Thứ Năm
25 Apr 2024
3:56 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Mẹ tôi (Nguyễn Thị Tê Hát)
Mẹ tôi
LongTracAn Date: Thứ Năm, 15 Mar 2012, 2:14 AM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Mẹ tôi - Nguyễn Thị Tê Hát

Hôm nay, tôi muốn viết về Mẹ tôi, về người Mẹ mà khi lọt lòng đã cho những đứa con của Mẹ đôi bàn tay nâng niu trìu mến, hơi thở ấm áp với bầu sữa ngọt căng phồng, với võng đưa kẽo kẹt, với những câu hò à ơi để rồi chúng tôi, như những con chim non lớn lên trong sự ấp ủ, trong tình thương yêu ngào ngạt đó, và ngày nay, những con chim của Bố Mẹ đã trưởng thành, đã vỗ cánh bay đi trong khoảng trời xanh, có con chim bay quá xa, bay về phía vô tận... có con chim bay lạc lối về, có con chim còn lẻ loi, vất vả nơi phương trời cũ, nhưng cũng có những con chim cứ bay quanh quẩn bên Mẹ, để tìm về Mẹ như một ủi an, như một vỗ về, một thương yêu hạnh phúc.

Mẹ tôi cũng như bao nhiêu người đàn bà khác, chỉ biết thương chồng, nuôi con với một tâm hồn giản dị, đơn sơ mộc mạc, và chính cái sự đơn sơ giản- dị đó đã làm sống động một nhân vật đặc biệt trong gia đình sau Bố tôi.

Mẹ tôi là con độc nhất trong gia đình nên được Ông Bà ngoại cưng chiều thành ra vấn đề buôn bán Mẹ không hề biết đến. Bởi thế sau khi lấy chồng, Mẹ ở nhà lo việc nội trợ, Mẹ dễ tin nên để Bố đi buôn với người ta. Người ta ở đây là một cô hàng xóm rất mê Bố (theo lời của Mẹ), thấy Mẹ ngây thơ nên người ta dụ Mẹ, biếu Mẹ một chỉ vàng và bảo Mẹ cứ yên tâm ở nhà để cho người ta đi buôn chung. Mẹ dễ tin nên cứ để Bố đi buôn như vậy được mấy lần, nhưng sau một đêm ngủ ngon giấc, Mẹ chợt tỉnh ra và nghĩ nếu để Bố đi buôn chung như vậy chắc chắn sẽ có màn ở chung phòng, ăn chung mâm và ngủ chung giường. Thế là Mẹ bắt Bố ở nhà không cho đi buôn nữa, để bây giờ mỗi lần giận Bố điều gì, Mẹ lại lôi cái chuyện "ngày xưa" của Bố ra để kể đi, kể lại cho chúng tôi nghe, để đả kích cái khó tính, cái đào hoa của Bố, cái khổ vì ghen của Mẹ, Mẹ thường bảo:

- Chúng mày không biết chứ ngày xưa Mẹ xinh lắm, thiếu gì người muốn lấy Mẹ mà Mẹ chẳng thèm, để rồi Mẹ vô phước lấy phải Bố nên mới khổ như thế... Bố chúng mày chỉ được cái "trai lơ", cái khó tính chứ chả được gì.

Vâng, bởi Bố tôi có nụ cười rất tươi, có tâm hồn rất nghệ sĩ, thích đàn hát, thích thơ văn nên tâm hồn của Bố lúc nào cũng nhẹ nhàng muốn bay bổng qua cửa sổ, mà Mẹ thì lại quá thực tế, không chịu hiểu cho Bố nên cứ giọt ngắn, giọt dài khi vô tình nhìn thấy phía sau Bố có những ánh mắt lén trông theo hay nghịch ngợm chọc ghẹo Bố sau những chiếc nón bài thơ e-ấp, cho dù lúc nào Mẹ cũng bế tôi, con bé giống Bố như đúc ra để hù thiên hạ.

Những lúc Mẹ ghen, Mẹ chỉ biết buồn rũ người, khóc hoài khi không có bố ở nhà, thỉnh thoảng trong bữa cơm chiều Mẹ cáo ôm để vào phòng nằm khóc rấm-rức, hay lại sụt sùi ngồi than với Bác bên cạnh nhà. Không biết Mẹ có cằn-nhằn Bố hay không, nhưng chúng tôi không thấy Bố Mẹ to tiếng bao giờ, chắc vì thế nên Bố cứ thong thả bước đi mà chẳng cần phải ngập ngừng đắn đo dừng lại.

Nhớ có lần Mẹ nghi Bố có bồ nên Mẹ xem xét quần áo của Bố thật kỹ, Mẹ lục ví thấy tấm hình Bố dấu kín, mẹ cầm lấy ngắm lên, ngắm xuống, nước mắt Mẹ rơi như suối, Mẹ giận lắm, Mẹ buồn lắm vì ghen nhưng Mẹ không biết làm sao... Sau cùng, Mẹ mang tấm ảnh cô bồ của Bố đem đi đốt, Mẹ bảo "để nóng cho nó chết", rồi Mẹ lại vứt tro trong bô nước tiểu của em cho bõ ghét. Eo ơi! cái ghen của Mẹ kỳ cục và bẩn quá, ghê quá, Mẹ ghen như vậy mà chúng tôi chẳng thấy cô bồ nào của Bố chết vì nóng hay chết vì khai gì cả, cứ thấy họ nhởn nhơ theo Bố dài dài để làm khổ Mẹ.

Theo tháng ngày qua đi, tuy cái hào hoa của Bố, cái khổ vì ghen của Mẹ vẫn không làm Mẹ trở nên ốm-o và gầy-gầy một tý nào. Mẹ bảo Mẹ không mập, Mẹ chỉ to xương 1 tý thôi, bởi thế Bố và chúng tôi cứ phải cẩn thận khi nói chuyện với Mẹ, nếu lỡ lời bảo Mẹ mập là sẽ biết tay Mẹ ngay, Mẹ sẽ dùng những món ăn mà Bố và chúng tôi ghét, không thích để sửa trị cái tội vô tình ấy, mà Bố và chúng tôi lại thuộc cái loại kén ăn thành ra rất sợ làm mất lòng Mẹ. Có lần đi chợ về, chúng tôi thấy Mẹ vui hẳn ra, Mẹ hý-hửng bảo cả nhà:

- Bố con chúng mày chỉ được cái hay nói, lúc nào cũng cứ chê bảo Mẹ mập, Mẹ đâu có mập, hôm nay Mẹ đi chợ thấy cái bà kia còn to gấp mấy Mẹ luôn, khiếp ngồi chật cả cái xích-lô-máy.

Bố được thể chọc :

- Mình cứ nói vậy, Bố con tôi đâu dám nói là mình mập bao giờ, mình chỉ mát da mát thịt và hơi to một tý thôi...

Hoặc mỗi lần Bố định chở Mẹ đi phố, Mẹ vừa ghé lên ngồi Bố đã dẫy nẩy:

- Ấy, ấy khoan đã, bánh xe xẹp lắm rồi đi không được.

Hay khi Mẹ vừa leo lên xe, Bố lại kêu lên:

- Đấy chúng mày thấy không? Bố có nói oan cho Mẹ bao giờ, Mẹ vừa leo lên là xe nghiêng hẳn một bên, vậy mà Mẹ cứ bảo Mẹ không mập, không nặng ký.

Có lần Bố đưa cả nhà đi tắm biển, Mẹ vừa xuống nước, Bố giả bộ hớt hãi chạy lên:

- Khiếp quá, Mẹ vừa xuống nước là nước tràn lên bờ, Bố phải chạy vội lên không thì chìm mất.

Mẹ giận lắm, tức lắm nhưng cũng đành lặng im trước những chọc ghẹo của Bố và những tiếng cười đồng loã của chúng tôi. Mẹ lúc nào cũng muốn người thon thon, cho dù Mẹ cố gắng nhịn ăn cách mấy cũng không thon được, những lúc Mẹ đi phố hay đi đâu, Mẹ phải cầu cứu Bố hay chúng tôi cài áo trong giùm Mẹ, để khi Mẹ mặc áo dài trông sẽ ốm hơn, có eo hơn, đôi khi chúng tôi phải bậm môi, nghiến răng để cố gắng cài bằng được cho Mẹ vừa lòng, bởi thế Mẹ cứ cố nhịn ăn để cho ốm và Mẹ tập thể-dục ngay trên giường, mồi lần Mẹ làm động tác đưa 2 chân lên xuống là mỗi lần Bố chọc:

- Người ta tập thể-dục nhẹ nhàng chứ đâu có như mình tập cái gì mà ầm-ầm cứ như B-52 thả bom không bằng.

Tức và hậm hực vì lối đùa giỡn quá đáng của Bố, Mẹ ngỏ ý muốn đi thẩm-mỹ-viện để lấy mỡ bụng cho nhanh, khỏi cần phải tập thể dục lôi thôi, khỏi phải nghe những lời châm biếm của Bố, nhưng Bố cũng chẳng tha:

- Mình mà lấy mỡ chắc cũng được một nồi.

Mẹ tức quá quay sang Bố Mẹ hỏi:

- Lấy được một nồi thế mình có ăn không?

Eo ơi! quý vị thấy Bố Mẹ tôi nói chuyện nghe ghê chưa?

Vào thời điểm sôi động nhất của cuộc chiến, thành phố chúng tôi đang ở hay bị pháo kích vào nửa đêm, nên nhà nào cũng có hầm ẩn núp để tránh pháo kích. Nhà tôi cũng có một cái hầm ngoài vườn do Bố làm lấy với sự góp tay của chúng tôi nên đã có một cái hầm kiên cố, khá tiện nghi và đẹp mắt. Bố vẫn thường nhắc cả nhà, khi nào nghe tiếng ầm là phải nhanh chân chạy ra hầm ngay. Nhưng hôm ấy chúng tôi chạy không kịp, đang loay hoay mở cửa định chạy ra vườn thì nghe tiếng Mẹ:

- Mấy đứa chạy đi đâu vậy? không chui cả vào đây trốn hay sao mà còn đứng ở đó mãi, chết hết bây giờ.

Cái gầm giường của Bố Mẹ không đủ lớn để chứa cả cái tiểu đội của Bố Mẹ, nhưng sợ Mẹ la nên chúng tôi từng đứa lần lượt chui vào, chưa vào hết thì bên ngoài đã ngưng tiếng pháo kích, thế là tất cả lại từ từ chui ra, vừa nhớn-nháo vừa bàn tán, chợt nghe tiếng kêu cứu của Mẹ ở phía sau:

- Đứa nào kéo Mẹ ra với!

Chúng tôi nhìn quanh chẳng thấy Mẹ đâu, tiếng Mẹ lại cất lên:

- Mẹ đang ở dưới gầm giường đây này, chúng mày kéo Mẹ ra nhanh lên.

Bằng ấy đứa con của Mẹ không bảo nhau, cùng chạy lại cúi xuống gầm giường nhìn Mẹ thắc mắc:

- Ủa sao lúc nãy Mẹ chui vào được, bây giờ lại không chui ra được?

Mẹ ngượng ngùng:

-Ừ kỳ thật, Mẹ cũng không hiểu tại sao nữa, lúc nãy Mẹ chui vào dễ dàng lắm cơ mà, kỳ quá... chúng mày kéo Mẹ ra nhanh lên.

Nghe giọng nói thắc mắc, ngập ngùng lẫn ngượng ngùng của Mẹ làm chúng tôi cười lăn, cười bò vì không sao nín cười được, chúng tôi giả bộ bàn tán:

- Mẹ nặng như thế làm sao tụi mình kéo mẹ ra được, thôi để chờ Bố về đi.

Mẹ tức tối mắng:

- Con cái gì mà hỗn, Mẹ bị kẹt trong này chẳng đứa nào kéo ra lại còn đứng cười cả lũ với nhau, mấy đứa xúm lại kéo Mẹ ra ngay... không thì chết cả đám bây giờ.

Nghe Mẹ hăm doạ, chúng tôi càng cười, càng từ-từ, vì đây là lúc trả thù những cái cú đầu hơi nặng tay của Mẹ, những lúc bàn tay 5 ngón thiếu dịu dàng của Mẹ khi nâng niu chúng tôi. Sau cùng, đành dùng trò kéo co để kéo Mẹ ra, thế mà cũng đành chịu, chỉ vì Mẹ chẳng phải mình hạc xương mai như tôi bây giờ nên hôm đó, càng cố gắng bao nhiêu, càng làm chúng tôi cười đau cả bụng bấy nhiêu. Nhưng cuối cùng, các con của Mẹ đành phải đứng chung quanh giường, nhấc bổng chiếc giường lên cho Mẹ chui ra. Mẹ vừa thẹn, vừa giận nên lên giường nằm, chỉ nói một câu vỏn vẹn:

- Đứa nào về giường nấy, đi ngủ, không nói nữa...

Đấy, Mẹ của chúng tôi đấy, đó chỉ là cái dáng dấp bề ngoài của Mẹ, nhưng ai nhìn vào cũng đều khen bảo Mẹ tôi trẻ, Mẹ tôi đẹp, Mẹ tôi sang, chỉ có Bố và chúng tôi nhất định không nhìn thấy cái khía cạnh mà Mẹ tôi tự hào đó, nên Mẹ vẫn mãi là nhân vật đặc-biệt mà Bố con chúng tôi luôn luôn đề cập đến, để gây nên những chuỗi cười dòn tan vào những bữa cơm chiều hay vào những ngày cuối tuần, mặc cho Mẹ tức tối giận dỗi. Nếu Bố lỡ vô tình làm Mẹ bực mình chuyện gì, là Mẹ lại ngồi kể-lể câu chuyện dài không bao giờ dứt của Mẹ khi Bố không có nhà:

- Chúng mày biết không? Bố khó tính lắm, Bố chỉ ở được với Mẹ chứ chẳng ở được với ai, Bố ngày xưa ấy à...

Cái câu chuyện "Bố ngày xưa ấy à..." của Mẹ nó dài vô tận, dài đến không biết chỗ nào để chấm dứt cả, cái câu chuyện ấy Mẹ đã kể biết bao nhiêu năm từ lúc chúng tôi còn bé tý cho đến khi chúng tôi trưởng thành, vậy mà câu chuyện vẫn cứ tiếp tục, để tất cả các con của Mẹ đều thuộc lòng câu chuyện "Ngày xưa ấy à..." của Mẹ.

Sau khi Việt-cộng vào chiếm Saigòn, Mẹ bần thần ưu-tư. Mắt Mẹ quầng sâu vì những đêm mất ngủ, Mẹ lo cho Bố, cho chúng tôi trong hoàn cảnh mới, cho các em trai tôi, có đứa đến tuổi phải "đăng-ký nghĩa-vụ quân-sự", mà sau khi trình diện, tất cả thanh niên sẽ bị đưa sang Campuchia và biên-giới Trung-quốc. Mẹ ốm hẳn đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe Mẹ than nhức đầu, và cũng chính cái bịnh hay nhức đầu của Mẹ đã giúp Mẹ rất nhiều. Trong những lần trốn họp hằng đêm của Hội Phụ-nữ mà phường khóm bắt mọi người đàn bà trong khu xóm đếu phải có mặt, những lần phải đi họp, trông Mẹ thật tức cười, trời nóng như thiêu đốt, Mẹ cũng khoác lên người chiếc áo len, trùm khăn thật kỹ, làm ra vẻ đau yếu để chỉ một tý là đã thấy Mẹ lẻn vào nhà, Mẹ vội vàng đóng cửa lại, cười nho nhỏ:

- Mẹ thấy chúng nó chửi mình ngày xưa ghê quá, điếc cả tai nên Mẹ lén về, hễ đứa nào nó hỏi nhớ bảo Mẹ bị đau nghe chưa?

Chúng tôi nhìn nhau thán phục cái tài đóng kịch của Mẹ. Mẹ có cả cái tài thuyết phục mà Bố phải chịu thua. Khi một trong những đứa em của tôi đến tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân-sự, Mẹ sợ hãi, lo lắng đến không ăn, không ngủ. Tên cán-bộ trong xóm có quyền quyết định cho các thanh niên đi trình diện hay không, tuổi hắn chỉ bằng tuổi con của Mẹ tôi, thế mà Mẹ đã phải 5 lần 7 lượt mới gặp được hắn, để Mẹ năn nỉ, Mẹ thuyết phục vừa dúi một số tiền lớn vào túi hắn, Mẹ vừa nói "biếu anh để uống nước..." Sau khi nhận số tiền của Mẹ, hắn để yên cho em tôi một thời gian, không còn đến quấy rầy từng đêm cho đến khi gia đình tôi làm đơn xin xuất-cảnh đi Canada do Chị tôi bảo lãnh. Nhưng Mẹ có những 5 thằng con trai, 5 đứa con gái nên Mẹ vẫn cứ lo âu, vẫn cứ phải thao thức từng đêm, vẫn cứ phải dùng những miếng salonpas để dán 2 bên đầu. Trong khi Bố có vẻ chán -nản, buông xuôi nên thỉnh thoảng Mẹ và chúng tôi cứ phải nghe những tiếng thở dài thườn-thượt của Bố, Bố hết nằm vắt tay lên trán, lại ngồi thừ người bên ống điếu, bên bình trà nóng như lạc vào thế giới nào khác làm Mẹ bực mình.

Sau cái ngày đổi đời ấy, tính tình Mẹ tôi thay đổi lúc nào cũng không hay, Mẹ không còn uỷ mi, dễ khóc như xưa, như những ngày nước mắt âm thầm rơi vì ghen, vì khổ. Nhưng dáng dấp Mẹ vẫn thế, tính tình Mẹ vẫn đơn sơ mộc mạc. Đôi tay Mẹ vẫn dài để có thể ôm những đứa con tìm về bên Mẹ, như con chim đại bàng vẫn xoè cánh nằm chờ đàn chim con bay về tổ. Bởi giòng đời nghiệt ngã, với vận nước nổi trôi đã gây nên những cảnh chia lìa của đàn chim xa tổ, cho dù phương trời này có tìm thấy sự bình an, sự yên lành đi chăng nữa, nhưng ngày hôm nay không còn là ngày hôm qua nên tiếc nuối vẫn lồng lộng day dứt trong lòng mỗi một người chúng tôi nơi xứ người.

Mẹ yêu dấu! Hôm nay, với bài viết này. Chúng con, những con chim con còn lại trong bầy chim, xin gom nhặt những bông hồng đỏ đẹp nhất khắp phương trời xứ lạ để gởi đến Mẹ với tất cả tình thương yêu của Chúng con trong ngày Mother Day.


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 15 Mar 2012, 6:52 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
LongTracAn


AToanMT
 
tieuthu_soma Date: Thứ Năm, 15 Mar 2012, 10:29 AM | Message # 3
Colonel
Group: Users
Messages: 197
Status: Tạm vắng
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Mẹ tôi (Nguyễn Thị Tê Hát)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO