Thứ Tư
24 Apr 2024
3:21 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » TRANG TIẾU LÂM » CÙNG NHAU GÓP VUI » KHÔNG QUÂN DU HỌC
KHÔNG QUÂN DU HỌC
atoanmt Date: Thứ Năm, 13 Sep 2012, 7:02 AM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
Hey anh Toan nhung chuyen vui nay chac la rat quen thuoc ....doc lai cho vui

Sent from LONG TUYET BUI Winnipeg, Manitoba, Canada

CHUYỆN DU HỌC
(Kể Chuyện Đời Xưa trước 1975)

Khi được chọn vào Không Quân, hầu hết chúng tôi được gửi sang Mỹ để học bay. Trước khi xuất ngoại, chúng tôi bắt buộc phải qua một giai đoạn học Anh ngữ tại Việt Nam.

Thông thường mỗi người cần có khoảng sáu tháng thì mới đủ tiêu chuẩn để du học xứ người. Với sáu tháng rèn luyện một ngôn ngữ ngoại quốc thì thật sự vốn liếng hiểu biết của chúng tôi chẳng được là bao. Vả lại, từ một quốc gia chậm tiến như Việt Nam, đi đến một xứ văn minh nhất thế giới như Mỹ, thì còn rất nhiều thứ để học chứ không riêng gì ngôn ngữ.
Khi bước lên phi cơ, bộ quân phục mỗi chàng đều mang đầy đủ tên, huy hiệu cùng cấp bậc của mình. Trên vai bên trái là hai chữ “Viet Nam” nằm ngạo nghễ thách thức. Ngôn ngữ không thông, phong tục không rành, tên nào cũng háo hức ra đi, nhưng thật sự tên nào cũng lo lắng những bỡ ngỡ sẽ gặp nơi xứ lạ quê người. Những câu chuyện vui vui dưới đây diễn tả những gì mà những chàng “Phi công hào hoa” gặp phải!

ẤP ÚNG
Chuyện này do một ông niên trưởng của tôi kể lại:
Lần đầu tiên bước lên một chiếc phi cơ to lớn, anh Sinh Viên Sĩ Quân Không Quân rất là bỡ ngỡ. Xúng xính trong bộ quân phục trang trọng, anh không dám làm gì để mất mặt quốc gia. Sau khi phi cơ lên đến cao độ đã dịnh, một cô chiêu đãi viên hàng không đi mời hành khách dùng nước. Cô đến hỏi anh:
-“Would you like something to drink?”
Vì bất thình lình, anh Sinh Viên Sĩ Quan lính quýnh rồi ú ớ. Bao nhiêu vốn liếng Anh Ngữ anh vừa mới học không biết đi đâu hết. Cô chiêu đãi viên có lẽ có nhiều kinh nghiệm với khách ngoại quốc nên hỏi tiếp:
- “Coffee?”
Anh gật đầu. Cô lại hỏi tiếp:
- “Tea?”
Anh lại gật đầu. Cô chiêu đãi viên lại hỏi thêm lần nữa:
- “Milk?”
Anh lại gật đầu một lần nữa. Cô chiêu đãi viên ra đi, vài phút sau trở lại với cả ba thứ: coffee, tea và milk. Anh Sinh Viên Sĩ Quan thấy nhiều thứ quá quýnh lên, chẳng còn nhớ cách xưng hô mà mình đã học, lắp bắp nói:
- “ Thank..... You..... sir.”

THỊT HAM và BIA HAMN


Chuyện sau đây do một người bạn của tôi kể lại:
Sau khi đáp xuống phi trường San Francisco, tất cả du học sinh được đưa về Travis Airforce Base nghỉ qua đêm để ngày hôm sau đến Texas thụ huấn. Hai người bạn của tôi vào “Cà phê tía” (Cafeteria) để ăn tối. Một trong hai anh bạn của tôi tự tin là mình có thể nói tiếng Anh không trở ngại. Cầm cái khay trong tay, mạnh dạn đến ngay người đứng sau quầy, anh order:
- “Give me two hams.”
Người đứng sau quầy bèn đưa cho anh hai lon bia Hamn. Bất ngờ quá, anh ta bị ú ớ, không biết phản ứng làm sao, đành để hai lon bia Hamn trên cái khay, đi thẳng ra bàn và thú thật với bạn mình:
-“Tao order hai miếng thịt ham mà nó đưa cho tao hai lon bia Hamn!”
Đang đói mốc meo, hai lon bia Hamn không giải quyết được vấn đề. Sau cùng anh đành sắp hàng trở lại và lần này khôn hơn, anh dùng ngôn ngữ quốc tế:
“This.”
Với ngón tay chỉ vào cái khay thịt ham và mọi chuyện sau đó đều được ổn thỏa.

KING SIZE
Cũng tại cái “Cà phê tía” này, một anh trong nhóm của tôi đến quầy order fried chicken. Cái danh từ “Fried chicken” rất dễ nói và dễ hiểu nên anh tự tin không có gì trở ngại. Không ngờ người bán hàng hỏi ngược lại:
- “What’s size?”
Vì không phòng bị, cũng như chẳng hiểu người bán hỏi gì nên anh ta ú ớ. Thấy mặt anh ngớ ra, người bán hàng hỏi tiếp:
- “King size?”
Anh ta thật sự chẳng hiểu gì cả, nhưng sợ ú ớ lâu quá thì quê nên “yes” đại. Không ngờ hậu quả của chữ yes đó đã làm cho anh phải ôm một cái thùng fried chicken to tổ bố, vừa đi, vừa bỡ ngỡ, vừa kinh hoàng. Một điều đau đớn là anh ta phải trả hơn mười đô la cho fried chicken, lại còn phải năn nỉ người khác ăn giùm, thật đau điếng!
Những chuyện dưới đây là do chính tôi gặp phải:

MÁY BÁN SODA
Sau khi xuống phi trường Oakland, mặc dù đang là mùa đông, không hiểu tại sao cả toán của tôi đều bị khát nước kinh khủng. Trong lúc ngồi đợi xe bus để về Travis Airforce Base, chúng tôi thấy cái máy bán soda. Thấy, nhưng với áo mão đại diện cho Việt Nam, chẳng thằng nào dám tới mua để lộ cái nhà quê của mình. Mọi người ngồi chung quanh và nhìn chầm chầm vào cái máy này. Một vài thằng làm bộ đi lại gần để quan sát, nhưng thật sự cũng không tên nào dám đứng lại để mua.
Bất ngờ, một thằng con nít Mỹ khoảng mười tuổi tới mua nước uống. Khoảng ba mươi cặp mắt nhìn chằm chằm vào những động tác của thằng Mỹ con này. Sau khi thằng Mỹ con đi rồi, một thằng mạnh dạn từ từ bắt chước lại những động tác của thằng con nít đó. Một ly nước cam rớt ra, anh chàng đầu tiên mừng rỡ cầm lên uống. Thế là cả đám đồng loạt đứng lên sắp hàng để mua. Một điều tức cười là tất cả mọi người đều chỉ lựa nước cam mà thôi, bởi vì không ai dám bấm thử cái nút khác.

“PULL TO OPEN”
Sau khi về đến Travis Airforce Base, chúng tôi được xếp sáu người vào một phòng. Một anh lấy đồ đi tắm. Khi vào trong nhà tắm, loay hoay mãi mà anh vẫn không mở nước lên được. Anh ta gọi cầu cứu thì một anh thứ hai bước vào giúp, anh này cũng vặn sang trái rồi sang phải và cũng không có nước. Nghe ồn ào, tôi bước vào tìm hiểu. Bất thình lình anh chàng đầu tiên nắm cái cục vặn kéo ra. Nước bắn ra tung tóe, ba thằng chúng tôi đang đứng chen chúc trong cái phòng tắm chật hẹp nên nhảy ra không kịp, tất cả đều bị ướt. Thì ra là vậy: “Pull to open” cả bọn đều cười khanh khách vì vừa học được một bài học... ướt át.

NÓNG QUÁ / LẠNH THẤU XƯƠNG.
Thời tiết tháng giêng, mùa đông lạnh căm căm. Chúng tôi biết là nhà của Mỹ có máy sưởi, máy lạnh. Sau một hồi quan sát, chúng tôi nhận ra chỗ để chỉnh, nhưng thật sự chỉnh nhiệt độ như thế nào chẳng thằng nào biết, chỉ sợ rằng, thay vì bật sưởi, lỡ bật nhầm máy lạnh thì bỏ bu. Sau một hồi bàn tán, cả sáu thằng đồng ý là có sao để vậy người ơi, đừng có tài khôn mà mang họa. Tối hôm đó sáu thằng trong phòng tôi đều rên rỉ vì lạnh, mặc mấy lớp áo, quấn mền kín mít cả đầu lẫn mình mà vẫn thấy lạnh thấu xương, suốt đêm chẳng thằng nào ngủ yên giấc. Sáng dậy, vừa ra khỏi phòng, tôi gặp một thằng ở phòng kế bên, chưa kịp than với hắn là lạnh quá thì đã nghe hắn chửi thề:
- “ Đ.M. nóng quá!”
Tôi mở mắt tròn xoe nhìn hắn thì hắn giải thích:
- “Đ.M. mấy thằng không biết vặn tầm bậy tầm bạ làm nóng quá, tao phải xuống đất ngủ cho đỡ nóng!”
Tôi nghe xong không thể nhịn được cười. Tôi cũng nói cho hắn biết là phòng của tôi thì ngược lại: lạnh thấu xương!      ----------------

Thưở ban đầu ấy, những chàng phi công của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa là những anh chàng nhà quê ở xứ lạ quê người. Nhưng rồi, chỉ cần một thời gian ngắn ngủi, những anh chàng nhà quê này hội nhập vào đời sống của cái xứ văn minh nhất thế giới này một cách nhanh chóng. Chỉ một tuần lễ thôi, chúng tôi đã biết thế nào là “Sale,” thế nào là “Clearance Sale”.
Anh nào cũng biết xăm xoi những bảng giá màu vàng màu đỏ mỗi khi đi “shop.” Thậm chí, chỉ hai tuần sau, một anh trong nhóm của tôi còn khoe là đã làm “mánh” trên cái máy bán soda. Anh kể là sau khi bỏ tiền vào máy, anh đập nguyên bàn tay cùng một lúc vào nhiều nút lựa chọn, đồng thời khai triển cả quyền cước lẫn xô đẩy. Chỉ có vậy thôi mà cái máy bán soda đã thưởng cho anh gần mười lon nước.

KINH NGHIỆM ĐAU THƯƠNG
Có những kinh nghiệm mình học một cách dễ dàng, tuy nhiên có những kinh nghiệm phải trả một giá rất đắt thì mới biết được:
Tại Lackland Air Force Base, chúng tôi được ở trong những barracks to lớn và được sắp xếp hai người vào một phòng. Trong phòng mỗi người đều có tủ lạnh riêng. Nếu muốn nấu nướng thì có nhà bếp ở tầng dưới. Hầu hết du học sinh Việt Nam đến Mỹ đều thích tụ tập nấu ăn trong lúc rảnh rỗi. Cũng chính vì vậy, nên thùng rác trong phòng mỗi người thường hay có tàn tích của những thức ăn dư thừa.
Câu chuyện xảy ra là khi một con chồn hôi (skunk) vào lục lọi thùng rác của một anh trong barrack. Mặc dù cái mùi hôi của con chồn hết sức kinh khủng, nhưng vì bộ lông trắng đen của nó hấp dẫn quá, nên anh ta không cầm lòng được muốn giữ nó lại làm... của riêng. Kết quả thảm khốc thì quý vị có thể tưởng tượng được rồi: anh ta lãnh đủ cái độc chiêu từ cái đuôi của con chồn. Mùi hôi thúi của “độc chất” này đã làm cả barrack phải di tản. Riêng cá nhân anh thì phải vào bệnh viện, nơi đây anh được bác sĩ ưu ái thân tặng mấy cục xà bông thơm nhất với lời nhắn nhủ: “Ráng xài cho hết mấy cục xà bông đó nhé!”

Một tuần lễ anh được nghỉ học. Một tuần lễ chỉ làm có ba việc: ăn, ngủ và tắm. Một tuần lễ làm người cô đơn vì không một ai muốn đến gần anh ta.
Sau đó, cho dù là được đi học lại, tất cả mọi người trong lớp đều kỳ thị anh ra mặt: trông thấy anh, người nào cũng một tay bịt mũi, một tay cầm sách vở của mình dời sang chỗ nào xa anh nhất, không một ai muốn ngồi gần anh cả. Quả là một kinh nghiệm đau thương, tuy nhiên, nhờ vậy, anh đã để lại kinh nghiệm quý báu này cho những người đến sau...

GEAR UP, GEAR DOWN.
Trong cuộc sống hằng ngày, có những việc hết sức là thông thường, nhưng đối với những người từ một quốc gia có một lối sống hoàn toàn khác, thì những điều thông thường đó cũng cần phải học.
Trong Không Quân, danh từ “Gear-up” là để chỉ máy bay rút bánh xe vào sau khi đã cất cánh. Ngược lại là “Gear-down” để chỉ máy bay hạ bánh xe xuống trước khi đáp...
Khi vừa bước lên chiếc phi cơ vĩ đại để đến xứ người thì những chàng phi công tương lai gặp ngay cái cầu tiêu kiểu Mỹ. Nguyên tắc của cái cầu tiêu này nó hoàn toàn ngược lại với cái cầu tiêu ở Việt Nam.
Khi còn ở bên nhà, muốn làm cái việc trời sinh này, người ta ngồi chồm hổm, hai chân dính sát vào người, hay còn gọi là “Gear-up.” Sau khi đến Mỹ, muốn làm cái việc “tỉ tê” này thì lại phải thòng hai chân xuống, hay là “Gear-down.”
Những nhà cầu tập thể trong barrack cho du học sinh là một dãy nhiều cái dính liền nhau. ở phía dưới để trống để người bên ngoài có thể nhìn thấy là có người đang “bay bổng” bên trong. Sự việc xảy ra là nhiều cái nhà cầu nhìn phía dưới thì chẳng thấy ai, nhưng mà lạ chưa, sao cửa đóng then cài một cách chắc chắn vậy?... Nếu để ý, thì một lát sau, hai cái càng từ từ hạ xuống, thì ra là vậy, một chàng phi công đang biểu diễn “air show” với gear-up. Hầu hết các “air show” này là của phe ta, những người chân ướt chân ráo mới đến cái “Xứ Cờ Hoa” này.

Một ông sĩ quan liên lạc của Không Quân trong một cuộc họp mặt đã giáo huấn đàn em mới đến xứ Mỹ như thế này:
-“Mấy anh nhớ là sau khi cất cánh trong nhà xí, thì đừng có quên gear-down để đài kiểm báo nhận diện các anh. Tuy nhiên khi qua đến trường bay, sau khi cất cánh lên trời, thì nhớ gear-up, nếu không thì máy bay rớt...bỏ mẹ!...”

ĐÁI ĐƯỜNG
Nếu quí vị đọc và nghĩ bậy, thì đúng là ý nghĩa của nó đấy.
Đái đường có nghĩa là đái ở ngoài đường, không phải trong nhà cầu, cũng không phải là bệnh tiểu đường.
Tuy cái đầu đề có hơi thô tục, nhưng đó là điều tôi muốn diễn tả. Phân vân mãi, tôi không tìm ra được một danh từ thanh tao nào mà có thể diễn tả được cái hành động trần tục nhưng rất cần thiết này. Thôi đành giữ nguyên chữ đái đường vậy.

Tất cả những du học sinh đến Mỹ đều không có xe riêng. Lý do là không có tiền mua xe và việc lấy bằng lái cũng nhiều phiền phức. Hơn nữa những tai nạn xe cộ có thể gây trở ngại cho thời gian du học, cho nên Không Quân cấm khóa sinh lái xe.
Nếu cần ra phố San Antonio thì hai ba thằng gọi một chiếc cab để cho đỡ tốn kém. Do đó phương tiện di chuyển chính của tất cả du học sinh Việt Nam là “lô-ca chân.” Cho dù là Không Quân đi nữa thì cũng "đường trường xa, con chó nó tha con mèo" chứ không còn cách nào khác.

Lackland Air Force Base là một căn cứ Không Quân rộng lớn. Đi bộ từ chỗ này đến chỗ kia là...mệt nghỉ.
Ông Trời sinh con người ra có nhiều điều rắc rối: bắt mình ăn, bắt mình uống, rồi lại bắt mình cho ra. Chính vì như vậy đôi lúc phe ta bị kẹt giữa đàng, biết làm sao đây? Nhìn tới nhìn lui, thôi thì tìm cách giải quyết cho lẹ!
Một ông niên trưởng khu trục đi tu nghiệp tuyên bố với đàn em như vầy
“Đ.M. Tôi bảo đảm với mấy anh, giữa đêm khuya thanh vắng mà thấy một tên Mít đứng nhìn trời hiu quạnh bên đường, thì chắc chắn là còn một hoặc vài tên nữa đứng đái đâu đó!”

Lời tuyên bố của vị niên trưởng khu trục thật dí dỏm và đúng trăm phần trăm. Nhưng mà biết làm sao đây? Trời thì lạnh, đường thì xa vời vợi, niên trưởng chỉ biết chửi thề mà không chỉ đàn em cách giải quyết thì cũng như không! Vả lại, việc này cũng là nhân chi thường tình mà. Mấy thằng lính Mỹ sang Việt Nam, sau khi nhậu nhẹt ở mấy cái bar, tụi nó làm còn bạo hơn nữa đó. Mình làm lại trên đất Mỹ này thì coi như là huề mà, phải không niên trưởng?!!!...

“XOAY TRỞ”
Thời gian đầu tại Lackland Air Force Base thuộc thành phố San Antonio, Texas, chúng tôi được ôn lại số vốn Anh ngữ đã học ở Việt Nam. Mỗi lớp có khoảng mười người, thường là do một bà giáo đảm trách. Những thầy giáo dạy chúng tôi đều là dân sự, họ rất lịch sự và hay bàn thảo nhiều đề tài ra ngoài sách vở hầu giúp chúng tôi mở mang kiến thức về nước Mỹ, đồng thời họ cũng muốn tìm hiểu nhiều hơn về nước Việt Nam. Khi những đề tài bàn tới văn chương thi phú thì trời ơi, vốn liếng Anh ngữ của chúng tôi làm gì mà tới đó được!!! Nhưng mà không sao, người ta nói, trong cái khó nó ló cái khôn. Vả lại được lựa vào Không Quân thì phải biết xoay trở chứ, nếu không thì máy bay làm sao mà cất cánh được.
Khi bàn về sự phụ bạc của một người đàn bà, một anh Mít ta tài khôn dẫn giải một câu nói trong văn chương Việt Nam:
“Nàng ôm cầm sang thuyền khác.”
Nói tiếng Việt thì dễ lắm, nhưng còn phải dịch ra tiếng Anh cho bà giáo hiểu nữa. Với sự tiếp sức của đồng môn anh ta bèn dịch thành:
-“She takes the guitar goes to another boat.”

Đúng quá, sát nghĩa quá, chủ từ, động từ và túc từ đều đầy đủ. Duy chỉ có cây đàn thì không biết phải dịch làm sao cho chính xác! Thôi thì lấy đại cây guitar thế vào cho dễ hiểu, ai cũng biết cây guitar hình thù như thế nào mà phải không?

Khi đề tài đi vào sâu hơn, một anh cắc cớ bàn về hai câu:
“Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà thọ xương.”
Cái này mới rắc rối đó. Hồi chuông Thiên Mụ thì còn hiểu là chuông ngân lên của chùa Thiên mụ ở Huế, chứ canh gà thọ xương thì không thằng nào biết canh gà là mấy giờ mà thọ xương là cái gì? Không biết, nhưng mà đã lỡ tài khôn nói ra rồi thì cũng đành phải dịch, dịch sát nghĩa thì vừa không hiểu chính xác ý nghĩa của câu thơ, lại vừa không đủ chữ, thôi thì cương đại một cách ngắn gọn vậy:
“Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà thọ xương.”
Dịch thành:
“The bell rings, chicken soup.”

Vừa ngắn, vừa gọn, lại vừa có hương vị đậm đà của phở gà lòng trứng non nữa, tuyệt quá mà! Thế rồi sau khi dịch, cả bọn trong lớp đồng trình diễn một màn giải thích, vừa nói vừa múa chân tay, vừa diễn tả cả mặt mày lẫn thân thể. Bà giáo thấy thơ văn gì có mấy chữ mà cả bọn giảng hoài cũng không hết ý nghĩa của nó, đâm ra khâm phục cả một nền văn hóa thâm sâu của một dân tộc có tới bốn ngàn năm văn hiến...


CHÚ THÍCH
Kính thưa quý vị, “Chuyện du học” đã xảy ra hơn bốn mươi năm rồi. Ngày ấy những chàng trai trẻ theo nghiệp kiếm cung mới tuổi hai mươi, vì theo binh chủng hào hùng “đi mây về gió” nên có cơ hội đem chuông đi đánh xứ người. Gặp lúc khó khăn nên xoay trở dịch “Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà thọ xương” thành “The bell rings, chicken soup.”
Bốn mươi năm sau, chàng trai già này kể lại chuyện đời xưa. Nhân lúc Google ra website phiên dịch ngôn ngữ, tôi hăm hở nhờ dịch hai câu thơ bất hủ này. Cứ đinh ninh thời buổi thông tin hiện đại, “đỉnh cao trí tuệ” của loài người sẽ dịch hay hơn. Nào ngờ sau vài giây suy gẫm, tôi phá lên cười ha hả làm bà vợ của tôi ngạc nhiên. Tôi bèn chỉ cho bà ấy:
-Em coi nè, Google dịch:
“Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà thọ xương,”
thành
“Feedback tone Thien Mu, Life bone chicken soup.”
Rồi tôi lại tiếp tục cười ha hả:
-Em thấy không, sau bốn mươi năm trời, với những đầu óc siêu việt, Google “xoay trở” còn khó khăn hơn tụi anh hồi xưa nhiều đó..
Nói xong, tôi thích chí vừa cười vừa hát nghêu ngao: “Ôi phi công danh tiếng muôn đời........ù u u u ú ú...”
THAM KHẢO: http://translate.google.com.vn/#

“ĐỒ PHỤ TÙNG” CỦA ĐÀN BÀ

Trước năm 1975, những “đồ phụ tùng” của đàn bà làm tại Mỹ rất được các bà các cô ở Việt Nam ưa chuộng. Nhiều chàng phi công Việt Nam đến Mỹ, ngoài nhiệm vụ học cho thành tài để về phục vụ quê hương, còn thêm một nhiệm vụ nữa là mua về những thứ mà vợ hoặc người yêu của mình ưa thích. Ngôn ngữ không thông, đường xá không rành, vậy mà  phải mua những món hàng khó ăn khó nói đối với một người đàn ông nam nhi chi chí. Ấy vậy mà chỉ bốn tuần sau khi đến Mỹ, một anh trong nhóm của tôi khoe rằng:
- “Tao vừa mới gửi về cho vợ tao một thùng đồ.”
Một anh hỏi:
- “ Mới tới thôi mà mầy gửi cái gì về sớm vậy?”
Anh ta trả lời:
- “Thì là mấy cái đồ lỉnh kỉnh của đàn bà đó.”
Anh ta than thở về những sự khó khăn mà anh đã gặp. Anh nhăn nhó kể lại những điều khó nói, khó diễn tả với cô bán hàng. Một tên trong đám chợt hỏi:
- “ Nhưng mà mầy làm sao biết cái size của bả mà mua?”
Anh ta chưa kịp trả lời, thì một anh khác nhanh miệng lên tiếng:
- “Bộ mày không biết à, nó thủ sẵn cái bàn tay như vậy từ Việt Nam qua đó.”
Vừa nói, tên này vừa vênh váo, vừa đưa nguyên bàn tay xòe ra tượng hình cái ngực của người đàn bà...Cả bọn chúng tôi đều phá lên cười, chỉ trừ anh chàng gửi đồ về cho vợ thì lại cười với bộ mặt tẽn tò.

TỔ QUỐC, KHÔNG GIAN và EM.

Cho dù là nhiệm vụ khó khăn thế nào đi nữa, đã lỡ khoác lên người bộ chiến y của một binh chủng bị gán cho cái tên là “Hào hoa phong nhã,” thì những chàng phi công cũng đành phải ráng hết sức mình mang cánh bay về để đáp bên em...Ôi cuộc đời mà không có em, thì giống như là chiếc phi cơ của anh không có phi trường để đáp vậy!

San Jose, CA. Apr. 2010
Lạc Long Huỳnh Quốc Phú
(Hiền nội edit)

(Nhận qua email do Anh Nguyễn Được gởi)


AToanMT
 
LSK Date: Thứ Sáu, 14 Sep 2012, 10:16 AM | Message # 2
Major general
Group: Disciples
Messages: 484
Status: Tạm vắng
Ngày trước Thầy có tham dự là nhân vật trong câu chuyện nào ở trên không ạ.???


Vui quá xá lun.

Thầy.
 
cuongej Date: Thứ Sáu, 14 Sep 2012, 12:34 PM | Message # 3
Lieutenant colonel
Group: Disciples
Messages: 121
Status: Tạm vắng
happy smile
em còn biết chuyện "một người" cựu binh không quân vui lém, mà lúc đó còn "quậy" vui hơn nữa smile smile smile Trước khi đến Airforce Base, "người đó" còn được đi du lịch miễn phí và được thối lại kha khá tiền tiêu xài trong thời gian đi du lịch đó
 
LongTracAn Date: Thứ Bảy, 15 Sep 2012, 0:13 AM | Message # 4
Generalissimo
Group: admins
Messages: 3159
Status: Tạm vắng


Đại Bi Chú
 
socolar Date: Thứ Bảy, 15 Sep 2012, 8:58 AM | Message # 5
Colonel
Group: Users
Messages: 194
Status: Tạm vắng
happy happy happy
Nhớ không lầm thì "người đó" của chúng ta cũng từng đi mây về gió. Cả nhà có thấy cái hình "người đó" mặc bộ đồ bay hồi trẻ không? cũng oách lắm chớ bộ
 
daohoanam Date: Thứ Bảy, 22 Sep 2012, 6:59 PM | Message # 6
Major
Group: Disciples
Messages: 87
Status: Tạm vắng

Những kỷ niệm khó quên!!!... Dỉ dãng dỏm dễ dzì dấu diếm, mờ dấu diếm dễ dàng cũng là dỉ dãng dỏm...


Message edited by daohoanam - Thứ Bảy, 22 Sep 2012, 7:02 PM
 
FORUM » TRANG TIẾU LÂM » CÙNG NHAU GÓP VUI » KHÔNG QUÂN DU HỌC
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO