Thứ Năm
25 Apr 2024
3:57 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » NGỤ NGÔN THI HỌA » NGỤ NGÔN THI HOẠ 2 (TRẦN TỬ ÍCH)
NGỤ NGÔN THI HOẠ 2
atoanmt Date: Thứ Hai, 05 Nov 2012, 5:57 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


NGỤ NGÔN THI HOẠ
Của Trần-Tử-Ích
Minh Hoạ: Đinh Thông
Bản dịch: Nhất Như - Phạm Cao Hoàn


---o0o---



---o0o---


21. CÙNG CƯỠI



Có người cưỡi Trâu cày đi chợ, đi từ sáng, tối mới đến. Khi đến, chợ đã tan. Người này bèn gõ vào sừng Trâu mà hát rằng:
“Cưỡi mi, Trâu xanh chừ
Đường sá quá xa
Trâu đi kiệt sức chừ,
Bạch-Dương xạc-xào
Chợ họp đã tan chừ
Ta uổng công chừ”.


Có người khuyên Ông ta lấy Trâu đổi Ngựa. Ông trả lời:
-“Trâu tôi nhiều năm ra sức cày Ruộng, sao nỡ bỏ. Tuy vậy, nguyện đem ngàn vàng mua Ngựa hay”.

Ngày hôm sau, cưỡi, dắt hai con cùng về. Ngựa Ký nhanh mà Trâu chậm, Ngựa quay sang phải, mà Trâu quay sang trái, ông về đến nhà thì đã quá nửa đêm. Ông liền cầm roi quất Ngựa Ký, nói:
“Uổng phí ngàn vàng, vớ được loại như mày, sao người ta lại bảo: “Ngựa nhanh hơn Trâu ?”

---o0o---


22. CA-TỤNG CHẾT NGƯỜI



Loài chim Phượng kiện Trang-Chu diệt tộc nó. Vương triệu gọi Chu đến đối-chất. Chu cố sức biện-bạch là bị vu-cáo, nói:
- “Chu ca-tụng chim Phượng thì có, nếu bảo diệt tộc nó, quả thực tôi không chịu nổi tội ấy”

Chim Phượng nói:
- “Chính ông đã dùng Miệng Lưỡi ca-tụng để giết người đấy, vì chim Phượng chỉ là chim thường thôi.

Ăn không bỏ ngũ-cốc, đậu không chọn cây cối, uống không kể khe suối, tôi sống là để sinh-sôi con cháu đông-đảo.

Trang-Chu kia đã múa cái Lưỡi không Xương nói chim Phượng rằng:
“Không gặp cây Ngô-Đồng không đậu, không phải Quả chín không ăn, Nước Suối không ngọt không uống”.

Ai cố dùng lời-lẽ khoa-trương. Ngô-Đồng, Quả chín, Suối ngọt, đâu dễ có được ?

Nhưng nếu không vậy, thì người ta đều cho là: Không phải chim Phượng. Đến nỗi tộc tôi suốt ngày mệt-mỏi đi tìm nơi ăn, chỗ uống, tìm Ngô-Đồng mà đậu.

Không có những cái đó, thì thà chịu chết ở bờ bụi, nên đến nay chúng tôi không còn được bao lăm nữa.
Làm tộc họ chim tôi lần-hồi tận-diệt, há chẳng phải Chu làm hay sao ?” .


Vương quay lại hỏi Chu:
-“Ông còn biện-bạch gì nữa không ?”


Chu nín lặng, không biết trả lời sao.
Than ôi ! Người đời gọi “ca-tụng chết người” có phải chỉ có một Trang-Chu đó sao ?

---o0o---


23. BẤT BẠI



Thái-Sử Mỗ thích đánh cờ, tự khoe rằng:
“Mỗ bình-sinh chưa bao giờ thua”

Người đời đều cho là tài-giỏi vô-địch. Thái-Sử thường tự cho mình là người cao cờ. Thấy người khác đánh cờ, ông ta thường thu tay trong áo đứng cạnh, khi thì gật-gù, khi thì lắc đầu, tựa như còn có nước hay, người ta khó lòng suy-lường nông-sâu.
Hoặc ai đó mời ông cùng đánh một ván, ông chỉ cười nhạt, rồi thoăn-thoắt bước đi, tựa như không thèm ra tay.

Kịp đến khi bệnh nặng, con ông quỳ trước giường, xin rằng:
-“Xin giao bí-quyết của Phụ-Thân”

Thái-Sử nói:
–“Đứa con si ngốc kia, Ta làm gì có bí-quyết ?”

Đứa con nói:
-“Nếu không có bí-quyết, sao Cha có thể không bao giờ thua ?”
Đáp:
-“Nếu cứ nói là có bí-quyết, thì hãy nghe ba chữ này là:
-“BẤT ĐỐI CỤC” (Không đánh Cờ). Ta cả đời không đánh Cờ với ai, cho nên cả đời có “Thua ai ván nào ?”


Nói xong, ông im-lặng từ-giã cõi đời.

---o0o---


24. BẮT RẬN



Mỗ-Sinh làm Quan Huyện Dương-Cốc. Trong ấp có Hổ, chưa ai dám đụng tới. Tuy vậy ông thường tự khoe rằng:

-“ Mỗ đâu có thiếu cái “Dũng” của Võ-Tòng ? Ông ta 1 đêm giết được 1 con Hổ, Ta một đêm có thể giết cả chục con Rận !”

Vì Ông làm Quan Huyện, người nghe chỉ biết “Dạ, dạ” mà thôi. Mỗ càng tự-đắc, phơi nắng ngồi xếp bằng tròn, bắt Rận bỏ vào miệng, cắn lép bép, nhìn ngang nhìn ngửa, ra vẻ ta đây, khoác-lác nói:
-“Rận hả, nào có gì đáng sợ.”

Một hôm ngủ ngày, Ông mộng thấy một sứ-giả áo vàng, cầm lệnh-bài đến bảo:

-“Thần Hổ nghe Ông không sợ Rận, sai bắt Rận.”

Mỗ hớn-hở theo đi. Đến nơi, thấy một con Hổ nằm ở giữa điện, dùng đuôi quất lên lưng khẩn-thiết rống lên như sấm.
Mỗ run lẩy-bẩy không dám tiến lên, chần-chờ hỏi sứ-giả rằng:
-“Rận ở đâu ?”

Trả lời:
-“Ở Mông Thần Hổ. Ông nói không sợ Rận, sao lại run-rẩy như thế ?”

Mỗ ấp-úng nói:

-“Sở-dĩ sợ, là bởi Rận lại ra oai ở đít Hổ !”


---o0o---


25. TRÚNG ĐÍCH



Trương-Đông-Vương tuy chột mắt, nhưng ham bắn cung. Mỗi lần ông ta bắn là kêu một người đứng ở cạnh Bia, hễ trúng đích, người đó liền phất cờ hô to lên.
Người ấy muốn lấy lòng Vương, nên mỗi lần bắn, dù cho mũi tên trúng hay chệch, cũng phất cờ hô to:
“Trúng đích”
Một hôm, Vương bắn bia, tên bay chệch, lạc vào mắt người phất cờ. Vương chưa nghe báo, lấy làm lạ, phóng ngựa tới xem. Người ấy thấy Vương đến, cố sức đứng dậy, nói:
-“Tài bắn của Đại Vương hơn Dưỡng-Do-Cơ nhiều. Mắt thần vừa khéo ở hồng tâm, trúng Mắt tức là trúng hồng tâm vậy”
Nhân đó lại lớn tiếng hô rằng:
-“Trúng đích !”
---o0o---


26. HUYỀN NGÔN



Tề Mỗ, người Ba-Lăng thích nói lời huyền-bí. Cuối cùng vì nó mà hỏng việc, bị bãi Quan. Tề bèn ở đất Dương, bên sông Tiêu, thuê người cày trồng-trọt …
Xuân đến, người làm thuê hỏi:
“Mùa Xuân trồng cây gì ?”.

Tề nói:
-“Đất noi theo phép của Trời, hợp với Trời là được ”.

Người làm thuê không hiểu, lại hỏi:
“Hợp với Trời là thế nào ?”

Tề nói:
“Trời noi theo Đạo, đó là cái Lý tự-nhiên vậy”

Người làm thuê vẫn không hiểu, lại hỏi:
“Noi theo phép của Đạo là thế nào ?”

Tề nổi giận nói:
-“Đạo có thể gọi là Đạo, không phải là Đạo thường, sao có thể nói ra được ?”

Nói xong, Tề phất tay vào nhà.

Người làm thuê lui ra, nói với mọi người:
-“Ông ấy làm Quan đã bao năm, sao không hiểu việc đời gì cả ?”


Người ta trả lời:
-“Nếu hiểu việc, thì không đến nỗi nói những lời bí-hiểm, trống-rỗng ấy !”

---o0o---


27. PHONG-CÁCH CỔ-ĐIỂN



Khoảng niên-hiệu Trịnh-Quán đời Đường, con gái nhà Quan, đều trùm phủ lụa-là, toàn thân che kín.
Đến khoảng niên hiệu Thiên-Bảo, thì phong-cách bỗng thay đổi, Vợ Con nhà Quan ra ngoài, y-phục, Giày Mũ đều giống như Đàn-Ông.

Thứ-Sử Mỗ ghét sự biến-đổi phong-cách đó, nên răn dạy con gái trong nhà rằng:
“Phong-cách đời này ngày càng tệ-hại, lòng người không còn cổ nữa. Bọn mày nên chấn-hưng phong-cách đời cổ, không nên chiều theo thế-tục”.

Một hôm, Thứ-Sử thấy con Gái trong nhà đều ở trần-truồng, lấy Da Thú, Lá cây che Thân, Ông bỗng nổi giận.

Nhưng chúng thung-dung đáp:
-“Tuân mệnh của Đại-Nhân, chấn hưng phong-cách thời thượng-cổ, sao lại giận chúng con ?”.

---o0o---


27. LÃ SINH



Lã Sinh hồi trẻ sống không đàng-hoàng, người trong làng đều ghét bỏ. Sau làm Lý-Trưởng mà người ta vẫn ghét như trước.
Lã Sinh lo lắng nghĩ ra diệu-kế làm mọi người phải quy-phục. Y bèn tạc tượng gỗ chon dưới gốc cây Hòe cổ, bịa đặt là Thần Hòe báo mộng, nuốn được thờ tự, có thể lo cho dân được tốt lành.
Người làng tìm đào được tượng gỗ dưới gốc Hòe, nên tin là thực rồi dựng Miếu thờ phụng, hương-hỏa quanh năm. Từ đó trở đi, mỗi khi Lã nói gì, thường giả ý là Thần báo mộng, người làng không ai dám trái, Lã Sinh từ đó muốn làm gì thì làm.

Hà Sinh biết Lã Sinh dối-trá, bèn nghĩ cách trừng-phạt.
Một hôm, Hà Sinh bỗng ngồi thụp xuống trước Miếu Thần Hòe, cất lời nói mớ rằng:
“Ta là Thần Hòe đây, Lã Sinh giả danh Ta, làm nhiều điều ngạo-ngược, hãy họp nhau lại dìm nó xuống song để trừng-phạt kẻ gian-ác”.

Người làng nghe lời, reo hò như sấm động, bắt Lã Sinh trói lại. Lã Sinh cãi, nói:
-“Thần do Ta lập nên. Sao lại lấy lời Thần lừa dối Ta ?”.

Hà cất tiếng đáp lại:
-“Thần này do mày lập nên, họa mày phải chịu, chẳng đáng hay sao ?”

---o0o---


29. CÂN-NHẮC CÂU VĂN



Năm niên-hiệu Gia-Tĩnh, có Bùi Công giỏi về khoa-cử. Thầy Đồ trong nhà là Chữ Mỗ, vốn nổi tiếng trên đời, nhờ giỏi cân-nhắc câu văn. Mỗi khi khen chê, đều hợp ý Bùi Công. Sĩ-Tử đồng lòng tôn-trọng Bùi Công, những người nộp Quyển nhờ bình-phẩm tìm tới nhà không ngớt.

Cảnh Sinh ở Sơn Tả, lên chơi kinh-đô, cũng mộ danh mà nộp Quyển.
Một hôm, Cảnh Sinh gặp con bạn cũ ở chợ, đang làm tiểu-đồng ở nhà Bùi Công, nhân nhắc đến bí-mật về việc cân-nhắc câu văn cảu Chữ Mỗ nói:
“Hắn đem Quyển của Sĩ-tử nộp, đặt ở đầu bàn của Bùi Công, Bùi Công duyệt rồi mới cầm về, lấy Mũi ngửi để định nhất nhì”.

Cảnh không hiểu, hỏi:
-“Cân-nhắc câu văn, dùng Mắt, chứ sao lại dùng Mũi ?”

Tiểu-Đồng nói:
-“Hắn làm gì có Mắt, chỉ dựa vào Mũi mà thôi ! Quyển văn mà Bùi Công nhiều lần ngâm-nga, mùi của nó gắt, Quyển văn mà duyệt qua, mùi nó thoang-thoảng, nên theo đó mà định cao thấp”.

Cảnh nghe xong, mỉm cười nói:
-“Nay mới biết công-dụng của cái Mũi lớn như vậy”.

Cảnh bèn rời khỏi kinh-đô, không quan-tâm đến thi-cử nữa.

---o0o---


30. TRỒNG CÂY



Mỗ Công thích Liễu, thường nói với mọi người:
-“Trên sông, Liễu trông như khói, Nhạn bay dưới Trăng tàn, cảnh-trí ấy đẹp biết bao !”

Đến khi làm Huyện-Lệnh, Mỗ ra lệnh khắp chốn chặt cây tạp mà trồng cây Liễu. Mãn-nhiệm dời đi nới khác, bị người kế nhiệm ghét Liễu mà thích Mai, nói:
-“Liễu không có phong-cách, sao bằng Mai chịu-đựng được rét mướt. Huống chi:

“Bóng thưa soi Nước trong vắt
Hương trầm tỏa Trăng hoàng-hôn”,

Càng hay hơn “Trên sông, Liễu trong như khói”.


Ông ta bèn lệnh cho chặt Liễu và thay bằng Mai. Ba năm sau, Quan mới đến nhậm chức, nói:
-“Mai dù chịu được rét, sao bằng Trúc xanh lâu dài. Tô-Đông-Pha có câu:

-“Có thể không ăn Thịt, chứ không thể thiếu Trúc,
Không Thịt khiến Người gầy, thiếu Trúc khiến Người tục”.

Ông ta lại ra lệnh chặt Mai, trồng Trúc.

Dân khổ vì nhiều lần thay đổi, làm bài “Thiên tịnh sa” để vịnh:

“Quan trước trồng Liễu bãi bình sa
Quan sau lại đổi Mai
Quan này muốn trồng Trúc,
Mà lòng Họ lo lắng,
Sợ mai đây Ông ta lại thích cây Tỳ-Bà” !


---o0o---


31. XEM TRANH



Có người mô-phỏng Tranh sơn-thủy của danh Họa Mễ-Phế và đã thể-hiện được phần nào cái Thần của nó.
Được người ta khen-ngợi, nhưng người này chưa vừa lòng, cho là khen chưa tới cốt-lõi của nó.
Người nay bèn tự chú-thích lên Tranh rằng:
-“Chỗ này chưa gần giống về hình”; “Chỗ này tạm tả cái khí phiêu-hốt” ;
“Chỗ này đắc ý mà quên hình tượng” ; “Chỗ này tô-điểm cho thú-vị” …


Bôi lem nhem đầy giấy, mang cho người xem. Người xem đều bưng Miệng mà cười, nói:
-“Xem Tranh, chỉ dựa cảm-hứng mà tự hiểu, ai mất công xem những lời con cà con kê … !”

---o0o---


32. TUYỂN CỬ



Vua hạ lệnh cho hai Ông Tiết, Hà lo việc tuyển chọn người.
Tiết coi trọng cốt-cách, Hà lại chỉ xét tướng-mạo.
Ý-kiến mỗi người một khác.
Người Tiết tiến-cử thì Hà bỏ. Người Hà tiến-cử thì Tiết lắc.
Ba năm không cử được một người nào. Vua giận, hạn trong mười ngày, tiến-cử 100 người hiền !
Nhưng khác với những người mà Tiết, Hà, tiến-cử,
Người được cử tuy không phải loại thấp kém, nhưng cũng không có người được tài đức vượt trội.

---o0o---


33. LIÊM CHÍNH



Cao-Công làm Quan ở Nam-An, chi nêu cao một chữ “LIÊM”, thường hỏi các Quan lại trong châu-phủ rằng:
-“Làm Quan “THANH” (trong-sạch), “THẬN” (cẩn-thận), “CẦN” (chăm-chỉ), cái nào cần hơn cả? “

Kẻ nói là “CẦN”, người nói là “THẬN”.
Cao-Công nói:
-“Quan không “THANH”, có “THẬN”, “CẦN”... chăng nữa cũng đều kém cỏi. Các Ông đợi đấy sẽ biết.”

Nhưng ở Nam-An 3 năm, Ông ta xuất tiền của công hai trăm sáu mươi vạn để xây dựng nhà riêng, đền đài, đứng hàng đầu cả một Châu Phủ.

Người thạo tin làm bài ca hát ở Chợ rằng:

“Miệng nói LIÊM,
Tay mò Tiền
Xuất của Công
Xây nhà Riêng”



---o0o---


34. TRẺ CUỒNG



Ông Mỗ chột mắy đi chơi núi, than rằng:
-“Núi bên trái rực-rỡ làm sao, Núi bên phải, trống-trãi thế nào !”

Lúc đi Thuyền lại than:
-“Bên kia sông, hoa nắng lấp-lánh làm sao, bên này sông ảm-đạm thế nào !”

Có đứa trẻ nói cho ông biết:
-“Bên phải Núi, bên này Sông, đều rực-rở lấp-lánh”.

Ông Mỗ giận nói:
-“Hừ !, mày bảo ông mù, không biết ngắm cảnh Núi Sông sao ?”

Đứa trẻ cụt hứng, vội lãng ra chỗ khác

---o0o---


35. LỜI NỊNH



Trịnh Công khi chưa gặp thời, thường trợn Mắt, nắm Tay tức-bực nói:
-“Nếu có cơ-hội làm Quan, tôi sẽ đuổi hết những kẻ a-dua xiểm nịnh !”

Không bao lâu, Ông đỗ đầu khoa thi, được cử ra làm Quan Huyện Hà-Dương. Mới vào công-đường, thấy tấm biển treo cao:
“Kỳ Thụ Cam Đường” (Cây Ngọc Kỳ, bóng cam đường, chỉ Quan tài giỏi, cần-mẫn)
Lại có đôi câu đối viết:
“Mưu-lược vô song Sĩ
Văn-chương đệ nhất Gia”


Đều mới tinh. Trịnh Công giận, trách viên thư-lại rằng”
-“Ta đâu được như thế !”

Viên thư-lại nói:
-“Trăm Họ nghe Ngài sắp đến, bàn-bạc với nhau làm câu đó, để cho đức lành truyền xa đó mà”

Trịnh Công nguôi giận, bảo:
-“Đằng sau đức lành, sợ rằng cái Danh không đúng với Thực”

Trịnh Công hỏi tình-hình địa-phương và được nghe kể về một câu chuyện chiếm-đoạt tài-sản.
Ngày hôm sau, quả có người đàn-bà-góa đến kiện bị buộc đi lấy chồng để chiếm-đoạt tài-sản.
Trịnh Công nghe chuyện ấy, minh xét cho. Nha-Lại đều ca-tụng Ông làm Quan vô-tư. Công tươi nét mặt, vui-vẻ chưa biết đó là nịnh.
Đến khi lui hầu, các Thư-Lại, lại ca-tụng Ông:
-“Làm việc không kể khuy sớm, ơn đức thấm đến lê Dân”.

Lúc đó, Ông thấy toàn thân nhẹ-nhõm, ngây người ra như được lên mây.

Vợ Ông đến, thấy thế, kinh-hãi, vội hạ lệnh lấy nước lạnh dội lên Đầu.
Công bỗng tỉnh ra, nói:
-“Nay mới biết lời nịnh có thể khiến người ta sướng đến mất Hồn !”


---o0o---


36. ĐẠO TUYỀN



Ông Mỗ đến Tứ Thủy, có suối trong-trẻo, liền uống nước, vị rất ngọt. Ông uống xong, thấy tấm bia đề:
“ĐẠO TUYỀN” (Suối kẻ Trộm), lòng rất sợ-hãi, buồn rầu nói:
-“Tăng-Tử liêm-khiết, không uống nước Đạo Tuyền, nay ta mất cái liêm rồi !”

Từ đó, mỗi khi giơ tay, ông lại ngời mình có lòng của kẻ Trộm, trong khoảng một tuần, buồn bực không sao chịu nổi.

Đổng Sinh, là bạn của Mỗ, trách ông chỉ biết cái “Danh” mà không xét cái “Thực”, sai người dựng sẵn Bia mới ở bên suối đó. Rồi đến rủ Mỗ, Mỗ cũng gượng dậy mà đi đến Đạo Tuyền. Nhìn thấy Bia, thì lại thấy là “ÍCH TUYỀN” (Suối có ích). Đổng nói:
-“Anh lầm rồi, làm gì có kẻ Trộm”

Mỗ xem-xét kỹ, vô-cùng mừng rỡ, sảng-khoái như đã khỏi bệnh. Ghé xuống suối. chúm Môi mà uống, vỗ tay nói:
-“Tôi vẫn bảo nước suối này đã ngọt lại trong mà”

Than-ôi, người mà lấy “Danh” bỏ “Thực”, còn đi xa hơn thế nữa !

---o0o---


37. NUÔI NHỌT



Vương Sinh ở Sơn-Tả, lên Nhọt ở ngón tay. Thầy thuốc nói:
-"Ba ngày không cắt bỏ thịt thối, ngón tay khó lành được"

Sinh nói:
-“Cầu cho ba ngày được yên”.

Quá ba ngày, Thầy thuốc nói:
-“Ba tuần không cắt ngón tay, cánh tay khó giữ”.

Sinh nói:
-“Hãy cầu cho ba tuần xem nào”.

Quá ba tuần, Thầy thuốc nói:
-“Ba tháng không cắt cánh tay, mệnh phải tuyệt !”.

Sinh nói:
-“Hãy cầu cho ba tháng cái đã”.

Thầy thuốc nói:
-“Ông là người khi cần cắt, không cắt, nuôi Nhọt để mối họa sát Thân về sau vậy”.

---o0o---


38. DO DỰ



Lỗ Công lập vườn, muốn đào ao. Cha ông nói:
-"Không có nới đổ đất!"

Công liền ngừng. Có người nói:
-“Đất có thể đắp Núi”/

Công cho là phải, lại muốn làm. Vợ ông nói:
-“Không sợ con cái nhỏ tuổi trèo lên ngã xuống à ?”

Công lại ngừng. Có người nói:
-“Làm đường để thông, lập rào để phòng-vệ, có gì mà phải lo ?”

Công nghe theo, lại muốn làm. Gia-nhân có người ngăn lại nói:
-“Vườn làm xong, sẽ phải thêm tôi-tớ, phòng-ốc không đủ, thật đáng lo”.

Công do-dự không thể quyết, việc đành phải gác lại…

---o0o---


39. THỜI NAY



Củng Sinh, người đất Mân, chăm-chỉ ham học nhưng chậm hiểu-biết, thường trọ ở Chùa Khai-Nguyên phía Nam Thành.
Sư trong Chùa tên Minh-Giác, biết chữ, khá thông hiểu Văn. Một tối, Sinh đọc “Minh-Lương-Ký” (Ghi chép về Vua sáng, Tôi giỏi) của Cung-Định-An. Ngày hôm sao, Sư hỏi Sinh:
-“Đêm qua đọc Văn của người thời này à ?”

Trả lời:
-“Không phải, đó là Văn của bậc hiền-sĩ đời trước”.

Sư lấy làm lạ:
-“Sao câu nào cũng nói đến việc đời nay”.

Tối hôm sau, Sinh đọc Văn khoa-cử đương-thời, Sư gõ cửa vào hỏi:
-“Ông đọc Văn của bậc hiền đời trước đấy à ?”

Sinh nói:
-“Lầm rồi, hôm nay tôi đọc Văn thời nay .”

Sư lại lấy làm lạ, nói:
-“Sao chẳng có câu nào nói đến việc thời nay ?”

---o0o---


40. ĐỒ CỔ



Lư Sinh ở Giang-Tả, khi chưa làm Quan, lấy học-vấn các đời làm gốc. Láng-giềng họ Hồ, nhà giàu có, cất giữ của-cải quý-giá, sớm chiều vuốt-ve. Lư tỏ ý khinh-bỉ, nói:
-“Đại-Trượng-Phu lập công trên đời, sao có thể suốt ngày ôm Ngọc, đếm tiền như đàn bà, con buôn ?”

Không bao lâu, Lư làm Quan sang, còn Hồ thì suy-sụp. Tiền của châu-báu lại vào tay Lư, Lư vui thích lại hay khoe-khoang. Có người nói:
-“Trước vì cái đó mà khinh Hồ, nay sao ông lại trọng ?”

Lư hơi ngượng-ngùng, quay sang nói chuyện khác.
Khách ra khỏi nhà, than rằng:
-“Ngày chưa đắc-ý, cứ khua chiêng gióng trống, nay đã đắc-chí, gõ chuông mà vui.
Há chỉ có Lư Sinh trước ghét đồ quý mà sau yêu đồ quý đó chăng ?”


---o0o---




Mời xem tiếp:NGỤ NGÔN THI HOẠ 3


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:




CHUYỆN XỬ THẾ





AToanMT

Message edited by LongTracAn - Thứ Sáu, 09 Nov 2012, 9:15 PM
 
LongTracAn Date: Thứ Sáu, 09 Nov 2012, 1:48 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Bài 22 thiệt ý nghĩa


Đại Bi Chú
 
atoanmt Date: Thứ Năm, 20 Mar 2014, 6:56 AM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Nếu chúng ta để ý từng chuyện, ngẫm nghĩ... sẽ thấy tuy là chuyện "xưa" nhưng lại đúng y chang thời nay đó các bạn...

Đọc, thấy mắc cười

Nhưng thâm-thúy lắm...


AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Năm, 20 Mar 2014, 11:15 AM | Message # 4
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
 
mituot Date: Thứ Tư, 13 May 2015, 9:48 AM | Message # 5
Sergeant
Group: Users
Messages: 37
Status: Tạm vắng
Mong Thầy có thêm thời giờ để post tiếp...
Hay quá ạ...

 
FORUM » TRANG KIẾN THỨC » TRUYỆN XỬ THẾ » NGỤ NGÔN THI HỌA » NGỤ NGÔN THI HOẠ 2 (TRẦN TỬ ÍCH)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO