Thứ Năm
28 Mar 2024
4:42 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN MA - TRUYỆN KINH DỊ » NGÔI NHÀ MỚI (Thuỷ Lâm Synh)
NGÔI NHÀ MỚI
saigoneses Date: Thứ Hai, 07 Apr 2014, 10:08 AM | Message # 1
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng
NGÔI NHÀ MỚI




Khi vừa đủ tiền “down payment” là chúng tôi mua ngay căn nhà. Một ngôi nhà trên dưới bảy phòng ngủ. Cũ người mới ta; nhà thật khang trang nằm gần ngã ba trong khu phố mới phát triển.

Người mừng hơn cả có lẽ là má tôi, lòng mẹ lúc nào cũng muốn cho con cái mình có nơi ăn, chỗ ngủ như đôi cánh gà bảo bọc bầy con. Mẹ bảo chúng tôi đưa bà đi chợ để chọn mua vải màu xanh nhạt may màn cửa. Cả mấy ngày liền, má tôi ngồi sau chiếc máy may xách tay có motor, mắt đăm đăm nhìn vào mũi kim, ngón tay lăn những đường vải cho ăn vào chân vịt. Cứ mỗi lần như thế chiếc máy may cũ mua ở chợ trời rít lên, nuốt từng đoạn, từng đoạn. Má tôi ngừng đạp, tay cuốn và tiếp tục cho đến khi những chiếc màn xinh xắn hoàn tất treo lên cửa sổ.

Ba tôi hớn hở ra mặt, ông loay hoay cả ngày, sơn chỗ nầy, phết chỗ kia, như một thợ sơn chuyên nghiệp. Những dấu sơn giữa cũ và mới làm cho ba tôi chốc chốc chạy lùi ra xa nghiêng đầu nhìn, rồi một mình gục gật đầu tự cho cái quyền hài lòng. Những góc phòng nhện giăng cũng được ông lấy chổi quơ đi. Ba tôi dùng khăn ướt cố lau chùi tất cả những vết dơ trên tường. Chúng tôi dự trù sẽ sơn lại nhưng ngay bây giờ làm thế để ở là ngon rồi. Tại phòng khách rộng thênh thang, ba tôi mua những bức tranh có những cảnh thanh bình treo lên, để may ra quên đi quá khứ chiến tranh mà hơn một phần cuộc đời ông đã dự phần trong đó. Nhà cửa bài trí hài hòa, bữa cơm chiều nào cũng vui như tết, biểu tượng cho một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Ngoài vườn ba má tôi mua nhiều loại hoa về trồng, hoa cẩm chướng, hoa hồng nếu đúng mùa sẽ nở rộ đẹp mắt. Chúng tôi giúp mua cỏ lát miếng vườn rộng phía sau vốn um tùm cỏ dại. Đứng từ phía vườn sau nhìn tới, cái ống khói nhà tôi lớn quá khổ trông như xưởng máy thấy kỳ lạ làm sao, nên ba tôi mướn thợ về phá bỏ nó đi. Chúng tôi tin rằng trước kia đây là một xưởng chế biến hàng hóa gì đó.

Nghĩ lại gia đình tôi rất may mắn mới mua được ngôi nhà tốt mà giá lại rẻ như thế nầy. Đáng lý thì chúng tôi chưa đủ tín chỉ nhưng ngân hàng cũng tử tế nên việc mua bán thuận buồm xuôi gió. Được sống hạnh phúc như vậy cũng nhờ ba tôi. Ông ra lệnh cho tất cả chúng tôi không được lấy vợ, hoặc chồng vì Mỹ hạn chế những đứa con đã lập gia đình không được đi chung. Ba tôi đã làm xong thủ tục xuất cảnh sau khi phía Hoa Kỳ chấp thuận cho nhập cư diện HO. Mấy anh em lớn chúng tôi qua đến nơi là kiếm việc đi làm ngay. Hai đứa em nhỏ còn đang đi học. Có những việc đồng lương rất tệ nhưng chúng tôi cũng phải làm để thỏa mãn ước nguyện của ba má chúng tôi “trẻ cái nhà, già nấm mồ”.

Ước mơ của ba má chúng tôi có vá trời lấp biển chi cho cam. Chỉ vì gia đình đông con vô cùng khó khăn trong việc thuê mướn. Nếu không có một nhà thờ Tin Lành bảo trợ, cho trú ngụ tạm ở basement của nhà thờ, thì chẳng biết chỗ nào dung thân cho một gia đình ngót mười người lớn bé. Ban ngày là cái sân chơi bóng rổ, ban đêm chúng tôi khuân nệm ra để trên sàn mà ngủ, vị trí chỗ nào tùy ý, miễn sao trước tám giờ sáng là phải đâu vào đấy. Ông mục sư đã từng truyền giáo ở Việt Nam nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm mùi mắm kho. Ông mua cho gia đình chúng tôi cái lò nấu gas loại ngoài trời để má tôi lo việc bếp núc, với sự trợ giúp khiêng ra, khiêng vào của ba tôi. Nhà thờ cẩn thận cho người khóa cái ống dẫn gas vào bếp ở basement vì sợ chúng tôi sử dụng. Buổi tối là bữa ăn chính, chúng tôi mỗi đứa một tô, giải quyết sự đòi hỏi của dạ dày; cơm, canh, thịt, cá đều trộn chung trước thay vì sau khi vào bụng, rồi mỗi đứa tìm một nơi ngồi làm cái công việc đưa thức ăn vào thực quản.

Đáng lẽ ra chúng tôi chưa có điều kiện mua nhà. Công việc làm của chúng tôi ba cọc ba đồng chẳng ra sao. Nhưng nghiệt nỗi xứ nầy thuê mướn khó khăn quá. Họ luôn luôn hạn chế số người ở - cứ hai người có thể mướn một phòng, còn ba người là phải hai phòng. Nhà tôi cả thảy chín miệng ăn rất khó kiếm một apartment năm phòng ngủ. Dù có mướn hai apartments thì việc ăn uống, nấu nướng cũng khó khăn cho má tôi lắm. Và cũng vì lẽ đó mà chúng tôi chịu khó đi cày, đồng lương nào cũng bỏ chung vào hầu bao ba tôi để mua nhà.

Niềm vui nhà mới vẫn còn lâng lâng chảy trong lòng mỗi một thành viên trong gia đình chúng tôi. Các anh lớn dự trù dành dụm tiền khuân về cho ba má tôi cái TV 35 inch cho xứng với cái phòng khách rông thênh thang. Mua một cái VCR để mỗi tối chúng tôi quây quần với nhau xem phim bộ. Mấy đứa em gái thì mong sao cho nhà nầy có được giàn máy vi tính để chúng tập dùng cho kịp với bạn bè cùng lớp. Nói chung, mỗi đứa một phòng nên đứa nào cũng muốn có một giang sơn riêng. Trong cái giang sơn ấy mỗi đứa có quyền trang trí một kiểu theo ý mình.

Thế nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì đứa em út của nhà chúng tôi phát bệnh. Nó sốt liên miên, uống thuốc vô thì bớt nhưng khi hết thuốc thì sốt trở lại. Hai cánh tay, mông và lưng nó nổi lên những vết nám đen như những nạn nhân hỏa hoạn. Đưa em tôi đi bệnh viện thì bao nhiêu thí nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, quang tuyến vẫn không tìm ra bệnh trạng gì. Em tôi nằm ở bệnh viện cả tháng trời mà bệnh tình không thuyên giảm. Nhà đâu có tiền trả bệnh viện phí, may mà chính phủ còn hứng cho số nợ nhà thương. Ba tôi bất mãn lắm – một nước tiến bộ về y khoa như Mỹ lại không tìm ra chứng bệnh của em tôi mới là lạ. Các thử nghiệm máu đều báo cáo bình thường.

Ba má tôi quyết định đưa em tôi về nhà để chạy chữa thuốc bắc. Chao ôi, thằng nhỏ gầy đét, nước da xanh xao, đôi mắt sâu lạc thần như có thể đựng nửa trái chanh. Thuốc tây lụi vô thịt còn dễ, uống thuốc bắc đối với nó là một cực hình. Nhìn thấy em tôi giẫy nẫy mỗi lần uống thuốc nhà tôi ai cũng thương. Nhưng thuốc bắc, thuốc nam đều không làm cho bệnh em tôi giảm chút nào. Mỗi lần sốt là tay chân nó quờ quạng vào hư không như cố xua đuổi một vật gì, mồm nó cứ nói lung tung. Mẹ tôi buồn rầu quá, thức với con nhiều ngày tháng đôi mắt bà cũng trảm lơ, sâu hun hút. Mẹ tôi chép miệng than “Thằng nhỏ đang khỏe mạnh, ăn chơi nay phải lâm bệnh ngặt nghèo”. Ba tôi thì bên ngoài làm mặt cứng cỏi, khuyên mọi người hãy bình tĩnh, nhưng nhìn kỹ bên trong ông bắt đầu xao xuyến là bởi vì chính ông nhận ra cứ khoảng hai ba giờ sáng, tiếng lộp độp, cháy xèo xèo như nước mỡ nhỏ xuống bếp than hoặc giống như ai đang nướng vật gì, mùi thịt cháy khét chốc chốc lại bay hắt từ đâu tới. Có những đêm ông mở cửa ra ngoài cố lắng tai, hướng mũi tìm xem mùi cháy khét xuất phát từ đâu, nhưng tuyệt nhiên bên ngoài thì không nghe thấy. Ông gieo mình xuống giường nhưng rất khó ngủ, nằm mơ màng cho đến sáng.

Một hôm ông đem chuyện nầy nói cho má tôi biết thì bà bảo cũng nghe thấy như thế mà không nói ra vì cứ tưởng mấy người hàng xóm nướng thịt ngoài sân sau như bà thường thấy trong những tháng hè. Chúng tôi còn trẻ, lại làm việc trong xưởng mệt mỏi nên ngủ như chết không hay biết gì.

Nhưng việc quan trọng đó dần dà chúng tôi đều biết. Mấy anh em lớn trong nhà tôi tinh thần rất giao động. Cuộc sống như bị một cái gì vô hình rình rập, đứa nào trông cũng bần thần lo lắng. Thằng em trai lớn tôi nghe ai đó trên nhà thờ bảo rằng ma quỷ rất sợ cây thánh giá. Nó xin một cái tròng vào cổ. Giờ nầy đây ai làm gì thì làm, ba má tôi dồn hết thì giờ vào bệnh tình của đứa em út. Em trai tôi có cây thánh giá trước ngực nên cũng hí hửng. Trong bữa ăn, nó buột miệng:

“Bà Tám Lé nói ma quỷ rất sợ cây thánh giá, bả nói nhà mình nên đi nhà thờ mua mỗi người một cái mà đeo, ban đêm phải đọc kinh.”

Vừa nói xong ngọn đèn phòng ăn chợt tắt, mọi người loạng quạng chạy tới chỗ contact mở đèn đụng đầu nhau ‘úi chà đau quá’. Tiếng la chưa dứt, cũng chưa ai tìm được contact thì đèn bật sáng. Tắt..rồi sáng lại sáng lần nữa làm mọi người trong nhà đều rúng động. Chưa hết, cũng thằng em có đeo thánh giá vừa nuốt miếng cơm thì hai mắt bỗng nhiên trợn trừng, mặt đỏ như tiết, làm cho cả nhà thất kinh hồn vía. Mẹ tôi sợ quá ứng khẩu nói lớn: “Nếu trong nhà tôi có ai nói xúc phạm đến các cô hồn, các bác thì xin tha thứ bởi chúng tôi là kẻ tai phàm mắt thịt”. Miếng cơm từ từ trôi xuống, em tôi trở lại bình thường, nhưng nó sợ quá chạy sà vào lòng ba tôi vừa khóc vừa nói với đôi mắt dớn dác “Có cái gì siết quanh cổ con hu.hu..con sợ quá” Mẹ tôi ngơ ngát nhìn nó, tiện tay bà giựt đứt sợi giây có thánh giá để trên bàn nói gắt: “Mai đem trả lại cho người ta.” Mẹ tôi nhắc một câu chung chung: “Mấy đứa nhớ đừng ăn nói tào lao, chúng ta có thế giới chúng ta, oan hồn có thế giới oan hồn, loài vật cũng có thế giới của loài vật.” Mẹ tôi lễ phép nói thế cho ai nghe thì không biết, nhưng mấy anh em chúng tôi đang hình dung chúng tôi đang sống trà trôn với người ở cõi âm.

Ngày trước đứa nào cũng giành một phòng, bây giờ tìm với nhau mà ngủ chung cho vui. Nhờ thế mà hai đứa em gái tôi trước kia nạnh hẹ từ dọn chén ăn cơm đến sau khi ăn, rửa chén, bát. Chúng như cái dùi, cái mõ, nay lại hòa bình ghê gớm. Nếu để ý sẽ thấy khi ngủ hai chị em còn gác chân, gác tay lên nhau để biết chắc ta không ngủ một mình.

Tôi bắt đầu quan sát thì dường như tiếng cháy và mùi khét xuất phát từ phía phòng chứa đồ, nằm ngay dưới cái ống khói to tướng mà ba tôi đã cho người phá rồi. Hôm sau nhân lúc nghỉ ăn trưa tại xưởng làm. Tôi đem chuyện mùi cháy khét kể lại cho người bạn chung sở nghe. Bạn tôi ra vẻ ngạc nhiên, hắn cho biết đó là chuyện của mười mấy năm trước. Ngày xưa toàn khu nầy ai cũng nghe thấy mùi khét bay nồng nực mỗi khi có hỏa táng gần nghĩa trang. Dân trong làng làm đơn khiếu nại lên thành phố nên cái nhà thiêu xác ấy bị rút môn bài. Từ đó không ai nghe mùi khét nữa, và phần còn lại của khu nghĩa trang rộng lớn nay đã biến thành khu phố. Chỉ còn một khu nhỏ đã có mộ gần xa lộ số 5 mà thôi. Ngôi nhà thiêu xác sau đó được sửa sang lại thành nhà ở cùng sự phát triển nhịp nhàng của khu phố nầy. Người bạn tôi nói thêm rằng ngôi nhà ấy đổi chủ luôn vì lý do gì anh ta không rõ. Tôi hỏi thăm thêm nơi chốn của ngôi nhà ấy thì mới hay nhà thiêu xác đó chính là... ngôi nhà chúng tôi đang ở!!!

Khi về, tôi đem chuyện nầy nói với ba tôi trước. Tôi thấy lông tay và tóc của ông dựng ngược lên. Hôm sau hai cha con tôi tới gặp vị mục sư nhà thờ Tin Lành, nơi đã bảo trợ gia đình chúng tôi kể hết đầu đuôi câu chuyện. Ông mục sư vào trong đem ra đưa cho chúng tôi một cây thánh giá thật lớn bảo đem về đặt vào nhà chứa đồ nơi phát xuất tiếng động. Không hiểu sao ba tôi do dự, nhưng vì cả nể nên ba tôi cũng đem về. Hình ảnh đứa con đang nuốt cơm bị nghẽn ngang miệng hôm trước làm ông phân vân không muốn cho má tôi biết. Ông chỉ len lén để gần cửa phòng chứa đồ, nơi ông nghe có tiếng cháy xèo xèo mà mùi khét xuất phát.

Nhưng xem chừng tiếng mỡ rơi và mùi cháy khét không thay đổi mà còn dữ dội hơn. Ba tôi kiên nhẫn chờ thêm mấy ngày nữa. Nỗi lo âu, sợ sệt làm cho tất cả mọi người trong gia đình tôi vô cùng hoang mang. Bảy phòng ngủ sau khi mua nhà còn chê chật, nay chín người đều ngủ chung có một phòng khách mà vẫn còn rộng thênh thang. Đêm nào mấy đứa nhỏ nhất và hai đứa con gái cũng muốn ngủ trước, bởi chúng muốn nằm giữa cho chắc ăn. Thằng em bệnh hoạn thỉnh thoảng đưa tay vào khoảng không bắt, nắm khiến cho nỗi sợ rợn người tăng thêm mãnh liệt. Đặc biệt là mỗi khi sốt, miệng nó cứ nói chuyện nghe như mẫu đối thoại rời không đầu, không đuôi. Nó bệnh về thể xác thực sự, nhưng với nó lại không thấy việc gì bất ổn về tinh thần đang xảy ra chung quanh căn nhà nầy.

Má tôi đề nghị nho nhỏ với ba tôi lên chùa mời một vị Sư về làm phép ếm tà. Ba tôi không cãi lại như thường lệ mà ngoan ngoãn nghe theo. Làm gì cũng được, miễn sao cho em tôi bớt bệnh là quý rồi. Nhưng khi ba tôi vào chùa gặp vị Sư già, ông từ chối bảo rằng ổng chỉ là người xuất gia học đạo, không làm việc cúng kiếng, trừ tà ếm quỷ bao giờ. Trên đường về ba tôi ghé thầy Ba, người thường đăng báo về coi quẻ, tử vi, phong thủy. Thầy Ba nhận lời ngay và theo ba tôi về nhà. Vừa bước vô nhà, thầy Ba quả quyết rằng chỉ sau khi cho em tôi uống một đạo phù do chính tay ông vẽ thì bệnh em tôi giảm ngay. Ba tôi bán tín, bán nghi, nhưng cũng chưa mất mát gì, ông cứ mong cho phước chủ may thầy.

Một bàn hương án đặt giữa nhà, đèn đuốc sáng trưng, thầy Ba mặc áo đỏ, tay cầm phất trần, miệng nói tiếng xí lô, xí là nghe chẳng ai hiểu gì cả. Đoạn ông cho em tôi uống nước tro của đạo phù ông vừa viết đốt bỏ vào ly. Em tôi cứ phun ra nhưng ông dùng hai ngón tay bóp vào hai bên mép nó, cuối cùng nó cũng nuốt được một phần. Em tôi uống bùa xong, thầy Ba còn tiếp tục cúng trước bàn với lối huơ tay huơ chân rất chi lố bịch khiến ba tôi dù đang lo lắng cho em tôi cũng phải nghiêng mồm vào tai má tôi nói nhỏ “bá vơ”. Nhưng mẹ tôi thì trừng mắt nhìn ba tôi như thầm bảo “đừng ngang tàng. bùa thiêng! Nhờ thầy nó ngủ yên rồi.”

Ba tôi nghe thế nhún vai. Thực tế thì nãy giờ, ba tôi thấy điệu bộ thầy Ba ông không phục, nhưng nhiều đêm nay thằng nhỏ không ngủ, mà nay mới uống có một lá bùa nó lăn ra ngủ, còn bớt sốt nữa nên ông cứ coi như có kết quả, lòng đâm hối hận vì đã có ý khinh miệt các thầy pháp.

Xong việc cúng kiếng, gia đình tôi tạ lễ thầy Ba, anh tôi lấy xe đưa thầy về. Khi dọn dẹp bàn hương án, ba tôi phát giác ra thầy Ba để quên lại một thỏi châu sa. Chừng đó ba tôi mới hay là em tôi uống bùa không phải là bùa linh mà uống thuốc an thần vì trong châu sa vốn có nguyên tố an thần.

Đêm đến, tiếng cháy xèo xèo vang lên, mùi khét bay tới. Gia đình tôi lại trở lại trạng thái phập phồng, sợ hãi như xưa. Giữa một ông pháp sư và một ông mục sư, gia đình tôi không biết chọn ai để nhờ đỡ. Má tôi thì chọn thầy pháp, ba tôi vẫn thích mục sư. Cuối cùng ba tôi chiều má tôi trước nên trở lại nhờ thầy Ba cúng kiếng. Cũng vẫn công việc như bữa đầu tiên, nhưng hôm nay thầy Ba cúng cả tiếng đồng hồ. Thầy còn bảo đám quỷ nầy khó trị, phải tiếp tục cúng mấy ngày liền may ra mới hết. Nhưng đến ba ngày liên tiếp trong nhà tôi cả đêm đèn sáng như ban ngày không dám tắt, mọi việc đều như cũ nên ba tôi cám ơn thầy Ba và đuổi khéo thầy về.

Chúng tôi trở lại gặp vị mục sư lần nữa để nhờ cố vấn, có lẽ ông chưa biết phải cố vấn ra sao nên trầm ngâm thật lâu. Tại phòng khách, ông mục sư tay phải kẹp vào nách, tay trái đưa ngón chống cằm, đầu hơi cúi xuống, đi tới đi lui cả chục lần làm chúng tôi ngồi nóng ruột. Sau đó ba tôi hỏi thêm lần nữa xem ông có cao kiến gì không. Vị mục sư đưa tay chỉ chiếc xe van đang đậu trước sân nhà thờ hai bên hông có đề hàng chữ “help moving, low price” đại ý “giúp dọn nhà, giá rẻ”!!!

Thủy Lâm Synh


Message edited by saigoneses - Thứ Ba, 08 Apr 2014, 1:43 AM
 
atoanmt Date: Thứ Hai, 07 Apr 2014, 2:38 PM | Message # 2
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Thứ Hai, 07 Apr 2014, 6:13 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng


Nội dung thì hồi hộp, nhưng kết luận thì huề vốn. Ở Mỹ những căn nhà ma như vầy thì không thiếu. Nhưng là nơi hốt bạc để những người gan dạ đến ngủ thử qua một đêm.
 
saigoneses Date: Thứ Ba, 08 Apr 2014, 0:00 AM | Message # 4
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng
Hì hì kết cuộc "huề vốn" của câu chuyện thì đâu có gì lạ khi con người ta bất lực với sự quấy phá của cõi âm? Nói xa hơn một chút thì đâu phải ai cũng cũng hữu duyên gặp được đúng người, đúng Thầy đức độ như anh Toàn? Tất cả đều do nghiệp duyên

Nhân chuyện này SGN lại nhớ đến những lời tâm tình của người bạn trong lần trà đàm

"Có bao giờ ta tự hỏi tại sao con ma nó ám anh A mà lại không ám anh B? Tại sao nhà C có ma mà không phải là nhà D? Ta có xét đến nhân quả oan khiên của 'con ma' với người đó hoặc với gia đình đó chưa? Tất cả đều không qua khỏi định luật Nhân Quả"

Lại đọc đâu đó trên forum nào đó

"Ta tri bệnh tà ma áp phá hành bệnh người, ta dùng bùa phép hàng phục thậm chí trấn áp làm cho nó hồn siêu phách lạc, ta có nghỉ đến nhân quả oan khiên giữa nó và người bệnh không? Nếu ta nói là làm đúng thì 2 chữ nhơn quả của Phật đã nói ra sẽ là sai sao? Đạo là chánh mà phù phép chỉ là phương tiện, là phương tiện thì khi sử dụng phải nên nhớ câu PHÀM TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG MỘT VIỆC GÌ,TA PHẢI SUY NGHỈ ĐẾN HẬU QUẢ CỦA NÓ."

Lại thêm ở đây

"Nhiều người cho rằng đến chùa cúng một số tiền hay một món hàng gì đó rồi xin Phật, Bồ tát ban phúc cho. Vì thế cúng xong rồi họ xin điều này điều nọ, cầu Phật giúp cho điều này điều kia, nào là làm ăn phát tài, trúng số đề, tai qua nạn khỏi, không đau ốm... Đâu biết rằng tội phúc do chính mình tự tạo, Phật và chư vị Bồ tát lúc nào cũng từ bi thương xót tất cả chúng ta, chẳng lẽ cứ có tiền có quà các Ngài mới lưu ý?

Những gì xảy ra cho chúng ta hôm nay đều có nguyên nhân từ quá khứ, mình gây nhân thì mình sẽ chịu quả. May sao từ nhân đến quả còn có các duyên, tức là điều kiện cần và đủ để các biến cố sự kiện xảy ra. Nếu biết can thiệp đúng cách chúng ta có thể thay đổi kết quả theo hướng có lợi.

Thí dụ ở tiền kiếp ta giết chết một người hay một con vật, nợ họ một mạng. Hoặc nợ họ một số tiền, hoặc cướp vợ giật chồng hay triệt hạ công danh... của họ. Họ thù oán mình và cứ đi theo tìm cách trả thù khiến cho mình lao đao lận đận, làm gì cũng bị khó khăn cản trở. Dù mình không nhìn thấy họ nhưng lúc nào họ cũng theo sát mình, mình làm gì nghĩ gì họ đều biết rõ. Nếu mình biết mình có món nợ ấy, tìm cách trả họ thì có thể hóa giải được oan trái tiền kiếp và cải thiện được cuộc sống.

Trả thế nào đây?

Cúng chùa là mình giúp cho các vị đệ tử của Đức Phật học đạo tu hành, tự giải thoát bản thân và giúp nhiều người khác giải thoát luân hồi sinh tử. Mình sẽ có công đức rất lớn, không những mình hưởng mà còn có thể gửi công đức ấy cho người khác.

Phóng sinh thì mình cứu được nhiều mạng sống

Bố thí, làm từ thiện, giúp người qua cơn cơ nhỡ, bồi đường đắp lộ... tất cả đều có công đức. Nếu mình gửi cho những kẻ đã bị mình giết hoặc trong quá khứ mình nợ nần họ thì dần dần họ sẽ không làm khó mình nữa.

Tụng kinh Phật, trì chú còn có nhiều công đức hơn nữa. Nếu mình gửi cho họ và cầu cho họ được tái sinh đầu thai hoặc vãng sinh tịnh độ thì không những hóa giải được thù oán cũ mà họ còn cám ơn mình nữa. Dĩ nhiên họ sẽ giúp lại cho mình. Sau khi làm được một trong những việc trên, khấn: " Con tên là...xin hồi hướng công đức cúng chùa bố thí...cho các oan gia trái chủ, gia quyến nhiều đời của con, cầu mong cho họ được nghiệp chướng tiêu trừ, hóa giải oan khiên siêu sinh tịnh độ" họ sẽ nhận được.

Mình thiếu nợ thì mình phải trả, không thể xin Phật hay ai đó giúp mình quịt nợ được. Xem lá số Tử Vi có lợi thế là biết được phần nào mình có nợ nần gì trong tiền kiếp và qua đó có cách ứng xử thích hợp để cuộc sống chúng ta ngày càng tiến bộ, hạnh phúc hơn. Ngoài việc trả được nợ cũ, chúng ta còn gây được nhiều nhân tốt và sẽ gặt được quả tốt về sau. Hãy cố gắng tích cực lên! Số phận nằm trong tay chúng ta mà thôi."


Message edited by saigoneses - Thứ Ba, 08 Apr 2014, 1:53 AM
 
atoanmt Date: Thứ Tư, 09 Apr 2014, 6:38 AM | Message # 5
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Chuyện như "Ngôi Nhà Mới" kể trên, thì chính gia-đình tôi đã trải qua vào năm tôi mới 14 tuổi ! Nhưng sự việc hiện ra trong nhà thì..."rùng rợn" hơn nhiều !
Ma nó hiện ra cho Tui thấy, và Tui đã... ngây thơ mà nói chiện dzới nó nữa !

Thấy Tui dzám hỏi nó, nên Ma bực mình hiện ra giữa ban ngày luôn ! Nhát Tui chạy té khói !

Cũng như mới vài năm trước, khi bay sang San Francisco, Tui cũng gặp 1 căn nhà như vậy ! Và Ma lại hiện ra giữa ban ngày !

Để hôm này rỗi rãnh, sẽ viết kể lại cho các Bạn ... đọc mờ... sợ teo lun...



AToanMT
 
saigoneses Date: Thứ Tư, 09 Apr 2014, 10:10 AM | Message # 6
Lieutenant general
Group: Administrators
Messages: 505
Status: Tạm vắng
Nghe Anh Toàn mở lời như vậy tự nhiên lòng hiếu kỳ nổi lên rần rần . Quá đã, quá đã... Anh ráng nhín chút thời gian để gõ kể lại cho mọi người trên trang nhà.

Như vậy có đến 2 câu chuyện, một của thời "Khi xưa ta bé", một của thời bây giờ smile . Trùi ui, có cái dzụ ma hiện cả ra ban ngày mới ghê. Thôi thì cắn răng ngồi chờ chứ biiết sao? Ráng lên Anh Toàn nhé


Message edited by saigoneses - Thứ Tư, 09 Apr 2014, 10:12 AM
 
kathy Date: Chủ Nhật, 13 Apr 2014, 9:48 AM | Message # 7
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
saigoneses, Kathy cũng chờ Anh Toàn đó nghen
 
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN MA - TRUYỆN KINH DỊ » NGÔI NHÀ MỚI (Thuỷ Lâm Synh)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO