Thứ Bảy
20 Apr 2024
0:25 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Cô gái điên (Phạm Đào Nguyên)
Cô gái điên
LongTracAn Date: Thứ Tư, 09 May 2012, 0:21 AM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Cô gái điên - Phạm Đào Nguyên

1.

Khi được ra tù là tôi theo địa chỉ tìm đường về quê vơ,ï vì từ ngày tôi đi cải tạo, vợ tôi dẫn con về quê nàng sống gần cha mẹ để nương tựa. Vào chợ hỏi thăm đường, mọi người ở chợ rất tốt, trước hết họ đãi tôi ăn ba tô mì cho hết đói. Mới hai tháng nay vợ không đi thăm, bây giờ tôi về, nhìn tôi, vợ vừa mừng vừa tủi. Dung vừa khóc, vừa cười nhìn anh chồng tội nghiệp của nàng. Tin tôi về, lan ra cả chợ, ai cũng đến ăn chè dùm Dung, để nàng dọn gánh về sớm với tôi. Ông bán thịt heo cắt biếu một miếng, chị bán bún đem cho một cân, năm bảy người bạn tặng con cá. Vẫn còn chút tình người, đã làm dễ thương, ấm áp cuộc đời. Chúng tôi cảm ơn chút thân tình hàng chợ, rồi cùng theo vợ ra về.
Căn nhà của vợ tôi làm bằng tranh tre, nhỏ, nhưng rất sạch sẽ. Thằng cu Sơn chơi với ông ngoại ở căn nhà đối diện bên kia đường. Nàng dẫn tôi vào giới thiệu với cha và mẹ ghẻ của nàng. Cu Sơn chạy ra ôm lấy chân tôi, gọi ba rối rít, tôi bồng con vào lòng mà hôn. Sơn mập mạp, trắng trẻo, dễ thương quá. Tiếng nói từ trong nhà vọng ra: “Tôi giữ con cho cậu bấy nay, giờ thì cậu về tôi mừng lắm, vào đây con, ông con rể, tôi gặp lần đầu.” Tiếng cha vợ tôi, Ông xã Thăng. Tôi và vợ lấy nhau ở thành phố nhỏ, khi nàng còn đi học. Dung có chồng nhưng không ai biết, chúng tôi chỉ đến nhà thờ. Thật tình mà nói, nếu Dung thưa ông thì vấn đề tôn giáo cũng khó cho hai chúng tôi, nên nàng đề nghị cho qua, giá như có Đấng thiêng liêng thì cũng sẽ hiểu cho nàng cho tôi. Không ngờ ông cha vợ tôi lại vui vẻ và thân tình như vậy. Vào buổi trưa, nên cả nhà đông đủ, cả 4 người em vợ hai nam hai nữ toàn là con cuả mẹ kế. Họ chào tôi, “Anh Hai” một cách thân thiện. Buổi chiều, cha vợ tôi dẫn tôi tới trình diện nhóm, thôn, ba dặn dò:
-Tên công an xã rất cay cú, con phải nhịn, đừng bướng bỉnh hại thân. Buổi ăn tối, hai cô em vợ làm mì đãi đằng và chúc mừng tôi về với gia đình. Ngày mai mới là ngày quan trọng trong việc trình diện công an xã.
Tôi đi bộ một ngày đường mệt lả, định tắm rửa chuẫn bị “ăn tết” với vợ đêm nay. Vợ tôi lục đục mãi sau khi ăn tối, nàng khuyên tôi đi nằm trước với cu Sơn. Con ngủ xong tôi lên giường chờ nàng, Dung còn cho heo ăn, xắt rau, bằm chuối, chất củi, tôi ngủ quên lúc nào không hay. Tôi thức giấc vì tiếng động của nàng vừa bước xuống giường, từ sau 4 gìơ sáng, để lo nấu chè. Tôi lề mề ôm vợ lại thật nồng, nàng an ủi,
-“Em hẹn nghe anh, một đứa con đủ rồi, lở có thêm, khổ cho con, tội nó anh à. Mình hãy nhịn, biết bao người còn đang đau khổ, vất vả, tù tội, đói nghèo, anh về là may hơn họ nhiều lắm.” Lòng tôi chùng xuống vì thẹn, nhưng cũng gìa mồm,
-“Lâu quá rồi, anh muốn, -Em cũng muốn, nhưng sợ có bầu, con khổ em càng khổ hơn. Em đau lòng, chi bằng để hai đứa mình khổ, hãy nhịn. –Vợ ơi, mình lo chi đủ thứ, trời sinh voi sinh cỏ chứ, hơi đâu mà lo.” Dung nói,
-“Mọi người nói như anh nên mất nước, tù tội, và đau khổ,” rồi nàng ôm tôi dỗ dành, “Để em coi lại, tháng sau hãy hay, vì từ ngày anh đi tù, em không để ý mình khi nào có, khi nào hết. Hẹn lại nghe anh?”
Tôi làm thinh nằm yên, còn vợ, nàng đi đãi đậu nấu chè. Bây giờ tôi lại nghĩ về tên công an xã, nhưng cũng tự trấn an, chuyện đến sẽ đến, lo gì. Nghĩ vậy tôi thấy yên lòng, vợ tôi thức khuya, dậy sớm, nàng khuyên tôi đi ngủ lại, đến khi nàng đi chợ gọi tôi dậy đi trình diện. Thấy vậy tôi thương vợ vô cùng, cái gì nàng cũng nhịn được, ngay bửa cơm, cá thịt người ta cho, em chẳng ăn tí gì, bỏ cả vào chén cho tôi. Ôi, tội nghiệp nàng, tôi thương em nhưng không cho em một cuộc sống an bình, em đã gồng gánh nuôi tôi, nuôi con suốt mấy năm rồi. Nghĩ Dung nói cũng có lý, thương em nên tôi nhịn, nhưng không biết đến đâu. Nhớ câu thơ nịnh vợ của Trần tế Xương,
Lặn lội thân cò khi quảng vắng
Eo bèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quảng công..
Sáng nay đi ra xã, mọi người bên đường nhìn tôi rất thân thiết, vài người dặn dò như con. Vợ tôi ở vậy nên ai cũng thương, thương lây đến tôi. Tội cho nàng.
Tôi đến cơ quan đúng tám giờ, tên công an chưa tới. Tôi vào gặp ông chủ tịch xã. Ông ta khoảng chừng 50, dáng người cao, dễ chịu, ông bảo
- Cậu qua phòng công an chờ anh Thái tới. Anh bận nên tới trể. Thái khoảng chừng trên dưới hai mươi, đôi mắt trắng dả, bén nhọn, môi thâm, nước da sốt rét, cái bụng bầu, và không lúc nào có được nụ cười. Tôi trình giấy ra trại, anh ta giữ giấy, hỏi đủ thứ chuyện, rồi cuối cùng đến mục viết tự thú và lý lịch. Xong việc của tôi, anh quay sang hỏi anh nghiã quân nộp giấy ra trại, y như khuôn rập, viết lý lịch và tự thú. Chúng tôi ngồi viết cùng bàn. Tôi thì làm ở ban quân số, không có nợ máu, nên phần tự thú không được hợp lệ mấy. Hắn bắt tôi viết đi viết lại nhiều lần.
Hồi 10:00 giờ, có một cô gái khoảng 19, 20 quãy một đôi gánh không, đi vào. Thấy vài người nhìn ra cổng, tôi cũng vậy. Cô ta mặc một bộ đồ màu hồng gạch, bông nhỏ, nước da trắng, sáng. Tôi thóang liếc nhanh, nghĩ là không phải dân cày cuốc. Nàng đặt đôi gióng thúng ở ngoài sân, một tay cầm cây đòn gánh và tờ giấy cuốn tròn vào gặp ông chủ tịch. Cô từ tốn giải thích với ông ta rằng:
- Thưa chú, chồng cháu cải tạo ở trại Kỳ Sơn, trên trại có chính sách, bảo tất cả thân nhân phải làm giấy bảo lãnh, để sau này khi chồng cháu về sống ở địa phương, chính quyền dể kiểm soát. Vì có vài trường hợp, một số tù binh đã cho về, có người về sống quê vợ, có người di cư vào kinh tế mới, có người về quê ngoại hay nội..v..v... Cán bộ ở trại, hay ở trung ương không tìm được chổ ở hiện tại của tù binh. Chính phủ đưa ra chính sách này bắt thân nhân viết giấy bảo lãnh có địa phương xác nhận, là bằng chứng để sau này dể kiểm soát chổ ở tù binh. Đây tất cả là thủ tục hành chánh mà thôi. Cháu nhờ bác chủ tịch xác nhận giùm.
-Vậy thì cháu muốn tôi xác nhận thế nào đây? Ông chủ tịch hỏi.
-Bác tên là ... ...Uỷ ban hành chánh xã... ... xác nhận đương sự, tên cháu .. ..,chánh trú quán xã.. .., là vợ của .. ..,hiện học tập cải tạo tại trại .. .., là đúng sự thật. Vậy là xong. Ông ta phê xong, bảo cô ta mang qua phòng công an đóng mộc.
Cô ta đi qua phòng chúng tôi đang ngồi. Hai phòng cách nhau bờ phên tre thấp, nên cô nói gì, thì bên này chúng tôi lắng tai nghe hết. Tôi đoán cô ta không phải dân ở đây, chắc về quê chồng như tôi theo về quê vợ vậy. Tay cô cầm tờ giấy đưa cho tên công an và nói:
-Nhờ anh đóng mộc dùm chỗ ông chủ tịch phê sẵn. Anh ta cầm tờ giấy để qua bên,
- Chị ngồi chờ. Cô ngồi vào hàng ghế gần bờ phên, đôi mắt to sáng pha chút tinh nghịch, tóc cô nàng không kẹp, mà bới sà dưới cổ, không cao lắm. Như vậy coi ra đẹp hơn là thả không chừng, nàng mông lung ngó hết trên phòng những biểu ngữ, những bức hình, rồi chống cây đòn gánh ngồi thở dài. Cô dòm qua phòng hành chánh, và phòng thuế vụ, thấy có vài người quen đi vào, cô đứng dậy xây qua phòng nọ, vẫy vẫy, cười cười. Nước da sáng và nụ cười thật có duyên.
Đến lúc ông công an kêu cô, và đưa tờ giấy trả lại cô. Cầm tờ giấy trên tay, mặt cô đỏ gấc như say, mắt sáng quắc như tóe lửa, tay run run vì giận. Một tay cô cầm tờ giấy, một tay cô dộng đòn gánh xuống đất hỏi lớn:
-Taị sao không có mộc, tôi biểu ông đóng mộc vào đó, chứ tôi có biểu ông phê vào đấy đâu? Tôi không biết, ông bắt đền tờ giấy lại cho tôi. Ông đã làm nhớp tờ giấy của tôi rồi. Ông trả tờ giấy của tôi lại cho tôi? Ông có biết làm cán bộ không? Ông làm cán bộ mà không biết thực thi chính sách kiểm soát tù binh của nhà nước à. Ông đã bôi nhớp tờ giấy của tôi rồi, mà còn lại bắt tôi chờ từ hồi sáng tới giờ.
Ông có biết làm thì làm, còn không biết thì dẹp đi, ngồi choán chổ. Tôi không cần ông viết gì cả, chỉ cần đóng mộc vào chỗ có chữ ký đó thôi. Tôi bảo lãnh chồng tôi, trên phương diện hành chánh, dân số, chứ bộ miếng giấy này có thể lãnh cho chồng tôi về được à? Còn ông nghĩ không có mộc của ông vào đây, là chồng tôi không được về sao? Ông chỉ là con nhái nằm dưới đáy giếng chứ to tác gì hạng như ông! Ông mà lãnh được chồng tôi về à? Trình độ và khả năng nào mà ông lãnh chồng tôi về. Ông chỉ tác oai tác quái với dám dân đen trong xã, chứ so với bọn trại trưỡng, bọn trung ương nó thèm nghe ông. Ông ta giận run,
-Chị đem giấy về, tôi không chứng.
Cô ta đập cây đòn gánh lên bàn cái rầm, làm hồn vía tôi bay lên mây. Tất cả hai chúng tôi không dám ngó lên, hồn phi phách tán. Cô xé rách tờ đơn, còn ré lên như thét:
- Ông làm nhớp tờ giấy rồi, tờ giấy vô gía trị, ai cần ông chứng. Giấy này có người chứng, chỉ cần ông đóng mộc mà thôi, ông hiểu chưa? Đây là chính sách, ông hiểu không? Nếu không có chính sách ai cần ông ký! Cô la lên chát chúa. Chính thể gì mà không trên không dưới, ai cũng muốn làm ông lớn hết.
Tên công an vội bỏ đi ra ngoài, ông ta đã gặp khắc tinh rồi. Chúng tôi cả phòng im phăng phắt, cả con ruồi vo ve cũng nghe, không ai dám nhìn ai hết, ông công an đi rồi, mà tôi không dám hỏi cô ta là ai? Một người đàn ông trung niên đi chiếc xe Honda 68, nãy giờ mục kích câu chuyện, rồ máy quay đầu xe bảo cô gái: “Ngồi lên bác chở về.” Tôi làm xong giấy và đã chờ ông đến hơn 1:00 chiều mà ông công an Thái chưa trở lại. Tôi cảm thấy đói bụng, một ông khác đến bảo chúng tôi về, và sáng thứ bảy tới trình diện hàng tuần. Tôi một phen thất viá hồn kinh, chưa thấy ai dám lên tiếng to, mà còn đập bàn với công an như cô ấy. Thật ra công an bắt cô ta dễ như chơi, nhưng tại sao nó lại đi tránh cô? Vì nghe cô nói luật mà anh ta thì dốt chăng? Hay phía sau có lý do gì? Tôi vẫn không hiểu, mãi cho đến bây giờ.
Về đến nhà, tôi kể lại cho vợ nghe, nhưng nàng hình như không ngạc nhiên gì, Dung còn khúc khích cười nói,
-Chắc là cô ấy rồi, chớ còn ai. Hèn gì hôm nay cô không có ở chợ, hôm nay đi đóng lúa gì đó chắc.
-Cô ta là ai vậy, cô ta là ai mà gan thật, bộ điếc không sợ súng à?
-Cô Tư, buôn vải ở chợ chỗ anh ngồi sáng hôm qua đó, chỗ em bán chè. Nhiều chuyện về cô mà không ai dám tin, nhưng có thật. Tôi tò mò, khơi cho vợ tôi kể.
-Cô ấy rất tốt bụng với với mấy người hàng rong có chồng đi tù, hoặc chồng lính bị thương, tàn tật con dại. Những hôm ế ẩm, chè, bánh, hay bún, hể đem đến cô là bán được ngay. Cổ còn rủ mọi người ăn dùm, có hôm trời mù bán ế, em nhờ cổ ăn dùm, cô bảo em,
-Chị cứ múc chè, em đi rao bán cho, họ có thì trả, còn không tính cho em. Vừa bưng chè vừa hát ngêu ngao những câu phản động, ‘‘Mọi người làm việc bằng ba, để cho cán bộ có nhà có xe, bà con ơi. Ăn ít mà phải đi làm bằng ba, nên ăn thêm chè cho khỏe, nếu không, năm hai ngàn quả đất nổ, sẽ chết hết, không ăn, lở chết thì uổng lắm.’’ Thình lình, có ông thanh niên đội nón cối, mang túi rút từ trong quán mì đi ra, hỏi:
-Làm sao chị biết năm hai ngàn chết hết? Có bằng chứng không?
-Ông muốn chết, hay ông muốn biết ai chết, thì cứ hỏi Chúa Jesus Kitô đi. Lâu lắm rồi, khi còn nhỏ, tôi có nghe nói cóù thể đến năm 2000, dung nham chảy ra có đến 5000 độ, tôi và ông cũng chết luôn, rồi cô cười dòn tan.
-Chị tuyên truyền làm lung lạc lòng dân phải không?
-Ông sao dễ chụp mũ vậy? Đầu tôi to đội mũ cối không lột đâu.
-Ngày mai tôi mời chị ra xã gặp tôi, biết mặt tôi.
-Mặt ông mụn cục cục, da tai tái, chứ ai mà không biết, cần gì gặp ở xã, gặp ở đây được rồi, rồi cô cười ròn hả hê. Mọi người cười theo, ông ta bỏ đi không dám quay lại, ngay cả cô cộng sản, đứng bán cửa hàng cùng hùa cười theo.
-Cô buôn bán gì mà khá giả vậy?
-Thì cô ta mua bán phiếu vải, ai muốn lấy phiếu đến cô, ai muốn bán đến cô, ai muốn bán vải, bán sổ gia đình rồi cầm vào mua vải cho cô lấy lời, thỉnh thoảng em cũng mua bán cho cổ. Đứa con trai cô chết, cô buồn lắm, nên chọc ghẹo cộng sản cho vui đời. Một lần khác, hôm ấy chợ 25 tết, người đông như kiến, có mấy người công nhân tới hỏi cô có mua bao nhựa 50ký không? Cô trả 8$ một chiếc, nhưng họ đòi 10$. Một giờ sau vài người đàn ông mặc đồ thường phục tới hỏi:
-Chị có bán bao nhựa lớn không? -Không, cô trả lời.
-Chị có thấy công nhân bán bao không?
-Có, mấy người họ đi rồi, ông muốn mua thì đi xuống hàng cá mà tìm. Khoảng chợ tàn, có một toán công an, áo vàng tới bảo cô làm chứng, rằng cô thấy công nhân bán bao nhựa. Thì ra lúc nãy chúng mặc thường phục hỏi điều tra, bây giờ mặc đồ vàng, ra mặt bắt.
-Tôi không thấy, không biết, không nghe, không nói gì cả. Tên công an lên cò súng lắc cắc bảo cô đi. Cô hỏi, -Đi đâu? -Đi vào cơ quan làm biên bản giấy tờ, để làm nhân chứng.
-Tôi không thấy, không nghe, không biết gì cả. Tiếng lên đạn lắc cắc một lần nữa, cô mở nút áo, chỉ vào ngực cổ bảo,
-Bắn đi, xin mời ông, tôi chờ được chết lâu rồi, nhưng tôi không đủ can đảm tự tử. Thật sự tôi không muốn sống nữa. Tiếng đạn lên cò kêu lắc cắc làm mọi người chung quanh hoảng sợ, nhưng cô vẫn lì.
-Xin mời ông.
-Tại sao hồi nãy tôi hỏi, chị biết công nhân bán bao, bây giờ chị lại không biết?
-Lúc nãy tôi biết, bây giờ tôi không biết, ông làm gì tôi. Nói không bị đóng thuế, tội gì không nói.
Ông thuế vụ già ở chợ đến khuyên cô, “Chợ đã trưa rồi, hết người mua, cháu vào nhà của ông cho họ hỏi chuyện chút xúi, rồi cháu ra dọn hàng. Ông ngồi đây coi hàng cho cháu, chứ nhùng nhằn, họ khó dễ, làm mọi người sợ, và lo cho cháu lắm.” Mọi người chung quanh năn nỉ cô, cô vào nhà, cả bọn công an ngồi ở bàn. Cô kéo ghế ngồi tréo mãy, và ung dung như không có gì xảy ra. Cô nói:
-“Các ông có thể mời tôi, hoặc nhờ tôi làm chứng, đàng này các ông cưỡng bức bắt tôi làm chứng, mà tôi có thấy gì đâu. Chính sách công an trị, đúng là một chính sách búa đe, thấy mà sợ. Tôi có thể không nói gì cả, khi tôi không muốn nói. Đó là lý. Vậy thì các ông muốn viết gì, đọc cho tôi nghe xuôi tai thì tôi ký, còn không xuôi tôi không ký.”
-Đề nghị chị bỏ chân xuống, không được ngồi tréo mãy như bọn tiểu tư sản, một tên công an nói.
-Thưa ông, ngồi như vậy là tiểu tư sản sao? Ngày xưa đàn bà chúng tôi đi đến chỗ công quyền đều mặc áo dài che trước che sau, nên ngồi xuống được che, bây giờ ở đâu cũng áo cụt quần cụt, trông trơ trẻn. Tôi ngại qúa, phải tréo mãy cho che bớt phần phải che, cho đở ngượng đó thôi. Nhiều người đi chợ đứng coi ngoài hiên cười ồ đồng loạt thật to, làm mấy tên công an nỗi giận.
-Yêu cầu chị nghiêm chỉnh cho chúng tôi làm việc.
-Các ông có việc làm nghiêm chỉnh, còn tôi không có việc, tôi ra dọn hàng về. Cô ta đứng dậy ra về. Tên trưởng toán đứng dậy ôn tồn nói, “Chúng tôi mời chị ở lại làm chứng, cho chúng tôi điều tra khoảng năm ngàn năm trăm cái bao đã bị công nhân lấy cắp.”
-Ông biết họ lấy cắp, còn bắt tôi làm chứng gì nữa. Các ông biết công nhân đói, nên họ ăn cắp bao bố đi bán, thì các ông hộp chính quyền thay đổi chính sách, làm sao cho họ hết đói, thì họ sẽ hết ăn cắp. Chỉ có vậy thôi.
-Chị không có quyền nói gì cả, một tên công an khác nói.
-Vô lý, tại sao mấy ông làm việc không lý lẻ gì hết, tại sao các ông có quyền nói, có quyền mạc sát tôi? Còn tôi làm nhân chứng mà không có quyền nói. Bây giờ tôi không muốn nói gì nữa, tôi về. Là nhân chứng mà các ông dùng quyền mạt sát, tấn công, bắt buộc tôi nói theo mấy ông là không được. Cô đứng dậy định ra về. Bà con đi chợ tết vây quanh ngoài sân chật như nêm, họ vỗ tay cười to thỏa mái. Bọn chúng nóng mặt, một tên bắn một phát súng lên trời, làm bà con lấn chạy toán loạn, té chồng lên nhau đổ cá đổ tôm. Trông cảnh thật tức cười, cô thích chí cười thỏa mái.
-Xin lỗi nhé, tôi không làm chứng, vì tôi không thấy họ mặc đồ công nhân đi bán bao tải đâu cả, và tôi không biết mặt họ là ai, vì chợ này có cả trăm loại người, làm sao tôi xác định họ là công nhân chứ. Các ông cưỡng bức tôi làm một việc hết sức vô lý. Tội nghiệp các ông, và cũng tội nghiệp tôi phải làm con dân một nước độc lập tự do như thế này, buồn thiệt.
-Ngày mai tôi sẽ bắt cô lên huyện, thì cô phải khai ngay, một tên công an khác nói.
-Tôi nói trước với ông là tôi không đi đâu cả. Nếu muốn bắn, mời ông ra sân chợ bắn chơi, cho đồng bào coi chút nhé. Tôi vô tội, tôi là người dân lương thiện, nhưng ông bắt tôi chết, tôi phải chết, thì sợ gì mấy tên công nhân mà mấy ông lại bắt tôi làm chứng. Hồi nãy giờ ông bắn mấy lần, và bắn ai, dọa ai, hiếp ai, thì tờ giấy biên bản tôi làm chứng của tôi gía trị gì. Xin lỗi ông. Chào ông, tôi còn phải đi dọn hàng. Tôi còn phải về lo cho con cái, lo tết nhứt tới rồi. Chào các ông công an, nhé!
Thế là cả buổi, bọn công an chỉ làm trò khỉ cho cả chợ cười, cô vui vẻ gánh hàng về, vì mọi người chung quanh đã giúp dọn xong hàng cho cô rồi. Mọi người cười thật lớn, chúc mừng cô cuối năm hạn đã qua, một năm mới bình an hơn sẽ đến. Ngày nào, cô cũng có chuyện để chọc tức, hay xấc xược với cán bộ hay bộ đội để làm vui.
Chiều nào giúp vợ tôi lượm vỏ đậu nấu chè, tôi cũng gạy nàng kể cho tôi nghe những chuyện về cô Tư. Cô bướng bỉnh ngang tàng có khi cũng giúp được nhiều người. Cô kể rằng có lần đi ngủ cô vẫn còn cười, vì cô chọc giận được bọn họ. Năm sau cô vượt biên, chợ lại vắng thêm nhiều trận cười, và vợ tôi cứ nhớ mãi, nhắc mãi người con gái tốt bụng, mà có người gọi cô là cô gái điên vì mất tự do.


Đại Bi Chú
 
tieuthu_soma Date: Thứ Tư, 09 May 2012, 9:30 AM | Message # 2
Colonel
Group: Users
Messages: 197
Status: Tạm vắng
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 10 May 2012, 7:52 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Cô gái điên (Phạm Đào Nguyên)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO