Thứ Năm
25 Apr 2024
6:02 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » PHẬT-SỰ MUÔN NƠI » XÁ LỢI (Tổng hợp)
XÁ LỢI
atoanmt Date: Thứ Năm, 23 Aug 2012, 10:05 AM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Xá lợi - Một bí ẩn chưa được khám phá





XÁ LỢI CỦA ĐỨC PHẬT THÍCH CA


NGÓN TAY CỦA PHẬT


RĂNG CỦA PHẬT



Đó là những hạt tinh thể với đủ màu sắc, long lanh như ngọc, rắn như kim cương, búa đập không vỡ, lửa thiêu không cháy. Chúng được tìm thấy trong đống tro tàn sau khi hỏa thiêu hài cốt của một nhà tu hành nào đó. Cho đến nay, khi nền khoa học kỹ thuật của nhân loại đã phát triển ở trình độ cao, chúng vẫn tồn tại như một bí ẩn chưa được khám phá.

Bảo vật của nhà Phật

Xá lợi là từ ngữ phiên âm tiếng Phạn: sarira - nghĩa đen là “những hạt cứng”. Theo ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni viên tịch, các tín đồ đã đem thân của ngài đi hỏa táng. Sau khi lửa tàn, họ phát hiện thấy trong phần tro còn lại có lẫn rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau, cứng như thép, lóng lánh và tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý. Họ đếm được cả thảy 84.000 viên, đựng đầy trong 8 hộc và 4 đấu. Nó được đặt tên là xá lợi, được coi là một bảo vật đặc biệt quý hiếm của Phật giáo.

Những năm gần đây, lịch sử Phật giáo cũng như nghiên cứu của các nhà khoa học đã ghi lại khá nhiều trường hợp các vị cao tăng sau khi viên tịch, hỏa thiêu đã để lại xá lợi, chẳng hạn như:

Tháng 12/1990, một vị cao tăng là Hoằng Huyền Pháp sư ở Singapore viên tịch, sau khi thi thể được hỏa thiêu, người ta phát hiện thấy trong phần tro của ngài có 480 hạt cứng, hạt to cỡ như hạt đỗ tương, hạt nhỏ cỡ bằng hạt gạo, trông gần như trong suốt và tỏa sáng lấp lánh như những hạt kim cương. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng, đó chính là thứ gọi là xá lợi.

Tháng 3/1991, Phó hội trưởng Hội Phật giáo Ngũ Đài Sơn - ủy viên thường vụ Hội Phật giáo Trung Quốc, sau khi viên tịch đã được tiến hành nghi thức hỏa táng theo tâm nguyện của ngài, trong phần tro còn lại người ta phát hiện được tới 11.000 hạt xá lị, đạt kỷ lục thế giới từ trước đến nay về những trường hợp xá lợi được ghi nhận một cách chính thức.

Viên xá lợi có thể to như quả trứng vịt, đó là trường hợp của Pháp sư Khoan Năng, vị chủ trì Tây Sơn Tẩy Thạch Am ở huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ngày 27/9/1989, ngài viên tịch thọ 93 tuổi. Sau khi hỏa thiêu người ta tìm thấy trong tro hài cốt 3 viên xá lợi màu xanh lục, trong suốt, đường kính mỗi viên lên tới 3-4cm, tựa như những viên ngọc lục bảo.

Lại có một số trường hợp, xá lợi chính là một bộ phận nào đó của cơ thể không bị thiêu cháy. Tháng 6/1994, Pháp sư Viên Chiếu 93 tuổi, chủ trì chùa Pháp Hoa, ở núi Quan Âm, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, trong một buổi giảng kinh tối đã nói với các đệ tử là: Ta sẽ để lại trái tim cho chúng sinh. Sau đó vị sư này ngồi kiết già và siêu nhiên viên tịch.

Theo đúng pháp quy của nhà chùa, các đệ tử đặt thi thể bà lên một phiến đá xanh, xếp củi chung quanh và tiến hành hỏa hóa. Lửa cháy sáng rực suốt một ngày một đêm. Trong đống tro nguội, các đệ tử thu được 100 viên xá lợi to nhỏ khác nhau. Có viên thì hình tròn (xá lị tử), có viên lại nở xòe ra như những bông hoa (xá lị hoa). Những bông xá lợi hoa trông rất đẹp, lóng lánh như những bông hoa tuyết, chung quanh còn được giát bằng những hạt xá lợi nhỏ cỡ hạt gạo, sắc đỏ, vàng, lam, nâu... hết sức kỳ diệu. Nhưng điều kỳ diệu hơn cả là trái tim của bà không hề bị thiêu cháy. Sau khi ngọn lửa tắt trái tim vẫn còn mềm, nóng, rồi mới nguội dần và cứng lại, biến thành một viên xá lị lớn, màu nâu thẫm. Khoảng 100 đệ tử có mặt trong lễ hỏa táng đã tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ lùng đó. Theo kể lại, Pháp sư Viên Chiếu là người từ bi, tính tình điềm đạm và ôn hòa, thường ngày bà chỉ ăn rất ít. Chùa Pháp Hoa đã cho người mang những viên xá lợi đó đến giao lại cho Hội Phật giáo tỉnh Thiểm Tây.

Khoa học bó tay?

Vài chục năm trở lại đây, giới khoa học bắt đầu tìm cách giải thích những hiện tượng huyền bí được nhà Phật nói đến trong kinh điển như họ đã từng nghiên cứu lý giải các hiện tượng trong thiên nhiên, vũ trụ và con người. Thế nhưng, khi bắt tay vào nghiên cứu hiện tượng xá lị, họ đã gặp phải không ít khó khăn, trở ngại.

Trước đây người ta không tin là có xá lợi Phật tổ. Mãi đến năm 1997, ông W.C Peppé, người Pháp, khi tiến hành khảo cổ tại vùng Piprava, phía Nam Népal đã tìm thấy những viên xá lợi đựng trong một chiếc hộp bằng đá. Trên hộp có khắc những văn tự Brahmi, và người ta đã đọc được nội dung của nó như sau: “Đây là xá lợi của đức Phật. Phần xá lợi này do bộ tộc Sakya, nước Savatthi phụng thờ” (Theo Phật quang từ điển). Sự khám phá này đã chứng minh những gì được ghi lại trong Kinh Trường A Hàm và rải rác ở những sách kinh điển của Phật khác về việc phân chia xá lợi đức Phật thành 8 phần cho 8 quốc gia cổ đại khi Phật nhập Niết bàn là có thật. Điều kỳ lạ là trải qua hơn 25 thế kỷ, xá lợi đức Phật vẫn còn nguyên vẹn, lấp lánh màu sắc.

Về sự hình thành của những viên xá lợi, cho đến nay vẫn tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau. Các nhà xã hội học cho rằng, do thói quen ăn chay, thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng, trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ, rất dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate, những tinh thể muối đó tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng biến thành xá lợi. Tuy nhiên, giả thuyết này không đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ số người ăn chay trên thế giới có tới hàng trăm vạn, nhưng tại sao không phải ai khi bị hỏa táng cũng sinh xá lợi. Số người theo đạo Phật cũng nhiều vô kể, thế nhưng tại sao trong cơ thể của những tín đồ bình thường lại không có xá lợi?

Các nhà khoa học lại cho rằng, có thể xá lợi là một loại hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật... giả thuyết này cũng khó đứng vững. Bởi vì, sau khi đưa xác đi thiêu, trong phần tro của những người mắc các chứng bệnh kể trên, không hề phát hiện thấy có xá lị. Mặt khác, những cao tăng có xá lị thường là những người lúc sinh thời thân thể rất khỏe mạnh và tuổi thọ cũng rất cao.

Nhà Phật cũng có những quan điểm riêng về vấn đề xá lợi. Quan điểm thứ nhất cho rằng xá lợi là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện. Quan điểm thứ hai cho rằng: xá lị là kết quả của quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện thì sau khi viên tịch mới có thể sinh xá lợi.

Tuy nhiên, cuối cùng thì xá lợi đã được hình thành như thế nào? Thành phần của nó ra sao? Chẳng phải kim loại, chẳng phải phi kim, cũng chẳng phải kim cương, lục bảo, chỉ là tro cốt còn lại của người tu hành sau khi hỏa táng, vậy mà sao đốt nó hoài cũng không cháy, thậm chí vẫn sáng lấp lánh màu sắc, thách thức với thời gian, chẳng mảy may hư hỏng... Hàng loạt câu hỏi như vậy cho đến nay vẫn là những câu đố chưa có lời giải đáp!


Xá Lợi của Ngài Geshe_Lama_Konchog, Tây Tạng


Nguồn: http://quangduc.com/khoahoc/92xaloibian.html


AToanMT
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 23 Aug 2012, 10:21 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Đặc điểm Xá Lợi của Đức Phật

.......... Những đặc điểm này được quan sát và được chấp nhận bởi tất cả các Phật tử, Xá Lợi có thể mô tả như sau:

* Xá Lợi là các tinh thể trong hay đục, có màu sắc khác nhau: Trắng như vỏ ốc xà cừ, Vàng, Đen, Hồng, Đỏ, v.v...

* Các hình dạng khác nhau, trông giống như hạt gạo, hạt giống bắp cải và hạt Đậu... v.v...

* Có những hạt nhỏ hơn sẽ nổi trên nước và thu hút nhau.

* Có thể tự Tăng hay Giảm kích thước, hoặc số lượng.

* Có thể thay đổi Màu sắc và kích thước.

* Đa số Xá-Lợi đều nhẹ hơn so với đá thông thường có cùng kích thước.


Characteristics of the Buddha's relics

..........These characteristics are observed and accepted by all Buddhists , they can be described as follows:

* Found in various clarity and colours such as crystal clear or opaque, white like the conch shell, gold, black, pink, red, etc.

* Found in different shapes which looks like rice grain, cabbage seed and broken bean , etc.

* The smaller ones will float when place in water and attract each another when float together.

* They can increase or decrease by themselves.

* Their colour and size can change by themselves.
Most of them are lighter compared to ordinary stones of the same size.



XÁ LỢI CỦA ĐỨC PHẬT


XÁ LỢI CỦA ĐỨC PHẬT


XÁ LỢI CỦA ĐỨC PHẬT


XÁ LỢI CỦA ĐỨC PHẬT




AToanMT
 
LongTracAn Date: Thứ Năm, 23 Aug 2012, 1:19 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 23 Aug 2012, 4:56 PM | Message # 4
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
BẢO THÁP (STUPA)
Sanskrit: स्तूप, stūpa, Pāli: थुप "thūpa"


Sau khi Phật nhập niết-bàn, báu thân của Ngài thiêu xong, người ta thu được đúng 84 ngàn viên Xá-Lợi đủ màu sắc đẹp lóng lánh như Ngọc !
(Có 1 điều trùng hợp là khi Phật còn sống, Ngài thường nói:
-"Có 84 ngàn Pháp Môn Tu !")
84 ngàn viên Xá Lợi của Phật, đầu tiên đã được cất và Thờ trong 8 Bảo Tháp (Stupa).
Cho đến khi Vua A-Dục 阿育王, Asoka, là Hoàng Đế Ấn Độ (Ông là vị quân vương đầu tiên của nước Ấn Độ cổ (sa. bhāratavarṣa) đã thống nhất được một lãnh thổ vĩ đại, lớn hơn ngay cả Ấn Độ ngày nay.)
Sau khi theo Đạo Phật, ông đã lập nhiều bia đá ghi lại những thánh tích trong cuộc đời Phật Thích-ca Mâu-ni, và theo truyền thống Phật giáo, tên ông gắn liền với việc lưu truyền Phật giáo.
Ông đã hiểu rằng:
"Xá Lợi của Phật để lại là cho nhân loại, chứ không phải để riêng cho Ấn Độ",
Vì thế, Ông đã ra lệnh mở 8 Bửu Tháp ra, lấy Xá-Lợi đem cho các Quốc Gia khác.

Do đó, hễ nước nào có được Xá-Lợi của Phật, thì họ xây Bửu Tháp chính để thờ.
Còn các Bửu Tháp nhỏ hơn, thì để thờ các Vị Thánh Tăng đã đắc đạo, vì sau khi làm lễ "Trà Tỳ" (hỏa táng) người ta cũng thu được nhiều xá-lợi để lại !

Mời các Bạn xem vài Bửu Tháp dưới đây:



Mahabodhi "Bồ Đề ĐạoTràng"
Nơi Đức Phật ngồi dưới gốc cây Bồ-Đề và thành đạo


Mahabodhi "Bồ Đề ĐạoTràng"


Ruwanwelisaya Chedi in the City of Anuradhapura, Sri Lanka


SANCHI STUPA do Vua Ashoka xây vào thế kỷ thứ 3
trước Công Nguyên. Ở Madhya Pradesh, India.


Phra Mahathat Kaen Nakhon hay "Bảo Tháp 9 Từng"
ở Wat Nong Waen, Thái Lan.


Pha That Luang, the Great Stupa in Vientiane, Lào.


Burma


Shwezigon Paya Temple (built late 11th century)Myanmar


Cha-om, Kaeng Khoi, Saraburi, Thailand


The Great Stupa of Dharmakaya
Red Feather Lakes, Colorado, Mỹ.


CHÙA XÁ-LỢI 舍利寺
89 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Sài Gòn
(Nơi Tôi hồi còn nhỏ, từ nhà thường đi bộ đến Chùa để được các Sư Cô cho Ăn Oản (Bánh In) và trái Cây Bánh kẹo happy )


Bangkok, Thái Lan


AToanMT
 
Trantrans_68 Date: Thứ Năm, 23 Aug 2012, 10:37 PM | Message # 5
Lieutenant colonel
Group: Disciples
Messages: 125
Status: Tạm vắng

Hôm nay em được hiểu bít thêm về Xá Lợi, vì hồi nào đến giờ xem phim HK nghe nói Xá Lợi Xá Lợi, thắc mắc lắm mừ hum bít hỏi ai
 
LSK Date: Thứ Sáu, 24 Aug 2012, 12:02 PM | Message # 6
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
THẦY


Bảo Tháp tại Thích Ca Phật Đài - Vũng tàu


( Bảo tháp Thích Ca Mâu Ni ở đây có tôn trí 13 viên Xá Lợi Đức Phật, được đựng trong một hộp bằng vàng. Đây là niềm đại hạnh cho các phật tử Việt Nam nói chung và phật tử Vũng Tàu nói riêng. Bảo tháp ngọc Xá Lợi ở Thích Ca Phật Đài cao 17m vươn lên giữa sân hành lễ rộng khoảng 300m2, trên có búp sen.

Lối lên Bảo tháp có đắp hình rồng, hai bên có đôi sư tử chầu tượng trưng cho Đại Hùng - Đại Lực. Dưới chân tháp có một thích án để thờ, trên khắc chữ : “Nam mô Bồn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” (Hết lòng tôn kính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni).

Dưới bốn cạnh chân Bảo tháp bát giác đặt bốn cái đỉnh lớn trong đặt bốn nắm đất thiêng được thỉnh từ Lumbini (nơi Ngài Đản sanh), Buddha Caya Uruvfla (nơi Ngài thành đạo), Isipatana (nơi Ngài truyền đạo) và Kusinara (nơi Ngài nhập Niết Bàn) về đây. )


============

Thích Ca Phật Đài - Vũng tàu
Nguyễn Đình Phúc


Lời người viết: Bài viết xin được coi như nén hương trầm thắp lên tri ân bậc tôn sư của tôi, Cụ Cử Hồ Đắc Thăng, người đã hưng công đại công trình Thích Ca Phật Đài. Rất tiếc vì sự hiểu biết hạn hẹp, thời gian cũng đã qua lâu, không lưu giữ được tài liệu nào, nên không giới thiệu được trọn vẹn những nét đặc biệt của Phật Đài. Kính mong các bậc có cơ duyên hiểu biết hơn vui lòng chỉ giáo. Đa tạ.

Thị xã Vũng Tàu (Cấp) thuộc miền Đông cách Sàigòn 125 cây số, bằng xa lộ Biên Hòa và quốc lộ 15. Du khách khởi hành từ Sàigòn chỉ mất hơn một giờ. Khi vừa vào ranh giới thị xã, tuy còn cách xa chừng mươi cây số đã thấy pho Kim Thân Phật Tổ và ngôi Bảo Tháp trắng toát sừng sững hiện ra trên Núi Lớn. Tới thị xã, rẽ phải về hướng Bến Đình, chạy thêm vài ba cây số quí vị sẽ đến khu Phật Đài. Càng gần, du khách, phật tử hành hương càng thấy công trình vĩ đại. Toàn khu vực, từ chân núi trở lên chiếm khoảng gần mười mẫu tây.Bãi đậu xe rất rộng ở phía trái, sát ngay chân núi. Từ xe bước ra, ai cũng sẽ đứng lặng 5, 10 phút để chiêm ngưỡng cảnh hùng vĩ của thiên nhiên đã được tô điểm bằng một công trình kiến trúc tuyệt tác này.

Trước hết, từ nhiều bậc rộng rãi bước lên, cổng tam quan đồ sộ cao khoảng mười thước, bốn trụ vuông, mỗi cạnh khoảng hơn một thước, đỡ đà ngang, chính giữa là phiến đá cẩm thạch hình chữ nhật khắc hàng chữ Thích Ca Phật Đài kiểu chân phương. Khác với phần đông chùa, đình... tam quan Thích Ca Phật Đài không có mái cong, lưỡng long chầu mặt nhật thay bằng hình sóng nước đỡ Pháp Luân rất thanh tú, đơn sơ lại không cần nhiều bảo trì. Trên mỗi trụ cổng trang trí bằng một đóa sen búp. Hai bên tam quan, bức tường hoa chạy dọc theo đường lộ, phân cách bãi đău xe phía dưới với phần nội vi Phật Đài trên cao. Tường được trang trí bằng hình hoa sen nở, bàn tay đỡ bánh xe pháp.

Qua tam quan, khách vào khu sân rộng. Kế tiếp, bước lên năm bẩy bậc thềm, lại tới sân rộng hơn nữa. Những dịp đại lễ, nơi đây và khu vực chung quanh đủ chỗ cho cả ngàn phật tử. Từ sân có nhiều lối dẫn lên chùa Thiền Lâm, Phật Đài. Ngôi chùa đã có từ trước do ông Đốc phủ Lê quang Vinh tạo dựng làm nơi tu hành. Chùa nằm dưới những cổ thụ, tàn lá xanh tươi, mát mẻ giúp cho khách vãng cảnh được ngay sự thư thái, an lạc. Đây cũng là nét đặc thù kiến trúc phật giáo Việt Nam: công trình ít vươn cao, mà trải dài, rộng để được thiên nhiên, cổ thụ ấp ủ, hài hòa.

Gần bên chùa, một trai thất nhỏ dành riêng cho Đại Đức Narada Maha Thera mỗi khi Ngài lưu lại Thích Ca Phật Đài. Ngay trước trai thất, một con đường nhỏ xây cao, trải cát dài khoảng vài chục thước để Đại Đức kinh hành. Xin được có ít giòng về Đại Đức Narada , vì chính do Ngài mà Phật Đài được dựng lên. Ngài là một cao tăng, đúng hơn là bậc thánh tăng của Phật Giáo Tích Lan và thế giới. Ngài là bổn sư của nữ Thủ Tướng Tích Lan. Không biết từ một cơ duyên nào Ngài rất thương yêu Việt Nam, từ thập niên 40 Đại Đức đã thường đến để hoằng dương Phật Pháp.Vào năm 1960, Đại Đức khoảng ngoài lục tuần, tầm thước, nước da ngăm ngăm. Diện mạo, phong thái Ngài luôn phát ra hạnh từ bi vô lượng. Trong khoảng gần mười năm trời mỗi khi được gần Đại Đức, người viết nhận thấy mọi Phật tử bất kể tuổi tác, giai tầng xã hội, trình độ văn hóa... đều cung kính đảnh lễ Ngài như với hàng chư Phật, chư Bồ Tát. Đáp lại, môi Ngài hé mở tán thán: ‘Lành thay! Lành thay!’ và đều rải tâm từ xuống cho tín chủ.

Thời gian đó, mỗi khi Đại Đức từ Tích Lan qua, Ngài thường trụ và thuyết pháp tại Kỳ Viên Tự, đường Phan Đình Phùng, Sàigòn là trụ sở Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada. Trong một thời pháp, vị tăng thường phiên dịch bỗng nhiên ngã bệnh trước lúc Đại Đức đăng đàn. Phật tử bối rối tìm người thay thế. Một cư sĩ hiện diện, Cụ Hồ Đắc Thăng, được mọi người suy cử vì biết Cụ là một học giả uyên bác, lại có trình độ Phật học thâm sâu. Cụ đã tốt nghiệp đại học Sorbonne (Pháp) về khảo cổ từ lâu. Thấy vậy, Cụ đứng lên từ tạ vì theo Cụ dịch Pháp không giống như làm thông ngôn chỉ cần thông hiểu hai ngôn ngữ mà cần đủ tâm đạo. Ngay lúc đó Đại Đức bằng huệ nhãn đã quay về Cụ dạy ‘đạo hữu có thể dịch pháp cho tôi’. Từ sau đó, tất cả các thời pháp, bài viết hay kinh sách của Đại Đức Narada đều do Cụ Hồ Đắc Thăng dịch hay nhuận sắc. Cũng chính từ cơ duyên này Cụ mới qui y dù đã gần 30 năm thâm cứu Phật học.

Sau đó, Đại Đức ngỏ ý muốn Việt Nam có một ngôi Bảo Tháp để Phật tử có nơi chiêm bái Xá Lợi. Vâng theo tôn ý của Đại Đức, hàng ngàn Phật tử phát bồ đề tâm, hoan hỉ cúng dường để xây dựng Bảo Tháp. Chùa Thiền Lâm Vũng Tàu được chọn và Cụ Hồ Đắc Thăng được suy cử thực hiện đại công trình. Việc xây dựng khởi công ngày 20 July, 1961.

Xin mời quý vị trở lại đường lên chiêm bái ngôi Bảo Tháp. Bằng con đường rộng khoảng hơn hai thước, vòng sau chùa Thiền Lâm, từng bậc một dẫn khách hành hương, vãng cảnh lên cao lần. Gió biển Đông mỗi lúc mạnh hơn vì độ cao của sườn núi. Hai bên đường, hàng tường hoa thấp xây đá, bề mặt khoảng hai gang. Các vị cao tuổi hay sức yếu sau nhiều bậc thang, có thể ngồi tạm nghỉ trước khi tiếp tục. Cứ khoảng năm, mười bậc, tùy thế núi, lại có những khoảng san bằng để khách không phải liên tục trèo cao. Hai bên đường nhiều cành cây che phủ như những tàn lọng thiên nhiên. Đường nhiều khúc lượn quanh những tảng đá lớn giữ nét đẹp thiên nhiên, hài hòa tô điểm bằng bàn tay người nghệ sĩ tài hoa. So với sự rộng lớn của Phật Đài, nhiều người có cảm tưởng như con đường dẫn lên hơi hẹp. Người viết đã được Cụ Hồ Đắc Thăng giải thích:‘Nếu như đường lên nơi triển lãm, du lịch thì có thể hơi hẹp vì du khách thường đi ngang 5, 7 người trò chuyện. Trái lại, đây là nơi tôn nghiêm, Phật tử hành hương không đi như cung cách nhàn du, kéo hàng ngang nhiều người, mà chỉ vừa đi vừa tụng niệm, nên con đường rất thích hợp’.

Khoảng nửa giờ tùy nhanh chậm, khách lên tới khu Bảo Tháp. Đứng ngước lên, Bảo Tháp được xây trên một đài cao. Bước lên bằng những bậc rộng, hai bên có rồng chầu được thể thức hóa theo cành lá uốn. Phần nền quanh bảo tháp rộng khoảng hơn ba trăm thước vuông, lát gạch hoa. Bàn thờ tại chính diện, với bài vị Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, bằng đá mài dựng cố định. Chung quanh Bảo Tháp có tường hoa cao ngang tầm người vừa để trang trí, vừa an toàn vì phía dưới là sườn núi.Tháp có hình nón tám cạnh cao khoảng 20 thước, chu vi phần chân tháp cũng khoảng đó, càng lên càng nhỏ lần. Khi gần tới đỉnh lại phình ra rồi thắt lại, trên cùng là đóa hoa sen. Tháp bằng bê-tông cốt sắt, tô đá mài, không trang trí rườm rà, chỉ chạy những đường hoa văn thanh nhã. Quanh bảo tháp, bốn chiếc đại đỉnh cao khoảng hai thước, tôn trí đất thiêng thỉnh từ bốn nơi động tâm: nơi Đức Phật đản sinh (Lumbini), nơi thành đạo (Uravela), nơi chuyển pháp luân (Isipatana) và nơi Ngài nhập niết bàn (Kusinara).

Sau khi chiêm bái, quí vị có thể ngoạn cảnh. Đứng tựa sát tường hoa, nhìn xuống, chùa Thiền Lâm thấp thoáng dưới những tàn lá xanh tươi, từng đoàn khách thập phương theo nhau từ chân núi bước lên như đàn kiến nhỏ trước cái bao la của thiên nhiên. Trên cao độ này hoàn toàn yên tĩnh, chỉ nghe tiếng lá xào xạc. Gió mát biển Đông cất đi nỗi mệt mỏi của hành trình từ xa đến cũng như những đoạn đường trèo núi. Cổng tam quan dưới chân núi thu nhỏ lại như trong mô hình kiến trúc. Phóng tầm mắt nhìn ra xa hơn, dưới kia là xóm chài. Hàng trăm con thuyền cắm sào san sát chẳng khác gì những chiếc lá tre. Xa hơn nữa, khu Hải Quân Cát Lở, rồi biển Đông xanh biếc trải dài chân trời.
Khách trở xuống khu sân chung rồi theo sự đối xứng bước lên Đài Kim Thân Phật như vừa lên Bảo Tháp.

Thật ra khi khởi sự, chỉ có dự án xây Bảo Tháp. Nhưng khi xây xong, chư tăng ni, phật tử mới nhận ra công trình rất quy mô, quí giá. Lúc đó mọi người lại muốn có thêm Phật đài cho công trình viên mãn. Hơn nữa sát bên Bảo Tháp đã có sẵn một pho tượng Phật từ trước nhưng so về tầm vóc cũng như mỹ thuật không cân xứng với ngôi Bảo Tháp vừa hoàn thành. Cụ Hồ Đắc Thăng một lần nữa lại được ủy thác tiếp tục công trình. Lúc đầu Cụ đưa ý kiến muốn hoãn lại vì vừa hoàn thành một công trình lớn tốn kém, đất nước đang chiến tranh, phật tử phần đông còn nhiều thiếu thốn, cũng như lại phải dời pho tượng hiện có đến nơi khác. Nhưng sau khi tất cả phật tử cùng dốc lòng phát tâm bồ đề cúng dường đủ ngân khoản để công trình được viên mãn việc xây Kim Thân Phật lại được xúc tiến. Việc đầu tiên là phải rước pho tượng hiện có ra khỏi vị trí hiện tại để chuẩn bị địa điểm xây cất. Sau khi pho Kim Thân mới được đổ bê-tông đến lưng chừng mới rước pho tượng cũ an vị vào lòng Kim Thân mới. Đây là điều rất nhiều người sau này đến chiêm bái không được rõ trong Kim Thân lại có Kim Thân. Phần đầu của tượng được điêu khắc gia thực hiện ở Sàigòn, chỉ rước về tôn trí lên khi phần thân tượng hoàn tất.

Đứng tại khu sân trung tâm ngước nhìn lên hai bên thấy Kim Thân Phật và Bảo Tháp kiến trúc đối xứng rất cân bằng về mọi mặt. Khách bước lên Phật đài cũng có cùng chiều cao, lối lên như bên bảo tháp. Kim Thân Phật tọa thiền trên toà sen, phần dưới là một bệ tròn, cao khoảng hơn mười thước. Người có duyên lành được đến chiêm bái mới thấy đủ những điều quí báu không thể tả hết. Đứng phía sau Kim Thân, hoặc đứng chiêm bái từ nhiều phía ở triền núi, ai cũng thấy Kim Thân đã tỏa ra đủ đức lành: Bi Trí Dũng. Từng nếp y đắp trên Kim Thân sống động như chính Đức Như Lai đang thị hiện. Khách vòng về chính diện, cung kính ngước nhìn Kim Thân Phật, với làn môi hé mở cố hữu như đang tỏa vô vàn lượng từ bi, hỉ xả xuống cho chúng sanh. Khi chiều về, ánh thái dương rọi chiếu, tưởng như muôn vàn hào quang rực rỡ cả một vùng trời rộng. Tiếng chuông chùa ngân xa như giục lòng người tìm về bến Giác, trút bỏ phiền não, sân si của kiếp nhân sinh. Người viết, lần đầu tiên được chiêm bái Kim Thân Phật khi công trình vừa hoàn thành, được Cụ Hồ Đắc Thăng giảng thêm về ý nghĩa triết học các pho tượng của các tôn giáo. Tượng, tranh vẽ các Đấng Chí Tôn thường cùng đường nét, diện mạo, phần nhiều đều nhìn thẳng hoặc ngước lên. Trái lại tượng Phật, mỗi dân tộc tạo tác đều mang những nét riêng của dân tộc mình. Cùng tượng Đức Thích Ca, nhưng tượng ở Ấn không giống ở Miến, ở Thái, càng không giống ở Nhật Bản, Trung Hoa hay Việt Nam. Đặc điểm này nói lên tùy căn cơ, tâm thức mỗi dân tộc khi Ánh Đạo Vàng phổ độ đến. Không có những giáo điều, khuôn phép bất di dịch mọi dân tộc, cá nhân phải triệt để tuân theo. Phần nhiều trên pho tượng Phật, đôi mắt Ngài thường khẽ khép trong thế tọa thiền, biểu lộ hùng tâm, tự tại. Hiểu như vậy mới thấy pho Kim Thân Phật tại Thích Ca Phật Đài thể hiện trọn vẹn đường nét đặc thù dân tộc.

Kim Thân Phật khi đúc đã dành sẵn một đường nhỏ đủ để dịp lễ khánh thành tôn trí ngọc Xá Lợi rồi gắn lại. Xá Lợi an vị trong một hộp bằng vàng y, do một cư sĩ cũng là nữ họa sĩ dâng cúng. Thí chủ hiện nay đã ngoài chín mươi. Phía sau Kim Thân, một cây Bồ Đề được hạ thổ. Đây là cây Bồ Đề lấy giống từ cây Bồ Đề mẹ, khác với hầu hết đã lấy giống từ các cây con khác.

Sang phần hai của bài, người viết muốn được nhắc lại một số sự kiện liên quan đến Phật Đài hầu giúp độc giả chưa có cơ duyên được rõ thêm.Trong thời gian đang thực hiện công trình xây Kim Thân Phật, khi bê-tông vừa mới được đổ vào khuôn thì đài khí tượng Sàigòn báo tin một cơn bão cực mạnh từ biển Đông đang đánh vào nội địa, trung tâm bão sẽ tiến thẳng vào Vũng Tàu. Với sức tàn phá của bão, công trình mấy năm trời, chi phí hàng chục triệu chắc chắn sẽ bị phá hủy. Những vị trách nhiêm hết sức bối rối. Những cơn mưa và gió lớn đã đến khu vực Vũng Tàu càng khiến mọi người lo sợ. Nhưng đột nhiên, khi bão vào gần đất liền bỗng đổi hướng, rồi tan. Mọi người tin vào sự hộ trì của chư Phật, coi như một phép nhiệm mầu.

Trước đại lễ khánh thành, Đại Đức Narada từ Tích Lan rước ngọc Xá Lợi, đất Thiêng, cây Bồ Đề sang Việt Nam. Trong chuyến bay của Hàng Không Việt Nam thường lệ, ông Chủ Tịch biết có các báu vật thiêng liêng, đã xin phép đặc biệt từ Phủ Tổng Thống (lúc đó là thời đệ nhất Cộng Hòa -- Tổng Thống Ngô Đình Diệm) để phi cơ được vào thẳng bãi đáp VIP dành riêng cho nguyên thủ quốc gia, quốc khách. Đề nghị liền được chấp thuận. Khi Xá Lợi được rước xuống phòng khánh tiết danh dự, hàng hàng lớp lớp phật tử đã cung kính đảnh lễ, nghi thức kéo dài từ Sài Gòn đến Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu. Xá Lợi được tôn trí trên chiếc Mercedes mầu đen, mở rộng cửa để Phật tử dọc hai bên đường chiêm bái.

Ngược thời gian, khi Thích Ca Phật Đài hoàn thành, ai ai cũng thấy công trình có tầm vóc quốc gia, nên đã vận động thành lập một Ủy Ban rộng lớn bao gồm các giáo hội Bắc, Nam Tông, Theravada, Phật Giáo Hoa Kiều, Gốc Miên... để chung lo đại lễ Khánh Thành. Ủy Ban Liên Phái Khánh Thành Thích Ca Phật Đài ra đời trong niềm hoan hỉ của tất cả phật tử vì xưa nay chưa có một Ủy Ban nào có tầm vóc như vậy được hình thành để chung lo phật sự. Điểm đáng lưu tâm là chính từ Ủy Ban Liên Phái Khánh Thành Thích Ca Phật Đài đã là tiền thân cho Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo (1963), đưa đến Hiến Chương Phật Giáo và tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau này.

Trong ba ngày đại lễ khánh thành (9-11 March, 1963) ban tổ chức ước tính có khoảng từ 500 tới 700 ngàn chư tăng ni, phật tử, khách thập phương đổ về. Núi lớn được phủ kín bằng rừng người và cờ phật giáo. Một vị nữ phật tử hằng tâm hằng sản đã hoan hỉ cúng dường ngân khoản khoảng 5, 6 triệu để thực hiện hàng triệu phần trai phạn cho khách thập phương dự lễ.

Từ khi Phật Đài được xây dựng, đã có hàng chục triệu người đến chiêm bái hoặc thấy các hình chụp toàn cảnh Phật Đài. Đặc biệt có nhiều phật tử tôn trí hình chụp chính diện Kim Thân Đức Phật trên bàn thờ. Nhưng Phật Đài tọa lạc trên Núi Lớn, không có thế đất gần xa nào ngang tầm cao, làm cách nào có tấm hình quí giá đó? Nhiếp ảnh gia Phạm Kim Khánh (cũng là dịch giả một số tài liệu, kinh sách của Đại Đức Narada, với sự nhuận sắc của Cụ Hồ Đắc Thăng), đã được cơ quan thông tin Hoa Kỳ cung cấp một trực thăng riêng, có bộ phận chống rung động, rất tối tân vào thời đó, bay tới chính diện nhờ đó mới chụp được những tấm hình quí giá này.

Một cuốn kỷ yếu do Cụ Hồ Đắc Thăng ghi lại những nét chính của công trình trong mấy năm trời, phương danh tất cả các vị hằng tâm hằng sản, kể cả tên từng anh phu hồ, chị gánh đất... nhưng chính tên Cụ, người cống hiến tài năng, công lao nhất lại rất nhỏ bé, ghi sau cùng ở vào nơi nếu không tìm kiếm rất khó thấy. Ngay khi Thích Ca Phật Đài hoàn thành viên mãn, Cụ Hồ Đắc Thăng đã từ chối mọi công việc nơi đây, không nhận lãnh một phương vị, vinh dự nào khác. Những năm sau này, thỉnh thoảng một lão ông tóc trắng xóa, nhưng rất phương phi tới chiêm bái như mọi người, vị đó chính là Cụ. Với lớp môn sinh, Cụ đã thường căn dặn đại ý: ‘Các con cần nhớ rõ, khi làm xong một việc gì chỉ nên an vui trong lòng, đừng quyến luyến các thành quả đó nữa, có vậy mới đủ nhân duyên cho việc giải thoát’.

Cũng xin ghi thêm: ngôi Thích Ca Phật Đài do Cụ Hồ Đắc Thăng hưng công chỉ bao gồm Bảo Tháp, và Kim Thân Phật tọa thiền sát bên mà thôi. Sau này có thêm nhiều kiến trúc nữa nhưng chỉ thoáng nhìn đã thấy ngay sự khác biệt về nhiều mặt.

Viết những dòng này, Thích Ca Phật Đài đã được khánh thành 40 năm qua, gần 30 năm người viết không có dịp trở lại nơi Phật tích có một không hai của quê hương. Chẳng biết ngày nay trong bối cảnh ‘kinh tế thị trường’, ‘mở cửa’ chung số phận như mọi cơ sở văn hóa, tôn giáo khác Phật đài có được trùng tu, gìn giữ đúng mức hay chỉ được khai thác cho lợi nhuận. Cội Bồ Đề hơn 40 năm trước vừa bằng cườm tay, nay ít ra cũng đã thành một đại thụ, cành lá sum xuê hay tàn lụi? Đại Đức Narada đã viên tịch, Cụ Hồ Đắc Thăng cũng đã mất năm 1973, hàng ngàn vạn vị đạo tâm có phước báu cúng dường vào việc tạo dựng Thích Ca Phật Đài cũng đã ra đi vì có ai đã ra khỏi vòng sinh tử luân hồi? Nhưng Thích Ca Phật Đài vẫn còn an trụ. Nhờ đến chiêm bái Phật Đài, hàng triệu phật tử, chúng sinh có cơ duyên tạo được nghiệp lành, tinh tấn trên đường giác ngộ. Phật tử thập phương, du khách khi rời Thích Ca Phật Đài tùy cơ duyên đều được nhiều phước báu, an vui, ngoài ra còn thỉnh về nhiều kinh sách, hình ảnh, kỷ vật... Nhưng trên hết, tóm gọn hơn cả là bốn câu được tạc sâu trên phiến cẩm thạch mặt trong tam quan để mọi người khi ra về đọc được:

"Hạnh phúc thay Chư Phật giáng sinh,
Hạnh phúc thay Giáo Pháp cao minh,
Hạnh phúc thay Tăng Già hòa hiệp,
Hanh phúc thay Tứ Chúng đồng tu".

(Kinh Pháp Cú)

Thiết nghĩ bốn niềm Hạnh Phúc trên mới thật sự là niềm Hạnh Phúc thường trụ, tối thượng vậy.

http://www.langchai.com/ThichcaPD.htm


Message edited by LSK - Thứ Sáu, 24 Aug 2012, 12:06 PM
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 25 Aug 2012, 8:02 AM | Message # 7
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
LSK , Em đăng bài này lên hay lắm, Thầy phụ thêm dưới đây với Em...





Kim Thân Phật Tổ ở Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu)


Lễ đặt viên đá đầu tiên được tiến hành tại Bảo tháp ngày 4-6-1961. Lễ khởi công xây dựng được tổ chức vào ngày 20-7-1961. Sau 19 tháng thi công, lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào hai ngày 09 và 10-3-1963 (tức ngày 14 và rằm tháng hai năm Quý Mão).

Pho Tượng Kim Thân Phật Tổ ngồi tham thiền trên tòa sen. Tượng đức Phật ngự trên đài bát giác cao 11,6m (đài được đúc bằng ciment cao 4,5m, tòa sen cao 2m, tượng đức Phật cao 5,1m). Tượng Phật Tổ được đúc tại chỗ, riêng phần đầu được đặt đúc tại Sài Gòn.

Ngày 20-7-1962, khi đem gắn đầu vào tượng, tương truyền lúc ấy nền trời xanh ửng lên một vầng hào quang quanh đức Phật.

Trong pho tượng Kim Thân Phật Tổ có tôn trí ba viên Ngọc Xá Lợi của đức Phật vào ngày 18-8-1962.

Theo tài liệu của nhà điêu khắc Phúc Điền, tên thật là Bùi Văn Thêm (thân phụ của ông là Bùi Quang Điển, một nghệ nhân đã tạc nhiều pho tượng ở các ngôi chùa cổ, được quý sư gọi là Tài công, tự là Cang) là người thực hiện pho tượng Kim Thân Phật Tổ ở Thích Ca Phật đài (Vũng Tàu) và ở chùa Long Sơn (Nha Trang), thì pho tượng đức Phật ở đây cao 6m, ngang 4m, bệ và tòa sen cao 7m (bệ hình bát giác tượng trưng cho Bát Chánh Đạo).
Phần đầu được đúc tại cơ sở 267 đường Hùng Vương, kế chùa Tuyền Lâm, quận 6, Sài Gòn.




Điêu khắc gia Phúc Điền, có họ tên Bùi Văn Thêm, pháp danh Thiện Sáng, chào đời năm Ất Mão 1915 tại Sa Đéc, Đồng Tháp.
Phúc Điền Bùi Văn Thêm là con của nghệ nhân đắp nặn tượng gốc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi: Bùi Quang Điển tức Tài công Cang (1888 - 1968).

Năm 1961, rất hữu duyên, vừa gặp Phúc Điền thì đại đức Nàrada và giáo sư Hồ Đắc Thăng nêu ngay một số vấn đề kỹ thuật:

- Thích Ca Phật Đài bằng bê tông cốt thép, đặt vĩnh viễn ngoài trời. Tượng Phật ngồi, cao 6m. Bệ cao 7m.

Điêu-Khắc Gia Phúc Điền liền phác thảo pho tượng bằng đất sét với chiều cao 40cm.
Phật ngồi, tất xếp chân kiết già trên toà sen, nhưng tư thế thuyết pháp hay tham thiền nhập định?

Nếu thuyết pháp thì mắt mở nhiều hay ít tuỳ trạng huống, tay phải úp lên chân phải thành ấn địa xúc, tay trái lật ngửa đặt trước bụng, trên bàn tay trái có thể có bình bát.

Nếu toạ thiền thì mắt khép 3/4, nhưng hai tay thế nào?
Tay phải nâng đoá sen ngang mũi, tay trái bắt ấn giáo hoá chăng?
Tay phải đưa cao ngang tai và bắt ấn cát tường chăng?
Cả hai tay cùng nâng ngang ngực, kết ấn định tâm hoặc ấn vô lượng liên hoa hoặc ấn chuyển pháp luân chăng?

Một trong những yếu tố tạo hình khiến Phúc Điền lao tâm khổ tứ:
Đấng Thế Tôn khoác cà sa (y / áo) ra sao?
Cà sa thường được phân 3 loại: đại, trung, tiểu.
Tượng uy nghi thì dùng đại cà sa, nhưng cửu điều (ghép từ 9 mảnh vải) hay bá lạp (ghép từ 100 mảnh vải)?
Mà mặc kiểu gì? Kiểu lục thù là y gồm 6 phần với cổ vuông hoặc chữ nhật như các tranh tượng của Trung Hoa ư?
Kiểu hở vai và hở nguyên cánh tay trái như các tranh tượng xuất xứ từ Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia ư?

Đại đức Nàrada trao Phúc Điền một số tranh ảnh thể hiện kiểu đắp y của Tích Lan:
Quấn cà sa quanh thân, phủ trùm luôn đôi cánh tay, trông rất thẩm mỹ.
Giới điêu khắc gọi đó là y quấn kiểu Colombo - tên thủ đô đảo quốc Sri Lanka.
Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu trở thành tác phẩm điêu khắc đầu tiên ở Việt Nam được đắp cà sa kiểu Colombo.

Trải qua 20 phác thảo khác nhau, mẫu tượng Phật Thích Ca toạ thiền mới được chấp nhận bước đầu.
Phúc Điền lại tiếp tục sửa chữa mẫu tượng đó thật thoả mãn. Thỉnh ý các tu sĩ, nhà điêu khắc đã cân chỉnh thế tay bậc Đại Giác: bàn tay phải ngửa ra chuồi vào lòng bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm nhau, và đặt trên đùi phía trước bụng. Đó là Ấn tam muội, tên khác là Thiền Ấn.



AToanMT
 
ThiệnTâm Date: Thứ Tư, 29 Aug 2012, 9:32 AM | Message # 8
Major general
Group: Moderators
Messages: 365
Status: Tạm vắng
Cảm ơn Thầy đã cho chúng con hiểu biết chi tiết thêm về "Xá Lợi" của Đức Phật.

"Những viên Xá Lợi Thuần Khiết , Trong Sáng Như Tâm Của Đức Phật"

 
LSK Date: Thứ Bảy, 08 Sep 2012, 1:03 AM | Message # 9
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Dạ ! em kính Thầy ạ

Em mới sưu tầm 1 cuốn sách viết về Thích Ca Phật Đài của chính ban quản tự xuầt bản năm 1972.
Em sẽ bố trí nhở scan gửi biếu tặng Thầy và trang nhà a.

Đợt tới Thầy Cô về quê nhà, em hy vọng được mời Thầy Cô đến Vũng Tàu chơi và thăm viếng Thánh tích

Kính Thầy


Message edited by LSK - Thứ Bảy, 08 Sep 2012, 1:06 AM
 
ThiệnTâm Date: Thứ Sáu, 15 Aug 2014, 12:43 PM | Message # 10
Major general
Group: Moderators
Messages: 365
Status: Tạm vắng
Bài viết càng đọc càng mê , nội dung là một câu hỏi mà bất kỳ người đọc nào cũng hiếu kỳ muốn biết.

Trích dẫn 1 đoạn :

"Các nhà xã hội học cho rằng, do thói quen ăn chay, thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng, trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ, rất dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate, những tinh thể muối đó tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng biến thành xá lợi."

=> Tuy nhiên, giả thuyết này không đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ số người ăn chay trên thế giới có tới hàng trăm vạn, nhưng tại sao không phải ai khi bị hỏa táng cũng sinh xá lợi.

Đọc xong bài viết ThiệnTâm vẫn còn hiếu kỳ 1 điều : Đức Phật nhập Niết Bàn , Xá Lợi trong thân Phật để lại cho Thế Giới không biết có ngụ ý gì không ?

THẦY


Message edited by ThiệnTâm - Thứ Bảy, 16 Aug 2014, 1:01 PM
 
hailove Date: Thứ Bảy, 16 Aug 2014, 5:49 AM | Message # 11
Lieutenant general
Group: Moderators
Messages: 514
Status: Tạm vắng
bài viết của thầy và các bạn hay quá, vợ con được 1 người bạn tặng cho 1 viên trên giấy có ghi "xá lợi của ngài sivali" có hình dạng giống hình số 2 và số 4 của thầy up lên.

NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT
 
kathy Date: Chủ Nhật, 24 Aug 2014, 10:30 AM | Message # 12
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
Nói về viên xá lợi, mười năm về trước gia đình tôi đi nghỉ hè ở Cali ,hôm đó ông xã tôi đến cúng chùa và được ông sư tặng 3 viên xá lợi Phật, gia đình tôi thỉnh về thờ cho tới bây giờ rất linh thiêng bạn bè tới thấp hương niệm và cầu xin mọi việc đều như ý



Message edited by kathy - Chủ Nhật, 24 Aug 2014, 10:24 PM
 
LouAnn Date: Thứ Tư, 03 Sep 2014, 7:01 AM | Message # 13
Major
Group: Users
Messages: 86
Status: Tạm vắng
THẦY
 
FORUM » TRANG PHẬT GIÁO » PHẬT-SỰ MUÔN NƠI » XÁ LỢI (Tổng hợp)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO