Thứ Sáu
29 Mar 2024
5:29 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » ANH-THƠ (HỒI KÝ CỦA NGUYỄN VỸ)
ANH-THƠ
LouAnn Date: Thứ Tư, 23 Feb 2011, 9:53 PM | Message # 1
Major
Group: Users
Messages: 86
Status: Tạm vắng
ANH THƠ

Một cô nữ sinh mới có 15, 16 tuổi, học trường Sơ Đẳng Tiểu học Pháp-Việt Thái-Bình gởi cho nhà văn Lan Khai một bài thơ mới tập làm, ký tên là Tuyết-Anh. bài thơ đó Lan Khai sửa chữa vài ba chữ, rồi đăng lên một tờ báo để khuyến khích “cô em”.

Một thời gian sau, người ta lại đọc trên một vài tờ báo một vài bài thơ ký tên là Hồng- Anh. Thơ còn hơi vụng về, tỏ ra người học thức còn kém, ý tứ không dồi dào, tình cảm không sâu đậm, nhưng có những nhận xét đặc biệt, phô diễn một trí óc tưởng tượng tuy giản dị nhưng rất tế nhị và rất dễ thương.

Lan Khai đưa một bài cho tôi coi, và bảo:

- Hồng Anh với Tuyết Anh là một. Con bé mới có mười mấy tuổi.

- Học đến đâu?

- Thi “primaire” (tiểu học) hỏng.

Tôi bảo với Lan Khai:

- Cô bé này có tài, phải không anh?

Rồi tôi quên mất câu chuyện đó, quên mất luôn cả cái tên của “cô bé có tài”.

*

Tôi đang ngủ. Trưa mùa Hè nắng gắt, mà cái gác xép của tôi ở đường Tientsin lại thấp và chật, tôi ở trần nằm lăn trên chiếu trải trên sàn ván, ngủ như chết. Cửa cầu thang tôi đã khép kín. Có một mình tôi. Không biết mấy giờ và không biết tại sao, bỗng dưng tôi quẫy cựa vài cái rồi tỉnh giấc, mở mắt ngó chung quanh. Một tiếng cười rang rảng ngay bên cạnh. Tôi quay lại, thấy một thiếu nữ lạ. Tôi ngạc nhiên:

- Ủa!

Thiếu nữ cười nghiêng ngả, cô ngồi dựa vào lan can, nét mặt hóm hỉnh rất tự nhiên. Cô cười ngặt nghẹo, không nói gì cả. Tôi cũng vẫn nằm yên, vẫn ở trần, nhìn cô, và điềm nhiên hỏi:

- Cô là ai?

Thiếu nữ lại cười, không trả lời. Tôi cũng tức cười, không hỏi nữa. Tôi ngắm cô: Trạc mười tám tuổi, không đẹp nhưng có duyên, mặt nhiều mụn. Cô mặc áo màu hồng, mang đôi giày cườm, ngồi cắn hạt dẻ, tự nhiên. Tôi cứ nằm như thế mà ngó cô. Cô cũng cứ ngồi dựa vào lan can, trong tay cầm một quyển tập. Cô cười để lộ hai hàm răng trắng nõn:

- Đố anh biết tên tôi?

- Tôi biết.

- Tên gì nào?

- Hồ-Xuân-Hương.

Thiếu nữ cười hăng hắc:

- Chả phải. Hồ Xuân Hương mặt rỗ cơ mà!

- Mặt Hồ Xuân Hương cũng có mụn.

Cô thò tay vào túi áo trong, hốt ra một nắm hạt dẻ cắn vỏ rồi ăn. Cô hỏi tôi, vẫn tự nhiên như quen từ lâu:

- Anh cắn hạt dẻ không?

- Cắn.

Cô đứng dậy, đến gần tôi, cúi xuống để nắm hạt dẻ trên chiếu, trước mặt tôi. Tôi lấy một hột, cắn vỏ, vừa nhai vừa hỏi:

- Cô có lầm nhà không?

Thiếu nữ ngồi xuống chiếu, cạnh tôi:

- Lầm thế nào được.

- Cô muốn gặp ai?

- Gặp anh.

- Ai bảo cô đến đây?

- Tôi bảo.

- Ai chỉ cái gác này cho cô?

- Anh Lan Khai, bạn của anh.

Tôi làm thinh. Tôi đã quên mất cái tên của “cô bé” rồi.

*

Tay tôi cầm quyển tập, nhưng tôi lăn trên chiếu, cười ha hả:

- Hay tuyệt!

Thiếu nữ vẫn ngồi, hai chân co lại dưới tà áo hồng, hai tay ôm hai đầu gối:

- Câu nào hay hả anh?

- …

Và lại có cả một đôi đom đóm,

Bay dập dìu như muốn phải lòng nhau.

Tôi lật sang trang bên kia.

- Câu này cũng hay lắm:

… hai cô nàng yếm thắm

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

Cúi, cuốc, cào, cỏ: parfait!

- Parfait là gì hả anh?

- Là tuyệt! Là hay tuyệt! Khéo tuyệt!

- Anh coi có câu nào chưa được gọn, anh sửa hộ em.

- Chẳng có một câu nào là chưa được gọn. Câu nào cũng đẹp như bức tranh quê.

- Anh liệu xem em có nên xuất bản nó không?

- Rất nên.

- Cái nhan đề “Bức tranh quê” có được không anh?

- Được lắm.

- “Bức tranh quê” hay “Những bức tranh quê” anh nhỉ?

- Khỏi phải “những”.

Tôi đã xem hết tập thơ viết tay của thiếu nữ mà tôi chưa biết rõ tên, nét chữ cứng rắn, gọn gàng. Tôi rất thỏa mãn, rất thích thú. Nhưng tôi xem lại ngoài bìa, hỏi:

- Sao không đề tên tác giả?

Thiếu nữ cười:

- Đố anh biết tên em?

- Tên cô là Thơ.

Thiếu nữ nhìn tôi chăm chăm, cô ngó vào mắt tôi, cô ngó vào mũi tôi, cô ngó vào môi tôi. Bỗng cô rú lên một tiếng cười. Rồi cô bảo:

- Em có hai tên: Tuyết Anh và Hồng Anh. em còn do dự, chưa quyết định để tên nào trên bìa tập thơ. Bây giờ em quyết định rồi. Em sẽ lấy tên là ANH THƠ.

*

Anh Thơ rủ tôi ra phố. Tôi ngồi dậy đi rửa mặt:

- Tôi xin lỗi Anh Thơ nhé. Từ nãy giờ tôi rất là vô lễ, tiếp Anh Thơ mà nằm, và không mặc áo.

- Bây giờ anh mặc áo, thì anh hết vô lễ với em.

Chúng tôi ra đi. Ra đến hàng Ngang, thấy một cụ ngồi bán bắp nướng, Nữ sĩ dừng bước mua hai trái, đưa tôi một. Tôi không quen ăn quà ngoài đường phố, nên tôi đút trái bắp còn nóng hổi vào túi quần. Nhưng một lúc thấy Anh Thơ ăn ngon lành, vừa đi vừa ăn, vừa nói chuyện, tôi cũng thò tay vào túi quần, lôi trái bắp ra đưa lên mồm, gặm ngon lành.

- Tên thật của em là gì?

- Tên em là THƠ, anh đặt ra, anh còn hỏi?

Thiếu nữ luôn luôn cười nói vui vẻ. Tôi lại hỏi:

- Em học đến đâu?

- Em vừa thi trượt xéc-phi-ca. Em bị thầy em đánh một mẻ vì tội lười.

“Thầy” tức là ba của cô, làm Thừa lại tỉnh đường Thái Bình.

- Em mấy tuổi?

- Đố anh biết!

- Mười tuổi.

- Em còn bé thế cơ ? Thế mà em cứ tưởng em lớn tướng rồi đấy!

- Nhưng thơ em đã lớn rồi.

- Lớn được mấy tuổi hả anh?

- Không có tuổi. Thơ em sẽ sống mãi mãi. Em làm thơ từ hồi nào?

- Từ hồi em biết làm thơ.

*

BỨC TRANH QUÊ ra đời. Các báo đều giới thiệu với rất nhiều cảm tình. Tất cả làng văn Hà Nội đều khen ngợi. Nhưng chưa mấy ai biết Anh Thơ là một cô bé 18, thi “trượt xéc phi ca”.

Một buổi chiều Thu, Anh Thơ lại đến thăm tôi. Mặt nàng vẫn đầy mụn. Nàng lại đưa tôi coi một tập thơ, bản thảo thứ hai, tựa đề là “MÊ MẢI”. Bài thơ đầu cũng nhan đề là MÊ MẢI, tả một cuộc khiêu vũ mà mỗi câu là một màu đèn xanh đỏ, mỗi chữ là một tiếng nhạc rung rinh, mỗi dòng là một vòng quay cuồng nhiệt trên vũ đàn. Cả bài thơ xôn xao rạo rực đê mê.

Nhưng rồi sau đó tôi đi ở tù. Suốt mấy năm mê mải trong nhà lao, tôi không quên được những dòng thơ khiêu vũ rất tài tình dưới ngòi bút mê mải của TUYẾT ANH, HỒNG ANH, ANH THƠ...

Và Anh Thơ hiện nay ở đâu, làm gì tôi không nghe ai nói nữa. Tôi chỉ còn nghe thơ của nàng thỉnh thoảng réo bên tai:

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,

Làm giật mình hai cô nàng yếm thắm,

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

Mấy cánh bướm chập chờn trôi trước gió

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

Và lại có cả một đôi đom đóm

Bay dập dìu như muốn phải lòng nhau…
...

NGUYỄN-VỸ

Nguồn:
VĂN THI SĨ TIỀN CHIẾN. “Chứng dẫn một thời đại” của Nguyễn Vỹ.
NHÀ SÁCH KHAI TRÍ, SÀIGÒN, XUẤT BẢN 1970


Message edited by LouAnn - Thứ Tư, 23 Feb 2011, 10:07 PM
 
Tihon Date: Thứ Tư, 23 Feb 2011, 10:40 PM | Message # 2
Major
Group: Users
Messages: 93
Status: Tạm vắng
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 25 Feb 2011, 9:26 AM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Bạn LouAnn
Chuyện Anh Thơ này khá xưa, nên tôi xin post thêm về Tác-Giả: Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhà Biên-Khảo: NGUYỄN VỸ Để các bạn trẻ có vài khái-niệm về Ông:

Nguyễn Vỹ (1910-1971), quê làng Tân Hội (sau đổi là Tân-Phong, lại đổi là Phổ-Phong), Quận Ðức- Phổ, Tỉnh Quảng-Ngãi.
Trước1945, Ông làm báo, viết văn, làm thơ ở Hà Nội.
Sau Hiệp định Geneve 1954, di-cư vào Nam, tiếp tục làm báo, viết văn, làm thơ ở Sài Gòn.

Ngày 4 tháng 2 năm 1971, ông qua đời do tai nạn xe hơi trên đoạn đường Tân An (Long An) - Sài Gòn, Mất lúc 59 tuổi, Trong khi sức sáng tác của ông hãy còn rất dồi-dào, và tiếc là còn nhiều tác-phẩm của ông đã soạn nhưng chưa được xuất bản.

Tuy không được Thọ, nhưng ông đã để lại rất nhiều Sách giá-trị cho nền Văn Học nước ta, nhất là cuốn hồi-ký “VĂN THI-SĨ TIỀN CHIẾN” vì ông quen biết rất nhiều, và các văn-Thi-Sĩ nổi tiếng hầu như đều là bạn của ông, nên quyển hồi-ký đó, đã trở thành “Chứng-Nhân của một thời-đại” đúng y như tiêu-đề Ông đã nói.

Dưới đây là các tác phẩm mà Ông Nguyễn-Vỹ đã xuất bản:

01/- TẬP THƠ ĐẦU – PREMIÈRE POÉSIES (Thơ Việt & Pháp) Hà-Nội 1936
02/- ĐỨA CON HOANG (Tiểu-thuyết) Hà-Nội 1936
03/- GRANDEURS et SERVITUDES de NGUYỄN-VĂN-NGUYÊN
(Tập truyện ngắn Việt-Nam bằng Pháp văn) 1937
04/- KẺ THÙ LÀ NHẬT BẢN (Luận-đề chính-trị) 1938
05/- CÁI HỌA NHẬT BẢN (Luận-đề chính-trị) 1938
06/- ĐỨNG TRƯỚC THẢM KỊCH VIỆT PHÁP – DEVANT LE DRAME FRANCO-VIETNAMIEN
(Luận-đề chính-trị bằng Việt và Pháp văn) Đà-Lạt 1947
07/- HÀO QUANG ĐỨC PHẬT (Luận-đề Tôn-giáo) Đà-Lạt 1948
08/- CHIẾC ÁO CƯỚI MÀU HỒNG (Tiểu-thuyết) Sàigòn 1957
09/- GIÂY BÍ RỢ (Tiểu-thuyết) Sàigòn 1957
10/- HAI THIÊNG LIÊNG 1 và 2 (Tiểu-thuyết) Sàigòn 1957
11/- HOANG VU (Thơ) Sàigòn 1962
12/- MỒ HÔI NƯỚC MẮT (Tiểu-thuyết) Sàigòn 1965
13/- NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ LỪNG DANH TRONG LỊCH SỬ (Biên-khảo) Sàigòn 1970
14/- TUẤN, CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT 1 và 2 (Chứng-tích thời-đại) Sàigòn 1970
15/- VĂN-THI-SĨ TIỀN-CHIẾN (Ký-ức Văn-Học) Sàigòn 1970
16/- BUỒN MUỐN KHÓC LÊN (Thơ) Sàigòn 1970
17/- MÌNH ƠI (Văn-hóa tổng quát) Sàigòn 1970
18/- THƠ LÊN RUỘT (Thơ trào-phúng) Quyển 1 - Sàigòn 1970

Về ANH-THƠ: (Nhân-vật trong chuyện)

Anh Thơ (1921 – 2005)
Nữ thi sĩ, tên thật là Vương Kiều Ân, có nhiều bút danh: Tuyết Anh, Hồng Anh, Anh Thơ.
Sinh ngày 25 tháng giêng năm 1921 tại Phủ Lạng Thương, Tỉnh Bắc Giang – Nguyên quán Tỉnh Hải Dương.

Xuất thân trong một gia đình công chức thời Pháp thuộc, từng theo gia đình dời đổi nhiều nơi ở ngoài Bắc. Từ năm 1937 Anh Thơ đã có thơ đăng trên các báo ở Hà Nội.

Sau Bà tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Sau năm 1957 bà là thành viên của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Bà mất tại Hà Nội trong năm 2005, thọ 84 tuổi.



AToanMT
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » ANH-THƠ (HỒI KÝ CỦA NGUYỄN VỸ)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO