Thứ Năm
25 Apr 2024
2:42 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG Y HỌC - SỨC KHỎE » TRANG ĂN NHẬU » VN đã có cà phê chồn ?
VN đã có cà phê chồn ?
LSK Date: Thứ Tư, 24 Aug 2011, 9:46 AM | Message # 1
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Việt Nam đã có cà phê chồn?
Nguyễn Vịnh
Cư Kuin, Đak Lak


Từ lâu cà phê Chồn đã trở thành một thức uống của huyền thoại. Vì với người sành điệu, đi tìm một quán cà phê ở Sài Gòn hay Hà Nội có bán cà phê Chồn để thưởng thức là điều không thể. Mà nếu bạn ở ngay thủ phủ của cây cà phê thì bạn cũng chỉ nghe kể. Vậy đâu là địa chỉ của cà phê Chồn?…Loạt bài viết này nhằm mời bạn đến với địa chỉ đó.

Kỳ 1: Truyền thuyết về cà phê

Cuối thế kỷ XVI, khi các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến vùng cao nguyên Êthiopia xa xôi của châu Phi để truyền giáo. Họ thấy rất khá nhiều thổ dân bị căn bệnh buồn ngủ. Người bị bệnh này lúc nào cũng thấy uể oải, lờ đờ và có cảm giác thường xuyên buồn ngủ. Họ có thể ngủ trong lúc đang đi lấy nước ngoài suối hay đang làm những công việc lao động giản đơn, mặc dầu họ đã ngủ nhiều hơn gấp 2-3 lần người khác hay thậm chí đã ngủ suốt cả ngày. Vì thế những người mắc bệnh này làm việc có hiệu quả rất thấp hay có thể rất nguy hiểm như trong lúc đang săn bắn chẳng hạn…



Bệnh do một loại ruồi sống bằng chích hút máu các con vật lớn như trâu, bò, lạc đà, ngựa …Trong lúc chích hút, ruồi tiết ra một loại độc tố làm cho máu không đông. Chính loại độc tố này đã làm các con vật không ngủ được, ốm dần. Đồng thời ở nơi vết chích máu cứ rỉ ra ngày này sang ngày khác làm cho con vật kiệt sức rồi chết. Khi số gia súc bị ít dần mà đàn ruồi sinh sản ngày càng nhiều lên nên đã dẫn đến việc chúng tấn công cả sang con người để chích hút máu.

Các thầy lang địa phương đã chữa bệnh này bằng cách hái một loại quả nhỏ như quả anh đào, bóc lấy hạt bỏ lên bếp lửa nướng cháy. Đến khi quả tỏa ra một mùi thơm liền đưa cho người bệnh nhai nát ra và nuốt. Điều làm cho các giáo sĩ và các thầy thuốc phương Tây đáng ngạc nhiên hơn là chỉ một lát sau người bệnh trông khỏe hẳn ra, ăn nói huyên thuyên và nhảy múa một cách thoải mái đầy phấn khích. Một số thổ dân không bị bệnh cũng lấy hạt đã nướng nhai nuốt và cho thấy một kết quả tương tự.

Cũng cần phân biệt một loại bệnh buồn ngủ của người mà nguyên nhân chính là do thiểu năng tuần hoàn não. Do lượng máu được bơm lên não bộ hạn chế nên não bị thiếu oxy làm cho người bệnh thường xuyên có cảm giác thiếu ngủ. Bệnh rất nguy hiểm đối với những người làm các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung cao độ như lái xe chẳng hạn.

Từ đó hạt cà phê được đưa về Châu Âu nhưng phải hơn thế kỷ sau mới trở thành một thức uống trước tiên là phục vụ cho giới quý tộc cung đình rồi dần dần mới lan tỏa trong dân gian.

Nếu cây cà phê được di thực qua Châu Á bởi người Bồ và người Pháp thì lại đi theo người Tây Ban Nha sang Nam Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII. Rất nhanh chóng, cây cà phê đã trở thành cây bản địa bởi nhờ sự thích hợp của khí hậu và thổ nhưỡng ở những vùng đất thuộc địa này.

Có một truyền thuyết nữa được lưu truyền trong thế giới Ả rập do những đoàn thương nhân phương Tây kể lại khi đưa cà phê là một thứ đồ uống mới từ vùng Cận Đông về Châu Âu. Người Ả rập cho rằng một số con dê trong những đàn dê của thổ dân Bắc Phi được chăn thả tự nhiên đã nhảy nhót một cách vui vẻ không biết mệt mỏi đến tận đêm khuya sau khi ăn một loại quả chín trên các cây mọc tự nhiên dưới tán rừng già. Và hầu như mỗi lần được thả ra số con dê đó cũng nhanh chóng chạy vào rừng tìm ăn loại quả kỳ lạ ấy. Các thầy tu của một tu viện gần đó đã thử uống nước ép ra từ loại quả đó và tỉnh táo cầu nguyện chuyện trò cho đến tận đêm khuya. Từ đó truyền thuyết cho rằng con người đã biết đến cây cà phê là nhờ những đàn dê của thổ dân này.

Tuy nhiên truyền thuyết này thiếu tính hợp lí vì quả cà phê với lớp xen-lu-lô tạo thành vỏ bao bọc nhân nên không thể tiêu hóa trong bao tử của bất kì loài động vật nào (nên mới có cà phê Chồn). Và quả cà phê nếu không được rang hay nướng chín lên thì không chuyển hóa được chất cafein để tạo thành một chất kích thích thần kinh.

Nhưng không phải thổ dân Châu Phi mà chính người Ả rập đã tìm ra cách pha chế loại quả ấy thành một thứ đồ uống từ cuối thế kỷ XV mà về sau được họ đặt cho cái tên là cà phê

Added (24 Aug 2011, 9:32 Am)
---------------------------------------------
Kì 2 : Cà phê, một thức uống quý tộc.

Khi ngồi nhâm nhi thưởng thức ly cà phê có bao giờ bạn biết được rằng : Mới cách đây vài thế kỷ, ở châu Âu chỉ những người giàu có như giới quý tộc hay nhà buôn mới có tiền để thưởng thức cà phê. Còn giới bình dân chỉ có trong mơ mới dám nghĩ đến việc uống một tách cà phê.


Những quán cà phê đàu tiên ở Ả Rập


Nếu những giáo sĩ người Bồ Đào Nha đã có công đưa hạt cà phê về Châu Âu vào cuối thế kỷ XVI, như một thứ dược liệu thì từ trước đó 2 thế kỷ, những người đi buôn nô lệ đã có công đưa cây cà phê di thực từ cao nguyên Ethiopia về vùng Ả rập. Chính vùng đất Ả rập là nơi trồng và phát triển cây cà phê đầu tiên và cũng chính người Ả rập đã phát triển nó thành một thức uống. Thành phố cảng Mocha của Yemen, nơi có giống cà phê Mokka nổi tiếng hiện nay được ghi nhận là trung tâm giao dịch cà phê đầu tiên của thế giới.

Song song với việc nhận thức loại hạt này phải nướng cháy cho đến khi tỏa ra một mùi thơm lừng là việc rang hạt cà phê lên rồi xay nhỏ. Từ đó nấu thành một loại nước có màu nâu sẩm, để cho lắng bả hay lọc bỏ bả đi rồi mới uống được. Nhưng có ý kiến cho rằng cách thức pha chế của người Ethiopia có lẽ là cách thức cổ xưa nhất. Họ cho hạt cà phê vào một cái chảo sắt to và rang lên, sau đó được nghiền vụn ra hoặc cho vào cối giã. Chỗ hạt giã vụn đó được trộn với đường rồi cho vào trong một cái bình cao cổ có quai để nấu lên và đổ ra bát.

Đầu thế kỷ XVI những quán cà phê đầu tiên được mở ở Ba Tư, là nơi tụ họp bàn thảo trao đổi hàng hóa của các thương nhân trong vùng đế quốc Thổ. Họ vừa thưởng thức một loại đồ uống mới kỳ lạ vừa trò chuyện rôm rả mà không thấy chán. Nhưng phải đến khi người Hà Lan, với một đội thương thuyền hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, vào đầu thế kỷ XVII, thức uống này mới trở thành hàng hóa được đưa từ thế giới Hồi giáo về Châu Âu và cây cà phê mới được đưa đi trồng khắp các vùng thuộc địa.

Ban đầu việc mở các quán bán loại thức uống này ở Ý bị sự phản đối của nhà thờ, nhất là các giáo sĩ dòng Tên người Bồ vì họ cho rằng nó làm mê hoặc con người. Nhưng bất chấp, thức uống mới này có sức thu hút không gì cưỡng được và lần lượt các quán cà phê được mở khắp Châu Âu mà trước hết là ở các thành phố cảng có nhiều thương nhân hoạt động như Mác-xây, Li-vơ-pul, Rốt-xtéc-đam, Bờ-rê-men…rồi về sau mới lan ra khắp các thành phố lớn khác ở nhiều nước. Chiến tranh giữa Áo và Thổ Nhỉ Kỳ chấm dứt với chiến lợi phẩm là vài trăm bao cà phê được đưa về Viên đã làm cho thành phố này có các quán cà phê nổi tiếng bậc nhất Châu Âu hồi ấy. Và cũng nhanh chóng, quán cà phê đầu tiên của nước Mỹ đã được mở ở bang Bốt-xtông vào nửa sau thế kỷ XVII. Nhưng cùng với đội thuyền buôn hùng mạnh, Hà Lan mới trở thành nước thống trị ngành thương mại cà phê.

Sở dĩ cà phê được coi là một thức uống của giới quý tộc vì cũng như hồ tiêu được đưa về từ xứ Đông Ấn xa xôi theo những đoàn thuyền buôn hàng tháng, thậm chí hàng nửa năm trời mới về đến Châu Âu. Lúc này kênh đào Suez nối liền Địa Trung Hải với Ấn Độ dương chưa được mở ra. Thuyền buôn phải đi vòng qua Cap Town của Nam Phi nên hành trình trở nên rất xa xôi, tốn kém. Và cũng vì thế người Hà Lan đã di dân đến đây định cư, lập nên một cảng biển để cung cấp lương thực thực phẩm cho các đoàn thuyền buôn của nước mình là chủ yếu làm cho Cap Town trở nên sầm uất. Chỉ những người giàu có như giới quý tộc hay nhà buôn mới có tiền để thưởng thức cà phê vì khi về đến Châu Âu giá thành của hạt cà phê đã là rất cao. Nếu nữ hoàng Anh lấy hạt hồ tiêu xâu thành chuổi để đeo trước ngực như một món đồ trang sức đắt giá và thời thượng thì nhạc sí thiên tài Bít-tô-ven lại tỉ mỉ đếm từng hạt cà phê trước khi cho vào cối xay nhỏ để pha. Đối với giới bình dân thì chỉ có trong mơ mới dám nghĩ đến việc uống một tách cà phê.


Cà phê, thức uống của giới quý tộc


Nếu không có những quán cà phê nổi tiếng của thành Viên thì nhân loại đã không có Kịch tác gia vĩ đại Uy-li-am Sếch-xpia với vở hài kịch đầy trí thông minh, vui nhộn “Người lái buôn thành Vơ-ni-dơ” và thiên tình sử đầy nước mắt “Rô-mê-ô và Ju-li-et”. Nếu không có quán cà phê nổi tiếng của thành phố Kốp-bờ-len-dơ nằm trên ngã ba sông Ranh của “đế quốc La Mã thần thánh” thì Đại thi hào Gớt khó mà cho đời những vần thơ ngồn ngộn sức sống và kỳ diệu về con người… Và có thể nói một cách không ngoa rằng : nếu không có cà phê thì cả Châu Âu mãi mãi chìm đắm trong “Đêm trường Trung cổ”. Cà phê đã làm cho cả Châu Âu bừng tĩnh, đứng dậy trong ánh sánh chói lòa của nền văn minh cổ đại Hy Lạp để bước vào thời kỳ Phục Hưng mạnh mẽ trên đôi chân khổng lồ của nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa và của nền văn minh Khoa học kỹ thuật công nghiệp…

Còn được coi là thức uống của giới quý tộc vì cà phê có cách pha chế rất cầu kì, phức tạp. Cũng có thể nói một cách không ngoa là có bao nhiêu dân tộc trên thế giới thì có bấy nhiêu cách chế biến cà phê và có bao nhiêu đất nước thì có bấy nhiêu cách pha cà phê. Do có nhiều cách pha chế như vậy nên việc đánh giá, thưởng thức một tách cà phê là điều rất khó thực hiện vì không dựa trên một tiêu chí nào cả.

Cách uống phổ biến của người Việt Nam là cách pha cái nồi ngồi trên cái cốc, theo cách uống của người Pháp, gọi là cà phê phin. Còn cách chế thì phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng sản xuất và thêm vào đó là cái gu của từng người. Có thể cho đường ít nhiều hoặc không ; có thể cho thêm sữa, ca cao hay lòng đỏ trứng đã được đánh thành kem…; có thể uống nóng hay cho thêm đá lạnh… Gần đây còn có thêm cách uống mới được gọi là bạc xỉu. Đó là lấy sữa đá hay nóng cho thêm một ít cà phê đã pha loãng vào.

Added (24 Aug 2011, 9:35 Am)
---------------------------------------------
Kỳ 3 : Cây cà phê với các vùng thuộc địa Châu Á.

Nếu Châu Âu là nơi đầu tiên phát triển cà phê trở thành một thức uống rộng rãi thì Châu Á mới là nơi đầu tiên trồng những cây cà phê ngoài bản địa. Chính các thương nhân Hà Lan đã buôn hạt cà phê từ đế quốc Thổ về Châu Âu và cũng chính thực dân Hà Lan đẫ đưa cây cà phê đi trồng trên khắp các thuộc địa của mình ở xứ Đông Ấn.

Trước khi biết đến chuyện cây cà phê đã đến với người Việt Nam từ lúc nào. Xin hãy nhìn ra chung quanh với những điều lý thú làm ngạc nhiên nhiều người.

Điều lý thú đầu tiên làm ngạc nhiên cho nhiều người là Châu Á mới chính là nơi tiếp nhận cây cà phê đầu tiên ngoài quê hương bản địa Châu Phi. Nếu các thương nhân Hà Lan đầu tiên buôn hạt cà phê về Châu Âu làm thức uống thì thực dân Hà Lan là người đầu tiên đã cho trồng cây cà phê trên các vùng đất thuộc địa của mình ở xứ Đông Ấn. Khoảng đầu nửa sau thế kỷ XVII cây cà phê ngoài quê hương mới được trồng đầu tiên ở đảo Tích Lan và sau đó đến cuối thế kỷ XVII được trồng ở quần đảo Indonésia.

Và điều lý thú hơn nữa nếu biết thêm được rằng cây cà phê đầu tiên nảy mầm trên đất Châu Âu, là trong các vườn nghiên cứu sinh vật ở thủ đô Am-xtéc-đam của Hà Lan, là phải sang đầu thế kỷ XVIII.

Tất nhiên, trên quê hương mới, cây cà phê chưa phát triển được bao nhiêu vì chỉ là thời kỳ buổi đầu thì thực dân Hà Lan đã suy yếu. Lúc này những đoàn thuyền buồm lừng danh khắp đại dương trước đây của người Hà Lan đã phải nhường chỗ cho những đoàn thuyền chạy bằng máy hơi nước mạnh mẽ hơn của thực dân Anh và Pháp.

Cũng trong thời gian này, khi mom men đến Việt Nam để bảo hộ cho các nhà truyền giáo người Hà Lan ở phố Hiến và tìm kiếm thuộc địa mới, dựa theo lời mời của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài trợ giúp để chống lại Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, hải đội hùng mạnh của thực dân Hà Lan đã bị chiến thuyền của Chúa Hiền-Nguyễn Phúc Tần đánh cho tan tác trên cửa biển Thuận An(1643). Đây là một chiến công oanh liệt, rất đổi tự hào của dân tộc Việt Nam thời trung đại. Và vì thế, đạo Công giáo ở Việt Nam vào thời kỳ sơ khai còn được gọi là đạo Hà Lan, hay Hòa Lan và vùng đất của người Công giáo sinh sống cũng được đặt tên là Hà Lan.

Phải nói một cách công bằng là cây cà phê đã theo các đoàn giáo sĩ Châu Âu đi truyền đạo khắp nơi trên thế giới. Nhưng tiếp liền theo sau các giáo sĩ đi truyền đạo là thực dân phương Tây sang xâm chiếm các vùng thuộc địa màu mở ở Châu Á và Châu Mỹ La-tinh. Theo sự phân chia có tính mặc nhiên của Giáo hoàng Công giáo ở Rôma thì hành tinh này có hai hướng truyền giáo. Hướng đông đi qua xứ Đông Ấn và Trung Hoa là đoàn giáo sĩ người Bồ Đào Nha của dòng Tên. Hướng tây sang Mỹ La-tinh là các đoàn giáo sĩ người Tây Ban Nha thuộc dòng Đa Minh. Nhưng đi quá nửa vòng trái đất vô hình chung họ đã gặp nhau ở vùng Đông Nam Á. Tại đây họ gặp các giáo sĩ người Hà Lan từ trước và thêm các giáo sĩ dòng Thừa Sai người Ý mới đến. Vì sự tranh giành cực đoan về vùng truyền giáo ở Đông Nam Á mà Tòa Thánh La Mã đã buộc người Bồ và người Ý phải rút về để nhường cho dòng Thừa Sai người Pháp thay thế.

Do sự xâm lược của thực dân và chính sách khai thác thuộc địa đã biến nhiều vùng đất màu mở trên thế giới trở thành những đồn điền trồng các loại cây công nghiệp mới như cà phê, ca cao, cao su…Ở vùng Đông Nam Á có thể kể các nước có diện tích trồng cà phê khá nhiều như Indonésia, Ấn Độ, Việt Nam. Còn ở Lào, Campuchia, Đông Ti-mo, Miến Điện, Mã Lai, Phi Luật Tân, Tích Lan cũng có sự xuất hiện của một số đồn điền cà phê nhưng diện tích chưa đáng kể.

Có kết quả khả quan như thế phải kể đến sự vận động của các giáo sĩ đạo Công giáo trong việc xây dựng đời sống vật chất cho giáo dân của mình trong các khu vực đồn điền không chỉ ở các nước vùng Đông Nam Á mà ở khắp các vùng thuộc địa trên thế giới nói chung.

Nhờ sự phát triển diện tích khắp nơi trên thế giới mà cà phê không còn là một thứ quý hiếm nữa. Và cũng từ đây những tầng lớp thấp trong xã hội mới biết đến thứ nước uống có tên là cà phê. Cà phê đã trở thành một thức uống rộng rãi của công chúng.

Châu Á, nhất là vùng Đông Nam Á vì thế, cũng có thể tự hào là một điểm nhấn trên bản đồ phân bổ cây cà phê của thế giới.

Còn ở Việt Nam phải đợi đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX cây cà phê mới xuất hiện.



Added (24 Aug 2011, 9:39 Am)
---------------------------------------------
Kỳ 4: Cây cà phê ở Việt Nam

Chỉ mới được đưa vào nước ta nhưng cây cà phê nhờ có vùng đất đỏ bazan màu mở của Tây Nguyên đã phát triển nhanh chóng. Mặc dầu có nhiều biến động, thăng trầm nhưng tròn 1 thế kỷ sau, Việt Nam đã vươn lên chiếm vị trí số 1 trong thị phần xuất khẩu cà phê Robusta của thế giới.


Những ngọn đồi phủ kín cà phê


Ở Việt Nam cây cà phê xuất hiện đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX ở vùng Di Linh, Bảo Lộc và sang đầu thế kỷ XX ở vùng Phủ Quỳ, Nghệ An. Nhưng số cà phê trồng ở Phủ Quỳ tỏ ra không thích hợp chủ yếu là vì thời tiết nên số diện tích đã không phát triển mặc dù vẫn tồn tại. Ngược lại số diện tích trồng ở Di Linh cho kết quả rất khả quan vì sự tương thích của khí hậu, thổ nhưỡng nên nhanh chóng lan ra khắp Cao nguyên Trung phần.

Bên cạnh giống cà phê mít và cà phê vối được trồng đầu tiên, đến khoảng thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì giống cà phê chè mới xuất hiện.

Tuy nhiên ở nước ta cây cà phê được trồng vẫn còn ở mức độ thăm dò là chính. Đời sống của nhân dân vẫn còn khó khăn, lượng cà phê tiêu thụ trong nước còn ít, xuất khẩu chưa đáng kể và còn do chiến tranh liên miên. Nhưng trước năm 1975, “Cà Phê Buon Ho” đã trở thành một thương hiệu khá nổi tiếng, được thương nhân Hồng Công ưa chuộng.

Sau ngày thống nhất đất nước, số diện tích cà phê của cả nước mà chủ yếu ở Tây nguyên mới chỉ hơn 10.000ha trong đó khu vực tư nhân chiến gần một nửa với qui mô nhỏ lẽ. Số diện tích này tập trung nhiều trong khu vực chung quanh Di Linh, Bảo Lộc và Buôn Ma Thuột, Đak Lak.

Diện tích cà phê phần nhiều là do quá trình cải tạo XHCN trong nông nghiệp và của những người bỏ ra nước ngoài để lại. Ban đầu, do ngành nông nghiệp địa phương quản lí. Về sau mới thành lập Công ty cà phê ca cao, tiền thân của Liên Hiệp Các Xí nghiệp Cà phê Việt Nam, nay là Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.

Bên cạnh việc phát triển diện tích dưới sự quản lí của các Xí nghiệp, Nông trường quốc doanh, trong việc hợp tác kinh tế với các nước XHCN anh em đã cho ra đời nhiều Xí nghiệp Liên Hiệp Cà phê kết hợp với chính sách di dân đi vùng kinh tế mới, số diện tích còn lại được phát triển chủ yếu trong những vùng cư dân theo đạo Công giáo là chính.. Nhà nước đã giao cho các Công ty Ngoại Thương bao tiêu xuất khẩu và cung cấp vật tư, hàng hóa đối lưu. Do đem về ngoại tệ và vật tư quý hiếm phục vụ sản xuất trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn nên cà phê mới thực sự bắt đầu có giá. Từ đó diện tích được mở rộng dần dần một cách tự phát trong dân.

Nhưng mặt trái của lối làm ăn tập thể cũng xuất hiện cùng với một qui trình sản xuất duy ý chí, lạc hậu, không hợp lí đã làm cho năng suất, sản lượng cà phê rất thấp, dẫn đến thua lỗ. Đời sống của người sản xuất cà phê rất khó khăn. May thay chính sách liên kết, khoán vườn cà phê cho công nhân và người sản xuất, trả vườn cà phê về cho chủ cũ kịp thời ra đời đã làm hồi sinh cây cà phê trên đất Tây Nguyên. Qui trình sản xuất cũ kỹ lạc hậu bị dẹp bỏ. Lúc này diện tích đã tăng lên rất đáng kể. Chủ yếu là phát triển giống cà phê Robusta, một giống dễ trồng, có khả năng kháng được nhiều loại sâu bệnh, không đòi hỏi kỹ thuật cao.

Bằng sức lao động bền bĩ, sáng tạo có tính truyền thống, năng suất cà phê nhân bắt đầu gia tăng vượt bậc, từ 800kg đến 1.000kg/ha lên 2,5tấn rồi 3tấn/ha, thậm chí có nơi 4 tấn/ha hoặc trên nữa. Lại thêm cơn bão giá ập đến : 1 tấn cà phê nhân bằng 15-17 tấn gạo.

Cây cà phê thực sự trở thành cây vàng cây bạc. Người ta đua nhau đi lên miền núi khai hoang trồng cà phê. Đến các thành phố lớn đều nghe râm rang chuyện đi trồng cà phê. Các công ty kinh doanh nông sản, thực phẩm ở đồng bằng cũng tham gia vào mặt hàng cà phê…Diện tích trồng mới tăng lên nhanh chóng khi có thêm sự tham gia của các tỉnh miền trung. Cây cà phê đã vượt tầm kiểm soát, vươn lên chiếm lĩnh vị trí hàng đầu của ngành sản xuất nông nghiệp.

Đột ngột, đồng tiền của Bra-xin, nước có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới, bị mất giá kéo theo sự rớt giá thảm hại chưa từng có của ngành cà phê. Cả nước ta loay hoay với điệp khúc: trồng – chặt phá , tiêu – điều – cà phê…không theo một định hướng nào cả.

Bước sang thế kỷ XXI, tình hình tạm ổn định, cây cà phê được phát triển ở vùng miền núi phía bắc nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của một bộ phận lớn nông dân. Nhưng kế hoạch thất bại vì nhiều nguyên nhân. Vấn đề hiện nay vẫn còn được mổ xẻ để rút ra bài học sâu sắc trong việc định hướng phát triển bền vững cho cây cà phê ở Việt Nam.

Ngày nay, với diện tích cả nước vào khoản 525.000ha, tổng sản lượng ước đạt 1,2 triệu tấn nhân, Việt Nam đã vươn lên chiếm vị trí số 1 trong thị phần xuất khẩu cà phê Robusta của thế giới.


Hoa cà phê


Added (24 Aug 2011, 9:55 Am)
---------------------------------------------
Kì 5 : Các giống cà phê chính.

Trước khi nói về các giống cà phê chính đã có ở nước ta, xin được kể ngắn gọn vài ba câu chuyện để mọi người cùng suy gẫm.

Câu chuyện thứ nhất

Trong Tề vật luận, Thiên Nội Kinh của Nam Hoa Kinh, Trang Tử có kể cho Nhan Hồi nghe câu chuyện về cây quýt ở Hoài Nam. Giống quýt này đến mùa, trái chín vàng óng đầy cành, rất ngọt mà lại tỏa ra một mùi thơm dịu, nhẹ nên người Hoài Nam rất quý. Người Hoài Bắc thấy thế xin giống đưa về trồng. Đến mùa, quýt cũng ra trái rất nhiều nhưng không ai ăn nổi vì quá chua. (Chuyện này đời sau còn gán cho là chuyện kể khi Khổng Tử dạy học trò?).

Câu chuyện thứ hai

Cây vải thiều ở Thanh Hà – Hải Dương vốn đã nổi tiếng từ thời xa xưa, được xếp vào hàng vật phẩm dùng để tiến vua. Ai cũng biết chuyện Dương Ngọc Hoàn, quý phi của vua Đường rất thích ăn loại trái này nên triều đình phải lập đội mã phu đi suốt ngày đêm từ kinh đô Trường An vượt thiên lí đến nước Đại Việt xa xôi để đem về những sọt trái Lệ Chi còn tươi nguyên. Để muốn nói rằng đây là một loại đặc sản rất ngon, nổi tiếng của nước ta.

Chuyện muốn kể ở đây là có người quen vốn gốc Hải Dương đã đem mấy nhánh vải thiều từ quê vào trồng trong rẫy cà phê với niềm tự hào về một sản vật của quê quán. Nhờ vùng đất đỏ bazan màu mỡ, các nhánh vải thiều nhanh chóng trở thành những cây vải to cao, cành lá xanh rì. Ba bốn năm trôi qua, rồi năm năm, sáu năm, tịnh không có một chùm bông. Hay đất thiếu chất? Thế là các loại phân vô cơ, hữu cơ, vi sinh được bón đầy gốc…vẫn không thấy gì! Rồi chuyên gia của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên được mời đến. Lại phun thuốc, bón phân, bấm ngọn, cắt tỉa cành, khoanh vỏ…hai năm, ba năm nữa, tuyệt nhiên vẫn không một chùm bông… Thôi thì để lại lấy bóng mát, kỷ niệm về quê cha đất tổ!.

Chuyện thứ ba

Nghỉ hè về thăm quê, không quên mang về một ít trái cây đặc sản của Tây Nguyên. Bà con ngoài quê đã lấy hột bơ mang đi gieo thử. Loài cây này rất dể nãy mầm và nhanh chóng phát triển. Mấy năm sau, khi trở về thì cây bơ đã có trái lủng lẳng đầy cành. Nhưng nghe bà con bảo : “Không ăn được! nó chát như quả vả, mà không thấy chín!” Xem kỹ thì trái đã nhỏ, mà toàn bị sượng.

Kể vài câu chuyện để cùng nhau ngẫm nghĩ về cây cà phê khi được đưa vào trồng ở nước ta.

Cà phê là cây có hoa chùm lưỡng tính, tự thụ phấn. Cây có rễ cọc, thân gỗ, trong hoang dã có thể cao đến 15 mét. Cho trái tốt trong 30-50 năm và có thể đến trên 70-80 năm.Thích hợp với đất đai trong vùng nhiệt đới khoảng từ 25o vĩ bắc – 30o vĩ nam, tốt nhất là đất có nguồn gốc từ phún thạch (Bazan nâu-đỏ hay Pôzolic vàng-đỏ) của các vùng cao nguyên, có độ ẩm trên 70%, mưa nhiều, nhất là những vùng chia làm hai mùa mưa nắng rõ rệt. Thích nhiều ngày nắng, ánh sáng tán xạ, có nhiều cây che bóng.

Cây cà phê được trồng ở nước ta có 3 giống gồm cà phê Vối (Robusta) chiếm hơn 90% diện tích, cà phê Chè (Arabica) gần 10% và cà phê Mít (Excelsa) chỉ khoảng 1%.

Ngay từ những ngày đầu, có hai giống cà phê được đưa vào trồng ở nước ta.

1. Cà phê Robusta (Coffea canephora) thường được gọi với tên cà phê Vối[/b]


Robusta


Cây cao đến 7-8 mét, dạng thân gỗ hoặc thân bụi, sinh trưởng tốt, kháng được nhiều nấm bệnh, chứa hàm lượng caffein 2-4% hạt, có vị đắng nhất. Cho trái nhiều trong khoảng 30 năm. Độ cao thích hợp từ 400-1200m, nhiệt độ trung bình 24o- 30¬oC, lượng mưa trên 1000mm, cần nhiều ánh sáng mặt trời. Dễ trồng và chăm sóc, có sức đề kháng sâu bệnh cao.

Giống cà phê Vối được trồng chủ yếu có xuất xứ từ Ethiopia, đã được đưa về trồng ở Ả rập nên thường gọi là giống cà phê Môk-ka. (Môk-ka là tên một thành phố cảng sầm uất của thế giới Ả rập giao thương với bên ngoài trước khi có kênh đào Suez). Ở Việt Nam lấy giống lại từ quần đảo Java của Indonesia.

[b]2. Cà phê Excelsa (Coffea excelsa) thường được gọi với tên cà phê Mít[/b]


Excelsa


Cây cao đến trên 10 mét, dạng thân gỗ, lá to. Trái chín muộn, chứa hàm lượng caffein khoảng 2% hạt, có vị chua. Cho trái khoảng 30-40 năm. Độ cao thích hợp dưới 800m, nhiệt độ trung bình 26o- 30¬oC, lượng mưa trên 1000mm, cần nhiều ánh sáng mặt trời. Dễ trồng, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc.

Giống cà phê mít chủ yếu có nguồn gốc từ vùng Tây Phi.

Khi số lượng diện tích và số đồn điền đã tăng lên đáng kể thì vào đầu những năm 50 có thêm giống thứ ba là cà phê Chè được đưa vào trồng nhưng ít được ưa chuộng vì khá phức tạp.

[b]3. Cà phê Arabica (Coffea arabica) thường được gọi với tên cà phê Chè



Arabica


Có giá trị kinh tế cao nhất trong các giống cà phê. Nhưng được trồng hạn chế vì dễ bị sâu bệnh, ưa thích độ cao, khí hậu mát mẻ, mưa nhiều…

Cây cao đến 6 mét, dạng thân gỗ hoặc thân bụi, lá nhỏ, thường được hãm thấp trông như cây chè. Trái chín sớm, chứa hàm lượng caffein 1-2% hạt, có vị đậm đà, ngọt thơm, ít chua. Cho trái khoảng 20-30 năm. Độ cao thích hợp từ 1.000-2.000m, nhiệt độ trung bình 16o-25¬oC, lượng mưa trên 2.000mm(càng nhiều càng tốt), ưa ánh sáng mặt trời tán xạ nên rất cần cây che bóng.

Giống cà phê chè được trồng trước đây là giống cà phê lấy từ Colombia, nhưng cũng được gọi tên Môk-ka (có lẽ cũng do xuất xứ từ cảng Môk-ka ra đi). Bây giờ phát triển chủ yếu là giống cà phê Catimor dễ trồng hơn nhưng chất lượng không bằng.

Ngoài ra còn có giống chính nữa, dễ trồng, chỉ thích hợp với độ cao dưới 600m và không thấy có ở độ cao trên 1100m.

4. Cà phê Liberia (Coffea liberica) là giống cũng được gọi là cà phê Mít


Liberia


Chỉ được trồng ở các nước Liberia, Sierra Leone, Ghi-nê xích đạo thuộc vùng Tây Phi. Trước đây ở vài đồn điền quanh BuônMaThuột và vùng Đạt Lý, Ea Pôk đã thấy xuất hiện nhưng số lượng không đáng kể và được gọi với tên là cà phê Séri. Cây cao hơn, lá to hơn giống Excelsa và chín cũng muộn hơn, vị chua. Ở Châu Âu thích dùng để trộn với hai loại kia khi rang xay.

Điểm qua những đặc tính cơ bản của các giống cà phê chính để thấy rằng việc lựa chọn vùng đất thích hợp cho cây là điều quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Nếu muốn đưa đến những vùng đất khác cần phải chọn lọc, tìm ra những dòng thích hợp, đã được thuần hóa và nhất là phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học về giống cây trồng. Không thể tùy tiện, duy ý chí để mà áp đặt chủ quan trái với tự nhiên như những câu chuyện đã được kể trên.

Cho nên đến thời điểm hiện tại có thể nói rằng cây cà phê ở Việt Nam chưa có thương hiệu và chưa phát triển một cách thực sự bền vững. Gần đầy mới thấy khởi động để xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam. Đây là điều mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách và cả cơ quan chăm lo trồng trọt cần phải lưu tâm để cho cây cà phê Robusta Việt Nam khẳng định vị thế số 1 ở trên thị trường toàn cầu một cách chắc chắn.



Added (24 Aug 2011, 10:06 Am)
---------------------------------------------
Kì 6 : Hồi ức – Tôi nhặt cà phê Chồn.

Sau 1975 , tôi được điều lên công tác ở Tây Nguyên. Công ty Quốc doanh Nông nghiệp Đak Lak được giao tiếp quản các khu đồn điền cũ được cải tạo thành lập nông trường. Đak Lak khi ấy đúng là thủ phủ của cây cà phê. Số lượng công nhân nông nghiệp sản xuất dần dần được hình thành và bổ sung, sắp xếp, tuy nhiên thiếu hụt trầm trọng nhất vẫn là công nhân để thu hái khi đến mùa cà phê chín. Lực lượng đoàn viên thanh niên khối cơ quan và học sinh khối trung học phổ thông phải đóng cửa trường học cả tuần để tham gia cùng ngành nông nghiệp địa phương thu hái. Tôi đã biết đến cà phê Chồn từ hồi ấy.


Ảnh minh họa


Tôi theo chân những “ông cai” nhân công của các đồn điền cũ đi bảo vệ và kiểm tra khu vực đang được thu hái (nguyên là cai của những chủ đồn điền trước được sử dụng làm cán bộ kỹ thuật cho nông trường). Trong khu vực đồn điền, bây giờ được gọi là đội sản xuất, thường không có người lạ lai vãng, được bảo vệ nghiêm nhặt với nhiều chòi canh rất cao, quan sát được cả vùng rộng lớn nên rất vắng vẻ, hoang vu, lại nằm sát những cánh rừng chưa được khai phá, rừng nằm sát rẫy. Các loại thú rừng hoang dã thường gặp như chồn, nhím, thỏ…rất nhiều. Thảng hoặc chúng tôi còn gặp cả cheo, mang, nai, gấu chó, gấu lợn…Đó là những lúc chúng tôi có những phút giây thoải mái bằng những màn rượt đuổi tưng bừng, những tiếng cười sảng khoái, tuy phần nhiều là chẳng được gì cả vì địa hình và cây cối quá rậm rạp.

Sau đó, tôi thường đi theo các “ông cai” để nhặt cà phê Chồn. Có mùa tôi đã nhặt được đầy cả bao cát (khoảng hơn 10kg) ! Nói thật không phải ai cũng mang số cà phê này ra khỏi nông trường mà an toàn qua được các vọng gác bảo vệ nếu không nhờ vào sự cả nể của họ dành cho cán bộ tăng cường thu hái.

Qua trò chuyện với các “ông cai” và với những công nhân là đồng bào thiểu số, cùng phân tích, nhận xét, tôi mới được biết chỉ có con chồn hương mới ăn quả cà phê chín. (Thực ra còn một loài nữa cũng ăn quả cafe chín, đó là những bầy chim chào mào. Nó ăn phần thịt, nhã phần nhân đầy gốc). Mà không phải cây hay quả nào chín chồn cũng đều ăn. Nó chọn những quả chín (tất nhiên) ở những cây đã chín mọng mà (…) Vậy là phải qua hai lần chọn lựa (…), lần thứ hai mới là chồn hương. (…).



Con chồn hương là loài đi ăn đêm, thường sống đơn lẽ, tính rất cẩn thận. Sau khi vạch ra được nhiều đường đi lại an toàn từ hang ổ đến nơi có thức ăn bằng mùi mồ hôi của chính mình (xạ hương). Nó đánh dấu đường đi lại bằng nhiều lối cẩn thận rồi mới bắt đầu lựa chọn qủa để ăn. Không bao giờ nó đi về cùng một đường. Cho nên chọn đường đi xong thì trời cũng sắp sáng.

Đem được số cà phê Chồn về rồi, hôm sau tôi đưa xuống nhà của “ông cai” để nhờ vợ ông rang xay thủ công. Nhà ông này có 2 hécta cà phê vối nên ông thường tự rang xay cà phê để làm quà cho người thân, quen biết. Thế là tôi cũng bắt đầu tiếp cận việc rang xay cà phê từ đó…

Hồi đó, ở Buôn Ma Thuột số lượng quán cà phê đếm trên đầu ngón tay. Người ra quán uống cà phê còn ít. Những người ghiền cà phê thường tự pha uống ở nhà vì cho rằng cà phê ở quán uống không ngon. Tôi thường ra quán cà phê bà Thành (bây giờ là tiệm đồng hồ Nhật Vĩnh ở đường Y Jut) và quán Uất Kim Hương ở đường Hai Bà Trưng uống và nói chuyện với những người khách ghiền cà phê để so sánh những ly cà phê của BuônMaThuột với cà phê của các tỉnh thành khác và với những ly cà phê Chồn mà tôi uống với “ông cai”.

Cho đến bây giờ tôi không còn nhớ chính xác hương vị của những ly cà phê Chồn mà mình đã từng uống vì đã quá lâu, tuy rằng uống không phải là ít. Nhưng chính vì nó mà sau này tôi miễn cưỡng uống những ly cà phê khác của những quán khác ở Đà Nẳng, Huế mà tôi từng uống và càng không thể uống được những ly cà phê tình cờ đi cùng bạn bè vào các quán ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Chính cảm giác có được từ những ly cà phê Chồn đã ức chế tôi cho đến nay. Cà phê ở đâu cũng không bằng cà phê BuônMaThuột, lại càng không thể so sánh với cà phê Chồn !



Added (24 Aug 2011, 10:09 Am)
---------------------------------------------
Kì 7 : cà phê Chồn, một món quà quý hiếm.

Trong tiếng Indonesia, từ Kopi có nghĩa là cà phê, từ Luwak là tên một vùng thuộc đảo Java, đồng thời cũng là tên của một loài cầy cư trú ở đó. Kopi Luwak được dùng để chỉ một loại hạt do loài cầy vòi đốm ăn quả cà phê rồi thải ra.


Con chồn chỉ lựa ăn những quả cà phê có chất lượng nhất.


Loài Cầy Vòi đốm (Paradoxurus hermaphroditus) thuộc họ Cầy (Viverridae) nhưng ta quen gọi là chồn hương bởi gần tuyến sinh dục của nó có một túi chứa dịch toát ra mùi thơm nồng nàn gọi là xạ hương. Xạ hương được xem là dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao, dùng làm chất lưu dẫn trong Y học Cổ truyền phương Đông. Loài thú này phân bố rải rác ở các nước thuộc vùng Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, bán đảo Đông Dương, miền Nam Trung Quốc và một số nơi trên thế giới. Chúng ưa thích ăn quả cà phê nên đến mùa sắp thu hoạch chúng trèo lên các cây, chọn ăn những quả cà phê đỏ nhất, chín nhất. Dạ dày của chúng chỉ tiêu hóa phần thịt của quả, còn phần nhân bao bọc bởi lớp vỏ trấu được thải ra ngoài. Cư dân đi thu nhặt thứ sản phẩm độc đáo này và gọi là cà phê Chồn.

Ở Việt Nam có nhiều loài chồn, nhưng chỉ có 2 loài ăn quả cà phê là chồn mốc và chồn hương. Chồn mốc trưởng thành nặng khoảng 8 kg, còn chồn hương khoảng 3 kg. Người ta chỉ nhặt hạt cà phê của chồn hương thải ra. Do chồn mốc lớn, răng cũng lớn nên khi ăn nó thường nhai vỡ lớp vỏ trấu làm cho hạt cà phê thấm một mùi khó ngửi. Chồn hương có mặt nhiều ở Nam Trường Sơn, nhất là khu vực chung quanh vườn quốc gia Cát Tiên. Chúng đã được đưa vào Sách Đỏ. Nạn săn bắt, sự thu hẹp của các khu rừng vùng nhiệt đới và nạn buôn bán động vật hoang dã đang đe dọa chúng trong tự nhiên. Nguy cơ này làm ảnh hưởng rất lớn đến cà phê Chồn.

Khi ăn quả cà phê, chồn hương sẽ nhằn để nhả lớp vỏ ngoài ngay tại chỗ và nuốt phần còn lại. Và khi đi ra phân, lớp thịt đã bị tiêu hoá, còn lại hạt cà phê vẫn được bọc trong lớp vỏ trấu cứng. Người ta đi thu nhặt phân có lẫn hạt cà phê của chồn hương về. Trước tiên là phải rửa dưới dòng nước đang chảy để loại bỏ vi khuẩn và tạp chất. Sau đó lớp vỏ trấu sẽ được xát bỏ, rửa sạch rồi mới đưa đi rang xay. Do nhiệt độ rang nóng nên cũng là một quá trình sát khuẩn hoàn toàn. Vì thế rất nhiều người nhầm tưởng là bẩn nhưng thực ra cà phê Chồn rất sạch.

Khi được sử dụng, loại cà phê này tỏa ra mùi hương đặc trưng và vị rất lạ so với các loại cà phê thông thường. Đó là lý do khiến cà phê Chồn trở thành một thứ đặc sản có giá rất cao.

cà phê Chồn là “thức uống đắt tiền nhất thế giới”. Rất nhiều người muốn uống chỉ vì thấy nó quá đắt tiền. Nhưng cũng rất nhiều người vẫn không tin vào loại cà phê lấy từ phân chồn ra là có thật mà cho rằng câu chuyện được dựng lên nhằm để kích thích sự tò mò của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hãy khoan vội kết luận nếu chưa từng thử qua cà phê Chồn. Bài viết này cũng nhằm để khẳng định một lần nữa chuyện về cà phê Chồn là có thật. Đó là một sản phẩm vô cùng đặc biệt của tự nhiên.

Điều đặc biệt trước tiên chính là ở sự lựa chọn. Con chồn chỉ lựa ăn những quả cà phê chín nhất, ngon ngọt nhất, có chất lượng nhất. Điều đặc biệt nữa là những tác động sinh hoá xãy ra trong quá trình tiêu hoá thức ăn của con chồn. Các men tiêu hoá trong dạ dày và ruột non thấm qua lớp vỏ trấu làm thay đổi các phân tử bên trong hạt cà phê, làm cho cà phê Chồn giảm bớt vị đắng khi được rang lên. Và cũng làm mùi vị của cà phê biến đổi, dường như xuất hiện một thứ hương vị “đậm đà”, nhưng “có mùi mốc, ngọt ngào như sirô, và giàu vị sôcôla, mật đường và một chút vị của thuốc lá”, có “vị khói, đắng nhưng rất dễ chịu”. Trong hạt cà phê phổ biến có khoảng 800 mùi. Mỗi mùi đều do một loại phân tử hương tạo ra, trong đó có một số mùi hương tìm thấy trong quả ca-cao. Đây là lý do vì sao ly cà phê Chồn thơm lừng, lại phảng phất mùi của chocolate. (Lược theo nghiên cứu của giáo sư Massimo Marcone, ngành Khoa học Thực phẩm, trường đại học Guelph, Canada, trong công trình: “Thành phần và tính chất của cà phê Chồn Inodnesia (Kopi Luwak) và cà phê Chồn Ethiopia”). Và điều đặc biệt sau cùng chính là nguồn nguyên liệu, nếu Kopi Luwak của Indonesia nổi trội vị chua thơm mùi trái cây từ nguồn Arabica thì cà phê Chồn của Việt Nam có mùi vị cân bằng hơn do chủ yếu ăn quả Robusta có vị đậm đà và nhiều chất cafein hơn.

Sẽ là sai lầm khi cho rằng chẳng qua là do quá trình lựa chọn của con chồn. Rằng con chồn hương chỉ chọn ăn những quả chín nhất, ngon ngọt nhất, và do đó, cà phê Chồn chẳng qua là tên gọi của loại cà phê được tuyển chọn từ những quả cà phê có chất lượng nhất mà thôi.

Ngoài Indonesia với sản phẩm Kopi Luwak nổi tiếng khắp thế giới hiện nay, Việt Nam chúng ta và một vài nước có trồng cà phê cũng may mắn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cà phê Chồn. Nếu con chồn ở Indonésia ăn hay chỉ ăn quả cà phê Arabica thì con chồn ở vùng Tây Nguyên nước ta lại ăn quả cà phê Robusta. Bởi lẽ ở đây chủ yếu trồng nhiều giống Robusta. Còn giống Arabica cũng có trồng nhưng vì ở gần người quá nên con chồn không dám bén mảng đến ăn.

Vì thế hy vọng mọi người hiểu hơn và trân trọng hơn món quà quý báu của tự nhiên này.

Added (24 Aug 2011, 10:26 Am)
---------------------------------------------
Kì 8 : nghề nuôi chồn hương để sản xuất cà phê Chồn.

Con chồn là loài thú dễ nuôi và cũng dễ sinh sôi nảy nở. Một số nước ở Đông Nam Á nuôi chồn trước tiên là để lấy xạ hương, một dược liệu quý hiếm cung cấp cho ngành Đông Y. Tiếp đó cùng với việc thịt rừng là món nhậu khoái khẩu thì người ta mới nghĩ đến việc nuôi chồn để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu đặc sản. Nếu lên mạng để kiếm sẽ dễ dàng thấy hàng trăm địa chỉ rao bán chồn. Nhưng nuôi để lấy cà phê Chồn thì chỉ có các cư dân ở những vùng chuyên canh cây cà phê như Tây Nguyên mới nghĩ đến.

Xuất phát từ một số Việt kiều ở Bắc Mỹ về thăm quê trong các kỳ nghỉ kể lại về trào lưu thưởng thức cà phê Chồn tại đây sau khi xem bộ phim “Niềm Sống”(The Bucket List) do Jack Nicholson và Morgan Freeman đóng vai chính. Theo trong phim thì chỉ có các tỷ phú mới là khách hàng thường xuyên của loại “thức uống đắt tiền nhất thế giới”. Đặc biệt khi có công trình nghiên cứu về cà phê Chồn của một giáo sư đại học chuyên ngành Khoa học thực phẩm ở Canada càng làm cho sự tò mò và ham muốn thưởng thức của công chúng tăng lên gấp bội…

Theo những người gắn bó lâu năm với cây cà phê ở vùng Tây nguyên thì chuyện con chồn hương ăn quả cà phê và thải ra “sản phẩm” cà phê Chồn không phải là chuyện xa lạ. Họ cũng nhận thức được rằng cà phê Chồn sẽ đem lại một nguồn lợi kinh tế rất lớn vì cái giá quá ngất ngưởng trong khi xã hội bước đầu đang có nhu cầu. Cho nên nghề nuôi chồn hương để sản xuất cà phê Chồn của cư dân mới manh nha từ đó.

Ghi nhận được người đầu tiên nuôi chồn để lấy cà phê là anh Nguyễn Văn Thưởng ở thôn 1, thị trấn huyện K’Bang, Kon Tum. Với bầy chồn hương khoảng 10 con, năm đầu tiên anh đã thu được vài chục ký cà phê Chồn. Từ năm 2006 anh đã có cà phê Chồn xuất bán ra thị trường cho người hiếu kỳ muốn thưởng thức và cung cấp cho một công ty sản xuất thử nghiệm.

Với anh Hoàng Mạnh Cường, giám đốc Công ty TNHH Kiên Cường ở Khối 8, Phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột thì từ 2 con chồn hương nhỏ mua ngoài chợ đem về nuôi vì tò mò, anh đã gây dựng lên thành một đàn chồn để chuyên sản xuất cà phê Chồn. Anh đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khang trang, đăng ký nguồn gốc chồn nuôi với cơ quan kiểm lâm. Đây là những con chồn hương được chăm sóc chu đáo, nuôi nhốt trong môi trường gần gũi với tự nhiên. Thức ăn cho chúng là các loại cá, thịt, hoa quả chín. Quy mô đàn chồn của anh đã lên đến trên 80 con, có lẽ là lớn nhất hiện nay. Anh san sẻ với nhân viên trong công ty, đưa về buôn H’Rát xã Êa Kao, TP. Buôn Ma Thuột nuôi mấy chục con cho gần nguồn nguyên liệu. Để tận dụng thời gian khai thác “sản phẩm” được kéo dài hơn và sớm có cà phê chín, anh đã thông qua bạn bè trong Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột để nhờ tìm mua cà phê chín bói với giá đắt gấp 3-4 lần về cho chồn ăn. cà phê Chồn được anh thu hoạch vào mỗi buổi sáng sau khi cho ăn. Con chồn thải ra hạt cà phê còn nguyên được anh thu gom rồi đem rửa sạch, sấy khô và đóng gói. Anh còn cho biết trong một vụ cà phê mỗi con chồn có thể “sản xuất” ra được 5 – 6 ký. Theo anh Cường, làm cà phê Chồn không khó, thu nhập mang lại rất lớn và thân thiện với môi trường.


Sản phẩm cà phê chồn của ông. Hoàng Mạnh Cường


Quy mô đáng kể nhất trong số các hộ đang theo đuổi nghề này là trang trại nuôi chồn hương của anh em Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Giang Nam ở xã Krông Buk, huyện
Krông Păk, tỉnh Đak Lak. Mấy anh em họ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng vào vốn giống chuồng trại để đầu tư sản xuất cà phê Chồn. Theo kinh nghiệm của anh Khánh, nuôi chồn hương để có cà phê Chồn thứ thiệt không quá khó nhưng cũng khá dày công và tốn kém. Chồn hay tấn công nhau nên mỗi con phải nuôi trong một ô chuồng, khi động dục mới cho gần gũi. Mỗi năm, chồn mẹ có thể đẻ hai lứa, mỗi lứa vài ba con. Mùa cà phê chín, anh cùng người nhà giăng lưới vây quanh khu rẫy của nhà để thả chồn cho chúng tự do chọn quả ngon để ăn. Thậm chí anh còn bỏ công đi mua thêm những quả cà phê chín ngon từ rẫy của các chủ trang trại bên cạnh với giá đắt gấp nhiều lần về cho chồn ăn.

Gần đây nữa, một số cá nhân cũng như công ty cà phê ở khắp các tỉnh Tây Nguyên đang lập những trang trại có qui mô nhằm mục đích nuôi chồn hương để lấy cà phê Chồn. Mọi khâu chuẩn bị đã hoàn chỉnh, hứa hẹn vụ mùa cà phê chín sắp đến sẽ có thêm nhiều sản phẩm cà phê Chồn được đưa ra chào hàng.

Không những thế, nắm được xu hướng thị trường sẽ cần nhiều chồn hương nên nhiều cơ sở chăn nuôi thú ở khắp vùng Đông Nam bộ đang chuẩn bị cho xuất chuồng một số lượng lớn chồn hương nuôi sinh sản. Và không chịu chậm chân, ở Hóc Môn, Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh và An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long của miền Tây Nam bộ cũng đã ghi nhận được một số cơ sở chăn nuôi thú đang rao bán chồn hương.

Như vậy có thể khẳng định rằng nuôi chồn hương để sản xuất cà phê Chồn đang nở rộ khắp vùng Tây nguyên là một nghề mới nổi, kéo theo sự tham gia một vài phân đoạn nuôi chồn ở những vùng miền khác. Và cũng có thể khẳng định rằng nghề nuôi chồn hương để lấy cà phê Chồn vừa là một nhu cầu vừa là một nguyện vọng chính đáng. Nên chăng giới hữu trách cần có những qui định cụ thể trong việc kiểm soát chồn nuôi, để hạn chế và ngăn chận kịp thời những nguy hại đáng tiếc có thể xãy ra, nhất là việc kiểm soát dịch bệnh(*), khi mà nghề nuôi chồn đã bắt đầu có dấu hiệu tràn lan khắp nơi.

(*) loại chồn hương này mấy năm về trước bị nghi là thủ phạm có mang virus Corona, tác nhân gây ra dịch bệnh SARS tại Trung Quốc và vùng Đông Nam Á.

Từ một vài cơ sở tự phát nuôi chồn hương có tính thử nghiệm ban đầu, đến nay nuôi chồn để sản xuất cà phê Chồn sắp trở thành phong trào tràn lan khắp Tây Nguyên. Và điều gì đến cũng đã bắt đầu đến. “Sản phẩm” cà phê Chồn làm ra không kiếm được nguồn tiêu thụ.

Added (24 Aug 2011, 10:30 Am)
---------------------------------------------
Kì 9 : Thực trạng sản xuất cà phê Chồn.

Ghi nhận đầu tiên là tại Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ nhất năm 2006, anh Nguyễn Quốc Khánh ở xã Krông Buk, huyện Krông Păk, Đak Lak đã trực tiếp đứng ra giới thiệu sản phẩm cà phê Chồn do mình nuôi. Có lẽ do giá bán còn quá cao so với túi tiền của người tiêu dùng nên chỉ mới có một số ít khách hàng mua cà phê Chồn đã rang xay và cà phê Chồn sấy khô của anh Khánh về thưởng thức, chế biến thử nghiệm. Thời điểm ấy, anh có hơn năm tạ cà phê chồn để bán. Theo anh ước tính, nếu bán được với giá 110 USD/kg thì sẽ lãi khoảng 200.000 đồng/kg mới xứng đáng với công người đầu tư chăm sóc.

Anh Hoàng Mạnh Cường ở phường Tân Tiến, Buôn Ma Thuột trong một bài báo được giới thiệu gần đây nhất trên “Sài Gòn Tiếp Thị” như là người đầu tiên sản xuất và kinh doanh cà phê Chồn từ năm 2004 (?). Năm vừa qua anh thu được khoảng 500kg cà phê từ đàn chồn nuôi của mình và chồn giao cho người thân nuôi. Sản phẩm làm ra chủ yếu bán lẻ cho khách du lịch và những người có thu nhập cao với giá 1 ký từ 1 – 1,5 triệu đồng. Anh còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm ổn định cho công ty Sài Gòn Ban Mê để xuất khẩu sang Nhật và các nước châu Âu.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng giá cà phê Chồn thô là không rẻ chút nào. So với mặt bằng thu nhập bình quân của dân chúng hiện nay thì giá cả đó đã buộc gần như tất cả mọi người phải quay lưng lại với sản phẩm cà phê Chồn. Vậy thì cái giá nào mới có thể coi là giá cả hợp lý của sản phẩm cà phê Chồn?

Thế giới đã biết đến cà phê Chồn với sản phẩm có tên gọi Kopi Luwak của Indonesia. Đất nước này sản xuất được mỗi năm từ 224 – 450kg cà phê Chồn thành phẩm. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Châu Âu với giá 1.500USD/kg. Một vài quán cà phê ở đây bán cho khách 1 tách cà phê là 50USD.

“Tại Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai năm 2008, lần đầu tiên công ty cà phê Trung Nguyên cho ra mắt sản phẩm cà phê Chồn, mỗi hộp 250g giá 750 USD, một kg bốn hộp giá 3.000 USD, với lời giới thiệu mặt hàng này thích hợp để làm quà ngoại giao hoặc quà tặng cỡ nguyên thủ quốc gia. Hiện nay, Công ty vẫn tiếp tục sản xuất cà phê Chồn đóng hộp với số lượng hạn chế cho khách VIP, và từ chối nhiều đề nghị đặt hàng khối lượng dưới 1 kg do không đáp ứng được chi phí sản xuất. Công ty cũng không có hướng giảm giá mặt hàng cao cấp này nhằm thu hút nhiều khách hàng phổ thông hơn”…(Chi Mai, Tiền Phong). Như vậy có thể nói cà phê chồn Việt Nam còn đắt hơn nhiều so với sản phẩm Kopi Luwak của Indonesia, vốn được báo chí nước ngoài cho là đắt nhất thế giới.

Đại diện một công ty cà phê khác cho biết sau khi thu mua phân chồn lẫn cà phê từ người nuôi, họ chế biến và xuất khẩu với giá hơn 600 USD/kg. “Tuy nhiên chỉ khi nào có đợt đặt hàng chúng tôi mới sản xuất”, anh cho biết.

Cách đây mấy năm, công ty cà phê Thắng Lợi từng có một hợp đồng xuất khẩu 3,5 tấn cà phê Chồn sang Hàn Quốc(?). Công ty cà phê Sài Gòn-Ban Mê cũng có xuất bán sang Châu Âu và Nhật với số lượng còn hạn chế và theo những đơn đặt hàng nhỏ lẻ (?).

Cho đến hiện nay, hai anh em Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Giang Nam ở xã Krông Buk, huyện Krông Păk, Đak Lak cho biết hiện còn khoảng 7 tạ đóng bao hút chân không đang mòn mõi chờ khách hàng nên không còn hứng thú sản xuất cà phê Chồn nữa. Anh Hoàng Mạnh Cường ở phường Tân Tiến, Buôn Ma Thuột cũng còn khoảng 5 tạ chưa hợp đồng bán cho ai. Mối hàng trước đây hứa hẹn hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của anh thì nay đã bỏ anh để quay sang hợp đồng và cũng hứa hẹn bao tiêu với sản phẩm cà phê Chồn của anh nông dân trẻ Nguyễn Hữu Phương ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng với giá rẻ hơn. Còn anh Nguyễn Văn Thưởng ở thôn 1, thị trấn huyện K’Bang, Kon Tum thì ngay từ năm 2006 đã bán với giá 500.000đ một ký hạt cho những người tò mò thưởng thức. Nhưng mối hàng lớn nhất mà anh có được là chỉ bán một lần duy nhất 10 kg cho một đại gia trong ngành rang xay cà phê. Từ đó thỉnh thoảng anh mới bán được một vài ký cho những người hiếu kỳ, số còn lại gần như không tiêu thụ được. Giờ anh chỉ còn sản xuất cho “đỡ buồn” với số lượng không đáng kể.

Như vậy cà phê Chồn của Việt Nam vốn chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới như Kopi Luwak của Indonesia hay Kape Alamid của Philippines mà đã sớm vẽ nên bức tranh ảm đạm. Tương lai của nghề nuôi chồn để lấy cà phê ở nước ta sẽ đi về đâu?

Sau nhiều lần thông báo trên truyền hình cần mua cà phê Chồn, Công ty cà phê Trung Nguyên nhận được nhiều phản hồi từ các chủ trang trại cà phê và người nuôi chồn. Công ty cử nhiều nhóm kỹ thuật viên đến tận nơi theo dõi cách thức nuôi để định giá mặt hàng. Từ đó không thấy Công ty mua của ai nữa, mà theo xu thế nuôi chồn hiện nay ở Tây Nguyên “các chuyên gia của Cty Cà phê Trung Nguyên đang nghiên cứu phương pháp nuôi dưỡng các loại chồn có thể cho ra loại cà phê chồn ngon, xây dựng trang trại nuôi chồn hiện đại, phù hợp các quy định liên quan của pháp luật và công ước quốc tế về nuôi và nhân giống động vật có nguồn gốc hoang dã.” (Chi Mai, Tiền Phong).Cách làm này của công ty Trung Nguyên vừa nhằm ổn định nguồn hàng vừa đảm bảo chất lượng cao nhất cho giòng sản phẩm cà phê Chồn của mình.

Từ một đơn vị sản xuất cà phê hàng đầu như Trung Nguyên mà cũng đã có chiến lược “từ A đến Z” thì miếng bánh thị phần cà phê Chồn khó mà chia sẻ cho bất kỳ ai ở bất cứ công đoạn nào.

Chưa hết, cho rằng sản xuất cà phê Chồn sẽ đem lại siêu l<

Message edited by LSK - Thứ Tư, 24 Aug 2011, 9:21 AM
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 25 Aug 2011, 7:03 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » TRANG Y HỌC - SỨC KHỎE » TRANG ĂN NHẬU » VN đã có cà phê chồn ?
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO