Thứ Ba
23 Apr 2024
4:19 AM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Forum moderator: Nam  
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN HUYỀN HỌC » Cúng kỳ yên
Cúng kỳ yên
LSK Date: Thứ Sáu, 18 May 2012, 0:55 AM | Message # 1
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Cúng kỳ yên
TG : Nguyễn văn Sáng




Lệ cúng kỳ yên

Lễ cúng kỳ yên là lễ cúng vị thần làng. Mỗi làng đều có một vị thần riêng. Đó là một vị có công với đất nước, khi sống được vua ban quan tước, hưởng bổng lộc triều đình, chết đi rồi được vua sắc phong làm thần một làng nào đó để phù hộ dân làng và được hưởng phần cúng tế hằng năm của dân làng. Ngày cúng kỳ yên cũng tùy từng nơi. Đó có thể là ngày sinh, ngày tử của vị thần, hay là ngày vị thần được sắc phong.

Vị thần làng được thờ cúng tại đình làng, thường có một ông từ chăm sóc, ngày đêm nhang đèn. Đình làng cũng là nơi để dân làng họp lại để bàn bạc chuyện đặc biệt liên hệ tới làng, hay lắm khi để mừng vị tân khoa trong làng "vinh qui bái tổ". Đình thường được xây cất theo lối xưa, có mái cong. Bên trong đình, có nơi, cột được sơn son phết vàng, chạm rồng chạm phượng. Có nơi, đình được xây cất ở ngay nơi cổng vào làng nên thường ngày ai cũng có dịp đi qua đó. Bởi vậy cho nên mới có câu:

Qua đình ngã nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, anh thương mình bấy nhiêu


Đình làng là một cái gì đó rất đặc trưng của làng, của dân ta!

Tỉnh Bà Rịa, quê tôi ngoài những làng xã khác, đặc biệt có 9 nơi có tên khởi đầu bằng chữ Long (như: Long Điền, Long Tân, Long Xuyên, Long Kiên, Long Hải, Long Lễ, Long Hòa, Long Lâm (?)) và 10 nơi có tên khởi đầu bằng chữ Phước (như: Phước Lễ, Phước Bửu, Phước Triêm, Phước Thọ, Phước Hải, Phước Tỉnh, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Phước Lợi, Phước Hòa) nên được gọi là xứ "Cửu Long Thập Phước". Làng tôi ở là làng Phước Lễ. Vị thần làng là tướng Châu Văn Tiếp.

Ông Châu Văn Tiếp là người huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định, sau về ở Phú Yên, huyện Đồng Xuân. Ông rất tinh thông võ nghệ, lập được nhiều chiến công giúp vua Gia Long. Ông làm quan đến chức Tả Quân Chưởng Phủ Sự, tước Lâm Thao Quận Công. Ông và Lê Văn Duyệt được vua Gia Long xem là cánh tay mặt và cánh tay trái của mình. Trong lúc vua Gia Long bôn tẩu nơi Phú Quốc, tại Lương Sơn, ông chiêu mộ binh mã rồi kéo vào Gia Định để tiếp viện cho nhà vua. Để có đủ binh mã chiến đấu với Tây Sơn, ông đã sang Xiêm để cầu viện binh. Trong trận thủy chiến tại Mân Thít với tướng Tây Sơn Chương Bảo, vì ham chiến, ông đã nhảy qua thuyền địch, bị Trương Văn Ba đâm lén, thương tích nặng rồi mất. Ông được liệt vào hàng "khai quốc công thần" của triều Nguyễn.

Đình làng Phước Lễ nằm cạnh chợ mới. Sở dĩ được gọi là chợ mới vì trước kia, làng Phước Lễ đã có một ngôi chợ, có nhà "lồng" đàng hoàng, nằm cạnh sông Dinh, con sông nhỏ chảy ngang Bà Rịa. Rồi năm đó, do chạm dây điện (?), chợ cháy, chánh quyền sẵn dịp cho xây cất ngôi chợ mới nằm cạnh xa lộ từ Sài Gòn đi Vũng Tàu. Ngôi chợ mới này do cao hơn, đã che khuất nên người xa đến ít có dịp thấy được ngôi đình làng, mà theo ngày tháng đã càng lúc càng "rêu phong".

Kỳ yên ở làng tôi

Làng tôi cúng kỳ yên vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch, mà thiệt dở quá, tôi không nhớ rõ được vào ngày nào. Lúc đó mùa màng đã xong, dân làng thoải mái tham gia, không còn bận bịu với chuyện ruộng nương. Vả lại, lúa má xong rồi, dân cũng có tiền để đóng góp với làng xã. Cứ cách ngày cúng khoảng một tháng, làng cử người đến nhà bà con kêu gọi đóng góp. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu, phần còn lại làng sẽ trích tiền ruộng của làng ra để lo cho chu đáo buổi lễ cúng thần làng.

Làng có một số ruộng, cho dân làng mướn để canh tác, hằng năm đong lúa cho làng. Năm nào trúng mùa, dân làng đong lúa đúng theo giao kèo, làng có khá tiền, cọng thêm phần đóng góp của dân làng, lễ cúng năm đó sum suê. Năm nào thất mùa, dân làng đong lúa thiếu, làng trông cậy vào phần đóng góp của dân. Gặp dân năm đó cũng nghèo, đóng góp không được bao nhiêu, làng phải đi vay mượn của những người giàu có.

Lễ vật ngoài phần trái cây đơm đầy ắp các mâm trên các bàn thờ, tôi "mê" nhất là 2 mâm xôi và 2 mâm heo quay. Hai con heo quay bự, da đỏ bóng, thơm phưng phức. Hai con heo này, làng mua heo con rồi gởi cho ai đó "thí công" nuôi dùm mấy tháng trước khi cúng. Nuôi đặc biệt, cho ăn đặc biệt nên con heo mập tròn. Phần quay thì làng thay phiên nhờ 1 trong 2 "tay" chuyên môn quay heo có tiếng: ông Bảy Lu và ông Chín Xíu.

Còn xôi cũng không kém phần rườm rà, rắc rối, nói lên lòng thành kính và cũng có sợ hải trong đó, đối với vị thần làng. Các bà phụ trách, mua loại nếp ngon, thường là đặt cấy riêng, đem về ngồi lựa bỏ ra từng gạt gạo, hạt thóc lộn vô. Nước dùng để nấu xôi là nước biển lấy từ Long Hải về. Làng mướn xe ngựa ra Long Hải chở từng lu nhỏ nước biển, đem về đổ vô lu lớn để lâu ngày lắng xuống. Rồi "chiết" nước trong từ lu này qua lu khác cả chục lần cho đến khi nào được nước thật là trong, sạch. Nước này được dùng để nấu xôi cúng thần, cho nên ăn xôi vào thấy măn mẳn, ngon thiệt là ngon. Cả tuần trước ngày cúng thần, để đảm nhận công tác nấu xôi, các bà phải ăn chay và ..."chay tịnh."

Đình làng Phước Lễ là một ngôi nhà, tường bằng đá núi, lợp ngói, dài khoảng gần 100 thước tây. Phần trong cùng là nơi để bàn thờ thần. Trên bàn thờ có sắc vua phong, có dấu ấn, để trong khung kiến lớn. Bên dưới có áo mão của thần đã dùng khi còn sống. Phần này có vẻ hơi vắng vẻ, âm u, vì ít có ai được lui tới. Đi trở ra cũng là phần để thờ cúng. Phần này khá rộng, có 3 gian. Gian giữa có bàn thờ lớn, có bức họa chân dung của thần, mặc phẩm phục triều đình, trông rất oai nghiêm. Ngày cúng, trước bàn thờ này có để 2 mâm xôi, 2 mâm heo quay, cũng có những mâm trái cây và các món ăn khác nhưng 2 mâm xôi và heo quay là lôi cuốn nhất. Hai bên bàn thờ thần, có 2 bàn thờ khác nhỏ hơn, nghe nói đây là 2 danh tướng phò tá thần ngày xưa. Hai bàn thờ này cũng có nhang khói, bánh trái, thức ăn. Trong phần này có treo nhiều cờ phướng. Có 2 khung gỗ để 2 bên trước bàn thờ thần, trên đó có treo các thứ binh khí thời xưa, có lẻ đó những món binh khí xưa kia thần quen dùng hay sở trường. Trong phần thứ hai này là nơi diễn ra các nghi lễ cúng bái. Phần cuối cùng bên ngoài cũng khá rộng, có một sân khấu để "hát cúng đình", thường là hát bội. Sân khấu chỉ là một bục bằng xi măng khá rộng, khi hát chỉ có treo một ít màn phía trong để làm "phông", do đó khán giả ngồi xung quanh sân khấu có thể xem được từ 3 phía.

Ngày cúng kỳ yên đúng là một ngày hội ở làng tôi. Không những chỉ có dân làng tụ tập thôi mà dân các làng khác gần đó cũng đến chơi. Xung quanh đình, người ta bán buôn đông đảo, phần nhiều là các hàng bán thức ăn, đủ thứ: hủ tiếu mì, chuối nướng, nước đá, nước ngọt, cháo gà, bánh canh, chả giò, bì bún bì cuốn... Cũng có các người bán nhang đèn. Ai nấy, áo quần tốt tươi, tới chen chúc nhau để xem cúng đình.

Các vị chức sắc trong làng thì khỏi nói, ăn mặc rất chỉnh tề, trang nghiêm. Ông nào cũng mặc áo dài, đầu đội khăn đống. Các vị tham gia cuộc cúng thì mặc áo dài thụng xanh, bông to, tay áo rộng thùng thình, đầu đội một thứ mão hơi cao, coi thiệt là vui mắt. Tôi nhờ còn nhỏ, chui bên dưới chân người ta nên lọt được vào bên trong. Không biết cuộc lễ đã bắt đầu từ bao giờ, khi tôi "vào" đến nơi thì thấy các vị đó đứng trang nghiêm, hai tay cầm mấy cây nhang, để cao ngang trán. Rồi các vị đó đi tới, đi lui. Mỗi lần đi thì dở chân cao lên tới gối rồi mới bỏ tới trước hay bỏ lui. Rồi ngồi xuống, sụp lạy...

Nhưng cái "đinh" của lễ cúng kỳ yên chính là phần hát bội (theo tôi). Cúng bái xong, các vị ngồi vào bàn tiệc. Bánh trái được chia ra đem tới các bàn. Xôi cũng được chia ra từng dĩa nhỏ. Heo thì phải do bàn tay chuyên môn của ông Bảy Lu hay ông Chín Xíu chia ra rồi cũng được đem đến các bàn cho các vị chức sắc. Bà Ba Kỷ, bạn của bà ngoại tôi cũng là một bà "chức sắc", lo phần ăn uống, thấy tôi, bà ngoắc lại đưa cho một gói xôi với một mớ heo quay, gói trong lá chuối. Mừng quá, tôi ôm chặt vô ngực, rút lui trở ra để "dự" phần hát bội. Cũng nhờ còn nhỏ, nhỏ con, tôi chui một hồi là tới sát bên sân khấu, đứng đó, cô đào có mấy mụt ruồi tôi thấy đủ hết.

Phần mặt tiền của sân khấu là phần dành cho các "vị". Các ông vừa ngồi ăn, vừa coi hát. Bên cạnh chỗ các ông ngồi có để một cái trống chầu. "Cầm chầu" là một việc khá quan trọng. Người cầm chầu phải là người am tường nghệ thuật hát bội: điệu bộ, giọng ca... Khi nghệ sĩ đang hát tuồng trên sân khấu, chỗ nào hay, người cầm chầu sẽ đánh trống để khen. Đánh một tiếng: được; hai tiếng: khá; ba tiếng: hay. Còn hay nhiều thì ông đánh liên hồi, đứng gần nghe tức cái ngực. Nghệ sĩ xuất hiện ra sân khấu ca diễn mà không nghe một tiếng trống nào thì rồi rồi: bị chê. Còn ca diễn mà trống vang inh ỏi thì cũng nên mừng thầm trong bụng, vì thứ nhứt là được khen, thứ hai là sẽ được thưởng. Tiền thuởng sẽ được cột vào một cái quạt, quăng lên sân khấu, một "tay con" cũng ăn mặc hát tuồng, nhưng mặc đồ quân, sẽ bò ra để lượm mấy cái quạt đó, đem vô hậu trường, xong rồi bò trở ra đưa trải lại quạt "không" cho khán giả. Cầm chầu cũng tùy người, có người dễ tánh, dễ dàng xí xóa, thỉnh thoảng thấy được, nện cho một "chầu" khen; gặp vị khó tánh, ngồi nghiêm nghị, tai thì lắng nghe, mắt thì nheo nheo quan sát điệu bộ của người nghệ sĩ, tay trái vịn vô thành trống, tay phải cầm dùi trống để tựa lên mặt trống, cứ ngồi im lìm cả tiếng đồng hồ, rồi nghĩ sao đó, nhấc tay lên gõ nhẹ một tiếng! Gặp những "vị" này, đào kép hát cũng "quíu tay quíu chân"...

Kỳ yên năm đó

* Năm đó, ba năm liền nắng hạn, thất mùa. Khô hạn làm lúa cháy, hạt lúa lép xẹp. Chỉ một ít phần ruộng gần sông Hàn còn khá khá, phần lớn còn lại, dân rầu thúi ruột. Làng cũng rầu không ít. Dân làng không đong lúa đủ, cũng phải châm chước cho họ là vì hạn do Trời chớ ai mà muốn. Mà không lúa thì không tiền, tiền đâu có đủ để mà lo cúng thần theo lệ hằng năm. Làng họp tới họp lui cũng không tìm ra được câu giải đáp. Cuối cùng, các vị hương chức trong làng đồng ý giải pháp là đi vay, vay chỗ nào chịu lời ít cho đở. Người có lòng cho "mượn không lấy lời" thì không có nhiều tiền. Còn người có tiền thì không có lòng, ai "đành" cho mượn không. Mà cho làng mượn để lo lễ cúng thần làng mà lấy lời thì lại cũng không dám, cho nên hay nhất là nếu làng tới hỏi mượn, cách hay nhất là phải than khó khăn, không có dư.

Bà Mười Út ở bên làng Long Hương thì nhiều người nhớ đến, bởi bà có nhiều tiền, hơn nữa bà chuyên môn cho vay. Nhiều người là thân chủ hay nói trắng ra là con nợ của bà. Bà thuộc loại cho vay "cắt cổ". Bao nhiêu bà cũng có khả năng cho vay hết. Nhưng ai mà đem đồ đến cầm thì bà thích hơn, vì bà nắm phần chắc. Bà ăn nói "một một hai hai", dứt khoát: hai chục phân là hai chục phân, không bớt. Không muốn cho vay nữa, bà nói hết tiền là "hết tiền", đừng hòng năn nỉ thêm mất công.

Để kiếm thêm tiền lo cho lễ cúng ký yên năm nay, ông Cả Bảy được giao phần đi vay tiền bà Mười Út. Ông Cả Bảy là người rất có uy tín, được rất nhiều người kính nể, bởi phong cách và "tài nghệ" của ông. Ông là thầy thuốc, thuốc Bắc và cả thuốc Nam. Ông rất "mát tay", trị được bệnh cho nhiều người. Ông còn là thầy võ, nghề của ông cao lắm. Tướng ông ốm ốm, cao cao, dong dải người. Mấy "ông lớn" thường tới năn nỉ ông dạy dùm con họ. Ông còn là thầy bùa, thầy ngải, bởi vậy ông "tuyệt tự", hai ông bà không có người con nào hết. Do tài nghệ và tánh hay giúp đời, ông được nhiều người quí mến!

Lãnh nhiệm vụ, ông đi đến nhà bà Mười Út. Ông vừa đến cửa thì người "ở" nhà bà Mười ra chào và nói liền là bà không có ở nhà. Làm như không nghe, ông đi tuốt vô nhà, lại bộ ghế giữa nhà, kéo ghế ngồi. Đứa ở lập lại là bà chủ không có ở nhà, ông liền nói tỉnh bơ: "Vô nói bà Mười ra nói chuyện chơi, bả đang mặc áo bông xanh bông đỏ nằm trên võng đằng sau nhà chớ đi đâu!" Đứa ở thấy ông nói trúng ngay phóc, bèn đi vô trong nhà kêu bà chủ. Bà đi ra, thấy mặt ông Cả Bảy liền vả lả: "Chào ông Cả! Bị tôi nhức đầu quá, nằm nghỉ ở đằng sau, có dặn sắp nhỏ là hễ ai tới thì nói là tôi không có ở nhà đặng tôi nằm nghỉ một chút, đâu có biết là ông Cả tới!" Rồi bà kêu rót nước, nói chuyện vui vẻ. Sau khi nói chuyện trời trăng mây gió, ông liền đề cập tới nhiệm vụ của ông. Nghe đến vụ mượn tiền cúng đình, bà liền dảy nảy: "Lúc này tôi kẹt quá ông Cả ơi! Mấy người mượn tiền họ chưa chịu trả nên tôi không còn tiền trong nhà, chớ có tôi cũng đưa cho ông Cả chớ, ngặt là không có". Thôi thì không có thì thôi, bà đã nói vậy rồi thì biết làm sao bây giờ! Ông Cả đứng lên chào từ giả: "Tiếc quá, chị không giúp được cho làng lần nầy thì thôi, không ép gì chị, chớ còn hai ngàn ba trăm bốn mươi sáu đồng chị để trong tủ, trong hộp bánh "bít qui" đó..." Ông nói bỏ lửng rồi ra về. Bà Mười Út nhìn theo vừa ngạc nhiên vừa tức giận, không biết làm sao mà ổng biết được đúng ngay phóc số tiền trong tủ của mình: "Thằng cha già dịch!".

* Năm đó, như mọi năm, làng cũng cúng kỳ yên. Nhờ mấy năm liền trúng mùa lúa, tiền quỷ làng dồi dào nên năm nào cũng cúng lớn, mấy mâm xôi to bóng mượt, mấy con heo quay mập tròn, thơm phức. Làng cũng mời được gánh hát bội trên Biên Hòa xuống, nghe đâu gánh này danh tiếng lắm. Đình được sửa sang lại, sơn phết tốt tươi. Trúng mùa, có tiền, ai cũng mong đến ngày hội để được vui chơi. Nhà tôi cũng có chuyện mừng vì cậu bảy Hạnh, người thân tín trong gia đình và cậu bảy Mới, người em họ xa của má tôi được làng chọn, cho khiêng lễ vật cúng thần. Tất cả tám người, bốn khiêng hai mâm xôi, bốn khiêng hai con heo quay. Cậu bảy tôi, nhỏ con được sắp với một người cũng nhỏ thó để khiêng xôi. Còn cậu bảy Mới, cao, được sắp khiêng heo quay, đi phía sau mâm xôi. Đêm đó, tôi nghe mấy cậu bàn chuyện khiêng ngày mai: khiêng xong được lãnh mỗi người hai đồng, còn được mỗi người một gói xôi và một miếng heo quay. Tôi nhớ cậu bảy Hạnh nói: "Mai cậu bảy khiêng về, cậu bảy cho con ăn heo quay với xôi, ngon lắm. Cậu bảy lấy một miếng nhỏ thôi, cậu bảy nhậu rượu".

Sáng sớm thức dậy, dằn bụng ba hột cơm cho có sức, cậu bảy Mới hí hửng khoe: "Bữa nay dìa là tui có hai đồng. Kệ, rán khiêng nặng một chút mà có tiền mà lại có heo quay ăn, mấy đời mình được ăn heo quay!" Gần tới giờ hành lễ, đoàn lễ vật cúng thần lên đường, từ nhà ông Hương Quản Lình đi đến đình. Dẫn đầu đoàn có mấy ông hương chức, mặc áo dài khăn đống, có hai người cầm cờ đi hai bên, rồi tới hai mâm xôi; đi tiếp theo hai mâm xôi là hai mâm heo quay. Hai bên bờ ruộng thì có con nít chạy theo coi. Đi phía sau cũng có mấy ông, và mấy bà nữa. Mâm xôi, mâm heo quay gì cũng đều nặng hết, bốn cái mâm nhún lên nhún xuống theo nhịp bước của mấy người khiêng. Càng đi, mâm càng nhún; càng nhún, mâm càng nặng thêm. Càng lúc mâm càng lắc lư. Đến một khúc quẹo, con heo quay to, nặng chập chờn lên xuống, đảo qua đảo lại rồi lôi luôn cậu bảy Mới và người bạn khiêng, hai người ốm gầy ngả nhào xuống ruộng! Con heo lăn tròn dưới ruộng. Mấy đứa con nít chạy theo hai bên vỗ tay cười. Mấy ông làng hoảng hốt, tức giận, la hét, mắng chửi. Ông Quản Lình cầm cây đập hai người khiêng heo. Cậu bảy Mới vội đứng dậy, chạy né tránh đòn, chạy luôn về nhà, sợ quá, bỏ xứ trốn biệt!...

Ông thần Phước Lễ

Năm đó, một đêm, Việt Minh tấn công đồn Tây. Việt Minh núp quanh quẩn đâu đó sau mấy nhà dân, bắn vô đồn Tây. Lính Tây bắn ào ra, bắn đại vô nhà dân. Thường thì Tây không chết, Việt Minh không chết, chỉ có nhà dân bị hư hại, thỉnh thoảng có người chui xuống hầm không kịp, trúng đạn bị thương... Đêm đó, núp dưới hầm nhiều người thấy rực sáng. Ban đầu ai cũng tưởng là "trái sáng", mà không phải vì ánh sáng này khác, nó là ánh lửa. Ai cũng thầm nghĩ: chắc là ai trúng đạn lửa nên cháy. Nhìn hướng thì đúng là hướng đình. Không nghe la, thôi rồi, chắc là đình cháy. Thôi chết rồi, đúng rồi, đình cháy. Làm sao mà chữa, đêm hôm mà đi ra đường Tây nó bắn chết huống chi là bây giờ đang có bắn qua bắn lại, ai mà dám đi tiếp cứu. Ai cũng mong mau sáng để xem cớ sự. Sáng ra, dân đổ xô đi tới đình. Đúng: đêm qua, lợi dụng bắn nhau, Việt Minh cho người vô đốt đình. Đình cháy gần hết, rui mè cờ phướng bàn ghế áo mão sắc phong cháy rụi hết, chỉ còn trơ lại tường bằng đá và sân khấu bằng xi măng!

Sau đó, do vị trí của đình gần rừng sát, Việt Minh dễ về, Tây không cho sửa đình lại. Làng đành che đỡ phần thờ thần và làm lại một mão giả và đôi giày giả để thờ. Trong những năm 60, dưới thời Ngô Đình Diệm, bình yên, làng mới tính việc cho xây lại đình. Do sự hiểu biết sâu rộng, làng quyết định nhờ giáo sư Hồ Đắc Thăng đứng ra coi sóc việc xây cất. Ông đã nhờ người bạn là kiến trúc sư vẽ kiểu, xong rồi kêu "thầu". Người trúng thầu ở Sài Gòn. Ông này lảnh nhiều mối nên thỉnh thoảng mới ghé qua. Công việc do một người cai trông coi thợ làm. Tối đến, thợ ngủ lại trong một cái nhà nhỏ, dựng tạm để cất xi măng, gạch sắt và để giữ chừng đồ đạc luôn. Đêm đó, nửa đêm, ai nấy đang say ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc bổng dưng các người thợ đều đột nhiên thức giấc. Năm sáu người thợ đều ngồi nhổm dậy, vì họ nghe có tiếng chân đi. Mà lạ lắm, tiếng bước đi chậm rải, đi từng bước từng bước, nghe bịch bịch như có ý dậm mạnh trên nền đất. Ai cũng nghe rõ ràng. Ăn trộm? Không thể được vì ăn trộm gì mà đi náo động như vậy, mà lại không vội vàng nhanh nhẩu. Một người chồm đầu ra cửa để coi thử. Anh ta hoảng hồn, khều mấy người kia coi. Mọi người đều thấy: có một người, ăn mặc theo lối quan đời xưa, như thấy trong các sách sử, đầu có đội mão, chân mang đôi giày "hia" to, rộng. "Vị quan này", một tay để sau lưng, tay kia để trước ngực, đi đến từng cây cột, khom mình xuống nhìn từng chân cột, nhìn xong ở cột này rồi đi đến cột khác. Mấy người thợ, sợ quá, tay chân cứng đờ không biết phải làm sao. Nhìn lại thì "vị quan" kia biến đâu mất...

Cũng đêm đó, giáo sư Hồ Đắc Thăng đang ngủ trên giường thì trong giấc mơ, ông thấy một vị quan, áo mão cân đai, hiện ra đứng ở đầu giường, lay chân đánh thức ông. Ông mở choàng mắt ra, nhìn thấy vị quan. Vị quan nhìn ông với cặp mắt đây giận dữ, yên lặng nhìn một hồi lâu rồi vị quan mới chậm rãi nói: "Nó xây cất nhà cho ta mà nó...". Vị quan nói gì nữa, giáo sư nghe không rõ, ông nheo mắt nhìn cho kỹ thì vị quan kia đã biến mất. Sực tỉnh lại thì giáo sư Thăng thấy rõ ràng là mình đang thức, đang tỉnh, mắt đang mở...

Và cũng đêm đó, tại Sài Gòn, nhà thầu khoán kia cũng trong giấc mơ đã thấy một vị quan xưa đánh thức mình. Vị quan nhìn ông, cặp mắt như rực lửa, không nói gì, nhìn một hồi rồi vị quan lấy tay chỉ thẳng vào ông. Sáng ngày, mặt trời đã lên cao, ai nấy trong nhà đã thức dậy mà sao ông thầu khoán vẫn còn ngủ mê. Vợ ông vào đánh thức ông dậy để lo đi làm. Kêu cách gì ông cũng không thức dậy, sờ tới người thì cảm thấy có một cái gì xa lạ, người ông như lạnh ngắt, đầu ông thì nóng ran, gương mặt thì có vẻ xanh xao như người..., vợ ông không dám nghĩ tới!

Ngày hôm sau, giáo sư Hồ Đắc Thăng cho người đi Sài Gòn mời ông thầu khoán xuống, mới hay cớ sự là ông thầu khoán đang mê man. Sinh nghi, giáo sư vội đi đến đình, tới trước bàn thờ thần (còn đang để tạm trong một gian nhà nhỏ), ông đốt nhang khấn vái. Đêm đó ông lại nằm mơ thấy vị quan kia, vị quan cho biết rằng tên thầu khoán đã có gian lận trong việc xây cất đình! Giáo sư vội lạy vị quan để xin lỗi và hứa sẽ lo sữa đổi lại. Vị quan gật gù rồi biến mất. Ông lại cho người đi Sài Gòn kêu người nhà của ông thầu khoán. Vợ ông thầu khoán vội vã lên đường đi Bà Rịa. Đến nơi, nghe theo lời của giáo sư Hồ Đắc Thăng, bà vợ đi ngay đến đình để tạ lỗi cho chồng. Sau đó bà trở về Sài Gòn, về đến nhà thì ông thầu khoán đã tỉnh lại, tính ra ông đã nằm mê man gần ba ngày. Nghe kể mọi chuyện, ông lên đường ngay lập tức đi Bà Rịa, đến cúng vái thần. Sau đó, ông đã cho hạ tất cả các cột đã dựng lên và cho làm lại tất cả. Và rồi đình đã được xây cất lại tốt đẹp, tốt đẹp hơn như giao kèo đã ký kết với nhà thầu...



Vị trí này xưa kia

Ngày nay, đứng trước cổng đình nhìn ra là chợ Bà Rịa. Ngày xưa, ngay vị trí của chợ này là một miếng đất rộng, không được bằng phẳng, nhìn ra xung quanh thì toàn là rừng sát. Mà rừng sát thì có cọp. Thuở xưa hoang vắng, cọp thỉnh thoảng về phá xóm làng. Hồi đó, cách đã khá lâu, năm đó, cọp về làng Phước Lễ. Đêm nào cũng có nhà bị cọp bắt mất đi heo, gà, rồi lần tới bò. Dân làng lo sợ quá mức. Trời vừa ngả chiều là nhà nào nhà nấy lo cửa đóng then cài. Ai cũng lo làm chặt thêm cửa cho chắc chắn. Đêm nằm thao thức, đâu có dám ngủ yên. Nửa đêm mà nghe tiếng "cà ụm, cà ụm" là người nào người nấy nín thở hết. Bắt lần hồi hết heo bò rồi cọp bắt tới người! Đang đêm nghe nhà ai có tiếng la thất thanh thì biết là nhà đó có người bị cọp về bắt. Ai đâu dám tiếp cứu? Theo ngày tháng, số người bị cọp bắt lên đến gần ba chục người. Có người đã bỏ làng đi nơi khác để lánh nạn...

Cũng thời may, có gia đình có con bị cọp bắt ăn thịt, ngày nào cũng cúng vái con. Hôm đó, người con về "nhập" vào người anh mới báo cho biết: "Ông" đi ngang qua làng, không ai tiếp đón mà còn dám ngăn chận, nên "ông" giận, "ông" bắt cho biết! Người con cũng cho biết là hiện giờ mình đang đi "hầu" ông, đông đảo người đi theo hầu "ông" lắm. Cả nhà lạy lục nhờ con xin tha cho làng thì người con nói là muốn "ông" hết giận thì ngày ... giờ ..., làng phải cúng cho "ông" một con bò tơ mộng, nhớ phải có tờ sớ tạ lỗi. Sáng ra, cha mẹ đem trình làng. Làng lo ngay lập tức. Lập tức cử người đi mua cho được con bò tơ mộng. Rồi làng cũng lo tìm thầy đồ (các ông thầy dạy chữ Nho) để nhờ viết lá sớ tạ lỗi. Từ hôm người con về "báo" cho đến ngày làng "dâng lễ vật", yên. Đêm đêm cọp không về bắt nữa, nhưng có mấy đêm sáng trăng, "ông" cũng có về chơi! Nhờ bẵng đi một dạo không xảy ra vụ "bắt" nữa, dân làng cũng bớt sợ, nên đêm đó tuy nghe tiếng "ông" gầm to, có người "dạn dĩ" đã dám đứng trong nhà nhìn lén ra, mới thấy: "ông" có có ba chân thôi, "ông" đi cà thọt, "ông" chậm rãi đi qua làng, xung quanh "ông" có đến bảy tám chục người đi theo "hầu" hai bên, trong số đó có nhiều người trong làng!

Đến ngày như "ông" hẹn, làng cho lập một lễ đài bằng cây ở miếng đất trống nhìn vào cổng đình. Trên lễ đài có một bàn thờ, cũng có nhang đèn, có bông hoa. Giữa bàn thờ có một tờ sớ viết bằng chữ Nho to tướng. Bên dưới lễ đài có trồng một cây trụ to, ở đó làng cho cột một con bò mộng, lễ vật "ông" đòi. Tới giờ, mặt trời đã lên cao, từ trong rừng sát "ông" về. "Ông" đi chậm chạp, thỉnh thoảng dừng lại quay đầu ngó bên nây bên kia, rồi tiếp tục đi. Đến trước lễ đài, "ông" ngồi xuống, quay mặt về phía đình. Từ trong những nhà gần đó nhìn ra, người ta mới thấy rõ: "ông" có ba chân rưởi, chân sau bên trái bị cụt gần tới "gối". Ngồi một hồi khá lâu, "ông" chậm chạp leo lên lễ đài, "ông" đưa một "tay" nắm lấy tờ sớ rồi quay xuống chỗ con bò, "ông" gầm một tiếng to rồi đưa "tay" còn lại túm lấy con bò, xong "ông" phóng cà chọt cà chọt về phía rừng sát. Từ đó làng yên. Dân mới dám đi làm ruộng, làm rẫy hay làm rừng.

Nhưng rồi cũng liên tiếp mấy năm, cả một vùng lớn bị hạn, đồng cỏ không có, bò nuôi không được tốt. Năm đầu, làng đã phải cho người đi xa kiếm bò mua về để cúng "ông", ngặt năm đó, không làm sao tìm mua cho được một con bò cho vừa ý. Đến ngày, làng cũng phải lo cúng như hằng năm. Đến giờ, "ông" cũng về từ rừng sát, cũng lên lễ đài nhận tờ sớ, nhưng khi đi xuống chỗ con bò, "ông" gầm một tiếng rồi đưa tay bóp cổ chết con bò, "ông" không nhận, rồi "ông" dùng miệng xé rách tờ sớ, xong gầm giận thêm mấy tiếng rồi phóng nhanh về rừng sát. Dân làng hoảng hồn, thì thật vậy, đêm đó, ông về bắt một hơi bốn người, rồi đêm sau thêm ba người, rồi cứ tiếp tục. Làng lại trở nên hoang vắng. Ai cũng ngại ra đường. Chợ búa vắng tanh. Trụ sở làng không ai lui tới, mấy ông làng thấp thỏm lo sợ đi tới làng làm việc.

Sáng hôm đó, hai thầy trò đến làng. Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng thời gian này là hai thầy trò từ trên núi đi xuống làng. Thầy là một vị sư độ lục tuần nhưng trông người còn khỏe mạnh và tươi trẻ lắm. Trò là một chú tiểu độ 14, 15 tuổi. Có năm, họ đi một thầy với ba hay bốn trò. Hai thầy trò mặc áo màu chàm, gánh mỗi người một gánh, trong đó có đựng thuốc được chế từ các loại cây cỏ trên núi. Cứ mỗi lần đến làng, thầy trò bày thuốc ra bán, bán chưa hết, đến xin ngủ tạm ở nhà làng cho đến khi bán hết thuốc thì thầy trò mới mua ít đồ dùng cần thiết rồi trở về núi. Mà lần nầy, chợ xá vắng tanh như thế nầy thì biết bán cho ai?! Sau khi biết qua cớ sự, hai thầy trò đi vô nhà làng để gặp các vị hương chức...

Nghe nhà sư nói sẽ giúp dân làng "trừ con cọp này", các vị hương chức bán tin bán nghi, lại thêm nơm nớp lo sợ, vì có người dám nói "phạm" đến "ông". Nhưng rồi mấy ông cũng sai người thết đãi hai thầy trò nhà sư bữa cơm chay và lo dọn chỗ cho họ nghỉ đêm nay. Tối lại, sau bữa cơm chiều, hai thầy trò ngồi xếp bằng dưới đất tụng niệm. Xong đâu đó, chú tiểu nằm lăn ra ngủ, còn nhà sư thì vẫn còn ngồi tịnh cho tới khuya.

Sáng sớm, nhà sư đã thức dậy tụng niệm. Rồi hai thầy trò dùng bữa, xong "lên đường". Theo sự chỉ dẫn của làng, hai thầy trò đi về hướng đình nơi mà mỗi lần về từ rừng sát, "ông" đều phải đi ngang qua đây. Hai thầy trò kẻ trước người sau, thầy đi trước, trò đi ở phía sau. Mỗi người đều có đem theo "khúc cây" mà họ dùng để gánh hàng từ trên núi xuống, vác trên vai. Đến trước đình, hai thầy trò dừng chân nơi miếng đất trống phía trước đình. Đứng nhìn quanh một lúc, nhà sư ngồi xuống bãi cỏ, chấp tay trước ngực, tịnh, cây côn bọc sắt để bên cạnh. Chú tiểu cũng ngồi xuống phía sau, cây côn để nằm bên cạnh, cũng chấp tay trước ngực. Chú ngồi không yên, thỉnh thoảng chú quay lại phía sau như để canh chừng...

Hình như biết trước chuyện, đêm qua "ông" không về. Dân làng tránh được một đêm tang tóc. Mọi người ở trong nhà, đóng kín cửa theo dõi. Rồi không biết lát nữa đây "ông" có về không? Ai nấy im lặng, hồi hộp chờ. Nhìn ra nơi miếng đất trống, nhà sư vẫn ngồi bất động, chú tiểu vẫn ngồi phía sau, thỉnh thoảng quay qua quay lại. Rồi họ nhìn ra phía rừng sát, trông đợi.

Mặt trời đã lên cao. Bầu không gian đang im lặng bỗng bị phá vở. Mấy tiếng gầm vang lên từ phía rừng sát: "ông" về! Tới bìa rừng, đang phóng nhanh tự nhiên "ông" dừng lại, đứng nhìn về phía làng. Người ta chăm chú nhìn, "nín thở", lo lắng. Chú tiểu hơi nhớm người như muốn đứng dậy, nhưng thấy nhà sư vẫn ngồi im, chú ngồi lại. Từ phía bìa rừng, "ông" như đã thấy, hướng nhìn về phía hai thầy trò. Nhìn một lúc, "ông" chậm chạp đi về phía đình, đi được mấy thước lại đứng lại, tiếp tục nhìn. Nhìn một lúc lại đi, rồi lại dừng. Thân mình to lớn, lớn bằng con bò mộng, đi uốn éo, hơi giật giật vì chỉ đi có ba chân. Và khi mà khoảng cách giữa người và thú chỉ còn cách nhau khoảng 20 thước thì nhà sư đứng lên cầm lấy côn, thủ. Chú tiểu phía sau đứng lên nhanh hơn thầy mình, vội chụp côn, thủ.

Cọp tiến thêm về phía người. Khi còn cách nhau chừng 10 thước, cọp dừng lại, ngồi xuống, đuôi vẫy qua vẫy lại, rồi ngó lơ đi chỗ khác như chẳng màng. Rồi quay mặt lại, cọp lấy "tay" cào cào dưới đất mấy cái, rồi đứng lên, đi đảo vòng về phía nhà sư. Thấy vậy nhà sư cũng đảo bộ, chuẩn bị, chú tiểu cũng "di" theo thầy để "yểm trợ" ở phía sau. Cọp đảo qua phải, nhà sư đảo qua trái. Cọp đảo qua trái, nhà sư đảo qua phải. Cứ như vậy cho đến khi hai bên "đối đầu", rồi cọp ra tay trước, nhào tới "vớt" một đòn "tay" phải. Nhà sư nhảy phóng qua trái của mình để tránh và vớt liền ngọn côn vào yết hầu cọp. Cọp liền đưa "tay" trái chụp côn, chú tiểu liền phóng lên, "bổ" ngọn côn xuống phá "tay" cọp cho vuột cây côn của thầy ra, nhân cơ hội nhà sư vội đâm gốc côn vào đầu cọp rồi quay ngọn côn vẹt liền hai "tay" của cọp để nó không tiện tấn công trò mình. Cứ như vậy trong thế liên hoàn tương trợ, hai thầy trò đã đấu với cọp hơn tiếng đồng hồ. Mô hôi đã thấm ướt áo hai thầy trò. Mồ hôi cũng đã rịn trán dân làng đang hồi hộp theo dõi. Nhờ bọc kín cho nhau, hai thầy trò chưa bị vết cào nào trong khi cọp đã lãnh nhiều đòn trí mạng của nhà sư và chú tiểu. Bị quần quá, cọp đã hơi "lơi tay".

Nhận thấy rõ được điều đó và ý thức được việc không thể kéo dài cuộc đấu, lợi dụng lúc cọp lầm khi bị "nhử" bên trái, nhà sư vội phóng mình qua bên phải, sử dụng ngón "tung bộ giáng côn" nhảy lên cao giáng xuống đầu cọp một đòn chí tử. Lãnh đòn, cọp rướn người. Nhà sư liền hạ bộ đâm thốc ngọn côn và yết hầu cọp, cọp đưa "tay" đở ngọn côn thì trong khi đó, chú tiểu sử dụng tiếp ngọn "tung bộ giáng côn" nữa vào đầu cọp, cọp quay qua phải để nhìn và dự định phản đòn thì lúc đó nhà ssư đã ở bên trái cọp cũng tiếp "tung bộ giáng côn". Cọp quay qua trái không còn kịp tránh hay đở thì phía bên phải chú tiểu lại giáng đòn. Cọp không kịp quay qua trái thì đòn đến từ phiá phải do nhà sư nghe đánh "bốp" thật to: cọp ngả quị xuống, đầu bị bể, máu phun vọt ra. Như để chắc ý, chú tiểu lại đi luôn một hơi ngọn "liên tam đả", ba đòn liên tục giáng xuống đầu cọp. Cọp ngả lăn, ra, mắt mở trừng, bất động ...

Thấy "tai nạn" đã qua, dân làng chạy ra để xem, và mừng nhà sư nhưng chưa dám tới gần. Họ vây quanh xa xa. Với con mắt "tinh đời", nhà sư biết cọp đã chết nhưng vẫn cẩn thận, cầm cây côn chỉ vào đầu cọp rồi dùng đầu côn vạch lỗ tai, đếm, nhà sư giải thích: "Con cọp này đã tới số rồi! Mà cũng may, nó mới giết có 87 người, nếu chậm vài ngày, nó giết được 100 người, nó thành tinh thì còn nguy hiểm hơn nữa!" ...

Đó là chuyện đã xảy ra ở quê tôi, Bà Rịa, một tỉnh ở miền Nam nước Việt Nam, lâu lắm rồi ...

Nguồn: www.bensongdinh.com


Message edited by LSK - Thứ Sáu, 18 May 2012, 1:05 AM
 
tieuthu_soma Date: Thứ Sáu, 18 May 2012, 9:38 AM | Message # 2
Colonel
Group: Users
Messages: 197
Status: Tạm vắng
 
atoanmt Date: Thứ Bảy, 19 May 2012, 2:53 AM | Message # 3
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng


AToanMT
 
FORUM » TRUYỆN HUYỀN HỌC » TRUYỆN HUYỀN HỌC » Cúng kỳ yên
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO