Thứ Năm
28 Mar 2024
7:11 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » CHUYỆN PHẬT GIÁO » Quan điểm của PG về sự đau đớn và bệnh tật
Quan điểm của PG về sự đau đớn và bệnh tật
LSK Date: Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 5:47 AM | Message # 1
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Quan điểm của PG về sự đau đớn
và bệnh tật




Người ta thường đề cập đến quan điểm của các tôn giáo về cái chết, nhưng không mấy khi được nghe bàn luận về việc phải làm thế nào để đối đầu với sự đau đớn và bệnh tật. Thế nhưng con người lại thường hay đau ốm mà chưa chết ngay. Là những người Phật giáo, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem mình nên phản ứng ra sao trước sự đau đớn và bệnh tật có thể xảy đến với mình?

Tất nhiên là chúng ta sẽ không quan tâm đến các hình thức cúng kiến, cầu nguyện, dâng lễ..., thường thấy trong tất cả các tôn giáo nói chung. Ngay cả đối với những người không hề tin vào tôn giáo đi nữa, thế nhưng đến khi bất thần phải đối đầu với các thử thách đó thì ngoài việc chữa chạy thuốc men, họ cũng sẽ không biết phải làm gì hơn và đôi khi cũng đành phải chịu cầu khẩn các đấng thiêng liêng, hay ông bà, cha mẹ đã qua đời, kể cả ông táo, ông địa... giúp mình qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo. Người tu tập Phật giáo cũng như tất cả mọi người, sẽ không sao tránh khỏi những lúc đau yếu, như vậy thì sự tu tập của họ có thể giúp gì được cho họ khi phải đối đầu với những khó khăn ấy hay không? Nhằm giải đáp phần nào câu hỏi trên đây, chúng tôi xin trình bày ba bài giảng ngắn của các nhà sư thuộc ba tông phái khác nhau dưới đây:

- Bài 1: Cái chết là một thứ bệnh "ung thư", do vị tỳ kheo Thái Lan tu tập theo Phật Giáo Theravada là Ajahn Liem (1941-) thuyết giảng.

- Bài 2: Y khoa cũng chỉ là phép luyện đan, do vị sư Tây Tạng là Dilgo Kyentsé Rinpoché (1910-1991) thuyết giảng.

- Bài 3: Không nên hẹn sang ngày hôm sau, do thiền sư Nhật Bản thuộc thiền phái Tào Động là Đạo Nguyên (Eihei Dôgen, 1200-1253) thuyết giảng.

Bài 1: Cái chết là một thứ bệnh 'ung thư'
Ajahn Liem


Lời giới thiệu của người dịch:

Bài giảng dưới đây của nhà sư Ajahn Liem Thitadhammo được ghi lại từ một buổi giảng theo cách "hỏi-đáp" giữa các người tu hành và thế tục, tổ chức ở chùa Bodhivana ở Úc Châu vào tháng 6, năm 2004. Ajahn Liem Thitadhammo sinh năm 1941 trong vùng đông bắc Thái Lan, xuất gia rất sớm và năm 20 tuổi thì được thụ giới tỳ kheo. Năm 1969 ông gia nhập hệ phái Khất Sĩ và được thụ giáo với nhà sư danh tiếng Ajahn Chah, trụ trì ngôi chùa Wat Pah Pong trên miền bắc Thái, người được xem là một trong các vị thiền sư lỗi lạc nhất của thế kỷ XX. Năm 1982 nhà sư Ajahn Chah ngã bệnh và giao việc quản lý chùa cho Ajahn Liem. Khi bệnh tình trở nên trầm trọng và không còn nói năng được nữa thì tăng đoàn liền bầu Ajahn Liem chính thức giữ chức trụ trì cho đến nay.

Cách thuyết giảng của nhà sư Ajahn Liem thật trong sáng, giản dị và thực tiễn, vượt lên trên các khái niệm mang tính cách lý thuyết, giúp cho nhiều người có thể theo dõi dễ dàng. Cũng mạn phép xin lưu ý rằng giảng những điều thật sâu sắc và khúc triết một cách giản dị và dễ hiểu không phải là chuyện dễ vì người giảng phải đạt được một cấp bậc hiểu biết thật cao. Nếu độc giả nào thấy thích lối giảng này thì nên tìm đọc các sách của ông. Độc giả có thể xem bài giảng dưới đây bằng tiếng Anh trong quyển No Worries của Ajahn Liem, xuất bản tại Úc năm 2005, hoặc bằng tiếng Pháp trong quyển Aucune inquétude do bà Jeanne Schut dịch. Cả hai quyển sách này đều có thể đọc trên mạng:

- bản tiếng Anh: http://www.watnongpahpong.org/ebooks/liemenglish/no_worries.pdf

- bản tiếng Pháp: http://www.dhammadelaforet.org/sommaire/liem/aucune_inquietude.pdf



HT. Ajahn Liem Thitadhammo


(Hỏi) : Cô bé gái đang ngồi đây bị ung thư não. Bác sĩ cho biết là cô bé sẽ được chữa khỏi, thế nhưng cái bướu ung thư hiện vẫn còn nguyên. Vậy cô bé phải làm thế nào để sống với nó?

Nhà sư Ajhan Liem bật cười và trả lời rằng : Đã là người thì tất cả đều mang bệnh "ung thư" - kể cả chúng ta đang ngồi đây ! Tất cả mọi người đều bị "ung thư", đấy là một thứ bệnh ngặt nghèo không sao chữa lành được: ấy là cái chết. Dù có chữa chạy cách mấy đi nữa thế nhưng loại "ung thư" này không sao chữa lành được. Các bạn có hiểu được điều ấy hay chăng?

Chúng ta không thể suốt đời cứ tin rằng rồi đây mình sẽ vượt thoát tất cả mọi thứ khó khăn (có nghĩa là bệnh nào cũng sẽ chữa lành được). Thân xác con người là cả một ổ bệnh tật - bản chất của nó là như thế. Không nên quá lo nghĩ... thế thôi. Hãy tận dụng những gì mình đang có một cách hữu ích. Lo lắng và buồn phiền chỉ là cách tạo ra thêm sự lo sợ và gây trở ngại cho sự vận hành suông sẻ của toàn thể thân xác.

Chính tôi cũng đang mang bệnh "ung thư" trong người. Tôi đi khám bệnh, sau khi khám xong bác sĩ bảo rằng nhịp tim của tôi không đều: "Không được bình thường lắm". Tôi đáp lại ngay: "Không, phải nói là bình thường chứ! Trái tim của tôi hoạt động đã lâu rồi, nay nó thấm mệt, chỉ có thế thôi".

Trong kiếp sống của con người, vào một lúc nào đó thân xác sẽ suy sụp. Tất cả mọi sự đều vận hành phù hợp với các quy luật thiên nhiên - chẳng có gì phải lo lắng cả. Khi thời điểm đã đến thì mọi sự cũng sẽ tự động xảy ra, đúng với những gì sẽ phải xảy ra. [Vị sư Ajahn Liem nở một nụ cười thật nhân ái]. Hãy cố giữ sự thư giãn. Nếu tim mình không bị xao động thì mình cũng sẽ cảm nhận được hạnh phúc.

Dù phải tiếp tục sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, thì Đức Phật cũng đều khuyên chúng ta nên giữ thái độ "ai mà biết được" (xem mọi sự "là như thế"), và nên tiếp cận với sự sống này như thế nào hầu giúp mình buông xả và để cho mọi sự vận hành phù hợp với dòng luân lưu của chúng. Nếu biết buông xả thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Chỉ khi nào vác lên người đủ mọi thứ thì chúng ta mới cảm thấy nặng nề. Vác lên người các thứ ấy có nghĩa là bám víu vào chúng và xem chúng là thuộc của mình, thế nhưng trên thực tế thì chẳng có gì trong thế giới này là của mình cả.

Có hai thế giới: thế giới bên ngoài - tức là những gì trên mặt hành tinh này – và thế giới bên trong. Thế giới bên trong gồm có các thành phần thân xác tạo ra một con vật mà chúng ta gọi là "chính mình". Dầu sao cũng không thể nào bảo rằng cái tổng thể gồm các thành phần ấy là "chính mình" được, bởi vì đến một ngày nào đó thì nó cũng sẽ phải sụp đổ. Tất cả những gì hiện hữu sẽ phải tan rã. Tất cả đều biến đổi và sau cùng sẽ đưa đến một tình trạng mà chẳng còn có gì thuộc về mình nữa.

Đức Phật khuyên chúng ta nên nhìn vào cuộc sống của mình theo chiều hướng ấy, đấy là cách giúp chúng ta nhận biết mọi sự một cách đúng đắn. Nếu không sẽ khiến chúng ta nắm bắt và bám víu vào chúng; và đấy cũng chính là cách tự tạo ra cho mình đủ mọi thứ lo buồn và mang lại cho mình cảm tính bị bủa vây và trói chặt bởi đủ mọi thứ ràng buộc –chúng ta sẽ không còn một chút tự do nào nữa.

Dù các bạn phải gánh chịu bất cứ một thứ bệnh tật nào thì tôi cũng xin các bạn đừng xem đấy là một vấn đề to lớn. Tất cả cũng là tự nhiên mà thôi. Bất cứ gì hiện ra sẽ phải biến đổi khác đi. Thật hết sức bình thường.

Bệnh tật là một thứ gì đó thật bình thường và tự nhiên. Vì thế mà Đức Phật khuyên chúng ta hãy xem nó như một đề tài để khảo sát và nghiên cứu hầu giúp mình khám phá ra các phương pháp thích nghi nhằm tìm hiểu nó. Nhờ đó chúng ta sẽ có thể hướng sự cảm nhận của mình vào con đường giúp mình loại bỏ mọi thứ chướng ngại. Thể dạng an bình, tươi mát hay một hình thức an trú nào đó đều có thể hiện ra với chúng ta từ bệnh tật.

Trái lại nếu chúng ta cố tình bám víu vào mọi sự vật, thì các yếu tố khác theo đó cũng sẽ hiện ra và bủa vây chúng ta, chẳng hạn như giận dữ, thèm muốn và vô minh. Dục vọng, ác cảm và các ý niệm sai lầm là những nguyên nhân chính yếu nhất mang lại đủ mọi thứ khó khăn tàn phá chúng ta. Đức Phật dạy chúng ta nên luyện tập và tìm hiểu thấu đáo mọi sự vật và nhờ đó chúng ta sẽ có thể ngăn chận các thể dạng bất an không thể xảy ra được nữa. Một cách thật ngắn gọn thì trên đây là cốt lõi của toàn bộ giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy.

Sở dĩ dukkha (khổ đau) hiện hữu là do nguyên nhân thèm khát (ham muốn, dục vọng) làm phát sinh ra nó. Sự thèm khát ấy sẽ trở nên thật mạnh mẽ nếu cứ mặc cho nó tự do tung hoành. Trái lại, nó sẽ phải giảm xuống nếu chúng ta biết cách ngăn chận nó và ý thức được là tại sao lại phải ngăn chận nó. Nếu muốn loại bỏ khổ đau thì chúng ta phải biết buông xả. Do đó chúng ta phải cần một số phương pháp giúp mình buông xả các thứ bám víu ấy. Chúng ta phải tập trung sự chú tâm vào các phương pháp luyện tập nhằm giúp mình làm giảm bớt cảm tính về "cái tôi", tức là sự nắm bắt mà Đức Phật gọi là attavâdupâdâna: sự bám víu vào cái ngã.

Đức Phật dạy chúng ta một phương pháp thật đơn giản nhằm làm giảm bớt sự nắm bắt "cái tôi " và xem nó như là một thứ gì đó thật quan trọng: đấy là cách phải biết dừng lại và phát huy một thể dạng tâm thức gọi là ekaggatâ (tập trung vào một điểm duy nhất) – nói cách khác là phải hoàn toàn tỉnh thức trong từng giây phút của hiện tại - tức là trong khoảnh khắc hiện đang xảy ra. Tự đặt mình trong khoảnh khắc hiện tại với một tâm trí thật cảnh giác sẽ mang lại cho chúng ta không những một thể dạng thăng bằng và vững chắc mà còn giúp chúng ta hiểu được chính mình (trở về với con người của mình hầu hiểu được chính mình là gì).

Các phương pháp mà Đức Phật đem ra giảng dạy cho chúng ta cũng không đến nỗi nào quá phức tạp. Đấy là cách phát huy sự chú tâm và khảo sát những gì hiện ra với một tâm thức đã hoàn toàn loại bỏ được mọi sự lo lắng, hoang mang và mọi hình thức lo sợ.

Trước hết chúng ta hãy tập trung sự chú tâm vào các thành phần vật chất của thân xác, các cấu hợp và các cơ duyên tác tạo ra nó, sau đó sẽ tiếp tục suy tư về toàn bộ thân xác và các ý niệm quy ước của thế giới thường tình về chính cái thân xác ấy (có nghĩa là tự hỏi thân xác từ đâu mà sinh ra, nó có trường tồn hay không, nó có phải là "cái tôi" của mình hay không, hay đấy chỉ là những thứ cấu hợp tạm thời, mang đầy bệnh tật và khổ đau. Các tên gọi như đầu, mình, chân, tay, đẹp, xấu, đàn ông, đàn bà, thơm tho, hôi hám... cũng chỉ là những quy uớc của thế giới thường tình), và sau cùng sẽ tự hỏi xem có thứ nào thuộc của mình hay không (đầu, tóc, lông, đàn ông, đàn bà, thơm tho, hôi hám... có phải là "cái tôi" của mình hay không?). Người ta có thể phân chia thân xác ra nhiều thành phần: trên đầu có tóc, trên thân thể có lông, móng chân, móng tay, răng và sau hết là một lớp da bao trùm toàn thể những thứ ấy.

Đức Phật khuyên chúng ta hãy quan sát và phân tích các thành phần thân xác ấy để thấy rằng chúng không hề vững bền và trường tồn. Một ngày nào đó chúng cũng sẽ tan rã và lại trở thành các thành phần căn bản (đất, nước, lửa, khí). Khi nào nhận thấy được điều ấy thì chúng ta cũng sẽ không còn xem chúng là "chính mình" hay thuộc "của mình" nữa. Chúng ta cũng không thể cho rằng mình có quyền giữ nguyên các thành phần ấy trong tình trạng giống như hiện nay. Sư nối kết giữa chúng ta và thân xác chỉ mang tính cách tạm thời.

Có thể ví chuyện ấy như ngủ qua đêm ở một khách sạn hay trong một gian nhà thuê mướn. Thời gian lưu ngụ có giới hạn – một đêm chẳng hạn. Khi giới hạn ấy đã hết thì chủ nhà tất sẽ mời mình ra đi. Kiếp sống của mình cũng chỉ là như thế.

Đức Phật xem các quá trình ấy (tức là sự đổi thay và tính cách tạm thời của các hiện tượng) là các biểu hiện của thiên nhiên, chúng gắn liền với tất cả mọi sự vật. Và các sự vật một khi đã hiện ra thì sẽ phải chấm dứt và cuối cùng sẽ biến mất. Thấu hiểu được sự kiện ấy sẽ khiến các thứ đam mê phải lắng xuống. Nhờ đó chúng ta sẽ bớt bám víu vào các sự vật và các cảm tính cho rằng mình là một nhân vật quan trọng. Chúng ta sẽ không còn lo sợ khi nghe nói đến bệnh tật hay bất cứ thứ gì khác. Tất cả mọi người đều mang bệnh, ít nhất là một thứ bệnh gọi là dukkha vedâna - tức là cảm tính về sự bất toại nguyên - một căn bệnh mà ngày nào chúng ta cũng phải lo tìm cách để chạy chữa: đấy là cảm giác đau đớn do cái đói gây ra. Mỗi khi chúng ta làm cho sự đau đớn của cái đói phải giảm xuống bằng cách đút thức ăn cho thân xác, thì nó lại hiện ra dưới các nhu cầu khác và các đòi hỏi khác, chẳng hạn như phải tiểu tiện và đại tiện, đấy là cách làm phát sinh ra các sự trói buộc khác. Tất cả những thứ ấy đều là bệnh tật.

Bệnh tật là một thứ gì đó cần phải nghiên cứu và suy tư, thế nhưng đồng thời Đức Phật cũng khuyên chúng ta không nên quá lo lắng về các chuyện ấy (nghiên cứu và suy tư để hết sợ, không phải là cách mang thêm lo lắng), chỉ cần luyện tập một cách "nhẹ nhàng", có nghĩa là chỉ cần vừa phải - chẳng hạn như khi hô hấp, chẳng cần phải cố gắng hít vào mà cũng chẳng cần phải cố gắng thở ra.

Từ bản chất, các thành phần và các cấu hợp thân xác đều biết tự quán xuyến lấy chúng. Đấy cũng chính là cách mà chúng ta phải nhìn vào các hiện tượng nhằm giúp mình tránh khỏi mọi sự nắm bắt và bám víu. Chúng ta phải luôn đặt mình trong một vị thế thật bình thản.

Chúng ta may mắn (nhờ sự giảng dạy của Đức Phật) sớm nhận biết được ba đặc tính của sự hiện hữu: anica, dukkha và anatta [vô thường, khổ đau và vô ngã], nhờ đó tâm thức cũng sẽ lắng xuống. Chúng ta hiểu rằng chẳng có gì bền vững và trường tồn cả, và phải chấp nhận hiện thực là như thế. Đấy là phương cách phải nhìn vào mọi sự vật hầu mang lại cho mình một sự quán thấy đúng đắn (và nếu muốn vượt xa hơn tầm nhìn đó thì dù đang ốm đau thế nhưng cũng nên cố gắng ngồi thiền và sử dụng hơi sức còn lại để mang lại một chút lợi ích nào đó cho tất cả chúng sinh).

Bures-Sur-Yvette, 11.10.13
Hoang Phong chuyển ngữ


Message edited by LSK - Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 5:48 AM
 
LSK Date: Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 5:51 AM | Message # 2
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Bài 2: Y khoa chỉ là phép luyện đan chống lại sự đau đớn

Lời giới thiệu của người dịch:

Dưới đây là bài giảng thứ hai về chủ đề thái độ của một người tu tập Phật Giáo trước bệnh tật và sự đau đớn, do nhà sư Tây Tạng Dilgo Khyentsé Rinpoché thuyết giảng. Dilgo Khyentsé Rinpoché sinh năm 1910 tại tỉnh Kham (Tây Tạng), xuất gia khi vừa được 11 tuổi. Ông biệt tu trong các hang động thuộc vùng núi Denkhok suốt trong thời gian từ 15 đến 28 tuổi. Năm 1959 khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng và sau khi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma vượt biên sang tỵ nạn ở Ấn Độ, thì ông cũng trốn sang Nepal.

Ông được tăng đoàn đưa lên lãnh đạo học phái Ninh Mã từ năm 1987 đến khi ông qua đời vào năm 1991. Ông là một trong số các vị thầy của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma XIV và cả của nhà sư người Pháp là Matthieu Ricard.

Tựa của bài giảng có nghĩa là ngành y khoa cũng chỉ là một phép luyện đan (alchimie / alchemy / chế biến "cao đơn hoàn tán") nhằm tạm thời chống lại sự đau đớn và bệnh tật mà thôi, không phải là một giải pháp tối hậu. Phương thuốc của Phật Giáo mang tính cách đích thật hơn, sâu sắc và dứt khoát hơn, nhằm giúp chúng ta đối đầu với mọi thứ bất hạnh, khổ đau và bệnh tật. Dưới đây là phần chuyển ngữ của bài giảng này. Độc giả có thể tìm xem bản tiếng Pháp trên mạng (http://www.buddhaline.net/Medecine-L-alchimie-de-la).


Bài giảng của Dilgo Khyentsé Rinpoché



Một cơn đau đớn cực độ cũng có thể đưa đến một thể dạng giác ngộ nào đó giúp mình mở rộng tâm thức và con tim hướng vào kẻ khác. Nếu quý vị luyện tập bằng thiền định và nhờ vào phép hiến dâng trong tâm thức tất cả hạnh phúc của mình để đổi lấy khổ đau của kẻ khác và ước mong rằng những gì mình đang gánh chịu là một cách để khổ đau thay cho kẻ khác, thì quý vị cũng sẽ thực hiện được các kinh nghiệm cảm nhận trên đây (tức là đạt được giác ngộ. Nếu bị bệnh tật hay những cơn đau cực độ hành hạ thì mình nên ý thức là tất cả chúng sinh cũng đang khổ đau như thế và ngoài những khổ đau của mình thì mình cũng xin nhận chịu thêm khổ đau của tất cả chúng sinh. Để đổi lại thì mình cũng xin hiến dâng tất cả hạnh phúc của mình cho họ và hy vọng rằng sự đau đớn đang hành hạ mình sẽ làm giảm bớt đi sự đau đớn của tất cả chúng sinh. Sức mạnh từ bi đó sẽ mang lại sự giác ngộ cho mình. Câu trên đây phản ảnh một trong những phương pháp tu tập căn bản của Kim Cương Thừa gọi là "tonglen" tức là sự "trao đổi").

Trước hết quý vị hãy phát lộ trong nội tâm mình tình thương thật mãnh liệt đối với tất cả chúng sinh. Nhằm giúp mình thực hiện điều ấy quý vị nên nghĩ đến một người nào đó thật nhân từ, chẳng hạn như mẹ của mình. Hãy hồi tưởng lại tình thương yêu của mẹ đối với mình. Mẹ phải mang nặng đẻ đau để mang lại sự sống cho mình và nuôi mình không hề quản ngại khó khăn. Người mẹ bao giờ cũng xem hạnh phúc của con mình lớn hơn hạnh phúc của mình và luôn hy sinh tất cả vì con.

Tiếp theo đó quý vị hãy hình dung ra trước mắt mình cảnh mẹ đang phải gánh chịu những nỗi đau thương thật khủng khiếp, người ta đạp mẹ xuống đất và đánh đập mẹ thật tàn nhẫn, hoặc ném mẹ vào lửa, hoặc hành hạ mẹ; hoặc thấy mẹ gầy còm chỉ còn xương bọc da và đang chìa tay van xin mình: "Con ơi, cho mẹ một bát cơm!" Hoặc tưởng tượng mẹ phải hóa thân làm một con hươu và đang bị bọn thợ săn xua chó đuổi bắt. Hươu rơi xuống hố sâu, gãy chân và hấp hối, bọn thợ săn xông đến lấy dao đâm chết!

Quý vị tiếp tục hình dung ra những cảnh khổ đau cùng cực mà mẹ mình (hoặc bất cứ một người nào khác làm đối tượng cho việc thiền định của mình) đang phải gánh chịu. Hãy cảm nhận thật mạnh tất cả sự đau đớn ấy của mẹ, đến độ mà lòng xót xa thương mẹ tràn ngập tất cả tâm thức mình. Sau đó thì quý vị mở rộng sự thương cảm đó đến tất cả chúng sinh, và nghĩ rằng tương tự như thế, tất cả chúng sinh cũng đều có quyền được hưởng sự xót thương đó của mình và họ cũng có quyền tránh khỏi những hoàn cảnh đau thương của họ. Quý vị cũng phải nghĩ đến là trong số đó có cả những người mà mình xem như kẻ thù, hay những người đã từng gây ra mọi điều khó khăn cho mình. Hãy nhìn vào các chúng sinh ấy như một đoàn người thật đông và tất cả đang phải gánh chịu đủ mọi thứ khổ nhục dưới muôn nghìn cách khác nhau, kéo dài từ chu kỳ hiện hữu này sang chu kỳ hiện hữu khác.

Quý vị nên hình dung thật chi tiết trong tâm thức mình các hoàn cảnh khổ đau của tất cả chúng sinh. Có những người già nua và đau ốm đang rên siết, có những kẻ nghèo khó không đủ ăn. Có những người đang bị đói khát hành hạ. Có những người đang bị đủ mọi thứ ám ảnh bệnh hoạn đày đọa, hoặc bị các sự thèm khát và hận thù bùng lên mãnh liệt khiến họ trở thành điên rồ.

Khi nào phát lộ được sự thương cảm vô biên đối với các chúng sinh đang đau khổ ấy thì quý vị cũng có thể bắt đầu chuyển sang giai đoạn luyện tập tiếp theo gọi là sự "trao đổi". Nếu có thể thì quý vị hãy hình dung ra trước mắt mình những kẻ đang gánh chịu khổ đau, và đồng thời tưởng tượng rằng mình đang thở ra tất cả không khí trong lồng ngực mình cùng với tất cả hạnh phúc, sức sống, sự may mắn, sức khỏe của mình để hiến dâng cho họ. Nói một cách vắn tắt là quý vị hiến dâng cho họ tất cả những gì quý giá nhất của mình, và tưởng tượng tất cả những thứ ấy là một bát nước cam lồ màu trắng, thật mát và rạng ngời. Quý vị hiến dâng bát nước ấy với tất cả lòng chân thật của mình cho tất cả chúng sinh đang đau khổ và ước mong họ đều được hưởng sự mầu nhiệm của bát nước ấy. Hãy tưởng tượng họ uống đến giọt cuối cùng và nhờ đó khổ đau của họ sẽ chấm dứt và mọi ước nguyện của họ cũng đều sẽ trở thành sự thật. Nếu mạng sống của họ đang lâm nguy thì họ cũng tránh khỏi được và sống lâu hơn; nếu họ là những người nghèo khó thì sẽ được no đủ hơn; nếu họ đang đau ốm thì sẽ được khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống.

Đến khi hít vào thì quý vị hãy tưởng tượng rằng mình hít vào phổi một đám khói đen gồm mọi thứ bệnh tật và các độc tố tâm thần của tất cả chúng sinh, trong số đó phải kể cả những kẻ thù của mình nữa. Hãy tưởng tượng rằng sự trao đổi đó sẽ làm nhẹ bớt đi những nỗi đọa đày của họ, và đồng thời những thứ khổ đau của họ sẽ hiện ra như một đám sương mù do gió đưa đến. Quý vị hít vào lồng ngực mình tất cả những thứ khổ đau ấy của họ, và khơi động trong lòng mình một niềm hân hoan mênh mông và kết hợp niềm hân hoan ấy với sự cảm nhận Tánh Không (kết hợp khổ đau của chúng sinh và của mình và hòa nhập tất cả trong một niềm hân hoan tỏa rộng và hòa nhập tất cả với Tánh Không).

Hãy chuyên cần luyện tập như thế đến một lúc nào đó thì phép quán tưởng ấy sẽ hóa thành một bản chất thứ hai của con người quý vị (có nghĩ là bản tính của mình là như thế: sẵn sàng hiến dâng hạnh phúc của mình cho tất cả chúng sinh để đổi lấy những khổ đau của họ). Quý vị không nên nghĩ rằng chúng sinh không cần đến sự giúp đỡ của quý vị, và cũng không bao giờ cho rằng những gì mình làm là đã đầy đủ.

Quý vị có thể thực hiện phép luyện tập này dù là mình đang ở đâu và đang làm gì, kể cả trong những lúc ốm đau. Ngoài những giờ thiền định thường lệ, nếu thực hiện được thêm phép luyện tập này cùng với sự luyện tập tâm thức (sự tỉnh thức, chú tâm và cảnh giác) trong những lúc sinh hoạt thường nhật thì nhất định quý vị sẽ gặt hái được nhiều kết quả.

Ngoài ra quý vị cũng có thể tập luyện bằng cách tưởng tượng trong lúc thở ra thì quả tim mình sẽ hóa thành một bầu không gian rạng rỡ, và từ bầu không gian đó sẽ tỏa ra một vầng hào quang màu trắng mang theo với nó tất cả hạnh phúc của mình để hiến dâng cho toàn thể chúng sinh trong khắp miền không gian. Khi hít vào thì quý vị tưởng tượng rằng mình đang thu vào tim mình mọi thứ xúc cảm bấn loạn và khổ đau của chúng sinh, tương tự như như hít cả một đám khói đen dầy đặc, và đám khói ấy sẽ tan biến hết trong vầng hào quang màu trắng, và không để lại một dấu vết nào. Hãy tưởng tượng rằng tất cả những ai đang phải chịu khổ sở và đớn đau đều trút bỏ được những thứ ấy và tìm thấy được niềm hân hoan.

Thỉnh thoảng quý vị cũng nên tập bằng cách tưởng tượng là thân thể mình hóa thành muôn nghìn hình tướng khác nhau và phân tán ra khắp nơi trong vũ trụ. Mỗi khi các hình tướng ấy gặp các chúng sinh đang khổ đau trong vũ trụ thì hiến dâng hạnh phúc của mình và đổi lấy khổ đau của họ.

Quý vị cũng có thể tưởng tượng là mình hóa thành quần áo để hiến dâng cho những ai đang chịu rét lạnh, hóa thành thức ăn cho những ai đang đói, một mái nhà cho những kẻ lang thang; hoặc hóa thành "một viên đá quý nhiệm mầu giúp thực hiện tất cả những điều ước nguyện". Viên đá to lớn hơn cả tầm vóc của thân thể mình, óng ánh màu "xa phia" xanh biếc, và được treo trên đầu một ngọn cờ chiến thắng, nhằm giúp thực hiện bất cứ một ước vọng hay một lời nguyện cầu nào của bất cứ ai.

Hoặc quý vị cũng có thể luyện tập bằng cách nhận lấy về phần mình tất cả mọi sự hung bạo phát sinh từ những thứ xúc cảm tiêu cực, tức là các nguyên nhân mang lại mọi sự bất hạnh, và nghĩ rằng mình sẽ hội đủ khả năng làm tan biến tất cả các nguyên nhân tiêu cực ấy thay cho người khác. Quý vị bắt đầu hình dung ra bất cứ một thứ xúc cảm tiêu cực nào, chẳng hạn như sự thèm muốn; sự thèm muốn ấy có thể chỉ là một sự thu hút hay là cả một sự bám víu thật mạnh vào một người hay một vật nào đó mà mình thích. Tiếp theo đó quý vị lại nghĩ đến một người mà mình ghét bỏ và xem như kẻ thù, và hãy tưởng tượng rằng tất cả các dục vọng của người này sẽ được quý vị gộp chung với các dục vọng của quý vị (nhận chịu tất cả các nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình và cho cả kẻ thù của mình). Quý vị hãy phát lộ một sự thương cảm thật mạnh đối với người ấy (tức là kẻ thù của mình), và sau đó sẽ trải rộng sự thương cảm ấy đến tất cả chúng sinh, bằng cách nghĩ rằng mình sẽ nhận lãnh tất cả các dục vọng của họ (nhận lãnh tất cả các nguyên nhân mang lại khổ đau cho kẻ thù và cho tất cả chúng sinh): "Nhờ đó tất cả chúng sinh sẽ được giải thoát khỏi những dục vọng của họ và sẽ đạt được Giác Ngộ". Quý vị có thể luyện tập phương pháp trên đây theo nhiều cách, thí dụ như thay vì tưởng tưởng ra các thứ dục vọng (sự bám víu, ghét bỏ...) như trường hợp trên đây, thì quý vị có thể thay vào đó bằng các thứ xúc cảm khác chẳng hạn như sự giận dữ, kiêu căng, sự thèm muốn, các xúc cảm bấn loạn hay bất cứ một thể dạng tâm thần nào có thể khuấy động và làm cho tâm thức quý vị u mê.

Nhằm giúp mình chủ động các thứ xúc cảm trên phương diện sự thật tuyệt đối, thì quý vị hãy khơi động trong tâm thức mình một sự thèm muốn nào đó và tiếp theo đó sẽ gộp thêm các dục vọng khác của tất cả chúng sinh. Sau đó quý vị hãy hướng vào nội tâm mình để phân tích và tìm hiểu những dục vọng ấy. Quý vị sẽ nhận thấy rằng chúng không hề hàm chứa một sự hiện hữu tự tại nào. Khi nhìn vào các thứ dục vọng chồng chất như một quả núi trong tâm thức nhờ vào sự tưởng tượng của mình, thì quý vị cũng sẽ nhận thấy quả núi ấy cũng chỉ đơn giản là một đống tư duy khổng lồ, hoàn toàn không hàm chứa một sự hiện thực nào. Từ bản chất, tâm thức cũng tương tự như không gian, không hàm chứa một thực thể nào cả (có nghĩa tâm thức cũng chỉ là Tánh Không).

Trừ phi đã được luyện tập từ lâu, nếu không thì cũng sẽ thật hết sức khó cho quý vị mang ra ứng dụng các phép luyện tập trên đây khi mà quý vị vẫn còn phải đối đầu trực tiếp với khổ đau (một khi mà mình vẫn còn bị khống chế bởi khổ đau của chính mình thì làm thế nào có thể nhận chịu thêm khổ đau của kẻ khác và hiến dâng "hạnh phúc" của mình cho họ được. Do đó tu tập theo Kim Cuơng Thừa thường phải cần đến sự giúp sức của một vị thầy). Tuy nhiên, nếu chuyên cần thì dần dần quý vị cũng sẽ thành công, ngay cả trường hợp gặp phải những hoàn cảnh khó khăn. Dầu sao đi nữa thì mọi sự rồi cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn (một câu nhằm khuyến khích chúng ta đấy).

Vài lời ghi chú của người dịch

Qua bài 1, chúng ta có thể hình dung được phần nào quan điểm của của Phật Giáo Theravada về sự ốm đau trên thân xác. Thân xác đó của mình chỉ là một sự cấu hợp của ngũ uẩn liên kết với vô thường, và đấy cũng là kết quả mang lại từ những hành động của chính mình. Những hành động ô nhiễm tất sẽ phải tạo ra một thân xác ô nhiễm. Tất cả đều thật tự nhiên và giản dị. Vì thế chúng ta cũng không nên bám víu vào sự ô nhiễm ấy để mà mang thêm những khổ đau khác nữa một cách vô ích.

Bài 2 trên đây đưa chúng ta vào một thế giới khác, một thế giới thật mầu nhiệm và lạ lùng, một thế giới mà nơi đó mỗi người tu tập đều mở rộng con tim mình để gánh chịu tất cả khổ đau của thế gian này. Khi đã nhìn thấy được khổ đau mênh mông của tất cả chúng sinh thì khổ đau trên thân xác mình nào có nghĩa lý gì đâu. Khi trông thấy mẹ mình bị người khác hành hạ và đánh đập thì mình sẽ cảm thấy xót xa và đau khổ vô cùng, thế nhưng cái đau khổ ấy thật ra lại không phải là khổ đau của mình mà là của mẹ mình mà mình đã biến nó trở thành cái khổ đau bên trong lòng mình, ở tận đáy tim mình. Khi nào mình biến được khổ đau của tất cả chúng sinh thành khổ đau của chính mình tương tự như khổ đau của mẹ đang xé nát con tim mình, thì sự giác ngộ cũng sẽ theo đó mà bùng lên với mình.

Đấy cũng là con đường tu tập của Kim Cương Thừa. Trên con đường đó người tu tập không có một dịp nào hay một giây phút nào để dừng lại mà lo sợ, than khóc, hay chữa chạy, bởi vì tất cả bệnh tật trên thân xác mình và những khổ đau mênh mông của tất cả chúng sinh đã được mình làm cho tan biến hết trong Tánh Không. Trên con đường đó, người tu tập bước thẳng vào sự Giác Ngộ ngay trong kiếp sống này.

Bures-Sur-Yvette, 13.10.13
Hoang Phong chuyển ngữ


Message edited by LSK - Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 5:53 AM
 
LSK Date: Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 5:57 AM | Message # 3
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Bài 3: Không nên hoãn sang ngày hôm sau


Tư thế ngồi yên và bất động của một người hành thiền là một phương pháp giúp chủ động thân xác ô nhiễm, cấu hợp và vô thường của mình. Sự chủ động đó sẽ xóa bỏ mọi xúc cảm đớn đau trên thân xác và mọi sự bám víu trong tâm thức, nhằm giúp người hành thiền tìm về với thân xác nguyên thủy, tinh khiết và "khổ hạnh" của mình...

Lời giới thiệu của người dịch:

Đạo Nguyên sinh năm 1200 tại một ngôi làng bên bờ sông Uji phía nam thành phố Kyoto. Mồ côi cha khi vừa lên hai và mồ côi mẹ lúc bảy tuổi. Từ bé ông rất thông minh, bốn tuổi đã đọc được thơ tiếng Hán. Sau khi mẹ mất thì một người chú tên là Minamoto Michitomo mang về nuôi. Người này là một nhà thơ có tiếng thời bấy giờ, và có lẽ cũng nhờ đó mà Đạo Nguyên đã có một tâm hồn thấm nhuần thi văn rất sớm. Hầu hết các tác phẩm của ông đều bàng bạc một tinh thần thi phú thật sâu sắc và tràn đầy rung động. Lúc hấp hối mẹ ông có trăn trối với ông rằng: "Con hãy cố gắng trở thành một nhà sư để giúp đỡ tất cả chúng sinh". Ông không bao giờ quên lời trăn trối đó của mẹ. Năm 12 tuổi ông trốn vào vùng núi Hiei ở vùng đông bắc thành phố Kyoto để tìm một người chú khác tu ở một ngôi chùa trong vùng này để xin xuất gia. Lớn lên ông đã trở thành một trong các vị thiền sư và là một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của nước Nhật và cũng có thể là cả Thiền Tông. Tập luận Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shôbôgenzô) thật đồ sộ của ông là cả một tư liệu học tập cho toàn thể các học phái Thiền Tông. Ông mất vào năm 1253.

Bài giảng dưới đây của ông nhằm khuyên những ai nếu muốn bước theo Con Đường của Đức Phật thì phải kiên trì và quyết tâm, không nên vin vào lý do sức khỏe hay bất cứ một lý do nào khác để trì hoãn việc luyện tập. Bài giảng được trích từ quyển sách ghi chép các bài giảng của ông mang tựa là "Shobogenzo Zuimonki". Độc giả có thể xem ấn bản tiếng Pháp và tiếng Anh của quyển sách này trên mạng:

http://www.buddhaline.net/Shobogenzo-Zuimonki-Ne-pas

http://global.sotozen-net.or.jp/common_html/zuimonki/index.html

Sách in:

- Enseignements du maître zen Dôgen, Shôbôgenzô Zuimonki, nxb Sully, 2002, do thiền sư người Pháp là Kengan D. Robert dịch.

- A Primer of Soto Zen: A Translation of Dogen's Shobogenzo Zuimonki (East West Center Book) by Dogen, Reiho Masunaga, published by University of Hawaii Press, 1975.


Bài giảng của Đạo Nguyên [ Eihei Dôgen (1200-1253) ]



Những người tu tập theo Con Đường không bao giờ được phép hoãn lại việc luyện tập, mà phải luôn cảnh giác trong từng ngày và trong từng khoảnh khắc một. Phải chuyên cần luyện tập ngày này sang ngày khác, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.

Mùa xuân năm qua có một người thế tục đau ốm từ lâu và tự hứa rằng: ngày nào tôi khỏi bệnh thì tôi sẽ từ bỏ vợ con và sẽ cất một chiếc am nhỏ cạnh một ngôi chùa. Tôi sẽ dự lễ sám hối hai lần mỗi tháng (theo tục lệ, chùa chiền thường tổ chức lễ sám hối hai lần mỗi tháng vào các ngày rằm và mồng một), ngày ngày tôi sẽ luyện tập và nghe giảng Dharma (Đạo Pháp). Tôi nghĩ rằng đấy là cách giúp tôi sống một cuộc sống đạo hạnh cho đến cuối đời tôi.

Một thời gian sau, nhờ được chăm sóc nên sức khoẻ của người này cũng khả quan hơn, thế nhưng sau đó bệnh lại tái phát khiến người này nằm liệt giường. Tháng giêng vừa qua, bệnh tình bỗng trở nên trầm trọng hơn và người này đau đớn vô cùng, để rồi một hay hai tháng sau đó thì người ấy qua đời.

Đêm hôm trước khi chết, người này xin quy y Tam Bảo và nguyện sẽ tuân thủ giới luật của người bồ-tát. Nhờ đó người này ra đi thật êm thắm. Chuyện xảy ra như thế thật cũng đáng mừng, vẫn còn tốt hơn là chết với một tâm thần xao động vì quyến luyến vợ con. Dầu sau đi nữa tôi vẫn nghĩ rằng nếu một năm trước đó người ấy sớm biết rời bỏ gia đình như dự tính, thì mọi việc xảy ra sẽ còn tốt đẹp hơn nhiều. Nếu thực hiện được nguyện vọng của mình thì người ấy sẽ được sống gần chùa, bên cạnh Tăng Đoàn và kết thúc đời mình trên Con Đường.

Trông thấy cảnh ấy, tôi nghĩ rằng dù trong bất cứ trường hợp nào thì cũng không nên hoãn sang ngày hôm sau việc tu tập giúp mình bước theo Con Đường của Đức Phật. Nếu quý vị đang ốm đau và nghĩ rằng khi nào khỏi bệnh thì mình sẽ bắt đầu luyện tập, thì việc ấy chứng tỏ rằng quý vị chưa hội đủ tinh thần Giác Ngộ. Thân xác chỉ là một sự cấu hợp của bốn thành phần (đất, nước, lửa và khí) sẽ không sao tránh khỏi bệnh tật? Thân xác của các vị Thầy trong quá khứ nào có phải là bằng vàng hay bằng thép đâu (thế nhưng họ vẫn kiên trì và đạt được kết quả), họ chỉ được thúc đẩy bởi lòng hăng say tu tập giúp họ bước theo Con Đường và không màng đến bất cứ gì khác, họ gạt bỏ tất. Đấy là cách gạt sang một bên những chuyện vụn vặt trong cuộc sống thường nhật, hầu giúp mình đủ sức đương đầu với các khó khăn to lớn hơn. Con Đường của Đức Phật thật vô cùng trọng đại, vì thế quý vị cũng nên tìm mọi cách để học hỏi ngay trong kiếp sống này, và không nên phung phí một giây phút nào.

Một vị Thầy trong quá khứ từng nói rằng: "Không được đánh mất thời giờ " (có thể đây là ý nói đến vị thiền sư Trung Quốc Shitou Xiquan, tiếng Nhật là Sandokai và tiếng Việt là Thạch Đầu Hi Thiên, thế kỷ thứ VIII. Vị này có làm một bài thơ rất nổi tiếng tóm lược các nét chính yếu trong giáo lý nhà Phật và câu kết là: "Tôi kính cẩn van xin quý vị chớ để những ngày và những đêm trong cuộc đời mình trôi đi một cách vô ích"). Dù được chăm sóc và dù cho căn bệnh có trở nên trầm trọng đi nữa thì quý vị vẫn cứ nên tiếp tục luyện tập trước khi tình trạng trở nên nan giải. Đến một lúc nào đó dù có phải đối đầu với các khó khăn của tình trạng ấy đi nữa thì quý vị cũng nên tìm đủ mọi cách giúp mình luyện tập trước khi cái chết xảy đến (xin lưu ý là Thiền học nói chung và nhất là thiền phái Tào Động chủ trương chỉ cần hành thiền trong yên lặng với một tư thế ngồi vững chắc và đúng cách gọi là zazen, không cần phải tìm hiểu hay lý luận gì cả, sự Giác Ngộ rồi sẽ xảy đến một cách tự nhiên).

Nếu mình mang bệnh thì đôi khi cũng qua khỏi, thế nhưng đôi khi cũng có thể trở nên trầm trọng hơn. Lắm khi bệnh cũng lành mà không cần phải chữa chạy gì cả. Trái lại dù được tận tình chạy chữa thế nhưng đôi khi bệnh vẫn cứ trở nên trầm trọng hơn. Quý vị phải luôn ý thức điều ấy.

Những ai đã bước vào Con Đường, thì không nên nghĩ rằng mình sẽ luyện tập khi nào tìm được một mái nhà (một chiếc am, một ngôi chùa. Trong quá khứ người Nhật thường có tục lệ tự cất am, xây chùa để tu hành), có được quần áo (cà sa) và chiếc bình bát. Nếu vì quá nghèo khó, quý vị chờ khi nào có quần áo (cà sa), bình bát và những thứ khác nữa, thì quý vị có ngăn chận được cái chết không cho nó tiến đến gần mình hay không? Nếu quý vị cứ tiếp tục chờ đợi khi nào có được những thứ ấy thì quả đấy chỉ là một cách phung phí thời giờ một cách vô ích. Dù là người thế tục hay đã xuất gia, quý vị hãy bước ngay theo Con Đường của Đức Phật, không cần phải chờ đến khi có áo cà sa và chiếc bình bát. Manh áo cà sa và chiếc bình bát cũng chỉ là nghi thức của một nhà sư.

Một người tu tập chân chính bước theo Con Đường của Đức Phật sẽ không bám víu vào các thứ ấy. Nếu chúng tự đến với mình thì cứ tiếp nhận, thế nhưng không được cố tình mong cầu sẽ có được những thứ ấy. Khi đã có chúng, thì không được tìm cách có nhiều hơn nữa, đến độ hai tay không còn chỗ đề mà cầm. Thái độ đó đi ngược lại với những lời giáo huấn của Đức Phật và cũng chẳng khác gì như cố tình chờ chết mà không chịu chữa chạy.

Nếu muốn đạt được mục đích của Con Đường của Đức Phật, thì quý vị không được say mê và chăm sóc quá đáng cuộc sống này của mình, thế nhưng cũng không nên tàn phá nó. Nhằm tránh khỏi mọi sự gián đoạn trên đường tu tập, và nếu cần thì quý vị có thể dùng ngãi đốt (moxa / châm cứu bằng cách đốt ngãi ở vị trí các huyệt) và uống các thứ dược thảo.

Dầu sao đi nữa, nếu quý vị chỉ lo chữa chạy và chờ khi nào lành bệnh thì mới nghĩ đến việc luyện tập thì quả là môt điều hết sức sai lầm.

Vài lời ghi chú của người dịch

Trong Bài 1 nêu lên quan điểm của Phật Giáo Theravada đã cho chúng ta thấy ốm đau là bản chất tự nhiên và tất yếu của thân xác ô nhiễm. Đối với người tu tập thì họ chỉ cần hành xử trong cuộc sống như thế nào để có thể buông xả tất cả, hầu giúp mình bước vào Con Đường một cách thanh thản và nhẹ nhàng. Hình ảnh của những vị tỳ kheo ôm bình bát, yên lặng và chậm rãi bước đi giữa cuộc đời này có thể phản ảnh ít nhiều lý tưởng của một vị A-la-hán. Lý tưởng đó nói lên sự đình chỉ của sự vận hành trói buộc của sự hiện hữu của người tu hành .

Trong Bài 2, theo Kim Cương Thừa thì trái lại sự đau đớn và bệnh tật trên thân xác là những "dịp may" vô cùng quý giá giúp người tu tập đạt được Giác Ngộ, bởi vì đấy là những cơ hội giúp họ phát động lòng từ bi trong lòng mình khi nghĩ đến tất cả chúng sinh cũng đều khổ đau như mình. Những cơn đau đớn khủng khiếp và những bấn loạn trong tâm thức chẳng hạn như sự giận dữ, tham lam, hận thù cũng như những ám ảnh bản năng, đều hàm chứa những sức mạnh vô song. Người tu tập Kim Cương Thừa phải biết lợi dụng những sức mạnh tiêu cực ấy để biến chúng trở thành tích cực giúp mình bước thẳng vào Giác Ngộ.

Thiền Tông mở ra cho chúng ta một thế giới khác hẳn. Trong thế giới đó dường như không còn một điểm chuẩn nào có thể giúp chúng ta định hướng, cũng không có một nguyên tắc nào được quy định rõ rệt để noi theo, và tất nhiên chúng ta cũng sẽ khó tránh khỏi một sự hoang mang nào đó. Chẳng qua là vì cái thế giới của Thiền Tông thật thâm sâu và hết sức mênh mông khiến người tu tập dễ bị lạc hướng.

Các công án không phải là những chủ đề để tìm hiểu hay phân tích, mà chỉ để giúp mình trực nhận một cái gì đó tàng ẩn phía sau các công án ấy. Một số người tìm cách giải thích ý nghĩa các công án theo quan điểm và kinh nghiệm riêng của họ và do đó cũng có thể đã khiến cho một số người khác tin theo càng bị hoang mang thêm. Nếu các công án chỉ là một phương tiện thì các kỹ thuật thiền định cũng như các chủ đề suy tư khác đối với Thiền Tông cũng chỉ giữ những vai trò thứ yếu mà thôi. Ngồi xuống trong tĩnh lặng, nhìn vào một bức tường hay một khoảng trống không trước mặt là chủ đích chính yếu nhất của Thiền Tông. Ngồi xuống, ngồi xuống, và lúc nào cũng cứ ngồi xuống..., im lìm và bất động như một pho tượng hay một quả núi, không suy nghĩ gì cả và cũng chẳng chờ đợi gì cả, thế nhưng thật ra đấy lại là mục đích tối thượng và sâu xa nhất của một người tu thiền.

Thiền học "Tchan" của Trung Quốc trên thực tế cũng đã ít nhiều mai một, và sau khi được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ VII thì đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa và tánh khí của người Nhật để trở thành thiền học "Zen" ngày nay. Vô số các nghi thức tỉ mỉ và thật chính xác, cũng như những khung cảnh đơn sơ, nghiêm trang và thiêng liêng của những gian phòng thiền, của những khu vuờn thiền hay một lối sống thiền mà người Nhật đã ghép thêm vào Thiền Tông cũng chỉ cần thiết cho những bước đầu của một người tu tập.

Thế nhưng ở thế giới Tây Phương lại xảy ra một sự kiện hết sức lạ lùng là có rất nhiều người tu tập rập khuôn theo thiền học Zen Nhật Bản, trong số họ có những người có trình độ học vấn rất cao, họ là giáo sư đại học, bác sĩ, các khoa học gia, triết gia..., cũng như rất nhiều tầng lớp khác trong xã hội. Đồng thời ở Tây Phương thiền học Zen cũng đã bất ngờ cho thấy một xu hướng khá đặc biệt là việc hành thiền được sử dụng như một phương pháp chữa trị bệnh tật và các rối loạn tâm thần. Khoa học đã chứng minh cho thấy một người hành thiền chủ động sự đau đớn dễ dàng hơn so với những người bình thường. Sự chủ động các xúc cảm trong tâm thức cũng dự phần thật tích cực vào việc chữa chạy bằng thuốc men hay bằng các phương tiện khác. Một số bệnh viện đã chính thức mở ra các khoa trị liệu bằng phép hành thiền. Một số trường học cũng bắt đầu nghĩ đến việc tập cho các em học sinh ngồi thiền giúp chúng bớt nghịch ngợm và chú tâm vào việc học hành dễ dàng hơn. Thế nhưng cũng cần phải hiểu rằng bất cứ một sự bám víu nào, dù là dưới bất cứ một hình thức nào cũng không phải là cách tu tập Phật Giáo. Hành thiền phải đưa người tu tập đến Giác Ngộ, và tuyệt nhiên không phải là một phương pháp cải thiện sức khoẻ. Dầu sao theo Dilgo Khyentsé Rinpoché trong bài giảng số hai thì y khoa cũng chỉ là một phép luyện đan mà thôi.

Tư thế ngồi yên và bất động của một người hành thiền là một phương pháp giúp chủ động thân xác ô nhiễm, cấu hợp và vô thường của mình. Sự chủ động đó sẽ xóa bỏ mọi xúc cảm đớn đau trên thân xác và mọi sự bám víu trong tâm thức, nhằm giúp người hành thiền tìm về với thân xác nguyên thủy, tinh khiết và "khổ hạnh" của mình, nói cách khác là khám phá ra thân xác của một vị Phật (Dharmakaya). Thiền học Zen gọi sự khám phá đó hay sự trở về với chính mình là Ngộ (Satori). Thật ra những gì trên đây là do người dịch suy đoán thế thôi, bởi vì những người hành thiền chân chính và đắc đạo không bao giờ giải thích Ngộ mà họ đạt được là gì. Hơn nữa thiền học Zen cũng chỉ nói đến zazen, tức là tư thế ngồi của một người hành thiền, nhưng không giải thích một cách chính xác ngồi để làm gì, nhất là không hề đề cập gì đến các phép thiền định tĩnh lặng và phân giải thường được nghe nói đến, bởi vì theo Thiền Tông thì sự Giác ngộ là một sự trực nhận không cần phải nhờ vào các giai đoạn "chuẩn bị" ấy.

Giữ tư thế ngồi với hai chân tréo lại, uy nghi và bất động với một tâm thức thăng bằng không phải là một chuyện dễ. Chúng ta hãy thử ngồi thì sẽ hiểu ngay: thật hết sức khó cho chúng ta giữ được hơn năm phút trong tư thế thật đúng của một người hành thiền. Hai chân có thể bị tê vì máu chảy không đều, cảm giác ngứa ngáy trên thân thể, cổ mỏi, buồn ngủ, hoặc bồn chồn, v.v. và v.v... Thân xác tương đối dễ giữ yên hơn tâm thức, thế nhưng nếu chúng ta không giữ được thân xác bất động thì cũng sẽ hết sức khó cho chúng ta mang lại sự thăng bằng cho tâm thức, và cũng nên hiểu rằng cả hai, thân xác và tâm thức, đều liên kết chặt chẽ với nhau.

Do đó hành thiền là một hình thức phấn đấu thật mạnh, phấn đấu với đau đớn và bệnh tật trên thân xác và các xúc cảm bám víu trong tâm thức của chính mình. Chẳng phải khổ đau là Sự Thật Cao Quý thứ nhất trong bốn Sự Thật Cao Quý và là những gì cần phải nhận biết trước hết hay sao? Sự Thật ấy thật hết sức cần thiết hầu giúp người hành thiền mở rộng con tim mình hướng vào tất cả chúng sinh.

Sự đau đớn, bệnh tật là những dấu hiệu mất thăng bằng trong sự vận hành của ngũ uẩn. Hành thiền trong im lặng là một cách tái lập lại sự thăng bằng đó, và cũng là một cách giúp mình nhận thấy các cách hành xử sai trái của mình trong quá khứ đã đưa đến tình trạng hiện nay của mình. Nói một cách khác đấy là cách giúp mình ý thức được các sự lầm lỗi của mình trước đây nhằm tự tha thứ cho mình và xóa bỏ mọi sự lo lắng về bệnh tật hầu giúp mình "lớn lên" một cách lành mạnh hơn. Đấy cũng là cách giúp chúng ta phát lộ lòng từ bi, giữ gìn đạo đức, tẩy xóa mọi thứ ô nhiễm cũng như các cảm tính kiêu căng và các xúc cảm bấn loạn nhằm giúp mình mở rộng tâm thức hầu thể dạng "Ngộ" có thể bùng lên. Cũng xin mạn phép nhắc lại một lần nữa là những gì trên đây cũng chỉ là những sự suy luận cá nhân của người dịch mà thôi. Thật vậy tư thế ngồi im và bất động của một người hành thiền tự nó đã là một sức mạnh và tự nó cũng đã hàm chứa từ bên trong nó những khả năng thật tuyệt vời giúp người hành thiền bước thẳng vào Giác Ngộ.

Ngoài ra người ta cũng thường nói đến sự tỉnh thức trong Thiền Tông, tức là sự hòa nhập vào từng giây phút một trên dòng chuyển động của hiện thực. Thật ra thì thể dạng này luôn đòi hỏi một sự tập luyện lâu dài và cũng không nhất thiết là một đặc thù của Thiền Tông, bởi vì hầu hết các tông phái khác cũng có nêu lên và cũng đã đưa ra nhiều kỹ thuật nhằm thực hiện thể dạng này. Chủ đích của Thiền Tông cũng như của Kim Cương Thừa là giúp người tu tập đạt được Giác Ngộ một cách bất thần và ngay trong kiếp sống này.

Bài giảng của Đạo Nguyên trên đây không hề nói đến là chúng ta phải thiền định như thế nào mà chỉ khuyên chúng ta không được đánh mất thời giờ trước khi đau ốm xảy đến với mình, và dù cho đang ốm đau hay đang gặp phải những khó khăn nào đi nữa, thì cũng cứ phải ngồi xuống để hành thiền. Lời khuyên quan trọng thứ hai là phải thiền định ngay, không nên đòi hỏi phải hội đủ bất cứ một điều kiện nào cả, không được chờ đến khi tìm được một ngôi chùa, một mái am, chiếc áo cà-sa và chiếc bình bát thì mới tập thiền. Thật vậy bệnh tật và đớn đau vận hành thuận theo dòng luân lưu của nghiệp, và không hề chờ đợi đến khi nào chúng ta chuẩn bị xong thì mới ra tay. Chúng ta phải ngồi xuống ngay trong những giây phút này để chuẩn bị và chờ đợi chúng. Một mái chùa "tươm tất", một chiếc áo cà-sa "may khéo" hay một chiếc bình bát "thật đầy" cũng có thể trở thành những chướng ngại vật cho chúng ta đấy.

Bures-Sur-Yvette, 15.10.13
Hoang Phong chuyển ngữ
 
LSK Date: Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 5:59 AM | Message # 4
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng


Message edited by LSK - Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 6:00 AM
 
LSK Date: Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 6:05 AM | Message # 5
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Cách trị thân bệnh, tâm bệnh, nghiệp bệnh hiệu quả


Bệnh ( 病 ) là thuật ngữ chung cho cả Đông lẫn Tây y. Bệnh là là một cảm giác đau đớn, cả thể xác lẫn tinh thần. Bệnh là 1 trong 4 cái khổ ( Sanh 生, Lão 老, Bệnh 病, Tử 死 ) của chúng sinh mà Phật đã dạy. Mà đã là chúng sinh thì ai cũng phải bệnh, hôm nay ta còn trẻ khỏe, nhưng một ngày nào đó khi đã đến tuổi già cũng phải nếm trải 1 đôi lần bị bệnh, hoặc hơn thế nữa.

Bệnh là do Âm Dương mất cân bằng, Ngũ hành tương khắc, Tứ đại không hòa, bệnh khổ là một quy luật chung ở góc độ nhân sinh quan.

Bệnh có thể chia ra 3 yếu tố: 1/- Thân bệnh ( 身 病 ), 2/- Tâm bệnh (心 病 ), 3/- Nghiệp bệnh (業 病)

1/ Về thân bệnh ( 身 病 ) : Bệnh nào cũng có nguyên nhân của nó

- Thân bệnh thuộc về ngoại nhân ( 外因 ) là tác nhân gây nên từ bên ngoài của thân theo y học cổ truyền như sau :

- Do ăn uống, ngủ nghỉ thất thường, lao động vất vả, do chấn thương. Đang trong lúc cơ thể suy nhược đột ngột thời tiết thay đổi làm cho cơ thể chưa kịp thích nghi mà sinh ra các chứng bệnh như:

1/- Phong ( 風 )gồm có :

- Ngoại phong : là gió bên ngoài, chủ khí mùa xuân, thường cùng với các khí khác như: phong hàn ( cảm lạnh ), phong nhiệt ( cảm nóng ), phong thấp ( cảm thấp do khí ẩm ướt ).

- Nội phong : tức là huyết hư sinh phong (血 虛 生 風 ) nghĩa là máu không đủ sinh ra các chứng đau nhức…

2/- Hàn ( 寒 )gồm có :

- Ngoại hàn: là cơ thể ảnh hưởng khí lạnh bên ngoài ,lạnh chủ khí của mùa Đông, hay làm ủng tắc không ra mồ hôi, thường có phong hàn, hàn thấp.

- Nội hàn : do khí âm thịnh mà khí dương bị suy nên trong người luôn thấy lạnh.

3/-Thử ( 曙 ) : nắng chủ khí về mùa hạ có đặc tính làm sốt cao, thường có : thương thử ( cảm nắng ), trúng thử ( trúng nắng ) …

4/-Thấp ( 濕) : độ ẩm thấp trong không khí, thường có phong thấp, thấp thử và hàn thấp….

5/-Táo ( 燥): chủ khí của mùa thu, độ khô ráo của không khí, thường gây những bệnh sốt cao, táo nhiệt ( nóng và khô ráo).

6/-Hoả ( ): là hỏa nhiệt, đặc tính là nóng của các bệnh lệ khí, dịch khí, bệnh truyền nhiễm. Thường có thấp nhiệt, phong nhiệt (khí nóng ), thử nhiệt (nắng nóng ).

Như vậy, Tùy theo mùa mà nhiễm tùy loại bệnh và cũng tùy chứng : Hàn (寒) lạnh; Nhiệt (熱) nóng; Hư (虚) bệnh yếu lâu ngày; Thực (實) là bệnh mới phát; Biểu (表) bệnh còn bên ngoài; Lý (里) là bệnh đã nhập sâu vào trong .

2/ Về tâm bệnh (心 病 ):

Tâm bệnh thuộc về tình chí, nội nhân (内 因 ): là nguyên nhân bệnh từ bên trong theo y học cổ truyền như sau :

- Hỉ 喜:( hỷ thương tâm喜 傷 心) : Vui mừng quá hại đến tâm khí (心 氣).

- Nộ 怒: (nộ thương can 怒 傷 肝): Giận quá hại đến can khí (肝 氣).

- Bi 悲 ( bi thương phế 悲 傷 肺 ): sầu, muộn quá hại đến phế khí ( 肺 氣 ). .

- Ưu 憂 : ( ưu thương tỳ 憂 傷 脾) : lo lắng quá hại đến tỳ khí ( 脾 氣 ).

- Khủng 恐 (khủng thương thận 恐傷 腎 ) : Sợ hãi quá hại đến thận khí ( 肾 氣 )...

Nếu mắc phải 1 trong những tình chí như trên sẽ mang trong người về chứng thuộc về tâm bệnh, tâm bệnh thì xưa nay chưa thấy ai chữa bằng thuốc mà dứt.

Ví dụ: Có một gia đình nọ sinh một người con vì cưng chìu quá, lớn lên nó theo bạn xấu cờ bạc rượu chè, trộm cắp, nợ nần…làm cho cha mẹ bao nhiêu năm khổ tâm mà sinh ra nhiều bệnh, bỗng thời gian sau này người con gặp được bạn tốt hướng dẫn anh ta giác ngộ được Phật Pháp nên xả bỏ các thói hư tật xấu, chí thú làm ăn, tối đến đi chùa lễ Phật, lễ phép với người trên, khiêm nhường kẻ dưới, khiến cho cha mẹ vui mừng, bệnh tật lâu nay bỗng tan biến đâu hết.

Cũng tương tự như thế, nên có chuyện kể rằng: khoảng 70 năm về trước ở vùng miền Tây sông nước có một gia đình điền chủ nọ, bà vợ ông mê xem hát tuồng, ở đâu có diễn tuồng là có mặt bà.

Một hôm bà đi xem hát, trong vỡ tuồng có 3 nhân vật : Một ông vua , 1 ông quan nịnh thần và 1 ông quan trung thần.

Ông quan trung thần lúc nào cũng xả thân vì nước vì dân nhưng kết cuộc vì nghe lời dèm pha, sàm tấu của quan nịnh thần mà nhà vua đem ông quan trung thần ra chém chết.

Sau khi xem xong vỡ tuồng đó về nhà bà luôn tự nghĩ “Tại sao một người trung thần vì nước vì dân mà chết bi thảm như thế ?” Bà không chia sẻ cảm nghĩ với ai, một mình bà luôn thấy đời sao mà bất công đến thế ? Bà âm thầm buồn bã rồi sinh ra bệnh trầm uất.

Bà ốm yếu xanh xao, bà bỏ ăn, mất ngủ trải qua bao nhiêu năm sinh ra chứng trầm cảm, không nói chuyện với ai, bao nhiêu thầy giỏi được mời đến, tất cả những phương thuốc hay, loại đắc nhất chồng con của bà điều lo cho bà cả, nhưng bệnh tình ngày càng thêm trầm trọng.

Tất cả thầy bùa, thầy cúng điều được ông nhà mời đến nhưng rồi cũng không thuyên giảm chút nào cả vì cứ nghĩ bà bị ma ám.

Cuối cùng, một ông thầy Lang vườn ở cùng xã , mà lâu nay gia đình bà cho là tầm thường không đáng mời thì nay vì sinh mạng của bà nên ông phải mang lễ vật đến mời thỉnh.

Đến nơi xem xét bệnh nhân, ông Lang vườn tự nghĩ “Bà này bệnh cũng lâu, ăn uống, lao động thì không vất vả như người nghèo, thầy giỏi khắp nơi cũng đã mời đến mà không hết bệnh, chắc hẳn bà này có uẩn khúc gì đây ? ”

Nghĩ thế nên thầy Lang vườn vừa xem mạch vừa ân cần vấn bệnh:

-“ Thưa bà, tôi biết bà đang có một uẩn khúc gì đây ? Hoặc là chồng con của bà có gì không phải mà đã làm cho bà buồn, hoặc ai đó đã làm cho bà lo , bà giận ?”

Sau câu hỏi đó, bà như được gãi đúng chỗ ngứa, như ống khóa mở đúng chìa, nó mở được nỗi lòng của bà, bà huyên thuyên kể lại nỗi uất ức của câu chuyện tuồng hát năm xưa đã khiến cho bà khổ đau, khiến cho bà uất giận.

Gặp riêng ông chồng để trao đổi, bàn bạc, ông thầy lang vườn góp ý khuyên ông nên bỏ tiền mời đoàn hát năm xưa về làng diễn lại tuồng đó cho bà cùng dân chúng xem miễn phí , nhưng phải hoán đổi phần cuối của tuồng hát như vầy: …nhà vua thức tỉnh không còn nghe lời xu nịnh của quan nịnh thần nữa, vua kết tội và lệnh đem quan nịnh thần ra chém, khen thưởng bỗng lộc cho vị quan trung thần.

Quả nhiên sau khi xem xong vỡ tuồng bà vui vẻ khỏe mạnh bình thường trở lại như xưa mà không tốn một giọt thuốc nào cả.

3/ Về nghiệp bệnh ( 業 病 ):

Nghiệp là trải qua thời gian đúc kết từ hành động, lời nói, cảm nghĩ của Thân-Khẩu-Ý mà thành Nghiệp.Nghiệp thì có thiện nghiệp và ác nghiệp, nhưng ở nội dung bài viết này đang đề cập đến nghiệp bệnh nên nghiêng nặng về ác nghiệp. Bỡi có ác nghiệp mới sinh ra Nghiệp bệnh. Nghiệp thì có 3, gồm có:

- Thân (thân nghiệp 身 業 ): những việc làm của thân như :giết người và vật, trộm cắp, tà dâm… mà kết thành thân nghiệp.

- Khẩu ( khẩu nghiệp 口 業 ): miệng nói lời dối gạt, nói hung ác, nói thêu dệt, nói 2 chiều ... mà kết thành khẩu nghiệp.

- Ý ( Ý nghiệp 意 業): ý ham muốn nhiều, hay giận hờn, lại si mê …mà kết thành ý nghiệp.

Nghiệp bệnh ở những người vô minh chưa biết gì về Nhân Quả, cũng như người Phật tử phá giới.

Giới ( 戒 ) là ranh giới, là rào cản, thông báo cho chúng ta biết không được vượt qua, nếu cố tình vượt qua sẽ nguy hiểm đến tính mạng ( có nhiều ở các bãi tắm vùng biển ).

Cũng như thế, Phật chế ra 5 giới (ngũ giới 五 戒) cho hàng Phật tử (佛 子) để không phạm phải:

- Nhứt bất sát (一 不 剎) Thứ nhất không được giết hại mạng sống của chúng sanh.

- Nhị bất đạo (二 不 盜) Thứ hai không được trộm cắp, cướp giật.

- Tam bất tà dâm ( 三 不 邪 婬) Thứ ba không được tà dâm.

- Tứ bất vọng ngữ (四 不 妄 語) Thứ tư không được nói dối, nói lời ác khẩu, nói hai chiều.

- Ngũ bất ẩm tửu (五 不 飲 酒) Thứ năm không được uống rượu hay các chất men say.

Nếu phạm phải 5 điều trên sẽ nguy hiểm cho đời sống hiện tại và sẽ chịu quả báo trong các đời vị lai.

“ Kẻ thù lớn nhất trong đời mình chính là mình” là 1 trong 14 điều Phật dạy ! Bỡi không ai tạo ra đau khổ cho mình, mà chính tự mình tạo ra hậu quả cho mình từ việc vô minh không biết hoặc biết mà phạm phải 5 điều trên:

- Ví như người sáng xỉn chiều say làm cho con người anh ta mất hết lý trí,khiến cho kẻ cười người chê, ai cũng sợ hãi xa lánh, và hậu quả anh ta mang chứng bệnh Xơ gan cổ trướng, ung thư gan mật mà chết ( giới thứ 5 ).

- Người thường nói dối, nói 2 chiều, nói lời độc ác làm chia rẽ mọi người, khiến cho người ta hai bên hiểu lầm nhau chia rẽ, thù hận nhau, cuối đời anh ta phải chịu quả báo ung thư miệng lưỡi mà chết ( giới thứ 4 ).

- Người đời thường nói câu “ 1 vợ thì ngủ giường lèo, 2 vợ thì ngủ chèo queo, 3 vợ... thì xuống chuồng heo mà nằm !”. Câu nói nghe tức cười, nghe tưởng như đùa nhưng mà là sự thật. Chính tôi cũng đã thấy biết người đó một đời có rất nhiều vợ, nhiều tình nhân, rất nhiều con cháu nhưng khi tuổi già phải sống lang thang xó chợ đầu đường bệnh tật đầy thân, không ai chăm dưỡng cuối cùng bỏ thây nơi đầu chợ. ( phạm giới thứ 3 )

- Vào thời còn trẻ, tôi có nghe kể: quê tôi có một người chuyên đi ăn trộm, mà hình như cha mẹ sinh ra ông là để làm nghề ăn trộm thì phải, ăn trộm rất tài tình, chưa từng bị người ta bắt gặp. Khác với người ta, 30 tết mà nhà ông không sắm sửa gì cả, khuya đến ai nấy ngủ mê ông lẻn vào từng nhà mang bánh trái thịt thà về đầy nhà ông. ( giới thứ 2 )

Biết ông ăn trộm nhưng luật xưa “Đạo quả tang, dâm quả tích” mới kết án , chứ không phải thời nay công an phải dùng nghiệp vụ khoa học điều tra đủ chứng cứ mới kết tội, nên trong làng ai đó có mất trộm dù biết chắc ông đó lấy nhưng cũng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Từ nghề ăn trộm, ông tích chứa rất nhiều tiền của, đến khi mang rương tiền ra để chuẩn bị xây nhà thì ôi thôi, trong rương toàn là mối, một ổ mối đã phá nát hết rương tiền của ông, ông tiếc của nên lăn ra đổ bệnh, bệnh năm này qua năm nọ, cầu sống không xong mà cầu chết cũng không chết được.

Năm tháng trôi qua từng cơn đau đớn quằn quại chịu không xiết , một hôm ông dùng dao lưỡi liềm ( câu liêm là dụng cụ cong cong để gặt lúa ở quê ) cứa gần đứt cuốn họng ôngmáu ra lênh láng nhưng vẫn chưa chết, người nhà phát hiện mới dành con dao vức đi nhưng rồi sau đó ông cũng tiếp tục tự dùng tay móc cuống họng ra cho đến chết.

Khi đám tang ông, có rất ít người đến phúng điếu, đã thế mọi người còn phán một câu “ xưa nay ổng ăn của móc họng người ta, nay ông phải tự móc họng mà chết thôi !”.

Và câu chuyện còn lưu truyền đến ngày hôm nay ( cọp chết để da, người ta chết để tiếng )

Bệnh về Nghiệp nặng nhất phải nói là nghiệp Sát ( giết người vì thù hằn,vì sân hận, hoặc vì những lý do khác…và giết vật để ăn thịt ) tất cả điều là tâm ác, sẽ có quả báo hiện đời này (hiện báo 現 報) hoặc đời sau (hậu báo 後 報) điều phải trả nghiệp, cho đến trải qua nhiều đời nhiều kiếp oan oan tương báo ( 冤 冤 相 後)với nhau. ( giới thứ nhất)

Thời nay mỗi ngày xem báo nhan nhản những tin tức mà người ta trong tình cảm yêu đương, trong làm ăn, trong giao tiếp của xã hội… vì những chuyện không hài lòng nhau, từ xích mích nhỏ dẫn đến thù hằn, họ không ngần ngại sát hại nhau bằng nhiều cách, mà không hề biết đến 2 chữ Nhân Quả ( 因 果 )

Xưa Khổng Tử có dạy: 善 有 善 報, 惡 有 惡 報/ 若 澴 不 報, 時 時 未 到 (Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo/ Nhược hoàn bất báo, thời thời vị đáo). Nghĩa là : Làm Thiện thì sẽ có Quả báo Thiện./ Làm ác thì sẽ có Quả báo Ác./ Giờ chưa thấy Quả Báo là vì chưa đến lúc.

Giới trẻ hiện nay yêu đương dễ dãi, xem việc nạo phá thai là chuyện bình thường, 1 viên thuốc ngừa thai ( cực mạnh, tác dụng cấp tốc ) nhưng họ có biết đâu sau khi ân ái ( nếu gặp đúng ngày trứng rụng) trong các cô đã có 1 sanh linh bé nhỏ. Thế nên họ mang trọng tội giết người mà họ không hề hay biết.

Hậu quả tổn thương của nạo phá thai sẽ sanh ra những chứng bệnh phụ khoa nguy hiểm khôn lường, từ nhẹ dẫn đến nặng như ung thư tử cung, ung thư buồng trứng rồi di căn (mọc rễ ) qua đến gan, đến thận, đến tủy, đến xương….

Từ một cô gái khỏe mạnh, trẻ trung, xinh đẹp, diễm kiều, , má hồng môi thắm người lúc nào cũng phản phất hương thơm của son của phấn, nhưng sau một cơn bạo bệnh đã biến các cô trở nên đen điu, gầy đét, từng hồi từng cơn đau vật vã, lúc bấy giờ trong người các cô luôn tỏa ra các mùi hôi thúi từ các khối u, các tế bào…

Dù nền y học hiện đại, thuốc men vượt bậc lại có những giáo sư, bác sĩ chuyên khoa ung thư hàng đầu thế giới nhưng cũng không chữa lành căn bệnh ( nghiệp ) như thế

Cuối cùng cũng không sống được bao lâu, họ chết trong hãi hùng, chết trong đau đớn, thân rời bỏ thế gian nhưng hồn cũng không tránh khỏi địa ngục. ( ngoại trừ người đã giác ngô, biết ăn năn sám hối thì quả báo nhẹ hơn, chứ không thể tránh )

Lịch sử Phật giáo Trung Hoa có ghi lại chuyện rằng: tại Tỉnh Chiếc Giang có một vị Tăng tên Hàm Uyên ( 涵 鸳 ) , vị Tăng này tu hành đức hạnh rất tinh tấn chuyên cần , nhân có Phật sự nên sư phải ra ngoài.

Xong việc trên đường khi trở về tình cờ Sư đi ngang qua quán thịt chó, không biết chủ quán đó họ ướp nướng bằng loại hương liệu gì mà mùi thơm không ai mà không muốn hít vào.

Và vị Tăng nọ cũng không tránh khỏi hít phải mùi thơm đó, nhưng khi sư giật mình nghĩ lại “Ta là người tu, không thể như thế này được !”,

Sư kinh hãi, sư hối hả bước vội về chùa tắm rửa và lên thắp nhang đèn trước điện Phật sám hối, nhưng đến khuya trong người sư bỗng nóng sốt hừng hực, qua ngày hôm sau sư càng sốt mê man, điều ngạc nhiên là trong khắp người sư nổi lên 18 cái khối u, mỗi khối u to như quả mận, toàn thân đau nhức hãi hùng, càng ngày 18 khối u càng to lớn và đau đớn hành hạ.

Tất cả những vị lương y giỏi nào cũng được lần lượt mời đến, nhưng đều lắc đầu không tìm ra nguyên nhân bệnh gì cả. Thời gian trôi qua dù vẫn uống thuốc men nhưng có khi đỡ khi đau.

Một hôm nọ, vào một buổi chiều chập tối, bên hông chùa, sư bắt ghế ngồi tựa vách , trong thâm tâm rất đau buồn. Dưới ánh trăng non mờ Sư bỗng thấy có 1 đoàn người từ xa đi đến, dụi dụi cặp mắt sư nhìn kỹ tất cả trong đoàn người này có thân mà không có đầu . Ôi, thật là khủng khiếp.

Khi đến gần, trong đoàn người có tiếng hỏi:

-“ Chào ông ! Ông còn nhớ 18 người chúng tôi không ?”

-“ Không ! Không ! Tôi không biết mấy người là ai cả !” Vừa sợ sệt, Sư vừa khỏa tay trả lời thế.

-“ Phải rồi, nhiều kiếp trôi qua rồi làm sao ông nhớ được, mà chúng tôi thì không thể quên ông. Tôi nói cho ông biết, kiếp xưa kia ông là một vi quan tướng quân được lệnh vua cùng quân lính chúng tôi trấn ải một vùng biên cương.

Một hôm ông lệnh cho 20 người chúng tôi tuần tra vùng biên ải, khi đi ngang qua ngôi làng vùng sơn cước, trong nhóm chúng tôi có 2 người tự ý tách ra và phạm phải quân kỷ là hiếp dâm 1 người phụ nữ.

Sau buổi tuần tra trở về, thì người chồng phụ nữ đó đến gặp ông thưa kiện, là một vị quan tướng quân nên ông tức giận đem 20 người lính chúng tôi ra chém đầu hết . Chỉ có 2 người phạm quân kỷ mà ông chém cả 18 người chúng tôi hàm oan vô tội .

Đã trải qua bao nhiêu đời chúng tôi luôn tìm ông để đòi nợ, để báo mối thù xưa, nhưng vì bao nhiêu kiếp qua ông tu hành tịnh tấn nên chúng tôi không làm gì được ông.

Tháng vừa rồi ông khởi tâm tham ngửi mùi thịt chó nên cơ hội đó chúng tôi mới lọt vào được thân ông mà đòi nợ , thấy ông thành tâm sám hối chúng tôi cũng cảm động nhưng nghĩ đến việc ông giết oan chúng tôi từ kiếp xưa, nỗi uất hận nên không thể bỏ qua. Thôi thì ông cứ cố gắng tu hành đi, tạm thời 3 năm sau sẽ tính tiếp. !”

Nói xong 18 oan hồn biến mất, Sư hãi hùng chạy vội vào điện Phật quỳ lạy sám hối liên hồi, quả nhiên sau đó 18 khối u trong người của Sư không thuốc nhưng tự tiêu. Sau đó Sư tinh tấn tu hành, nhưng cho đến 3 năm sau bịnh cũ tái phát trở lại nặng hơn rồi Sư cũng qua đời.

Thế mới biết, nghiệp sát tội rất nặng dù trải qua bao nhiêu đời rồi mà cũng không tránh oan oan tương báo, phải chịu trả quả nghiệp bệnh như thế.

Người tu học Phật không ai mà không biết tích xưa, trong Pháp Từ Bi Thủy sám: chuyện 2 người tên Viên Án và Triệu Thố vì kết mối oan thù để rồi kiếp sau một người trở thành ngài Ngộ Đạt Quốc sư cũng phải chịu nỗi đau đớn mụt ghẻ mặt người nơi đầu gối. may mà nhờ công đức tu hành, gặp Bồ tát Ca Nhã Ca cứu giúp, nếu không thì nghiệp kia cũng khó mà tránh.

Tuy là những chuyện đã xa xưa, chuyện quá khứ, nhưng luật nhân quả trả vay xưa nay vẫn là sự thật.

Rồi mới đây sự việc xảy ra vào năm 2012 câu chuyện người thật việc thật tại Đức Trọng Lâm Đồng làm rúng động hàng Phật tử khắp trong khắp đất nước Việt Nam và Phật tử trên thế giới.

Câu chuyện cậu thiếu niên Nguyễn văn Công trải qua 3 năm mỗi ngày được thuê giết hại hàng trăm con gà, vịt, chó , mèo….kết cục phải trả một cái quả khi một khối ung mặt người đau đớn phát ra trên khớp gối của cậu ta, trải qua bao nhiều năm đau khổ đi hết bệnh viện này, đến bệnh viện khác nhưng có vị bác sĩ nào, có loại thuốc nào ở thế gian mà chữa được bịnh nghiệp ( sát sanh ) ?

Thế nên chúng ta người có trí không thể không tin Nhân Quả, không thể không tin lời Phật dạy. Nhân Quả không phải do Thượng Đế đặt ra. Nhân Quả không phải do Phật sáng chế. Nhân Quả là lẽ tự nhiên ! Hễ gây Nhân là gặt Quả. Bất kể anh là ai ? Theo tôn giáo nào ? Gây nhân Thiện sẽ có quả báo Thiện. Gây nhân Ác sẽ gặt quả báo ác. Sát sanh ắt phải thường mạng ! Phật nào cứu được ? Phật nào dung túng kẻ ác nhân ? Ngoại trừ người biết tin theo lời Phật dạy : Bỏ ác làm lành.

諸 惡 莫 作/ 衆 善 奉 行/ 自 凈 其 意/ 是 諸 佛 敎

Chư ác mạc tác./ Chúng thiện phụng hành./ Tự tịnh kỳ ý./ Thị chư Phật giáo.

Nghĩa là: Các việc ác chớ làm/ Những việc Thiện nên làm/ Giữ ý mình trong sạch/ Ấy là lời Phật dạy.

Tóm lại :

- Thân bệnh dùng dược lý trị liệu (藥 里 治 蓼 ).

- Tâm bệnh dùng tâm lý trị liệu ( 心 里 治 蓼 )

- Nghiệp bệnh dùng phước báo trị liệu (福 報 治 蓼).

Phật tử, lương y Phan Văn Sang
Theo chuaphuclam


Message edited by LSK - Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 6:06 AM
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 7:48 AM | Message # 6
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Bảy, 22 Feb 2014, 11:34 AM | Message # 7
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
 
kathy Date: Thứ Tư, 26 Feb 2014, 12:20 PM | Message # 8
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » CHUYỆN PHẬT GIÁO » Quan điểm của PG về sự đau đớn và bệnh tật
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO