Thứ Bảy
20 Apr 2024
10:16 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » PHẬT-SỰ MUÔN NƠI » CHUYỆN CON VẸT BIẾT NIỆM PHẬT (HƯƠNG ĐỨC)
CHUYỆN CON VẸT BIẾT NIỆM PHẬT
saigoneses Date: Thứ Ba, 18 Feb 2014, 5:24 AM | Message # 1
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng
CHUYỆN CON VẸT BIẾT NIỆM PHẬT




Cách đây hơn mười năm, đứa con gái duy nhất của tôi mới vừa tám tuổi. Một hôm, sau khi xem chương trình thế giới hoang dã trên ti vi, thấy hình ảnh các con vẹt xinh đẹp và rất khôn ngoan, con tôi bỗng ước ao có được một con vẹt để nuôi; nó cứ lẽo đẽo theo tôi đòi mua cho bằng được. Vốn là một Phật tử lâu năm, lại từng tham dự nhiều buổi lễ phóng sanh, nên tôi không đồng ý việc đòi hỏi của con; vì tôi không muốn tạo nghiệp “cá chậu, chim lồng”. Mặc dù tôi đã nhiều lần từ chối, con bé vẫn nhắc hoài ao ước đó suốt cả năm trời.

Một dạo nó bị bệnh, chữa ở nhà không bớt nên tôi phải đưa con vào nằm điều trị tại bệnh viện. Những lúc mê sảng vì sốt cao, có lúc nó nói mê, nhắc tôi mua cho nó con vẹt, rồi nó cười bảo con vẹt đẹp quá ba ơi. Thấy con trong cơn mê sảng vẫn mơ ước có con vật đó, tôi chảy nước mắt vì sự cứng lòng, chặt dạ của mình. Tôi lay con tỉnh lại, bảo con ráng hết bệnh, ba sẽ mua cho con vẹt để nuôi, nó nghe tôi nói vậy thì mừng lắm. Đêm đó nó bớt sốt, ngủ yên.

Làm cha mẹ, đã nói thì phải giữ lời. Nhưng việc thực hiện lời hứa cũng không dễ dàng vì nhà tôi ở vùng sông nước miền Tây, chim chóc có rất nhiều loại nhưng những loài như vẹt, két thì dù đã lớn tuổi như tôi mà tôi vẫn chưa thấy chúng ở ngoài hoang dã bao giờ. Thỉnh thoảng đi công chuyện trên thị xã, đôi lần tôi có gặp một chiếc xe gắn máy chở rất nhiều chim trong lồng đi bán dạo, có cả những con két, chúng kêu la rất chói tai. Để chứng tỏ là mình giữ lời hứa, tôi chở con đến nhà một người bạn là thợ sửa xe ở ven huyện lộ, nhờ người đó khi nào thấy xe chở két bán dạo thì nhớ kêu tôi giùm để tôi mua cho con bé một con.

Tôi cố ý nói với bạn như thế cho con nghe được, nhưng trong thâm tâm, tôi biết chưa bao giờ có xe bán chim dạo nào xuống tận đây để bán vì nơi này cách trung tâm tỉnh rất xa. Nếu không có người bán thì tôi không mua mà vẫn giữ được lời hứa với con mình, đồng thời giữ luôn được giới cấm. “Không phải ba không muốn mua nhưng vì không có, nên không mua được”, tôi dự định sau một thời gian sẽ nói như thế để an ủi nó.

Nào ngờ, lúc ấy có thằng con trai của người hàng xóm bạn tôi đang ngồi chơi kế bên. Nghe tôi dặn người bạn như vậy, thằng bé liền nói nó có cặp vẹt, nếu tôi muốn mua thì nó sẽ bán cho. Tôi rất ngạc nhiên, hỏi sao nó lại có thì thằng bé bảo anh nó đi chơi ngoài miền Đông, người ta cho đem về, nuôi hoài chỉ thấy nó ăn rồi ị chứ chẳng biết hót gì cả, riết rồi chán nên muốn bán đi cho rảnh nợ. Tôi hỏi nó định bán bao nhiêu, nó bảo bán cả lồng là tám chục ngàn. Người bạn thợ sửa xe nghe vậy bèn cự thằng bé: “Hôm trước tao trả cho mày một trăm ngàn mà mày không bán, bây giờ bán cho người khác có tám chục?” Thằng bé cười láu lỉnh: “Bán kế bên nhà rủi có tiếc thì mang tức thì sao? chẳng thà bán xa cho khuất mắt, có rẻ chút cũng hổng sao!” Tôi nghe nó phân tích mà buồn cười nhưng thấy cũng có lý, cái thằng lém thiệt! Thế là tôi đành phải móc tiền ra mua cặp vẹt đó mang về nhà. Nhìn con mừng tíu tít, tôi thấy vui vui một chút nhưng sau đó lại rầu trong bụng vì đã không giữ được hạnh phóng sinh. Thôi thì nuôi một thời gian cho con nó vui, sau đó tìm cách thả ra chắc cũng không sao, tôi chặc lưỡi nói thầm.

Do bị thằng bé nhốt chung một lồng, con vẹt nhỏ thường xuyên bị con vẹt lớn cắn khiến lông lá tả tơi, tôi phải mua thêm một cái lồng nữa, tách hai con ở riêng, rồi cặp sát vào lồng cũ. Thế mà thỉnh thoảng hễ con vẹt nhỏ vô ý để thò đuôi sang lồng bên kia là bị con vẹt lớn cắn vặt đứt lông liền, con vẹt nhỏ kêu nghe rất thảm. Khi xảy ra chuyện như vậy, tôi thường cầm que cây khỏ vào lồng con vẹt lớn cho nó sợ mà chừa, thế mà nó chẳng ngán, vẫn cứ rình để vặt lông con vẹt nhỏ hoài.

Sau một thời gian hồ hởi tham gia phụ tôi chăm sóc 2 con vẹt, do tính con nít mau chán, con gái tôi bỏ hẳn việc săn sóc đó cho tôi. Một mình, mỗi ngày thay nước, lấy thức ăn để vào hộp, hốt dọn phân cho chúng, tôi cảm thấy bực mình vì bận bịu, tôi tự trách mình vì thương con mà tạo nghiệp nên giờ phải lãnh quả báo. Tôi dự định thêm một thời gian nữa sẽ thả chúng đi. Cũng may, chúng rất dễ ăn, ngoại trừ thịt cá, cái gì mình ăn nó đều ăn được, lúa, bánh, chuối và các thứ trái cây khác…. Cái mỏ khoằm cứng như thép với lực cắn mạnh khủng khiếp, thức ăn nào vào mỏ chúng đều bị cắn nát thành bột. Đặc biệt, cả hai con đều rất mê ăn… ớt, chúng quắp trái ớt hiểm bằng chân giống như người ta cầm ổ bánh mì, chậm rãi lựa từng hột ớt ra nhâm nhi. Ai không quen tới gần, ngửi mùi ớt là nhảy mũi sặc sụa trong khí chúng tỉnh bơ cắn cái thứ cay xé họng. Thật là lạ.

Một hôm, ngồi nhìn cặp vẹt, tôi chợt nhớ lúc còn nhỏ, mẹ tôi có kể cho tôi nghe, bà ngoại tôi ngày xưa có nuôi một con nhồng biết nói. Do cậu tôi tên Hoành hay quậy phá, ngoại tôi thường la: “Hoành a, cái đồ hư…” Ai nghe cũng buồn cười. Khi cậu tôi lớn, một hôm vừa mới dắt người yêu về nhà lần đầu, con sáo theo thói quen, thấy cậu tôi liền la: “Hoành a, cái đồ hư”. Cậu tôi mắc cỡ với người yêu, chiều đó lén bóp con nhồng chết tươi làm bà ngoại tôi giận cậu cả tháng trời, không thèm nói tới mặt.

Nhớ đến chuyện xưa, tôi chợt nảy ra ý tưởng là dạy cho 2 con vẹt niệm Phật. Tôi liền đến gần chiếc lồng rồi nói A-di-đà-Phật, A-di-đà-Phật… Tôi lặp đi, lặp lại nhiều lần bốn chữ đó. Con vẹt nhỏ chẳng hề chú ý, vẫn nhẩn nha ăn bánh; còn con vẹt lớn đang cắn hạt bắp bỗng dừng lại, nghiêng đầu nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe như chú ý lắng nghe, rồi nó phát tiềng rù rì gì đó trong cổ họng, một lát sau quay lại cắn hạt bắp tiếp. Tôi kiên trì lặp đi, lặp lại câu A-di-đà-Phật nhiều lần cho 2 con vẹt nghe trong những ngày tiếp theo.

Khoảng một tuần sau, một buổi sáng thức dậy, khi đi ngang chuồng vẹt, tôi bỗng nghe tiếng niệm A-di-đà-Phật nho nhỏ; giật mình tôi quay lại nhìn thì con vẹt lớn tiếp tục lớn tiếng: “A-di-đà-Phật, A-di-đà-Phật!” Tôi mừng quá, bao nhiêu ngày kiên trì nay đã thành công. Thật là vui! Tôi gọi cả nhà đến xem, ai nấy đều thích thú khi nghe tiếng niệm Phật của con vẹt. Con vẹt lớn càng ngày càng niệm Phật rõ ràng hơn, còn con vẹt nhỏ tối ngày chỉ biết ăn rồi kêu “chè, chè…”, rung rung đôi cánh như con chim non đòi mẹ cho ăn, dẫu rằng nó đã già khú đế. Sau đó, thấy con vẹt lớn thuần thục trong việc niệm Phật A-di-đà, tôi bèn dạy nó niệm các danh hiệu khác như: Thích-Ca-Mâu-Ni-Phật, Quán-Thế-Âm Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát… Lúc này, chắc đã quen phát âm nên con vẹt lớn học rất nhanh, nó đọc đủ danh hiệu Phật, Bồ-tát mà tôi đã dạy. Nhiều người nghe nó đọc các danh hiệu Phật và Bồ-tát, đều rất ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi. Khi anh em chúng tôi tụ họp trong những dịp cúng giỗ cha mẹ, lúc rảnh mọi người vui vẻ xúm lại nghe nó niệm Phật, có người còn lấy máy quay phim ra quay để dành làm kỷ niệm hoặc khoe với bạn bè.

Một hôm nhà có tiệc giỗ, trong những khách mời có một người anh họ chuyên nuôi chim hoàng yến nhưng anh ấy lại có nuôi một con nhồng, con này cũng biết nói nhưng do anh là đệ tử của lưu linh, bạn bè rủ nhậu tối ngày nên con nhồng nghe riết nên nói chỉ có mỗi một câu: “Bác Bảy ơi, nhậu!” làm nhiều người cười lăn ra bảo đúng là thầy nào trò đó. Lúc ấy, anh ấy thấy con vẹt của tôi chỉ nói toàn Phật hiệu nên muốn phá, anh ta kê miệng hôi rình mùi rượu sát vào lồng, rồi lập đi lập lại một câu tục tĩu cho con vẹt học, không ngờ nó la một tiếng “két” thật lớn rồi cắn một phát như trời giáng vào môi anh ta khiến anh ôm môi chảy máu, bỏ về một nước.

Một hôm, vào buổi trưa tháng Tư, ngoài trời có nhiều tiếng chim hót ríu rít, tôi thấy hai con vẹt ngừng ăn, nghiêng nghiêng đầu như chú ý lắng nghe, thỉnh thoảng con vẹt nhỏ lại kêu vài tiếng thánh thót rồi vỗ cánh đập lạch xạch trong lồng… tôi chợt giật mình nhớ lại, thấm thoát mới đây mà đã gần 1 năm trôi qua. Lúc mới nuôi, tôi định vài tháng sau sẽ thả cho chúng về thiên nhiên nhưng do bận bịu đủ thứ chuyện nên quên khuấy đi. Chiều hôm đó, tôi nói với con gái tôi việc thả 2 con vẹt, tuy nó tiếc lắm nhưng do được tôi đưa đi chùa, dự lễ phóng sinh vài lần nên nó hiểu chuyện nên đồng ý nhưng lại dặn tôi đợi nó đi học rồi hãy thả cho nó khỏi tiếc. Ngày rằm tháng Tư âm lịch năm đó, tôi quyết định thả cặp vẹt để đón mừng lễ Phật đản.

Khi hai cửa lồng chim được mở ra, con vẹt nhỏ liền nhanh chóng bước đến khung cửa rồi lẹ làng bay vút vào không trung mất dạng, tôi nhìn nó ra đi như vậy, chợt thấy buồn một chút, mình săn sóc, lo lắng cho nó gần cả năm trời, thế mà nó ra đi không thèm ngoái lại một lần… Đúng là cái đồ bạc bẽo! Còn con vẹt lớn, thấy cửa lồng mở, nó lò dò đến khung cửa rồi đứng đó, thò cái đầu nghiêng nghiêng, ngó ngó. Một lát sau, nó trèo hẳn ra ngoài, dùng mỏ và vuốt chân, móc vào các thanh của khung chuồng, leo vòng quanh bên ngoài 2, 3 vòng rồi trở lại vào trong chuồng, tiếp tục cắn thóc trong lọ. Tôi hết sức ngạc nhiên vì hành động của nó, tôi nghĩ chắc nó còn lạ cảnh bên ngoài nên không dám rời đi nên tôi cứ để cửa lồng mở như vậy cả buổi chiều mà nó vẫn ở mãi trong lồng như không có chuyện gì xảy ra cả. Bắt đầu từ hôm ấy, tôi không đóng cửa lồng nữa.

Từ đó về sau, tôi với con vẹt trở nên như hai người bạn, khi nào thấy tôi xách xe định đi đâu nó lại kêu “két” một tiếng thật lớn như muốn hỏi tôi đi đâu đó? Nếu tôi nói “Đi chợ” thì nó làm thinh, còn tôi mà không trả lời là nó la “két két” liên tục khiến cả nhà lùng bùng lỗ tai cho đến khi tôi lên tiếng thì nó mới ngừng lại. Tối đến, tới thời công phu, khi tôi mặc áo tràng lam, thắp hương và gõ chuông, cứ sau tiếng gõ chuông “boong” là nó kêu “két” một tiếng rõ lớn, lúc tôi lạy Phật, tọa thiền, tụng kinh thì nó cũng rì rầm đọc các danh hiệu chư Phật và Bồ-tát.



Trong làn khói hương thơm dìu dịu, một người, một súc sanh lặng lẽ tu tập. Cứ như thế gần mười năm trời đã trôi qua. Cửa lồng chim luôn rộng mở nhưng con vẹt chẳng buồn rời khỏi cửa lồng, chắc nó đã tìm được nơi an trú thanh bình. Đất lành chim đậu mà!

Có một Phật tử khi nghe con vẹt của tôi niệm Phật liền nói, theo môt câu chuyện của Phật giáo, sau này khi con vật chết đi, lưỡi của nó sẽ không bị tan hoại, nếu đem chôn xuống đất, nơi đó sẽ mọc lên một loài hoa sen rất quý. Tôi thì không biết chuyện đó có xảy ra cho con vẹt này hay không bởi khi con vẹt này mà chết thì tôi cũng tan xác lâu rồi vì theo các nhà động vật học bảo, loài vẹt có thể sống tời gần 300 năm! Hiện tại tôi chỉ biết có một chuyện kỳ lạ là từ ngày con vẹt này bắt đầu niệm danh hiệu Phật thì ngày nào nó cũng được ăn một loại bánh ngon đắt tiền, bánh này không phải do tôi mua mà do người khác mang đến tặng nhưng ác có môt điều là hễ tôi ăn vào thì bị tăng huyết áp nên chẳng dùng được nhưng người ta tặng không lẽ chê, chẳng nhận? Thế là con vẹt cứ tàng tàng thưởng thức “tiêu chuẩn” của tôi suốt bao nhiêu năm qua. Đó chẳng phải là biểu hiện của phước báo ho việc niệm Phật của nó sao?

Và cuối cùng, tôi nghỉ, việc con vẹt đến với tôi rồi được tôi dạy cho nó niệm Phật, âu cũng là một cái duyên tiền kiếp.

Hương Đức
12/2013



 
atoanmt Date: Thứ Ba, 18 Feb 2014, 7:19 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Ba, 18 Feb 2014, 7:20 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng


Hồi xưa, mình nuôi loại két này nè. Có người nuôi thì biết nói, còn mình nuôi thì nó không bao giờ nói mà chỉ la hét đến đinh tai, nhức óc. Hể thấy ánh sáng là chúng nó bắt đầu nói chuyện om sòm, nên phải có khăn đen che lại nếu trời tối happy ( tại mình nuôi trong nhà mà )

Nhưng nuôi cái giống này, phải nói là rất uổng tiền, tuy rằng chúng nó đẹp về màu sắc và thân hình bé nhỏ. Nhưng chúng nó phá của rất tàn bạo, vừa ăn vừa phá, những thức ăn rơi vãi trong chuồng chúng nó không thèm đếm xĩa đến.

Lúc đầu mình nuôi có 2 con, một con trống và một con mái. Nhưng hai con không yêu nhau, mà mình cũng không biết làm sao cho hai đứa nó yêu nhau. Nghiên cứu sách về đời sống của nó , nên mình mua thêm 2 con trống. Như vậy trong chuồng có 3 con trống và một con mái. Bốn con cũng không con trống nào làm con mái siêu lòng.

Phái nữ thường là vậy có nhiều trống thì chảnh chẹ lắm , nên mình mua thêm một con mái, là 3 trống hai mái ^_^.

Hai chị ganh nhau để mấy con trống đút mồi cho ăn, nên có đôi có cặp , còn một anh trống lẽ loi, không chị nào yêu, anh ta cũng sống bình thường và chẳng ghen tuông. wacko

Loại két này sanh sản nhanh vô cùng, từ năm con mà mình có 150 con trong vòng hai năm và có chiều hướng gia tăng dân số, nếu mình không chia cách chúng nó ra.

Nhưng có điều mình quan sát và theo dõi, loài két này con mái rất ích kỷ và không thương con, thậm chí giết con vì ghen tương. Nuôi con là nhiệm vụ của con trống, khi chị mái nằm ổ, chị hay nhõng nhẽo kêu gọi con trống mang thức ăn vào tận ổ, còn chị thì ấp con dù rằng thức ăn để ngay trong chuồng đi ba bước là có, khi nằm mõi thì chị nhảy ra khỏi ổ, tắm rửa cho đã đời rồi nhảy vô ấp con tiếp.

Khi chim con nỡ, anh trống đút mớm cho đàn con muốn xĩu luôn, thêm bà vợ hay nhõng nhẽo cũng đòi chồng đút cho ăn. Lúc chim con đủ lông cánh và ra khỏi ổ là lúc chị mái đẻ tiếp lứa trứng khác.

Chim con tuy lớn và có thể tự ăn một mình, nhưng do thói quen lâu lâu cũng xoè cánh kêu chim chíp cho chim bố đút cho ăn, thế là chim mẹ nhảy ra khỏi ổ ấp trứng dùng chân đè chim con và dùng mỏ cứng của mình lột da đấu chim non đến khi chim non tắt thở.

Về vấn đề phóng sanh, nếu bạn phóng sanh loài két này chúng sẽ chết ở môi trường thiên nhiên, vì không có khả năng tìm mồi, và bị các loài chim khác đánh đến chết. Mình cũng bị vài con bay thoát ra ngoài, nhưng sau đó thấy nó chết ngoài sân , tuy rằng giống chim này có khả năng bay đến 3000 km mà không cần ăn.

Với khả năng bay xa và nhịn đói lâu như vậy chúng nó có thể bay đi định cư nơi nào chúng thích, nhưng vì sanh ra và lớn lên trong chuồng nên chúng không thích nghi với hoàn cảnh thiên nhiên.

Thành ra phóng sanh trở thành tội ác. Thôi ráng nuôi ai biểu ham happy Mà nó có khả năng sống đến 15 năm trong môi trường nuôi nhốt.

Chú két biết nói A di đà kia mà đem cho Chùa họ nuôi cũng tốt, còn nếu bán chắc cũng không dưới 15 000 usd. Bị nêu két mà biết nói giá bán rất cao.

Thanks bạn đã đăng một bài khá thú vị
 
LongTracAn Date: Thứ Ba, 18 Feb 2014, 10:26 PM | Message # 4
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Ba, 18 Feb 2014, 11:08 PM | Message # 5
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
hailove Date: Thứ Tư, 19 Feb 2014, 6:56 AM | Message # 6
Lieutenant general
Group: Moderators
Messages: 514
Status: Tạm vắng
nhà hailove cũng có 1 con sáo,nuôi nó từ khi còn phải đút cám,suốt ngày nó cứ niệm "mô phật,mô phật",nó ăn cám từ nhỏ đến lớn nhà hailove không cho nó ăn côn trùng,chim muốn biết nói phải có kỹ thuật lột lưỡi chứ không nó sẽ không nói được đâu

NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Tư, 19 Feb 2014, 11:26 AM | Message # 7
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
happy Lột lưỡi là tiếng lóng của dân mình , những chú két biết nói , sáo nhòng người ta huấn luyện cho nó nói đó bạn, cũng giống như huấn luyện những loài chim hót du dương và với âm điệu hay.

Hồi nhỏ, mình cũng có nuôi một con Nhòng. Nghe người ta nói cho nó ăn ớt nhiều nó sẽ lột lưỡi và biết nói. Mình lấy toàn ớt hiễm giả nát trộn với cơm nhão cho nó ăn. happy Mỗi lần ăn là phải ép nó vì nó đâu chịu ăn cay giống dân Huế . Mình cứ chộp lấy nó và banh miệng nó ra nhét cơm trộn ớt vô ( phải đeo găng tay nha, vì móng và mỏ nó mà quặp thì đau lắm ).

Nuôi như vậy được một tháng, con chim gầy guộc trông thấy, cho nó ăn món chuối khoái khẩu của nó nhưng nó cũng không ăn nổi. Mình tưởng là thành công, vì người ta nói là khi lưỡi bị giộp thì sẽ tự tróc ra thế là lột lưỡi và chim nói chuyện như Người happy Để giúp nó lột lưỡi nhanh hơn, mình còn lột lưỡi giùm nó. Khi mở miệng nó ra quả thật lưỡi của nó đã bị bong ra những lớp da lưỡi, do bị phỏng vì ăn ớt. Nhưng sau khi mình kéo những cái da bị giộp đó ra thì 2 ngày sau nó cũng chết surprised surprised sad

Sau này, khi đi xem người ta biểu diển két, nhòng, sáo biết nói ở bên này, hỏi ra thì mới biết , chim nói hay hót là do mình huấn luyện nó chớ không có vụ lột lưỡi giống mình happy happy happy

Tuổi thơ vừa ngu dại, vừa tò mò nên hại đời một chú nhòng tội nghiệp. Cho nên vấn đề giáo dục ý thức cộng đồng và giáo dục nhân tính của trẻ em rất là quan trọng cho một nền giáo dục của một Quốc Gia.

Nhân chi sơ tánh bản thiện mà, con người trở nên ngu dại và ác độc một phần là cũng do môi trường sinh hoạt chung quanh vậy.
 
LSK Date: Thứ Sáu, 21 Feb 2014, 7:27 AM | Message # 8
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
 
kathy Date: Chủ Nhật, 23 Feb 2014, 2:37 PM | Message # 9
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
Saigoneses , Thanhlongphapsu, hailove, mỗi người khác nhau
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » PHẬT-SỰ MUÔN NƠI » CHUYỆN CON VẸT BIẾT NIỆM PHẬT (HƯƠNG ĐỨC)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO