Thứ Năm
28 Mar 2024
12:14 PM
ĐĂNG NHẬP


Dưới đây là "Danh Mục" thu gọn,
xin mời bấm vào "tam-giác" nhỏ để chọn bài xem:









PHÒNG TÁN DÓC TRỰC-TUYẾN
KHÁCH 4 PHƯƠNG:

LỊCH
Search
CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT
<> Realtime Website Traffic

[ BÀI VIẾT MỚI · Forum rules · TÌM KIẾM · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
FORUM » XUÂN » XUÂN » TẾT (Song Thao)
TẾT
atoanmt Date: Thứ Bảy, 04 Jan 2014, 1:43 PM | Message # 1
Generalissimo
Group: Administrators
Messages: 5081
Status: Tạm vắng
TẾT


Song Thao


Ngày giáp tết nhận được qua e-mail một bài thơ. Bài thơ dài 36 câu. Mấy câu đầu như sau:

chưa lăn ra khỏi chỗ nằm
không đi đã tới sáu lăm mất rồi
thôi thì nhỏm dậy dòm chơi
cái râu, cái tóc, cái môi thế nào
đã ra sao, có làm sao
còn không mấy đống chiêm bao đóng dầy?


À, thế ra anh bạn Luân Hoán đã sáu lăm rồi đấy. Anh đã được chính thức làm hội viên của hội…quý tộc! Hội gì mà nghe…hoàng gia quá vậy? Đó là hội của những người chẳng làm gì cả mà chính phủ vẫn tháng tháng phải gửi chi phiếu trả tiền. Không gửi là…vi hiến, có quyền kiện cáo đàng hoàng về cái không đàng hoàng của chính phủ.

Cái hội cha chú như vậy có được mọi người thích thú khi đủ điều kiện được gia nhập hội không? Mấy ông bạn tôi chao đảo lập trường. Ăn tiền già thì muốn, nhưng già thì không muốn! Cái muốn này coi bộ làm khó nhau dữ. Cái gì trên đời mà chẳng có hai mặt, như hai mặt của một đồng tiền, muốn mặt này thì bắt buộc phải nhận mặt kia, không có cách nào khác.

Nhưng 65 tuổi, được nhà nước chính thức phong…già có thực sự là già không? Không! Già đâu đã bằng ba vị khách Nhật vừa tới du lịch Việt Nam ngày 8/1 vừa qua. Ba vị đều đã 106 cái xuân xanh! Tới 106 năm sống với đời mà vẫn đi chơi vung vít như vậy, ai bảo là già? Hỏi ba vị này thì chắc họ lại hỏi ngược lại. Ai bảo chúng tôi già?

Già là cụ bà Elizabeth Bolden người Mỹ kia kìa, là cụ ông Emiliano Mercado Del Toro người Puerto Rico kia kìa. Cụ bà 115 tuổi, cụ ông 113 tuổi, cả hai đều có môn bài già do sách kỷ lục Guinness phong cho đó! So với các bậc trưởng thượng này thì cái tuổi 65 của anh bạn Luân Hoán của tôi chỉ mới là tuổi…thanh niên!

Nhưng già và trẻ khác nhau thế nào trong ngày tết? Cũng chẳng khác nhau mấy. Thì cũng bàn thờ tổ tiên với mâm ngũ quả, cũng hoa hoét trưng trong nhà đào mai mấy nụ, cũng kẹo mứt xanh đỏ mang dáng xuân, cũng bánh chưng vuông vức truyền thống…

Chỉ có một khác biệt nho nhỏ. Đó là tuổi thanh xuân người ta nhìn thấy màu sắc trong những món tết, còn tuổi “thanh niên” 65 nhìn thấy thuốc thang trong đó. Cứ cầm món tiền hưu là y như rằng phải ngó tới cái bệnh tật lúc nào cũng muốn oanh kích lên đầu lên cổ.

Mâm ngũ quả ngày tết thường có một nải chuối tiêu xanh, một trái bưởi hay phật thủ vàng, cam và quýt chín đỏ, táo ta màu xanh. Ngũ quả là ngũ sắc. Ngũ quả cũng là ngũ…thuốc.

Chuối chữa được táo bón, nhọt độc, giun sán, hắc lào.
Bưởi thì đa năng: múi bưởi trị kém ăn, khó tiêu, đau bụng; vỏ bưởi trị đau ruột, phù thủng; đốt vỏ bưởi khô xông hơ vào rốn chữa cảm lạnh, đau bụng do lạnh dạ.
Phật thủ trị buồn nôn, làm tăng cường tiêu hóa, long đờm, trị ho.
Trái quất chữa khó tiêu và ho, hạt quất cầm máu và chống nôn. Quýt trừ đờm. Tinh dầu vỏ và lá quýt trừ ho, trừ đờm, trị kém tiêu.

Nhân hạt táo sao đen chữa an thần, ít ngủ, giảm trí nhớ; lá táo sao sắc uống chữa trẻ em hen sữa, lá tươi giã đắp để hút mủ mụn nhọt.

Cành đào ngày tết hoa lá cành hồng một sắc…tiếu đông phong cũng là cành thuốc. Lá đào tươi giã nát đắp chữa ghẻ lở, sắc uống chữa sốt rét, thái nhỏ ngâm vào cồn chữa mề đay. Chỉ 20 gram nhựa đào, tán nhỏ, uống với nước sắc địa cốt bì và râu ngô, mỗi thứ 30 gram chữa được bệnh tiểu đường!

Các thứ trái cây dùng làm mứt trong ngày tết cũng thuốc thang như ai. Bí đao, hạt sen, quất, dừa, táo…đều là những dược thảo.
Thứ không thể thiếu trong ngày tết là bánh chưng. Tết nhất đấy nhưng cũng thuốc đấy. Gạo nếp có thể chữa tê phù, tiêu chảy; đậu xanh giải độc, chữa mụn nhọt; hạt tiêu tăng tiết dịch vị, dịch tụy, kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột, tống hơi, giúp ăn ngon; lá dong non giải độc, chữa say rượu, rắn cắn.

Còn thịt heo có công dụng gì? Nó làm cho cái tết có vị tết. Tết mà không thịt mỡ dưa hành, không bánh chưng xanh, còn chi là tết.

Những cái tết sau 1975 trở nên thê thảm vì thiếu thịt. Thịt lúc đó được mua theo tiêu chuẩn. Công nhân viên nhà nước mới được sờ vào cái tiêu chuẩn này. Tôi vừa ở trại cải tạo về, lấy chi mà tiêu chuẩn. Chỉ có một tiêu chuẩn rất rõ ràng: đi kinh tế mới! Kinh tế mới…kinh hết hồn. Phải tìm mọi cách để tránh.

Cách duy nhất tôi tìm được khi đó là gia nhập hội Trí Thức Yêu Nước để được giới thiệu đi dậy học sau khi tham dự khóa học chính trị về lý thuyết Mác Lê. Tết năm đó, hội Trí Thức Yêu Nước chiếu cố bán giá cung cấp cho mỗi hội viên một ký thịt heo. Người nào người nấy mừng như bắt được vàng. Thông cáo thông tin rối rít. Rồi cũng có một cái ngày được ấn định.

Ngày hội hôm đó, các trí thức ngồi la liệt trên vuông sân trong khuôn viên trụ sở hội trên đường Nguyễn Thông, nét mặt tươi rói, chuyện trò rôm rả. Sổ mua thịt chồng cả đống trên bàn làm việc. Ai tới trước nộp trước, tới sau nộp sau, cứ theo thứ tự mà tên được cái máy phóng thanh gọi lãnh thịt. Đã lâu lắm rồi những người đã từng đau tim vì những tiếng loa gọi tên trong các kỳ thi mới có lại được cái cảm giác học trò ngày xưa.

Nhiều tên xướng lên nghe mà ngậm ngùi. Như tên các vị Viện Trưởng, Khoa Trưởng, Giáo Sư Đại Học nổi danh. Như tên các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia chỉ thấy trên các báo ngày xưa. Nói thì nhanh như vậy, nhưng cầm được miếng thịt heo trong tay thì không được trơn tru mau chóng.

Chúng tôi ngồi vất vưởng trên những rễ cây, thành xi măng hoặc ngồi phệt dưới đất trông chờ. Nghe tiếng heo kêu eng éc là mắt sáng lên. Cả giờ sau, khi chú heo xấu số đã được phanh thây thành từng kí thịt xong xuôi, tên những người trúng tuyển mới được xướng danh. Chưa đầy nửa tiếng, tiếng loa phóng thanh lại im ắng. Chúng tôi lại vểnh tai chờ nghe tiếng heo ọc lên giã từ cõi đời trong niềm vui chung.

Cứ thế, tôi chờ từ sáng tới xế chiều. Hết heo! Lao xao trên sân. Tiếng loa phóng thanh yêu cầu mọi người chờ heo bổ xung. Cứ chờ thì cũng có lúc tới. Chú heo được kéo lếch thếch từ ngoài cổng vào bằng một sợi dây thừng cột quanh cổ, ưỡn ẹo đi ngang qua hàng rào đậm đặc chất xám, mặt nào mặt nấy tươi như đã thấy tết đang đủng đỉnh tới. Khi chú heo vừa diễu hành qua hàng dàn chào…danh dự kêu la thảm thiết trong pháp trường ở căn phòng phía sau là lúc lũ trí thức chúng tôi hồi hộp trông chờ.

Trời sụp tối, tôi cũng sờ được kí thịt heo, lòng vui như…tết! Gói ghém cho kỹ, ấn sâu trong giỏ xe đạp kẻo bị quân cướp đường giật mất, tôi chở tết về nhà, chỉ còn thiếu điều muốn hát vang lên trên đường!

Có trải qua những giây phút hồi hộp vì ký thịt ngày tết như vậy mới cảm thông được với nhà thơ Thanh Tịnh. Cũng ngày tết, cơ quan tổ chức mổ heo ăn tết, mỗi người được chia phần hai ký thịt. Nhà văn Thanh Tịnh lúc đó đã về hưu nhưng theo lệ của cơ quan thì hưu vẫn cứ được phần như thường. Người tổ chức giết heo năm đó sơ ý quên mất nhà văn. Ông biết nhưng không biết nói sao.
Sáng 29 tết, Xuân Thiều đến thăm nhà văn. Chuyện vãn một hồi, Thanh Tịnh mới hỏi:

“Này ông ơi, mai kia tôi chết ông có cúng tôi không nhỉ?”

“Anh cứ nói dại, mà anh trăm tuổi thì tôi cúng chứ!”

“Cúng gì?”

“Ít nhất là bát cơm quả trứng.”


Nghe xong, Thanh Tịnh điềm nhiên:

“Thế thì xin ông cho cúng trước vào tết này đi. Thay vì bát cơm quả trứng là hai cân thịt heo nhé!”

Xuân Thiều hiểu ngay sự tình, vội về cơ quan xin bổ xung phần thịt heo tết cho nhà văn đã về hưu!

Văn thơ mà cũng về hưu nữa sao?
Những người viết lách chúng tôi khi nào còn cái gì trong đầu để chia sẻ với người đọc thì vẫn cứ viết, khi nào thấy không viết được nữa thì nghỉ viết, hưu hiếc gì đâu!

Chẳng hạn như lễ Giáng Sinh vừa qua, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong một e-mail cho tôi, đã than thở là nhiều tháng qua chẳng viết được gì, lý do chính là lười, nhưng cũng có phần e ngại là mình chẳng còn điều gì để viết ra, nếu cứ cố viết thì cũng chỉ như dọn món nguội cho độc giả.

Nhưng người viết trong chế độ Cộng sản có khác:
họ đã biến thành những cán bộ ăn lương tháng. Đã ăn lương thì có hưu. Và đã là cán bộ thì đương nhiên có đẳng cấp, ngôi thứ, loại ngôi thứ không dựa vào phẩm chất của những tác phẩm mà dựa vào những tiêu chuẩn khác chẳng ăn thua gì tới việc viết lách cả. Vậy mới có những quan văn nghệ. Như Xuân Diệu chẳng hạn.


Mồng một tết, nhà thơ Vũ Quần Phương đến chúc tết Xuân Diệu. Xuân Diệu hỏi:

“Năm nay em in được nhiều thơ tết không?”

“Em làm bên Đài, bận lắm, chỉ in được một bài ở báo Văn Nghệ”.


Xuân Diệu hớn hở:

“Thế mà tớ in được năm bài. Ở cái đất nước không có quy luật giá trị như nước mình in được như thế kể cũng lạ. Thì ra thiên hạ cũng có con mắt xanh đấy chứ! Thơ tết là thậm khó vì nó là tinh hoa, tinh chất. Mỗi năm chỉ có một lần tết thôi mà!”

Năm sau, nhà thơ Vũ Quần Phương nhất định làm thơ tết. Trên các báo tết năm đó, anh in được sáu bài, còn Xuân Diệu năm ấy chỉ in một bài. Mồng một tết, Vũ Quần Phương lại đến chúc tết Xuân Diệu. Không thấy ông anh nhắc gì tới chuyện thơ tết, anh định nhắc nhưng thấy Xuân Diệu lớn quá lại không dám.
Không hỏi thì hóa ra cố gắng của mình bị uổng phí, Vũ Quần Phương đánh liều:

“Thưa anh, năm nay anh in được nhiều thơ tết không ạ?”

“Cái…..cái gì. Cậu…..cậu hỏi…..cái gì?”


Vũ Quần Phương hơi hoảng vì anh biết lúc cáu giận, Xuân Diệu thường có tật nói lắp. Anh rụt rè nhắc lại câu hỏi. Xuân Diệu trừng mắt:

“Thơ tết hả? Tết thì ai đọc thơ mà in! Thằng quanh năm lam lũ, tết có bánh có thịt thì lo ăn. Thằng bận đến chúc tết bố mẹ vợ, đứa lo đi chưng diện áo quần, người đi hội, kẻ đi chợ hoa, có ai có thời giờ đọc thơ.
Chỉ có thằng rồ thì mới lo in cho nhiều thơ tết!


Vũ Quần Phương cười gượng. Ngồi một lúc, anh cáo từ:

“Năm mới, em chúc anh mạnh khỏe, viết hay hơn năm ngoái.”

Xuân Diệu lại trợn mắt:

“Năm ngoái mình viết cũng hay đấy chứ!”

Miệng nhà quan có gang có thép, các cụ dậy như thế từ ngàn xưa. Chỉ có điều là các cụ không phải là các nhà tương lai học nên không đoán được là trong một đất nước nhố nhăng sau đó, người ta lại có loại quan văn nghệ!

Viết báo tết luôn luôn là một công việc vừa vất vả, vừa thích thú. Chưa thấy bóng dáng tết mà đã lo tô điểm cho tết. Những ngày Sài gòn nóng rẫy cuối năm, mồ hôi mồ kê đầy người, người viết đã phải chấp bút ca tụng chúa xuân. Càng ca nhiều thì càng hy vọng có cái tết đầy đủ.

Bởi vì làng báo Sài gòn hồi đó có cái lệ bất thành văn nhưng luôn luôn được tôn trọng là bài đăng trong báo xuân được trả nhuận bút gấp đôi! Ngoài cái thú đầy túi đó, người viết còn có một cái thú khác là nhìn thấy bài của mình trong những trang báo đẹp đẽ được độc giả cẩn trọng nâng niu trong những ngày xuân.

Tết là một thứ thuốc hồi sinh tuyệt diệu. Con người như được tái sinh trong niềm vui, lòng người chan hòa phấn khích, người người đều cảm thấy như được trẻ lại. Xuân của đất trời cũng là xuân trong từng cõi lòng của mọi người.

Qua bao ngày lửa đạn
Đất về với mùa xuân
Như em về với anh
Qua những ngày sóng gió
Ở ngoài kia, đường phố
Màu áo chen màu hoa
Anh có nghe: ngoài ga
Tiếng con tàu đang gọi.
(Xuân Quỳnh)


Tết gọi xuân, xuân gọi người, người gọi lòng, lòng nào lòng nấy như ăn gian được thời gian. Cái trẻ trung ào ạt bao phủ mọi con người. Nhà thơ cách chi mà không trẻ lại. Nhưng có già đâu mà không trẻ? Danh tướng Mac Arthur đã nói câu bất hủ:
những người lính không chết, họ chỉ biến đi!

Tôi vẫn nghĩ là mình đúng khi vẫn đinh ninh rằng những người viết không già đi, họ chỉ thêm tuổi!

Trở lại với cái tuổi 65 của nhà thơ Luân Hoán, sức mấy mà già! Còn mơn mởn sức…trai! Cứ thử đọc mấy câu cuối của bài thơ sinh nhật thì biết ngay! Nếu già thì còn cõng kiếc gì được nữa!

chưa lú nhưng chắc dật dờ
lâu lâu thoáng nghĩ bàn thờ đặt đâu
và rồi ở đó bao lâu
nại hà kiều dẫn về đâu cho cùng?
về đâu cũng giữ dài lưng
để mà cõng cái vô cùng của em
tháng giêng nhờ vậy giàu thêm
bài sinh nhật của một tên yêu đời.


Song Thao


AToanMT
 
thanhlongphapsu Date: Chủ Nhật, 05 Jan 2014, 3:19 AM | Message # 2
Generalissimo
Group: users
Messages: 1380
Status: Tạm vắng
 
kathy Date: Chủ Nhật, 05 Jan 2014, 11:56 AM | Message # 3
Colonel general
Group: Users
Messages: 900
Status: Tạm vắng
 
FORUM » XUÂN » XUÂN » TẾT (Song Thao)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


TỰ-ĐIỂN TRỰC-TUYẾN :

Từ Điển Online
Bấm vào dấu V để chọn loại Tự-Điển
Gõ Chữ muốn tìm vào khung trắng dưới đây:
Xong bấm GO