Thứ Năm
18 Apr 2024
3:13 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Tỉnh giấc chiêm bao (Tôn Nữ Mặc Giao)
Tỉnh giấc chiêm bao
LongTracAn Date: Thứ Tư, 07 Dec 2011, 6:04 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng
Tỉnh giấc chiêm bao - Tôn Nữ Mặc Giao

Trên xa lộ 101 South chiều nay, một chiếc xe hơi nhỏ của Nhật hiệu ‘Toyota Avalon’ đã húc thật mạnh vào đít một chiếc xe van màu trắng, may mà đằng trước không có một chiếc xe nào nên chiếc xe van như một chiếc phi thuyền con được phóng lên không gian, lao mạnh về phía trước đến mươi, mười lăm mét, lảo đảo như người say rượu, lạng qua lạng lại vài giây đồng hồ rồi mới ngừng hẳn lại được. Chiếc xe hơi nhỏ bẹp dúm một cách thảm hại, người tài xế chắc là bị thương nặng. Còn chiếc xe van, phần bị húc đằng sau nhăn nhúm như da bà già. Phần đằng trước trông có vẻ không thấy gì, nhưng người đàn ông lái xe đã bất tỉnh nhân sự từ bao giờ trên chiếc ghế gãy gập đôi dành cho người tài xế.
Dũng mở mắt ngơ ngác vài giây đồng hồ sau hơn ba ngày hôn mê không biết gì nơi phòng ICU của bệnh viện. Chàng thấy ê ẩm khắp thân thể không cựa quậy nổi, đầu óc choáng váng và nặng như chì. Lờ mờ hiện ra trước mắt chàng là những khuôn mặt quen thuộc: Hảo vợ chàng, Michelle đứa con gái lớn và Kevin đứa con trai kế của chàng đang bu quanh giường nơi chàng nằm, ngoài ra còn một khuôn mặt khác đang ẩn hiện phía sau lưng vợ con chàng, mà khi vừa nhìn thấy đã làm chàng run lên bần bật rồi kêu lên hốt hoảng và phóng cái nhìn theo hướng đi của cô y tá vừa quay lưng rời khỏi phòng để báo tin cho bác sĩ biết chàng đã tỉnh :
- Nhân Thụy! Nhân Thụy! đừng đi! đừng đi Nhân Thụy ơi! rồi chàng lại thiếp đi trong mê sảng ....
Trong cơn hôn mê, đầu óc chàng rất ư là lộn xộn, lúc thì chàng thấy mình đang ôm vợ con ở quê nhà. Vợ chàng đó. Nhân Thụy và đứa con gái còn đỏ hỏn của hai người chứ không phải Hảo và hai đứa con ở Mỹ như hiện tại. Lúc thì chàng lại thấy mình ôm một người con gái trong biển lửa giữa một tiếng nổ lớn kinh hồn, có lúc chàng lại thấy mình bị hất tung lên trên cao để rồi rơi xuống không biết gì nữa ....
Hảo bước nhanh ra khỏi phòng ICU, ôm lấy ngực thở hổn hển, tay nàng lạnh toát, trống ngực đập thình thình, Vũ tỉnh lại rồi, chàng đang gọi tên một người? phải chăng chàng đã nhớ lại được chuyện 29 năm về trước? Nhân Thụy là tên ai? có phải vợ của Vũ trước khi chàng mất trí nhớ không? cô y tá ban nãy liên hệ thế nào với dĩ vãng mà khiến chàng hoảng hốt đến như vậy khi nhìn thấy cô ta? bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong đầu Hảo làm nàng lo sợ. Bao nhiêu năm làm vợ chồng với Vũ, Hảo có lúc đã từng nghĩ đến một ngày nào đó, Vũ nhớ lại được quá khứ, nếu chàng đã có gia đình trước và tìm lại được vợ con thì nàng sẽ thế này, thế nọ ...v...v... lúc đó sao nàng cảm thấy mình thật là bình tĩnh. Câu chuyện tưởng đã chìm trong quên lãng, không ngờ hai mươi mấy năm qua, bây giờ khơi lại, Hảo quả thật có hơi chao động và bị mất bình tĩnh thật. Nếu quả thực Vũ đã có gia đình trước khi lấy nàng thì nàng phải làm sao???. Bình tĩnh, bình tĩnh, phải bình tĩnh, Hảo xua tay ôm lấy đầu và tự nhủ thầm như thế, việc trước tiên phải chờ Vũ thật sự qua cơn nguy hiểm và tỉnh hẳn lại xem chàng nói gì, nếu quả thực chàng đã có vợ con trước, mình cũng phải có bổn phận giúp chàng đối diện sự thực, tìm cho ra vợ con của chàng. Bao nhiêu năm rồi, Hảo tự đặt mình vào trường hợp người vợ bị chia cách của chàng, họ chắc hẳn là phải đau khổ lắm! vì Hảo rất yêu chồng, bao nhiêu năm ân ái vợ chồng, có với nhau hai mặt con, tình nghĩa hai người càng ngày càng nồng đậm, lúc nào cũng như bát nước đầy. Bây giờ nếu bỗng dưng bị xa cách, Hảo cảm thấy đau khổ chết được, người đàn bà vợ chàng, nếu yêu chàng cũng như nàng đã yêu, chắc chắn phải là đau khổ lắm! họ là ai? bây giờ đang ở đâu? trời ơi! sao mình lại bối rối đến như vậy! Nghĩ đến đây thì cửa phòng ICU xịch mở, cô y tá ban nãy bước ngang qua mặt Hảo, suy nghĩ một chút, Hảo chạy với theo và gọi:
- Cô y tá ơi! làm ơn cho tôi hỏi thăm một chút. [Vũ nằm bệnh viện mấy ngày là Hảo gặp cô y tá đủ mấy ngày nên nàng biết cô là người Việt Nam và nói tiếng Việt rất sõi, vì vậy nàng dùng ngôn ngữ VN nói với cô chứ không xài tiếng Mỹ].
Cô y tá xoay mình lại mở to cặp mắt chờ đợi. Hảo nói tiếp:
- Xin lỗi cô, làm phiền cô một chút có mất thì giờ của cô không?
- Thưa bà muốn hỏi gì ạ?
- Tôi thấy cô rất quen mặt, giống một người bạn xưa của tôi. Xin lỗi cô có biết người đàn bà nào tên Nhân Thụy không?
- Thưa Nhân Thụy là tên của mẹ cháu. Bà quen biết với mẹ cháu?
Hảo đành phải nói dối tiếp để tìm hiểu thêm câu chuyện:
- Thế thì may quá, mẹ cô có lẽ đúng là người tôi muốn tìm rồi, tôi quen biết với mẹ cô nhưng lại xa cách từ ngày mất nước không biết mẹ cô có còn nhận ra tôi không? rồi nàng ‘’đánh’’ một câu để dò xem cha cô y tá có phải là Dũng không - bố mẹ cô vẫn khỏe chứ?
Mặt cô y tá buồn hiu:
- Thưa bố cháu đã mất ngay trong biến động 75 của đất nước rồi, mẹ cháu cũng đã qua đời vài năm nay. Tự dưng cô đổi cách xưng hô không gọi Hảo là bà nữa - nhưng cháu còn ông bà ngoại, nếu cô cần gì cô có thể đến nhà hỏi thăm ông bà ngoại cháu thì rõ hơn, cháu nghĩ ông bà ngoại cháu chắc vui mừng lắm nếu gặp được một người quen biết cũ của mẹ cháu ngày xưa.
Cô lấy giấy bút ra ghi vội địa chỉ, số phôn của mình đưa cho Hảo rồi nói:
- Đây là địa chỉ, số phôn của cháu. Hôm nào rảnh mời cô đến nhà chơi, cháu sẽ về thưa với ông bà ngoại cháu, bây giờ cháu phải làm việc rồi, xin phép cô.
Hảo cầm miếng giấy có ghi địa chỉ và số phôn của cô y tá mà cứ ngẩn tò te nhìn theo dáng cô đi khuất nơi cuối dãy, trong lòng dấy lên một niềm thương cảm, ngậm ngùi nếu quả thực đây là phần đời trước của Vũ thì thật là tội cho chàng quá! Bây giờ tỉnh lại biết được người vợ mà chàng từng yêu thương trước kia đã qua đời, chàng sẽ ra sao? vợ chồng ăn ở với nhau bao nhiêu năm, Hảo biết rõ tánh chồng là một người đàn ông mẫu mực, có tình có nghĩa, thương vợ lo con, chu toàn trách nhiệm. Thật đúng là một người chồng, người cha gương mẫu. Cho dù bây giờ chàng có nhớ lại được chuyện cũ, chắc chắn không bao giờ chàng bỏ nàng, Hảo biết chắc như vậy, nhất là nàng đã có hai đứa con với chàng. Hai đứa con mà chàng cưng còn hơn tánh mạng của mình. Hảo biết vậy cho nên vì thương chồng, nàng sẵn sàng cùng chồng giải quyết vấn đề cho êm đẹp, không để cho chồng phải đau khổ hoặc lâm vào cảnh khó xử. Căn cứ theo sự hốt hoảng lúc tỉnh dậy của chồng khi nhìn thấy cô y tá, Hảo biết chắc Vũ yêu người vợ trước của chàng biết là dường nào. Chàng là người yêu thương và có trách nhiệm gia đình với nàng và các con nàng như thế nào thì đối với vợ con trước kia của chàng cũng sẽ y như vậy. Chỉ qua vài câu đối thoại ngắn ngủi với cô y tá, nàng đoán đến 90 phần trăm cô là con gái của Dũng rồi. Nàng dự định sẽ hỏi cô y tá hôm nào là ngày ‘’off’’ để nàng lấy hẹn đến thăm ông bà ngoại của cô và tìm hiểu thêm sự thực về cuộc đời Vũ trước khi thành hôn với nàng .
Hai hôm sau, Dũng được chuyển xuống phòng TCU, sức khỏe không còn nguy hiểm nữa, trí óc chàng cũng khôi phục dần dần. Cái nhận xét đầu tiên của Dũng là tên họ của chàng bị đỗi hoàn toàn, Ngô Nguyên Dũng là tên cha sinh mẹ đẻ của chàng tại sao bây giờ lại là Trần Đức Vũ? rồi chàng nhớ lại tai nạn xe trên xa lộ 101 hôm nào. Thôi chết rồi! [Dũng kêu thầm] cứ sau mỗi lần bị chấn thương mạnh mẽ, hôn mê tỉnh lại là cuộc đời chàng lại bước sang một khúc quanh mới. Thì ra lần hôn mê thứ nhì này đã giúp chàng khôi phục lại ký ức.
Chàng nhớ rất rõ. Trên đường tháo chạy rời bỏ Pleiku để lánh nạn cộng sản, chàng đã cứu thoát được một người con gái trong biển lửa nhưng chàng đã bị một tiếng nổ lớn làm văng lên trên cao rồi rơi xuống bất tỉnh nhân sự, trong khi người con gái chàng ôm trong tay lại không hề hấn gì ngoài những vết phỏng do lửa để lại. Gia đình người con gái cảm kích đã không nở bỏ chàng ở lại một mình, họ bẻ những cành cây bên vệ rừng làm cáng kéo lê chàng quay trở về nhà họ, không gia nhập theo đoàn người di tản nữa, nhất là sau khi đứa con gái của họ được chàng cứu thoát như chết đi sống lại trong gang tấc làm họ kinh hoàng không dám mạo hiểm nữa. Đêm hôm đó chàng tỉnh lại, vết thương trên người không đáng kể, nhưng đầu óc chàng có vấn đề. Sau lần tỉnh lại đó, chàng không nhớ gì hết, gia đình người con gái được chàng cứu đã cảm kích nên cưu mang chàng, họ cũng đã hết lòng tìm hiểu thân thế chàng để sau này yên ổn sẽ giúp chàng tìm kiếm lại gia đình, nhưng vô ích thôi, vì chàng không nhớ gì hết, lại không có giấy tờ gì trong người nên không biết quê quán chàng ở đâu để mà hỏi thăm. Chàng nhớ rõ là ngày tháo chạy, chàng chỉ mặc trên người duy nhất một bộ đồ tây cũ, đeo theo một cái túi vải, trong đó có giấy tờ và vài dụng cụ cá nhân lặt vặt. Có lẽ trong lúc gấp gáp nhảy vào lửa để cứu cô gái, chàng đã thảy vội cái túi vải sang một bên, đến khi bị thương bất tỉnh, chẳng ai biết cái túi vải ấy của ai để mà giữ lấy cho chàng. Rồi cộng sản lên nắm chính quyền, ai về nhà nấy, chàng ngơ ngác không biết về đâu. Gia đình Hảo [cô gái được chàng cứu] coi chàng như một vị ân nhân, cảm thương hoàn cảnh chàng nên giữ chàng ở lại, sợ bọn cộng sản làm khó dễ đã nhận chàng làm con rể và đặt cho chàng cái tên Trần Đức Vũ theo giấy tờ của một người di tản cũng cỡ trạc tuổi chàng bị trúng đạn chết bên vệ đường không người thừa nhận, gia đình Hảo thương hại đào lỗ lấp vội bên bìa rừng, cha Hảo giữ lại giấy tờ phòng khi có người hỏi còn biết đường chỉ cho người ta đến nơi chôn tạm mà bốc mộ đem về chôn cất tử tế. Và rồi ở lâu sinh tình, hai người trở thành vợ chồng thật sau đó không lâu. Gia đình cha mẹ Hảo thuộc loại trung lưu, chuyên sống về nghề buôn gỗ, họ có một trại cưa khá lớn ngay tại trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột. Chỉ hơn hai năm sau, bên ngoại của Hảo quê ở Rạch Giá tổ chức vượt biên, cha mẹ của Hảo đã tháp tùng và đem theo cả vợ chồng chàng trong khi Hảo đang mang cái bụng bầu gần ngày sanh, may mắn thay vừa lên đến trại Paulo Bidong là Hảo chuyển bụng sanh được một đứa con gái. Sau đó, vợ chồng chàng được định cư ở Mỹ cho đến bây giờ.
Khúc phim dĩ vãng lần lượt hiện ra trong óc chàng rõ mồn một như mới hôm nào, cái đau của Dũng là chàng đã ngủ một giấc chiêm bao quá dài. Trong giấc chiêm bao 29 năm đó, chàng không nhớ một tí gì về Nhân Thụy và đứa con gái mới ra đời cả. Chàng đã yêu thương Hảo, đã thành hôn với nàng và đã có với nàng hai đứa con. Bây giờ tỉnh giấc chiêm bao, chàng cảm thấy rất là đau khổ, phải ăn nói làm sao với Hảo đây? còn Nhân Thụy của chàng, người vợ đầu ấp tay gối thuở thiếu thời mà chàng không thể nào quên được bây giờ đang ở đâu? Hèn gì mỗi lần tình cờ nghe được ở đâu đó câu hát được phổ từ thơ của Du Tử Lê: ‘’....êm ái và ngọt ngào cắt đứt cuộc tình đầu, Thụy bây giờ về đâu....’’ là chàng nổi cơn nhức đầu, lờ mờ ẩn hiện trong tiềm thức một khuôn mặt con gái nào đó, và cái tên Thụy nghe rất quen thuộc mà không làm sao chàng nhớ nổi. Còn cô y tá nơi phòng đặc biệt kia là ai? tại sao lại giống hệt Nhân Thụy như vậy? Thoạt đầu khi mới tỉnh lại, thần trí chưa được tỉnh táo, chàng đã hốt hoảng tưởng Nhân Thụy nên kêu lớn, bây giờ đầu óc sáng suốt, bình tĩnh trở lại, chàng biết đó không phải là nàng nếu tính về tuổi tác, nàng năm nay cũng đã trên 50 tuổi rồi, còn cô y tá kia, chàng đoán chỉ độ trên dưới 30 là cùng. Cũng xuýt xoát tuổi con gái chàng mà thôi, đứa con gái chưa kịp đặt tên đã bị thất lạc vì chiến tranh. Cuộc đời quá ư là tàn nhẫn, đã xảy ra ngay trên mình của chính vợ con chàng. Tội nghiệp! hai mẹ con không biết bây giờ lưu lạc phương nao? Nhân Thụy! chàng làm sao có thể quên được, đứa con gái nhà giàu, con độc nhất của một vị sĩ quan cao cấp trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vì yêu đã bất chấp tất cả gia phong lễ giáo, môn đăng hộ đối, để chạy theo chàng. Một anh học trò nghèo, con một người vú nuôi ở đợ cho gia đình nàng, có mỗi cái tú tài mà cũng không đậu nổi để rồi phải vào lính và lên tuốt tận vùng cao nguyên xứ mọi buồn hiu hắt cho đến ngày mất nước.
Chàng và nàng bằng tuổi nhau, chơi với nhau từ nhỏ. Mẹ của Dũng được cha mẹ Thụy đưa từ dưới quê lên để giúp đỡ mẹ Thụy chăm sóc và nuôi nấng Thụy từ thuở mới lọt lòng cho đến lớn. Cha Thụy thương hại hoàn cảnh mẹ goá con côi nên đã đùm bọc hai mẹ con chàng như một người thân trong gia đình, ngoài tiền lương hằng tháng trả cho mẹ chàng, ông còn nuôi Dũng ăn học, hễ Thụy học đến đâu Dũng cũng được học đến đấy. Nhưng oái oăm thay Thụy học đến đâu trôi chảy đến đó, còn Dũng chỉ mỗi cái tú tài thôi mà thi mãi cũng không xong. Đã vậy hai người lại còn nảy sanh tình cảm. Chàng nhớ rõ lắm! sau khi cha mẹ nàng phát hiện chuyện tình của hai người, đã cực lực phản đối và đuổi hai mẹ con chàng ra khỏi nhà không chứa chấp nữa. Phụ thân của Thụy tuy rất giàu lòng nhân đạo nhưng lại nặng lòng kỳ thị giai cấp đã trở nên rất tàn nhẫn, thà là mất con chứ nhất quyết không chấp nhận Dũng là con rể. Thụy vì yêu chàng nên đã rời khỏi gia đình theo hai mẹ con chàng đến tá túc trong một căn nhà gỗ ở xóm Thị Nghè mà mẹ chàng đã mua lại bằng cả gia tài để dành được từ ngày đến làm vú nuôi ở nhà nàng. Số tiền này, mẹ chàng dự định để dành sau này cưới vợ cho Dũng, không ngờ chỉ vì chàng chẳng làm nên trò trống gì lại còn đèo bồng con gái nhà giàu khiến mẹ tuổi già vẫn chẳng được yên thân. Tội nghiệp Nhân Thụy, sung sướng từ tấm bé, bây giờ theo Dũng phải lam lũ mà nàng không hề kêu ca một tiếng. Mỗi sáng nàng dậy sớm giúp mẹ chồng nấu cơm tấm, pha cà phê để bán cho khách lao động đi làm sớm, buổi chiều nàng đi dạy đàn piano cho con một gia đình người Hoa trong Chợ Lớn. Nàng không để cho Dũng làm gì động móng tay cả, để chàng rảnh thì giờ ôn bài thử thời vận thêm một lần nữa. Dũng là con trai độc nhất trong gia đình nên được miễn dịch, tha hồ... ở nhà muốn thi đến bao giờ đậu thì đậu. Nhưng khổ nỗi ‘’học tài thi mệnh’’, chàng đâu đến nỗi dốt nát lắm mà thi keo nào là rớt keo nấy. Đầu Xuân năm 74 Thụy mang thai. Thấy vợ bị thai hành, ụa lên ọe xuống, chàng sốt ruột cứ đòi bỏ học để đi tìm việc làm cho Thụy và mẹ đỡ khổ, nhưng Thụy không cho, nàng năn nỉ Dũng hãy ráng học thi cho đậu, người ta muốn học không được, vì thời buổi chiến tranh rớt là phải đi lính, còn chàng được miễn dịch tại sao không lo tạo công danh để cha mẹ nàng khỏi khinh khi. Nghe Thụy nói, Dũng lại xiêu lòng, cố công ‘’dùi mài kinh sử ‘’ thêm một lần nữa, hy vọng ‘’tên đề bản hổ’’ vừa đẹp lòng nàng vừa hy vọng học thêm lên cao để tương lai được sáng sủa hơn.
Nào ngờ ‘’hết cơn bỉ cực lại đến hồi ... tối thui’’ chứ sáng sủa gì. Dũng lại trượt vỏ chuối, chàng chán nản uống rượu giải sầu say túy lúy nhất quyết không chịu thi lại kỳ nhì. Mẹ nàng nghe tin nàng có bầu, vì thương con đã lén cha nàng đến thăm và chu cấp tiền bạc cho nàng. Dũng biết được chàng buồn bã trong lòng, tự ái thằng đàn ông nổi dậy, chàng lồng lên đi tìm việc làm và dặn Thụy không được lấy tiền của mẹ nữa, nhưng khốn nỗi không một mảnh bằng trong tay chàng tìm được việc gì? chàng về năn nỉ Thụy hãy để cho chàng đăng lính, tuy nghèo và chẳng chức vụ gì nhưng vẫn là cái tôn nghiêm của một thằng đàn ông mang lý tưởng đi phục vụ quốc gia còn hơn bây giờ cứ ngửa tay ăn bám gia đình, nhất là gia đình vợ. Cuối cùng Thụy đành gạt nước mắt để Dũng đi lính. Rồi chàng đội mũ nâu theo binh chủng Biệt Động Quân và lên tít tận Pleiku ‘’má đỏ môi hồng’’ . Đầu tháng 12 năm đó Thụy sanh con gái, chàng được phép một tuần về thăm con trong ngày đầy tháng. Thụy đã thì thầm vào tai chàng hãy vì con cho nàng trở về năn nỉ cha, xin cha lo cho chàng được về ở gần vợ con, chàng đã hôn Thụy và lắc đầu từ chối lời đề nghị của nàng. Dũng không nói ra nhưng chắc Thụy hiểu, thương vợ con chàng đã nhượng bộ một bước, mắt nhắm mắt mở để cho nàng nhận tiền trợ cấp từ tay người mẹ vì thương con, đã trốn chồng lén lút đưa cho nàng chứ chàng không thể chấp nhận lời đề nghị của nàng để làm một anh lính hèn được. Sau lần trở ra đơn vị đó, tình hình chiến sự càng ngày căng thẳng cho nên chàng chẳng còn dịp để gặp lại vợ con lần nào nữa cho đến ngày mất nước. Cả đứa con cũng chưa kịp đặt tên. Ôi! Thụy ơi! anh thật có lỗi với hai mẹ con em.
Hảo đến nhà Nhân Ái [tên của cô y tá] vào một buổi trưa. Ông ngoại của Nhân Ái dắt Hảo sang phòng bên cạnh, chỉ lên bàn thờ và nói:
- Di ảnh hai vợ chồng đứa con gái của chúng tôi đó, hũ cốt có gắn bức hình nhỏ là mẹ chồng của con gái tôi. Cuộc đời chúng nó cũng gian truân lắm! rồi ông chép miệng lắc đầu nói với một giọng hết sức là đau khổ và hối hận:
- Cũng là lỗi tại tôi hết, nếu tôi đừng đuổi chúng nó đi thì đâu có lâm vào cảnh người tóc bạc phải khóc người tóc xanh như thế nầy.
Hảo nhìn bức ảnh người đàn ông trẻ trên bàn thờ nhận ra ngay là chồng mình dù đã 29 năm qua, không khác gì thằng Kevin, đứa con trai của nàng và Vũ bây giờ. Nàng lặng người đi một chút rồi phân vân không biết mở đầu câu chuyện thế nào cho khỏi đột ngột với một ông cụ già, nhất là với Nhân Ái thì may mắn thay ông cụ lên tiếng trước:
- Cô sang phòng khách ngồi nói chuyện, Nhân Ái! con làm nước mời cô rồi xem bà ngoại thức hay ngủ mời ngoại ra nghe chuyện.
Đợi cho mọi người đông đủ, Hảo nói chậm rãi từ tiếng:
- Thưa bác, nếu bây giờ cháu nói cha của Nhân Ái còn sống thì bác có tin không? ông cụ há hốc mồm chưa kịp nói gì thì Nhân Ái vội nắm lấy tay Hảo hỏi tới:
- Cô ơi! cô nói thật không? cha cháu còn sống hả cô? Tội nghiệp mẹ cháu đã tìm và chờ đợi cha cháu cho đến lúc chết cũng chẳng hề nghe được một tin tức gì cả.
Hảo vỗ nhè nhẹ lên bàn tay của Nhân Ái và quay sang ông bà cụ nói:
- Thưa hai bác, nếu có thể được, hai bác cho cháu nghe chuyện của cha mẹ Nhân Ái trước năm 75 để cháu nối tiếp phần đời của cha Nhân Ái sau ngày mất nước cho nó dễ bắt đầu mà không bị đột ngột. Thưa, cháu có thể biết tên cha của Nhân Ái là gì không ạ!
Ông cụ cho Hảo biết tên của Vũ là Ngô Nguyên Dũng, rồi cụ bắt đầu kể cho Hảo nghe chuyện tình của ..... chồng nàng bằng một giọng trầm buồn đầy nước mắt, cụ bà ngồi bên cạnh luôn tay chậm nước mắt thỉnh thoảng cũng xen vào ‘’nhắc tuồng’’ những chỗ cụ ông bỏ sót. Sau cùng ông kết luận:
- Chỉ tại tôi quá coi trọng mặt mũi, đặt nặng vấn đề môn đăng hộ đối đã khiến đứa con gái khổ cả một đời. Rồi cụ bật khóc nức nở - cô thấy đó! danh vọng, tiền tài, vật chất chỉ một cơn lốc là cuốn trôi tất cả. Nếu tôi sớm nhận ra hạnh phúc đứa con gái mới là quan trọng thì Nhân Ái đâu bị mồ côi sớm như vậy. Cụ nói, lúc gần mất nước cụ mới hối hận nghĩ đến vợ chồng đứa con gái và người vú thân tín như người nhà, cụ năn nỉ con gái và ‘’chị sui’’ hãy bồng Nhân Ái theo cụ đi tị nạn, nhưng chị sui không chịu đi, bà nói bà phải ở lại chờ con trai mặc dù cao nguyên đã mất trước Sài Gòn cả hơn tháng rồi. Con gái cụ cũng vậy, nó đã quì xuống gửi gấm đứa con gái mới sanh cho vợ chồng cụ và xin tha thứ tội bất hiếu để xin được ở lại tìm chồng cho trọn nghĩa.
Chín năm sau cụ bảo lãnh được Nhân Thụy sang Mỹ nhưng mẹ của Dũng đã ra người thiên cổ sau “giải phóng’’ được vài năm, phần nghèo khổ vì Việt cộng cai trị, phần buồn rầu vì không có tin tức của Dũng, ai cũng nói nhiều phần là Dũng đã chết rồi, bà lại càng xuống tinh thần hơn rồi sinh bịnh, vì thiếu thuốc men trị liệu cho nên đã qua đời. Để lại một mình Nhân Thụy tiếp tục bôn ba lên xuống Kontum, Pleiku, Buôn Mê Thuột, buôn bán đủ nghề để dò la tin tức chồng, bất cứ chỗ nào, hễ nghe có người nói đã từng gặp qua Dũng là nàng mò đến. Cho đến khi rời VN sang Mỹ, nàng vẫn không nản lòng, nàng nhờ các hội đoàn người Việt hải ngoại, đưa cả số quân, số đơn vị của chồng cho họ mà cũng chẳng ai biết, cũng có người nói đã từng nhìn thấy Dũng trên đường di tản, nhưng chàng hay dừng lại ở dọc đường để giúp đỡ mọi người cho nên từ từ bỏ xa đồng đội rồi cuối cùng cũng chẳng ai biết chàng đã đi về đâu. Nàng ở vậy nuôi dưỡng, dạy dỗ Nhân Ái, giữ gìn kỷ cương, tam tòng tứ đức của người Việt Nam, và nhất là dạy con không quên cội nguồn cho nên Nhân Ái nói và viết tiếng Việt rất giỏi. Nàng qua đời vì bị ung thư gan lúc tuổi đời chưa đến 50.
Hảo nghe xong câu chuyện đôi mắt nàng mờ lệ lẩm bẩm:
- Thật đúng là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng’’. Trời ơi! Tụi cháu ở Buôn Mê Thuột đến năm 77 mới vượt biên, trong khi chị Nhân Thụy lên lên, xuống xuống Buôn Mê Thuột để buôn bán mà chẳng hề một lần gặp gỡ. Thưa bác xin tha tội cháu đã nói dối là bạn của chị Nhân Thụy để có dịp được gặp bác tìm hiểu câu chuyện. Anh Dũng còn sống bác ơi! quay sang Nhân Ái, Hảo ân cần: cha cháu vẫn còn sống, là bệnh nhân tên Trần Đức Vũ mà cháu đang chăm sóc tại bệnh viện đó. Thưa bác, anh Dũng vì cứu cháu nên bị tai nạn mất trí nhớ.
Rồi nàng tỉ mỉ kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông bà cụ và Nhân Ái nghe từ cái trận lửa trên đường di tản năm 75 cho đến tai nạn xe kỳ này. Vì sao Dũng lại tên Vũ rồi trở thành chồng nàng và vì sao mà nàng lại biết được cái tên Nhân Thụy để mà tìm đến đây.
*
Ngày Dũng xuất viện, đón chàng về nhà còn có thêm Nhân Ái và ông bà ngoại của con gái chàng. Từ đó, trong nghĩa trang ‘’Oak hill’’, chiều nào người ta cũng nhìn thấy một người đàn ông trung niên mặc nguyên bộ đồ đen, quỳ phủ phục trước ngôi mộ một người đàn bà đã một đời sống chết cho tình yêu, thủ thỉ, thì thầm kể lại chuyện một người đàn ông đã ngủ một giấc ngủ dài suốt 29 năm qua......

Tôn Nữ Mặc Giao


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 09 Dec 2011, 11:25 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » TRANG VĂN THƠ » TRUYỆN NGẮN ĐẶC-SẮC VN » Tỉnh giấc chiêm bao (Tôn Nữ Mặc Giao)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO