Thứ Tư
24 Apr 2024
6:42 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Nước Mắt Học Trò (Diệu Tần)
Nước Mắt Học Trò
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 07 Apr 2012, 8:19 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Nước Mắt Học Trò - Diệu Tần

Nước Mắt Học Trò
Nào người góc biển chân trời hỡi
Có thấy tôi đang nước mắt trào?
Thơ Huệ Thu

Trái với dự đoán, ông thày lớp tôi là một giáo sư dễ chịu, không quá nghiêm trang như tôi nghĩ. Tôi vốn không ưa những gì quá khắc khổ, quá kỷ luật. Vào trong đoàn thể này tôi đã ngán mấy ông huấn luyện viên la hét ồn ào, nếu ngồi trong lớp sáu tiếng đồng hồ gặp mấy vị mô phạm mặt lạnh như tiền, chắc tôi nản quá. Tôi quá lo xa, tất cả thày cô ở đây đều lịch thiệp, tận tâm.

Ngay từ giờ học thứ nhì ông đã tự giới thiệu, ông là một cựu sĩ quan miền Nam Việt Nam, bị tù cải tạo 7 năm. Ông cười cay đắng nói : Họ nói là cải tạo, nhưng có cải tạo gì được chúng tôi đâu? phải gọi là buộc chúng tôi lao động khổ sai mới đúng. Tôi đã tội nghiệp cho ông ngay từ lúc đó, những di tích tù đầy còn ghi lại qua nước da ngăm đen với những vết sẹo nhỏ trên má dưới cằm ông. Ông có nụ cười cởi mở, tươi tắn.

Ông tránh không kể nhiều về những đau đớn cực nhục phải gánh chịu trong những trại tù. Ông nói: “Chúng tôi được nhắc nhở là không nên đem chuyện riêng tư không nói trong lớp”. Sau này tôi tò mò hỏi riêng ông mới biết thêm là có một nơi trên thế giới, người trong cùng một nước lại có thể đối xử với nhau tàn tệ, độc ác đến thế được. Ngay từ thời gian đầu tôi đã có con mắt đặc biệt nhìn ông, ông vừa cởi mở vừa toát ra vẻ bí mật, cái bí mật thôi thúc tôi phải tìm hiểu. Tôi thường nghe nói đến “ huyền bí Á Đông”, nhân dịp học thứ tiếng Á châu này tôi muốn đi sâu vào văn hóa Việt Nam.

Tối qua, tôi nhận được cú điện thoại từ North Carolina, mẹ tôi hỏi về việc học. Tôi nói sơ qua nếp sinh hoạt mới ở đây, tôi cảm thấy thoải mái hơn ở ngôi trường này. Kỷ luật được nới lỏng hơn, chúng tôi có nhiều thì giờ học sinh ngữ, tập thể dục và vài công tác linh tinh khác. Tôi nhắc đến ông thày Vượng, dường như bà không mấy chú ý đến. Mẹ tôi người gốc Ái nhĩ lan, vốn cần kiệm và không thân thiện với người Phi châu, Á châu. Bố tôi gốc người Đức. Ông rất thông minh, nhưng không được đi học nhiều, ông đã nghỉ việc ở bệnh viện địa phương, nay có thú đi săn. Ông dùng giấy phép đi săn như một thú vui vừa là một kế mưu sinh phụ vào với đồng lương khiêm nhượng của mẹ tôi.

*

Ông thày Vượng đặt tên Việt cho chúng tôi. Ông cho biết tên người Việt cũng như vài tên Á châu khác đều mang một ý nghĩa nào đó. Tên phụ nữ thì êm dịu, mang tên các loài hoa, loài chim đẹp đẽ, đức tính tốt. Phái nam mang những tên mạnh mẽ về thể chất và tinh thần, có ý nghĩa về văn học, triết lý. Chỉ riêng điểm này, tôi thấy phương Đông đã hơn phương Tây rồi. Tên gì lại là Shoemaker, để rồi sửa thành Shumaker, nghe chẳng có ý nghĩa gì, âm thanh nặng nề. Tên tôi là Heather, ông cho tôi tên Thi Hạ, ông cười giải thích Heather âm Việt là Hy Thơ, đổi ngược lại là Thi Hạ. Tôi không vui lắm với cái tên này, tôi thích những tên loài chim như Sơn Ca, Bạch Yến, hoặc loài hoa như Hoàng Cúc, Hồng Liên, Trà Mi....

Tôi bắt đầu đi vào thế giới âm thanh của thứ tiếng nói kỳ lạ này. Tiếng nói trầm bổng như một bản nhạc, tiếng nói líu lo, thánh thót như tiếng chim ca. Tôi và các bạn khổ sở lắm mới phát âm cho đúng thanh ngã và thanh hỏi. Con nhỏ Lệ Hà ngồi cạnh tôi mất nửa tháng vất vả mới phát âm đúng vần na, nha, nga. Tôi thừa hưởng nét thông minh từ bố tôi, mẹ tôi truyền lại cho tôi thói quen ít nói, bảo thủ.

Sau một tháng ông Vượng gọi tôi vào văn phòng nghe ông tư vấn hàng tháng. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi, nói:

- Trong lớp cô ít nói quá. Học sinh ngữ phải tập nói cho nhiều mới khá được.

Tôi đỏ mặt:

- Ngay cả tiếng Anh, tôi cũng không thích nói nhiều.

Ông còn giúp tôi nhiều ý kiến, tôi chỉ trả lời : dạ không ; dạ có...

- Hình như cô hơi e dè. Nên bạo dạn hơn nữa, nên tham gia thực tập nói chuyện nhiều hơn...

Tôi dạ, dạ rồi chẳng biết nói gì hơn.

Tuy vậy, trong giờ học, tôi thường là người đầu tiên trả lời những câu hỏi khó của giáo sư, giải nghĩa, hoặc dịch những chữ mới học, chữ khó. Ông Vượng nhìn tôi mỉm cười tán thưởng, khuyến khích, tôi kín đáo mỉm cười đáp lại. Vào những tháng sau này, trong giờ thuật chuyện, tả cảnh, tôi là một trong ba sinh viên giỏi trong lớp, tôi cắt những tin tức trong báo Mỹ báo Việt, dịch ra tiếng Việt, giọng tôi chưa nhuyễn, nhưng ông hiểu hết ý tôi:

Ông gật đầu khen:

- Giỏi lắm, hay lắm!

Theo tâm lý sư phạm, thày không nên khen hay chê trò nhiều trước mặt bạn cùng lớp, ông lựa giờ nghỉ khen tôi:

- Cô chịu khó trích tin trong báo, vậy là giỏi lắm. Cứ tiếp tục làm thế đi. nên đọc thêm sách báo về những chuyện xảy ra ở Việt Nam. Cô thông minh lắm!

Lời khen “thông minh” tôi đã được nghe nhiều từ các lớp tiểu học, trung học. Tôi tiết kiệm lời nói, đó là một nhược điểm khiến tôi cho đến bây giờ vẫn chưa có bạn trai. Ngay cả khiêu vũ nữa, tôi cũng không thích uốn éo, lắc lư như các bạn cùng tuổi, cùng lớp. Chúng hỏi tôi:

- Sao bạn cứ như một nữ tu. Bạn ít nói quá, tụi con trai nó ngại. Chúng nó không hiểu bạn nghĩ gì về chúng.

Bề ngoài, tôi lạnh lùng, nhưng chúng không hiểu tâm tính tôi, tôi sống bằng nội tâm nhiều hơn, nụ cười và cặp mắt tôi được các bạn khen là tươi tắn, ấm áp. Có lần học về màu sắc, , Thùy Dung ngồi cạnh tôi nói:

- Tôi thích mắt màu xanh lá cây.

Ông Vượng, không hiểu cố ý hay vô tình nói:

-Tôi là người Á châu, tôi thích mắt màu nâu nhạt.

Màu nâu nhạt là màu mắt tôi. Bố tôi tóc vàng , mắt xanh lá cây, mẹ tôi tóc nâu mắt nâu. Khi ông Vượng nghiêm, sinh viên trong lớp đều nể ông, nhưng khi ông vui, kể những chuyện ngắn, ông cười rất tươi. Thật khó đoán tuổi người gốc Á châu. Sau này tôi mới biết ông đã sáu mươi, chúng tôi đoán ông chỉ chừng ngoài năm chục. Ở đây 60 vẫn còn là trẻ, 70 mới bắt đầu già. Ông Vượng cười cười:

- Tôi “cũ” rồi, còn trẻ gì nữa. ( ông ngạo chúng tôi không biết phân biệt thế nào là già, thế nào là cũ)

Thùy Dung ghé tai tôi nói nhỏ:” Này, ông ấy cười tình quá, mình muốn hôn ông ông ấy quá!” Tôi gật đầu mặt đỏ lên, con nhỏ hỏi: “Sao bạn đỏ mặt, mình muốn có phải bạn muốn đâu, bạn cũng có ý ấy à?”

Như đã nói, bố tôi là người không thành công trên đường đời, ông không có vốn tài chính và cũng không có vốn học vấn. Ông luôn luôn cằn nhằn, than phiền, nên tuy thương con gái nhưng rất ít khi ông tâm sự với tôi. Từ khi đi học, đến lúc đi làm thêm, tôi không ưa nói chuyện với những chú nhỏ nhăn nhở tán tỉnh . Tôi cũng không thích nói chuyện với những người đàn ông lớn tuổi, nhiều khi họ chỉ muốn lợi dụng tôi. Như vậy, nói theo kiểu lãng mạn tôi là kẻ cô đơn. Nhà thanh bạch, bố mẹ tôi không đủ tiền cho tôi vay mua xe, nên cho đến bây giờ tôi vẫn chưa có bằng lái xe. Chúng tôi không phải thuê nhà, chỉ sống trong một trailer có ba phòng ngủ nhỏ. Cũng vì thế, tôi phải gia nhập tập thể này mong có chút tiền vào đại học. Người anh trai, cũng ít chuyện trò với tôi, tôi chỉ còn có mẹ là người có thể nghe tôi giãi bày. Nhưng bây giờ tôi cách xa bà mấy nghìn cây số.

Ông Vượng cho tôi mượn những sách báo tiếng Anh tiếng Việt nói đến những vấn đề Việt Nam. Tôi cũng đọc trong thư viện nhà trường để tìm hiểu thêm đất nước và con người thứ tiếng tôi đang học. Đọc tóm tắt lịch sử tôi mới biết người Việt giỏi, thông minh, là nước duy nhất có thể ngăn chặn bước xâm lăng của Thành Cát Tư Hãn. Người dân cần cù, nhưng dân số quá đông , đất đai không màu mỡ, thường bị bão, lụt, hạn hán, còn bị Trung Quốc cai trị ngót nghìn năm, Pháp đô hộ gần một trăm năm, v.v.

Mỗi tối học bài, làm bài, hình bóng ông Vượng thường hiện lên. Tôi uống từng lời giảng của ông, dáng người cao cao, nụ cười cởi mở. Tôi nói chuyện điện thoại viễn liên với mẹ tôi mỗi tuần một lần, nhưng bà dặn:

- Thôi, cứ nửa tháng gọi một lần cũng đủ rồi. Chúng ta cần phải tiết kiệm.

Tôi chẳng biết nói chuyện với ai, chỉ biết nói với con nhỏ cùng phòng. Nó đang học tiếng Tây ban nha, nhưng chuyện của nó chỉ loanh quanh đến chương trình đi chơi, đi du hí với bạn trai đang học tiếng Ả rập. Cứ mỗi kỳ lương hai đứa rủ nhau đi chơi xa như Los Angeles, San Francisco..., mỗi tối chủ nhật bò về, nó nằm lăn ra ngủ li bì. Thấy tôi lúi húi một mình, không có xe riêng, nó hỏi:

- Bạn chưa có bồ à. Kiếm bồ bịch đi chơi cho thoải mái, có mất mát gì đâu!

- Tôi bận học bài

- Ối, học mãi mụ người ra. Bạn như bà má non.

Nó càng nói, tôi càng mơ hồ nghe có tiếng ông Vượng văng vẳng đâu đây. Có chuyện riêng tư gì tôi cũng tìm cách kể riêng cho ông nghe. Tôi yêu thày giáo của tôi rồi sao?

Tiếng con nhỏ cùng phòng vẫn lải nhải;

- Bạn sẽ lấy chồng, trước sau gì cũng cần có kinh nghiệm yêu đương. Muốn mình truyền lại cho không? Tôi trả lời “không’, nó hạ một câu:

-Bạn nhà quê quá, bạn tu ở nhà tu nào ra vậy?

Những lời nghịch ngợm, nghe ra cũng có lý một phần, nhưng tôi không thể tự đi tìm bạn trai được. Chính mẹ tôi cũng dục tôi:

- Con 20 rồi, nên nhận lời hẹn đi chơi cho quen, cho bạo dạn lên. Đọc sách vừa vừa thôi.

Nhan sắc tôi chỉ thuộc loại trung bình. So với quan niệm vẻ đẹp phụ nữ ngày nay, tôi hơi nặng ký một chút, thân hình tôi nảy nở vượt mức bình thường. Đã nói tôi chỉ được cặp mắt hiền lành, nhu mì, nụ cười e lệ thôi. Tôi ít chú ý làm dáng, ít để ý đến bề ngoài.

Ngày Tết Nguyên đán Việt nam, các cô giáo tươi tắn, ca hát, ăn uống, họ mặc những chiếc áo màu, tha thướt tuyệt vời. Tôi mê tà áo dài lắm, mượn mặc thử nhưng không sao xỏ tay vừa, tôi giận tôi quá. Tôi lười tập thể dục, chỉ chăm chú đọc sách, học bài. Trong chuyến đi du ngoạn ngoài trời, được phép mặc quần áo thường dân, tôi thử mặc chiếc quần soọc “din’ màu xanh bạc, ngó trong gương, coi không được, tôi đành chọn chiếc quần dài. Khối lượng mông, đùi của tôi hơi phát triển quá mức và màu da trắng ngồn ngộn. Tôi hiểu là tôi không thể mặc váy ngắn và quần soọc được.

Mãi sau này, vào dịp đi ra Lovers Point ông Vượng mới thú thật là ông thích thân hình có da có thịt. Tôi hỏi ông :

- Thế là ông có quan niệm cổ điển rồi. Tụi nó chê em nặng ký!

- Đúng, tôi cổ điển, con người tôi yêu cái đẹp cổ điển. Tôi thích ngắm vẻ đẹp những năm 1935- 1940.

Đáng lẽ tôi phải năng tập thể dục, thay vì chạy bộ mỗi buổi chiều tôi cử cắm cúi vào thư viện đọc sách.

Càng ngày, tiếng nói đầm ấm, bóng dáng ông như thay thế bố tôi, mẹ tôi. Tôi gọi điện thoại lần đầu tiên để hỏi bài vở, dần dần tôi hỏi ông những chuyện bâng quơ, tuy biết rằng sáng mai sẽ gặp ông trong lớp. Một hôm qua điện thoại, ông cho tôi biết thêm chi tiết đời sống riêng tư. Sau khi đi tù khổ sai về, người vợ ông hết lòng yêu thương đã lìa bỏ ông, từ hơn năm nay, ông đã có người bạn gái, ông gọi là vị hôn thê. Chồng bà ta tử trận hai mươi năm về trước. Bà ta đang đi làm, ở phía nam tiểu bang, họ chỉ gặp nhau nửa tháng một lần. Ông nói:

- Chiến tranh là thế. Hội chứng chiến tranh nào cũng kéo dài, chẳng riêng gì chiến tranh Việt Nam.

- Ông có giận vợ ông không? Với bà sau này, ông yêu bà ấy lắm, phải không?

- Không, tôi không giận người đàn bà ấy, đó là tai nạn chiến tranh. Tôi thông cảm, nhưng tình yêu thì hết rồi. Bà sau này và tôi thương nhau lắm, thứ tình yêu đến muộn sau những mất mát, đau khổ, chúng tôi gặp nhau, an ủi nhau...

Tôi đủ thông minh để hiểu điều ông muốn gián tiếp nhắc tôi không nên đi quá xa. Tuy yêu ông nhưng tôi không muốn và không có quyền làm hỏng chương trình chung sống của họ. Tình yêu muộn màng của họ rất cần cho nhau, nương tựa nhau. Có điều ông chạm tự ái một cô gái da trắng như tôi. Tôi muốn ông phải tỏ tình với tôi. Tại sao ông khen màu mắt tôi, tại sao ông hay mỉm cười với tôi, hay khuyến khích tôi chăm học? Là con gái vùng quê, tôi ít nói nhưng lì lợm ngầm. Đáng lẽ sau đó ông đừng cười với tôi nữa, đừng trả lời điện thoại nữa mới phải, dường như ông lửng lơ không dứt khoát. Tình trạng kéo dài, trong khi đó con nhỏ học trò thông minh này không ngăn nổi cơn sóng tình cảm.

*

Chuyện kỳ cục xảy ra làm hỏng hết dự tính tương lai của tôi. Khi không tôi bị ngứa trong mũi, bị hắt hơi sổ mũi liên tiếp. Đi bệnh viện chuyên ngành Tai Mũi Họng, cho biết tôi bị một thứ bệnh viêm mũi không nặng lắm nhưng hay lây. Giấy tờ gửi về trường, về ban đại diện ngành. Rồi tôi bàng hoàng nhận được giấy mời ra khỏi tổ chức với lý do nghe như trò đùa” Bị bệnh viêm mũi, dễ lây sang người khác. Không đủ sức khỏe phục vụ”.

Tôi tái mặt, rồi giận đỏ mặt. Tôi “khỏe như trâu”, các bạn tôi thường nói thế. Tôi đang mê

thứ ngôn ngữ Á đông này, tôi đang yêu và tôi tràn đầy sức sống. Đơn độc, không chống nổi quyết định rất máy móc, tôi đành chấp nhận. Người ta còn có ý định dùng cả người tàn tật vào tổ chức này nữa. Cuộc chiến đấu trong tương lai, chuyên viên chỉ cần khối óc thông minh nhanh nhẹn, biết điều khiển máy, ngồi bấm nút và những động tác đơn giản khác.

Người đầu tiên tôi báo tin là mẹ tôi bên North Carolina, bà nổi nóng, hỏi:

- Tại sao họ không khám kỹ cho con trước khi thu nhận, Heather?

Người thứ nhì là ông Vượng, buổi sáng hôm đó, trước giờ học:

_ Ông Vượng, em sẽ không được nghe ông giảng bài nữa?

Ông ngạc nhiên:

- Sao vậy?

Tôi kể ông nghe lý do tôi phải xa ông xa bạn học, xa nơi này. Tôi nhìn thật sâu vào mắt ông:

- Em sẽ phải xa ông. Ông là một ông thày đáng quý.

- Cám ơn cô Thi Hạ, nhưng thật tôi không hiểu. Sao lạ vậy?

Ngày hôm đó, trong lớp tôi tránh tia nhìn của ông, ông trở nên xa vắng, ít nói hẳn đi. Trước khi tan học, ông gặp tôi, nói:

- Tôi mời cô Thi Hạ đi ăn, trước khi cô rời nơi đây. Đây là vấn đề ngoài tầm tay của tôi. Tôi chỉ lo về phần dạy học....

- Em hiểu, ông rất muốn em ở lại, nhưng thôi...Chúng ta sẽ ăn ở đâu?

- Ở một tiệm ăn nhỏ của người chủ gốc Pháp. Nhưng cô Thi Hạ biết đó, chúng ta phải giữ một khoảng cách cần có như người ta muốn. Vậy cô nên mặc thường phục. Tôi sẽ đón cô lúc 6 giờ chiều.

- Em sẵn sàng, đón em ở cầu thang bên ngoài tòa nhà này.

Tổ chức e ngại thày sẽ gây trở ngại việc học sinh ngữ của nữ sinh viên. Họ ngăn ngừa cũng có lý, bởi đã có vài chuyện xảy ra. Làm sao ngăn cản được tình yêu, ái tình cần gì đến tuổi tác, đến ngôi thứ xã hội? Đã có những trường hợp phải giải quyết là cảnh cáo giáo sư, trừ lương, cách khác là chuyển người con gái sang ngành khác, cách cuối cùng, nếu thực lòng xây “Lâu đài Tình ái” cô nữ sinh viên phải trở về đời sống thường dân. Giải pháp nào cũng bất lợi cho tổ chức, mất người, hao ngân quỹ. Nội quy buộc giáo sư phải giữ một khoảng cách cần thiết với sinh viên. Không cho đi cùng xe, không cho xưng hô thân mật, không được mời ăn từng cá nhân, tóc phụ nữ không được để dài chạm cổ áo sau gáy, váy không được cao quá đầu gối mấy inch....

Với tôi không còn là vấn đề, tôi sắp từ biệt nơi đây, ông Vượng bất chấp nội quy phải chăng ông đã....Ông phá lệ là ông quý mến một sinh viên giỏi hay ông muốn chứng tỏ điều gì?

Tôi vừa sung sướng vừa hồi hộp. Chưa có một ông thày nào mời riêng tôi đi ăn tiệm, đây là lần đầu tiên tôi được cái hân hạnh này. Tôi cố dấu nôn nao, rồi cơn hắt hơi của tôi lại kéo đến, nước mắt trào ra. Tại sao tôi không dùng dịp này để tỏ tình với ông? Ông có người bạn chung sống rồi, nhưng yêu thêm tôi cũng chẳng thiệt hại gì. Người Việt có câu đại ý nói tình yêu đàn ông như sông, như chợ, có sao đâu. Nhưng nếu tôi tỏ tình trước lại e không hợp cung cách đông phương, nếu tôi nói trước có thể bị đánh giá sai lạc, ông sẽ coi tôi như những con nhỏ tầm thường chăng?

Tôi chợt nghĩ ra cách thử bài toán, tôi cố tình đến trễ năm phút, muốn ông phải chờ tôi. Thay vì đi bộ từ hướng đồi xuống, tôi đi vòng xuống đường mòn một lũng thấp ngược trở lên. Bắt gặp ông đi lên đi xuống bậc thang, dáng bồn chồn, tôi thấy tội nghiệp, nhưng thấy vui.. Chiếc xe quen thuộc đậu lẻ loi ngoài bãi. Buổi chiều lặng lẽ, gió lướt nhẹ trên vòm cây triền dốc, tiếng là reo xào xạc, chung quanh không một bóng người. Ông bắt tay, ôm vai tôi, khiến tôi rùng mình. Qua vòng tay, tôi biết ông còn khỏe lắm, lúc này ông không còn là một giáo sư nghiêm chỉnh trong lớp nữa, đã bỏ được chiếc ca vát. Ông khỏe mạnh, trẻ trung hơn, tôi nghe rõ hơi thở hồi hộp của tôi.

- Em đi bộ có xa không, có mệt không?

Lần đầu tiên, ông không gọi bằng tên hay cô xa cách, tôi rất thích tiếng em trong ngôn ngữ Việt.

- Không sao, ông đến lâu chưa?

Rõ ràng không phải một cuộc gặp gỡ giữa trò và thày, đây là một người đàn ông hẹn gặp một cô gái. Ngồi vào trong xe, ông quay lại nhìn tôi, giọng ấm áp:

- Tôi có món quà nhỏ tặng em, cô sinh viên bé nhỏ giỏi giang của tôi.

Cầm bó hoa, tôi rưng rưng nước mắt, vẫn chưa hài lòng vì chưa được nghe một câu lãng mạn, tình tứ hơn.

- Cám ơn ông.

- Chúng ta đến chỗ này, nhỏ thôi, nhưng ấm cúng. Họ trang trí theo lối Pháp, vài người hầu bàn biết nói tiếng Pháp.

-Vâng tùy ông - Tôi định nói thêm:” Món ăn không quan trọng với em, em chỉ cần ông có lời dịu ngọt với em thôi”.

Tôi sợ lên cân, gọi món gà chiên với sốt nấm. Ông gọi món cá hồi, xốt cà chua, rồi chúng tôi có xà lách trộn dầu giấm kiểu Pháp và bánh mì Pháp giòn rụm. Người hầu bàn đưa ra một danh sách các thứ rượu vang. Ông ân cần bảo tôi:

- Em chọn đi, uống một chút cho ngon miệng.

Tôi lúng túng, chưa bao giờ biết chọn rượu, lắc đầu:

- Em không uống, mời ông.

Ông mỉm cười

- Em 21 rồi mà. Thôi tùy em.

Nghe ông dùng tiếng Pháp nói chuyện với người hầu bàn, tôi hiểu ông là người lịch lãm. Một vài nữ giáo sư lớn tuổi gốc Âu châu thấy ông, họ gật đầu chào nhau. Tôi cảm thấy hơi lạc lõng, tôi suy nghĩ lan man. Bố mẹ tôi rất hiếm khi dẫn tôi đến những quán ăn lịch sự. Tôi chợt so sánh bố tôi với người đối diện. Ông còn hơn ông bố khó tính của tôi đến chục tuổi. Ngoài nét thông minh, ông là người cởi mở, bằng lòng với hiện tại, tin tưởng, giàu kinh nghiệm, có sự hiểu biết tổng quát khá cao. Còn bố tôi , càu nhàu, bất mãn....

- Em ăn đi chứ. Rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Em còn cả một tương lai trước mặt..

Ông hiểu lầm vẻ thẫn thờ của tôi. Trong bữa ăn, chúng tôi nói chuyện vừa mức, ông ngó tôi nhiều lần. Tôi hiểu thêm về ông, ông có nền học vấn Pháp từ nhỏ, nói được chút tiếng Quảng Đông. Ông thuộc về một đại gia đình tuy không giàu có, nhưng có nếp học vấn cao, người làm viên chức chính phủ, người giáo chức, nhà văn, nhà báo. Tôi kể chuyện gia đình tôi, rồi chúng tôi lan man sang chuyện các giáo sư, chuyện các sinh viên trong lớp. Ông nói:

-Tôi không nên đưa ra các nhận xét về giáo sư, sinh viên, nhưng nay em rời nơi đây, tôi có thể nói được.

Tôi chờ đợi câu tiếp theo, nhưng chắc chưa được nghe” Cũng như bây giờ tôi mới dám nói yêu em”. Ông đổi câu đó bằng cách nhìn vào mắt tôi:

-Mắt Thi Hạ đẹp quá!

Tôi đáp lễ: “Cám ơn ông” rồi nói:

- Em thích phong cách của ông. Em.. em..

Người hầu bàn lại đưa ra một khay bánh ngọt, với những chiếc bánh xinh xắn thơm ngon, tôi lắc đầu. Ông dục:

- Em cứ ăn một chiếc thôi, bánh Pháp ở đây nổi tiếng.

Tôi đành nhón một chiếc bánh Pháp mà trong đời tôi chưa bao giờ được ăn. Chiếc bánh nhỏ làm thật khéo, thơm ngon, cắn miếng bánh, tôi nghĩ như đang cắn môi ông.

- Em nhắp một chút rượu đi.

Tôi bắt đầu liều, cầm ngay ly vang trắng của ông uống một hớp. Tôi đoán ông đã bắt đầu yêu tôi .

Ông mỉm cười:

- Bữa nay Thi Hạ phá giới rồi, tiến bộ lắm!

Khi ra cửa tiệm, gặp một bà giáo sư dạy tiếng Pháp, ông dừng lại trao đổi vài câu xã giao.

Hai người hình như nói về tôi, tôi e lệ gật đầu chào bà ta. Trước khi mở cửa xe ông hỏi tôi:

- Em muốn ghé đâu không, có cần mua thêm gì không?

Trời ơi! ông Vượng sao ông có thể hỏi câu vụng về đến thế. Ông phải có một đề nghị bạo dạn tây phương hơn thế chứ! Ông phải biết rằng khi người con gái ở đây bằng lòng đi chơi với một người đàn ông, có nhiều điều sẽ diễn ra...

- Lúc nãy bà người Pháp nói gì về em?

- À, bà ấy khen em đẹp...

- Chắc còn hỏi gì nữa chứ?

- À, tôi nói em là sinh viên giỏi của tôi.

Tôi im lặng thất vọng. Phải chi ông nói tôi là bạn gái của ông! Ông lái xe trả tôi về nơi tạm trú, nơi chỉ còn nửa tháng nữa tôi phải rời bỏ. Nghĩ đến lúc phải xa ông, tôi muốn khóc, trong khi ông chỉ coi tôi là trẻ con, là sinh viên giỏi.

- Em xuống đây tiện hơn, đừng để ai tò mò. Trong phòng em có lọ cắm hoa không?

Tôi lí nhí:

- Có. Thôi cám ơn ông rất nhiều.

Tôi nhìn ông, cúi xuống hôn nhẹ lên cánh hoa.

Ông thở dài:

- Tôi sẽ điện thoại cho em và mong gặp em trước khi em lên máy bay.

Tôi sắp khóc, không đáp lại, lầm lũi cầm bó hoa đi xuống dốc đồi.

*

Ông gọi điện thoại cho tôi vài lần. Chưa bao giờ ông nói yêu tôi cả. Lần gọi sau cùng, tôi không trả lời. Ông nhắn bạn cùng lớp giục tôi gọi lại, tôi im lặng chờ phản ứng của ông. Con nhỏ cùng phòng truyền lại cho tôi những kinh nghiệm về đàn ông, cả về tình cảm lẫn thể chất. Tôi không muốn người vợ sau của ông phải ghen tuông, nhưng tôi muốn phiêu lưu một chuyến. Ông như muốn đùa rỡn với tôi, ông coi thường tôi. Con nhỏ nói:

- Tôi hiểu đàn ông quá rồi, họ tham lam lắm! Nhưng bạn phải tấn công trước, da trắng mà, Mỹ mà. Bạn dùng lối đông phương là không xong rồi.

Còn ba ngày nữa, buổi chiều hôm đó, ông gõ cửa phòng, lúc con nhỏ kia đi phố. Đó là một hành động táo bạo, phá lệ. Tôi đoán là tôi sẽ thắng, quả nhiên.

- Tôi muốn gặp và nói chuyện với em ngay bây giờ.

Tôi lạnh lùng đáp:

- Tôi nghĩ giữa ông và tôi không còn gì để nói nữa. Ông có chú ý gì đến tôi đâu!

- Hãy lên xe đã, tôi muốn nói chuyện nhiều với em.

Ngồi trên xe đang lăn bánh xuống đồi, tôi cười thầm, hỏi:

- Bây giờ chở tôi đi đâu?

Từ lúc đó ông nói tiếng Anh với tôi.

- Ra bờ bể, ngắm sóng biển, ngắm mây. Em bé, đừng giận tôi.

Đã nguôi ngoai, tôi thỏa mãn tự ái, nhưng vẫn lầm lì. Ông vừa mỉm cười vừa lái xe. Đến Lovers Point, ông ngừng xe và tôi hiểu ý ông khi dẫn tôi đến chỗ có tên thơ mộng này. Tôi bạo dạn để khuyến khích ông, có lẽ ông còn e dè về luật lệ, nội quy. Tôi là giống dân bồng bột, sôi nổi, thực tế. Tôi quên mất những gì tôi tìm hiểu về người Á châu. Tôi chẳng cần gì nữa, tôi không còn gì ràng buộc, bây giờ tôi hoàn toàn tự do. Tương lai tôi mờ mịt quá, tôi có một hành trang tài chính và học vấn nhẹ tênh. Ông phải nói yêu tôi, phải hôn tôi và phải ngủ với tôi đêm nay, tôi muốn như thế, tôi thích như thế.

Ông chọn một tảng đá thấp ở chỗ khuất, lặng gió. Tôi không chịu, dẫn ông đến một tảng cao, gió lồng lộng

- Chỗ này lạnh quá!

Tôi cũng nói bằng tiếng mẹ đe.û

- Em không lạnh. Có ông em sẽ không lạnh.

Ông ôm vai tôi, hơi hướm đàn ông kích thích:

- Cô nhỏ hôm nay nói nhiều quá!

Tôi vùng vằng thoát vòng tay ông, bước xuống một bước loạng choạng, tảng đá trơn trợt.

- Coi chừng ngã Heather! nguy hiểm lắm!

Tôi như người say rượu, nhắm mắt lại:

- Em muốn ngã xuống và chết dưới đáy này. Chẳng ai quan tâm đến tôi đâu.

Chẳng lẽ tôi lại ôm ghì lấy ông và hôn ông trước. Ngoài khơi có nhiều cánh buồm tìm về bến, sóng vỗ mạnh hơn. Chân trời phía Tây màu đỏ ối và vàng cháy đang quằn quại bên nhau. Ông hát nho nhỏ lời bản nhạc cũ:

Cindy, Oh, Cindy

Don't let me down

Cindy, Oh, Cindy

I saw your face in every wave

Tôi lãng mạn lắc đầu, nói bằng tiếng Việt:

- Tên em là Thi Hạ, không phải Cindy. Ông hát một bài tiếng Việt đi!

Yêu ai yêu cả một đời

Tình đã khiến xui cho lòng ta

Đau tủi cả lòng...

Giọng ông trầm ấm, tôi bước lên một bước ôm chặt ông, ông cao hơn tôi nhưng tôi đầy đặn da

thịt, thôi thúc :

- Hôn em đi, Vượng!

Ông ôm chặt tôi, nhưng chỉ hôn vào má, khen:

- Mắt em đẹp quá!

- Khen câu đó mãi rồi, Vượng có yêu người có cặp mắt đó không?

Ông không trả lời, tôi ghì chặt hơn :

- Nói có đi, có, có!

Ông vội gật đầu cho xong:

- Có, có, có!

_ Vượng ở đây bao nhiêu năm rồi?

- Mười một năm.

- Lâu thế ! không biết khi yêu nhau phải hôn thế nào à?

- Ừ, tôi nhà quê lắm. Tôi không thông minh như em.

Câu nói vô tình chạm nhược điểm của tôi, đến đây tôi không chịu đựng nổi, vùng vằng rời tảng đá, chạy lên bờ cát, ngồi một mình trên chiếc băng gỗ cũ kỹ rêu xanh. Những người chạy bộ, đi bộ đã lần lượt lên xe trở về. Sóng biển vẫn rì rào dưới kia, phía chân trời chỉ còn lại vài vệt màu tím đỏ. Ông chậm rãi bước lên, đứng trước mặt tôi, hình như ông muốn giải thích điều gì đó, hồi lâu mới cất tiếng:

- Tôi biết em có những tình cảm đặc biệt đã dành cho tôi. Xin lỗi, nhưng...

Tôi im lặng, chung quang vắng lặng. Có cánh chim biển chao bay muộn màng, cất tiếng kêu lạc loài, phải chăng đó là tiếng kêu vô vọng của tôi? Ông nắm tay tôi kéo lên, như một người cha nói với con gái:

- Thôi cô bé, về kẻo lạnh.

- Ông về trước đi, mặc tôi.

- Ngoan nào, tôi đưa em về nghỉ , coi chừng bị ốm.

- Tôi sẽ gọi tắc xi về.

Cuối cùng tôi đành bước lên xe. Suốt từ Lovers Point về đến tòa nhà trên đồi, tôi không hề mở miệng, ông cũng thế, không an ủi tôi một lời. Lúc xuống xe tôi mới ứa lệ chào ông:

- Cám ơn ông, ông đã dạy tôi học, cám ơn bó hoa, cám ơn tất cả.

Không chờ câu đáp, tôi mở cửa xe chạy nhanh vào cửa chính. Những giọt nước mắt buồn tủi lăn trên má trên môi tôi mằn mặn. Gió lạnh ngoài biển lại khiến bệnh mũi của tôi kéo đến. Tôi hắt hơi liên tiếp nước mắt nước mũi giàn giụa, may vắng người và trời đã tối, nếu không mọi người tưởng tôi sắp lên cơn sốt nặng.

*

Tôi không rõ ông yêu tôi hay ông chỉ tôi nghiệp cho tôi. Thật khó hiểu. Thoạt tiên tôi giận ông vô cùng, cũng may tôi không có cử chỉ quá khích nào. Mối tình đầu của tôi chua xót quá. Con nhỏ cùng phòng ngạc nhiên, nhưng tôn trọng riêng tư không hỏi gì tôi. Nó an ủi tôi mấy câu, rồi cho biết nó xuống câu lạc bộ, mặc tôi nằm đó.

Tôi vất một vật nhỏ có chữ Trojan để bảo vệ tôi, vào sọt rác, rồi khóc mùi mẫn ngủ thiếp đi, đến hai giờ sáng, thức giác mở mắt nhìn trần nhà. Trước sau gì tôi cũng là kẻ đến sau, đến sau hai người đàn bà. Tôi lạc vào khu rừng tình cảm phức tạp xa lạ, mênh mông. Không khóc được nữa, tôi phải tỏ ra cứng cỏi. Từ nhỏ ở nhà, ở trường , tôi đã được dạy là không được mềm yếu, phải đương đầu với nghịch cảnh.

Tôi bênh vực cho ông Vượng. Ông xử với tôi như thế là tròn đầy rồi. Tôi không nên gây phiền nhiễu đến đời sống tình cảm mà ông đang xây đắp lần thứ hai. Tôi yêu và trọng ông, quý mến vị hôn thê ông. Tôi thấy tôi kỳ cục, tôi là cô gái quê, cô gái miệt vườn bất bình thường chăng? Tôi đã qua cơn mê, tôi đã điên quá rồi.

Thôi, cũng coi như tôi đã trải qua những ngày tháng đầy kỷ niệm vui buồn. Dù sao tôi cũng học hỏi được nhiều về một sinh ngữ đáng yêu ở Á châu. Biết đâu, nếu vào đại học, tôi sẽ chọn lại sinh ngữ này, tôi sẽ học môn Đông phương học. Sáng ngày kia, tôi sẽ được đưa ra phi trường, một mình tôi leo lên máy bay, chẳng cần ai đưa tiễn tôi đâu. Những chuyện xảy ra chiều qua chỉ là một thoáng mộng mơ, kỷ niệm một năm qua là một giấc mộng dài.

Thôi, từ giã thành phố biển. Chào ngôi trường trên đồi, chào lớp học. Chào ông Vượng.


Đại Bi Chú
 
tieuthu_soma Date: Chủ Nhật, 08 Apr 2012, 8:29 AM | Message # 2
Colonel
Group: Users
Messages: 197
Status: Tạm vắng
không nhớ đọc ở đâu nhưng nhớ có đọc qua rồi
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 08 Apr 2012, 12:06 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Nước Mắt Học Trò (Diệu Tần)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO