Thứ Hai
15 Apr 2024
11:58 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Forum moderator: Nam  
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN HUYỀN HỌC » Cô hồn dân gian
Cô hồn dân gian
LSK Date: Thứ Sáu, 20 Nov 2015, 3:13 PM | Message # 1
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Cô hồn trong tín ngưỡng dân gian đồng bằng sông Cửu Long
Tg: TRẦN MINH THƯƠNG




1. Quan niệm về cô hồn

Theo Từ điển Hán Việt thì cô 孤 là một từ nhiều nghĩa trong đó có nghĩa chỉ sự đơn độc, lẻ loi, một mình; hồn là phần thiêng liêng của con người; ghép lại cô hồn được giải thích là hồn người chết lẻ loi, không ai cúng vái.

Khái niệm cô hồn còn bao gồm một khái niệm khác là oan hồn. Oan hồn là hồn người chết oan; đó là những người bị ám sát, bị bức tử, bị giết khi chưa kịp sinh ra (thai nhi), hay chết “bất đắc kỳ tử”… được coi là chết oan ức, theo nghĩa oan là trái với lẽ công bằng.

Từ kinh sách Phật giáo, người Khơ-me miền Tây Nam Bộ lưu truyền câu chuyện liên quan đến ngày lễ đặt cơm vắt gắn liền với lễ hội Sel Dolta trong truyền thống báo hiếu.

Truyện kể rằng:
Có một hôm, vào lúc đêm khuya, tại hoàng cung của vua Pingpissara bỗng vang dội tiếng gào thét khóc lóc thảm thiết kèm theo là tiếng van xin đòi ăn uống. Sáng ra, nhà vua triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi; các tiên tri cho rằng đó là những ma quỷ chết oan không nơi nương tựa đến xin được ăn uống; các tiên tri đề nghị cúng tế bằng cách hiến sinh trăm người nam, trăm người nữ và trăm con vật.

Nghe tin đó, hoàng hậu can gián, cho rằng việc cúng tế sẽ làm hai trăm con người và một trăm con vật chết oan, càng có hại thêm. Phân vân, nhà vua ngự giá đến chùa thỉnh ý Đức Phật. Đức Phật dẫn chuyện tiền kiếp cho biết, trong những kiếp trước vua Pingpissara là chủ của một đám người đã trộm cắp cơm gạo và thức ăn trong những buổi lễ cúng dường của vua Mahinta cách đó 92 kiếp; khi chết, đám người đó thành quỷ ở cõi âm, bị phạt nhịn ăn nhịn uống suốt 92 kiếp. Nay, họ biết được chủ của họ đã trở thành một vị quốc vương, nên họ đến để cầu xin ở chủ cũ.

Đức Phật khuyên vua Pingpissara nên cúng dường vật thực cho các tu sĩ có giới đức, rồi nhờ ân đức và sự cầu nguyện của các tu sĩ ấy mà đám ma quỷ có thể được hưởng dụng do phép hồi hướng. Nhà vua vâng lời Đức Phật. Sau khi cúng dường xong, đêm thứ nhất tiếng kêu khóc biến mất, nhưng đến đêm kế tiếp nhà vua lại nghe tiếng rên la. Vua lại đến thỉnh ý Phật. Phật dạy rằng ma quỷ rên la tiếp là vì còn bị rét lạnh. Nhà vua trở về chuẩn bị y áo cúng dường các vị có giới đức và nhờ các ngài hồi hướng tiếp. Từ đó, nhà vua không còn nghe tiếng rên than của ma quỷ nữa.

Theo Phật giáo thì ngày rằm tháng Bảy âm lịch được gọi là ngày Báo hiếu cha mẹ tức lễ Vu-lan và cũng là ngày Xá tội vong nhân tức lễ cúng cô hồn. Trong dân gian, nhiều người vẫn nghĩ hai lễ này chỉ là một, nhưng thực ra đây là hai lễ khác nhau được cử hành trong cùng một ngày.

Lễ Vu-lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Tôn giả Mục-kiền-liên, Phật Tổ dạy Tôn giả vào giữa tháng Bảy âm lịch cúng dường tứ sự cho chư Tăng thập phương để chung sức cứu mẹ ra khỏi địa ngục đau khổ. Còn tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa Tôn giả A-nan với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu, cũng gọi là quỷ mặt cháy hay diệm nhiên).

Theo Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà-la-ni kinh thì một đêm kia, lúc đang ngồi trong tịnh thất, Tôn giả A-nan thấy một quỷ đói thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A-nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như mình.

A-nan sợ quá, đem chuyện thưa với Ðức Phật. Phật bèn cho bài chú gọi là Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà-la-ni đem tụng trong một buổi lễ cúng dường với mục đích cứu khổ cho quỷ diệm khẩu và để tăng tuổi thọ cho mình.

Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng Diệm Khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.

Nói chung, cô hồn là vong hồn của những người bất đắc kỳ tử, chết oan, không xác định được tính danh. Cô hồn là danh từ chung gần nghĩa với âm binh, oan hồn, dân gian gọi chung là những người khuất mày khuất mặt

2. Chuyện cô hồn quấy nhiễu

Cho đến gấn đây, người dân ở Gò Công Đông vẫn còn nhắc lại những hiện tượng ma quái quanh vùng Bãi Hổ, giữa sông Mỹ Tho (sông Tiền) và rạch Tân Đông. Các vị lớn tuổi cho biết sau một trận kịch chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh ở vùng này mà cả hai bên đều tổn thất nặng nề thì nhân dân trong vùng thường chứng kiến nhiều sự kiện quái lạ; đặc biệt, vào những đêm thanh vắng, có hàng đoàn âm binh di chuyển rầm rầm.

Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, chúng đã lập pháp trường ở chợ Trường Án tại Tân Quy Đông, Sa Đéc (nay thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp). Biết bao nghĩa quân kháng chiến và cả những người dân vô tội chịu cảnh đầu rơi máu đổ tại đây. Oan án chồng chất, ám khí nặng nề. Đêm đêm dân trong vùng rợn óc với những tiếng kêu than, ma hờn quỷ khóc. Nghe truyền tụng rằng có lần chợ đang nhóm bỗng dưng có oan hồn hiện về kể tội bọn cướp nước. Thấy vậy, dân chúng tổ chức cúng tế thường xuyên khiến các hiện tượng quái dị dần dần biến mất. Về sau, chợ cũng bị dẹp bỏ…

Các bậc cao niên ở Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long thường nhắc đến chiến công năm 1872 của nghĩa quân dưới quyền Đốc binh Lê Cẩn trong việc tiêu diệt viên tham biện Pháp ở Vĩnh Long là Alix Salicetti mà dân gian quen gọi là Bồi Xê. Để trả thù, Pháp sai Trần Bá Lộc đem quân về tàn sát dân chúng không thương tiếc. Sự kiện này khiến xác người chết đầy cả một vùng, tạo nên cảnh tượng âm khí nặng nề, thê lương áo não, đêm đêm nghe như có hằng trăm, hằng ngàn tiếng ma kêu, quỷ khóc…1

Ở gần cửa Soài Rạp (Gò Công, Tiền Giang), sau ngày Trương Định tử trận, đêm đêm, ở vùng đám lá tối trời như có tiếng gào thét, như tiếng binh đao va chạm. Có khi, nghe như tiếng thiên binh vạn mã rầm rộ kéo đi. Có lúc lại nghe ngựa hí, người la và tiếng trống trận.2

Có khi vì không lý giải được những hiện tượng diễn ra trong tự nhiên, người ta cũng mượn cớ do cô hồn quậy phá để giải thích. Trường hợp những lượn sóng kỳ lạ ngày trước thường xuất hiện ở Vàm Cái Nai (Cần Thơ) được nhân dân trong vùng cho là do oan hồn của hàng ngàn nghĩa sĩ thuở xưa đã bỏ mình mà còn vướng vất mối hận khôn nguôi.

Ở ven bờ Cổ Chiên nhiều người cho biết ngày trước trên dòng sông ấy thường hiển hiện những điều quái lạ; những hồn ma bóng quế chập chờn trên sóng nước khiến các ghe thương hồ qua lại đều rợn người. Họ phải cùng nhau đứng ra lập đàn tràng cúng tế những âm linh tử sĩ, những oan hồn ấy mới dần khuất dạng.

3.Dựng miếu thờ cô hồn

Việc khảo sát thực tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy có nhiều dạng miếu thờ cô hồn được dân gian dựng lên.

Có lẽ trường hợp xa xưa nhất mà sách cũ còn chép lại là sự việc liên quan đến địa danh Đôi Ma ở Gò Công, Tiền Giang, được sách Nam Kỳ lục tỉnh (còn gọi là Nam Kỳ dư địa chí) của Duy Minh Thị3 thuật lại như sau: Tương truyền có một cặp trai gái yêu nhau mà cha mẹ hai đàng không khứng. Ban đêm hai người dìu dắt nhau qua rạch đi trốn. Không dè qua giữa rạch, nước xiết bơi không nổi, cùng chết đuối. Khi nổi lên, hai người còn nắm chặt tay nhau, gỡ không ra. Cha mẹ hai bên thấy vậy thương tình cho chôn chung hai người một huyệt. Và sau đó, người đời cho cất miễu thờ gần bên rạch.

Có lẽ cũng sự kiện ấy đã được Đại Nam nhất thống chí ghi lại. Rằng xưa kia có một cô gái tiểu thư con nhà quyền quý mang lòng thương thầm một anh chàng thư sinh nghèo; chàng thư sinh kia cũng hiểu lòng cô gái, nhưng vì thấy mình quá nghèo nên mãi vẫn chưa dám mượn mai mối đến hỏi việc hôn nhân. Cô gái cứ chờ trông mòn mỏi rồi ôm lòng uất hận, rầu rĩ mà chết.

Cha mẹ cô gái thương tiếc không đem chôn ngay mà cất lều ở sau vườn cạnh một con rạch làm nơi quàn linh cữu. Anh chàng thư sinh hay tin, bèn đến thắt cổ chết bên cạnh. Người ta liền đem xác cả hai lại đặt nằm cùng một chỗ, lâu ngày âm khí kết tựu dần thành ma quỷ. Một thời gian sau, cha mẹ cô gái ấy đều buồn rầu mất đi. Xác đôi trẻ không ai chôn cất. Chốn ấy hoang vu cây cối mọc đầy thành gò rậm, quỷ khí càng thịnh hành, chọc phá mọi người. Dân chúng khổ sở vì đó nên họ lập miếu thờ và đặt tên rạch là rạch Đôi Ma. Về sau, khi quân Tây Sơn hành quân qua đó, đóng binh ở gần miễu thờ, bị quấy phá, họ cho đốt phá ngôi miếu lúc ấy đã bị bỏ hoang phế, tai quái mới dứt.

Ở trong vùng Thất Sơn Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang, người ta còn được nghe dân địa phương lưu truyền về ngôi miếu Âm Nhơn. Miếu này tọa lạc tại Núi Sam, dân gian quen gọi là miếu Cô Hồn. Tương truyền miếu do Thoại Ngọc Hầu xây dựng, và nếu vậy thì ban đầu việc dựng miếu là để thờ cúng những dân binh đã tử nạn trong công cuộc đào kênh Vĩnh Tế dưới thời vua Minh Mạng; sau đó, những vị giữ nhiệm vụ coi sóc miếu đã mở rộng việc thờ cúng cho mọi cô hồn đều được phối hưởng.

Có lẽ vì vậy mà kiến trúc của miếu có cả Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền cùng một khoảng sân rộng có mộ của vị chủ đất và của mộ những cô hồn uổng tử, có thể là ngôi mộ cải táng tập thể những dân binh tham gia đào kênh Vĩnh Tế. Hằng năm, miếu tổ chức cúng cô hồn khá trọng thể vào ngày 16 của các tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười.

Đặc điểm của địa hình đồng bằng sông Cửu Long là hệ thống kênh rạch chằng chịt như bàn cờ. Từ xưa, việc đi lại của cư dân ở vùng này chủ yếu là bằng ghe, xuồng, tàu bè. Không ít tai nạn đường thủy đã cướp đi biết bao sinh mạng của lữ khách. Người địa phương sẵn lòng cứu vớt, chôn cất những tử thi vô danh tính.

Vương Hồng Sển trong Hậu giang Ba Thắc cho biết năm 1928 và năm 1932 trên các nhánh sông Cửu Long đã xảy ra hai vụ chìm tàu nghiêm trọng, hậu quả khiến hơn trăm người nằm lại dưới lòng sông sâu. Để hồn oan của người xấu số có nơi nương tựa, nhân dân trong vùng dựng các miếu bằng lá ven bờ để người khuất mặt có nơi nương dựa. Tương tự, ở vùng sông nước này không ít ngôi miếu được dựng lên sau những biến cố như vậy. Thỉnh thoảng khách thương hồ qua lại ghé vào hương khói cho cô hồn đỡ bề hiu quạnh, họ cũng hy vọng cô hồn sẽ trợ lực cho họ xuôi chèo mát mái, mua may, bán đắt.

Ngoài miếu thờ các cô hồn trôi sông lạc chợ, trong đời sống của cư dân vùng sông nước vẫn tồn tại tín ngưỡng thờ hà bá ở những vùng ven sông để cầu cho mọi người không gặp nạn trên sông và cầu cho người đánh bắt kiếm được nhiều cá tôm trong mùa lưới. Khi xảy ra chuyện không may có người chết đuối mà chưa tìm được thây, người bình dân tổ chức nghi thức cúng hà bá chuộc hồn.

Dân gian vùng sông nước thường cho rằng người chết đuối là bởi tam hồn thất phách của họ bị hà bá thủy tề giam giữ lại nơi thủy phủ, nên thân xác mới chìm xuống dưới đáy sông sâu. Vì vậy, để nhục thân của họ nổi lên mặt nước hầu có thể mang về khâm liệm an táng thì người ta dùng nghi thức này.

Khi khoa học kỹ thuật phát triển, bên cạnh các phương tiện di chuyển bằng đường thủy, trên bộ đã có ngựa, xe. Mặc dù những ưu thế vượt trội mà các hình thức đi lại này đem đến, thỉnh thoảng vẫn có những vụ tai nạn không may xảy ra. Người chết đường chết chợ hồn oan phảng phất không nơi nương tựa. Dân gian rộng lòng dựng những ngôi miếu nhỏ để những oan hồn ấy có chỗ tựa nương. Dân gian gọi đó là miếu cô hồn hay miếu oan hồn. Nhiều tài xế đường dài qua lại thường ghé để thắp nén nhang cầu mong được phù hộ sự may mắn cho chuyến hành trình.

Cũng có một loại miếu thờ oan hồn nữa được phát sinh khi vùng nào đó có thiên tai dịch bệnh. Nhiều người chết. Âm khí nặng nề. Để xóa tan những điều xui rủi cho người sống, dân chúng quanh vùng thường họp nhau lại lập miếu thờ ở ven đường hay ở các ngã ba, ngã tư… Một hình thức thờ cúng cô hồn khá đặc biệt được nhắc đến ở huyện Ngã Năm, Sóc Trăng. Tại đó, xưa kia có một ngôi miếu thờ những sinh linh bé nhỏ vừa mới chào đời đã lìa mẹ lìa cha.

Nguyên nhân vào nửa đầu thế kỷ XX, vùng đất Trà Cú còn hoang sơ, hẻo lánh, nhiều phụ nữ vừa sinh nở thì con đã sút nôi. Người dân gom cây lá lập miếu thờ gọi là miếu Hài nhi. Sau đó, phụ nữ có thai thường đến khấn vái mong mẹ tròn con vuông. Trong miếu có ban thờ với chiếc lư hương nhỏ. Tiếc là sau thời gian giặc giã và sự tiến bộ của khoa học, ngôi miếu đó nay chỉ còn trong ký ức của người cao niên mà thôi.

Tại quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang, người ta có thể gặp khá nhiều miếu thờ cô hồn ở ven các đường quanh đảo. Lão ngư Ba Đúng ở ấp Bãi Ngự Hòn Củ Tron giải thích rằng cư dân vùng quần đảo này vẫn có quan niệm là cần phải thờ cúng vong linh của những người chết do nhiều nguyên nhân khác nhau mà vì không may mắn có thể mất xác hoặc mồ mả không ai chăm sóc khiến phải phiêu dạt khổ sở.

Việc thờ cúng như vậy sẽ làm ấm lòng những cô hồn uổng tử khiến họ không quấy phá người trần gian, còn có thể phù hộ cho dương thế. Mới đây, tại xã An Sơn, dân chúng đã lập một miếu thờ những hồn oan tử nạn sau khi một cơn bão lớn trong năm 1997 tràn qua vùng này. Miếu thờ gồm một bia tưởng niệm, một ban thờ ở trung tâm với chiếc lư hương lớn, trông thẳng ra hướng biển.

4. Kết luận

Nói chung, việc thờ cúng cô hồn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nhằm ngăn chặn sự quấy nhiễu của cô hồn; mà quan trọng hơn, tập tục này thể hiện nét nhân bản sâu thẳm tận đáy lòng của người bình dân miền Tây Nam Bộ nói riêng và con người Việt Nam nói chung; đó là mong muốn mọi vong linh phiêu dạt có nơi nương dựa; đó chính là việc thể hiện tấm lòng ưu ái của người đang sống đối với những thân phận bất hạnh gặp những cái chết bất bình thường, những linh hồn không người thân cúng tế. Đứng về góc độ tâm linh, tín ngưỡng thờ cô hồn vẫn luôn là một tập tục tốt đẹp của người Việt.■ „

Nguồn : văn hóa phật giáo


Message edited by LSK - Thứ Sáu, 20 Nov 2015, 3:15 PM
 
LSK Date: Thứ Sáu, 20 Nov 2015, 3:19 PM | Message # 2
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Lễ cúng cô hồn ở miền Tây Nam Bộ
Tg: TRẦN MINH THƯƠNG




Theo tín ngưỡng dân gian, từ xa xưa người Việt vẫn quan niệm phần linh thiêng của con người gồm có hồn và vía (hay hồn và phách); mỗi người đều có ba hồn, nhưng người nam thì có bảy vía mà người nữ lại có tới chín vía.

Cũng theo quan niệm đó, khi con người chết đi thì một hồn vẫn ở lại tại nơi xảy ra cái chết, một hồn tồn tại quanh mồ mả, còn một hồn nữa thì phải đi theo phán quan dưới địa ngục để được xét công luận tội tùy theo hành vi của con người lúc còn sống nơi dương thế.

Từ đó, người bình dân có niềm tin cho rằng người chết ở nơi nào thì hồn người ấy vẫn luẩn quẩn nơi đó; nếu chết ở nhà thì được thân nhân cúng giỗ, được ăn được mặc; nếu chết ngoài đường thì vẫn có một hồn vất vưởng không nhà, không cơm ăn áo mặc, trở thành cô hồn, tụ họp nhau quấy phá người sống. Trong kinh doanh chẳng hạn, khi thấy buôn bán ế ẩm hoặc khi có xảy ra chuyện này chuyện khác… người bình dân nghĩ là do gặp cô hồn đòi ăn, quấy phá; để được yên ổn làm ăn, mua may bán đắt, người ta tiến hành nghi thức cúng cô hồn.

Qua khảo sát điền dã, người ta có thể thấy là trong đời sống của người dân ở miền Tây Nam Bộ, có những hình thức cúng cô hồn sau đây:

1. Cúng cô hồn hàng năm vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch

Vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm, hầu như nhà nào ở miền Tây Nam Bộ cũng cúng cô hồn với những lễ vật linh đình. Khi cúng, hầu hết người ta bày lễ vật trên mâm và đặt ngoài hè, ngoài chái, ngoài sân… chứ không đặt mâm lễ vật trong nhà. Người bình dân miệt này tin rằng khi trong nhà đã thờ tổ tiên ông bà, là những hồn ma ở địa vị chủ, thì sẽ có những hồn ma cô độc vất vưởng ngoài đường không dám vào nhà để được phối hưởng. Đồ cúng thường gồm một dĩa để chung nửa gạo nửa muối; mười hai chén cháo trắng nấu loãng hay ba vắt cơm cũng được; mười hai cục đường thẻ (loại đường thắng từ nước mía), ít đồ mã là quần áo bằng giấy, giấy tiền vàng bạc, mấy cục kẹo, ba ly nước nhỏ, ba cây nhang và hai ngọn đèn cầy nhỏ cỡ ngón tay út; nhất là không thể thiếu mấy trái bắp nấu, vài khúc mía để nguyên vỏ, bởi dân gian tin rằng cô hồn rất thích hai món ăn này.

Sau khi chuẩn bị xong, chủ tế, thường là chủ nhà hoặc người cao niên nhất trong nhà, thắp đèn cầy lên, đốt nhang rồi đứng chắp tay khấn vái một cách thành tâm. Lời khấn vái phổ biến ở Sóc Trăng chúng tôi sưu tầm được như sau:

Kính lễ mười phương Tam bảo chứng minh. Hôm nay là ngày rằm tháng Bảy năm… tôi là…, ngụ tại…

Phát lòng thành tịnh, thiết lập đạo tràng, bày tiệc cam lồ, Kỳ an gia trạch, Kỳ an bổn mạng.

Kính thỉnh:

Cô hồn xuất tại Côn Lôn/ Ở tam kì nghiệp, cô hồn vô số/ Những là mãn giả hằng hà/ Đàn ông, đàn bà, già trẻ lớn nhỏ/ Ôi! Âm linh ơi, cô hồn hỡi/ Sống đã chịu một đời phiền não/ Chết lại nhờ hớp cháo lá đa/ Thương thay cũng phận người ta/ Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu/ Đàn cúng thí vâng lời Phật dạy/ Của có chi, bát nước nén nhang/ Cũng là manh áo thoi vàng/ Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên/ Ai đến đây dưới trên ngồi lại/ Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu/ Phép thiêng biến ít thành nhiều/ Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sanh/ Phật hữu tình từ bi tế độ/ Chớ ngại rằng có có không không/ Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng/ Độ cho nhứt thiết siêu thăng thượng đài.

Xin mời tất cả về nơi đây hưởng lộc thực đầy đủ… sau nguyện xin gia đình yên ổn, thuận lợi bán buôn, dòng họ quy hướng đạo mầu, con cháu học hành tinh tiến, nguyện cầu thế giới hòa bình, nhơn sanh phước lạc.

Nam mô tát phạt đát tha nga đa, phà lồ chí đế án tam bạt ra, tam bạt ra hồng (đọc 3 lần)

Án nga nga nẵng tam bà phạt phiệt nhựt ra hồng (3 lần).
1

Cúng xong, người ta đem đồ mã đốt ngay tại chỗ, dĩa muối gạo được rải ra xa ngoài đường rộng rồi quăng đồ cúng ra đường với ngụ ý để cho cô hồn hưởng. Theo đó, trẻ con giành lấy, tục đó gọi là giựt giàn; bởi dân gian quan niệm rằng đồ cúng cô hồn thì người cúng không ăn bao giờ.

3. Cúng cô hồn hàng tháng, vào ngày mùng hai và ngày mười sáu âm lịch mỗi tháng, trừ tháng Bảy đã cúng vào ngày rằm

Thường thì chỉ những gia đình nào có làm ăn kinh doanh buôn bán sản xuất gì đó thì mới giữ đều đặn lệ cúng cô hồn hàng tháng. Lễ vật cúng cô hồn hàng tháng ít hơn và đơn sơ hơn. Ngoài ra, khi buôn bán ế ẩm hoặc trong gia đình hay xảy ra chuyện này, chuyện khác,… người ta tin rằng đó là do cô hồn quấy rối. Để được yên ổn hoặc cầu mua may bán đắt, người ta cũng cúng cô hồn vào các ngày mồng hai hoặc mười sáu âm lịch. Lời khấn vái cũng ngắn gọn hơn:

Tôi tên là…, ngụ tại… quận, … tỉnh, Việt Nam quốc. Hôm nay là ngày mùng 2 (hay 16) tháng…, năm…, chúng tôi có ít quần áo, tiền bạc gởi cho chiến sĩ trận vong, oan hồn uổng tử, các đảng ở khắp nơi đang khuất mặt khuất mày đến nhận. Sau, xin phù hộ chúng tôi được buôn may bán đắt, mọi sự được sở cầu như ý. Chúng tôi nhờ các vị mà đạt kỳ sở nguyện thì lần sau sẽ xin cúng hậu tạ.

Đây là chút lòng thành xin các vị nhận cho.2

Các nghi thức cúng và đốt vàng mã cũng tương tự. Ở một số nơi còn chuẩn bị phương tiện cúng tống là mấy con ngựa và bộ cung tên làm từ bẹ chuối,… sau khi vái van, các hình nộm này được đem đặt ở đầu đất ruộng, họ tin rằng, như vậy các “vong hồn chiến sĩ” sẽ lên đường không hãm hại, quấy phá nữa.

3. Cúng tống ôn binh

Tục này bắt đầu từ những ngày người bình dân đến vùng đất này khai hoang phục hóa. Trong hoàn cảnh muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh, bước chân ra xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma, nhiều người bỏ mình vì gió thiêng nước độc, nhiều bệnh dịch hoành hoành dữ dội cướp đi tánh mạng của biết bao sanh linh.

Bất lực trước hoàn cảnh, người bình dân tin rằng bệnh tật đó là do ma quỷ cô hồn các đảng gây ra, hoặc do những kẻ khuất mặt đùa giỡn, quở trách. Vì thế, trong nhà, trong xóm có chuyện không lành người ta tổ chức cúng tống cô hồn.

Nghi thức cúng cô hồn này thường diễn ra không kỳ định. Theo tác giả Trần Phỏng Diều thì lễ tống ôn – tống gió được tổ chức không đồng nhất giữa các địa phương. Có nơi chọn ngày 15, 16 tháng Giêng âm lịch, có nơi tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, hoặc 15 tháng 7 âm lịch, nhưng đa số chọn ngày 19 tháng Giêng âm lịch.3

Cúng tống ôn là việc của cộng đồng; do đó, trong làng hay trong xóm đồng lòng cử một vị có uy tín đừng ra sắp xếp. Nghi thức cúng có ý nghĩa là đưa tất cả những vong linh của cô hồn trong khu vực ra khỏi cộng đồng làng xóm đang có dịch bệnh. Do đó, người ta phải làm một con tàu bằng bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó có khung bằng tre trúc, xung quanh thân tàu có dán giấy màu đủ loại vừa tạo sự kín đáo vừa đẹp mắt cho ma quỷ thích. Trên tàu còn có hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo, xung quanh tàu có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dành cho những người nghèo ở cõi âm.

Tàu làm xong, người ta kê bàn vọng trước một khu đất gần bờ sông, bờ kênh dùng làm lễ đài; lễ vật cúng thường có đầu heo, gà luộc, rượu, gạo, muối, bánh, trái cây và mấy lá bùa trừ tà, … Người chủ tế thắp nhang khấn vái xong, lễ vật cúng được để vào giữa lòng tàu. Rồi mấy người hè nhau khiêng tàu thả xuống sông cho nó trôi đi với ý nghĩa đem đi theo nó mọi điều xui xẻo, dịch bệnh giữa dòng nước để nó đem theo những điều xui rủi, tai ương của xóm làng về một nơi vô định nào đó. Gà, vịt luộc, hay xôi vắt trên tàu chỉ có trẻ chăn trâu nhiều năm mới dám “kêu” tàu ghé, và lấy ăn, bởi ôn binh sợ đám mục đồng ấy, phải nghe lời chúng! Người khác phải tránh xa, hay tham ăn lấy vật cúng trên tàu sẽ bị bẻ gãy tay!

4. Có những đứa trẻ không may mắn chỉ tượng hình trong bào thai chứ không thể ra đời hoặc những đứa trẻ chết yểu

Dân gian vẫn tin rằng những sinh linh ấy vẫn có linh hồn. Chúng cũng hiện diện trong tâm thức của cha mẹ và anh chị em của chúng. Và khi chúng nhõng nhẽo quấy khóc thì người trong nhà hay sinh ra nóng nảy bực mình. Vì thế, sau 12 trưa các ngày mùng hai hoặc mười sáu hàng tháng, những nhà hữu sự thường hay cúng vong ấu nhi.

Lễ vật cúng bày trong nhà nhưng chỉ để trên cái bàn nhỏ, không được đặt trên bàn thờ. Thức cúng gồm dĩa gạo, muối, bánh ngọt thứ ngon (không phải thức dành cúng cô hồn ngon dở gì cũng được), ít cục kẹo, ba ly nước, đồ vàng mã gồm: một bộ quần áo của trẻ nhỏ, cặp, sách, viết, ít tiền, vàng bạc, … nhang, đèn cầy.

Đốt đèn, nhang chủ nhà đứng cầm nhang, chấp tay khấn: Hôm nay là ngày… tháng… năm…, con tên là…, … tuổi, ngụ tại … quận, … tỉnh, Việt Nam quốc, kính xin Thổ Công, Thần Tài, Thổ Địa, cho phép con cúng lễ cho ấu nhi hữu danh vô vị, hữu vị vô danh. Cha (hoặc mẹ) mời ấu nhi cậu trạng (hay đồng cô) về đây hưởng lễ cha (mẹ) cúng, gồm các bánh kẹo, quần áo bạc tiền, sách vở, … Ấu nhi hãy thọ nhận rồi theo Phật pháp mà tu học, độ trì cho cả nhà ta vạn sự may mắn tốt lành, tài lộc dồi dào,… Ấu nhi hãy vui vẻ thông cảm cho cha mẹ vì hoàn cảnh thế gian mà không thể bảo vệ cho con được, từ đây, biết có con cha mẹ sẽ lo cho con.4

Khi nhang cháy chừng hai phần thì đốt vàng mã, rải gạo, muối ra đường. Phần bánh kẹo thì không bỏ mà đem chia nhau cả nhà ăn để có lộc cậu (cô).

5. Vào ngày giỗ của ông bà cha mẹ

Trong lúc cúng cơm mời thỉnh người thân đã khuất về thọ hưởng, dân gian ở miền Tây Nam Bộ cũng luôn nhớ đến vong linh những người quá cố không may thiếu người cúng giỗ đã trở thành những cô hồn đang vất vưởng làm kiếp ma đói. Vì thế, bên cạnh mâm cơm cúng ông bà, phần lớn các gia đình ở miền Tây Nam Bộ đều bày thêm một mâm cơm cúng cô hồn. Mâm cúng này cũng được dọn ra trước hàng ba, ngoài sân, bên hè chái, … Đồ cúng trong mâm cũng đơn giản hơn mâm cúng chính đặt trên bàn thờ tổ tiên hoặc trong gian nhà giữa. Trong mâm cúng cô hồn này thường có tô canh khổ qua dồn thịt, lòng heo, gà xào khóm, dĩa thịt kho và năm ba, chén cơm, …

6. Và cuối cùng là nghi thức Beân Pchum bôn – Lễ đặt cơm vắt của người Khơ-me

Trong khuôn viên chùa Khơ-me nào cũng có nhiều ngọn tháp nhọn, cao dùng để đựng hài cốt của người quá cố. Mỗi năm từ 16 đến 30 tháng Asath (tháng Tám âm lịch), các Phật tử cùng nhau lên chùa làm lễ Pchum Ben để tạo phước cho linh hồn người quá cố. Theo ngôn ngữ Khơ-me, Pchum có nghĩa là một cuộc gặp gỡ và Ben là quả cầu làm bằng thứ gì đó như cơm hay thịt.

Các vị Achar phân công cho từng nhà thay phiên nhau đem gạo, thực phẩm, nhang đèn, tiền bạc,… về chùa để tổ chức nấu nướng và cúng lễ. Trong nhiều mâm cơm, có một mâm, cơm được vắt thành từng viên tròn bằng trái cam, người Khơ-me gọi là bay ben, là cơm vắt, là cơm dâng cho người đã khuất. Bay Ben được đặt trong mâm cùng với bánh trái, thức ăn, thức uống đem lên chùa cúng Tam bảo. Trong dịp lễ, các sư sãi tụng kinh nhằm cầu phước cho linh hồn những người quá cố. Sau đó đem cơm vắt ra ngoài cúng cho ma quỷ.

Tóm lại, bằng nhiều hình thức khác nhau trong tín ngưỡng dân gian của người đồng bằng sông nước Cửu Long, cô hồn vẫn tồn tại. Người ta sẵn lòng chia sẻ chén cơm, ly nước với mong muốn ở thế giới bên kia, cô hồn, những kẻ gặp bất hạnh lúc lâm chung, đỡ phần lạnh lẽo, đói khát. Nếu không có những sự bày vẽ mang tính phô trương và không bị tác động bởi những hành vi mê tín thái quá, tục cúng cô hồn của người miền Tây Nam Bộ vẫn mang tính nhân bản, thể hiện sự quan tâm của người hiện tiền đối với những người khuất mày khuất mặt.■ „

Nguồn : văn hóa phật giáo


Message edited by LSK - Thứ Sáu, 20 Nov 2015, 3:19 PM
 
atoanmt Date: Thứ Sáu, 20 Nov 2015, 9:36 PM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng



AToanMT
 
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN HUYỀN HỌC » Cô hồn dân gian
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO