đệ tử chánh thức tay trái.

    Ðức Thế Tôn liền thuyết TÚC SANH TRUYỆN của Ðại Ðức XÁ LỢI PHẤT và MỤC KIỀN LIÊN.



    Một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp kể từ Ðại kiếp nầy về trước. Ðức Xá Lợi Phất sanh vào một gia đình đại Trưởng giả dòng quí tộc mà hạng Bà la môn; tên là SARADA. Sau khi mẹ cha đã quá vãng, ông nhận thấy đời không bền vững lâu dài, của cải không đem hạnh phúc đến, khi chết lại không mang được những gì theo mặc dầu cái thân nầy ta cho là của ta, quí trọng nó nhưng cũng chỉ là một đống thịt xương hôi thối. Ngài mới đem của cái đã có ra cho người nghèo khó, và xuất gia trong rừng thanh vắng, ông đắc đư?c Ngũ thông và có đến bảy muôn bốn ngàn đệ tử.

    Ðồng thời ấy có một vị Chánh đẳng Chánh giác có hồng danh là ANOMADASÌ. Ðức Phật trông thấy duyên lành của ông đạo sĩ Sarada; nên Ngài nghĩ rằng: Như Lai phải đến nơi cư ngụ của vị đạo sĩ nầy ngày hôm nay, sự đến nơi ấy của Như Lai sẽ được kết quả tốt đẹp là sẽ thuyết pháp độ vị đạo sĩ ấy, vị đạo sĩ ấy sẽ phát nguyện là đại đệ tử tay phải của vị Chánh đẳng Chánh giác ngày vị lai; cũng có một ông Trưởng giả tên SARIVADANA là bạn của vị đạo sĩ ấy cũng phát nguyện làm vị đại đệ tử tay trái của vị Chánh đẳng Chánh giác ngày vị lai. Dứt thời pháp bảy muốn bốn ngàn vị đệ tử của vị đạo sĩ ấy sẽ đắc A-la-hán quả.

    Sau khi nghĩ vậy xong, đức Thế Tôn liền đắp y mang bát và bảo một vị Tỳ khưu ở bên ấy rằng: Như Lai đi vắng. Rồi Ngài dùng thần thông bay đi; khi đến nơi Ngài ngự ngay trước sân tư thất của vị đạo sĩ.

    Ông đạo sĩ Sarada trông thấy đức Thế Tôn biết chắc trong tâm rằng: Ðây là đấng Ðại Giác, đến tế độ ta. Ông liền đến gần Phật và cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài một cách thành kính. Rồi tự mình trải tọa cụ thỉnh đức Phật ngự lên; còn ông thì ngồi nơi thấp hơn ở mé dưới đức Thế Tôn khi ấy tất cả các vị đạo sĩ đem trái cây mùi vị ngọt ngon thơm rất quí đến để cúng dường cho thầy. Khi thấy thầy ngồi dưới đức Phật ngự bên trên nên phát tâm trong sạch kính thành liền đảnh lễ đức Thế Tôn.

    Ông đạo sĩ Sarada bảo các vị đệ tử rằng: Ðồ vật nầy của chúng ta đáng để cúng dường đến đức Ðại Giác. Hôm nay đức Thế Tôn ngự đến khất thực nơi đây, ta nên cúng dường tùy theo của ta đã có; các vị nên chuẩn bị những trái cây quí để cúng đến đức Như Lai.

    Các vị đạo sĩ liền đi rửa tay cho thật sạch mới đem trái cây đến cúng dường cho đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn thọ lãnh bằng bát, chư Thiên cũng nhân cơ hội ấy đem thực phẩm đến cúng dường trong bát của đức Thế Tôn vì vậy mùi thơm của trái cây thật thơm ngon.



    Sau khi thọ thực xong, ông đạo sĩ Sarada rót nước đem đến dâng tận tay của đức Thế Tôn. Ðức Phật lại gọi tất cả các vị đạo sĩ đến, Ngài hỏi thăm sức khỏe và sự ăn ở có yên vui không. Ðây là xã giao thôi không có gì về chuyện thế tục.



    Khi ấy, đức Thế Tôn mới nghĩ rằng: Hai vị đại đệ tử tay phải và tay trái cùng chư Thánh Tăng hãy đến nơi đây.

    Hai vị đại đệ tử và chư Thánh Tăng hiểu được ý định của đức Thế Tôn nên các Ngài hiện đến nơi ấy liền, khi hiện ra các Ngài đảnh lễ đức Phật rồi ngồi nơi phải lẽ.

    Ông Ðạo sĩ Sarada thấy chư Thánh Tăng đến rất nhiều, chỗ ngồi lại không có đủ. Ðức Thế Tôn ngồi nơi thấp không xứng đáng vì Ngài chỉ ngồi trên một cái tọa cụ của ông đạo sĩ thôi. Ông Sarada mới gọi chư đệ tử của mình đến bảo rằng: Chỗ đức Thế Tôn ngồi quá thấp, hai vị đại đệ tử không chỗ ngồi, mà chư Thánh Tăng càng không có chỗ ngồi nữa. Các ông nên cúng dường cao thượng đến chư Thánh nhơn có đức Phật làm chủ tọa. Vậy các ông nên đi bẻ hoa có màu đ?p mùi thơm đem về làm bảo tọa cho cao và hai bảo tọa hai bên cho hai vị đại đệ tử và các bảo tọa khác cao thấp khác nhau vì có cao hạ và thấp hạ khác nhau. Các vị đạo sĩ ấy vâng lời lập tức tạo thành một bảo tọa để Phật ngự thật là cao và đẹp. Hai bảo tọa hai bên thấp hơn.



    Trong bộ chú giải nầy hỏi: Tại sao các vị đạo sĩ ấy tạo ra bảo tọa mau như vậy được?

    Ðáp: Các vị đạo sĩ ấy toàn là các vị có Tứ thiền và có thần thông nên các Ngài dùng thần thông nên mau như vậy.



    Sau khi sắp đặt bảo tọa và chỗ của chư Tăng xong. Ông đạo sĩ Sarada mới đảnh lễ đức Thế Tôn và bạch rằng: Xin kính thỉnh đức Thế Tôn ngự trên bảo tọa hầu cho chúng tôi được sự an vui lợi ích trong kiếp nầy và vị lai.

    Ðức Thế Tôn cùng hai vị đại đệ tử và chư Thánh Tăng mới an vị nơi chỗ thích hợp với mình. Ông đạo sĩ Sarada làm một cây lọng bằng hoa màu thật đẹp và thật thơm đem đến che cho đức Phật.

    Ðức Thế Tôn nghĩ rằng: Sự cúng dường của vị đạo sĩ có được quả báo cao thượng. Rồi đức Thế Tôn không nói một lời nào Ngài liền nhập Ðại định, hai vị đại đệ tử và Chư Tăng cũng đều nhập Ðại định. (Ðịnh nầy nhập luôn bảy ngày đêm).



    Vị đạo sĩ Sarada không hề nản chí ngã lòng, ông đứng che lộng cho đức Thế Tôn trọn cả bảy ngày không hề ăn uống vật chi hết, nhưng vẫn khỏe vui vẻ như thường.

    Sau khi xuất Ðại định đức Thế Tôn dạy đại đệ tử tay phải của Ngài là Ngài Ðại Ðức NISABHA rằng: Ngươi hãy làm lễ cầu chúc cuộc lễ cúng dường trái cây và chỗ ngồi làm bằng tràng hoa của chư vị đạo sĩ này. Ðại Ðức Nisabha vâng lời. Ngài dạy về quả báo của sự cúng dường đến các bực Thánh nhơn nhất là đấng Giác Ngộ. Sau thời pháp ấy đức Thế Tôn dạy vị đại đệ tử tay trái của Ngài thuyết thêm. Vị Ðại Ðức nầy vâng lời thuyết thêm. Cả hai vị đại đệ tử thuyết xong nhưng không có vị đạo sĩ nào đắc được quả vị chi trong Phật giáo cả. Khi ấy đức Thế Tôn mới thuyết pháp. Khi dứt thời pháp thì cả bảy mươi bốn ngàn vị đạo sĩ đều đắc A-la-hán quả chỉ trừ vị đại đạo sĩ Sarada không đắc chi hết vì tâm ông ta nghĩ rằng: Ta làm sao đắc được quả vị của vị đại đệ tử chánh thức tay mặt của Phật ngày vị lai. Ông mới đảnh lễ đức Thế Tôn xong và bạch rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn vị Ðại Ðức ngồi trên bảo tọa tay phải của Ngài có quí danh là chi?

    Ðức Thế Tôn đáp: Vị Tỳ khưu ấy, đã hành xong phạm hạnh Ba la mật của một vị đại đệ tử chánh thức tay phải của Phật. Nên đắc được Pháp nhãn, hiện nay là đại đệ tử chánh thức tay phải của Như Lai.

    Vị đạo sĩ Sarada mới phát nguyện rằng: Do nhờ oai đức cúng dường trái cây và bảo tọa kết bằng hoa và dùng lọng hoa đẹp che cho đức Thế Tôn cả bảy ngày. Tôi không có một ảo vọng nào ngoài ra tôi xin nguyện được thành vị đại đệ tử chánh thức tay mặt của vị Chánh đẳng Chánh giác sau nầy.

    Ðức Thế Tôn dùng Tuệ xem lại thấy rõ rằng: Một A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp về sau nầy, sự nguyện vọng hôm nay của ông đại đạo sĩ Sarada sẽ kết quả. Nên Ngài mới dạy rằng: Ðến một A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp sau nầy; sẽ có một vị Chánh đẳng Chánh giác danh hiệu là GOTAMA, Phật mẫu là bà Ma Da hoàng hậu, thân phụ là TỊNH PHẠN VƯƠNG, con trai là La Hầu La, đệ tử cận là Ananda, đệ tử tay trái của Ngài là Mục Kiền Liên, còn đệ tử tay mặt là Xá Lợi Phất chính là thầy hiện nay vậy.



    Sau khi thuyết pháp xong, đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng ngự đi trên hư không về chùa.

    Vị đạo sĩ Sarada bảo các vị đệ tử rằng: Xin quí Ngài bảo cho bạn tôi biết rằng: Tôi đã phát nguyện làm đệ tử tay phải của đức Chánh đẳng Chánh giác trong ngày vị lai. Vậy ông cũng nên phát nguyện là đệ tử tay trái của đức Ðại Giác ngày vị lai.



    Hôm sau vị đạo sĩ Sarada đến nhà người bạn là Sirivaddhana. Ông thấy vị đạo sĩ chỉ đến có một mình lật đật ra rước vào trải tọa cụ mời ngồi và hỏi: Bạch Ngài, còn các vị đạo sĩ khác đi đâu hết, mà ngài đến đây một mình?



    Vị đạo sĩ thuật rõ chuyện đã qua và nói rằng: Chư vị ấy đã đắc A-la-hán quả rồi, nên đã hầu Phật, và chính tôi đã nguyện thành đệ tử chánh thức tay phải của Phật vị lai.

    Ông Sirivaddhana nghe qua lấy làm hoan hỉ, ông liền cho người dọn sân cho thật rộng che rạp kết tràng hoa thật đẹp xong lại nhờ vị đạo sĩ thỉnh đức Phật và chư Thánh Tăng ngự đến để cúng dường.

    Khi đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng đến nơi, ông Sirivaddhana ra tiếp bát của đức Phật thỉnh vào và trai Tăng thật là cung kính. Ông cúng dường như thế liên tiếp bảy ngày liền, đến ngày thứ bảy ông phát nguyện thành đệ tử chánh thức tay trái của vị Chánh đẳng Chánh giác ngày vị lai.



    Ông nguyện như vầy: Bạch đức Thế Tôn, bạn tôi là ông đạo sĩ Sarada nguyện thành vị đại đệ tử chánh thức tay phải của đức Chánh đẳng Chánh giác ngày vị lai. Tôi cũng xin làm đệ tử chánh thức tay trái của vị Ðại Giác ngày vị lai. Xin cho đệ tử đắc kỳ sở nguy?n.

    Ðức Thế Tôn dùng Tuệ giác xem thấy ông sẽ được y như ý nguyện, Ngài mới dạy như Ngài dạy ngài đạo sĩ.



    Khi thuyết xong Túc Sanh Truyện đức Thế Tôn mới dạy rằng ông đạo sĩ Sarada ấy là tiền thân của Xá Lợi Phất, và ông Sirivaddhana là tiền thân của Mục Kiền Liên.

    Vì đã hành đủ số Ba la mật của một vị đại đệ tử chánh thức tay phải và tay trái, nên hôm nay hai vị mới thành hai vị đại đệ tử tay phải và tay trái.

    Sau khi hai vị đại đệ tử đắc A-la-hán quả xong nhằm ngày rằm tháng giêng. Ðức Thế Tôn mới cho hội tất cả chư Thánh Tăng đến và thuyết về OVADAPATIMOKKHA. OVADA-PATIMOKKHA nghĩa là lời giảng dạy Ba La Ðề Mộc Xa. Ðây chỉ dạy cho chư Thánh Tăng thôi. Ba La Ðề Mộc Xa là tiếng âm của Phạn ngữ có nghĩa là: Giữ được trong sạch sẽ được giải thoát.

    Thời pháp nầy CATURASANNIPADA nghĩa là phải có đủ bốn nguyên nhân mới thuyết thời pháp trên.

    1) Ngày ấy phải là ngày rằm tháng giêng.

    2) Hội một ngàn hai trăm năm mươi vị Thánh Tăng có được Lục thông hội họp tại Trúc Lâm tịnh xá; không có sự kêu gọi của đức Thế Tôn nghĩa là tự hội họp lại không có ai kêu gọi.

    3) Tất cả chư Thánh Tăng hội trong đêm ấy đều là các bực xuất gia với đức Thế Tôn bằng cách EHI BHIKKHU .

    4) Chư Thánh Tăng ấy toàn là bực vô học, nghĩa là hạng A-la-hán không còn phiền não nữa.

    Ðời của đức Thế Tôn chúng ta chỉ có thuyết được một lần thôi.

    Trong bài kinh Ovàdapatimokkha ấy có những câu tóm lại như vầy.

    SABBAPAPASSA AKARANAM. Không nên làm các điều ác.
    KUSALASSUPASAMPADA. Làm toàn những điều lành.
    SACITTAMPARRIYODAPADA ANAM. Làm cho tâm trong sạch.
    ETAM BUDDHASASANAM. Ấy là lời giảng dạy của đức Phật.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:47 AM | Message # 25
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ NĂM

    VỀ THÀNH CA TỲ LA VỆ

    -ooOoo-

    Ðức Thế Tôn hành ba mươi pháp Ba la mật, hai mươi A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp, sự hành động như vậy Phạn ngữ gọi là CARIYÀ nghĩa là hành hầu đem lại ba điều lợi ích là:

    1) LOKATTHAKARIYA. Hành hầu đem lợi ích cho thế gian (ý nói hành hầu đem lợi ích cho người đời). Giải: Ðức Bồ tát hành ba mươi pháp Ba la mật như Bố thí v.v... Trong khi hành những pháp ấy, ý nói, Ngài vì thương hại chúng sanh cố hành để giải thoát là tìm ra lý đạo, và trong khi đang hành ấy cũng đem lợi ích lại cho chúng sanh.

    2) NATATTHACARIYA. Hành hầu đem sự lợi ích lại cho quyến thuộc. Có nghĩa là khi Ngài hành những pháp ấy thâm tâm Ngài có giúp đỡ quyến thuộc khi bị tai nạn, như kiếp Ngài sanh làm quạ, Ngài hy sinh bản thân mình để cứu loài quạ khỏi bị giết hại (Xin quí độc giả hay xem an lành, an lành giúp đỡ quyến thuộc sẽ thấy những tích ấy).

    3) BUDDHACARIYA. Hành hầu đem sự lợi ích cho đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ý nói rằng: Khi hành đúng theo ba mươi pháp Ba la mật và hai điều lợi ích trên là được quả vị tối cao là đại Giác Ngộ.

    Ðức Tịnh Phạn Vương hằng theo dõi tin tức của đức Thế Tôn từ khi xuất gia cho đến khi đắc thành bực Chánh đẳng Chánh giác về ngự nơi vườn thượng uyển và có được Bình Sa Vương dâng cúng Trúc Lâm tịnh xá.



    Khi ấy đức Tịnh Phạn Vương muốn thỉnh Phật về kinh đô Ca Tỳ La Vệ, nên Ngài mới gọi đến một vị Ðại thần và phán rằng: Nầy hiền khanh, hiền khanh nên dẫn theo một ngàn quan quân hầu đến Vương Xá thành vào Trúc Lâm tịnh xá bạch với Phật rằng: Phụ vương là đức Tịnh Phạn Vương đêm ngày thương nhớ Ngài; muốn gặp lại Ngài mong Ngài trở lại hoàng cung để Phụ vương gặp mặt. Khanh nên cố hết sức yêu cầu làm sao cho đức Thế Tôn ngự về đây với trẫm.

    Vị Ðại thần ấy vâng chiếu và dẫn một ngàn quan quân theo ra đi đến Trúc Lâm tịnh xá đường xa sáu mươi do tuần. Khi đến Trúc Lâm tịnh xá vào hầu Phật gặp lúc đức Thế Tôn đang thuyết pháp giữa hàng tín đồ, nên vị quan ấy không dám khinh động, đồng ngồi nghe pháp. Sau khi dứt thời pháp cả một ngàn vị ấy cùng quan Ðại thần đắc A-la-hán quả, rồi xin xuất gia. Vì vậy nên không thỉnh đức Thế Tôn về thành.

    Ðức Tịnh Phạn Vương đợi lâu không thấy tin tức về, nên Ngài lại đưa đi một vị nữa và cũng dẫn theo một ngàn quan quân để đi thỉnh Phật, nhưng các vị ấy cũng đều đắc A-la-hán quả nên không thỉnh Phật về. Ðức vua đưa luôn cả chín vị nghĩa là hết chín vị Ðại thần và chín ngàn quan quân nhưng không được tin tức gì hết, và quí vị ấy cũng đắc A-la-hán quả.

    Ðức vua cảm thấy rất là buồn và thất vọng nên Ngài nghĩ rằng: Cả chín vị Ðại thần và cả chín ngàn quan quân không một người nào thương yêu ta. Vậy trong trào thần có ai là người thương yêu ta, để giúp cho ta được toại nguyện chăng? Khi ấy Ngài lại nhớ đến một vị Ðại thần đang làm Quốc Vụ Khanh tên Kàludàyi là người cùng đồng sanh một ngày giờ, năm sanh với đức Phật. Ðức vua mới truyền gọi đến và bảo rằng: Nầy hiền khanh; trẫm muốn gặp lại Thái tử yêu quí của trẫm, trẫm đã đưa đi chín vị Ðại thần và chín ngàn quan quân rồi, nhưng đến hôm nay chẳng được tin tức gì của những người ấy đi. Hơn nữa chẳng biết trẫm thăng hà ngày giờ nào vì trẫm đã già lắm rồi. Vì vậy nên khi còn sanh tiền đây trẫm muốn gặp mặt Thái tử yêu quí của trẫm. Vậy xin hiền khanh hãy vì trẫm mà đi rước đức Phật về đây cho trẫm được thấy mặt thì ơn ấy thật thâm trọng.

    Ông Kàludàyi mới tâu rằng: Tâu Ðại vương, hạ thần xin vâng mạng và rán thừa hành hết sức của mình theo lời Ðại vương đã dạy. Nhưng trước hết hạ thần xin Hoàng thượng cho phép hạ thần xuất gia theo Phật.

    - Khanh có muốn xuất gia thì tùy ý khanh, nhưng xin đừng quên giúp trẫm được gặp mặt con.

    Ông Kàludàyi vâng chiếu ra đi với ngàn quan quân đến Vương Xá thành vào Trúc Lâm tịnh xá thì cũng vừa gặp lúc đức Thế Tôn thuyết pháp, và tất cả các vị ấy cũng đắc A-la-hán quả sau khi dứt thời pháp, và cũng xin xuất gia.

    Kể từ ngày đắc quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hạ đầu tiên Ngài ngự tại vườn Lộc Giã, sau khi ra hạ mười sáu tháng chín AÂm lịch. Ngài ngự đến chỗ ba vị đạo sĩ ở Uruvela. Ngài ngự nơi ấy hai tháng. Rằm tháng mười một Ngài lại ngự đến Vương Xá thành. Ngài ngự nơi Trúc Lâm tịnh xá hai tháng, nghĩa là từ khi ở vườn Lộc Giã ra đi tới Trúc Lâm tịnh xá là bốn tháng.

    Sau khi Ngài Kàludàyi đắc quả A-la-hán xin xuất gia được bảy hay tám ngày sau đúng vào ngày rằm tháng hai, Ngày nghĩ rằng: Hôm nay là mùa nóng; dân chúng đã gặt hái xong rồi, đường đi khô ráo ta nên hầu Phật và thỉnh cầu Ngài về thành Ca Tỳ La Vệ để tế độ dòng Thích Ca nhứt là Tịnh Phạn Vương.

    Ngài Kàludàyi mới vào hầu Phật và bạch xin đức Thế Tôn từ bi ngự về thành để tế độ quyến thuộc. Ngài yêu cầu Phật bằng sáu mươi bốn câu kệ kể lể dài dòng, nhứt là Ngài ca tụng đường đi trong rừng mát mẻ v.v... thật dài, nơi đây tôi nhận thấy rằng: Dịch ra dài và chỉ mất thời giờ quí báu; tôi xin lược thuật những câu đại khái thôi.

    Ngài Bạch Phật: Bạch hóa đức Thế Tôn, đức Tịnh Phạn Vương có tâm tín thành, trong sạch mong muốn được gặp đức Ðại Giác. Vì đức Ðại Giác là người con duy nhất của đức vua. Ðức Tịnh Phạn Vương đã đưa đến chín vị đại thần và chín ngàn quan quân hầu kể cả đệ tử là mười vị để cầu thỉnh Ngài từ bi trở về thành. Khi đức vua không được gặp và nghe lời giảng giải của đức Thế Tôn, đức vua buồn rầu vì thương nhớ, tâm Ngài thật là đau khổ.

    Tôi rất mong ước và xin cầu thỉnh đức Thế Tôn trở về để đức vua trông thấy và đây là niềm an ủi vô cùng cao quí của Phụ hoàng, xin đừng để lòng Phụ hoàng đau khổ thêm. Khi đức vua được gặp đức Thế Tôn, thì Ngài sẽ vui mừng, dứt hết sự ưu tư phiền muộn. Thật ra sự trở về độ quyến thuộc của đức Thế Tôn hiện giờ rất hợp thời và quí báu.

    Ðức Thế Tôn phán hỏi: Nầy ông Kàludàyi , tại sao ông ca tụng con đường đi về thành Ca Tỳ La Vệ?

    - SUDDHODANÀ BHIJANAKAMAHÀSINO. Bạch đức Thế Tôn! Phụ vương là đức Tịnh Phạn Vương, Phật mẫu là đức bà Ma Da sau khi sanh Ngài lịnh bà thăng hà, được sanh vào cõi trời Ðâu Suất, hưởng tất cả sự hạnh phúc của Dục giới. Vậy hôm nay Phụ vương muốn gặp đức Ðại Giác. Ðức Thế Tôn là đức cứu độ sanh linh, xin Ngài mở lòng đại từ bi trở về thành tế độ quyến thuộc.

    - Nầy Kàludàyi! Như Lai rất hoan hỉ nhận lời yêu cầu của ông, sẽ đem lợi ích vĩnh viễn cao thượng đến cho quyến thuộc. Vậy ông hãy đọc tuyên ngôn cho chư Tăng biết để chuẩn bị lên đường.

    Ðại đức Kàludàyi lấy làm vui lòng và nói: Thiện thay, Thiện thay! Rồi Ngài lật đật đi tuyên ngôn cho chư Tăng hay để quí Ngài chuẩn bị đi về thành Ca Tỳ La Vệ. Xong rồi Ngài vào trình cho Phật rõ. Khi Ngài ngự thành Ca Tỳ La Vệ có hai muôn Tăng chúng theo hầu, một muôn vị là người thành Vương Xá xuất gia, còn một muôn vị kia toàn là những vị vâng chiếu đi thỉnh cầu Ngài về thành tế độ quyến thuộc.



    Chắc quí độc giả cũng lấy làm lạ tại sao chư vị nhận lời đức vua đi thỉnh đức Thế Tôn tại sao khi đến nơi và đắc Thánh quả lại không yêu cầu đức Thế Tôn về thành để độ nhà vua đang đêm ngày trông nhớ mong mỏi gặp Phật?

    Phàm một vị Thánh nhơn không bao giờ quên lời hứa, nhất là lời của người có ân với mình khi còn tại gia sở dĩ mà các vị ấy không thỉnh, vì quí Ngài thấy rằng: Người thỉnh đức Phật phải là Ngài Kàludàyi , và duyên lành của đức vua và quyến thuộc chưa tới lúc chín muồi. Nếu đến thời kỳ duyên lành ấy đến thì mặc dầu đức vua không thỉnh cầu đức Thế Tôn cũng vẫn ngự về, vì đó là một phận sự giúp đỡ quyến thuộc mà Ngài đã dày công tu luyện tập hàng hai mươi A-tăng-kỳ và ba trăm ngàn kiếp thì làm sao bỏ qua được, người không phải quyến thuộc, là người ác khi Ngài biết có duyên lành với Ngài, Ngài còn không nài cực nhọc đến độ thay, phương chi là quyến thuộc. Chung quy lại, sở dĩ mà quí Ngài không thỉnh đức Phật về thành là vì duyên lành quyến thuộc nhứt là đức vua chưa tới thời kỳ.

    Ðức Thế Tôn định đi đường mỗi ngày đi một do tuần (mười sáu cây số ngàn của ta thời bây giờ) là vừa cho sức khỏe của chư Tăng.

    Ngài Ðại đức Kàludàyi lại nghĩ rằng: Ta nên về báo tin nầy cho đức Tịnh Phạn Vương trước khi Phật ngự đến. Ngài liền dùng thần thông hiện trước mặt đức vua.



    Khi đức vua trông thấy Ngài Ðại Ðức đắp y mang bát oai nghiêm của vị Sa môn, lấy làm trong sạch và hết sức vui mừng vì Ngài biết rằng Ðại Ðức sẽ đem đến tin lành đến cho Ngài, Ngài liền nhường chỗ để Ðại Ðức ngồi, và truyền thị thần dọn vật thực của Ngài sắp ngự ra dâng cho Ngài Ðại Ðức, khi để đầy bát xong Ðại Ðức đứng dậy tính ra đi. Ðức vua biết liền cản Ngài và yêu cầu Ngài ở lại thọ thực đã rồi hãy đi.

    Ðại Ðức đáp: Bần đạo sẽ thọ thực nơi đức Thế Tôn đang ngự.

    - Bạch Ðại Ðức hiện giờ đức Thế Tôn ngự nơi nào?

    - Tâu Ðại Vương, đức Thế Tôn có hai muôn vị Thánh Tăng theo hầu và đang ngự ra khỏi thành Vương Xá và đang nhắm hướng thành Ca Tỳ La Vệ ngự đến. Ðức vua nghe qua lấy làm mừng và phán rằng: Trẫm xin Ðại Ðức hãy thọ thực vật thực trong bát nầy trước. Bao giờ con trẫm chưa về đến thành Ca Tỳ La Vệ xin Ðại Ðức hãy đến đây hằng ngày để trẫm gởi vật thực nhờ Ngài Ðại Ðức đem về cúng dường con trẫm.

    Ðại Ðức nhận lời thọ thực xong, đức vua truyền đem bát rửa bằng nước hoa thật sạch lau chùi cho khô lại để vật thực thật quí vào và dâng đến Ðại Ðức để ngài đem về dâng đến tận tay đức Thế Tôn. Khi Ðại Ðức lãnh bát xong Ngài liền liệng bát ấy lên hư không, lạ thay bát lại bay lơ lửng về hướng thành Vương Xá, rồi Ngài Ðại Ðức liền bay theo trong khi ấy tất cả hoàng tộc cũng như người ở trong thành ai ai cũng thấy phép lạ ấy, làm cho đức Tịnh Phạn Vương và hoàng tộc càng tin tưởng nơi oai đức của vị Chánh đẳng Chánh giác; dân trong thành càng mong mỏi mau đến ngày đức Thái tử ngự về. Người người ai cũng cảm mến oai đức và lòng nhân ái của Thái tử nhưng không biết rằng: Hiện nay không là vị Thái tử mà là vị PHÁP VƯƠNG đấng ÐẠI GIÁC NGỘ.

    Khi Ðại Ðức đem vật thực về dâng đến đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn thọ thực, hằng ngày Ðại Ðức cũng đến thọ thực và đem vật thực về vâng đức Thế Tôn như vậy, và Ngài cũng thường cho đức vua hay tin rằng còn bao nhiêu ngày nữa đức Thế Tôn sẽ đến thành, Ngài cũng thường ca tụng công đức Phật bảo để làm lòng tin tưởng của dòng Thích Ca càng tiến thêm, vì Ngài biết dòng Thích Ca là dòng rất nặng về sự NGÃ MẠN, KHINH NGƯỜI. Vì nguyên nhân ấy mà Ðại Ðức Kàludàyi được đứng vào hạng đại đệ tử có hạnh về sự làm cho người có đức tin với Phật bảo. Ngày nọ, Ðại Ðức bảo rằng: Ngài mai này đức Thế Tôn sẽ về đến thành Ca Tỳ La Vệ.

    Tất cả dòng Thích Ca đều hội nhau lại bàn nhau rằng: Ta sẽ gặp được người thân thuộc rất cao quí đi xa về đến vậy nơi nào nên để Ngài ngự?

    Tất cả hoàng tộc đồng ý rằng: Nên để Ngài ngự tại vườn thượng uyển mới xứng đáng, vì nơi ấy mát mẻ, rộng vừa cho hằng hai muôn vị Ðại Ðức, và chúng ta đến hầu Ngài có chỗ rộng rãi. Rồi đồng cùng nhau tạo tư thất và bảo tọa để Phật ngự thật sạch và đẹp để đón tiếp đức Thế Tôn và chư Tăng.

    Ngoài ra, các vị ấy còn lo trang điểm cho những Hoàng tử và Công chúa cùng Quận chúa v.v... Những người nầy nhỏ tuổi hơn đức Phật, những người này được đứng trước bưng tràng hoa; vật thơm rải đường để tiếp rước đức Thế Tôn và đảnh lễ Ngài, còn những vị giai cấp cao hơn thì đứng sau lưng của những người nhỏ tuổi để tránh sự đảnh lễ Ngài vì nếu không đảnh lễ coi mất lịch sự, còn nếu đảnh lể thì vì tuổi lớn hơn, hay vì trong giai cấp gia tộc cao hơn.



    Khi đức Thế Tôn ngự đến thành Ca Tỳ La Vệ nhà vua thỉnh Ngài ngự ở vườn thượng uyển đã lập xong một ngôi chùa để hiệu là NIGRODHA Ðức THẾ TÔN ngự trên bảo tọa có hai muôn Tăng lữ ngồi hai bên.

    Khi ấy dòng Thích Ca chỉ để cho những ông hoàng bà chúa trẻ tuổi đảnh lễ Phật và chư Tăng, còn các vị trưởng thượng hay giai cấp cao hơn thì làm lơ như không có chuyện gì; có vị thì ngồi, có vị thì ngó lơ.



    Hơn ai hết, đức Thế Tôn biết rõ những bịnh mà dòng Thích Ca có, nên Ngài nghĩ: Những người không đảnh lễ Như Lai, Như Lai phải chinh phục là làm cho họ bỏ lòng NGÃ MẠN ấy bằng thần thông.



    Liền trong khi ấy đức Thế Tôn hiện lên trên không và đã đi kinh hành như đi trên mặt đất. Hôm ấy Ngài dùng thần thông cho cát bụi bay rớt xuống trên đầu những người nào không đảnh lễ Ngài, còn nhiều phép lạ khác. Khi ấy chư Thiên trong Sa bà thế giới biết đức Thế Tôn ngự về thành để độ quyến thuộc nên đồng cùng nhau tựu lại nơi ấy.



    Cũng trong khi ấy hai vị đại đệ tử là Ðại Ðức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đang ở trên núi Makkuti (nghĩa là núi có ba ngọn) gần Vương Xá thành với năm trăm vị Tỳ khưu. Hai Ngài thấy đức Thế Tôn đang dùng thần thông để cảm hóa quyến thuộc bằng Thiên nhãn thông. Hai Ngài mới nghĩ rằng: Ðây là dịp tốt nhân tiện ta đến hỏi đạo để Ngài giảng về BUDDHAVAMSA (Phật tông). Nhờ thời pháp ấy Ngài độ được quyến thuộc và chư Thiên trong mười ngàn thế giới Sa bà sẽ trong sạch với Phật bảo và thành đạo vô số kể.

    Rồi Ngài Ðại Ðức đắp y chừa vai mang bát bay đến hầu Phật trên hư không. Khi đến nơi đảnh lễ đức Thế Tôn xong mới bạch hỏi rằng: Bạch đức Thế Tôn, muốn thành một bực Chánh đẳng Chánh giác bắt đầu phải hành ba mươi pháp Ba la mật như thế nào?

    Ðức Thế Tôn liền dạy về khi mới bắt đầu hành hạnh Ba la mật là. Một vị Bồ Tát muốn thành Phật phải hành hạnh Ba la mật và tự phát nguỵện trong tâm là xin cho tôi đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác như thế đến bảy A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp. Thời kỳ nguyện trong tâm như thế đúng độ rồi, vị ấy lại phát nguyện ra miệng như nói trên hạng định của vị nầy phải một hạng định là chín A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp. Khi còn trong hai thời kỳ nầy gọi là ANIYATABODHISATTA nghĩa là vị Bồ Tát không chắc thật ý nói rằng: Có lắm vị phát nguyện như thế nên khi gặp Phật lại đắc quả A-la-hán nhập Niết Bàn. Còn vị thứ nhì là đại Bồ Tát vị nầy được thọ ký của một vị Chánh đẳng Chánh giác vị nầy chắc chắn sẽ thành PHẬT và phải hành Ba la mật bốn A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp. Ðức Thế Tôn hiện tại được hai mươi bốn vị Chánh đẳng Chánh giác thọ ký. Vị thọ ký đầu tiên là Ðức Dipankava (Ðức Nhiên Ðăng Phật). Vị thứ hai mươi bốn là đức Phật Kassapa Ca Diếp. Ðây là nói vị Chánh đẳng Chánh giác hạng Trí tuệ, như đức Thế Tôn hiện tại, chớ các vị thuộc Ðức tin và Tinh tấn thì sự hành Ba la mật còn lâu hơn nhiều. Tính ra đức Thế Tôn hiện thuộc hàng Trí tuệ phải hành Ba la mật hai mươi A-tăng-kỳ ba trăm ngàn kiếp.

    Sau khi thuyết xong thời pháp về sự hành Ba la mật của một vị Phật Tổ lâu như thế xong, chư Thiên thành đạo nhiều không kể hết.



    Khi ấy, đức Tịnh Phạn Vương thấy thần thông lạ lùng của đức Thế Tôn, ngài phát tâm trong sạch đảnh lễ Phật và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn, khi Ngài vừa sanh có đem Ngài ra để làm lễ vị đại đạo sĩ tên là Kàladevila , Ngài không đảnh lễ trái lại Ngài dùng hai chân của Ngài đạp lên đầu vị đạo sĩ. Khi ấy trẫm đã đảnh lễ Ngài ngồi dưới cội cây Diêm phù (Cây Trâm) đến xế chiều các bóng cây đều xế bóng chỉ riêng cây của Ngài bóng vẫn đứng như đứng bóng, đây để tỏ oai đức Ngài, trẫm thấy thế nên lại đảnh lễ Ngài một lần nữa, đây là lần thứ nhì và giờ đây trẫm xin đảnh lễ Ngài, đây là lần thứ ba.

    Tất cả dòng Thích Ca thấy đức Tịnh Phạn Vương đảnh lể Phật đồng cùng nhau làm lễ đức Thế Tôn một cách cung kính. Khi ấy đức Thế Tôn mới từ trên không ngự xuống.



    Khi ấy mây kéo đen kịt và trời mưa như trút nước, nước mưa ấy lại màu đỏ. Trong nhóm người đang ngồi ngoài trời, người nào muốn ướt thì mưa ướt người nào không muốn thì không có một hột mưa trúng vào mình. Chư Tăng và quyến thuộc ai cũng lấy làm lạ.

    Ðức Thế Tôn hiểu tâm trạng của những người có mặt tại nơi ấy Ngài mới dạy rằng: Không phải mưa nầy mới có lần nầy, mà trong kiếp quá khứ khi quyến thuộc của Như Lai hội lại đầy đủ đảnh lễ Như Lai cũng đã có từng mưa như thế.

    Sau khi dứt thời pháp, quyến thuộc của Ngài ai về nhà nấy không có một ai tỏ lời thỉnh cầu Ngài đến thọ thực ở nhà hay ở một nơi nào.

    Vì vậy đến sáng ngày, đức Thế Tôn cùng hai muôn Thánh Tăng phải vào thành khất thực. Ðức Thế Tôn đứng nơi cột cửa thành và dùng tuệ xem coi ai duyên lành để Ngài tế độ trong ngày hôm nay, và Ngài nghĩ: Khi vào thành ta đến khất thực tại nhà các ông Trưởng giả hay hàng quí tộc, hay đi tuần tự theo mỗi nhà không phân biệt giàu sang nghèo khổ? Ngài lại hiểu rằng: Không có vị Chánh đẳng Chánh giác nào vào nhà Trưởng giả hay hàng quí tộc thọ thực khi mà không được người dâng cúng. Quí Ngài phải đi khất thực từng nhà một đây là phận sự của Phật quá khứ và cũng là một nết hạnh cao cả mà chư đệ tử noi gương hành theo.

    Vì vậy nên đức Thế Tôn ngự đi khất thực từng nhà một trong thành Ca Tỳ La Vệ. Người trong thành thấy đức Ðại Giác ngự đi khất thực bàn tán với nhau rằng: Các người hãy coi kìa Thái tử Sĩ Ðạt Ta lại đi xin ăn.

    Người trong thành làm ồn lên vì sự đi khất thực của đức Phật, người ta không bao giờ nghĩ tới vị Thái tử khả kính khả ái sang trọng như thế lại đi xin ăn như kẻ bần cùng. Vì vậy
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:49 AM | Message # 26
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ SÁU

    ÐỘ BÀ GIA-DU ÐÀ-LA

    -ooOoo-

    Khi ấy bà Gia Du Ðà La nghe tiếng dân chúng kêu gọi nhau ồn ào bà mới phán hỏi thị nữ rằng: Nầy các con, vậy tiếng gì ồn ào náo động như thế.

    - Tâu lịnh bà, đức Ðông cung Thái tử Sĩ Ðạt Ta đã về đến thành Ca Tỳ La Vệ và đang đi khất thực, nên dân chúng trông thấy lạ lùng như thế nên kêu gọi nhau đi xem Ngài.

    Sự thật khi Ngài còn tại vì chỉ được đức vua nhường ngôi cho, nhưng kỳ thật đức vua cầm cả quyền hành phán đoán. Sở dĩ đức vua không trao quyền cho Thái tử vì Ngài sợ Thái tử chạm với đời sẽ trông thấy bề trái của đời đầy đau khổ mà xuất gia. Nên trong cung nội thường gọi là Thái tử.

    Khi bà nghe Thái tử đi xin ăn thì bà lấy làm lạ và không tin như vậy, bà nghĩ rằng: Chắc ta nghe lầm, bà hỏi lại hai ba lần. Khi bà nghe rõ sự thật lấy làm đau lòng không bút mực nào tả hết. Bà khóc và than rằng: Khi Thái tử còn tại vì ngự trị thành nầy, Ngài ngự đi nơi nào đều ngự trên lưng Bạch tượng tiền hô hậu ủng, rỏ ràng là oai vệ của một vị Ðại vương. Nay Ngàài cắt tóc cạo râu, mình đắp cà sa bằng vải thô, tay bưng bát thì oai phong khi xưa đã mất, mà hiện còn lại chăng là phong độ của con người hạ cấp (chỉ bọn Chiên đà la) phải tự mình đi xin ăn từng nhà, thật là khổ thân cho Ngài biết mấy. Hôm nay Ngài nghèo nàn đến độ không có một tấc vải lành để che thân sao? Giờ đây thân hình Ngài còn đẹp đẽ như xưa, là còn ba mươi hai tướng quí và tám mươi tướng phụ nữa chăng? Hay đã ra sao rồi? Thật Già Du Ðà La là người phụ nữ bạc phước vô phần xấu xa ti tiện lắm, không còn có chút phước lành như xưa nữa, nên khiến cho chàng mất cả oai phong thuở nào mà trong khi ta còn trẻ đẹp như thế nầy. Vậy không biết do nơi nghiệp chướng thế nào đã tạo từ ngàn xưa khiến cho chàng không còn chút yêu thương mến tiếc ta. Ðời sống của ta là một đời sống đau khổ hằng thầm nuốt lệ lòng để không cho Phụ vương thấy khi Ngài tuổi đã về chiều. Vì đâu mà chàng không có chút tình thương Gia Du Ðà La nầy. Ngàài dứt tình ra đi không hề đoái hoài tới nỡ bỏ ta bơ vơ giữa hoàng cung to lớn tư bề vắng vẻ, chàng không biết khi người vợ mà thiếu chồng là thiếu cả mọi việc mặc dù là ta đang ở lầu vàng điện ngọc. Nếu chàng không thương hại Gia Du Ðà La thì chàng cũng nên nghĩ thương cho Ra Hầu La là giọt máu của chàng.

    Khi bà than khóc ấy là đang khi bà bới tóc chưa xong, nên một tay bà cầm tóc còn một tay bà nắm lấy tay Thái tử Ra Hầu La lật đật chạy đến cửa sổ để xem mặt đức Thế Tôn.

    Bà trông thấy đức Thế Tôn huy hoàng rực rỡ bao quanh bởi sáu màu hào quang trông thật là đẹp. Ngài vẫn còn oai nghiêm hơn độ nào, với hằng hai muôn vị Thánh Tăng mình mặc cà sa vàng nghiêm chỉnh từ từ theo sau Ngài, thật không còn cảnh huy hoàng trang nghiêm nào hơn. Bà tự bảo rằng: Ta chưa từng trông thấy đức Thái tử Sĩ Ðạt Ta có một oai nghiêm như vầy bao giờ; mặc dù khi Ngài còn tại vì, trong những buổi lễ long trọng đã có quan quân lo sắp đặt trang nghiêm tề chỉnh. Bà liền kéo Thái tử Ra Hầu La đến bên chỉ cho Thái tử Ra Hầu La xem rồi bà ngâm lên tám (Tám câu kệ ấy gọi là Narasihagàthà) câu kệ ca tụng đức Thế Tôn khi còn tại thế rằng:

    Ðức Ðông cung Thái tử có mớ tóc thật mềm như gòn rất mịn lại cuốn xoay về mé tay phải, tóc ấy thật đen và Ngài có cái trán thật đẹp, trán ấy trông vào tròn đẹp như mặt nhựt, mũi cao thẳng và vừa vặn đẹp như ngọc chuốt đặt vào, trông vào phưởng phất như chiếu hào quang. Chân của Ngài đỏ như thoa son và có chỉ như bánh xe và có hình một trăm lẻ tám loài thú rõ ràng và rất đẹp.



    Ra Hầu La con ơi, người có tướng tốt đẹp oai nghiêm như vị Thiên vương ấy là Phụ vương của con đó. Ngài là một vị hoàng gia cao quí. Ngài có ba mươi hai tướng quí và tám mươi tướng phụ trong tam giới nầy không ai có. Ngài đã ngự đến, Ngài là người đem sự an vui hạnh phúc đến cho chúng sanh.

    Hơn ấy nữa, màu da của Ngài sáng chiếu như ánh trăng rằm ai ai trông thấy cũng ưa mến. Tướng đi của Ngài oai nghiêm như sư tử ai trông thấy cũng nể vì. Tiếng nói đã thanh tao mà còn diệu ngọt, lưỡi và môi của Ngài đỏ như thoa son. Răng của Ngài màu trắng như màu sữa tươi và hàm trên hai chục cái hàm dưới hai chục cái, Ngài sanh vào dòng hoàng tộc cao thượng khiến cho người ai ai cũng kính nể mến thương. Ra Hầu La ơi; vị Sa môn đi giữa ấy chính là cha con vậy.

    Khi bà bảo cho Thái tử Ra Hầu La biết xong, bà lật đật chạy bộ đến nơi ngự của đức vua và cho đức vua hay rằng: - Tâu Ðại vương, hiện giờ Thái tử đang đi xin ăn trong thành, dân chúng reo la vang dội ấy.

    Ðức vua nghe bà tâu như vậy Ngài lấy làm đau khổ, tay ôm áo choàng, đầu chưa vấn khăn lật đật chạy ra khỏi cung đến nơi đức Thế Tôn đang ngự đi khất thực và bạch với đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài làm cho trẫm thẹn với nhân dân. Tại sao Ngài đi khất thực? Có lẽ Ngài nghĩ rằng: Bây nhiêu vị Tỳ khưu đây trẫm cúng dường không nổi chăng?

    Ðức Thế Tôn đáp: Tâu Ðại vương; sự khất thực đây là phận sự của Như Lai.



    - Bạch đức Thế Tôn, có phải chúng ta là dòng vua chăng? Ðã gọi là dòng vua chúa không ai đi xin ăn cả.

    - Tâu Ðại vương, sự thật dòng vua là dòng của Ðại vương. Còn Như Lai là dòng Phật. Tất cả chư Phật đều nuôi sống mạng bằng cách xin ăn (Quí hóa thay lời vàng ngọc của đức Từ Phụ, Ngài không phân giai cấp trong thời kỳ nặng về giai cấp). Tất cả chư Phật trong lúc quá khứ cũng đều hành hạnh nầy, đó là dòng Phật. Tâu Ðại vương khi Như Lai sanh ra tại vườn Lumbini có ba mươi hai hiện tượng lạ vẫn còn rõ rệt trong tâm hồn của hoàng tộc, khi xuất gia hành khổ hạnh dưới cội Bồ đề, trên bảo tọa thắng Ma vương lại đắc được quả Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh giác. Khi đắc được quả tối cao ấy thì dòng hoàng đế không còn trong thân hình của Như Lai nữa, vì Như Lai đã trở thành dòng khác là dòng Phật rồi.



    Khi đang nói chuyện với đức vua là đang ở giữa đường và nhân dịp ấy đức Thế Tôn mới thuyết câu kệ rằng: UTTITTHE NAPPAMAYA... Nghĩa người không nên coi rẻ vật thực xin ăn, nên hành theo thiện pháp hằng được hưởng sự an vui.



    Dứt câu kệ đức vua đắc quả Tu-đà-huờn. Ðức Thế Tôn mới thuyết câu thứ nhì rằng: DHAMMACARESUCARANA... Nghĩa người nên hành theo thiện pháp cho trong sạch, nên hành theo thiện pháp cho chân chính thì sẽ được an vui trong kiếp hiện tại và ngày vị lai.



    Khi ấy đức vua xin tiếp lấy bát của đức Thế Tôn và thỉnh chư Tăng vào hoàng cung thọ thực. Trong khi đức Thế Tôn thọ thực có đủ mọi người nào là Hoàng hậu Gotami nhưng vẫn thiếu bà Gia Du Ðà La. Người trong cung cũng có cho bà hay rằng: Ðức Thế Tôn thọ thực trong hoàng cung và mời bà đi nhưng bà bảo rằng: Các người hãy đến đảnh lễ và hầu đức Phật đi, còn ta thì chừng nào Thái tử đến cung của ta, ta mới tiếp.

    Ðến ngày thứ nhì, đức Thế Tôn ngự đi khất thực trong hoàng cung. Sau khi thọ thực xong Ngài thuyết pháp cho bà Gotami nghe rằng: Người nào hành theo thiện pháp, không làm điều ác người ấy vẫn được an vui trong đời nầy và trong kiếp vị lai. Sau khi dứt câu kệ lịnh bà đắc quả Tu-đà-hườn, đức vua đắc Tư đà hàm quả.

    Ðến ngày thứ ba đức Thế Tôn cũng ngự vào hoàng cung đức vua cũng cúng dường đến đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng.

    Khi đức Thế Tôn đang thọ thực đức Tịnh Phạn Vương mới bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn, trong khi đức Thế Tôn đang hành khổ hạnh có một vị chư Thiên đến hoàng cung ngự trên không trung mà bảo trẫm rằng: Hoàng tử không thọ thực cả sáu năm rồi, nên thân hình tiều tụy như hoa sen xanh khô mà người liệng vào đống lửa, hiện giờ đã chết ở cuối con đường kinh hành. Khi trẫm nghe lời của vị chư Thiên ấy, trẫm cảm thấy như người đem cây lao thật bén nhọn đâm vào tim trẫm. Trẫm liền bảo vị chư Thiên ấy rằng: Trẫm không bao giờ tin lời của ông, bao giờ Ðông cung Thái tử của trẫm chưa đắc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì chắc chắn không bao giờ chết. Vị chư Thiên ấy còn cố thuyết phục trẫm rằng: Thái tử chết thật rồi, vì Ngài quá khổ hạnh hơn tất cả những người bằng xương bằng thịt nầy có thể hành được. Trẫm mới nghĩ rằng: Dầu cho mặt trời lặn trong khi đang đứng bóng chăng nữa chắc chắn con ta cũng không chết, nếu chưa đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

    Ðức Thế Tôn dạy rằng: Tâu Ðại vương; không phải chỉ trong kiếp nầy mà Ngài không tin vị chư Thiên ấy, lúc quá khứ Như Lai còn là vị Bồ Tát, ông thầy của Như Lai là thầy Disàpàmokkha muốn thử lòng Ðại vương đem xương dê đến bảo Ngài rằng: Con của ông đã chết. Nhưng Ngài không tin lời ấy, và Ngài bảo rằng: Không phải xương của con tôi chắc là xương dê. Vậy thì làm sao Ngài có thể tin lời của vị chư Thiên ấy trong kiếp nầy được.



    Sau khi dứt câu chuyện đức Tịnh Phạn Vương đắc A na hàm quả. Kế tiếp là lời cầu chúc của đức Thế Tôn sau khi cúng dường xong. Trong khi ấy có đủ mặt mọi người nhưng thiếu bà Gia Du Ðà La. Ðức Thế Tôn mới phán hỏi: Sao hôm nay cũng không thấy Công chúa Gia Du Ðà La? (Ðức Thế Tôn gọi Công chúa để tránh tiếng, nhưng sự thật bà cũng là con gái vua Thiện Giác).

    Bà Gotami liền dạy phi tần đi thỉnh bà Gia Du Ðà La đến lễ Phật. Khi cô phi tần đi, bà liền bạch với Phật rằng: Xin đức Thế Tôn mở lòng đại từ bi cứu độ dâu tôi. Vì dâu tôi là một hiền phụ ít có trong cõi đời nầy, khi đức Phật Thế Tôn đi xuất gia tới nay không ngày nào dâu tôi không than khóc vì thương nhớ chồng.

    Cô phi tần lãnh lịnh đến thỉnh bà Gia Du Ðà La đến cung bà trong khi bà đang than khóc, bà mặt bộ cà sa nhuộm dà (khi xưa người mặt đồ nhuộm dà có ráp lại từng mảnh gọi là cà sa) lịnh bà thật đáng thương hại vì bà trông rất tiều tụy như một nữ đạo sĩ đang hồi tu khổ hạnh. Bà là người có tiếng là đẹp nhất trong bảy xứ dòng Thích Ca trong thời kỳ ấy, mà hôm nay không còn lại được mấy điểm đẹp nào. Vì sự thương nhớ chồng và nguyện hành khổ hạnh theo chồng để chia bớt hay tỏ lòng bao giờ cũng hy sinh vì chồng cho chồng.

    Khi ấy bà than khóc và kể lể đủ điều nào là đức Thế Tôn đã về đến thành mà không một tiếng hỏi thăm đến bà. Các cô phi tần không dám vào vì bà đang than khóc; phải đứng đợi thật lâu. Ðến khi bà trông thấy cô phi tần đứng đó, bà không cần biết các cô ấy đến làm gì bà liền gọi đến và than rằng: Nầy các con ơi, ta lấy làm buồn rầu chán nản vì đức Thái tử đã được Giác ngộ rồi mà không có chút từ bi, không hề hỏi đến Gia Du Ðà La một tiếng nào, chắc Gia Du Ðà La là con người đê tiện xấu xa không xứng là người hiền nội trợ, nên không đáng cho Ngài thương hại. Nếu không nghĩ thương hại cho Gia Du Ðà La thì cũng nên nhớ đến tình máu thịt là Thái tử Ra Hầu La. Thật đáng thương hại cho con ta là Ra Hầu La là đứa trẻ vô phúc nhất trần gian mồ côi cha từ khi mới chào đời. Ta có lỗi gì mà Ngài không hề đoái hoài đến; nỡ dứt bỏ ta như người nhổ miếng nước bọt, Ngài xem ta như một cọng rác, một cành hoa không hương sắc mà đã khô héo rồi, chắc vì vậy mà Ngài nỡ bỏ ta đi xuất gia; thật Ngài không có chút từ ái thương hại đến Gia Du Ðà La nầy tí nào. Vậy ta là kẻ có lỗi gì đây? Khi Ngài là người chồng đáng quí mến kính yêu nhất đời ta, không có một hình bóng nào trong tâm ta ngoài ra Ngài, hình bóng ấy ngự trị trong tâm hồn ta, mà Ngài nỡ ra đi. Kể từ giờ phút Ngài bước chân ra khỏi cung đến hôm nay ta không hề có một tí an vui nào, ta sống trong chuỗi ngày dẫy đầy đau khổ, lầu đài cung điện đối với ta là bãi tha ma, mặt nhựt, mặt nguyệt đối với ta như những đêm tối mịt, châu báu đối với ta không còn giá trị gì hết. Ta là người quả phụ sống với những ngày đau khổ, đời sống của ta không có ý vị gì ngoài ra sống để chịu khổ mà thôi, không có một ai kính nể ta như khi Thái tử còn tại vị, ta là người đàn bà bất hạnh nhất. Ta ví như chiếc long xa nhưng không có đức vua ngự, hoặc ví như xứ không vua, ta chỉ là một con vật sống để người đời khinh bỉ. Vậy đời sống của Gia Du Ðà La nầy có ích gì, sống để chịu khổ dày vò cấu xé tâm tư; sống mà thiếu Thái tử bên ta là đời sống rỗng không, đời sống vô vị thà là uống thuốc độc chết còn hơn, nếu không vậy treo cổ hay nhảy vào lửa chết đi cho mát thân khỏe tâm hồn, chết đi còn hơn là sống với những sự đau khổ vì nhớ thương chồng.

    Khi bà nói dứt lời, các cô phi tần nhân dịp ấy nên mới quì xuống bên bà và tâu rằng: Chúng con xin kính trình lên lịnh bà lời Hoàng hậu Gotami truyền cho chúng con đến đây thỉnh cầu và cho lịnh bà hay rằng: Hôm nay đức Ðại Giác đã ngự về và thọ thực và đang ngự tại hoàng cung Ngài sẽ thuyết pháp để dục tắt lòng ưu phiền của lịnh bà từ bấy lâu nay.

    Khi bà nghe các cô phi tần nói vậy càng than khóc nhiều hơn và bà hỏi rằng: Có phải các con vừa nói rằng: Lịnh mẫu hoàng có lịnh bảo ta đến gặp mặt chồng ta phải chăng?

    - Tâu lịnh bà phải.

    - Nầy các con, ta là người đàn bà xấu xa đê tiện, nhãn căn ta đã mù lòa, những gì là sự thật đã mất hết rồi. Khi chồng ta chưa xuất gia thường hay ngự đến đây và ở đây với ta cả ngày đêm, không cần phải có một cô phi tần nào đến báo tin trước, hay là phải mời thỉnh Ngài mới ngự đến, tự Ngài thân hành đến và ở chơi nơi đây thật là vui vẻ và đầm ấm. Lắm lúc ta không kịp tiếp rước Ngài, thì Ngài rửa chân lấy, rồi tự ngự những vật thực mà ta đã sắp sẵn hầu Ngài. Tại sao hôm nay lại gọi Gia Du Ðà La đi hầu Ngài một nơi khác. Ngươi hãy đi tâu lại với Ngài những lời của ta rằng: Gia Du Ðà La là người đê tiện, nên Ngài mới bỏ xuất gia, nay về thăm phụ hoàng và mẫu hậu không ngự đến cung của Gia Du Ðà La. Nếu sự ước muốn của ta không thành tựu mỹ mãn cũng bởi tại số kiếp của ta trong kiếp quá khứ, nên khiến đời nầy phải chịu đựng tất cả những thảm sầu đau khổ mà người phụ nữ nào cũng rất sợ, sự khổ nầy ví như quả núi to đè trên quả tim bé nhỏ của ta. Thôi ta đành chịu vậy, đó chẳng qua số mạng ta mà ra, ta cũng không oán trách chi ai, ta cố rán chịu lấy một mình vì nó là duyên nghiệp chẳng lành của ta, ta cố gắng ngăn không cho tâm nghĩ đến mọi sự việc, ta đã nuốt cạn không biết bao nhiêu lệ lòng. Hôm nay là ngày cùng giờ tận của đời ta. Tất cả những quyến thuộc ai cũng biết khổ của ta và đồng thông cảm nỗi khổ lòng nầy mà thương hại ta. Nầy các con, các con hãy trở về tâu với hoàng mẫu rằng: Gia Du Ðà La xin hết lòng thành kính làm lễ mẫu hoàng, ta biết rằng: Chồng ta đã về đến thành Ca Tỳ La Vệ đã ba ngày rồi, nhưng không chút lòng nào đoái tưởng đến Gia Du Ðà La. Ðến hôm nay cũng chẳng hề quan tâm đến kẻ hèn mọn nầy. Khi mà Ngài ngự ra khỏi hoàng cung thì cũng là lúc linh hồn của Gia Du Ðà La không còn trong thể xác nầy. Ta đã cố sống để gặp chồng ta bao nhiêu năm nay rồi, chắc chắn là ta sẽ bỏ cõi đời ô trọc nầy ngày hôm nay vậy. Kể từ khi ta nghe chồng ta xuất gia sáu năm mới đắc quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trong sáu năm ấy ta ở tại hoàng cung nhưng ta cũng khổ hạnh như chồng ta. Ta bỏ cả cân đai châu ngọc gấm vóc lụa là, mặc vải bô, dẹp cả những gì xa hoa tráng lệ, không biết trang điểm là gì, không hề liếc qua bọn ca nhạc múa hát, nhịn ăn bớt ngủ; ý ta là muốn tỏ ra lòng chia sớt sự khổ hạnh của chồng ta; mà cũng là lo góp sức bồi đắp ngôi vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu chồng ta không đến cung ta hôm nay, thì ta không còn sống trong cõi đời nầy nữa, ta xin vĩnh biệt các người. Các con hãy về và kể hết những gì mà ta đã kể lể cho các con nghe đây.

    Khi các cô ấy về thuật lại những lời kể lể của bà Gia Du Ðà La cho Hoàng hậu Gotami nghe trước mặt đức Thế Tôn.



    Khi đức Tịnh Phạn Vương nghe lời thuật lại của các phi tần; đức vua mới thuật lại những đức hạnh cao cả của dâu Ngài nào là khi nghe đức Thế Tôn xuất gia bà cũng bỏ cả việc điểm trang, nhịn ăn, không nằm nơi sang đẹp, không bao giờ xem ca hát dự hội họp nào cả, nhứt là không ngày nào bà không than khóc, mặt dầu buồn khổ như vậy nhưng không có một lời trách móc Ngài, hoặc tỏ ra lòng hờn giận nhắc tới chuyện gì, bà tự trách là không đủ đức hạnh tài sắc để cột chân chồng mà thôi. Khi kể lể dài dòng xong đức vua mới bạch Phật rằng: Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài là đấng chiến thắng Ngũ ma, là đấng đại Từ Bi, xin Ngài hoan hỉ ngự đến cung dâu quí đáng thương hại của trẫm là Gia Du Ðà La, dâu trẫm chịu nhiều khổ sở vì thương nhớ chồng từ bao năm, chắc chắn sẽ ngự đến cung để vấn an. Nếu vì buồn giận mà dâu trẫm tự sát thì cháu nội yêu quí của trẫm chắc cũng chẳng còn. Nếu cháu nội của trẫm mà chết thì trẫm không thể nào sống được, vì lòng thương nhớ con cháu. Cầu xin đức Thế Tôn từ bi cứu độ dâu trẫm.

    Ðức Phật phán: Ðại vương phán rất phải. Nếu hôm nay mà không ngự đến cung của Gia Du Ðà La thì nàng sẽ vì bực tức tủi hổ mà chết. Hơn nữa thân mẫu của Ra Hầu La rất có nhiều ân đức với Như Lai kể từ trăm ngàn kiếp trước đến kiếp hiện tại nầy, kiếp nào Như Lai hành hạnh đại thí là bố thí vợ, con, những người hiền nội trợ trong kiếp ấy là Gia Du Ðà La cả, Gia Du Ðà La đối với ta có một niềm thương yêu vô cùng tận, đối với ngôi vị Chánh đẳng Chánh giác lại càng có một tấm lòng thành kính và sạch trong, vì vậy nên nàng sẵn lòng hy sinh đời mình để ta bố thí, để làm một viên đá lót đường cho ta đi tìm quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Mặc dầu ta đem nàng ra bố thí như một món vật, nhưng không bao giờ nàng biết buồn phiền than trách hay oán hận ta bao giờ, kể từ ngày ta hành Ba la mật đến bờ cao thượng đến thành đạo; Gia Du Ðà La đã giúp ta không ít trên con đường giác ngộ như hôm nay. Thật là nàng rất có công ơn riêng đối với cá nhân ta và cũng cho nhân loại nữa; thật công đức ấy khó mà có vật chi sánh bằng được. Người mà hy sinh cho ta đạt thành quả vị tối cao, để làm đường cho ta đi tìm đạo để tế độ chúng sanh khỏi vòng luân hồi khổ, như vầy có chi sánh bằng. Nếu Như Lai không tế độ nàng thì có ai tế độ nàng.

    Ðức Tịnh Phạn Vương bạch Phật rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, đây là dịp thuận tiện để đức Thế Tôn ngự đến cung của dâu trẫm tế độ nàng khỏi phiền muộn. Nàng sẽ có dịp trông thấy tôn nhan và đảnh lễ Ngài.

    Phàm một vị đại Bồ Tát hay đức Chánh giác trong tâm luôn luôn có lòng đại Từ bi không khi nào quên ơn của người đã hằng trăm ngàn kiếp hy sinh bản thân mình làm vật bố thí được, nhưng sở dĩ mà Ngài chưa ngự về độ bà Gia Du Ðà La là Ngài biết rằng: Phải đợi có thời cơ thuận tiện, và điều quan trọng nhứt là chưa đúng vào ngày mà bà Gia Du Ðà La đắc được Thánh quả, nên Ngài không ngự về thôi. Ngài biết rằng: Lòng thương yêu kính mến chồng của bà vô lượng, khi Ngài về đến thành ngự đến thăm hỏi liền thì làm cho bà vui mừng nghĩ đến chồng hơn là một bực Chánh đẳng Chánh giác vì vậy không thể đắc quả được. Khi Ngài không ngự về làm cho bà có cảm tưởng là Ngài không còn nghĩ tới, vì vậy lòng thương mến giảm đi thay vào lòng buồn, khi gặp lại Phật. Bà tỏ vẻ thương kính chăng nữa cũng một phần ít thôi, và nhờ ấy lòng bà không còn mến tiếc trong vật chất nhiều, bà sẽ nghe pháp và thành đạo được dễ dàng.



    Khi ấy đức Thế Tôn đứng dậy trao bát cho đức vua. Ngài dạy hai muôn vị Ðại Ðức ở lại nơi thọ thực, Ngài ngự vào cung của bà Gia Du Ðà La với hai vị đại đệ tử. Ngài phán với hai Ngài ấy rằng: Thân mẫu của Ra Hầu La là người có đặc ân lớn đối với Như Lai. Nếu nàng có ôm lấy chân Như Lai than van khóc lóc, hai vị chẳng nên cấm cản, hãy để cho nàng đổ cạn nỗi khổ lòng và rót hết giọt lệ ưu sầu còn dư xót, nếu ta ngăn cản nàng thì làm cho nàng uất ức hại nàng không thể thính pháp được. Nếu nàng chết đi thì ta mất một dịp may để trả công ơn của nàng đã giúp ta nên quả vị, trên ấy nữa Như Lai là đấng hoàn toàn giác ngộ không còn phiền não thì không bao giờ rung động trước mọi sự việc trong vòng luân hồi nữa.



    Sau khi nói xong đức Thế Tôn dùng thần thông làm sáu màu hào quang của Ngài càng chiếu sáng vào cung của bà Gia Du Ðà La, để bà trông thấy hào quang ấy mà trong sạch với Phật bảo phát tâm kính thành. Rồi Ngài cùng hai vị đại đệ tử ngự thẳng vào cung và ngự trên bảo tọa mà luôn luôn bà chuẩn bị sẵn, như khi đức Thế Tôn còn là Thái tử ấy là kỷ niệm của bà những nơi thường ngồi của Thái tử, bà giữ như thuở nào.



    Phi tần thấy đức Thế Tôn ngự đến và đang ngự ngay trên bảo toạ, nên lật đật vào báo cho bà biết rằng: Tâu lịnh bà, hiện giờ Hoàng tử đã ngự về cung và Ngài đang ngự trên bảo tọa mà Ngài thường ngự ngày xưa.

    Khi bà nghe phi tần cho như vậy, bà cảm thấy tâm bà nhẹ hẳn, như người đã lấy vật nặng ra khỏi tim; tâm hồn bà trở nên bình tỉnh và thơ thới, sự đau khổ mấy năm đã mất, đền vào ấy một niềm hân hoan vô cùng tận, nước mắt của bà khô như có người lau, bà lật đật chải tóc cho nghiêm chỉnh mặc cà sa vào. (Vì từ ngày đức Thế Tôn xuất gia bà cũng bỏ cả the lụa cân đai mặc vải nhuộm dà, khi xưa người mặc vải nhuộm dà gọi là mặc cà sa, vì màu nầy là màu để cho người xuất gia, tiếng cà sa âm từ Phạn ngữ là Kàsàva có nghĩa là vải nhuộm dà). Bà lật đật nắm lấy tay Thái tử Ra Hầu La dẫn ra để đảnh lễ Phật, khi bà đến cửa phòng, thấy đức Thế Tôn ngự trên bảo tọa mình mặc cà sa, bà không còn cầm lòng được, hai hàng lệ tuôn rơi, lệ làm mờ cả bóng hình đức Thế Tôn, bà liền than rằng: Lệ ơi, ngươi đã đổ nhiều rồi mà chưa cạn sao? Nay ngươi còn tuôn ra làm gì làm lu mờ mất hình bóng của người chồng thân yêu của ta, làm trở ngại không để ta trông thấy rõ ràng hình dạng của người mà ta đã mất đi đến tám năm dài đăng đẳng, không biết nghiệp duyên gì mà hôm nay gặp lại người, mà ngươi lại cũng tuôn ra che án mất hình bóng người.

    Khi bà cố gắng hết sức mới ngăn được đôi giòng lệ, bà liền quì xuống và bò ra từ phòng bà tới nơi Phật đang ngự, cúi xuống đảnh lễ Ngài khóc và than rằng: Gia Du Ðà La là người có tội nặng nề, là người phụ nữ đê tiện xấu xa, vì vậy nên Thái tử dứt tình đoạn nghĩa đi xuất gia không hề mến thương, mà cũng chẳng hề bảo cho Gia Du Ðà La biết rằng: đã phạm tội gì, Ngài cố tình để bỏ Gia Du Ðà La cũng như người nhổ bỏ nước bọt không hề tiếc mà còn gớm ghê nữa. Ngài bỏ ra đi giữa đêm trường tịch mịch xuất gia tầm đạo. Nếu Gia Du Ðà La là người có tội thì cũng còn con Ngài là Ra Hầu La mới sanh trong ngày ấy là đứa bé vô tội. Vậy Ra Hầu La có tội tình gì mà Thái tử cũng nỡ đoạn tình phụ tử để cho Ra Hầu La trở nên đứa bé đáng thương hại là mồ côi cha khi mới chào đời.

    Khi Gia Du Ðà La còn là vị Công chúa có thầy tướng số xem tướng và đoán rằng: Công chúa là người đại phước đáng là vị Hoàng hậu của vua Chuyển Luân Thánh Vương. Nay rõ ra lời đoán của nhóm thầy tướng số ấy đều sai, trái ngược lại nên đoán như vầy mới đúng là: Gia Du Ðà La là vị Công chúa vô phước nhứt trong các hạng phụ nữ, bà là người góa phụ khổ đau vì bị chồng bỏ trong khi còn trẻ trung đời còn đầy nhựa sống.



    Hơn nữa lịnh Mẫu hậu Gotami khi thấy Thái tử ngự đi chơi về lịnh bà có ca tụng câu kệ rằng: Người phụ nữ nào được làm vợ của Thái tử là người phụ nữ hữu phước được dục tắt lửa phiền, lời nầy cũng sai nốt. Vì Gia Du Ðà La là người chịu nhiều đau khổ nhứt trần gian.

    Khi nói xong bà liền ôm chầm lấy chân của đức Thế Tôn rồi xổ tóc ra chùi lấy những hạt bụi trên chân Ngài.

    Ðức Tịnh Phạn Vương nhân dịp ấy ca tụng công đức của bà và bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, tất cả hàng phụ nữ trong tam giới nầy chỉ có dâu trẫm là người đáng có tên là Hiền thục thê, là người phụ nữ biết thờ chồng trọn đạo. Kể từ Ngài xuất gia hành khổ hạnh dâu trẫm cũng khổ hạnh bỏ cả mọi vật gì gọi là xa xí vui chơi, trong bốn oai nghi đều thay đổi nghĩa là không hề biết vui vẻ cười đùa như khi Ngài còn tại cung. Dâu trẫm trông thấy nơi thường ngự của Ngài là khóc vì đó là ký ức xấu xa trong đời của dâu trẫm. Nói tóm lại là khi nghe Ngài hành hạnh khổ thế nào thì dâu trẫm cũng hành theo thế ấy. Trong khi ấy ai cũng nhận thấy rằng: Dâu trẫm không phải vợ của một vị Thái tử hay một bà Công chúa mà cũng vẫn còn kém hơn một phi tần một tỳ nữ trong cung, và ai ai cũng nhận thấy dâu trẫm là một NỮ ÐẠO SĨ đang hành khổ hạnh. Thật là một phạm hạnh đáng khen, đáng quí, một người phụ nữ trọn dạ thờ chồng, hy sinh cho chồng, không còn có mùi phú quí hạnh phúc nào lai chuyển được tấm lòng son sắt ấy.

    Ðức Thế Tôn mới thuyết rằng: Tâu Ðại vương, không phải chỉ có kiếp này mà Gia Du Ðà La kính thờ và thủ tiết cùng hy sinh cho Như Lai như thế, mặc dầu khi xưa có kiếp sanh làm cầm thú mà cũng vẫn một lòng son sắt hy sinh cho ta, vì ta không bị lời cám dỗ miếng mồi phú quí mà bỏ ta. Chỉ cố yêu cầu nhà vua thả ta.

    Sau ấy đức Thế Tôn thuyết pháp độ những người có mặt tại nơi ấy lịnh bà Gia Du Ðà La đắc Tu-đà-huờn quả, và rất nhiều hoàng thân đắc được Dự lưu (Tu-đà-huờn).

    Sau khi dứt thời pháp đức Thế Tôn ngự về chùa Nigrodha
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:49 AM | Message # 27
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ BẢY

    DÒNG THÍCH CA XUẤT GIA

    -ooOoo-

    Ðến ngày thứ tư, đức Thế Tôn ngự vào khất thực và thọ thực tại cung của Thái tử Nanda (Nan Ðà) là em một cha khác mẹ cùng Ngài, ông Nanda là con của bà Gotami. Cũng là ngày làm lễ cưới của Thái tử Nanda. Khi thọ thực xong, đức Thế Tôn đứng dậy ra về, sẵn có Thái tử Nanda đứng gần bên, đức Thế Tôn liền trao bát của Ngài cho ông và Ngài ngự về chùa.

    Sau khi lãnh bát, ông Nanda lấy làm khó xử không biết phải làm sao vì cuộc lễ sắp khởi hành, nhưng ông cũng không dám kêu Phật để cái bát lại cho Ngài. Ôm bát theo sau Phật nhưng lòng vẫn bâng khuâng lo âu mọi việc nhứt là việc làm lễ tơ hồng, nhưng ông lại tự an ủi rằng: Chắc xuống tới thang lầu Ngài thâu bát lại. Khi đến thang lầu đức Thế Tôn vẫn không nói gì và cứ từ từ ngự đi, ông lại bảo lòng rằng: Chắc Ngài sẽ nhận lấy bát lại sau khi ra khỏi vòng rào. Khi ra khỏi hai nơi ấy, đức Thế Tôn cũng chẳng thâu lấy bát lại, ông không biết phải làm sao, nhưng vì lòng rất kính trọng đức Thế Tôn nên không dám nói nửa lời, cúi đầu đếm bước theo sau đức Phật. Nhưng lòng thì ở nơi vị hôn thê trẻ và đẹp tuyệt trần, bà có tên là Jalapadaklyànì nghĩa là Hoàng hậu đẹp nhứt trong xứ. Dầu vậy ông vẫn còn niềm an ủi là khi tới chùa Ngài nhận bát ta vẫn còn nhiều thì giờ cử hành cuộc lễ tơ hồng. Sự an ủi của ông từ đoạn đường cho tới cửa chùa đến vào nơi Phật ngự, nhưng không có nơi nào là nơi Phật thâu bát lại.

    Trong khi ông ôm bát theo hầu Phật có các phi tần trông thấy chạy vào cho vị hôn thê của ông hay rằng: Thưa lịnh bà, đức Thế Tôn trao bát cho Hoàng tử ôm theo hầu, vậy lịnh bà phải làm sao?

    Bà Jalapadaklyànì nghe vậy lấy làm lo sợ, đang bới đầu, tay còn cầm búi tóc lật đật đứng dậy chạy ra nơi cửa sổ ngó xuống vào bảo ông Nanda rằng: Thái tử ơi, đưa đức Thế Tôn đến nơi rồi hãy quay về cho sớm nhá, cuộc lễ sắp cử hành rồi, nhứt là em nhớ trông chàng lắm đấy.

    Khi ông Nanda nghe lời của vị hôn thê bảo vậy ông có cảm giác là có quả núi Tu Di đè trên tim ông, mồ hôi nhỏ giọt, muốn gọi Phật để trao bát cho Ngài, nhưng ngặt nỗi không dám hở môi.

    Những gì đang sôi nổi trong tâm của ông Nanda , đức Thế Tôn đều biết nhưng Ngài vẫn điềm nhiên đi về tới chùa và vào thẳng nơi Phật ngự, Ngài ngự trên bảo tọa gọi Nanda đến và bảo rằng: Nầy Nanda , ngươi nên xuất gia đi!

    Mặc dầu lòng không hề muốn tí nào, nhưng không dám cãi lời, nên ông xuất gia. Ðây là vị Thái tử em một cha khác mẹ của Phật, là dòng Thích Ca xuất gia trước nhứt trong Phật giáo. Ông xuất gia sau khi đức Thế Tôn ngự về thành Ca Tỳ La Vệ được bốn ngày.

    Ðến ngày thứ bảy, bà Gia Du Ðà La trang điểm cho Thái tử Ra Hầu La thật đẹp rồi dẫn vào cung đức Tịnh Phạn Vương, nơi đức Thế Tôn thọ thực, bà bảo nhỏ con rằng: Ra Hầu La con ơi, con hãy nhìn xem vị Sa môn có hào quang sáu màu chiếu sáng trông thật là oai nghiêm, mặt đầy vẻ từ bi kia, thật là đẹp không khác nào vị Phạm Thiên; có hai muôn vị Sa môn theo hầu. Vị giáo chủ đó chính là phụ vương của con vậy. Phụ vương của con có ngọc ngà châu báu nhiều vô số kể. Từ khi phụ vương con xuất gia thì những hầm trân châu quí báu ấy biến mất. Vậy con nên đến lạy và xin Ngài những của cải đã mất ấy. Con nên tâu với Ngài rằng: Tâu Ðại vương, Ngài là đấng có nhiều oai đức sẽ được làm Chuyển Luân Thánh Vương. Con rất cần được của cải tài sản cùng tiếp lấy ngai vàng của phụ vương. Theo lẽ cố nhiên, của cha thì con được quyền thừa hưởng. Vậy xin Ngài từ bi ban bố của ấy cho con.



    Thái tử Ra Hầu La vâng lời mẹ đến gần đức Thế Tôn đảnh lễ Ngài xong, lòng lại phát sanh sự quyến luyến thương yêu Phật, và lấy làm thỏa thích khi được ngồi gần và nói chuyện với Phật.



    Ông Ra Hầu La mới nói với đức Thế Tôn rằng: Ngài đại Sa môn thật là một bóng mát mẻ và làm cho người được an vui hạnh phúc vô cùng tận. Rồi ông liền xin ngai vàng và châu báu như mẹ dạy.



    Khi thọ thực xong đức Thế Tôn ra về chùa. Thái tử Ra Hầu La lại theo sau đức Phật về chùa để xin ngai vàng và châu ngọc đã mất, nhưng trên thật tế vì ông thương mến đức Thế Tôn, muốn ở bên cha. Khi Thái tử Ra Hầu La theo Phật về chùa tất cả những người có mặt tại nơi ấy, nào là phi tần, quan quân nhưng không một ai dám ra cản hay kêu Thái tử trở lại, vì lẽ Thái tử là con Phật, cháu nội Tịnh Phạn Vương. Nhứt là đức Tịnh Phạn Vương yêu thương Thái tử Ra Hầu La hơn tất cả mọi vật trong cõi đời nầy, nên không ai dám kêu gọi hay ngăn cản gì cả.



    Khi đến chùa đức Thế Tôn mới nghĩ rằng: Thái tử Ra Hầu La muốn được di sản của cha, nếu Như Lai cho châu báu ngọc vàng vẫn được, nhưng những của ấy toàn là của còn lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Vậy Như Lai nên cho của báu là thất bửu nhà Phật mà ta đã cố tâm tìm kiếm hàng bao nhiêu A-tăng-kỳ kiếp mới gặp dưới cội Bồ đề. Ta sẽ cho thất bửu nhà Phật để nối theo dòng Phật bảo.

    Ðức Thế Tôn liền gọi Ðại Ðức Xá Lợi Phất đến mà dạy rằng: Này Xá lợi Phất, ông nên cho Ra Hầu La xuất gia.

    Ðại Ðức Xá Lợi Phất vâng lời cho xuất gia theo phương pháp thọ Tam qui và Thập giới. Ðức Tịnh Phạn Vương hay tin lấy làm buồn khổ. Ngài liền đến hầu Phật mà yêu cầu rằng: Kể từ đây đi giới tử muốn xuất gia, xin đừng cho xuất gia; cần phải có sự ưng thuận của cha mẹ.

    Ðức Thế Tôn nhận lời, và từ ấy vị nào muốn xuất gia cũng phải có sự ưng thuận của mẹ cha. Ðức Thế Tôn kiếu từ đức vua trở về Vương Xá thành.



    Trong khi đức Thế Tôn ngự tại Vương Xá thành có một ông đại Trưởng giả tên Cấp Cô Ðộc người thành Thất La Phiệt ( Savathì ) đi đến Vương Xá thành. Ông được dịp cúng dường đến chư Thánh Tăng có đức Phật làm tọa chủ, được nghe đức Phật thuyết pháp đắc Tu-đà-huờn quả. Ông liền xin thỉnh đức Thế Tôn ngự về thành Thất La Phiệt.

    Ông Trưởng giả Cấp Cô Ðộc vội vã ra về Thất La Phiệt để lo lập chùa và tư thất để Phật ngự đến dạy đạo. Ông tìm mãi không ra một nơi nào đủ tiện nghi để đức Thế Tôn ngự được an tĩnh và để cho tín đồ đến thính pháp và cúng dường.

    Ông tìm mãi mới gặp được một vườn xoài có đủ tiện nghi đủ mọi phương diện, khi hỏi ra mới biết là của một vị Hoàng tử tên Jeta (Tàu âm là Kỳ Ðà). Ông Trưởng giả mới đến nơi hoàng cung của vị Hoàng tử để hỏi mua. Ông Hoàng Jeta ấy bảo rằng: Ta không thể bán vườn xoài ấy cho ngươi được nhưng nếu ngươi có thể đem vàng trải cho đầy vườn xoài của ta tới đâu thì ngươi lấy tới đó, nhưng cây xoài là của ta thôi.

    Ông Cấp Cô Ðộc về truyền mở các kho vàng cho xe bò chở đến vườn xoài và trải khắp mọi nơi. Khi ấy ông Jeta lấy làm lạ và kinh khủng cái giàu và đức tin của ông Trưởng giả. Khi trải còn lại một góc vườn nữa. Ông Trưởng giả đứng vuốt râu và tỏ vẻ tư lự.

    Khi ấy ông Jeta mới hỏi ông Trưởng giả rằng: Sao ông Trưởng giả, bộ ông hết vàng rồi sao? Hay tiếc những vàng đã trải vườn?



    Ông Trưởng giả đáp: Không bao giờ tôi biết tiếc những khối vàng vô dụng này, mà tôi đang suy nghĩ coi phải lấy kho vàng nào của tôi gần nhứt để đem lại trải cho mau đặng tôi lấy vườn này cho gấp hầu lập tịnh xá và tư thất để thỉnh đức Giác Ngộ đến nơi đây thuyết pháp độ đời.

    Ông Hoàng Jeta nghe qua lấy làm kinh khủng và tự bảo rằng: Người nầy có một đức tin rất mạnh; không hề biết tiếc tiền của. Vậy tại sao ta lại tiếc vườn xoài nầy. Ông liền nói với ông Trưởng giả rằng: Nầy ông Trưởng giả, ông là người có đức tin rất dũng mãnh không tiếc hàng bao nhiêu vàng thì ta có tiếc gì vườn xoài nầy. Vậy tôi xin cúng dường vườn xoài nầy đến Tam bảo, tôi chỉ xin ông một việc thôi là tôi xin ông để tên chùa nầy là tên tôi.

    Ông Trưởng giả bằng lòng, nên chùa ấy sau này được tên là Jetavana gọi là Kỳ Viên tịnh xá (Nếu dịch ra là vườn của Kỳ Ðà) cũng có tên là Bố Kim Tự vì chùa ấy trải vàng.

    Khi chùa đã lập xong ông liền thỉnh đức Thế Tôn ngự đến và làm lễ dâng cúng chùa ấy đến Tam bảo.

    Riêng ông Nanda thì không thiết gì đến sự tu hành vì ông chỉ nhớ một người là vị hôn thê của ông thôi, và ông thường bảo với các vị Tỳ khưu rằng: ông không thích đời áo bả nâu sòng v.v...

    Ðức Thế Tôn liền gọi ông Nanda đến hỏi rằng: Nghe nói rằng: Ngươi nhớ vị hôn thê của ngươi không muốn xuất gia có phải vậy không?



    Ông Nanda mới bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn thật vậy!

    Ðức Thế Tôn dạy rằng: - Vậy ngươi hãy theo ta, ta sẽ kén vợ cho ngươi.



    Rồi đức Thế Tôn mới nắm tay ông dùng thần thông đưa ông đi lên cõi trời Ðạo Lợi mà ông không hay biết gì hết. Khi đang đi theo đường đức Thế Tôn lại dùng thần thông cho ông Nanda trông thấy một con khỉ cái mũi, tai và đuôi đều cụt hết đang ngồi trên một gốc cây cháy đen. Khi đến cõi Trời Ðạo Lợi đến nơi lầu của đức Ðế Thích, không biết có bao nhiêu vị tiên nữ, mặt thật xinh, hình thật đẹp bàn tay bàn chân đỏ như thoa son.



    Khi ấy đức Thế Tôn mới hỏi ông Nanda rằng: Nanda này, các vị tiên nữ này đối với vợ ngươi thì ra thế nào?



    - Bạch đức Thế Tôn, hôn thê của tôi làm sao sánh được với quí vị nầy, tôi có thể sánh hôn thê của tôi với con khỉ cái cụt tai, đuôi, mũi ngồi theo đường đi đến đây.

    - Nếu ngươi bằng lòng thì ta sẽ cưới cho ngươi một trong những cô mà ngươi đã thấy.



    - Bạch đức Thế Tôn, nếu Ngài từ bi giúp tôi được việc nầy, tôi rất bằng lòng và nguyện sẽ ở trong giáo pháp của Ngài không bao giờ hoàn tục.



    Khi ấy đức Thế Tôn liền dẫn ông trở về chùa Kỳ Viên. Các vị Tỳ khưu còn phàm nghe biết chuyện đức Thế Tôn đưa ông đi coi vợ ở cõi trời mới ngạo báng ông rằng: Ông Nanda hành phạm hành vì muốn được vợ là tiên nữ, chớ không phải hành đạo vì muốn giải thoát.

    Ông Nanda nghe vậy lấy làm hổ thẹn mới tách ra khỏi đám Tăng chúng ở nơi thanh vắng cố hành đạo không dám dễ duôi. Không bao lâu ông đắc A-la-hán quả. Khi ấy có một vị chư Thiên hóa hào quang chói sáng vào đảnh lễ đức Thế Tôn tại Kỳ Viên tịnh xá, và bạch Phật rằng: Hiện giờ em của đức Thế Tôn là ông Nanda đã giải thoát khỏi phiền não rồi.

    Sáng ngày, ông Nanda vào hầu Phật đảnh lễ Ngài xong bạch rằng: Chuyện mà tôi đã yêu cầu đức Thế Tôn giúp tôi cưới một vị tiên nữ, chuyện nầy tôi đã tự giải quyết xong rồi.



    - Như Lai đã hiểu rõ chuyện ấy bằng Tha tâm thông là ngươi đã giải thoát khỏi phiền não.



    Rồi đức Thế Tôn thuyết câu kệ rằng: YASSA TINNO KÀMAPANTO ... Bùn sình là ngũ trần, mà người đã vượt qua khỏi và diệt bỏ được gai góc là phiền não và trần tục, người ấy làm cho tâm không rung động trong việc vui và khổ.

    (Ý nói rằng không còn phiền não thì không còn ham mê trong các sự việc vui hoặc khổ của cõi đời nầy).

    Về sau các vị Tỳ khưu còn phàm mới hỏi Ngài Nanda rằng: Nầy ông Nanda , ông thường nói với chúng tôi rằng: Tâm ta rất là nóng nảy bực bội vì lửa tình thiêu đốt, bây giờ ra sao rồi? Ngài đáp: Nầy quí ông, hiện giờ tâm ta không còn quyến luyến thế tục nữa.

    Vì các vị Tỳ khưu hỏi ấy là phàm nhơn nên không hiểu được tâm của các bực Thánh nhơn, đồng cùng nhau chỉ trích đức Nanda rằng: Ông nói không thật khi thì nói như thế nầy, lúc thì nói như thế khác. Rồi các Ngài lại đem chuyện ấy bạch với đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn mới dạy rằng: Nầy chư Tăng, khi trước đây thân tâm của thầy Tỳ khưu ấy (chỉ Nanda ) ví như nhà dột. Hôm nay thân tâm của thầy Tỳ khưu Nanda ví như nhà đã lợp rất kỹ rồi. Kể từ ngày Nanda trông thấy tiên nữ thì cố gắng hết sức hành đạo để mau đến nơi cùng tột của người xuất gia, hiện giờ ông đã hoàn toàn giải thoát đạt thành sở nguyệt rồi.

    Ðức Thế Tôn có dạy câu kệ rằng: YATHÀ ÀGÀRA DUCCHANNAM ... Lẽ cố nhiên nhà lợp không kỹ khi mưa bị dột, cũng như tâm người không hành thiền định thì tham ái và phiền não khác xâm nhập vào tàn phá.



    Sau khi dứt thời pháp tất cả chư Tỳ khưu hiện diện nơi ấy đều đắc Thánh quả nhứt là quả Tu-đà-huờn.



    Trong khi đức Thế Tôn vân du độ chúng sanh từ làng nhỏ đến đô thị lớn đến khi Ngài ngự đến làng Anupiyamalanigama

    Trong khi ấy các vị hoàng tộc dòng Thích Ca có hội nhau và có ý định rằng: Khi Thái tử Si Ðạt Ta vừa sanh thì các thầy tướng số đoán rằng: Ngài sẽ thành đạo độ đời hơn là trị vì thiên hạ, trong khi ấy tất cả hoàng tộc đều có ý định rằng: Mỗi gia đình hoàng tộc đều phải cho một người con xuất gia theo giáo pháp của Ngài và để hầu Ngài. Sau khi Ngài thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã có rất nhiều vị Hoàng thân dòng Thích xuất gia theo Ngài. Nhưng chỉ có sáu vị Thế tử và Thái tử trong sáu gia đình chưa xuất gia là:

    1) Bhaddiya.
    2) Anuruddha (Tàu âm: A Nậu Ða La).
    3) Ananda hay A Nan.
    4) Bhagga.
    5) Kimabila và
    6) Thái tử Ðề Bà Ðạt Ða.

    Khi ấy các vị hoàng thân mới hội nhau lại bàn rằng: Chúng ta đều cho con xuất gia theo hầu Phật, chỉ còn có sáu gia đình chưa cho con xuất gia theo lời hứa năm xưa. Chắc sáu gia đình ấy không phải là dòng Thích Ca sao?

    Khi ấy ông Mahànàma là con vua Amitodana là cháu gọi đức Tịnh Phạn Vương là bác ruột mới đến nhà Anuruddha để bàn về việc xuất gia.

    Ông Mahànàma nói với ông Anuruddha rằng: Tất cả những người theo hầu Phật, vậy trong gia đình chúng ta, anh là người xuất gia theo hầu Phật hay là em.

    Ông Anuruddha tỏ vẻ suy nghĩ. Sự thật ông là một vị Thái tử thật là sang trọng cao thượng có phước hơn tất cả các vị Thái tử trong thời ấy, vì ông là người có tạo ra duyên lành để dành trong kiếp trước rất lớn. Từ nhỏ đến chừng ấy tuổi, ông không hề nghe và biết rằng KHÔNG CÓ. Ðây là nguyên nhân mà người ta biết ông là người đại phước và thường cho ông những gì gọi là không có.

    Ngày nọ sáu vị hoàng thân kể tên trên hội nhau lại chơi trò cỡi ngựa đánh cầu; vị nào thua phải chung bánh rồi cùng nhau ăn chơi.

    Ngày ấy ông Anuruddha cứ thua mãi đến đổi người nhà không thể làm kịp bánh để ông chung cho năm vị kia, ông cứ sai người về nhà xin bánh mãi, không có bánh ba mẹ không biết làm sao, lấy mâm không, đậy lại đem ra cho ông. Ông hỏi người đem ra rằng: Ðem bánh gì ra đó? Trước khi bưng ra mẹ ông bảo nếu có hỏi nói bánh Không có. Người nhà liền bảo: Kính thưa Thái tử bánh không có.



    Từ nhỏ đến lớn ông chưa từng nghe tiếng không có, nên khi ông nghe lấy làm ngạc nhiên nhảy xuống ngựa đến giở mâm ra coi bánh gì là bánh Không có. Khi ông giở ra thì thấy toàn là những bánh rất là lạ mùi hương thơm bay cả thành Ca Tỳ La Vệ, vị thật là ngon. Sở dĩ mà có chuyện phi thường như vậy là do nơi oai đức của ông làm phước thí trong kiếp quá khứ và ông nguyện rằng: Xin đừng cho ông nghe và biết tiếng Không có, vì vậy nên khi mẹ ông dạy bảo cho ông nghe rằng: Bánh không có. Chư Thiên nghe nói vậy lấy làm lo sợ vì oai đức ông, vì lời phát nguyện của ông, nên chư Thiên không thể để vậy được, nên đem thực phẩm để thay vào cho đầy mâm.

    Riêng ông Anuruddha thì không biết gì về tiếng không có. Nên khi ông ăn bánh xong trở về cung, ông liền vào hỏi mẹ rằng: Mẹ ơi, từ hồi nào giờ chắc mẹ không thương con phải không mẹ?

    Bà mẹ hỏi: Tại sao hôm nay con hỏi câu nầy? Mẹ thương yêu con cũng như thương yêu cặp mắt của mẹ vậy.

    - Nếu mẹ thương con tại sao từ hồi nào đến bây giờ mẹ không làm bánh không có cho con ăn?

    Bà lấy làm lạ mới hỏi tùng nhơn rằng: Có những gì trong mâm mà ngươi đã đem cho con ta?

    - Tâu lịnh bà, trong mâm ấy có đầy bánh lạ, các thứ bánh ấy hạ thần chưa từng thấy trong hoàng cung nầy một lần nào.

    Bà biết rằng con bà là bực đại phước đã có đào tạo nhiều phước khi xưa. Từ ngày ấy đi không bao giờ bà làm vật thực cho ông Anuruddha bà chỉ lấy mâm để vật thực và bảo là KHÔNG CÓ, khi giở mâm ra thì có nhiều thức ăn rất quí.



    Khi ông Anuruddha nghe anh hỏi trong hai anh em ai đi xuất gia hầu Phật. Ông mới hỏi lại ông anh rằng: Làm thế nào gọi là xuất gia?

    Ông Mahànàma nói: Phải cạo râu cạo đầu mặc cà sa khất thực, không được ngủ nơi sang trọng, tóm lại là bỏ cả những sự việc ở đời.

    Ông Anuruddha mới nói rằng: Thưa hoàng huynh, em là dòng vua chúa cao sang quyền quí không sao xuất gia hành theo như lời anh đã dạy.

    Ông Mahànàma nói: Nầy hoàng đệ, nếu vậy em phải học tất cả mọi việc làm phận sự của người tại gia. Em phải cáng đáng mọi việc trong gia đình để anh đi xuất gia.

    - Thưa hoàng huynh, phận sự của người tại gia có những gì?

    Sự thật nếu người không phải là đầu bếp thì không biết làm vật thực, cũng như ông Anuruddha từ bé đến trưởng thành mọi việc trong gia đình như ngoài xã hội đều do cha mẹ cáng đáng lo liệu, ông chỉ biết học văn võ và chơi thôi nên ông không biết gì ngoài ra học và chơi.

    Ngày kia có ba vị Thái tử hội nhau lại bàn luận việc học và nhân việc ấy mới hỏi nhau rằng: Vật thực mà ta ăn đây từ đâu đem đến?

    Ông Kimibila nói: Từ trong kho đến. Ông nói vậy vì ông trông thấy người thường vào kho đem vật thực ra làm đồ ăn.

    Ông Bhaddiya nói: Từ trong nồi múc ra. Ông nói vậy vì ông thấy người nhà thường múc đồ vật thực từ trong nồi ra.

    Ông Anuruddha : Có từ trên mâm vàng chén ngọc.

    Cả ba ông cãi nhau không ngã ngũ vào đâu mới hỏi đến các bực Trưởng lão. Các vị ấy mới dạy rằng: Khi người có được hột cơm ăn ấy phải mất một thời gian lâu và rất nhiều công phu. Nào là phải cày ruộng, bừa ruộng, gieo mạ, cấy, gặt, đập đem về nhà phơi cho khô, xay giã rồi mới đem vào kho, khi cần đem từ kho ra nấu ở nồi xong mới múc ra chén ngọc mâm vàng. Ðây còn chưa nói trong khi chưa ra lúa chưa đem về kho còn phải lo thiếu nước vì hạn hán, hay mưa nhiều lúa bị ngập. Tóm lại một hột cơm là một hột máu. Con người phải vất vả làm ăn lắm mới có cơm ăn áo mặc v.v...

    Khi các ông nghe kể sơ qua cuộc sanh sống của con người phải khổ sở; các ông lấy làm kinh sợ và nói rằng. Công việc của người tại gia thật là nặng nề cực nhọc, công việc ấy làm không bao giờ hết và cùng, con người sống trong đời sống cơ cực khổ sở nầy; ít vui nhiều khổ, lo cho thân nầy không bao giờ biết đủ và cùng. Vậy ta là người tri túc có trí tuệ thì còn gì ham trong cuộc đời ô trọc đầy đau khổ nầy được.

    Ông Anuruddha mới nói với anh là ông Mahànàma rằng: Hoàng huynh có bảo em rằng: Chuyện của người tại gia cư sĩ nhiều không sao kể xiết. Vậy xin hoàng huynh hãy ở tại gia làm người thế tục trong đời ô trọc nầy, còn em thì không còn lòng nào ham muốn địa vị vương hầu khanh tướng, lầu son gác tía nầy nữa. Em sẽ xuất gia tầm đường giải thoát khỏi trầm luân.

    Rồi ông đến hầu mẹ và nói với bà rằng: Xin Mẫu hoàng cho phép con được đi xuất gia hầu Ph?t.

    Bà khuyên ông rằng: Xuất gia phải khổ cực không có cơm ngon ăn, áo quần xinh đẹp mặc, không được an vui sung sướng như khi tại gia, đau ốm không người chăm nom săn sóc v.v... Ông nhất định xuất gia, bà cản ba lần không được nên đành cho ông xuất gia.



    Ông mới đến dinh ông Bhaddiya , năn nỉ ông ấy xuất gia, vì ông Bhaddiya là bạn thân của ông, hai ông chơi với nhau khi còn bé đến trưởng thành. Ông Bhaddiya không bằng lòng nên ông mới hết sức năn nỉ đến bảy lần ông mới nhận lời.

    Khi ấy ông mới rủ được năm vị dòng Thích Ca đi xuất gia với ông là sáu: 1) Bhaddiya, 2) Ananda , 3) Bhaggu , 4) Kimibila , 5) Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta).



    Sáu ông lại rủ được người thợ cạo là U Ba Li cùng đi với là bảy vị cả thảy. Trong khi các vị đi có binh gia theo đưa thật là trang nghiêm. Khi đi đến nơi giáp giới xứ Mala các vị ấy cho quan quân trở về còn có các ông thì cởi cả cân đai châu ngọc cạo râu tóc xong gọi ông U Ba Li đến mà bảo rằng: Ông U Ba Li ơi, ông là một vị cận thần tín cẩn nhứt trong dòng của chúng tôi, hôm nay chúng tôi đi xuất gia, ông hãy mang những châu ngọc nầy về mà dùng, những châu ngọc nầy có thể giúp ông sống một đời an nhàn Trưởng giả.

    Ông U Ba Li quì xuống nơi chân của các vị Hoàng tử khóc lóc tỏ lòng trung thành và thương mến, rồi xách của cải ấy trở về.

    Trên đường đi về ông bỗng nghĩ rằng: Lẽ cố nhiên bọn vua chúa là hạng cương ngạnh, chỉ biết dùng uy quyền không biết gì hơn, khi bọn họ thấy ta mang châu ngọc của sáu vị Hoàng tử về thì tức nhiên sẽ nghĩ rằng: U Ba Li đã hạ sát sáu vị Hoàng tử để cướp lấy của cải tức nhiên ta không bị giết thì cũng vào ngục thất không sao khỏi. Hơn nữa sáu vị Hoàng tử dòng Thích Ca, dứt bỏ sự sang giàu quyền chức ngôi chúa tể mà ai ai trong thế gian nầy cũng đều mong ước không tí nào mến tiếc, như người đã nhổ nước bọt không hề mến tiếc rồi đi xuất gia. Vậy chính ta có của cải gì? Phải chăng là thân nô lệ nầy? Của ấy được bao nhiêu? Có giá trị tới độ nào? Tại sao ta còn mến tiếc đống nước bọt của người ta đã nhổ mà không đi xuất gia?



    Sau khi nghĩ vậy, ông liền đem những châu ngọc ấy treo ở cành cây rồi la to lên rằng: Ai cần của cải nầy cứ lấy mà dùng, chủ nhân đã cho phép rồi.

    Ông liền chạy theo sáu vị Hoàng tử và thuật lại những gì mà mình đã nghĩ cho sáu vị ấy nghe, rồi xin sáu vị vui lòng cho theo xuất gia để thoát khỏi bể trầm luân. Rồi cùng nhau đến nơi Phật ngự.



    Trong khi ấy đức Thế Tôn đang ngự tại Anupiyavana ở xứ Mala. Khi bảy ông đến nơi Phật ngự đồng đảnh lễ. Sáu vị Hoàng tử đồng bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, chúng tôi là dòng Thích Ca, chúng tôi là những người mà ai ai cũng biết rằng: Rất nhiều lòng ngã mạn, ông U Ba Li lại là vị quan hầu. Vậy chúng tôi cầu xin đức Thế Tôn từ bi cho ông U Ba Li xuất gia trước chúng tôi, để ông là người cao hạ hơn đặng chúng tôi lễ bái kính trọng ông, hơn nữa ấy cũng là nhân làm cho chúng tôi diệt lòng ngã mạn.

    Thật là lời châu ngọc mà khó tìm thấy ở những hạng người có tiếng là ngã mạn nhứt trong thời kỳ ấy nói ra.

    Ðức Thế Tôn nhận lời và cho các vị ấy xuất gia sau.

    Sau khi xuất gia xong Ðại Ðức Bhaddiya đắc được ba cái minh trong hạ ấy. Ông Anuruddha đắc được thiên nhãn thông sau lại mới đắc A-la-hán khi nghe bài kinh Mahàpurisavitakkasutta. Ðại Ðức Ananda đắc Tu-đà-hườn quả. Ðại Ðức Bhagga và Kimibila hành Minh sát tuệ đắc A-la-hán quả. Riêng ông Ðề Bà Ðạt Ða không đắc được Thánh Quả nhưng đắc được thần thông.

    Sau khi các vị Hoàng tử dòng Thích Ca xuất gia xong. Ðức Thế Tôn ngự đi nhiều nơi để thuyết pháp độ đời, khi Ngài ngự đến thành Kosambhi, có rất nhiều tín đồ sùng bái cúng dường chư Tăng được nhiều lợi lộc.

    Khi Ðại Ðức Ananda đắc quả Tu-đà-hườn xong. Ðức Thế Tôn nghĩ đến chọn một vị đệ tử hầu Ngài, đức Thế Tôn không chọn phàm nhơn vì vị Tỳ khưu còn phàm phải cần hành đạo để đắc Thánh quả, còn nếu chọn vị A-la-hán thì không nên. Vì vậy từ khi thành đạo đến khi Ðại Ðức Ananda xuất gia không có vị Ðại Ðức hay vị Tỳ khưu nào chính thức hầu Phật. Khi có Ðại Ðức Ananda , đức Thế Tôn liền chọn ngay một vị đệ tử chánh thức theo hầu bên Phật luôn luôn. Nguyên nhân mà đức Thế Tôn chọn Ngài Ananda vì: Ðại Ðức Ananda có phát nguyện hầu Phật từ kiếp quá khứ được thọ ký và Ngài là vị Thánh hữu học nghĩa là vị Tu-đà-huờn giới hạnh trong sạch. Ðức Thế Tôn liền hội Tăng lại để chọn vị đệ tử hầu cận, khi ấy tất cả chư Tăng đồng lòng chọn Ðại Ðức Ananda .



    Khi được chọn làm đệ tử hầu cận, Ðại Ðức Ananda xin đức Phật tám điều là:
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:54 AM | Message # 28
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    1) Xin đừng cho y phục tốt đến Ananda .



    2) Xin đừng cho Ananda vật thực quí.

    3) Xin đừng cho Ananda ở chung cùng một tư thất với đức Thế Tôn.

    4) Xin đức Thế Tôn đừng đem Ananda theo hầu nơi nào mà người thí chủ chỉ mời đức Thế Tôn (ý nói không mời Ananda ).



    5) Xin đức Thế Tôn ngự đi đến noi mà Ananda đã nhận lãnh lời thỉnh cầu của thí chủ.



    6) Xin đức Thế Tôn cho phép Ananda được đưa tín đồ ở xa đến hầu đức Thế Tôn được vào hầu đức Thế Tôn.

    7) Khi nào Ananda có điều nghi ngờ về pháp luật xin cho Ananda được vào hầu và hỏi.



    8) Nếu đức Thế Tôn đi thuyết pháp nơi nào không có mặt Ananda khi về đến tư thất xin thuyết lại cho Ananda nghe.

    Ðức Thế Tôn liền phán hỏi: Ananda nầy, người thấy lợi và hại của tám điều mà người đã xin ấy, ra thế nào?

    Ðại đức Ananda đáp: Bạch đức Thế Tôn nếu tôi không xin bốn điều trước thì sẽ có người chỉ trích rằng: Sở dĩ mà Ananda hầu Phật hết lòng vì được lợi lộc như thế ấy, thì việc hầu hạ đức Thế Tôn cũng chẳng cực nhọc nào. Còn nếu tôi không xin ba điều sau thì người sẽ bảo nhau rằng: Ông Ananda hầu Phật để làm gì mà cũng không xin đức Thế Tôn cho phép chúng ta được chừng ấy. Còn tôi xin điều chót vì sẽ có người hỏi Ananda rằng: Pháp nầy đức Thế Tôn thuyết nơi nào? Nếu tôi đáp không xuôi, những người ấy sẽ chỉ trích rằng: Ngài hầu Phật mà chỉ chuyện nhỏ nhen như vầy cũng không biết, vậy mà là người theo kề bên Phật như bóng với hình, vì nguyên nhân trên mà tôi xin tám điều ấy.

    Ðức Thế tôn bằng lòng cho Ðại Ðức Ananda được như ý nguyện và nhờ nơi tám điều mà đức Ananda giúp cho nhiều vị Ðại Ðức hay tín đồ từ xa đến hầu Phật; mà cũng nhờ vậy mà Ngài xin cho bà Gotami xuất gia Tỳ Khưu ni được.



    (Từ đoạn dưới đây đi tôi viết đúng theo Tạng Luật bộ Cullavagga dạy về đoạn Sanghabheda - chia rẽ Tăng).

    Riêng Ðại đức Bhadhiya ở nơi nào chẳng hạn Ngài thường nói: An vui thay! An vui thay! Có nhiều vị Tỳ khưu còn phàm nghe vậy lấy làm lạ mới vào hầu Phật và bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, ông Bhaddiya nói như thế, chắc chắn rằng ông không thích hành phạm hạnh vì ông nhớ đến sự an vui của một vị đế vương của ông khi tại gia.

    Ðức Thế Tôn liền cho gọi Ông Bhaddiya đến hỏi rằng: Nầy Bhaddiya người có nói An vui hay không?

    - Bạch đức Thế Tôn đệ tử có nói vậy.

    - Tại sao ngươi lại nói câu ấy?



    - Bạch đức Thế Tôn, khi đệ tử còn là vị Ðế vương; có giáp sĩ túc trực hầu hạ, phòng vệ từ cung nội đến ngoại thành và cả mọi nơi trong xứ, mặc dầu sự canh phòng nghiêm mật như vậy mà đệ tử vẫn lo âu, luôn luôn phải đề cao cảnh giác. Nhưng hiện giờ đây đệ tử ở nơi cội cây, bóng mát, nơi hang sâu rừng thẩm hay ở nơi tư thất thanh tịnh hoặc nơi nào chẳng hạn, đệ tử vẫn không hề có chút lo âu sợ sệt chi, đệ tử nuôi mạng bằng vật thực bố thí của thí chủ, đệ tử ở nơi nào cũng tự do ví như thú rừng ở nơi rừng sâu. Vì đệ tử trông th?y quả báo như vậy nên mới nói an vui thay!



    Nhân cớ ấy đức Thế Tôn liền dạy rằng: Người nào không có sự vọng động bên trong, bỏ cả sự tiến hóa và thối hóa không có sự kinh sợ lo âu thì người ấy không có sự kinh sợ lo rầu, tất cả chư Thiên đều muốn gặp người ấy.



    Ðề Bà Ðạt Ða

    Khi đức Thế Tôn ngự tại làng Anupiya ít lâu, Ngài lại đến Kosambì ngự tại chùa Ghositàràma.



    Trong khi ấy có rất nhiều thiện nam tín nữ đến chùa hỏi thăm Ðại Ðức Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Xà Bà Ðồ v.v... và v.v... Nhưng không khi nào có một người nào hỏi đến Ðại đức Ðề Bà Ðạt Ða vì vậy nên ông căm tức và nghĩ rằng: Dầu sao ta cũng là một vị Hoàng tử dòng Thích ca xuất gia cùng với các vị Hoàng tử khác có người hỏi đến, còn ta thì không ai biết đến. Vậy ta phải làm sao? Làm cho ai biết đến ta, cúng dường long trọng đến ta, và để cho người biết tên Thế tử Ðề Bà Ðạt Ða. Ông liền nghĩ đến Thái tử AJÀTASATTU (A Xà Thế) là một vị Hoàng tử ở một đại cường quốc giàu có, nếu trong sạch với ta thì sẽ cúng dường trọng thể đến ta.

    Ông nghĩ xong liền thu xếp hành trang lập tức đến Vương Xá thành. Khi ông đến Vương Xá thành hóa ra một người thanh niên mình quấn đầy những rắn tuyệt độc và lại ngồi trên vế của Thái tử A Xà Thế.

    Riêng Thái tử đang ngồi bỗng dưng có một thanh niên mình quấn đầy rắn độc ngồi trên vế Thái tử nên lấy làm kinh hãi.

    Ông Ðề Bà Ðạt Ða liền hỏi: - Thái tử kinh sợ tôi lắm sao?

    - Sợ, vậy người là ai đấy?



    - Bần đạo là vị Tỳ khưu tên là Ðề Bà Ðạt Ða.

    - Nếu Ngài là vị Tỳ khưu Ðề Bà Ðạt Ða thì xin hãy hiện lại nguyên hình.

    Khi ấy Ðề Bà Ðạt Ða liền hiện lại là vị Tỳ khưu, đắp y mang bát thật là oai nghiêm.

    Vì Thái tử chưa hề tiếp xúc với các bực cao Tăng đại đức, nên Ngài không thấy ai có thần thông lạ lùng như vậy nên chi Ngài rất tin tưởng nơi Ðề Bà Ðạt Ða và rất lấy làm trong sạch với ông. Từ ngày ấy đi Thái tử A Xà Thế thường đến nơi cư ngụ của Ðề Bà Ðạt Ða mỗi ngày hai lần sáng và chiều, mỗi lần đến với năm trăm cổ xe, buổi sáng thì chở đầy năm trăm xe vật thực, còn buổi chiều thì vật uống như nước mía, nước cam v.v...

    Càng được vật cúng dường nhiều thì lòng mong ước xấu xa đê tiện càng xuất hiện nhiều. Ông Ðề Bà Ðạt Ða muốn người đời ca tụng ngợi khen ông như là một vị Chánh đẳng Chánh giác. Ông ta lại nghĩ: Ta phải là người cai quản Tăng chúng. Chỉ có lòng mong ước hảo huyền như vậy thần thông của ông tiêu mất liền.

    Khi ấy, có người con trai của người thí chủ của Ðại đức Mục Kiền Liên chết và sanh về cõi trời Phạm Thiên Hữu Sắc ông ấy tên là KAKUDHA. Ông liền trở xuống đảnh lễ Ngài Ðại Ðức rồi bạch rằng: Bạch Ðại Ðức ông Ðề Bà Ðạt Ða là người có tham vọng đê tiện, ông ấy là người bị lợi lộc, sự lễ bái cúng dường, sự ca tụng ngự trị tâm ông, nên ông ấy định cai quản Tăng chúng. Khi ông ta vừa nghĩ muốn cai quản Tăng chúng thì thần thông của ông ta tiêu diệt liền. Bạch xong vị Phạm Thiên ấy liền trở về cõi Phạm Thiên liền.

    Ðại Ðức Mục Kiền Liên liền đến hầu Phật và bạch Phật những gì mà Ngài đã nghe do vị Phạm Thiên.

    Ðức Thế Tôn mới dạy rằng: - Nầy Mục Kiền Liên ngươi có biết không? Vị Phạm Thiên Kakudha nói thế nào thì sự việc ấy cũng sanh ra như vậy, không hề sai chạy.

    Ðại Ðức đáp: Bạch đức Thế Tôn đệ tử đã hiểu.

    - Nầy Mục Kiền Liên! Ngươi hãy nhớ lời nói nầy, tên Moghapurisa (vô dụng) (ý chỉ Ðề Bà Ðạt Ða) sẽ đến đây bây giờ. Nầy Mục Kiền Liên trong thế gian nầy có năm hạng giáo chủ là:

    1) Hạng giáo chủ giới hạnh không trong sạch, nhưng lại tự cho rằng: Giới hạnh của ta thật trong sạch không nhơ bợn tý nào. Hạng đệ tử thân cận biết rằng vị giáo chủ giới đức không trong sạch mà cũng cho rằng: Có giới đức trong sạch, chúng ta (đệ tử xuất gia) nên nói với cư sĩ rằng: Vị giáo chủ của chúng ta có giới hạnh trong sạch. Như vậy các cư sĩ sẽ trong sạch với giáo pháp ấy. Ðiều nào làm cho mất lòng vị giáo chủ chúng ta không nên nói, khi được như vậy hàng cư sĩ kính trọng, chúng ta sẽ cúng dường y phục, vật thực chỗ ở và thuốc cho chúng ta. Nếu chúng ta hành động thế nào thì điều ấy sẽ trở lại cho chúng ta. Rồi đức Thế Tôn dạy Ðại Ðức Mục Kiền Liên rằng: Nầy Mục Kiền Liên, vị giáo chủ nầy gọi là người nhờ hàng đệ tử giữ giới cho, hàng giáo chủ nầy chỉ hy vọng nhờ đệ tử giữ giới cho.

    2) Còn một hạng giáo chủ nữa là vị giáo chủ nuôi mạng không chân chính, nhưng tự hào là nuôi mạng chân chính không nhơ đục, chư đệ tử (xuất gia) biết rằng vị giáo chủ nuôi mạng không chân chính, nhưng cũng nói rằng: Vị giáo chủ của mình nuôi mạng chân chánh. (Ðoạn sau nầy giống như đoạn sau của điều một).

    3) Còn một hạng giáo chủ nữa là: Vị giáo chủ thuyết minh giáo lý không được rõ rệt, không chu đáo hoàn toàn, mà tự hào rằng: giáo lý hoàn toàn chu đáo, không nhơ đục. Những đệ tử (hàng xuất gia) cũng biết rằng: Vị giáo chủ thuyết minh giáo pháp không rõ rệt, không chu đáo, không hoàn toàn v.v... (đoạn sau như đoạn sau của điều thứ nhứt).

    4) Còn một hạng giáo chủ nữa là: Vị giáo chủ ấy không thông hiểu rõ văn phạm, nhưng tự hào là hiểu thông văn phạm rất chu đáo không lỗi lầm. Những đệ tử (hạng xuất gia) cũng đều biết rằng: Vị giáo chủ không thông suốt văn phạm v.v... (đoạn nầy như đoạn sau của câu thứ nhứt).

    5) Còn một hạng giáo chủ nữa là: Vị giáo chủ ấy không giác ngộ; mà tự phụ rằng đã hoàn toàn giác ngộ. Những đệ tử (xuất gia) cũng biết rằng: Vị giáo chủ không hoàn toàn giác ngộ v.v... (đoạn nầy như đoạn sau của câu thứ nhứt).

    Nầy Mục Kiền Liên! Như Lai là vị giáo chủ có giới đức hoàn toàn trong sạch, nuôi mạng hoàn toàn chân chánh, pháp lý thật là rõ rệt chu đáo, văn phạm thông suốt đúng không sai chạy, sự giác ngộ hoàn toàn. Vì vậy nên Như Lai tự cho rằng: Ta có giới đức hoàn toàn trong sạch, nuôi mạng rất chân chánh, pháp lý hoàn toàn, văn phạm rất đúng và sự giác ngộ của đấng Chánh đẳng Chánh giác. Vì vậy nên tất cả đệ tử không cần phải giữ giới cũng như lo sự nuôi mạng, lý thuyết, văn phạm và sự giác ngộ của Như Lai. Và Như Lai cũng chẳng màng việc đệ tử phải giữ giới, nuôi mạng, pháp lý, văn phạm và sự giác ngộ cho Như Lai.

    Ðức thế Tôn ngự nơi thành Kosambi một thời gian, Ngài lại trở về Vương Xá thành ngự tại Trúc Lâm tịnh xá.



    Khi ấy có nhiều vị Tỳ khưu đến hầu Phật và bạch rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, Thái tử A Xà Thế đến hầu ông Ðề Bà Ðạt Ða mỗi ngày hai lần sáng và chiều, mỗi lần đến với năm trăm cổ xe, sáng thì chở đầy vật thực, chiều thì có những vật uống như mật, nước mía v.v... Ðể dâng cúng cho Ðề Bà Ðạt Ða.

    Ðức Thế Tôn liền dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, các thầy chẳng nên ưa thích lợi lộc, sự ca tụng của Ðề Bà Ðạt Ða. Khi nào Thái tử A Xà Thế còn đến hầu Ðề Bà Ðạt Ða mỗi ngày hai lần mỗi lần năm trăm cổ xe đầy vật thực ăn uống, thì khi ấy Ðề Bà Ðạt Ða càng mau bị tai hại là thiện pháp càng ngày càng tiêu diệt, không khi nào tiến hóa. Nầy các thầy Tỳ khưu; lẽ thường khi chó dữ mà người đem mật thú thoa vào mũi thì nó càng hung dữ thêm lên. Ðiều nầy cũng như Thái tử A Xà Thế càng lo cúng dường cho Ðề Bà Ðạt Ða buổi sáng cũng như buổi chiều mỗi lần năm trăm xe vật thực, thì càng làm cho thiện pháp của Ðề Bà Ðạt Ða càng tiêu diệt mau lẹ hơn.



    Nầy các thầy Tỳ khưu, lợi lộc, sư ca tụng sanh đến cho Ðề Bà Ðạt Ða để giết hại Ðề Bà Ðạt Ða, cũng như cây chuối khi đã trổ buồng thì nó đã lần vào cõi chết. Một chuyện nữa, ví như cây tre khi trổ măng thì nó lại cũng gần chỗ chết, hay cũng như ngựa hay đã có chửa thì cũng hết hay.

    Ðức Thế Tôn liền dạy thêm rằng: Buồng chuối giết cây chuối, mục măng giết cây tre, thai của ngựa hay giết tài ngựa, điều nầy ví như tài lợi, sự ca tụng, danh vọng là vật giết hại người thiểu trí.

    Ngày nọ, đức Thế Tôn ngự tại Trúc Lâm tịnh xá và đang thuyết pháp giữa hàng đại chúng có đức vua dự thính, Ðề Bà Ðạt Ða đứng mặc y chừa vai trái đảnh lễ xong, bạch Phật rằng:

    - Bạch hóa đức Thế Tôn, nay Ngài đã già rồi, là bực Trưởng lão, xin đức Thế Tôn ngưng hoạt động, nên tìm sự an vui của sự thanh tịnh cõi lòng, nên nhường chư Tăng lại cho tôi cai quản.

    Ðức Thế Tôn dạy rằng: Ðừng Ðề Bà Ðạt Ða, ngươi không nên mong muốn cai trị Tăng chúng.



    Bị đức Thế Tôn không nhận lời nhưng không vì lẽ ấy mà ngã lòng, Ðề Bà Ðạt Ða cố yêu cầu xin đôi ba lượt, nhưng bị đức Thế Tôn khước từ. Ðức Thế Tôn dạy: Nầy Ðề Bà Dạt Ða, mặc dầu hàng đại đệ tử chánh thức như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên mà Như Lai cũng chẳng giao quyền cai quản Tăng chúng thay, thì làm sao Như Lai lại giao chư Tăng cho người đê hèn như ngươi là người nuốt nước bọt của mình.

    Ðề Bà Ðạt Ða lấy làm tức giận nên nghĩ rằng: Ðức Thế Tôn thóa mạ ta giữa hàng đại chúng có cả nhà vua, nhà vua cũng ca tụng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Ông liền đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ra đi. Từ ấy ông đã cột oan trái với đức Thế Tôn.

    Cũng trong khi ấy đức Thế Tôn dạy chư Tăng rằng:

    - Nầy chư Tăng, các vị nên tuyên ngôn về hành động của thầy Tỳ khưu Ðề Bà Ðạt Ða rằng: Trước đây ông Ðề Bà Ðạt Ða có sự hành động khác, nhưng hiện nay hành động ấy đã thay đổi khác. Những gì mà ông Ðề Bà Ðạt Ða hành dộng hay nói, những sự việc ấy Phật, Pháp, Tăng không nhìn nhận, những việc ấy là ý kiến riêng của Ðề Bà Ðạt Ða.



    Khi ấy chư Luật sư vâng lịnh đức Thế Tôn nên đến đọc tuyên ngôn tại thành Vương Xá.



    Nơi đây có câu chú giải của câu Phật dạy trên là: Ngươi là người nuốt lấy nước bọt của bản thân mình. Câu nầy chí giải rằng: Ðề Bà Ðạt Ða thọ những lợi lộc của người cúng dường không chân chánh, ý nói nuôi mạng không hợp pháp. Chư Thánh nhơn cho rằng những vật nào mà người xuất gia được thí chủ cúng dường không hợp pháp thì những vật ấy nhơ như nước bọt.



    Khi ấy đức Thế Tôn cho gọi Ðại Ðức Xá Lợi Phất đến dạy rằng:

    - Nầy Xá Lợi Phất, vậy ngươi nên đến Vương Xá thành đọc tuyên ngôn cho người biết việc hành động của Ðề Bà Ðạt Ða.

    Ðại Ðức Xá Lợi Phất liền bạch Phật:

    - Bạch Ðức Thế Tôn trước đây đệ tử hằng ca tụng Ðề Bà Ðạt Ða tại Vương Xá thành rằng: Ðề Bà Ðạt Ða là con của bà Godhi là người có thần thông, có oai lực lớn, giờ đây đệ tử phải tuyên ngôn thế nào?



    - Xá Lợi Phất, ngươi đã ca tụng như vậy sao?



    - Bạch đức Thế Tôn đệ tử có ca tụng như vậy.

    - Nầy Xá Lợi Phất, giờ thì ngươi tuyên ngôn sự thật của sự hành động của Ðề Bà Ðạt Ða.

    Ðại Ðức vâng lời đức Thế Tôn. Khi ấy đức Thế Tôn cho hội Tăng chúng và dạy rằng:



    - Nầy chư Tỳ Khưu, chư Tăng nên đọc tuyên ngôn cho Xá Lợi Phất có quyền tuyên bố hành vi của Ðề Bà Ðạt Ða tại Vương Xá thành rằng: Ngày xưa Ðề Bà Ðạt Ða có hành vi khác, hiện nay có hành vi thay đổi khác biệt. Những gì mà Ðề Bà Ðạt Ða làm hay nói, những sự việc ấy Phật. Pháp, Tăng không công nhận. Những sự việc ấy là ý kiến riêng của Ðề Bà Ðạt Ða.



    Khi chư Tăng đồng tâm cử Ðại Ðức Xá Lợi Phất được phép toàn quyền đọc tuyên ngôn xong. Ðại Ðức cùng nhiều vị Tỳ khưu đến Vương Xá thành đọc tuyên ngôn theo lời Phật dạy.



    Khi ấy những hạng ngoại đạo không có đức tin với Phật giáo không hiểu nguyên nhân gì mà có chuyện ấy nên mới bảo nhau rằng: Bọn Sa môn Cồ Ðàm ganh tị nhau.

    Còn những người có đức tín với Phật giáo, và các bậc trí thức nói với nhau rằng: Chuyện mà đức Thế Tôn cho đọc tuyên ngôn không phải là chuyện tầm thường đâu.



    Sau khi đến Vương Xá thành, Ðề Bà Ðạt Ða liền đến hầu Thái tử A Xà Thế và bảo Thái tử rằng:

    - Thưa Thái tử, khi xưa người thường hay trường thọ, thời nầy người thường chết yểu, như vậy nếu Thái tử vẫn ở ngôi Thái tử như vầy thật là thiệt thòi. Vì có thể Thái tử sẽ chết trước lịnh hoàng thượng. Vậy Thái tử nên thí vua để chiếm lấy ngai vàng, còn ta thì giết Phật sẽ là vị Pháp vương.

    Thái tử A Xà Thế nghĩ: Ðề Bà Ðạt Ða là người có nhiều thần thông, có oai đức lớn, chắc là ngài đã hiểu thông vị lai quá khứ. Nghĩ xong ngài quyết định một điều. Khi ấy Thái Tử liền mang giáp trụ bên trong mang gươm vào chầu vua.

    Các vị quan hầu giữ hoàng cung là người nhiều kinh nghiệm, thoáng thấy cử chỉ bất thường của Thái tử biết rằng: Có chuyện gì xảo trá. Nên các vị ấy liền bắt Thái tử và khám xét trong người thấy có giáp trụ, ngoài ra còn có gươm nên hỏi: Thái tử Ngài có ý định gì mà mang giáp trụ và gươm?

    - Ta muốn hành thích phụ vương ta.

    Các quan hầu hỏi: Ai xui Thái tử hành động như vậy?

    - Ðại Ðức Ðề Bà Ðạt Ða xui ta như vậy.

    Các quan liền mở hội bàn luận về việc của Thái tử.

    Trong các quan ấy có ba ý kiến khác nhau. Một nhóm nói: Nên giết Thái tử và Ðề Bà cùng chư Tỳ khưu.

    Có vị nói: Không nên giết Thái tử cũng như Ðề Bà Ðạt Ða và chư Tăng vì quí Ngài không hề làm điều xằng bậy. Chúng ta nên tâu lên lịnh Hoàng thượng trước, tùy theo lịnh của Ngài chỉ dạy, chúng ta chỉ là người thực hành theo thượng lịnh thôi.

    Khi ấy các vi quan hầu liền đem chuyện ấy tâu lên cho đức Bình Sa Vương rõ.

    Ðức vua liền phán hỏi: Vậy chư hiền khanh có ý định thế nào?

    Một trong các vị quan ấy thay mặt cho nhóm tường trình ý kiến của ba nhóm để đức vua nghe.

    Ðức Bình Sa Vương là vị đệ tử Phật đắc, Tu-đà-hườn; là vị đại trí thức nên Ngài thông hiểu mọi lẽ của nghiệp. Ngài phán hỏi:



    - Nầy các vị, các vị có biết Phật, Pháp, Tăng đã làm những gì không? Ngài tự đáp: Ðức Thế Tôn đã có cho đọc tuyên ngôn về chuyện của Ðề Bà Ðạt Ða trong Vương Xá thành như vầy (Ngài thuật lại lời tuyên ngôn của đức Thế Tôn dạy). Rồi Ngài dạy các vị nào có ý kiến giết Thái tử, Ðề Bà Ðạt Ða và chư Tăng các vị ấy gọi là ở trong trường hợp bất chính (Vì vậy bị cách chức).

    Các vị nào có ý kiến là không nên giết Thái tử và Ðề Bà Ðạt Ða và chư Tăng phải tâu lên cho trẫm rõ đã. Vị nầy ở trong tình trạng cao thượng. (Ý nói được thăng chức).

    Ðức vua liền phán hỏi Thái tử: Nầy Thái tử, tại sao con lại muốn giết phụ vương.

    - Tâu Phụ vương vì con muốn ngự trị trên ngai vàng.

    - Nầy con, nếu con muốn ngai vàng (thì cứ nói) vì ngai vàng nầy là của con chớ của ai đâu?



    Nói xong đức vua liền trao cả uy quyền cho Thái tử. Từ đó là A Xà Thế vương.

    Ðề Bà Ðạt Ða liền vào hầu tân vương và bảo rằng:



    - Tâu đại vương, Ngài nhắm coi người nào có thể giết ông Sa môn Cồ Ðàm được xin Ngài ra lịnh hạ thủ lập tức.

     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:54 AM | Message # 29
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Khi ấy đức vua A Xà Thế liền hạ lịnh truyền cho tất cả quan quân biết rằng: Nếu Ðại Ðức Ðề Bà Ðạt Ða dạy các ngươi làm việc gì thì các ngươi phải vâng lời.

    Ðề Bà Ðạt Ða được ủy thác như vậy lập tức chọn ngay một tay cung thủ đại tài đến và dạy rằng; Ngươi hãy đến nơi ông Cồ Ðàm đang ngự giết phăng lão ta đi, rồi ngươi hãy trở về theo con đường nầy.

    Rồi ông ta chọn hai người cung thủ khác cũng rất tài, núp một nơi mà người cung thủ giết đức Thế Tôn xong trở về, rồi bảo rằng: Hai người nên giết cho được một người cung thủ sẽ về trên đường nầy, rồi các người hãy theo con đường nầy mà về. Rồi ông ta lại chọn bốn người cung thủ rất giỏi chận nơi đường về của hai người kia và dạy khi thấy hai người kia về đến thì hạ thủ ngay, khi hạ thủ xong nên về ngả nầy, bốn người ấy đi xong lại chọn tám người khác dạy chận đường để giết bốn người kia đi rồi lại về ngả khác.

    Khi người thứ nhứt vâng lời mặc võ phục mang tên đeo cung và xách gươm đến nơi Phật ngự. Khi đến gần nơi Phật ngự, người thích khách ấy lấy làm kinh sợ đưa gươm lên mà không làm sao có can đảm để giết Phật, đứng trân trân như vậy đến xuất mồ hôi ướt cả mình.



    Khi ấy đức Thế Tôn thấy vậy liền gọi người ấy và dạy rằng:

    - Người hãy đến đây, không nên kinh sợ.

    - Người ấy mới hết sợ và để gươm xuống được, y liền tháo cung tên và gươm xuống xong vào hầu Phật và bạch rằng:



    - Bạch hóa đức Thế Tôn, vì sự si mê dại dột nên tôi đến đây để hành thích đức Thế Tôn, thật tôi là người tội lỗi độc ác. Vậy xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi tha thứ cho tôi để tôi được trong sạch tu hành.



    - Nầy người, sự sai lầm đến với ngươi vì sự si mê ngu dốt, nên ngươi mới đến nơi đây với tấm lòng đê tiện xấu xa là làm hại Như Lai. Nhưng giờ đây người nhận thấy sự sai lầm và cũng đã hối cải nên Như Lai lãnh lấy sự sai lầm ấy của người để người được trong sạch. Người mà đã nhận định tội lỗi xong ăn năn hối cải, người ấy sẽ được hưởng sự an vui tiến hóa theo các bực Thánh nhơn. Theo sau đức Thế Tôn thuyết bài pháp ANUPUBBKATHA (nghĩa là năm pháp tuần tự, xem đoạn đức Thế Tôn thuyết cho Ðại Ðức Yassa nghe). Khi nghe pháp tâm người cung thủ ấy được trong sạch, nên người ấy đắc được Pháp nhãn (Ý nói trí tuệ nhận thấy rõ pháp Tứ Ðế hay là đắc Tu-đà-hườn). Khi người ấy thấy rõ Pháp bảo nên tâm dũng mãnh can đảm không còn nghi ngờ đạo pháp nên bạch Phật rằng:



    - Bạch hóa đức Thế Tôn, pháp mà đức Thế Tôn đã thuyết thật là cao sâu mầu nhiệm, ví như người lật ngửa vật bị úp, mở vật bị đóng chặt, soi ánh sáng vào nơi tăm tối để người trong thấy đường. Người mà làm được như vậy thì chỉ có đức Thế Tôn mà thôi, Ngài là đấng giảng giải Pháp bảo, Ngài là đấng trông thấy đường giải thoát. Tôi xin hết lòng thành kính nương nhờ nơi Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, xin đức Thế Tôn biết rõ cho tôi là một thiện nam của Phật giáo kể từ giờ phút nầy đến trọn đời.

    Ðức Thế Tôn liền dạy người ấy rằng:

    - Người chẳng nên đi theo con đường nầy, hãy đi đường nầy (đức Thế Tôn chỉ đường khác, không cho đi theo đường của Ðề Bà Ðạt Ða biểu đi)

    Hai người mà Ðề Bà Ðạt Ða dạy đợi người kia về hạ sát, đợi lâu không thấy ai đi đến liền lần theo đường ấy mà đi tìm, đi đến gặp đức Thế Tôn và Ngài thuyết pháp độ cả hai đều đắc Tu-đà-hườn quả. Xin làm Thiện nam của Phật giáo. Ðức Thế Tôn lại dạy đi đường khác mà về. Bốn người kia cũng không thể đợi lâu được cũng đến nơi Phật ngự và cũng hưởng được quả vị của Thánh nhơn. Tám người kia cũng như những người trước.

    Khi người thứ nhứt không giết Phật được liền về phục mạng nói với Ðề Bà Ðạt Ða rằng:



    - Tôi không thể giết được đức Thế Tôn, vì Ngài là đấng có nhiều thần thông và oai đức.

    - Thôi, ngươi không nên giết ông Sa môn Cồ Ðàm để chính tay ta giết ông ấy.



    Một hôm, đức Thế Tôn đang đi kinh hành ở nơi triền núi Gijjhokuta. Ðề Bà Ðạt Ða biết vậy liền leo trên núi lăn xuống một tảng đá to vì ông ta nghĩ bụng rằng: Tảng đá nầy sẽ giết chết ông Cồ Ðàm. Khi tảng đá lăn xuống, thì hai ngọn núi ấy cúi đầu xuống che chở không cho tảng đá xâm phạm đến đức Thế Tôn. Chỉ có một mảnh đá nhỏ văng trúng chân đức Thế Tôn trầy.

    Ðức Thế Tôn ngó lên bảo rằng: - Nầy Moghapurisa (người rỗng không) ngươi cố tâm làm hại Như Lai, làm Như Lai chảy máu, đây gọi là ngươi làm một việc không phải thiện nghiệp vậy.



    Sau đó đức Thế Tôn cho chư Tăng hay rằng: Ðề Bà Ðạt Ða cố ý làm hại Ngài, làm cho vị Ðại Giác chảy máu. Ðề Bà Ðạt Ða đã phạm vào một trong năm tội nặng gọi là Ngũ nghịch đại tội.



    Chư Tăng nghe Ðề Bà Ðạt Ða cố ý hại Phật thì lấy làm lo sợ lòng cố chia nhau đi kinh hành quanh chùa và niệm kinh ra tiếng để giữ an lành cho đức Thế Tôn.

    Ðức Thế Tôn nghe tiếng niệm kinh lớn khác thường như vậy, Ngài mới phán hỏi Ðại Ðức Ananda rằng: Ananda nầy, tại sao có tiếng niệm kinh lớn như vậy?



    - Bạch đức thế Tôn, vì chư Tăng biết rằng: Ðề Bà Ðạt Ða cố tâm làm hại Phật, nên chư Tăng tựu lại đi kinh hành quanh chùa và niệm kinh ra tiếng để ngừa Ðề Bà Ðạt Ða và giữ an ninh cho Ngài.

    - Nầy Ananda , ngươi nên đi gọi tất cả chư Tỳ khưu ấy đến đây để Như Lai dạy việc.

    Ðại Ðức Ananda vâng lời gọi chư Tăng đến, khi chư Tăng tựu lại xong đức Thế Tôn dùng lời an ủi các ngài rằng:

    - Không có nhân vật nào trong Tam thế làm hại Như Lai được Bậc Chánh đẳng Chánh giác không hề nhập diệt bởi sự làm hại của kẻ khác. Nầy các thầy Tỳ khưu, trong thế gian nầy có năm hạng giáo chủ (Xin xem đoạn đức Phật dạy Ðại Ðức Mục Kiền Liên).

    Nầy các thầy Tỳ khưu, trong năm hạng giáo chủ kể trên mong nhờ vào chư đệ tử giữ gìn và ủng hộ cho. Riêng Như Lai là đấng có giới hạnh trong sạch, nuôi mạng chân chánh, pháp lý tuyệt đối cao siêu, văn phạm rất đúng, sự giác ngộ hoàn toàn. Như Lai không mong ước chư đệ tử ủng hộ Như Lai về mặt giới, nuôi mạng, lý thuyết; văn phạm và sự giác ngộ. Nầy chư Tỳ khưu, lẽ cố nhiên chư Chánh đẳng Chánh giác không bao giờ có nhân vật nào làm hại được, không hề nhập diệt bởi sự làm hại của kẻ khác. Vậy các vị hãy trở về tư thất lo tu hành, lẽ dĩ nhiên vị Chánh đẳng Chánh giác không nhờ ai giữ an ninh cho hết.

    Khi ấy trong Vương Xá thành có một thớt tượng trận rất hung ác phi thường và đã giết hại rất nhiều người. Tượng ấy tên là Nàlàgirì.

    Ðề Bà Ðạt Ða liền đến nơi chuồng tượng bảo người quản tượng rằng: Ta là thân quyến của đức vua, ta có quyền thăng chức hoặc tăng lương hay tưởng thưởng công trạng cho ai cũng được. Vậy nếu khi nào ông Sa môn Cồ Ðàm đi vào hẻm nầy các ngươi hãy thả tượng Nàlàgirì ra.

    Sáng ngày hôm sau đức Thế Tôn vào thành khất thực với chư Tăng. Ðức Thế Tôn đi ngay đến con đường chuồng tượng. Người quản tượng thấy đức Thế Tôn ngự đến liền thả tượng Nàlàgirì ra. Tượng trông thấy đức Thế Tôn từ xa đến, liền đưa vòi lên, hai tai vảnh ra hung hăng chạy ngay đến nơi Phật đang ngự đi.

    Chư Tăng thấy tượng rất hung hăng chạy đến quyết hại Phật nên có vị đến bạch đức Thế Tôn rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, tượng Nãlàgirì là tượng thật rất hung ác phi thường, tượng hay giết người, xin đức Thế Tôn tránh nó.

    - Các người hãy yên lặng và đi theo Như Lai, chẳng nên kinh sợ và chạy trốn.

    Khi ấy người trong Vương Xá thành chia ra làm hai hạng Phật tử và ngoại đạo. Hạng Phật tử thì nói với nhau rằng: Không lâu tượng hung ác ấy sẽ bị tượng cao quí chinh phục (Khi xưa người ta thường gọi bạch tượng là tượng quí nhứt, nên người ví đức Phật như tượng cao quí hơn những con tượng khác).



    Những người ngoại đạo thì nói: Thương hại cho ông Sa môn Cồ Ðàm, người thật đẹp, sẽ bị tượng chà chết.

    Ðức Thế Tôn liền rải lòng từ bi đến tượng hung ác Nàlàgirì. Khi tượng hung ác ấy được lòng từ bi của đức Thế Tôn cảm hóa, để vòi xuống, hai tai cúp lại, đứng trước đức Thế Tôn như một con tượng hiền lành. Ðức Thế Tôn liền rờ đầu tượng mà dạy rằng:

    - Nàlàgirì ơi, ngươi không nên xúc phạm làm hại đến tượng cao quí như ngươi. Sự đến làm hại Như Lai là tượng cao quí nhất trong tam giới là nguyên nhân đem khổ đến cho ngươi. Nầy Nàlàgirì ơi, người mà giết hại Như Lai thì không bao giờ đến cõi trời được, mà chỉ rơi ngay vào ác đạo. Ngươi không nên say, không nên dễ duôi, chúng sanh trong tam giới vì sự dễ duôi nên không thể nào sanh vào cõi an vui được. Ngươi sẽ đến nơi an lạc được là nhờ không dễ duôi.



    Khi đức Thế Tôn dạy dứt lời tượng liền dùng vòi hút lấy đất bụi bên chân đức Thế Tôn rải lên đầu mình, hai chân trước quì xuống đầu mọp sát đất tỏ dấu lễ bái xong đứng dậy lui ra dần dần khi đến khuất tầm mắt đức Thế Tôn xong mới day lại chạy về chuồng. Ðây là một điều phi thường trong tám điều mà đức Thế Tôn thâu phục nhân vật hung dữ.

    Trước sự ấy người người đều bảo nhau rằng: Người đời hằng dạy tượng bằng gậy to, cù nèo, búa, roi. Nhưng chỉ có đức Thế Tôn là tượng cao quí hơn tất cả tượng và thiên nhơn trong tam giới là đấng hoàn toàn giải thoát nên không dạy tượng bằng dụng cụ vũ khí.

    Ðồng thời ai ai cũng chỉ trích Ðề Bà Ðạt Ða rằng: Thật Ðề Bà Ðạt Ða là người xấu xa đê tiện. Vì người cố giết đức Chánh đẳng Chánh giác có nhiều oai đức cũng như thần thông.

    Sau từ ngày cố giết đức Thế Tôn bằng tượng trở đi, ai ai trong thành Vương Xá đều biết Ðề Bà Ðạt Ða là người xấu xa đê tiện, nên ông không thể tìm được một muỗng cơm. Trái lại người càng sùng kính và cúng dường đến đức Thế Tôn nhiều vô số kể.

    Do không được cúng dường như xưa Ðề Bà Ðạt Ða lại nghĩ đến chuyện chia rẽ Tăng chúng, nên ông đến tìm các vị Tỳ khư tên Kolàlika, Katamora, Katissaka, Kandadeviyaputta, Samuddadatta và nói với những vị ấy rằng: Chúng ta nên hội nhau lại làm cuộc chia rẽ Tăng chúng.

    Ông Tỳ khưu Kolàlika nói: Ông Sa môn Cồ Ðàm là người có nhiều thần thông cũng như oai đức, chúng ta làm sao chia rẽ Tăng chúng được.

    Ðề Bà Ðạt Ða nói: Các người nên theo tôi và đi với tôi đến hầu ông Sa môn Cồ Ðàm; xin ông ta năm điều như vầy: Bạch đức Thế Tôn! Ngài thường ca tụng sự Tri túc, tự túc, sự mài giũa và sự tiêu diệt ác pháp, sự hành động đáng cho tín đồ trong sạch, sự không tom góp của cải để dành và sự tin tấn hành đạo. Ðây là năm điều làm cho sự trí túc, tự túc phát sanh, làm cho sự mài giũa ác pháp (phát sanh mãnh liệt) sự hành động làm cho người trong sạch, làm cho tiêu diệt sự tom góp của cải để dành, làm cho sự tinh tấn tuyệt đối. Vậy xin đức Thế Tôn ra điều cấm và cho chư Tỳ khưu phải hành theo năm điều là:



    1) Xin cho chư Tỳ khưu phải ở rừng trọn đời, vị Tỳ khưu nào vào ở gần làng là thầy Tỳ khưu phạm tội.

    2) Xin cho các vị Tỳ khưu khất thực nuôi mạng trọn đời. Vị Tỳ khưu nào nhận lời thọ thực của thí chủ cúng dường tại nhà là vị Tỳ khưu phạm tội.

    3) Xin cho chư Tỳ khưu lượm lấy vải dơ làm y phục trọn đời. Vị Tỳ khưu nào thỏa thích y của thí chủ cúng dường là vị Tỳ khưu phạm tội.

    4) Xin cho chư Tỳ khưu phải cư ngụ dưới cội cây trọn đời. Vị Tỳ khưu nào vào ở trong làng xóm, vị Tỳ khưu ấy phạm tội.



    5) Xin cho chư Tỳ khưu không được thọ thực thịt cá trọn đời. Vị Tỳ khưu nào thọ thực thịt cá, vị Tỳ khưu ấy phạm tội.

    Chắc chắn rằng: Ông Sa môn Cồ Ðàm không bao giờ bằng lòng năm điều cấm ấy. Khi ấy ta lại đem năm điều ấy truyền rao và giải thích rõ cho chư Tăng và thiện tín rõ. Chúng ta sẽ có cơ hội chia rẽ Tăng chúng. Nầy các bạn ơi, chúng ta sẽ được nhiều người trong sạch cúng dường ủng hộ sự hành đạo của chúng ta.



    Sau khi thảo luận với bốn vị Tỳ khưu ấy xong rồi đồng lòng cùng vào hầu Phật, lễ Phật xong rồi ngồi xuống và Ðề Bà Ðạt Ða bạch Phật rằng:

    BHAGAVÀ BHANTE ANEKAPARIYÀ YENA APPICCHASSA SANTUTTHASSA SALLEKHASSA DHÙTASSA PÀSÀDIKASSA APACAYASSA VIRIYÀRAMBHASSA VANNAVÀDÌ. IMÀNI BHANTE PANCAVATTHUNI ANEKKAPARIYÀYENA APPICCHATÀYA SANTUTTHIYÀ SALLEKHÀYA DHUTATÀYAPASSÀDIKATÀYA SAMVATTANTI SÀDHU BHANTE BHIKKHU YÀVAJIVAM ARANNIKÀ ASSU. YO GÀMANTAM OSÀREYYA VAJJAMNAÂ PHUSSEYYA. YÀVA JIVAM PINDAPATIKÀ ASSU YO NIMANTÀNAM SÀDIYẸYYÀ VAJJAM NAM PHUSSEYYA. YÀVAJIVAM PANSUKULIKA ASSU YO GAHA TICIVARAM SÀDEYYA VAJJAM NAÂ PHUSSEYYA. YÀVAJIVAM RUKKHAMULIKA ASSU YO CHANNAM UPAGACCHEYYA VAJJAM NAM PHUSSEYYA. YÀVAJIVAM MACCHAMAMSAM NA KHÀDEYYA YO YO MACCHAMAMSAM KHADEYYA VAJJAM PHUSSEYYA.



    Nghĩa: Bạch hóa đức Thế Tôn, Ngài hằng ca tụng sự tri túc, tự túc, sự mài giũa, sự tiêu diệt ác pháp. Sự hành động đáng cho tín đồ trong sạch, sự không tom góp của cải để dành và sự cố gắng tinh tấn hành đạo. Ðây là năm điều làm cho sự tri túc, tự túc phát sanh, sự làm cho sự mài giũa ác pháp (phát sanh mãnh liệt) sự hành động làm cho người trong sạch, làm cho tiêu diệt sự tom góp của cải để dành, sự làm cho sự tinh tấn tuyệt đối phát sanh. Vậy xin đức Thế Tôn ra điều luật cấm và cho các vị Tỳ khưu hành theo năm điều ấy là:



    1) Xin cho chư Tỳ khưu phải ở rừng trọn đời. Vị Tỳ khưu nào vào ở gần làng xóm là thầy Ty khưu phạm tội.



    2) Xin cho các thầy Tỳ khưu khất thực nuôi mạng trọn đời, vị Tỳ khưu nào nhận lời thọ thực của thí chủ cúng dường tại nhà là vị Tỳ khưu phạm tội.

    3) Xin cho chư Tỳ khưu lượm lấy vải dơ làm y phục trọn đời, vị Tỳ khưu nào thỏa thích với y của thí chủ cúng dường là vị Tỳ khưu phạm tội.



    4) Xin cho chư Tỳ khưu cư ngụ dưới cội cây trọn đời, vị Tỳ khưu nào thỏa thích ở trong làng xóm, vị Tỳ khưu ấy phạm tội.



    5) Xin cho chư Tỳ khưu không được thọ thực thịt cá trọn đời, vị Tỳ khưu nào thọ thực thịt cá, vị Tỳ khưu ấy phạm tội.

    Ðức Thế Tôn nghe vậy liền dạy rằng:

    ALAM DEVADATTA YO ICCHATI ARANNIKAHOTU, YO ICCHATI GAMANTO VIHARATU, YO ICCHATI PIN DIPATIKO HOTU. YO ICCHATI NIMANTANAM SADIYATU, YO ICCHATI PAN SUKÙLIKO HOTU, YO ICCHATI GAHAPATI CIVARAM SADIYATU, ATTHAMASE KHO MAYA DEVA-DATTA RUKHAMÙLASENASANAM ANU- NATAM TIKOTI PARIMUDDHAM MACCHAMANSAM ADITTHAM ASSUTAM APARISAN- KITANTI.

    Nghĩa: Ðược rồi, Ðề Bà Ðạt Ða; hãy để tùy ý chư Tỳ khưu, vị nào thích cư ngụ trong rừng thì cứ ở, muốn ở trong xóm thì cứ ở, vị nào thích khất thực thì cứ khất thực, nếu muốn thọ thực của thí chủ thỉnh đi cúng dường thì cứ thọ. Vị nào thích lượm vải dơ làm y thì cứ lượm làm y, còn vị nào muốn thọ lãnh y của thí chủ cúng dường thì cứ thọ. Như Lai đã có ra luật rằng: Sự ở dưới cội cây tám tháng ngoài mùa mưa rồi. Như Lai cũng có ra luật thầy Tỳ khưu được phép thọ thực thịt cá trong sạch ba nguyên nhân là không nghe, không thấy và không hoài nghi rằng: Người giết cho ta ăn.

    Ðề Bà Ðạt Ða không hài lòng với đức Thế Tôn không nhận lời yêu cầu của mình, nên đảnh lễ ra về với những người đồng ý chia rẽ tăng chúng. Các người ấy đi cùng Vương Xá thành tuyên bố rằng: Chúng tôi đã yêu cầu ông Cồ Ðàm ra năm điều cấm, nhưng ông ta không nhận lời. Vậy chúng tôi là người rất tán thành năm điều ấy.

    Khi ấy trong Vương Xá thành chia ra làm hai hạng người là:



    1) Những kẻ ngoại đạo, hay người chưa có đức tin với Tam bảo không hiểu mà cũng không suy nghĩ kỹ càng. Nên họ chỉ trích rằng: Bọn Sa môn theo Ðề Bà Ðạt Ba là hạng mài giũa phiền não thật còn bọn theo ông Sa môn Cồ Ðàm là bọn còn trong vòng tham vọng.



    2) Hạng có đức tin, hàng trí thức có trí tuệ quan sát tường tận nên hiểu rõ nguyên nhân chia rẽ Tăng chúng, chỉ trích các vị theo Ðề Bà Ðạt Ða lại chia rẽ Tăng chúng.



    Khi chư Tăng nghe tin nói Ðề Bà Ðạt Ða và cư sĩ chỉ trích như vậy liền vào hầu và bạch với đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn cho đọc tuyên ngôn gọi chư Tăng đến hỏi và tiện đức Thế Tôn hỏi Ðề Bà Ðạt Ða: Nầy Ðề Bà Ðạt Ða, được nghe rằng: Ngươi cố gắng chia rẽ Tăng chúng có phải vậy không?

    - Phải!

    - Nầy Ðề Bà Ðạt Ða, ngươi không nên hành động như vậy, vì tội chia rẽ Tăng chúng thật nặng, người nào đã chia rẽ Tăng chúng người ấy hằng gặp tai hại nặng nề là bị thiêu đốt nơi địa ngục hằng kiếp. Trái lại người nào làm cho chư Tăng đã chia rẽ hợp lại, người ấy được phước báu vô lượng vô biên, được hưởng an vui trong cõi trời hằng kiếp. Vì vậy Ðề Bà Ðạt Ða ơi, ngươi chớ nên thỏa mãn trong sự chia rẽ Tăng chúng, vì sự ấy rất tội.



    Tiếng KIẾP đức Thế Tôn dạy nơi đây là kiếp tuổi của trái đất hay gọi là Ðại kiếp chớ không phải kiếp của một đời người.

    Sau ấy, Ðại Ðức Ananda đi khất thực trong Vương Xá thành gặp Ðề Bà Ðạt Ða, Ðề Bà Ðạt Ða mới đến gần bảo Ðại Ðức Ananda rằng:



    - Nầy Ananda , kể từ hôm nay đi, chúng ta làm lễ Phát lồ và tất cả các Tăng sự riêng không hợp tác với đức Thế Tôn và chư Tăng nữa.

    Sau khi trở về chùa thọ thực xong, Ðại Ðức Ananda liền vào hầu Phật và bạch rằng:

    - Bạch hóa đức Thế Tôn hồi sáng nầy, đệ tử có vào khất thực ở trong Vương Xá thành, Ðề Bà Ðạt Ða có gặp đệ tử, bảo rằng: Nầy Ananda kể từ ngày hôm nay, chúng tôi làm lễ Phát lồ và tất cả các Tăng sự riêng không hợp tác với đức Thế Tôn và chư Tăng nữa. Bạch đức Thế Tôn hôm nay là ngày Ðề Bà Ðạt Ða chia rẽ Tăng chúng thật sự.

    Khi Ðại Ðức Ananda bạch Phật xong. Ðức Thế Tôn liền dạy rằng:

    - SAKARAM SÀDHUNÀ SÀDHU. Việc lành người thiện làm rất dễ. SÀDHU PÀPENA DUKKARAM. Việc lành người ác khó mà làm được. PÀPAM PÀPENA SUKKARAM. Sự tội lỗi người ác làm rất dễ. PÀPAMARIYEHE DIKKARAM. Sự tội lỗi không khi nào các bực Thánh nhơn làm được.

    Ðến ngày hành lễ Phát lồ, Ðề Bà Ðạt Ða liền đứng dậy đưa phiếu thăm và nói rằng: Tôi đã đến xin ông Sa môn Cồ Ðàm năm điều nầy (Nơi đây trong Tam tạng không nêu ra và các vị Tỳ khưu theo phe với Ðề Bà Ðạt Ða đi rao truyền chư Tỳ khưu đều biết hết). Nếu vị nào thích thực hành theo năm điều của tôi đã xin thì vị ấy lãnh lấy thăm nầy.



    Có năm trăm vị Tỳ khưu mới xuất gia chưa thông kinh luật là người xứ Vesàlì con dòng vua Vajji nghĩ rằng: Ðây mới thật là chánh pháp đúng luật, lời dạy nầy là con đường giải thoát. Nghĩ vậy nên lãnh lấy thăm ấy.



    Sau khi chia rẽ Tăng xong, Ðề Bà Ðạt Ða dẫn năm trăm vị Tỳ khưu ấy đi ở Gayàsìsa.



    Khi ấy hai vị đại đệ tử chánh thức là Ðại Ðức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên vào hầu Phật và bạch Phật rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn! Ðề Bà đạt Ða đã chia rẽ Tăng chúng dẫn năm trăm vị Tỳ khưu đi ở Gayàsìsa.

    Ðức Thế Tôn dạy: Nầy Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, hai ngươi nên thương hại năm trăm vị Tỳ khưu mới xuất gia. Hai ngươi nên lập tức đi cho kịp thời; đừng để cho năm trăm vị Tỳ khưu ấy đi sâu vào tội lỗi.

    Hai vị Ðại Ðức đáp: Chúng đệ tử xin tuân lời đức Thế Tôn. Hai Ngài đảnh lễ xong đứng dậy ra đi tới Gayàsìsa.

    Khi ấy có một vị Tỳ khưu đứng khóc gần bên đức Thế Tôn! Ngài liền phán hỏi: Tại sao thầy lại than khóc?



    - Bạch đức Thế Tôn. Vì đệ tử sợ hai vị đại đệ tử sẽ trở thành đệ tử của Ðề Bà Ðạt Ða. Vì hai Ngài thỏa thích theo pháp của ông Ðề Bà Ðạt Ða.

    - Nầy thầy Tỳ khưu; chuyện mà hai vị đại đệ tử của Như Lai nhập bọn, thích lý thuyết của Ðề Bà Ðạt Ða thật là chuyện không bao giờ có. Hai vị ấy là người đã đi đến tận cùng của phận sự một vị Tỳ khưu.

    Khi hai vị Ðại Ðức đến nơi cư ngụ của Ðề Bà Ðạt Ða nhằm lúc Ðề Bà Ðạt Ða đang thuyết pháp cho năm trăm vị Tỳ khưu nghe. Vừa trông thấy hai vị Ðại Ðức đến, Ðề Bà Ðạt Ða mới nói rằng: Nầy chư Tỳ khưu, vậy ta là người thuyết pháp hay đến mức độ nào? Ðến đổi hai vị đại đệ tử của ông Sa môn Cồ Ðàm vẫn còn thỏa thích triết lý của ta thay! Khi Ðề Bà Ðạt Ða khoe khoang như vậy.

    Ông Tỳ khưu Kokàlika nói: Xin ông chớ tin tưởng nơi hai vị ấy. Vì hai ông ấy là hạng người trong giới còn ham muốn xấu xa, là người đang ở trong vòng của xấu xa tội lỗi.

    Ðề Bà Ðạt Ða nói ông Kokàlika , xin ông đừng nói vậy, hai vị ấy đến đây thật là hân hạnh cho ta lắm. Vì hai ông ấy thích lý thuyết của ta.

    Ông Ðề Bà Ðạt Ða liền đứng ra nhường cho Ðại Ðức Xá Lợi Phất một nửa chỗ ngồi của mình tỏ ý mời ngồi.

    Ðại Ðức Xá Lợi Phất nói: Ðược rồi, ông cứ tùy tiện. Xong Ngài ngồi vào nơi phải lẽ. Ðại Ðức Mục Kiền Liên cũng ngồi xuống một nơi khác.

    Ðề Bà Ðạt Ða liền tiếp tục thuyết đến gần sáng liền mời Ðại Ðức Xá Lợi Phất thuyết thay cho ông, rằng: Nầy ông Xá Lợi Phất, các vị Tỳ khưu hãy còn buồn ngủ, vậy phiền ông nên thuyết cho các vị ấy nghe. Tôi đã mỏi mệt, để tôi nghỉ chút.

    Ðại Ðức Xá Lợi Phất nhận lời. Ðề Bà Ðạt Ða liền xếp y Tăng già lê làm bốn lốp trải ra nằm nghỉ, vì thuyết cả đêm nên mệt mỏi ngủ quên.

    Khi ấy hai vị Ðại Ðức một vị dùng thần thông cho chư Tỳ khưu thấy còn một vị thuyết pháp. Tất cả năm trăm Tỳ khưu đắc được pháp nhãn, thấy: Tất cả vạn vật đều có diệt. Ðây chỉ cho thấy rằng: Tất cả năm trăm vị đều đắc Tu-đà-hườn quả.

    Ðại Ðức Xá Lợi Phất biết rằng: Năm trăm vị Tỳ khưu đều đắc Tu-đà-hườn quả nên Ngài dạy rằng: Chúng ta hãy về hầu Phật. Các vị, vị nào trong sạch ngưỡng mộ Pháp bảo của đức Chánh đẳng Chánh giác xin hãy theo tôi... Tất cả năm trăm vị đều đồng lòng theo Ðại Ðức về hầu Phật.

    Ông Kokàlika lật đật vào đánh thức Ðề Bà Ðạt Ða dậy nói rằng: Ðề Bà Ðạt Ða hãy mau thức dậy. Ông Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã đem chư Tỳ khưu đi hết rồi. Tôi đã bảo ông rằng: Chẳng nên tin tưởng nơi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên vì hai ông ấy là hạng tham muốn thối tha đê tiện, và cũng đang ở trong vòng tham muốn ấy. Khi nghe qua lời ấy Ðề Bà Ðạt Ða liền mửa ra máu, (Ðề Bà Ðạt Ða bắt đầu bịnh từ hôm ấy).

    Hai vị Ðại Ðức vào hầu Phật và bạch xin rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, chúng con xin đức Thế Tôn cho các vị Tỳ khưu ấy xuất gia lại một lần nữa, vì các vị ấy theo Ðề Bà Ðạt Ða chia rẽ Tăng chúng.

    Ðức Thế Tôn dạy: Ðừng Xá Lợi Phất, ngươi chẳng nên bắt các vị ấy xuất gia lại, nên dạy các vị ấy Sám hối vì tội THULACCAYA (Tội trọng). Ðức Thế Tôn hỏi:

    - Nầy Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên. Vậy Ðề Bà Ðạt Ða đối xử với ngươi thế nào?

    Ðại đức Xá Lợi Phất bạch rõ những điều đã hành động và sự đối xử của Ðề Bà Ðạt Ða.



    Khi ấy đức Thế Tôn liền thuyết Túc Sanh Truyện rằng:

    - Trong lúc quá khứ có một cái hồ rất to lớn ở giữa rừng sâu. Trong rừng ấy có một đoàn tượng. Ðoàn tượng ấy thường dẫn nhau xuống hồ móc lấy củ sen rửa sạch rồi ăn. Sự ăn củ sen ấy làm cho đoàn tượng mau lớn, mạnh mẽ và màu sắc xinh tươi; đoàn tượng ấy sống rất lâu không bịnh tật nhờ ăn sen ấy. Những con tượng khác nhỏ sau nầy, thấy các tượng lớn móc củ sen ăn màu sắc rất đẹp, mạnh khỏe và trường thọ, nên bắt chước móc củ sen ăn, nhưng lại không rửa sạch ăn lẫn cả bùn non và sình hôi, khi ăn xong không mạnh khỏe trái lại bị bịnh mà chết. Những con tượng ấy cũng như Ðề Bà Ðạt Ða bắt chước theo Như Lai nên bị chết một cách thảm thiết.

    Ðức Thế Tôn thuyết xong Ngài liền dạy rằng: Khi tượng chúa dậm nát đất móc củ sen lên ăn củ sen, trông nom săn sóc đoàn tượng được an vui. Nhưng tượng khác ăn cả sình non và bùn vào vì muốn làm theo tượng chúa (mà không thông thể thức, không đủ khôn ngoan) nên bị chết.

    Kể từ ngày mất hết đệ tử ông Ðề Bà Ðạt Ða bịnh càng ngày càng trầm trọng. Ðến đúng chín tháng sau, ông có cảm tưởng thương nhớ đức Thế Tôn, ông cảm thấy đức Phật đối với ông không khác nào ông cha hiền đối với con, đầy lòng từ bi và tha thứ. Ông nhớ đức Thế Tôn không giờ phút nào xao lãng. Ngày nọ, ông biết rằng ông không thể sống được lâu, ông mới gọi các Tỳ khưu còn ở lại với ông đến và bảo rằng:

    - Xin các ông vui lòng giúp đưa tôi đến bái kiến đức Thế Tôn.

    Các vị ấy nói: Bạch thầy, thầy là người cột oan trái với Phật chúng tôi không thể nào đưa Ngài đến gặp đức Thế Tôn được.

    - Xin các ông đừng làm tôi thất vọng và để tôi phải lâm vào vòng tai hại. Mặc dầu tôi là người gây ra nhiều tội lỗi, cột oan trái oán thù với đức Từ Phụ. Nhưng những sự việc tôi làm đối với đức Thế Tôn những điều ấy không thành vấn đề, vì không bao giờ đức Thế Tôn cột oan trái oán thù với tôi. Tôi phải đến sám hối tội lỗi với Ngài thì khi chết mới không ân hận và an lòng. Các ông có biết lòng từ bi của một vị Chánh đẳng Chánh giác là lòng từ bi vô lượng vô biên, Ngài đối với chúng sanh kẻ hung bạo; oán thù Ngài, cột oan trái với Ngài cũng như Ngài đối với Thái tử Ra Hầu La vậy. Tâm của Ngài cũng như quả địa cầu rộng lớn thênh thang chứa tất cả nhân loại kẻ ác cũng như người lành, kẻ thù cũng như đứa con yêu quí, không bao giờ Ngài biết buồn phiền và tức giận hay nghĩ đến sự oán hận kẻ nào cả. Vì vậy nên Ðề Bà Ðạt Ða nầy mới dám yêu cầu quí vị đưa về gặp Phật trong khi sắp lìa bỏ cõi đời này.



    Hai đệ tử còn lại không thể chối từ vì lòng thương hại ông vì ông biết hối tiếc việc làm. Hai ông liền làm một cái kiệu để ông Ðề Bà Ðạt Ða nằm và khiêng về Kỳ Viên tịnh xá ở thành Thất La Phiệt. Chư Tăng nhứt là Ngài Ananda nghe tin ông Ðề Bà Ðạt Ða về, Ngài liền lật đật vào hầu Phật và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn! Ðề Bà Ðạt Ða về để chia rẽ Tăng chúng nữa.

    Ðức Thế Tôn dạy rằng: Chẳng nên kinh sợ, không bao giờ Ðề Bà Ðạt Ða trông thấy Như Lai trong kiếp nầy đâu. Dầu Ðề Bà Ðạt Ða vào đến tận sân chùa chăng nữa cũng không bao giờ trông thấy Như Lai đâu.

    Nói về hai đệ tử của ông chỉ khiêng ông đi mỗi ngày được có một do tuần (mười sáu cây số ngàn). Ngày nọ còn ước độ một dặm đường nữa thì đến Kỳ Viên tịnh xá. Ông lấy làm nóng muốn gặp Phật nên ông yêu cầu hai vị ấy cố gắng đưa ông mau đến ao Pokharanì trước Kỳ Viên tịnh xá. Khi đến nơi ông yêu cầu để kiệu xuống để ông được xuống ao tắm rửa sạch sẽ xong mới vào hầu Phật. Khi ông vừa đặt chân đến mặt đất. Quả đất thật dầy có thể chở nổi quả núi Tuyết Lãnh nhưng không thể chịu nổi tội lỗi của ông đã làm nên đất nứt ra làm hai và từ từ rút ông xuống. Ðây chứng tỏ là nghiệp ông làm nặng vô lượng vô biên.



    Khi đất từ từ rút xuống tới cổ, ông mới nhớ đến Ân đức của đức Phật, ông liền ngâm câu kệ rằng: IMANI ATTHUNIPI GAMAGGA PUGGALA ... Nghĩa: Tôi xin cúng dường phần xương còn lại trên mặt đất nầy đến đấng Ðại Giác.

    Ngài là đấng Vô Thượng. Chỉ có Ngài mới là đấng có thể giáo hóa được những nhân vật hung ác nhất trong tam giới. Ngài có thể ví như vị Mã sư đại tài có thể dạy được tất cả các con ngựa bất kham. Tôi xin đem hết lòng thành kính xin qui y Phật, Ngài là đấng có nhiều đặc ân và phước báu cao thượng.

    Do nhờ phước báu của tâm trong sạch thành kính và biết hối hóa tỏ ra sự nương nhờ nơi Phật bảo và cúng dường phần xương dư sót trên mặt đất khi chưa bị rút mất. Ấy là nhân duyên đưa cho ông sẽ đắc được quả Phật Bích Chi có danh hiệu là ATHISARA , sau khi hết nghiệp ở đại địa ngục A tỳ.

    Khi ông Ðề Bà Ðạt Ða nói dứt câu thì đất cũng vừa rút mất ông phần còn lại.

    Tất cả tín đồ toàn là phàm nhơn nghe tin rằng: Ông Ðề Bà Ðạt Ða đã đến bên chùa mà không được vào hầu Phật. Những người ấy lấy làm mừng vì không còn lo âu về việc ông Ðề Bà Ðạt Ða chia rẽ Tăng chúng một lần nữa. Vì vậy những người ấy hội lại nhau ăn mừng rất lớn.

    Các vị Tỳ khưu còn phàm không hiểu ông Ðề Bà Ðạt Ða sẽ sanh về đâu nên đến bạch hỏi Phật về con đuờng sanh của ông.

    Ðức Thế Tôn dạy: - Nầy các thầy Tỳ khưu, chẳng luận hàng xuất gia hay cư sĩ ai ai chẳng hạn, một khi đã dễ duôi làm tội lỗi thì người ấy sẽ bị thiêu đốt và đau khổ trong kiếp hiện tại và vị lai.

    Ðức Thế Tôn thuyết tiếp câu kệ rằng: IDHA TAPPATI PECCA TAPATI. v.v... Người làm tội hằng bị khổ trong hai cõi hiện tại và vị lai. Khi bị đọa vào bốn đường ác càng bị thọ khổ mãnh liệt hơn ở trong cõi đời nầy. Người nên hãy tự suy nghĩ rằng: Ta vì làm tội nên bị khổ như vầy.

    Sau khi dứt câu kệ có nhiều vị Tỳ Khưu đắc Thánh quả và chư thiện tín cũng được nhiều quả lành.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:56 AM | Message # 30
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ TÁM

    THỌ KÝ ÐỨC PHẬT TỔ VỊ LAI ÐỨC DI LẶC

    -ooOoo-

    Trong khi đức Thế Tôn của chúng ta còn tại thế. Ðức đại Bồ tát DI LẶC sanh vào lòng bà Hoàng hậu (A Xà Thế) thành Vương Xá tên là bà KANCANÀ .

    Khi sanh ra đức vua đặt tên là AJITA. Khi Thái tử lớn lên nhằm lúc vua cha là A Xà Thế đã bỏ Ðề Bà Ðạt Ða trong sạch với Phật qui y Tam bảo là một thiện nam rất chân chánh. Khi Thái tử theo vua cha vào hầu Phật trông thấy kim thân của đức Thế Tôn oai nghiêm và từ ái đẹp không chi sánh bằng, Ngài lấy làm thỏa thích và rất trong sạch với Phật bảo nên Ngài nghĩ rằng: Oai lực của đấng cứu thế thật là vô lượng vô biên. Sự thật nếu người không thực hành đúng theo ba mươi pháp Ba la mật thì không khi nào đắc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được. Vậy ta nên dứt bỏ cái cạm bẫy là mùi tục lụy là ngai vàng quyền lực giàu sang danh vọng nhứt là quyến thuộc, không nên mến tiếc và điều cần nhứt là xuất gia.

    Khi Ngài nghĩ vậy mới vào xin Phụ vương xuất gia theo chánh pháp. Ðức vua sẵn là người có đức tin với Tam bảo và đang hối hận vì tội lỗi đã qua nên rất hài lòng cho con xuất gia. Sau khi xuất gia xong ông là người rất thông minh học đâu hiểu thông đó. Ông thường hay thuyết pháp cho chư phàm Tăng nghe.

    Lúc nọ, đức Thế Tôn lại ngự về thành Ca Tỳ La Vệ lần thứ nhì. Ngài ngự tại chùa Nigrodha, có vị Tỳ khưu mới xuất gia là tiền thân đức Di Lặc theo hầu và cũng có nhiều vị Thánh và phàm Tăng theo hầu Phật.

    Lịnh bà Gotamì là di mẫu của đức Thế Tôn hay tin rằng: Ðức Thế Tôn đã ngự về thành Ca Tỳ La Vệ bà lấy làm thỏa thích vui mừng và nghĩ rằng: Kể từ ngày đức Thế Tôn ngự về thành lần thứ nhứt đến nay là lần thứ nhì ta chưa hề được dâng cúng vật gì chính tay ta tạo ra. Nếu nói về cúng dường vật thực thì gia đình nào cũng có thể cúng dường được, nhứt là đối với gia đình của hoàng gia thì càng dễ, vật thực càng quí giá. Vậy ta nên tạo ra bộ cà sa chính tay ta làm để cúng dường đến Phật. Sự thật hàng vải lụa là nhung gấm trong hoàng cung không thiếu mà toàn là vật đắc giá, nhưng vẫn còn không xứng đáng với đức tin của ta muốn tạo ra vật quí. Ta muốn tự ta tạo ra một khổ vải để cúng dường đến Ngài, như vậy phước báu ấy mới hoàn toàn của ta.

    Sau khi nghĩ xong, bà truyền gọi thợ bạc đến lấy vàng làm ra bảy chậu lớn rất to, lấy những lá cây thơm quí giá ủ mục làm phân để vào những chậu lớn vàng làm phân trồng bông vải, tưới bằng sữa tươi và để hoa thơm vào. Chính tay bà vun phân tưới nước; khi có bông tự bà hái, bông vải ấy có màu vàng óng ánh như vàng thoi. Bà cho mời những người thợ chuyên môn giỏi nhứt trong nước đến, bà có truyền cất một tòa nhà to lớn đủ tiện nghi cho những người thợ dệt chuyên môn ở, trần nhà làm bằng thứ hàng quí. Những người thợ ấy phải luôn luôn tắm rửa sạch sẽ mặc đồ sạch nhứt là phải có ngũ giới hay Bát quan trai cho trong sạch. Bà thì lo kéo chỉ, sau khi thợ dệt đã dệt xong hai khổ vải mỗi khổ mười bốn hắc tay, bà trả giá cho những người ấy rất hậu. Hai tấm vải ấy thật đẹp và rất quí giá, thật xứng đáng vật cúng dường đến Phật bảo. Bà xem đi xem lại rất hài lòng việc làm của bà. Bà để hai tấm vải ấy lên mâm vàng rồi đội lên đầu đem vào chùa, có rất nhiều phi tần và tín đồ nghe tin bà tạo hai tấm vải quí đem vào chùa dâng cúng đến Phật bảo.



    Khi đến chánh diện là nơi Phật đang ngự thuyết pháp giữa hàng ngàn Tăng chúng, thật là một nơi tôn nghiêm yên tịnh hình như những người đang ngồi thính pháp là những vị bằng tượng. Lịnh bà đảnh lễ đức Thế Tôn ngó quanh thấy chư Tăng ngồi yên lặng lục căn thu thúc thật đáng lễ bái cúng dường, lòng kính thành và trong sạch của bà càng phát sanh rất mãnh liệt.

    Lịnh bà liền bạch Phật rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn đây là hai tấm vải vàng, tự tay tôi trông nom vun phân tưới nước, hái bông và quay chỉ. Sự cố gắng tạo nên hai tấm vải này do nơi đức tin lòng thành kính, ý nhứt định làm để cúng dường ngay đến đức Thế Tôn. Xin Ngài thâu nhận để tôi được nhiều sự lợi ích an vui và hạnh phúc lâu dài.

    Ðức Thế Tôn đáp: Thưa nương nương, xin nương nương hãy dâng cúng hai tấm vải ấy cho chư Tăng, quả ấy còn cao thượng và quí báu hơn cúng dường riêng cho cá nhân của Như Lai. Khi nương nương cúng dường cho Tăng là nương nương cúng dường cho Như Lai và cho Tăng chúng.

    Lịnh bà Gotami yêu cầu đức Thế Tôn lần thứ nhì, lần thứ ba nhưng đức Thế Tôn cũng vẫn từ chối không thọ lãnh và cũng dạy nên đem cúng dường cho Tăng cao thượng hơn.



    Nơi đây, trong chú giải có để câu: Tại sao lịnh bà Gomati là di mẫu của Phật dâng cúng đến Ngài mà Ngài không thọ lãnh. Trái lại, lại dạy đem cúng dường cho Tăng có phước báu cao thượng hơn? Vậy có phải là AÂn đức Tăng bảo cao thượng hơn Phật bảo chăng?

    Ðáp: Sở dĩ đức Thế Tôn không thọ lãnh vì Ngài muốn làm cho quả bố thí của lịnh bà Gotami cao thượng hơn. Vì khi lòng bà trong sạch muốn cúng dường cho đức Thế Tôn đây gọi là PUGGALIDÀNA nghĩa là Cá nhân tuyển thí, nghĩa là bố thí mà còn chọn người mình kính mến thương yêu riêng.

    Hơn nữa, lòng trong sạch của bà thật là cao thượng; lòng trong sạch ấy đủ ba nguyên nhân trong ba giai đoạn mà người thí chủ nào muốn được phước đầy đủ phải có là:

    1) PUBBACETANÀ. Tâm trong sạch vui vẻ trước khi làm phước như bố thí v.v...

    2) MUNCANACETANÀ. Tâm trong sạch vui vẻ trong khi đang làm phước.

    3) APARAPARACETANÀ. Và trong sạch vui vẻ sau khi làm phước xong.

    Vì nguyên nhân kể trên, nên đức Thế Tôn muốn để cho bà cúng dường đến Tăng chúng không lựa chọn một cá nhân nào tự bà kính mến mà cúng dường. Khi người còn chọn lấy người để đem của ra bố thí chính là người ấy còn bị phiền não lẫn vào làm cho tâm không được hoàn toàn trong sạch, vì người bố thí còn lẫn trong sự lựa chọn bởi thương mến riêng của một cá nhân. Người ấy bố thí với phiền não chớ không phải bố thí do nơi trí tuệ quan sát thấy vô thường, khổ não, vô ngã mà bố thí để mau mau giải thoát khỏi phiền não.

    Cao thượng hơn ấy nữa là; đức Thế Tôn muốn cho tín đồ hiểu rõ rằng: Sự cúng dường đến Tăng có quả báu rất cao thượng. Hơn nữa đức Thế Tôn biết rằng: Ngài sẽ nhập diệt, chỉ còn Pháp và Tăng tồn tại đến năm ngàn năm. Nếu người chỉ biết cúng dường đến Phật bảo, sau khi Phật nhập diệt thì tín đồ không cúng dường đến chư Tăng thì chư Tăng làm sao sống được? Phật giáo làm sao tồn tại đến năm ngàn năm. Vì lý do kể trên nên Ngài không thọ lãnh vật cúng dường của bà Gotami. Còn nói về phước đức nhiều hay ít không có vật gì đem lại đo lường hai công đức của Phật và Tăng được.

    Khi đức Thế Tôn không thọ lãnh vật cúng dường của bà làm cho bà thất vọng và rất buồn tủi, không biết giải bày nỗi khổ ấy cùng ai, chỉ biết khóc mà thôi. Bà liền nhớ đến Ðại Ðức Ananda ; nên bà lại đến tư thất của Ðại Ðức và bạch với Ngài rằng: Bạch Ðại Ðức không biết tôi có lỗi gì, nên đức Thế Tôn không vui lòng thọ lãnh hai tấm vải của tôi cúng dường. Tôi cầu xin Ngài vui lòng giúp tôi đến bạch xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi thọ lãnh hai tấm vải cho tôi được sự lợi ích bình an lâu dài.

    Ðức Ananda nhận lời vào hầu Phật và bạch với đức Thế Tôn rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, xin Ngài mở lượng đại từ đại bi thọ lãnh hai tấm vải của bà Gotami , chính bà là di mẫu của Ngài. Khi Ngài vừa sanh ra được bảy ngày Phật mẫu thăng hà, lịnh bà Gotami giao con đẻ của mình là Nanda cho phi tần trông coi, còn chính lịnh bà săn sóc cho Ngài, Ngài đã bú sữa của bà từ ngày ấy đi cho đến trưởng thành, vậy ơn ấy là dường nào. Hơn nữa hiện nay, lịnh bà là người tín nữ đã thọ Tam qui, trì ngũ giới, và đắc Tu-đà-huờn quả người thấy Tứ Diệu Ðế bằng tuệ nhãn, không còn nghi ngờ gì về Tam bảo, thật là người đáng cho đức Thế Tôn tế độ.

    Ðức Thế Tôn phán rằng: Người mà như bà Gotami thì rất đáng cho người đời kính nể. Nhưng sự cúng dường tứ vật dụng đến các bực giáo chủ như Nhu Lai bằng phương pháp trả ơn thật là việc không nên làm (Ý đức Thế Tôn dạy rằng: Không nên làm phước thuộc về cá nhơn tuyển thí, vì bà nhọc công làm để cúng dường cho một người mà người ấy là cháu bà).



    Rồi đức Thế Tôn thuyết bài pháp gọi là PATIPUGGALIDAKKINÀDÀNA (Nghĩa là: Cúng dường chân chánh mà còn chọn người để cúng dường). Trong đoạn Dakkhinàvibhanga như vầy: Nầy Ananda! Cá nhân tuyển thí có mười bốn hạng là:



    1) Người thí chủ chú trọng chọn ngay đức Chánh đẳng Chánh giác làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.



    2) Người thí chủ chú trọng chọn ngay đức Phật Ðộc Giác làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.



    3) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị đại A-la-hán đệ tử Phật làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.



    4) Người thí chủ chú trọng chọn ngay các bực đang cố hành đạo để chứng quả A-la-hán làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.

    5) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị A na hàm đệ tử Phật làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:57 AM | Message # 31
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng


    6) Người thí chủ chú trọng chọn ngay các bực đang hành đạo để đắc A na hàm quả làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.



    7) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị Tư đà hàm đệ tử Phật làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.



    8) Người thí chủ chú trọng chọn ngay các bực đang cố hành đạo để đắc Tư đà hàm làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.

    9) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị Tu đà hoàn đệ tử Phật làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.



    10) Người thí chủ chú trọng chọn ngay các bực đang cố hành đạo để đắc Tu-đà-huờn quả mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.



    11) Người thí chủ chú trọng chọn ngay vị đạo sĩ ngoài Phật pháp đã đắc được Ngũ thông làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.

    12) Người thí chủ chú trọng chọn ngay người tại gia cư sĩ có giới làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.



    13) Người thí chủ chú trọng chọn ngay người cư sĩ không có giới đức làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.

    14) Người thí chủ chú trọng chọn ngay một loại thú nào làm mục tiêu (là người thọ) của cúng dường.

    Nầy Ananda , sự bố thí cho loài thú có ơn với người (gia súc như trâu bò v.v...), hoặc bố thí cho những con thú khác không có ân gì với người, sự bố thí của người thí chủ ấy chỉ mong diệt phiền não, hay chỉ bố thí cho người nghèo một bữa ăn no lòng mà có lòng diệt phiền não chớ không mong phước nhiều ít, người ấy sẽ được hưởng phước năm trăm kiếp; sẽ được năm điều quả báo: Sống lâu, Sắc đẹp, An vui, Sức mạnh và nói năng hoạt bát.

    Nếu người thí chủ hạng này bố thí cho người không có giới đức sẽ được năm điều quả báo như trên một ngàn kiếp. - Nếu người thí chủ hạng trên bố thí cho người phàm nhơn nhưng có giới đức trong sạch, sẽ được hưởng quả báo như kể trên muôn kiếp. Bố thí đến vị thiện nam hay tín nữ có giới đức trong sạch, hay vị Sa di hoặc thầy Tỳ khưu mới xuất gia lo hành thiền định, phước mà người được hưởng tùy theo sự trong sạch của người thọ thí mà trả quả cho người thí chủ. Bố thí đến vị hành hầu đoạt quả Tu-đà-huờn trở lên mà tâm người thí chủ trong sạch là cố diệt phiền não chớ không chọn người tùy thích để bố thí, phước ấy vô lượng vô biên.

    Ananda này, sự cúng dường đúng theo lẽ chánh cũng gọi là trai Tăng, hay cúng dường đến Tăng có bảy điều là:



    1) Cúng dường có đủ hai phái Tăng (là Tỳ khưu Tăng, và Tỳ khưu ni Tăng). Có đức Thế Tôn làm tọa chủ.



    2) Sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, người chỉ cúng dường hai phái Tăng.

    3) Hoặc cúng dường cho một phái Tăng Tỳ khưu.



    4) Hay cúng dường đến Tỳ khưu ni Tăng.

    5) Hoặc thí chủ đến nơi vị Ðại Ðức (Tỳ khưu) người có phận sự chia cho chư vị Tỳ khưu khác đi thọ thực các nơi mà thí chủ đến thỉnh đi trai Tăng; xin Ngài chia cho bao nhiêu vị Tỳ khưu tùy theo sức của mình về nhà cúng dường.



    6) Người thí chủ đi đến nơi của Tỳ khưu ni Tăng chỗ vị có phận sự chia Tăng đi thọ lễ cúng dường của thí chủ thỉnh bao nhiêu vị tùy theo khả năng của mình có thể cúng dường được đến nhà cúng dường.



    7) Hoặc đến nơi của Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni Tăng xin thỉnh một vị về nhà trai Tăng. Khi ấy các vị có phận sự cho vị Tỳ khưu nào đến nhà trai Tăng cũng được.

    Bảy điều mà Như Lai đã giải trên, về sau này có vị Tỳ khưu phá giới tạm gọi là Tăng (vì không còn có giới, đức), bọn ấy chỉ mặc một cái choàng vàng nhỏ, hoặc một miếng vải vàng nhỏ ở cổ mà cho là vị Tỳ khưu.



    Thí chủ trong sạch cúng dường đến hạng Tỳ khưu phá giới ấy, nhưng trong thâm tâm nghĩ rằng: Ðây là bố thí đến Tăng. Phước ấy có nhiều đến hằng A-tăng-kỳ kiếp. Như Lai không hề vì một lẽ nào mà dạy rằng Cá nhân tuyển thí có phước hơn cúng dường đến Tăng. Sự thật sự cúng dường đến Tăng có phước báu nhiều hơn Cá nhân tuyển thí.

    Ananda nầy, cúng dường cao thượng có bốn điều là:



    1) Sự cúng dường cao thượng ấy phần thí chủ được trong sạch.

    2) Sự cúng dường cao thượng ấy phần vị thọ thực trong sạch.

    3) Sự cúng dường cao thượng ấy trong sạch cả hai bên.

    4) Sự cúng dường ấy cả hai bên không bên nào trong sạch (Nghĩa là người thí chủ cũng như người thọ thí không ai trong sạch) toàn là hạng phá giới.



    Rồi đức Thế Tôn tự vấn rằng: Ananda nầy, thế nào gọi là trong sạch một bên?

    Ngài tự đáp: Nghĩa là người thí chủ là người có giới đức nhưng vị thọ thí không có giới. Như thế này Như Lai gọi là bố thí cao thượng trong sạch một bên là thí chủ còn người thọ thí không trong sạch.

    Sự cúng dường cao thượng mà người thí chủ không trong sạch ấy là thế nào? Ngài tự đáp: Nghĩa là người thọ thí là người có giới đức hành phạm hạnh, còn người thí chủ không có giới đức. Ðây gọi là sự cúng dường cao thượng trong sạch này do nơi người thọ thí có giới đức.

    Thế nào gọi là trong sạch cả hai? Thí chủ cũng trong sạch và người thọ thí cũng trong sạch? Ngài tự đáp: Có nghĩa là thí chủ cũng như người thọ thí cả hai đều có giới đức trong sạch hành phạm hạnh, như thế gọi là sự cúng dường cao thượng và trong sạch cả hai bên.

    Thế nào gọi là sự cúng dường ấy không trong sạch cả hai bên? Ngài tự đáp: Có nghĩa là người thí chủ cũng như người thọ chí cả hai đều là người không có giới đức, không bên nào có hành phạm hạnh. Cộng cả thảy sự cúng dường cao thượng có bốn điều.

    Trong chú giải có đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao đức Thế Tôn lại đem sự cúng dường cao thượng có bốn điều dạy trong trường hợp nầy?

    Ðáp: Vì trong cách bố thí có bốn điều khác nhau là:

    1) Người thí chủ có phạm hạnh trong sạch.

    2) Người thọ thí có phạm hạnh trong sạch.

    3) Cả hai là người bố thí cũng như người thọ thí đều có phạm hạnh trong sạch.

    4) Cả hai là người bố thí và người thọ thí không có ai có phạm hạnh trong sạch.



    Nơi đây ý nói rằng: Theo cá nhơn của một vị Tỳ khưu phá giới nghĩa là không có giới đức chi cả. Nhưng nếu nói chung là Tăng thì Tăng không bao giờ có phá giới. Tăng đây là chỉ chung một số các vị Tỳ khưu đã đắc Thánh quả. Vì người cúng dường có tâm trong sạch hướng về Tăng, nên sự cúng dường của người thí chủ ấy được kết quả cao thượng, tâm không hướng vào cá nhơn mà cúng dường.

    Ðức Thế Tôn liền thuyết thời pháp gọi là DAKKHINADÀNA nghĩa là sự bố thí đúng theo lễ chánh, làm cho tín đồ đượm nhuần lấy lý thuyết cao siêu mầu nhiệm của Pháp bảo nên diệt bỏ lòng trong sạch riêng với một cá nhân.

    Có hai hạng thí chủ là:

    1) Có người trong sạch riêng với cá nhơn nên khi bố thí chọn ngay vị hay người mà chính mình trong sạch cúng dường, ngoài ra vị khác không cúng dường. Ðây là nhân làm cho tâm người thí chủ càng chồng chất thêm nhiều phiền não chớ không có ích gì đến sự tu tập, đã bỏ việc thương yêu của thân thuộc mà đi tìm thêm kẻ thân thuộc bên ngoài.

    2) Có hạng thí chủ tâm hướng về các bực xuất gia, vị nào hay người nào cũng được xin có người cần đến của cải mà mình đã có và sẵn lòng mang ra cho không hối tiếc không cần biết người ấy là ai.

    Thời pháp mà đức Thế Tôn dạy về cúng dường làm cho lòng người mát mẻ và hiểu rõ chân lý của Phật. Có thể ví như trời mưa to trong mùa hạn làm cho đất được rút lấy nước làm cho cây cỏ xinh tươi. Cũng có nghĩa là tâm người thiếu trí tuệ nên chỉ biết trong sạch cá nhân sau nghe lời Phật dạy làm cho tâm sáng suốt không còn tối mê để rước thêm phiền não vào tâm mà không hay biết.

    Khi lịnh bà Gotami được nghe thời pháp ấy làm cho tâm bà mát mẻ vì hiểu tại sao đức Thế Tôn không thọ lãnh vì muốn phước báu bà cao thượng xứng với tâm trong sạch và công khó của bà đã cố tạo. Khi tâm bà trở nên vui vẻ vì hiểu thấu đáo lý đạo bà liền phát tâm trong sạch ôm hai khổ vải đến nơi ngồi của đức Xá Lợi Phất dâng cho Ngài. Ngài tỏ vẻ không nhận lãnh và bảo rằng: Thưa lịnh bà, không nên cúng dường cho bần đạo. Lịnh bà liền đưa qua mé tay trái của Phật dâng đến Ðại Ðức Mục Kiền Liên. Ngài cũng tỏ vẻ không nhận và cũng nói như Ngài Ðại Ðức Xá Lợi Phất.

    Bà tuần tự dâng hết tám chục vị đại đệ tử của Phật, nhưng không vị nào thọ lãnh. Bà lần lần dâng cho vị Tỳ khưu cao hạ nhứt đến vị nhỏ nhứt là ông Ajita (tiền thân đức Di Lạc). Ông liền thọ lãnh. Bà Gotami rất tủi lòng rơi lụy vì bà nghĩ rằng: Ta rất là vô phước, cố công làm ra được hai tấm vải là cố ý muốn cúng dường ngay đức Thế Tôn. Nhưng cả đức Thế Tôn cùng tám chục vị đại đệ tử không vị nào thương hại để giúp đỡ ta là thọ lãnh hai tấm vải này, để cho vị Tỳ khưu trẻ tuổi mới xuất gia lãnh hai tấm vải này.



    Khi đức Thế Tôn biết bà Gotami buồn phiền như vậy, Ngài mới nghĩ rằng: Như Lai nên làm cho bà vui lòng. Ðức Thế Tôn dạy Ðại đức Ananda: Ananda này, người hãy đem bát của Như Lai đến cho Như Lai.

    Ðức Ananda vâng lời mang bát đến dâng Phật, đức Thế Tôn cầm lấy bát và phát nguyện rằng: Tất cả các chư đại đệ tử không có vị nào có thể tìm thấy bát này, chỉ để một mình ông Tỳ khưu mới xuất gia tên Ajita tìm được thôi. Khi nguyện xong đức Thế Tôn thảy bát lên không, bát tự động biến mất.

    Ðại đức Xá Lợi Phất đảnh lễ Phật và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn đệ tử xin đem bát ấy về dâng Phật.

    Ðức Thế Tôn nhận lời, nhưng ông không thể nào tìm thấy bát ấy. Ðến lượt Ðại Ðức Mục Kiền Liên xin đi tìm bát, nhưng cũng chẳng tìm thấy nơi nào. Lần lượt hết tám mươi vị đại đệ tử Phật là hạng có thần thông cao thượng, nhưng không vị nào tìm thấy bát của Phật.

    Ðức Thế Tôn mới dạy vị Tỳ khưu trẻ tuổi mới xuất gia rằng: Nầy Ajita , ông nên đi tìm bát Như Lai đem về đây cho ta.

    Ông Ajita mới nghĩ rằng: Thật chuyện phi thường. Tất cả chư đại đệ tử là bực thần thông quảng đại, các Ngài không còn chút vị trần trong tâm, bực Thánh nhơn mà không tìm được bát của đức Thế Tôn thay, phương chi ta là kẻ phàm phu tâm còn dẫy đầy phiền não không có tí thần thông mà đức Thế Tôn lại dạy ta đi tìm bát về cho Ngài. Chắc chắn là có duyên cớ chi đây, ta phải vâng lời Ngài.

    Ông nghĩ vậy hỉ lạc liền phát sanh rất mạnh, nên đến đảnh lễ Phật và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn, đệ tử cố tìm bát đem về dâng Ngài. Ðức Thế Tôn nhận lời. Ông ra đứng nơi xa hàng tín đồ , ngó lên không trung và phát nguyện rằng: Nếu ta xuất gia theo chánh pháp của đấng Ðại Giác vì lý do ham muốn tứ vật dụng, hay vì lẽ không có phương thế sanh sống với đời nổi, thì xin bát ấy đừng về tay ta. Nhược bằng sự xuất gia của ta do nơi lòng trong sạch thành tín với đức tin muốn tìm đường giải thoát, hành phạm hạnh điều quan trọng nhứt của ta là tìm cho được sự lợi ích là sự giác ngộ Thánh pháp để cứu thoát chúng sanh ra ngoài vòng luân hồi.

    Khi ấy, chuyện phi thường hiển hiện là bát của đức Thế Tôn hiện ra nơi tay của ông Ajita. Tất cả hàng tín đồ kể cả bà Gotami lấy làm lạ lùng và phát tâm trong sạch với Phật pháp có oai lực vô lượng vô biên. Ðây là hiện tượng của Ngài Ajita sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sau này. Và đây cũng là một hiện tượng để các vị Thánh Tăng biết rằng: Ta (Bát) không bao giờ vào tay của vị nào không phải là bực Chánh đẳng Chánh giác. Vì ta không phải là đồ dùng của hàng đại đệ tử, vì ta là đồ dùng của bực Ðại Giác mà thôi. Vì vậy ta mới vào tay của vị đại Bồ Tát này.

    Bà Gotami bỗng nhiên có thông tuệ hiểu rằng: Tại sao bát lại vào tay của Tỳ khưu trẻ tuổi này, và bà tự nghĩ rằng: Chư Thánh Tăng có công đức vô lượng vô biên, chỉ có một vị Tỳ khưu trẻ tuổi như thế này mà oai đức cao thượng như vậy thì oai lực của một vị đại đệ tử như Ngài Ðại Ðức Xá Lợi Phất thì làm sao đo lường được.

    Khi ấy, tín lực dõng mãnh của bà phát sanh, vui mừng không sao tả được. Bà liền đảnh lễ đức Thế Tôn xong trở về cung.

    Ông Ajita nghĩ rằng: Hai tấm vải này tuy là đẹp quí thật, nhưng đối với ta là vật không có ích gì, vì ta không xứng đáng mặc đồ quí giá này. Sự thật, thân này chỉ là ổ khổ và cũng là nguyên nhân sanh tội lỗi, thân nầy không bền vững, chỉ có hạng người thiếu trí mới ham mê say đắm theo nó, và người ấy thường tưởng tượng rằng: Thân này bền vững, của ta, hạnh phúc vì hưởng những dục lạc. Còn các bực trí thức thì bằng quán tưởng rằng: Thân này là vô thường, đem lại những điều khổ sở, nó không phải là của ta. Chính ta là người lòng còn dẫy đầy phiền não thì không nên dùng hai khổ vải cao quí nầy gói lấy những điều tội lỗi và vật hôi thúi này. Ta chỉ thấy có đức Thế Tôn mới là xứng đáng dùng vì Ngài là đấng hoàn toàn giải thoát, là đấng đã hành Ba la mật hầu đoạt quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hầu tế độ chúng sanh, Ngài là đấng có đủ Giới Ðịnh Huệ rất hoàn toàn trong sạch và Ngài có Giải thoát Tri kiến. Ðây là đấng mà ta nên lễ bái cúng dường.



    Khi ông Ajita nghĩ vậy, mới đem hai tấm vải vào nơi Phật ngự một tấm làm trần che và một tấm chia ra bốn phần treo bốn gốc trần trông thật là đẹp; Ông tự nói rằng: Vật cúng dường của ta thật là cao thượng làm cho tâm ta thật là vui thích, do nhờ quả báo của sự cúng dường nầy ta không có sự ước mong thỏa thích những gì trong tam giới nầy vì tam giới hằng bị phiền não dày vò đau khổ. Vì bị si mê và vô minh che án làm cho tâm không thấy rõ các pháp và không có chủ định chắc chắn, ngoài ra còn năm pháp chướng ngại ngăn cản không cho tâm tiến hóa, vì những pháp trên bao phủ làm cho mờ mịt say đắm trầm nịch trong tam giới... Mặc dầu người can tâm chịu trầm luân để bị khổ cả sanh, già, đau, chết.

    Người đời không còn một vật gì để nương tựa chắc chắn, dầu, cho các vị Thiên Vương hay Ðại Phạm Thiên chăng nữa cũng không ra ngoài vòng trầm luân trong biển Luân hồi. Ta là người có nguyện vọng tối cao là đã đào tạo ba mươi pháp Ba La Mật thâm tâm chỉ muốn đắc thành Chánh đẳng Chánh giác để cứu độ chúng sanh ra khỏi luân hồi.

    Khi ấy, ông mới vào đảnh lễ Phật, xong liền phát nguyện xin đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ngày vị lai. Ðức Thế Tôn ngự trên bảo tọa ngó ông Tỳ khưu trẻ tuổi Ajita ấy mỉm cười bốn cái răng nhọn chiếu hào quang sáu màu sáng tươi và rất đẹp. Phàm một vị đã đắc được Thánh quả cao nhứt không bao giờ cười khóc như kẻ thường tình, nhưng khi thấy Thế Tôn mỉm cười vì vậy làm cho Ðại Ðức Ananda lấy làm lạ. Bạch hỏi đức Thế Tôn: Bạch đức Thế Tôn do nguyên nhân nào đức Thế Tôn lại mỉm cười?

    Ðức Thế Tôn đáp rằng: Ananda nầy, thầy Tỳ khưu Ajita sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong đại kiếp nầy (Ðức Thế Tôn ngụ ý chỉ kiếp của tuổi trái đất chớ không phải kiếp con người) có Hồng danh là METTEYA (Di Lạc), do nhờ oai lực của sự cúng dường hôm nay. Ananda nầy, sau khi giáo pháp của Như Lai không còn tồn tại nữa, tuổi chúng sanh cứ một trăm năm giảm đi một tuổi, đến khi người trường thọ nhứt trong thời kỳ ấy là mười tuổi. Vì dễ duôi nên giết hại nhau không có chút nào là thiện pháp. Khi ấy có một nhóm trí thức trông thấy sự tàn sát nhau rất dã man nên lo trốn đi một nơi nào rồi tựu họp lại để tìm phương pháp ngăn đón sự tàn sát nhau, sau khi ấy các vị trí thức tìm thấy người đời vì thiếu ngũ giới nên làm hại nhau, từ ấy người ai ai cũng phải thọ trì ngũ giới. Nhờ sự không dễ duôi ấy mà tuổi thọ con người gia tăng mỗi trăm năm được thêm một tuổi, tăng đến tuổi thọ con người là tám muôn bốn ngàn tuổi. Chúng sanh duy trì tình trạng ấy đến một thời gian dài không kể xiết, người thời kỳ ấy không còn thấy cảnh chết chóc vì trường thọ. Khi ấy người lại dễ duôi không lo tu hành trở nên hung dữ, ngũ giới càng ngày càng mất lần đi, tuổi lại tùy theo tội lỗi của chúng sanh giảm tới người trường thọ nhứt trong thời kỳ ấy là tám muôn tuổi. Khi ấy xứ Bàrànasì đổi tên lại là Ketumatìmahànagara là xứ giàu có thạnh vượng nhứt, thành ấy đẹp như thiên đàng; xứ ấy rộng lớn bề dài mười hai do tuần, bề ngang bảy do tuần. Giữa đô thành ấy có một tòa nhà bằng ngọc cao. Tòa lầu ấy đẹp nhứt có do nơi oai lực của một vị chư Thiên tên Jetthanala thoát sanh từ cõi trời Ðạo Lợi xuống làm Hoàng tử con vua xứ Ketumatì tên Thái tử SANKHA. Sau khi được thay vua cha trị vì Ngài là một nhà vua oai đức hoàn toàn. Ngài thường làm việc lành như bố thí. Ngày rằm,ba mươi, Ngài cởi bỏ cả cân đai châu ngọc thọ Bát quan trai giới. Do nơi oai đức tu hành của Ngài nên bảy báu như xe ngọc v.v... Phát hiện đến cho Ngài. Khi ấy có vị Quốc sư là người có tài đức phạm hạnh thanh cao nhứt tên là ông Bà la môn SUBRÀHM , là người hằng dạy đạo cho nhà vua.

    Khi ấy vị đại Bồ tát là đức Di Lạc lại giáng sanh vào lòng của bà Quốc sư vợ ông Subràhm. Khi đến ngày sanh bà sanh đức đại Bồ tát tại vườn Lộc Giã. Sau khi lớn lên Ngài hưởng tất cả những sự an lạc trong thế gian như Thái Tử Sĩ Ðạt Ta. Vợ Ngài tên là bà CANDRAMUKHÌ , Ngài hưởng an lạc ấy tám muôn năm. Sau lại Ngài nhận thấy bốn hiện tượng như Thái Tử Sĩ Ðạt Ta nên Ngài lại xuất gia. Bà Canddramukhì sanh được một người con trai tên là VATTHANA .

    Ngài xuất gia hành đạo dưới cội cây Long Thọ. Ngài ngự dưới cội Long Thọ (Pali: Nàgarukkha - Nghĩa là Long Thọ - Theo tôi biết là cây Mù u) trong một tòa nhà tự nhiên hiện lên do nơi oai đức của Ngài. Ngài hành đạo bảy ngày, đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Khi Ngài xuất gia cũng như thời kỳ Thái tử Sĩ Ðạt Ta xuất gia.

    Rồi Ngài thuyết pháp độ đời chúng sanh thành đạo giải thoát nhiều vô số kể. Ðức Thế Tôn liền dạy rằng vị đại Bồ Tát thành đạo ngày vị lai ấy là vị Tỳ khưu trẻ tuổi và mới xuất gia tên Ajita hiện nay vậy.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:58 AM | Message # 32
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ CHÍN

    ÐỘ ÐỨC TỊNH PHẠN VƯƠNG ÐẮC A-LA-HÁN QUẢ
    VÀ NGÀI NHẬP DIỆT

    -ooOoo-

    Khi đức Thế Tôn ngự tại Vương Xá thành tại Trúc Lâm tịnh xá hạ thứ tư. Khi sắp nhập hạ thứ năm Ngài cùng năm ngàn vị Tỳ khưu ngự về xứ Vesàlì nhập hạ ở tư thất gọi là KUTÀGÀRASÀLA ở rừng gần thành Vesàlì .

    Trong năm đó đức Tịnh Phạn Vương lâm trọng bịnh, tất cả lương y trong xứ được triệu đến chữa bịnh cho Ngài, tất cả hoàng thân nhứt là lịnh bà Gotami hết lòng lo chăm nom săn sóc nhưng bịnh không hề thuyên giảm, thân hình càng ngày càng tiều tụy, Ngài không nằm yên được vì chứng bịnh hành hạ. Ngài than rằng: Ta thọ khổ rất nhiều. Bỗng dưng trong khi ấy Ngài lại nhớ đến người con yêu quí duy nhứt của Ngài là đức Thế Tôn, Ngài mới nghĩ rằng: Phải chi có đức Thế Tôn nơi đây, Ngài sờ vào đầu ta, còn đức Ananda rờ vào hai bên thân trái và phải của ta, còn Ra Hầu La cháu nội ta rờ vào hai chân ta, thì sự khổ sở của bịnh tình hành hạ ta chắc chắn sẽ thuyên giảm.

    Ðồng thời khi ấy nhằm lúc gần sáng đức Thế Tôn xuất thiền dùng tâm từ bi rải khắp tam giới nguyện cho chúng sanh được an vui hạnh phúc không gây oan trái với nhau, không giết hại nhau. Rồi Ngài mới dùng tuệ nhãn xem coi chúng sanh nào có duyên lành để Ngài độ trong ngày ấy.

    Phàm một vị Chánh đẳng Chánh giác hằng hành theo năm điều trong ngày, năm điều ấy gọi là Sở dụng thời giờ của Phật.

    Phạn ngữ gọi là PANCAVILOKANATHA là:

    1) PUBBANHE PINDAPÀTANCA. Buổi sáng Ngài ngự đi khất thực.

    2) SÀYANHE DHAMMADESANAM. Buổi chiều lại Ngài thuyết pháp độ chúng sanh.

    3) PADOSA BHIKKHU OVÀDAM. Buổi tối Ngài dạy đạo cho chư Tăng.

    4) ADDHARATTE DEVAPANHANAM. Khuya lại Ngài đáp những câu hỏi của chư Thiên thắc mắc.

    5) PACCÙSEVA GATE KÀLE BHABBÀBHABBE VILOKANAM. Lúc rạng đông Ngài dùng trí tuệ xem coi chúng sanh nào hữu duyên cùng Ngài trong ngày ấy, Ngài ngự đi giáo hóa.

    Lúc bấy giờ ấy đức Thế Tôn xem thấy phụ vương Ngài đang lâm trọng bịnh, đang bị bịnh tình hành hạ nằm không yên và rất nhớ đến Ngài cùng Nanda, Ananda và Ra Hầu La cháu đích tôn của Ngài. Ðức Thế Tôn mới nghĩ rằng: Ta nên trở về thăm viếng săn sóc bịnh tình cho phụ vương.

    Ðức Thế Tôn liền gọi đức Ananda đến và dạy rằng: Ananda nầy, chúng ta nên về thăm đức vua Tịnh Phạn. Chúng ta chỉ còn được gặp mặt Ngài lần nầy là lần chót. Hơn nữa đức vua đang có tâm hướng về chúng ta, Ngài mong ước được gặp chúng ta; đây là cơ hội đặc biệt chúng ta gặp lại Ngài. Chư Thánh Tăng ở nơi nào ngươi hãy đến nơi ấy cho các vị ấy hay rằng: Như Lai về thành Ca Tỳ La Vệ thăm phụ vương.

    Ðại Ðức Ananda đáp: Xin vâng!

    Rồi Ngài lật đật ra đi truyền lời dạy của đức Thế Tôn cho chư Thánh Tăng hay.

    Tất cả chư Thánh Tăng kể cả hai vị đại đệ tử và tám mươi vị đại đệ tử khác cùng chư Thánh Tăng ngoài ra khi nghe tin ấy đến hội hợp nhau đợi cùng đi với Phật vì quí Ngài có thông tuệ biết rõ tất cả mọi việc.

    Ðức Ananda về bạch lại mọi việc cho Phật hay và cho Phật biết rằng: Chư Thánh Tăng đã hội lại đủ mặt.

    Ðức Thế Tôn liền đến nơi hội và phán với chư Thánh Tăng rằng: Quí vị đây đều là người muốn đến viếng phụ vương của Như Lai lần chót chăng?

    Sau đó đức Thế Tôn dùng thần thông bay đi chư Thánh Tăng cũng theo Ngài tùy theo hạ cao thấp đi một hàng trông thật đẹp mắt. Khi đến thành Ca Tỳ La Vệ, đức Phật cùng chư Thánh Tăng ngự ngay vào cung vua đang ngự. Ðức Phật ngự nơi đầu long sàng vừa tầm mắt đức vua trông thấy. Ðức Thế Tôn trông thấy Phụ hoàng thân hình tiều tụy lấy làm thương hại, Ngài liền phán hỏi căn bịnh và đang đau nhức nơi nào. Ðức vua nghe những lời han hỏi của đức Thế Tôn lấy làm cảm động rưng rưng đôi hàng lệ và bạch rằng:

    - Bạch đức Thế Tôn; sự đau khổ của cơn bịnh không biết kể sao cho hết, trẫm không còn sống thêm được nữa rồi.

    Ðức Thế Tôn dạy: Tâu Ðại vương, xin Ðại vương đừng nghĩ như vậy. Ðức Thế Tôn liền đưa tay mặt ra đồng thời phát nguyện rằng:

    - Nếu Như Lai đã có hành ba mươi pháp Ba la mật quí báu cao thượng trong bốn A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp vì cố ý đem sự lợi ích đến cho chúng sanh, xin do nơi oai lực của phước báu ?y, khi Như Lai dùng tay phải rờ vào đầu của Phụ vương, xin cho sự đau khổ ấy tiêu diệt. Ðức Thế Tôn phát nguyện xong rờ vào đầu của đức Tịnh Phạn Vương, sự đau đớn vì cơn bệnh thuyên giảm ngay.

    Khi ấy đức Ananda đảnh lễ đức Thế Tôn xong đến gần long sàng của đức vua, rồi phát nguyện rằng:

    - Tôi là người hằng theo hầu Phật như bóng với hình, đây là lời thành thật của tôi, xin cho khi tôi dùng tay rờ vào mình của bá phụ, tôi xin cho Ngài được giảm sự đau khổ vì cơn bịnh hành hạ. Ðức Ananda liền rờ vào mình đức vua thì căn bịnh thuyên giảm ngay lập tức.

    Ðức Nanda liền đến đảnh lễ Phật và cũng đến nơi long sàng rồi phát nguyện rằng:

    - Nếu tôi là người hành đúng theo lời giáo huấn của đức Ðại Giác. Tôi xin nguyện rằng: Do nhờ oai lực hành theo Thánh pháp ấy khi tôi rờ vào mình của phụ vương tôi xin cho căn bịnh được tiêu tan. Khi ngài rờ vào đức vua cảm thấy được mạnh khỏe như xưa.

    Ðức Ra Hầu La cũng đến gần Phật đảnh lễ xong đến bên long sàng và phát nguyện rằng:

    - Khi đức Thế Tôn còn là vị đại Bồ Tát trong kiếp Vesantara , Ngài hành hạnh đại thí, Ngài có bố thí tôi cho ông Bà la môn tên Jùjaka. Tôi vâng lời Ngài theo ông Bà la môn ấy không hề dám cãi và buồn phiền Ngài trong thâm tâm. Nếu điều ấy đúng theo sự thật mà tôi đã hành thì do nhờ oai lực công đức ấy xin cho khi tôi rờ vào chân của nội tổ tôi thì căn bịnh của Ngài tiêu tan đi lập tức. Ngài liền rờ vào chân đức vua. Khi ấy đức vua cảm thấy hết bịnh.

    Khi Ngài cảm thấy trong thân thể được thơ thới an vui như đã thoát khỏi cơn bịnh hiểm nghèo. Ngài liền ngồi dậy tỏ tâm hoan hỉ đưa tay lên khỏi đầu đảnh lễ đức Phật và chư Tăng.

    Ðức Thế Tôn biết rằng: Ðức vua đã hết bịnh. Ngài liền dùng trí tuệ quan sát coi phụ vương còn thọ được bao lâu nữa. Ngài biết rằng: Ðức vua chỉ còn thọ được bảy ngày nữa thôi, và Ngài hiểu rằng: Ðức vua còn có duyên lành đắc quả A-la-hán trong kiếp nầy do nơi Ngài tiếp độ. Ngài liền bắt đầu thuyết pháp cho đức vua nghe bảy ngày đêm liền không ngừng nghỉ.

    Ðức vua yêu cầu đức Thế Tôn rằng:

    - Bạch đức Thế Tôn, Ngài là đấng Ðại Từ bi chịu cực khổ thuyết pháp cho trẫm nghe cả bảy ngày đêm hầu đem sự lợi ích cho trẫm.

    Ðức Thế Tôn liền thuyết bài pháp tên là ANICCÀ (nghĩa là Pháp vô thường). Ðại cương như vầy: Tâu Ðại vương, tất cả sanh mạng của chúng sanh rất là bé nhỏ, không trường tồn được, đời sống con người mau lẹ như làn chớp chưa trông thấy thì đã mất rồi, mỗi ngày qua là càng chồng chất thêm tuổi già, ngoài ra còn có bịnh vào tàn phá làm cho đau khổ, đời sống của người có cái chết là sự thật của nó, những của cải mà người ta đã có trong đời nầy sẽ bị mất, trước khi chết hay là khi chết không đem gì được về ngày vị lai, đó là định luật tự nhiên chúng sanh phải gánh chịu.

    Khi nghe xong thời pháp thì đức vua cũng vừa đắc A-la-hán quả. Vì trong khi nghe Ngài quán tưởng theo Minh sát tuệ, Ngài trông thấy thật rõ từng chi tiết của pháp Tứ Ðế, Ngài diệt trừ tận gốc của vô minh và si mê nên không còn luân hồi nữa.

    Ðức vua đắc A-la-hán quả với thần thông nên Ngài dùng trí tuệ quan sát biết rõ nhân duyên của mình, nên Ngài bạch Phật rằng:



    - Bạch đức Thế Tôn hôm nay trẫm đã giải thoát khỏi lưới của luân hồi, trong thấu rõ Niết bàn bằng Tuệ. Tuổi thọ của trẫm còn rất ít trẫm xin đảnh lễ đức Ðại Giác, trẫm phải nhập diệt ngày hôm nay.

    - Tâu Ðại vương, xin Ðại vương hãy tùy tiện, liệu lấy thời giờ (ý đức Thế Tôn dạy hãy coi giờ nào đúng vào lúc hết tuổi thọ).

    Tất cả hoàng tộc và các phi tần nhứt là bà Gotamì nghe vậy lấy làm buồn khổ thương yêu Ngài nên đều than khóc náo động cả hoàng cung.

    Ðức Tịnh Phạn Vương thấy vậy mới dạy rằng:



    - Hỡi nầy các người, xin các người đừng than van khóc lóc buồn thương, vì đời người sanh ra trong vòng luân hồi phải có ngày chia ly với tất cả những nhân vật thương yêu quí mến, và thường hay rung động vì các pháp thế gian nhứt là kinh sợ tử thần. Sau khi ta chết thì lần lượt đến các người kẻ trước người sau, đó là con đường cuối cùng của đời người, danh vọng tiền tài không đem lợi ích gì đến ta. Vậy các người nên rán lo tu hành để tìm nơi bền vững lâu dài không tiêu diệt, bất di bất dịch.

    An ủi quyến thuộc xong Ngài liền cúi đầu đảnh lễ đức Thế Tôn và bạch rằng:

    - Bạch đức Thế Tôn, những tội lỗi nào mà trẫm đã dễ duôi do thân, khẩu, ý phạm với đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn mở lượng Từ Bi tha tội lỗi cho trẫm. Trẫm xin từ giã đức Thế Tôn nhập Niết bàn. Dứt lời Ngài nằm lại long sàng nhập đại định rồi tịch diệt luôn.

    Khi đức Thế Tôn biết đức vua đã tịch diệt, Ngài liền thuyết cho chư Tăng nghe câu kệ:

    - Các vị nên trông lấy sự tịch diệt của phụ vương Như Lai làm đề mục, đã gọi là Tử thần thì không bao giờ biết tha thứ cho nhân vật nào. Nó có phận sự là giết tất cả nhân vật là cố hữu của nó vậy.

    Khi ấy lịnh bà Gotamì và hoàng tộc khóc lóc than van, làm náo nhiệt cả hoàng cung. Ðức Thế Tôn mới thuyết pháp về Vô thường, Khổ não, Vô ngã, thì các vị ấy hiểu rõ lý của pháp bớt bi lụy.

    Ðức Thế Tôn liền gọi Ðại Ðức Ca Diếp đến dạy rằng: Như Lai phải làm chủ tọa trong cuộc lễ hỏa táng nầy. Vậy Như Lai phiền ông hãy đi tìm coi địa thế nơi nào thích đáng để làm nơi hỏa táng phụ vương của Như Lai. (ý nói đức Thế Tôn muốn tìm nơi không xa lắm không gần lắm và rộng rãi để cho chư Tăng và dân chúng hội lại làm lễ).

    Ðức Ca Diếp đáp: Xin vâng!
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:58 AM | Message # 33
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    ại Ðức liền hợp với các vị bô lão trong hoàng tộc đi chọn nơi thuận tiện cho cuộc lễ.

    Chư Thiên trong cõi Sa bà thế giới đều hội đến, nhứt là đức Ðế Thích đem đồ thực phẩm và các vật trên cõi trời đến cúng dường; đặc biệt là Ngài có đem đến một cái DIBYAKUTAG ARA. (nghĩa là nóc của hỏa đài) có hình năm trăm nóc nhà chồng lên nhau từ từng (quí vị hãy coi như đền vua Cao Mên, Lào, Thái, hay nóc chánh điện của chùa) có cẩn nhiều châu ngọc trông thật là huy hoàng tráng lệ.



    Khi hỏa đài đã xong, Ðại Ðức Ca Diếp mới vào bạch cho đức Thế Tôn rõ. Ðức Thế Tôn dạy người đem nước hoa đến, tự tay Ngài đỡ đầu đức vua và tắm cho Ngài. Ðức Xá Lợi Phất là người múc nước xối, còn đức Phật là người kỳ rửa long thể của đức Tịnh Phạn Vương.

    Ðức Thế Tôn mới phán với Ðại Ðức Xá Lợi Phất rằng: Nầy Xá Lợi Phất, kẻ nào là người hành theo thiện pháp, có tâm nguyện đắc quả Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, nên cố lo phụng dưỡng mẹ cha, người ấy sẽ đoạt thành sở nguyện.

    Khi tắm xong chính tay đức Thế Tôn lo tẩn liệm, và Ngài khiêng linh cửu để nơi quàng trong hoàng cung. Khi đến làm hỏa táng chính tay Ngài khiêng linh cửu ra nơi hỏa đài và an tọa trên hỏa đài, Thiên Vương Ðế Thích xuống làm lễ linh cửu xong đi quanh ba vòng. Ngài liền lấy ra một viên ngọc gọi là JOTIVANSÌ (viên ngọc nầy có thể làm cháy được mọi vật) chuẩn bị để làm lễ hỏa táng.

    Ðức Thế Tôn mới phán rằng: Nầy Thiên Vương Ðế Thích, người hãy đình chỉ lại, chuyện nầy phải chính tay Như Lai làm lễ hỏa táng cho phụ vương mới phải lẽ.

    Ðức Ðế Thích mới dâng viên ngọc ấy đến tay đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn đem viên ngọc để vào chân hỏa đài lửa phát cháy. Sau đó chư Thiên và các vị Hoàng thân mới đem vật thơm như trầm, hoa v.v... để vào hỏa đài. Trong cuộc lễ hỏa táng còn có nhiều người thương tiếc khóc than, nhân tiện ấy đức Thế Tôn mới thuyết pháp Vô thường để độ chúng sanh.

    Quyến thuộc sáu nước là: 1. Ca Tỳ La Vệ; 2. Devadaha; 3. Koliya; 4. Sakka; 5. Supavàsa; 6. Vera cùng hội đến dự cuộc lễ hỏa táng để tang thật là long trọng.

    Sau khi hỏa táng xong quyến thuộc sáu nước mới hội nhau làm cuộc lễ cúng dường cho chư Thánh Tăng có đức Thế Tôn làm tọa chủ. Lễ cúng dường thật là long trọng. Sau khi cuộc lễ đức Thế Tôn có dạy rằng:

    - RÀJÀCO KHATTIYÀ MÀTÀ. Hãy xem đức vua Tịnh Phạn Vương thăng hà mà làm gương, mọi người còn sống sẽ có quyến thuộc là cha mẹ, anh em, thầy tổ sẽ chết, khi người yêu thương chết thì người còn lại đều buồn rầu than tiếc uất ức, vì sợ rằng người quá vãng không nơi nương tựa, người ấy nên làm phước bố thí hay cúng dường đến các bực đáng cúng dường, sự cúng dường hay bố thí cao thượng của người còn tại thế làm và đem ra hồi hướng đến người đã quá vãng. Quả của sự Bố thí hay cúng dường ấy sẽ trả quả cho người quá vãng một sự nghiệp quí giá. Nếu con cháu còn sống mà không làm lễ cúng dường hay bố thí để hồi hướng đến người quá vãng, những con cháu ấy gọi là người bất hiếu, sau khi chết chắc chắn sẽ bị đọa vào ác đạo khó thoát khỏi và phải chịu khổ trong cõi ấy một thời gian khá lâu vậy. Người có hiếu nên biết làm việc lành là bố thí hay cúng dường để hồi hướng phước báu cho quyến thuộc đã quá vãng. Người có hiếu làm như thế sau khi quá vãng được sanh về cõi an vui. Vì vậy bực có trí nên làm việc lành do lòng trong sạch để hồi hướng quả báu đến cho người đã quá vãng. Sự than khóc, uất ức, ăn năn, thương tiếc thật không bổ ích chi đến người quá vãng, những quyến thuộc mà được hưởng an vui là do nhờ sự cúng dường hay bố thí của người còn tại thế hồi hướng đến mà thôi.

    Ðức Thế Tôn dạy đoạn nầy cốt để nhắc nhở quyến thuộc đừng than khóc buồn rầu nên làm việc lành, sau khi thuyết pháp xong Ngài trở về chùa Nigrodha. (Tàu âm Ni Cư Ðà).

    Một thời gian sau; lịnh bà Gotamì vào hầu Phật và bạch hỏi rằng: Bạch đức Ðại Giác, người phụ nữ có thể xuất gia theo Phật giáo được chăng?

    Ðức Thế Tôn không đáp mà Ngài dạy rằng:

    - Di mẫu Gotamì , Bà không nên mộng ước xuất gia, người phụ nữ không nên xuất gia theo Phật giáo.

    Bà Gotamì yêu cầu đức Thế Tôn cho bà xuất gia như thế đôi ba lược. Ðức Thế Tôn cũng từ chối không chấp thuận. Lịnh bà lấy làm buồn khổ, than khóc rồi ra về.

    Ðức Thế Tôn ngự tại thành Ca Tỳ La Vệ một thời gian vừa phải Ngài lại ra về thành Vesàlì , Ngài ngụ tại Kutagàra .

    Vì lòng hâm mộ Phật pháp, nhứt là bà thấy rõ quả báo của sự giải thoát nên bà rất yêu chuộng sự xuất gia, bà cùng với năm trăm bà hoàng có chí hướng xuất gia đồng thí pháp đắp y mang bát đi chân không từ thành Ca Tỳ La Vệ đến thành Vesalì là nơi đức Thế Tôn đang ngự thuyết pháp độ chúng sanh. Do quí bà là hàng vua chúa không bao giờ đi bộ, phương chi hôm nay quí bà đi bộ mà lại đi chân không và đi một khoảng đường rất xa nên chân của các bà đều phòng và nứt ra, thân người bám đầy bụi đường, trông thật là thảm khổ. Quí bà vào hầu Phật mắt đẩm đầy lệ.

    Trước khi quí bà hầu Phật thì gặp Ðại Ðức Ananda. Bà Gotamì bảo rằng: Sở dĩ mà bà thí phát, đắp y cà sa trước Phật cho phép, vì bà muốn xuất gia và cũng đã ba phen thỉnh cầu đức Thế Tôn nhưng Ngài không cho phép.

    Ðại Ðức Ananda nói: Xin lịnh bà đình chỉ lại nơi đây. Tôi sẽ vào hầu Phật và xin cho quí bà xuất gia cho bằng được. Ðức Ananda liền vào hầu Phật. (từ đoạn sau đây đi tôi viết theo Tạng Luật, bộ Culavagga).

    Sau khi đảnh lễ Phật xong, rồi vào nơi phải lẽ và bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, bà Gotamì , hai chân phồng sưng lên, thân hình bà thật là tiều tụy; mình bám đầy bụi đường, bà rất khổ tâm, nay bà đang đứng khóc bên ngoài vì bà chắc chắn rằng: Ðức Thế Tôn không ưng thuận cho phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Phật. Vậy nên đệ tử xin đức Thế Tôn mở lượng từ bi cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của đức Thế Tôn đã giáo truyền.



    - Ananda ơi, ngươi đừng yêu cầu cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Như Lai đã giáo truyền.

    Ðại đức Ananda yêu cầu như thế đôi ba lượt, nhưng đức Thế Tôn vẫn đáp như trước.

    Ðại Ðức Ananda mới nghĩ: Tại sao đức Thế Tôn không bằng lòng cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp của Ngài đã truyền, mặc dầu vậy, nhưng ta cũng phải cương quyết yêu cầu xin cho kỳ được. Ngài mới bạch hỏi đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, khi hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Ngài, những phụ nữ ấy có thể đắc từ quả Tu đa huờn đến A-la-hán hay không?

    - Ananda nầy, nếu hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì cũng có thể đắc đạo quả từ Tu-đà-huờn trở lên A-la-hán.



    - Bạch đức Thế Tôn nếu hàng phụ nữ mà xuất gia theo giáo pháp của đức Thế Tôn đã giáo truyền có thể đắc từ quả Tu-đà-huờn đến A-la-hán, vậy xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Ngài đã giáo truyền. Hơn nữa lịnh bà Gotamì là người có ơn rất lớn đối với Ngài, bà lại là di mẫu của Ngài, là người đã ra công nuôi dưỡng Ngài, cho Ngài bú từ giọt sữa, đút từ vắt cơm sau khi Phật mẫu thăng hà.

    Theo chú giải của bộ Luật nầy có giải và nêu câu hỏi rằng: Tại sao đức Thế Tôn lại không cho phép hàng phụ nữ xuất gia? Có phải chăng đức Thế Tôn là đấng có lòng từ bi vô lượng vô biên?

    Ðáp: Phải; đúng vậy. Nhưng đức Thế Tôn định phải có sự yêu cầu khó khăn nhiều lượt như thế, để hàng phụ nữ nhận thức rằng: Sự xuất gia được của chúng ta đây thật là khó. Nhờ vậy nên hàng phụ nữ mới cố gắng thu thúc giới luật hoàn toàn trong sạch.

    Ðức Thế Tôn liền dạy Ðại Ðức Ananda rằng: Ananda nầy, nếu lịnh bà Gotamì bằng lòng thọ TÁM TRỌNG PHÁP. Và vâng giữ Tám Trọng Pháp ấy là sự xuất gia của bà.

    TÁM TRỌNG PHÁP ấy là:

    1) Mặc dầu bà Tỳ khưu ni xuất gia đã được trăm hạ chăng nữa, cũng phải kính trọng và đảnh lễ thầy Tỳ khưu mới xuất gia trong ngày ấy (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để răn các bà bớt lòng ngã mạn khinh người).

    2) Bà Tỳ khưu ni không thể nhập hạ nơi nào mà không có thầy Tỳ khưu (Ðức Phật ra điều học nầy để chư Tỳ khưu Tăng kiểm soát quí bà Tỳ khưu ni).

    3) Bà Tỳ khưu ni phải luôn luôn thực hành theo hai điều là: Phải hành lễ Phát lồ. Sau hành lễ xong phải đến nơi chư Tỳ khưu cư ngụ để nghe lời giáo huấn của quí Ngài. (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để quí bà thường trực gần chư Tăng hầu nghe lời giảng dạy của chư Tăng mỗi tháng hai lần).

    4) Mặc dầu quí bà đã làm lễ nhập hạ xong, đến ngày ra hạ cũng phải hành lễ ra hạ, và rồi, cũng phải đến nơi cư ngụ của chư Tỳ khưu Tăng hành lễ ra hạ một lần nữa. (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để quí bà tự tỏ ra quí bà rất hòa nhau).

    5) Nếu bà Tỳ khưu ni đã phạm Tăng tàng và làm lễ phạt cấm phòng mỗi ngày và đã xưng tội bên Tỳ khưu ni xong cũng phải đến xưng tội với chư Tỳ khưu Tăng.

    6) Nếu có giới tử muốn xuất gia Tỳ khưu ni, quí bà đã cho xuất gia xong rồi, nhưng phải đưa đến cho xuất gia lại nơi chỗ có kiết giới của chư Tỳ khưu Tăng.

    7) Bà Tỳ khưu ni không quyền thóa mạ chư Tỳ khưu.

    8) Vị Tỳ khưu luôn luôn có quyền giáo huấn chư Tỳ khưu ni, chư Tỳ khưu ni không bao giờ có quyền giáo huấn vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu ni không quyền dễ duôi đối với vị Tỳ khưu, và phải hết lòng cung kính.

    - Ananda nầy, nếu bà Gotamì ưng thuận thọ trì Tám Trọng Pháp mà Như Lai đã dạy trên thì Như Lai chấp thuận cho bà xuất gia bằng cách thọ Tám Trọng Pháp.

    Ðại đức Ananda học thuộc lòng tám điều ấy xong liền đến nơi của bà Gotamì và bảo bà: Nếu lịnh bà bằng lòng thọ Tám Trọng Pháp đó là phương pháp xuất gia của lịnh bà. Ðại Ðức Ananda liền đọc lại tám điều mà đức Thế Tôn đã khẩu truyền.

    Khi bà Gotamì nghe xong Tám Trọng Pháp liền nói rằng: Bạch Ðại Ðức lẽ thường thanh niên thanh nữ đều ưa thích tắm rửa trang điểm, đầu giắt hoa sen hay hoa ma lị v.v... Cũng ví như tôi ưa thích Tám Trọng Pháp vâng giữ hành theo trọn đ?i.

    Ðại Ðức Ananda trở lại hầu Phật đảnh lễ xong bạch rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn Di mẫu Ngài là bà Gotamì rất hài lòng thọ lấy Tám Trọng pháp để xuất gia.

    Ðức Phật dạy: Ananda ơi, nếu không có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh còn tồn tại trong thế gian nầy lâu dài hơn, chánh pháp còn tồn tại đến một ngàn năm. Nhưng khi có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh sẽ không còn tồn tại lâu dài. Chánh pháp chỉ tồn tại được năm trăm năm. Ananda nầy, trong gia đình nào có nhiều phụ nữ không có người nam, gia đình ấy sẽ bị kẻ trộm đánh cắp nồi cơm rất dễ, điều nầy cũng như phụ nữ xuất gia trong giáo pháp nào thì phạm hạnh trong giáo pháp ấy càng không thể tồn tại được lâu dài, cũng như loại cào cào châu chấu đã đáp xuống ruộng lúa nào thì ruộng lúa ấy không thể tồn tại lâu được, hoặc cũng như loại đuông đã sanh trong rẫy mía nào thì rẫy mía ấy cũng chẳng tồn tại lâu được, những điều nầy cũng ví như khi phụ nữ xuất gia theo pháp luật nào giáo lý nào, thì phạm hạnh của pháp luật ấy hay giáo lý của phạm hạnh ấy, không tồn tại được lâu dài. Do đó người thường đắp đê để ngăn không cho nước tràn ra khỏi ao hồ được. Cũng như Như Lai ra Tám Trọng Pháp cấm đoán Tỳ khưu ni không cho các vị Tỳ khưu ni dễ duôi trọn đời.

    Ðây là lời Chú giải của bộ Luật CULLAVAGGA .

    Lời Phật dạy: Pháp Luật có nghĩa là Giáo lý hay Giáo pháp, hay Tôn giáo.



    Lời Phật ngôn: Ví như người đắp đê to ngăn cản không cho nước tràn ra khỏi ao hồ. Câu nầy có nghĩa là: Nếu người muốn giữ nước trong ao hồ không cho tràn ra thì phải đấp đê ngăn nước, nước ấy sẽ tồn tại được. Ðiều nầy cũng ví như đức Thế Tôn đã ra Tám Trọng Pháp trước khi sanh ra những điều chẳng lành, Ngài không để các bà Tỳ khưu ni vi phạm. Tám Trọng Pháp nầy cũng ví như là đê để ngăn nước kia vậy. Khi Ngài ra Tám Trọng Pháp ngăn ngừa mà để cho hàng phụ nữ xuất gia thì chánh pháp chỉ tồn tại được năm trăm năm thôi. Một khi đã có Tám Trọng Pháp ngăn ngừa trước thì chánh pháp sẽ còn tồn tại đến một ngàn năm, có nghĩa là nhờ có Tám Trọng Pháp ấy nên thêm được năm trăm năm. Cộng là một ngàn năm.

    Câu Phật ngôn dạy: Ngàn năm có nghĩa là kể từ ngày đức Thế Tôn Niết bàn đến một ngàn năm sau còn có vị Thánh nhơn đắc đến bực A-LA-HÁN QUẢ. Kế đến là ngàn năm thứ nhì chỉ có chư Thánh nhơn đắc đến quả A NA HÀM. Kế đến ngàn năm thứ ba chỉ có chư Thánh nhơn đắc đến quả TU ÐÀ HÀM. Kế đến ngàn năm thứ tư chỉ có chư Thánh nhơn đắc quả TU-ÐÀ-HƯỜN mà thôi... Ngàn năm thứ năm chỉ còn các vị Tỳ khưu thọ giới Ba La Ðề Mộc Xa. Tức là thọ Cụ Túc giới.

    Ðây là đoạn Chú giải bộ DIGHANIKAYA (Bộ Trường A Hàm).

    Trong bộ chú giải của Tạng kinh Trường A Hàm có giải khác hơn là:

    Ngàn năm đầu còn có bực đắc A-la-hán PATISAMBHIDA , Tàu dịch là TUỆ PHAÂN TÍCH.

    Ngàn năm thứ nhì còn có vị A-la-hán đắc được CHALA BHINNO , Tàu dịch là LỤC THÔNG.

    Ngàn năm thứ ba còn có vị A-la-hán đắc TÊVIJJO , Tàu dịch là TAM MINH.

    Ngàn năm thứ tư còn có vị A-la-hán gọi là SUKKHAVIPASSAKA , Tàu dịch là SẮC BIÊN LẠC. (quán xét các bậc thiền Sắc và Vô Sắc).

    Ngàn năm thứ năm còn giới Ba La Ðề Mộc Xa tức là Cụ Túc giới.

    Riêng về chú giải của Tạng kinh bộ ANGUTTARANIKAYA lại giải khác hơn chút là:



    Chư đệ tử có thể đắc được Tuệ phân tích ở ngàn năm thứ nhứt sau khi Phật Niết bàn.

    Ðến ngàn năm thứ nhì chư đệ tử chỉ đắc được Lục thông.

    Ðến ngàn năm thứ ba chư đệ tử chỉ đắc được Tam minh.

    Ðến ngàn năm thứ tư chư đệ tử chỉ đắc được SẮC BIÊN LẠC thôi, (tức là thiền Hữu sắc và Vô Sắc).



    Sau đó chỉ còn có chư Thánh nhơn đắc được ba quả dưới là A na hàm, Tư đà hàm và Tu-đà-hườn. Kể ra là đủ năm ngàn năm tuổi của Phật giáo.

    Theo bộ chú giải nầy chỉ cho ta thấy trong vòng năm ngàn năm còn có Thánh nhơn. (Lời của soạn giả).



    Theo đây tôi (soạn giả) cũng xin nói rõ thêm là: Khi lịnh bà Gotamì xuất gia theo Phật pháp, tất cả những điều học là hai trăm hai mươi bảy điều răn cấm của chư Tăng chưa có, vì lúc ấy Phật giáo mới truyền bá, hầu hết chư Tăng điều là bực Thánh nhơn; nếu vị nào chưa đắc Thánh quả cũng đều là hạng có giới đức thật trong sạch như bực Thánh nhơn, vì các vị ấy có duyên lành rất dầy nên không vị nào phạm một lỗi lầm mặc dầu thật nhỏ. Ðến hạ thứ sáu trở đi mới bắt đầu có điều răn cấm những điều răn cấm gọi là Ðiều học hay cũng gọi là Luật.

    Sau khi Ðại Ðức Ananda bạch Phật là bà Gotamì bằng lòng nhận Tám Trọng Pháp để hành theo trọn đời, Ðức Thế Tôn cho bà Gotamì xuất gia với năm trăm bà hoàng bằng cách thọ Tám Trọng Pháp. Kể từ ngày ấy có Tỳ khưu ni và có đủ hàng Tứ chúng.



    Nói về việc hỏa táng đức Tịnh Phạn Vương xong. Tất cả các vị vua trong sáu nước thuộc dòng Thích Ca và hoàng tộc trong sáu nước ấy lập tức hội lại bàn với nhau rằng: Trong nước không nên không có vua mặc dầu chỉ trong một ngày thôi. Vì vậy các vị hoàng tộc xứ Ca Tỳ La Vệ và năm vị vua kia cùng đồng lòng tôn ông hoàng Mahanàma lên ngôi Hoàng đế tại xứ Sakka kinh đô Ca Tỳ La Vệ; vì dòng của đức Tịnh Phạn Vương không còn ai nối ngôi nữa bởi đức Thế Tôn đã xuất gia và thành đạo, con thứ của đức Tịnh Phạn Vương là đức Ananda cũng xuất gia, cháu nội Ngài là con đức Thế Tôn là ông Ra Hầu La cũng xuất gia.

    Riêng về bà Gia Du Ðà La được tin đức Thế Tôn đã cho phép hàng phụ nữ xuất gia hành theo phạm hạnh của Ngài. Bà mới nghĩ: Cố nhiên vạn vật trong vũ trụ nhứt là ngai vàng của vị đế vương thường hay thay đổi, không chắc của một vị nào, một dòng nào. Sang, giàu, công danh sự nghiệp, ngôi vị đế vương cũng ví như nghệ. Vì nghệ có dính vào người chăng nữa cũng chẳng bao lâu rồi cũng phai lợt hết đi. Khi mà ta còn tại tiền đây, chồng ta cũng còn hiện nay, ngai vàng nầy phải là của chồng ta, nếu không vậy cũng phải là của con ta, nhưng hôm nay lại thành ra của kẻ khác; đây là bởi chồng ta là người cao quí không tham mùi tục lụy, mùi tục lụy đối với chồng ta như nước bọt khi nhổ ra rồi không bao giờ liếm lại, hoặc cũng có thể ví như người kinh sợ vật thực có chất độc không bao giờ dám ăn. Sở dĩ mà chồng ta bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ, uy quyền tột đỉnh là ngai vàng cũng vì sợ chất độc hại mình. Như vậy ta còn ham mê gì trong cõi đời đầy chất độc nầy? Cung vàng điện ngọc, nầy sự sung sướng của thân xác nầy, có ích gì cho đời ta? Ðiều mà đáng cho ta nghĩ tới và ham mộ là sự xuất gia và giải thoát khỏi thế gian đầy chất độc nầy.

    Khi bà nghĩ vậy liền vào hầu tân vương là ông Mahànàma xin Ngài cho phép xuất gia. Ðức vua nhận lời. Bà cùng hai trăm năm mươi vị hoàng tộc và phi tần đã theo hầu bà từ trước cùng nhau đến thành Thất La Phiệt xin xuất gia Tỳ khưu ni. Ðức Thế Tôn cho xuất gia.

    Sau khi xuất gia xong bà Gia Du Ðà La trì chí hành đạo. Ðức Thế Tôn dạy cách hành Minh sát tuệ hợp theo duyên lành của bà, không bao lâu bà đắc A-la-hán quả.

    Ðức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của ông Trưởng giả Cấp Cô Ðộc dâng cúng tịnh xá nầy tốn đến năm mươi bốn triệu tỷ vàng.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:58 AM | Message # 34
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ MƯỜI

    DÙNG THẦN THÔNG THẮNG NGOẠI ÐẠO

    -ooOoo-

    Khi đức Thế Tôn ngự tại Trúc Lâm tịnh xá ở thành Vương Xá. Khi ấy có một ông Trưởng giả muốn đi tắm ở sông Gangà. Vì sợ có sự tai nạn bất ngờ nên ông cho người nhà giăng lưới để ngừa loài thủy tộc đến làm hại.

    Trên giòng sông Gangà có một rừng toàn cây trầm, khi trời mưa to nước xói góc cây trầm gần bên bờ sông nên cây trầm ngã xuống sông, lại bị nước lũ trôi đi, khi trôi bị chạm vào đá nên gãy ra làm nhiều khúc to nhỏ. Có một khúc lõi bị nước trôi và va chạm vào đá nhiều lần nên trở thành khúc gỗ tròn màu đỏ thơm thật là quí. Khúc trầm tròn ấy lại trôi dính vào lưới của ông Trưởng giả đang tắm, người nhà ông vớt lên đem đến cho ông. Ông hỏi: Vật chi đó?

    Người nhà đáp: Một khúc lõi cây trầm đỏ.

    Ông thấy khúc lõi trầm to bằng cái bát thật đẹp, thật một khúc trầm quí. Vị Trưởng giả nầy không thuộc về tôn giáo nào cả, ông mới nghĩ rằng: Ta được khúc trầm rất là quí giá nầy vậy ta làm ra vật gì cho thật đẹp để chơi. Ông lại nghĩ: Ờ phải rồi, hiện nay có rất nhiều tôn giáo, những ông giáo chủ ấy đều tự xưng: Ta đây là A-la-hán. Nhưng riêng ta thì ta không biết ai là A-la-hán? Ai không phải là A-la-hán? Vậy ta thuê thợ tiện khúc trầm nầy ra một cái bát rồi cột trên ngọn tre cao sáu mươi hắc tay, và nói rằng: Vị nào có thể bay lên lấy được bát ấy ta tin rằng vị ấy là A-la-hán. Ta cùng tất cả quyến thuộc và người trong gia đình ta qui y theo vị ấy.

    Rồi trở về nhà ông liền làm theo ý định của ông. Sau khi treo bát xong, ông cho người nhà của ông đi truyền bá mọi nơi theo ý ông đã định rằng: Vị nào là A-la-hán hãy bay lên lấy bát thì ông Trưởng giả sẽ qui y theo vị ấy.

    Trong thời kỳ ấy tại Vương Xá thành có sáu tôn giáo lớn nhứt gọi là Lục Sư hay là Lục Tổ.

    Tên sáu vị ấy là:

    1) PURÀNAKASSAPA .
    2) MAKKHALIGOSANA .
    3) AJITAKESAKAMBALA .
    4) SANJAYAVELATTHAPUTTA .
    5) PAKUDDHAKACCAYANA .
    6) NIGANTHANÀTAPUTTA .



    Trong sáu vị ấy, người đưa đệ tử đến làm môi giới trước nhứt là ông Purànakassapa ; người đệ tử ấy nói với ông Trưởng giả rằng: Bát ấy thật là xứng đáng đến đức giáo chủ của chúng tôi.

    Ông Trưởng giả trả lời rất khiêm tốn rằng: Xin mời Ngài tự tiện đến thâu lấy mà dùng đó là nguyện vọng của tôi.



    Theo sau đó mỗi ông giáo chủ đều đưa người đến làm môi giới để xin bát ấy nhưng không vị nào đắc kỳ sở nguyện. Ðến ngày thứ sáu ông Niganthanàtaputta cho đệ tử đến nói: Ông Trưởng giả, tốt hơn ông nên vui lòng trao bát ấy đến giáo chủ tôi, đừng để vì một cái bát không đáng giá là bao mà phải dùng đến thần thông coi không đẹp, ông Trưởng giả cũng không nhận lời và vẫn từ chối một cách nhã nhặn như trước.

    Khi ấy Niganthanàtaputta mới bàn với đệ tử rằng: Khi ta đến nhà ông Trưởng giả, ta giả bộ sắp bay đi lấy bát, các ngươi coi, nếu ông Trưởng giả ấy không bằng lòng cho thì các người hãy níu ta lại và nói rằng: Xin sư phụ đừng vì cái bát cỏn con ấy mà dùng thần thông tỏ ra mình là bực A-la-hán giữa quần chúng làm gì.



    Dạy đệ tử xong ông Niganthanàtaputta đến nhà Trưởng giả bảo: Ông Trưởng giả, ông nên dâng cho bần đạo cái bát ấy đi. Ông Trưởng giả không ưng thuận. Ông ta giả vờ như sắp bay đi lấy, kế đệ tử kéo lại khuyên xin đừng bay. Ông liền nói ông Trưởng giả rằng: Sở dĩ mà ta không bay đi lấy vì đệ tử ta yêu cầu, vậy ngươi vui lòng dâng cho ta đi.

    Ông Trưởng giả cũng một mực từ chối. Bọn ngoại đạo dùng trăm mưu ngàn kế nhưng không sao gạt ông Trưởng giả để đoạt lấy cái bát ấy được. Ðến ngày thứ bảy, có hai vị đại A-la-hán là Ngài Mục Kiền Liên và Ngài Pindolabhàradvàja vào thành khất thực. Hai Ngài đang đứng sửa lại y phục cho nghiêm trang để vào thành khất thực gần bên tảng đá to ở gần cửa thành.

    Hai Ngài được nghe người trong thành bàn với nhau rằng: Các bạn có thấy không, sáu vị giáo chủ của sáu tôn giáo lớn trong Vương Xá thành thườn khoe rằng: Ta là A-la-hán, nhưng khi ông Trưởng giả treo cái bát bằng trầm đỏ và tuyên bố rằng: Vị nào là A-la-hán bay đi lấy. Ðến hôm nay là bảy ngày rồi chúng ta mới thấy rõ rằng, không có vị nào là A-la-hán trong cõi đời nầy cả.

    Ðại Ðức Mục Kiền Liên liền nói với Ðại Ðức Pindolabhàradvàja rằng: Pháp đệ ơi, ông có nghe những lời của nhân dân trong thành đang bàn đến không, dường như họ không coi Phật giáo vào đâu hết, không chút kính nể, vậy Pháp đệ là người có nhiều thần thông cũng nên bay đi lấy bát ấy đi.

    - Thưa Pháp huynh, Pháp huynh là người được đức Thế Tôn khen và liệt vào hàng thần thông đệ nhứt trong hàng đại đệ tử, vậy sư huynh nên đi thâu lấy bát ấy. Bằng như sư huynh không thích thì đệ xin vâng lời sư huynh dạy vậy.

    - Thôi, Pháp đệ hãy đi lấy đi.

    Khi Ðại Ðức Mục Kiền Liên cho phép thì Ðại Ðức Pindolabhàradvàja , liền nhập đại định là nhân dùng thần thông, xong Ngài bay lên trên tảng đá to đứng nơi ấy rồi Ngài và tảng đá bay lên cao ba dặm tảng đá ấy dính lủng lẳng dưới chơn Ngài xem như tảng đá tự không bay lên, giống như một khối bông gòn bay lơ lửng trên không. Ngài bay quanh thành Vương Xá ba vòng. Tất cả dân chúng thấy tảng đá bay lơ lửng trên không lấy làm kinh sợ vì sợ tảng đá rớt xuống thì còn gì tánh mạng. Có người chạy trốn kẻ thì lấy đồ che đầu. Ðại Ðức biết vậy nên Ngài hiện ra cho dân chúng thấy Ngài để bớt sự kinh động.

    Lúc ấy dân chúng trông thấy Ngài mới kêu la lên rằng: Xin Ngài Ðại Ðức hãy giữ lấy tảng đá cho chắc, đừng để rớt xuống thì chúng tôi chết hết.

    Ðại Ðức thấy dân chúng kinh sợ Ngài liền dùng hai ngón chân đẩy tảng đá bay về rớt xuống y như cũ, còn Ngài thì bay đi lấy bát. Ông Trưởng giả trông thấy Ngài Ðại Ðức làm được điều mình đã mong muốn nên lấy làm trong sạch với Ngài. Liền quì xuống đảnh lễ Ngài rất cung kính, rồi cầu xin Ngài Ðại Ðức đến nhà ông. Khi Ðại Ðức đã vào nhà ông, ông liền hối người nhà đem cao lương mỹ vị để đầy bát trầm ấy và dâng đến tay Ngài. Ngài thọ lãnh xong liền về chùa.



    Những người bận lo việc đồng áng và không trông thấy Ðại Ðức dùng thần thông, khi về nhà nghe thuật lại họ rất tiếc, liền rủ nhau vào chùa tìm Ðại Ðức kêu la ầm lên rằng: Xin Ðại Ðức từ bi dùng thần thông cho chúng tôi được trông thấy với nào.

    Ðại Ðức không thể ở yên được nên Ngài phải dùng thần thông như ban sáng cho người xem xong mới đư?c yên không thì bị huyên náo lên.



    Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nghe tiếng reo hò hoan hô của dân chúng, Ngài mới phán hỏi Ðại Ðức Ananda rằng: Chuyện chi mà dân chúng kêu la ầm ỹ như vậy?



    - Bạch hóa đức Thế Tôn! Ðại Ðức Pindolabhàradvàja dùng thần thông bay đi lấy bát cây trầm đỏ của vị Trưởng giả trong thành nên dân chúng hoan hô như thế?

    - Hãy gọi ông Pindolabhàradvàja vào đây cho Như Lai.

    Khi Ðại Ðức vào hầu. Ðức Thế Tôn hỏi Ngài liền bạch rõ mọi việc. Ðức Thế Tôn quở Ngài rằng: Tại sao ngươi làm chuyện không nên làm như vậy. Rồi đức Thế Tôn dạy đem cái bát ấy ra đâm cho nhuyễn để trị bịnh đau mắt. Ðức Thế Tôn liền cấm không cho chư đệ tử dùng thần thông như vậy nữa.



    Bọn ngoại đạo được nghe tin đức Thế Tôn cấm không cho đệ tử dùng thần thông như vậy nữa, nên mới cho người đi các nơi nói với dân chúng rằng: Sở dĩ mà chúng ta không dùng thần thông đi lấy bát, vì chúng ta muốn che đặc ân cao thượng của bực A-la-hán. Nay đệ tử của thầy Sa môn Cồ Ðàm dùng thần thông để khoe khoang công đức tối cao với dân chúng cũng vì cái bát cây không có giá trị là bao. Thầy Sa môn Cồ Ðàm thật là giảo quyệt nên đã dạy đập bỏ bát và ra điều học cấm đệ tử không cho dùng thần thông như vậy nữa. Nay chúng ta sẽ dùng thần thông thi đua với thầy Sa môn Cồ Ðàm.

    Ðức vua A Xà Thế nghe chuyện bọn ngoại đạo muốn thi đua thần thông với đức Thế Tôn, Ngài mới vào hầu đức Thế Tôn và bạch hỏi rằng: Trẫm trộm nghe đức Thế Tôn đã chế ra điều học cấm không cho chư đệ tử dụng thần thông phải chăng?

    - Tâu Ðại vương đúng vậy.

    - Hiện giờ bọn ngoại đạo nói rằng: Bọn chúng sẽ dùng thần thông tranh tài với đức Thế Tôn. Vậy đức Thế Tôn xử trí cách nào cho ổn?

    - Tâu Ðại vương, nếu bọn ngoại đạo muốn thi tài với Như Lai thì buộc lòng Như Lai cũng phải dùng chút phép mọn vậy.



    - Bạch đức Thế Tôn! Có phải Ngài đã ra điều học cấm rồi; làm sao Ngài dùng thần thông được?

    - Tâu Ðại vương, Như Lai ra luật cấm đệ tử, chớ Như Lai nào cấm Như Lai đâu.



    - Bạch đức Thế Tôn! Vậy đức Thế Tôn ra điều học cấm kẻ khác, còn chính Ngài không bị cấm có phải vậy không?

    - Tâu Ðại vương, vậy Như Lai xin hỏi Ðại vương trong thành Vương Xá nầy có vườn thượng uyển hay không?



    - Bạch đức Thế Tôn có.

    - Vậy dân chúng có thể vào vườn thượng uyển nghỉ mát và hái hoa ăn trái, Ðại Vương xử trí thế nào?
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 2:59 AM | Message # 35
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    - Bạch đức Thế Tôn! Trẫm sẽ trừng phạt kẻ ấy.

    - Tâu Ðại vương, chính Ðại vương dùng vật thực ở vườn thượng uyển thì vô tội vì lẽ Ngài là chúa tể của thiên hạ. Cũng như Như Lai cũng có oai đức trùm tam giới thì cũng không có lỗi gì đối với các điều học ấy. Vì vậy nên Như Lai vẫn có quyền dùng thần thông đối với bọn ngoại đạo đòi hỏi tranh tài với Như Lai.



    Khi bọn ngoại đạo nghe rằng: Ðức Thế Tôn ra điều học cấm các hàng đệ tử mà thôi. Nhưng chính Ngài không cấm Ngài. Và một lý do khác hơn là chính họ kêu gọi và thách đức Thế Tôn, nên khi họ nghe chính đức Thế Tôn sẽ dùng thần thông, thì càng lo sợ hơn nhiều. Vì vậy bọn ngoại đạo càng lo thế để đối phó lại, hoặc làm thế nào thắng cho được Phật. Khi ấy mới bàn với nhau rằng: Nghe nói rằng: Chính ông Sa môn Cồ Ðàm sẽ tranh tài với chúng ta, vì ông ấy đã cấm hết chư đệ tử. Vậy chúng ta phải làm sao?



    Sau đó đức vua A Xà Thế hỏi đức Thế Tôn rằng: Vậy đức Thế Tôn định ngày tháng nào Ngài mới dùng thần thông?

    - Kể từ ngày nay đi còn bốn tháng nữa đúng vào rằm tháng sáu ( Asàlaha ) gần thành Thất La Phiệt ( Sàvatthì ).



    Có câu hỏi: Tại sao đức Thế Tôn lại dùng thần thông nơi quá xa?

    Ðáp: Vì gần thành Sàvatthì (Thất La Phiệt) là nơi mà các vị Chánh đẳng Chánh giác khi xưa thắng ngoại đạo. Hơn nữa Ngài muốn dùng thần thông nơi xa và thời gian còn lâu để có cơ hội cho tín đồ và dân chúng hội họp lại dễ hơn.



    Bọn ngoại đạo nghe đức Thế Tôn chỉ địa điểm và thời gian rõ mới hội nhau lại bàn rằng: Chúng ta phải theo riết bên thầy Cồ Ðàm. Nếu hàng đại chúng có ai hỏi thì bảo họ rằng: Chúng ta dùng thần thông thi tài với thầy Cồ Ðàm, sợ thầy Cồ Ðàm trốn nên chúng ta phải đuổi theo sát bên.



    Khi đức Thế Tôn vào Vương Xá thành khất thực xong. Ngài liền đi về thành Thất La Phiệt. Bọn ngoại đạo y theo chương trình là theo sát bên Phật.

    Nơi thành Thất La Phiệt bọn ngoại đạo liền cổ động tín đồ ngoại đạo cúng dường vào cho nhiều để làm nơi dùng thần thông thắng Phật. Bọn ngoại đạo thâu được một số tiền khổng lồ, làm được một cái đài rất cao, mỗi cây cột trang điểm bằng một thứ đèn lạ trông thật đẹp mắt, rồi nói với dân chúng rằng: Chúng ta sẽ dùng thần thông nơi đây, trên đài nầy.

    Ðức vua Ba Tư Nặc được tin rằng: Ðức Thế Tôn đã về tới thành Thất La Phiệt ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, Ngài liền ngự đến hầu và bạch hỏi đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, bọn ngoại đạo đã tạo nên đài cao để làm nơi dùng thần thông thắng đức Thế Tôn. Trẫm xin lập ra một cái đài cao hơn để dâng cúng đức Thế Tôn, Ngài sẽ dùng thần thông trên đài ấy.

    Ðức Thế Tôn đáp: Xin Ðại vương đừng lo âu điều ấy, đã có người làm đài ấy cho Như Lai rồi.



    Bạch đức Thế Tôn, ngoài trẫm ra, vậy ai là người có thể làm được đài ấy để Ngài ngự?

    - Tâu Ðại vương, người ấy là đức Thiên Vương Ðế Thích.



    - Bạch đức Thế Tôn, Ngài sẽ dùng thần thông ở nơi nào?

    - Như Lai sẽ dùng thần thông dưới cội Xoài.



    Bọn ngoại đạo nghe được tin ấy lấy làm mừng bèn cho nhau hay và dạy các đệ tử phải đi mọi nơi để mua và đốn hết tất cả xoài trong vòng thành Thất La Phiệt, mặc dầu cây xoài ấy mới mọc.

    Vào ngày rằm tháng sáu Ngài ngự vào thành nhưng khi đi chưa đến thành thì có người làm vườn thượng uyển tên là Ganda trông thấy trái xoài chín vàng trên cây liền hái. Tâm người làm vườn nghĩ nên đem vào dâng cho đức vua. Khi vừa đến nửa đường lại gặp đức Phật, y mới nghĩ rằng: Nếu ta đem vào dâng cho đức vua, thì ta chỉ được thưởng tám hay mười sáu đồng, số tiền ấy nuôi gia đình ta được bao nhiêu ngày? Nếu ta cúng dường đến bực Chánh đẳng Chánh giác thì ta sẽ được lợi ích và bình an vô cùng tận. Sau khi nghĩ vậy liền đem đến dâng cho đức Thế Tôn.

    Ðức Thế Tôn day lại ngó Ðại Ðức Ananda , Ngài Ananda biết ý Phật muốn dạy gì, Ngài liền đem bát đến dâng Phật. Ðức Thế Tôn cầm bát thọ lãnh trái xoài, rồi Ngài tỏ vẻ muốn ngồi nơi ấy. Ðại Ðức Ananda liền trải tọa cụ, đức Thế Tôn liền ngự trên tọa cụ bên lề đường, Ðại Ðức Ananda liền múc nước ép làm nước xoài xong dâng đến tay Ngài, khi thọ thực xong đức Thế Tôn liền dạy người làm vườn rằng: Ngươi hãy đào đất lên và đem hột xoài nầy đi trồng. Người làm vườn vâng lời làm theo, đức Thế Tôn liền rửa tay Ngài nơi trồng cây xoài. Lập tức hột xoài nứt mộng và trong chốc lát lên cây to cao năm mươi hắc tay, cành lá sum suê chia ra bốn phía còn ngọn thì lên cao, trái không thiếu chi.

    Nơi cội xoài có nhiều tín đồ đến lượm xoài chín đợi chư Tỳ khưu khất thực đến dâng cúng. Ðức vua Ba Tư Nặc hay tin rằng: Có cây xoài mọc gần vườn thượng uyển. Ngài sợ bọn ngoại đạo đốn đi nên cho quan quân đến canh chừng không cho ai đến xâm phạm cây xoài. Ðức vua cũng biết rằng: Có cây xoài như thế ấy là do nơi người làm vườn của Ngài hái xoài trong vườn thượng uyển dâng cúng đến Phật, mà cũng do nơi người làm vườn trồng cây xoài ấy. Nên Ngài cho tên cây Xoài ấy là Gandamànava. (Có nghĩa là cây xoài của người thanh niên tên Ganda ). Những kẻ côn đồ trong Vương Xá thành cũng đến nơi ấy để lượm xoài ăn; nhờ vậy nên mới biết mùi vị của xoài thật là ngon, họ liền nổi giận chưởi mắng bọn ngoại đạo rằng: Bọn ngoại đạo thật là đê tiện, chỉ nghe rằng: Ông Sa môn Cồ Ðàm sẽ dùng thần thông trên cây xoài liền cho người đi đốn hết những cây xoài có trong thành Vương Xá, thật là uổng những cây có mùi thơm chất ngọt ngon như thế nầy. Nếu không có cây xoài Gandamànava nầy mọc lên thì còn gì giống trái ngọt ngon như thế nầy. Khi ăn xong liền lấy những hột xoài tìm những người ngoại đạo liệng vào mặt.



    Nói về đức Thiên Vương Ðế Thích truyền Thần gió tên là Vàtavalàhaka rằng: Ngươi hãy hóa gió lớn ở nơi nào có lầu đài của bọn ngoại đạo tạo ra để dùng thần thông đấu với Phật, ngươi hãy làm cho đền đài ấy sập hết. Nhưng không nên làm kinh động đến một lương dân nào.

    Rồi Ngài liền gọi Nhựt Thần đến bảo rằng: Ngươi hãy thiêu đốt bọn ngoại đạo thật nóng, làm cho bọn ấy như đang bị trong lò lửa, nhưng cấm ngươi không thể xúc phạm đến người nào không có ác tâm chống Phật. Ðừng để cho bọn ấy nói khoác rằng: Phật sợ chúng chạy trốn nên chúng theo để dùng thần thông thắng Phật.

    Ngài lại dạy thêm vị Thần gió rằng: Ngươi làm cho bụi bay mịt mờ và cứ bám vào mình của bọn ngoại đạo, nhưng những người không phải ngoại đạo đều được vô sự. Những người ngoại đạo bị nào là gió nào là bụi bay áp vào mình và nóng bức chịu không nổi.

    Khi ấy có một bác nông dân đệ tử của ông Purànakassapa nghĩ rằng: Ta nên đến nơi đức giáo chủ của ta đang dùng thần thông đấu cùng thầy Sa môn Cồ Ðàm. Bác nông dân ấy tay cầm một sợi dây cột bò và tay thì cầm một nồi cơm. Khi vừa gặp ông Purànakassapa đang bị gió cuốn bụi bám đầy vào mình phần thì bị nóng như thiêu đốt từ xa chạy đến, anh ta nói: Tôi đến đây để xem thần thông của thầy; vậy thầy chạy đâu đây.

    Ông Purànakassapa nói: Ngươi hãy trao khoanh dây và cái nồi đây cho ta đã.



    Bác nông phu lật đật đưa cho ông. Ông ti?p lấy dây và nồi cột hai vật ấy vào một đầu dây còn một đầu cột vào cổ rồi chạy thẳng ra bờ sông nhảy xuống sông tự tử.

    Lúc ấy có rất nhiều dân chúng ở xứ Ma Kiệt Ðà, người thành Thất La Phiệt đến coi đứng đông đặc cả ba do tuần (mỗi do tuần mười sáu cây số).



    Xế chiều lại, đức Thế Tôn ngự ra và nghĩ rằng: Giờ nầy vừa với thời giờ ta dùng thần thông rồi. Khi ấy có một bà tín nữ tên Gaharanìnandamàtà là người đã đắc A na hàm quả đến đảnh lễ Phật và bạch Phật rằng:



    - Bạch hóa đức Thế Tôn, khi đức Từ phụ có đứa con gái như con đây, thì Ngài cần gì phải nhọc sức dùng thần thông với bọn tà kiến ngoại đạo nầy, con xin đức Thế Tôn giao nhiệm vụ ấy cho con thi hành.

    Ðức Thế Tôn hỏi:

    - Ngươi sẽ làm cách nào?

    Bà liền bạch:



    - Bạch đức Thế Tôn, con sẽ biến vũ trụ nầy thành nước nhưng vạn vật vẫn bình an rồi con lặn trong nước ấy, sau con liền nổi lên trong bốn hướng, xong con hiện ra giữa địa cầu để người người đều trông thấy con, rồi họ sẽ hỏi rằng: Người là ai? Con đáp: Ta là nàng Nandamàtà đại tín nữ. Khi ấy người người sẽ bảo nhau rằng: Chỉ là một người tín nữ mà còn có thần thông như vậy; thì còn nói làm sao được một vị Chánh đẳng Chánh giác, có gì lường được thần thông của Ngài. Khi ấy bọn ngoại đạo không bao giờ dám thách thi tài cùng đức Thế Tôn nữa.

    Ðức Thế Tôn dạy:

    - Nầy tín nữ, Như Lai biết rằng: Cô có thể dùng thần thông như lời nói được, nhưng đây không phải là việc làm của hàng đệ tử.



    Khi đức Thế Tôn không nhận lời của bà tín nữ. Khi ấy có ông thiện nam tên Culapintaka (em của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc) người đắc A na hàm quả cũng ra xin thay Phật để dạy bọn ngoại đạo. Ðức Thế Tôn không nhận lời.

    Lại có bà Sa di ni bảy tuổi cũng xin ra dùng thần thông đấu với ngoại đạo nhưng đức Thế Tôn cũng không nhận lời. Ðến ông Sa di tên Cunda ra xin phép Phật để ông thay Ngài đấu phép cùng ngoại đạo nhưng đức Thế Tôn cũng chẳng nhận lời. Kế là bà Tỳ khưu ni tên là Upalavannà xin phép đức Thế Tôn để làm tròn nhiệm vụ của người đệ tử, đức Thế Tôn cũng không nhận lời. Lần lượt đến Ðại Ðức Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất cùng tám mươi vị đại đệ tử, đức Thế Tôn không nhận lời một vị nào. Ngài dạy rằng: Công việc hôm nay không phải chuyện của chư Thinh Văn đệ tử, mà là một việc riêng của chư Phật trong quá khứ cũng như vị lai đều có một lần phải dùng thần thông thắng người ngoại đạo, để cho thấy rõ oai đức và thần thông Yamaka (Thần thông nầy gọi là có đôi, vì phải dùng hai phép lạ trong một lúc, ý nói phải nhập định một lần hai đề mục, đây chỉ có đức Phật mới hành đến độ cao thượng như vậy).

    Sau đó đức Thế Tôn tự hành lấy. Ngài hóa ra một cái cầu ngọc bắc từ thế giới nầy đến trăm ngàn thế giới khác, lấy ngọn núi Tu Di sơn làm cột cầu, đó là con đường của Ngài đi kinh hành; Ngài dùng bầu trời đầy trăng, sao làm trần nhà; đức Thế Tôn liền ngự trên đường kinh hành bằng ngọc ấy và Ngài đi kinh hành rồi Ngài hiện ra một vị đi kinh hành một vị vấn đạo và một vị đáp. Một vị nằm nghỉ một vị tham thiền, Ngài lại dùng tay rờ mặt trời và mặt trăng, Ngài biến hóa ra nhiều cách khác nhau mà chư đại đệ tử không vị nào có thể hành theo được, và khi Ngài đứng thân hình Ngài chia ra làm hai bên khác nhau là một bên ra lửa còn một bên ra nước, xong thân trên ra nước thân dưới ra lửa; hay một bên có hào quang đỏ, một bên có hào quang xanh v.v... Những phương pháp nầy không có vị A-la-hán nào hiện được vì trong một Sát na phải dùng liền hai đề mục.

    Khi ấy hào quang Ngài chiếu sáng khắp Sa bà thế giới và thấu đến cõi trời Phạm Thiên, chư Thiên biết đức Thế Tôn đã dùng thần thông thắng ngoại đạo nên họp nhau lại cỏi này, kẻ ôm hoa người mang lọng, phướn v.v... để che cho Ngài. Trong một đời đức Thế Tôn chỉ một lần nầy thôi nên chư Thiên không bỏ qua họp lại đông vô số kể. Chư Thiên được hội cúng dường nên đua nhau cúng dường đủ mọi thứ.

    Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đứng day mặt về hướng Ðông để xem coi chúng sanh nghe pháp nào mới hợp và đắc đạo quả. Ðức Thế Tôn tùy thời thuyết pháp người và chư Thiên đắc quả nhiều không sao kể hết.

    Riêng về các vị giáo chủ ngoại đạo cũng đang bị gió, bụi và sức nóng của Nhựt Thần thiêu đốt rủ nhau chạy trốn. Thật là một cảnh thảm hại cho các vị ấy cũng vì lòng ganh tị, ngoan cố và ham lợi mà hại cuộc đời.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:00 AM | Message # 36
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    THIÊN THỨ MƯỜI MỘT

    THUYẾT PHÁP ÐỘ PHẬT MẪU Ở CÕI TRỜI ÐẠO LỢI

    -ooOoo-

    Sau khi dùng thần thông thắng ngoại đạo xong. Ðức Thế Tôn dùng trí tuệ quan sát coi: Thường khi chư Phật lúc quá khứ làm những gì, ngự đi đâu sau khi thắng ngoại đạo? Ðức Thế Tôn thấy chư Phật quá khứ sau khi thắng ngoại đạo xong, Ngài liền ngự lên cõi trời Ðạo Lợi nhập hạ và thuyết pháp độ Phật mẫu. Pháp mà chư Phật quá khứ thuyết ở cõi Ðạo Lợi như trào lưu chảy rất mạnh giữa chư Thiên.

    Ðức Phật mẫu có cúng dường phấn cây trầm hương và đã có phát nguyện dưới chân đức Chánh đẳng Chánh giác có hồng danh là Vipassi nguyện rằng: Xin cho được sanh một quí tử là vị đại Bồ Tát và vị ấy sẽ đắc quả Chánh đẳng Chánh giác như Ngài (đức Thế Tôn Vipassi). Hôm nay nguyện vọng của Phật mẫu đã đoạt thành. Ðức Thế Tôn nghĩ Mẫu hậu ta là người có công ơn với ta nhiều không chi đo lường được, khó có người phụ nữ nào can đảm hành được như mẫu hậu ta. Khi ấy đức Thế Tôn đứng trên cây xoài tên Gandhamànàva Ngài liền dùng chân mặt bước lên ngọn cây xoài. Khi ấy dường như hai quả núi to nhất là Yugandha và Isinadhara nói với đức Thế Tôn rằng:

    - Bạch đức Ðại giác, xin Ngài chẳng nên nhọc sức bước đi xa, hai chúng tôi cao hơn tất cả các quả núi có trong thế gian này, không bao giờ biết kinh sợ và rung động một oai lực nào của ai, hôm nay chúng tôi xin chịu phục tùng dưới chân Ngài, Ngài là người có nhiều công đức vô lượng vô biên, Ngài là đấng Giác ngộ. Chỉ có Ngài là đấng bố thí đầu, tim, thịt, máu, vợ, con không nguyện vọng gì hơn là độ Phật mẫu là đấng hữu ân với Ngài không biết lấy chi đo lường được. Chúng tôi cúi xin dâng cái đầu này để làm một nấc thang Ngài bước lên đến cõi trời Ðạo Lợi.

    Khi ấy hình như hai quả núi ấy hạ thấp xuống dưới chân đức Thế Tôn, Ngài liền bước chân trái lên hai quả núi ấy là bước thứ nhì. Khi đức Thế Tôn sắp bước bước thứ ba thì bỗng dưng quả núi Tu Di cúi xuống bên chân Ngài, khi Ngài để bước thứ ba lên chót núi Tu Di thì bỗng dưng ngọn núi ấy từ từ cao lên đến sáu mươi tám do tuần làm cho chúng sanh không còn thấy đức Thế Tôn được nữa. Khi đức Thế Tôn dùng thần thông và ngự đi thì tất cả những người có mặt tại nơi ấy đều thấy như đứng bên Ngài vậy.

    Liền trong khi ấy đức Thế Tôn hiện lên tại cõi trời Ðạo Lợi và ngự trên tảng đá Pandukambala là ngai vàng của đức Ðế Thích. Hào quang của Ngài chiếu trùng cả hào quang của chư Thiên trên cõi trời Ðạo Lợi, làm cho chư Thiên hết sức ngạc nhiên và vô cùng trong sạch với Ngài.

    Ðức Thiên Vương Ðế Thích lấy làm hân hoan là được đức Thế Tôn ngự trên ngai của mình. Sự thật chư Thiên không có dịp hay cơ hội nào để bố thí làm việc lành, nên khi được dịp bố thí thì rất vui lòng, nhứt là được đức Thế Tôn hỏi đến hay thọ những gì. Xét ra thì chúng ta làm người thật là có phước là vì chúng ta có dịp bố thí cúng dường, thọ giới v.v... còn chư Thiên thì không được như ta. Vì cõi trời không ai nghèo khó không có vị Ðại Ðức nào đến khất thực vì vật thực ấy người thường như chúng ta không dùng được, và của cải châu ngọc trên ấy không thể cho chúng ta được. Vì chúng ta là người không xứng đáng dùng đồ ấy.

    Lúc ấy đức Ðế Thích dùng thần thông gọi chư Thiên rằng:

    - Hỡi các thiện hữu đang vui chơi trong các đền đài, ít khi nào đức Thập Lực ngự đến cõi này. Sự thính pháp của vị Chánh đẳng Chánh giác thật là khó mà gặp được. Chúng ta phải hằng bao nhiêu tỷ năm mới có cơ hội như ngày hôm nay, thật là dịp may rất hiếm có. Các bạn chẳng nên dễ duôi hãy đến nghe pháp. Tạo căn duyên lành để giải thoát. Tiếng nói của đức Thế Thích vang rền cả cõi trời Ðạo Lợi. Chư Thiên nghe tiếng kêu gọi ấy mới hỏi nhau rằng:

    - Ðức Phật là vị chiến thắng Ngũ ma các phiền não đều bị Ngài tiêu diệt, dập tắt những nỗi uất ức trong lòng và đã đoạt được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài đã ngự đến cõi Ðạo Lợi mà ở nơi nào bạn có biết không?

    Có vị biết nên bảo nhau rằng:

    - Ngự dưới tàng cây ngọc trên tảng đá là ngai vàng của đức Thiên vương Ðế Thích, nơi mà Ðế Thích thường ngự đến để hội chư Thiên. Khi ấy mỗi vị chư Thiên đều mang tràng hoa tươi đẹp đến nơi ấy để cúng dường Phật Bảo.

    Khi chư Thiên hội họp lại đông không biết bao nhiêu, đức Thế Tôn xem không thấy Phật mẫu nên Ngài mới hỏi Thiên vương Ðế Thích rằng:

    - Phật mẫu ở nơi nào Như Lai không thấy?

    Ðức Ðế Thích nghe đức Thế Tôn phán hỏi như thế Ngài biết rằng đức Như Lai ngự đến đây cốt là để độ Phật mẫu, vậy ta nên đi thỉnh bà đến nghe pháp. Nghĩ xong Ngài liền đảnh lễ đức Thế Tôn, thân hành lên cõi trời Ðâu Suất, đến đền của bà Mayà làm lễ lịnh bà xong rồi thưa rằng: Kính thưa lịnh bà, tôi xin đem tin cho lịnh bà rõ, hiện giờ đấng cứu thế đang ngự trong cõi của tôi, và Ngài đang chờ lịnh bà để thuyết pháp độ chúng tôi.

    Khi lịnh bà Mayà nghe vậy lấy làm hoan hỉ phán hỏi rằng:

    - Nầy Thiên vương, vậy con ta tên gì? Có thân hình đẹp như thế nào? Và đang ở trong hạng nào?

    - Kính thưa lịnh bà, Thái tử là người rất hoàn toàn cao thượng tướng hảo quang minh hơn tất cả chúng sanh trong tam giới cả Sa môn và Bà la môn, Ngài có đặc ân cao thượng hơn tất cả chúng sanh trong tam giới. Ngài là Thiên Nhơn Sư, Ngài có hồng danh là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

    Lịnh bà nghĩ: Vậy con ta tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tướng hảo quang minh cao hơn tất cả nhân loại và các bực Sa môn, Bà la môn; và hôm nay có ý định thuyết pháp độ ta. Lịnh bà lấy làm thỏa mãn là có một người con cao thượng nhứt trong tam giới. Lịnh bà liền dẫn cả phi tần trong điện của bà ngự đến cõi trời Ðạo Lợi. Khi đến nơi đảnh lễ đức Phật xong rồi ngồi về hướng Ðông, bà thấy đức Phật có ba mươi hai tướng tốt tám mươi tướng phụ hào quang chiếu sáng hơn tất cả chư Thiên các cõi đến nghe pháp, bà phát tâm trong sạch và nghĩ: Ta là người đại phước, ta có hạnh phúc nhứt trong tam giới mới được đứa con cao thượng đem lợi ích cao thượng đến cho chúng sanh trong tam giới.

    Ðức Thế Tôn muốn tế độ Phật mẫu nên nghĩ rằng:

    - Công ơn Phật mẫu đối với ta cao lớn sâu rộng không chi đo lường được. Vậy ta phải dùng pháp nào tương đối cao thượng như công đức của bà. Tạng Kinh và tạng Luật mỗi tạng có hai muôn một ngàn pháp môn vẫn còn ít đối với công đức của Ngài. Chỉ có Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) có bốn muôn hai ngàn pháp môn mới xứng đáng với công đức của Ngài đối với Như Lai. Trong Abhidhamma (Vi Diệu pháp) có bảy bộ rất là cao sâu mầu nhiệm thật mới xứng đáng với giá sửa mà Ngài đã nuôi ta hằng bao nhiêu kiếp khi ta còn đang luân hồi. Phàm những công đức nào cao quí phải đền lại bằng pháp cao quí.

    Nghĩ xong đức Thế Tôn mới đưa tay mặt ra về hướng Phật mẫu đang ngồi rồi nói:

    - Thưa mẫu hậu, xin lịnh mẫu hậu hãy đến gần đây để Như Lai được trả món nợ vĩ đại là sự cực nhọc chăm nom săn sóc cho Như Lai bú mớm từ giọt sữa miếng cơm trong khi còn luân hồi trong tam giới.

    Ðức Thế Tôn bắt đầu thuyết bộ Vi Diệu Pháp ấy chia ra làm bảy phần khác nhau, thuyết trót ba tháng hạ tại cõi trời Ðạo Lợi. Ðức Thế Tôn độ Phật mẫu đắc được Tu-đà-huờn quả và chư Thiên thành đạo nhiều vô số kể.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:00 AM | Message # 37
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    THIÊN THỨ MƯỜI HAI

    ÐỨC THẾ TÔN NGỰ TRỞ VỀ CÕI THẾ GIAN

    -ooOoo-

    Khi đức Thế Tôn ngự trên cõi trời Ðạo Lợi thuyết pháp độ Phật mẫu tất cả tín đồ có mặt tại chỗ bỗng dưng thấy đức Thế Tôn ngự lên trên không rồi mất luôn đợi rất lâu không thấy Ngài trở lại, nên tín đồ mới hội nhau lại mà bàn rằng: Ðức Thế Tôn ngự trên đầu ngọn núi Citrakuta rồi đi mất luôn chúng ta không thấy Ngài trở lại.

    Có người nói rằng: Lẽ cố nhiên của một bực Chánh đẳng Chánh giác là đấng có trí tuệ tuyệt đối, lại là bực có nhiều tri túc tâm thanh tịnh hằng ở nơi thanh vắng. Hôm nay vì lòng từ bi muốn dùng thần thông để tín đồ trông thấy oai đức của Ngài vì vậy nên Ngài cả thẹn với lòng, nên Ngài ngự đi ở một nơi nào xa xôi, nên không thấy Ngài trở lại.

    Tất cả những người có mặt tại nơi ấy đều than khóc: Ðức Từ phụ của chúng ta là đấng Ðại Từ bi không trở lại với chúng ta nữa sao? Chúng ta không còn trông thấy Ngài nữa rồi. Có người có ý kiến là phải vào bạch hỏi Ngài Ðại Ðức Mục Kiền Liên rằng: Bạch Ðại Ðức, đức Từ phụ của chúng tôi đang ngự ở nơi nào?

    Ðại Ðức biết rằng: Ðức Thế Tôn đang ngự tại cõi trời Ðạo Lợi nhưng Ngài muốn cho tín đồ biết rằng: Không phải chỉ có một mình Ngài là người có thần thông mà cũng có rất nhiều chư Ðại Ðức khác biết như Ngài vậy, nên Ngài dạy: Nếu quí vị muốn biết rõ đức Thế Tôn ngự nơi nào thì hãy đến hỏi Ðại Ðức Anurudha (Tàu âm là A Nậu Ða La).

    Tín đồ đến nơi Ðại Ðức Anuruddha hỏi: Ngài Ðại Ðức mới dạy rằng: Ðức Thế Tôn ngự lên cõi trời Ðạo Lợi và ngự trên tảng đá Pandukambala của đức Ðế Thích đang thuyết pháp để độ Phật mẫu.

    - Bạch Ðại Ðức, bao giờ đức Thế Tôn mới ngự về cõi thế gian này?

    - Ðức Thế Tôn thuyết về Vi Diệu Pháp đúng ba tháng trong hạ này. Sau khi dứt thời pháp thì Ngài lại trở về.

    Chư tín đồ liền trở lại tư thất của Ðại Ðức Mục Kiền Liên và bạch với Ngài rằng: Nếu bao giờ chúng tôi không trông thấy đức Thế Tôn thì chúng tôi không bao giờ rời khỏi nơi này.

    Tất cả những người ấy đồng ở ngoài lộ thiên. Một chuyện phi thường là khi trời mưa nắng gì chẳng hạn chỗ của những người ở đợi đức Thế Tôn trở về đều mát và không có một hột mưa, không khác nào ở trong nhà.

    Sự thật trước khi ngự lên cõi trời đức Thế Tôn có dạy Ðại Ðức Mục Kiền Liên rằng: Ngươi hãy thay ta thuyết pháp cho chúng sanh nghe, và ngươi bảo Trưởng giả Cula Anàthapindika hãy bố thí vật thực ngọt ngon thuốc men và cất nhà cho những tín đồ hội họp nơi đây vì đợi ta trở lại.

    Vì vậy nên ông Trưởng giả Cula Anàthapinditka mới lo cho những người ấy rất chu đáo về vật thực thuốc men v.v... Còn chỗ ở không thế nào làm cho kịp vì hàng cả muôn người.

    Ðức Mục Kiền Liên lo thay đức Thế Tôn thuyết pháp độ đời, người mà ở đón đức Phật từ cõi trời trở về ở đầy ba mươi sáu do tuần vuông vức.

    Khi còn bảy ngày nữa ra hạ chư thiện tín lại vào hỏi Ðại Ðức Mục Kiền Liên rằng: Xin Ðại Ðức cho chúng tôi biết chắc rằng ngày nào đức Thế Tôn ngự về thế gian này, và nếu chúng tôi không trông thấy đức Phật thì chúng tôi không bao giờ chịu rời khỏi nơi đây.

    Khi ấy Ðại Ðức mới phát nguyện rằng: Xin cho tất các tín đồ có mặt nơi đây trông thấy ta đi đến cõi trời. Phát nguyện xong Ngài liền từ từ đi đến chân núi Tu Di, rồi từ từ đi đến cõi trời Ðạo Lợi. Tất cả thiện tín trông thấy Ngài đi như ở trước mặt mình.

    Khi đến nơi Ðại Ðức đảnh lễ đức Thế Tôn xong bạch hỏi Phật rằng: Tất cả thiện nam tín nữ nói rằng: Nếu bao giờ không được diện kiến đức Như Lai thì họ thà là chết chớ không bao giờ chịu rời khỏi nơi ấy. Bạch hóa đức Thế Tôn vậy bao giờ đức Thế Tôn mới trở lại cõi thế gian?

    Tất cả chúng sanh trong khi ấy thấy tướng hảo quang minh và oai đức của đức Chánh đẳng Chánh giác như vậy đều phát tâm nguyện thành bực Ðại Giác như đức Thế Tôn. Ðại Ðức Mục Kiền Liên đến đảnh lễ đức Thế Tôn và bạch câu kệ rằng: NAMMEDITTHO ITO PUBBE ...

    Tất cả các bực Giác ngộ đều tầm kiếm đại định và thỏa thích trong sự xuất gia để diệt trừ tham ái phiền não. Tất cả chư Thiên và nhân loại đều có một nguyện vọng là đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

    Khi ấy đức Thế Tôn dùng Tuệ giác xem coi chúng sanh có duyên nghe pháp nào mau đắc Thánh quả. Ngài hiểu duyên lành của chúng sanh nên Ngài thuyết đúng theo sở thích, chúng sanh thành đạo nhiều vô số kể.

    - Nầy Mục Kiền Liên, hiện giờ Sư huynh ngươi là Xá Lợi Phất đang nhập hạ ở đâu?

    - Bạch đức Thế Tôn, sư huynh của đệ tử đang nhập hạ ở gần cửa thành xứ SANKASSA .

    - Nầy Mục Kiền Liên, kể từ hôm nay đi còn bảy ngày đúng nhằm ngày lễ ra hạ Như Lai sẽ từ cõi trời về thế gian tại gần cửa thành xứ Sankassa. Nếu hàng đại chúng muốn diện kiến Như Lai, nên đến nơi ấy. Từ thành Thất La Phiệt đến thành Sankassa đường xa ba mươi do tuần, người muốn đi đến nơi ấy cũng chẳng xa, nên chuẩn bị đem vật thực theo. Người nên nói cho dân chúng biết theo lời của ta.

    Ðại đức Mục Kiền Liên liền trở về cho dân chúng hay. Ðến rằm tháng chín sau khi làm lễ ra hạ xong. Ngài mới bảo Thiên vương Ðế Thích rằng:

    - Này Thiên vương Ðế Thích, hôm nay Như Lai ngự về cõi nhân loại. Ðức Ðế Thích liền hiện ra ba cái thang phân biệt nhau. Cái giữa làm bằng ngọc pha ly trong suốt, bên tay mặt bằng bạc, bên tay trái bằng vàng. Chân thang tại gần cửa thành xứ Sankassa , còn đầu thang thì ở tại chót núi Sineru (Tu Di).

    Ðức Thế Tôn ngự đi giữa thang bằng ngọc. Thiên vương Ðế Thích ôm bát đi bên trái, Phạm Thiên che lọng đi bên phải. Còn Càn thát bà ôm đàn đi trước miệng hát tay đàn ca tụng công đức Ph?t bảo. Khi ấy có Chư Thiên và Phạm Thiên trong tam giới đều hội nhau lại để đảnh lễ đức Thế Tôn và hát lên rằng:

    - Hởi này các bạn, tánh cách được sanh lên một vị Chánh đẳng Chánh giác là một chuyện rất hiếm có, và rất phi thường khó cho chúng ta được gặp. Hôm nay chúng ta được gặp thật là duyên lành của chúng ta mà cũng là nhân đem hữu ích lại cho chúng ta.

    Khi ấy chúng sanh trong tam giới tuy là xa nhau nhưng lúc ấy trông thấy nhau như rất gần bên. Ðức Thế Tôn ngự trên tảng đá gần cửa thành Sankassa. Sau này tảng đá ấy được tên là ACALACETIYA (nghĩa là Tháp ACALA ).
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:01 AM | Message # 38
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ MƯỜI BA (a)

    NHỮNG CHUYỆN LẠ XẢY RA TRONG BỐN MƯƠI LĂM NĂM
    TRUYỀN ÐẠO CỦA ÐỨC PHẬT TỔ CỒ ÐÀM

    -ooOoo-

    Trong bốn mươi lăm năm truyền đạo đức Thế Tôn ngự cả thảy mười chín nơi. Và cũng có lắm chuyện xảy ra, nhưng trong lịch sử không ghi chép ngày tháng năm thật rõ. Nhứt là có những chuyện lạ khó đem lại trình bày đầy đủ trong phạm vi của một quyển sách nhỏ này. Nơi đây tôi (soạn giả) cố gắng sưu tầm những gì tôi có thể sưu tầm được.

    Mười chín nơi của đức Thế Tôn ngự trong bốn mươi lăm hạ.

    1) Hạ thứ nhứt, đức Thế Tôn ngự tại vườn Lộc Giã gần thành BÀRÀNASÌ độ năm vị Ðại Ðức Kiều Trần Như.

    2) Hạ thứ nhì, thứ ba và thứ tư, ngự tại VELUNANA (Tàu dịch là Trúc Lâm tịnh xá) độ đức Bình Sa Vương và chúng sanh.



    3) Hạ thứ năm, ngự tại KUTÀGÀRASÀLÀ ở rừng MAHÀVANA gần thành Vesàlì.

    4) Hạ thứ sáu, ngự tại núi MAKUTA gần thành MAGADHA (Tàu âm là Ma Kiệt Ðà).

    5) Hạ thứ bảy, Ngài ngự tại cõi trời Ðạo Lợi thuyết bộ Vi Diệu Pháp bốn muôn hai ngàn pháp môn độ Phật mẫu.

    6) Hạ thứ tám, Ngài ngự tại BHESAKALAVANA tại xứ SUMÀRADÌRA .

    7) Hạ thứ chín, Ngài ngự tại chùa GHOSITÀRÀMA gần thành KOSAMBI ở nơi bờ sông YAMUNA .

    8) Hạ thứ mười, Ngài ngự tại rừng Parileyyaka gần thành Kosambi độ bạch tượng và khỉ. Sở dĩ mà Ngài ngự tại rừng này vì Ngài khuyên chư Tăng đừng gây nhau, nhưng chư Tăng không nghe lời Ngài.

    9) Hạ thứ mười một, Ngài ngự tại làng Bà la môn tên Nàraya gần xứ Narà .

    10) Hạ thứ mười hai, Ngài ngự tại cội cây Sầu Ðông gần xứ Veranjarà vì ông Bà la môn tên VERANJARÀ thỉnh cầu.

    11) Hạ thứ mười ba, Ngài ngự tại núi Càliya .

    12) Hạ thứ mười bốn, Ngài ngự tại JETAVANAVIHÀRA (Kỳ Viên tịnh xá của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc gần thành SAVATTHÌ (Thất La Phiệt).



    13) Hạ thứ mười lăm, Ngài ngự tại chùa NIGRODHA thành Ca Tỳ La Vệ của quyến thuộc Ngài dâng cúng.

    14) Hạ thứ mười sáu, Ngài ngự tại chùa AGALAVA xứ Alavì, độ Dạ xoa ALAVAKA .

    15) Hạ thứ mười bảy, ngự tại Trúc Lâm tịnh xá thành Vương Xá ( Ràjagaha ).

    16) Hạ thứ mười tám và mười chín, Ngài ngự tại núi Càla .

    17) Hạ thứ hai mươi, Ngài ngự tại Trúc Lâm tịnh xá ở thành Vương Xá.

    18) Từ hạ thứ hai mươi mốt tới bốn mươi bốn, Ngài ngự tại Kỳ Viên tịnh xá thành Sàvathi (Thất La Phiệt). Trong thời gian này đức Thế Tôn đi thuyết pháp độ đời mọi nơi nhưng khi nhập hạ Ngài về ngự tại Kỳ Viên tịnh xá.

    19) Hạ thứ bốn mươi lăm, Ngài ngự tại làng Veluvagàmakhetta xứ Vesàlì và nhập diệt tại thành Vesàlì .



    Trước hết nơi đây tôi xin giải tám điều gọi là BUDDHAJA YAMAN GALAGATHA nghĩa là: Kệ kể lại sự cảm hóa tám nhân vật bằng tám oai đức của đức Thế Tôn. Bài kinh này Ðại Ðức Hộ Tông có dịch và ấn tống trong Kinh Tụng. Nhưng Ngài chỉ dịch theo lời kinh thôi, riêng tôi viết nguyên một tích. Mỗi câu kệ là mỗi chuyện tích để quí vị dễ thông hiểu. Theo lời dạy thì người nên cố tụng niệm tám câu kệ ấy sẽ được an lành trong gia đình.



    THẮNG MA VƯƠNG

    Nguyên văn bằng Phạn ngữ

    BÀHUM SAHASSAMABHINIMMITASÀVU- DHANTAM.
    GRÌMEKHALAM UDITAGHORASASENÀMÀRAM.
    DÀNÀDIGHAMMAVIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO.
    TANTEJASA BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI

    Nghĩa: Ðức Phật cao thượng hơn các bực trí tuệ, Ngài đã cảm thắng Ma vương, Ma vương biến ngàn cánh tay cầm khí giới, cỡi Grimekhala (Cri-mê-khá-lá) đủ cả binh ma, tiếng hét la vang rền. Nhờ phép Thập độ nhứt là phép bố thí mà đức Phật cảm thắng được Ma vương. Do nhờ Phật lực này, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.



    Lẽ ra tôi không viết đoạn này vào đây vì đã có viết trong lịch sử đức Thái tử Sĩ Ðạt Ta, hơn nữa đoạn này còn trong khi là vị Bồ Tát dưới cội Bồ đề. Nhưng vì viết theo bài kinh gọi là Tám điều của đức Thế Tôn thắng tám nhơn vật phi thường nên tôi viết theo đây để không thiếu tám điều trong tám câu kệ.

    SƠ LƯỢC CỐT TRUYỆN



    Sau khi đức Bồ Tát thọ lãnh lấy cơm đề hồ của cô Sujàtà. Ngài liền đi thẳng đến con sông Neranjarà (Ni Liên Hà) tắm, khi tắm rồi vắt cơm là bốn mươi chín vắt, thọ thực xong, Ngài liền bưng mâm vàng lên phát nguyện rằng: Nếu ta đắc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì xin cho mâm nầy trôi ngược dòng sông, bằng không thì xin cho mâm nầy chìm ngay nơi nầy. Ngài liền để mâm xuống, lạ thay mâm liền trôi ngược dòng.

    Khi Ngài thấy mâm trôi ngược dòng sông thì Ngài biết chắc rằng: Ngài sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài liền trở vào rừng, khi ấy có thầy Bà la môn tên Sotthiya dâng đến Ngài tám bó tranh, Ngài cầm lấy tám bó tranh ấy, đi thẳng đến cây Bồ Ðề; trải tranh dưới cội Bồ đề, ngồi day mặt về hướng Ðông, và phát nguyện rằng: Nếu thật là ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hôm nay xin cho nơi nầy hóa thành một bảo tọa cho ta ngự.

    Liền khi ấy, một bảo tọa màu xanh cao mười bốn hắc tay, từ dưới đất nổi lên. Ngài liền ngự lên bảo tọa và phát nguyện rằng: Bao giờ lòng ta chưa hết thụy miên phiền não, dẩu cho thịt ta có khô, da ta có héo ta cũng không rời khỏi bảo tọa này. Khi ấy có tất cả chư Thiên, Phạm Thiên trong Sa bà thế giới đều hội nơi ấy.

    Ðồng thời Ma vương đi theo bên Ngài kể từ khi Ngài bỏ Hoàng cung ra đi, thâm tâm Ma vương dò xét coi đức đại Bồ Tát có khi nào mong muốn việc trần là xâm nhập đưa trở lại nẻo luân hồi, nhưng không hề thấy một lỗi lầm nào. Ðến khi thấy đức đại Bồ Tát ngự trên bảo tọa dưới cội Bồ đề, tức giận mới nghĩ rằng: Thật Thái tử Sĩ Ðạt Ta cố giải thoát ra ngoài vòng thống trị của ta, đối với chúng sanh ta sẽ mất cả uy quyền, vì Thái tử Sĩ Ðạt Ta đắc thành quả. Vậy ta phải làm trở ngại đường giải thoát của Thái tử Sĩ Ðạt Ta.

    Khi ấy có ba người con gái của Ma vương đến nói: Phụ vương đừng bận tâm, khi mà phụ vương có những đứa con như chúng con thì khỏi nhọc lòng lo về chuyện Thái tử Sĩ Ðạt Ta. Chúng con có phương pháp đưa chàng ta vào lưới. Ma vương lấy làm hài lòng nên để cho ba nàng đến trêu ghẹo đức đại Bồ Tát.

    Ba cô mới bàn với nhau rằng: Phàm người đàn ông có sở thích khác nhau, có người thích cô gái thơ ngây, người thì ưa người vừa lớn tuổi, có kẻ yêu gái lỡ thời. Vậy chị em mình chia ra mỗi người hóa thành một nhóm để cám dỗ Thái tử Sĩ Ðạt Ta.

    Cô Tanhà (Ái Dục) lãnh sứ mạng đến trước; khi đến nơi đức đại Bồ Tát ngự, múa hát và nói: Tôi tên là Tanhà (Ái dục) vì tôi có thể trói chúng sanh được, và làm cho chúng sanh quên mình chạy theo ý định của tôi.

    Ðức Bồ Tát liền dạy rằng:

    MULHO ÀTTHAM NA JANATI
    MULHODHAMMAM NA JANATI
    ANDHATAMAM TADA HOTI
    YAM MOHO SAHATE NARAM
    TASMA ARAHATAM NIHARISSAMÌTI

    Nghĩa: Nầy cô Tanhà (Ái dục), ngươi là kẻ si mê không có trí tuệ, không hiểu pháp nào là pháp hữu ích, pháp nào là pháp đê tiện; si mê hằng dày vò chúng sanh quên mình vì Ái dục (nên luân hồi). Như ta đây đã xuất gia tu hành hầu tiêu diệt các ác pháp là Ái dục không hề để Ái dục sống được trong tâm ta. Nầy nàng Tanhà (Ái dục) vậy ngươi nên mau mau tìm đường trốn khỏi nơi nầy.



    Khi đức đại Bồ Tát nói vậy cô Ái dục không thể nào ở lại được vì nóng nảy bởi oai đức của bực sắp giác ngộ. Cô lật đật lui ra.

    Cô Ràga (Tham ái) liền tiến vào gần đức đại Bồ Tát múa hát trêu ghẹo Ngài.

    Ðức đại Bồ Tát hỏi:

    - Cô tên chi?

    - Tôi tên là Ràga (Tham ái) vì tôi là người có uy quyền cực cao, tôi có thể trói chúng sanh trong tam giới và bắt buộc chúng sanh phải tuân theo mạng lịnh của tôi bằng Tham ái.

    Ðức đại Bồ Tát liền nói:

    RATTO ATTHAM NA JÀNÀTI
    RATO DHAMMAM NA PASSATI
    ANDHATAMAM TAMÀ HOTI
    YAM RÀGAM MAHATE NARAM
    AHAM RÀGAVIRÀGÀYA
    VÀYAVISSÀMIHÀGOTOTI .

    Nghĩa: Nầy cô Ràga (Tham ái) người nào có tâm ưa mến Tham ái; ưa thích ngũ trần, người ấy không biết làm lợi ích cũng không có trí tuệ để suy nghĩ thấy và thấu hiểu pháp. Những nguyên nhân ấy cũng do nơi lòng Tham ái mà ra. Lẽ cố nhiên Tham ái hằng làm hại chúng sanh, nhưng ta là người ly gia cắt ái làm vị Sa môn, cố gắng tinh tấn hầu diệt trừ tất cả các ác pháp ngủ ngầm trong tâm. Nầy cô Tham ái kia, cô không nên duy trì ở nơi này, nên mau mau tránh khỏi nơi đây.

    Cô Tham ái không thể ở được vì bị đức đại Bồ Tát đuổi, cô lật đật ra đi.

    Người con thứ ba của Ma vương là cô Arati (Tật đố) liền đến nơi Ngài múa hát với những lời hoa tình trêu ghẹo cố cám dỗ vị đại Bồ Tát.

    Ðức đại Bồ Tát hỏi:

    - Cô là ai? Ðến đây để làm gì?

    - Tôi tên là Arati (Tật đố), tôi là người có uy quyền to lớn giam cầm chúng sanh trong vòng luân hồi bằng sự tức giận ganh ghét nên tôi có tên là Tật đố.

    Ðức đại Bồ Tát liền nói câu kệ đuổi cô đi rằng:

    DUTTHO ATTHAM NA JANÀTI
    DUTTHO DHAMMAM NA PASSATI
    ANDHATAMAM TADÀ HOTI
    YAM DOSO PAHATE NARAM
    TVASI NIHATO NAYÀTI

     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:03 AM | Message # 39
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Nghĩa: Nầy cô Tật đố, người nào còn ở dưới quyền sân hận, khi sân hận phát sanh trong tâm người ấy làm cho người ấy nóng nảy, bực bội phóng túng, và tối tăm. Người ấy không bao giờ nhận định thấy pháp đem lợi ích đến, mà cũng không nhận thấy tai hại và tội phước nữa, đây là do nơi lòng sân hận che án mất làm cho người không trông thấy ba tướng (Vô thường, khổ não, vô ngã). Thật ra sân hận là một tội lỗi vĩ đại hằng làm hại chúng sanh. Ta đã cố công bồi phước lành là thiện pháp để diệt trừ ác pháp là sân hận cho hết sạch trong tâm ta.



    Nầy cô Tật đố, vậy cô hãy mau mau xa lánh nơi nầy lập tức.



    Khi ba cô ra khỏi nơi đức đại Bồ Tát ngự thì ba cô trở nên những bà già xấu xí, các cô không còn hãnh diện như xưa nên trở về nơi Ma vương và khóc lóc than van.

    Theo chú giải có dạy rằng: Ðây không phải là có thật ba nàng nữ Ma vương nầy, nhưng đó là ba điều phiền não hằng nằm trong thâm tâm của chúng sanh, hiện ra để làm trở ngại sự giải thoát thôi.

    Ma vương thấy con trở về với bộ mặt già nua đáng thương hại kia, sự tức giận càng tăng thêm lên vô số. Liền hội cả binh ma tướng quỉ đến. Những binh tướng nầy dị hình dị tướng ai trông thấy cũng kinh hồn tán đởm. Khi đến đủ Ma vương liền dẫn nhau đến cội Bồ đề để vấn tội đức đại Bồ Tát và dành lấy bảo tọa.



    Khi đức đại Bồ Tát thấy Ma vương xua binh tướng mặt mày thật là hung ác đến trùng trùng điệp điệp, Ngài mới nghĩ rằng:

    Khi ta từ thành Ca Tỳ La Vệ ra đi, thì có rất nhiều chư Thiên là bạn đưa ta đi và cùng ở với ta trong khi ta khổ hạnh đến lúc ta ngự lên bảo tọa nầy. Nhưng giờ đây các chư Thiên ấy đều kinh sợ oai lực của Ma vương bỏ ta ra đi nơi khác; giờ đây không ai giúp đỡ ta. Ta chỉ còn trông nhờ nơi oai đức của Ba la mật mà thôi, Ngài nghĩ vậy liền gọi ba mươi phép Ba la mật bằng câu kệ rằng:

    AYANTU BHONTO
    IDHA DANASÌLA
    NEKKHAMMA PANNA
    SAHA VIRIYA KHANTI
    SACCADITTHANASAMETTUPEKKHA
    YUDDHAYA VO GANHATHA AVUDHANITI.



    Nghĩa: Hởi nầy các Ba la mật ơi, ta đã cố công đào tạo các người là Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Nguyện vọng, Từ và Xả. Tổng cộng là ba mươi pháp chia ra làm Ba la mật đến bờ bên có mười, Ba la mật đến bờ trên có mười và Ba la mật đến bờ cao thượng có mười. Vậy tất cả Ba la mật xin hãy đến đây cầm lấy khí cụ giúp ta đừng để Ma vương vi phạm đến ta.

    Liền trong khi ấy dường như có bảy đạo binh rất dũng mãnh có nhiều thần thông hiện ra đứng giữ quanh bồ đoàn và hình như nói với Ngài rằng: Thưa đấng Ðại Giác xin Ngài an lòng, có chúng tôi là người mà Ngài đã nuôi dưỡng từ vô số kiếp. Ngài hãy xem chúng tôi chống với quân ma.

    Những vị tướng lãnh điều khiển những đạo binh ấy rất oai; thân hình cao lớn ấy là Tín Lực; cầm lấy gươm báu hào quang chiếu ngời là Tuệ Lực; Tấn Lực và Niệm Lực là khiên đỡ tên đạn và Ðịnh Lực là tâm không kinh sợ quân ma.

    Ðức đại Bồ Tát ngự trên bảo tọa trông thấy binh tướng của mình oai hùng mạnh mẽ thì Ngài không chút chi lo ngại oai lực của quân tướng Ma vương. Ngài ngồi Từ Bi, tham thiền như không có chuyện chi cả. Ngài coi bọn Ma vương không vào đâu.

    Sự tự tại của đức đại Bồ Tát làm cho Ma vương càng căm tức xua binh đến gần quyết giết cho được Ngài, nhưng binh ma không dám léo đến gần vì bị binh tướng của Ngài chận lại.

    Ma vương tận dụng tất cả tài năng và phép tắc của mình đã có, nhưng không có món phép nào làm hại đức đại Bồ Tát được, trái lại những món ấy hóa thành hoa đẹp mùi thơm bay ra rất xa để cúng dường cho vị sắp Giác Ngộ thôi. Ma vương thấy không làm chi đức đại Bồ Tát được nên đến gần đức Bồ Tát mắng nhiếc Ngài đủ điều nhưng Ngài không lấy đó mà tức giận, trái lại Ngài thương hại Ma vương như người cha thương con và nói:



    - Nầy Ma vương ngươi đem hết lực lượng và thần thông của ngươi đến để đánh đuổi ta; nhưng ta không hề kinh sợ, ta có đủ Ba la mật đã đào tạo ra đã đến bốn A-tăng-kỳ và trăm ngàn đại kiếp. Những Ba la mật ấy là chiến tướng của ta, vì vậy nên ta không hề kinh sợ ngươi.



    Ma vương nghe đức đại Bồ Tát nói vậy càng tức giận hơn liền lấy pháp bảo quí nhứt của mình là một cái vòng có răng rất bén và rất là lợi hại liệng ra để giết Ngài. Nhưng khi bửu vật đến gần đức đại Bồ Tát thì trở thành tràng hoa để cúng dường đức đại Bồ Tát. Ma vương tức giận, đến gần hét to lên rằng:

    - Nầy Sĩ Ðạt Ta! Tại sao ngươi vẫn ngồi lỳ nơi đây, sao không đi nơi khác? Bảo tọa nầy không phải của ngươi, là của ta, ngươi không có binh tướng và uy quyền tối cao như ta. Bảo tọa nầy sanh lên nơi đây là của ta không phải do nơi oai đức của ngươi.



    - Nầy Ma vương, lời của ngươi nói ấy có thật hay chăng? Nếu thật vậy thì ai là người chứng của ngươi?

    - Lời ấy thật như vậy, ta có quan quân binh tướng của ta làm chứng cho ta?



    Khi đức đại Bồ Tát nghe Ma vương phân chứng như vậy, Ngài mới hỏi:



    - Nầy ma vương, ta xin hỏi ngươi vậy bảo tọa đã có từ trước hay thế nào?



    - Bảo tọa ấy không phải đã có từ trước.

    - Nếu không phải có từ trước thì ngươi bảo là của người thế nào được? Sở dĩ mà có bảo tọa nầy là do nơi Ba la mật của ta đã đào tạo vun trồng. Vì vậy không bao giờ ta rời khỏi nơi nầy.

    Ma vương nghe nói vậy, tức giận liền hỏi Ngài rằng:

    - Nầy Sĩ Ðạt Ta! Ngươi đừng khoe khoang, ta vẫn còn rất nhiều phép mầu nhiệm để đánh bại ngươi, tại sao ngươi không kinh sợ? Mà còn khoác lác như vậy.

    - Nầy Ma vương, ngươi mới thật là người hung ác không có chút trí tuệ, không hiểu rõ nổi công đức của ta. Ta có ba mươi pháp Ba la mật mà ta đã đào tạo từ lâu. Ta có tướng tài quân giỏi là Tín Lực, có Trí Tuệ là khí cụ tối tân. Vì vậy nên ta không kinh sợ chi ngươi.

    Ma vương liền truyền cho quân binh tràn vào đánh bắt đức đại Bồ Tát, nhưng vì oai lực của Ba la mật nên quân ma không dám đến gần.

    Chư Thiên ở mọi nơi thấy vậy đồng hoan hô đức đại Bồ Tát rằng: Lành thay! Thiện thay!



    Ma vương hỏi đức đại Bồ Tát rằng:

    - Nầy Sĩ Ðạt Ta! Ngươi bảo rằng: Bảo tọa nầy của ngươi; vậy ai làm chứng cho ngươi là của ngươi?



    Khi ấy đức đại Bồ Tát nghĩ: Ta không tìm thấy bên ta đây có ai làm chứng cho ta, ta chỉ thấy có quả địa cầu nầy mới có thể làm chứng cho ta được. Ngài liền phát nguyện rằng:



    - Nầy quả địa cầu, chính ta đã tạo ba mươi pháp Ba la mật từ vô số kiếp đến kiếp chót sanh làm Vesantara bố thí cả châu ngọc vợ con đó là đại thí mà hẳn không có một vị Sa môn hay Bà la môn nào thực hành nổi. Hỡi nầy địa cầu, tại sao ngươi yên lặng không làm chứng cho ta?



    Quả địa cầu là vật vô tri giác, nhưng cũng dường như cảm thông lòng thành thật và biết rõ sự đào tạo Ba la mật của công đức vị đại Bồ tát. Mặt đất liền rung chuyển rồi nứt ra hiện ra một người phụ nữ rất đẹp đứng ngay trước mặt đức đại Bồ Tát và nói rằng:

    - Thưa Ngài, chỉ có tôi là người chứng chắc công đức của Ngài, tất cả việc làm của Ngài đều ghi vào đầu tôi đây, vì tôi thường được hưởng lấy sự hồi hướng phước báu của Ngài cho, tôi sẽ vuốt tóc của tôi và nước sẽ chảy ra để chứng chắc rằng: Ngài có đào tạo ra rất nhiều công đức từ vô số kiếp.

    Nói xong bà liền vuốt tóc thì bỗng dưng nước trong tóc chảy ra xối xả trôi cả binh ma tướng quỉ của Ma vương. Tượng Grimekhala Ma vương cỡi là tượng có thần thông nhưng vẫn kinh sợ trước sức mạnh của nước ấy.

    Ma vương thấy vậy càng kinh sợ nên chấp tay lễ bái và nói câu kệ rằng:

    NAMO TE PURISUTTAMA
    SADEVAKASMIN LOKASMIN
    NATTHI TE PATIPUGGALO
    TVAM BUDDHO TVAM SATTHÀ
    TVAM MÀRÀBHIPHÙ MUNI
    TVAM ANUSAYA CHEKO
    TINNO TÀRESI MAM MAJJANTI

    Nghĩa: Bạch Ngài, Ngài là đấng có nhiều uy quyền có nhiều đặc ân cao thượng rõ ràng ví như ngựa AJANEYYA. Ngài có tâm trong sạch bởi bốn đức là Từ, Bi, Hỉ, Xả. Tôi xin đảnh lễ Ngài, xin cho Ngài trở nên vị Thiên Nhơn Sư, Ngài là đấng diệt trừ được tất cả các pháp trong tâm. Khi nào Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác xin Ngài mở lòng từ bi tế độ tôi là chúng sanh còn mê muội.

    Nói xong liền lễ bái rồi ra đi.

    Vì uất hận nên Ma vương ngồi bên vệ đường lấy tay gạch xuống đất mười sáu lần và tính rằng: Vì ta không Bố thí Ba la mật bằng Thái tử Sĩ Ðạt Ta nên ta không thành Phật như Thái tử. Ta không Trì giới Ba la mật. Ta không có Tinh tấn Ba la mật. Ta không có Nhẫn nại Ba la mật. Ta không có Chân thật Ba la mật. Ta không có phát nguyện Ba la mật. Ta không có Từ Ba la mật. Ta không có Xả Ba la mật nên ta không thành Phật được như Sĩ Ðạt Ta. Mỗi lần tính, Ma vương gạch luôn mười lằn. Rồi mới tính thêm nữa rằng ta còn chưa hành thêm sáu điều gọi là ASÀDHÀRANÀĨÀNA (Nghĩa là tuệ đặc biệt riêng của vị Chánh đẳng Chánh giác).



    Sáu điều ấy là:

    1) INDRIYÀPAROPARIYATTÌNÀNA. Nghĩa là trí tuệ thấy rõ Ngũ căn.

    2) ÀSÀYANUSAYANÀNA. Nghĩa là trí tuệ thấy rõ Thụy miên phiền não, tánh tình của mỗi chúng sanh, và sự giải thoát, nghĩa là biết chúng sanh nào còn ham mê ngũ trần, người nào còn say đắm trong ngũ trần.

    3) YAMAKAPATIHARIYANÀNA. Trí tuệ thông hiểu cách dùng thần thông gọi là YAMAKA. (Thần thông nầy đức Thế Tôn dùng khi thắng ngoại đạo).

    4) MAHAKARUNANÀNA. Trí tuệ của bực hành theo Ðại Bi.

    5) SABBANNÙTANÀNA. Trí tuệ của bực Toàn giác hiểu rõ tất cả các pháp hành.

    6) ANAVARANÀNA. Trí tuệ của các bậc hiểu thông mọi việc không có vật chi ngăn cản.

    Vì ta thiếu mười sáu điều nầy nên ta không sánh bằng Thái tử Sĩ Ðạt Ta.



    Tóm lại đức đại Bồ Tát thắng Ma vương do nơi oai lực của sự bố thí. Vậy chúng ta muốn thắng hóa mọi nơi nên noi theo gương bố thí của Ngài.



    CẢM HÓA DẠ XOA ALAVAKA

    MARÀ TIREKAMABHIYUJJITA SABBARATTIM
    GHORAMPANÀLAVAKAMAKKHAMATHADDHA- YAKKHAM
    KHANTISUDANTAVIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO
    TANTEJASÀ BHAVATUTE JAYAMANGALANI.

    Nghĩa: Ðức Phật đã cảm thắng Dạ xoa Alavaka(A La Quá Cá) rất can ngạnh không lòng nhẫn nhục, khoe tài trọn đêm cùng Phật. Dạ xoa rất hung ác, cảm dõng hơn Ma vương, đã bị đức Chánh Biến Tri dùng phép nhẫn nhục thâu phục rồi. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.

    Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Agàlava xứ Alavì , theo thường lệ của vị Chánh đẳng Chánh giác đến gần sáng, thường dùng trí tuệ xem coi chúng sanh nào có duyên với Ngài trong ngày ấy sẽ đắc được Thánh quả. Ngày ấy đức Thế Tôn thấy Thái tử con vua Alavì sẽ đắc A na hàm quả, nên Ngài lập tức đi độ, mặc dầu Ngài biết rằng: Ngài phải bị Dạ xoa Alavaka hung ác dùng thần thông chiến đấu với Ngài và vấn đạo Ngài, nhưng Ngài vẫn không hề chồn chân thôi bước.

    CHUYỆN TÍCH

    Ðức vua trị vì tại xứ Alavì tên là Alavì. Ngài có tính thích đi săn bắn. Ngày nọ, đức vua truyền chuẩn bị đi săn. Quan quân phải đặt bẫy và vây một khu rừng để đuổi thú ra cho Ngài bắn.

    Ðồng thời, ngai vàng của đức Ðế Thích bỗng dưng cứng rắn lại không còn cảm giác mềm dịu như trước. Thiên vương Ðế Thích lấy làm lạ nên Ngài liền dùng Thiên nhãn xem coi. Vì sao? Khi Ngài biết rõ nguyên nhân, Ngài liền hiện ra một con nai lông vàng thật là to và rất đẹp ở trong vòng lưới và chạy ngang qua mặt của đức vua.



    Khi đức vua trông thấy nai vàng, Ngài lấy làm ưa thích nai ấy, liền truyền rằng: Nai nầy mà thoát ra khỏi nơi đây trước mặt vị nào thì vị ấy phải bị xử trảm. Các người nên thận trọng bắt cho được nai ấy cho trẫm.

    Tất cả quan quân theo cuộc săn ấy lấy làm lo sợ cho mình nên sự canh chừng thật cẩn mật, càng lúc càng siết chặt vòng vây. Nai vàng không còn thấy chỗ nào khả dĩ thoát khỏi ngoài ra chỗ của đức vua, nên nai vàng liền chạy đến trước mặt đức vua và cũng nhờ nơi ấy mà thoát ra được.

    Vì đã hạ lịnh rồi mà chính mình để nai vàng chạy thoát đức vua lấy làm cả thẹn nên giục ngựa đuổi theo rất gấp. Nai vàng chạy thật mau nhưng ngựa chạy cũng chẳng kém, còn quan quân ngựa không hay không làm sao theo kịp. Ðức vua cố gắng hết sức mình đuổi theo, nhưng dường như bị nai trêu tức khi vừa muốn nghỉ là nai vàng lại ngừng lại như đợi đức vua theo. Ðến nơi rừng rậm thì nai vàng biến mất. Khi ấy trời cũng vừa xế chiều, người mệt ngựa mỏi, Ngài cố hết sức tìm đường ra về.

    Khi ấy Ngài thấy có một cội cây dừng thật to và rất đẹp lạ thường; Ngài liền ngồi nghỉ nơi ấy. Ngài đâu biết rằng: Trên cây ấy có một con Dạ xoa hung ác khác thường, khi Dạ xoa thấy đức vua ngự vào dưới cội cây của mình, liền hiện ra hình dung thật là hung ác phi thường, hét to lên rằng: Ngươi từ đâu đến? Tại sao lại vào ngồi dưới cội cây của ta? Hôm nay ngươi là vật thực của ta.

    Ðức vua nghe Dạ xoa nói vậy lấy làm kinh sợ. Nhưng dầu sao sự ngã mạn của một nhà vua không tỏ vẻ kinh sợ, Ngài liền phán hỏi Dạ xoa rằng

    - Nầy Dạ xoa, trẫm, có làm gì sai luật nên ngươi lại đòi ăn thịt trẫm?

    - Tâu Ðại vương, tôi đã ở trên cây nầy mười hai năm nay rồi, nhân vì trước kia tôi có hầu vị Thiên vương, nên Ngài ban cho tôi cây nầy và có dạy rằng: Ngươi có quyền ăn bất cứ nhân vật nào vào dưới cội cây của ngươi. Vì vậy tôi có quyền ăn thịt Ngài khi Ngài ở dưới cội cây của tôi.



    - Nầy Dạ xoa, thật ra trẫm không được biết rằng: Cội cây nầy dưới quyền của ngươi.

    - Ðại vương, tôi không cần biết rằng: Ai biết cội cây của tôi hay không? Tôi chỉ cần biết là ai vào cội cây nầy là vật thực của tôi thôi.

    Ðức vua nghe như vậy càng lấy làm kinh sợ, mới nghĩ rằng: Hôm nay là ngày tới số của ta rồi. Ngài liền nói với Dạ xoa rằng:

    - Nầy Dạ xoa, ngươi là bực có nhiều thần thông, nếu ngươi có lòng từ bi để cho ta về đến hoàng thành, ta sẽ cho người đưa tù nhân đến cho ngươi ăn. Nếu hôm nay ngươi ăn ta thì ngươi chỉ ăn được một bữa nay thôi, ngươi không ăn được hằng ngày.



    Dạ xoa nghe đức vua hứa như vậy rất hài lòng, bằng lòng cho đức vua ra về.



    Sau khi được Dạ xoa cho ra về tìm đường về thành. Khi về đến thành thuật chuyện ấy lại cho quần thần nghe cũng nói rõ là sẽ hứa đem tù nhân cho Dạ xoa ăn mỗi ngày.

    Các quan không biết làm sao, nên đành phải đưa mỗi ngày một tù nhân đến cho Dạ xoa. Lâu ngày tù nhân hết, và người nghe đức vua đem tù nhân cho Dạ xoa ăn, nên người trong xứ không hề dám phạm dầu là một tội rất nhỏ. Sau hết tội nhân, không biết làm sao nên hội quần thần lại tính bắt những người già cho Dạ xoa ăn nhưng quần thần không bằng lòng, vì người còn có con cháu sợ e nó loạn, nên kết cuộc lại bắt trẻ con vì nó chưa làm lợi ích gì và người đời còn đẻ được nhiều con nữa.

    Người trong xứ nghe đức vua truyền bắt trẻ con cho Dạ xoa ăn, nên những người có con đều đem giấu hay dọn nhà đi xứ khác. Ðến ngày kia quan hầu vào tâu vua rằng: Không còn tìm ra trẻ con nữa. Ðức vua lấy làm lo sợ, nghĩ không ra, Ngài nhớ đến Thái tử tên Àlavì truyền quan hầu bắt Thái tử đem cho Dạ xoa ăn.

    Các quan lấy làm bất bình nhưng không dám tâu rổi một lời nào, buộc lòng phải vào hoàng cung nói với Hoàng hậu rằng: Tâu Hoàng hậu, Ðại vương đã chiếu chỉ cho chúng thần đến đem Thái tử đi cho Dạ xoa ăn; xin lịnh bà tha tội ấy.

    Hoàng hậu lấy làm kinh khủng, nhưng cũng chẳng biết làm sao giữ con lại chỉ biết than khóc thôi.

    Sáng ngày hôm sau các quan đem Thái tử đến nạp cho Dạ xoa ăn. Ðức Thế Tôn đã ngự đến nơi cội cây Dạ xoa chiều hôm trước. Khi đến nơi, đức Thế Tôn ngự vào ngay cửa toà lâu đài của Dạ xoa Alavaka. Ngày ấy nhằm ngày đại hội của Dạ xoa, nên Alavaka Dạ xoa phải đi hầu Thiên vương.



    Khi ấy Dạ xoa người giữ lâu đài của Dạ xoa Alavaka tên là Gandhabba thấy đức Thế Tôn ngự đến, ra tiếp rước đảnh lễ và hỏi rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài ngự đến nơi rừng nầy có chuyện chi quan trọng chăng?

    - Nầy Gandhabba , thật ra có chuyện cần và quan trọng nên Như Lai mới ngự đến đây.

    - Vậy xin thỉnh đức Thế Tôn ngự vào nghỉ trong tòa lầu của Dạ xoa Alavaka .

    Ðức Thế Tôn lặng thinh ngự vào trong tòa lầu và ngự trên ngai của Dạ xoa Alavaka ngồi hằng ngày.

    Dạ xoa Gandhabba biết ý Dạ xoa Alavaka là người có tánh nóng nãy và hung ác phi thường, mặc dầu là cha mẹ cũng chẳng kính nể nên bạch với đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn cho phép tôi đến cho Dạ xoa Alavaka hay biết rằng: Ðức Thế Tôn ngự nơi đây. Ðức Thế Tôn nhận lời.



    Dạ xoa Gandhabba liền đến nơi hội nói với Dạ xoa Alavaka rằng: Hiện giờ có đức Chánh đẳng Chánh giác đang ngự ở tại lâu đài của ông.

    Tất cả Dạ xoa nào chánh kiến có mặt nơi ấy đồng nói với Alavaka rằng: Thật ngươi là người đại phước nên đấng Ðại Từ Bi ngự đến lâu đài của ngươi.

    Dạ xoa Alavaka nghe vậy lòng hiếu thắng càng mạnh và vì vậy sự tức giận càng nhiều, nên nói:

    - Thôi các ngươi hãy im đi, để thầy Sa môn ấy sẽ thấy oai ta, ta sẽ vò xé y ra từng mảnh, tại sao y dám vào lâu đài của ta khi ta vắng mặt.



    Khi ấy có nhiều Dạ xoa đi hội phải bay ngang qua lâu đài của Dạ xoa Alavaka , nhưng khi bay đến nơi ấy không thể nào bay ngang qua được. Vì oai đức của vị Chánh Ðẳng Chánh giác khi ngự nơi nào trên chỗ Ngài ngự không có một vị nào có oai lực bay qua được. Các Dạ xoa lấy làm lạ mới vào coi tòa lâu đài nầy có những gì mà phi thường như vậy. Khi thấy đức Thế Tôn ngự trong ấy, các Dạ xoa đảnh lễ Phật rồi lật đật đến nơi hội. Khi gặp Alavaka mới nói rằng:

    - Nầy hiền hữu, ngươi thật là người đại phước nên chi đấng Thiên Nhơn Sư ngự đến ở tại lâu đài của ngươi.

    Dạ xoa Alavaka nghe vậy không khác nào đổ thêm dầu vào lửa, y gầm thét vang trời và bảo rằng:

    - Xin hãy êm lập tức, các ngươi sẽ thấy ta và thầy Sa môn Cồ Ðàm ai hơn.

    Ðức Thế Tôn ngự tại lầu đài của Alavaka hiện ra hào quang sáng chói. Các cung phi mỹ nữ của Dạ xoa Alavaka đều đến hầu Ngài nghe pháp. Tất cả Thọ thần cùng chư Thiên biết có đức Thế Tôn ngự đến nơi ấy liền rủ nhau đến hầu Phật và nghe pháp, làm cho tòa lâu đài của Alavaka càng náo nhiệt tưng bừng. Có vị chư Thiên hay Dạ xoa nào không biết có chuyện chi nên hỏi:

    - Nhân vật nào ở trong lâu đài ấy, mà hào quang sáng không chi sánh bằng vậy?

    Có vị biết chuyện ấy nên đáp: Vị ngự trong lâu đài ấy là đấng cao siêu hơn hết trong tam giới, là đấng Ðại Giác hôm nay chúng ta có duyên lành lắm mới gặp được Ngài. Ngày thường thì các vị ấy không khi nào đến tòa lâu đài của Alavaka vì ghét người hung bạo cũng có và vì sợ cũng có. Hôm ấy họ bất cần cứ vào đại vì ỷ lại có đấng tối cao của chúng sanh ngự trong ấy.



    Khi đức Thế Tôn thấy có nhiều chư Thiên, Càn thát bà và Thọ thần đến hầu Ngài, nên Ngài dạy rằng: Vì trước kia nhờ có Bố thí, Trì giới, Tham thiền, Cúng dường đến Tam bảo, nên hôm nay các người mới được hưởng quả lành như thế nầy. Vậy từ đây trở đi các ngươi không bỏn xẻn; năng làm việc bố thí thì phước thiện đó là vật thực của các ngươi có thể đem về ngày vị lai được.

    Sau khi dứt thời pháp, có hai Dạ xoa là Sàtàgiri và Dạ xoa Hemavata mỗi người có năm trăm tùng nhơn theo hầu dẫn nhau đến Kỳ Viên tịnh xá hầu Phật, nhưng không gặp Phật trở về khi bay ngang qua lầu đài của Alavaka bị rớt xuống lấy làm lạ mới vào hầu Phật rồi đi đến nơi hội. Khi gặp Dạ xoa Alavaka liền bảo rằng:

    - Nầy hiền hữu, ngươi là người được thoát khổ, nên trong lầu đài của ngươi có một viên ngọc Ma ni bửu châu quí vô lượng vô biên, ngọc ấy sẽ làm cho người mong mỏi vật gì cũng được kết quả mỹ mãn. Vậy bạn nên gấp về lập tức để mau được gặp Ngài.



    Alavaka nghe vậy lập tức đứng dậy ra về, khi về đến lầu đài thấy vợ và phi tần của mình cùng chư Thiên và Thọ thần cùng Càn thát bà đang ngồi hầu Phật, đức Phật lại ngự ngay trên chỗ mình hằng ngồi thì càng lấy làm tức giận, liền làm cho mưa đá, mưa cát, mưa lửa, mưa dầu sôi v.v... để giết Phật. Mặc dầu những thứ mưa ấy thật là hung dữ nhưng khi đến gần Phật, mưa đá, mưa gươm đao v.v... đều trở thành hoa thơm cúng dường, còn mưa cát, mưa dầu sôi lửa đỏ đều trở thành những phấn thơm và nước hoa cúng dường dưới chân đức Thế Tôn, những trận gió lớn ấy không làm rung động chéo y của Ngài.

    Dạ xoa Alavaka thấy hiện tượng lạ lùng như vậy càng giận dữ truyền binh tướng của mình hãy vào bắt cho được đức Thế Tôn. Nhưng những binh tướng ấy không ai dám đến gần, vì sợ oai lực đức Từ Bi của Ngài.

    Dạ xoa Alavaka mới nghĩ: Ta làm sao thắng thầy Sa môn nầy? Vì các pháp mầu của ta từ xưa nay oai danh lừng lẫy hôm nay không còn linh nghiệm nữa. Ta chỉ còn có cái khăn bịt đầu nầy thôi. Ta chỉ hy vọng cái khăn nầy có oai lực vô lượng vô biên sẽ thắng thầy Cồ Ðàm. Nghĩ xong mở khăn bịt đầu xuống và liệng ngay vào mình đức Thế Tôn. Sự thật cái khăn ấy thuộc về hạng thần thông mầu nhiệm bằng cái bánh xe của đức Ðế Thích và Ma vương. Ít có vật nào cao quí bằng. Nhưng khi khăn ấy vừa đến gần đức Thế Tôn trở thành vật cúng dường. Khăn ấy có mãnh lực sánh còn hơn Ma vương là khác.

    Tất cả chư Thiên, Thọ Thần, Càn thát bà có mặt nơi ấy đồng thanh hoan hô đức Thế Tôn rằng: Thiện thay, lành thay!

    Dạ xoa Alavaka càng tức giận vì thấy cái khăn của mình liệt vào hàng bảo vật hạng nhất mà trở thành vô dụng, càng lấy làm kinh ngạc hơn khăn ấy lại trở thành tràng hoa cúng dường cho Phật, liền nghĩ rằng: Thôi, ta không thể chiến đấu và thắng thầy Sa môn Cồ Ðàm bằng pháp mầu được, ta sẽ tìm thế thắng y bằng cách khác rồi giết y sau. Nghĩ xong Dạ xoa hỏi đức Thế Tôn rằng:

    - Nầy thầy Sa môn, tại sao thầy lại vào ngồi trong lầu đài của ta khi chưa được phép ta?

    Ðức Thế Tôn nghĩ Dạ xoa Alavaka hung ác và rất dũng cảm hơn cả Ma vương, nếu ta dùng thần thông để cảm hóa thì trở thành trận giặc. Sự thật người hung ác thì lại thích sự hiền từ nhã nhặn, ta phải thắng ý bằng pháp Nhẫn nại, nghĩ xong đức Thế Tôn liền đứng dậy ra đi, không nói một lời nào.



    Dạ xoa thấy đức Phật đứng dậy ra đi không cãi một lời nào nên nghĩ: Thầy Sa môn nầy thật là hiền từ dễ dạy, biểu ra đi một tiếng thì ra đi, không tỏ vẻ bất bình giận hờn gì cả, chắc đây là hạnh của các bực Sa môn. Thôi ta hãy thử một lần nữa. Alavaka liền gọi: Nầy Ông Sa môn thôi ông hãy trở vào.

    Ðức Thế Tôn lại trở vào cũng chẳng nói một lời nào.

    Dạ xoa Alavaka thấy vậy thì càng tin chắc rằng: Thầy sa môn nầy dễ dạy thật. Nên mới thử nữa, nên lại bảo: Ðức Thế Tôn hãy trở ra một lần nữa.



    Khi ấy đức Thế Tôn mới dạy rằng:

    - Nầy Dạ xoa Alavaka ngươi muốn hành hạ Như Lai như thế nào thì cứ tùy tiện, ngươi không nên bảo Như Lai đi ra đi vào như thế nầy, giờ đây Như Lai không đi ra nữa.

    Dạ xoa Alavaka nghe vậy nổi giận nên dùng lời bất nhã nói với đức Thế Tôn. Nhưng đức Thế Tôn cũng vẫn thản nhiên, Dạ xoa không biết làm sao nên nói:



    - Nầy thầy Sa môn, giờ đây ta hỏi ngươi vài vấn đề, ngươi hãy đáp cho ta, nếu ngươi đáp không được ta sẽ bóp đầu ngươi nát như bột.

    Ðức Thế Tôn đáp: Nầy Dạ xoa Alavaka , mặc tình ngươi làm gì Như Lai, Như Lai cũng không bao giờ biết kinh sợ, đừng nói chi là người dầu cho Thiên vương Ðế Thích, Ma vương, Phạm Thiên và ai là người có nhiều thần thông đến nơi nầy chiến đấu với Như Lai thì cũng chẳng làm cho Như Lai rúng động. Hơn nữa hôm nay dầu ngươi có hỏi bao nhiêu vấn đề thì cứ tùy tiện hỏi, Như Lai sẽ giảng giải rõ ràng cho ngươi. Như Lai đã biết rõ những câu hỏi của ngươi không phải do nơi trí tuệ của ngươi phát ra. Như Lai sẽ bảo rõ cho ngươi biết rằng: Ngày nọ, cha ngươi vào hầu thăm ông nội ngươi. Ông nội ngươi mới dạy cha ngươi những câu hỏi ấy, ông nội ngươi học câu hỏi ấy nơi đức Chánh đẳng Chánh giác có hồng danh là CA DIẾP. Sau nầy cha ngươi truyền lại cho ngươi. Vậy ngươi hãy hỏi đi, Như Lai giải cho ngươi hiểu. (Câu hỏi nầy đã thất lạc câu trả lời nên làm cho Dạ xoa Alavaka nghi ngờ từ xưa đến nay).

    Dạ xoa Alavaka hỏi:

    KIMSU VITTAM PURISASSA SETTHAM .
    KIMSU SUCINNO SUKHAMÀVAHÀTI .
    KIMSU HAVE SÀDHUTARAM RASÀNAM .
    KATHAM JIVÌ JIVITAMÀHUSETTHAM .

    Nghĩa: Nầy ông Sa môn, bảo vật nào trong vũ trụ nầy cao quí nhứt mà người nam lẫn nữ đều yêu chuộng? Chúng ta dành để vật gì mới được an vui? Vị nào cao quí hơn tất cả các vị? Ðời sống thế nào mà ông gọi là đời sống cao thượng trong đời nầy?

    Ðức Thế Tôn đáp:
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:04 AM | Message # 40
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    SADDHÌDHA VITTAM PURISASSA SETTHAM .
    DHAMMO SUCCINO SUKHAMÀ VAHÀTI.
    SACCAM HAVE SÀDHUTARAM RASÀNAM.
    PANNÀJÌVÌ JIVITAMÀHU SETTHAM.

    Nghĩa: Nầy Dạ xoa Alavaka, đức tin là bảo vật cao quí nhứt trong vũ trụ nầy mà người nam lẫn nữ đều yêu chuộng. Người đành để thiện pháp thì hằng được sự an vui. Lời nói chân thật là lời nói có vị cao quí hơn tất cả các vị. Ðời sống bằng trí tuệ là đời sống cao quí nhất trong đời này.



    Khi nghe lời giảng của đức Thế Tôn làm cho tâm Dạ xoa Alavaka trở nên trong sạch. Y nhìn thấy đời mình không có thiện pháp, không có chân thật mà cũng không có sống bằng trí tuệ, cả đời chỉ biết làm tội lỗi.



    Dạ xoa Alavaka mới ca tụng công đức của Phật rằng: AHO ACCHA RIYAM AHO ABHUTAM BHANTE. Bạch đức Ðại Giác, chỉ có Ngài là vị đáp được câu hỏi nầy thật là chuyện phi thường. Vậy tôi xin hỏi Ngài thêm:

    KATHAMSU TARATI OGHAM
    KATHAMSU TARATI ANNAVAM
    KATHAMSU DUKKAM ACCETI
    KATHAM PARISUJJHATI.

    Nghĩa: Bạch Ngài, người trong tam giới nầy qua được bốn hầm bằng vật gì? Và sẽ qua được đại dương là bể luân hồi bằng vật gì? Lại nữa người giải thoát được khổ bằng phương pháp gì? Và làm cho tâm được trong sạch bằng phương pháp nào?

    Ðức Thế Tôn liền đáp:

    SADDHAYA TARATI OGHAM
    APPAMADENA ANNAVAM
    VIRIYENA DUKKHA ACCETI
    PANNÀYA PARISUJJHATÌ

    Nghĩa: Này Dạ xoa Alavaka, Người trong tam thế này qua được bốn hầm bằng ÐỨC TIN. Và sẽ qua được đại dương là bể luân hồi được bằng sự không dễ duôi, Lại nữa người giải thoát khỏi sự thống khổ bằng phương pháp TINH TẤN. Làm cho tâm được sạch bằng phương pháp dùng TRÍ TUỆ quan sát cho thấy rõ ba tướng (là Vô thường, Khổ não và Vô ngã).



    Khi đức Thế Tôn đáp xong câu kệ thì Dạ xoa Alavaka cũng vừa đắc quả Tu-đà-hườn trở nên bực Thánh nhơn trong Phật giáo. Liền cúi đảnh lễ dưới chân đức Phật và xin đức Phật tha tội lỗi đã phạm thượng và xin Ngài nhìn nhận là người thiện nam hay một tín đồ của Phật giáo. Xin thọ Tam qui và Ngũ giới.

    Trong khi Dạ xoa lễ Phật xin thọ Tam qui và ngũ giới, thì các quan đưa Thái tử tới noi, nghe chư Thiên hoan hô đức Thế Tôn nên lấy làm lạ. Khi đến gần thấy đức Thế Tôn ngự trong lầu đài của Dạ xoa, nên mới bàn với nhau rằng: Ðã có đức Thế Tôn ngự nơi đây rồi, thì chắc chắn Ngài đã cảm hóa Dạ xoa, ta hãy nhân cơ hội nầy đem Thái tử dâng đến tay Dạ xoa. Nói xong liền đưa Thái tử đến cho Dạ xoa.

    Dạ xoa Alavaka lấy làm hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi của mình đã làm, liền ẵm Thái tử Alavì đến cúng dường Phật bảo và bạch rằng:



    - Bạch đức Thế Tôn, đệ tử xin dâng Thái tử Alavì đến tay Ngài, xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi nhận lãnh.

    Ðức Thế Tôn đưa tay mặt ra nhận lãnh vật cúng dường kỳ lạ ấy. Ngài liền cầu chúc cho Thái tử: Dighà Yuko Hoti Ayam Kumàro v.v... Nghĩa: Xin cho Thái tử nầy được trường thọ, nầy Alavaka ngươi cũng được an vui khỏi khổ và xin cho vị Thái tử nầy thọ Tam qui.



    Khi dạy xong đức Thế Tôn liền trao Thái tử cho các vị quan đại thần; Các vị bồng lấy Thái tử trở về thành. Người trong thành thấy các vị đại thần đưa Thái tử về, mới hỏi vì mọi người đều sợ Dạ xoa không chịu ăn trẻ con. Các vị đại thần cho biết rằng: Dạ xoa đã phục thiện là nhờ đức Thế Tôn đến hóa độ.

    Khi đến hoàng cung, các vị ấy để Thái tử lên tay đức vua, và tâu bày tự sự. Ðức vua lấy làm cảm động và rất vui mừng. Hoàng hậu hay được tin ấy sự vui mừng không biết tả sao cho đuợc, lịnh bà lật đật đến nơi đức vua đang ngự ẵm Thái tử vào lòng nựng nịu và bà ca tụng công đức Phật bảo không tiếc lời.



    Sau khi độ được Dạ xoa Alavaka xong. Ðức Thế Tôn liền đắp y mang bát vào thành có Dạ xoa theo hầu sau Ngài. Khi đến cửa thành, Dạ xoa cảm thấy rất hổ thẹn tội lỗi của mình đã gieo tang tóc cho dân chúng, nên không muốn vào thành. Ðức Thế Tôn dùng lời an ủi Dạ xoa làm cho hết sự ăn năn hối tiếc việc làm ấy.

    Ðức Thế Tôn mới đến ngự dưới cội cây gần cửa thành, Ngài liền dùng thần thông làm cho hào quang sáu màu sáng rực cả một vùng.



    Khi đức vua Àlavì nghe tin đức Thế Tôn ngự tại cửa thành, Ngài lật đật xa giá đến nơi ấy có cả các vật cúng dường. Khi đến nới lễ bái đức Thế Tôn và cúng dường cùng ca tụng công đức của Phật. Dân chúng trong thành hay tin ấy lần lượt rủ nhau đến đảnh lễ Ngài đông vô số kể.

    Ðức Thế Tôn liền thuyết lại câu hỏi của Dạ xoa Alavaka. Ðức vua phát tâm tín thành trong sạch và qui y Tam bảo. Riêng Dạ xoa dạy Thái tử đạo đức và làm cho Thái tử trong sạch với Tam bảo vào hầu Phật nghe pháp đắc A na hàm quả.

    Ðức Thế Tôn thắng được Dạ xoa bằng đức Nhẫn nại.

    Vậy người muốn thắng hóa mọi nơi xin đừng quên pháp Nhẫn nại.



    NHỮNG CHUYỆN LẠ XẢY RA TRONG BỐN MƯƠI LĂM NĂM
    TRUYỀN ÐẠO CỦA ÐỨC PHẬT TỔ CỒ ÐÀM (tt)

    -ooOoo-



    CẮM THẮNG TƯỢNG NÀLÀGIRÌ

    NÀLÀGIRIM GAJAVARAM ATIMATTABHÙTAM
    DAVAGGICAKKAMASANIVA SUDARUNANTAM
    METTAMBUSEKAVIDHINÀ JITAVA MUNINDO
    TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI.

    Nghĩa: Ðức Phật đã cảm thắng voi Nàlàgirì (Na la gi ri) đến cơn hung ác, dữ tợn như lửa rừng, như sấm sét, nhờ rải lòng Từ bi mà đức Chánh Biến Tri cảm hóa được voi ấy. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.

    Chuyện nầy tôi đã có tường thuật trong Thiên thứ tư nhưng chỉ tóm tắt sơ lược thôi. Nên nơi đây tôi xin giải rõ thêm cho đủ tám điều thắng hóa của đức Thế Tôn mà các bực Thánh nhơn khi xưa hằng ca tụng.

    Ðệ tử Phật là ông Ðề Bà Ðạt Ða muốn thay Phật để dạy dỗ chư Tăng, nhưng đức Phật không nhận lời, tức giận tìm thế hại Phật đủ điều nhứt là thả tượng Nàlàgirì ra giết Phật.

    CHUYỆN TÍCH

    Ðề Bà Ðạt Ða không sao hại được đức Thế Tôn nên ông mới vào thăm đức vua A Xà Thế xúi Ngài thả tượng Nàlàgirì là tượng trận hung dữ nhất không tượng nào bằng, nhứt là khi được uống tám tĩn rượu to. Khi thả tượng ra giết Phật, đức vua A Xà Thế dạy quản tượng hãy cho tượng uống rượu gấp đôi là mười sáu tĩn rượu to, còn Ðề Bà Ðạt Ða là người trông nom sắp đặt việc làm cho chu đáo.



    Tất cả tín đồ hay biết tin ấy mới vào hầu Phật và bạch cho Ngài rõ chuyện sắp xảy ra, yêu cầu Ngài đừng đi khất thực.

    Ðức Thế Tôn liền dùng Tuệ giác quan sát: Sáng ngày mai ta sẽ hóa độ tượng và không cho tượng ấy còn hung ác nữa, mà cũng nhân cơ hội nầy hóa độ rất nhiều người ngoại đạo hồi đầu hướng thiện. Sau khi hóa độ tượng xong ta dẫn chư Tăng vào thành Vương Xá khất thực.



    Rạng đông sáng hôm sau đức Thế Tôn dùng trí tuệ xem coi chúng sanh nào có duyên với Ngài trong ngày ấy. Ngài thấy rằng: Nếu sáng ngày, Ngài vào thành khất thực cảm hóa được tượng Nàlàgiri thì Ngài sẽ độ được tám muôn bốn ngàn người.

    Khi mặt trời mọc lên, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành khất thực, Ngài dạy Ðại Ðức Ananda: Ngươi hãy cho chư Tăng trong mười tám chùa tại thành Vương Xá tựu tại Kỳ Viên tịnh xá. Ðức Ananda vâng lời cho chư Tăng hay. Khi chư Tăng tựu hội lại đủ đức Thế Tôn dẫn vào thành Vương Xá khất thực.



    Những người quản tượng đã chuẩn bị sẵn là cho tượng uống rượu xong, khi trông thấy đức Thế Tôn liền thả tượng ra để giết Phật.

    Tất cả thiện nam tín nữ, dân chúng và những người ngoại đạo kẻ leo lên nóc nhà người leo lên cây, người thì ở trên lầu để xem coi tượng làm gì Phật. Thiện tín thì tin rằng: Phật sẽ cảm hóa tượng, còn ngoại đạo thì nghĩ tượng sẽ giết Phật, dân chúng chỉ mong thấy kết quả thôi.

    Tượng Nàlàgirì trông thấy đức Thế Tôn từ xa ngự đến, tỏ vẻ rất hung hăng chân dậm đất bụi bay mịt mù, miệng gầm thét thật là kinh khủng. Khi tượng được thả ra lập tức nhắm hướng đức Thế Tôn đang ngự đi chạy đến, coi hình như là nó quyết giày đạp Ngài cho tan nát. Chư Tăng còn phàm thấy vậy kinh sợ bỏ đứng vẹt ra một bên đường. Khi ấy Ðại Ðức Xá Lợi Phất xin đức Thế Tôn để Ngài cảm hóa tượng dữ ấy nhưng đức Thế Tôn không nhậm lời; tuần tự đến các chư đại đệ tử nhưng không vị nào được phép. Trong khi ấy tượng đã đến gần lắm rồi mà đức Thế Tôn vẫn thản nhiên, làm cho Ðại Ðức Ananda nóng lòng, vì tất cả chư đệ tử có thể nói là không ai thương Phật bằng Ðại Ðức Ananda , vì Ngài còn là bực hữu học nghĩa là mới đắc quả Tu-đà-hườn vẫn còn mến thương vạn vật. Ðại Ðức Ananda thấy tượng đến gần Ngài liền ra đứng cản tượng trước mặt Phật. Ðức Thế Tôn thấy Ðại Ðức Ananda hành động như vậy. Ngài liền dạy rằng: Ananda , ngươi hãy đứng dang ra, nhung Ngài vẫn không vâng lời. Ðức Thế Tôn dùng lòng Từ Bi làm cho tượng kinh sợ chạy đi nơi khác.

    Trong khi ấy, có một người phụ nữ bồng con nhỏ thấy tượng chạy đến gần mình nên kinh sợ bỏ con nằm trên đất chạy thoát lấy thân. Khi tượng không rượt theo kịp cô ấy, liền trở lại đi quanh bên đứa trẻ. Ðức Thế Tôn thấy vậy thương hại đứa bé Ngài liền rải lòng từ bi đến tượng và gọi: Nầy Nàlàgirì hãy dừng lại. Tiếng của Ngài rất thanh và rất mềm dịu, vì lòng từ bi đánh thức trí giác của tượng. Tượng liền quay lại ngó ngay vào Phật, trông thấy đức Thế Tôn mặt đầy vẻ từ bi hào quang chiếu sáng, chung quanh Ngài có chư Thánh nhơn giới đức trang nghiêm, thật là một cảnh huy hoàng trang nghiêm và đầy từ ái. Tượng phát tâm tín thành trong sạch với Phật bảo và Tăng bảo, nhìn lại tội lỗi của bản thân lấy làm hổ thẹn, chất rượu tiêu tan mất hết, từ từ tiến đến bên Phật và quì xuống.

    Ðức Thế Tôn liền dạy rằng: Màkinjaranàgapara v.v... Sugati gamissasìti , nghĩa: Hỡi nầy tượng Nàlàgirì, ngươi không nên si mê. Lẽ cố nhiên những điều tội lỗi là ác pháp, hằng đưa đến sự thống khổ trong lòng ngươi, hãy làm cho tâm ngươi trong sạch, không nên để cho tâm nóng nảy bực bội vì tội lỗi nặng nề. Nên tập cho tâm hiền từ lương thiện thêm càng nhiều càng quí. Sau khi ngươi chết sẽ được sanh về cõi trời hưởng an lạc.



    Dứt lời dạy bảo của đức Thế Tôn tâm tượng sanh hỉ lạc rất mạnh. Nếu tượng là con người thì đã đắc Tu-đà-hườn trong khi ấy. Kể từ giờ phút ấy trở đi tượng Nàlàgirì trở nên hiền từ không khác con mèo con, nên lại đổi tên là DHÀNAPÀLA (có nghĩa là người giữ lấy di sản quí).



    Trong khi đức Thế Tôn dạy tượng Nàlàgirì thì có tám muôn bốn ngàn người nghe lời dạy bảo ấy mà đắc đạo quả, và có rất nhiều người xin thọ Tam qui trì ngũ giới.

    Ðến chiều chư Tỳ khưu hội đến nơi đức Thế Tôn thường thuyết pháp bàn với nhau về việc buổi ban sáng và chuyện Ðại Ðức Ananda hy sinh cho Phật. Các vị ấy có vị nói: Thật ra Ðại Ðức Ananda là vị đệ tử chí hiếu biết ân thầy dám đứng ra chịu chết thế cho thầy, đây chuyện thế gian hi hữu vậy.

    Khi đức Thế Tôn ngự đ?n nghe và biết các thầy đang nói chuyện ban sáng. Ngài liền dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, chẳng phải Ananda mới hy sinh đời sống nầy cho ta trong kiếp nầy đâu. Kiếp quá khứ cũng đã từng hy sinh cho Như Lai rồi.

    Chư Tỳ khưu yêu cầu đức Thế Tôn thuyết Túc Sanh truyện.

    Ðức Thế Tôn dạy; Kiếp quá khứ có đức vua tên SAGALABRAHMADATTA ngự trị tại xứ Sàgala. Gần thành Sàgala có một người thợ săn ở tại làng Nesàdagàma. Tại xứ Sàgala có một cái ao to đến mười hai do tuần, trong ao ấy có nhiều thứ sen đủ màu thật đẹp. Ðồng thời ấy có một bầy hạc chín muôn con; hạc chúa tên là Dhatarattha và một hạc phó tên là Sumukha, bầy hạc nầy thường ở tại núi tên Gittrakuta. Ngài nọ có ba con hạc đến tắm chơi ở ao gần thành Sàgala. Khi trở về thuật lại cho Hạc chúa nghe, và mô tả nơi ấy thật là đẹp có vật thực, ao to, bông nhiều v.v...

    Hạc chúa là một vị Bồ Tát nên có nhiều trí tuệ, Ngài sợ có tai hại cho đoàn nên Ngài cấm không cho hạc đến nơi ấy, nhưng ba con hạc ấy cứ theo yêu cầu nhiều lượt. Ðức Bồ Tát mới dẫn đoàn hạc đi đến nơi ấy chơi và tìm thức ăn. Vì vô ý chân của đức Bồ Tát bị mắc vào bẫy của người thợ săn. Ðức Bồ Tát không dám la, sợ kinh động bầy không dám ăn no. Sau khi biết đoàn đã ăn no, Ngài liền hét to lên, đoàn hạc nghe tiếng hét ấy kinh khủng bay hết. Chỉ có hạc Sumukha nghĩ rằng: Tiếng hét của chúa ta bất thường, chắc Ngài đã bị tai nạn chi đây. Nghĩ vậy lập tức bay thật mau để kiểm điểm coi thiếu hạc nào trong đoàn. Khi thấy thiếu hạc chúa, lập tức bay trở lại, thấy hạc chúa đoàn đứng trên vũng bùn liền đến g?n hỏi rằng: Tâu Ðại vương xin Ngài đừng kinh sợ, tôi là Sumukha sẽ chết thay Ngài để đền lại công ơn của Ngài.



    Nói xong liền đứng gần bên hạc chúa.

    Hạc chúa thấy Sumukha hành động như vậy liền hỏi:

    SUMUKHA ANUCINANTÀ
    PAKKAMANTI VIHIMGAMÀ
    GACCHA TVAMPI MAKANKHI
    NATTHI PHANDHE SAHAYATA.



    Nghĩa: Nầy Sumukha, đoàn hạc chín muôn không có con hạc nào ngó đến ta, không thương yêu quí mến ta nên bỏ đi vì sợ chết. Tại sao ngươi lại trở lại lo cho ta làm gì? Người không nên ở nơi đây, vì ta đã mắc bẫy rồi. Ngươi ở lại làm chi chỉ tốn công vô ích.

    Sumukha nói: Tâu Ðại vương, tôi hằng hạnh đúng theo Chánh pháp. Tôi suy nghĩ và thấy rõ rằng: Sự hành theo thiện pháp sẽ đem sự lợi ích đến, hơn nữa trước nhứt phải diệt trừ tội lỗi giảm bớt đi trong tâm. Do nhờ hành theo thiện pháp ấy nên tôi phải trở lại với Ngài, dầu cho tôi có bị giết tôi cũng không thể trốn tránh. Tôi nguyện hy sinh vì Ngài và chống lại tất cả mọi việc trở ngại. Ðại vương ơi, không bao giờ tôi biết kinh sợ tên thợ săn ấy.



    Trong khi đức Bồ Tát và Sumukha đang nói chuyện với nhau, tên thợ săn cũng vừa đến và thấy hạc mắc vào bẫy, nên nhè nhẹ lần đến. Hai hạc trông thấy người thợ săn đi đến nhưng không bao giờ biết sợ. Người thợ săn thấy vậy lấy làm lạ nên hỏi. Khi ấy người thợ săn mới biết rằng: Ðây là hai hạc chúa tôi, Sumukha quyết lòng hy sinh cho chúa. Người thợ săn nghe xong phát tâm trong sạch vì tấm lòng trung nghĩa của hạc Sumukha nên tình nguyện thả cả hai hạc chúa tôi. Nên đến gần mở bẫy, lấy nước rửa chân hạc cho thật sạch.



    Sau khi được trả tự do hạc chúa mới bàn với Sumukha rằng: Người thợ săn nầy thật là có ơn với ta, ta phải đền đáp cho xứng đáng.

    Hạc chúa liền nói với người thợ săn rằng: Người ơi, người đem hai chúng tôi đến nạp cho đức vua thì chắc chắn người sẽ được trọng thưởng.

    Người thợ săn từ chối không bằng lòng vì không tham lợi, nên hai hạc giải thích nhiều lần, và yêu cầu hai hạc hãy bay về rừng. Trái lại, hạc chúa và Sumukha không chịu về và nhứt định yêu cầu người thợ săn phải đem hai hạc đi. Khi đến nội thành xin vào chầu vua và dâng hai hạc quí.



    Khi đức vua trông thấy hai hạc Ngài lấy làm hài lòng ban thưởng trọng hậu cho người thợ săn... Khi ấy, hạc chúa mới dùng tiếng người nói chuyện với đức vua. Nhà vua lấy làm trong sạch với hạc chúa. Rồi xin hạc chúa dạy đạo làm vua thế nào cho hợp pháp.

    Hạc chúa dạy nhà vua trì ngũ giới và hành theo mười pháp của một vị minh quân hằng hành theo. Ðức vua trong sạch với Pháp bảo của hạc chúa, sau khi nhiều lần yêu cầu hạc chúa ở lại trong thành nội để dạy đạo và nhường ngôi cho hạc chúa. Hạc chúa và Sumukha liền từ tạ đức vua mà bay về rừng.

    Sau khi thuyết xong Túc Sanh truyện ấy, đức Thế Tôn mới dạy rằng:

    - Người thợ săn ấy chính là Xa Nặc, đức vua Sàgala khi ấy là tiền thân của Xá Lợi Phất hiện nay. Hạc Sumukha ấy chính là Ananda , còn Như Lai hôm nay chính là hạc chúa vậy.



    HÓA ÐỘ VÔ NÃO

    UKKHITTAKHAGGAMATÌHATTHASUDDÀRUNANTAM.
    DHÀVANTIYOJANAPATHANGULIMÀLAVANTAM
    IDDHÌBHI SANKHATAMÀNO JITAVÀ MUNINDO
    TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI.

    Nghĩa: Ðức Phật dụng phép thần thông cảm thắng ANGULIMÀLA (An Gu Li Ma La), kẻ cướp sát nhơn, cắt ngón tay người làm tràng hoa, kẻ quá hung bạo, nhưng rất tinh nhuệ, cầm gươm rượt đức Chánh Biến Tri, xa ba do tuần. Do nhờ Phật lực này, xin cho sự hạnh phúc phát sanh đến người.

    CHUYỆN TÍCH

    Nơi rừng thẳm xứ Ma Kiệt Ðà có một tướng cướp hung ác phi thường nhưng tài cao sức mạnh muôn người khó chống nổi. Tướng cướp ấy được người đặt tên là ANGULIMÀLA có nghĩa là: Người đeo tràng chuỗi bằng lóng tay người. Tướng cướp nầy ngang tàn không hề biết sợ một nhân vật nào dầu là vua chúa, mà cũng chẳng tha ai khi mà gặp. Vì vậy nên đức Thế Tôn mới ngự đi độ tên tướng cướp ấy.

    Trước kia tướng cướp Angulimàla là con của một vị Quân sư xứ Ma Kiệt Ðà cha mẹ dòng Bà la môn, mẹ tên là Mantànì. Ngày sanh ông ra có điềm là tất cả vũ khí trong kho hoàng gia đều phát ánh sáng ngời. Cha của Angulimàla là vị Quân sư nên rất giỏi về thiên văn. Ông liền vào chầu tâu rằng: Tâu Hoàng thượng, Ngài thấy có điềm gì lạ chăng?

    Ðức vua Ba Tư Nặc đáp: Trẫm trông thấy ánh sáng chiếu sáng ngời r?c rỡ như là phát hỏa trong kho khí giới của Hoàng gia, không biết lành dữ thế nào, xin Quân sư cho trẫm biết.

    - Tâu Ðại vương, xin Ðại vương đừng lo chuyện ấy là do nơi việc gia đình của hạ thần. Vì con của hạ thần sanh vào nhằm vì sao tướng cướp, nhưng không phải là cướp ngai vàng, nhưng là một tên cướp sát nhơn hung ác phi thường nó sẽ giết người không gớm tay. Xin Hoàng thượng xuống lịnh xử tử đứa bé ấy từ bây giờ, để trừ hậu hoạn.

    - Quân sư, trẫm không thể làm chuyện vô nhân đạo như thế được, vì hiện nay đứa bé ấy là đứa trẻ vô tội. Vậy xin Quân sư hãy lo nuôi dưỡng và trông nom chỉ dạy mong rằng: Ngày sau không làm những điều như đã có điềm báo trước.

    Quân sư lạy tạ lòng từ bi và công bằng của đức vua ra về và đặt tên đứa bé ấy là AHIMSAKA có nghĩa là không làm hại kẻ khác. (Tàu dịch là Vô Não). Từ đây tôi xin dùng tiếng Vô Não chỉ tướng cướp để tiện quí vị dễ nhớ và dễ nói.

    Cha mẹ ông Vô Não hết lòng lo dạy dỗ con, ngừa không cho con làm việc ác, và luôn luôn nhắc con nhớ tên VÔ NÃO có ý là không làm cho kẻ khác khổ não. Ông Vô Não là người con chí hiếu thương yêu kính trọng cha mẹ, và nhứt là rất thông minh lại có một sức mạnh phi thường. Ðến lớn học văn chương xong; cha mẹ ông cho đi học võ với một vị giáo sư có tên tuổi nhứt trong thời kỳ ấy tên là Disàpàmokkha ở xứ Takkàsìlà .

    Khi vào trường học, ông Vô Não là người học trò rất tốt, hạnh kiểm đoan trang, tính tình nhu hòa, học ít biết nhiều thông minh nhứt, mà vị giáo sư ấy chưa từng thấy có một người học trò như thế nầy bao giờ. Sức mạnh hơn người, tài chạy của ông chiến mã hay nhứt trong thời kỳ ấy không qua ông được. Vì tài giỏi hạnh kiểm tốt, nến thầy thương yêu giao trách nhiệm dạy lại những học trò mới nhập môn và trông nom các bạn.



    Những bạn học trước hay đồng niên đều phải nghe lời ông chỉ bảo, rất được lòng thầy, nhưng không được lòng bạn mặc dầu ông là ngưới rất tốt, vì lẽ tánh đố kỵ của bọn học trò cũ và mới. Những người ấy liền hội nhau lại tìm phương thế làm sao hại ông Vô Não. Nhưng vì ông là người rất hoàn toàn tốt nên không tìm thấy lỗi của ông dầu rất nhỏ. Ðến cùng chỉ còn phương thế là phao du cho ông thôi. Khi ấy bọn học trò chia ra làm ba nhóm, mỗi nhóm vào hầu thầy phải tìm cho ra chuyện dối thầy cách nào cũng được, miễn là thầy ghét bỏ ông Vô Não là được. Bọn ấy cứ nói mãi nhưng thầy không tin bằng thật. Ngài kia bọn chúng mới nói: Vô Não có tài cao, thường nói rằng hơn cả thầy, ngày nào đây sẽ chiếm lấy địa vị là vị giáo sư Disàpàmokkha của thầy.

    Vì nhiều người nói một việc và nói đã nhiều lần, ông thầy thấy đáng nghi và tin như vậy. Ông cũng muốn giết ông Vô Não nhưng không biết giết bằng cách nào, vì nếu giết bằng cách nào cũng sợ người đời biết dị nghị ông sẽ mang tiếng giết học trò. Ông nghĩ ra được một chuyện là nhờ tay kẻ khác giết là yên. Ông liền cho gọi Vô Não vào và bảo rằng: Tài học của ông thật giỏi nhưng muốn thành tài thì phải giết được nhiều người khi ấy làm phép xong tài ấy mới hoàn toàn, kết quả mỹ mãn. Thâm tâm ông thầy nghĩ Vô Não giết nhiều người có ngày bị người ta giết, không vậy cũng mắc tội sát sanh đức vua cũng không tha.

    Ông Vô Não sanh vào dòng Bà la môn là dòng tu hành và hành phạm hạnh cao quí cử sát sanh, không hề làm khổ kẻ khác. Khi ông nghe thầy dạy như vậy, ông thấy sai với phong tục và phạm hạnh của gia đình ông, nhất là cha mẹ thường dạy không nên làm tội lỗi. Nhưng vì sự khuyên nhủ của thầy và cũng muốn trở nên người giỏi nhứt trên đời nầy nên ông liền thi hành theo.

    Ông chuẩn bị gọn gàng, nào là mang tên đeo cung kiếm vào rừng đón giết người qua lại. Mặc dầu ông giết người nhưng thâm tâm ông không nghĩ gì thù oán mà giết hay giận hờn mà giết, thật là giết không có một ý định chính xác, cái ý ông là muốn luyện phép mầu cho mau thành tài thôi. Khi ông đã giết nhiều người rồi nhưng không nhớ là bao nhiều để về trình lại với thầy hầu là cho xong phép. Nên ông bắt đầu giết người nào cắt một ngón tay xỏ lại đeo vào cổ để không thất lạc lại dễ nhớ. Vì lẽ ấy mà ông được tên là Angulimàla, nghĩa là người đeo xâu chuỗi bằng lóng tay người.

    Kể từ ngày bắt đầu giết người thì không ai dám vào rừng đốn hoặc lượm củi khô, người muốn đi ngang qua rừng ấy, phải đợi nhau lại cùng mấy mươi người mới dám, nhưng nếu gặp ông Vô Não thì bao nhiêu người cũng không khỏi tay ông cả. Người ở gần đấy cũng bị ông giết hại không thể ở được, đem gia đình đi ở nơi khác hay về thành ở. Khi đến thành mới hội nhau bàn về tên tướng cướp sát nhơn hung tàn ấy. Việc làm ác ôn ấy thấu đến tai đức vua Ba Tư Nặc, Ngài nhứt định phải dẹp yên. Ngài liền truyền đem tứ đội hùng binh vây khu rừng ấy bắt hay là giết cho được tên tướng cướp hung ác ấy.

    Vị Quân sư nghe tin ấy ông biết chắc rằng con ông, và ông cũng biết rằng: Ðức vua sắp đem binh trừ tên tướng cướp ấy. Ông liền về nhà cho bà hay chuyện ấy. Bà yêu cầu van xin ông hãy đi đem con về. Ông bảo ông không thể làm vậy được. Lòng mẹ thương con to rộng không chi sánh bằng hay đo lường được, mặc dầu đường xa và đã già nhưng bà không quản bao cực nhọc, lập tức ra đi tìm con để báo tin không lành và bảo con phải về hay trốn nhà vua.

    Ðồng thời bà mẹ đi tìm ông Vô Não thì đức Thế Tôn cũng dùng Tuệ giác coi chúng sanh nào có duyên lành với Ngài trong ngày ấy. Ngài trông thấy ông Vô Não có duyên với Ngài. Nếu Ngài không kịp thời tế độ thì ông sẽ giết mẹ vì ông đã trở nên người cuồng loạn không nhận định biết mẹ cha. Khi ông đã phạm vào tội Ngũ nghịch đại tội thì không ai cứu được.

    Ðức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành khất thực, sau khi thọ thực xong Ngài đi thẳng vào nơi ông Vô Não ở. Trong khi ấy ông Vô Não đã mất hết lương tri vì ông ăn đồ sống giết hại nhiều người, trong tâm ông không còn biết gì hơn là giết. Ông ngồi đếm lóng tay người như nggười đếm hạt kim cương. Ông đếm được chín trăm chín mươi chín ngón tay, chỉ còn một ngón nữa là đủ một ngàn đặng đem về cho thầy làm phép. Ông nóng lòng muốn tìm người để giết thì ông lại trông thấy một bà già và một vị Sa môn. Ông liền nghĩ: Trong hai người nầy ta giết người nào? Ông nghĩ nên giết ông Sa môn. Nhờ vậy mà bà mẹ ông khỏi chết. Ông liền xách gươm rượt theo vị Sa môn tức là đức Thế Tôn.

    Ông Vô Não là người có tài chạy hay hơn chiến mã. Nhưng khi ông rượt Phật ông vận dụng hết tài của ông mà cũng không đuổi theo kịp Phật, trái lại đức Thế Tôn vẫn ung dung đi một cách nhàn nhã không hề thấy có thái độ lo lắng hay kinh sợ hoặc hấp tấp. Ông cố hết sức rượt theo Phật cả ba do tuần (mỗi do tuần là mười sáu cây số ngàn) mà vẫn không bắt kịp. Ông lấy làm tức giận gọi to lên rằng: Nầy ông Sa môn kia! Hãy dừng lại.

    Ðức Thế Tôn đáp: Angulimàla ! Như Lai đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có ngươi chưa ngừng lại thôi. Tuy nói vậy nhưng đức Thế Tôn vẫn ung dung bước đi từng bước một như người dạo mát.

    Ông Vô Não nghe đức Phật nói vậy lấy làm trái tai mới hỏi: Ông Sa môn! Ông nói dối, ông vẫn đi mà bảo là đã ngừng.

    Ðức Thế Tôn đáp: Như Lai đã ngừng sự làm tội lỗi là nhân đưa sự đau khổ trong luân hồi từ lâu rồi, chỉ có ngươi không dừng sự sát hại nhân loại. Nếu ngươi còn cố làm những tội ác như vậy nữa thì ngươi sẽ bị luân hồi trong biển khổ nầy không biết thời gian là hạn định phải bao lâu, luân hồi ấy không bao giờ ngừng nghỉ hay dừng lại.

    Khi ông nghe lời Phật dạy cảm thấy như người vừa tỉnh lại trong cơn ác mộng, tâm ông trở nên sáng suốt và yên tĩnh nhớ lại được mọi sự việc từ khi còn trong gia đình phạm hạnh thanh cao cho tới khi đi học, và cha mẹ thường nhắc nhở cái tên Vô Não nghĩa là người không gây sự khổ não cho ai cả. Ông liền nghĩ cha mẹ ta đặt ta tên Vô Não thâm tâm hai người nhắc ta không nên làm tội ác. Hơn nữa, trong đời nầy có pháp mầu nào phải dùng tới sanh mạng con người để được kết quả cao thượng. Khi ấy ông cảm thấy ông đã đi lạc đường, con đường đi của ông là tà đạo. Ông lấy làm hổ thẹn cởi bỏ xâu chuỗi kỳ quái ấy và đao kiếm cung tên, liền đến gần Phật đảnh lễ Ngài xong xin Ngài cho phép xuất gia.

    Ðức Thế Tôn liền cho phép ông xuất gia theo thể thức EHI-BHIKKHU nghĩa là ngươi hãy trở thành vị Tỳ khưu. Tức nhiên thành vị Tỳ khưu có đủ y bát. Ðức Thế Tôn dẫn ông trở vào thành Thất La Phiệt.

    Sáng ngày, đức Thế Tôn ngự vào thành khất thực với chư Tỳ khưu. Trong số Tỳ khưu có một vị mới xuất gia là ông Vô Não. Dân chúng thấy ông lấy làm kinh sợ bỏ chạy thật là một cảnh náo loạn họ bảo nhau rằng: Angulimàla giả dạng làm Tỳ khưu để vào thành giết người, cũng có người nói: Angulimàla giả làm Tỳ khưu để tránh sự truy nã của đức vua v.v... Trong ngày ấy ông Vô Não không có được một hột cơm, ông chịu cảnh đói ấy ít lâu vì nơi nào mà ông đến thì người người đều kinh sợ trốn hết, không vậy cũng vào nhà đóng kín cửa không dám ra.

    Ngày nọ có một người phụ nữ có thai gần ngày sanh, khi trông thấy ông Vô Não kinh sợ chạy trốn, cô ta chun hàng rào cho mau, nhưng vì bụng lớn quá chun không lọt, trái lại còn kẹt ở hàng rào không làm sao ra được, mà trong lúc ấy thai nhi lại động mà cũng không sanh được. Quyến thuộc của cô không biết làm sao mới bàn với nhau. Có một người thanh niên lạ mặt bảo: Theo tôi thì mời Ngài Ðại Ðức ấy đến và Ngài phát nguyện sự tu hành chân chánh của Ngài và cầu chúc cho cô thì cô ấy sẽ sanh được. Vì cùng quá không biết làm sao, quyến thuộc cô ta làm theo lời của người thanh niên ấy. Ðem gai lại rào quanh chỗ cô ấy và đến thỉnh cầu ông Vô Não. Ông liền đến bạch hỏi Phật coi phải xử trí thế nào. Ðức Thế Tôn dạy ông phát nguyện Ba La Mật.



    Ông liền đến nơi ấy đứng bên ngoài hàng rào gai phát nguyện rằng:

    - Yato ham bhaginì ariyaya jatiyajato nabhijanami sancicca pànam voropeta tena saccena sotthi te hotu sotthi gambhassa.

    Nghĩa: Nầy cô em gái, kể từ khi ta sanh trong dòng Ariya, ta không làm chủ nhân được ta nên đã sát sanh. Do nơi lời nói chân thật nầy xin cho sự an lành có đến nàng và thai bào của nàng.

    Dứt lời nguyện, cô ấy sanh được dễ dàng, cả mẹ lẫn con bình an. Kể từ ngày ấy đi người mới tin tưởng nơi ông và biết chắc rằng: Ông là người từ bỏ điều ác. Nhứt là tính oai đức của ông nên đến đổi chỗ ngồi của ông cũng có giá trị. Người thường rửa lấy chỗ ngồi của ông tắm cho những đứa trẻ sơ sanh, thú không sanh được lấy nước ấy cho uống sanh được liền.

    Những ngày khổ cực của ông đã qua, dân chúng hết sợ và cúng dường cho ông đầy đủ như những vị khác. Ông lo hành đạo không hề giải đãi, nhưng không thể làm cho tâm được yên tỉnh vì những cảnh sát hại người khi xưa hằng đến với ông khi ông tham thiền.

    Ngày nọ, ông tham thiền trong rừng, nơi mà ông thường đuổi giết người, khi ấy ông nghe tiếng những oan hồn đến đòi mạng, ông lấy làm kinh sợ. Ðồng thời đức Thế Tôn hiểu rõ tâm trạng của ông bằng Tuệ giác của Ngài. Ngài liền ngự đến nơi ấy dạy ông Vô Não hãy dứt bỏ câu chuyện quá khứ; và cố giữ tâm cho an tịnh trong đề mục thiền định và nên hồi hướng phước báu đã tạo ra từ vô số kiếp đến những người bị giết xin giải oan trái oán thù.

    Ông vâng lời hành theo và không bao lâu đắc A-la-hán quả cả Tam Minh. Từ ấy Ngài là một trong tám mươi vị đại đệ tử Phật. Ðức vua Ba Tư Nặc hay tin ấy liền vào hầu Phật lễ bái xong, Ngài mới bạch hỏi Phật qua câu chuyện của Ngài Vô Não, khi biết rằng: Ngài đã xuất gia theo chánh pháp trở nên vị đại đệ tử nên đức vua lấy làm trong sạch, ca tụng công đức Phật bảo rằng: Chỉ có đấng Giác Ngộ mới thu phục được những người hung ác bạo tàn và chỉ có Phật mới hy sinh không nài khổ cực cứu độ chúng sanh. Người như Ngài Vô Não không hề kinh sợ quan quân mà lại qui phục đức Từ Bi thật là chuyện hy hữu vậy.



    THẮNG NÀNG CINCÀ

    KATVÀNA KATTHAMUDARAM IVA GABBHINÌYÀ
    CINCÀYA DUTTHAVACANAM JANAKÀYAMAJJHE
    SANTENASONAVIDHINAJITAVÀ MUNINDO
    TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMAÍGALÀNI.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:05 AM | Message # 41
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Nghĩa: Ðức Phật đã khử trừ lời dữ của nàng CINCÀ (Chinh Cha), nàng dùng cây tròn giống dạng đứa bé trong thai; giả làm phụ nữ mang thai. Nhờ dùng phép Chánh định mà đức Chánh Biến Tri cả thắng nàng giữa chốn đông người. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.

    CHUYỆN TÍCH



    Sau khi đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đức Thế Tôn hằng đi truyền đạo khắp mọi nơi nên Phật giáo thạnh hành rất mau chóng, những người tà kiến ngoại đạo đều hồi đầu hướng thiện, vì vậy nên lợi lộc của những ông Tổ sư ngoại đạo bị giảm đi rất nhiều.

    Những ông Tổ sư ấy mới hội nhau lại để bàn tính phương pháp nào làm giảm uy tín của Phật giáo. Khi ấy có một người có ý kiến phải làm như thế nầy thế nầy mới làm giảm uy tín của ông Sa môn Cồ Ðàm. Khi đồng cùng nhau thực hành theo kế ấy. Các ông liền đưa đại diện đến nhà cô CINCÀ (xin đọc là CHINH CHA) yêu cầu cô thực hành theo kế ấy. Sau khi hoàn thành cô sẽ được nhiều ân huệ, cô nhận lời thi hành kế ấy.

    Thật cô Cincà không hổ là người khôn ngoan xảo trá. Kể từ ngày cô lãnh nhiệm vụ cô trang điểm thật đẹp và đợi khi nào tín đồ vào chùa nghe pháp buổi chiều cô cũng đi vào chùa. Có người biết cô là kẻ ngoại đạo nên hỏi cô đi đâu.

    Cô đáp: Tôi vào hầu ông Sa môn Cồ Ðàm.

    Cô vào chùa cửa trước khi cô đợi coi người không để ý đến cô, cô liền lén ra cửa khác mà về ngủ ở chùa bọn ngoại đạo gần bên ấy. Ðến sáng ngày, cô đợi cho khi tín đồ vào chùa lễ Phật cô lại trong chùa đi ra.

    Có nhiều người thấy vậy lấy làm lạ mới hỏi cô rằng: Cô đi đâu về sớm vậy?

    - Tôi ở Kỳ Viên tịnh xá về.

    Ðộ chừng đôi ba tháng sau có người hỏi cô đi đâu về sớm. Cô liền nói: Ta ở chung một tư thất với ông Sa môn Cồ Ðàm trong Kỳ Viên tịnh xá về đây.

    Chuyện nầy làm cho nhiều người còn phàm sanh lòng phân vân tự hỏi: Chuyện nầy làm sao vầy? Thật cô nầy ở chung một tư thất với Phật chăng? Ðến độ chừng bốn hay năm tháng sau cô liền độn bụng hơi lớn lên như người có thai bốn hay năm tháng, làm cho người để ý đến cô càng ngày càng nhiều.

    Ðến tám hay chín tháng cô liền dùng khúc cây tròn giống hình thai thật độn bụng ra lấy vải quấn bụng thật kỹ, dùng cây tròn đập trên lưng bàn tay và bàn chân cho hơi sưng lên làm cho ra vẻ người đã mang thai gần ngày sanh.



    Buổi chiều nọ, trong khi đức Thế Tôn đang thuyết pháp giữa hàng đại chúng, cô Cincà liền đến nơi ấy đứng trước mặt đức Thế Tôn chỉ mặt Ngài mà nói: Nầy ông Sa môn Cồ Ðàm, tiếng ông thanh tao nghe thật hay, răng ông đều đặn trắng trẻo đẹp, lời nói văn hoa nghe rất bùi tai. Nhưng trái lại thân tôi cũng vì ông mà ra nông nỗi nầy. Hiện nay cái bào thai do, ông là tác giả đã đến ngày rồi, ông không biết sao? Tại sao ông không tìm nhà nào để cho tôi tạm bợ ở đậu để sanh, ông không biết lo những vật như than, củi v.v... cho người sắp sanh như tôi dùng chăng? Nếu ông không tự làm lấy được thì ông cũng nên bảo tín đồ trung thành với ông như là Visàkha hay đức vua Ba Tư Nặc lo cho tôi. Nói xong bà liền mắng chửi Phật đủ điều nào là người đểu giả v.v... không hề nể nang giữa hàng tín đồ.

    Ðức Thế Tôn ngồi yên không nói nửa lời với cô. Ngài điềm nhiên thuyết pháp khi thuyết xong Ngài mới nói rằng:

    - Nầy cô Cincà chuyện nầy chỉ có Như Lai và ngươi biết mà thôi.

    - Nầy ông Sa môn, sự thật là vậy.

    Trong khi ấy, ngai vàng của Thiên Vương Ðế Thích trở nên nóng như sắp bị chảy ra, hay như ngồi trên hỏa diệm sơn. Ðức Ðế Thích lấy làm lạ và rất kinh sợ, nên Ngài dùng thần thông xem coi vì nguyên nhân nào? Ngài thấy do nơi cô Cincà phao vu đức Ðại Giác. Ngài nghĩ: Thế ra vì cô nầy, thôi để ta giải quyết cho êm, và làm cho rõ sự trong sạch của đức Thế Tôn.

    Ngài truyền gọi bốn vị chư Thiên đến dạy rằng:

    - Các người hãy hóa ra bốn con chuột con vào cắn dây cột bụng của cô Cincà làm cho khúc cây rơi xuống trên lưng bàn chân của cô ta.

    Bốn vị vâng lời thi hành theo sứ mạng. Khi khúc cây rớt xuống đúng ngay vào hai bàn chân cô, và hai bàn chân ấy bị đứt tiện như người dùng dao bén chém đứt vậy.



    Những tín đồ còn phàm có mặt nơi ấy lấy làm tức giận bảo: Con khốn kia, ngươi đến đây để phao vu cho đức Ðại Từ Bi bằng những lời đê tiện như vầy chăng? Nói xong kẻ phun nước miếng vào mặt, người khạc nhổ những vật không sạch vào mặt cô, có người vì tức giận quá không chịu được lấy đá gạch liệng vào người cô, có người kéo cô ra khỏi Kỳ Viên tịnh xá. Thương hại cô khi vừa ra khuất mắt đức Thế Tôn cô liền bị đất sụp chết. Cô bị đọa vào A tỳ địa ngục.

    Ngày hôm sau, chư Tỳ khưu hội nơi thuyết pháp bàn về vấn đề cô Cincà rằng: Cô Cincà dám vu oan cho bậc Ðại Giác Ðại Từ Bi như đức Thế Tôn là đấng đáng thọ lãnh cúng dường của chư Thiên, Phạm Thiên và nhân loại thật là chuyện phi thường vậy.

    Ðức Thế Tôn cũng vừa đến và hỏi câu chuyện gì? Chư Tăng bạch Phật những chuyện đã nói.

    Ðức Thế Tôn dạy:

    - Nầy các thầy Tỳ khưu, chẳng phải cô Cincà mới phao vu cho ta trong kiếp nầy, mà cũng đã từng phao vu cho ta nhiều lần trong kiếp quá khứ.



    Chư Tỳ khưu liền thỉnh cầu đức Thế Tôn thuyết Túc Sanh Truyện.

    Ðức Thế Tôn dạy: Lúc quá khứ cô Cincà được sanh làm Thứ hậu xứ Bàrànasì , còn mẹ của đức Bồ Tát là Hoàng hậu. Khi ấy đức Bồ Tát đã lớn lại là một thanh niên anh tuấn. Bà Thứ phi thấy Thái tử đẹp nên rất yêu, nên phát tà tâm, nên tìm trăm mưu ngàn kế để đuợc gặp Thái tử. Ngày gặp được Thái tử bà liền dùng lời yêu đương khuyến dụ Ngài. Nhưng không làm sao rung động lòng son sắt của Thái tử, nên bà oán ghét. Bà liền giả vờ bịnh, đức vua mới hạ lời phán hỏi: Tại sao bà cứ nằm hoài không vui như trước.

    Bà liền tâu: Tâu Ðại vương vui làm sao được mà vui. Thần thiếp đã bị Ðông cung Thái tử cưỡng bách phá hại đời thần thiếp. Thần thiếp không bằng lòng bị Ðông cung đánh đập thân thể ra nông nỗi nầy.

    Vì nhẹ lòng tin nơi bà Thứ phi trẻ đẹp. Ðức vua liền hạ lệnh đem Thái tử xô xuống hố sâu, nơi để xô những tử tội.

    Nơi hố ấy có vị Thọ thần nghĩ rằng: Vị Thái tử nầy là một vị đại Bồ Tát ta không thể để Ngài chết một cách thê thảm như thế nầy được. Ông liền đỡ lấy đức đại Bồ Tát đưa đến ở với Long vương. Thái tử ở Long cung được một năm, lòng Ngài không thích nơi lầu vàng điện ngọc nên muốn về ở nơi rừng Tuyết Lãnh xuất gia làm đạo sĩ. Long vương liền đưa Ngài về. Sau khi xuất gia Ngài trì chí tu hành đắc được Tứ thiền và có thần thông.

    Ngày nọ, có một người thợ săn đi sâu vào rừng Tuyết Lãnh gặp đức Bồ Tát và nhớ rõ rằng: Ðây là Ðông cung Thái tử. Khi về đến kinh thành vào chầu và tâu cho đức vua biết Thái tử vẫn còn sống và đang xuất gia tu hành nơi rừng Tuyết Lãnh. Sau ngày hạ lịnh xô con xuống núi đức vua thấy ăn năn hối hận và nghĩ rằng chắc con ta là người đức hạnh không ai bì, bao giờ lại làm tội ghê tởm như thế.

    Khi nghe tin con Ngài liền truyền cho sắm sẵn mọi việc nhứt là xa giá trang nghiêm để đi nghinh đón Thái tử về thành. Chính Ngài ngự đi đến nơi tư thất của Thái tử. Khi đến nơi đức vua hỏi qua chuyện cũ. Ðức Bồ Tát trình bày rõ mọi việc. Ðức vua lấy làm thương con bị hàm oan. Ngài yêu cầu Thái tử trở về triều thay Ngài trị vì thiên hạ. Ðức Bồ Tát từ chối và dạy đức vua khi về nên thực hành theo mười pháp của một vị minh quân, không nên thiên vị.

    Ðức vua vâng lời xa giá ra về. Khi về nửa đường đức vua mới hỏi vì cớ nào con ta lại xuất gia?

    Các quan tâu vì lẽ bà Thứ hậu bất chánh. Ðức vua truyền đem bà xô xuống hồ xô Thái tử khi xưa.

    Ðức Thế Tôn thuyết xong Ngài liền dạy rằng: Thái tử khi xưa chính là Như Lai hiện tại vậy. Còn bà Thứ hậu ấy chính là cô Cincà. Ðức vua khi ấy là Ananda hiện tại.

    Ðức Thế Tôn dạy tiếp: Nầy các thầy Tỳ khưu, người mà không có sự thành thật nói dối vì lòng xấu xa mờ tối bị si mê; người ấy chắc chắn sanh vào địa ngục, con đường tiến hóa là Người, Trời và Niết bàn bị đóng chặt. Khi mãn hạn nơi địa ngụ sanh lại kiếp sau, sau vì quả ác nghiệp nên hằng gặp những tai nạn như bị vu khống v.v... do nơi tội đã tạo.

    Sau khi dứt thời pháp có nhiều vị giác ngộ.

    Ðức Thế Tôn thắng cô Chinh Cha do nơi pháp Chánh định của Ngài.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:06 AM | Message # 42
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    THIÊN THỨ MƯỜI BA (b)

    NHỮNG CHUYỆN LẠ XẢY RA TRONG BỐN MƯƠI LĂM NĂM
    TRUYỀN ÐẠO CỦA ÐỨC PHẬT TỔ CỒ ÐÀM (tt)

    -ooOoo-

    THẮNG NGƯỜI NGOẠI ÐẠO TÊN SUNDARÌ

    Sau khi Thành đạo, Phật giáo phổ biến trong nhân gian một cách mau chóng và sâu rộng, tất cả các hạng người từ vua chúa, hàng quí phái, các bậc Trưởng giả đến hạng cùng đinh đều hồi đầu hướng thiện. Vì vậy mà làm cho bọn tà kiến ngoại đạo phải bị lui lần vào nơi bị bế tắc vì không người sùng bái kính nể như xưa.

    Các vị Tổ sư của các giáo phái trong thời kỳ ấy lấy làm căm tức Phật giáo nhứt là đức Thế Tôn, nên hội lại nghiên cứu kế hoạch làm cho mất uy tín của Phật. Những người có mặt tại hội ấy có cô Sundarì (đọc là SUN ÐA RI) là người đẹp nhứt và thông minh nhứt, nên được bọn ngoại đạo giao phó trách nhiệm làm cho mất uy tín của Phật.



    Cô lại đi theo dấu chơn của cô Cincà. Nhưng bọn ngoại đạo đã bị nếm mùi thất bại nên kỳ nầy khôn hơn là: thuê bọn côn đồ giết cô Sundarì rồi đem thây vùi ở đống hoa của tín đồ cúng dường bữa trước gần bên tư thất của Phật ngự. Khi cô ra vào chùa bọn ngoại đ?o làm như không hay biết chi hết đến khi bọn chúng giết cô Sundarì vùi vào đống hoa xong, bọn chúng truy hô lên là mất cô Sundarì. Sau khi tìm thấy trong đống hoa héo bọn chúng liền vào tâu cho đức vua xứ Thất La Phiệt và xin đức vua trừng trị đức Phật.

    Khi bọn ngoại đạo đem tử thi vào thành và đem chuyện ấy truyền rao mọi nơi để bêu xấu Ðức Phật rằng: Vì Ông Cồ Ðàm thầm vụng yêu đương cô Sundarì , khi biết chuyện đổ bể ra nên giết cô để diệt khẩu, nay đã tìm thấy nơi đống bông cũ gần bên tư thất của thầy Cồ Ðàm.



    Khi ấy đức vua nghe bọn ngoại đạo đem chuyện ấy nói mọi nơi, Ngài liền cho mật thám phải đi dò thăm cho ra sự thật. Người thành Thất La Phiệt, ngoại trừ các bực Thánh nhơn thì ai ai cũng lấy làm chán nản mất đức tin với đức Thế Tôn.

    Còn chư Tỳ khưu còn là phàm nhơn lấy làm bất bình vào bạch Phật chuyện ấy. Ðức Thế Tôn liền dạy: Nầy chư Tỳ khưu, các thầy đừng phiền trách hàng đại chúng, người nào nói xấu kẻ vô tội, người ấy sẽ thọ lấy cái quả của mình đã làm. Rồi Ngài dạy câu kệ:

    ABHMTAVADINIRIYAM UPETI YO
    PÀPAM KATVÀNA KAROMICCAHAM
    UBHOPI TE PECCA SAMÀBHÀVANTI
    NIHÌNAKAMMÀ MANUJA PURATTHATI.

    Nghĩa: Người nói xấu kẻ khác bằng lời nói dối khi nói không thật, người ấy phải bị đọa vào địa ngục. Hơn nữa, người nào làm việc chẳng lành, lại che giấu tội ấy bằng lời nói rằng: Tôi không có làm tội lỗi đê hèn ấy, rồi cố che không cho ai biết. Hai hạng người ấy sau khi từ bỏ cõi đời nầy sẽ bị thọ khổ trong bốn đường ác đạo. Người không làm việc ác, hằng ngày làm lợi ích cho người đời, người ấy sẽ thoát khỏi ác đ?o và sẽ được hưởng quả cao thượng trong đời nầy và vị lai.

    Sau khi dứt câu kệ có rất nhiều vị đắc Thánh quả.

    Ðồng thời ấy, mật thám của đức vua đã bắt gặp được bọn côn đồ giết nàng Sundarì đang uống rượu say cãi nhau rằng: Bộ chỉ có một mình ngươi là người giết cô Sundarì sao? Chúng ta đồng làm chuyện ấy thì phải được hưởng đồng đều.

    Mật thám liền bắt hết bọn ấy đưa về thành để đức vua phán xét. Khi về đến đức vua phán hỏi: Phải bọn ngươi giết cô Sundarì không? Bọn côn đồ thú thật mọi việc. Ðức vua liền hạ chiếu bắt hết bọn ngoại đạo đã chủ mưu chuyện ấy, tùy theo tội nặng nhẹ mà xử.

    Khi ấy đức Thế Tôn mới thuyết cho chư Tỳ khưu nghe rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, không phải chỉ có kiếp nầy nàng Sundarì nói dối và nói xấu Như Lai mà thôi đâu. Cô ấy đã từng nói xấu Như Lai kiếp quá khứ rồi.

    Chư Tỳ khưu thỉnh cầu đức Thế Tôn dạy Túc Sanh Truyện ấy.

    Ðức Thế Tôn dạy: Trong kiếp quá khứ có nhà vua tên Brahamadatta trị vì xứ Bàrànasì. Khi ấy đức đại Bồ Tát sanh vào gia đình của vị Ðại thần. Sau khi cha quá vãng đức Bồ Tát được thay cha kế vị.

    Khi ấy đức vua có một bà Hoàng hậu, đức vua lấy làm yêu thương. Lúc nọ, có loạn ở biên cương, quan quân không dẹp nổi, nên đức vua phải thân chinh. Trước khi đi Ngài cho Hoàng hậu hay và bảo phải ở lại xem việc trào chánh thay Ngài. Hoàng hậu nằn nằn đòi theo, nhưng không được đức vua chấp thuận. Lịnh bà liền yêu cầu đức vua phải cho quan hầu về cho tin luôn luôn, đức vua nhận lời. Khi đi mỗi do tuần đều cho về một vị quan hầu để cho bà hay nhà vua đã đi đến nơi nào và bình yên.

    Mỗi vị quan hầu về cho tin, đều được lệnh bà chiếu cố một đêm với bà. Từ kinh thành đến nơi nổi loạn xa ba mươi hai do tuần, nghĩa là có ba mươi hai vị quan hầu về cho bà hay và bà đã chiếu cố ba mươi hai vị.

    Sau khi dẹp xong loạn quân đức vua hồi trào. Cũng mỗi do tuần đều cho một vị về cho Hoàng hậu biết tin. Ba mươi hai vị ấy cũng được bà chiếu cố mỗi vị một đêm với bà. Tính cả thảy là sáu mươi bốn vị gần với bà trong khi đức vua dẹp loạn.

    Khi về đến thành đức vua còn ở ngoài thành để cho quan hầu đưa tin vào cho vị Ðại thần ở trào (là đức Bồ Tát) biết để lo chuẩn bị tiếp đón Ngài. Ðức Bồ Tát liền vào hoàng cung báo tin ấy cho Hoàng hậu hay.

    Khi bà trông thấy vị Ðại thần trẻ tuổi đẹp trai thì bà ưng ý, bà liền tỏ vẻ yêu đương, nhưng đức Bồ Tát cương quyết phản đối chuyện đê tiện ấy. Bà cho biết sáu mươi bốn vị quan kia đã làm như lời bà, mặc dầu vậy đức Bồ Tát cực lực phản đối. Bà lấy làm tức giận sanh oán thù. Bà liền nghĩ ra kế là vu cáo Ngài. Bà liền xé y trang cào mặt mày trầy.

    Ðức vua ngự vào thành đến hoàng cung thăm bà trước nhứt, thấy tình trạng của bà như vậy phán hỏi, bà liền vu oan rằng: Ðã bị vị Ðại thần ấy cưỡng dâm nhưng bà không bằng lòng nên bị đánh đập như vậy. Ðức vua lấy làm tức giận truyền đem Ðại thần ra xử tử.

    Nhưng đã là đức Bồ Tát thì trí tuệ hơn người nên Ngài liền thuật lại câu chuyện Hoàng hậu hành động đê hèn như vậy có cả sáu mươi bốn vị quan làm bằng. Ðức Bồ Tát liền dạy đức vua phải hành động cho đúng là một vị minh quân, và phải có ngũ giới nhứt là phải có pháp không tây vị.

    Sau khi thuyết pháp xong đức Bồ Tát xin xuất gia vào ở rừng Tuyết Lãnh.

    Sau khi thuyết Túc Sanh Truyện xong Ngài dạy rằng: Vị đại Bồ Tát trong ấy chính là Như Lai hôm nay, bà Hoàng hậu trong khi ấy chính là cô Sundarì trong kiếp nầy. Ananda đức vua trong kiếp ấy.



    HÓA ÐỘ NGOẠI ÐẠO SACCAKA

    SÀCCAM VIHÀYA MATISACCAKAVÀDAKETUM
    VÀDÀBHIROPITAMANAM ATIANTABHMTAM
    PANNAPAVÌPAJALITO JITAVÀ MUNINDO
    TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI.

    Nghĩa: Ðức Phật sáng suốt nhờ ngọn đèn tuệ. Ngài đã cảm thắng ngoại đạo tên Saccaka là kẻ không ngay thật. Chỉ ưa thích sự nâng cao lời nói mình như người dựng cột phướn, kẻ rất si mê, chẳng khác người mù. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho sự hạnh phúc phát sanh đến người.

    CHUYỆN TÍCH

    Khi đức Thế Tôn ngự tại Kutagàrasàlà ở rừng Mahàvana gần thành Vesàlì. Trong khi ấy có con của một người Nigraítha tên là Saccaka ở trong thành Vesàlì. Saccaka là người rất có tài biện luận. Khi đến vấn đạo một vị giáo chủ nào thì vị ấy không sao trả lời câu hỏi của y được. Thật là một người rất thông minh giỏi về việc vấn nạn người. Người thời ấy đặt tên y là Ðại Trí Thức.

    Saccaka thường tự hào khoe khoang tài mình giữa nơi hội họp rằng: Ta chưa từng gặp bậc Sa môn hay Bà la môn hoặc các vị Tổ sư của một đạo giáo nào tự xưng là A-la-hán hiểu thông mọi sự việc để ta được vấn nạn cho mãn nguyện.

    Chỉ có những người bị ta vấn nạn trước công chúng mồ hôi chảy ướt cả châu thân vì thẹn là không trả lời được câu hỏi của ta. Sự thật khi mà ta đã vấn nạn góc cột hoặc vật vô tri giác nó cũng kinh sợ run rẩy lên.

    Nhờ chút tài mọn chưa gặp người đối đáp nên tên ngoại đạo Saccaka tự kiêu, tự đắc, ngạo mạn càng ngày càng nặng, khinh khi tất cả các bực trưởng lão và các bực xuất gia.

    Khi ấy có nhiều vua chúa, các quan cùng các nhà quí phái đưa con đến xin học với y. Khi ấy y tự xưng cho mình là Giáo sư tên là Disàpamokkha (có nghĩa là vị Giáo sư giỏi nhứt trong một châu).

    Bịnh ngạo mạn tự kiêu càng ngày càng nặng, nên ngày nọ y mới nghĩ rằng: Ta là người học nhiều hiểu rộng, lão thông kinh sử, trên đoạt thiên văn dưới thông địa lý. Sự hiểu biết của ta càng ngày càng thêm nhiều, ngày nào đây bụng ta không còn có chỗ chứa nổi nữa nó sẽ nổ tung ra. Vậy ta phải làm một cái niền để niền cái bụng lại để cho nó khỏi nổ tung ra. Tôi (soạn giả) dịch đến đây lấy làm lạ cho bực gọi là Ðại trí thức mà nghĩ chuyện trẻ con như vậy. Nhưng tôi không dám bỏ đoạn nầy vì trong kinh nói sao tôi thuật y vậy.

    Tất cả người trong thời kỳ ấy lấy làm lạ và xôn xao bàn tính về cái bụng niền bằng cái niền sắt của người ngoại đạo Saccaka ấy. Tiếng đồn đại đến các lân quốc.

    Tên tuổi của Saccaka không ai không biết và không ai không ca tụng kính nể. Vì vậy mà bịnh của y càng ngày càng trầm trọng. Nếu y nghe rằng: Nơi nào có các vị trí thức là Sa môn hay Bà la môn hoặc ai chẳng hạn, không nề đàng xa hay cực nhọc y thân hành đến vấn nạn.

    Ðồng thời ấy Hồng danh của đức Ðại Giác cũng đang phổ biến sâu rộng trong thế gian. Pháp bảo của Ngài chiếu ánh sáng huy hoàng tất cả mọi nơi đều sùng bái và tu theo giáo lý của Ngài nhiều không kể xiết. Hầu như thời kỳ ấy không một ai không biết Phật là vị đại Sa môn Cồ Ðàm. Vị Chánh đẳng Chánh giác, đấng Ðại Giác, đấng Ðại Từ Bi, đấng Phổ độ những người bất kham v.v... Saccaka nghe tin ấy lấy làm bất mãn vì y muốn rằng: Tiếng Ðại trí thức độc quyền một mình y thôi. Nên y có ý định sẽ tìm Phật để vấn nạn, làm cho Phật không còn thanh danh và mất hết uy tín trong thế gian nầy.

    Ngày nọ, Ðại Ðức Assaji (vị Ðại Ðức mà Ngài Xá Lợi Phất gặp đầu tiên và do Ngài thuyết pháp nên đắc Tu-đà-hườn) đang đi khất thực trong thành Vesàlì. Saccaka trông thấy Ðại Ðức từ xa đi đến gần Ngài và hỏi: Thưa thầy, ông Sa môn Cồ Ðàm hằng giáo hóa hàng đệ tử những gì?

    Ngài Ðại Ðức đáp: Nầy Aggivesana , đức Thế Tôn hằng dạy chư đệ tử nhiều pháp môn không sao kể hết được, nhưng có thể tóm lại là: Sắc không thường. Thọ không thường. Tưởng không thường. Hành không thường. Thức không thường. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không thường là không phải của ta gọi là Vô Ngã. Ðây là lời giáo hóa của đức Bổn Sư.

    Khi nghe xong trở về nơi cư ngụ, gọi tất cả học trò lại đưa vấn đề đã hỏi ngài Ðại Ðức ra bàn cãi nhau và mọi người nơi ấy đều có quyền đưa ý kiến ra. Sở dĩ mà Saccaka làm như vậy vì muốn tìm ra tất cả ý kiến mọi người cho thật chu đáo đến vấn nạn Phật. Khi mọi người đều đưa ý kiến và Saccaka đã thu lượm được rất nhiều ý kiến, y chắc rằng đã chu đáo hoàn toàn rồi. Vì y đã chọn lọc những ý kiến hay rồi.

    Saccaka liền tìm đến Ðại Ðức Assaji hỏi Ngài: Nầy ông Assaji , ông xuất gia đây có lợi ích chi cho ông?

    - Nầy Saccaka , bần đạo xuất gia hầu được sự ích lợi là giải thoát.



    - Nầy ông Assaji ơi, lời nói đây thật là chuyện vô ích, mà việc làm của ông là nhân đi đến nơi địa ngục, không phải là lối đi đến nơi an lạc đâu. Từ kiếp này đến kiếp sau xin ông đừng bao giờ nói đến tiếng nầy nữa, lời ấy thật là lời không nên nói. Thật là lời đáng ghê tởm. Ông hãy nghe lời ta đây, ông hãy về chỗ của ông Cồ Ðàm đang ở và ta cũng dẫn năm trăm đệ tử ta đến nơi ấy.

    Ông liền gọi năm trăm đệ tử đắc ý của ông nhứt là năm trăm vị hoàng thân vua Licchavì xứ Vesàlì , đến nơi Phật ngự.

    Theo thường lệ của đức Ðại Giác thì hằng ngày sáng sớm thường dùng tuệ giác xem coi chúng sanh nào có duyên lành với Ngài để Ngài đi tế độ. Sáng hôm ấy đức Thế Tôn thấy Saccaka đã đi sâu vào lưới giác ngộ của Ngài, ông ấy sẽ bỏ lòng tự cao tự đại, xuất gia theo Phật giáo. Sau khi thoát sanh được sanh về cõi trời, sau khi Như Lai nhập diệt, ông nầy sẽ là người đem Phật giáo truyền bá tại Tích Lan. Saccaka sẽ sanh vào gia đình Bà la môn, là người có trí tuệ không ai có gì đo lường được, có lòng trong sạch với Phật giáo, xuất gia theo vị Ðại Ðức tên là Moggalliputta đắc A-la-hán quả. Vậy Như Lai nên quá độ cho được Saccaka nầy. Nên đến sáng ngày đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vesàlì khất thực, sau khi khất thực xong đức Thế Tôn không dẫn chư Tỳ khưu về chùa mà lại dẫn lại ngự dưới một cội cây ở nơi rừng Mahàvana và thọ thực nơi ấy.

    Saccaka cũng dẫn đệ tử vào rừng Mahàvana gặp đức Thế Tôn đang ngự nơi ấy. Y liền đến gần tính vấn nạn Phật nhưng khi đến gần lấy làm kinh sợ nên tỏ vẻ kính trọng chớ không hách dịch như gặp các vị khác. Ông ta liền hỏi:

    - Nầy ông đại Sa môn, thật là hân hạnh được gặp ông hôm nay. Tôi được nghe danh tiếng của ông vang rền như cồn, vì vậy nên tôi cố tìm ông hầu luận đàm pháp lý với ông.

    - Nầy Saccaka , nếu ngươi muốn hỏi ta bao nhiêu và những gì thì cứ hỏi tự tiện hỏi. Như Lai rất vui lòng giải đáp những gì thắc mắc của ngươi.

    - Nầy ông Cồ Ðàm, ông hằng giáo hóa tín đồ những gì? Và những lời chỉ giáo ấy phần nhiều là gì?

    - Nầy Aggivesana , Như Lai hằng dạy hàng đệ tử như vầy, những lời dạy c?a ta phần nhiều là Sắc không thường, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không thường. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không phải là ta, không phải của ta. Các pháp đều không phải là ta, không phải của ta. Như Lai hằng dạy hàng đệ tử như vậy.

    - Nầy ông Sa môn Cồ Ðàm, tất cả các thứ giống đều mọc lên tươi tốt đều nhờ vào quả địa cầu, lớn lên cũng nhờ quả địa cầu. Cũng ví như tất cả những hành vi và các việc làm của ta cũng nhờ quả địa cầu, nghĩa là vì có quả địa cầu thì ta mới có chỗ ở mà hành sự; điều nầy ta muốn đề cập đến là vì nhờ có Sắc là của ta, Thọ là của ta, Tưởng là của ta, Hành là của ta, Thức là của ta. Nhờ ta ở trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức mới có hưởng được tất cả mọi sự việc khoái lạc trong đời.

    - Nầy Aggivesana , ngươi nói như vậy có phải ý ngươi muốn nói như vậy: Sắc là của thân ta, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là của thân ta có phải vậy không?

    - Phải vậy, mà tất cả những người có mặt nơi đây cũng đồng ý với ta như vậy.

    - Nầy Aggivesana , nay ngươi đến đây để đưa ra ý kiến chắc của ngươi là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức chắc là của thân ta. Những vật ấy đều ở dưới quyền sử dụng của bản thân ta. Giờ đây nếu thật Sắc ấy là của bản thân ngươi thật. Vậy ngươi hãy bảo Sắc của ngươi rằng: Sắc thân của ta không được phép già. Nếu Sắc thân ấy vâng lời ngươi thật nghĩa là không già. Khi ấy Như Lai xin tin theo ngươi rằng: Sắc là của ta. Sẽ lo săn sóc và bồi bổ cho thân nầy, mà cũng hết lòng thương mến nó. Ngươi nên bảo tóc của ngươi rằng: Tóc hãy đen hoài đừng bạc. Răng hãy ở mãi mãi với ta đừng rụng. Thử coi những vật ấy có vâng lời ngươi chăng? Thật ra nếu ngươi có khẩn cầu van xin tới đâu đi nữa, Sắc ấy cũng chẳng bao giờ vâng lời ngươi, nó sẽ từ từ thay đổi theo thời gian và theo ý nó.

    Vậy nay ta hỏi ngươi: Sắc ấy có phải là của ta chăng? Vậy từ đây đi ngươi hãy bỏ ý định: Các Sắc là của ta.

    Saccaka không thể trả lời được nên cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Vì quá hổ thẹn nên không đủ sáng suốt để đối đáp, nên ngồi lặng thinh. Ðức Thế Tôn hỏi lần thứ nhì đến lần thứ ba mà Saccaka cũng vẫn lặng thinh không trả lời được.

    Phàm một vị Chánh đẳng Chánh giác không bao giờ hỏi ai đến bốn lần, nếu đến lần thứ tư thì người ấy sẽ bị chết liền tại chỗ. Khi đức Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba vài phút sau, có Dạ xoa tên là Vajirapàni hiện ra tay cầm cây côn to, hào quang cây côn ấy chiếu lòa cả mắt, đứng trên không trung hét to lên rằng: Nầy Saccaka , nếu ngươi mà câu nệ và tự cao không trả lời câu hỏi của đức Thế Tôn để làm cho ý nghĩa đầy đủ, ta sẽ đập nát đầu ngươi ra. Vì đức Ðại Giác không hề hỏi ai đến ba lần, mà nay đã hỏi ngươi ba lần rồi, đến lần thứ tư ta không dung tha ngươi được. Vì trước mặt đức Ðại Từ Bi nên ta đã dung cho ngươi đến câu thứ ba rồi không còn dung câu thứ tư được.

    Nơi ấy chỉ có đức Thế Tôn trông thấy Dạ xoa bằng Thiên nhãn của Ngài, còn Saccaka trông thấy vì Dạ xoa muốn cho Saccaka thấy. Saccaka thấy hình dung kỳ dị hung ác của Dạ xoa đã kinh khủng lắm rồi mà còn bị đe dọa rằng sẽ đập nát đầu nữa nên Saccaka liền cuối lạy đức Thế Tôn và nói:

    - Bạch đức Thế Tôn, Ngài là nơi nương nhờ của tôi. Bạch Ngài, xin Ngài cứ hỏi tôi xin đáp lời Ngài.

    - Nầy Saccaka , ngươi là kẻ ngoan cố, chấp rằng: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là của ta, là ta, là vật dưới quyền sở hữu của ta có phải vậy chăng? Hay là không phải?

    - Bạch Ngài, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thật không phải ta. Không phải của ta. Không dưới quyền sở hữu của ta. Không thể rầy la nó được.

     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:07 AM | Message # 43
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Khi ấy đức Thế Tôn liền dạy rằng:

    - Pháp nào không thường là vật đem khổ não đến ta, nếu vật nào đem khổ não đến thì vật ấy không phải của ta, mà cũng chẳng phải là ta, ba pháp ấy gọi là Vô thường, Khổ não và Vô ngã. Ðức Thế Tôn còn dạy nhiều pháp khác nữa.

    Ðức Thế Tôn muốn nhắc cho Saccaka có thêm trí nhớ và trí tuệ nên Ngài dạy rằng:

    - Nầy Saccaka , người trong thế gian nầy khó mà gặp được đấng Ðại Giác, có khi người phải luân hồi hằng trăm ngàn đại kiếp cũng không gặp được đức Chánh đẳng Chánh giác. Hiện nay ngươi là người có đào tạo nhiều duyên lành để dành trong vô số kiếp nên mới gặp được Như Lai.

    Khi ấy, Saccaka cảm thấy lòng trong sạch kính thành với Phật bảo. Ông mới nói: Bạch Ngài Cồ Ðàm, chúng tôi những người có mặt nơi đây, toàn là những kẻ si mê, tà kiến, cố ý đến để vấn nạn Ngài, thâm tâm chúng tôi muốn vấn nạn Ngài, không cho Ngài có lối thoát, bắt buộc Ngài phải kính phục chúng tôi. Trái lại Ngài là đấng Ðại Từ Bi, dập tắt được tà kiến của chúng tôi bằng Pháp bảo, ví như người bị rắn độc cắn đang bị nộc hành thật là khổ sở, nhờ người đem thuốc đến chữa cho lành mạnh; người cho thuốc ấy chính là Ngài vậy. Hiện giờ tôi được sáng suốt cũng nhờ Pháp bảo của Ngài soi đường, đã ra khỏi vòng tà kiến. Tôi có thể làm cho tâm tôi được an vui. Ngài là vị đưa sự an vui tiến hóa vĩnh viễn cho chúng tôi. Tôi xin thỉnh cầu đức Thế Tôn và chư Tỳ khưu đến thọ thực nơi tư gia tôi sáng mai nầy. Saccaka biết đức Thế Tôn nhận lời nên gọi năm trăm đệ tử ra về và bảo rằng:

    - Mai nầy các ngươi hãy đến tư gia ta để làm lễ trai Tăng đấy nghe.

    Sáng ngày, đức Thế Tôn và chư Tăng đến thọ thực tại nhà của Saccaka. Saccaka lấy làm vui mừng được đức Thế Tôn đến trai Tăng. Nên ông lo lắng hết sức chu đáo. Khi trai Tăng xong ông liền bạch Phật rằng:

    - Bạch hoá đức Thế Tôn, Ngài là người ban bố sự an vui và hạnh phúc cho tôi. Xin Ngài nhận tôi là người tín đồ Phật giáo.

    Ðức Thế Tôn dạy:

    - Nầy Saccaka , ngươi làm phước lần nầy gọi là làm phước vĩ đại đúng theo pháp Ba la mật, kiếp sau ngươi sẽ diệt tận tham ái, sân hận, si mê không đi vào ác đạo nữa.

    THU PHỤC LONG VƯƠNG NANDOPANANDA

    NANDOPANANDABHUJÀGAM VIBUDHAMMA- HIDDHIM
    PUTTENA THERABHUJAGENA DAMÀPAYANTO.
    IDDHMPADESAVIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO
    TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMAÍGALÀNI.

    Nghĩa: Ðức Phật dạy Ðại Ðức Mục Kiền Liên biến làm Long Vương để thu phục rồng chúa Nanh Ðô Pá Nanh Ðá (NANDOPANANDA) là rồng tà kiến có nhiều thần thông. Nhờ dạy Ðại Ðức Mục Kiền Liên mà đức Chánh Biến Tri thâu phục được rồng chúa ấy. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho sự hạnh phúc phát sanh đến người.

    CHUYỆN TÍCH



    Lúc nọ đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc tại thành Thất La Phiệt. Khi ấy ông Trưởng giả vào thỉnh cầu đức Thế Tôn và năm trăm vị Ðại Ðức đến thọ thực nơi nhà của ông sáng hôm sau. Ðức Thế Tôn nhận lời bằng cách lặng thinh.



    Phận sự của đấng Ðại Giác là đến canh chót Ngài dùng tuệ nhãn xem coi chúng sanh nào có duyên với Ngài sáng hôm ấy để Ngài đi hóa độ. Ngày ấy, Ngài trông thấy Long vương Nandopananda là rồng rất hung ác nhưng lại có duyên lành với Ngài. Ðức Thế Tôn nghĩ: Vậy trong hàng đệ tử vị nào là người có thể hóa độ Long vương nầy thay Như Lai. Ðức Thế Tôn thấy Ngài Ðại Ðức Mục Kiền Liên là người có duyên thâu phục Long vương.

    Sáng ngày, đức Thế Tôn dạy Ðại Ðức Ananda cho năm trăm vị Ðại Ðức biết rằng: Ðức Thế Tôn ngự lên cõi trời. Các vị liền tụ lại đông đủ để cùng đi theo đức Thế Tôn.

    Ðồng thời, Long vương Nandopananda dẫn cung phi mỹ nữ ra nơi đồng trống, hiện ra một tòa lầu thật nguy nga đồ sộ. Toà lầu ấy trang điểm bằng các thứ ngọc quí thật là đẹp. Long vương truyền dọn yến ăn uống vui chơi.

    Ðức Thế Tôn dẫn chư Ðại Ðức đến nhà ông Trưởng giả Cấp Cô Ðộc để thọ thực, thay vì Ngài đi thẳng đến nhà ông Trưởng giả, trái lại Ngài dẫn chư Tăng bay lên cõi trời Ðạo Lợi mà lại bay qua lâu đài của Long vương đang ăn uống vui chơi. Trước khi đi đức Thế Tôn dùng thần thông làm cho hào quang chiếu sáng và Ngài phát nguyện rằng: Xin cho chư Thiên và nhân loại cùng tất cả các loài có thức tánh đều trông thấy Như Lai và chư Tăng ngự đi lên trên cõi trời. Khi phát nguyện xong Ngài dẫn chư Tăng bay đi trên không như người đi trên bộ, ai ai cũng trông thấy rõ ràng.



    Trong khi đức Phật và chư Tăng đang bay đi, Long vương lại trông thấy, lấy làm tức giận và rất ghét, nghĩ rằng: Bọn Sa môn nầy thật là dại dột, không biết kính nể oai thần, không biết khiếp sợ ta. Nếu họ muốn đi đến cõi Ðạo Lợi thì cứ đi, nhưng xin đừng bay ngang qua đầu ta, nếu bay ngang qua đầu ta, thì ta sẽ gây sự với bọn ấy liền. Chắc chắn rằng: Khi bọn ấy bay ngang qua đầu ta thì cát bụi dưới chân bọn ấy sẽ rớt lên đầu ta và vật thực của ta. Vậy trước hết ta phải đón đường chúng không cho chúng đi ngang qua đây.

    Nghĩ xong, Long vương liền dùng mình quấn lấy núi Tu Di cao tám muôn bốn ngàn do tuần, rộng một muôn do tuần bằng cái đuôi, còn đầu thì che mất cõi Ðạo Lợi ngoài ra Long vương còn làm cho mây bay khói tỏa mịt mù tối đen làm cho không thấy đường đi.

    Ðại Ðức Ratthapàla thấy bỗng dưng thiên ám địa hôn như vậy, nên đến gần Phật và bạch hỏi.

    Ðức Thế Tôn đáp: Có chuyện lạ như vậy là do nơi Long vương tên Nandopananda đang giận dữ muốn làm hại Như Lai và đang nguyền rủa Như Lai thậm tệ, đang dùng đuôi quấn núi Tu Di và đầu che án cõi Ðạo Lợi làm cho trời tối không thấy chi hết.

    Ðại Ðức Ratthapàla nghe vậy liền xin Ðức Thế Tôn cho phép Ngài dùng thần thông để thâu phục Long vương tà kiến ấy. Ðức Thế Tôn không nhậm lời. Lần lượt đến tám mươi vị đại đệ tử đến xin kể có cả Ðại Ðức Xá Lợi Phất nhưng không vị nào được Ngài ban cho đặc ân ấy. Sau cùng đến Ngài Mục Kiền Liên, đức Thế Tôn mới nhậm lời.

    Sau khi nhậm lời xong Ngài liền dạy: Như Lai cho phép ngươi đi độ Long vương. Như Lai cầu chúc ngươi thắng và thâu phục được Long vương ấy. Ðức Thế Tôn ngồi trên hư không có chư Thánh Tăng đứng hầu, để xem Ðại Ðức Mục Kiền Liên thâu phục Long vương.

    Ðại Ðức thấy Long vương biến hình to như vậy Ngài nghĩ rằng: Long vương nghĩ rằng, biến thân hình như vầy là to lớn lắm rồi, vì Tu Di sơn vương là núi to nhất mà y còn quấn bảy lần. Y định rằng: Không còn có nhân vật nào lớn bằng. Vì vậy nên dám cả gan muốn giết đấng Ðại Giác. Ta phải làm cho Long vương mất hết tâm thâm độc nầy, bỏ lòng tà kiến. Ngài liền hóa ra Long vương lớn gấp đôi Long vương Nandopananda và quấn bên trên mình của Long vương ấy và siết chặt vào làm cho Long vương Nandopananda bị ép chặt vào núi Tu Di, còn đầu của Ngài Ðại Ðức hóa Long vương to hơn đầu Long vương Nandopananda hằng trăm lần. Thân hình Long vương mà Ðại Ðức hóa ra quấn Long vương Nandopananda mười bốn lần. Long vương Nandopananda lấy làm khổ sở vì bị một sức mạnh lớn hơn hằng triệu lần quấn và ép vào Tu Di sơn, hình như xương bị gãy ra từng đoạn; không thể thở được thì làm sao cử động được.

    Không còn chịu đựng với sự khổ sở ấy nữa nên Long vương liền thu hết tàn lực thổi ra một làn khói độc. Ðại Ðức biết rõ Long vương nầy có một chất độc vô cùng tai hại, có thể làm chết hết nhân loại và cỏ cây không thể sống được nếu không bị cháy tiêu tức khắc. Ngài liền dùng thần thông thâu hết chất độc đến đổi ngọn cỏ ở kề bên cũng không bị rung động. Khi thấy đã dùng đến hơi độc vô cùng nguy hiểm mà không làm gì được Ðại Ðức, Long vương liền hóa lửa để đốt Ngài. Ðại Ðức liền dùng ngay thiền định về chất lửa đẩy lui lửa của Long vương mà còn làm cho Long vương bị nóng nảy không sao chịu nổi. Thân hình Long vương bị lửa của bản thân mình hóa ra bao bọc coi như là một cây lửa cao tám muôn bốn ngàn do tuần vậy.

    Long vương Nandopananda mới nghĩ rằng: Người nầy tên gì? Từ đâu đến? Thần thông cao đệ nhứt, hơn cả ta. Vậy ta nên hỏi xem cho biết. Long vương mới hỏi: Ông tên chi? Từ đâu đến? Xin ông cho tôi biết.

    - Bần đạo là đệ tử chánh thức tay trái của đức Giác Ngộ tên là Mục Kiền Liên.

    - Bạch Ðại Ðức, Ngài là vị Sa môn, tại sao Ngài lại nỡ hành hạ tôi như thế nầy. Ðây thật là việc mà Ngài là bực Sa môn không bao giờ nên làm.



    - Nầy Long vương, chính tâm bần Tăng không hề vì sân hận hay chút giận hờn gì làm cho ngươi khổ, hay làm hại nhân vật. Nhưng bần đạo đến đây vì tâm từ bi muốn giáo hoá Long vương đấy thôi, thâm tâm bần Tăng chỉ muốn đưa Ðại vương ra khỏi nơi tội lỗi tà kiến, để đi theo con đường chân chánh là Bát chánh đạo. Vậy Ðại vương không nên phiền trách bần đạo.

    - Bạch Ðại Ðức, Ngài muốn vậy và làm như thế nầy thật là bất phải, vì Ngài làm khổ tôi. Vì vậy nên tôi cho rằng: Ngài không có hạnh kiểm như chư vị Sa môn khác.

    Ðại Ðức nghe Long vương nói vậy Ngài liền hiện ra một vị Tỳ khưu, rồi Ngài dạy rằng: Nầy Long vương Nandopananda , ngươi nên biết rằng: Mặc dầu ngươi là Long vương nhưng vẫn còn trong hạng thú; ngươi lại có sự dễ duôi quá đáng, không phân biệt tội phước mà cũng chẳng hiểu tội phước, và lợi ích hiện tại và vị lai gì hết. Ngươi không biết ân đức Tam bảo hơn cả mẹ cha. Vậy ngươi có nên dùng lời đê tiện chưởi rủa mắng nhiếc một bực Ðại Từ Bi như đức Chánh đẳng Chánh giác hay không? Nầy Long vương, tâm ngươi thật là tâm si mê tột độ. Nếu chân của đức Từ Bi mà chạm đến đầu của ngươi là vạn hạnh cho ngươi lắm rồi. Ngươi có biết tất cả chư Thiên, Phạm Thiên đều mong được có dịp để đảnh lễ và cúng dường hay nghe lời giáo hóa của Ngài, cũng mong được cúi đầu làm lễ vi trần dưới chân Ngài nhưng vẫn còn khó có dịp may như vậy thay. Hơn nữa chúng sanh trong tam giới khó mà gặp được đức Ðại Giác, có khi sanh lại nhiều muôn ngàn kiếp cũng chưa có dịp may để gặp bực Ðại Giác, dầu cho dấu chân của Ngài cũng khó trông thấy. Còn ngươi là vị Long vương thuộc về một trong bốn đường ác mà còn là con vật tà kiến lại dám chưởi mắng vị Chánh đẳng Chánh giác, là vị Thiên Nhơn Sư, ngươi dễ duôi khinh thường vị Chánh đẳng Chánh giác, đây cũng do nơi nghiệp chướng của ngươi thật nặng nề.

    Nói xong Ngài liền đi kinh hành trong lỗ tai mặt của Long vương ra lỗ tai trái. Ði vào lỗ mũi bên nầy ra mũi bên kia, Long vương bị Ngài đi kinh hành như vậy lấy làm khó chịu liền nói: Ðại Ðức, lẽ cố nhiên của một vị Sa môn hằng hành theo chánh pháp là Từ Bi. Còn Ðại Ðức thì không có lòng từ bi thương hại tôi. Ngài đã nói rằng: Ngài chẳng giận hờn phiền hà tôi. Nhưng tại sao Ngài hành hạ tôi như thế nầy. Lời nói và việc làm của Ngài không đi đôi nhau chăng? Nói xong Long vương liền hả miệng ra.

    Ðại Ðức Mục Kiền Liên nghe vậy nghĩ rằng: Hôm nay ta đã nhứt định giáo hóa Long vương nầy phải bỏ tà kiến, nên Ngài nói: Nầy Long vương, chính ngươi không biết kính trọng các bực Sa môn, Bà la môn là các bực hành chân chánh theo chánh pháp. Sở dĩ bần Tăng phải hành ngươi như thế nầy vì ngươi có tâm rất là hung ác sân hận, làm hại người. Giờ đây ngươi lại còn có ý định nhai ta, nhưng trái lại ta không hề có ý muốn làm hại ngươi. Vậy ngươi nên tỏ ra ngươi là kẻ biết ân người như ta là người đến giáo hóa ngươi. Ngươi nói rằng: Ta hành hạ ngươi, thật ra ta làm cho ngươi khổ như vầy cũng chưa xứng tội ngươi. Ta có ý muốn gieo duyên lành với ngươi, muốn cho ngươi trông thấy lợi ích cao cả trong ngày vị lai. Nói xong, Ðại Ðức liền đi ngay vào miệng Long vương đang hả răng bén như gươm đang sẵn sàng để nhai Ngài. Long vương không thể nào nhai Ngài được và để Ngài tự do đi kinh hành trong miệng, trong bụng.

    Ðức Thế Tôn biết rõ trong lòng Long vương đã kinh sợ Ðại Ðức lắm rồi. Ngài liền gọi Ðại Ðức rằng: Mục Kiền Liên, con đừng quên rằng: Long vương nầy có rất nhiều thần thông.

    Ðại Ðức đáp: Bạch đức Thế Tôn, đệ tử đã có công rèn luyện bốn phép nguyện vọng pháp mầu, không thể dễ duôi lười biếng bỏ qua công phu ấy thì đệ tử có sợ gì Long vương Nandopananda nầy. Dầu cho có hằng muôn, ngàn Long vương như thế nầy đệ tử cũng có thể thu phục để bỏ dữ về lành được. Xin đức Ðại Từ Phụ đừng quan tâm chi.

    Long vương nghĩ: Vị Sa môn nầy đã nói rằng: Không hề có tí giận hờn nào về ta, nếu Ngài không giận hờn gì ta thiệt thì xin Ngài hãy ra; không nên đi kinh hành trong bụng ta như vầy.

    Chỉ suy nghĩ thầm trong tâm như vậy mà Ngài Ðại Ðức biết rõ, Ngài liền hiện ra đứng ngay trước mặt của Long vương.

    Long vương thấy Ngài hiện ra trước mặt, liền nghĩ: Vị Sa môn nầy thần thông cao thượng, hơi thở ta có thể tiêu tan một quả núi đá. Vậy sao ta không dùng hơi thở ta mà giết ông ta cho rồi. Nghĩ xong Long vương liền gom hết hơi lại thở một cái thật mạnh ngay vào người của Ngài Ðại Ðức, sức gió ấy độc và mạnh hơn cả bão tố, nếu không do nơi oai đức của Ngài thì núi rừng nơi ấy đều tiêu hoại hết. Vì biết tâm Long vương hung ác nên khi ấy Ngài Ðại Ðức đã dùng thần thông chế ngự được hơi độc ấy, mặc dầu chéo y của Ngài cũng chẳng hề rung động.

    Long vương thấy hơi thở của mình vô cùng dũng mãnh mà không làm gì Ngài Ðại Ðức được thì lấy làm kinh sợ và nghĩ: Thật thầy Sa môn nầy thần thông vô lượng vô biên; nếu ta cố tranh tài với Ngài thì chắc lấy tai hại cho mình thôi. Vậy thượng kế là trốn càng mau càng hay. Nghĩ xong liền bỏ chạy thật lẹ.

    Ðại Ðức thấy Long vương tháo ra bỏ chạy thật lẹ, Ngài liền biến ra một giống chim rất là hung dữ thường bắt rồng ăn đó là chim đại bàng Kim sí điểu; chim nầy to lớn khác thường, một cái đập cánh bay xa hằng mấy chục do tuần. Tiếng đập cánh của đại bàng Kim sí điểu như sấm nổ lưng trời làm cho Long vương kinh sợ không cùng liền thu hình nhỏ lại để chun vào kẹt đá cho dễ nhưng đại bàng khôn hơn vỗ cánh quạt tảng đá bay ra rất xa. Làm Long vương không biết trốn tránh nơi nào; liền hiện lại nguyên hình, rồi hoá ra một thanh niên tuấn tú, quì xuống đảnh lễ Ngài Ðại Ðức van xin Ngài rằng: Xin Ðại Ðức mở lòng từ bi tha tội lỗi; Tôi xin phát nguyện qui y hướng thiện. Tôi là kẻ tà kiến không hiểu Ngài là bực Thánh nhơn. Xin Ngài thương hại tôi như cha mẹ thương con còn trẻ dại lầm lỗi. Xin Ngài tha thứ cho.

    Ðại Ðức liền đưa Long vương đến nơi Phật ngự. Long vương thấy đức Thế Tôn cùng chư Thánh Tăng ngự trên hư không rất lấy làm kinh sợ, đảnh lễ xong rồi bạch Phật rằng: Bạch đức đại Từ Bi Ngài là đấng Tế độ chúng sanh. Tôi là kẻ tà kiến hung ác lầm đường tội ác không hiểu đâu chánh đâu tà. Hiện giờ tâm tôi đã giác ngộ trông thấy rõ thiện, ác. Từ hôm nay tôi xin cúng dường thân nầy đến Tam bảo.

    Ðức Thế Tôn liền truyền Tam qui và Ngũ giới cho Long vương, và dạy nên hành thêm thiện pháp, giúp đỡ quyến thuộc, nhẫn nại từ bi v.v...



    Rồi đức Thế Tôn mới dẫn chư Tăng đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Ðộc thọ thực. Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn thuật lại chuyện Ðại Ðức Mục Kiền Liên dùng thần thông thu phục Long vương Nandopananda. Trưởng giả nghe câu chuyện ấy lấy làm trong sạch với chư Tăng; ông xin cúng dường bảy ngày liền cho năm trăm vị Thánh Tăng.

    Khi ấy đức Thế Tôn mới dạy: Trong thế gian nầy không có vị đệ tử nào có thần thông bằng Mục Kiền Liên.

    Kể từ ngày ấy đi Ðại Ðức được liệt vào hàng đại đệ tử giỏi nhứt về thần thông.

    -ooOoo-



    HÓA ÐỘ PHẠM THIÊN TÀ KIẾN PHAKÀ

    DUGGÀHADITTHIBHUJAGENA SUDATTHA- HATTHAM
    BHRAHMAM VISUDDHIJUTIMIDDHIBA KÀBHID- HÀNAM.
    NÀNÀGADENA VIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO
    TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI.

    Nghĩa: Ðức Phật cảm thắng Phạm Thiên tên Bá Ca (Phakà) người tự cho mình là cao thượng vì đức trong sạch có thần thông và chấp hẳn tà kiến. Ðức Chánh Biến Tri đã cảm thắng được vị Ðại Phạm Thiên ấy. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho sự hạnh phúc phát sanh đến người.

    CHUYỆN TÍCH



    Lúc nọ đức Ðại Giác ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc gần thành Thất La Phiệt. Ngài gọi chư Tỳ khưu Tăng đến và dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, có lúc nọ Như Lai ngự dưới cội cây to tại rừng Subhavana. Khi ấy tâm của vị Phạm Thiên tên là Bá Ca sanh tà kiến nghĩ rằng: Không có già, không có chết, cũng không có Niết Bàn. Nầy chư Tỳ khưu khi ấy Như Lai hiểu rõ ý nghĩ của vị Phạm Thiên, đứng lên, trong nháy mắt Như Lai ở trong cõi Phạm Thiên, cũng ví như người duỗi tay ra và co vào.

    Khi Phạm Thiên Bá Ca thấy Như Lai từ xa ngự đến; liền tỏ lời thỉnh cầu Như Lai ngự vào tòa lầu đài của y. Xong mới bày tỏ ý tưởng, và sự tin tưởng của ông ta.

    Khi ấy Như Lai liền dạy rằng: Nầy Phạm Thiên, ta lấy làm kinh sợ dùm ngươi, vì ngươi đã bị vô minh che ám, làm tối mê, nói lời tà kiến. Những vật gì không thường ngươi cho là thường, vật gì bị hư hại ngươi lại cho là bền vững. Hơn nữa ngươi lại có ý kiến si mê lầm lẫn rằng: Vật nầy không già, không chết, không thay đổi, không sanh. Ngươi lại nói: Vật gì rất cao quí là nhân diệt khổ, vật ấy không bao giờ có. Nầy Bá Ca những lời của người nói toàn là lời tà kiến. Vì nguyên nhân bởi Ma vương theo bên ngươi và tìm thế phá hoại đời ngươi. (Ma vương nơi đây đức Thế Tôn ngụ ý dạy là Phiền não Ma vương).

    Nầy các thầy Tỳ khưu, Như Lai biết rõ rằng: Ma vương đã ngự trị trong tâm của Phạm Thiên tên Bá Ca, nên Phạm Thiên Bá Ca mới nói với Như Lai như vậy. Khi ấy Như Lai liền dạy rằng: Nầy Ma vương, ngươi là hạng ác quỉ. Chắc ngươi tưởng rằng: Như Lai không biết: ngươi đang tàng ẩn trong thâm tâm của Phạm Thiên Bá Ca để làm cho Phạm Thiên Bá Ca phải bị dưới quyền sai khiến của ngươi. Ngươi lầm tưởng rằng: Ngươi là thiện nhân, Như Lai là đấng tối cao trong tam giới không ở dưới quyền kiểm soát của ngươi. Như Lai đã tạo ra Trí tuệ Ba la mật đến bờ cao thượng. Nầy các thầy Tỳ khưu khi Như Lai dạy như vậy Phạm Thiện Bá Ca mới nói với Như Lai rằng: Nầy người giải thoát kia, không có vật gì hoàn toàn an vui giải thoát khỏi bốn cái khổ vĩ đại đâu.

    Như Lai liền dạy rằng: Như Lai đã biết rằng: Ngươi có thần thông quảng đại. Rồi Như Lai bảo cho Phạm Thiên biết rằng: Trí tuệ của Như Lai có thể hiểu thông những gì trong tam giới mà không có nhân vật nào hiểu rõ được. Như Lai có trí tuệ hiểu rõ quả của chúng sanh thọ hưởng đã làm trong kiếp trước và đời vị lai, Như Lai biết rõ việc trong tam thế của tất cả chúng sanh như hiểu rõ có bao nhiêu nước của đại dương. Như Lai là đấng có trí tuệ vô lượng vô biên hơn tất cả nhân vật trong tam giới. Như Lai được hồng danh là đấng Cao thư?ng hơn tất cả chư Thiên, Phạm Thiên và nhân loại bởi Như Lai là đấng có trí tuệ vô lượng vô biên.

    Phạm Thiên liền nói: Nầy người tìm cõi chết kia ơi, người đến khoe với ta rằng: Thấy rõ quả tội phước của chúng sanh, ta vẫn chưa tin, vậy ông không nên nói lời ấy với ta nữa, ông là người tà kiến đáng lẽ ra phải bị đọa vào địa ngục.

    Như Lai liền bảo rằng: Nầy Phạm Thiên, ngươi dùng câu ấy nói với Như Lai có ích chi cho ngươi. Tất cả chư Phật quá khứ hằng có tâm từ bi thuyết pháp độ tín đồ đắc đạo quả nhiều không số kể. Như Lai cũng thuyết pháp độ đời như các vị quá khứ. Nầy Phạm Thiên, ngươi không nên theo về tà kiến. Không phải tà kiến chỉ xấu không thôi mà nó lại là nguyên nhân làm hại cho người làm những điều tội ác. Nầy Phạm Thiên, ngươi hằng tự khoe mình là bực có thần thông quảng đại không ai bằng. Vậy ngươi hãy tàng hình cho ta xem ta mới khen ngươi.

    Phạm Thiên tàng hình liền, nhưng đức Thế Tôn dùng thần thông không cho y dùng phép ấy được. Khi Ngài để cho ông ta tàng hình được Ngài lại chỉ chỗ của ông ta đang ẩn trú nơi đầu non góc núi nào cũng như là ở ngay trước mắt Ngài. Phạm Thiên tức mình liền hóa ra một hột cát ở giữa đại dương. Ðức Thế Tôn liền lượm hột cát ấy lên để trong lòng bàn tay. Thật tam giới rộng lớn vô lượng vô biên nơi nào Phạm Thiên cũng có thể đến được. Nhưng không có chỗ nào khả dĩ gọi là trốn khỏi đức Thế Tôn được. Phạm Thiên Bá Ca lấy làm hổ thẹn mới trở vào ngồi trong lầu của ông ta. Khi đức Thế Tôn vừa ngự đến thì chư Phạm Thiên hàng chánh kiến liền rủ nhau đến nơi Phật ngự để nghe đức Thế Tôn thuyết pháp độ ông Phạm Thiên tà kiến ấy, khi thấy ông Phạm Thiên Bá Ca không còn lối nào thoát khỏi Tuệ giác Phật, nên đồng hoan hô đức Thế Tôn và cười chê vị Phạm Thiên tà kiến kia.

    Phạm Thiên Bá Ca không thể chịu được lời cười chê của các vị Phạm Thiên khác, nên ông lại nói với đức Phật rằng: Nầy ông Sa môn, vậy ông hãy tàng hình đi, nếu ông tránh khỏi mắt ta thì ta khen ông.

    Nói dứt tiếng thì đức Thế Tôn biến mất liền, chẳng những là ông Phạm Thiên tà kiến ấy không thấy mà tất cả chư Phạm Thiên có mặt nơi ấy cũng không ai trông thấy cả. Khi ấy các vị Phạm Thiên đều nghe tiếng đức Thế Tôn thuyết pháp ở giữa đám Phạm Thiên mà không sao thấy người. Thuyết xong thời pháp Ngài liền hiện ra cho chư Phạm Thiên thấy.

    Lại bị thất bại một lần nữa nên ông Phạm Thiên Bá Ca cả thẹn đi một nơi xa các vị Phạm Thiên khác. Ðức Thế Tôn nghĩ: Phạm Thiên Bá Ca là người có thần thông hơn cả các vị khác, mà tìm nơi ngồi yên như thế nầy, chắc chắn y buồn phiền lắm, vậy ta phải làm sao hóa độ cho được. Rồi đức Thế Tôn liền cố tình thuyết pháp những chuyện tích của ông Phạm Thiên Bá Ca đã làm khi xưa mà chính bản thân ông ta cũng không nhớ và biết được, nhờ đức Thế Tôn nhắc nên ông được nhớ thêm năm trăm kiếp trước kiếp ấy, đến cùng năm trăm kiếp ấy ông không còn biết được thêm. Ðức Thế Tôn lại nhắc cho ông ta nhớ thêm một kiếp nữa là làm cho ông nhớ thêm được năm trăm kiếp nữa. Ðức Thế Tôn hành động như thế nhiều lần làm cho Phạm Thiên ấy cảm phục trí tuệ vô lượng vô biên của đấng Ðại Giác và ông ta tin chắc rằng: Ông ta không thể nào bằng đức Thế Tôn được. Ông phát tâm trong sạch và kính mến đức Thế Tôn nên ông bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài là đấng Ðại Từ Bi nên Ngài mới ngự đến cõi Phạm Thiên nầy, dùng hào quang của Ngài sáng bao trùm cả cõi Phạm Thiên, Ngài lại còn dùng ánh sáng giải thoát là Pháp bảo đem tiền tích của tôi ra nhắc tôi. Nhờ nơi ấy mà làm cho trí tuệ tôi phát sanh, suy nghĩ thấy vô số kiếp luân hồi của tôi từ trước. Thật đức Thế Tôn là đấng siêu việt cao cả nhứt trong tam thế. Tôi đã phá được lưới vô minh và tà kiến.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:07 AM | Message # 44
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Khi đức Thế Tôn biết rằng: Phạm Thiên Bá Ca đã diệt được tà kiến nên Ngài thuyết: Nầy Phạm Thiên, Như Lai là đấng cao cả, trưởng thượng hơn hết trong tam giới nầy, là đấng mà chúng sanh nương nhờ được. Hơn ấy nữa tâm của Như Lai không hề rung động và bão tố. Rồi đức Thế Tôn thuyết Tứ Diệu Ðế.

    Sau khi dứt thời pháp có một muôn vị Phạm Thiên đắc đạo quả và phát tâm trong sạch với Tam bảo.

    Riêng Ma vương cảm thấy rất hổ thẹn vì nghĩ rằng: Nếu như thế nầy thì nền móng của ta sắp bị sụp đổ. Vậy ta phải nhập vào làm cho vị Phạm Thiên nầy chống lại với ông Sa môn Cồ Ðàm. Nghĩ xong Ma vương liền nhập vào cho vị Phạm Thiên. Vị Ðại Phạm Thiên ấy liền nói: Thưa ông Sa môn Cồ Ðàm, Ngài đem pháp Tứ Diệu Ðế ra dạy tín đồ chắc chắn sẽ không đem gì lợi ích lại cho đệ tử ông đâu. Vì họ sẽ bị đọa vào bốn đường ác để chịu khổ thôi. Vậy từ đây Ngài đừng bao giờ đem lý thuyết ra dạy đời nữa. Tất cả Phạm Thiên có mặt nơi đây đều là nhờ cúng dường thần lửa, nên được sanh vào cõi nầy.

    Ðức Thế Tôn lại dạy vị Ðại Phạm Thiên ấy một lần nữa và cho Ma vương biết rằng: Nên chuẩn bị trốn đi là vừa.

    Phạm Thiên Bá Ca hết lòng trong sạch vâng giữ hành theo lời Phật dạy, hành theo Vô thường, Khổ não, Vô ngã, nghĩa là dùng Minh sát tuệ nhớ đến những pháp ấy không dám dễ duôi, và hết lòng ca tụng công đức Tam bảo.

    Ðức Thế Tôn biết các vị Phạm Thiên ấy không còn tà kiến nữa nên Ngài trở về cõi đời.

    Ðây tôi (tác giả) sưu tầm tám tích nầy để phối hợp tám câu kệ ngôn trong kinh tụng của Ngài Ðại Ðức Hộ Tông. Và chỉ thêm hầu quí vị thấy rằng: Ðây là những chuyện lạ trong thời kỳ Phật còn tại thế và bốn mươi lăm năm thuyết pháp của Ngài gặp những chuyện rắc rối như quí Ngài đã thấy.



    CHUYỆN ÐỨC VUA SUPPABUDDHA (THIỆN GIÁC)

    Khi đức Thế Tôn ngự tại chùa Nigrodha ở kinh đô Ca Tỳ La Vệ. Ðức vua Suppabuddha (Tàu dịch Thiện Giác) cột oan trái với Phật rằng: Sĩ Ðạt Ta bỏ con gái ta là Gia Du Ðà La đi xuất gia, con trai ta là Ðề Bà Ðạt Ða cũng xuất gia theo, Sĩ Ðạt Ta cũng chẳng ngó ngàng gì tới, trái lại còn oán thù ghét bỏ con ta.

    Ngày kia ông nghĩ rằng: Ta sẽ không cho Sĩ Ðạt Ta đi thọ thực nơi nhà thí chủ thỉnh cầu đến để cúng dường. Ngài liền truyền quân lấy chướng ngại vật bít đường không cho đức Thế Tôn ngự đi thọ thực. Còn Ngài thì ngự nơi giữa đường uống nước.



    Khi đức Thế Tôn và chư Tăng ngự đến nơi ấy không đi tới được, có người đến tâu với Ngài rằng: Có đức Thế Tôn ngự đến ngang qua nơi nầy.

    Ngài bảo: Các người hãy trở lại và bảo cho Thái tử Sĩ Ðạt Ta biết rằng: Sĩ Ðạt Ta không lớn hơn ta, nên ta không nhường đường cho Sĩ Ðạt Ta.

    Mặc dầu những người ấy hết lòng van xin cầu khẩn, Ngài cũng nhứt định không bao giờ nhường đường cho đức Thế Tôn ngự qua. Ngài ngồi tự nhiên và uống trà.

    Ðức Thế Tôn bị chận đường nên không đi được, Ngài liền ngự trở về. Ðức vua Thiện Giác thấy đức Thế Tôn trở về Ngài liền cho mật vụ của Ngài theo và dạy rằng: Ngươi hãy theo dò coi Sa môn Cồ Ðàm có nói gì về việc ta cản đường không và trở lại cho ta biết.



    Khi đức Thế Tôn ngự trở về Ngài không hề nói lời nào nhưng chỉ mỉm cười thôi. Ðức Ananda lấy làm lạ vì vị Chánh đẳng Chánh giác không bao giờ cười vì vui hay tỏ vẻ buồn. Nên Ngài liền hỏi đức Thế Tôn: Bạch đức Thế Tôn có chuyện chi lạ mà Ngài mỉm cười.



    - Nầy Ananda , ngươi có thấy đức vua Thiện Giác chớ?

    - Bạch Ngài, có thấy.

    - Ngài chận đường của một đ?ng Giác Ngộ như Như Lai, Ngài sẽ bị đất rút chết tại nơi chân thang lầu của Ngài vào ngày thứ bảy kể từ ngày hôm nay. (Nghĩa là bỏ hôm nay còn sáu ngày nữa).

    Mật thám của nhà vua nghe vậy liền về báo cho Ngài biết. Ðức vua nghe vậy mới phán rằng: Lẽ thường, nếu cháu ta nói điều nào thì chắc chắn là không sai chạy, vậy lần nầy ta phải làm sao cho cháu ta thành ra kẻ nói dối mới được. Nó nói ta bị đất rút tại chân cầu thang. Vậy thì kể từ hôm nay tới ngày thứ bảy ta sẽ không xuống nơi chân cầu thang; thì làm gì có chuyện ấy. Ðến khi quá bảy ngày thì ta lại bêu xấu chuyện nầy.

    Ðức vua liền truyền đem những vật mà Ngài thường cần dùng hết lên từng lầu thứ bảy, rồi Ngài ngự trên từng lầu ấy, xong Ngài dạy đem thang lầu đi nơi khác; Ngài định không có thang thì Ngài không thể quên mà xuống đất được. Nơi cửa phòng Ngài để một đô vật thật tài; và mỗi từng lầu đều có để đô vật ở nơi ấy. Ngài dạy rằng: Khi nào thấy ta ra cửa nên đẩy vào, và khi nào ta đến thang lầu nên ném ta vào, hay ta xuống tới từng dưới thì các ngươi hãy ném ta lên. Sự sắp đặt của Ngài thật chu đáo, thời gian lặng lẽ qua sáu ngày rồi không có chuyện gì xảy ra.

    Ðức Thế Tôn nghe sự canh phòng cẩn mật của nhà vua Ngài mới thuyết rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, đức vua Thiện Giác ở trên từng lầu bảy như vậy cũng còn chưa đủ, dầu cho Ngài có ngự trên tảng đá giữa hư không, hay ngồi trên hư không, hoặc đi thuyền ra giữa đại dương hay là ngồi trong hòm kín.

    Một khi mà đức Chánh đẳng Chánh giác đã nói thì lời nói ấy không bao giờ sai chạy. Ðức vua sẽ bị đất rút như lời của Như Lai đã tiên tri. Ðức Thế Tôn liền thuyết câu kệ:

    NA ANTALIKKHE NA SAMUDDAMAJJHE
    NA PABBATÀNAM VIVARAM PAVISSA
    NA VIJJATI SO JAGATIPPADESO
    YATTHATTHITO MUCCEYYA PAPAKAMMA.

    Nghĩa: Người ở trong hư không không tránh khỏi tử thần. Người giữa đại dương cũng chẳng tránh khỏi tử thần. Người vào ẩn trong hang núi cũng chẳng tránh khỏi tử thần. Trong vũ trụ nầy không có nơi nào có thể tránh khỏi tay tử thần được.



    Chú giải: Ý câu nầy đức Phật dạy người mà muốn trốn tử thần nơi nào trong tam giới nầy đều không thể thoát khỏi. Sau khi dứt câu kệ có rất nhiều vị đắc Tu-đà-hườn quả.

    Ðến ngày thứ bảy, bỗng dưng con ngựa của đức vua Thiện Giác lại sút chuồng. Con ngựa nầy hung dữ như sư tử khi sút chuồng ra gặp ai cắn nầy, ngoại trừ đức vua ra thì không còn ai trị nó được. Khi ấy đức vua đang ngự trên từng lầu thứ bảy, nghe tiếng huyên náo ở dưới, Ngài mới ngự ra nơi hành lang để xem coi chuyện gì. Quan hầu cho Ngài biết rằng: Ngựa sút chuồng đang cắn giết người.

    Ðức vua nghe vậy lật đật chạy ra cửa xuống lầu để bắt ngựa. Những đô vật mà Ngài cắt để canh Ngài, thầy Ngài ra liền ôm lấy Ngài liệng xuống từng lầu sáu thay vì đẩy vào phòng. Các đô vật từng lầu sáu lại ôm Ngài thảy xuống từng lầu năm nhưng họ nghĩ rằng: Thảy trở lên lầu bảy. Cứ tuần tự như vậy đức vua tới từng dưới hết và nơi chân cầu thang là nấm mộ của Ngài.

    Ngài bị đất rút và chết lại sanh vào A tỳ địa ngục là do nơi nghiệp của Ngài là cản đường không cho Phật đi thọ thực.

    GIẢNG HÒA QUYẾN THUỘC

    Lúc nọ lúa sắp chín mà trời hạn làm cho hai nước dòng Thích Ca và dòng Koliya (họ ngoại của đức Thế Tôn) lấy làm lo ngại cho số phận ruộng lúa của mình. Nên hội cả hai nước lại để nghị định sử dụng nước của con sông Rohinì. Giòng sông nầy là ranh giới của hai nước.

    Người dòng Koliya nói: Sông Rohinì đã nhỏ lại nhằm lúc hạn hán nên nước rất là ít, nếu đem chia ra làm hai bên thì không bên nào được nước đủ để cung cấp cho ruộng lúa. Vậy xin quí vị nhường nước ấy cho chúng tôi.

    Dòng Thích Ca nói: Nếu vậy thì vựa lúa của qúi quốc sẽ đầy, còn chúng tôi thì có gì. Vậy xin qúi vị nhường nước ấy lại cho chúng tôi.

    - Chúng tôi không thể nào nhường được.

    - Chúng tôi cũng vậy.

    Hai bên cãi nhau bằng lời hết sức không phân được nên dùng đến võ lực. Dòng Koliya mới nói: Bọn chúng bây đem những đứa trẻ con xứ Ca Tỳ La Vệ đến đây, cái bọn lấy em gái mình làm vợ, bọn ấy ví như bầy chó rừng. Tượng binh, xa binh, mã binh, và khí cụ của bọn ấy có làm gì được chúng ta.

    Còn những người dòng Thích Ca thì nói rằng: Các người nên về gọi những đứa bị bịnh cùi mà người ta đã ruồng bỏ; những kẻ ấy sống cách cô đơn không nơi nương tựa, sống trong bọng cây như những con thú ở hang thì tượng binh, xa binh, mã binh và khí giới của bọn ấy lại làm gì được chúng ta.

    (Quí vị muốn biết tại sao hai bên chưởi mắng nhau như vậy xin xem Tiểu sử Thái tử Sĩ Ðạt Ta cùng một tác giả).



    Những người đã gây sự với nhau toàn là quan quân chớ không có một vị hoàng tộc nào nơi đây. Khi trở về, những người ấy thuật lại những câu chưởi nhau làm cho hai dòng có tình quyến thuộc nóng giận.

    Bên dòng Thích Ca hội nhau lại bàn với nhau rằng: Chúng ta phải tỏ cho họ biết rằng: Tài của những người lấy em gái làm vợ ra thế nào? Rồi truyền chuẩn bị quân mã chỉnh tề kéo ra nơi bờ sông Rohinì .

    Dòng Koliya cùng hội nhau lại và bảo nhau rằng: Chúng ta phải cho bọn nầy biết uy lực của những kẻ ở trong bọng cây ra sao? Rồi cũng đưa binh mã ra trận nơi mé sông Rohinì .

    Sáng ngày hôm ấy, đức Thế Tôn dùng tuệ nhãn xem coi chúng sanh nào có duyên để Ngài tế độ. Ngài thấy quyến thuộc bên cha và mẹ Ngài sắp đánh nhau. Ngài liền nghĩ nếu ta không đến nơi ấy thì cả hai bên đều bị tiêu hoại. Ðức Thế Tôn liền ngự đi trên hư không và đến nơi con sông Rohinì là nơi hai bên đã giàn mặt trận sáp chiến với nhau. Ngài liền ngự trên hư không nơi giữa con sông Rohinì .

    Cả hai dòng Thích Ca cũng như Koliya đều trông thấy đức Thế Tôn ngự trên không giữa lòng sông thì lấy làm hổ thẹn nên lật đật để đồ giết người xuống.

    Khi ấy đức Thế Tôn mới phán hỏi rằng: Tâu nhị vị Ðại vương, chẳng hay quí vị tranh giành chi nơi đây?

    Một trong những vị hai bên đều bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn chúng tôi không biết.

    Ðức Thế Tôn hỏi: Vậy ai là người biết rõ nguyên nhân chuyện nầy.

    Hai vị chúa tể của hai dòng liền bắt đầu điều tra thì mới biết rõ rằng: Sở dĩ mà có trận giặc nầy nguyên lai là giành nước ở con sông Rohinì .



    Khi ấy mới bạch với đức Thế Tôn: Bạch đức Thế Tôn nguyên lai vì nước con sông Rohinì mà ra.

    - Tâu Ðại vương, vậy nước có giá trị tới bực nào?



    - Bạch đức Thế Tôn nước ấy có giá trị rất ít.

    - Tâu Ðại vương, vậy dòng hoàng tộc có giá trị tới độ nào?



    - Bạch đức Thế Tôn đã gọi là dòng hoàng tộc thì giá trị vô lượng vô biên.

    Nếu vậy quí vị vịn vào nước kia giá trị rất nhỏ mà lại làm cho hàng hoàng tộc giá trị vô lượng vô biên kia phải tiêu diệt chăng?

    Tất cả quyến thuộc hai bên lấy làm thẹn không ai trả lời. Ðức Thế Tôn liền gọi quyến thuộc cả hai bên lại mà dạy rằng: Tâu chư Ðại vương, tại sao quí vị làm những chuyện hồ đồ như thế nầy. Nếu không có Như Lai thì tức nhiên con sông Rohinì nầy sẽ đẫm máu trong ngày hôm nay rồi. Thật quí vị làm việc không nên làm. Quí vị là người nhiều oan trái. Còn Như Lai là người vô oan trái. Quí vị là người đa mang nhiều phiền não, nên bị phiền não ấy thiêu đốt nóng nảy đau khổ, còn Như Lai là người mát mẻ thanh tịnh vì không bận mọi việc nhứt là không còn phiền não. Quí vị là người còn ham mê theo ngũ trần. Như Lai lại là người không còn tí mến tiếc những nhơ bẩn ấy. Ðức Thế Tôn thuyết câu kệ:

    SUSUKHAM VATAJIVÀMA
    VERINESU AVERINO
    VERINESU MANUSSESU
    VIHÀRÀM AAVERINO v.v...



    Nghĩa: Khi tất cả mọi người có oan trái ta không có. Khi mọi người đều có oan trái ta không có gọi là ta sống an vui.



    Khi mọi người bị đau khổ ta không có (bị đau khổ). Khi mọi người bị đau khổ, ta không có gọi là ta sống an vui.



    Khi tất cả mọi người đều tìm kiếm (sự khoái lạc của trần dục) ta không có (tìm kiếm trần dục) gọi là ta sống an vui.



    Chú thích: Ý câu Phật ngôn nầy dạy người có oan trái, bị đau khổ, chạy theo tìm kiếm Tài, Sắc, Lợi, Danh. Những điều ấy hằng đem lại sự khổ đau trong luân hồi của con người. Ta là người không có những điều ấy nên ta sống một đời nhàn hạ an vui không buồn rầu đau khổ vì được hay mất những vật ấy.



    Sau khi dứt thời pháp có nhiều người đắc Tu-đà-hườn quả. Xin nhắc quí vị thấy: Khi ta thấy có kim thân Phật đứng hai tay xòe ra và đưa ra trước, hay tay dựng đứng lên, đó là hình hiện tượng đức Thế Tôn khuyên quyến thuộc tại con sông Rohinì .



    MA VƯƠNG

    Khi đức Thế Tôn ngự tại làng Bà la môn tên Paĩcasàlà. Ngày nọ Ngài thấy có năm trăm cô thiếu nữ có duyên đắc quả Tu-đà-hườn, nhân muốn độ năm trăm cô ấy nên đức Thế Tôn ở lại nơi ấy. Theo thường lệ, đến ngày lễ năm trăm cô ấy xuống tắm ở sông rồi mới trở về làng. Cũng trong ngày ấy, đức Thế Tôn ngự đến khất thực trong làng ấy.



    Ma vương thấy Phật đi khất thực, muốn phá Phật nên nhập vào tất cả người trong làng làm cho họ không để bát cho Phật dầu một muỗng cơm. Ma vương liền đến cổng làng đợi đức Thế Tôn ra về, hiện ra nói với đức Thế Tôn rằng: Nầy ông Sa môn, ông không được vá cơm nào sao?



    - Nầy Ma vương tâm dẫy đầy tội lỗi kia, chẳng phải chính ngươi làm cho người không dâng cúng cho Như Lai sao?

    - Thưa ông Cồ Ðàm, vậy xin mời ông trở lại.



    Sự thật thâm tâm của Ma vương định rằng: Nếu thầy Cồ Ðàm trở vào, ta sẽ nhập vào những người trong xóm ngạo báng ông ta.



    Vừa khi ấy năm trăm cô thiếu nữ ấy cũng vừa về đến cổng làng. Trông thấy đức Thế Tôn liền đảnh lễ rồi đứng nép vào một nơi phải lẽ.

    Ma vương nói: Thưa ông Cồ Ðàm, khi mà ông được cơm ít thì ông sẽ bị đói, cái ấy nó sẽ hành hạ khó chịu lắm.

    Ðức Thế Tôn liền dạy rằng: Nầy Ma vương tâm đầy tội ác kia, mặc dầu hôm nay ta chẳng có được một hột cơm; nhưng ta cũng vẫn được an vui vì quả của phỉ lạc cũng ví như Phạm Thiên ở cõi Phạm Thiên. (Không biết đói khổ vì vật thực).

    Ðức Thế Tôn liền thuyết câu kệ:

    SUSUKHAM VATA JÌVAMA
    YESAM NO NATTHI KÌNCANAM
    PITIPHAKKHA BHAVISAMA
    DEVA ABHASSARAM YATHA.



    Nghĩa: Ta không có sự rung động (vì các sự việc) thì sống cách an nhàn. Ta có phỉ lạc là vật thực cũng như Phạm Thiên ở cõi Phạm Thiên tên Abhassara vậy.



    Chú giải: Khi tâm không rung động vì còn phiền não, thì sống nơi nào cũng an nhàn sống với phỉ lạc như Phạm Thiên không cần vật thực.



    Dứt thời pháp năm trăm cô thiếu nữ đắc Tu-đà-hườn quả. Ma vương hổ thẹn trốn đi.

    TIỀN KIẾP CỦA ÐỨC PHẬT

    Trước kia xứ Vesàlì rất thịnh vượng, đến lúc nọ hạn hán làm ruộng thất mùa lúa cao gạo kém, nhân dân nghèo đói; kẻ nghèo không chịu nổi sự đói rét nên chết, người chưa chết đem những người đã chết bỏ trong bãi tha ma. Nạn đói kém gió rét càng kéo dài, người chết càng nhiều đến đổi không ai chôn ai được, vì vậy nên trong những thôn xóm làng mạc vì người người chết quá nhiều không ai chôn nên mùi hôi thúi rất khó chịu. Nhân cơ hội ấy A tu la, Ngạ quỉ đến ăn những tử thi hôi thúi ấy hiện ra làm cho người kinh sợ bỏ trốn đi xứ khác làm ăn, và nhân vì sự hôi thúi ấy khiến sanh ra bịnh ôn dịch. Khi ấy trong thành Vesàlì có ba điều tai hại mà nhân dân lấy làm kinh sợ là: Ðói kém, Bịnh tật,và ma quỉ khuấy quá.

    Dân chúng còn sống sót hay ở nơi xa hơn liền hội lại để vấn nạn nhà vua. Khi ấy thỉnh nhà vua lâm trào xong, nhân dân hỏi: Tâu Ðại vương nay ba điều kinh khủng đã sanh trong thành nầy. Trước đây bảy triều đại không có sự kinh khủng như thế nầy bao giờ. Ðến triều đại của Ðại vương lại phát sanh. Nếu Ðại vương là vị minh quân hành đúng theo thiện pháp thì không khi nào có sự kinh khủng như thế nầy được.

    Ðức vua liền truyền cho hội hết tất cả các quan và các vị bô lão lại nơi tiếp dân của nhà vua xong. Ðức vua liền dạy: Nay những điều kinh khủng đã sanh làm khổ cho nhân dân vậy chư hiền khanh cùng các vị bô lão hãy rán nghiên cứu coi trẫm có làm điều gì phi pháp mà trời hành dân lành như thế nầy chăng? Chư hiền khanh và quí vị nên thật tình trình bày cho trẫm rõ.

    Khi ấy các quan cùng các vị bô lão cố hết sức tìm coi nhà vua có phạm vào những điều tối quan trọng nào chăng, không hề thấy dầu một lỗi rất nhỏ của nhà vua, nên mới tâu rằng: Tâu Ðại vương, chúng thần đã tìm hết, nhưng không thấy Ðại vương có lỗi gì. Thật ra Ngài là người vô tội.

    Rồi các quan và các vị bô lão mới bàn với nhau rằng: Vậy tại sao tai nạn kinh khủng lại đến với chúng ta như vầy. Trong nhóm các vị ấy có người có ý kiến là: Phải tế thần. Có vị nói: Phải tế thần lửa. Có người bảo: Phải làm lễ cầu xin với các đấng Thiên thần. Có người bảo: Phải thỉnh sáu vị Tổ sư của sáu tôn giáo lớn nhất đến đây. Khi các Ngài đến là tai qua nạn khỏi vì các vị ấy là người có đức hạnh cao thượng. Có người nói: Hiện nay đã có đức Chánh đẳng Chánh giác trong thế gian nầy rồi. Ngài là đấng có oai đức vô lượng vô biên, Ngài là Thiên Nhơn Sư, ngài là đấng Ðại từ bi, Ngài là đấng cứu độ nhơn sanh thoát khỏi trầm luân. Nếu mà Ngài ngự đến đây, tức nhiên những tai nạn kinh khủng thảy đều phải tiêu diệt.



    Phần đông các quan và các vị bô lão đều tán thành ý kiến của người ấy. Rồi hỏi nhau rằng: Ai biết hiện giờ đấng Ðại Từ Bi cứu khổ cứu nạn ấy đang ngự ở đâu?

    Khi ấy lại cận ngày nhập hạ, và đức Thế Tôn đã thuyết pháp độ được đức Bình Sa Vương đang ngự tại Trúc Lâm tịnh xá. Trong nhóm ấy có vị hoàng thân xứ Vesàlì và ông Mahàlì là vị đắc Tu-đà-hườn quả một lượt với đức Bình Sa Vương.



    Khi ấy đức vua xứ Vesàlì và các quan cùng các vị bô lão đồng ý là cử ông Mahàlì là vị quan Ðại thần đem chiếu thỉnh cầu đức Thế Tôn với những lễ vật quí báu. Ðức vua dạy, trước hết phải vào chầu đức vua Bình Sa Vương trước cho Ngài biết rằng đến thỉnh đức Thế Tôn xong rồi hãy vào thỉnh đức Thế Tôn.



    Hai vị vâng chiếu chỉ ra đi. Khi đến Vương Xá thành vào triều kiến đức vua Bình Sa Vương và bày tỏ tự sự. Ðức vua Bình Sa Vương liền phán: Vậy quí Ngài hãy tùy tiện vào hầu Phật và thỉnh cầu Ngài.

    Hai vị liền vào hầu Phật và bạch: Bạch hoá đức Ðại Từ Bi, ba điều tai nạn kinh khủng đã phát sanh tại thành Vesàlì. Quốc vương của chúng tôi cùng triều thần và dân chúng đồng lòng ngưỡng cầu thỉnh đức Thế Tôn ngự đến cứu độ chúng tôi. Khi đức Thế Tôn ngự đến thì tất nhiên tất cả nạn tai kinh khủng thảy đều tiêu diệt.

    Khi Ngài nghe lời thỉnh cầu ấy, Ngài liền dùng trí tuệ quan sát coi và Ngài thấy rõ rằng: Khi ta thuyết bài kinh Rattanasutta tại thành Vesàlì thì oai đức bài kinh ấy sẽ phổ biến sâu rộng đến cả muôn ngàn người hưởng hương vị của Thánh quả và tai nạn kinh khủng ấy sẽ tiêu diệt. Ðức Thế Tôn liền nhận yêu cầu.

    Ðức vua Bình Sa Vương hay tin đức Thế Tôn nhận lời ngự đến xứ Vesàlì , Ngài liền ra lịnh truyền cho dân chúng biết và chính mình Ngài vào hầu đức Thế Tôn và bạch hỏi rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài đã nhận lời thỉnh cầu ngự đến thành Vesàlì rồi phải chăng?

    - Tâu Ðại Vương, phải vậy.



    - Nếu vậy xin đức Thế Tôn đình chỉ lại. Rồi Ngài về truyền lịnh phải sửa chữa đường cho thật bằng thẳng từ Vương Xá thành đến bờ sông Ganga là năm do tuần; mỗi một do tuần đều có nhà mát để đức Thế Tôn nghỉ và thọ thực; và cũng cho dân chúng hay biết ngày giờ nào đức Thế Tôn ngự đến đâu, để dân chúng tiếp đón rất trọng thể. Trên đường đi của đức Thế Tôn phải trải bông đủ năm màu và rất thơm mà phải cao cho tới đầu gối. Hai bên đường phải treo cờ phướn làm cho mát cả đường. Mỗi một vị Tỳ khưu đều có một cây lọng một tầng che. Còn đức Thế Tôn thì phải che lọng hai từng. Ðức Thế Tôn ngự tới bờ sông Ganga là đúng năm ngày. Ðức vua Bình Sa Vương đã trang bị thuyền rất đẹp ở bên bờ sông bên nầy. Ngài liền cho quan hầu cho tin đức vua Licchavì hay tin và chuẩn bị tiếp rước đức Thế Tôn.

    Dân thành Vesàlì cùng đức vua và cả hoàng tộc hội nhau lại bàn về bố thí của đức vua Bình Sa Vương, và định phải làm cao hơn gấp đôi. Liền truyền cho nhân dân làm đường rộng từ bờ sông Ganga đi ba do tuần đến thành Vesàlì. Làm cây lọng có bốn tầng dành che cho đức Phật, còn lọng hai tầng che cho chư Tăng.



    Khi thuyền cập bến, đức vua Bình Sa Vương, Ngài truyền kéo màn từ thuyền đến bờ không cho nắng r?i vào thân hình đức Thế Tôn và chư Tỳ khưu, chung quanh tấm màn che nắng đều kết hoa lạ thơm. Bảo tọa để Phật ngự làm bằng vàng và nạm bảy thứ ngọc quí. Ðức Thế Tôn ngự trên bảo tọa có chư Thánh Tăng ngồi hầu chung quanh. Khi đức vua Bình Sa Vương đưa đức Thế Tôn xuống thuyền, Ngài lần đi xuống nước, khi nước sâu tới cổ đức vua mới bạch đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, trẫm sẽ ở đợi đức Thế Tôn nơi nầy đến khi đức Thế Tôn trở lại. Rồi Ngài mới truyền cho thủy thủ chèo thuyền đi.



    Thuyền đi đến một do tuần mới đến ranh giới hai nước Ma Kiệt Ðà và Vesàlì. Vua và hoàng tộc cùng dân chúng xứ Vesàlì tiếp rước rất trọng thể. Ðức vua bận đồ triều phục đi lần xuống nước khi nước tới cổ đến bên thuyền đức vua đỡ mũi thuyền từ từ dìu vào bờ, chính Ngài đỡ cây đòn dài. Khi đức Thế Tôn vừa đứng dậy để bước đến be thuyền thì trời kéo mây đen kịch, tiếp theo là trận mưa xối xả. Ðã lâu không mưa nên trận mưa nầy là trận mưa đầu tiên thật to, có nơi nước ngập tới bắp vế tới lưng quần. Những tử thi vô chủ bị nước lũ trôi xuống sông Ganga chảy ra biển cả. Ðất được thấm nước mùi hôi thúi hết hẳn.

    Ðức vua Licchavì truyền dừng bước khi đi hết một do tuần; vì nơi ấy có chỗ để đức Thế Tôn an tọa và nhà vua cùng hoàng tộc với dân chúng cúng dường Phật bảo và Tăng bảo vật thực. Từ bờ sông Ganga đến thành Vesàlì phải đi ba ngày đường. Ðức vua cùng dân chúng làm lễ cúng dường thật là long trọng gấp đôi đức vua Bình Sa vương đã cúng dường.

    Thiên vương Ðế Thích và nhiều chư Thiên đến nơi Phật ngự hầu Phật. Vì Thiên vương Ðế Thích và các vị chư Thiên đức trọng đến hầu Phật, nên loài Ngạ quỉ, A tu la lấy làm kinh sợ bỏ trốn hết không dám ở gần.

    Ðến chiều lại, đức Thế Tôn ngự nơi cửa thành Vesàlì gọi Ðại Ðức Ananda đến dạy rằng: Ananda nầy, ngươi nên học thuộc lòng bài kinh tên RATTANASUTTA nầy, rồi cùng đi với một vị Hoàng thân Licchavì , đọc bài kinh quanh thành Vesàlì ba vòng.

    Ðại Ðức Ananda học xong bài kinh của đức Thế Tôn dạy, lấy bát của đức Thế Tôn để đầy nước xong đứng tại cửa thành Vesàlì niệm tưởng đến công đức Phật. Kể từ khi phát nguyện thành bực Chánh đẳng Chánh giác là tu theo mười pháp ba la mật. Mười pháp ba la mật đến bờ trên và mười pháp ba la mật đến bờ cao thượng.



    Năm pháp Ðại thí là: 1/Thí con. 2/ Thí vợ. 3/ Thí của. 4/ Thí thân thể. 5/ Thí sanh mạng.

    Ba pháp Hành là: 1/ Hành cho lợi kỷ. 2/ Hành cho lợi tha. 3/ Hành hầu chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

    Tư cách giáng sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót. Tư cách ra đời. Tư cách xuất gia. Tư cách tu khổ hạnh. Tư cách cảm thắng Ma vương dưới cội Bồ đề. Tư cách chứng quả Chánh Biến Tri trên Bồ đoàn. Tư cách Chuyển Pháp Luân và chín pháp Thánh là (bốn Ðạo, bốn Quả và một Niết Bàn). Khi quán tưởng xong rồi Ðại Ðức Ananda mới vào thành đi cả ba vòng thành đọc kinh Rattanasutta trọn cả đêm. Nước thánh của Ðại Ðức Ananda rải làm cho kinh động bọn ma quái. Bọn ấy khi bị nước thánh của đức Ananda vừa đọc ba câu đầu là Yànidha Bhưtàni samàkatàni là không thể nào ở lại nơi ấy được đồng cùng nhau chạy trốn. Nước thánh mà Ðại Ðức Ananda rải ra xem như là những tràng ngọc trắng trong thật là xinh đẹp, trong khi ấy những người bịnh chưa chết đều được lành mạnh.

    Dân chúng trong thành lo tạo ra Tăng đường để trai Tăng giữa kinh thành. Tại Tăng đường có treo những hoa thơm để cúng dường đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng. Ðức Thế Tôn ngự giữa Tăng đường có chư Tăng ngồi hầu và có nhà vua cùng hoàng tộc với dân chúng thật là cảnh trang nghiêm, những vết tích chết chóc và sự kinh khủng hãi hùng tiêu diệt hết. Ðức Thiên Vương Ðế Thích và các vị chư Thiên ngự trên không trung. Ðại Ðức Ananda đọc kinh Rattanasutta ấy cả đêm không nghỉ. Ðến sáng ngày mới vào hầu Phật.

    Khi ấy dân chúng và hoàng tộc cùng nhà vua mới cúng dường vật thực cho chư Thánh Tăng có đức Thế Tôn làm tọa chủ. Ðức Thế Tôn cũng thuyết bài kinh Rattanasutta như Ðại Ðức Ananda đọc khi đêm. Ðức Thế Tôn ngự tại thành Vesàlì bảy ngày, Ngài cũng vẫn thuyết bài kinh Rattanasutta luôn cả bảy ngày. Ngài biết rằng: Sự tai hại hãi hùng trong thành Vesàlì đã hết. Nên Ngài liền kiếu từ đức vua trở về Vương Xá thành. Ðức vua cùng dân chúng tiễn đưa Ngài thật là long trọng. Khi đến bờ sông Ganga, đức vua Licchavì và dân chúng cầu xin đức Thế Tôn ngự tại bờ sông để cúng dường thêm ba ngày nữa.

    Các vị Long vương ở bờ sông Ganga thấy sự cúng dường của hai vị vua trọng thể như vậy mới nghĩ rằng: Người đ?i làm lễ cúng dường đến Như Lai thật là trọng thể. Vậy chúng ta phải làm gì đây? Chư Long vương liền hóa ra ba thứ thuyền là một thứ bằng vàng, một thứ bằng bạc và một thứ bằng ngọc. Trên mỗi chiếc đều có bảo tọa, ghe bằng thứ gì thì bảo tọa cũng bằng thứ ấy. Trên thuyền trang điểm bằng hoa sen đủ năm màu tươi đẹp lạ thường. Rồi đến thỉnh cầu đức Thế Tôn ngự trên thuyền của mình để trở về Vương Xá thành.

    Khi ấy, người và chư Thiên cùng Long vương tranh nhau làm lễ cúng dường đến chư Tăng và đức Thế Tôn thật là trọng hậu. Chư Thiên Phạm Thiên đến nơi đang bố thí dựng cờ phướn lợp trời. Cờ và phướn cao tận hư không, thật là một cảnh huy hoàng trang nghiêm không từng có bao giờ.

    Sau cùng vì lòng từ bi đức Thế Tôn liền ngự lên một chiếc thuyền bằng ngọc của Long vương hiện ra. Còn mỗi vị Tỳ khưu cũng đi trên một chiếc tùy thích của mình. Long vương liền đưa đức Thế Tôn và chư Ðại Ðức Tăng về cõi Long vương cúng dường rất trọng thể. Sau cùng, đưa về nơi đức vua Bình Sa Vương đang chờ đón. Khi ấy, cũng có chư Thiên đợi tiếp rước về Vương Xá thành. Thật là một chuyến đi vô cùng long trọng.



    Khi về đến Vương Xá thành thì ngày hôm sau chư Tỳ khưu còn phàm mới hội nhau nơi pháp đường để bàn về chuyến đi lạ lùng và oai đức của đức Thế Tôn làm cho ba điều tai hại kinh khủng tiêu diệt. Vì sự trong sạch với Phật bảo, mà hai vị Quốc vương làm ra con đường dài hằng tám do tuần theo ven bờ sông Ganga rất bằng thẳng.



    Khi các vị đang bàn tán về việc ấy thì đức Thế Tôn đã ngự đến và hỏi các Ngài đang bàn về việc gì? Các Ngài bạch đang bàn về việc tiếp rước long trọng và sự cúng dường của chư Thiên, Long vương, thật oai đức của Phật bảo vô lượng vô biên.

    Ðức Thế Tôn dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, sự cúng dường trọng thể như vậy, không phải do nơi oai đức của Phật bảo hoặc Long vương hay chư Thiên mà lại do nơi một quả bố thí rất nhỏ riêng của cá nhân Như Lai trong kiếp quá khứ mà thôi.

    Ðức Thế Tôn dạy câu nầy không phải ý muốn phỉ báng Phật bảo, nhưng Ngài muốn chỉ quả của sự cúng dường với tâm trong sạch. Khi ấy chư Tỳ khưu yêu cầu đức Thế Tôn thuyết Túc Sanh Truyện.

    Ðức Thế Tôn dạy: Trong kiếp quá khứ, tại xứ Takkasilà có một gia đình của thầy Bà la môn tên là Sankha có một người con trai tên là Susima. Khi người con ấy được mười sáu tuổi thưa với cha rằng Thưa cha, con muốn xin cha cho phép con đi đến xứ Bàrànasì để học phép mầu.

    - Con ơi, cha có một người bạn chí thân là vị Bà la môn rất thông về pháp mà con muốn học, ông ta cũng ở xứ Bàrànasì ; vậy con đến học với ông ta.

    Người con vâng lời cha đi đến thành Bàrànasì vào hầu người bạn của cha. Khi ông Bà la môn biết là con của bạn cũ. Ông hết lòng săn sóc và dạy thật là chu đáo. Cậu Susima thật là thông minh phi phàm, học mau hiểu và hiểu rất chu đáo. Khi cậu học không bao lâu kinh luật và tất cả mọi việc đều lão thông. Cậu cảm thấy không được rốt ráo còn lắm chỗ nghi ngờ liền vào hầu thầy và thưa rằng: Thưa thầy, con đã học thuộc hết cả rồi, nhưng con cảm thấy hình như chưa hoàn toàn tới nơi tới chốn, ý con muốn nói chưa đoạt được hết lý lẽ trong lời mà con đã học.

    Ông thầy bảo: Con ơi, chính thầy cũng như con, không hiểu rõ hết lý của lời dạy ấy.

    - Thưa thầy, có chắc rằng: Trong vũ trụ nầy cũng không còn ai thông hiểu nữa chăng?



    - Con ơi, chỉ có những ông đạo sĩ ở trong rừng Isipatana mới là bực thông suốt những lời kinh mà con đã học. Con nên đến nơi ấy hỏi coi.



    Cậu Susima liền đến rừng Isipatana vào hầu chư Phật Ðộc Giác và hỏi những sự nghi ngờ rằng: Thưa chư Ðại Ðức, Ngài có thông hiểu những điều nầy chăng?

    Chư Ðộc Giác Phật dạy: Chúng ta thông hiểu ráo rốt mọi sự việc.

    - Vậy cúi xin Ngài từ bi chỉ dạy cho tôi.

    - Rất tiếc là chúng ta không thể dạy người không xuất gia.



    Cậu Susima liền chịu xuất gia để học những sự mình đang nghi ngờ. Xuất gia không bao lâu ông cũng đắc quả Bích Chi Phật (là Ðộc Giác Phật). Nhưng tuổi thọ Ngài không được trường thọ nên lại nhập diệt trước khi về giáo hóa cha già.

    Nói về ông Bà la môn Sankha nhớ con nên đến thành Bàrànasì để thăm con. Khi ấy người bạn mới cho biết là con ông muốn hiểu thông triệt để những sự nghi ngờ mà từ xưa đến nay chưa có vị Tổ sư nào giải nổi, nên đã đến rừng Isipatana học với các vị đạo sĩ. Ông Bà la môn Sankha lật đật đến nơi ấy để thăm con. Nhưng khi đến nơi chư Ðộc Giác Phật cho hay rằng: Con ông đã nhập diệt và có dựng phù đồ thờ để dân chúng đến cúng dường. Ông Bà la môn lấy làm đau khổ vì mất đứa con yêu quí. Ông đến nơi chân phù đồ (là Tháp) nhổ cỏ dại, cởi lấy khăn choàng của mình ra đi hốt cát trắng sạch đem lại trải nơi chân phù đồ, bẻ hoa thơm đến trải lên cúng dường, lấy vải làm lọng che phù đồ và làm phướn treo quanh phù đồ, rồi ông mới ra về.

    Khi nhắc qua chuyện quá khứ, Ngài lại dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, Ông Bà la môn tên Sankha ấy chính là Như Lai hiện tại đây. Như Lai đã nhổ cỏ dại ở chân phù đồ của đức Ðộc Giác Phật; do nhờ phước báu ấy nên đường đi của Như Lai được dọn bằng phẳng. Quả của sự cúng dường hoa thơm nên được trải hoa thơm theo đường đi. Làm lọng che phù đồ và phướn nên được có lọng và phướn che mát theo đường đi và chư Thiên cũng đem đến cúng dường rất trọng thể.

    Nầy các thầy Tỳ khưu, sự cúng dường và vật cúng dường mà các ông đã thấy không phải do nơi oai đức của Phật bảo mà do nơi sự cúng dường của Như Lai khi là vị đại Bồ Tát.

    Ðức Thế Tôn liền dạy câu kệ:

    MITTASUKHU PARICCAGA
    PASSE CE VIPULMA SUKHAM.
    CAJE MATTASUKHAM DHIRO.
    SAMPASSAM VIPULAM SUKHAM.

    Nghĩa: Nếu bực trí thức trông thấy sự an vui vĩ đại vì sự dứt bỏ sự an vui vừa phải. Dứt bỏ sự an vui vừa phải sẽ được an vui cao quí.

    Chú giải: Ý nói bực trí thức khi nhận thấy mình cúng dường của cải mà mình đã có tùy theo sức mình trong kiếp hiện tại nầy thì sẽ được an vui cao quí ngày vị lai, ý nói cúng dường vừa phải là đồ cúng dường ấy tùy theo của mình đã có chớ không phải đem hết của cải đã có ra cúng.

    Sau khi dứt thời pháp có rất nhiều vị đắc Tu-đà-hườn quả.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:08 AM | Message # 45
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    _THIÊN THỨ MƯỜI BA ©

    NHỮNG CHUYỆN LẠ XẢY RA TRONG BỐN MƯƠI LĂM NĂM
    TRUYỀN ÐẠO CỦA ÐỨC PHẬT TỔ CỒ ÐÀM (tt)

    -ooOoo-

    HÓA ÐỘ NGƯỜI NGOẠI ÐẠO TÊN JAMBUJÌVAKA

    Khi đức Thế Tôn ngự tại Trúc Lâm tịnh xá có thuyết chuyện độ ông ngoại đạo tên là Jambujìvaka rằng:

    Ðời Ðức Phật có hồng danh là KASSAPA (Tàu âm Ca Diếp). Ở nơi ngoại ô, có một ông bá hộ hết lòng trong sạch với Phật giáo nên ông tự lập ra một ngôi chùa và dâng cúng đến một vị Tỳ khưu, Ông bá hộ thường dâng cúng tứ vật dụng rất trọng thể đến vị Tỳ khưu ấy hằng ngày. Ngày nọ, có một vị Thánh nhơn đi khất thực ngang qua nhà ông bá hộ. Ông bá hộ trông thấy vị Thánh nhơn ấy phát tâm trong sạch về phẩm hạnh của Ngài, nên thỉnh Ngài vào nhà dâng cúng vật thực, và dâng y tắm mưa cho Ngài. Rồi bạch rằng: Bạch Ðại Ðức, tóc của Ngài đã dài, tôi xin gọi thợ cạo đến cạo hầu Ngài, và sẽ cho người đem giường đến chùa để Ngài nghỉ.

    Vị Tỳ khưu hằng thọ thực tại nhà ông ấy hằng ngày thấy ông bá hộ trong sạch với vị Thánh Tăng ấy mới nghĩ rằng: Ông bá hộ cúng dường nhiều đến vị Tỳ khưu vừa mới gặp; không cúng dường cho ta được như thế nầy khi ta ở đây đã lâu rồi.

    Ông thọ thực xong cùng đi về chùa với vị Thánh Tăng mới đến. Khi về tới chùa vị Thánh Tăng liền nhuộm y tắm mưa của ông bá hộ dâng cúng. Ông bá hộ đưa thợ đến cạo cho Ngài và cũng đem chỗ ngủ đến dâng cho Ngài. Ông bá hộ liền bạch với vị Thánh Tăng ấy rằng: Xin Ngài nghỉ nơi đây, rồi sáng ngày xin thỉnh Ngài đến thọ thực ở nhà tôi với Ngài trụ trì đây. Ông trụ trì lấy làm khó chịu với sự mời thỉnh của thí chủ. Ông nghĩ bực lòng nên chiều lại vị trụ trì đến chỗ của Ngài Ðại Ðức kia mắng vị Ðại Ðức ấy nhiều lời nhưng có bốn điều là: Nầy ông Tỳ khưu mới đến kia, ông nên ăn phân đi còn hơn là ăn đồ vật thực của người thí chủ nầy. Ông nên cạo đầu bằng bẹ cây thốt nốt đi còn hơn là ông để cho người thợ cạo của ông thí chủ cạo cho ông. Ông ở trần truồng đi còn hơn là ông mặc đồ của ông thí chủ cúng dường cho ông. Ông ngủ trên đất đi còn hơn là ngủ trên giường của ông thí chủ cúng dường cho ông.

    Khi ông trụ trì ấy mắng nhiếc như vậy, Ngài Ðại Ðức ấy nín thinh không hề nói một tiếng nào, vì Ngài nghĩ rằng: Người tối mê nầy sẽ bị đọa vào sâu trong ác đạo khi mà ta vẫn còn ở nơi nầy. Ngài nghĩ vậy liền đứng lên đi tìm nơi an lạc riêng của Ngài, sáng ngày không đến thọ thực ở nhà ông bá hộ ấy.



    Sau khi mắng vị Thánh Tăng ấy xong, ông trụ trì về phòng mình. Ðến sáng ngày, ông dậy sớm lo dọn dẹp chùa, quét lau sạch mọi nơi, múc nước đầy hết. Khi đi vào xóm thọ thực ông lấy đầu móng tay đánh chuông, ý ông không muốn cho vị Ðại Ðức đến hôm qua nghe. Ông tưởng rằng: Ông Tỳ khưu mới đến chắc mệt mỏi không thế nào nghe tiếng chuông ta đánh bằng móng tay được. Sau khi đánh chuông xong một chặp ông liền đắp y mang bát vào xóm thọ thực.

    Vị thí chủ chuẩn bị vật thực ngọt ngon dâng cúng cho hai vị. Khi thấy chỉ có một vị Ðại Ðức đến lấy làm lạ mới hỏi: Bạch Ðại Ðức còn vị Ðại Ðức kia đâu không thấy đến?

    - Ðừng hỏi đến ông ấy làm gì. Sau khi ông về, ông ấy vào phòng ngủ đến sáng, bần đạo lo dọn quét xong xuôi; đánh chuông vang lên mà ông ấy cũng vẫn không hay chi hết.

    Ông bá hộ nghĩ rằng: Vị Ðại Ðức hôm qua đây lục căn của Ngài thật thanh tịnh, giới đức trang nghiêm như ta, thấy , ta cúng dường trọng thể đến Ngài Ðại Ðức, nên nói gì Ngài đây chớ chẳng không? Mặc dầu nghĩ vậy nhưng ông là người trí thức vẫn cúng dường một cách cung kỉnh, sau khi ông trụ trì ấy thọ thực xong, ông lấy bát của ông trụ trì rửa sạch để đồ ăn mới vào bát rồi nói: Bạch Ðại Ðức, nếu Ngài có gặp vị Ðại Ðức mới đến xin Ngài từ bi dâng vật thực trong bát nầy cho Ngài dùm tôi.

    Sau khi thọ lãnh bát và nhận lời, ông trụ trì liền nghĩ: Nếu vị Tỳ khưu mới đến được thọ thực vật ngon như vầy thì ông ấy sẽ mến tiếc nơi nầy chắc ông ta ở luôn. Vậy ta nên đổ đồ ăn nầy bỏ đi là yên.

    Trên đường về chùa ông không gặp vị Ðại Ðức ấy mà về đến chùa cũng không có Ngài. Với hai muôn năm vị trụ trì ấy hết lòng hành đạo giới đức trang nghiêm; nhưng sau khi quá vãng ông ta bị đọa vào A tỳ địa ngục kể ra thì dài đến hết thời gian của một vị Chánh đẳng Chánh giác. (Nghĩa là kể từ đời đức Phật Ca Diếp đến đức Thế Tôn của chúng ta hiện tại).

    Ðến thời kỳ đức Thế Tôn của chúng ta ông sanh vào một gia đình khá giả ở tại thành Vương Xá. Khi đứa bé ấy biết đi, không chịu nằm trên giường chiếu hay nệm mà chỉ thích nằm đất. Không chịu ăn vật thực chỉ thích cứ ăn phẩn của mình. Những người vú nuôi nghĩ: Chắc còn nhỏ nên chưa phân biệt được sạch dơ. Khi lớn lên lại thích ở trần truồng, ăn phẩn, ngủ đất thôi.

    Cha mẹ nghĩ: Ðây là con không nên nuôi trong gia đình. Nên cho nó vào ở với người tu đạo gọi là Jivaka .



    Cha mẹ liền dẫn đứa bé ấy vào chùa của người tu theo đạo Jivaka. Ðạo Jivaka nhận cho đứa bé ấy vào đạo. Sau khi xuất gia ông ta thường lấy tàu thốt nốt chẻ lấy cái da mỏng bén mà cạo đầu chớ không dùng dao cạo. Khi cạo đầu máu chảy và tóc tai coi sần sượng thật là khổ. Ông ta được tên là Jivaka .

    Sáng hôm sau ngày xuất gia của ông ta, cha mẹ có thỉnh các vị tu đạo Jivaka về nhà cúng dường. Bọn ngoại đạo Jivaka bảo ông ta rằng: Hôm nay cha mẹ ngươi làm lễ cúng dường vậy ngươi nên đi với chúng ta.

    Vì không thích ăn vật thực nên nói: Xin quí vị cứ đi không nên lo gì tôi, tôi không đi đâu. Ðợi cho những người ngoại đạo đi hết: Y mới vào cầu tiêu ra, bốc phẩn ăn no lòng. Về sau bọn ngoại đạo không hề thấy ông chịu ăn vật gì mặc dầu họ có đem vật thực ngọt ngon đến cho. Bọn ngoại đạo lấy làm lạ vì không biết lấy gì ăn mà không chịu ăn vật thực. Lâu ngày, vị trưởng lão của đạo Jivaka mới hỏi ông ta rằng: Tại sao ông không thọ thực những vật của chúng tôi đưa lại cho ông.

    Ông ta đáp: Tôi đã có sẵn vật thực nơi đây rồi.

    Bọn người ngoại đạo lấy làm lạ mới bàn với nhau rằng: Người nầy làm gì có vật thực sẵn sàng nơi đây hằng ngày, vậy chúng ta phải rình xem coi ông ta được vật thực từ đâu đến.

    Ngày nọ bọn người ngoại đạo đi hết, nhưng vẫn còn người rình xem ông ta ăn gì. Khi ấy ông ta tưởng rằng: Người đều đi hết rồi, nên mở cầu tiêu vào hầm bóc phân ăn như những ngày trước. Những người rình thấy tình hình ghê gớm như vậy nên mới thưa cho vị trưởng lão trong chùa ấy hay. Các vị trưởng lão mới hội nhau lại bàn rằng: Tên nầy làm việc mà không ai có thể làm được thật là hèn hạ quá. Nếu các đệ tử của thầy Cồ Ðàm biết được họ lại đồn rằng: Bọn Jivaka là bọn ăn ph?n. Vậy chỉ còn có một lẽ là đuổi tên nầy ra khỏi đạo giáo của chúng ta ngay từ bây giờ.

    Từ giờ phút ấy ông Jivaka bị khai trừ ra khỏi chùa của người tu đạo Jivaka. Khi ông Jivaka bị khai trừ ra khỏi giáo hội không biết phải ở nơi nào cho tiện.

    Trong Vương Xá thành có một tảng đá to, người trong thành thường dùng nơi ấy như nhà vệ sinh công cộng. Ông Jivaka liền chọn ngay nơi ấy làm chỗ dung thân rất tiện cho ông ta mọi việc, ông ta ở nơi ấy đợi đến tối ra bốc phẩn ăn no nên không còn sợ ai rình rập, vì nào ai nghi ngờ việc ấy. Ban ngày nếu thấy người thì ông ta đứng một chân còn chân nọ thì đạp lên gối chân kia; tay vịn vào một tảng đá, mặt ngước lên trời, miệng hả ra.

    Người thấy ông ta làm như vậy mới hỏi: Thưa ông, tại sao ông đứng một chân, miệng hả ra như vậy?

    - Ta chỉ sống bằng vật thực là gió thôi.



    - Thưa ông, vậy tại sao ông lại đứng một chân?

    - Ta là người tu hành hạnh rất cao và rất tinh tấn, nếu ta đứng hai chân thì trái đất làm sao chịu nổi, sẽ rung chuyển, chúng sanh làm sao yên được. Vì vậy ta đứng một chân thôi. Ta đứng như thế nầy cả đời không hề nằm.

    Người đời chỉ tin và nghe theo lời ca tụng quảng cáo; nên người trong hai xứ Anga và Ma Kiệt Ðà đều tin rằng: Ðây thật là người hành đạo chín chắn cao quí nhứt không ai bằng. Lời ca tụng ấy truyền ra rất mau. Nên không bao lâu rất có nhiều người đến lễ bái và xin cúng dường vật thực quí giá, nhưng ông ta quyết định từ chối. Nhưng vì nhiều người yêu cầu không sao từ chối cho được, có kẻ khóc lóc van xin Ngài dùng cho chúng tôi được phước, xin Ngài vui lòng thọ thực để tế độ cho chúng tôi là người cần phước báu.

    Ông ta nói: Thật ra ta không thích thọ thực món chi hết. Nhưng vì lòng trong sạch của các người ta không từ chối thêm được. Vì ta thọ thực thì làm cho phạm hạnh của ta bị nhơ bẩn đi. Y nói xong liền lấy một cọng tranh nhúng vào mật, đường, sữa xong liếm lấy một ít nơi đầu lưỡi thôi. Xong y bảo thôi các người hãy đi đi để ta được yên tĩnh. Các người đã được nhiều phước rồi.

    Ông ta hành như thế trót năm mươi lăm năm.

    Ngày nọ, lúc rạng đông đức Th? Tôn trông thấy ông Jivaka có duyên với Ngài và sẽ hết nghiệp xấu xa được đắc Thánh quả. Ðức Phật thấy rằng: Tên ngoại đạo tên Jambukàjivaka đã ở trong lưới của Như Lai. Người nầy sẽ đắc A-la-hán quả sau khi nghe lời giáo huấn của Như Lai lại đắc được Patisambhidà (Tàu dịch Tuệ Phân Tích). Cũng do nơi ngoại đạo nầy mà Như Lai độ được nhiều chúng sanh. (Từ đây đức Thế Tôn gọi tên ông ta là Jambukàjivaka ).

    Sáng ngày, đức Thế Tôn vào Vương Xá thành khất thực khi về chùa liền bảo Ananda rằng: Như Lai đi đến nơi của người ngoại đạo tên Jambukàjivaka .

    Ðức Ananda hỏi: Bạch đức Thế Tôn, Ngài ngự đi một mình chăng?

    - Phải Như Lai ngự đi một mình.

    Ðức Thế Tôn ngự đến nơi ấy nhằm lúc xế chiều. Trước khi Ngài ngự đến nơi ấy chư Thiên đều biết. Thiên vương Ðế Thích nghĩ rằng: Nơi cư ngụ của tên ngoại đạo Jivaka nầy thật là dơ uế mùi hôi thối không sao chịu nổi, mà đức Thế Tôn lại ngự đến nơi ấy. Vậy chúng ta phải làm mưa to để rửa cho sạch những đồ uế trược ấy đi. Khi ấy một trận mưa to đổ xuống làm cho những uế trược ấy trôi đi hết, nơi ấy không còn có mùi xú uế nữa.



    Chiều lại đức Thế Tôn ngự đến nơi của Jambukàjivaka và gọi: Nầy Jambukàjivaka ơi!

    Jambukàjivaka lấy làm lạ nghĩ rằng: Người lạ nầy là ai mà lại biết rõ tên ta là Jambukàjivaka vậy? Ông ta mới hỏi: Ai gọi tôi đó?



    - Ta đây Jambukàjivaka .



    - Có chuyện chi đó ông đại Sa môn?

    - Hôm nay ta muốn xin ngươi cho ta ở đậu nơi đây với ngươi một đêm.



    - Ông đại Sa môn ơi! Nơi đây không có chỗ nào hết.

    - Jambukàjivaka , ngươi không nên đối xử với Như Lai như vậy. Nên cho ta ở tạm một đêm. Ðã gọi là người xuất gia thì nên giúp đỡ người xuất gia, người thế tục giúp đỡ người thế tục.

    - Nói vậy ngươi là người xuất gia sao?

    - Phải Như Lai là người xuất gia.

    - Nếu ngươi là người xuất gia vậy dụng cụ của người xuất gia như bầu đựng nước của người để đâu? Và chỉ để làm lễ cúng dường của người đâu?

    - Ðồ ấy của Như Lai cũng có, nhưng mang theo nhiều thứ nặng nề khó khăn; nên chi Như Lai để những vật ấy vào bên trong hết.

    Nghe vậy nổi giận nên hỏi: Nếu vậy, ngươi không đem theo những món ấy sao?

    Ðức Thế Tôn vui vẻ đáp: Nầy Jambukàjivaka ơi, thôi chuyện ấy hãy dẹp lại một bên đi, chuyện cần hiện giờ là người nên cho Như Lai một chỗ ở tạm hôm nay thôi.



    - Tôi đã nói nơi đây không có chỗ ở.

    Ðức Thế Tôn liền chỉ chỗ gần ấy và nói: Còn chỗ kia ai ở?

    - Không có ai ở hết.

    - Vậy người hãy để chỗ ấy cho Như Lai.

    - Tùy ý người.

    Ðức Thế Tôn tự tay Ngài trải tọa cụ ra rồi ngồi nơi ấy. Ðến canh một Tứ đại Thiên vương đến hầu đức Thế Tôn làm cho hào quang sáng rực. Jivaka lấy làm lạ mới nghĩ rằng: Ánh sáng gì đây?

    Ðến nửa đêm có Thiên vương Ðế Thích đến hầu Phật, hào quang của Ngài còn sáng hơn Tứ đại Thiên Vương nhiều càng làm cho Jivaka nghi ngờ không ít. Ðến canh chót lại có Phạm Thiên đến hầu Phật hào quang của một vị Phạm Thiên sáng không chi đo lường được mặc dầu là mặt trời vẫn còn kém nhiều. Jivaka kinh khủng hơn khi thấy trong một đêm mà có ba việc khác lạ như vậy.

    Ðến sáng ngày, Jivaka mới hỏi: Ông đại Sa môn ơi, hồi đầu hôm ai đến chỗ của Ngài làm cho hào quang chiếu sáng một vùng vậy?

    Ðức Thế Tôn đáp:

    - Ðó là Tứ đại Thiên vương.

    - Ðến làm gì?

    - Ðến hầu Như Lai coi Như Lai có chuyện chi sai bảo chăng?

    - Nói vậy ông còn lớn hơn cả Tứ đại Thiên vương nữa sao?

    - Phải vậy Jambukàjivaka , Như Lai là vị Pháp Vương cao quí hơn các hàng vương giả trong tam giới.

    - Còn ai đến trong lúc nửa đêm?

    - Ðó là Thiên vương Ðế Thích.

    - Ðến làm gì?

    - Ðến lo giúp việc cho Như Lai.

    - Nếu vậy ông còn hơn cả Thiên vương Ðế Thích nữa hay sao?

    - Phải, Thiên vương Ðế Thích ví như người thí chủ lo săn sóc bịnh hoạn cho Như Lai; hay cũng có thể ví như vị Sa di có phận sự giúp đỡ việc nhỏ nhặt trong tư thất của Như Lai.

    - Vậy còn ai đến với ông canh chót?

    - Các vị Bà la môn khi nhảy mũi cùng gọi Namo Mahà Brahmano (có nghĩa là tôi xin qui y với Phạm Thiên) vị ấy là Ðại Phạm Thiên.

    - Vậy ông còn cao quí hơn cả Phạm Thiên nữa hay sao?

    - Ðúng vậy. Như Lai là vị Phạm Thiên cao quí hơn tất cả Phạm Thiên.



    - Nầy ông đại Sa môn; ông là một vĩ nhân phi thường hơn tất cả vĩ nhân. Ta ở đây đã năm mươi năm rồi. Những vị chư Thiên ấy không vị nào đến nơi ta ở để giúp đỡ ta, ta chỉ ăn gió đứng một chân từ bao giờ đến bây giờ. Nhưng các vị ấy không hề đến với ta.

    Ðức Thế Tôn dạy: Nầy Jambukàjivaka , ngươi có thể lừa gạt người đời được, vì những người ấy là kẻ tối mê, nay ngươi lại muốn dối gạt đến Như Lai. Ngươi ăn toàn phẩn, ngủ trên mặt đất, cạo đầu bằng bẹ thốt nốt, lõa thể cả năm mươi lăm năm nay rồi, mà ngươi lại dối đời là: Ta ăn gió, đứng một chân, không ngồi chẳng nằm. Sở dĩ mà ngươi hành như vậy là vì nghiệp chướng từ kiếp trước. Nay ngươi cũng vẫn còn cố chấp tà kiến ấy nữa chăng?



    - Nầy ông đại Sa môn vậy ta làm nghiệp chướng gì trong kiếp trước?



    Khi ấy đức Thế Tôn mới nhắc lại tiền kiếp của ông ta làm cho ông lấy làm kinh khủng tội lỗi ghê gớm ấy. Ông lập tức ngồi xuống. Ðức Thế Tôn liền trao cho ông một cái choàng tắm. Khi ông bận xong liền đảnh lễ đức Phật. Ðức Thế Tôn liền thuyết pháp năm điều tuần tự Phạn ngữ gọi là ANUBUBBIKATHÀ (xem đoạn Ðại Ðức Yassa). Sau thời pháp ông đắc A-la-hán quả và cả Tuệ phân tích. Ông liền xin phép xuất gia. Khi ấy đức Thế Tôn đưa tay phải ra và dạy rằng: Ngươi hãy thành vị Tỳ khưu. Tức nhiên râu tóc đều rụng, và trên mình có đắp y và có bát đã như vị Tỳ khưu xuất gia từ lâu.

    Cùng trong ngày ấy, dân chúng hai xứ Anga và Ma Kiệt Ðà đem đồ lễ vật đến cúng dường cho ông Jivaka. Khi thấy có đức Thế Tôn ngự nơi ấy mới nghĩ rằng: Vậy Ngài Ðại Ðức của ta và ông Sa môn Cồ Ðàm ai lớn hơn? Có người nghĩ rằng: Nếu ông Sa môn Cồ Ðàm lớn hơn thì Ngài Ðại Ðức của ta phải tới chỗ của ông Cồ Ðàm. Vì Ngài Ðại Ðức của ta lớn hơn nên ông Sa môn Cồ Ðàm mới tới chỗ của Ngài Ðại Ðức ta.

    Ðức Thế Tôn hiểu ý nghĩ của những người có mặt nơi ấy nên Ngài dạy ông Jambukàjivaka rằng: Ngươi nên làm cho hàng đại chúng hết hoài nghi đi.

    Ông Jambukà đảnh lễ đức Thế Tôn và bạch rằng: Ðệ tử cũng đã muốn làm như vậy, nhưng vẫn còn đợi lịnh của đức Bổn Sư. Nói xong ông nhập Tứ thiền xuất ra liền dùng thần thông bay lên cao độ một cây thốt nốt và nói: Bạch đức Thế Tôn tôi là đệ tử của Ngài. Nói xong đáp xuống chỗ cũ và đảnh lễ đức Thế Tôn, rồi bay lên cao hơn lần thứ nhứt một lần, và cũng nói như vậy đáp xuống đảnh lễ. Ngài làm như vậy bảy lần.

    Hàng đại chúng có mặt nơi ấy đều nghĩ rằng: Thật là chuyện phi thường của đấng Ðại Giác.

    Ðức Thế Tôn thuyết: Ông Jambukà chỉ dùng cọng tranh chấm đồ vật thực của các vị đem đến để trên chót lưỡi vì ông nghĩ rằng: Ta cố hành hạnh tinh tấn. Nếu ông ấy có cố hành như vậy đến hàng trăm năm cũng vẫn chưa bằng một phần trong mười sáu phần mà đã chia ra làm mười sáu lần (rồi) của người hành đúng theo chánh pháp.

    Ðức Thế Tôn liền thuyết câu kệ:

    MÀSE MÀSE KUSAGGENA
    BÀLO BHUNJETHA BHOJANAM
    NA SO SANKHATADHAMMANAM
    KALAM GACCHATI SALASIM.



    Nghĩa: Kẻ thiếu trí hằng thọ thực bằng đầu cọng tranh mỗi tháng ( một lần) người ấy cũng không thể sánh bằng một phần mười sáu đã chia ra làm mười sáu lần (rồi) của người hành Chánh đạo là người đã hiểu thông pháp.

    Chú giải: Ý đức Thế Tôn dạy: Người thiếu trí không thông hiểu pháp giải thoát là Giới, Ðịnh Huệ cố ý nghĩ và hành: Ta phải cố gắng tinh tấn, mỗi tháng chỉ dùng cọng tranh chấm vào vật thực mà dùng; Người hành như thế cả đời cũng chẳng bằng một phần mười sáu đã chia ra làm mười sáu lần của người đã hành theo chánh pháp trong một thời gian ngắn. Người hiểu thông pháp ý nói đắc được đạo quả.

    Sau khi dứt thời pháp có rất nhiều người đắc đạo quả và trở thành đệ tử Phật.



    CHUYỆN THÀNH KOSAMBÌ

    Bà Màgandiyà là Thứ hậu của vua Udena tại thành Kosambì. Bà là người rất oán ghét đức Phật. Bởi vì, khi bà chưa là Thứ hậu còn ở chung với ông chú là một vị Trưởng giả. Khi ông chú bà vào rừng chơi gặp đức Thế Tôn tướng hảo quang minh thật là đẹp nhứt của nam giới. Ông nghĩ chỉ có người nầy mới xứng đáng làm chồng của cháu ta. Ông liền biểu đức Thế Tôn ở nơi ấy đợi ông đem cháu lại gả cho. Ông về trang điểm cháu thật đẹp đem đến để g? cho Phật. Ông không biết rằng: Ðây là đấng Ðại Giác. Khi đem cháu đến, bà vợ trông thấy dấu chân đức Thế Tôn bà liền bảo ông rằng: Dấu chân nầy là của đấng Ðại Giác. Vì muốn độ vợ chồng ông Trưởng giả ấy nên đức Thế Tôn mới để dấu chân nơi cội cây. Khi tìm được đức Thế Tôn, ông Trưởng giả nói đem cháu lại gả. Ðức Thế Tôn liền thuyết về thể trược, nghĩa là đức Thế Tôn dạy thân nầy không đẹp v.v... Bà Màgandiyà nghe vậy tức giận rằng: Ðức Thế Tôn chê bà. Bà cột oan trái rằng: Bao giờ bà làm Hoàng hậu thì bà sẽ trả oán sự chê bà. Về sau bà làm Thứ hậu xứ Kosambi. Bà rất được đức vua sủng ái.

    Khi ấy đức Thế Tôn lại ngự đến thành Kosambì và độ được bà Hoàng hậu đắc Tu-đà-hườn quả, làm cho bà Màgandiyà càng oán ghét đức Thế Tôn thêm. Bà không biết làm sao bà liền ra tiền thuê người chưởi mắng đức Thế Tôn. Dạy những người ấy chưởi những câu chưởi tệ nhứt trong lúc ấy có mười điều là: Thằng ăn trộm, thằng điểu giả, thằng khùng, thằng lừa, thằng lạc đà, thằng bò, thằng địa ngục, thằng súc sanh, thằng không thể sanh cõi thiên đàng, thằng chỉ còn có con đường là địa ngục.

    Ðại Ðức Ananda nghe người chưởi mắng những lời thô bỉ chịu không nổi, nên bạch với đức Thế Tôn rằng: Người thành nầy chưởi chúng ta quá, vậy chúng ta nên đi nơi khác.



    - Bây giờ đi đâu đây Ananda ?

    - Bạch đức Thế Tôn đi xứ khác.

    - Nếu đến xứ khác mà người trong xứ ấy cũng chưởi ta thì đi đâu nữa Ananda ?



    - Bạch đức Thế Tôn, thì chúng ta lại đi xứ khác nữa.

    - Khi người xứ ấy chưởi nữa thì chúng ta làm sao hở Ananda ?

    - Thì lại đi xứ khác nữa.



    - Ananda ơi, chúng ta đi như vậy thật là thất sách. Vì chuyện gì phát sanh nơi nào thì tất lặng nơi ấy. Không nên đi nơi nào khác Ananda , nầy vậy ngươi thấy người hạng nào chưởi mắng ta?



    - Bạch đức Thế Tôn toàn là những hạng hạ lưu trong xã hội.

    - Ananda ơi, chúng ta ví như tượng trận. Vì tượng trận phải nhẫn nại chịu tất cả các thứ khí cụ như tên, lao, giáo v.v... phạm tới nó, vì khi lâm trận không sao tránh khỏi đó là trách nhiệm. Sự nhẫn nại chịu những lời của kẻ vô sỉ chưởi mắng là phận sự của kẻ tu hành. Rồi đức Thế Tôn thuyết câu kệ:

    AHAM NÀGOVA SANGÀMAM
    CÀPÀTO PATITAM SABAM
    ATIVÀKYAN TITIKKHISSAM
    DUSSILO HI BAHUJJANO.



    Nghĩa: Ta phải nhẫn nại chịu lấy lời chưởi mắng, ví như tượng trận chịu đựng tên đạn giữa trận; vì trong đời nầy người một phần đông là kẻ không có giới đức.

    Phần đông thường có người tập được những con thú đã thuần thục rồi đến biểu diễn nơi công cộng. Khi có đức vua ngự đến xem con vật được tập thuần thục ấy biểu diễn. (Con vật nầy trở nên con vật hữu dụng). Trong nhóm người ai là người đã có tu hành (tập được hạnh nhẫn nại) người ấy mới chịu nổi được lời xỉ vả, người ấy mới là người cao quí. Những con ngựa dữ, những con tượng dữ khi đã dạy được thuần thục rồi mới là con vật có giá trị cao quí. Cũng như người tự dạy mình được mới gọi là người cao thượng hơn những con thú ấy.

    Chú giải: Tượng trận có nhiều tánh nhẫn nại với tất cả các thứ vũ khí khi lâm trận. Người tu hành cũng phải có nhẫn nại để chịu đựng những vũ khí tối độc của người là lời nói hay lời mắng nhiếc xỉ vả. Những con thú dạy thuần như tượng trận thật là quí, nhưng con người đã dạy được mình càng quí vô cùng vô tận vậy.



    SỰ BẤT HOÀ CỦA CHƯ TĂNG XỨ KOSAMBÌ

    Tại chùa Ghositàràma gần thành Kosambì có hai nhóm Tỳ khưu là Pháp sư và Luật sư. Mỗi bên có năm trăm người đệ tử.

    Ngày nọ, vị Pháp sư đi cầu lại quên để dư nước rửa trôn ở trong chậu nước trong phòng vệ sinh rồi ra đi. Sau lại có vị Luật sư lại vào phòng vệ sinh, trong chậu nước còn dư nước, ông liền hỏi ông Pháp sư: Có phải Ðại Ðức để nước dư trong phòng vệ sinh không?



    Ông Pháp sư đáp: Bạch Ngài, phải!

    - Ngài có biết rằng: Nếu làm như thế là phạm vào điều học vì để dư nước sau khi đi cầu trong phòng vệ sinh không?

    - Bạch Ngài, thật tôi không biết.

    - Nếu Ngài không hiểu thì Ngài đã phạm vào điều học.

    - Nếu vậy Ngài cho tôi xin sám hối điều lỗi ấy.

     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:08 AM | Message # 46
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Nếu điều nầy Ngài không có tác ý để làm thì vô tội.

    Vị Pháp sư không biết mình là người phạm vào điều học.

    Vị Luật sư khi về tới tư thất của mình liền nói với đệ tử mình rằng: Vị Pháp sư ấy đã phạm điều học mà cũng chẳng biết.



    Bọn đệ tử của Luật sư gặp đệ tử của vị Pháp sư mới nói: Thầy tế độ của các ông phạm vào điều học mà cũng chẳng biết.

    Ðệ tử của vị Pháp sư về bạch việc ấy với thầy tế độ của mình. Vị Pháp sư nói: Vị Luật sư ấy đã nói với ta rằng: Không phạm tội vì không có tác ý. Giờ lại bảo là ta phạm tội. Vị Luật sư nầy phạm tội nói dối.



    Khi đệ tử của vị Pháp sư gặp đệ tử của vị Luật sư trả đũa rằng: Thầy tế độ của quí vị phạm tội nói dối. Cả hai bên khi gặp nhau là nói tới chuyện phạm lỗi của nhau nên chuyện càng ngày càng to thêm lên, nguyên nhân chỉ chút nước dư trong phòng vệ sinh mà ra.

    Sau khi gặp cơ hội thuận tiện các vị Luật sư lại hội nhau lại đọc tuyên ngôn khai trừ chư vị Pháp sư không cho dự lễ vì phạm điều học.

    Kể từ ngày ấy đi trong chùa Ghositàràma chia ra làm hai phái rõ rệt và cũng ra mặt chống đối nhau. Khi ấy chư Tỳ khưu ni cũng chia ra làm hai phái, đến đổi chư Thiên trong chùa và chư Thiên cõi trời cùng Phạm Thiên cũng chia ra làm hai phe để chống nhau vì chấp rằng: Bên nầy phải bên kia quấy.

    Ðức Thế Tôn biết chuyện ấy Ngài liền gởi lời khuyên nhủ cả hai bên rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, các thầy nên hợp tác với nhau. Ðến lần thứ nhì có vị Tỳ khưu bạch cho đức Thế Tôn hay rằng: Bạch đức Thế Tôn, hai phe ấy không có ý định hòa hợp nhau, đức Thế Tôn lại gởi nhắn nhủ lần thứ ba nữa. Ngài lại được tin rằng: Chư Tỳ khưu ấy đã chia rẽ nhau thật sự rồi.

    Ðức Thế Tôn phải thân hành ngự đến nơi ấy, Ngài dạy về cái hại của sự bất hòa, Ngài chỉ trích về sự tuyên ngôn khai trừ nhau, Ngài dạy phải cùng hòa hợp cử hành các lễ nhất là lễ Phát lồ ở cùng một nơi có lễ kiết giới tại chùa Ghositàràma , Ngài truyền chư Tăng hãy hội lại nơi Tăng đường, Ngài dạy các vị ấy trải tọa cụ ngồi cách nhau một khoảng có thể một vị chen vào ngồi được. Mặc dầu đức Thế Tôn đã dạy như vậy nhưng Ngài lại nghe rằng: Mặc dầu vậy mà các vị ấy vẫn chẳng hòa. Ðức Thế Tôn lại ngự đến chùa Ghositàràma một lần nữa và Ngài dạy rằng: Các thầy Tỳ khưu nầy, các thầy không nên bất hòa nhau. Nầy các thầy Tỳ khưu khi đã gọi là bất hòa, sự gây gổ, sự tranh giành và sự cãi vã nhau chỉ đem lại tai hại thôi, cũng như loài chim Latukikà (chim sâu) vì sự cãi vã nhau làm hại đến tượng. Rồi đức Thế Tôn dạy: Các thầy Tỳ khưu nầy, Như Lai xin các ông hãy hòa hợp nhau, nhiều ngàn chim se sẻ vì sự cãi vã và bất hòa nhau nên bị tiêu diệt hết.



    Mặc dầu đức Thế Tôn hết lòng giảng dạy nhưng các thầy cũng chẳng vâng lời.

    Khi ấy có một vị Tỳ khưu thấy đức Thế Tôn phải nhọc lòng như vậy Ngài lấy làm khổ tâm, nên bạch Phật rằng: Bạch hóa đức Ðại Từ Bi, Ngài là đấng cứu thế vị Pháp Vương, xin đức Thế Tôn hãy tri túc, nghỉ cho an tịnh cõi lòng. Chúng tôi đã là hạng gây gổ nhau, tranh giành nhau. Mặc dầu đức Thế Tôn có nói đến chuyện ngài Dìghati bị đức vua Brahmadatta giết, Thái tử Dìghàti cũng vẫn không cột oan trái oán thù. Khi mà đức Th? Tôn có dạy thêm rằng: Các thầy Tỳ khưu nầy, sự nhẫn nại và sự yên lặng của Thái tử Dìghàti không trả thù cho cha như vậy. Các ngươi là người tu cũng chẳng nên oán thù gây gổ nhau chi, nên coi gương ấy và nên hành theo, nên yên tịnh tu hành cho mau giải thoát. Mặc dầu đức Thế Tôn có dạy như thế thì Ngài cũng không thể làm cho chúng tôi đoàn kết lại được đâu.

    Ðức Thế Tôn thấy bọn nầy khó dạy, không vâng lời, nên Ngài nghĩ: Ta ở lại đây cũng chẳng ích chi. Ngài liền vào khất thực tại thành Kosambì mà không nói cho vị Tỳ khưu nào biết cả, sau khi khất thực xong Ngài đi thẳng đến Bàlakalona-kàràma một mình, Ngài lại từ ấy đi thẳng vào rừng Pàrileyyaka. Ngài đến ngự dưới một cội cây to và nhập hạ nơi rừng ấy.

    Ðồng thời ấy có tượng chúa đoàn trông thấy sự ở chung với đoàn rất bực mình nên cũng đi ở riêng trong rừng ấy và gặp được đức Thế Tôn. Tượng chúa lấy làm trong sạch với đức hạnh thanh cao của đức Thế Tôn hết lòng hầu hạ Ngài hết ba tháng hạ. Nơi đây có hai vị chúa tể là vị PHÁP VƯƠNG và TƯỢNG CHÚA.



    Khi Thiện nam Tín nữ đến chùa không thấy có đức Thế Tôn, mới hỏi: Bạch chư đai đức, Ðức Thế Tôn ngự nơi nào?

    - Ðức Thế Tôn đã ngự vào rừng Pàrileyyaka rồi.

    - Bạch Ðại đức, tại sao đức Thế Tôn lại vào ở rừng như vậy?

    - Sở dĩ mà Ðức Thế Tôn vào ở nơi rừng thẳm như vậy, vì Ngài hết lòng dạy chúng phải hòa nhau, nhưng chúng ta không vâng lời Ngài nên Ngài đi ở nơi yên tịnh.

    - Bạch chư Ðại Ðức, quí Ngài xuất gia theo giáo pháp của Phật nhưng khi các Ngài bất hòa đức Thế Tôn khuyên bảo, mà các Ngài lại không vâng lời sao?

    - Chúng ta không hòa nhau.

    Thiện tín nghĩ rằng: Những vị Tỳ khưu xuất gia theo Phật, khi Ngài dạy hãy hòa nhau mà các thầy không hòa. Chúng ta không được hầu hạ cúng dường và thính pháp của Ngài cũng vì các vị Tỳ khưu nầy. Chúng ta chẳng nên cúng dường tứ vật dụng đến các vị ấy nữa mà cũng chẳng kính trọng các thầy ấy làm gì.

    Kể từ ngày ấy đi, không còn người tín đồ nào vào chùa cúng dường cho các vị Tỳ khưu ấy. Chỉ đôi ba ngày sau bị đói khát chịu không nổi nên tìm nhau để sám hối tội lỗi của nhau. Xong rồi mới mời tín đồ đến để nói rằng: Hiện nay chúng ta đã xin lỗi và sám hối nhau rồi. Vậy xin quí vị hãy trở lại với chúng ta.

    - Vậy quí Ngài đã xin lỗi và sám hối với đức Thế Tôn chưa?

    - Chưa.



    - Vậy xin quí vị đi xin lỗi và sám hối với đức Thế Tôn trước đã. Riêng chúng tôi sẽ trở lại với quý Ngài là sau khi quý Ngài đã sám hối với đức Thế Tôn xong rồi.

    Các vị Tỳ khưu không sao đến nơi Phật ngự được vì trong lúc đang còn trong Hạ.



    Khi ấy đức Thế Tôn ngự tại rừng Pàrileyyaka thật là an nhàn, mọi việc đều có tuợng chúa Pàrileyyaka lo thật chu đáo. Trước khi muốn giúp làm việc cho Phật thật là bỡ ngỡ vì không biết làm sao múc nước lên, nên tượng tìm một cây to đạp cho ngã xuống, dẫm đứt từng đoạn xong chà một khúc cho tròn như cái bát dùng ngà khoan thành lỗ dùi mãi thành ra một cái gàu nước để dâng đức Thế Tôn rửa tay chân. Khi muốn có nước nóng dâng Phật tắm, dùng vòi kéo ra một tảng đá to xong ôm lấy cây chà đến để quanh tảng đá đập đá văng lửa cháy những lá khô bắt cây cháy, khi biết đá nóng. Tượng dùng một khúc cây đẩy tảng đá ấy xuống ao nước gần bên làm cho nước nóng. Lấy gàu múc nước mang lên dâng Phật tắm, khi ấy tượng đi mang choàng tắm đến dâng Phật Ngài hỏi: Có nước nóng rồi phải chăng Pàrileyyaka. Ðức Thế Tôn đi theo sau tượng đến nơi thường tắm là có nước sẵn.



    Khi đức Thế Tôn vào làng khất thực tượng liền mang bát để lên đầu đi theo sau. Khi đến ven rừng, Ðức Thế Tôn dạy: Pàrileyyaka, kể từ nơi nầy đi ngươi không thể theo Như Lai được. Vậy ngươi hãy trao bát cho Như Lai.



    Tượng chúa trao bát cho đức Thế Tôn, Ngài vào làng khất thực còn tượng thì tìm chỗ nào yên tịnh đợi đón đức Thế Tôn về. Khi đức Thế Tôn về đến tượng chúa liền tiếp lấy bát để trên đầu rồi theo đức Thế Tôn về rừng. Khi đến nơi để bát vào nơi đức Thế Tôn hằng ngồi thọ thực, lấy gáo múc nước hầu hạ không khác một ông Sa di nếu không nói là Ðại Ðức Ananda. Khi đức Thế Tôn thọ thực tượng bẻ nhánh cây quạt hầu Ngài. Ðêm lại tượng bẻ khúc cây to cầm nơi vòi đi quanh nơi Phật ngự, vì sợ những thú dữ đến làm hại Ngài. Từ ngày đức Thế Tôn ngự lại tại rừng ấy với tượng chúa, rừng ấy đổi tên là Rakkhitavanasanda , nghĩa là khúc rừng có canh phòng cẩn mật. Tượng chúa hành động như vậy kể từ ngày gặp Phật.

    Ðồng thời tượng hầu hạ đức Thế Tôn như vậy, cũng có một con khỉ chúa, thường để ý thấy tượng hầu hạ đức Phật cũng phát tâm trong sạch nghĩ rằng: Vậy ta phải có gì dâng cúng đến Ngài? Từ ngày ấy đi khỉ nhứt định phải tìm làm một việc gì hữu ích chi cho đời mình. Ngày nọ khỉ trông thấy một tổ ong không còn có ong ở nữa, nên rất mừng bẻ nguyên một nhánh ấy đem đến dâng cúng đến đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn liền thọ lãnh. Khỉ ngồi nơi xa để coi Phật làm sao và nghĩ rằng: Ðợi coi đức Thế Tôn có thọ thực đồ ta cúng dường không? Khỉ thấy đức Thế Tôn thọ lãnh xong ngồi yên thì lấy làm lạ nghĩ: Tại sao Ngài không thọ thực? Khỉ liền đến cầm lấy coi có những gì mà Ngài không thọ thực. Khỉ xem rõ thấy còn những con ong con, khỉ liền lần lần khều những con ong con ấy ra hết đem dâng lại cho đức Thế Tôn một lần nữa. Lần nầy Ngài thọ lãnh và thọ thực, khỉ thấy vậy lấy làm thỏa thích nhảy nhót vui mừng. Vì quá vui nên nhảy lên nhánh cây thật cao rồi nhảy xuống, rất rủi nhầm nhánh cây khô và sức nhảy nặng nên gãy, khỉ mất thăng bằng không gượng được nên té luôn xuống hố nhằm nơi cây nhọn làm khỉ chết tại chỗ. Nhờ khi chết tâm vui mừng trong việc làm của mình nên được sanh về cõi trời Ðạo Lợi trong toà lầu bằng vàng cao ba mươi do tuần.



    Sự nhập hạ của đức Thế Tôn trong rừng Rakkhavana với tượng chúa Pàrileyyaka ai ai cũng biết. Vì vậy các vị đại thí chủ như ông Cấp Cô Ðộc, bà Visàkhà v.v... Nghe vậy liền viết thơ tới đức Ananda rằng: Xin Ðại Ðức phải làm sao thỉnh cầu đức Thế Tôn về cho chúng tôi.



    Sau khi ra hạ xong có năm trăm vị Tỳ khưu vào hầu Ðại Ðức Ananda yêu cầu Ngài rằng: Bạch Ðại Ðức chúng tôi không được nghe lời vàng ngọc của đức Từ Phụ lâu lắm rồi, chúng tôi phải làm sao mới được nghe pháp giải thoát của Ngài. Ngài vui lòng cho chúng tôi cùng đi với Ngài.

    Ðại Ðức Ananda dẫn các vị ấy cùng đi với Ngài. Khi đến ven rừng Ngài nghĩ rằng: Không nên đem các vị nầy vào hầu Phật, vì Ngài đã ở nơi rừng vắng hằng ba tháng rồi. Ngài đề nghị chư vị Tỳ khưu ấy phải ở ngoài ven rừng đợi Ngài.

    Tượng chúa trong thấy Ðại Ðức từ xa đến lập tức bẻ một cành cây to chạy ngay đến hướng Ngài Ðại Ðức đi đến. Ðức Thế Tôn trông thấy liền dạy rằng: Pàrileyyaka ơi, hãy ngừng lại và đứng dang ra, vị Tỳ khưu ấy là đệ tử hầu Như Lai. Tượng bỏ cành cây xuống nhưng tỏ ra không có thiện cảm với Ðại Ðức là không tiếp lấy bát của Ðại Ðức. Tượng nghĩ rằng: Nếu thật thầy Tỳ khưu nầy là đệ tử Phật, thì không bao giờ để bát trên bát của Phật.

    Ðại Ðức Ananda là vị đệ tử rất chu đáo nên sự hành động của Ngài rất vừa lòng tượng chúa. Tượng chúa phát tâm trong sạch kính nể Ngài Ðại Ðức. Khi Ngài Ðại Ðức làm xong phận sự rồi đảnh lễ đức Thế Tôn ngồi nơi phải lễ.

    Ðức Thế Tôn phán hỏi: Ananda , ngươi đến đây một mình ngươi sao?

    Ðại Ðức đáp: Bạch đức Thế Tôn, đệ tử đến đây với năm trăm vị Tỳ khưu.

    Ðức Thế Tôn hỏi: Vậy các vị ấy ở đâu?

    - Vì đệ tử chưa biết đức Thế Tôn định thế nào? Nên đệ tử để các vị ấy ở ngoài rừng, vào đây một mình thôi.

    - Ngươi hãy gọi các vị ấy vào đây.

    Ðại Ðức Ananda vâng lời đi gọi chư Ðại Ðức ấy vào hầu Phật. Khi đảnh lễ xong liền ngồi nơi phải lẽ. Rồi bạch đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài là vị Pháp Vương cao quí, khi Ngài còn ở đời Ngài là vị Ðế vương. Hôm nay Ngài lại ở nơi rừng hoang vắng như thế nầy cả ba tháng hạ là chuyện thật khó làm. Chắc không ai hầu hạ Ngài sớm trưa lo nước lạnh và nước uống cho Ngài.

    Ðức Thế Tôn dạy: Nầy các thầy Tỳ khưu, những việc người vừa nói đã có tượng chúa Pàrileyyaka lo cho Như Lai thật chu đáo. Sự có được người bạn như thế nầy ở gần bên thật là cao quí. Rồi đức Thế Tôn thuyết ba câu kệ:

    Nếu người có được người bạn có trí tuệ để giữ mình, trí tuệ nhớ hiểu nhiều, người có đặc ân là làm cho được kết quả lợi ích cùng đi chung nhau (Người mà có được người bạn hoàn toàn như vậy) thì nên mãn nguyện (vì người bạn ấy) có trí nhớ (giúp ta) chận đứng các tai hại đang ở bên ta và đang tìm thế làm hại ta, khi đã đi chung với người bạn như vậy (thì thật an vui).



    Nếu người không có được người bạn có trí tuệ giữ mình, có trí tuệ hiểu nhiều, có đặc ân là làm cho những sự lợi ích kết quả đến cùng đi chung nhau. (Người không có bạn như vậy) nên đi một mình. Ví như vị minh quân bỏ cả quốc gia ra đi một mình (vì Ngài trông thấy cái hại của ngai vàng). Hay ví như tượng chúa tên Matanga bỏ đoàn ra đi ở nơi rừng vắng một mình.



    Sự đi một mình còn cao quí hơn có bạn là kẻ hung ác, ngu dại cùng đi chung. Người không có bạn ác như nói trên cùng đi chung. Người ấy có tri túc, ở nơi thanh vắng một mình không làm tội lỗi; cũng như tượng chúa Matanga có sự tri túc ở một mình và không làm tội lỗi.



    Sau khi dứt câu kệ năm trăm vị Tỳ khưu đắc A-la-hán quả. Ðại Ðức Ananda liền bạch Phật rằng: Các đại thí chủ như Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, bà Visàkhà v.v... có gởi thơ đến cầu xin đức Thế Tôn yêu cầu đức Thế Tôn về vì tất cả đệ tử đều mong nhớ Ngài.

    Ðức Thế Tôn dạy: Nếu vậy ngươi hãy mang bát đi. Ðức Thế Tôn liền trao y, bát cho Ðại Ðức Ananda. Tượng chúa trông thấy vậy liền đứng cản đường. Chư Tăng thấy lạ mới bạch hỏi Phật: Bạch đức Thế Tôn, tượng chúa tỏ ý muốn gì vậy?

    - Nầy các vị, tượng chúa muốn cúng dường cho các vị. Tượng chúa nầy đã dày công giúp đỡ Như Lai rất nhiều, vậy không nên làm cho tượng thất vọng. Nầy các thầy, vậy các thầy phải nán ở lại đây. Rồi đức Thế Tôn và chư Ðại Ðức đồng trở lại chỗ cũ.

    Tượng liền vào rừng bẻ các thứ trái cây ngon ngọt thơm rất quí đem về chia ra từng phần đủ dâng đến năm trăm vị Tỳ khưu. Sau khi thọ thực xong , đức Thế Tôn liền đứng dậy ra đi về thành. Tượng liền vào đứng ngăn giữa chư Tăng và đức Thế Tôn. Chư Tăng thấy vậy lấy làm lạ hỏi đức Thế Tôn: Bạch đức Thế Tôn, tượng chúa làm chi đây?



    - Nầy các thầy Tỳ khưu, tượng muốn đưa các người đi còn Như Lai thì ở lại. Rồi đức Thế Tôn liền nói với tượng: Tượng Pàrileyyaka ơi, hôm nay Như Lai phải đi và không trở lại. Trong kiếp nầy, Thiền định hay Minh sát tuệ hoặc đạo, quả ngươi không thể nào đắc được đâu, ngươi hãy ngừng và ở lại nơi đây.



    Tượng nghe đức Thế Tôn dạy vậy liền đút vòi vào miệng rống lên, rồi tránh đường cho đức Thế Tôn ngự đi, tượng từ từ theo sau. Khi đến ven rừng, đức Thế Tôn liền dừng lại nói với tượng Pàrileyyakà rằng: Nầy Pàrileyyakà ơi, kể từ chỗ nầy đi tới không phải là chỗ của ngươi có thể đi đến được đâu, đó là chỗ ở của người đời nơi ấy có rất nhiều tai hại nguy hiểm quanh mình, ngươi nên ở lại nơi nầy là hơn.



    Tượng nghe Phật dạy liền đứng lại hai hàng nước mắt rưng rưng nhìn theo đức Thế Tôn ngự đi với hàng Tăng lữ. Khi đức Thế Tôn ngự đi vừa khuất tầm mắt thì tượng chúa vừa ngã xuống chết liền; liền khi ấy được sanh về cõi trời Ðạo Lợi có tòa lầu cao bằng vàng ba mươi do tuần. Có tên là Pàrileyyaka. Ðức Thế Tôn ngự về Kỳ Viên tịnh xá.

    Chư Tỳ khưu thành Kosambì nghe tin đức Thế Tôn đã ngự về thành Thất La Phiệt, liền kéo nhau đến hầu Phật.

    Ðức vua Ba Tư Nặc được tin rằng: Các vị Tỳ khưu thành Kosambì chia rẽ nhau sẽ đến Kỳ Viên tịnh xá. Ngài lập tức ngự vào chùa hầu Phật và bạch: Bạch đức Thế Tôn trẫm sẽ ra lịnh cấm không cho các vị Tỳ khưu thành Kosambì vào xứ của trẫm.

    - Tâu Ðại vương, các vị Tỳ khưu ấy toàn là hạng có giới đức nhưng chỉ không vâng lời Như Lai vì họ gây nhau thôi, hiện nay bọn họ đến đây để xin sám hối với Như Lai. Vậy xin Ðại vương rộng lượng để các vị ấy đến.

    Ông Trưởng giả Cấp Cô Ðộc bạch Phật rằng:



    - Bạch đức Thế Tôn đệ tử sẽ không bằng lòng cho các vị ấy vào tịnh xá nầy.

    Ðức Thế Tôn cũng khuyên ông không nên cố chấp chuyện đã qua khi mà người ta đã biết chừa bỏ tội lỗi.



    Khi các vị Tỳ khưu ấy đến thành Thất La Phiệt, đức Thế Tôn dạy cho các thầy ấy đến ở một nơi thanh tịnh, không có một vị Tỳ khưu nào đến gần chư Tỳ khưu Kosambì .



    Có người đến hỏi:

    - Bạch đức Thế Tôn, nhóm Tỳ khưu nào ở thành Kosambì đến đây là các vị tạo ra sự chia rẽ gây gỗ nhau.

    - Bọn các thầy ấy ở bên kia.

    Chư Tỳ khưu thành Kosambì bị các người ấy đ?n chỉ mặt nói: Ðây là bọn Tỳ khưu Kosambì tạo ra sự chia rẽ, bất tuân lịnh bề trên. Các vị Tỳ khưu ấy không sao ngước mặt lên được vì quá hổ thẹn với lỗi lầm của mình. Liền đến quì dưới chân đức Thế Tôn xin sám hối tội lỗi đã làm vì tối mê.

    Ðức Thế Tôn dạy: Nầy các thầy Tỳ khưu, các thầy làm một việc thật đáng chỉ trích nặng nề. Các người đã được xuất gia theo đấng Giác ngộ như Như Lai; trong khi các ngươi được Như Lai khuyên nhủ hãy hòa hợp nhau mà các ngươi không vâng theo. Khi xưa bực trí vâng lời dạy của cha mẹ khi chính mắt thấy cha mẹ bị người nghịch đem ra pháp trường xử tử. Sau được dịp trả thù nhưng không trả thù và không dám vi phạm lời giáo huấn của song thân, nhờ vậy sau được vợ lại được làm vua hai xứ. Rồi đức Thế Tôn thuyết Túc Sanh truyện của Dighàyu rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, ông Dighàyu khi thấy cha mẹ bị đem xử tử nơi pháp trường, mà vẫn không dám quên lời giáo huấn của cha mẹ là không nên lấy oan trái cột oan trái. Sau lại đức vua Brahmadatta biết liền nhường ngai vàng và gả công chúa cho được làm vua hai xứ. Còn các người là đệ tử của đấng Ðại Giác mà không thừa hành theo pháp giải thoát. Ðức Thế Tôn thuyết câu kệ:

    PARE CA NA VIJÀNANTI
    MAYAM ETTHA YAMÀMASE
    YE CA TATTHA VIJÀNATI
    TATO SAMMANTI MEDHAGÀ.

    Nghĩa: Người khác không biết mình rằng: Chúng ta bị bầm dập giữa hàng Tăng chúng. Chỉ có người nào trong nhóm người ấy biết rằng: Sự thù oán vắng lặng vì sự hành động của người ấy.

    Chú giải: Ý câu kệ nầy dạy rằng: Những người nào cố tạo ra sự chia rẽ vì những người ấy không bao giờ biết rằng: Chúng ta sẽ bị lụn bại hay phải đi đến gần tử thần. Chỉ có các bực trí thức biết rằng: Nếu chúng ta cãi vã nhau, chia rẽ nhau thì phải đi đến nơi tiêu diệt (tử thần). Khi người nhìn thấy lẽ phải như vậy nên hành hầu cho tâm được yên lặng, thì tức nhiên các sự gây gỗ cãi vã sẽ tiêu diệt vì sự hành động chân chánh của các vị trí thức ấy.

    Hơn nữa, các người mà Như Lai đã dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu các thầy không nên cãi vã gây gỗ nhau, không nên chia rẽ nhau. Các thầy không vâng lời ta những người ấy là người khắc trong câu kệ.





    CHUYỆN ASADISADÀNA (Bố thí không bố thí nào sánh bằng)

    Lúc nọ, đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, đức vua Ba Tư Nặc vào hầu Phật và thỉnh Phật vào thành thọ thực. Luôn tiện đức vua muốn khoe sự bố thí của mình, nên cho mời dân chúng đến dự cuộc lễ bố thí của Ngài.



    Dân chúng thấy sự cúng dường của đức vua thật là trọng thể, nên họ mới hội nhau lại để làm lễ cúng dường Phật bảo, khi ấy nhân dân đồng lòng thỉnh Ðức Phật và chư Tăng đến cúng dường và cũng không quên mời đức vua đến dự cuộc lễ. Ðức vua thấy dân chúng cúng dường còn có phần hơn mình, nên Ngài liền thỉnh đức Phật và chư Tăng vào cúng dường nơi thành nội và cũng mời dân chúng đi đến dự. Dân chúng thấy đức vua làm hơn mình nên đồng lòng hùn nhau làm cho hơn vua. Ðức vua và dân chúng thi nhau cúng dường như thế đến sáu lần không phân biệt được bên nào hơn bên nào cả. Lần thứ sáu dân chúng góp hết lực lượng của mình ra làm những vật gì trên thế gian nầy có, dân chúng đều đem ra dâng cúng hay chưng bày làm nhà vua kinh hoàng về sự bố thí của dân chúng. Nhưng phàm một vị Ðế vương không bao giờ chịu thua hàng dân giả. Nên khi Ngài về cung nằm suy nghĩ buồn cho mình là vị Ðế vương mà không thắng được dân.

    Khi ấy bà Hoàng hậu Malikà là người rất thông minh hơn ai hết và là một người rất mạnh về đức tin. Khi thấy đức vua buồn nên bà hỏi: Tâu Ðại vương tại sao Ngài buồn bực nằm trằn trọc không yên giấc như vậy?

    - Hậu không hay biết gì sao?

    - Tâu Ðại vương, thần thiếp có biết chuyện gì đâu!

    Ðức vua liền thuật lại những việc làm trong khi bố thí cho bà nghe.

    Hoàng hậu liền tâu: Xin Hoàng thượng an lòng, đã là đấng chí tôn như Ðại vương, giàu sang, quyền hành mà lại đi thua dân chúng sao? Bệ hạ có từng nghe từ cổ chí kim vua có thua dân bao giờ đâu? Thiếp thần xin lo việc nầy cho Hoàng thượng.

    Bà liền nghĩ đến việc bố thí thế nào mà dân chúng không sao làm nổi. Sự bố thí của bà nghĩ ấy là ASADISADÀNA có nghĩa là sự bố thí không có sự bố thí nào so sánh bằng.

    Bà liền tâu rằng: Tâu Ðại vương, xin cho lập một cái trại bằng cây tươi, lợp bằng lụa. Cái trại ấy có thể ngồi chung quanh được năm trăm vị Ðại Ðức. Chư Ðại Ðức ngồi quanh cái rạp ấy. Lịnh Hoàng thượng truyền người làm năm trăm cây lọng bằng lụa cho đẹp, và chọn năm trăm con tượng trận để đứng sau lưng chư Ðại Ðức ôm lọng che cho chư Ðại Ðức. Rồi xuất vàng kho ra làm tám hay mười chiếc thuyền to bằng vàng để trong rạp lụa ấy. Phải chọn cho thật nhiều vị Công chúa, Quận chúa, và các vị ái nữ của hoàng thân quốc thích thật đẹp, chia ra làm nhiều nhóm, nhóm thì đâm giã những vật thơm, như trầm hay hoa thơm để lấy chất thơm, kẻ thì đem những chất thơm ấy để vào thuyền to đã làm bằng vàng trong rạp ấy, người thì múc nước lọc để vào thuyền vàng, người thì dùng chèo bằng trầm hương khuấy chất thơm nhóm thì đứng quạt hầu chư Ðại Ðức, người thì rải nước thơm ở thuyền vàng cho thơm cùng nơi trai Tăng ấy. Nếu nước và chất thơm ấy đã hết thì có người đem thêm để vào. Khi Ðại vương làm như vậy tất nhiên phải thắng vì nhân dân làm gì có tượng đến năm trăm thớt trong một ngày một buổi được, hơn nữa dân chúng làm sao có người đẹp như trong hoàng tộc để lo trong việc cúng dường, còn phải làm thuyền vàng v.v...

    Ðức vua lấy làm vui mừng và khen: Hay lắm, hay lắm! Hậu giúp ta được việc, Hậu là người cứu tinh của ta. Rồi Ngài lập tức ra lịnh thi hành ngày cho kịp sự cúng dường ngày mai. Mọi việc đã xong trước sáng, nhưng chỉ còn thiếu một con tượng đứng ôm lọng thôi. Ðức vua lấy làm lo nên nói với Hoàng hậu rằng: Trẫm rất lo là thiếu một con tượng đứng ôm lọng cho một vị Ðại Ðức.

    Bà Hoàng hậu hỏi: Tâu Ðại vương, vậy trong xứ này thiếu tượng sao?



    - Tượng binh của trẫm nhiều lắm, nhưng chỉ chọn bốn trăm chín mươi chín con thuần thục có thể phục tùng ngồi ôm lọng được còn ngoài ra thì còn rất nhiều nhưng toàn là tượng hung hăng bất phục tùng khi phải ngồi lâu như vậy. Lại còn e nó trông thấy các vị Ðại Ðức nó giết liền.

    - Tâu Ðại vương, thiếp thần có chỗ để cho tượng dữ ấy đứng hợp với tính tình của nó.



    - Vậy trẫm phải xếp cho tượng ấy đứng sau vị Ðại Ðức nào?

    - Thiếp thần nghĩ nên để đứng hầu Ngài Ðại Ðức Vô Não.

    Ðức vua truyền y theo lời của Hoàng hậu mà thi hành. Lạ thay khi dẫn tượng đến ngồi ôm lọng sau đức Vô Não thì tượng ấy trở nên hiền hơn các tượng khác; tỏ vẻ rất dễ dạy và thuần hơn bao giờ hết. Dân chúng ai cũng biết tượng ấy là tượng hung dữ nhứt, khi đứng hầu Ngài Vô Não trở nên hiền làm mới nghĩ rằng: Tượng hung dữ nầy biết kinh sợ Ngài Ðại Ðức Vô Não.

    Ðức vua cúng dường những vật thực thật là quí. Sau khi trai Tăng xong, đức vua mới bạch với đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, trẫm xin cúng dường tất cả mọi vật đã có trong cuộc lễ nầy đến Ngài, trừ ra vật nào không hợp pháp. (Ðây đức vua ngụ ý nói đến những vị Công chúa và thú như tượng, thì không hợp pháp).

     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:09 AM | Message # 47
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Trong cuộc lễ ấy đức vua tiêu hết mười bốn kinh đồng vàng. Những vật vô giá là lọng, bảo tọa của Phật như làm bằng vàng nạm ngọc, của chư Tăng làm bằng vàng, ghế kê chân để bước lên bảo tọa cũng bằng vàng chạm trổ tinh vi, những món ấy đều dâng đến đức Thế Tôn.

    Thật ra trong một đời của một vị Chánh đẳng Chánh giác chỉ có một lần bố thí như vậy thôi, vì sự cúng dường nầy không ai làm được lần thứ nhì. Nên có tên là Asadisadàna có nghĩa là sự bố thí không có sự bố thí nào sánh bằng.



    Trong cuộc bố thí ấy có hai vị đại thần một vị tên là Kala và một tên là Junha có hai ý nghĩ khác nhau. Ông Kalà nghĩ: Hoàng gia sẽ đi tới chỗ bần cùng, một ngày xài hết mười bốn kinh đồng vàng như thế nầy làm sao chịu nổi, cho các Tỳ khưu nầy ăn no xong về chùa ngủ, chỉ hại là ngân khố hoàng gia bị khánh kiệt.

    Còn ông Junha nghĩ: Thật ra, đức vua là người nên tán thưởng ca tụng, vì tất cả các vị Ðế vương không có vị nào có thể cúng dường trọng thể như Ngài được. Ðức vua không hồi hướng phước báu cho chúng sanh, nhưng ta nguyện xin chia phần phước báu ấy.

    Sau khi cúng dường xong; đức vua liền lãnh lấy bát của đức Thế Tôn tỏ ý đợi lời cầu chúc của đức Phật.

    Ðức Thế Tôn nghĩ: Ðức vua bố thí rất là trọng thể, ví như người khai thông một thác nước vĩ đại. Vậy trong hàng đại chúng có trong sạch với cuộc lễ nầy chăng? Ðức Thế Tôn mới thấy hai ý nghĩa của hai vị đại thần, Ngài nghĩ tiếp: Nếu ta chúc tụng cuộc lễ nầy thật xứng đáng thì ông Kàla lại tức giận vì ghen hờn mà chết, còn Junha sẽ đắc Tu-đà-hườn quả. Vì lòng thương hại ông đại thần Kàla nên Ngài chỉ cầu chúc sơ một câu kệ rồi ra về.

    Khi về chùa tất cả các vị Tỳ khưu còn phàm hỏi Ðại Ðức Vô Não rằng: Nầy ông Vô Não, khi ông trông thấy tượng hung dữ đứng sau lưng ôm cây lọng ông không sợ sao?

    - Không!

    Các thầy Tỳ khưu ấy mới vào hầu Phật và bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, ông Vô Não tỏ ra khoe mình là bực cao nhơn.

    Ðức Thế Tôn dạy; Nầy các thầy Tỳ khưu, sự thật Vô Não không hề khiếp sợ bởi vì Tỳ khưu là con của Như Lai như bò chúa ở giữa đàn bò, nghĩa là vị Thánh nhơn không bao giờ kinh sợ gì cả. Ðức Thế Tôn liền thuyết câu kệ: Người can đảm cao quí đã tìm thấy được đặc ân cao thượng rồi, không rung động đã giác ngộ, Như Lai gọi là Sa môn.



    Nói về đức vua sau khi đức Thế Tôn ra về lấy làm bực tức vì Ngài nghĩ: Ðức Thế Tôn không cầu chúc cho xứng đáng với sự cúng dường của ta giữa hàng đại chúng, Ngài chỉ nói một câu kệ. Ta sẽ không cúng dường cao quí đến Ngài nữa.



    Mặc dầu tức giận nhưng đức vua cũng vào chùa để hỏi Phật; khi vào đến nơi bạch hỏi Phật: Bạch đức Thế Tôn trẫm đã cúng dường xứng đáng và hợp pháp hay không?

    Ðức Thế Tôn hiểu tại sao đức vua hỏi vậy nên hỏi lại: Ðại vương có chuyện chi chăng?

    Ðức vua không đáp câu hỏi lại nói: Ðức Thế Tôn không cầu chúc cuộc lễ của trẫm giữa hàng đại chúng một cách long trọng.

    - Ðại vương cúng dường thật là tuyệt đối long trọng, sự bố thí của Ðại vương có tên là asadisadàna, sự bố thí nầy một đời của một đức Chánh đẳng Chánh giác chỉ có được một lần mà thôi, sự bố thí như thế chỉ có một người làm được mà thôi.



    - Bạch đức Thế Tôn, nếu vậy vì nguyên nhân nào đức Thế Tôn không cầu chúc cho long trọng cho xứng với lòng kính thành và lễ vật cúng dường của trẫm?

    - Như Lai xem lại thấy bộ thuộc của Ðại vương không trong sạch.



    - Bạch đức Thế Tôn sự không trong sạch ấy như thế nào?

    Ðức Thế Tôn liền thuật lại tâm của vị Ðại thần tên Kàla cho đức vua nghe. Rồi Ngài tỏ cho đức vua biết vì lòng Từ bi nên Ngài không muốn làm hại nhân mạng của một chúng sanh, thà là để đức vua bất bình đến vấn nạn Ngài.

    Ðức vua nghe vậy cả giận mới gọi ông Ðại thần tên Kàla đến hỏi: Nầy Kàla ngươi có suy nghĩ như thế không?

    - Tâu Ðại vương có như vậy.

    - Trong khi trẫm cùng Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa và cả quyến thuộc của trẫm không hề lấy của khanh ra bố thí, nghĩa là trẫm không hề bắt buộc khanh phải làm theo trẫm. Vậy nay, vật nào trẫm đã ban thưởng cho khanh, khanh được quyền mang những vật ấy ra đi khỏi x? của trẫm ngay bây giờ.

    Ðức vua hạ chỉ đuổi ông Kàla ra khỏi xứ rồi Ngài liền dạy gọi ông Junha đến hỏi: Khanh có nghĩ như vậy chăng?

    - Tâu Ðại vương có như vậy thật.

    Ðức vua liền dạy: Lành thay, thiện thay, trẫm lấy làm trong sạch với khanh, trẫm thưởng khanh được quyền thay trẫm trị dân trong bảy ngày, được quyền xuất công khố hoàng gia ra làm việc thiện mà khanh muốn làm.



    Rồi đức vua bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nhìn coi việc làm của kẻ tối mê. Trẫm làm phước như thế nầy mà dám chỉ trích trẫm.

    Ðức Thế Tôn dạy: Ðúng vậy Ðại vương, lẽ cố nhiên người ngu dốt không hoan nghênh thỏa thích sự bố thí của kẻ khác, người ấy chỉ có một con đường đi là vào ác đạo ngày vị lai. Còn bực trí thức thì hằng hưởng ứng thoả thích với sự bố thí và tất cả các việc thiện mà người khác làm, người ấy chắc chắn được sanh về thiên đàng.

    Ðức Thế Tôn liền dạy câu kệ:

    NA VE KADA RIYA DEVALOKAM DANAM
    BALAHAVE NAPPA SSANTI DANAM
    DHIRO CADANAM ANUMODAMANO.
    TENEVA SO HOTI SUKHI PA RATTHA

    Nghĩa là: Người bỏn xẻn không thể đến thiên đàng được, kẻ ngu dốt không thể ca tụng sự bố thí, chỉ có bực trí thức thỏa thích hưởng ứng sự bố thí, vì vậy các vị ấy có sự an vui trong ngày vị lai.

    Sau khi dứt thời pháp ông Ðại thần Junha đắc Tu-đà-huờn quả và thời pháp cũng đem lại rất nhiều hữu ích cho hàng đại chúng. Ông Ðại thần Junha được làm vua bảy ngày vì quả của sự thoả thích trong sự bố thí của người khác.



    CHUYỆN ÔNG GARAHADINNA

    Tại thành Thất La Phiệt có hai người bạn rất thân nhau là ông Sirigutta và Garahadinna. Hai người theo hai tôn giáo khác nhau, ông Sirigutta là người thiện nam trong Phật giáo. Còn ông Garahadinna là tín đồ của ngoại đạo gọi là Nigraítha .



    Bọn Nigraítha bảo đệ tử là ông Garahadinna rằng: Người nên bảo bạn của người là Sirigutta rằng: Bạn hằng đến hầu ông Sa môn Cồ đàm làm gì, bạn có được lợi ích gì nơi ông ta chăng? Ngươi hãy cố gắng làm sao cho Sirigutta vào với bọn chúng ta, cúng dường cho chúng ta.



    Ông Garahadinna nghe lời bọn ngoại đạo, nên thường khuyên bạn là ông Sirigutta hãy vào hầu và dâng cúng bọn ngoại đạo mãi, bất luận gặp nơi nào, đứng ngồi nơi đâu cũng nói bấy nhiêu ấy thôi. Ông thường nói: Bạn Sirigutta ơi, bạn hằng vào hầu ông Sa môn Cồ đàm, vậy bạn hãy thử vào hầu thầy chúng tôi một phen coi, bạn cúng dường cho Ngài bạn sẽ được phước báu cao thượng có phải là quí hơn không?

    Phàm một người thiện nam đứng đắn thật không thể nào tin tưởng ngoại đạo được và cũng chẳng thích nghe lời ca tụng của ngoại đạo nhưng vì tình bạn buộc lòng phải nghe lời ấy mãi mãi cũng đâm ra chán tai, ông nghĩ rất nhiều về vấn đề bạn hằng kêu gọi, ngày nọ ông không còn chịu nổi nữa nên nói: Bạn Garahadinna ơi, hằng ngày bạn gặp tôi không nói gì hơn chỉ có bấy nhiêu đây hoài. Vậy xin bạn cho tôi biết: Quí vị Ðại Ðức thầy của bạn thông hiểu những gì?



    - Ô trời ơi! Bạn đừng nói vậy chớ, những gì mà thầy tôi không biết thật là không có. Thầy tôi thông thấu quá khứ, hiện tại và vị lai, hiểu rõ sự hành động của thân, khẩu, ý, biết chuyện nên làm hay không nên làm, hoặc chuyện sẽ xảy đến hay không?

    - Bạn ơi! Nếu thật vậy tại sao bạn không bảo cho tôi biết từ trước thật bạn quấy lắm. Vậy tôi sẽ biết tuệ giác của thầy bạn trong ngày mai. Vậy xin bạn thỉnh thầy bạn đến thọ thực nơi tư gia của tôi ngày mai nầy.

    Ông Garahadinna lật đật đến chùa Nigraítha làm lễ xong mới nói, bạn tôi là Sirigutta xin kính thỉnh quí Ngài đến thọ thực nơi nhà bạn tôi sáng mai.

    Bọn Nigraítha lấy làm vui mừng hỏi: Có thật Sirigutta nói với người như vậy không?

    - Thưa quí Ngài, thật đúng như vậy.

    Phận sự của ngươi đã kết quả mỹ mãn, kể từ khi mà Sirigutta trong sạch với chúng ta thì gọi là chúng ta được tài lợi vĩ đại rồi.

    Ông Sirigutta là Trưởng giả nên nhà rất to rộng. Khi ông về nhà dạy người đào một con đường giữa nhà móc đất ra làm một cái hầm to, mới đem sình non trộn phân đổ vào hầm ấy, dưới hầm có đóng nọc cột dây, trên nọc ấy lót ván trải nệm gấm thật sang, chưng dọn đủ các vật thật xứng đáng một cuộc lễ long trọng. Không ai có thể biết dưới ấy là một hầm phẩn vĩ đại. Trên miệng hầm leo lên lót lá chuối thật trơn, ông bảo người nhà rằng: Khi nào bọn ngoại đạo ngồi, ông ra dấu lập tức kéo dây cho những cây nọc ấy ngã xuống những tấm ván ấy rớt ra, bọn ngoại đạo bị mất thăng bằng phải bị rớt xuống hầm phẩn thay vì ngồi trên đệm gấm.



    Khi chuẩn bị chu đáo thì cũng vừa lúc ông Garahadinna đến hỏi ông Sirigutta rằng: Bạn đã chuẩn bị xong chưa?

    Ông Sirigutta nói: Ðây bạn hãy xem tôi đã chuẩn bị như vầy đã xong rồi đây.



    - Vậy vật cúng dường đâu không thấy?

    Ông Sirigutta liền chỉ những vật đựng đồ cúng dường thật nhiều vật thực ngon ngọt chẳng thiếu chi. Ông Garahadinna thấy vậy lấy làm vừa lòng, trở về đưa năm trăm người ngoại đạo đến thọ thực.

    Ông Sirigutta ra tận ngõ tiếp đón, đảnh lễ thật là cung kính xong ông phát nguyện trong tâm rằng: Tôi được nghe bạn tôi bảo rằng: Quý vị là đấng hiểu thông mọi việc trong tam giới cả quá khứ ,hiện tại và vị lai? Nếu quý Ngài hiểu rõ những gì trong nhà tôi thì xin đừng vào. Khi quý vị vào thì không có vật thực chi hết. Nếu quý vị không hiểu thông mà vào thì tôi sẽ làm cho quý vị rơi vào hầm phẩn. Phát nguyện xong, ông liền đứng dậy tránh đường cho những ông ngoại đạo vào, đồng thời ông cũng ra dấu cho người nhà biết để giựt dây. Khi đến nơi trải đệm gấm bọn ngoại đạo biết đây là chỗ của mình liền ngồi xuống.

    Người nhà ông Sirigutta nói: Xin quý Ngài khoan ngồi.

    - Tại sao?

    - Thưa quí Ngài đợi chư vị vào hết đồng ngồi xuống một lượt đây là phong tục của nhà nầy như thế.

    - Ngươi nói phải.



    Khi đã vào đủ mặt người nhà ông Sirigutta nói: Xin quí vị đồng an tọa. Khi các người ấy an tọa xong người nhà ông Sirigutta liền kéo dây làm cho những cây nọc đỡ ván ngã; những tấm ván rơi ra, các ông ấy mất thăng bằng không thể gượng được nên té vọng đầu xuống hầm phẩn to. Ông Sirigutta liền lại đống các cửa hết, và người nhà cầm roi đứng nơi miệng hầm chỗ các ông ấy leo lên quất cho thật đau. Ðã bị rơi trong hầm phẩn, khi leo lên bị lá chuối trơn mà còn bị người cầm roi đợi đánh thật là một chuyện chưa hề có bao giờ, các vị ấy lấy làm hổ thẹn. Khi ông Sirigutta thấy đánh nhiều rồi ông cho mở cửa các ông ấy lật đật chạy về chùa.



    Khi xong việc bọn ngoại đạo đến nhà ông Garahadinna than trách ông rằng: Ông đã làm một chuyện thật khổ cho chúng tôi. Xong bọn chúng mới thuật lại những gì đã xảy ra.

    Ông Garahadinna lấy làm tức giận vì nghĩ rằng: Sirigutta làm cho ta xấu hổ vô cùng để người nhà đánh chư Ðại Ðức của ta, các Ngài là phước điền của ta mà làm vậy thật đáng giận.



    Ông liền đội cáo trạng vào tận nhà vua kêu oan vì việc làm tai hại của ông Sirigutta , yêu cầu đức vua phải trừng phạt Sirigutta cho xứng tội. Ðức vua liền cho đòi Sirigutta vào chầu hỏi cho rõ nguyên nhân vì sao làm như vậy.

    Ông Sirigutta vào chầu và tâu rằng: Tâu Ðại vương khi Ngài chưa rõ câu chuyện không nên phạt tôi.

    - Không, ta phải xét rõ mới định tội.

    - Tâu Ðại vương, vậy xin Ðại vương cứ hỏi.

    - Vậy ngươi hãy khai những gì người đã làm và tại sao người hành động như vậy?

    - Tâu Ðại vương, bạn tôi là Garahadinna, hằng bảo tôi rằng: Bạn ơi, v.v... (ông thuật lại những gì mà ông Garahadinna đã nói). Khi ông thuật xong liền tâu rằng: Tâu Ðại vương, nếu Ðại vương thấy tôi quấy thì tùy Ngài phạt, tôi không dám trái lịnh.

    Ðức vua liền hỏi tiên cáo là ông Garahadinnna rằng: Theo lời khai của Sirigutta có đúng vậy không?

    Garahadinna tâu: Tâu Ðại vương, sự thật là vậy.

    Ðức vua liền phán: Ngươi sùng bái Nigraítha là người không thông hiểu như lời người nói, lại đi dối gạt người là đệ tử của đức Chánh đẳng Chánh giác rằng: Thầy của ngươi lão thông mọi sự việc. Ðây vì lời nói của ngươi làm hại ngươi chỉ có người là người đáng bị phạt thôi, còn Sirigutta vô tội.

    Ông Garahadinna càng tức giận hơn, nên từ ấy đi hai người không hề gần nhau nữa. Chừng một tháng sau Garahadinna mới nghĩ: Nếu ta giận Sirigutta như vậy hoài thì có ích lợi chi cho ta, ta phải trả thù làm hại những thầy Tỳ khưu hằng đến thọ thực tại nhà Sirigutta. Nghĩ vậy nên Garahadinna mới đến nhà bạn giả lả và nói rằng: Lẽ cố nhiên, sự cãi vã nhau, gây gổ nhau giữa bạn bè và quyến thuộc là sự thường. Tại sao bạn lại không chuyện trò với tôi?

    - Bạn ơi, sở dĩ tôi không trò chuyện với bạn, vì bạn không chơi với tôi. Vậy việc gì đã qua ta nên để nó qua đi. Chúng ta không nên để mất tình bạn.

    Kể từ ngày ấy đi, hai người chơi thân với nhau như xưa. Ngày nọ Sirigutta bảo Garahadinna rằng: Bạn gần với bọn Nigrantha ấy đem lợi ích gì lại cho bạn? Bạn vào hầu đức Thế Tôn, hoặc cúng dường đến Ngài không lợi ích hơn hay sao?

    Ðược nghe lời ấy dường như gãi đúng vào chỗ ngứa, nên Garahadinna hỏi: Vậy Thế Tôn của bạn hiểu những gì?

    - Bạn chẳng nên hỏi câu ấy, không có gì trong tam giới mà đức Thế Tôn của tôi không thông hiểu. Ngài thông hiểu tất cả những nhân của quả khác nhau, hiểu rõ tâm của chúng sanh có bao nhiêu nhịp.

    - Vậy mà tôi không hề hay biết chi hết, tại sao từ trước đến nay bạn không bảo cho tôi biết. Vậy xin thỉnh đức Thế Tôn đến thọ thực tại nhà tôi ngày mai nầy.

    Ôg Sirigutta vào hầu Phật và bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Garahadinna là bạn của đệ tử, yêu cầu đệ tử thỉnh cầu đức Thế Tôn và chư Ðại Ðức đến thọ thực ở nhà y ngày mai nầy. Nhưng trước đây đệ tử có xử tệ với bọn ngoại đạo Nigraítha (xong ông thuật lại những gì ông đã làm). Ðệ tử không biết rằng: Garahadinna có trả cái hận mà đệ tử đã làm rồi chăng? Nếu Garahadinna cúng dường đến đức Thế Tôn bằng lòng trong sạch hay không, tùy theo đức Thế Tôn thông hiểu và nhận lời hay không?
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:10 AM | Message # 48
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Ðức Thế Tôn dùng tuệ giác quan sát thấy rằng: Garahadinna đào hầm sâu giữa nhà, trong đốt tám chục xe gỗ to thành than, đợi khi nào đức Thế Tôn và chư Tăng đứng trên sàn sẽ giựt dây cho sàn sập. Ðức Phật và chư Tăng rớt ngay vào hầm than đỏ. Ngài mới nghĩ thêm rằng: Khi ta đến nơi ấy ta sẽ đứng trên ngọn lửa hồng đang cháy dữ, những tấm ván ấy sẽ biến mất và hoa sen trong lửa đỏ hiện ra đỡ dưới chân Như Lai và các vị Tỳ khưu theo hầu Như Lai cũng đồng một thể, khi ấy Như Lai và chư Tăng cùng ngồi trên hoa sen nơi mà Garahadinna định là chỗ Như Lai ngự. Ðức Thế Tôn nhứt định làm như vậy nên Ngài nhận lời.

    Sirigutta về cho bạn hay rằng: Ðức Thế Tôn đã nhận lời. Ông Garahadinna cũng làm in như ông Sirigutta thay vì để sình và phẩn ông lại cho đốt tám chục xe củi to. Ông ta tự nhủ: Ta sẽ cho Sirigutta thấy quả của việc làm của y.



    Sáng sớm ông Sirigutta đến nhà bạn và hỏi: Bạn đã chuẩn bị xong hết chưa?

    - Ô, hoàn toàn lắm bạn ơi.



    Rồi ông dẫn ông Sirigutta đi coi chỗ dọn đồ ăn đủ thứ, nhưng trong những đồ vật ấy không có đồ ăn gì hết.

    Sirigutta thấy sự chuẩn bị của bạn thật là chu đáo, ông rất hài lòng nên nói: Lành thay, thiện thay.



    Thường khi, người trong thời ấy nghe đức Thế Tôn ngự đến nơi nào thuộc phạm vi của ngoại đạo thì cả dân chúng không phải tín đồ cũng đến nơi ấy, vì họ muốn thấy sự thắng bại của hai bên. Còn tín đồ đến nơi ấy vì muốn thấy đức Thế Tôn giáo hóa ngoại đạo và nghe pháp luôn.

    Sáng ngày, đức Thế Tôn cùng năm trăm vị Ðại Ðức ngự đến nhà của Garahadinna. Ông Garahadinna ra tận nơi cổng đón tiếp đức Thế Tôn và đảnh lễ, rồi cũng phát nguyện y như ông Sirigutta đã làm.

    Ðức Thế Tôn biết rõ, nhưng Ngài vẫn ngự vào như thường. Ông Garahadinna nói: Xin thỉnh Ngài đi vào ngã nầy. Bạch đức Thế Tôn, khi Ngài vào nhà tôi xin Ngài nên biết thể lệ theo gia đình tôi.

    Ðức Thế Tôn hỏi: Vậy Như Lai phải làm sao?



    - Phải đợi tất cả các vị ấy đồng vào một lượt. Thâm tâm của Garahadinna sợ vào từng vị một thì sẽ biết cơ mưu và chỉ rớt vào hầm một ít vị thôi.

    - Thiện thay, thiện thay.



    Rồi đức Thế Tôn cùng chư Tăng ngự vào. Khi vừa đến hầm lửa thì ông Garahadinna lại trở ra và nói: Xin Ngài tự tiện ngự vào nơi ấy.



    Khi đức Thế Tôn để chân lên hầm lửa thì tấm ván ấy tiêu mất và trong hầm lửa đang cháy rực rỡ ấy mọc lên một cái hoa sen thật to đỡ chân đức Thế Tôn, Ngài ngự đi trên hoa sen đến nơi Ngài ngự. Năm trăm vị Ðại Ðức cũng đồng một thể như Phật.

    Khi ấy ông Garahadinna thấy vậy kinh sợ vô cùng, ông cảm thấy chính ông đang bị lửa thiêu đốt nóng nảy vô cùng. Ông liền chạy đến nhà của ông Sirigutta nói: Bạn ơi, xin Ngài làm phước cứu tôi với (vì kinh sợ quá kêu bạn là Ngài).

    Ông Sirigutta hỏi: Có chuyện chi vậy bạn?

    - Trong nhà tôi không có món vật thực chi để cúng dường đến Phật bảo và Tăng bảo hết. Bây giờ làm sao đây?

    - Vậy hôm qua nay bạn làm những gì?

    - Tôi bảo người đào hầm đốt tám chục xe củi để đốt đức Phật và chư Tăng. Hoa sen thật to trong lửa hồng mọc lên đỡ chân các Ngài vào ngồi nơi trai Tăng. Giờ tôi phải làm sao đây?

    - Hồi sáng bạn có chỉ cho tôi thấy nầy là vật thực cúng dường đã có đủ hết rồi không phải sao?

    - Ðó toàn là đồ để gạt bạn thôi.

    - Thôi vậy cũng chẳng sao, bạn hãy về xem lại trong những đồ mà bạn chỉ tôi ban sáng nói: Ðây là nồi cháo, nọ nồi cơm v.v... thì bạn sẽ thấy những gì bạn cho tôi biết buổi mai giờ có đủ hết.



    Ông Garahadinna lật đật về giỡ nấp nồi và chén v.v... mà ông chưng để gạt ông Sirigutta ban sáng thì thấy có đầy những vật thực.

    Ông Garahadinna thấy chuyện phi thường như vậy lấy làm lạ và sự trông sạch với Phật bảo và Tăng bảo phát sanh rất mạnh; làm cho ông nhẹ cả người hình như sắp bay bổng lên không trung.



    Ông liền lo việc cúng dường đến đức Thế Tôn và chư Tăng với tất cả tấm lòng trong sạch và kính thành chưa bao giờ có trong tâm ông.



    Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn thuyết chúng sanh nào không rõ được công đức của đệ tử của Như Lai và ân đức Phật pháp, vì thiếu tuệ nhãn, người mà thiếu tuệ nhãn gọi là kẻ mù. Người có trí tuệ gọi là người sáng mắt.

    Ðức Thế Tôn thuyết câu kệ:

    YATHÀ SANKARADHANASMIN
    UJJHITASMIN MAHAPATHE
    PADUMAN TATTHE JÀYETHA
    SUCIGANDHAN MANORAMAM
    EVAM SANKÀRA BHƯTESU.
    ANDHABHƯTE PATHUJJANO
    ATIROCATI PANNÀYA
    SAMMÀSAMBUDDHA SÀVAKO.

    Nghĩa: Hoa sen có mùi thơm sanh trong đống rác dơ ở bên vệ đường. Những hoa sen ấy, vẫn được người yêu chuộng. Cũng như những phạm nhơn là đống bùn nhơ, đệ tử Như Lai huy hoàng giữa đám phàm nhơn là người thiếu trí tuệ.

    CHÚ GIẢI: Ðại ý câu kệ nầy đức Thế Tôn dạy: Hoa sen sanh trong bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn. Cũng như chư Thinh Văn đệ tử Phật cũng là con người có tấm thân bẩn thỉu cấu hợp bởi đất, nước, gió, lửa, ba mươi hai thể trược, nhưng các Ngài đã giải thoát vì nhờ có tuệ nhãn, nên không hề làm điều tội lỗi và vật nhơ của tinh thần, mặc dầu sống trong đời đầy sự ô trược là tội lỗi nhưng tâm rất là trong sạch không bợn nhơ phiền não.

    Sau khi dứt thời pháp hai ông Sirigutta và Garahadinna đều đắc Tu-đà-hườn quả và cũng có rất nhiều người được đắc quả Thánh.

    VIDUDABHA TRU DIỆT DÒNG THÍCH CA

    Ngày nọ, đức vua Ba Tư Nặc ngự trên lầu trong hoàng cung ngó ra đường trông thấy chư Tỳ khưu đi đến nhà của ông Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, nhà bà Visàkhà , nhà bà Suppavàsà để thọ thực. Ngài hỏi quan hầu rằng: Chư Ðại Ðức đi đâu nhiều như vậy?

    Quan hầu tâu: Tâu Ðại vương, mỗi ngày ông Trưởng giả Cấp Cô Ðộc có thỉnh hai ngàn vị Tỳ khưu về nhà cúng dường, năm trăm vị về nhà ông Cula Anàthapindika , năm trăm vị về nhà bà Visàkhà , còn năm trăm vị về nhà bà Suppavàsà. Những nhà ấy trai Tăng như vậy hằng ngày.

    Ðức vua nghe vậy phát tâm trong sạch với sự cúng dường của các nhà ấy, nên Ngài liền vào Kỳ Viên tịnh xá hầu Phật và xin thỉnh đức Thế Tôn và một ngàn vị Tỳ khưu đến hoàng cung đ? tự tay Ngài cúng dường trót bảy ngày. Ðến ngày thứ bảy, đức vua bạch với đức Thế Tôn rằng: Trẫm cầu xin đức Thế Tôn và năm trăm vị Ðại Ðức đến thọ thực nơi hoàng cung của trẫm hằng ngày.

    Ðức Phật dạy: Tâu Ðại vương, vì theo lệ thường của một đấng Chánh đ?ng Chánh giác không bao giờ lãnh thọ thực vật cúng dường một nơi nào mãi mãi được. Vì rất có nhiều người mong ước đức Phật ngự đến nhà.



    - Nếu vậy, xin đức Thế Tôn giao phận sự ấy cho một vị Ðại Ðức nào đến đây thọ thực cũng được.

    Ðức Thế Tôn giao phận sự ấy lại cho Ðại đức Ananda. Vì vô ý nên đức vua không truyền cho người trong hoàng cung phải lo vật thực, trải chỗ ngồi để tiếp rước chư Tăng. Vì lẽ ấy nên đến ngày thứ tám là sự tiếp rước chư Tăng đã trở nên bê trễ, vì người trong hoàng cung không ai chịu khó thi hành nhiệm vụ khi không có lịnh vua, nói tóm lại phần lớn toàn là những bọn lười biếng vô trách nhiệm.

    Vì lẽ ấy nên chư Tăng đến thọ thực nơi hoàng cung càng ngày càng giảm xuống, vì các Ngài không muốn vì miếng ăn mà phải bị trễ nải tu hành của mình. Các Ngài liền lần lần đi nơi khác khất thực. Ðến khi đức vua nhớ lại sự trai Tăng của Ngài, Ngài liền trở lại chỗ ấy thì chỉ còn vỏn vẹn có một mình Ðại Ðức Ananda thôi. Sở dĩ mà Ðại Ðức Ananda còn đến là vì Ngài là bực có đào tạo rất nhiều Ba la mật nên Ngài còn rán để giữ đức tin của thí chủ thôi. Ngài không nản chí ngã lòng mặc dầu Ngài không được người nơi ấy đối đãi nhã nhặn. Ngài phải đứng chờ thật lâu mới có một chỗ ngồi và đợi rất lâu mới có vật thực cúng dường. Khi đức vua nhớ đến và đến nơi ấy thì chỉ còn có một mình Ðại đức Ananda ngồi nơi ấy thôi.



    Khi đức vua thấy có một mình Ðại Ðức liền tức giận hỏi: Chư Ðại đức không đến sao?

    Có người đáp: Tâu Ðại vương, chỉ có một mình Ðại Ðức Ananda đến mà thôi.

    Ngài lấy làm buồn phiền vì nghĩ rằng: Các vị Tỳ khưu bỏ không đến thọ thực như vậy thật là bất phải. Ngài liền đi thẳng vào Kỳ Viên tịnh xá bạch hỏi Phật: "Bạch đức Thế Tôn, trẫm có chuẩn bị vật thực đúng năm trăm khẩu phần để dâng cúng cho chư Tỳ khưu, nhưng chỉ có một mình Ðại Ðức Ananda đến thọ thực thôi. Năm trăm vị Tỳ khưu mà trẫm thỉnh ấy không đến thọ thực theo lời thỉnh cầu của trẫm. Vậy không biết vì lẽ gì?

    Ðức Thế Tôn không nói gì đến cái quấy của chư Tăng mà cũng chẳng nói gì về việc bê trễ của người trong hoàng cung, Ngài chỉ dạy: Vì lẽ đệ tử của Như Lai không được thân thiện với Ðại vương nhiều, nên không đến. Khi ấy đức Thế Tôn dạy nhân của chư Tăng không đến. Rồi đức Thế Tôn nhóm chư Tỳ khưu lại dạy rằng:

    - Nầy các thầy Tỳ khưu, gia đình nào có chín điều các thầy Tỳ khưu chưa đến không nên đến. Nếu vị nào đã thường đến với gia đình ấy không nên ngồi gần. (Ý nói không nên đến thường hay chẳng nên đến).



    Chín điều ấy là:

    1/ Người chủ nhà không đứng dậy tiếp rước niềm nỡ.
    2/ Không lễ bái bằng cách cung kính.
    3/ Không cho chỗ ngồi bằng cách vui vẻ.
    4/ Che giấu những vật đã có.
    5/ Khi có nhiều nhưng cho rất ít.
    6/ Có đồ ngon cho đồ dở.
    7/ Cho bằng cách không cung kính.
    8/ Không đến gần để nghe pháp.
    9/ Khi đang thuyết pháp giảng đạo tỏ vẻ không hài lòng.

    Nầy các thầy Tỳ khưu gia đình nào có chín điều kể trên. Vị Tỳ khưu nào chưa đến gần đừng nên đến gần. Nếu đã đến gần rồi chẳng nên ngồi gần.



    Nầy các thầy Tỳ khưu gia đình nào có chín điều các thầy Tỳ khưu chưa đến gần nên đến gần, nếu đã thân cận rồi nên thân cận hơn, chín điều ấy là chi? Chín điều ấy là: (Xin miễn kể ra đây xin quý vị hiểu trái với chín điều kể trên).

    Tâu Ðại vương, đệ tử của Như Lai không thân cận với hoàng cung vì vậy nên không đến.

    Ðức vua liền nghĩ: Vậy ta phải làm sao để ra người thân với các thầy Tỳ khưu? Chỉ có phương pháp là cưới con gái dòng Thích Ca về phong làm Hoàng hậu. Như vậy thì các thầy Tỳ khưu trẻ tuổi và Sa di sẽ là người thân của ta. Vì nghĩ muốn làm quyến thuộc với Phật nên Ngài đưa sứ thần đến xin cầu hôn với dòng Thích Ca. Ngài còn dặn sứ thần rằng: Phải hỏi kỹ coi có phải là công chúa không và là con của ai?



    Khi sứ thần xứ Thất La Phiệt đến xin cầu hôn. Dòng Thích Ca liền họp lại bàn rằng: Nếu ta không bằng lòng thì chỉ chuốc lấy tai hại cho ta, nhưng trong vũ trụ nầy không ai có dòng trong sạch và cao quí như dòng Thích Ca của chúng ta. Vậy chúng ta phải làm sao đây?

    Ông Mahànama có ý kiến: Tôi có một người con gái con của một phi tần tên là Vàsabhàkhattiyà, con gái ấy đẹp tuyệt đối, nết hạnh lại rất đoan trang. Chúng ta sẽ gả nàng cho vua Ba Tư Nặc.

    Dòng Thích Ca đều tán thành ý kiến ấy.

    Vị sứ thần hỏi: Vị công chúa ấy con của vị nào trong dòng Thích Ca?

    - Vị Công chúa ấy là cháu nội của chú đức Thế Tôn tên là nàng Vàsabhàkhattiyà .

    Vị sứ thần liền về trình những gì đã biết cho đức vua Ba Tư Nặc nghe.

    Ðức vua dạy: Ðược vậy càng hay, nhưng xin quý vị nên quan tâm vì dòng Thích Ca có tiếng là khôn ngoan có thể trao con của một tỳ nữ cho ta cũng nên. Vậy nên coi cô ta có từng ẩm thực cùng mâm với cha cô không?

    Các vị sứ thần trở lại rước dâu, nhưng trước khi rước dâu tâu với đức vua Mahànàma rằng: Hoàng thượng chúng tôi muốn được chứng kiến trong khi Hoàng thượng và Công chúa cùng ẩm thực.

    Ðức vua Mahànàma đáp: Ðược chớ có sao. Rồi truyền trang điểm cho Công chúa thật đẹp và truyền đòi đến cùng ẩm thực với Ngài.

    Các vị sứ thần xứ Savatthi thấy vậy nên tin chắc là con của đức vua Mahànàma , nên làm lễ rước lịnh bà về rất là long trọng. Khi đức vua trông thấy mặt công chúa Thích Ca lấy làm đẹp dạ, nên liền truyền làm lễ phong chức Chánh cung vô cùng trọng thể. Không lâu lịnh bà hạ sanh được một vị Hoàng nam. Ðến ngày đặt tên đức vua cho một vị Ðại thần vào tâu với Hoàng thái hậu rằng: Ðức vua đã có được một vị Hoàng tử. Vậy lịnh bà Hoàng thái hậu và quyến thuộc muốn đặt tên chi?

    Vị Ðại thần vào tâu hỏi chuyện ấy lại là một vị quan già và hơi nặng tai. Khi Hoàng thái hậu được biết tin ấy bà liền phán rằng: Nàng Vàsabhàkhattiyà , khi chưa có con là một vị Hoàng phi được vua sủng ái hơn hết, phương chi hôm nay lại hạ sanh được một vị Hoàng Nam thì càng làm cho đức vua quý mến hơn lên không biết sao kể xiết.

    Ðã lãng tai mà lại không dám hỏi lại cho kỹ khi mà nghe không rõ. Vì lẽ kính nể Hoàng thái hậu, ông nghe tiếng Vàsabhàkhattiyà ấy thành ra Vidudabha. Nên vào tâu rằng: Hoàng thái hậu đặt tên Thái tử là Vidudabha .

    Ðức vua lấy làm lạ nhưng cũng chẳng hỏi lại vì Ngài nghĩ: Chắc đây là họ xưa của gia đình ta. Nên Ngài làm lễ đặt tên là Vidudabha. Ðức vua rất cưng yêu Thái tử, nên khi còn là trẻ con mà phong cho chức Soái. Vì Ngài nghĩ rằng: Làm như vậy chắc đức Thế Tôn rất hài lòng.

    Ðến bảy tuổi Thái tử thấy các vị Hoàng tử hay các con vị hoàng thân khác có đồ chơi nào là hình tượng, ngựa v.v... ở bên nội hay bên ngoại gởi đến cho ,còn chính ông thì không thấy bên ngoại gởi gì đến cho. Nên mới hỏi mẹ rằng: Mẫu hậu, tại sao những trẻ con khác không phải con vua như con mà được người ta gởi đồ biếu còn con thì ngoại con không gởi gì cho con hết vậy?

    Hoàng hậu đáp: Ngoại con là dòng Thích Ca cao sang vô cùng mà cũng ở rất xa, nên không gởi gì đến con.

    Ðến mười sáu tuổi Thái tử Vidudabha nói với mẹ nữa rằng: Mẫu hậu con muốn về quê ngoại. Bà thường khuyên con không nên đi. Nhưng Thái tử nằn nằn đòi đi, bà không thể nào ngăn được. Nên phải cho đi, nhưng trước khi đi bà đã viết thư về cho dòng Thích Ca hay trước.



    Sau khi xin phép Phụ vương được, ông liền dẫn theo nhiều quan quân ra đi thật là oai nghiêm và rất là long trọng.

    Nói về dòng Thích Ca khi được thơ của bà Vàsabhàkhàttiya liền hội nhau lại bàn rằng: Trong dòng Hoàng tộc không ai đi lạy Thái tử Vidudabha được. Vậy phải cho các vị Hoàng tử và Công chúa nào nhỏ tuổi hơn Thái tử Vidudabha đi ở nơi khác để lánh mặt không chịu làm lễ con người phi tần.



    Khi Thái tử Vidudabha đến ,thành Ca Tỳ La Vệ hội lại nơi nhà tiếp tân tiếp đón Thái tử rất nồng hậu. Khi ấy có một vị Trưởng lão đứng ra giới thiệu cho Vidudabha biết rằng đây là ông, bà, bác, chú, anh chị v.v... Khi người có vai lớn hơn thì Thái tử phải hành lễ nghiêm trang. Sau khi chào hỏi đủ mọi người Thái tử lấy làm lạ tại sao không có một người nào làm lễ mình? Liền hỏi: Không có ai làm lễ tôi sao?



    - Con ơi, những em con có đứa thì phải đi học nơi xa xôi, có đứa phải đi công tác nơi biên cương, có đứa đi săn bắn chưa về.

    Thái tử Vidudabha không biết nên tin bằng lời; và ở lại chơi tại thành Ca Tỳ La Vệ một lúc lại ra về. Khi ấy có một cung nhơn dùng sữa tươi rửa chỗ nằm ngồi của Thái tử Vidudabha và cằn nhằn rằng: Chỗ nầy là chỗ ngồi của con của phi tần là Vidudabha mà cũng mất công ta rửa.

    Rất rủi là trong khi ấy có một vị quan hầu của Thái tử bỏ quên cây gươm nơi ấy nên trở lại mang đi. Vừa khi nghe câu nói ấy, ông mới hỏi và được biết sự thật do người cung nữ ấy nói. Ông liền đem chuyện ấy về nói với quan quân theo hầu nghe. Chuyện ấy trở nên chuyện rất quan trọng. Thái tử Vidudabha nghe lời ấy lấy làm tức giận nên nói rằng: Ta sẽ lấy máu nơi cổ của dòng Thích Ca rửa chỗ của họ ngồi hay đứng; sau khi ta được tức vị thay phụ vương trị dân.

    Sau lại đức vua Ba Tư Nặc nghe được chuyện ấy lấy làm tức giận giáng bà Vàsabhà từ Chánh hậu xuống hàng tôi đòi. Giáng Thái tử Vidudabha từ Soái xuống hàng quân nhân mà bị cầm tù.

    Ðôi ba ngày sau khi giáng cấp Hoàng hậu và Thái tử Ðức vua mới vào hầu đức Thế Tôn và bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, quyến thuộc của Ngài gả con gái của phi tần cho trẫm. Vì vậy trẫm giáng nàng và con xuống hạng tôi đòi.

    Ðức Thế Tôn không nói chi về việc giáng hay thưởng. Ngài nói: Tâu Ðại vương, dòng Thích Ca làm chuyện ấy thật quấy. Nếu đã nhận lời gả cho Ðại vương thì phải gả một vị Công chúa thật mới xứng đáng. Ðại vương, Như Lai xin bảo cho Ðại vương hiểu rõ điều nầy rằng: Nàng Vàsabhàkhattiya là con gái của đức vua Mahànàma và đã chánh thức làm lễ sính hôn với Ðại vương trước công chúng. Thái tử Vidùdabha có là do nơi dòng máu của Ðại vương. Sự thật họ mẹ không quan trọng mà chỗ quan trọng là do nơi họ cha. Vì vậy nên khi xưa các vị minh quân phong Chánh hậu cho một cô gái nghèo đi hái củi về bán và về sau con của cô ấy lại làm vua tại xứ Bàrànasì có danh là Katthavàhana .

    Ðức vua nghe chuyện ấy hết tức giận, vì nghĩ rằng: Họ mẹ không quan trọng bằng họ cha. Ngài liền hạ chiếu tha cho hai mẹ con và được phục lại chức vụ cũ.

    Ðức vua Ba Tư Nặc có một vị Tướng quốc cũng là bạn đồng môn tên là Bandula. Ông là người tài ba lỗi lạc có phần hơn cả nhà vua. Hơn nữa ông là người thanh liêm chánh trực. Vì vậy bọn gian thần ghét ông vì không thể ăn khoét của dân chúng hay gian lận của công khố. Dân chúng yêu thương ông như một ông cha hiền.

    Vì ông là người có nhiều uy tín và dân chúng yêu thương nên bọn tham quan ô lại oán ghét ông. Nên mới kiếm chuyện tâu với đức vua Ba Tư Nặc rằng: Ông Tướng quốc ngoài thì lo lấy lòng dân trong thì lo họp với các quan tính đoạt ngai vàng. Lời ấy lâu ngày làm cho đức vua tin, vì vậy Ngài định giết Tướng quốc và các con của Ngài. Ðức vua không dám ra lịnh giết người vô tội, nên hạ chiếu sai Tướng quốc đem binh dẹp loạn biên cương, còn một mặt Ngài cho phục binh giữa đường chờ khi đêm tối xông vào bắt Tướng quốc và các con giết sạch. Chuyện ấy đã thành công, nhà vua nào biết vì vô tình đã giết bạn hiền mà cũng là một đại thần tài danh hơn người. Sau vì biết đã giết lầm người bạn lành nên đức vua lấy làm ân hận. Truyền trả quan chức lại và phong thưởng cho vợ Tướng quốc, nhưng bà từ chức và xin trở về quê vì bà là Công chúa dòng Licchavì xứ Vesàlì. Ðức vua thấy bà không nhận lời liền giao quyền ấy cho cháu ông Bandula là Dighakarayana lên làm Tướng quốc.



    Mặc dầu được làm Tướng quốc thế cho bác nhưng lòng vẫn oán thù đức vua và cố tìm thế hại đức vua cho kỳ được.

    Nói về đức vua Ba Tư Nặc từ khi biết mình giết lầm một đấng công thần và là bạn cùng thầy thì Ngài lấy làm ân hận không sao kể xiết, Ngài quên ăn mất ngủ, cả ngày chỉ nhớ bạn xưa; sức khỏe càng ngày càng kém.



    Khi đức Thế Tôn ngự tại Medalupa tại xứ Saka. Ðức vua Ba Tư Nặc muốn đến yết kiến đức Thế Tôn, Ngài liền ngự đi bằng cách đại giá và Ngài đem cả gươm lịnh theo. Khi đến nơi Phật ngự, Ngài truyền đóng quân lại nơi xa chùa vì Ngài không muốn làm kinh động đức Thế Tôn và Tăng chúng. Ngài liền cởi đồ triều phục và gươm cùng ấn lịnh giao cho Tướng quốc còn Ngài thì vận thường phục vào hầu Phật.

    Dịp may hiếm có, Tướng quốc nhân cơ hội ấy liền trao gươm và ấn lại cho Thái tử Vidudabha và kéo đại đội quân mã ra về chỉ để lại con ngựa và một nàng hầu cho nhà vua thôi. Sau khi hầu Phật ra, đức vua không còn thấy quân đội của mình chỉ còn có một con ngựa và một nàng hầu. Hỏi nàng hầu mới biết cớ sự. Ðức vua nghĩ: Thôi ta cũng có phương pháp trị chúng, ta phải nhờ cháu ta (là đức vua A Xà Thế) bắt Vidudabha. (Ðức vua A Xà Thế là một nhà vua giỏi về chiến trận nhứt trong thời ấy, đến đổi đức vua Ba Tư Nặc mấy lần đem binh vấn tội vẫn phải bị thua). Ðức vua cùng nàng hầu ra đi về thành Vương Xá, vì đi đường cực khổ thiếu thốn đủ mọi việc, nắng gió, khi đến cửa thành Vương Xá thì là cửa thành cũng vừa đóng, nên nhà vua phải nghỉ ở một cái nhà bên vệ đường thường gọi là Quá Nhai Ðình. Nhà vua vì mệt nhọc nên lâm bệnh, thăng hà trong đêm ấy. Sáng ngày nghe tiếng nàng hầu khóc kể: Ðại vương ơi, Ngài là đấng tối cao giàu sang quyền uy cao cả mà hôm nay thăng hà nơi cái chòi nhỏ như vầy.

    Ðức vua A Xà Thế nghe tin ấy lật đật đến nơi thỉnh xác vào thành làm lễ hỏa táng thật là long trọng theo thể lệ của một vị Ðại vương.

    Sau khi Thái tử Vidudabha về thành tức vị xong. Ðiều thứ nhứt mà nhớ đến là trả mối thù của dòng Thích Ca khinh khi là con người tỳ nữ. Liền truyền điểm đại đội hùng binh kéo đi đánh sứ Sakka. Trong tâm định phải tru diệt cho hết sạch dòng Thích Ca.

    Ðồng thời, vua Vidudabha đem binh đi đánh dòng Thích Ca. Ðức Thế Tôn cũng biết. Ngài thấy tai nạn vĩ đại phải đến với dòng Thích Ca. Ngài nghĩ: Ta phải tìm phương cứu vãn tình thế này, không thì cả đôi bên đều bị tiêu diệt hết.

    Sáng ngày hôm ấy đức Thế Tôn khất thực và thọ thực xong, Ngài dùng thần thông bay đi, ngự nơi cội cây không có nhánh lá chi hết nơi ranh giới của hai nước, Ngài ngự bên ranh giới xứ Sakka , bên biên giới bên kia cũng có một cây tàng lá sum suê.

    Ðức vua Vidudabha ngự đến biên giới trông thấy đức Thế Tôn nên đến gần đảnh lễ xong bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn, tại sao Ngài lại ngự dưới cội cây không có bóng mát trong khi trời nóng oi ả như thế nầy. Xin thỉnh Ngài ngự dưới cội cây dừng mé bên kia đường có bóng rất mát.



    - Như Lai ngự nơi đây được rồi. Không có bóng nào mát bằng bóng mát là quyến thuộc.

    Ðức vua Vidudabha nghe vậy biết ý nói của đức Thế Tôn, liền nghĩ rằng: Sở dĩ mà đức Thế Tôn ngự đến đây ngồi dưới cội cây không nhánh lá chi hết là Ngài muốn bảo vệ quyến thuộc. Ðức vua truyền lịnh thâu quân về thành.

    Ðức Thế Tôn cũng ngự về Kỳ Viên tịnh xá. Ít lâu sau, đức vua Vidudabha lại nhớ đến chuyện cũ, liền truyền lịnh xuất chinh nữa. Nhưng lần nầy cũng như lần trước, nên Ngài lại thâu quân về. Lần thứ ba cũng thâu quân về vì gặp Phật. Nhưng đến lần thứ tư, đức Thế Tôn trông thấy không nên ngăn đón lại, vì nghiệp ấy rất là nặng, dòng Thích Ca phải chịu vậy. Vì dòng Thích Ca đã tạo từ quá khứ là dùng thuốc để thuốc cả một đầm cá, vì nghiệp ấy nên không thể cản ngăn được. Vì vậy nên đức Thế Tôn không đến nơi ấy nữa. Ðức vua Vidudabha liền xua binh đánh vào xứ Sakka và đánh đến thành Ca Tỳ La Vệ.

    Dòng Thích Ca là dòng có tiếng giỏi về chiến trận và nhiều mưu trí, nhứt là bắn tên thì không ai bằng, vì bắn đã chuẩn mà tên đi thật mạnh. Nhưng từ khi đức Thế Tôn thành đạo về giáo hoá dòng Thích Ca, nên từ khi được thấm nhuần lẽ đạo, tất cả dòng Thích Ca ai ai cũng thọ trì tam qui và ngũ giới, nên những người ấy nhứt định không sát sanh mặc dầu người khác có giết cũng đành chịu vậy. Vì thế nên khi đức vua Vidudabha đem binh đến vây thành, dòng Thích Ca bắn rát quá không dám đến gần, vì tên ấy bay ngang qua tai qua mặt v.v...; chính vua Vidudabha cũng kinh sợ và nói với quan hầu rằng bọn Thích Ca hằng nói rằng: Ta không sát sanh, nhưng sao họ bắn rát quá, chúng ta chết mất đi thôi.

    Vị quan ấy tâu: Tâu Ðại vương, Ngài hãy coi quan quân của ta có chết người nào không?

    Ðức vua coi lại thì quan quân của mình không hao hớt một người nào, Ngài yên lòng liền ra lịnh tấn công và bảo chỉ được phép giết những người nào dòng Thích Ca, còn ngoài ra không nên giết người nào khác. Nhưng chỉ chừa ngoại tổ của Ngài là đức vua Mahànàma thôi.

    Dòng Thích Ca thấy quân thù càng đến gần không còn bắn được nữa nên đành đứng xuôi tay cho người giết thôi. Có người lanh trí khi bị người hỏi ngươi là chi? Lấy cọng cỏ ngậm nói là cỏ, là rơm v.v... nhờ vậy mà khỏi chết. Nên dòng Thích Ca còn đến ngày hôm nay.

    Vua Vidudabha truyền bắt ngoại tổ Ngài là đức Mahànàma đến để đem về thành Savatthi. Khi đem nhà vua đến ông ra lịnh đức vua Mahànàma phải cùng ăn cơm chung với Ngài. Lẽ cố nhiên, một vị Ðế vương thà là chết chớ không bao giờ chịu nhục, nên đức vua Mahànàma không chịu ăn chung với Vidudabha. Nên Ngài nói: Mình ta rất dơ bẩn vậy để ta đi tắm ở hồ kia xong lại dùng cơm.

    - Ðược, ngoại tổ cứ tự tiện.

    Ðức vua Mahànàma nghĩ: Nếu ta không ăn chung với đứa bé nầy thì chắc chắn nó sẽ giết ta; thà ta chết đi còn hơn. Nghĩ xong, Ngài liền xõa tóc ra dùng tóc cột vào hai ngón chân cái xong nhào xuống hồ tự tử. Ngài là người có nhiều công tu hành từ vô số kiếp và duyên lành của Ngài sẽ đắc A-la-hán quả kiếp nầy, nên Long vương hiện lên tiếp Ngài đem về cõi Long vương. Mười hai năm sau, Ngài trở lại trần thế và tu đắc A-la-hán quả, là một trong tám mươi vị đại đệ tử Phật.

    Ðức vua Vidudabha đợi lâu không thấy ngoại tổ trở lại, truyền quan quân đốt đuốc tìm Ngài nhưng tìm không gặp. Ðức vua Vidudabha nghĩ: Chắc ngoại tổ ta đã trở về thành nội, Ngài liền truyền nhổ trại ra đi.



    Khi đến sông Acìravatì thì trời vừa tối. Ngài truyền an dinh hạ trại, vì nghiệp tru diệt dòng Thích Ca quá nặng, bởi phần đông dòng Thích Ca là Thánh nhơn, đắc từ Tu-đà-hườn hay Tu đà hàm, nên những người háo sát giết càng nhiều tội càng nặng. Nên nghiệp khiến cho những người ấy nóng nảy xuống ngủ gần mé sông, còn những người ít sát hại lại lên ngủ ở triền núi. Ðến khuya nước thủy triều dâng lên mạnh, những người ngủ mê ở mé sông bị nước cuốn trôi đi và chết hết, trong những người ấy có cả đức vua Vidudabha .

    Khi hàng đại chúng hay chuyện dòng Thích Ca bị tru diệt hội nhau lại bàn rằng: Thật là chuyện không hợp pháp dòng Thích Ca là dòng tu hành giữ giới sát thật thanh cao mà bị tai nạn vô cùng kinh khủng thật đáng nghi ngờ.

    Ðức Thế Tôn nghe vậy mới dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, sự bị tru diệt của dòng Thích Ca thật không thích đáng trong kiếp nầy, nhưng sự thật thì cái chết ấy là thích đáng với việc làm của những người ấy trong kiếp quá khứ. Vì những người ấy kiếp xưa làm nghề hạ bạc đem thuốc độc để vào ao hồ giết không biết bao nhiêu tôm cá.

    Ngày khác, các vị Tỳ khưu hội lại nói đức vua Vidudabha tiêu diệt hết dòng Thích Ca khi đem binh về không tới thành mà đưa quân đi đến nơi tử địa là bụng cá và đại dương.

    Ðức Thế Tôn ngự đến hỏi các thầy đang bàn về những gì đây?

    Chư Tỳ khưu bạch lại những gì đang bàn đến.

    Ðức Thế Tôn dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, khi tâm con người chưa đến nơi cùng tột, thì tử thần lại đến sát hại ví như nước lũ tràn ngập hết nhà cửa vậy.

    Rồi đức Thế Tôn thuyết câu kệ:

    PUPPHÀNI HEVA PACINANTAM.
    BYÀSATTAMANASSAN NARAM
    SUTTAM GÀMAM MAHOGHOVA
    MACCU ADAYA GACCHATI.

    Nghĩa: Tử thần bắt người có tâm hằng phóng túng theo đề mục đang bẻ hoa, cũng như nước lũ trôi những ngôi nhà (mà chủ nhân) đang ngủ mê vậy.

    CHÚ GIẢI: Ý nói con người tầm thường mê sa theo trần cảnh, tâm ấy hằng chạy theo đề mục (là các sự việc bên ngoài). Khi tử thần đến bắt đi cũng chẳng hay biết chi hết. Ví như người ngủ trong nhà mà không hay biết rằng nước lũ đã tràn đến và trôi đi mà cũng chẳng hay chi hết.

    Sau khi dứt câu kệ có rất nhiều người đắc Tu-đà-hườn quả.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:11 AM | Message # 49
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    THIÊN THỨ MƯỜI BỐN

    HAI VỊ ÐẠI ÐỆ TỬ NHẬP NIẾT BÀN

    -ooOoo-

    Hạ thứ bốn mươi lăm đức Thế Tôn nhập hạ tại làng Veluvagàma , sau khi ra hạ đức Thế Tôn gọi Ðại Ðức Xá Lợi Phất dạy: Nầy Xá Lợi Phất, không còn bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết Bàn, vậy chúng ta nên đến thành Thất La Phiệt.

    - Thiện thay, lành thay!

    Khi ấy đức Thế Tôn cùng chư Tăng về thành Thất La Phiệt. Khi đến nơi, Ngài Ðại Ðức đảnh lễ đức Thế Tôn liền dẫn đệ tử về chùa Divàvihàra. Khi các đệ tử lo sửa soạn chỗ Ngài ( Xá Lợi Phất) xong, Ngài liền vào tư thất tham thiền. Khi xả đại định Ngài mới nghĩ: Theo thường lệ của chư Phật lúc quá khứ, đức Chánh đẳng Chánh giác nhập diệt trước hai vị đại đệ tử, hay hai vị đại đệ tử nhập diệt trước chư Phật. Ngài biết rõ rằng: Lẽ thường thì hai đại đệ tử phải nhập diệt trước đức Thế Tôn.

    Ngài liền dùng trí tuệ xem coi tuổi thọ của Ngài còn được bao lâu. Ngài thấy rằng: Tuổi thọ của Ngài chỉ còn bảy ngày nữa thôi. Ngài mới nghĩ: Ta phải nhập diệt nơi nào? Ðại Ðức A Nhã Kiều Trần Như nhập diệt ở tại ao Chaddanta nơi rừng Tuyết Lãnh, còn ông Ra Hầu La nhập diệt ở cõi trời Ðạo Lợi, vậy còn ta phải nhập diệt nơi nào? Ngài liền nhớ đến thân mẫu Ngài: Mẹ ta là người sanh ra bảy vị A-la-hán mà đến nay cũng chưa phát tâm tín thành nơi Tam bảo, vậy mẹ ta không có duyên lành để giải thoát chăng? Ngài dùng trí tuệ quan sát thấy mẹ Ngài có duyên đắc Tu-đà-hườn quả; và Ngài tự hỏi: Vậy mẹ ta đắc quả ấy bằng cách nào? Phải đắc quả chung với hàng đại chúng chăng? Ngài thấy rõ mẹ Ngài có duyên với Ngài, nghĩa là phải nghe thời pháp sau cùng của Ngài mà đắc quả. Ngài liền nghĩ rằng: Nếu ta cứ lo hạnh tri túc không về gia đình thì không thể nào độ mẹ ta được. Về sau nầy sẽ có nhiều người chỉ trích ta rằng: Ðại Ðức Xá Lợi Phất là vị đại đệ tử tay phải của đức Thế Tôn độ rất nhiều tín đồ được các đạo quả Niết bàn và sanh về Thiên cung vô số kể mà Ngài không độ được mẹ Ngài. Kể từ khi ta thuyết thời pháp Cittasutta độ chúng sanh rất nhiều có chư thiên đắc đến A na hàm quả, hạng ít căn cơ nhứt là được sanh về cõi trời. Tại sao ta lại không cứu độ thân mẫu ta thoát khỏi vòng tà kiến? Vậy ta phải gở cái lưới tà kiến ấy cho mẹ ta, rồi ta sẽ nhập diệt nơi phòng khi mẹ ta vừa sanh ta. Ta phải đến xin phép đức Thế Tôn để ta nhập diệt.

    Ngài liền gọi Ðại Ðức Chunda là em Ngài đến dạy rằng: Nầy sư đệ Chunda chúng ta phải về quê thăm mẫu thân. Sư đệ hãy cho năm trăm vị Tỳ khưu biết rằng: Ta về làng Nàlandagàma .

    Ðại Ðức Chunda vâng lời tuyên ngôn cho chư Tăng biết chuyện ấy, để các Ngài chuẩn bị ra đi với Ngài Ðại Ðức Xá Lợi Phất.

    Ðại Ðức Xá Lợi Phất đến đảnh lễ đức Thế Tôn và nói câu kệ:

    CHINNO DÀNI VISSÀSO v.v...

    Nghĩa: Bạch hóa đức Thế Tôn, sự hầu hạ của đệ tử đối với Ngài sẽ dứt lìa kể từ ngày hôm nay, đây là lần đảnh lễ cuối cùng của đệ tử đối với Ngài, đệ tử chắc chắn không còn dịp trở lại đảnh lễ Ngài nữa. Ðời sống của đệ tử còn chỉ có bảy ngày nữa thôi. Ðệ tử sẽ bỏ thân ngũ uẩn nầy, ví như người để được gánh nặng trong đường xa xuống. Xin đức Thế Tôn từ bi cho phép đệ tử xin từ giã Ngài nhập Niết bàn.



    Khi đức Thế Tôn nghe vậy mới nghĩ: Lẽ cố nhiên của vị Chánh đẳng Chánh giác không nên nói rằng: Ngươi hãy nhập diệt đi, mà cũng không thể nói rằng: Ngươi hãy khoan nhập Niết bàn, nếu nói như vậy là còn khen hay thích thú sự luân hồi. Bọn tà kiến sẽ nhân cơ hội ấy mà chỉ trích. Vì vậy nên đức Thế Tôn dạy: Nầy Xá Lợi Phất, ngươi đi nhập diệt nơi nào?

    - Bạch đức Thế Tôn, đệ tử sẽ nhập diệt tại nơi phòng sanh đệ tử ở nơi làng Nàlandagàma .

    - Xá Lợi Phất, khi ngươi thấy thời giờ đã đến với ngươi, thì ngươi hãy tùy thời mà hành sự. Tất cả các sư đệ của ngươi chỉ còn gặp vị sư huynh như ngươi lần chót. Vậy ngươi nên thuyết pháp cho các sư đệ ngươi nghe rồi sẽ nhập diệt.

    Ðại Ðức Xá Lợi Phất liền rõ ý định của đức Thế Tôn rằng: Ðức Thế Tôn muốn ta dùng thần thông rồi thuyết pháp sau, Ngài liền bay lên không trung độ cao bằng một cây thốt nốt rồi đáp xuống chỗ cũ đảnh lễ đức Thế Tôn một lạy, rồi Ngài lại bay lên cao hơn lần trước một cây thốt nốt kế lại đáp xuống đảnh lễ đức Thế Tôn, bay như vậy bảy lần mỗi lần cao thêm hơn một cây thốt nốt nghĩa là cao bảy cây thốt nốt. Khi ấy Ngài mới ngồi trên cỏ ấy thuyết pháp cho chư Tăng có cả tín đồ thành Thất La Phiệt đều nghe. Chư Tăng và tín đồ đắc đạo quả rất nhiều. Thuyết xong Ngài đảnh lễ đức Thế Tôn lạy thứ tám và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn, đệ tử đã vâng lời thực hành theo lời Ngài lần chót.

    Ðức Phật nghĩ: Như Lai phải đưa Xá Lợi Phất một đoạn đường. Ngài liền đứng dậy đưa Ðại Ðức ra khỏi tư thất, đến trước tư thất Ðại Ðức liền đảnh lễ đức Thế Tôn bằng cách đi quanh Ngài mỗi hướng lạy một lạy, rồi bạch rằng: Lúc quá khứ đệ tử có đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn có hồng danh là Anomadassì đến nay là một A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp và có phát nguyện để gặp đức Chánh đẳng Chánh giác và là đại đệ tử Phật, hôm nay lời nguyện của đệ tử đã viên mãn. Kể từ khi đệ tử được gặp đức Thế Tôn khi mới thành đạo mà hôm nay là lần yết kiến cuối cùng, đệ tử không bao giờ trở lại gặp đức Thế Tôn nữa. Nói xong, Ngài liền đảnh lễ đức Thế Tôn xong đi lui ra cho đến khi khuất bóng đức Thế Tôn mới lạy thêm một lạy nữa và nói: Kể từ đây ra không còn sanh lại trong cảnh giới nào nữa, sự sanh tử luân hồi không còn làm gì ta được nữa. Khi ấy Ngài mới day mặt lại đi thẳng ra ngoài chùa.

    Ðức Thế Tôn dạy chư Tỳ khưu đang hầu Ngài rằng: Các thầy nên đi đưa đại sư huynh của các thầy một đoạn đường lần chót nầy đi. Chư Tỳ khưu vâng lời theo đưa Ðại Ðức ra khỏi cổng chùa.

    Ðại Ðức mới dạy rằng: Các thầy Tỳ khưu ơi, thôi các thầy hãy ngưng lại nơi đây. Ta chỉ xin các thầy nên nhớ rằng: Không nên dễ duôi mặc dầu là trong một sát na. Sau khi dạy xong chư Tỳ khưu trở lại. Ðại Ðức dẫn năm trăm vị Tỳ khưu là đệ tử của Ngài đi về làng Nàlandagàma .

    Những tín đồ hay biết tin Ngài sẽ nhập diệt lấy làm thương Ngài nên than khóc và đồng cùng nhau đi tiễn đưa. Có người than: Khi xưa Ðại Ðức thường ghé qua nơi nầy để dạy bảo chúng ta cách tu hành, hôm nay Ngài ra đi không bao giờ trở lại. Có rất nhiều người chạy theo Ngài khóc lóc thật là bi thảm.

    Ðại Ðức phải dừng chân lại dạy rằng: Các người ơi! Ta xin các người nên nhớ không nên dễ duôi, trong các pháp hành hằng thay đổi không bền vững, đem lại đau khổ, các người hãy xem ta đây mà làm gương rán lo tu hành.



    Tín đồ nghe lời dạy bảo của Ngài liền trở về. Vì sự trở ngại bởi quần chúng theo đưa đón khóc than làm cho Ngài phải thuyết pháp khuyên dạy nên ngài mất bảy ngày mới tới làng Nàlandagàma .

    Khi đến cổng làng Ngài ngồi dưới cội cây Nigrodha (cây Dừng) cũng gần nhà Ngài. Khi ấy có người cháu trai của Ngài tên là Uparevatta có chuyện đi ra ngoài làng nên khi đến cổng làng gặp Ngài. Ðại Ðức kêu cháu lại hỏi: Uparevatta , bà ngươi có nhà không?

    - Bạch Ðại Ðức, bà cháu có ở nhà.

    - Vậy ngươi hãy về bảo bà hay ta về và sửa soạn phòng khi bà mới sanh ta cho sạch sẽ, và năm trăm chỗ nghỉ cho năm trăm vị Tỳ khưu cho xong trong ngày hôm nay.

    Uparevatta vâng lời về thưa mọi việc với bà rằng: Thưa bà, Sư bá của cháu đã về đến.

    - Sư bá của ngươi hiện giờ ở đâu?

    - Thưa bà, Sư bá của cháu đang ở ngoài cổng làng.

    - Sư bá của ngươi về một mình sao?

    - Thưa bà, về với năm trăm vị Tỳ khưu.

    - Cháu có biết tại sao chư Tỳ khưu lại về với bác cháu nhiều vậy không?

    - Thưa bà cháu không biết, chỉ biết là phải dọn chỗ cho quí Ngài và Sư bá thôi.

    Bà Sàrì nghĩ: Con ta muốn trở lại chỗ mới sanh đây chắc là vì con ta xuất gia khi còn trẻ tuổi, giờ đây chắc đã chán với sự tu hành muốn hoàn tục để hưởng an nhàn lúc tuổi già.

    Rồi bà dạy người nhà phải sửa sang chỗ ở cho năm trăm vị Ðại Ðức gấp và chỗ của Ngài Xá Lợi Phất tự bà coi dọn dẹp trang hoàng đốt đèn sáng trưng, rồi bà gọi Uparevatta đến bảo đi thỉnh Ðại Ðức vào.

    Ðại Ðức và chư Tăng vào nhà. Chư Tăng ngự nơi nhà ngoài, còn Ðại Ðức vào nơi phòng khi thân mẫu Ngài mới hạ sanh Ngài. Bắt đầu vừa tối thì bịnh kiết lỵ phát sanh, bình dùng đi tiêu phải thay liền liền. Bà Sàri ngồi ở cửa phòng bà gần phòng Ngài Ðại Ðức.

    Trong khi ấy Tứ đại Thiên Vương biết rằng: Ngài Ðại Ðức Xá Lợi Phất sẽ nhập diệt và đang lâm trọng bịnh tại phòng sanh của Ngài nơi làng Nàlandagàma. Bốn vị đồng nghĩ: Chúng ta nên đến làm lễ Ngài lần chót. Tứ đại Thiên Vương liền hiện đến nơi phòng Ngài làm cho hào quang chiếu sáng. Tứ đại Thiên Vương đảnh lễ Ngài và vấn an.

    Ðại Ðức hỏi: Ai đến vấn an ta đây? Ngài biết nhưng hỏi để thân mẫu Ngài được nghe và được thấy.

    - Bạch Ðại Ðức chúng tôi là Tứ đại Thiên Vương.

    - Tứ đại Thiên Vương đến có chuyện chi chăng?

    - Bạch Ngài chẳng có chuyện chi hết, chúng tôi đến đây để vấn an Ngài, và để cầu Ngài sai khiến.

    - Thiện thay, ta đã có người hầu giúp đỡ rồi, không phiền đến quí vị. Vậy quí vị hãy trở về ngôi vị đi.

    Tứ đại Thiên Vương vấn an xong liền trở về ngôi vị.
     
    phongba Date: Thứ Tư, 16 Jul 2014, 3:12 AM | Message # 50
    Major general
    Group: Disciples
    Messages: 410
    Status: Tạm vắng
    Khi Tứ đại Thiên Vương vừa đi xong có Thiên Vương Ðế Thích là vị Thiên Vương cõi trời Ðạo Lợi đến vấn an, hào quang của Ngài còn hơn bốn vị trước. Khi Ðế Thích ra về thì các vị Thiên Vương khác tiếp tục đến hầu Ngài là Thiên Vương cõi Dạ Ma, cõi Ðẩu Suất, cõi Tha Hóa và cõi Tha Hóa Tự Tại đến vấn an. Ðến cả vị Phạm Thiên cõi Ðại Phạm cũng đến vấn an Ngài. Ðại Ðức cũng tuần tự hỏi từng vị như Ngài đã hỏi Tứ đại Thiên Vương vậy.

    Chỉ có thân mẫu Ngài là bà Sàrì thấy chư Thiên lần lượt hết vị nầy đến vị khác, vị nào cũng hào quang sáng ngời rực rỡ đến vấn an Ngài Ðại Ðức, bà nghĩ: Vậy các vị vừa đến đây là ai? Mà cứ tiếp tục hết vị nầy đến vị khác vào nơi giường bệnh vấn an con ta, vị nào cũng hào quang chiếu ngời rực rỡ. Bà liền đến hỏi Ðại Ðức Chunda là vị hầu Ðại Ðức Xá Lợi Phất về bịnh tình của Ðại Ðức Xá Lợi Phất, bà có nhã ý muốn vào thăm Ðại Ðức. Ngài Chunda cho bà biết bịnh tình và vào bạch hỏi coi Ðại Ðức có bằng lòng cho bà vào hầu chăng. Ðại Ðức Xá Lợi Phất bằng lòng cho bà vào.

    Khi vào đến nơi bà liền hỏi: Nầy con, vị mà vào vấn an con trước nhất là ai vậy? Tên gì?

    - Bà thí chủ, bốn vị đến trước nhất ấy là Tứ đại Thiên Vương.

    - Vậy con còn lớn hơn Tứ đại Thiên Vương sao?

    - Bà đại thí chủ ơi, Tứ đại Thiên Vương ấy cũng ví như người thiện nam thường trực ở chùa. Kể từ ngày đức đại Bồ Tát giáng sanh vào lòng Phật mẫu trong kiếp chót thì Tứ đại Thiên Vương phải cầm gươm đứng hầu bên long sàng hay là nơi nào mà Phật mẫu ngự, nghĩa là bốn vị ấy ví như quan Bảo giá.

    - Kế đó vị nào đến vấn an con?

    - Ðó là vị Thiên Vương cõi trời Ðạo Lợi tên là Thiên Nhãn hay cũng gọi là Ðế Thích, vị ấy không khác nào vị Sa di theo hầu ôm bát hầu Phật khi Ngài từ cõi trời Ðạo Lợi xuống.

    - Con nầy, còn vị nào đến sau cùng hết, hào quang sáng hơn các vị trước?

    - Khi đức đại Bồ Tát vừa mới sanh tại vườn Lumbini vị Phạm Thiên nầy đem lưới thần đến rước Ngài.

    Bà Sàrì nghe vậy nghĩ: Chỉ là oai đức của con ta mà còn như vầy, thì oai đức của đấng Ðại Từ Bi là thầy của con ta thì còn cao quí đến độ nào nữa. Bà nghĩ vậy làm cho tâm trong sạch phát sanh hỉ lạc đồng thời cũng phát sanh.

    Ðại Ðức biết rõ lòng bà bằng tuệ giác của Ngài, Ngài biết rằng: Ðây là dịp may để Ngài thuyết pháp tế độ. Ngài liền hỏi: Nầy bà đại thí chủ, bà nghĩ sao?

    Bà liền trả lời một cách không do dự theo như ý nghĩ của bà.

    Ðại Ðức nhân cơ hội ấy Ngài dạy: Bà đại thí chủ, trong khi đức Bổn Sư của bần đạo vừa sanh, khi xuất gia, lúc thành đạo đến ngày Chuyển pháp luân thì tất cả chư Thiên trong thế giới Sa bà và cả thế giới Sa bà đều rung động, nhân vật trong tam giới nầy không còn có một ai sánh bằng với Ngài, vì Ngài có Giới, Ðịnh, Huệ tuyệt đối cao thâm và trong sạch, Ngài có Giải thoát và Giải thoát Tri kiến mà người trong tam giới không ai có được. Kế đó Ðại Ðức giải về mười hồng danh của đức Thế Tôn từ hồng danh Ứng Cúng đến Thế Tôn.

    Sau khi dứt thời pháp bà Sàrì đắc quả Tu-đà-hườn, bà liền nói: Nầy Upatissa con ơi, tại sao trước kia con không cho mẹ nếm hương vị giải thoát để đến hôm nay.

    Ngài Ðại Ðức nghĩ: Ta đã cho mẹ ta hưởng Thánh quả. Ðây tạm gọi là trả được công ơn bà sanh dưỡng ta. Ngài liền nói: Bà đại thí chủ xin bà vui lòng lui ra khỏi nơi nầy. Ngài lại gọi Ðại Ðức Chunda đến và hỏi rằng: Ðã đến canh mấy rồi?

    - Bạch sư huynh đã gần sáng rồi.

    Ðại Ðức dạy hãy hội chư Tăng lại cho đủ. Khi chư Tăng đến đông đủ, Ngài dạy Ðại Ðức Chunda đỡ Ngài dậy. Khi ngồi dậy xong, Ðại Ðức dạy: Hỡi các vị, các vị cùng với ta sum hợp đã bốn mươi bốn hạ rồi; điều nào mà ta đã hành động do thân khẩu ý ta bất tịnh phạm vào các vị, xin quí vị vui lòng tha lỗi ấy cho ta.

    Chư Ðại Ðức bạch: Bạch Ðại Ðức, chúng tôi theo hầu Ðại Ðức như bóng theo hình từ bấy lâu nay, Ngài không có làm một điều gì làm cho chúng tôi buồn phiền mặc dầu rất ít. Nếu chúng tôi có tội lỗi nào vì vô ý hay dễ duôi đối với Ðại Ðức, xin Ðại Ðức từ bi tha thứ.

    Vừa rạng đông Ðại Ðức Xá Lợi Phất nhập Niết bàn. Ngài nhập Niết bàn nhằm tháng mười AÂm lịch. Tất cả chư Thiên trong Sa bà thế giới và chư Phạm Thiên đều hội đến nơi Ngài nhập Niết bàn để phụ làm công quả là làm lễ hỏa táng Ngài. Cuộc lễ thật là vô cùng trọng thể.

    Sau khi hỏa táng xong, Ðại Ðức Chunda gom lấy Xá lợi của Ngài gói bằng vải trắng mang cả y bát và Xá lợi của Ngài về chùa Kỳ Viên. Trước hết vào hầu Ðại Ðức Ananda xin Ðại Ðức Ananda đưa vào hầu Phật.

    Khi ấy, đức Thế Tôn cầm lấy Xá lợi của Ðại Ðức Xá Lợi Phất lên ca tụng công đức của Ðại Ðức bằng năm trăm câu kệ ngôn. Xong Ngài liền dạy lập tháp thờ Xá lợi của Ngài Ðại Ðức tại Kỳ Viên tịnh xá.

    Xong việc của Ðại Ðức Xá Lợi Phất, đức Thế Tôn dạy Ðại Ðức Ananda chuẩn bị đi đến Vương Xá thành. Ðại Ðức Ananda tuyên ngôn cho chư Tăng biết rằng: Ðức Thế Tôn sắp ngự đi đến thành Vương Xá. Khi đến Vương Xá thành đức Thế Tôn ngự tại Trúc Lâm tịnh xá.

    Lúc ấy, Ðại Ðức Mục Kiền Liên đang ở một nơi thanh tịnh là Kàlasilà nơi biên thùy của xứ Ma Kiệt Ðà. Bọn ngoại đạo hội nhau lại định kế giết Ngài, vì Ngài là tay trái của đức Thế Tôn, khi Ngài đến nơi nào người ngoại đạo đều sùng bái Ngài và trở nên đệ tử Phật, vì vậy nên bọn ngoại đạo mất rất nhiều nguồn lợi lớn, và cũng bởi nguyên nhân ấy mà bọn ngoại đạo căm hờn oán ghét Ngài rất nặng. Bọn chúng thuê bọn côn đồ giết Ðại Ðức.

    Bọn côn đồ lãnh tiền liền đến nơi tư thất Ngài ở rừng sâu định giết Ngài, Ngài biết trước nên dùng thần thông đi ra theo mé tranh, lần thứ nhì cũng vậy, đến lần thứ ba Ðại Ðức lấy làm lạ tại sao bọn côn đồ lại cố ý giết hại Ngài, Ngài dùng trí tuệ xem thấy đó là quả kiếp trước của Ngài đã tạo, nên kiếp nầy Ngài phải trả, nên chi Ngài không lẫn tránh nữa. Bọn côn đồ ấy vào bắt Ngài đánh đến chết, và chúng biết rằng: Ngài có nhiều thần thông nên đánh Ngài xương nhừ như bột xong hốt đem bỏ rất xa. Rồi bọn chúng mới đi vì chúng tin chắc rằng: Ngài không bao giờ sống lại được.

    Sau khi bọn chúng đi Ngài liền dùng thần thông gom lại những xương vụn thành ra một vị Ðại Ðức như thường không rách một chéo y. Rồi Ngài nghĩ rằng: Ta đã đến ngày nhập diệt rồi, vậy ta đến xin phép đức Thế Tôn để nhập Niết Bàn. Khi đến nơi đảnh lễ đức Thế Tôn xong bạch rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, đệ tử đến đây đảnh lễ Ngài và xin Ngài cho phép đệ tử nhập Niết bàn.

    - Nầy Mục Kiền Liên ngươi nhập Niết bàn sao?

    - Bạch đức Thế Tôn, đệ tử nhập Niết bàn.

    - Ngươi nhập diệt nơi nào?

    - Bạch đức Thế Tôn, đệ tử nhập diệt ở Kàlasilà .

    - Nầy Mục Kiền Liên, vậy ngươi nên thuyết pháp cho Như Lai nghe lần chót. Vì Như Lai sẽ không còn gặp người đệ tử như ngươi nữa.

    Ðại Ðức liền vâng lời, Ngài làm như Ðại Ðức Xá Lợi Phất. Khi Ngài thuyết pháp xong đảnh lễ đức Thế Tôn rồi trở về nơi Ngài bị đánh và nhập Niết Bàn nơi ấy.

    Ðức Thế Tôn ngự đến nơi ấy làm chủ tọa trong cuộc lễ hỏa táng Ngài Ðại Ðức, có chư Thiên trong Sa bà thế giới đến cúng dường, trong khi đang làm lễ hỏa táng có hoa thơm từ trên hư không rơi xuống như trận mưa hoa. Tín đồ biết đức Thế Tôn có ngự đến nơi ấy nên hội lại rất đông làm cuộc lễ càng thêm long trọng. Cuộc lễ ấy cử hành bảy ngày mưa hoa không ngớt trong vòng một do tuần. Xá lợi của Ðại Ðức Mục Kiền Liên cũng được lập tháp thờ gần cửa Kỳ Viên tịnh xá.

    Chư Tỳ khưu hội nhau lại nói rằng: Vì Ðại Ðức Xá Lợi Phất nhập diệt nơi quá xa nên không được đức Thế Tôn dự vào và không được Ngài ban bố sự cúng dường vĩ đại như vậy. Còn Ðức Mục Kiền Liên được hưởng ân huệ như vầy vì Ngài nhập diệt gần đức Thế Tôn ngự đến nên có mưa hoa lạ và chư Thiên tựu lại rất đông.

    Ðức Thế Tôn ngự đến hỏi biết chư Tăng đang bàn về hai vụ hỏa táng của hai vị đại đệ tử. Ðức Thế Tôn mới dạy rằng: Không phải mới kiếp nầy Mục Kiền Liên được sự cúng dường do có mặt Như Lai, mà trong kiếp quá khứ cũng có được sự cúng dường trọng thể do nơi Như Lai đến dự.

    Ðại Ðức Xá Lợi Phất nhập diệt tháng mười, Ðại Ðức Mục Kiền Liên nhập diệt tháng chạp. Hai vị đại đệ tử tay phải và tay trái phải nhập diệt trước Phật là lẽ thường của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Ðức Thế Tôn chỉ còn lại một mình Ðại Ðức Ananda theo hầu thôi.
     
    FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » TRUYỆN PHẬT GIÁO » PHẬT GIÁO CHO NGƯỜI BẮT ĐẦU (Thích Nhật Từ)
    • Page 1 of 3
    • 1
    • 2
    • 3
    • »
    Search:


    TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

    Từ Điển Online
    Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
    Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
    Xong bấm GO