Thứ Sáu
29 Mar 2024
1:42 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » THÀNH VIÊN » TRUYỆN BÌNH THƯỜNG » Học Vấn và Tuổi Thọ (Trần Ngọc Cư)
Học Vấn và Tuổi Thọ
thanhlongphapsu Date: Thứ Bảy, 26 Oct 2013, 4:42 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
Học Vấn và Tuổi Thọ



Việc theo đuổi học vấn, “học, học nữa, học mãi”, có lẽ là suối nguồn của sự tươi trẻ. Sau hằng chục năm nghiên cứu, các nhà khoa học ngày càng khẳng định rằng những người tiếp tục xử dụng đầu óc bằng cách tích cực theo đuổi học vấn sẽ sống lâu hơn, đồng thời có khả năng hơn trong việc chống lại những tác hại của tuổi già, như bệnh mất trí nhớ và chứng bơ thờ vô cảm (lethargy). Tờ Nữu Ước Thời Báo trong số gần đây đã nêu ra luận điểm cho rằng học vấn là yếu tố rất quan trọng để sống “đẹp lão” (graceful aging). Học vấn có thể làm lu mờ các yếu tố khác như tiền tài và bảo hiểm sức khỏe trong chức năng chống già nua. Nhà nghiên cứu Michael Grossman của Đại Học Thành Phố Nữu Ước đã phát biểu: “Nếu quí vị hỏi tôi điều gì có ảnh hưởng tốt đẹp đến sức khỏe và tuổi thọ, tôi sẽ đặt học vấn lên đầu danh sách.”

Hàng chục năm qua nhiều nhà nghiên cứu đã theo dõi hiệu năng của học vấn trên tiến trình lão hóa của con người. Những nghiên cứu gần đây của các nhà “kinh tế trong ngành y tế” (health economists) gần như biểu đồng tình với một triết gia sống vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, đó là Aristotle, người đã nói câu: “Việc học là thức ăn bồi bổ nhất cho tuổi già.”

Vào năm 1999, một sinh viên cao học tại đại học Columbia (Hoa Kỳ) tên là Adrianna Lleras-Muney đã làm một luận án tiến sĩ, dựa trên công trình nghiên cứu năm 1969 của ba nhà kinh tế y tế, với luận cứ cho rằng đầu tư vào học vấn về lâu về dài sẽ có hiệu ứng chống lão hóa tốt đẹp hơn cả những nỗ lực của ngành y tế. Qua nghiên cứu mang tính đột phá của cô, Lleras-Muney đã phát hiện rằng khi người ta tới tuổi 35, tuổi thọ của họ có thể tăng thêm 18 tháng nếu họ chịu bỏ ra một năm để “giùi mài kinh sử” ở chốn học đường.

Những phát kiến của Lleras-Muney được bổ sung bởi công trình nghiên cứu của Ann Case thuộc Đại học Princeton (Hoa kỳ). Bà Case báo cáo rằng “cứ mỗi năm của một người đàn ông ngồi thêm trên ghế nhà trường, tử suất (mortality) của họ được giảm bớt 8 phần trăm, kết quả này phù hợp với những khám phá tại nhiều nước Âu châu. Những thăm dò khảo sát tại các nước đã và đang phát triển cũng chứng minh rằng những người có trình độ học vấn cao cũng là những người có cuộc sống lành mạnh rất đáng kể.”

Học vấn và thể dục não bộ

Cũng chỉ gần đây thôi, nghĩa là khoảng hai mươi năm về trước, hầu hết các bác sĩ y khoa và các nhà nghiên cứu đều cho rằng hiện tượng lão hoá và hệ quả tai hại của nó trên não bộ là điều tất yếu, một tiến trình không thể đảo ngược. Tuy nhiên, những khám phá gần đây đã cho phép chúng ta hi vọng là con người có thể duy trì sức khỏe tâm thần đến mãn đời. Tại Mỹ, Hội Chống Bệnh Lú Lẫn Ở Người Già (Alzheimer’s Association) hiện đang hỗ trợ việc tổ chức các lớp hội thảo “Bảo Trì Não Bộ” trên diện rộng cả nước, nhằm khuyến khích dân chúng luôn luôn giữ tính năng động cả về thể chất lẫn tâm thần. Các lớp hội thảo này khuyến khích người ta đăng ký vào các khóa học (courses) được tổ chức ở các trung tâm giáo dục người lớn tại địa phương, ở các đại học cộng đồng, hoặc ở các tổ chức cộng đồng khác.

Làm thế nào để trì hoãn tiến trình lão hoá? Việc theo đuổi học vấn tại các đại học giúp cho người lớn tuổi tiếp tục hoà nhập và tiếp cận với người khác, nhờ thế không còn cảm thấy cô đơn hay trầm cảm như những vị cao niên sống thui thủi một mình. Nhưng đấy mới chỉ là một yếu tố. Ngay cả việc theo đuổi các khóa học được cống hiến trên mạng lưới internet cũng có thể tác động tích cực lên nhiều phần não bộ, làm chậm lại tiến trình lão hóa, tăng trưởng ký ức, làm cho người ta năng nổ hơn về mặt tình cảm và hiếu kỳ hơn về mặt trí tuệ.

Tiến sĩ Gary Small, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa của Đại học California tại Los Angeles (UCLA) là người tạo được chỗ đứng trong lãnh vực nghiên cứu về điều mà ông gọi là “Thể Dục Trí Óc” (Mental Aerobics). (Aerobics là một môn thể dục chủ yếu là nhảy theo nhịp điệu âm nhạc nhằm tăng trưởng sức khỏe tim mạch và giữ cho dáng người thon đẹp) Dùng ngôn từ của ngành thể dục, Tiến sĩ Small có dụng ý khuyến khích mọi người tập động não để giữ cho trí óc luôn luôn ở mức minh mẫn nhất: Trên hết và trước hết, “Bạn phải mài dũa trí tuệ của mình. Thể dục trí óc sẽ huấn luyện cho não bộ tăng trưởng ký ức và hiệu năng của nó. Nếu bạn gia tăng tuổi thọ của não bộ, thì một cách tương ứng tuổi thọ của cơ thể cũng được gia tăng.”

Tuần báo y học New England Journal of Medicine công bố vào năm 2003 một bản nghiên cứu tiết lộ rằng những vị cao niên nào ngoài 75 tuổi mà vẫn còn thích đọc sách báo, đồng thời tích cực trong các sinh hoạt thể lực và nghệ thuật, thì khả năng bị bệnh lú lẫn và các bệnh tâm thần khác sẽ thấp hơn.

Suốt đời theo đuổi học vấn, kết hợp với những luyện tập nhằm kích thích trí óc sẽ un đúc sự tàng trử tri thức (cognitive reserve). Small lý giải: “Điều này cũng nằm trong lý thuyết không-xài-có-ngày-mai-một (the use-it-or-lose-it theory). Nếu bạn giữ những tế bào não trong thế động, tính hiệu năng của chúng sẽ được gia tăng.”

Học vấn và Bộ nhớ

Vào năm 2005 một nghiên cứu do hai vị tiến sĩ ở Toronto (Canada)-Mellanie V. Springer và Cheryl Grady- xúc tiến, tiết lộ rằng sinh hoạt lý luận và ký ức của người lớn xảy ra ở phần vỏ não dưới trán (prefrontal cortex) (1). Grady cho rằng với học vấn càng uyên bác, các vị cao niên sẽ vận dụng những vùng não dưới trán càng nhiều, nhờ thế mà bộ nhớ và óc phán đoán của họ giữ được sự sắc bén.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng một bộ óc trây lười, cũng giống như những cơ bắp trong thân thể, sẽ thau lại vì thiếu xử dụng. Một lần nữa: Không xài, sẽ có ngày mai một (use it or lose it). Với sự nở rộ theo cấp số nhân của các trường lớp trên internet, những vị cao niên ngồi nhà cũng có thể sinh hoạt trí óc trong mọi ngành học vấn. Một cuộc thăm dò dư luận tổ chức trong năm 2006 của hãng Harris phát hiện rằng trong số 172 triệu người lớn xử dụng internet, có đến 14 triệu người tuổi đã ngoài 65. Bây giờ là lúc hơn bao giờ cả, người của mọi lứa tuổi có được rất nhiều lựa chọn trong việc theo đuổi học vấn và nhờ đó giữ được trí óc năng động và nhập thế (active and engaged) hơn là nhàn tản, trây lười.

Đi học lại


Ở Mỹ, các vị cao niên có thể được giảm học phí khi đăng ký theo đuổi học vấn trên mạng internet hay tại các trường lớp thông thường–kể cả những vị cao niên quyết lấy cho xong mảnh bằng trung học phổ thông hay bằng cấp tương đương (2). Đối với những kẻ bị dở dang học vấn ở tuổi thanh xuân, các lớp học trên mạng cho họ cơ may hoàn tất bậc trung học mà trước đây họ chỉ có thể hẹn rày hẹn mai, thậm chí có người đã lần lữa cả hàng chục năm trời mà chưa xong trung học. Ở tuổi xế chiều, khi nguời ta quyết động não để lấy cho được mảnh bằng, âu đó cũng chỉ là một cố gắng nhằm “phỉ chí bình sinh”, nhằm đầu tư vào bản thân cốt làm cho cuộc sống trở nên phong phú, hơn là miệt mài để được thăng quan tiến chức. Khi mảnh bằng không còn được dùng làm “cần câu cơm”, việc học chỉ thuần trau dồi kiến thức theo định hướng chân-thiện-mỹ, nhờ thế người sinh viên có thể có nhiều hứng thú, không còn phải kêu than: “Hết nợ thi rồi đến nợ thi / Than ơi, khổ quá! Học làm gì?” (3)

Một báo cáo cuả Bộ Giáo dục Mỹ cho biết có đến 84% sinh viên bậc đại học và cao học thuộc dạng phi-truyền-thống (non-traditional), nghiã là họ không học một lèo từ trung học lên đại học. Do đó, việc trở lại học đường sau một thời gian gián đoạn để lấy cho xong bằng trung học, bằng cao đẳng, cử nhân, hay một văn bằng nào khác, cũng chỉ là một thông lệ chứ không phải là ngoại lệ.

Đối với một số vị cao niên, các chương trình thạc sĩ hay tiến sĩ có thể là những con đường giúp họ thỏa mãn ước mơ và sở thích họ ấp ủ trong đời. Trình độ hàn lâm cấp cao đặt họ trước những thách thức gang thép, đòi hỏi trí tuệ phải nhạy bén trẻ trung. Tóm tắt một câu: “Học, học nữa, học mãi” sẽ giúp cho trí óc khang kiện và giúp tăng tuổi thọ của con người. Học vấn là một yếu tố rất quan trọng cho một đời sống lành mạnh và dài lâu .

Trần Ngọc Cư

(Viết theo báo Mỹ)

(1) Mãi cho đến 25 tuổi, phần vỏ não dưới trán (prefrontal cortex) của con người mới phát triễn đầy đủ. Những sinh hoạt lý luận, phán đoán, ký ức xảy ra ở vùng não dưới trán. Vì vùng não này chưa phát triễn đầy đủ ở tuổi vị thành nhiên, các thanh thiếu niên thường phạm những lỗi lầm do thiếu phán đoán.

(2) Mặc dầu giáo dục trung học Mỹ miễn phí cho đến hết lớp 12, vẫn có một thiểu số học sinh bỏ học (dropouts) vì lý do này hay lý do khác.

(3) Xuân Diệu, “Giới Thiệu,” Thơ Thơ.
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 26 Oct 2013, 11:31 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
kathy Date: Chủ Nhật, 27 Oct 2013, 9:34 AM | Message # 3
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
FORUM » THÀNH VIÊN » TRUYỆN BÌNH THƯỜNG » Học Vấn và Tuổi Thọ (Trần Ngọc Cư)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO