Thứ Năm
25 Apr 2024
8:44 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Lương tâm huyền thoại (Ngọc Thiên Hoa)
Lương tâm huyền thoại
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 29 Jul 2011, 2:49 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Lương tâm huyền thoại - Ngọc Thiên Hoa

Tiếng xe máy phân khối lớn nổ rầm rầm trên đường phố, chân chóng cày xuống mặt đường èn èn nẹt lửa. Thiên hạ một phen mất hồn. Một người độc mồm rủa:

- Trông cho chúng ăn bả trầu cho chừa!

- Con cái nhà ai ra đường mất dạy.

- Sao không thấy ba cái thằng công an thổi tu huýt đứng đường xuất hiện bữa nay nhỉ?

Rầm. Ình. Á!

Mấy chiếc xe dồn lại một đống như đụn cát. Những bánh xe chỏng lên trời quay hết ga. Thiên hạ lại một phen rởn óc, đùn lại và bu tới tách ách con đường Quốc lộ Một. Nửa tiếng sau, đám đông vãng dần. Xe cấp cứu í on, í on lò dò mò đến. Năm ba chiếc áo vàng lợt lạt với những dùi cui bắt đầu có chuyện để làm.

- Giấy tờ đâu?

Những đứa choai choai hít đuôi chỉ lác tay thì móc bóp...Những thằng non chẹt hơn thì...gãi đầu, móc phôn di động bấm bấm...Riêng thằng nhỏ văng bên kia lề thì không làm một động tác nào cả. Nó...ngáp ngáp. Anh công an nọ nhìn đồng hồ. Kim cụt đang chỉ tám giờ tối.

Bác sĩ trực ban đêm tiếp ca chấn thương tám giờ tối lúc chín giờ. Nhiều ca tai nạn giao thông như thế mỗi ngày nên chị cũng quen thuộc với cảnh người nhà hớt hơ, hớt hải, nhớn nhơ, nhớn nhác mong phòng cấp cứu ưu tiên một. Lời nài nỉ, cảnh bông băng, máu me, mồ hôi cộng tiếng rên la, chửi thề và hình ảnh mặt lạnh như băng Bắc Cực của những người thế giới blu đã trở thành biểu tượng của một ca cấp cứu mọi ngày. Và phong thái những người mặc áo blu ấy đĩnh đạc như không có gì phải gấp rút. Vội vàng chỉ rối chuyện mà thôi!

Một người cúi đầu nói nhỏ gì với Bác sĩ. Chị quay lại một bệnh nhân nằm chờ đằng kia.

- Thân nhân người này đâu?

- Dạ có.

Kẻ sáu mươi trả lời lễ phép với câu hỏi trống không của Bác sĩ non choẹt. Đó cũng là chuyện thường ngày trên mặt trận giao tiếp giữa hai cấp bệnh nhân-người nhà và Y tá, Bác sĩ.

- Có tiền không?

- Dạ có.

- Muốn thuốc ngoại hay nội?

- Da...nội ạ!

- Muốn phòng đặc biệt hay bình thường?

- Dạ...bình thường thôi.

Người bên trong lo bên trong. Kẻ bên ngoài lo bên ngoài bằng cách dán mấy chục con mắt qua cửa gương. Băng ca đẩy đi. Ai là người thân thì vội vã bỏ phòng cấp cứu chạy qua dãy khác. Coi như...thở ra một cấp.

- Thân nhân bệnh nhân này là ai?

-...

- Ai là người nhà bệnh nhân này vậy?

Không ai trả lời. Ca cấp cứu chín giờ tối chuyển tới mười một giờ đêm. Bận rộn quá. Người nào có thân nhân thì ưu tiên trước nên ca té xe của thằng bé đua xe cứ bị dời lại đằng sau.

Nó nằm im không nhúc nhích. Nó tỉnh đến độ không nói được tiếng nào. Mắt nó trắng dã với cặp đồng tử giãn ra. Người nó cứng đờ trong lạnh ngắt. Mạch đập chậm dần làm nó thở gấp hơn. Không có ai nhìn nhận nó ói ướt mái tóc lần thứ ba.

Chị bác sĩ trực ca tối cởi áo. Lẽ ra, chị đến nhìn mặt những nạn nhân không ai nhìn nhận vì không biết tin hoặc chưa biết tin nhưng có lẽ thói quen của một phòng cấp cứu là hết việc thì về. Hơi đâu cà khịa. Ngày nào mà chẳng có người gãy tay, nát chân, đau đằng trên, mổ đằng dưới. Chị mệt mỏi với công việc và lạnh lùng với người dưng. Chị nổ xe về thẳng. Ca khác có người thay chị. Đó là một người đàn bà lớn tuổi. Trên ngực bà ghi rõ: Bác sĩ.

Bà đảo mắt nhìn để ướm thử xem còn bao nhiêu bệnh nhân. Bỗng bà dừng lại ở thằng bé vì nó không chút gì báo hiệu có sự sống. Tim bà thót lên. Năm ngoái, thằng con trai bà cũng suýt nữa không có bà thì nó chết vì đi học về bị người ta tung vào. Bà vội vã bước đến chỗ thằng bé nằm cuối cùng. Bà giơ tay sờ lên mặt nó. Thằng bé đi vào hôn mê. Bà kinh hoảng:

- Cấp cứu mau! Ca này đưa tới mấy giờ?. “Chín giờ tối vì tai nạn giao thông'' mà bây giờ là...trời ơi, ba tiếng đồng hồ rồi!

- Không có thân nhân bác à!

- Giờ này mà còn thân với nhân. Mở bình dưỡng khí. Chuyền đạm gấp!.

Phòng cấp cứu lúc bấy giờ mới nhập cuộc với ca không thân nhân này. Như để cám ơn những gì bà bác sĩ dành cho nó, thằng bé mở mắt nhìn quanh rồi nhắm lại. Nước mắt nó trào ra. Dưới đầu, người y tá chạm vào thấy hộp sọ của người bị tai nạn trong thanh nẹp cố định xương mềm mềm như báo hiệu một triệu chứng dập não. Cô rụt tay lại. Bình thở Oxy báo động tắt nghẽn. Kim chỉ những đường mạch tim đập chậm lại và ngừng hẳn trong máy giúp thở.

Cả phòng cấp cứu đưa mắt nhìn bác sĩ. Bà lắc đầu:

- Trễ quá rồi!.

Bà nhìn lên bảng ghi tên bác sĩ trực ca trước. Một tiếng thở dài rất nhẹ như không muốn để ai nghe. Bà ghi vào bệnh án: “Chết vì chấn thương sọ não”. Không ai biết một cái chết chấn thương sọ não oan uổng vì cấp cứu không kịp bởi bác sĩ.

Một tấm ra trắng phủ trùm lên người thằng bé. Chiếc băng ca được đẩy vào phòng có tấm bảng ghi: Nhà xác.

Gia đình anh ngồi coi ti vi mỗi đêm trước khi đi ngủ. Đột nhiên, trên màn hình có thông báo khẩn: “Một thanh niên trạc tuổi mười bảy tử vong vì tai nạn giao thông. Ai là thân nhân xin đến bệnh viện để làm thủ tục nhận xác. Lưu ý: Người thanh niên không giấy tờ tùy thân, chỉ có bảng số xe là...

- Ngày nào cũng tai nạn chết người ghê quá anh ơi!

- Tại vì xe nhiều quá và bọn trẻ bây giờ phóng bạt mạng.

- Anh cứ nói. Nhiều khi người đi đường chạy đàng hoàng mà cũng bị tông chết oan. Tối nay cũng có mấy ca trẻ trẻ như vậy mà không có thân nhân gì cả.

Thông báo khẩn: Một thanh niên...

- Trời ơi! Bản số xe quen quá.

- Thôi chết! Xe của...trời ơi, xe của...

Chị quỵ xuống. Anh vội vực chị dậy. Đầu kia tiếng chuông điện thoại reo. Lời đầu kia nghe tiếng được, tiếng mất trong nghèn nghẹn.

Anh gác máy, bật dậy.

Trên đường phố khuya có mấy chiếc xe phóng cũng...bạt mạng trên đường. Họ không đua xe mà trực chỉ hướng về bệnh viện.

Chị ngồi bệt xuống nền, lê lết, vật vã bên người mẹ ngất đi, ngất lại mấy lần. Chị nghe lương tâm mình như có con gì cắn tan, cắn nát. Tội lỗi của thằng em chạy xe đua trên đường bị cái vô trách nhiệm của chị mà chìm để cho chị đau đớn.

Chị đâu có ngờ cái đêm hôm qua, em chị được đưa vào ca trực của chị mà chị không nhìn thấy. Chị muốn đập tan cái bảng hiệu “Lương y như từ mẫu”. Từ mẫu gì mà người gặp nạn không có thân nhân thì không được cứu chữa liền. Trời ơi! Chị lạnh lùng trên những thân xác quằn quại cần được quan tâm, săn sóc. Khoa cấp cứu gì mà bỏ người sống thành cái xác lạnh lẽo, cô đơn. Sự dửng dưng được báo ứng rõ ràng trên người chị. Mày là kẻ giết người. Mày giết em mày trong chiếc áo blu. Cái gì cũng “có tiền không mới cứu”? Chị đay nghiến mình bao nhiêu càng thương thằng em bé bỏng, trẻ người non dạ bấy nhiêu!

Ngày chị được chọn từ Điều dưỡng viên có mười bốn loại và nhiều cấp bậc để đi học lên Bác sĩ, thằng bé còn nũng nịu vòi chị mua cho mấy cây cà rem rồi mới buông áo cho chị ra đi. Mẹ vắng người chị nên nuông chìu nó nên nó hư hỏng thích chạy xe vượt tốc độ với bạn bè. Nhưng chị mới là người có lỗi: Đã giết em mình trong cái nghề cứu người. Nghiệt ngã thay! Cái chỉ số thang điểm Glasgow đánh giá mức độ trí giác của một ca chấn thương sọ não tụt xuống 2 thì chị phải nên cho chuyền gấp Plasma, cho thở Oxy và truyền nước biển. Sau đó, chị phải cho chụp X-quang xem có máu chảy ngược bên trong tụ máu bầm chỗ nào mà xử lý. Chị đã bỏ lơ, bỏ lững mà về cho đúng giờ với gia đình. Gia đình là quan trọng nhưng cứu người mới là quan trọng nhất. Cứu người không phân biệt giai cấp, tầng lớp và địa vị nhưng hầu như người ta đã quên đi khi đồng tiền chiếm lấy vị trí cao nhất trong lương tâm.

Giọt nước mắt hối hận cứ trào ra. Trong mưa bụi, chị nhìn thấy một lương y Hải thượng Lãn Ông Lê hữu Trác đang nhìn chị bằng cái nhìn trách móc thay vì khiển trách nặng nề. Nếu không phải em chị thì người chết hôm nay thì dù con cái nhà ai vẫn là một mạng người! Chỉ số lương tâm của chị hình như đã tuột xuống con số độ âm.

Tiếng khóc gào vang giữa thinh không. Một cái hòm đỏ choét khiêng ra. Một cái hố sâu chờ đợi. Cát bụi trở về với cát bụi. Một chục cái vòng hoa ném trở lại bên đời. Người ra đi không mang theo một thứ gì ngoài một thứ quý giá hơn châu ngọc là tuổi trẻ và ước mơ.

Giọt nước mắt ăn năn đổ xuống hôm nay và ngày hôm sau không biết có còn lặp lại? Người ta vẫn thấy những người mặc áo blu phần lớn đều lạnh lùng và mở đầu câu chuyện y tế là: “Có tiền không?”. Đồng tiền không mua được sự sống và không mang lại hạnh phúc cho những kẻ mà lương tâm chỉ còn là huyền thoại.

25/4/2006
Ngọc thiên Hoa


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Ba, 02 Aug 2011, 2:03 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng

Có lần Tôi thấy trong 1 Bệnh Viện ở VN, trên cái Bảng sơn chữ:
"LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU"

Có ai đó đã vạch 1 lằn viết chì nhỏ xéo qua, và viết vào bên dưới câu:

"LƯƠNG Y NHƯ KẾ MẪU"


AToanMT
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Lương tâm huyền thoại (Ngọc Thiên Hoa)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO