Thứ Tư
17 Apr 2024
8:44 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Hai người thầy (Phong Thu)
Hai người thầy
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 06 Jan 2012, 9:07 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Hai người thầy - Phong Thu

Thầy Khoa đã trở thành trung tâm chú ý của nhiều học trò lớp 11, 12 trong trường. Ðám con gái trong lớp Thảo cứ đoán già đoán non về lai lịch của thầy. Nhỏ Linh cứ cho rằng thầy Khoa quê ở Bến Tre vì thầy hay kể cho lớp nghe những câu chuyện huyền thoại về ông Ðạo Dừa. Nhỏ Hà không đồng ý, nó nói quê thầy ở Cà Mau vì thầy hay kể chuyện về thời tiết mưa nắng bốn mùa của vùng đất cuối cùng nầy. Nhỏ Lựu thì lanh chanh cãi bừa và bảo quê thầy ở Quảng Nam Ðà Nẳng nhưng lập luận nầy đã bị cả nhóm xúm nhau cười vì thầy nói giọng Miền Nam chính gốc. Nhỏ Hạnh thì bĩu môi trêu chọc Lựu: "Ờ! Thầy cùng quê với mầy. Quảng Nam í mà. Nhận làm bà con đi nhưng đừng có "mết" thầy nha". Lần đó Lựu đỏ mặt và cô nàng im luôn không dám hó hé. Không có gì lạ khi đám con gái lớp Thảo bàn tán về thầy. Lần đầu tiên thầy xuất hiện cả lớp đã thì thầm với nhau. Thầy giản dị trong chiếc áo sơ mi trắng, vầng trán cao và rộng, nét mặt nghiêm nghị và giọng nói ấm áp đã làm cho mấy đứa con gái ngẩn ngơ. Thầy dạy Hoá Học nhưng yêu thích văn thơ. Mấy con nhỏ trong nhóm Thảo làm biếng học những môn khác nhưng lại "mê học" môn thầy. Ðiểm tụi nó bao giờ cũng tương đối không đến nổi ẹ như môn chính trị, toán, vật lý. Năm đó thầy Khoa lại được chọn làm giáo viên hướng dẫn lớp nên cuối tuần thường có sinh hoạt thường kỳ. Sau giờ họp là thầy hay kể chuyện, đọc thơ cho cả lớp nghe. Có một bài thơ mà cả bọn quên mất tựa và không nhớ tên tác giả nhưng tối ngày hết đứa nầy tới đứa kia ngâm nga:

Tròng trành như nón không quai

Như thuyền không lái như gái không chồng

Gái có chồng như gông đeo cổ

Gái không chồng như mảnh gổ long đanh

Mảnh gổ long đanh anh còn chữa được

Gái có chồng chạy ngược chạy xuôi

Không chồng khổ lắm chị em ơi!..*

Lắm lúc nhỏ Lựu hỏi thầy:

_ Thầy ơi! Vậy ở giá tốt hơn hay lấy chồng tốt hơn hở thầy?

Thầy Khoa vui vẻ trả lời:

_ Có những bài thơ như vậy mới vui. Nhưng nhớ đừng sống cô đơn! Buồn lắm!..

_ Vậy tại sao thầy không có vợ? - Linh hỏi tới.

Mặt thầy Khoa đỏ rần:

_ Tại thầy là đàn ông.

Thảo chêm vô:

_ Vậy là đàn ông thích ở giá hơn đàn bà và không sợ chạy ngược chạy xuôi đến bở hơi tai mới có tấm chồng ngon lành.

Lần đó thầy Khoa cười rất lớn. Nhóm con gái cũng cười theo.

Bạn bè Thảo là một đám quỷ sứ. Các nàng mặt mày sáng sủa, ăn mặc bảnh bao, đã vậy còn điệu muốn chảy nước luôn. Các chàng trai cùng trường thường hay trêu chọc các cô nhưng đồng thời cũng sợ mấy bà chằng nầy lắm. Mới nhìn mặt, cô nào tưởng cũng hiền nhưng thật ra là những trái bom nổ chậm. Cứ nhìn cái mặt Lựu có ai biết nó là con "lựu đạn sét". Tóc nó cắt Slow, đã vậy còn quắn cúp cúp, khuôn mặt thon nhỏ và cái mủi dọc dừa thanh tú. Nhỏ Hạnh thì mặt tròn đầy đặn, cái miệng cười có duyên đến chết người. Nhỏ Linh còn đáo để hơn, nó có cái răng khểnh (Linh hay trêu là răng nanh) mỗi khi cười nhe ra các chàng trai đều lác mắt. Ðến giờ học là các nàng làm bộ nghiêm trang lắm. Không ai biết rằng các nàng đang hoạt động ngầm. Cứ đến giờ thầy Khoa là nhỏ Hạnh tái mái tay chân. Nó tìm đủ cách để hỏi thầy:

_ Thầy ơi! Tại sao nước viết trắt là H2O mà không phải là T2Y thầy?

Linh lém lỉnh:

_ Thầy có thể cho tụi em biết công thức kết hợp của T2Y đi.

Thầy tinh ý đáp:

_ Hôm nay chúng ta chưa học công thức đó. Có thể cuối năm thầy sẽ giải thích cho các em hiểu.

Cả lớp bụm miệng cười. Lựu nhanh miệng nói:

_ Thưa thầy đó là một công thức mà tụi em sáng chế ra để nói về tình yêu đó.

Thảo thụi vào lưng Lựu một cái và thì thầm:

_ Thôi đừng có quậy Lựu ơi!

Lựu la lớn:

_ Thầy ơi! Thảo nhéo em.

Thầy Khoa hiền lành lắc đầu cười và bắt đầu giảng bài tiếp. Khi ra chơi Thảo đã bị cái đám lâu la nầy quấy nhiễu tơi bời. Hạnh vừa ăn cà rem vừa cự nự:

_ Con nhỏ Thảo lấy điểm thầy quá! Nó muốn làm đệ tử ruột của thầy nên chơi lại tụi mình.

Linh thêm dầu thêm mở:

_ Mầy không thấy nó luôn chận họng mình hay sao?

_ Tao là lớp trưởng. Tao phải có nhiệm vụ nhắc nhở mỗi khi những thành viên trong lớp gây rối trong giờ học.

_ Tụi tao đâu có gây rối gì đâu - Lựu liếc xéo Thảo.

_ Vậy thì giải thích cho tao nghe xem cái công thức mắc dịch đó là cái gì?

Hạnh quăng cây cà rem vô thùng rác và bò lăn ra cười. Lựu nghiêng đầu qua một bên hỏi lại Thảo:

_ Bà lớp trưởng ơi! Câu hỏi nầy là tụi nầy hỏi thầy. Mắc mớ gì đến cô mà cô xía vô.

_ Tao thấy có cái gì không ổn.

Linh nhảy tót lên bàn ngồi và cái mặt nó vác lên trời:

_ Cuối năm rồi thầy giải thích luôn.

Những câu chuyện như vậy chỉ chấm dứt khi có tiếng chuông vào lớp.

* * *

Chính trị là môn học mà hầu như tất cả học trò điều chán. Ðã vậy thầy Khan lại là người từ ngoài Bắc được điều động vào Nam giảng dạy nên giọng của thầy vừa nặng, vừa khó nghe khiến cho đám học trò cứ tha hồ ngủ gật. Thầy Khan lại khó tính và hay gắt gỏng mỗi khi học trò trả bài không thuộc. Thầy đe rằng cuối năm em nào không chịu học chính trị sẽ không đủ điểm thi tốt nghiệp. Nhỏ Lựu, nhỏ Linh thì sợ quái gì. Giờ của thầy là hai đứa bài trò đánh ca-rô. Nhỏ Lựu thường vẽ biếm hoạ thầy Khan trên những mãnh giấy xé từ trong tập và những tấm hình đó thường méo mó tuỳ theo lăng kính của nó đánh giá thầy. Sau giờ học chính trị, Lựu đem treo lên bảng làm trò cười cho cả lớp. Lựu hai lần trả bài không thuộc. Thầy Khan đã cho nó hai cái trứng ngỗng nhưng nó cóc cần. Nhỏ Linh thì điểm bài kiểm tra cũng không vượt qua khỏi con số 5, Hạnh thì cũng không hơn gì. Ba con nhỏ nầy được thầy Khan chiếu cố và cho là một lũ lười biếng, cứng đầu. Thảo là lớp trưởng nên bắt buộc tất cả các môn học đều phải trên năm điểm. Dù không thích môn chính trị cũng phải nhét vào đầu vài chữ để trả nợ quỷ thần.

Hôm nay thứ hai lại có môn chính trị. Môn học được nhà trường liệt vào danh sách là một trong bốn môn chính quyết định thi tốt nghiệp lớp 12. Ðầu giờ là phải trả bài cũ, thầy Khan bắt đầu giở sổ điểm và rà từ trên xuống dưới, rồi đột ngột gọi lớn:

_ Nguyễn Thị Ngọc Lựu.

Lựu chậm chạp mang tập tiến về bàn thầy rồi đứng quay mặt xuống lớp. Thầy Khan hỏi:

_ Muốn xây dựng thành công Chủ Nghĩa Xã Hội thì phải có con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa. Vậy con người đó cần phải có những đức tính gì?

Lựu không do dự đáp:

_ Thưa thầy, em không hiểu về con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa mà chỉ muốn nói đến con người thực trong đời sống hiện tại.

Khuôn mặt dài ngang dọc đầy vết nhăn của thầy Khan co dúm lại. Cái miệng của thầy bắt đầu dẫu ra, thầy hỏi vặn lại:

_ Vậy con người thực trong cuộc sống bình thường là gì?

_ Không được nói dối dù bất kỳ mình đang ở cương vị gì thưa thầy - Nét mặt Lựu trở nên bình thản. Cô tiếp tục nói - Thưa thầy, những gì mà thầy dạy, chúng em không tìm thấy được trong thực tiễn. Chúng em sống và lớn lên trong miền Nam nên những lý thuyết đó quá xa lạ và em xin lỗi. em không thể nào tiếp thu nổi.

Nhiều tiếng xôn xao trong lớp. Thầy Khan khoát tay cho cả lớp im lặng và đứng bật dậy như một cái lò so. Ông nhìn Lựu một lúc rồi chậm rãi nói:

_ Em có biết môn học nầy rất cần thiết cho mỗi chúng ta không? Nó sẽ giúp cho các em hiểu được sự tốt đẹp của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Nếu các em không muốn học thì đó là một tai hoạ cho công cuộc xây dựng thành công Chủ Nghĩa Xã Hội của nước ta. Mọi người ai cũng nghĩ như em thì đất nước chúng ta sẽ ra sao?

Lựu bình tỉnh trả lời:

_ Thưa thầy, khi chúng ta chưa biết dọn dẹp sạch sẽ căn nhà của mình thì làm sao có thể hiểu được cái học thuyết xa lạ kia.

Thầy Khan giận dữ. Hai đồng tử của ông co lại rồi giản ra. Ông nghĩ học trò Miền Nam là những đứa chẳng ra gì. Vừa dốt lại vừa mất dạy. Chế độ cũ đã đào tạo một đám học trò không có một chút tư cách đạo đức nào. Ông quăng quyển vở của Lựu xuống đất:

_ Ði về chỗ. Tôi sẽ nói chuyện với em sau.

Lựu tỉnh bơ cúi xuống lượm quyển tập và khẻ nhếch mép cười. Thầy Khan bỏ cả giờ học, ông bắt đầu hăng hái giảng dạy cho cả lớp nghe về đời sống tốt đẹp của nhân dân Miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Ðảng, ông thao thao bất tuyệt nói về thiên đường CNCS.Thế là sau giờ ra chơi, Lựu bị mời lên văn phòng làm kiểm điểm. Khi nó trở về lớp, đôi mắt đỏ hoe. Cả lớp nhìn nó ái ngại và cũng từ ngày đó nó đã thực sự ngoan ngoãn trong giờ học chính trị.

Một buổi sáng cũng vào giờ thầy Khan, cả lớp im phăng phắc. Thầy Khan ngồi xuống ghế được năm phút thì đột nhiên thầy đứng dậy mặt hầm hầm không nói gì. Sau đó thầy rời khỏi lớp độ 20 phút rồi trở lại. Thầy Khan đã bỏ hẳn việc kiểm tra bài ngày và suốt buổi học thầy lại gân cổ giảng cho cả lớp nghe về đạo đức của con người mới XHCN. Cuối buổi học, một số bạn đã hỏi Thảo:

_ Ai bỏ mắc mèo trên ghế thầy? Thảo có biết không?

Thảo tròn mắt đáp:

_ Làm gì có chuyện đó.

_ Vậy mà có đó Thảo. Bồ là lớp trưởng bồ phải biết.

Thảo nhún vai cười tỏ vẻ không tin. Nàng đem chuyện đó nói cho cả nhóm nghe thì cả bọn hỉnh mũi lên cười. Hạnh bĩu môi:

_ Ông ta chỉ bịa chuyện mà thôi. Ai mà dám đụng tới cán bộ.

_ Tao nghe mấy đứa nam sinh lớp 12C2 nói rằng ông ta chạy vào cầu, rồi đứng chửi đỏng một mình. Ổng chửi bậy lắm! - Linh nhăn mặt tỏ dấu khinh bỉ.

_ Tại sao tụi nó biết? - Lựu hỏi tới.

_ Mầy còn phải hỏi - Thảo khoanh tay đứng nhìn các bạn rồi bất giác lắc đầu - Vậy là khổ cho thầy Khoa rồi.

Lựu đột ngột thay đổi nét mặt. Cô nàng hỏi liên tục:

_ Sao lại khổ cho thầy. Lớp mình làm thì mình chịu. Có liên can gì đến thầy.

_ Mầy ngốc quá đi. Nếu có chuyện gì thì họ cứ moi thầy hướng dẫn lớp ra mà bổ lên đầu. Cũng như chuyện vừa rồi của mầy. Thầy Khoa đã bị khiển trách là không theo dõi chặt chẻ học trò. Biết chưa.

Giọng Lựu run run:

_ Thảo à! Tao đâu có muốn thầy bị.

Thảo dịu giọng:

_ Thôi bỏ đi Lựu. Chuyện đã qua. Có nhắc cũng không ích lợi gì mà chỉ làm cho mi buồn. Tao lo vụ mắc mèo thầy Khan sẽ làm lớn chuyện.

_ Nhưng ông ta làm sao tìm ra được người đã chơi xỏ lá ông ta chớ. Chẳng lẽ đem cả lớp ra làm kiểm điểm - Lựu trề môi.

* * *

Thầy Khoa có vẻ buồn buồn. Thầy không còn kể chuyện vào những giờ cuối cùng của buổi học. Thầy thường trầm ngâm mỗi khi đến lớp. Một ngày cuối tuần, sau khi mọi người ra về, thầy đã gọi Thảo đến hỏi nhỏ:

_ Thảo à! Thầy rất cảm ơn em đã giúp đỡ thầy suốt gần nữa năm học. Nhìn chung lớp mình mọi thành viên đều chăm chỉ, ngoan và ham học. Chỉ có một điều thầy lo là có một số bạn rất nghịch. Tuần vừa qua, thầy Khan báo cáo lên Ban Giám Hiệu và giáo viên toàn trường về việc lớp mình có người đã bỏ mắc mèo trên ghế của thầy. Sau đó còn dán giấy 35 trong cuốn giáo án của thầy Khan.

Thảo giật nẩy mình:

_ Thật sao thầy?

_ Ông ta đổ trách nhiệm cho thầy quá dễ dãi với các em nên đã để các em làm chuyện đó để bỉ mặt ông ta. Thầy rất buồn nhưng thầy không dám lên tiếng bênh vực gì cho các em và thầy cũng không dám.

Thảo nhìn cử chỉ nhủn nhặn của thầy và ái ngại nói:

_ Thưa thầy, nếu có chuyện gì thì các em chịu hoàn toàn trách nhiệm không phải do thầy.

_ Thầy không lo bị phê bình, chê trách.mà thầy lo vì thầy Khan bắt buộc thầy tìm cho ra thủ phạm. Thầy lo ngại sẽ có em bị câu lưu hoặc bị phê trong học bạ về đạo đức.

_ Không bao giờ tìm ra được thủ phạm đâu thầy. Thật ra bạn bè em cũng chỉ nghịch ngợm thôi.

_ Thầy vẫn mong muốn tất cả các em không có những hành động như vậy - Ðôi mắt thầy Khoa vừa nghiêm nghị vừa buồn, thầy tiếp - Thầy đã trãi qua những năm tháng của tuổi học trò nên thầy hiểu các em nhiều lắm. Có một điều thời học sinh của thầy không như các em bây giờ. Khi đất nước đổi thay, con người cũng chịu chung số phận và hoàn cảnh.

Thảo như hiểu được một phần ẩn khúc trong câu nói của thầy. Nàng thành thật nói:

_ Thưa thầy, hầu như tất cả mọi người trong lớp đều thương mến thầy, gần gủi và kính trọng thầy. Em không hiểu tại sao không ai thích giờ thầy Khan?

_ Thật ra thầy Khan không phải là người xấu. Ai cũng muốn người khác nể trọng mình không phải vì nhân cách, kiến thức, tài năng của họ mà vì họ muốn thỏa mãn tính kiêu căng cũng như tiếng tăm và địa vị mà họ muốn đạt được. Hôm nay thầy nói chuyện với em hơi lâu. Có dịp thầy trò mình sẽ nói chuyện nhiều hơn. Bây giờ thầy phải đi họp đây. Nếu thầy có bỏ trường, bỏ lớp mà đi thì bảo các bạn đừng buồn.

Bóng thầy khuất bên dãi hành lang cuối lớp học.

***

Mùa hè đã trở về, năm học đã sắp chấm dứt. Trời trở nên oi bức và cơn mưa đầu mùa đã đổ xuống sân trường. Những cơn mưa hạ thường kéo dài trong nhiều ngày rồi chấm dứt. Sân trường đây đó những vũng nước lầy lội, đục ngầu. Mấy tuần sau hàng phượng vĩ trong sân trường những chiếc lá non li ti bé nhỏ đã nhú ra. Và sau đó những nhánh phượng cũng đã ôm ấp những đài hoa tròn trịa, xinh xinh đã xuất hiện xen kẻ giữa những chiếc lá xanh non mơn mỡn. Trong những ngày nầy, lòng Thảo nôn nao buồn. Nhỏ Hạnh, Linh, Lựu, cũng nói với nàng rằng một thời hoa mộng sẽ trôi mất vào thời gian. Những trang sách học trò xếp lại sau lưng để chuẩn bị cho mình hành trang vào đời. Có bao nhiêu mùa hạ trong đời học trò là có bấy nhiêu kỷ niệm đáng yêu. Có lẽ nàng sẽ không bao giờ yêu một loài hoa nào hơn những cánh phượng sân trường. Hoa phượng là biểu tượng cho tuổi học trò và mỗi độ hè về tiếng ve sầu ngân nga trên những vòm lá trên cao đã in sâu vào tiềm thức nàng một nỗi nhớ thương.

Gần đến ngày thi tốt nghiệp, cả trường nhận được tin thầy Khan bị bịnh nặng phải đưa vào bệnh viện . Tin tức về thầy mỗi ngày một xấu đi. Các bạn trong lớp dù không thích thầy nhưng cũng lo ngại nên đi thâu thập tin tức hàng ngày và cho biết trước kia thầy bị lao phổi nên phải cắt bỏ nữa lá phổi. Thầy đã sống bằng nữa lá phổi còn lại đã hơn mười năm. Lần nầy thầy đã hôn mê hơn một tuần không tỉnh dậy. Thầy sống rất khốn khổ, trong căn nhà tập thể nhỏ như một cái hộp chỉ có một kệ sách, một cái giường ộp ẹp, một chiếc xe đạp tèm, mấy bộ quần áo đã củ mèn mà thầy thường mặc đến trường cho tươm tất. Ngày hôm qua, bạn bè thầy đã mang cái xe đạp, tài sản cuối cùng của thầy đem bán để thuốc thang cho thầy nhưng không có hiệu quả. Cả trường quyên góp tiền để cố gắng mua một loại thuốc đặc biệt chích cho thầy. Thầy chỉ mở mắt được một lần duy nhất và không nói được gì rồi sau đó thầy đã ra đi vào lúc nữa đêm về sáng.

Ðám tang thầy rất đơn sơ. Gia đình thầy hầu như không có ai vì tất cả đã chết trong chiến tranh. Những giọt nước mắt khóc người quá cố bây giờ là bạn bè, đồng nghiệp và lũ học trò. Lúc sinh thời thầy oai quyền, hống hách ai cũng sợ. Lúc thầy chết khuôn mặt khắc khổ, đen xạm, đôi mắt vẫn mở to như còn luyến tiếc nhân gian hay muốn gởi lại một lời uỷ thác sau cùng mà chưa kịp nói. Ông hiệu trưởng người cùng quê với thầy cũng là một Ðảng viên lâu năm đã khóc mùi mẩn bên nấm mồ và than rằng:

_ Một đời theo Ðảng, để rồi chết trong đói khổ như vầy sao Khan. Tao bất lực khi thấy mầy chết lần mòn.mà không cứu được.

Lúc đó tất cả mọi người điều rơi lệ. Thảo thấy thầy Khoa cúi đầu, chốc chốc lại gở kiếng ra lau đôi mắt nhoà lệ. Nhỏ Lựu đột ngột nói bên tai Thảo: "Tao có lỗi với thầy, Thảo ơi!"- Rồi nó khóc thút thít như đứa con nít mới lên ba. Thảo nói nhỏ:"Mầy đâu có làm gì xấu đâu mà lo". Lựu cứ khóc rấm rức:"Tại tụi mình không hiểu rõ cuộc sống đau khổ của thầy. Tao đã khinh thầy và đã làm những điều sai quấy". Thảo thấy Lựu quá buồn nên không hỏi tiếp.

Mấy tuần sau, cả trường lại nhốn nháo lên khi hay tin thầy Khoa đã vượt biên. Lớp Thảo sửng sờ. Ðám con gái vây quanh Thảo hỏi rằng tại sao thầy đi mà không từ giã. Nhìn mặt đứa nào cũng y chang như đám ma của thầy Khan. Linh mấy ngày liên tục không nói với ai một lời. Hạnh thì lanh chanh bảo rằng thầy còn nợ nó một câu hỏi mà không chịu trả lời.

Rồi tiếp theo đó Lựu đột ngột bỏ học và thông báo với bạn bè rằng nó không còn mơ ước gì cả. Cho đến một hôm Thảo nhận được thư của Lựu:

Sài gòn, ngày.tháng .năm1978

Các bạn thân thương,

Ðừng ngạc nhiên khi ta đột ngột bỏ trường ra đi. Ta đã chọn cho mình một cuộc sống khác. Sau cái chết của thầy Khan, tao tự hỏi:"Học để làm gì? Và sau khi mất thầy Khoa vĩnh viễn, tao có cảm giác đất nước mình không cần những người có tri thức". Ðói khổ, đau đớn như thầy Khan làm sau đứng vững trên bục giảng. Cuộc đời hai người thầy quá trái ngược, cũng như phong cách của hai người làm tao suy nghĩ rất nhiều. Tao mãi mãi là con nhỏ không bao giờ có thể hiểu nỗi cái lý thuyết cao siêu của Chủ Nghĩa Cộng Sản và tao cũng không hiểu vì sao thầy Khan lại ôm ấp giấc mộng thiên đường của Chủ Nghĩa Cộng Sản cho đến chết. Thầy Khoa- một thần tượng của đa số học sinh toàn trường lại từ bỏ quê hương. Tuổi trẻ của chúng mình có còn là hàng phượng đỏ chói chang, là niềm kiêu hãnh vô biên về tuổi mộng mơ đẹp nhất đời không? Ðã có nhiều đêm tao suy tư về số phận của tất cả bọn mình.

Các bạn ơi! Ta vẫn còn ôm trong lòng một niềm ăn năn là đã đối xử với thầy Khan không tốt. Ta là một đứa học trò ngổ ngáo nên ta không kịp hiểu rằng chế độ Miền Bắc đã đào tạo ra thầy và nhào nặn thầy thành một mẫu số chung. Ta chính là người đã chế giễu thầy trong hầu hết các giờ học. Ta là thủ phạm trét mắc mèo trên ghế thầy và cũng chính ta đã viết giấy dán trong giáo án của thầy số 35. Khi thầy chết ta không kịp xin thầy tha thứ.

Hôm nay viết những dòng chữ nầy để tâm hồn ta thanh thản đôi chút và phần nào vơi đi những nỗi buồn. Xin tạm biệt những người bạn thân yêu. Ta xin gởi lại khung trời mùa hạ những nụ hôn sau cùng của tuổi học trò và hãy nói giùm ta với những chùm phượng đỏ rằng ta yêu màu hoa ấy. Chúc các bạn thành công và hạnh phúc trong tương lai.

Thân thương

Ngọc Lựu

Bạn bè chuyền tay nhau đọc lá thư của Lựu đến nhàu nát.

* * *

Mùa thi đã chấm dứt. Một ngày trong tháng bảy, Thảo trở lại trường xem kết quả thi tốt nghiệp. Hai giờ chiều mà sân trường vắng hoe. Cây phượng trong sân trường đã nở đầy hoa. Những cánh hoa phượng đỏ thắm trông giống như những đóm lửa rực sáng đốt cháy cả bầu trời. Nắng hạ oi ả, chói chang và cả sân trường bừng lên hàng ngàn tiếng ve ngân. Tiếng ve năm nay Thảo nghe buồn kỳ lạ. Nó không còn là tiếng ve của mùa hè những năm xa xưa. Bạn bè đâu rồi? Thảo nhìn quanh chỉ thấy những lớp học trống trơn. Người gác cổng đang quét những cánh phượng rơi trên mặt đất, thấy Thảo ông ngừng lại chào và khẻ mỉm cười. Thảo chào đáp lễ rồi quay sang nhìn những chùm phượng đang rung rinh trong nắng. Màu phượng rưng rưng làm lòng Thảo xao xuyến buồn man mác. Chưa có năm nào buồn như năm nay. Ðời học trò vô tư, hồn nhiên đã vụt chấp cánh bay xa. Thảo đã nhận ra những thay đổi đột ngột trong tâm tư nàng từ khi thầy Khan chết, thầy Khoa bỏ ra đi và Lựu bỏ trường, bỏ lớp.Hôm nay là ngày cuối cùng Thảo đến trường. Nàng nhìn tên của từng người bạn và hiểu rằng tất cả đã chuẩn hành trang lên đường. Nàng sẽ không còn những ngày nô đùa với bạn bè, không còn những ngày ngồi yên lặng trong lớp học uống từng lời của thầy, cô, nghe giọng nói, tiếng cười đùa nghịch ngợm của đám bạn bè hay phá phách. Còn đâu những mùa hè chuyển tay nhau những quyển lưu bút viết đầy những dòng chữ thân thương. Còn đâu những ngày bạn bè ngồi bên nhau nhặt từng cánh phượng rơi ép vào trang sách và những ngày rong chơi dưới cơn mưa hè mát lạnh làm ướt mềm mái tóc. Trường lớp sẽ ngủ yên. Từ đây, đời học trò đầy hoa bướm mộng mơ đã khép lại sau lưng Thảo. Tương lai đang mở ra trước mắt hay chỉ là một giấc mơ đầy ảo tưởng. Thảo quay ra cổng và đứng nhìn ngôi trường lần cuối cùng. Người gác cổng đã trở lại. Ông ta gọi:

_ Cô Thảo, cô có thư. Tôi chờ cô lâu lắm và hy vọng cô trở lại.

_ Thư ai đó chú Năm.

Ông già trao cho Thảo bọc giấy nhỏ, rồi mỉm cười có vẻ bí mật:

_ Về nhà mở ra xem.

Thảo đón lấy và nhét vội vào giỏ xách:

_ Cám ơn bác nhiều. Ðây là địa chỉ của con. Hôm nào bác rảnh ghé nhà con chơi.

Ðẩy chiếc xe đạp ra khỏi cổng. Thảo không nén được sự tò mò. Nàng mở gói giấy ra xem và tim nàng đập rộn lên một niềm vui khôn tả. Thảo bất giác hét lên vui sướng:" Ôi! Thư của thầy Khoa. Thầy còn sống. Cám ơn trời phật. Thầy ơi! Thầy ơi! Mong một ngày hạnh ngộ".

Bình Dương, những ngày vào hạ 6- 1984
Viết lại 6-2000 tại Maryland
Phong Thu
Viết cho các bạn Ý Nhi, Ngọc Hà, Phượng Linh,
Bích Hồng - Việt Nam và Thu Thuỷ ở Úc Châu.

Chú thích: (*) Thật lòng Phong Thu đã quên ai là tác giả của bài thơ trên vì thầy giáo đọc bài thơ nầy đã trên 22 năm nên đành thất lễ. Nếu quí vị nào nhớ xin nhắc hộ. Ða tạ. Phong Thu cũng kính xin cụ Mộng Tuyền nữ sĩ nhắc nhở và chỉ giáo. Thành thật cảm ơn.


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Chủ Nhật, 08 Jan 2012, 1:46 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
cuti Date: Thứ Hai, 09 Jan 2012, 6:37 PM | Message # 3
Major
Group: Disciples
Messages: 90
Status: Tạm vắng
Đọc truyện này làm mình nhớ đến cô giáo dạy Sử của mình. Ngay sau năm 1975, cô giáo dạy Sử (người Nam) bị bắt buộc phải dạy Sử theo đường lối mới. Dạo đó, các em nhỏ chưa phải học chính trị, cho nên môn Sử được dùng để xen chính trị vào đó. Các trẻ em được ... nhồi sọ về Bác Hồ, về Mác Lênin, về Đảng CSVN, và về cuộc cách mạng giải phóng miền Nam ra khỏi tay bọn đế quốc Mỹ.

Mình còn nhớ, một hôm cô giáo dạy đến phần gốc gác của con người và sự tiến triển của loài người qua các giai đoạn lịch sử. Cô giáo bảo cả lớp giở trang sách gì gì đó, thì trong sách có vẽ một loạt hình hoạt hoạ về con người. Đại khái bắt đầu bằng hình con vượn thấp lè tè đi bằng 2 tay 2 chân, rồi từ từ con vượn đi thẳng lưng lên một chút, rồi một chút nữa, rồi sau đó đi bằng 2 chân, còn 2 tay thì cầm búa và lưỡi liềm, sau cùng thì con vượn đi đứng thẳng như con người bây giờ, thế là thành con người. Đặc biệt nhất là câu chú thích để giải thích việc biến đổi này: "Vượn Hóa Thành Người Nhờ Biết Lao Động" và kế bên là cái hình búa và lưỡi liềm chéo nhau. Mình thấy vô lý hết sức và nhất quyêt không thèm học Sử, mặc dù mình rất thích môn Sử Việt, nhất là thời dựng nước và giữ nước của cha ông chúng ta.

Đến giờ Sử kế tiếp, mình xui xẻo bị cô giáo gọi lên bảng trả bài về bài học nguyên thủy của con người. Mình thưa nhỏ với cô: "Cô cho con dịp khác trả bài, con hứa sẽ học về Sử Việt truyền thống, còn phần này vô lý quá con học không vô". Cô mỉm cười và cho mình hoãn. Lần thi Sử cuối năm đó, mình trúng tủ được cô cho điểm rất cao và phê một câu xanh rờn cho đến bây giờ mình vẫn còn nhớ: "Học được nhưng lười. Nhớ cẩn thận." Lúc đó mình mới hiểu cô bị bắt buộc nhồi sọ vào đầu trẻ thơ những điều mà có lẽ cô cũng chẳng tin.

Có cẩn thận cách mấy cũng không sống được với cái thiên đàng giả tạo đó. Rồi cũng như thầy Khoa, cô giáo Sử của trường mình cũng bỏ quê hương, mái trường và đám học trò nhỏ.
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Hai người thầy (Phong Thu)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO