Thứ Ba
16 Apr 2024
10:12 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Người trong ảnh (Hoàng Hải Thủy)
Người trong ảnh
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 19 Sep 2014, 2:02 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Người trong ảnh - Hoàng Hải Thủy

Không gian: một tiệm nhẩy đầm trong thành phố Sài Gòn, thời gian: một đêm cuối năm 1968.

Hai người bạn ngồi trong một góc khuất của đăng-xinh. Ðèn mờ. Phòng lạnh, kín, nặng mùi son phấn, nước hoa và khói thuốc lá. Ánh sáng của tiệm nhẩy bao giờ cũng mờ. Với hơi rượu bốc trong đầu, nhiều lúc Hoàng hoa mắt chỉ trông thoáng thấy ánh mắt Quang, và thoáng thấy nét mặt bạn khi điếu thuốc lá trên môi bạn sáng lên đốm lửa đỏ. Những lúc Quang hít vào một hơi khói, rồi thở ra, khói thuốc quẩn trong căn phòng kín làm chàng cay mắt và nước mắt chàng ứa ra. Tiếng kèn đồng, tiếng trống vang lên từ ban nhạc, văng vào những góc cạnh của bốn bức tường, đâm trở lại chọc vào tai, vào mắt, vào tim Hoàng. Chàng thấy cay mắt, nhức đầu và khó chịu. Ðã lâu rồi chàng mới trở lại một phòng nhẩy đầm. Kể từ ngày Phượng đi. Xương thịt của Phượng, xác thân quyến rũ, quen thuộc với chàng của Phượng, đi ra khỏi cuộc đời chàng, đi xa chàng, đi ra ngoài vòng tay chàng, nhưng hình ảnh nàng vẫn còn nguyên trong chàng. Hình ảnh và kỷ niệm. Hoàng, qua cảm giác nhức đầu, cay mắt, nhớ lại những đêm nào xa xưa, thật xa, chàng đi nhẩy lần đầu.

Những đêm nao nức đầu tiên theo bạn vào tiệm nhẩy, trở về nhà vào giường nằm ngủ, Hoàng thấy nước mắt chàng ứa ra và trong đầu vẫn còn vang vang, choang choang tiếng kèn trống.

- Gần hai mươi năm rồi đó mày…!

- Hai mươi năm gì?

Ðốm than đỏ trên điếu thuốc trước môi Quang sáng lên.

- Hai mươi năm kể từ đêm tao vào đăng-xinh lần đầu tiên. Ðúng ra là mười sáu năm. Năm 1952… Mày nhớ không? Tao đi nhẩy đêm đầu do mày dẫn đi! Mày với thằng Du…

- Ừ. Đúng. Tao với thằng Du đưa mày đi nhẩy lần đầu… Ở Sài Gòn hay Hà Nội nhỉ?

- Sài Gòn. Văn Cảnh Sài Gòn. Tao nhẩy đêm đầu tiên ở Văn Cảnh…

Hoàng xoay xoay nhẹ ly rượu trên bàn.

- Nó chết năm bao nhiêu mày nhỉ?

- Ai? Mày nói thằng Du hả? Tháng Bẩy năm 1958. Ấp Bắc. Nó chết ngay trong năm thứ nhất bọn Việt Cộng mở những trận đánh ở miền Nam.

- Mười năm rồi còn gì?

- Gần mười năm!

- Nó chết được hai tháng thì vợ nó đẻ con. Hai niên sau thì vợ nó đi lấy chồng…

- Ngọc! Chúng nó yêu nhau. Lúc nó chết, tao cứ tưởng… tao cứ sợ… Ngọc nó chết theo… Tao vẫn nghĩ là thể nào nó cũng chờ cho thằng bé lớn lớn một chút mới đi lấy chồng khác…

- Thôi mày! Lại cay đắng đi. Ðừng cay đắng…

- Nói gì thì nói đừng có vỗ vai tao mày. Tao ghét những thằng nào nói chuyện với tao mà vỗ vai tao. Ra cái điều an ủi. Đàn anh vỗ vai đàn em.

- Thì thôi. Tao quên. Tao có cái tật khi nói chuyện hay vỗ vai mà mày thì lại ghét. Vậy mà tại sao tao với mày lại là bạn thân với nhau được? Hồi chúng mình còn học ở Văn Lang, có lần mày đã đấm tao vì tao vỗ vai mày.

- Gọi lấy rượu, mày.

- Mày uống hơi nhiều rồi đấy.

- Ăn thua gì. Tao chưa say!

- Ðúng rồi. Bao giờ ngã xuống nằm thẳng cẳng hay là cho chó ăn chè, gây sự đập nhau với Mẽo… mới là mày say… Uýt ky… Hai cái…

- Ðàn bà! Có thế mới gọi là đàn bà… Yêu thì yêu ghê gớm, yêu có thể chết ngay vì anh được. Ðang đứng với anh trên cầu Bình Lợi, anh bảo em nhẩy xuống sông không cần nhắm mắt, em nhẩy liền tù tì, miễn là anh yêu em. Yêu em mãi. Nhưng cũng dễ quên. Không có anh là nằm với thằng khác được ngay…!

- Cả hai năm sau nó mới đi lấy thằng khác. Mày còn đòi hỏi gì nữa? Ngọc nó yêu thằng Du nhiều chứ? Nó cũng có nỗi khổ tâm riêng của nó mà mình không thể biết hết được… Gia đình thằng Du đâu có nhìn nhận nó!

- Biết rồi. Ðừng nói nữa. Ông già, bà già khùng, dở hơi. Cứ ra cái điều nhà quan, không bằng lòng cho con lấy gái nhẩy. Quan cách cái đíu gì!

- Bố nó là Tuần Phủ mày! Tuần Phủ chẳng là quan thì là cái gì? Ngày xưa ở ngoài Bắc, trong một tỉnh như tỉnh Hà Ðông chẳng hạn, Tuần Phủ chỉ thua có Tổng Ðốc…

- Ðấy là chuyện ngày xưa. Kể làm gì? Vào đây ông Tuần, bà Tuần còn có là cái gì nữa đâu. Ðể cho con cháu chúng nó sống đời của chúng nó chứ? Nếu cứ như ngày xưa Tây nó còn ở đây, quan lại vẫn còn được người đời kính trọng, vẫn còn hách xì xằng thì ông bà ấy bắt con trai lấy vợ môn đăng hộ đối còn có lý… Bây giờ là thời Cộng Huề rồi mà. Quan lại chỉ còn cái vỏ rách. Xã hội bây giờ chỉ có tiền là quan trọng.

Ðốm than đỏ trước mặt Quang bay từ đó xuống đĩa gạt tàn trên bàn. Hai cốc rượu tới. Tiếng muỗng khua động trong lòng thủy tinh hòa với tiếng kèn trống. Những bóng người chập chờn. Hoàng nhìn thoáng thấy một bóng dáng đàn bà như quen thuộc. Bóng dáng đó lướt đi rất nhanh, mất ngay sau khi chàng vừa thoáng thấy. Tà áo chìm mất trong bóng tối và ánh sáng mờ, giữa hàng chục tà áo khác. Hoàng nhớ đến Du, người bạn tài hoa với nụ cười tươi lúc nào cũng như nở trên vành môi. “Người như nó mà chết non. Vô lý thật…!”.

- Bao nhiêu thằng khốn nạn, ăn hại đái nát, bất tài không làm được cái gì đẹp cho loài người… cứ sống nhăn. Thằng có tài như thằng Du thì lại chết sớm… Cuộc đời này vô lý thật…

Hoàng nói lớn lên đoạn tiếp trong ý nghĩ của chàng. Ðôi bạn thân tâm đầu ý hiệp hiểu nhau qua những câu nói nửa vời hoặc không đầu, không cuối. Quang biết là bạn đang nghĩ tới Du.

- Ðời mà! Thiếu gì thằng cu li, khốn nạn, lừa thầy phản bạn ăn nên làm ra, vợ đẹp con khôn. Thiếu gì thằng tử tế, tài hoa… ăn mày, ăn nhặt, khổ sở… Thằng con nó giống bố nó lắm! Mới tí tuổi đầu mà đã vẽ hay cóc chịu được. Ðầu năm có cuộc thi vẽ cho nhi đồng quốc tế. Vì có quân đội ngoại quốc ở đây nên Hội Cha Mẹ Nuôi Quốc Tế mới đến nước mình, không có chiến tranh thì chưa chắc! Thằng nhóc con thằng Du được chú nó đưa tới thi vẽ. Vẽ ngay tại chỗ. Hai giờ đồng hồ. Mày biết thằng nhóc nó vẽ đề tài gì không? Nó vẽ như thằng bố nó ngày xưa, hồi chúng mình còn học lớp ba… Ngày xưa bố nó vẽ cảnh bà già dắt cháu đi học, nó vẽ cảnh bà dắt cháu đi chạy loạn. Bà già tay ôm gói quần áo, tay dắt thằng cháu, vừa đi vừa ngoảnh mặt quay nhìn lại. Ðằng sau là khói lửa… Tranh nó gửi về Hán Thành thi tranh của cả ngàn anh lỏi khác cùng tuổi với nó trên khắp thế giới. Tranh của nó chiếm giải nhất.

- Cừ nhỉ? Con thằng Du đấy à? Tao không biết đấy! Ðược giải nhiều không mày?

- Ðược tới ba ngàn đô-la. Nó sẽ được sang Huê Kỳ du học dưới sự bảo trợ của Hội. Cũng đỡ!

- Nó vẫn sống với ông nội, bà nội nó?

- Ừ. Năm nay nó bẩy, tám tuổi gì đó. Hình như nó là thằng ít tuổi nhất trong bọn nhi đồng dự thi.

- Giống bố hả? Bố mẹ nó đẹp và tài hoa, nó cũng phải đẹp và tài hoa chứ! Còn Ngọc bây giờ nó ở đâu mày?

- Nó ở Pháp. Thằng chồng sau của nó ở Paris.

- Mày biết thằng ấy không?

- Biết. Biết thôi chứ tao không thân. Thằng đó nó cũng yêu con Ngọc cùng một thời với Du. Nhưng Du thắng, nó thua. Tuy Ngọc chọn thằng Du chứ không chọn nó, nó vẫn yêu. Ngọc nó cảm động vì sự chung tình của thằng đó, nên sau ngày Du chết, nó đi theo thằng đó… Cũng nên thương nó! Chồng chết, một xu không có. Gia đình nhà chồng không nhận, con thơ. Ðúng vào lúc mụ Nhu cấm nhót, các em ca ve đói dài, đói dẹt chỉ còn có một con đường kiếm ăn là đi bổ lẻ.. Ngọc nó đáng thương hơn là đáng bị bọn mình thù ghét hay khinh bỉ!

Tiếng nhạc tắt. Từng cặp đưa nhau về bàn. Ðèn trong phòng sáng hơn. Nhiều người nhìn ra nhau. Vài cái vẫy tay, vài nụ cười trao đổi. Quang vẫy tay, hất hàm và cười. Quang nói cho Hoàng biết tên những người chàng quen có mặt trong phòng này đêm nay. Vài anh sĩ quan được đưa ra làm Cò Cảnh sát, vài sĩ quan, vài anh lái buôn, vài anh bồi Mỹ mới giầu nhờ quân đội ngoại quốc tới Việt Nam đánh Cộng Sản.

- Quang… Salut…

Gã dơ tay ra bắt tay Quang. Niềm nở và như rất thân. Hoàng ngước lên nhìn bộ mặt tròn vành vạnh của gã và thấy người bạn của người bạn thân của mình với mình lạ hoắc. Gã mới đến bàn trạc ba mươi tám, bốn mươi.., có vẻ có tiền nhưng quê. Gã bận complet veston. Bộ complet hàng tốt cắt theo kiểu ngắn gọn mới nhất. Chàng nghĩ thầm: “Bố khỉ! Các anh cả quỷnh cứ yên trí kiểu quần áo của các anh là đúng kiểu Paris. Mẹ kiếp… Có sang Paris các anh mới biết là ở bển chúng nó không ăn bận như thế… Kiểu của chúng nó khác…” Ý nghĩ của chàng liên can đến y phục đứt quãng vì gã mặt tròn chìa tay ra trước mặt chàng.

- Hoàng… Bạn moa. Anh Phan…

Cái bắt tay quá chặt, quá chân thành làm cho Hoàng biết ngay là gã mặt tròn giả dối. Mới gặp nhau lần đầu mà đã bắt tay chặt như bạn cũ vẫn mến ưa nhau. Gã mặt tròn học được ngón đòn “bắt tay ai phải bắt tay thật chặt, bắt tay lỏng người ta sẽ biết là mình lãnh đạm, vô tình.” Gã không biết việc bắt tay là con dao hai lưỡi. Gã càng siết chặt tay thiên hạ chừng nào, người ta càng biết là gã giả dối, hời hợt bề ngoài!

- Các ông đi chơi mà ngồi một mình ư? Buồn vậy? Gọi em nào tới cho vui chứ? Sâm banh…

Không cần giữ lễ phép tối thiểu, Hoàng gạt phắt:

- Không! Không có em nào hết. Buồn không có chỗ nào đi chơi tốt hơn, vào đây ngồi uống rượu nghe nhạc. Không nhẩy nhót gì hết. Ðừng gọi em nào tới. Sốt ruột!

- Ề… Hề hề… Rượu thì có đây cho ông… Con là đại lý rượu đây. Ông muốn rượu gì con cũng có… Hề hề… Nhưng đàn anh làm gì mà giận đời thế… Gọi vài em lại ngồi cho chúng nó đấu hót cho vui chứ…?

Phan cười hềnh hệch và nhũn như con chi chi mặc dầu Hoàng cấm cẳn cố ý. Hai bàn tay có ngón tay đeo nhẫn kim cương của Phan xoa xoa vào nhau:

- Sâm-banh… Xin các đàn anh cho đàn em được quyền gọi sâm-banh đêm nay… Quang… Toa đi đâu…? Lâu lắm mới được gặp. Moa thì đêm nào cũng có mặt đây. Moa ăn cơm tháng ở đây… Hì… hì… Nhiều lúc nhớ cậu ghê đi… Anh em… Không biết toa ở đâu mà đi tìm?

Gã nói líu tìu tìu. Hoàng tình nghi có nhiều nước miếng từ miệng gã văng xuống bàn. Chàng kéo ly rượu của chàng về phía gần chàng hơn.

Phan dơ tay lên búng lách tách. Anh bồi áo veste trắng, neoud đen, quần đen, tới cúi khom khom. Phan nghển lên nói nhỏ nhỏ. Gã phẩy phẩy tay ra hiệu cho anh bồi đi rồi quay lại hai người bạn. Hai bàn tay gã lại xoa xoa vào nhau:

- Hai đàn anh cho phép… đàn em gọi mấy em tới tiếp chuyện đàn anh. Ở đây có mấy em thơm lắm. Vả lại… hai đàn anh cũng nên để cho bọn nó kiếm ít tiền sống chứ… Hì… hì… Mình kiếm được tiền cũng nên chia bớt… chia cho các em ca ve là hành động cao đẹp nên làm nhất của anh em mình…

Mặc nhiên, Phan đã làm chủ bàn rượu. Gã có vẻ có nhiều tiền và đang cần có dịp để chi tiền. Hoàng thấy Phan giả dối, tất nhiên, nhưng gã tỏ ra kính nể Quang và chàng, gã như không muốn gì hơn là được chi tiền và được chiều hai người. Hoàng nghĩ thầm: “Mày đã muốn chi tiền thì ông cho mày chi.” Và chàng lặng yên.

Miệng nói, tay vung, Phan đem lại sự hoạt động, tuy hơi quê, cho bàn rượu đang ủ rũ. Gã móc trong túi ra tới hai, ba gói thuốc lá Salem, Lucky, Caraven A…, bật lửa, bao quẹt. Gã vừa đốt điếu thuốc này đặt xuống đĩa gạt tàn đã quên và đốt ngay điếu khác.

Ðèn sáng lại tắt. Ðèn lại mờ. Nhạc nổi. Bóng người đưa nhau ra sàn nhẩy. Hai chai champagne được mang tới trong hai sô đá. Nút mở bốp.

- Dẹp dùm hai cái ly này đi. Mời hai đại ca…

Mùi nước hoa thoảng bay. Người tới. Hai người.

- Anh ạ…

- Chào anh…

Bắt tay. Hoàng chỉ nắm nhẹ hai bàn tay mềm rồi bỏ ra ngay. Chàng cảm thấy một bàn tay có nhiều mồ hôi hơn bàn tay kia. Chàng bắt tay hai em ca-ve mà không nhìn mặt họ.

- Thúy hả? Lucie nữa hả? Hề hề… Hên quá… Ngồi đây em. Mấy đêm rồi anh không được ngồi với Thúy, với Lucie. Các em đắt khách quá. Chúng nó nhiều tiền hơn anh, chúng nó bắt các em ngồi với chúng nó suốt buổi. Anh buồn…

- Anh cho em xin. Anh có thèm gọi tới em đâu mà…

- Anh Phan mà tới đây là phải có người đẹp Ly Lan… Ly Lan là đại lý độc quyền ông chủ trẻ tuổi hào hoa ở đây…

- Em hại anh…

Phan cười hềnh hệch. Cái cười dễ dãi và không che dấu sự khoái lạc hưởng thụ. Nghe tiếng cười, Hoàng nghĩ thầm: “Không khéo nó thành công, nó có tiền là vì tiếng cười của nó…”

- Hai em chia với các anh chai sâm banh?

- Cám ơn anh. Ðêm nay người đẹp của anh không có mặt, bọn em mới được anh cho uống sâm banh…

- Cho anh xin mà. Em có yêu anh đâu, hì hì… Làm gì mà em cay cú thế?

Phan nói giọng miền Trung. Gã bắt chước tiếng Hà Nội kéo dài âm “thế”.

Gã long trọng giới thiệu. Hoàng không muốn nhìn mặt hai em vũ nữ nhưng chàng thấy việc cố tình không nhìn mặt, không nói chuyện với họ cũng là một thái độ “cả quỷnh,” chàng chịu khó tươi nét mặt để nhìn hai nàng, cười nói với hai nàng. Họ là những vũ nữ thuộc loại trung bình của làng ca ve Sài Gòn, nghĩa là không xấu, không đẹp, không trẻ mà cũng không già. Một nàng có đôi mắt lá răm, loại mắt đàn bà dâm và gian. Một nàng có làn môi dưới trề ra, cũng tham và gian. Chàng nghĩ ngực họ độn vì hai cánh tay họ không lấy gì làm lớn lắm nhưng ngực họ thật nở.

- Gọi cho bọn anh một em nào cừ khôi nữa chứ? – Phan nói – Bọn anh ba người kia mà? Cho có hai em thôi để bọn anh giết nhau sao? Hai anh này là đàn anh của anh, chỉ có hai em thôi thì anh thất nghiệp nặng rồi…

- Yên chí mà anh – một nàng nói – Hoa nó sắp tới. Anh biết Hoa không? Một hoa khôi ở đây, đẹp không kém gì Ly Lan của anh…

- Thế thì nhất… Nào mời hai đàn anh… Chúng ta cùng các em nâng ly… Sâm banh… Uống cho đời lên hương… A… Hay quá… Thái Thanh tới hát… Moa phải yêu cầu Thái Thanh hát “Ngày đó chúng mình”… Hai đàn anh có điều chi phản đối không?

Hoàng nghĩ thầm: “Mặc xác anh. Anh yêu cầu cái gì kệ bố anh”. Khi người vũ nữ thứ ba tới bên bàn, chàng không buồn ngửng lên nhìn xem nàng đẹp xấu ra sao. Chàng nâng ly rượu uống cạn. Chất rượu vừa ngọt vừa chua trôi vào cơ thể bị rượu mạnh hun đốt từ chập tối như một dòng nước chảy vào vùng cát nóng. Chàng biết lát nữa đây, nhiều chất rượu hòa với nhau đi vào máu, chàng sẽ say lắm.

Người vũ nữ mới tới ngồi xa chàng, nàng ngồi đối diện với chàng. Khi Phan đưa một nàng ra sàn nhẩy, sự xô động của bàn ghế làm cho chàng nhìn lên. Người vũ nữ có đôi mắt lớn đang nhìn vào mặt chàng. Hoàng ngờ ngợ và điếu thuốc lá từ đĩa gạt tàn bay lên môi chàng dừng nửa vời.

Chàng thấy nàng quen quen. Một vẻ quen thuộc xa xôi, mơ hồ, cái quen của những kẻ chưa từng nói chuyện với nhau lần nào, chưa từng biết tên nhau. Dường như chàng đã gặp nàng ở đâu đó và đã chú ý tới nàng.

Nàng chừng hai mươi bốn đến hai mươi bẩy tuổi. Tuy mắt chàng đã quen với làn ánh sáng mờ mờ, chàng vẫn không nhìn rõ mặt nàng, nhìn kỹ để nhớ xem chàng đã gặp nàng ở đâu, xem có đúng nàng là người quen hay hoàn toàn xa lạ.

- Em tên gì? Chàng đột ngột hỏi.

- Anh hỏi em ạ?

Giọng nói của nàng nhẹ và yếu chìm mất trong tiếng kèn trống.

- Ừ. Em!

- Em là Hoa.

- Anh đã gặp em ở đâu rồi thì phải?

- Dạ.

Tiếng “dạ” rất thường. Chàng nghe như rất ngoan và hiền. Chàng biết nếu nàng không nói ra, chàng sẽ không bao giờ nhớ được chàng đã gặp nàng, đã thấy nàng ở đâu, nhưng cùng lúc chàng biết chắc đã có lần chàng thấy người thiếu phụ này ở đâu đó và chàng đã có lần chú ý nhiều đến nàng.

- Em nhẩy với anh, Hoa.

- Dạ.

Tango. Nàng bận áo hồng. Trong ánh sáng mờ ảo, mầu áo có sắc tía.

Gần nhau, Hoàng thấy mặt nàng hơi dài, đôi gò má hơi cao và khoảng nhân trung, khoảng giữa chân cánh mũi và viền môi của nàng hơi lớn. Nàng nghiêng đầu và giữ nụ cười mỉm trên môi khi thấy chàng nhìn kỹ mặt mình.

- Nhất định là anh có gặp em ở đâu…

- Dạ. Em vẫn nhẩy ở đây…

- Không. Anh nhớ anh gặp em ở đâu kia, không phải ở trong tiệm nhẩy. Em ở đâu?

- Trước di cư?

- Ừ, trước di cư.

- Em ở Hà Nội.

- Không phải. Hình như anh mới gặp em đây thôi. Ở đâu nhỉ? Hoa… em có thấy anh quen quen không?

- Thưa quen. Chắc anh đi nhẩy nhiều…?

- Không. Anh đã nói không phải gặp em trong đăng-xinh. Hồi sau này anh ít đi nhẩy lắm… Hay là anh gặp em ở trường học? Vô lý… Chắc em đã thôi học từ lâu rồi? Phải không? Anh mới đi dạy học mấy năm nay, em không thể là học trò của anh được… Anh gặp em ở đâu kìa?

Thấy chàng có vẻ suy nghĩ, hồi tưởng, nàng cũng tỏ vẻ sốt sắng hợp tác:

- Em xin lỗi… Anh tên là gì ạ?

- Anh tên là Hoàng. Em nhớ coi em có quen ai tên là Hoàng không?

Hoa yên lặng và Hoàng cũng yên lặng cho tới lúc hết bản nhạc. Họ đưa nhau trở lại bàn. Chai sâm banh thứ hai đã được mở. Họ trở thành một cặp ngồi cạnh nhau và Phan, với một năng khiếu nhận xét sắc sảo, ghi nhận ngay có chuyện gì khác lạ, một liên hệ gì đó đã làm gần đôi người này, gã nheo mắt nhìn họ:

- Tốt! Ðẹp đôi nhắm. Ðại ca… Nó là em gái tôi đó đại ca. Con bé ngoan lắm. Ðại ca có thể yêu được nó. Tôi bảo đảm…

Hoàng không thấy ghét gã nữa. Cái cười hềnh hệch khả ố và ồn ào của Phan đã cười nói thay cho tất cả, chàng có quyền ngồi uống rượu, không cười nói. Chàng say và vẫn cố moi óc nhớ xem chàng đã gặp Hoa ở đâu, bao giờ?

o O o

- Ðúng em rồi, anh nhớ ra em rồi…

- Dạ.

Ðêm nay nàng bận áo trắng. Tóc nàng chải mềm và đơn sơ trôi xuống bờ vai, cong lại trên vai. Ðúng nàng. Không còn lầm. Ðêm nay vẻ yếu đuối của nàng còn hiện ra rõ rệt hơn đêm trước. Chàng đã chú ý nhiều đến vẻ yếu đuối đó của nàng.

- Anh nghĩ về em suốt đêm qua. Anh cố nhớ xem anh đã thấy em ở đâu. Anh nhớ ra em… Có phải trước đây em lấy… em sống chung với thằng Huyến không?

Chàng biết, dù nàng có chối chàng không lầm khi chàng thấy ánh mắt nàng sáng lên. Không chối, nàng gật đầu, nét mặt không ngạc nhiên mà có vẻ vui vui. Vui vì thấy chàng đã tìm ra mình, chàng đã hết thắc mắc vì mình.

- Dạ có… Em có… ít lâu.

- Bây giờ em với Huyến ra sao? Xa nhau rồi ư?

- Dạ. Em chỉ ở với anh ấy được một năm.

- Thế thì đúng rồi. Em có biết anh thấy em ở đâu không? Ở nhà thằng Huyến ngoài Cam Ranh, nhưng anh không gặp mặt em. Anh thấy em trong ảnh. Bức ảnh em để trong phòng khách nhà nó ở Cam Ranh. Hôm anh tới, em về Sài Gòn, em không có ở đó. Anh ngồi một mình trong phòng khách nhà nó, thấy tấm hình em, anh hỏi chị bếp nhà nó, biết em là vợ nó và em về Sài Gòn…

- Dạ phải. Em có cái hình mầu nửa người, em chụp dưới giàn hoa?

- Thằng khốn nạn. Thằng đểu. Anh khinh nó, anh ghét nó, xã hội loạn nên những thằng khốn nạn, ăn mày ăn nhặt, ba que xỏ lá, điếm đàng, bội bạc như thằng khốn nạn ấy mới có tiền, có địa vị…

Bây giờ nhớ ra nàng, Hoàng không còn thắc mắc nữa, chàng uống rượu và nhớ lại những cảm giác, những cảm nghĩ bực bội, giận dỗi, cay đắng, thất vọng của một ngày chàng tới vi la của Huyến. Hai năm trước, chàng gặp chuyện làm ăn thất bại ở miền Trung. Một hôm chàng đi qua Cam Ranh, nơi người Mỹ vừa mới tới thật đông, nơi một hải cảng mới tinh và văn minh nhất nhì Ðông Nam Á Châu đang được tạo lập, chàng ghé vào thị xã Cam Ranh thăm Huyến, tên bạn từ ngày còn học ban Tiểu Học của chàng, bạn như Du, như Quang. Huyến đang ăn nên, làm ra, nó trúng thầu lớn, chàng nghe nói nó sống như một ông vua con ở Cam Ranh, Nha Trang. Một thằng rách nát từng sống bằng nghề đĩ đực và bạc bịp nay là một doanh gia, một businessman giao du toàn với Tỉnh Trưởng, Thị Trưởng, Ðại Tá Hoa Kỳ. Nó ngồi xe Lincoln ra vô căn cứ quân sự của Hoa Kỳ như ra vô nhà riêng của nó. Thằng Huyến vẫn thường ngửa tay xin tiền chàng, thằng bạn nhũn như con chi chi của chàng thay đổi khác hẳn khi chàng gặp lại nó ở Cam Ranh.

Bây giờ thì nó giầu quá rồi. Chiến tranh đưa người Hoa Kỳ và đô-la tới đất này, chiến tranh làm cho bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người khổ và không biết bao nhiêu người nghèo đi, chiến tranh làm cho một số những thằng như Văn Huyến trở thành giầu sụ.

- Làm sao em có thể lấy được một thằng như thằng Huyến?

Chàng hối hận sau khi hỏi vì thấy câu hỏi làm nàng ngượng, chàng biết nàng không thể nói xấu được người đàn ông nàng đã sống chung như vợ chồng trong một thời.

Chàng biết nàng còn rất nhiều chuyện để nói về cuộc sống chung giữa nàng với gã đàn ông đó, chàng cũng còn nhiều chuyện để nói với nàng, chuyện về bức hình của nàng chàng thấy trong gian phòng khách ở thị xã Cam Ranh. Buổi trưa đó chàng nhìn hình nàng, thấy nàng có vẻ xanh xao, yếu đuối. Không đẹp lắm nhưng xanh xao dù là hình mầu. Chàng chú ý tới nàng không phải vì nàng đẹp mà chính vì cái vẻ yếu đuối của nàng. Câu hỏi thầm từ buổi trưa đó tới đêm nay mới được thốt ra trên môi chàng: “Tại sao một người con gái như em lại có thể sống chung vợ chồng được với một thằng như thằng Huyến?”.

- Em có thể tin được không?

- Tin gì ạ?

- Tin… Tin rằng người ta có thể chỉ nhìn một bức hình… mà yêu người trong hình được không?

Nàng ngơ ngác như người sợ hãi, như chàng vừa đe dọa sẽ đánh nàng, làm nàng đau đớn:

- Em không biết…

- Nếu anh nói rằng… khi anh nhìn hình em ở Cam Ranh anh đã yêu em… Em có tin không?

Ðôi mắt họ gặp nhau, giữ nhau rất lâu.

- Nếu anh nói thì em tin…

Chàng thấy chàng cần nói nhiều, thật nhiều, nói để cho nàng tin chàng không nói dối. Thực sự, khi nhìn bức hình nàng, chàng đã nghĩ đến yêu thương. Rồi chàng quên đi cho tới đêm nay. Quên nhưng kỳ diệu biết là chừng nào, tình yêu không được nuôi dưỡng, không được biết đến, vẫn sống. Và cho tới đêm nay thì tình yêu đó đã trở thành lớn. Lớn đủ cho họ yêu nhau, chung sống, sung sướng và khổ sở vì nhau.

Nhưng chàng lại thấy lời nói không còn đủ để dùng nữa, chàng lại thấy hơn bao giờ hết, yên lặng nói nhiều hơn tiếng nói. Họ còn nhiều, nhiều thì giờ lắm để nói nhiều với nhau. Nắm nhẹ bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại của nàng, chàng đứng dậy:

- ..Em với anh…

Công Tử Hà Đông


Đại Bi Chú

Message edited by LongTracAn - Thứ Bảy, 20 Sep 2014, 3:25 PM
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 20 Sep 2014, 6:47 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Trước 1975, 2 Văn Sĩ mà mình thích đọc ngang nhau, đó là Hoàng Hải Thủy và Mai Thảo.

Mình thích các truyện mà Ông Hoàng Hải Thủy đã dịch như "Thầy Nô" "Gã Thâm" "Kiều Giang (Jane Eyre) v...v...

Phải công nhận là Hoàng Hải Thủy ngoài chuyện phiên dịch các tác phẩm nổi tiếng nước ngoài ra, ông còn sáng tác rất nhiều truyện kinh dị thật hay ...




AToanMT
 
kathy Date: Chủ Nhật, 21 Sep 2014, 9:35 PM | Message # 3
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Người trong ảnh (Hoàng Hải Thủy)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO