Thứ Ba
23 Apr 2024
7:43 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG Y HỌC - SỨC KHỎE » Y-HỌC - SỨC KHỎE » HO DO CẢM, CÚM (Bác sĩ Nguyễn Văn Đức)
HO DO CẢM, CÚM
atoanmt Date: Thứ Sáu, 28 Mar 2014, 6:30 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
HO DO CẢM, CÚM

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức


Mùa này, nhiều người chúng ta đang bị cảm, cúm.

Cả tuần nay bị cúm, ho quá là ho, uống thuốc ho hoài không bớt, bạn muốn bác sĩ cho thuốc ho khác mạnh hơn, và thêm cả trụ sinh nữa. Nhưng bác sĩ lại bảo, ho cấp tính do cảm hay cúm, thuốc ho hay trụ sinh đều không giúp.

Đúng vậy bạn ạ, dù ái ngại nhìn bạn đang ho như pháo nổ, nhưng cũng phải nói thật theo sách, với cái ho do cảm, cúm, thuốc ho nào cũng vậy thôi, chúng giúp rất ít hoặc chẳng giúp gì cả, và trụ sinh lại càng vô ích [vì cảm, cúm do siêu vi (virus), trụ sinh chỉ đánh được vi trùng (bacteria), không trị các siêu vi]. Thậm chí, American College of Chest Physicians, một hiệp hội y khoa của các bác sĩ chuyên về lồng ngực ở Mỹ, còn khuyên chúng ta không nên dùng thuốc ho cho cơn ho vì cảm, cúm.

Bệnh cảm thường (common cold) là bệnh nhẹ đường hô hấp trên, rất hay xảy ra, trẻ em 5 đến 7 lần một năm, còn người lớn chúng ta cũng 2-3 lần một năm. Cúm (flu) nặng hơn, gây do những siêu vi dữ hơn, xảy ra vào mùa thu, đông hàng năm, đến tận tháng Năm. Có đến trên 200 loại siêu vi có thể gây bệnh cảm, và 3 dòng siêu vi A, B, C gây bệnh cúm.

Siêu vi cảm, cúm ẩn trong nước mũi, nước miếng người bệnh. Chúng ta nhiễm cảm, cúm khi bắt tay người bệnh có dính siêu vi, rồi vô tình đưa lên mắt, mũi, miệng chúng ta, hoặc chúng ta rờ phải các đồ vật chung quanh người bệnh có dính siêu vi. (Nhiều siêu vi cảm, cúm có thể sống vài tiếng đồng hồ bên ngoài cơ thể ta.) Bệnh cũng truyền từ người bị cảm, cúm sang ta khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi, bắn ra từ mũi, miệng họ trong lúc họ ho, hắt hơi, ...

Cúm có thể đưa đến biến chứng nguy hiểm như sưng phổi (pneumonia). Cảm không dữ bằng cúm, song cũng có thể gây các biến chứng viêm các xoang quanh mũi (sinusitis), viêm tai giữa (external otitis), khiến suyễn trở lại, bệnh phổi, bệnh tim có sẵn nặng hơn.

Triệu chứng cảm, cúm

Thời gian từ lúc mới lây bệnh cảm đến lúc bệnh phát ra ngắn, chỉ khoảng 24-72 tiếng đồng hồ. Khác với cúm (triệu chứng rất đột ngột và nặng), triệu chứng cảm nhẹ và từ từ hơn.

Triệu chứng thay đổi tùy người, nhưng nói chung, khi bị cảm, chúng ta hay chảy mũi, nghẹt mũi, hắt xì, rát họng, ho, nhức đầu, thấy trong người ớn lạnh, uể oải không khỏe. Cúm gây sốt cao, còn cảm thường không gây sốt, hoặc chỉ sốt nhẹ.
Rát họng do cảm, cúm khó chịu nhất trong ngày đầu, trong khi chảy mũi, nghẹt mũi, hắt xì nặng nhất khoảng ngày thứ 2 và thứ 3. Ho thường bắt đầu làm phiền chúng ta khoảng ngày thứ 4, 5, và sau đó có thể rất dữ, rồi dịu dần.

Cảm thường kéo dài khoảng 10 ngày, người hút thuốc lá lâu khỏi hơn, khoảng 13 ngày. Một số người đến 2 tuần sau mới khỏi hẳn. Cũng có người tuy khỏe rồi, vẫn ho lai rai vài tuần sau khi cảm. Cúm dữ hơn, khiến ta mệt hơn, ho lâu hơn, có khi cả tháng vẫn chưa hết mệt, hết ho (năm có 12 tháng, cúm hành hết 1 tháng hay hơn, đời còn gì! mọi người chúng ta nên ngừa cúm hàng năm).

Chữa trị cảm, cúm

Sự chữa trị bệnh cảm thường (common cold), trong những trường hợp không có biến chứng, gồm các phương cách giúp chúng ta dễ chịu, trong lúc chờ cho cơn cảm đi qua. Cúm có hai thuốc chữa đặc biệt, Tamiflu và Relenza, dùng trong một số trường hợp.

Trụ sinh (antibiotics) vừa tốn kém, lại chẳng ăn thua, không làm cảm, cúm sợ và đi mau hơn. Trụ sinh chỉ diệt được vi trùng (bacteria), không có kết quả trong những bệnh gây do siêu vi như bệnh cảm, bệnh cúm. Chúng... “siêu” hơn vi trùng, nên không sợ trụ sinh. (Các tài liệu y học, và cả cơ quan y tế CDC của chính phủ Mỹ vẫn luôn đưa lời kêu gọi, yêu cầu các bác sĩ không nên dùng trụ sinh để chữa cảm, cúm).

Việc sử dụng trụ sinh chỉ cần thiết, khi đã có các biến chứng (complications) do vi trùng, như sưng phổi, viêm tai giữa, viêm các xoang quanh mũi, ... Các khảo cứu cho thấy, nếu dùng sớm, trụ sinh cũng không ngăn ngừa được các biến chứng. Và một khi biến chứng xảy ra, vi trùng đã kháng, đã lờn mặt loại trụ sinh đang sử dụng; dĩ nhiên lúc đó chúng ta cần đổi trụ sinh, có khi phải dùng một loại trụ sinh khác độc hại hơn, đắt tiền hơn.
(Người ta cũng nhận thấy, cộng đồng nào sử dụng nhiều trụ sinh, số vi trùng kháng thuốc trụ sinh trong cộng đồng đó cũng nhiều hơn các cộng đồng khác, chứng tỏ việc dùng trụ sinh bừa bãi không những hại cho mình, mà còn hại cho cả người chung quanh.)

Ta dùng Tylenol hay các thuốc Aspirin, Advil, Nuprin, Aleve, (mua không cần toa bác sĩ) để bớt nhức đầu, rát cổ, ớn lạnh.

Các thuốc uống như Sudafed, Genaphed và các thuốc xịt mũi như Afrin, Dristan dùng vài ngày giúp chúng ta bớt nghẹt mũi; các thuốc xịt Ipratropium, Cromolyn giúp chúng ta đỡ chảy mũi.

Những thuốc chữa dị ứng như Claritin, Loratadine, Clarinex, Allegra, Zyrtec không ăn thua, uống vào nước mũi vẫn chảy ròng ròng.

Những thuốc mạnh hơn như Benadryl, Chlor-Trimeton giúp bớt chảy mũi, song làm khô luôn môi, miệng, mắt, và ở các vị cao niên, có thể nguy hiểm, gây bí tiểu, dật dờ, trí óc mất sáng suốt.

Còn Ho?

Ho ít chúng ta không cần uống thuốc ho, khi ho nhiều, các thuốc ho chứa chất dextromethorphan hay guaifenesin như Robitussin DM, Robafen DM giúp chúng ta bớt ho chút nào hay chút nấy thôi, lúc ho dữ quá, chúng chẳng công hiệu gì, uống thường còn có thể khiến chúng ta mệt.

Và xin đừng hy vọng có thuốc ho nào khác mạnh hơn, giúp bớt ho hơn Robitussin DM, Robafen DM. Các thuốc ho chứa chất Codein càng không giúp cái ho do cảm, cúm, và gây nhiều tác dụng phụ hơn thuốc ho Robitussin DM, Robafen DM.

American College of Chest Physicians không cổ võ việc dùng thuốc ho khi bị cảm, cúm, theo họ, ho cứ để cho ho, nhất là khi ho có đàm, vì ho là cơ chế tốt của cơ thể giúp chúng ta tống xuất bớt đàm nhớt dơ trong bộ hô hấp ra ngoài, không để chúng ứ đọng trong phổi gây sưng phổi.

Bạn đang bị cảm hay cúm, nóng lòng muốn “chích thuốc” để cảm mau hết.

Đúng theo sách vở, các siêu vi cảm đâu có sợ kim chích, làm gì có thuốc chích để cảm cuốn gói đi nhanh hơn.
Bạn đừng tin vào ai dụ bạn, bảo chích thuốc hoặc dùng trụ sinh cảm, cúm sẽ mau hết, tốn tiền vô ích, có khi còn hại.

Chúng ta khó tránh cảm 2-3 lần mỗi năm, vì khác với cúm đã có cách ngừa (chích ngừa, thuốc xịt Flumist), cảm chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu. Nhưng xin đừng sợ lắm, cảm là bệnh nhẹ thôi, thường sẽ mau chóng ra đi.

Đa số các trường hợp cảm, chúng ta có thể tự chữa lấy ở nhà, không cần đến bác sĩ, nếu không nóng sốt cao, đau vùng các xoang quanh mũi, đau tai, khò khè, khó thở, hoặc ho dữ trên 10 ngày chưa thấy bớt.

Còn thuốc ho, muốn dùng lúc ho nhiều không ngủ được hoặc sợ ho làm phiền người khác, bạn thử các thuốc ho Robitussin DM, Robafen DM (mua không cần toa bác sĩ), chúng giúp được chút nào hay chút nấy, không giúp thì thôi.
(Nhưng nhớ dùng đúng theo chỉ dẫn ghi trên chai thuốc, không nên uống quá liều; có vị đã phải vào bệnh viện bằng xe cấp cứu vì uống quá liều thuốc ho.)

Còn Cúm?

Cách tránh cúm tốt nhất là ngừa cúm hàng năm (chích ngừa, hoặc dùng thuốc xịt Flumist)

Cảm, cúm là những bệnh xảy ra nhiều, nên triệu triệu đô la đã được đổ ra để nghiên cứu. Một trong những triệu chứng làm chúng ta khổ sở nhất là ho. Nhưng trái với điều chúng ta vẫn hy vọng, trong trường hợp ho cấp tính vì cảm, cúm, các thuốc ho đều giúp rất ít, hoặc không giúp gì cả. Nếu cái ho dữ quá khiến bạn đâm lo, bạn đi khám bác sĩ, sau khi thăm khám kỹ, không thấy có biến chứng gì của cảm, cúm, bác sĩ khuyên bạn kiên nhẫn chờ cái ho tự nó lui dần, bạn nên tin lời, vì chẳng có loại thuốc ho nào khác thần hiệu hơn, giúp hơn Robitussin DM, Robafen DM.

Ngày nay, với phương tiện truyền thông internet, chúng ta dễ dàng tìm hiểu nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe chúng ta, chẳng hạn, chúng ta có thể vào các websites www.uptodate.com, www.webMD.com để đọc những tài liệu về các bệnh tật thông thường hay xảy ra. Nâng cao kiến thức về mọi mặt, bao giờ cũng tốt cho bản thân chúng ta và gia đình.

Bài này viết dựa theo những kiến thức mới nhất về cảm, cúm trong website www.uptodate.com của trường đại học Johns Hopkins.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức


AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Sáu, 28 Mar 2014, 9:56 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
 
kathy Date: Thứ Sáu, 28 Mar 2014, 10:40 PM | Message # 3
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
xoan Date: Chủ Nhật, 30 Mar 2014, 3:36 PM | Message # 4
Lieutenant
Group: Users
Messages: 66
Status: Tạm vắng

 
FORUM » TRANG Y HỌC - SỨC KHỎE » Y-HỌC - SỨC KHỎE » HO DO CẢM, CÚM (Bác sĩ Nguyễn Văn Đức)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO